Tuesday, October 13, 2015

Bão không chỉ đến từ trời

Tác giả: Nguyễn Lâm Cúc
xuanduc.vn: Trần Nhương đang ở Canada, nhưng trangtrannhuong.com thì vẫn nóng hàng ngày. Hôm nay vào trang bạn thấy có bài này khá tâm đắc, không biết tác giả Nguyễn Lâm Cúc là ai nhưng hợp cái bụng mình nên mượn tạm về cho bạn hữu TST cùng chiêm ngẫm.

Hôm nay tôi được mượn đi theo để tính tiền cho một cuộc tiếp khách.
Khi mới khởi hành, đoàn chúng tôi có 5 người. Thế nhưng lúc bia rót vào ly thì mâm nhậu đã lên đến 11 người, điện thoại vẫn chưa ngừng réo anh Năm, anh Ba. Rồi  các anh Năm, chú Tám, anh Hai, anh Tư đã uể oải đến, bệ vệ ngồi xuống mâm nhậu  khiến cho nhiều người thóm róm và hãnh diện, nhiều người thầm ganh ghét trong lòng.
            Tiệc tan, tôi là người ra về sau cùng.
Đây là lần thứ mấy tôi có mặt những bữa nhậu lênh láng như thế này cũng không nhớ nổi. Nhưng chắc chắn, đây chưa phải là lần sau cùng. Tôi vừa nghĩ như thế, vừa kiểm bia trong các thùng mở toang hóac để chầu chực bốn chung quanh. Trời ạ, bia lon hiệu Heniken vừa bung nắp vung vãi khắp mặt bàn và cả ở dưới gầm bàn. Tất cả mọi chiếc ly đều còn đầy bia, có ly bia tràn cả ra ngoài. Đĩa thịt kỳ đà xào sả ớt vơi gần hết. Thố baba hầm thuốc bắc còn một nửa. Chén gà ác ninh táo khô, cam thảo cũng mới vơi  lưng lửng, những chiếc đầu gà đen thui, nằm nghẹo cổ buồn thiu. Còn nồi lẩu hải sản thì gần như chẳng ai đụng đến. Thật là một sự thừa mứa phí phạm!
Chủ quán đem ra tờ hóa đơn trên 5 triệu bạc. Nghĩa là bữa nhậu hơn một tấn lúa. Tết Kỷ Sửu vừa rồi, tôi nhớ lúa có hai ngàn tám mà nhà cậu Chín phải đi năn nỉ người ta mới mua dùm cho để có tiền ăn tết. Một lon bia giá trên hai mươi ngàn đồng, nghĩa là ba ký gạo trắng thơm phức, nghĩa là gần chục ký lúa. Những ký gạo trắng ấy, những hạt lúa mà cậu Chín lăn bùn quanh năm mới có được, chủ quán đang đổ ào ào vào thùng nước bẩn.
Tôi nhớ đến bọn trẻ lang thang lượm rác tôi vẫn gặp mỗi ngày trên đường, bọn chúng thường nhịn đói bữa trưa là xin nước uống qua cơn ở bất kỳ giếng nước thơm thảo nào.
Ra về, trời đã khuya, đường vắng tanh. Tôi vừa chạy vừa nhớ về một cuộc nhậu khác. Dạo nọ, một vị trưởng phòng (phòng nhỏ nhỏ thôi) đã nổi hứng sau cử nhậu trưa, xách xe con của cơ quan chở dăm bảy người vượt trên 200 km đường đèo, đến Hồ Tuyền Lâm- Đà Lạt,  nhậu tiếp. Những chiếc ca nô ngược hồ Tuyền Lâm cập bến vào đâu đó trong rừng thông đại ngàn của Đà Lạt. Dưới bóng thông ẩn những mái tranh kiểu cọ đầy vẻ mời mọc và có đủ các món ăn chơi chiều đãi quí thượng đế lặn lội đến nơi này.
Nhóm mà tôi nhắc đến đã chọn một gian quán ấm cúng, thuê trọn gói. Họ gọi một con heo rừng, loại heo sữa cắt tiết pha rượu mật gấu, và nấu cháo. Một người đi theo giám sát việc làm heo. Nhưng đến khi cậu phục vụ còm nhom, có nước da vàng bủng,  bưng nồi cháo bốc khói dọn ra bàn. Nhiều cặp mắt soi mói nhìn vào nồi, họ lật nghiêng, lật ngửa con heo nằm cong bên trong rồi phán: Mất mẹ nó miếng đùi rồi! Gã đàn ông mặc áo sọc ca rô đen đỏ, vục nguyên bàn tay vào nồi cháo lôi con heo ra, gật gù bảo đúng đúng, mất mẹ nó miếng thịt chỗ này này. Chủ quán được gọi đến. Anh phục vụ run như thằn lằn đứt đuôi, cúi mặt đứng lặng thinh một bên và nhận không biết bao nhiêu lời sỉ vả.
Cuối cùng, nồi cháo không thể ăn hết, bởi họ còn phải xơi cái  đầu heo luộc, bộ lòng xào củ  riềng...
Khi tất cả mọi người xuống canô trở về, họ đã gặp cậu phục vụ kia với túi xách quần áo trên tay, ngồi khép nép ở  cuối đuôi thuyền. Cậu ta đã mất việc.
Hóa đơn buổi ăn chơi đó cho dăm người là hai tám triệu đồng ( chưa kể một người bị hất ra lề đường)
Hai hôm trước, tôi lại có dịp tham dự cuộc họp tại đơn vị nọ, họ đang bàn việc quyên góp cứu trợ đồng bào bão lũ miền Trung. Vị trưởng phòng cất giọng hết sức thống thiết để nói về nỗi khổ của bà con vùng thiên tai gió quật, nước càn. Một người đàn ông mặc quần áo công nhân đứng đề nghị mỗi người góp một trăm ngàn, còn ai có hảo tâm góp nhiều hơn thì không nên hạn chế mức đóng góp. Tiếng nói của người bảo vệ va phải một sự im lặng lạnh như nước đá.
Vị trưởng phòng cất tiếng đầy vẻ thông cảm, thấu hiểu: Năm nay do khủng hoảng kinh tế, các đơn vị đều báo đỏ kinh phí, đơn vị chúng ta cũng khó khăn không kém. Chúng ta lại đã có hàng trăm cuộc đóng góp quanh năm, vì vậy để chia sẻ với đồng bào bão lũ miền Trung lần này chúng ta đành gửi đến họ tấm lòng và món quà tượng trưng, tôi đề nghị toàn đơn vị ủng hộ mỗi người mười ngàn đồng...?!
Tiếng vỗ tay lẹt đẹt vang lên. Mười ngàn đồng được trừ từ tiền lương tháng đến.
Mọi người rời khỏi phòng họp, riêng bộ phận tài vụ ở lại để hợp thức hóa thanh toán những cuộc nhậu lênh láng từ năm trước kéo sang năm nay và còn dài dài về sau.
Bên ngoài mưa bắt đầu nặng hạt. Mưa hoài, chán!
            Có người nói, bão trên quê hương tôi không chỉ đến từ trời!
Nguồn: trannhuong.com


 Đăng ngày 01/11/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hai Lúa - 02/11/2009

he,he...bão đến từ trời chỉ có 1 mùa nhưng bão này thì ...bốn mùa thổi mãi và càng ngày cường độ giật cấp càng cao. Bài viết này chỉ mới đề cập đến các hóa đơn cấp trung bình còn có những hóa đơn thanh toán cho chuyến công cán "nô bộc của dân" và đệ tử râu ria lên đến hàng trăm ấy chứ.
Có chuyện kể rằng: Có một huyện nọ, sau cơn bão  tổ chức cho "đầy tớ" các ban ngành đi chu du xuyên Việt với tên gọi mĩ miều là đi tìm đất di dân (tức vùng kinh tế mới). Sau hai tuần lang thang từ Huế, Đà nẵng, Nha trang, Đà lạt, TP.HCM, Vũng tàu họ tiếp tục bay ra HN. đến một TP nọ họ được người quen-là con em của huyện mời đến nhà dùng cơm tối. Khi mâm bát được dọn ra, 16 vị khách sững sờ vì trên bàn chỉ có 2 tô cơm trắng, rau muống luộc, cá kho,đậu hũ và mỗi người 1 ly trà đá thay vì rượu ngoại và sơn hào hải vị. Đã có tiếng xì xào nho nhỏ nhưng chủ nhà là một cặp vợ chồng trẻ vẫn vui vẻ và hồn nhiên trò chuyện, coi như không có gì xảy ra. Bữa cơm thân mật ấy được kết thúc chóng vánh vì trong số đó có nhiều vị hầu như không đụng đũa. Đợi lúc nhận được những cái bắt tay hờ hững, những lời cám ơn nhạt nhẽo...chủ nhà mới đứng lên trịnh trọng thưa các cô, các chú và các bác, những "người đầy tớ của dân" luôn vì mục tiêu dân giàu nước mạnh là hôm nay được các cô các chú các bác đến nhà chơi là vinh dự cho 2 cháu lắm. Lẽ ra 2 cháu phải làm cơm thịnh soạn để chiêu đãi nhưng vì biết tin huyện ta sau cơn bão đã bị thiệt hại nặng nề. 2 cháu đã tính toán thấy rằng: nếu hôm nay 2 cháu đãi đoàn ta mâm cao cỗ đầy cộng thêm rượu ngoại nữa là hết 6 triệu đồng thì 2 cháu xin được gửi lại số tiền này để ủng hộ những cô bác ở quê nhà đang chịu cảnh màn trời chiếu đất. Nghe nói đã có vị đỏ mặt nhưng vì khách về nhanh quá nên không biết được mấy phần trăm?
Hai Lúa tôi đọc báo mà thấy quá xót xa khi trong các thùng hàng cứu trợ đồng bào miền Trung có cả giày dép đứt quai, đồ lót, áo quần rách và tạp chí chuyên ngành...Nghĩa là người ta cố nhét vào cho đầy thùng để lấy le về số lượng. Chao ôi! Khúc ruột miền Trung oằn mình sau bão lũ nay lại thêm một lần đứt đoạn vì tình người. Hèn chi mà người ta dâng lên vua Hùng cả mút xốp và sắt vụn. Vì miền Trung ruột thịt-khẩu hiệu đó đang bị một số nơi lợi dụng để làm tiền. Đi thu tiền ủng hộ bà con miền Trung mà được ăn phần trăm trên tổng thu, thu được rồi đi liên hoan vì ta đã làm việc tốt...vậy thì khi đến tay bà con chỉ còn giày dép đứt quai là phải lắm.
Biết đến bao giờ ...đến bao giờ để thực sự bão chỉ đến từ trời?

  Gửi bởi: Người Quan Sát - 02/11/2009

Người ta rất ớn "loại bão" trên .Đây là loại "bão" thổi cho núi lỡ non mòn.Người xưa đã ví cái sự ăn nói chung như vậy.Nhưng đây là "bão"xài của " chùa".Mà loài "bão này gió cấp trên bão số 9 vừa rồi. Gió cấp 20 30 lận. Bão gì dân cũng bị hại.Bão thiên nhiên ta phòng tránh có hiệu quả dù bị thiệt hại nặng nề.Nhưng loại "bão" kia từ tầm vi mô đến vĩ mô chống lại nó chưa ăn thua gì cả.Người chống bão có khi bị què chân luôn.Dù vậy vần phải chống mạnh hơn.Nếu không thì nó tàn phá đời sống xã hội đến xác xơ.Tôi nhớ câu từ của Đỗ Phủ:"ngoài đường người chết đói /Trong nhà rượu thịt ôi".Đa số dân ta không còn chết đói như người Tàu xư a trong thơ Đỗ Phủ.Nhưng các vùng bị bão lụt vẫn có người chết đói.Ta đã cứu đói băng "lá lành đùm lá rách"...Nhưng ta chưa xóa được cảnh "...rượu thịt ôi".Nếu bỏ tiền túi ra thì thế nào nhỉ?Mấy cha bụng phễnh thắt lưng sẽ ngắn lại.Nhưng đến bao giờ?

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan