Tuesday, September 29, 2015

Chứng chỉ thời gian


Tác giả: Xuân Đức


xuanduc.vn : Vở kịch này tôi viết năm 1988, đã được Trường GĐại học sân khấu - điện ảnh dựng năm 1990. Nay đăng lại như là chút kỉ niệm. 


Kịch dài 2 phần 5 cảnh 
NHÂN VẬT
Hiền         : Quá khứ 19 tuổi, hiện tại 43 tuổi
Phan         : Quá khứ 32 tuổi, hiện tại là giám đốc công ty di tích lịch sử văn hóa 56 tuổi
Toại         : Người cùng thờivới Phan - Hiền
Lưỡng      : Người cùng thời với Phan - Hiền
Thoa        : Con gái của Hiền, 23 tuổi
Nguyện     : Con trai của Toại, 25 tuổi
Một số chiến sĩ quân giải phóng, lính Mỹ, Ngụy

PHẦN THỨ NHẤT
I
Mùa xuân năm 1970, mặt trận rừng miền đông - không gian hoành tráng - Từng đoàn quân ra trận - Bài ca "Tiến về Sài Gòn" rộn ràng giục giã...
Hiền, một cô gái trẻ, quân phục giải phóng, bồn chồn nhìn theo đoàn quân... Rồi cô quay vào võng tập hát  một mình bài "Tiến về Sài Gòn". Từ phía sau Phan xuất hiện ngắm nghía Hiền đắm đuối, Phan tiến sát đến mức Hiền nhận ra làn hơi nóng phía sau. Hiền giật mình quay lại...
Hiền     : Kìa Trưởng Ban! (Nhảy ra khỏi võng) Báo cáo trưởng ban!...
Phan     : (Cợt nhả) Đừng gọi tôi thế... giờ này không phải là giờ hội họp hay công tác. Cứ gọi là anh Phan có phải thân mật hơn không?
Hiền     : Dạ... dạ thưa thầy...
Phan     : Ừ... thì gọi thế cũng được. Dù sao tôi cũng có dạy em một vài tiết học. Mặc dù bây giờ đã làm trưởng ban dân vận, tôi không còn ngồi trên bục giảng nữa. Nói như người đời vẫn nói tôi "mất dạy rồi". (Cười) Hiền ơi... Hiền!
Hiền     : Dạ thưa thầy...
Phan     : Sao Hiền quá khách khí thế! (Lặng ngắm) Em có điều đáng quý hơn nhiều kẻ khác là, là dù tôi có dạy thay thầy Hoàng vài tiết, mà nay em vẫn nhớ gọi tôi bằng thầy. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư sách xưa vẫn dạy thế. Nhưng việc ấy chưa phải quan trọng. Đáng ra em phải nhớ việc này. Từ một cô giao liên vùng giáp ranh cực kỳ nguy hiểm ai đã xin cho em được lên trên này, công việc nhàn nhã, tính mạng cũng đỡ bị đe dọa.
Hiền     : Thưa thầy... nhưng nguyện vọng của em là được trở lại ấp...
Phan     :  Sao?
Hiền     :  Báo cáo trưởng ban, từ hôm được điều lên đây em cứ thấy mình nhàn nhã quá. Nói thật với trưởng ban em không muốn sự nhàn nhã như thế này.
Phan     :  (Cười khẩy) Thế đồng chí muốn gì?
Hiền     :  Học tập Nghị quyết được biết cả mặt trận đang náo nức lập công, tất cả đang dốc sức cho thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thế mà hơn 3 tháng nay ở ban dân vận tôi chẳng được giao một việc gì cả...
Phan     :  Đồng chí có hiểu vì sao không?
Hiền     :  Không. Tôi chỉ có cảm giác là, chính trưởng ban không cho tôi đi đâu cả.
Phan     :  (Phá lên cười) Tôi thì có quyền hành gì. Tất cả là do cấp trên, do tổ chức... Hừ, mà đáng lẽ chính đồng chí phải biết lấy điều ấy chứ.
Hiền     :  (Ngây thơ) Em làm sao mà biết được ạ?
Phan     :  Không biết! Không biết mà lại dám yêu.
Hiền     :  (Kinh ngạc) Yêu? Thế nghĩa là...
              (Vừa lúc ấy Lưỡng vào, tay xách giỏ rau, không ai nhìn thấy anh)
Phan     :  Thứ nhất, điềukiện chiến trường, hoàn cảnh chiến đấu, cơ quan không thể chấp nhận chuyện tình ái yêu đương lúc này. Mới về có mấy ngày đã yêu.
Hiền     :  Nhưng... Em với anh Lưỡng biết nhau từ trước kia mà.
Phan     :  Từ trước cũng phải gác lại! Đấy là điều thứ nhất. Điều thứ hai cô cũng thừa biết bố Lưỡng hiện làm gì? Hắn làm rạp trưởng một rạp chiếu phim trong thành phố. Như thế có nghĩa là tên đại tư sản, vừa là kẻ tàng chứa tuyên truyền đầu độc nhân dân thứ văn hóa nô dịch độc hại, là công cụ của chế độ bán nước. Hơn nữa, bản thân y thường xuyên giao tiếp với Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Xanh Ga Po... Ai mà xác định được mục đích của các cuộc giao du đó.
Hiền     :  Trời ơi! Có phải vì thế mà tổ chức đã loại bỏ tôi?
              (Hiền sững ra vì đau đớn. Lưỡng định chạy nhào vào... nhưng rồi anh nén lòng cam chịu. Lưỡng quay đi, cúi đầu nư chạy)
Phan     :  Nhưng em yên tâm đứng quá lo Hiền ạ. Dù sao thì.. cũng còn có anh. (Tấn công) Anh sẽ che chắn cho em... Anh sẽ đề nghị chi bộ kết nạp em vào Đảng. Thế là Ban mình sẽ có 2 Đảng viên. Anh và em. Chúng mình sẽ cùng di họp với nhau, là đồng chí của nhau (sà xuống) Em... Anh nói vậy em có hiểu cho anh không?
Hiền     :  Kìa thầy...
Phan     :  Đừng... đừng gọi thầy nữa. Anh cóc cần cái danh hiệu ấy... Anh chỉ cần có em.
Hiền     :  (Hốt hoảng) Trưởng ban!
Phan     :  Ban với bệ gì... Anh yêu em... Anh chỉ cần có vậy thôi...
              (Quỳ xuống chân Hiền) Anh yêu em...
              (Toại vô tình lao vào)
Toại     :  Báo cáo trưởng ban... Ôi cha mẹ ơi... (Bịt mắt mình lại)
Phan     :  (Vừa ngượng, vừa tức, gắt) Chuyện gì?
Toại     :  Dạ... không có chuyện gì cả. Em không thấy gì cả.
Phan     :  Sao đồng chí lại run vậy?
Toại     :  Em sợ...
Phan     :  Sợ cái gì?
Toại     :  Sợ trưởng ban
Phan     :  (Cười khẩy) Quái lạ. Đáng ra tớ phải sợ cậu chứ.
Toại     :  Không. Em sợ trưởng ban. Lúc nào em cũng sợ trưởng ban!
              (Đột ngột) Trưởng ban cứ coi như em không hề nhìn thấy... hoàn toàn không nhìn thấy...
Phan     :  Đồng ý. (Bắt tay) Mãi mãi không nhìn thấy.
Toại     :  Dạ. Vĩnh viễn không nhìn thấy.
              (Lưỡng vào)
Phan     :  À, các cậu về cả rồi. Tốt. Bây giờ đồng chí Hiền đi nấu cơm. Chú ý đừng để lộ khói. Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng. Đồng chí Lưỡng qua hậu cần nhận thịt hộp về cho Ban còn tôi và đồng chí Toại chuẩn bị đi công tác về ấp.
Lưỡng  :  Anh Phan. Lúc trưa anh bảo tối nay tôi cũng được đi ấp kia mà?
Phan     :  À, đấy là ý tôi. Nhưng còn tổ chức cấp trên nữa chứ. Khổ thế đấy. Tôi thì lúc nào cũng mong muốn mấy anh em mình sướng khổ có nhau, sống chết có nhau... Thôi đồng chí Toại đi theo tôi.
              (Phan đi, Toại nhìn theo Lưỡng và Hiền ái ngại rồi cũng đi theo Phan)
Hiền     :  Anh Lưỡng! (Im lặng, đau khổ, Hiền đến bên Lưỡng)Anh... (ôm Lưỡng khóc) Anh đừng buồn, đừng nghĩ ngợi gì cả. Mặc kệ họ, ai muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Mình cứ trung thành với cách mạng và cứ yêu nhau, cứ yêu nhau mãi mãi nghe anh!(Im lặng) Anh Lưỡng!... Sao anh cứ im lặng thế? Em sợ lắm. Anh nói đi! Nói đi! Đừng im lặng thế?
Lượng  :  (Nhìn Hiền) Thôi, quên anh đi Hiền ạ!
Hiền     :  Anh Lưỡng!
Lưỡng  :  Quên anh đi (Ôm ghì lấy Hiền) Quên anh đi! Quên đi...
Hiền     :  (Nức nở) Quên anh đi là quên tất cả. Cái làng xác xơ bé nhỏ của mình... cả cái tuổi thơ cực khổ mà vô cùng đáng thương... cả những khi vượt ấp nằm hầm. Quên anh là quên hết.
Lưỡng  :  Ừ, quên hết. Quên hết đi!
Hiền     :  Nhưng như thế thì sống đi làm gì?
Lưỡng  :  Không thể vì anh mà đời em bị liên luỵ.
Hiền     :  Thế còn con?
Lưỡng  :  (Giật bắn mình) Sao? Con? Con?... Trời ơi, em đã có rồi sao?
Hiền     :  Anh, chẳng lẽ đó không phải là niềm vui? Chẳng lẽ đó lại là nỗi đau đớn của chúng mình? Không. Anh Lưỡng! ... Chúng mình đã có con. Đời chúng mình có cơ cực đến mấy thì con chúng mình nhất định sẽ sung sướng. Con chúng mình nhất định sẽ được hạnh phúc. Phải thế không anh?
Phan     :  Khẩn trương nghe chưa? Khoảng năm giờ chiều là xuống núi.
Toại     :  Rõ ạ.
Hiền     :  Thôi em phải đi nấu cơm đây. (Vội vã ra ngoài)
Toại     :  (Vào) Mày vẫn chưa đi lấy gạo à? Còn buồn hả? Thôi, thây mẹ cuộc đời, buồn cái cóc khô gì. Giá như đổi được tao đổi quách cho mày.
Lưỡng  :  Đổi cái gì?
Toại     :  Bố mẹ! Trên đời này cái gì cũng đổi chác được cả, trừ bố mẹ. Mà khỉ thật, thiếu quái gì nghề làm ăn, bố cậu lại chọn nghề chiếu phim.
Lưỡng  :  Bố cậu là nghề gì?
Toại     :  Nghề... liệt sĩ.
Lưỡng  :  Nghề gì?
Toại     :  Liệi sĩ. Bố mình đã hy sinh từ hồi chống Pháp kia. Đấy, ông cụ đã chọn một công việc mà gia tài để lại cho con cái thật vô giá. Theo tớ, muốn bản thân mình sung sướng nhưng con cái khổ thì chọn nghề chiếu phim như bố cậu. Ngược lại, không có nghề nào để phúc lộc lại cho con cháu lớn bằng nghề hy sinh. Thôi, tớ phải chuẩn bị lên đường đây. Đêm nay vào ấp... biết đâu mình lại được nối gót bố, để lộc lại cho thằng bé hai tuổi của mình. Chào cậu.
Lưỡng  :  Khoan! Toại ơi!... (Níu bạn lại)Này, tất cả những điều đồng chí nói là nghiêm túc đấy chứ?
Toại     :  Cực kỳ nghiêm túc, đồng chí Lưỡng ạ.
Lưỡng  :  Chẳng lẽ hy sinh lại là một công việc.
Toại     :  Là một công việc. Công việc cho mai sau.
Lưỡng  :  Thế... theo đồng chí... hoàn cảnh tôi lúc này... có nên hy sinh không?
Toại     :  Khoan! Cậu khoan hy sinh đã. Chưa đến lúc đâu.
Lưỡng  :  Tại sao?
Toại     :  (Ghé vào tai)Vì cậu chưa có con. (Bỏ đi)
Lưỡng  :  Khoan đã. (Kéo bạn lại) Thế giả dử... mình cũng đã có.
Toại     :  Sao? Cậu đã có... thế thì chết to rồi.
Lưỡng  :  Sao?
Toại     :  Nếu đúng thế thì ông Phan sẽ kỷ luật cậu. Kỷ luật nặng nề đấy.
Lưỡng  :  Mình không sợ kỷ luật.
Toại     :  Tất nhiên rồi. Cái thân mình đây thì sợ cái con khỉ gì. Nhưng tội nghiệp cho đứa con... Ông nội thì tư sản làm nghề chiếu phim. Bố lại bị kỷ luật vì hủ hóa...
Lưỡng  :  Không. Mình sẽ lên gặp lãnh đạo. Mình dứt khoát phải xin đi ấp... (Vụt chạy đi)
Hiền     :  Anh Lưỡng! (Với Toại) Có chuyện gì thế! Anh nói cái gì với anh Lưỡng thế?
Toại     :  Nói về tương lai đồng chí Hiền ạ!
                                                Tắt đèn

II
              Đêm. Bìa rừng. Đại quân ta truy quét giặc. Kẻ thù la hét thảm hại. Quân giải phóng tràn lên, cờ mặt trận phấp phới...
              Sau trận chiến náo nhiệt là khung cảnh im lặng tĩnh mịt. Phan lồm cồm bò phía trước. Toại dìu Lưỡng bám theo. Lưỡng bị thương nặng...
Toại     :  Cố lên mày! Lưỡng ơi. Tỉnh lại đi đã, cố lên mà sống... CỐ mà sống Lưỡng ơi... Quân ta đang thắng to, mày có nghe tao nói không?
Lưỡng  :  Thôi... Tao không sống được nữa đâu... mày cứ để tao nằm đây... chạy đi...
Toại     :  Không. Đừng chết Lưỡng ơi! Cố mà sống. Trên đời này không có gí quý hơn cuộc sống cả...
Lưỡng  :  Có đấy... Chẳng phải đồng chí đã nói với tôi như vậy... Tôi sẵn sàng hy sinh.
Toại     :  Trời ơ, đừng nói nhảm mày... nếu cần hy sinh thì... ừ, nhưng còn khối dịp. Nhưng bây giờ thì không nên... chưa nên... Kìa Lưỡng... Lưỡng...
Phan     :  (Nhào lại) Cậu không khe khẽ cái mồm được à? Bọn Mỹ đã đổ quân dày đặc bốn phía...
Toại     :  Thì cứ trông cho nó đổ quân, kéo địch ra càng nhiều càng tốt.
Phan     :  Im đi. Tất cả là do các cậu không chấp hành mệnh lệnh.
Toại     :  Sao lại không chấp hành mệnh lệnh?
Phan     :  Tôi đã bảo rút... rút thật nhanh. Thế mà cậu Lưỡng cứ lao lên bắn... Bắn cái con khỉ.
Toại     :  Nó đang thực hiện quyết tâm của nó.
Phan     :  Nó muốn quyết gì thì quyết, nhưng nó đã làm khốn nạn lây cho tất cả chúng ta.
Toại     :  Nó làm khốn nạn chúng ta!... Có thật thế không?(Ứa nước mắt) Lưỡng ơi, tỉnh lại đi, tỉnh lại mà nghe buộc tội mày ơi!
              (Bất ngờ súng lại nổ ran bốn phía)
Phan     :  Thôi, đồng chí ở lại đó với Lưỡng, tôi bò ra ngoài này, xem lối nào còn yên thì sẽ tổ chức rút. (Đi)
Toại     :  Trưởng ban!
Phan     :  Trời ơi, cái gì mà cứ toang toác lỗ mồm lên thế?
Toại     :  Anh Phan... anh bò đi... rồi nhớ bò lại. Đừng bỏ anh em tôi mà tội.
Phan     :  Đồng chí ăn nói thế à? Đồng chí coi thường trưởng ban thế à?
Toại     :  Dạ... Đó là tôi muốn nói...
Phan     :  Im đi. Chấp hành mệnh lệnh!
              (Phan bò nhanh ra, Toại lo lắng dõi theo)
Lưỡng  :  (Tỉnh lại dần) Nước... nước đâu?...
Toại     :  Lưỡng! Chịu khó một chút, cố thoát ra khỏi vùng này tha hồ uống nước.
Lưỡng  :  Tôi muốn... tôi muốn...
Toại     :  Mày lại muốn hy sinh chứ gì?
Lưỡng  :  Tôi muốn sống. Tôi muốn nhìn thấy mặt con tôi. Hiền ơi...
Toại     :  Khe khẽ thôi. Tôi lạy ông trăm lạy. Hiền với từ đâu lúc này. Bốn phía chúng mình toàn là bọn Mỹ.
Lưỡng  :  (Lại mê sảng) Hiền ơi!... Em... lại đây với anh! Lại đây...
Toại     :  Cha mẹ ơi, đến nước này rồi mà vẫn còn tình ái.
Lưỡng  :  Lại đây... Anh sắp chết rồi đây. Lại đây với anh. Anh van em (Hét to) anh van em!...
Toại     :  Chết chết... (Chạy vội lại) Đây rồi. Em lại đây rồi. Xin anh ngậm bớt cái mồm lại.
Lưỡng  :  Em! Hãy nói thật với anh. Em có còn yêu anh không?
Toại     :  (Thở dài) Đến là khổ.
Lưỡng  :  Hãy trả lời đi.
Toại     :  (Giật mình) Có... yêu lắm lắm...
Lưỡng  :  Vậy tại sao lại để cho nó vuốt ve em? Vì sao hắn lại vuốt ve em?
Toại     :  Vì hắn là một thằng khốn nạn.
Lưỡng  :  Hắn là một thằng khốn nạn. Tại sao em không vạch mặt nó ra?
Toại     :  Phải sống để vạch mặt nó ra...
              (Pahn tiến vào. Toại sững người. Lưỡng vẫn thềo thào mê sảng)
Phan     :  (Tỉnh bơ) Thế nào? Cậu Lưỡng có tỉnh lại được chút nào không?
Toại     :  Dạ... nó vẫn mê sảng, nói lung tung, dạ, nói tầm bậy tầm bạ...
Phan     :  Bằng mọi cách phải cứu cho được Lưỡng
Toại     :  Nhưng làm sao mà dìu cậu ấy về tới cứ?
Phan     :  Đồng chí Toại, nghe cho kỹ mệnh lệnh của tôi. Dọc theo mép đá này... tiến thẳng tới mép rừng ấy... là lối đi duy nhất còn an toàn. Bọn Mỹ chưa chốt quân phía đó. Đồng chí nhanh chóng bò ra theo hướng ấy, vượt khỏi vòng vây, tìm cách bắt liên lạc với bộ đội trung đoàn đang ém quân ở Khe Mướp. Nếu bắt được liên lạc, đồng chí dẫn đường cho họ quay lại đây cứu chúng tôi.
Toại     :  (Mừng rỡ) Nghĩa là... tôi được thoát ra ngoài một mình?
Phan     :  Tôi phải ở lại với đồng chí  Lưỡng, dù sống, dù chết tôi cũng không thể bỏ đồng đội.
Toại     :  Rõ. (Nhảy đi mấy bước chợt dừng) Nhưng... có đúng lối này bọn Mỹ chưa đổ quân không?
Phan     :  Ơ hay, chẳng lẽ tôi lại lừa đồng chí à?
Toại     :  Không ạ... nhưng... hay chúng ta cùng cõng Lưỡng vượt vòng vây?
Phan     :  Không thể cõng Lưỡng đi lúc này được. Đi một mình cậu. vừa bío mật, vừa nhanh, làm sao trong đêm phải về tới Khe Mướp. Cõng Lưỡng đi quá chậm. máu lại ra nhiều, rất nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa cậu ấy lại đang mê, lỡ nó hét toáng lên thì nguy to. Thôi, đi đi!
Toại     :  Nhưng... hay là...
Phan     :  Sao? Không dám đi một mình à? Vậy đồng chí ở lại đây với Lưỡng. Tôi đi (Định đi)
Toại     :  (Vội vàng) Ấy ấy... tôi, tôi xin đi... (Xách súng đi hấp tấp, lại dừng lại) Mà... đi đúng lối này phải không ạ?
              (Phan gật đầu. Toại ra khuất. Phan nhìn theo mỉm cười. Bất ngờ có tiếng súng, tiếng la hét... rồi tíếng Toại)
Tiếng Toại: Cứu tôi với! Tôi bị bắt... tôi bị bắt... cứu tôi... với...
Lưỡng  :  (Chợt choàng tỉnh) Cái gì thế? Ai kêu cứu thế? Ai bị bắt?
Phan     :  Nằm im đấy! (Đi)
Lưỡng  :  Anh Phan! Anh đi đâu?
Phan     :  Đi cứu cậu Toại! Cậu nằm im đấy, tôi đi cứu Toại đây...
              (Phan lẻn ra một lối khác ngược chiều với hướng đi của Toại) 
                                                Tắt đèn
                           ( còn nữa )

 Đăng ngày 20/07/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan