Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 1


Tác giả: Xuân Đức

Sông cũng như người ấy, có khi vơi đầy, có khi hờn ghen. Chỉ tình yêu tuổt thơ mới biết...

Lời một bài hát

Thay cho lời giáo đầu

Chắc chắn rồi mọi người sẽ bực bõ mà kêu lên, người âm thì kể sao nổi chuyện dương thế, nói trật lất cả...
Có thể là như thế. Nếu tính về tuổi tác tôi năm nay cũng đã gần bằng tuổi cái lão bị cáo hom hem kia, trí nhớ đương nhiên là không còn ngăn nắp như xưa nữa. Cái lão ấy, còn sống nhăn răng ra đó, lại còn đủ gian mãnh tinh ranh để phạm tội tày trời, thế mà đứng trước toà còn khai lẩm cà lẩm cẩm. Huống chi tôi đã là người âm, chẳng phải người ta vẫn rủa những kẻ lẫn thẩn là "nói lộn âm lộn dương" đó sao. Tôi biết trước thế nào cũng có sự lẫn lộn.
Rồi tôi sẽ kể cho các bạn rất nhiều tên đất, tên làng, tên địa phương. Nhưng xin hãy nhớ cho rằng, sở dĩ có những tên gọi thân thương đó là vì những địa danh ấy đã gắn chặt với đời tôi, ẩn chứa bao nhiêu là kỉ niệm. Yêu quá có khi hoá dại, tôi lại đi mang những chuyện ở đẩu ở đâu mà gắn với những địa danh thân thuộc đó. Tôi biết, yêu nhau thế bằng mười hại nhau...
Ngay cả những sự kiện lịch sử nũă. Sự kiện chung đương nhiên là có thật, bạn có thể cũng đã từng nghe thấy. Với tôi, những sự kiện to lớn ấy là những cột mốc, những bước ngoặt khủng khiếp trong kiếp sống của mình. Vì lẽ đó mà những chuyện lặt vặt tôi sắp kể ra đây, vốn nó cũng ở những đẩu những đâu, thế mà không hiểu sao lại cứ bấu víu vào cái mốc sự kiện trọng đại ấy, chứ thức lòng tôi không chắc chắn lắm, rằng nó sinh ra đúng trong sự kiện đó...
Còn nhân vật thì sao? Tôi cũng học đòi mấy bác nhà văn chắp nhặt những mảnh đời đâu đó mà tôi từng gặp, từng biết trên cõi trần. Bạn có thể tin chắc chắn là họ có thật trên dương gian, tôi thề đấy, nhưng xin đừng tin là họ có mặt đúng cái nơi tôi kể.
Lập tức bạn nổi cú lên, mắng rằng:- kể chuyện mà bảo người ta đừng tin thì kể làm quái gì, mất thì giờ!
Vâng, ai cảm thấy mất thì giờ thì thôi vậy. Còn ai rỗi rãi ham vui thì tôi xin được học đòi theo tiền nhân: " lời quê chắp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh."
Tóm tắt lại thế này. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây, như người ta vẫn thường nói là không nằm trong chính sử. Tôi không hát sử thi về một vùng quê, mà chỉ kể cổ tích đêm giao thừa. Rằng ngày xửa, ngày xưa, ở một cái làng tạm gọi là làng ấy, ở cái huyện... cứ gọi đại là huyện đó, thuộc cái tỉnh... thôi thì lấy quách tên tỉnh mà mình quen thuộc để nói cho mau...đã xảy ra một chuyện thế này...

Chương một



Mặc dù sự kiện này ở dương thế đựoc coi là long trời lở đất nhưng tôi không còn là người dương thế, nên tôi rất bình tĩnh. Mà nói chung tôi vốn là người trầm tĩnh, từ thuở tráng kiệt gặp em cho đến nay đã thành người thiên cổ, tôi vẫn thế. Cả cái khi ấy, khi mà em vồ lấy tôi , ngấu nghiến tôi , để có con Linh, giờ đã trở thành đứa con gái giàu có nhất vùng, giá như lúc ấy em bình tâm lại một chút, em đừng như con sóng uà vỗ vào mạn thuyền tôi, thì có lẽ con thuyền đơn côi như tôi đã không ngập nước....
Trong cái vòm nhà kia, người ta đang ngột ngạt thở, ngoài sân này cũng đang xao xác. Người đời chen nhau phạm tội rồi giờ lại chen nhau coi xử án. Trẻ con leo lên những cành bạch đàn. Người có tuổi cũng chẳng hơn gì con trẻ, cũng đội đít nhau mà leo cây.... Mặt sân đã quá chật. Người ta không thể chui xuống đất như bọn tôi nên phải đùn nhau lên trời.
Riêng tôi thì bình tĩnh. Thứ nhất, tôi thuộc một thế giới khác, tôi không hề bị vướng bận, khuất lấp bởi xác thịt người đời, việc gì phải chen lấn . Thứ hai, nhóm người âm được coi là " kẻ bị hại" chừng trên dưới một trăm vong thì duy nhất chỉ có tôi là lành lặn, còn nguyên hai chân hai tay nên mới tới được đây. Còn lại thì rên rỉ, chân bị đặt một nơi, tay một nẻo, chân người nọ nằm ở chỗ người kia... Tất cả đã bị bấu xé, bứt ra, chia bo để có số hài cốt lên con số ba bốn trăm... Thế nên mới có phiên toà kinh thiên đông địa này.....
Tôi bình tĩnh lắm nên tự hỏi, mình đến đây làm gì. Để được chứng kiến cơn thịnh nộ như động đất của người dân xứ này đối với tội ác của đám bất lương kia ư ? Có chứng kiến hay không thì cũng thế thôi , làm gì đựơc nữa. Họ có thể luộc nhau, bắn nhau để góp thêm cho thế giới dưới này dăm ba vong nữa. Nhưng số anh em oan ức của chúng tôi thì đành chấp nhận số kiếp, không ai có thể đào bới thêm lần nữa, mà có bới ra cũng chỉ để đau lòng người sống chứ làm sao mà hàn gắn được sự nát tan của người đã khuất....
Tôi bình tĩnh và tự hiểu ra động cơ của mình. Tôi muốn đến để được kêu oan cho một người, không phải là những người âm đã bị chia thân xẻ cốt, mà là người dương, một người trong số mấy chục bị cáo đang đứng kia. Tôi biết tôi chẳng thể làm gì đựơc. Bởi vì tiếng kêu của tôi, chẳng ai trong số họ nghe được. Rồi thì anh ấy có nói gì, họ cũng chả tin, bởi anh đang lẫn vào cái mớ hỗn độn rối như bòng bong kia, cái mớ tội ác cổ kim chưa từng thấy ấy.

l



Tôi trầm tĩnh, thậm chí có vẻ thừa thời gian, tôi ngắm một cách bao quát toàn cảnh khu nhà, khu đất mà có lẽ phải chứa tới năm bảy ngàn người đang chen chúc.
Và tôi có sự đối chứng.
Khu nhà này với cái Miếu Ông thuở nọ, nơi em vồ lấy tôi. Thật là một trời một vực. Cái Miếu ấy bé như cái ki-ốt bán kẹo thời nay, mà lại bị nhấn chìm vào trong những lùm cây chằng chịt âm u ở cái vùng đồi tít tận thượng nguồn sông Bến Hải. Ở đó có một bến đò. Chẳng hiểu bến đò Hói Cụ có trước hay Miếu Ông có trước, nhưng cả hai đều được dân bản địa gọi thành bậc ông, bậc cụ. Còn cái nhà này thì quá mới, quá to , lại ở ngay cái ngã ba hoành tráng nhất của tỉnh lỵ. Người ta xây cái nhà này được coi như sự khởi đầu cho một đô thị tỉnh lỵ vừa mới tái lập, chức năng của nó là Nhà văn hoá tỉnh. Như vậy, giới lãnh đạo tỉnh này xem ra có tư duy thật mới. . Nhưng sự khởi đầu sao lại thế kia. Cái nhà văn hoá chưa kịp hoàn thành, chưa tổ chức một đêm văn hoá nào lại phải chứa mấy ngàn người đến đây hỏi tội nhau, mà là một tội ác động cả đất trời!
Tôi đối chứng em và tôi, và thêm anh ấy nữa. Em ngồi hàng ghế thứ ba, mắt hơi ngước lên trần nhà phía trên sân khấu. Có nghĩa là em không nhìn ai cả, hội đồng xét xử, các bị can, hay hàng rào công an vây bọc quanh bốn phía cửa.... Em hơi ngước cao, mắt lơ đễnh, thành ra tôi không nhìn rõ được những nếp nhăn rạn vỡ quanh vòm mắt em. Còn anh ấy đứng lẫn trong tốp bị cáo, đầu cúi gằm, nhìn xuống những ngón chân mình.. Có lẽ anh ta cũng chẳng có ý câù cứu ai. Nếu em còn theo đạo, chắc em đang cầu Chúa.
Lạy chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Giu-đa ?
Phải chăng Xi-on khiến lòng Ngài ghê tởm?
Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy ?
Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng đựoc may lành chi hết
Mong đến thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh...
Tôi đối chứng từ ngày đó, đến ngày này, từ đầu năm 1952 đến giờ là đầu 1992, chẵn chòi 40 năm.

l

Tên em thì đẹp, hay ít ra cũng dễ nghe: Nguyễn Thị Lương. Nhưng tên gọi thôn em, làng em lại hơi kỳ. Thôn Quai Mọ, làng Quách Xá.
Quách Xá , cùng với Tân Mỹ, An Hưng, Phước Tuyền là những làng quê vô cùng thơ mộng nép mình ở phía bờ Nam sông Hiếu. Làng Quách Xá chốt phía trên cùng. Nhưng thôn Quai Mọ thì lại vòng ra bên ngoài, tự tách ra như một cái bướu, như một cục thịt thừa, hay cái dái tai. Người Quách Xá không muốn ví von kiểu ấy. Họ tự coi làng mình giống cái mõ trâu, còn cái thôn nhỏ thò ra ngoài kia là cái quai mõ. Tiếng địa phương đọc mõ thành mọ. Thế là thành tên. Đất làng quá hẹp, chỉ một dãy bãi bồi dọc mép sông để trồng bắp, trồng lạc, ra xa chút nữa là đất pha cát gieo vừng. Còn lại là đồi núi. Đồi lúp xúp trườn dài bao bọc ba mặt bắc , tây , nam. Chỉ còn lại một hướng đông dọc theo sông Hiếu xuôi về tận Đông Hà là đất bằng. Hết đồi là núi cao, rừng rậm. Phía bắc, rừng trùm lên cả một vùng đất đỏ ba-zan của xứ Cồn Tiên , Nam Đông Nam Tây; phía tây, núi trập trùng theo đường Chín lên tới Khe Sanh- Lao Bảo, phía nam núi kéo lên đèo Cùa, rồi vào tận Đá Bạc, Ba Lòng.. Bởi vậy, nghề nuôi bò, nuôi trâu thả rông từng đàn là kế sinh nhai cơ bản của làng. Cái mõ trâu thực sự là hình ảnh tượng trưng, như một thứ Tô tem hay như cách gọi thời hiện đại là Lô-gô của làng vậy.
Còn tên em là Lương, vốn không phải do bố mẹ đặt cho. Khi em sinh ra, cũng như bao bé gái làng này đều đựơc gọi là bẹp. Bẹp, cái đơn âm vô nghĩa ấy được hiểu na ná như cái hĩm ngoài bắc, chỉ bộ phận đàn bà. Em là bé gái hiếm hoi của thôn Quai Mọ sớm có được tên đẹp . Mà em cũng là bé gái cực kỳ hiếm hoi có nhan sắc. Từ Quách Xá về tận Phước Tuyền lúc đó, có hai đứa con gái đẹp nhất, lại có vẻ sắc sảo giống nhau. Cả hai đứa con gái này đều được một cha đạo trẻ quan tâm đặc biệt. Tên hai đứa đều được cha đặt. Em là Lương, còn bạn em ở làng đạo Phước Tuyền là Li.
Vào thời các em sinh ra, cũng là những năm tôi sinh ra, tất nhiên là tôi sinh ở một vùng khác. Mỗi đứa hơn nhau đúng một tuổi. Tôi sinh năm 1929, Lương sinh năm 1930 còn Li năm 1931. Vào thuở đó, cả cái làng Quách Xá chừng chỉ có độ bốn chục nóc nhà. Còn cái thôn Quai Mọ của em đếm chưa đủ trên mười đầu ngón tay, vỏn vẹn có chín hộ. Làng em không phải là làng đạo, người tin Chúa chỉ có lác đác. Nhà thờ cả họ đạo của vùng này đặt ở dưới Phước Tuyền, sát cạnh nhà Li. Nhưng cha trẻ nổi tiếng lại là người Quách Xá . Cha rất trẻ nhưng lại đặt tên là Cựu. Nguyễn Đình Cựu. Cha được người Pháp đem về nuôi ở nước mẹ từ thuở còn thơ. Cha trở về mang theo cả cái dáng chải chuốt của người Tây. Mái tóc không hiểu vì sao lại lớt phớt vàng như cỏ gặp hạn. Thậm chí người làng còn quả quyết rằng sống mũi của cha đã thẳng đuỗn, dài ra, y hệt như giống được đúc ra ở bên Tây vậy.
Cha đẹp trai, mắt cha sóng sánh pha chút âm u , giọng cha khe khẽ mà vang, nói cứ như là hát. Cha Cựu như một thỏi nam châm hút chặt lấy em, nên em theo gót chân cha mà về Phước Tuyền. Vì thế mà em quen Li., trở thành đôi bạn thần tiên như trong cổ tích. Nhưng mà cha Cựu lại không phải nam châm. Cha rất gần, lại rất xa, xa vời vợi. Lạy Chúa, cha như thể hiện thân của một đức tin, vừa rất có lý vừa rất vô lý. Một đức tin thuộc lòng, mê mẩn, tràn ngập cả vào giấc ngủ, nhưng chưa bao giờ chạm tay vào được.

l

Một chiếc xe con màu đen khá sang trọng, nháy đèn xi nhan, toe lên hai tiếng còi ngắn rồi cố len vào mép sân. Đám người đang bực bội sẵn vì chen chúc nên chẳng tiếc gì mà không phun ra lời rủa tục.
-Toe cái con c.... Mắt đui hay sao mà còn chui xe vào chỗ này....
Chiếc xe phanh khựng lại. Cửa mở một cách dè dặt và từ trong đó ló ra một mái đầu phụ nữ, tóc lâm râm muối tiêu.... Đám đông đang eo xèo bỗng im bặt. Họ đã nhận ra con người danh giá này. Một phụ nữ luống tuổi, mặt bầu tròn. Một trong số lãnh đạo cao cấp của tỉnh đã nghỉ hưu. Người ta im bặt không phải vì sợ lãnh đạo. Người ta nể sợ một con người cụ thể, một phụ nữ anh hùng nổi tiếng thời chiến, một cán bộ có đầy chất sắt đá thời bình. Hầu như không có một điều tiếng gì xây xát đến danh giá con người này. Người đàn bà tuổi chẵn sáu mươi ấy là Trần thị Li, nguyên uỷ viên thường vụ , Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Bình Trị Thiên. Còn một người phụ nữ khác vẫn ngồi lại trên xe, trẻ hơn, nhưng lại càng đáng nể sợ hơn. Đó là Linh, một chủ doanh nghiệp giàu có vào bậc nhất xứ sở khô cằn này. Chiếc xe màu đen sang trọng này chính là xe của giám đốc Linh, còn người mẹ nuôi cán bộ cao cấp tỉnh đã nghỉ hưu chỉ là kẻ đi nhờ.
Nhưng sao Li lại đến đây, vào lúc này? Mà sao Li cũng chen chúc ở sân, lại cũng nhói chân nhìn thăm thẳm qua một rừng đầu người. Trong đám đông có số đã bình tĩnh cất tiếng chào "chị thường vụ ". Li có vẻ như giật mình, chị khẽ nhếch mép đáp lại một cách lúng túng, khó xử . Không phải bây giờ Li mới có kiểu cười không hở miệng. Cái kiểu cười đó đã có cách đây gần hai mươi năm.... Trước đó thì không, thậm chí còn ngược lại. Thời trẻ ở làng Phước Tuyền, tuy cũng có vẻ đẹp giống Lương nhưng Li lúc nào cũng có một khiếm khuyết là cười to, kiểu cười "nhắm mắt hả miệng ". Hồi đó, nếu xét một cách toàn mỹ thì Lương hoàn chỉnh hơn Li nhiều.
Có lẽ để tránh sự tập trung chú ý của đám đông, Li lặng lẽ lách người tránh xa chiếc xe con đang bị chôn chặt không đường tiến thoái. Li đến chỗ này không với một tư cách quan trọng gì cả. Đây là chỗ toà xử án chứ không phải lễ mét tin. Ở đây không có hàng ghế danh dự cho những quan chức lãnh đạo. Và lẽ ra, nói tóm lại là một người như Li không nên xuất hiện ở đây, vào giờ này... Nhưng trong kia, hút sâu tận trên cùng của phòng xử án, trong đám bị can phờ phạc đứng kia, có con người ấy. Người mà không chỉ có tôi, không chỉ có Lương quan tâm, mà cả Li cũng vậy. Lương đứng gần anh ấy hơn chúng tôi. Nhưng Lương không nhìn vào cái điểm cần nhìn. Mắt hơi ngước lên, lơ đễnh và khô ráo. Dĩ nhiên Lương không thể biết có Li đang chen chúc phía ngoài sân. Đương nhiên em lại càng không biết có tôi nữa.

l

Họ là bạn của nhau, trên bốn năm chục năm chứ có phải ít đâu, bạn thật sự, bạn chí cốt thâm giao chứ chẳng phải cái thứ bạn nhậu thời nay của đám con trai choai choai vô công rỗi nghề, cũng chẳng phải cái thứ bạn sớm nắng chiều mưa của các vị quan chức, các đấng hảo hán trong làng kinh doanh lấy lợi lộc làm khế ước giao hão. Cho dù thuở ban đầu họ đến với nhau do bàn tay chắp nối của người cha đạo trẻ. Nhưng chỉ có Lương là kẻ bị cha hút hồn còn Li thì không. Họ quen nhau năm ấy, Lương mười bảy, còn Li mười sáu. Li nhỏ hơn một tuổi nên thơ ngây hơn, nhưng thân thể lại nở nang hơn, cả dáng người khuôn mặt, cả đôi mắt nữa, Li có vẻ tròn trịa hơn một chút, đẫy đà hơn một chút. Còn Lương thì mảnh hơn tí tẹo, đôi lông mày có hơi xếch một tí, môi mỏng hơn một chút, hai hàm răng đều đặn và khi cười cũng sít sao hơn. Dạo đó, cha Cựu thường gọi đùa Lương là Thuý Kiều, còn Li là Thuý Vân..... Cả hai chả hiểu hai ả Kiều, Vân kia là người ở làng nào, quen biết cha trẻ đến mức độ nào mà cha lại nhớ đến vậy. Có một lần, Li bộp chộp hỏi thẳng cha điều ấy khiến cha Cựu tròn mắt ra rồi cất tiếng cười vang. Trời đất ơi, tiếng cha cười cũng hay như hát.
Lần trắc trở tình bạn đầu tiên, cũng coi như là thử thách đầu tiên đối với cặp chim câu này chính là khi Lương quyết chí theo cha vào tu trong làng đạo. Lương đã mang hết tất cả những điều thuộc lòng mà cha Cựu truyền cho để nói lại với Li. Nhưng Li bịt tai quầy quậy. Lương đã nổi cáu. Nhưng Li còn cáu hơn. Lương hét " Vì sao mi không tin Chúa ? " Li cũng trợn mắt hét lai "Rứa vì sao mi tin? " Cả hai bỗng ngồi đực ra, vì cả hai đều không trả lời được. Họ ngồi vậy rất lâu, rồi bỗng cùng thút thít...
-Tao.. thực ra tao tin cha.... tao tin ở cha chứ không phải tin Chúa..
-Mi ngu, còn tao thì không, tao sợ cha ấy lắm...
Thế rồi sau đó ai theo đường nấy, cũng chẳng ai nài ép ai, nhưng họ vẫn là bạn. Đêm đêm, bên bờ sông Hiếu, cạnh gốc cây dưới tàu trên bến lội , họ thường ngồi bó gối nhìn ra mặt sông... Họ ngồi vậy có khi gần hết đêm, kể đi kể lại những chuyện cũ rích trong làng mà cả hai đều biết và đã kể cho nhau có tới hàng trăm lần. Nhưng họ vẫn kể, vẫn nghe, vẫn cười ngặt nghẽo như mới.
Lần trắc trở thứ hai thì u ám hơn, nặng nhọc hơn. Lúc đó cả hai đã bước vào bậc cửa tuổi hai mươi. Cái tuổi ấy, nói ít, cười ít , thở dài nhiều. Tuổi ấy, vào cái thời ấy, con gái vùng này hầu hết đã con bế con bồng, muộn lắm cũng phè phè bụng chửa. Nhưng cả Li và Lương vẫn còn son. Đó được coi như là hiện tượng lạ rất không bình thường của vùng đất Cam Lộ này. Cả hai luôn luôn đỏ má, đôi bộ ngực căng phồng, rung rinh, ánh mắt Li ngày thêm lúng liếng, mắt Lương thì xanh hơn, bí hiểm hơn. Có kẻ ác miệng nói rằng, ánh mắt ấy đã nhiễm màu Tây, ít bữa nữa không chừng sống mũi cũng thẳng đuỗn ra như cha Cựu..
Rồi một đêm nọ, thật đột ngột, thật bí mật, Lương kéo Li ra bên bờ sông cạnh gốc dưới tàu quen thuộc, giọng cô lạc đi :
-Tao đi...
- Đi đâu?
- Đi... làm nhà phúc....
- Nhà phúc là nhà gì ?
- Là.. là... tao cũng chẳng hiểu nữa. Cha bảo tao đi tới một vùng....ở đó.... cha có dòng tu kín, tao làm nhà phúc giúp cứu nạn cho đời.... Thực ra tao chẳng hiểu gì cả.... Nhưng cha bảo thế, a men.
Nói là không hiểu, nhưng như thế là hiểu. Cả hai đều hiểu, rằng từ giờ phút đó họ thực sự mất nhau.
Ấy là năm khu nhà Dòng Phước Sơn phát triển mạnh. Phước Sơn cũng là một vùng bán sơn địa, cũng được bao bọc bốn phía núi đồi, cũng ở thượng nguồn của một con sông như ở đây, nhưng đó là sông Bến Hải. Chính nơi đó là địa điểm em gặp tôi, là câu chuyện dài thế kỷ dẫn đến phiên toà vô tiền khoáng hậu hôm nay.

l

Bản cáo trạng của ông kiểm sát viên giữ quyền công tố đã đọc gần một giờ, giọng ông khàn đi, mồ hôi đầm đìa cổ áo, nhưng xem ra chưa có dấu hiệu kết thúc. Người ta không đoán được nó dài bao nhiêu, chỉ thấy trên tay ông là một xấp giấy, cứ lật một trang rồi gấp ra phía sau, lại lật nữa, gấp ra nữa, xấp giấy cứ dày như chưa hề lật dở. Hai bên cánh gà sân khấu là hai chồng loa thùng, còn ngoaì sân là ba cụm loa sắt, một treo chính trên nốc nhà, hai cụm gắn vào hai cây bạch đàn trái, phải của bờ rào. Đã một giờ đồng hồ không nghỉ, tiếng loa cứ như xé vào không gian.
"Trong lúc , Đảng và nhà nước ta đang làm hết sức mình vì nghĩa cả đối với những người hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong lúc mỗi một ngươì dân chúng ta, dù cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ lành, vẫn dành dụm, gom góp công sức tiền của, khói hương với đạo lý uống nước nhớ nguồn thì đau đớn thay lại có những kẻ vô nhân đạo, vô luân lý, vì đã vụ lợi tối tăm mà dám làm những điều thất đức. Chúng dám ăn mòn, ăn bớt cả xương cốt đồng bào, đồng chí ta ... Tội ác này trời không thể dung, đất không thể tha...."
" Những kẻ vô nhân đạo, vô luân lý " mà bản cáo trạng vừa mới lên án đang đứng chen chúc nhau, áo sọc đen, áo sọc trắng, đầu cúi, lưng hơi còng. Trong lũ chúng đã có kẻ đã quá tuổi sáu mươi, nhưng cũng có tên mặt còn non choẹt. Có kẻ thì thật sự bất lương, lợi dụng chính sách cấp tiền tìm hài cốt liệt sĩ, đã vắt óc nghĩ mẹo tìm cách chia ba, chia bảy thi thể người âm để ăn tiền . Có kẻ cũng chỉ là loại quan liêu, đầu gật, tay ký, thế nên tội ác mới thả sức hoành hoành. Trong số đó, tôi biết, anh là người oan ức hơn cả. Đầu anh cúi thấp hơn đầu những kẻ kia, không phải vì ngấm nặng những lời buộc tội sắt đá của công tố, mà vì anh bất lực. Mà không phải đây là lần đầu anh chịu bất lực. Anh không nhìn thấy vòm trời, cũng không nhìn thấy cả cái vòm nhà mới được xây cất. Anh chỉ thấy một khối đen khổng lồ trùm kín bên trên, áp nặng xuống đầu.... Nó là cái gì, thực sự anh không thể biết được.
Nỗi oan như một tiền định kiếp trước. Ngay từ khi còn là cậu bé ở làng đạo Phước Tuyền . Cậu bé thấp, da đậm màu đất núi, vai bè và thô. Con trai làng đồi thế là khoẻ mạnh rắn rỏi. Nhưng người làng, nhất là đám con gái như Li lại không nghĩ thế. Chúng cứ gọi cậu là Tồ, cu Tồ. Cậu xấu hổ vì cái tên đó, mặc dù tên thật của cậu cũng chẳng hay hớm gì hơn. Đọt.
Cậu không hiểu vì sao bố mẹ lại đặt tên anh em nhà cậu kỳ cục như thế. Anh là Rệ, em là Đọt. Mà nói chung cả hai anh em lại không hiểu sao chúng nó chỉ có một mẹ mà lại hai cha. Cả làng không có đứa trẻ nào như vậy cả. Hai cha nhưng không ai ở với mẹ, không ai trực tiếp nuôi chúng nó. Cha trên thì mặc áo dài đen, đội khăn xếp, tay cầm cái xập xoã gõ leng keng. Khi lớn lên chúng nó mới biết ông làm thầy cúng, kiêm thầy pháp, kiêm cả thầy địa lý. Còn cha dưới, tức là cha đẻ ra Đọt là kẻ đốt than, một tuần bốn ngày trên núi, một ngày ngồi chợ phiên Cam Lộ, hoạ hoằn ghé về chỗ mẹ nó một ngày. Tên hai anh em nhà nó là do cha dưới đặt. Rệh, tiếng địa phương đọc rễ thành rệ , tức là gốc, còn nó là Đọt tức là ngọn. Là cha đẻ cậu giải thích như vậy.....
Đọt sinh sau Li một tuổi, điều đó không có chi oan ức. Đáng ra họ phải là một đôi bạn. Ít ra là tự Đọt cảm thấy thế. Oan ức nhất chính là lũ con trai trong làng lại cứ quả quyết rằng cậu lùn, thấp hơn Li một gang tay. Đầu têu trong chuyện này không phải ai khác mà chính là thằng anh cùng mẹ khác cha. Nhiều lúc cãi nhau khiến Đọt nổi cú. Nó hiền nhưng lại cục. Khi lũ con trai to tiếng với nhau cái chuyện cao thấp vớ vẩn ấy, Li đều lắng nghe và nhăn mũi cười. Thế mới lại càng cú. Lúc đó Đọt không hề hiểu rằng chính Li rất thích được nghe sự cãi nhau đó. Nói đúng hơn, Li rất thích bọn con trai ngắm nghía mình, bàn tán và cãi vã về mình. Năm đó Li mới mười sáu nhưng rất phổng phao, mắt ướt lúng liếng, đôi vú nở căng tròn lẳn. Chỉ có hai hàm răng không được đẹp như Lương và cái kiểu cười mở rộng miệng hết cỡ, còn nữa thì thật sự là đoá hoa rực rỡ.
Sự thể oan ức của Đọt đã dẫn đến đỉnh điểm bằng sự cá cược. Lại chính thằng anh, thằng Rệ đứng ra cá. Nếu nó sai nó nhường con sáo đen mỏ khoanh vàng cho Đọt. Cá rằng, nếu xáp mặt đo nghiêm chỉnh thì đỉnh đầu thằng Đọt chỉ đúng ngang cằm con Li. Còn Đọt quả quyết nó cao trên tầm lông mày của " con ấy ". Li không những không phản đối cuộc cá cược mà còn bĩu môi, nhăn mũi, đưa bàn tay lên đặt ngang cổ, ý rằng Đọt còn chưa cao tới cằm. Thế là nổi máu tam hoàng. Đã bảo nó hiền nhưng rất cộc. Thế là hai đứa xáp mặt vào nhau, rất gần, rất sát...... Bỗng Đọt thấy chột dạ, rồi run run, rồi luống cuống.... Hơi thở từ lỗ mũi Li phả vào trán khiến cậu rùng mình nổi hết da gà. Li ăn gian nhói chân lên, Đọt cũng nhói hai mũi chân như bị thôi miên. Thế đứng của cả hai lúc này vô cùng chông chênh. Đằng sau là tiếng reo hò " đo đi ! đo đi "... Thằng Rệ đã áp sát vào lưng Đọt, hai tay hắn áp lên hai vai thằng em, vuốt xuống hai tay, làm như thể không chấp nhận sự gian dối. Thằng Đọt vẫn cố nhói chân lên. Bất ngờ một tay Rệ xô mặt Đọt xáp vào mặt Li, còn tay kia hắn kéo mạnh tay Đọt lên đập đánh bép một cái vào bầu vú đang căng phồng trên ngực Li.
Tất cả vỡ oà ra tiếng reo từ bốn phía.
- Ê, thằng Đọt bóp vú con Li
- Thằng Đọt hôn mồm con Li
- Thằng Đọt bóp vú con Li....
Cả khuôn mặt Đọt bỗng ngu ra như đứa trẻ ỉa đùn. Rồi nó bỏ chạy thục mạng. Còn Li thì tròn mắt như kẻ bị trời trồng. Chỉ trong có nửa ngày, tiếng đồn lan khắp cả thôn Phước Tuyền, loang lên cả An Hưng, Tân Định, lên thấu thôn Quai Mọ của Lương. Lương chạy vội về hỏi bạn. Li đã qua cơn xấu hổ, bò lăn ra cười. Thế là tin đồn được khẳng định. Nỗi đau này được coi là oan nghiệt đầu tiên. Mãi mãi Đọt không dám gần Li nữa. Chuyện sơ sài nhưng thật tệ hại. Anh đã mất tình bạn. Năm đó Đọt mới đến tuổi mười lăm.

l " Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là quá nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán : ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất tất cả những thứ mà ta đã sáng tạo ra, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì ta hối hận đã làm ra chúng. Nhưng riêng ông Nô-ê thì lại đẹp lòng Đức Chúa..... "
Cổ em vẫn ngước hơi cao, nhưng bàn tay không hề đưa lên làm dấu Thánh. Em cũng không hề nhẫm đọc lời kinh. Em chưa thật quên phép tắc cầu Chúa nhưng cũng không còn thói quen, không còn nhớ một câu kinh nào thật trọn ven. Đôi mắt em vẫn mở lờ đờ, em không hẳn là nhìn vào dải vải nhung lất phất dăng ngang trên trần sân khấu, không hẳn nhìn vào một cái gì đó cụ thể, tuy nhiên em vẫn mang máng thấy, mang máng nghe và mang máng hiểu lời cáo trạng. Em như đang bơi trên con sóng của cơn đại hồng thuỷ, cũng chẳng có cảm giác gì là dữ dằn, là bi thảm khủng khiếp, hình như Chúa nói vậy là vẫn có ngoại lệ, có một khoang thuyền dành cho ông Nô- ê, dành cho ai đó nữa, tóm lại sự sống không vì thế mà phụt tắt như ngọn đèn dầu trước gió bão .Hiện tại đã chẳng rạch ròi thì quá khứ lại càng bồng bềnh thấp thoáng. Đáng ra em phải nhớ kỹ lắm mới phải. Nhưng lúc này, mọi chuyện đều không bến, không bờ .....
Em theo cha Cựu ra Vĩnh Sơn, nhưng không thể theo cha vào nhà Dòng Phước Sơn. Đó là dòng kín. Lúc đó em cũng không hiểu dòng kín là gì, chỉ biết đại khái rằng, sau những biến động từ khi ông Gia Long lên ngôi Hoàng đế, rồi ông Minh Mạng trị vì, lại nối qua ông Thiệu Trị, những sắc dụ cấm đạo, sát đạo liên tục ban hành cho đến cái năm 1885, Kinh đô thất thủ, lòng căm hận người Tây, căm hận tất cả ai có thân hình cao quá cỡ và mái tóc quăn màu râu ngô, cái mũi chọc dài như con đỉa, ngun ngút trong lòng dân bản địa, thì nhà thờ khắp cả vùng này lâm vào cơn đại hạn. Tổng giám mục ở Huế phải phân tán các lực lượng. Nhiều cha dạt ra các nhà thờ nhỏ( nhà thờ họ đạo ) . Cả dải đất Bình Trị Thiên này, xuất hiện hai nơi tu kín, ấy là nhà dòng Thiên An ở Huế, và dòng Phước Sơn ở bắc sông Bến Hải. Người vào tu trong dòng kín chủ yếu là cấp thầy, họ không tu để lên cha, không xuất hiện ra ngoài và dĩ nhiên bên ngoài cũng không thể bén mảng vào được. Ấy là cha Cựu giải thích cho em, hẳn là lý do để từ chối em, để không cho em gần, chứ lúc này đã là năm 1951 rồi, có còn phải cái thời loạn lạc, chạy trốn của các dòng đạo như thời 1885 nữa đâu. Em được cha gửi vào nhà phúc ở hạ lưu sông Bến Hải. Cái làng ấy gọi là Huỳnh Hạ. Khi em đến, nhà phúc có trên mười xơ. Sau một năm, lại có thêm bảy xơ từ phía trong dạt ra nữa. Hình như tất cả đều do cha Cựu dẫn về. Họ đều là những cô gái trẻ, đẹp mà khi ai đó nhắc đến tên cha Cựu , tất cả đều sáng mắt ra. Em cắn răng nuốt ực cái cục gì đó trong cổ.
Vào cái giai đoạn năm 1951 ấy, thế cuộc đã có khác. Cả một vùng đồng ruộng mênh mông phía đông sông Bến Hải, sau này thuộc địa phận ba xã Lâm- Sơn- Thuỷ, kéo lên đến núi đồi trập trùng trên đầu nguồn sông đều là đất bỏ hoang, vì đây là vùng tạm chiếm. Người ở lại chủ yếu là đàn bà con gái, trẻ nhỏ. Còn trai tráng thì kéo lên chiến khu Thuỷ Ba, cũng là vùng đồi núi nối liến với khu nhà dòng Phước Sơn nhưng chếch ra hướng Bắc. Cả một vùng đất đai rộng lớn ấy thuộc quyền cai quản của các xứ đạo, họ đạo. Dưới cửa sông là xứ Di Loan, có chủng viện được coi là sớm nhất vùng Đông Nam Á. Lên đến ngã ba sông, nơi giao nhau giữa hai dòng Bến Hải và Sa Lung là khu cai quản của nhà Phúc, còn lên trên cùng, toạ lạc giữa một vùng đồi bát ngát là " chiến khu " của dòng kín, nhà dòng Phước Sơn. Nơi đó cha Cựu được phong làm cha nhất. Con sông Bến Hải chảy qua chỗ này đã hẹp lại như một con suối. Tuy nhiên, người qua sông vẫn phải cần đến một con đò. Đấy là bến đò Hói Cụ. Bên đông của con sông- mà nói thật chuẩn xác là bên này, phía Đông Bắc, là làng Dục Đức, còn bên kia phía Tây- Nam là làng Hói Cụ. Vào giai đoạn ấy thì cả hai bên đều thuộc xã Vĩnh Sơn của Vĩnh Linh. Nhưng hiện giờ thì khác. Bên Hói Cụ có Miếu Ông là vùng đồi của xã Gio Sơn- Gio Linh. Vùng đồi ấy chạy dài một mạch, nhập vào các triền núi , trập trùng cây rừng. Đấy cũng là một vùng chiến khu kháng chiến. Rồi núi lại tràn tiếp về phía Nam, gặp sông Hiếu, gặp cái làng Quách Xá, gặp cái thôn Quai Mọ của em. Hình như cái việc tôi gặp em ở bến đò xưa lặng lẽ này chính là do sơn tạo và trời định ..... Thôi, chuyện đó khoan nhắc lại với em lúc này.
Công việc cơ bản, thường nhật của nhà Phúc và cũng là của các xơ như em là cầu kinh và làm ruộng. Công việc của các cha, các thầy trên nhà dòng Phước Sơn cũng vậy, tự tu thân, cầu kinh giảng đạo và khai hoang, làm vườn, làm hàng thủ công, làm ruộng, chăn nuôi. Có lẽ em không hiểu vì sao lại như thế. Nhưng tôi hiểu. Hồi đó, khi mới quen em rồi sau đó thương em, tôi đã giảng giải cho em nhiều lần. Nhưng không dễ gì làm cho em tin ở lời tôi. Lòng tin của em từ thuở còn trong trắng đã ký gửi hết ở cha Cựu rồi. Vả lại, sau khi em biết tôi là Việt Minh, là Cộng sản, em lại càng không tin.
Tôi đã cố gắng giảng giải cho em, nhà thờ đặt " Một tập đoàn cứ điểm" ở đây có mấy mục đích chính. Mục đích Tôn giáo là lợi dụng vùng đất bỏ hoang để tạo lập đồn điền, cũng không hẳn chỉ vì nguồn lợi kinh tế mà cái chính là phát triển cơ sở đạo. Họ đã khống chế hết đất đai. Người dân vùng tạm chiếm này muốn có ăn phải theo họ, xin làm thuê trực tiếp (gọi là trai bạn), hoặc xin nhận ruộng làm khoán nạp thóc lúa ( gọi là làm rẽ, rẽ tức là chia lợi nhuận ). Đương nhiên muốn được làm trai bạn hay làm rẽ thì phải theo đạo. Những gia đình theo đạo kiểu ấy kêu bằng " đạo theo " Mục đích chính trị của họ thì còn ghê gớm hơn. Khu nhà dòng Phước Sơn như cái đinh khổng lồ cắm phập vào giữa tâm của một tam giác kháng chiến, chia tách chiến khu Thuỷ Ba của Vĩnh Linh với trục đường giao liên đi qua bến đò Hói Cụ vào Giang Phao, Gio An là khu căn cứ Tây Gio Linh, lại cắt ngang cả tuyến liên lạc về miệt rừng Cam Lộ, qua Quách xá quê em để lên với chiến khu Ba Lòng. Chia cắt tam giác kháng chiến , nhưng chính họ lại thiết lập nên một tam giác giáo xứ, nối từ chủng viện Di Loan- An Ninh dưới cửa biển, lên Phước Sơn ở thượng nguồn, lại bắc qua Nam Đông- Nam Tây, vùng công giáo toàn tòng của Gio Linh và khu Phước Tuyền của Cam Lộ.
Cũng vì thế mà Việt minh phải cài cắm loại cán bộ như tôi lọt vào trung tâm này. Em cứ khăng khăng bảo tôi lừa em. Cha Cựu cũng lừa em. Em đánh đồng tôi với cha. Em khóc sau những lần mây mưa, em bảo em là đồ dẻ rách đã biết cha như thế mà vẫn ngưỡng mộ như bị hút hồn, biết tôi cũng chẳng thật thà gì, sao cứ hiến thân! Em nói , em như con chim zát, loại chim len lén ăn ở bến đò , lại bị kẹp giữa hai cạm bẫy......
Có thể em đã quên dần những lời kinh, cũng có thể quên thói quen làm dấu thánh . Nhưng tôi tự mình cam đoan trong lòng rằng , em chưa thể quên nổi cái lần gặp nhau đầu tiên, không phải ở bến đò Hói Cụ đâu em , mà ở đình làng chợ Huyện .
Đó là một buổi chiều đầu mùa đông năm 1951.

Đăng ngày 08/01/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hoàng Điệp - 12/02/2008

Bực quá, chữ  nhỏ không đọc được lâu! Đọc được mấy trang đã hoa hết mắt. Co cách nào cải thiện không chú Đức?

  Gửi bởi: Xuân Đức - 12/02/2008

Cảm ơn bạn Hoàng Điệp đã chịu khó đọc " Bến đò xưa.."Bực mình vì chữ nhỏ, nhưng phong diện trang Web đã lỡ như vậy rồi, muốn sửa lại phải nhờ mấy ông con chứ chú đang còn i-tơ-rit lắm. Tạm thời Điệp chịu khó cop qua máy rồi phóng lên, động tác này chỉ mất độ 1 phút thôi.Chúc cháu năm mới thật vui vẻ, thành đạt. Thân !

  Gửi bởi: Xuân Đài - 13/02/2008

Để tăng Font chữ lên mọi người có thể làm như sau:
Bấm chọn menu VIEW -> Text Size -> Larger hoặc Largest
Laughing chúc mọi người thành công


  Gửi bởi: xuan vui - 15/02/2008

Sang nay v­ua d­u le khoi quay phim tai Vuc Quanh.Gia nhu Tran Vinh doi dien vien Ly qua Luong thi hay hon. Chuc mung Bac.

  Gửi bởi: Văn Quang - 20/02/2008

Nếu dùng IE7 có chức năng Zoom (Góc phải-dưới) cỡ 200% đọc rất tốt.
Bạn Đài có thể tạo *.doc để mọi người tải về đọc offline thì rất tiện. 


  Gửi bởi: Vĩnh Lê - 05/05/2008

Bài văn tế liệt sỹ đôi bờ của chú quá hay, không kém gì những truyện đã thành danh như: Tượng đồng đen..., Người không mang họ..., và cả những vỡ  kịch nữa. Hình như chú cũng viết lời cho bài hát nữa phải không?
Cháu Vĩnh Lê - Xuân Mỵ, Trung Hải


  Gửi bởi: Xuân Đức - 05/05/2008

Cũng có những thỉnh thoảng do công việc yêu cầu thôi. Cảm ơn cháu. Chúc quê mình mau chóng giàu lên.

  Gửi bởi: Vĩnh Lê - 06/05/2008

Nhờ người bạn giới thiệu mà chấu biết được trang web này của chú. Cháu muốn thông qua trang web này chú giới thiệu nhiều hơn những "chuyện ngoài chính sử" về các tác phẩm truyện, kịch, và cả những lúc chú đạo diễn các chương trình lớn của tỉnh nữa để chúng cháu hiểu thêm. Cháu cũng mong chú có một vỡ kịch hoặc truyện dài thật hay về Gio Linh, quê hương cháu.
Cháu Vĩnh Lê



  Gửi bởi: đinh thanh hà - 11/05/2009

chau la nguoi dong vai luong trong cuon tieu thuyet cua bac. nhung chau ko thay phim dc chieu nen chau muon hoi bac la tai sao vay ah?

  Gửi bởi: Xuân Đức - 11/05/2009

Chào cháu Thanh Hà. Chuyện này phải hỏi Trần Vịnh mới rõ. Có lần Vịnh điện nói với bác là Đài THVN yêu cầu đạo diễn phải chạy quảng cáo đưa vào phim thì mới mua, mà Vịnh lại không chạy được. Không biết thực hư thế nào. Bác cũng buồn.

  Gửi bởi: hoài tố hạnh - 07/04/2012

Đã đọc xong phần 1 BĐXLL của ông anh. Ngôn ngư kịch của anh như tên bắn còn tiểu thuyết xem ra rất chi là nhâm nhi bác nhỉ?Hihihi...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan