Thursday, October 8, 2015

Bản rondo mùa hạ - Cảnh I

Tác giả: Xuân Đức

xuanduc.vn: Kịch bản này tôi viết trong năm nay khi dự trại sáng tác kịch bản Vũng Tàu.. Đây là tác phẩm viết theo đơn đặt hàng của Hội NSSK Việt nam về đề tài : Tư tưởng Hồ Chí Minh.    Đáng ra chưa đăng vì vở chưa được công diễn. Nhưng đợt này bận viết kb Phim nên không có gì đăng. Sợ trang web trống vắng, đành post lên để bạn bè vào ra đỡ buồn.          
                        

                        Bản rondo mùa hạ

NHÂN VẬT: 
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hình ảnh mang tính biểu tượng, có thể xuất hiện trực tiếp trên sân khấu hoặc trên màn hình
A Thiện :      Chiến sĩ quân giải phóng,thanh niên dân tộc HMông nhân vật chỉ có trong quá khứ trẻ tuổi.
Trần Chinh Vũ: Chiến sĩ quân Giải phóng, sau này là Cựu chiến binh. Nhân vật bao gồm hai giai đoạn trẻ và già. 
Hoàng Phối    : Lính Nguỵ Sài gòn, sau này là Hoạ sĩ. Nhân vật có 2 giai đoạn trẻ và già
Nguyễn Phúc Mẫn: Trung uý quân Nguỵ. Nhân vật có 2 giai đoạn 
Davts Tomson  : Một Cựu chiến binh Mỹ, hiện làm phóng viên báo. Nhân vật cũng có hai giai đoạn trẻ và già.
Phương Lan    : Người tình của Hoàng Phối, sau này là bạn tình của Davits Tomson.
A Nam:  Con trai của A Thiện, con nuôi của Chinh Vũ.
Già A Mưng : Trưởng ban, bố của A Thiện 
Một số nhân dân, khách du lịch,  bộ đội, đồng bào dân tộc, lính nguỵ...   
CẢNH TRÍ CHUNG
 Không gian sân khấu là không gian ước lệ luôn chuyển hoá từ hiện tại về quá khứ.
           
Có thể chia không gian sân khấu làm 2 phần. Phần trên sân khấu là không gian chính. Phần dưới phía trước sát khán giả là không gian phụ thể hiện những con đường từ lối mòn trên rừng , đường Hồ Chí Minh huyền thoại hoặc là những con đường phố ở các thành phố mà câu chuyện kịch xẩy ra.
Ở không gian chính trên sân khấulấy cảnh trí một galerie làm bối cảnh chủ đạo. Trong phòng tranh này treo rất nhiều bức kí hoạ về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có một bức lớn vẽ cảnh Bác Hồ đứng giữa rất đông đồng bào dân tộc với đủ màu sắc rực rỡ làm chủ để chính đề cao tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Bác. ( Đây cũng chính là chủ đề của vở diễn.)
Những bức kí hoạ khác có thể gợi nhớ về một kí ức của tác giả để có thể từ tranh hiện ra cảnh thực của quá khứ.
Một dòng chữ làm tựa đề phòng tranh gắn ở một vị trí thích hợp   " Bản rondo mùa hạ"  
              CẢNH  I
( Trong khoảng tối mênh mang, nét nhạc rất nhẹ, giàu suy tưởng. Giọng đọc của phát thanh viên Đài truyền hình:
Nhắn tin: Liệt sĩ A Thiện, quê quán ở tỉnh Lai Châu, hi sinh tại bờ sông Tả Trạch, phía tây thành phố Huế. Khi hi sinh, trên ngực áo liệt sĩ có tấm huy hiệu Bác Hồ. Ai biết phần mộ liệt sĩ hiện ở đâu xin nhắn cho anh Hoàng Phối tại Galerie 12 Điện Biên Phủ, Thành phố Huế. Và ai là thân nhân của liệt sĩ A Thiện xin liên hệ về địa chỉ trên để có thêm thông tin về liệt sĩ." )
( Đèn sáng.
                     Buổi sáng. Tháng 5, năm 2000. Tại galerie trên con đường Điện Biên Phủ Huế. Phòng tranh trưng bày các kí hoạ về Bác Hố. Tác giả là hoạ sĩ Hoàng Phối.
Người xem khá đông. Có nhân dân, Cựu chiến binh. Các cháu thiếu niên...Một số tặng hoa cho tác giả. Có vài nữ sinh xin chữ kí. Hoàng Phối đang rất xúc động...
                    Một người nước ngoài bước vào, vai lỉnh kỉnh túi kí giả và máy ảnh. Đó chính là Davits Tomson. Trong lúc Hoàng Phối xúc động đáp lễ các khán giả hâm mộ thì Davits  cứ chăm chú nhìn Phối...
Davits         : ( Khẽ một mình) Phưong Lan! Giá như em biết được rằng giờ này anh đang đứng bên anh ấy...Và giá như em hình dung được, con người mà em không sao dứt bỏ được trong tâm khảm giờ đây đang như thế nào?...( Khẽ đảo mắt lên dòng chữ, đọc) Bản rondo mùa hạ...( Bất ngờ Hoàng Phối quay lại nhìn thấy người ngoại quốc đang chăm chú nhìn mình, Phối có linh cảm khác thường)
Davits:        Chắc chắn ông là hoạ sĩ Hoàng Phối...
H Phối        : Thưa vâng...Ông là..
Davits         : Tôi là một kí giả Mỹ.
H Phối        : Một kí giả..Ông nói tiếng Việt rất sỏi...
Davits        :  Cảm ơn. Tôi có nhiều năm sống ở Việt nam.
H Phối        :  Là cựu chiến binh ?
Da víts        :  Có thể nói như vậy..
H Phối        : Một Cựu chiến binh sống nhiều năm ở Việt Nam cũng khó có thể nói tiếng Việt giỏi như ông. Chắc hiện giờ ông là ..một nhà Việt Nam học?
Davits          : ( cười nhẹ) Cũng có thể nói như vậy.
H Phối       : Này..tại sao với người Mỹ mọi chuyện cứ có thể...Chẳng lẽ không có điều gì là đúng thế hay nhất định thế sao?
Davits         : Ngưòi Mỹ ư? Cũng có thể nói như vậy về người Mỹ..
                       ( Bất giác cả hai cùng cười vì câu nói lặp lại ấy. Không khí trở nên thân tình hơn)
H Phối        : Nhận xét ban đầu của tôi về ông..là một người vui tính...và cũng khá sâu sắc..
Davits          : ( tỏ ra ngạc nhiên) Hoạ sĩ nghĩ về tôi như thế thật sao?
H Phối         : Đúng. À, là...cũng có thể nói như vậy..
                          ( Cả hai lại cười vang)
H Phối        : Ông có nhận xét gì không?
Davits         : Nhận xét về ông?
H Phối       :  Không.  Tôi muốn xin ý kiến ông về những bức kí hoạ của tôi..
Davits        : Rất ấn tượng. Có thể nói như vậy...Nhưng cũng có chút thắc mắc..
H Phối       : Ông có thể nói rõ điều không vừa ý ấy được không?
Davits        : Ồ không, không phải không vừa ý, mà là sự ngạc nhiên, chưa giải thích được. Hoạ sĩ có thể dành thì giờ trả lời cho tôi hai câu hỏi được không?
H Phối     :  ( Mỉm cười ý nhị) Nhà báo chặt chẽ quá, hai chứ không phaỉ là ba câu sao?
Davits      : Là hai. Tôi đảm bảo không phá vỡ hợp đồng.
H Phối     : OK.
Davits      : Thứ nhất, tôi hơi tò mò, vì sao một phòng trưng bày Mỹ thuật lại có cái tiêu đề âm nhạc? Nó có ý nghĩa gì vậy?
H Phối      : Ông nói...
Davits       : Vâng. Bản rondo mùa hạ?
H Phối      : Ồ, chẳng có gì quan trọng lắm đâu, nhà báo đừng quan tâm đến điều đó.
Davíts        : Chẳng lẽ lại như thế..Theo như chút hiểu biết sơ đẳng của tôi, rondo là một hình thức âm nhạc mà trong đó mọi cảm hướng được biến tấu và phát triển xoay quanh hạt nhân trung tâm là khúc chủ đề được tái hiện nhiều lần theo công thức AB, AC, AD, A vân vân...
H Phối        : ( Sững ra) Ông...( Nhìn kĩ) Hình như ông...Không thể nào..
Davits        : Có chuyện gì sao?
H Phối       : ( Thở dài, lắc đầu) Kiến thức âm nhạc của ông hơn tôi nhiều. Tôi không có chút lý luận gì về chuyện này đâu. Chẳng qua...cái tiêu đề này nó gợi cho tôi nhiều kỉ niệm...
Davits         : Kỉ niệm ?
H Phối        : Vâng.
Davits       : Về những mùa hạ? Về những chùm hoa phượng đầu mùa? về những cuộc gặp gỡ và chia li..
H Phối        : Này...sự thực thì...ông có phải là...?
Davíts         : Tôi nhớ là đã tự giới thiệu rồi mà. Thôi vậy, tôi xin được hỏi hoạ sĩ câu hỏi thứ hai.  Như cái sự hiểu của tôi thì thể loại kí hoạ trong hội hoạ cũng giống như là những ghi chép vội của người kí giả hay của một nhà văn, có thể còn thô thiển, sơ sài, chưa trở thành những tác phẩm văn học hay báo chí hoàn chỉnh. Nhưng nó lại có sự chân thực tuyệt đối. Có nghĩa, người hoạ sĩ khi kí hoạ phải căn cứ vào chân dung thật của nguyên mẫu, phong cảnh thật của sự kiện để ghi chép lại..
H Phối         : Đúng thế.
Davits       : Tuy nhiên, theo như tôi biết, ông vốn là một binh sĩ quân đội Sài Gòn, và những năm tháng đó ông chưa bao giờ được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ chưa nói đến chuyện được ở gần hoặc được ngồi để kí hoạ về ông Hồ.
H Phối        : ( đột nhiên nghiêm nét mặt lại) Này...Hãy nói thật đi,  tại sao ông lại biết rõ về tôi như thế?
Davits         : Ồ, đơn giản, Hoàng Phối là một hoạ sĩ nổi tiếng ..
H Phối      : Không đúng. Tôi chưa bao giờ nổi tiếng. Tôi cũng chưa có một cuộc triển lãm nào trừ phong tranh kí hoạ này. Năm nay là năm kỉ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Hồ, ở thành phố người ta tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm. Nhờ thế mà tôi mới xin phép được mở phòng tranh...
Davits          : Tôi có biết, đã có mấy bài báo giói thiệu về sự kiện này. Nhưng trong các bài viết về ông, người ta mới chỉ ca ngợi về bút pháp nghệ thuật và ý nghĩa của phòng tranh trong dịp kỉ niệm ngày sinh ông Hồ, chưa có đồng nghiệp nào giải đáp cái điều tôi vừa hỏi.
H Phối          : Ông thấy điều đó quan trọng thế sao?
Davits           : Hết sức quan trọng.
H Phối          : Tôi chưa hiểu...
Davits           : Nó quan trọng không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật, nó còn giải thích được những vấn đề rất nhạy cảm của thực trạng tinh thần dân tộc Việt Nam thời kì hậu chiến. Giá như mấy năm qua ông có dịp qua Mỹ, ông có điều kiện để nhìn thấy cái mà người dân Mỹ gọi là hội chứng chiến trạnh Việt nam thì ông sẽ hiểu vì sao tôi rất quan tâm đến hiện tượng phòng tranh của ông.
H Phối          : ( lặng lẽ) Tôi hiểu rồi...Thôi được, tôi sẵn sàng tâm sự với ông.
Davits           : OK.
                      ( Hai người ngồi xuống chiếc bục nhỏ đối diện với nhau. Phía sau vẫn lảng vảng khách xem tranh.)
H Phối          : Đúng là tôi chưa bao giờ được nhìn thấy Bác Hồ. Đặc biệt thời kì còn cuộc chiến, thời gian mà các bức kí hoạ này thể hiện, tôi thậm chí còn chưa một lần được nhìn thấy tấm ảnh của Bác. Ngay cả những bối cảnh trong các kí hoạ này tôi cũng chỉ tưởng tượng ra thôi, đã bao giờ tôi nhìn thấy đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc vây quanh Bác Hồ, càng không thể thấy cảnh bộ đội Miền Bắc hành quân mắc võng trong rừng, ngối hát bên suối mà hình ảnh Bác cùng đồng hiện với họ như ở bức tranh kia...Tóm lại tất cả chỉ là sự tưởng tượng.
Davits       : Nhưng như thế có còn giá trị chân thực của thể loại ghi chép không?
H Phối          : Sao lại không nhỉ? Vấn đề là bây giờ một người xem tranh như ông, có cảm nhận được sự chân thực không? Ông có phát hiện ra chỗ nào là gượng ép , giả tạo không?
Davits           : Quả thật tôi không cảm thấy điều đó. Nhưng chính điều đó càng khiến tôi ngạc nhiên.
H Phối         : Đạo Phật nói, mọi sự đều bắt đầu bằng một chữ duyên...Tất cả bắt đầu bằng một cơn lũ. Miền trung đất nước này là cửa ngõ của những cơn đại hồng thuỷ. Chúng tôi không ai mong muốn phải xáp mặt và chịu đựng những cơn lũ quét hung tàn ấy. Nhưng chúng tôi không có quyền lựa chọn điều đó. Và rồi chính từ một cơn cơn lũ rừng khủng khiếp năm 1971, đơn vị thám báo của tôi gặp đại nạn ở đầu nguồn sông Tả Trạch.
Davits          : Sông Tả Trạch?
H Phối         : Ông cũng biết sao?
Davits       : Đơn vị tôi cũng suýt xoá sổ ở đầu nguồn sông Tả Trạch, nhưng không phải vì lũ mà vì cuộc tập kích kinh hoàng của Việt cộng.
H Phối         : ( Khẽ nhếch mép) Ông vẫn giữ cách gọi những người chiến sĩ giải phóng đất nước này bằng cái tên đó sao?
Davits          : À, tôi xin lỗi...
H Phối       :  Trong cái rủi lại có cái may. Chính trong cơn lũ đó tôi đã có cơ duyên được gặp một con người..
                    ( Ánh sáng thu nhỏ đặc tả vào 2 người. Phía sau mờ dần rồi tối hẳn. Có một sự chuyển động phía sau đưa người xem trở về không gian những năm tháng chiến tranh, bối cảnh hung dữ của một trận lũ quét với tiếng mưa, sấm chớp và tiếng nước gầm thét kinh hoàng)

                             Tắt đèn chuyển không gian
                                     ( Còn tiếp)

 Đăng ngày 15/11/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan