Wednesday, September 30, 2015

Khi một đứa trẻ sinh ra


Tác giả: Xuân Đức

  Một đứa trẻ sinh ra
Bao người già xích lại
Nào ông bà nội, ngoại
Nào bạn hữu gần xa...
Ôi những cây cổ thụ
Xúm xít quanh chồi non
Quy luật này đâu có
Trong thiên nhiên rừng ngàn ?

Cổ thụ không ý thức
Ngày mai mình lìa đời
Còn người già biết trước
Ngày đó đã đến nơi.

Tuổi trẻ thường ao ước
Chiếm chỗ cuộc đời này
Người già thì mong được
Chỗ mình có người thay.

  Đăng ngày 28/05/2008

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn Sinh - 29/05/2008

Ôi những cây cổ thụ
Xúm xít quanh chồi non

-------------------------------
Nhìn chồi non mơn mỡn
Cổ thụ ghé môi hôn !

  Gửi bởi: Cát Miên - 29/05/2008

Xin chúc mừng chú nhé!!! Chúc cho em bé chóng lớn nà.Kiss
  Gửi bởi: Bạn đọc - 30/05/2008

Tre già, măng mọc
may thì vươn thẳng, rủi còi cọc
già lo mất ngủ, trẻ muốn ham
việc đời là thế, luôn khó nhọc
 

  Gửi bởi: Khach - 30/05/2008

Người già là đứa trẻ nhiều tuổi. Còn con trẻ là ông/bà già không chịu lớn. Sự luân hoán này dường như xảy ra thường xuyên. Thật thế Bác ạ. Hôm qua, em thấy một cụ già (80 tuổi) nhậu với một chú nhóc (U20) và thật khó phân định tuổi (tâm lý), vì "cái bóng hồng" tấn công cụ già nhiều quá. Tội nghiệp! hihihi
  Gửi bởi: Út - 30/05/2008

Một cuộc đời, có ý kiến vui, chia làm 5 hồi (từ khi sinh ra đến khi rời cõi tạm): 1. Hồi nhỏ; 2. Hồi hộp; 3. Hồi xuân; 4. Hồi tưởng; 5. Hồi trống. Em thấy Bác lúc ni hào hứng  với hồi tưởng (biết là đang ở hồi 4 mà). Nhưng em vẫn cứ muốn Bác cho một bữa "ô mai" của hồi 2(lứa tuổi ô mai thích lắm, Bác nợ). kính
  Gửi bởi: Xuân Đức - 30/05/2008

Cũng có hồi hộp đó chứ, nhưng chủ yếu là do đau tim thôi. Thậm chí có bạn Môn sinh còn comment đến ý nói rằng đừng ham hố lắm mà toi ( tức bỏ qua giai đoạn 3,4 tiến thẳng đến đoạn 5). Út hãy mở mục thơ đọc lại bài Năm tháng ơ hờ.. sẽ thấy có hồi hộp. Hi !..
  Gửi bởi: li - 12/06/2012

"Khi một đứa trẻ sinh ra" thật hay, đầy ý nghĩa
Theo như Út nói thì tôi thấy mình cũng ở giai đoạn..."hồi tưởng"..."60 năm cuộc đời". Nhưng hồi bé thì tôi cũng thích "hồi tưởng" lại lúc...bé hơn thế. Quá khứ lúc nào cũng lung linh, sống động...Ai 30t vẫn còn trong giai đoạn..."hồi hộp". Nếu bỏ qua giai đoạn 3 và 4 thì chắc là dành cho những kiếp "hồng nhan bạc phận" vốn luôn "sống mãi tuổi đôi mươi"...
"Ôi những cây cổ thụ
Xúm xít quanh chồi non
Quy luật này đâu có
Trong thiên nhiên rừng ngàn?"
Nhà văn đã đặt dấu chấm hỏi ở đây...Trong tất cả các loài sinh vật chỉ có loài người là loài độc quyền có được linh hồn. Nếu ta không thích tin phần "linh" thì ta vẫn có thể tin ở phần "hồn". Có tâm hồn nên ta mới có thể có được tình yêu. Có người lại nói tình yêu cũng có thể đã biến thành..."cái đuôi an ủi" nơi các con vật chăng? Chỉ có loài người mới có tình yêu...Và linh hồn là bất tử..Dẫu biết rằng chính bản thân ta phải tự tiêu diệt "tham, sân, si" đi thì cuộc đời mới mong thoát khỏi trầm luân, bể khổ...nhưng sao ta vẫn cứ hoài yêu...
Nhà thơ Xuân Diệu có lần đã viết
"Làm sao sống được mà không yêu
Không thương không nhớ một kẻ nào..."
Nhưng có thể cũng có những người không yêu bằng tình yêu đôi lứa mà dâng cả cuộc đời, cả tâm hồn, cả trái tim yêu cho 1 Đấng, cho 1 lý tưởng mà họ tôn thờ suốt đời này...Tình yêu này đối với họ còn thiêng liêng hơn cả tình yêu đôi lứa...Tình yêu là trái ngọt cuộc đời nên tình yêu vô điều kiện này sẽ là ngọt ngào, không tìm khổ đau...Tình yêu đôi lứa vốn dĩ ngọt ngào, tựa mật trong hoa...làm xao xuyến biết bao..nhưng có khi cũng nhiều đớn đau...
Rồi "khi 1 đứa trẻ sinh ra", niềm mong đợi bấy lâu đã đến...Loài người đã và sẽ ngự trị khắp nơi trên đất...

"Cổ thụ không ý thức
Ngày mai mình lìa đời
Còn người già biết trước
Ngày đó đã đến nơi..."
Khi 1 người nói ngày ấy "đã đến nơi" tức là người ấy đã trải nghiệm gần như tất cả...Chắc có lẽ ai cũng có thể linh cảm được 1 điều gì đó mơ hồ trước khi giã từ "đất khách"...Ta có cần chuẩn bị gì cho chuyến du hành ngược dòng về nơi "hun hút gió thổi cát bay mịt mù" không?
Hay ta
Cứ ăn cứ uống cứ say
Chừng nào...xuống lỗ...sẽ hay...

Tôi thấy câu này rất hay
"Tuổi trẻ thường ao ước
Chiếm chỗ cuộc đời này!"
 

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan