Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 2


Tác giả: Xuân Đức

Chương hai 


Cả vùng đất rộng lớn thuộc ba xã Vĩnh Lâm -Vĩnh Sơn - Vĩnh Thuỷ được hoạch định bao bọc bởi hai con sông rất thơ mộng . Phía Tây - Nam là sông Bến Hải, chạy từ Cửa Tùng lên Hiền Lương , rồi qua Huỳnh Hạ , Huỳnh Thượng, Tiên An, Minh Hưng, Dục Đức- nơi có bến đò Hói Cụ , rồi lên Phước Sơn , bến Tắt.... Còn con sông phía Đông-Bắc là sông Sa Lung , bắt đầu từ một ngã ba nối với sông Bến Hải . Ngã ba đó chính là ranh giới của hai làng thuộc hai xã khác nhau. Phía Đông là Hiền Lương. Phía Tây là Huỳnh Hạ , nơi có nhà Phúc Phan xá ! Từ ngã ba đó ngược lên chỉ chưa tới năm ki-lô-mét , lại có một ngã ba, có một nhánh sông nhỏ nối từ Sa Lung rẽ vào chợ huyện , lên Hồ Xá. Ngã ba đó mang cái tên làng , mà làng lại mang tên chợ. Đó là làng Châu Thị. Một khóm làng vẻn vẹn có bốn hộ dân. Nhưng Châu Thị vì gắn với bến đò chợ huyện nên lại là nơi sầm uất đứng vào bậc nhất Phủ Vĩnh lúc bấy giờ .
Đò chở cá, nước mắm từ An Ninh - Di Loan Cửa Tùng lên, gồng gánh đưa chè, mít, khoai sắn từ trong vùng đất đỏ ra. Đò chở củi, chổi, muồng theo con sông đào từ ngoài Quảng Bình, qua Vĩnh Chấp, về Hồ Xá, mà xuôi xuống......Còn lúa gạo thì từ bên kia sông Sa Lung đưa qua, chủ yếu là nhà Phúc Huỳnh Hạ, theo đò lên chợ. Và người ta, bàn dân thiên hạ khắp cả vùng này thường để mắt nhiều nhất vào những con đò Huỳnh Hạ. Không phải vì nó mang nhiều thóc gạo. Chủ yếu là vì những cô gái trắng trẻo đến lạ thường, đẹp một cách khó tả, nhưng toàn bộ cái sự đẹp như cổ tích ấy lại được đùm gói trong những bộ áo choàng đen, trùm khăn đen. Chỉ lộ ra một khuôn mặt với những đôi mắt đen thăm thẳm. Chỉ cần chừng đó thôi cũng đủ mê mẩn cả chợ trời.....
Sau những khuôn mặt, ánh mắt như tranh vẽ ấy, là những giọng nói. Chao ôi là những giọng nói. Không hẳn là giọng Huế, cũng càng không phải là giọng Quảng, không phải thổ âm người Cùa hay bè bè giọng biển Hải Lăng. Không... không phải bất cứ một thổ âm nào hết. Tất cả bọn họ, các cô gái ấy, như từ một lò đúc ra, có một chất giọng giống nhau mà lại không giống bất kỳ vùng đất nào. Tiếng nói khe khẽ nhưng lại vang, nghe rõ mồn một từng âm, hơi buồn buồn, ngang ngang nhưng tuyệt nhiên không nhàm chán. Họ nói như hát, như ru, tỉa tót từng lời. Nói tóm tắt lại, tất cả bọn họ, cho dù là ba người hay năm người, cho dù là đi đò hôm qua hay số mới xuất hiện ở đò hôm nay, tất cả đều như một, một khuôn, một hình, một chất giọng, không có lớn bé, già trẻ, không có tính cách, cá thể. Họ như thể có chung một bà mẹ khổng lồ nào đó đẻ năm, đẻ bảy một lúc để cho ra cả đám áo choàng đen, mặt trắng nõn này.
Là nói vậy, tất nhiên, nếu nhìn kỹ một chút lại có thể phân biệt được đôi chút. Có một số cô, da mặt hơi sạm hơn, li ti thoảng hoặc có nếp nhăn ở khoé mắt, và những bà Xơ ấy thường có đôi mắt u ám hơn, những xơ ấy ít khi nhìn thẳng vào ai, thường hay nhìn xuống, cả dáng người, dáng mắt đều toát nên vẻ lãnh đạm, bí hiểm. Còn có một lớp khác, chắc hẳn là trẻ hơn, mắt cứ lúng liếng, và nếu thật tâm chú ý, ta sẽ thấy những ánh mắt ấy rực lên khi bắt gặp những người đàn ông khoẻ mạnh, đẹp trai đến đong gạo. Cái giọng trầm trầm, đều đều nhưng rất tròn vành rõ chữ kia lúc ấy cũng hơi bị run run, thậm chí có khi lập bập.
Là nói vậy, tất nhiên ít có ai dám ngắm nhìn kỹ càng, xoi mói như vậy. Phải nói là không ai dám, vì ở đám bà xơ ấy, với cái áo choàng đen ấy lúc nào cũng toát lên vẻ thần bí của chúa. Đương nhiên, trong đám đàn ông ở chợ huyện không phải ai cũng sợ chúa. Họ sợ cái khác. Họ biết đám bà xơ này có mối quan hệ đặc biệt với người Pháp. Đó mới chính là rào cản quan trọng nhất để làm cho những ánh mắt cố tình lảng tránh nhau.
Ở trong đình chợ nhốn nháo này, có lẽ duy nhất chỉ có một người dám nhìn kỹ họ. Nhìn rất kỹ, ngày này qua ngày khác, phân tích đánh giá từng khuôn mặt, từng dáng người..... Hắn ta không sợ Chúa, không sợ Pháp, không sợ cánh Xơ phản ứng. Thứ nhất là vì hắn ta có chủ đích, được giao nhiệm vụ ngắm nhìn. Thứ hai, vì hắn là thằng mù. Hắn là người đàn ông không ra trẻ, không ra già, áo thân đen, không có râu nhưng lại đeo kính đen.
Hắn cũng chỉ mới xuất hiện ở đình chợ Huyện hơn nửa tháng nay thôi. Hắn làm nghề thầy bói.

l

Từ bao giờ em để ý đến tôi, vì lẽ gì mà em xô ập vào tôi. Ngày ấy thật sự tôi không tự biết. Mà chính em cũng không tự biết .Em quen với cha thì nhanh, nhưng em thật khó quen được với đức tin của cha. Khổ hạnh của em tuyệt nhiên không phải vì công việc đồng áng, cho dù làm ruộng đất này chẳng dễ dàng chút nào. Ruộng ở đây làm hai vụ. Nhưng chỉ có một vụ có nước, đấy là vụ lúa chiêm. Em cùng các Xơ ngâm giống, đi cấy, sau đó là gặt. Còn khâu làm ruộng, từ cày ải, bừa, be bờ, phạt cỏ, bón phân là phần việc của người dân làm trai bạn ở vùng này. Sau khi thu vụ chiêm là đến kỳ ruộng vại. Vại tức là vãi, do thổ âm ở đây đọc nặng mà thành. Trời nắng hạn kéo dài suốt vụ. Đất cày ải không được, người ta đốt rạ trên ruộng, đã khô cháy cho khô cháy luôn. Rồi dùng sức người mà cuốc. Đất cuốc lên từng tảng cứng như đá, trắng như vôi. Rồi dùng vồ mà đập. Đập từng hòn đất, có hòn phải giáng đến ba vồ mới vỡ hết. Trong nhà Phúc có đến vài ba chục chiếc cuốc, lại có ba bốn chục chiếc vồ. Không chỉ có trai bạn, người làm ruộng rẽ phải đập đất, mà tất cả các Xơ trẻ đều phải đập. Em đương nhiên cũng phải lăn mình ngoài ruộng. Đôi bàn tay phổng rốp, lấy vải bố bọc tay lại, ngâm nước muối. Rồi tay cũng chai ra. Bụi đất trắng mù mịt một vùng như khói. Một ngày làm đất vại, những tấm áo choàng đen phủ lớp bụi trắng như vôi.
Nhưng cái cực khổ, nhọc nhằn ấy chưa phải đã làm em sợ. Hãi hùng nhất với em là phép tắc cầu kinh trong nhà Phúc. Đấy là chưa kể những khi bị Xơ bề trên quở trách. Các Xơ đến trước hầu như ít bị quở. Bảy cô đến sau thì thường xuyên vướng tội. Khi thì không chịu khó, siêng năng, khi thì quên đọc kinh trước giờ ngủ, khi lại nói năng hớ hanh như người đời không đúng khuôn phép. Có lúc đi làm phúc lại không giữ đúng phận con Chúa mà đùa cợt thái quá với trẻ con. Mỗi lần bị quở, dù là buổi sáng, buổi trưa, hay trước khi ăn, trước khi ngủ đều phải quỳ trước tượng thánh giá mà đọc bài kinh tuỳ theo nội dung vi phạm. Trong tất cả các tội lỗi ấy, sợ sệt nhất là tội không giữ mắt, giữ miệng trước đám đàn ông trai bạn.....họ quá khoẻ mạnh, quá vô tư, có người còn rất liều mạng. Mấy Xơ trẻ cứ như bầy chim non xao xác, trôi giạt trước những cơn gió mạnh. Ở nhà Phúc không có cha để xưng tội, nhưng Xơ bề trên quản huấn thì còn đáng sợ gấp mấy cha bề trên.
Trong số các Xơ trẻ đến sau, em là người được Xơ bề trên tin cậy nhất. Xơ trên lấy em làm gương để răn dạy các Xơ trẻ khác. Nhưng em chẳng lấy thế làm mừng, bởi vì lời biểu dương của Xơ bề trên đã khiến cho đám bạn Xơ cùng lứa xa lánh em, họ thường lãng tránh chào hỏi, không làm việc cùng. Họ túm tụm ở một khóm đầu bờ ruộng xa kia, thỉnh thoảng đánh mắt về phía em, xầm xì với nhau điều gì đó ......
Ai biết được em khổ tâm dường nào. Em đâu có muốn tự ép xác mình để được thăng tiến. Thực ra em cũng có những khát khao, cũng muốn lột phăng chiếc áo quàng đen và chiếc khăn trùm đầu. . Nhưng mà không phải vì mấy lão đàn ông cầm vồ đập đất kia đâu. Mấy thằng cha ấy như Xơ bề trên đã nói là những con quỷ xa tăng nói tiếng cười. Mấy thằng cha ấy đứng trước mặt các Xơ trẻ là mắt ti hí, lưỡi liếm môi, tay cứ xoa xoa vẽ vẽ vào đầu cái vồ gỗ nhẵn thính trộc lốc . . Đám xơ trẻ nhiều đứa đỏ mặt, nhiều đứa đấm vào lưng nhau rồi bỏ chạy. Những cử chỉ đó không thể lọt qua mắt Xơ bề trên. Đêm này chắc chắn phải quỳ và đọc kinh sám hối. Em thì không. Không phải em dị ứng với những động tác gợi dục đó, mà ngược lai, nhìn những cử chỉ đó lại dội lòng em về với một bến đợi xa hơn, mơ hồ hơn nhưng lại vô cùng khát khao cháy bỏng. Đó là cha Cựu. Giờ này cha ở đâu. Trong trăm ngàn dây phút của một tuần, một tháng trên con đường khổ hạnh đi về bên Chúa, có một giây nào cha ngoảnh lại bến quê xưa ?

l

Thì rồi cha đến thật. Đó là một buổi chiều mùa đông, mưa phùn gió bấc. Một bóng đen đi chiếc xe đạp lộc cộc, lao vào cổng nhà Phúc. Rồi tấm áo choàng đen đàn ông ấy không hề dừng lại, không hề ngoảnh nhìn, không hề lộ mặt đã lướt nhanh vào phòng Xơ bề trên. Lúc này hầu như các Xơ đều có mặt ở nhà chung, tất cả vừa đi làm cỏ lúa về, chưa ai kịp thay quần áo. Tuy người đàn ông đi nhanh, không chào hỏi, không lộ mặt nhưng tất cả đều cùng một lúc nhận ra. Đó là cha nhất nhà dòng Phước Sơn ở trên thượng nguồn. Cha về với hạ nguồn làm chi hè ? .. Tất cả các Xơ đều đứng đó, chờ đợi. Mà có ai bảo chờ đâu, Xơ bề trên không hề có lệnh phải tập trung đón tiếp. Nhưng các Xơ không ai đủ sức đi về phòng.
Gần nửa giờ, Xơ bề trên bước ra. Cha Cựu theo sát phía sau. Xơ bề trên nhìn tất cả các Xơ tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng cha nhất đã nở nụ cười tươi tắn. Chao ôi, nụ cười mới mãn nguyện làm sao, mới trẻ trung và chan chứa làm sao, cho dù nhìn kỹ thì chợt thấy cha có già đi , có vẻ trần ai hơn, hẳn là cha đã đi được quãng đường khó khăn nhất. Cha đã rất gần Đức chúa.
- Chào các Xơ ! Các xơ có khoẻ mạnh không ?
Tất cả nhao lên:
-Thưa cha, khỏe lắm ạ !
Riêng em không sao mở miệng được. Sao cha chỉ chào chung mà không nhìn vào em ? Sao cha lại gọi các Xơ mà không gọi em, hoặc con . . Tiếng con nghe ra còn tha thiết. Con có thể ngã đầu vào ngực cha, còn Xơ thì không thể . . . .
Chỉ có vậy thôi. Sau một nụ cười thật tươi tắn, một câu chào rất chi sảng khoái, rồi thì cha cúi xuống một cái là ngẩng lên, tay đưa nhanh làm dấu thánh, rồi thì nhảy phốc lên chiếc xe đạp. Cha cúi người mà đạp trên con đường đất đồng lấm tấm mưa phùn. Đường lên Phước Sơn, vừa ngược dốc, vừa ngược gió. Hẳn là cha cơ cực lắm !
Bữa cơm chiều hôm đó ở nhà Phúc thật đặc biệt. Nhiều Xơ ăn ngon miệng hẳn lên, ăn ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Ấy là nhờ được gặp cha. Nhiều Xơ lại không sao nuốt được hoặc là cứ xăm xăm đôi đũa vào bát cơm, hoặc là gác ngang đũa lên bát. Có cái gì đó nghèn nghẹn, tui tủi, oan oan . . Xơ bề trên nhìn lướt một vòng, xơ hiểu hết. Bỗng Xơ khẽ thở dài, đưa tay lên làm dấu thánh.
Riêng em vẫn và cơm, không nhanh hơn mà cũng không chậm hơn bình thường. Em vẫn cố nhai, cố nuốt. Mắt không liếc nhìn ai. Có cái gì đó thật khô khan và vô nghĩa cư lãng vãng trước mắt.
Có lẽ nhờ cử chỉ khô khan ấy mà tối đó, Xơ bề trên đã bước vào buồng em. Nhìn thấy Xơ, em hết hồn, em luống cuống bò từ trên giường xuống quỳ vội trên mặt đất, tay run rẩy làm dấu thánh. Câu kinh lộn từ đít lên đầu.. " Amen .. . lạy Chúa lòng lành. . . "
- Xơ đứng dậy đi !
Xơ bề trên nói rồi ngồi xuống mép giường, mắt nhìn xoi mói vào em.
- Có việc này, chị dành riêng cho em.
Lạy Chúa, sắp đến ngày tận thế rồi chăng. Có bao giờ Xơ xưng hô như thế. Giọng em càng run hơn :
- Thưa . . . chị . . . .
- Có việc này. . . ta giao cho Xơ - lạy Chúa, lại thay đổi cách xưng hô rồi, sao có thể thay như lật bàn tay vậy- Mười ngày một lần, Xơ được lên Phước Sơn. . .
Người em như bồng bềnh trôi. Lời của Xơ bề trên nghe như ở đâu xa lắm vẵng tới, có lẽ ở tận thiên đàng.
- Nghe ta dặn cho kỹ đây. Lên đó là lên thánh địa, tuyệt đối không đi lại lung tung, không gặp gỡ lung tung, không hỏi han lung tung....Xơ chỉ được vào một gia đình ở họ đạo Phát Lát. Làng đó kêu bằng làng Phát Lát, nghe kỹ chưa? Ông chủ nhà tên là Kiềm . Ông Kiềm nhớ kỹ chưa...
- Dạ rồi răng nữa?
- Xơ nhận ở đó số thuốc lá quấn điếu do xưởng quấn thuốc trong nhà Dòng họ làm, chuyển về đây.....
- Chuyển về đây để đi bán hả Xơ bề trên?
- Không. Rồi Xơ lại chuyển về chợ huyện theo gạo.....
- Lạy Chúa! Em phải bán thuốc lá ở chợ?
- Nghe ta nói cho kỹ đã. Xơ bán gạo ở chợ, còn thuốc thì không bán mà thẳng đò lên đồn Hồ Xá, giao trực tiếp cho ông trưởng đồn .
Cả người em như muốn bật dậy , em quên mất mình đang nói chuyện với ai :
- Không đâu....Em không vào cái bốt ấy đâu, Xơ ơi......ơ bề trên khẽ thở dài, đặt nhẹ bàn tay lên tay em:
- Không có gì đáng ngại. ở đó, người ta biết em là ai, không ai dám hỗn láo đâu.
Mi mắt em khẽ chớp:
- Sao cơ.....Họ sợ Xơ à?
- Ta có đáng gì mà họ sợ - một cái nhìn chéo hiếm thấy ở Xơ bề trên, cái nhìn sâu xa khôn lường - bọn lính ấy sẽ biết em là người của cha Cựu.
Có cái gì đó đột ngột xốn xang, em phải cúi xuống, hỏi lí nhí:
- Ờ ờ ... chỉ có cha thì mới đáng cho chúng nó sợ
Lại một cái nhìn chéo, rồi bất ngờ thêm một cái mỉm cười. Cái cười khẽ mím môi lại còn hiếm thấy hơn ở Xơ quản giáo.
- Chúng nó đâu có sợ cha Cựu.
- Thế thì......?
- Xơ nên biết rằng, trên nhà dòng Phước Sơn, cha Cựu là cha nhất. Nhưng trên cha Cựu còn có hai cha cố ngoại quốc. Một cha người Pháp tên là Vecna, một người cha Ý tên là Rumbe. Chính họ mới là nỗi sợ hãi cho các quan tây dưới quốc lộ.
- Lạy Chúa......Bất giác em kêu lên và làm dấu thánh . Không phải vì em lây sự sợ hãi trước các cha cố tây, mà vì em thấy quá bất ngờ, quá xúc động. Thật không ngờ em lại được Xơ bề trên tin cậy đến thế, được Xơ kể cho nghe những điều to tát đến vậy. Cả nhà Phúc này mấy chục con người, nào có ai được hạnh phúc như em.

l

Từ nhà Phúc Phan Xá - Huỳnh Hạ lên Phát Lát - Phước Sơn, có thể đi đò dọc theo sông Bến Hải. Nhưng đường đò này chủ yếu là dành cho dân đạo Di Loan đưa mắm muối lên Nhà Dòng và chở gạo, sắn, cả trâu bò nữa từ trên " đất thánh" ấy về cho dân vùng cửa biển. Còn dân Vĩnh Sơn chủ yếu là đi đường bộ, băng qua những mảnh ruộng chằng chịt bờ bụi thì lên tới vùng đồi. Thuở đó, đồi rậm rịt lùm bụi, muông thú nhiều vô kể. Còn có cả cọp nữa. Vùng này nối liền với chiến khu Thuỷ Ba, nơi có cọp thành tinh và cũng là nổi tiếng với hội làng bắt cọp. Tuy nhiên từ khi ông Thượng Thư Bộ Công Nguyễn Hữu Bài, một con chiên sùng đạo ( vào học chủng viện An ninh- Di Loan từ khi mới mười tuổi ) xin với triều đình để trưng dụng toàn bộ đất hoang hoá mà khai khẩn lập ra ngũ môn: Phước Sơn, Phước Sa ở Vĩnh Linh, Phước Môn ở Hải Lăng, Phước Tín Phước Xuyên ở Truồi, thì ông cũng cho khai phá một con đường lớn, được coi là tỉnh lộ chạy song song với dòng Bến Hải mà lên tới Dục Đức, Phát Lát, Phước Sơn.
Chẳng ai rõ sau này, giữa cái nhà dòng Phước Sơn và ông đại thần triều Nguyễn có mối quan hệ gì, nhưng toàn bộ vùng đất khai phá ấy lại trở thành đất đạo. Và con đường lớn ấy nghiễm nhiên cũng thành đường của Chúa!
Sáng nay, em bắt đầu chuyến đi đầu tiên trên con đường của Chúa, lên với vùng "thánh địa", mà thực ra trong lòng em biết rất rõ là đang đến với ai.
Đi bộ trên đường đất từ Phan Xá lên Cổ Hiền, tới Lê Xá thì gần như hết ruộng, bắt đàu vào vùng đồi. Tới đầu thôn Yên Cư thì trời đã xế chiều. Mây mỗi lúc một đặc lại trên đầu, gió se lạnh. Trời tuy không mưa nhưng rất u ám. Đường của cụ Thượng Thư Bộ Công tuy có to nhưng khi chui vào miệt rừng này bỗng thành heo hút như một lối mòn nhỏ. Rất ít gặp người đi lại trên đường. Tay em luôn luôn làm dấu thánh, miệng lẩm bẩm những câu kinh lẫn lộn.....
Rồi thì mọi lo lắng cũng qua. Một nhà thờ nhỏ hiện ra ở phía đường. Em biết đó là nhà thờ họ đạo Phát Lát. Một cháu gái chừng hơn mười tuổi, tay dắt mũi con trâu đực to gần chục lần người em. Chính cháu bé đen điu đó đã chỉ nhà ông Kiềm. Em đương nhiên cảm ơn và xoa đầu bé làm phúc.
Em run run bước vào ngõ, mắt không dám nhìn lên. Em cố tưởng tượng ra cảnh cha Cựu chạy ùa từ trong nhà ra đón em. Nhưng em vội làm dấu thánh, cố xua cái cảm giác ác quỷ ấy đi....Lạy Chúa toàn năng hãy đổ tràn lên con, giúp con xua tan ma quỷ. Amen!
Đón em không phải cha nhất, cũng không phải ông Kiềm mà là hai cô gái. Một cô có lẽ suýt soát tuổi em, đứng ở bậc cửa, vịn tay vào bờ tường, nhìn em gằm gằm. Còn một cô chạy ra, có lẽ là em gái vì có khuôn mặt hao hao với cô kia, nhưng tươi tắn hơn, dễ chịu hơn.
- Chị có phải là chị Lương không?
- Dạ...tôi tìm....
- Em biết rồi. Cha bề trên bảo nhà em đón chị.
Người em bỗng như bước hụt:
- Thế cha không đến đây sao?
Một nụ cười toét miệng, cô em liếc nhanh vào cô chị:
- Có chứ. Không đến răng được.
Em thở phào. Cơn mệt ào đến. Em ngồi bệt xuống giường. Cô em loay hoay rót nước. Cô chị vẫn tựa lưng vào tường nhìn em. Hớp một ngụm nước lá vằng chát đắng, em thấy tỉnh cả người. Bây giờ em mới kịp nhìn khắp nhà và hai cô con gái....
Hai ngôi nhà gỗ, một trước, một sau được nối với nhau bằng mái cầu. Em hiểu nhà trên để ở, nhà dưới là bếp nấu, kho tàng. Nhưng sao nhà trên từờng vách sơ sài, còn nhà dưới lại thưng che có vẻ kin đáo. Hay nhà này thuộc loại nhà giaù, nhiều của cải?
- Chị ngồi nghỉ, để em đi dọn cơm.....
- Ấy tôi......
- Thì cha dặn em thế mà.
Lại cười. Nụ cười toang hoác. Bất giác em nhớ đến bạn mình ở làng Phước Tuyền. Tất nhiên không thể so sánh thế được. Li cười cũng toét miệng nhưng mà duyên. Duyên từ môi đến khoé mặt. Còn cô gái này...Em bình tâm ngắm kỹ. Cả hai cô đều thấp lùn, cơ thể đều nở nang, ngực phổng pháo, mông bè bè. Tuy nhiên, cô em - là em đoán vậy - có vẻ dễ ưa vì có đôi mắt ướt át và lúng liếng. Đôi má cũng hồng hào và phúng phính hơn.
- Hai chị đây.....chắc là chị em?
Cô em vẫn nhanh nhẩu hơn:
- Dạ chị đây tên là Núc, em là Nắc!
Suýt nữa thì em phì cười. Em đưa tay che vội miệng rồi vờ kéo lại mép khăn. Lạy Chúa, người đời sao sướng thế, đến cái tên gọi cũng thoải mái như thể trên đời chẳng cần ai nghe.
Bữa cơm quê nấu khá ngon. Cá rô kho mặn. Đọt bí ngô luộc chấm nước mắm gừng. Cơm có trộn ít sắn nhưng rất dẻo. Biết là ngon và thật sự em đang đói. Nhưng sao em vẫn chẳng muốn ăn. Cứ tưởng thế nào cha cũng có mặt, cũng ăn cơm. Ai dè chỉ có ba đứa con gái dở lạ, dở quen. Một đứa mặt gằm gằm, một đứa nói liến thoắng. Em lặng im nhai cơm rồi nuốt một cách mệt nhọc như đang leo đồi.
Rồi thì cha đến. Chào ào vào khi những chiếc bát đã xếp chồng lên nhau. Cả hai cô gái chủ nhà cùng reo lên một lúc: Cha!....Em sửng người một chút rồi bình tĩnh đứng dậy, giọng tỉnh khô:
- Thưa cha, Xơ bề trên dặn con......
- Rồi rồi...Cha có sẵn hàng cho con đây.
Một chiếc gùi to nhô ra những cạnh vuông vức đặt xuống ngay giữa giường. Cha khẽ thở mạnh một cái rồi nói tiếp:
- Con đưa về rồi phải đưa ngay đến chỗ người nhận, đừng chậm trễ nghe.
Em luống cuống đứng dậy:
- Nhưng thưa cha...con phải về ngay ư ? Trời sắp tối rồi mà.....
Cha khẽ gật đầu đưa mắt ra hiệu cho hai cô gái chủ nhà. Nhoáng một cái, cả hai ả đã rút ra nhà sau. Cha nhẹ nhàng ngồi xuống bên em. Tim em đột ngột đập mạnh.
- Trời tối, đường rừng, con không đi được đâu...
- Dạ...
- Nhưng...con cũng không thể ở lại nơi này được. Đây là vùng đất thuộc dòng kín, không ai được vào, con hiểu rồi chứ! Cha tin con mới bảo Xơ bề trên giao việc này cho con, chứ các Xơ trẻ khác thì không thể cho vào đây được.
- Dạ......
- Tuy nhiên, con nhận hàng rồi thì phải đi. Gắng một đoạn xuống làng Dục Đức, cạnh bến đò Hói Cụ. Ở đó, cha đã sắp xếp cho con một nhà quen, chị chủ nhà tên là Miên, chồng lái đò ngang. Từ rày về sau, con sẽ ngủ đêm tại đó...Thôi, con xuống núi kẻo muộn...
Trời chưa tối nhưng em có cảm giác tất cả đã sập xuống. Đột ngột và đơn côi. Em không còn nhớ phép tắc, lễ nghĩa, quên cả cử chỉ xã giao thông thường, tay khoác mạnh chiếc gùi lên vai, không chào cha, không chào cả những cô gái chủ nhà đã mời em ăn cơm. Em cúi đầu đi như chạy. Có cảm giác phía sau, cha khẽ nén tiếng thở dài và run run đưa bàn tay lên làm dấu thánh.

l

Đó là mùa đông đầu tiên em thật sự thấy u sầu. Thực ra bấy lâu em không tự biết mình đã đi qua tuổi thơ ngây. Em cứ sống, cứ thấp thõm, cứ bồi hồi. Thời gian cứ như không hề trôi chảy, em cư ngỡ mình vẫn độ trăng tròn, tuổi mười lăm mười sáu... Em quên mất năm nay, năm 1951, em đã bước vào tuổi hăm mốt, trái cây đã ngã màu, mỗi ngày một chín hơn, mọng hơn, và có thể rụng bất cứ lúc nào .
Sau cái lần đầu tiên được lên nhận thuốc ở nhà dòng Phước Sơn, rồi chuyển về đồn bảo an ở Hồ Xá, công việc chẳng có gì đặc biệt. Đúng như kế hoạch, mười ngày sau em lại đi, lại gặp cha, nhưng lần này em tỉnh táo hơn, biết thân biết phận hơn, không nói chi nhiều, chỉ cúi chào, thưa và dạ rồi lùi lũi quay về. Rồi mười ngày nữa, lại lên chuyến nữa......
Bọn lính bảo an ở đồn Hồ Xá, quả thật lần đầu em đến, chúng có nể sợ. Chúng cũng dạ như em dạ, cũng đưa hai tay nhận gùi thuốc và cúi chào như em cúi chào. Nhưng đến lần thứ hai thì đã có thằng nháy mắt, có đứa bạo phổi còn dám gọi: này này cái chị gì ấy ơi !
Lần thứ ba em đến, chúng có vẻ như chờ sẵn. Ba thằng lính trẻ, đẹp trai cùng chạy ra, một đứa đỡ gùi, một đưa táo tợn cầm tay, đứa nữa lột tấm vải ni lông che mưa vô ý lộc cả tấm vải đen bịt đầu. Em khẽ hất tay chú lính ra nhưng cũng không hề cáu! Chúng nó cười thật vui vẻ. Lần đó em có ngồi vui hơn một chút, dám uống hết li nước chúng mời.
Rồi lần thứ tư, chỉ một thằng ra đón. Em chột dạ , cứ chắc mẫm lần này phải nhiều thằng hơn lần trước mới đúng. Chúng nó đã thấy chán mình rồi chăng? Một thoáng lòng em se lạnh. Nhưng vừa bước vào cái phòng trực ban, đột ngột hai thằng kia xuất hiện, mắt như muốn lồi ra, miệng cười nham nhở:
- Sao chiều ni qua muộn rứa em? Có đứa mô ngáng em giữa đường ư?
- Ui chao, út tao ướt hết rồi nè, tội nghiệp út.......
Một đứa lột ni-lon, lần này thì cố tình lột vải trùm đầu. Người em bỗng run lên. Có lẽ vì trời quá lạnh. Thằng lính gọi em bằng út bỗng tru tréo lên:
- Ui chao, mặc áo mưa kiểu chi mà ướt hết ri út? Coi này, coi này.......
Rồi hắn hấp tấp phủi bụi nước, phủi trên tóc, phủi bờ vai, quệt tay lên cổ, mồm cú xuýt xoa: tội chưa, khổ chưa...Bất ngờ, cái bàn tay thô như chiếc bai thợ nề bỗng phủi mạnh lên bộ ngực đang phập phồng. Không phải là phủi mà quệt, cũng không phải quệt nữa mà thực ra là một cú ấn mạnh như bàn ủi lên bầu vú. Em giật bắn cả người, hai chân run bần bật. Em lao đầu ra cửa, chạy xiêu vẹo. Sau lưng em oai oái một cơn cười thốc tháo như nôn oẹ .
Em bổ nhào xuống đò, chiếc đò chao nghiêng như muốn lật. Tay em luống cuống ôm lấy mái chèo. Đò quay qua bên này rồi lại hất sang bên kia. Có lẽ phải mất tới dăm phút, chiếc đò mới bơi được thẳng...
Rồi thì em cũng dần bình tâm lại, rồi thì cơn rét cũng nguội đi. Em thở dốc ra một cái, khẽ cúi xuống nhìn vào ngực áo mình nơi có hai bầu vú căng tròn, nơi vừa ghi dấu chiếc bàn ủi thô bạo đó...Đột ngột có cái gì đó râm ran trong người như kiến bò. Rồi một luồng nóng bốc lên, từ lồng ngực lan lên hai thái dương, hừng hực phả ra đôi gò má...Cả người em lâng lâng...
Về đến ngang chợ Huyện thì em chợt thấy đói. Một cơn đói đến nôn nao. Em ghé đò vào bến, mau mắn bước lên nhằm thẳng cái quán bán bánh đúc ở phía bên kia đường quốc lộ.
Đang lướt đi nhanh, chợt em hơi chững lại. Hình như có ai đó ở trong túp lều quán bên cạnh đang nhìn xoi mói vào em. Ai nhỉ ? Chợ đã tan lâu rồi. Cả khu đất chỉ còn ngổn ngang giấy lộn, cọng rau, lá gói bánh và những chiếc lều toành toàng, xác xơ...Em định tâm nhìn kỹ. Có người. Trời đất ơi, lão thầy bói....
Laõ mù đang nhìn em? Em chợt phì cười. Mù mà cũng ưng ngắm con gái ư? Chợt một ý nghĩ độc ác vụt loé lên. Lão có ưng ta cởi truồng ra không....Hay tí nữa quay lại đây, ta sẽ vờ ngồi đái tại chỗ này, ngoảnh mặt vào phía lão nhé. Lạy chúa tôi...ác quỷ đã xui con nên mới có ý nghĩ tội lỗi ấy. Xin Chúa toàn năng tha tội. Amen!
Đói quá cho nên "con mắt to hơn lỗ miệng", em xỉa ra một lúc hai hào. Em mua cả hai tảng bánh đúc to. Một, gói lại gọn gàng, còn một cầm trên tay, khẽ đảo mắt một vòng, chẳng có ai nhìn thấy, em cho luôn vào mồm nhai sần sật.
Phải nuốt hết nửa tấm bánh đúc, em mới thấy thật sự tỉnh táo. vừa nhai, vừa chầm chậm quay trở lại, vừa nhởn nhơ nghĩ ngợi. Cái lão thầy bói đó có đói không nhỉ? Lão cũng lắm tiền chứ chẳng đến nỗi nào. Mấy lần tới chợ bán gạo em để ý thấy lão đều có khách. Mà thật là lạ, khách toàn con gái. Có cô béo phục phịch, có cô gầy nhom, cô thì vừa chìa tay cho thầy nắn nắn vừa cười khúc khích, cô lại rụt rè hoảng hốt như đang ngồi trước thần linh. Em theo Chúa. Chúa không cho phép con chiên tin vào mê tín dị đoan, vì vậy em phải lánh xa cái thứ bói toán tầm phào ấy...Nhưng mà, nhìn đám con gái cứ xoắn xuýt lấy lão, em lại thấy kỳ kỳ, đôi khi cũng muốn biết cái lão mù ấy nói những gì mà đám dân vô đạo ấy lại như bị bùa mê, thuốc lú thế. Em muốn biết lắm, nhưng không dám. Mỗi lần đi chợ có vài ba Xơ, em mà lởn vởn tới gần lão ta thì đêm ấy về hẳn không sao sống nổi với Xơ bề trên...Mấy lại, cho dù không có các Xơ khác nhìn thấy, nhưng với tấm áo choàng đen đặc biệt này mà lại làm cái điều trái ý Chúa thì dân ngoại đạo cả chợ này sẽ nghĩ thế nào về các con chiên?
Em là đứa đã quen giữ mình, giữ mình từ thủa mười lăm mười sáu, đến nay đã tuổi hăm mốt. Em quyết ghìm mình để giữ gìn cho cha, cho Chúa, nhưng sao cha và Chúa vẫn thăm thẳm nơi đâu để cho mấy cái bàn tay gớm ghiếc ấy chà xát lên ngực em! Mà sao cha biết cái bọn chó ấy là quỷ sa tăng lại đùn đẩy em đến...Có gì mấy gói thuốc lá ấy mà phải chọn đến một Xơ ngoan đạo nhất , tin cậy nhất đưa đi..
Bỗng nhiên em thấy bực tức, thấy ngột ngạt, thấy cáu tiết. Giá như được hét to một tiếng, đồ lừa phỉnh, chắc hẳn em sẽ thấy nhẹ lòng. Nhưng ai là đồ lừa phỉnh! Lạy Chúa, con đâu dám nghĩ là Chúa hay Cha...Xin đừng trừng phạt con. Con đang rủa kẻ khác. Ai ư ? Lão ta đấy, lão thầy bói ấy......
Thế nên em quay người bước vào. Em tự lý sự trong đầu rằng, thứ nhất là vào để thay Chúa vạch mặt kẻ lừa phỉnh. Thứ hai, có lẽ đây là lí do chính, chợ không còn một ai, trời lại lất phất mưa, mờ mịt cả một bãi sông, cả đến trên đường quốc lộ cũng không có một bóng người. Chẳng ai nhìn thấy em để mà chê trách Chúa.
Tuy vậy, em vẫn bỗng thấy hồi hộp...Lão ta đã ngẩng lên. Em biết bên trong hai mắt kính đen thui kia là những con mắt đã mù. Lão sẽ chẳng biết em là ai. Thế sao em vẫn thấy sờ sợ. Và bắt đầu run...
- Chị muốn biết về việc chi?
Em giật bắn cả người. Làm sao lão lại biết có người, mà cho dù có nghe được tiếng bước chân rồi tự đoán mò thì làm sao biết là đàn bà mà gọi "chị"..
- Chị ngồi xuống đi...đưa tay trái đây...
Em như kẻ bị thôi miên, bàn tay thập thò nửa muốn chìa ra nửa như thụt lại ! Em đảo vội mắt nhìn ra phía sau. Không có ai . Trời vẫn mù mịt như khói phủ. Thế rồi không biết do ai chủ động , em hay lão ta, bàn tay em đã nằm gọn vào giữa hai tay đàn ông. Lạy Chúa lòng lành, hãy tha tội cho con!
Một làn hơi nóng từ từ nhưng rất mãnh liệt từ nơi đó lan ra, truyền đi, râm ran, bồi hồi, đủ cho cả cơ thể lạnh giá của em phút chốc bừng lên.
Em khẽ thở ra một tiếng rất mạnh. Cái thở ra như là một sự chấp nhận, đánh liều. Sau đó em định tâm nhìn kỹ lão. Chợt em giật mình. Không phải là lão,Chúa ơi, nghĩa là lão chưa hề già, thậm chí còn quá trẻ. Một nông dân, không , một chàng trai, mà đẹp nữa, mà có gì đó thật quyến rũ, trừ hai kính mắt đen...Giọng nói thầm thì, không quá cao, không quá thấp, cứ như là một lời tâm sự chứ không phải cách thầy bói nói mò.
- Chị có thể nói cho tôi năm sinh tháng đẻ được không? Nếu có cả giờ sinh nữa thì tốt.
- Dạ..Đột nhiên em cảnh giác. Sự khôn ngoan bẩm sinh khiến em phải tính toán lựa chọn. Không nói sự thật thì không thể có cơ sở khẳng định hắn lừa phỉnh. Nhưng cũng cần thử thách hắn chứ ! Em khẽ mỉm cười một mình rồi nói cho lão biết cả giờ, cả ngày, cả năm tháng sinh của mình. Rồi em hỏi luôn:
- Thầy có biết tôi làm nghề chi không?
- Dạ, chị mệnh kim, chu sa kim, tức là vàng lẫn trong cát. Chị là người đoan trang, chuẩn mực, chị lúc nào cũng tự ép mình trong bao nhiêu ước muốn. Nhưng tiếc thay, người ta không chịu nhìn thấy những hạt vàng trong cát. Người ta thật quá vô tình.......
Em suýt kêu lên. Lòng em bỗng nhiên mềm lại. Có cái gì như một sự tủi thân nghèn nghẹn trong lòng ngực, chẹn lấy hơi thở. Khoé mắt đột nhiên rơm rớm nước...
- Mệnh chị cao, nhưng lại lỗi mùa sinh, kim khắc mộc nên càng thương người thì lòng càng bị tổn hại...Mệnh kim là mệnh sang, đàn bà có mệnh kim cũng là loại xinh đẹp và sắc sảo. Chị thật sự đáng để cho nhiều người yêu mến..Nhưng mà...
- Thôi thầy...
Em bỗng nghẹn giọng và rụt vội tay lại. Nhưng em không đứng lên....Một giọt nước mắt lăn tròn xuống gò má. Em khẽ kéo mái khăn trùm đầu lau nhẹ nước mắt. Rồi em rút tờ bạc hai hào khẽ khàng đặt vào tay thầy.
Bàn tay thầy bói bất ngờ gập lại, ốp lên tay em. Em để nguyên vậy, rất lâu.

Đăng ngày 08/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan