Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 5


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 5 

Chao ôi là dương thế ! Có một khoảnh đất nhỏ như bàn tay, đường ngang, lối tắt chằng chịt, thế mà đi mãi vẫn cứ lạc nhau. Suốt đời cứ tìm nhau. Thậm chí ngay cả những khi chen chúc nhau dày đặc trên một bãi đất như ở sân phiên toà sáng nay, người ta vẫn chẳng nhận ra nhau. Để rồi vì thế mà thù ghét nhau, oán hận nhau suốt đời...
Có bao nhiêu sự trắc trở trên đường đời, giờ thật tịnh tâm nhớ lại, không sao giải thích được. Cứ như ma xui, quỷ ám. Em nói em nhất quyết phải về với con. Tôi cũng thế. Tôi thề có trời xanh núi thẳm rằng không hề có ý gạt em. Mà gạt để làm gì kia chứ... Nhưng không hiểu sao, cứ chuyện nọ xỏ chuyện kia, hôm nay có lý do này, chờ thêm tuần nữa, tuần sau lại bất ngờ chuyện khác... Lúc đó toàn mặt trận chuẩn bị vào tổng tiến công. Lính tráng bận rộn đã đành. Lực lượng dân vận, binh vận cũng xoay như chong chóng. Mà em lại là một cán bộ quá được tin cậy, quá được đề cao ... Nhoáng một cái, người ta đề bạt em làm tổ trưởng một tổ ba người chọc sâu xuống Hồ Xá. Em cũng định xong vụ đó là bay. Nhưng cả một vùng phía bắc huyện ( thuộc xã Vĩnh Chấp bây giờ ) với một hệ thống lô cốt dày đặc của Pháp, cũng cần kíp phát động quần chúng nổi dậy. Huyện lại cử em làm đội trưởng đội công tác tám người đi ngay. Uy tín em ngày một cao, thành tích em ngày một nhiều, lại thêm hai lần khen thưởng đột xuất : Chính em cũng thấy vui, thấy háo hức. Chị em trong đội bắt đầu gọi em bằng bà đội. Lúc đầu thì ngượng, nhưng rồi lại thấy hay hay ...Nỗi nhớ con dịu dần... Niềm vui công tác đẩy lên... Chẳng lẽ tất cả những chuyện đó, đều do lỗi của tôi ư ?

Nhoáng một cái, sáu tháng trôi qua. Đã bước vào đầu hè năm 1954. Tin tức ở những đẩu những đâu cứ dội về từng đêm từng ngày .Ta thắng chỗ này, địch thua chỗ nọ, rồi Điện Biên Phủ toàn thắng, hiệp định Giơ- ne -vơ ký kết... Cả vùng đất heo hút nay cứ như động biển. Bộ đội tràn về, không chỉ mang theo bao nhiêu là súng đạn, mà còn cả những bài hát, điệu múa. Ngày hát, đêm múa, hát múa suốt sáng thâu đêm ... Em cũng như tôi, cũng như hàng trăm hàng ngàn người khác quay cuồng trong cơn lốc xoáy đó. Chính ra lúc này, tôi mới là người muốn em ghìm mình lại, nhiều lần gặp em tôi rất muốn nhắc đến con. Nhưng gặp nhau lần nào cũng cập rập vội vã. Mà em thì như kẻ đang say. Rồi đánh đùng một cái, em lại được chọn đi học một đợt về công tác giảm tô, cải cách. Em là cán bộ được lựa chọn để một thời gian nữa quay lại địa bàn làm nhiệm vụ " cắm rễ, xâu chuỗi ", nói cho thật dễ hiểu tức là bồi dưỡng cốt cán trong dân để tạo nên lực lượng mà vạch mặt bọn địa chủ, bọn ác bá cường hào...

Lớp học ấy khá dài, gần hết quãng thời gian thông thương hai miền nam- bắc sau ký kết hiệp định . Khi em quay trở lại Vĩnh Sơn chính là lúc khoá tuyến. Khu phi quân sự hình thành. Con đường trở về tìm con của em bị chặt đứt.

Đến lúc này em mới sững cả người, mới thật sự thấy đau khổ. Nỗi nhớ con khô quắt lại trong trái tim em. Cả khuôn mặt vốn lúc nào cũng xinh tươi của em cũng khô đanh lại. Cả bộ ngực, hai bầu vú của em cũng đã khô cạn, lép kẹp từ lúc nào rồi.

Đêm đêm, em âm thầm mò ra bến đò xưa, nhìn qua bên kia Hói Cụ, không phải để gợi nhớ những kỷ niệm ân ái của một cuộc tình, mà để vòng vọng hướng về xa hơn, nơi Quách Xá ,Phước Tuyền, nơi có Li và con đang đỏ mắt chờ em.

Tôi tuyệt nhiên không bù đắp được gì cho em, thậm chí còn làm cho em khô héo. Em bắt đầu tránh gặp tôi, và cũng bắt đầu nhen nhóm lòng căm hận đối với tôi. Tôi không thể làm gì được, vì lúc này em không còn là em thuở trước. Em đã là cán bộ cốt cán của chiến dịch giảm tô, cải cách. Công cuộc cải cách ruộng đất ở vùng này có làm chậm hơn ngoài miền Bắc. Nhưng những lực lượng nồng cốt như em đã vào cuộc. Em đã bắt đầu lăn lộn với việc cài cấy cơ sở để chuẩn bị cho những cuộc đấu tố động trời sắp xẩy ra nay mai...

Chính những lúc em và tôi tưởng như hoàn toàn tuyệt vọng thì bất ngờ Li xuất hiện. Thêm một người đàn ông nữa. Là Đọt. Thêm một bé gái ba tuổi cực kỳ xinh đẹp nữa. Đó chính là Linh, đứa con gái bất hạnh của chúng tôi.



·





Có thể kể lại vắn tắt thế này.

Lúc đầu thì hắn- thằng Rệ ấy- cố làm ra vẻ người của Việt Minh. Đó là giai đoàn Lương mới trở vào để sinh con. Vì lúc đó Việt Minh đánh khắp nơi, bọn tề nguỵ, bọn bảo an, cả lính Pháp nữa cứ nhớn nha nhớn nhác, nghe động là bỏ súng chạy. Rồi không hiểu sao hắn trở thành người Việt Minh thật. Thực ra cũng chẳng ai kết nạp hắn vào tổ chức. Nhưng hắn cứ bắng nhắng, lăng quăng như vậy nhiều ngày, nhiều tháng thành ra người làng cứ quen mắt. Quen mắt rồi thành quen ý nghĩ, rằng hắn là cán bộ. Mà kể cũng rất lạ. Hắn không có ai thân thích, tâm đắc, nhưng lại có tướng lôi cuốn nhiều người. Có vẻ như hắn hô hào gì cũng được nhiều người chạy theo.( Hay là hắn được cha truyền lại pháp thuật ? ). Cái lợi thế đó của hắn lập tức được mấy cán bộ huyện từ trên rừng về lợi dụng. Hắn đương nhiên trở thành cán bộ phong trào rất sôi nổi. Đúng là công việc ấy rất hợp với hắn. Cứ chạy lăng quăng chỗ này, chỗ nọ, hết gặp người này lại đến nhóm kia, bô bô lỗ mồm. Trời sinh ra hắn chỉ làm được có vậy. Chứ những việc lao động thật sự như kiểu vào chuồng bò cuốc phân, hắn coi là một thứ khổ sai. Lúc này đàn bò nhà hắn cũng tan tác rồi. Thằng Đọt em hắn, hắn coi là tồ và đần nhất nhà đã đi làm du kích, vào hẳn trong núi. Thì cứ để nó đi cho khuất mắt, ít nhất là để Li không còn nhìn thấy nó nữa. Là thằng Rệ nghĩ vậy, vì hắn biết đứa em ngu đần cùng mẹ khác cha của hắn dám thậm thụt yêu Li.

Kháng chiến thắng lợi, cả làng cả xã tưng bừng cờ trống, hắn càng bắng nhắng tợn. Nhưng rất đột ngột, rất bất ngờ, hắn xìu hẳn xuống. Lúc đó cả làng còn đang ngất ngây thì không hiểu sao chỉ sau một đêm, người ta thấy hắn phờ phạc như kẻ mất hồn. Rồi đột ngột hắn mất tích. Mãi sau này, người ta biết hắn đã vào thị xã Quảng Trị. Trong đó, hắn có người o, tức là em gái người cha làm nghề thầy cúng của hắn, lấy chồng ở đó. Sự mất tích của hắn cũng có làm cho cả làng xao xác vài ngày. Nhưng sau đó người ta quên hắn luôn. Quên hắn vì tất cả tâm trí dân làng đang phải tập trung vào để hiểu cho được một sự thật đến đờ đẫn cả người. Đó là nội dung của hiệp định Giơ- ne vơ. Cán bộ chính quyền cách mạng tập họp dân lại vừa đọc vừa giải thích. Câu chữ thì chẳng có chi khó hiểu. Tuy nhiên, người dân vẫn bàng hoàng không sao hiểu được. Nguồn vui như bó đuốc đang cháy phừng phừng bất thần bị nhấn ngập xuống hồ. Tất cả bỗng hững hụt như đang bay ngất ngưởng trên mây xanh bỗng rơi bệt xuống hố sâu. Thế là, ngày mai, ngày kia kìa gì đó , bộ đội cán bộ sẽ kéo hết ra ngoài kia. Đất này, lại giao về cho quân Pháp ...

Đó là những ngày buồn nhất trong đời Li. Năm đó, Li hăm ba tuổi. Suốt hăm ba năm trước đó, dù có khi thất bát , đói kém, cả khi cha mẹ qua đời, chưa bao giờ Li buồn đến thế. Những năm Lương trốn đi, Li có buồn, nhưng chỉ là nỗi buồn se lạnh. Đến khi Lương về sinh con rồi đột ngột ném con lại mà biệt tăm mất tích theo người tình, Li sống cực nhọc, gian nan lắm, lại còn hận bạn nữa . Hận đến mức Li cứ tưởng tượng nếu chụp được ả ta (tức là Lương), Li sẽ túm lấy tóc mà nhấn gục xuống đất , và chưởi . Chưởi bao giờ mà cái buồng phổi của cô thoát hết khí tức ra ngoài mới thôi. Đó là những ý nghĩ độc ác nhất xuất hiện trong nhữnh đêm cô quạnh, gió mùa đông bắc rên rỉ ngoài hiên nhà, và bé Linh lại nóng mình, sổ mũi... .

Tuy vậy, ngay cả những thời điểm đó, cũng không thể sánh được nỗi buồn lúc này. Có cái gì đó thật sự trống rỗng, thật sự tan vỡ trong thể xác của con người luôn hừng hực sức sống như Li. Lần lượt người ta kéo nhau đi. Lúc đầu là bộ đội. Rồi cán bộ huyện, cán bộ xã, cán bộ thôn, cán bộ hội, rồi du kích, rồi cả những thanh niên mới lớn lên chưa vào tổ chức nhưng đã từng cầm mõ gõ vang đường làng trong nhiều đêm cổ động... Tất cả đều được liệt qua phía bên kia, tất cả đều rút đi hết. Bỏ lại một Phước Tuyền xác xơ, côi cút ...

- Chỉ có hắn không đi. Hắn lại trở về. Nhưng cứ như có phép thuật của cha truyền lại, hắn - cái thằng Rệ ấy- bỗng trở thành một con người khác.

Hắn bảo, hắn là người của Đảng Cần Lao- Nhân vị... Lúc này, cả xã, cả thôn lại đang hớt hải lập chính quyền mới. Xã trưởng mới. Thôn trưởng mới. Hội đoàn cũng mới. Thật là lạ, cũng chẳng có tổ chức nào chính thức kết nạp hắn. hắn không hề được bổ nhiệm một chức vụ gì. Nhưng lại có vai trò rất rõ rệt. Hắn lại đến chỗ này, chỗ nọ, và lại rất nhiều người nghe theo hắn. xã trưởng mới cũng lợi dụng hắn. Hắn lại trở thành con chim đầu đàn. Nói chi thì nói, cũng phải thừa nhận hắn thông minh và quá ư nhanh nhẹn. Thì ra hắn nghe thì thào về hiệp định Giơ- ne- vơ, và hắn lập tức hiểu ngay. Trong lúc cả làng chưa kịp hiểu, cả làng đang ngất ngây sung sướng thì hắn đã bỏ làng ra đi. Chính thằng Rệ đã công khai nói cho Li biết điều ấy. Ngay sau khi trở về làng, hắn đến thẳng nhà Li không một chút kiêng dè như dạo trước. Hắn vào đề sắc lạnh như một nhát dao :

- Có chuyện này, tôi phải nói cho o biết.( Y như cách nói hồi trước ) Tôi đã gặp được cha Cựu ? ...

- Cha Cựu ? Người Li bỗng run lên.

- Phải. Cha cũng sắp ra lại Phước Tuyền ... Ngừng một tý rồi bỗng nhiên hắn toét miệng cười. Nhưng có chuyện này o phải biết, cha không làm cha nữa ...

Li nhíu mày :

- Nghĩa là răng ?

- Nghĩa là ... Cha làm người thường. Có vẻ như ... là tôi cũng đoán ý như cha vậy thôi, có vẻ cha muốn đòi lại con...

Li nhổm bật cả người dậy :

- Anh nói chi rứa ? Con của cha ở đâu ?

Lại một cái nhéo mắt :

- Tôi đâu có tuờng. Chuyện này chỉ có o với o Lương là biết rõ thôi ...

Li hốt hoảng la to lên :

- Này này, đừng có ăn nói hàm hồ ... Thuê thêm một thúng vàng nữa con Lương cũng chẳng thèm ngủ với thằng cha ấy đâu, nhớ...

- Vậy thì ngủ với ai ? Giọng hắn đột ngột hạ xuống. Ngoài đó, nếu không phải các cha cố thì chỉ có cộng sản. Hay là con cộng sản ? O có biết hậu quả của việc thừa nhận có nòi giống cộng sản trong nhà sẽ thế nào không?

Li há tròn mồm, ngắc ngứ một lúc :

- Này này, anh Rệ... Anh là thứ người gì vậy. Chẳng phải cách đây chưa lâu, anh cũng tự xưng mình là người của tổ chức cộng sản đó sao ?

- Chà, nếu không che mình trong cái vỏ đó, làm sao tôi nắm được tình hình. Chừ đây, cả làng này, cả xã này, gia đình nào thân cận là tôi nắm chặt trong lòng bàn tay... O cũng nên tự lo, tự liệu đi ...

- Đồ ... chó chết.

- O ơi là o, đất này là đất nào, chẳng lẽ tôi phải giải thích cho một người khôn ngoan như o hay sao . Ở cái đất này, đố ai sống thật với chính mình được. Này, đến khi cha Cựu ra đây o sẽ thấy. Cha mặc áo Sơ- mi, quần xếp -bo. Nhưng đừng tưởng cha không còn là cha cố. Rồi o sẽ thấy, chỉ cần cha ho một tiếng, các nhà thờ xứ đạo vùng này rung lên hết. Không những thế, mà các xã trưởng, thôn trưởng, đôi khi cả mấy ông trên quận nữa cũng xách quần chạy không kịp đấy...

Hắn bỏ đi. Nhưng những lời hắn nói cứ chụp lên đầu Li, mịt mù, tối tăm, không còn có chỗ nào để lần gỡ lối ra.

Từ hôm đó, Li lúc nào cũng sống trong sự thấp thỏm, lo âu.Giấc ngủ cứ chập chờn như có ma ám. Gió ngoài vườn như thổi mạnh hơn, lá cau xào xạc có vẻ to hơn, giọt nước rơi cuối hè nhà như thể sốt ruột hơn... Rồi bất ngờ, Rệ mang đến cho Li một mảnh giấy viết ngoạch ngoạc, nói là thư tay của cha Cựu. Sống lưng cô ớn lạnh, tay chân nổi da gà. Bốn, năm ngày sau lại thêm lá thư nữa ... mười bữa, nửa tháng lại thêm lá nữa ... Lá thư đầu thì chỉ có mấy dòng " Em Li ơi, còn nhớ anh chứ. Anh muốn gặp em mà mà chưa thu xếp về được. Anh muốn hỏi thăm một người, chắc là em biết ai rồi đó ...Gặp nhau sẽ nói kỹ hơn... ".... Cứ nhấm nha nhấm nhí như thế... Đến mấy lá thư sau, thâm ý rõ hơn " Li à, có chuyện này cần cho em biết, chính anh đã mang phiền toái cho em đó ... ở trong này, có nhiều người nghi vấn về vật báu mà em đang giữ ... Có lẽ anh phải nghĩ cách không để cho em liên luỵ. Nếu em có ý định gì hay hơn thì cứ trao đổi với Rệ, anh ta là người tin cậy của anh đó ... "

Li không tin đó là những dòng viết của cha Cựu. Trước đây, cô chưa từng nhìn thấy nét chữ của cha, cũng chưa đọc một mảnh giấy nào của cha... Tuy nhiên, Li vẫn cứ hình dung cái giọng điệu, cách nói của cha thì chẳng hợp chút nào với những dòng chữ trong cái lá thư này. Không thật tin, nhưng lại bối rối, lại thấp thỏm, lo âu... Những điều mà các lá thư cứ thay nhau thóc mách vạch ra đã làm cho cô thật sự thấy lo lắng. Cô nhận thấy một cách rõ ràng, chắc chắn, là thời buổi đã khác hẳn rồi. Một khoảng tối mịt mù đã ùn ùn ùa đến, sắp trùm kín đời cô...





·







Cả tôi, cả em đều sững sốt bất ngờ. Cả ba người họ đều bị nhúng nước. Li vừa run, vừa tức tưởi khóc, vừa kể : " Cái bến sông đó không phải là bến lội, nó không cạn nhu bến lội trong quê mình. Bọn tôi chỉ cố đẩy con lên cao cho nó khỏi sặc nước, thế mà nó vẫn ướt ... Khốn nạn con tôi ..."

Lúc ấy đã gần nửa đêm. Hai cậu du kích vừa lập công " tóm gọn nhóm biệt kích vượt tuyến qua sông Hói Cụ ", lúc này vẫn cầm súng đứng ở cửa nhà Uỷ ban xã, họ đang chờ tôi có lời khen ngợi biểu dương. Tôi lấy túi thuốc rê chìa ra mời họ rồi gật đầu :

- Tốt rồi. Các đồng chí về nghỉ đi.

- Nhưng mà... báo cáo xã đội trưởng...

- Mình biết rồi, mình sẽ chịu trách nhiệm.

Cả hai lặng lẽ đi ra ngoài. Từ khi họ dẫn bọn Li vào, báo cáo rằng " cái mụ này " đòi gặp một người tên là Lương, tôi đoán ra ngay. Và tôi cũng choáng váng khi thấy " cái mụ ấy " dắt bên cạnh một bé gái chừng ba tuổi. Tim tôi thắt lại. Tôi luống cuống bảo cậu du kích chạy gấp tìm em. Em chạy đến, không cần ngắm nhìn, không có chào hỏi, không thèm để ý tới ai, đổ sập xuống ôm lấy Li, ôm choàng cả con nữa rồi tru tréo lên khóc như có người chết trong nhà...

Bé Linh sợ sệt và ướt lạnh nên nép sát vào mẹ Li. Cả ba vày vò lấy nhau thành một đống, tức tưởi khóc. Chỉ còn lại hai gã đàn ông, ngồi ở hai góc khác nhau, câm lặng như hai chiếc bóng. Lúc đó, tôi chưa biết Đọt. Trong rất nhiều câu chuyện của em kế cho tôi nghe về vùng quê trong đó, chưa khi nào có hình bóng con người này.

Cái bóng đen kia, sau một lúc khá lâu mới khe khẽ đứng dậy, nặng nhọc lê gót đến gần tôi.

- Anh có thuốc không , cho tôi một điếu ... Thuốc tôi ướt hết rồi.

-Tôi moi túi thuốc rê chìa cho anh ta. Và tôi cố căng mắt nhìn. Ngọn đèn dầu đặt ở phía cuối mặt bàn không hắt đủ sáng lên khuôn mặt anh ta. Tôi chỉ kịp cảm nhận, anh là một người chất phác thật thà.



Li bất ngờ ngẩng dậy, xoay người qua phía chúng tôi.

- Anh ấy tên là Đọt. Anh ấy là du kích, được lệnh ra ngoài này hẳn hoi. Có giấy tờ đó...

Rồi Li nhìn đăm đăm vào tôi, hỏi em :

- Anh ni là ... ? Có phải ...

- À... à ... đây là Khảm, xã đội trưởng.

- Thế còn ... ai là . . .

Tôi đã đọc được ý hỏi của Li. Cứ tưởng em sẽ reo lên để khoe ngay với bạn. Nhưng thật bất ngờ, em đứng dậy, đồng thời dìu cả Li cùng đứng lên:

- Thôi nào, về chỗ mình đi... Cả hai mẹ con, cả đồng chí này nữa. Mình thu xếp được ... Rồi Lương quay qua tôi, giọng tỉnh khô- Đồng chí xã đội cho phép chứ !

Tôi đờ dẫn cả người. Mồm chưa kịp cử động thì em đã kéo cả tốp lùi lũi đi luôn. Sao vậy em ? Sao em không giới thiệu anh là cha của đứa trẻ. Sao em không cho anh được ôm con ? Chẳng lẽ em căm hận anh đến mức đó ư... Tôi cay đắng gục mặt lên đầu gối. Một cảm giác xót xa ứa đầy lên... Lần đầu tiên trong đời một thằng đàn ông, một cán bộ cách mạng, tôi khóc. Rồi tôi bật người dậy. Không thể được. Dầu sao tôi cũng là một chiến binh. Tôi không cam tâm. Tôi vùng người chạy đuổi theo họ.

Cửa phòng ở của em đã khép. Bé Linh đã nằm co quắp trên giường, ngủ say như chết. Một mảnh chiếu trải xuống góc phòng. Đọt nằm ở đó, có lẽ đã ngủ, hoặc giả vờ ngủ. Còn Li và em thì cùng ngồi sấp mặt vào nhau, hai mái đầu cùng cúi gục chạm sát nhau. Hai bờ vai cùng rung rinh, có lẽ cả hai vẫn còn thút thít khóc... Tôi se sẽ ép sát người vào phên cửa.

- Mi độc ác lắm Lương ơi...

- Ừ... tao ác... Không có ai ác nghiệt hơn tao ...

- Câm mồm đi, đồ giẻ rách ...

- Ừ, tao thật sự là đống giẻ rách ...

- Khốn nạn ...

- Đúng, khốn nạn, tao thiệt khốn nạn

Đầu vẫn cúi, vẫn sụt sịt, nhưng tay Li vẫn vòng ra đấm đấm vào gáy em, mỗi đấm là một nhịp cho một lời chưởi rủa " chó chết này, ác độc này..." Rồi cánh tay đang đấm thụi ấy ôm ghì lấy cổ Lương. Cả hai đều oà lên tru tréo khóc.

Tôi không nỡ, và cũng không đủ can đảm để bước vào. Tôi cố dướn mắt nhìn con. Nhưng phòng tối quá, con lại đang giấc say. Tôi đành nuốt nước mắt, câm lặng rời khỏi hiên nhà...

Gần như suốt đêm tôi không chợp mắt được. Cổ khô đắng. Người cứ lao lư như say sóng. Thế rồi tôi thiếp đi lúc nào không rõ. Đến khi choàng tỉnh dậy, em đã ngồi ngay cạnh trên mép giường tôi. Tôi ngơ ngác nhìn em. Đôi mắt em sâu hoắm lại.

- Anh... em cần nói với anh chuyện này ...

- Đúng đúng... Em nói ngay đi, vì sao ?...Tôi nhổm vội người dậy. Nhưng em đã ấn nhẹ tôi xuống giường.

- Chúng mình ... chưa thể nhận con được anh ạ ?

- Tại sao ? Tại sao không cho anh nhận con ?

Giọng em hơi run nhưng rất khô lạnh :

- Không phải vì anh, mà vì em...

- Nghĩa là thế nào ?

Em cố thở ra một hơi cho đễ nói :

- Anh biết rồi mà, hiện giờ em là Đội phó đội công tác đặc biệt...

Tôi cố gào lên :

- Thì đó là việc của em. Còn anh, anh vẫn chỉ là thằng xã đội trưởng..

Em cau mày :

- Anh nói chi lạ thế ? Sao lại là thằng xã đội trưởng. Một uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ xã kia mà ... Còn em, anh biết rồi mà, đội cái cách là thế nào lúc này, anh phải hiểu hơn người khác chứ ...

Tôi nhăn nhó :

- Biết rồi. Thì em cứ việc em, anh không ép. Nhưng anh thì khác. Việc nhận con không ảnh hưởng chính trị gì lắm đối với anh đâu.

- Hay nhỉ ?

- Chứ sao nữa.

- Vậy, anh lấy ai mà có con ? Hay là lấy cô ấy, cô Li ấy ... Anh sẽ báo cáo thế nào với tổ chức ?

Tôi ngớ cả người ... ừ nhỉ . Nếu em không nhận con thì... tôi phải làm chồng Li ư ?

Em lại thở dài, giọng đã nhẹ lại :

- Em biết anh thương con lắm, muốn nhận con ngay lúc này. Anh tưởng em không muốn thế ư. Em là đàn bà, em còn muốn gấp trăm lần anh ấy chứ .. Nhưng anh có nghĩ thấu mọi lẽ không. Còn em, em nghĩ suốt cả một đêm qua. Anh đừng cho rằng em tiếc nuối cái chức vụ công tác lúc này lắm. Có thứ chức sắc nào mà sánh được với con ... Từ lâu .. phải nói là ngay từ đầu, em đã muốn vứt bỏ tất cả để về với con rổi ... Nhưng bây giờ, đâm lao phải theo lao. Nếu bây giờ em nhận con, anh nhận con, thì anh thử tưởng tượng coi, tổ chức sẽ coi cả hai chúng ta là thứ gì ? Là những phần tử thoái hoá, khai man quan hệ để chui luồn vào tổ chức. Anh sẽ chịu tội dối lừa Đảng để đưa em lọt vào ... Anh cũng biết cả huyện mình sắp phát động cải cách rồi, những cuộc truy tìm địa chủ, phản động, sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt. Thượng cấp đã giao chỉ tiêu cho xã mình phải tìm cho ra mười phần trăm địa chủ phản động, em cũng đang đau đầu việc này đây. Anh có muốn nằm trong số mười phần trăm ấy không ?

Tôi ngồi chết lặng trên giường. Giọng em cứ sắc lạnh, rành rọt, cặn kẽ từng tính toán nghĩ suy. Em đã không còn là em. Tôi cũng chẳng còn là tôi nữa .. Tất cả chúng mình chẳng còn giống chúng mình năm xưa ...

Có lẽ phải đến một lúc rất lâu, tôi mới mở được miệng :

- Thôi thì .. tuỳ em lo liệu ..thu xếp.

Em lại vằn mắt lên :

- Không thể được. Việc này phải do anh ...

- Há ... sao lại phải là anh ?

- Chẳng lẽ anh không hiểu ư. Em đã nặng tội với con, đã quá tệ bạc với con Li ... Giờ nó ra đây, nó nguyền rủa em, nhưng thực ra trong bụng nó vẫn còn thương em lắm. Nếu không thương , tội chi mà nó lại trao đứa con yêu quý đó lại cho một người không xứng đáng như em. Nó ngu chi mà làm vậy. Trong lòng nó, bé Linh thật sự là con nó rồi. Bé Linh cũng đã coi Li là mẹ, nó quên em rồi. Vậy thì, nếu anh là nó, anh có ngu mà mang con cho lại người khác không ? Chẳng qua nó thương em ... Nó thương em nên mới cắt ruột, cắt lòng mà mang con ra cho em. Nếu lúc này em từ chối, thì nó sẽ ghê tởm em thật sự, khinh bạc em đời đời. Em sẽ vĩnh viễn mất con. Vĩnh viễn mất cả Li nữa ...

Trời ơi, sao tôi vẫn không nghĩ thấu đáo điều đó nhỉ. Rõ ràng tôi không thể biết tính toán mọi nhẽ đời như em.

- Vì thế, chỉ có anh, ngay chừ đến gặp Li giúp em ...

-Anh sẽ nói thế nào ?

- Thì đấy ... nói tất cả những lời mà em vừa nói với anh lúc nãy. Anh cố giải thích cho Li hiểu cải cách ruộng đất là gì , đấu tranh giai cấp là gì ... Có thể Li không hiểu được, nhưng cậu Đọt sẽ hiểu. Vì cậu ấy là du kích thật. Cậu ấy là người tốt. Cậu ấy thầm yêu Li từ nhiều năm trước nhưng không dám thổ lộ. Mặc dù đã thoát li ra ngoài rừng, nhưng Đọt vẫn âm thầm theo dõi Li. Lần này biết Li bị o ép, sắp bị khủng bố, có thể buộc phải nhận lời lấy một thằng mất dạy nên Đọt liều mạng đột nhập về làng kéo Li trốn ...





l





Tôi đã " diễn " đúng như cái " kịch bản " mà em sắp đặt. Tôi vừa thì thào trao đổi, vừa thầm tự nhủ trong lòng. Tội nghiệp cho Li. Bạn thực thà quá. Bạn đơn giản quá. Làm sao mà có một người thực thà, đơn giản như bạn lại trở thành bạn tâm giao chí cốt với một người sắc sảo tinh khôn như em....

Nhưng tôi đã nhầm. Và cả em nữa. Chính em cũng đã đánh giá quá thấp bạn em. Cuộc sống ngần ấy năm trôi qua với bao nhiêu thăng trầm, dâu bể, em khôn ngoan lên mười phần thì Li cũng đã tĩnh người ra nhiều lắm, như người đời vẫn nói kẻ tám lạng người nửa cân.

Lúc đầu đúng là Li hơi sửng sốt. Đôi mắt cô mở tròn, cứ nhìn tôi trân trân không chớp, như thể trước mắt cô là một con vật lạ. Rồi ánh mắt ấy sầm lại, đôi mi khẽ khép xuống. Có một tiếng thở dài rất nhẹ như một sự kìm hãm. Li gật gật đầu hai cái và lặng lẽ bước đi. Bé Linh vẫn nắm chặt tay mẹ Li, bám sát gót như sợ bị lạc. Mấy ngày liền Li không nói gì .. Cả tôi và em, lúc đầu thì mừng vì thấy mọi việc đã diễn ra như ý muốn. Nhưng sau đó lại hoang mang. Chúng tôi không sao đọc ra được ý nghĩ của Li ... Có lẽ chỉ có cái anh chàng thấp lùn, thô tháp kia là hiểu được. Chỉ có Đọt là kiên trì bám theo Li, nhẫn nại đến cơ cực.

Em bố trí cho Li và con ở nhờ trong nhà một bà cụ độc thân, vừa mờ mắt lại vừa nặng tai. Cũng có nhà trên, nhà dưới, nhưng cả hai đều bé tẹo và lụp xụp như hai cái chòi canh thú trên rẫy. Bà cụ ngủ nhà trên với một chiếc chõng tre ọp ẹp. Còn mẹ con Li nằm dưới nhà bếp, trên một chiếc giường gỗ do chính em mượn của đội công tác đưa về. Nhà này chỉ cách khu của nhà đội công tác đặc biệt một nương sắn. Có lẽ em muốn được nhìn thấy con nhiều hơn nên đã thu xếp vậy.

Đọt đã được giới thiệu lên với huyện đội, anh được tiếp nhận và cũng được bố trí tập huấn một lớp ngắn ngày. Còn Li thì đích thân Lương dẫn lên gặp ông huyện đội trưởng. Sau khi nghe Lương kể sơ bộ về Li, ông đã la to lên : " Ui chao, thì ra con đồng chí Huỳnh ở Phước Tuyền ư ? Chà chà, đồng chí Huỳnh với anh Thiệt còn hơn anh em ruột ... ừ, gia đình các em đều là nòi giống của cách mạng mà ... " Rồi chỉ sau có mười ngày, Li đã được vào đội công tác đặc biệt. Lương cố đề đạt để Li về cùng đội với mình. Xa nhau quá lâu rồi, chừ phải cùng sống bên nhau cho thoả chí. Là Lương nói vậy, nhưng không ngờ Li lại trực tiếp đề xuất với huyện xin qua đội ba, phụ trách địa bàn Vĩnh Thuỷ. Ít ngày sau, Đọt đã trở thành chiến sĩ trong lực lượng dân quân đặc biệt, lực lượng này được hình thành để sẵn sàng bảo vệ các đội công tác đặc biệt giảm tô, cải cách, truy lùng, trấn áp bọn địa chủ, phản động. Và đích thân Li xin cho Đọt về phối hợp địa bàn với cô ...

Mọi việc diễn ra nhanh chóng quá khiến tôi không sao ngờ tới được. Tôi chỉ mơ hồ cảm nhận rằng, có một cái gì đó rất không bình thường đang diễn ra với tốp người này, với em, Li, và cả Đọt nữa ... Nhưng tình hình lúc đó, tôi chẳng làm gì được. Thời buổi đó, vị trí của những đội công tác giảm tô, cải cách là đặc biệt quan trọng, cái loại uỷ ban, xã đội như tôi dưới con mắt của các " bà đội " " ông đội " kia chẳng là gì cả. Ngay cả đến thường vụ Đảng uỷ xã cũng bị lu mờ. Người ta có thể " sờ gáy " chúng tôi bất cứ lúc nào ... Chúng tôi tự lo thân mình còn chưa đảm bảo, đâu dám nghĩ ngợi những chuyện cao xa hơn.

Người làm cho tôi hoang mang nhất, nghi ngờ nhất chính là Li, cô bạn mà theo lời em kể lâu nay là rất thẳng bụng, rất vô tư, và còn " thèm thuồng đàn ông như mèo thèm mỡ ". Nhưng lúc này, trước mắt tôi Li hiện lên khác hẳn. Sau cái buổi sáng tôi thì thào với cô ấy câu chuyện " đặc biệt " vì sao Lương chưa thể nhận con, mong bạn gắng chịu đựng cho một thời gian ngắn nữa, còn Lương và tôi sẽ làm hết sức để bù đắp cho bạn, tạo điều kiện tốt nhất cho bạn phấn đấu ... vân vân ... thì Li đột ngột trở nên câm lặng. Cô không hề tru tréo, chưởi bới như tôi và Lương đã dự tính. Chỉ có đôi mắt, thỉnh thoảng cứ nhìn như găm vào Lương, thoảng hoặc lại chém một cái nhìn lạnh lẽo qua tôi ... Dù cố hết sức nhưng cả tôi và em đều không sao đọc được suy nghĩ của cô bạn ấy. Tôi bối rối, còn em thì hoang mang, có lẫn chút hoảng sợ nữa. Hay là nó toan tính tố cáo tụi mình. Em thầm thì với tôi như thế. Tôi thở dài. Chẳng lẽ đến mức đó sao ? Em bảo, lạ nhất là kiểu cười của nó, anh có để ý không ? Hồi trước nó cười hở toang hoác cả răng lợi, nhắm tít cả mắt. Còn chừ, anh coi, nó chỉ khẽ nhếch mép, mỗi lần bắt buộc phải cười, hai khoé miệng nó chỉ hơi kéo dài ra một chút, tuyệt nhiên không hở tí răng nào. Nó luyện kiểu cười này từ khi nào thế ?

Cho đến một buổi sáng, y như cách nói của em là buổi sáng trời sập. Li lặng lẽ tìm đến đội công tác của em, chìa ra trước mắt một tờ giấy viết tay .

- Cái chi thế này, Li ?.

- Mi đọc đi ... giọng của Li lạnh lùng.

Em lướt nhanh mắt lên trang giấy rồi kêu như bị mất của :

- Ôi chao ôi, mi ... mi điên à ?

- Mi phải viết chứng thực cho tao .

- Tao chứng thực cho mi?. ha ha ..mi đã lấy Đọt từ ba năm trước, đã có con, nhưng vì đang hoạt động bí mật nên không cưới hỏi được. Cái chi nữa đây, lại là tổ chức yêu cầu chịu đựng, phấn đấu, khi nào có điều kiện hoà bình sẽ tổ chức đàng hoàng ...

Cái giọng lành lạnh của Li vẫn không thay đổi :

- Thì sự thật thế nào mi phải chứng thực như thế thôi.

-Cái gì, thật sự ? Sự thật thế này à ?

Em cố dướn lông mày lên với vẻ chế diễu cốt để Li ngượng ngùng và thôi cái trò bịp bợm ấy đi. Nhưng đôi lông mày của Li lại bất ngờ dướn cao lên. Hai tròng mắt Li mở tròn xoe, có thể nhìn rõ vài tia máu hồng vằn lên bên trong con người. Ánh mắt dữ dằn đến mức làm em rụt cả người lại.

- Này ... sự thật không phải thế này thì mày bảo phải thế nào, hãy mách bảo cho tao đi. Nếu bé Linh không phải con tao thì khai con ai bây giờ ?

Em điếng cả người. Lời nói ấy của Li vừa là một lời chì chiết, trách móc, lại có hàm ý đe doạ ...

-Nào, có chịu chứng thực giúp tao không ? Mày không giúp là tao bị kiểm điểm đó .. Tội nghiệp tao mà, Lương !

Tay em run run đỡ lấy tờ giấy. Rồi em tỳ lên mặt bàn. Nét bút chạy xiêu vẹo. Em trả lại tờ xác nhận cho bạn, giọng nghẹn tắc :

- Nì ... nhưng cái này .. chỉ làm giả đò thôi chứ ?

Lại có một cái nhếch mép, sau đó là một tiếng thở dài :

-Mi đã mất trinh. Còn tao thì mất tiết. Nhưng cuối cùng, cái chi mi cũng được. Còn tao ..có khi nào mi nghĩ tao sẽ có cái gì không .. .

- Kìa Li ...

-Cho nên, tao quyết định, tao phải phấn đấu hơn mi. Trước hết tao hơn mi một ông chồng và một đứa con ... Còn lại, để xem thời thế đã ...

Cả hai người bạn đã ra đến cuối ngõ. Nhưng em không thể nào bước tiếp được nữa. Li quay lại nhìn em, lại khẽ nhếch mép cười nhưng lần này nụ cười có vẻ tươi hơn một chút :

- Thôi, thế này cũng tạm ổn rồi. Mi giúp tao, tao lại giúp mi, rứa mới là tình bạn, phải không ... Tao sẽ mời mi với cả anh Khảm nữa đến dự cưới. Nếu hai bạn thuận tình thì làm phù dâu, phù rể cho mình, mà nếu thấy không tiện thì thôi, anh em trong đội công tác sẽ lo ...

- Này Li ...

- Nghĩ tới, nghĩ lui, lại thấy rằng cũng ít ai yêu mình, tận tuỵ với mình như Đọt ... Mình có còn trẻ mỏ gì nữa đâu mà kén chọn. Đã hăm bốn, hăm lăm rồi chứ có còn ít đâu . Cậu tuy thế nhưng cũng được nếm của ngon vật lạ chán chê rồi, tao đã được biết chút mùi mè gì đâu, thèm chết khô đi được ...

Nói rồi Li cười khùng khục. Cũng cách nói tục tĩu ấy, cũng kiểu cười đỏ tấy gò má ấy, nhưng Li đã không còn là Li nữa . Một nỗi niềm chua xót ứa lên trong lồng ngực em ...



l

Em chủ động bàn với tôi, dù cay đắng thế nào thì cũng nên tình nguyện làm chân phù dâu, phù rể. Em nói, với sự có mặt của hai đứa chúng mình sẽ làm tăng thêm độ tin cậy cho những lời chứng thực trong giấy. Tôi miến cưỡng phải nghe theo.

Đám cưới tổ chức rất oai phong nhưng cũng rất lộn xộn. Nói là phù dâu, phù rể nhưng tôi và em cũng chẳng làm gì, chỉ đứng bên cạnh Li và Đọt, nắm tay họ thành hàng ngang như hát tốp ca. Oai phong nhất chính là ông chủ hôn, huyện đội trưởng có cái giọng oang oang phè phè như chum vỡ. Ông nói một thôi, một hồi về nhiệm vụ cách mạng, về âm mưu Mỹ Diệm, về đấu tranh giai cấp, về quan điểm lập trường. Ông vung mạnh tay, nói như quát. "Các đồng chí, ta đang sống ở mảnh đất này, là chiến tuyến, là nơi đối đầu khóc liệt nhất. Bên kia Mỹ Diệm đang biến cuộc sống thành sắt, bên ni ta phải thành thép. Bên nớ hắn cứng thành đá, bên ni ta phải như kim cương, rõ cả chưa nào......". Rồi ông hô to như một mệnh lệnh chiến đấu: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, rõ chưa!

Thế là xong. Tiếp đó là múa hát và ăn kẹo. Kẹo mè bày trên mấy chiếc bàn gỗ. Bé Linh cúi đầu ăn không thèm để ý đến ai. Lợi dụng giây phút đó, em và tôi ngồi xuống bên con, bóc kẹo mè cho con. Nhưng bé Linh có vẻ sợ chúng tôi. Nó không cho ai chạm đến nó...

Cả cái phòng của đội công tác nhốn nháo lên với những điệu hát múa. Có vài cặp, một nam một nữ khoèo tay nhau, nhún nhảy điệu múa du nhập từ Liên Xô về. "Bước đi dân U-cờ-ren ... tưng bừng reo hát". Một tốp con trai khác lại cầm tay nhau lộn vòng theo kiểu múa sạp với lời hát ca ngợi đội cải cách ruộng đất: "Đội về đội dẫn đường, xồn xồn xồn đô rê......" ở góc nhà đầu kia, có tốp nam nữ thanh niên cốt cán trong xóm đến dự, họ đang nắm tay nhau thành vòng tròn, múa bài: " Hoà bình tưng bừng từ Liên Xô về Trung Hoa, toàn dân ta ca vang hữu nghị......"

Mạnh ai nấy hát, mạnh ai nấy múa, chẳng ai thèm nghe ai. Còn em, đã lẳng lặng rời hôn trường từ lúc nào. Không còn có em, tôi cũng âm thầm lặn luôn.

Đầu óc tôi trống rỗng và mơ hồ. Tôi không nhận ra được một điều gì thật rạch ròi, cụ thể. Và tôi thấy mệt mỏi. Thôi thì kệ, cứ để cho mọi việc trôi đi, như bọt nước trên sông, lúc nào đó, nó tan, nó dạt hay nó xuôi về đâu cũng mặc.

Nhưng em thì khác. Với bản tính không chịu lùi trước bất cứ chuyện gì, em cứ tự làm khổ tâm can, suốt buổi chiều như kẻ tâm thần bất định, ngồi chỗ nọ, lại nhổm lên đi tới chỗ kia. Rồi em tìm ra bờ sông Sa Lung, cắm mình xuống dưới gốc tre hóp, đờ đẫn nhìn con nước. Không ai tìm thấy em. Em ngồi vậy cho qua cả buổi hoàng hôn. Đêm buông xuống, em vẫn không rời bờ nước. Rồi bất ngờ em quyết định. Em đứng bật lên, xăm xăm đi thẳng về nhà ở của Li. Phải lật cỗ bài, phải hỏi thẳng mực tàu dù có đau lòng gỗ.....

Em xăm xăm bước, nửa như đi, nửa như chạy. Em vào ngõ, vào sân, rồi bước lên thềm. Bỗng em khịu chân lại. Cửa đóng. Nhưng phên nhà thì hở. Và bên trong đèn thắp sáng trưng. Chỉ có một mảnh vải hoa dăng ngang. Hai thân người đang quần nhau, bóng của họ lờ mờ hiện ra bên trong nhờ ngọn đèn đốt to hết cỡ......

Quá khứ chợt cuộn về. Cái đêm em đánh liều quay trở lại căn nhà của Núc và Nắc ở thôn Phát Lát...Khung cảnh từa tựa thế này. Nhưng lần đó bên trong là cuộc tình vụng trộm, nhớp nhúa. Còn giờ, một cơn mây mưa có vẻ thoả nguyện thửa ruộng khô hạn lâu ngày. Cuộc tình hợp pháp và công khai. Công khai đến mức như là một sự khoe khoang và thách thức. Bởi vì ngọn đèn đặt phía trong được vặn bấc cao vọt. Bởi tiếng thở hì hục không dấu diếm của loại đàn ông cục mịch chuyên lấy phân bò. Bởi tiếng rên, có khi như là kêu van của người đàn bà lúc nào cũng tràn ngập khao khát ...

Em cũng là loại người gần như thế. Trước đây em đã từng nhiều lần như thế. Nhiều đêm, không có tôi, em nằm tự mình tưởng tượng ra cảnh hoan lạc, tự mình kích thích sinh lý của mình...Thế mà giờ đây, đứng nhìn cuộc làm tình ngay trước con mắt, em không thấy chút râm ran nào trong cơ thể. Không có chút cảm xúc sinh lý nào.Chỉ thấy xót xa, có lẫn cả niềm ân hận ....

Năm đó, em đã bứớc vào tuổi hăm sáu . Li kém em một tuổi. Đọt lại còn kém Li một tuổi nữa ....

Sau lần xem trộm bạn làm tình đó, dĩ nhiên em không kể lại với tôi. Mà em cũng tránh gặp tôi, tránh gặp cả Li. Chúng tôi, mỗi đứa giữ riêng cho mình một vòm đen thăm thẳm. Sự im lặng kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm ... Sự im lặng đến nồng nặc, oi bức, ngột ngạt như khung cảnh trước cơn bão lớn. Thế rồi cơn bão thật sự đã đến. Cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu. Những đêm đấu tố khốc liệt. Những cuộc cổ động đuốc cháy rực cả đường thôn ... Nông dân đêm đi đấu địa chủ, ngày xúm nhau chia quả thực. Cán bộ đội cải cách thì lăn lộn phát động dân : Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên. Cả làng, cả xã, cả huyện thay nhau kể khổ ... Cả ba chúng tôi, không , phải kể thêm Đọt nữa là bốn, tất cả đều hùng hục, lăn lộn với cuộc cải cách. Bé Linh lúc này được gửi lên Hồ Xá, ăn ở học hành theo chế độ học sinh miền nam. Cả ba chúng tôi hầu như không còn thì gìơ và cơ hội để nhìn thấy nó.

Giai đoạn một kết thúc. Giai đoạn hai mở ra với quy mô lớn hơn, những cuộc đấu tố được tổ chức liên xã, liên vùng. Nhiều đội công tác cải cách được nhập lại thành Liên đội. Đội của Li và của em cũng nhập lại, và thật trớ trêu, Li được bổ nhiệm làm Liên đội trưởng, vượt lên trên đầu em. Chắc hẳn em bất mãn lắm. Nét mặt em đanh hẳn lại khi nhìn thấy nụ cười nhếch mép của Li. Thì ra bấy lâu nó cắn răng lại chạy đua với mình. Nhưng cắn răng lại là một chuyện, vấn đề ở chỗ làm cách nào nó có thể thăng tiến nhanh đến thế ? Xét về mọi mặt, em tự cho rằng, còn lâu Li mới sánh được với em.

Nhưng em đành lòng ngậm miệng chịu đựng. Kỷ luật ở đội cải cách là kỷ luật thép. Hơn nữa, Li đã có bầu, tính khí vì vậy càng trở nên khó gần. Mãi về sau này tôi mới được biết cú sốc về việc bổ nhiệm chức vụ Liên đội trưởng của Li đã hoàn toàn cắt đứt tình bạn hàng chục năm của hai đứa, hơn thế nữa nó cũng làm đứt bung duyên nợ của em với cách mạng, với đoàn thể và cả với tôi.

Vào cái ngày Li sinh con, một thằng con trai, em đã chạy đến. Em nói nói cười cười. Li cũng cười cười nói nói. Em vỗ vỗ vào đít thằng bé, thậm chí còn nắm lấy chim của nó mà kéo kéo ... Li kêu lên : " Đừng làm đứt của quý mà mất nòi nhà tao đấy ! " " Tên nó là chi, Đọt ròi thì Địt hả " " Đồ quỷ, tao phải gọi chệch ra một chút, Đình ! " " A ha, cu Đình, cái của giống này rồi sẽ to bằng cột đình đây ... "

Cứ nhìn khung cảnh ấy, không ai có thể nghĩ rằng, họ đã hoàn toàn không còn là bạn của nhau. Không ai, kể cả tôi, lại có thể biết được rằng, đó là những giây phút cuối cùng họ ở bên nhau. Vào chiều tối hôm đó, em đã bỏ Li, bỏ tôi, bỏ cách mạng mà vượt tuyến ...

Sao em có thể có một hành động phản bội tệ hại và nhanh chóng đến như thế ! Có phải em đã suy tính đến nước cờ thí xác để kéo cả tôi và Li cùng chìm ? Em đi rồi, sau một tuần thì cấp trên xác nhận được tin. Tôi và Li, thêm cả Đọt nữa, bỗng chốc mất hết. Chúng tôi bị bắt lên tập trung tại khu dành cho bọn tình nghi là Quốc dân Đảng. Chúng tôi nếm đủ mọi sự nhục nhã, ê chề. Tuy thế, chỉ có tôi là cảm thấy đau khổ, tủi cực, còn Li, tôi không hề nhận ra sự thay đổi nào cả. Chỉ thấy cô càng ít nói hơn, già đi hơn. Có lẽ Li hiểu quá rõ tâm trạng của em, hoặc có thể thông cảm được sự phản bội của đứa bạn chí cốt của mình. Có lẽ Li không oán giận gì em cả. Nhưng có một điều mà Li không hề biết, không hề hiểu. Mãi sau này, phải gần mười năm sau, Li mới biết. Đó là em khi trốn đi, đã bí mật vòng lên Hồ xá tìm con, với ý định mang con chạy trốn. Hành động ấy mới thật sự đớn hèn. Cũng may lúc này con Linh đã đủ khôn để không nghe lời em dụ dỗ. Thuyết phục mãi không được, em đã nổi đoá, đã nói toạc ra mọi thứ cho con nghe. Lúc đó Linh chỉ nhìn em như một người đàn bà điên, một kẻ xấu bụng, mảy may không tin một chút nào về những điều em nói. Nhưng mười năm sau thì khác..Nỗi đau này Li phải chịu cho đến tận hôm nay .. .

... Hôm nay, em đứng đó, ơ hờ như một kẻ vô cảm. Mà anh cũng chẳng muốn nhắc lại làm gì chuyện xa xưa. Đối với anh sự dứt tình ra đi của em ngày ấy là một dấu chấm hết. Mặc dù sau này, khi anh vào mặt trận trong đó, lại cụng đầu với em, có khi lại phải trực tiếp liên lạc với em, nhưng cả hai đứa thật sự đã như hai hòn than nguội lạnh. Không phải anh và Li hận em vì sự phản bội của em đã làm cho anh liên luỵ Trong cải cách ruộng đất, những kẻ oan ức hơn cả bọn anh còn có nhiều. Nói trắng ra, bọn anh còn là những người may mắn. Cả anh, Li và Đọt đều bị giam. Nhưng sau khi " sửa sai ", anh lại được trả lại công tác, được điều lên huyện đội. Li cũng được về tham gia Hội phụ nữ huyện, lúc đầu chỉ là cán bộ bình thường. Nhưng với bản lĩnh của mình, Li đã nhanh chóng vượt lên. Li đã có đỉnh cao quyền lực. Chỉ tội cho Đọt thôi. Đọt bị giam lâu hơn, gần một năm rưỡi. đến khi " sửa sai " thì chỉ được phân công chăn đàn bò nông trường. Lẽ nào đời anh ấy không sao dứt ra khỏi những chuồng phân !

Đăng ngày 10/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan