Wednesday, September 30, 2015

Thăm bạn ở bàu thuỷ ứ (*)

 
Tác giả: Xuân Đức

 Bốn mươi năm mới gặp nhau
Ôm tôi, mắt bạn cười nhăn nhúm
- Còn sống là may, sống được là may rồi..
Có vẻ mày vất vả lắm thay
Tóc cứ lơ phơ như cỏ
Làm quan đếch gì cho nặng nợ
Như tao có phải nhẹ một đời ! 
Tôi thăm hắn hay hắn thăm tôi đây
Mà lại dành tôi để nói
Để xoa tóc, vỗ lưng, véo vào đầu gối
Hỏi đùa : chuyện nớ còn khá không?

Xoè bàn tay chùi sạch bụi trên bàn
Chè xanh rót tràn bát bự
Rồi trịnh trọng tuyên bố :
Tao mời đặc sản quê choa. (**)
Sắn luộc trồi vung
Muối vừng thơm nghẹt mũi
Giọng xứ Thanh đã nặng trạng Vĩnh hoàng.

Bạn kể chuyện làm nông
Chia đều trong năm
mỗi ngày được ba nghìn bạc lẻ.
Miếng sắn nuốt nghẹn ngang giữa cổ
Tôi nhìn bạn rưng rưng..

Chia tay nhau khi chiến trận vừa ngưng
Tôi xô dạt chân trời góc bể
Bạn về cắm đời vào đất đỏ
Tự nguyện làm cây lưu niên

Ôi cây lưu niên đã ngoại lục tuần
Ba nghìn đồng một ngày thoả chí
Chỉ tiếng cười là còn rất khoẻ
Như chồi xanh vẫn nhú giữa trời giông

Hỡi bạn bè tôi ở mười phương
Có ai nghe được tiếng cười của hắn ?
Chắc là không.
Cuộc sống quá ồn ào và bận rộn
Chắc là không.
Tôi tin thế và buồn...

--------


CT:
(*) Bàu thuỷ ứ ở thôn Tây 2 xã Vĩnh Tú- tức Vĩnh Hoàng cũ, nơi có truyền thống nói chuyện trạng rất đặc sắc.
(**) Tiếng địa phương, nghĩa là quê tôi, quê mình

 Đăng ngày 15/05/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Quê - 15/05/2008

Từ "Bạn đến chơi nhà" của cụ Yên Đỗ đến "Thăm nhà bạn ở bàu Thuỷ Ứ" của nhà văn Xuân Đức là "cú nhảy" vượt rào về thi pháp cổ điển. Câu thơ như kíp nổ bật tung  niêm luật để trả lại cái diễn trường cuộc sống như chính nó vốn vô thường. Tuy có cùng đề tài nhưng biên độ hiện thực mở ra trong bài thơ của nhà thơ hiện đại Xuân Đức, nói ngôn ngữ thông tục là sự "tung hê" buồn vui cuộc đời mỗi khi hào hứng bốc lên không cần sự kìm nén giả tạo. Chân mộc nhưng lôi cuốn và hiệu quả thẩm mỹ mang lại từ bài thơ chính là ở chỗ ấy. Và đấy cũng là tình yêu hoà nhịp sống của tất thảy trái tim con người. 
  Gửi bởi: Quê 2 - 15/05/2008

Thơ là thơ nhưng trước và trên hết là sự trải nghiệm. Sự trải nghiệm một khi "đồng nhất hoá" được các cá thể thì trở thành siêu nghiệm. Đọc thơ Xuân Đức, ta có cảm giác như mình đang cùng bơi với tác giả trên dòng chảy siêu nghiệm đó. Cám ơn nhà thơ đã truyền ấn tâm nghiệm đó cho tha nhân (nếu ai có cùng sự chia sẻ).
  Gửi bởi: Quê 3 - 15/05/2008

Nói đến tình bạn là nói đến sự trân quý lẫn nhau. Sự trân quý chân thành thường không nằm ở lời lẽ giao tế "khuôn mẫu" của hệ đạo đức sắp đặt, mà ở  cái sự thật pha chút  bông đùa, phá lệ...Nói theo ngôn ngữ nhà lính, càng "trần trụi", càng "bỗ bã" mới hoá giải được những gian khổ chịu đựng để dựng nên bệ phóng lạc quan đời sống. Có lẽ vì thế mà người ta nghĩ ngược chiều về một giọng thơ vẻ như "xuất thê" của anh.
  Gửi bởi: Môn sinh - 16/05/2008

Thơ hay cốt ở chữ tình
Bạn quê chân mộc nên mình chiều theo
Với người da thịt nhăn nheo
Giọng thơ cũng phải lên đèo xuống thung
Ví bằng hót tiếng yến oanh
Thì thơ lạc nẽo hoá thành sáo bay
Bài thơ bác quả là hay !
 

  Gửi bởi: TST - 16/05/2008

Lời bình hay hơn cả thơ ! Thế mới biết cái tình dễ lay động những người có tâm biết chừng nào. Cảm ơn các bạn. Thế này có lẽ tôi phải chữa khổ thơ :" Hỡi bạn bè tôi ở mười phương
Có ai nghe được tiếng cười của hắn?
Có đấy, có đâý
Cuộc sống dẫu ồn ào nhưng vẫn có người tâm lặng
Nên tôi tin và vui !


 

  Gửi bởi: Môn sinh - 16/05/2008

Chửa gì tuỳ bác Trúc ơi !
Giọng quê xin bác giữ lời giọng quê
Đã từng gạo hẩm cơm khê
Ham chi bơ sữa để ê ẩm lòng
Đừng mê chữ ngọc chữ vàng
Giọng quê ta nói cho làng ta nghe !
 

  Gửi bởi: khanhanh - 29/06/2008

tất cả chỉ là cái cớ. Cái cớ để làm thơ. Đúng không bác? Nhưng cháu rất mừng là cái đọng lại trong những câu chữ ấy. Con người ta sống cốt ở cái tình và bác đã làm được điều đó khi "rửa tay gác kiếm!". Bác đã trở về thăm ba cháu sau chặng đường dài mỏi mệt quan trường! Ba cháu đã rất xúc động khi bác về và kể cho cháu nghe những mấy lần liền. Khi nào cũng "cái ông XĐ còn nhớ đến ba đó con" hay là "bây giờ ông ấy trở về thật sự với cái tình của thưở lính tráng ngày xưa của ba rồi". Nhưng có lẽ ba cháu không nghĩ đến chuyện trong bài thơ của bác có hình ảnh ba cháu - người bạn cũ. Chắc ba cháu sẽ sướng rơn lên, cho dù cháu hiểu - người bạn cũ cũng chỉ là cái cớ để bác bộc bạch nỗi lòng mà thôi! Cảm ơn bác thật nhiều!
  Gửi bởi: Xuân Đức - 29/06/2008

Ôi trời thì ra con đó à, mấy lâu nay có lướt qua trang của Bác không mà im hơi lặng tiếng vậy. Cháu nói có phần đúng. Bài thơ bao giờ cũng có sức bay cao hơn nguyên cớ ( hay gọi là chất liệu)>Tuy nhiên bài này Bác viết cốt là tặng riêng cho ba cháu đấy. Chỉ tiếc là chưa mang về trở lại được để tặng. Cháu in ra giấy mang về giúp bác đi. Nói là khi nào ba vào Đông Hà nhớ ghé Trúc sơn trang chơi . Chúc vui vẻ, hạnh phúc nghe.
  Gửi bởi: li - 13/06/2012

"Bốn mươi năm mới gặp nhau
Ôm tôi mắt bạn cười nhăn nhúm..."
Đã già hết rồi phải không...Đôi mắt bạn cũng cười theo, đôi mắt ấy đã "nhăn nhúm" vì thời gian của cả những bốn mươi năm chưa có ngày gặp lại...
"_Còn sống là may, sống được là may rồi..."
Thật xúc động...Đúng rồi! Chiến tranh mà! Mất mát và tang thương khắp chốn...Ai cũng gánh chịu chung...Không sao rồi... "Sống được là may rồi..." Nghe như lời tri ân cuộc đời...
"Xòe bàn tay chùi sạch bụi trên bàn
Chè  xanh rót tràn bát bự..."
Hình ảnh chân chất, bình dị, thật dễ thương của những con người chân quê...Cái chất bụi bặm của miền hoa cỏ mới tinh khiết làm sao...Và bàn tay của người dân quê bao mùa mưa nắng dãi dầu...Bàn tay chai sạn ấy xòe ra lau vội bụi vướng trên bàn để tiếp bạn phương xa...Tôi đã bắt gặp điều này...
Thức uống chỉ có bát nước chè...Với bát chè xanh đã lớn mà còn được rót tràn...như tình cảm đong đầy giữa 2 người bạn...
"Sắn luộc trồi vung
Muối vừng thơm ngạt mũi..."
Sao...ngon quá...Hương vị đồng quê tỏa ngào ngạt đâu đây...
"Hỡi bạn bè tôi ở mười phương
Có nghe được tiếng cười của hắn..."
Đã nghe được tiếng cười của người bạn hiền và đã thấy được cả cái nhìn rưng rưng không thể thành lời:
"Bạn kể chuyện làm nông
Chia đều trong năm
Mỗi ngày được ba nghìn bạc lẻ
Miếng sắn nuốt nghẹn ngang giữa cổ
Tôi nhìn bạn rưng rưng..."
Giọt nước mắt giấu vào trong của sự cảm thông, chia sẻ...
"Chia tay nhau khi chiến trận vừa ngưng
Tôi xô dạt nơi chân trời góc bể
Bạn về cắm đời vào đất đỏ..."
Bạn thì về "cắm đời" vào đất đỏ quê cha... Tôi thích 2 chữ "cắm đời"...Cắm cúi, cặm cụi cả cuộc đời cho nghiệp nhà nông...
Nhà văn kể về người bạn của mình và dùng chữ "bạn" và "tôi" nghe như thuở còn non trẻ xa xưa...
Lời thơ gần gũi và thân quen như tiếng nói quê nhà...
Môn Sinh:
"Ví bằng hót tiếng yến oanh
Thì thơ lạc nẻo hóa thành...sáo bay...

Đừng mê chữ ngọc chữ vàng
Giọng quê ta nói cho làng ta nghe..."

1 người bình đã nói người bạn cũ là "cái cớ".Thật không sai, và ngoài "cái cớ", còn có thêm cả chữ "nghĩa tình" rất quan trọng giữa 2 người bạn với nhau...
Sau khi "gác kiếm" từ giã chốn "quan trường", người đồng chí trờ về thăm lại bạn xưa...Thật ra trong cuộc đời, mấy ai có dịp gặp lại những người thầy, những người bạn...mà họ đã từng được gặp gỡ trong đời mình năm xưa...Bởi vì trái đất tuy tròn nhưng làm sao ta có thể đi hết cả 1 vòng trái đất...
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau...

Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
ĐỒNG CHÍ!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi...
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng...
Trăng treo...
(Đồng chí- CH)
 

 

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan