Wednesday, September 30, 2015

Văn tế Liệt sĩ đôi bờ sông Hiền Lương

 
Tác Giả: Xuân Đức

Xuanduc,vn : Tôi nhận được giấy mời của Sở VHTT tỉnh đi dự " Ngày hội thống nhất non sông" và khánh thành công trình tôn tạo di tích Đôi bờ Hiền Lương. Lòng tôi vô cùng xúc động, bồi hồi nhớ lại lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tổ chức vào ngày 30/4/2002, kỉ niệm 30 năm giải phóng Quảng Trị, Ngày đó, trước hàng vạn đồng bào, đồng chí và quan khách từ Trung ương đến địa phương, tôi đã khăn đóng áo dài đọc bài văn tế liệt sĩ. Hôm nay tôi xin đăng lại bài văn tế này, cũng coi như là thắp thêm nén nhang cho đồng đội, đồng bào đã ngã xuống trên con sông giới tuyến nhân ngày Thống nhất non sông. Đây còn là món quà riêng tặng bạn thơ Văn Công Hùng như lời hứa hôm nọ.
VĂN TẾ LIỆT SỸ ĐÔI BỜ SÔNG HIỀN LƯƠNG
 (do tác giả phụng xướng tại " Ngày hội thống nhât non sông" lần thứ nhất ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương.)
Quê ta
Trập trùng núi thẳm, dãy Trường Sơn quằn nặng gánh sơn hà.
Chấp chới cát vàng, "đại trường sa" gồng mình ôm đất nước.   (1)Trên có trời xanh
Dưới là nước biếc
Thổ thần một bến sông Hiền
Văn nhân đôi bờ hào kiệt.
Nhớ xưa kia:
Chim kêu vượn hú, ai gọi tên "ác địa ô châu"
Truông rậm sông dài, kẻ biết đến đèo cao lũ xiết
Thương người vỡ đất, khai khẩn làng nên hạt lúa, củ khoai
Nhớ kiếp chiến chinh, lập đồn ấp dẫu trăng tròn, trăng khuyết
Bên này bờ bắc: đất đỏ lòng vàng
Bên ấy bờ nam: Địa linh, nhân kiệt
Châu Minh Linh thủa trước chung mái nhà đôi huyện Bắc - Nam
Sông Bến Hải thời nay bắc câu hò thuỷ chung thắm thiết
"Vì dù đèn tắt thì đã có trăng..."
"Cho dẫu tro tàn còn da lông mọc...." (2)Một thời kháng chiến, nắng cứ vàng sắc lửa hùng thiêng
Mấy thủa binh đao, trời vẫn xanh màu xanh da diết
Người mẹ Gio Linh : nghe tin con giặc giết nửa đêm đi lấy đầu về  (3)Người vợ thuỷ cần : Căm hận đốt đồn thù dù chỉ ăn cơm bữa diếp  (4)Những tưởng bền gan kháng chiến ngóng đợi ngày rợp bóng cờ vui
Ai hay con nước rạch đôi, kẻ thù lại cắt da chia thịt
Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan
Nọ là Võ Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt.
Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên
Đưa lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết...(5)Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương  (6)Chí ở ngọn cờ hai ngón tay hẹn ngày thống nhất   (7)Tiếng mõ "liên gia diệt cộng" trắng vành đai, trắng rợn khăn tang
Pháo hạm, máy bay thét gầm, đỏ máu người, đỏ lòng đất thép
Cột cờ gãy mấy lần dựng lại cao hơn  (8)Cầu đổ sập bao phen bắc qua nối nhịp.
Một hàng rào điện tử, lũ ngông cuồng muốn chặn bước chân ta
Trăm lối nẽo vượt sông, đường huyền thoại cho muôn đời đi tiếp
Ngày 20 tháng 3 sấm rền chớp giật, Dốc Miếu "mắt thần" bị đập nát tả tơi
Ngày 11 tháng 11, lưới bủa kín trời, Không lực Hoa Kỳ nhớ ngày đen tối nhất   (9)Địa đạo Vĩnh Linh vang lời ca dân tộc bất diệt, dù nhà tan cửa nát cũng ừ
Sông nước Gio Cam, vọng tiếng hò quê mẹ quân reo, dẫu đá nát vàng phai đâu tiếc...
Có tát cạn Cửa Tùng cũng phải thống nhất Bắc - Nam
Thề đốt cháy Trường Sơn, nguyện giành tự do - độc lập
Ôi Giang sơn thu về một mối, mát lòng người mẹ vá cờ   (10)Ôi đất nước trọn vẹn ngày vui, ấm trái tim đau của Bác!
Hỡi ôi!
Để có ngày đoàn tụ, bao máu xương đổ xuống sông này
Vì nghĩa cả đồng bào, gương liệt sỹ kể sao cho xiết
Những bến đò A, đò B, Giang phao, Hói cụ, thân ai ngã xuống giữa dòng?
Bao hầm Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Xuân Mỵ, Xuân Long xác ai còn vùi trong cát?
Máu lặn xuống đáy sông, nước vẫn xanh ngăn ngắt, nhớ thương mặn chát khôn nguôi
Xương chìm sâu lòng đồi, hoa cứ đỏ bồi hồi, nghĩa nặng ngậm ngùi khói biếc
Hôm nay:
Quê hương đổi mới nhờ địa lợi mà bát ngát màu xanh
Nội lực phát huy lấy nhân hoà để vượt qua thử thách
Ngày hội vui thống nhất, lồng lộng cờ hoa trên bến dưới thuyền
Năm lễ trọng hai miền, đồng vọng nhớ về đôi bờ di tích
Tạo hoá vốn vô cùng
Âm dương dù cách biệt
Văn tế một bài
Hoa đèn nghìn chiếc
Lòng thành cầu cho anh linh người mất an giấc ngàn thu
Tâm sáng mong sao đất nước bình yên, đường dài tới đích!
Tổ tông muôn năm mãi mãi ngậm cười
Con cháu vạn xuân đời trung liệt!
                         Phụng tác ngày 31/3/2002
-------------

Chú thích:


•(1) Lê Quý Đôn gọi dãy đồi cát dọc theo bờ biển Vĩnh Linh là Đại Trường Sa.

•(2) Những câu ca dao tiêu biểu của Quảng Trị.

•(3) Lấy ý từ lời bài hát của Pham Duy.

•(4) Xóm Xuân ở Vĩnh Kim (Vĩnh Linh), thuở chống pháp được gọi là xóm Bần của làng Thuỷ Cần, là nơi điển hình của sự nghèo đói. Người ta kể lại rằng, có gia đình suốt năm ăn sắn, đứa cháu thương ông quá bảo mẹ nấu cho ông bữa cơm, mẹ bảo: Ông vừa mới ăn cơm bữa diếp!..(bữa diếp: tiếng địa phương tức là hôm kia)

Chị Trần Thị Thỏn là một liệt sỹ nổi tiếng trong trận đánh đồn Thuỷ Cần năm 1952

•(5) Những năm tháng sông Hiền Lương trở thành giới tuyến, biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng đã xảy ra. Người vợ ở bờ nam cố tình đưa áo ra bờ sông giặt rất lâu để nhìn qua bờ bắc, người chồng ở bờ bắc lại cố tình đưa lưới ra phơi để được nhìn thấy vợ ở bờ nam...

•(6) "Tình trong lá thiếp" và "câu hò bên bến Hiên Lương" là những ca khúc nổi tiếng của thời chia cắt bắc - nam

•(7) Những người chiến sỹ tập kết ra bắc, khi tiển đưa nhau ở cầu Hiền Lương đều đưa hai ngón tay, hẹn rằng chỉ hai năm là đoàn tụ.

•(8) Cột cờ và lá cờ Tổ Quốc ở Hiền Lương là biểu tượng bất khuất của Tổ Quốc. Mỹ đã trút hàng ngàn tấn bom xuống nhằm đánh sập cột cờ. Đã trên hàng chục lần cột cờ gãy, nhưng các chiến sỹ ở đầu cầu giới tuyến và dân quân địa phương vẫn cương quyết dựng trở lại.

•(9) Ngày 11 tháng 11 năm 1966, Quân dân Vĩnh Linh đã đánh trận hợp đồng tuyệt đẹp, bắn hơn 6 máy bay Mỹ. Bác Hồ gửi thư khen: "Đánh cho giặc Mỹ tan tành, năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng". Còn Tổng Thống Hoa Kỳ gọi là "một ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ"

(10) Mẹ Diệm ở làng Hiền Lương, suốt những năm tháng chiến tranh đã bám trụ lại dưới chân cột cờ. Ban đêm, mẹ lăng lẽ vá lại những chỗ rách của cờ do bom Mỹ, để sáng ra các chiến sỹ lại kéo cờ Tổ Quốc lên đỉnh cột. Mẹ đã mất và được yên nghỉ ngay ở gần sông Hiền Lương.

 Đăng ngày 26/04/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: HCD - 27/04/2008

chào bác!
cháu vừa vào nhà bác Đức Tiên thì nghe hai bác mới đi cà phê về. bác ĐT có nhắn là chủ soái TST bảo sao 1 tuần không thấy D ghé chơi. hehe
thực ra hôm nào cháu cũng có ghé nhưng không tiện comment thôi! chừ viết bác mấy dòng như "nhập gia xuất diện" vậy thôi!
riêng cái khoản cúng sớ thì nhớ có năm nào đó bác bận bộ đồ cúng màu xanh tế bên sông Thạch Hãn. rồi cái dịp VTV về làm Huyền thoại Trường Sơn hình như bác cũng vào vai trò này lần nữa. trong 1 bài viết "VĂN SỚ CÚNG GIA TIÊN" cháu có nhắc 1 đoạn về cái chuyên này. rằng ở ta các văn nghệ sĩ cũng đã vào cuộc...cúng tế.
mà mới đây thôi nghe đâu nhà thơ Thanh Thảo đi gặp 1 ông tiến sĩ ngành cúng tế là gì? (thôi tin trên lethieunhon.com)
chủ nhật rồi, chúc bác vui vẻ nhé!
HCD
 


  Gửi bởi: Xuân Đức - 27/04/2008

Về hưu không mang được gì về ngoài một bộ đồ cúng mà không có người để bàn giao lại. Thế cũng là lãi rồi. Hi hi..

  Gửi bởi: Đố là ai? - 28/04/2008

Tiểu thuyết thì rõ là tài
Làm thơ kể cũng một tay không vừa
Bây giờ xem thấy lạ chưa !
Muốn  làm thầy cúng nằm mơ thiên đàng


  Gửi bởi: Trúc Sơn Trang - 28/04/2008

Làm thơ chẳng được thành tiên
Còn viết tiểu thuyết thì phiền nhân gian
Chẳng nên duyên giưã  hồng trần
Lão đành tìm bạn cõi âm kết tình.
 


  Gửi bởi: TST - 28/04/2008

Đố điếc làm chi, hắn họ Trần
Thậm thụt mà không dám đăng danh
Cố tri đứa bạn đồng khoa cử
Sao cứ xỏ nhau chẳng nể tình ?
 


  Gửi bởi: người xa - 28/04/2008

Chẵng phải  Lê cũng chẵng  phải Trần
Đoán mà không đặng chớ lần khân
Trường văn đâu dễ ai cũng phéng
Bẻ rộng sông dài khéo lỡ chân


  Gửi bởi: trần bình - 29/04/2008

Ngày đại lễ lại đến rồi và cháu cũng đã từng nghe Lão đọc bài này trong cái ngày dó , năm đó . Lúc nớ cái dọng của Lão sang sãng trầm hùng hệt tướng quân truyền hịch dưới ba quân. Năm nay chưa thấy Lão có bài mới về cái ngày này, Lão làm một cái ngay đi .

  Gửi bởi: người xa - 29/04/2008

Đoán mải không  ra tớ phải lờ
Hoá ra thầy cúng cũng phất phơ
May thay đoán thử tiền không mất
Nếu mất e chừng núi cũng trơt
 


  Gửi bởi: TST - 29/04/2008

Gửi Trần Bình:
Lão nay cái giọng đã teo
Cái chân đã yếu, cái"liều" đã thun
Muốn làm ngay, sợ lại chùn
Thôi đành ngồi ngó quần thần múa may.
Gửi người xa:Cũng chẳng việc chi phải đoán già
Cái kim dấu mãi phải thò ra
Cõi âm cũng đủ dăm ba loại
Nếu không sao vẫn gọi Mồ ma

 


  Gửi bởi: người xa - 29/04/2008

Đã mang lấy tiếng thầy thiên hạ
Mà phải ngồi chờ cái thòi ra
Làm thầy không xứng ta làm thợ
Để khỏi mang danh ấy bụt nhà


  Gửi bởi: I love you - 29/04/2008

Núi dũng sông thiêng đến thế kia
Quảng Trị cần anh một văn bia
Nạm vàng chữ ngãi người đến đọc
Tâm hoà trí vững chốn chốn quê


  Gửi bởi: Văn Công Hùng - 29/04/2008

Bác ơi em đã cop cai đường link bài này vào blog của em rồi. Em cám ơn bác. Đọc lại bài này vẫn còn sởn da. Em đã xem trên tivi bác đọc bài này rồi. Em định hôm nay, nhân "Lễ rước đuốc" sẽ mang bài này về blog em cùng bài thơ THẦN của Lý Thường Kiệt chung một entry, nhưng rồi... em chỉ tải link về thôi. Chúc bác khỏe. Em đã cop cái comment bên blog em sang đây nhưng hình như nó chỉ lên link thôi.
Một lần nữa em cám ơn bác.


  Gửi bởi: lê vĩnh kim - 02/05/2008

 Xóm Xuân là ở xã Vĩnh Kim, xóm Bần, Thuỷ Cần xưa, nay cũng ở Vĩnh Kim, sao bác chú thích xóm Xuân ở Vĩnh Thạch vô đây? Bác lên phố mấy chục năm quên tên làng hết cả, phê bình bác Xuân Đức nha!

  Gửi bởi: Xuân Đức - 02/05/2008

Đúng rồi, đúng rồi, là Vĩnh Kim,tôi ghi nhầm. Xin lỗi Vĩnh Kim và xin đính chính với bạn đọc

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan