Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 6


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 6 


- Bị cáo Phạm Đọt !

Đọt giật bắn cả người. Đầu ngẩng vội lên, đôi mắt lơ láo, hoảng loạn như thể tiếng hét kia đang gọi anh ra trường bắn, hoặc là tiếng gọi lôi giật anh qua cầu Chó Ngao để xuống âm phủ......

- Bị cáo lên vị trí......

Có ai đó xô phía sau. Đọt kéo lê bước chân lên phía trước.

- Bị cáo khai rõ họ tên?

- Dạ...Phạm Đọt...

- Bị cáo là em ruột của bị cáo Cao Rệ đúng không?

- Đúng.

- Vì sao có họ Phạm?

- Cha bị cáo họ Phạm, còn cha hắn.....dạ, cha bị cáo kia là họ Cao.

- Bị cáo có bí danh gì nữa không?

- Không!

Chiếc búa đập " bốp " lên mặt bàn.

- Bị cáo phải trả lời đúng phép tắc : Thưa hội đồng xử án, bị cáo không có bí danh gì nữa.

- Thưa hội đồng, không có gì nữa.

- Bị cáo đã có tiền án, tiền sự gì chưa?

- Tiền án, tiền sự là gì ạ?

- Nghĩa là đã bị các cơ quan pháp luật bắt, truy tố, hay xét xử giam cầm lần nào chưa?

Có một phút chờ đợi. Đầu của Đọt hơi cúi xuống một tí rồi lại ngẩng nhanh lên:

- Nhiều...

- Cái gì ? Trả lời đúng phép tắc quy định !

- Thưa hội đồng xử án, bị cáo đã có bốn lần bị bắt, bị giam.

Cả hội trường bỗng xao xác hẳn lên, có ai đó tặc lưỡi....

- Bị cáo hãy khai rõ hơn.

- Thưa hội đồng, đúng bốn lần. Một lần địch bắt, ba lần ta bắt...

Đôi lông mày của vị thẩm phán chủ toạ khẽ nhíu lại;

- Bị địch bắt ? Lúc nào ? Vì sao?

- Nó bắt lúc tôi đánh nó. Vì sao à ? Vì tôi là con "gấu xám" của mặt trận này mà......

Hình như có tiếng cười ở đâu đó, vị thẩm phán gõ nhẹ chiếc búa.....

- Còn ba lần ta bắt giam là ba lần nào ? Vì sao ?

- Thưa, lần một là dạo cải cách ruộng đất, lần hai là..hồi đánh Mỹ, sau khi ngụy thả ra thì ta bắt. Còn lần ba là..là.lần này ạ.

- Bị cáo có biết vì sao mình bị bắt không ?

- Vì tôi bị lừa ạ.

Chiếc búa lại gõ đánh " bốp " lên mặt bàn:

- Bị cáo phải nhận thức đúng tội lỗi của mình. Ai lừa bị cáo ?

- Dạ, là những người thân nhất, là những người tôi thương yêu nhất, tin cậy nhất. Những người đó lừa tôi......

- Cụ thể là ai ?

- Là...những kẻ mà tôi không thể nhận mặt được..

Tiếng lào xào lại đột ngột rộ lên cả hội trường. Chiếc búa trong tay thẩm phán phải gõ liền mấy cái. "yêu cầu trật tự ! ". Chờ cho hội trường trật tự trở lại, thẩm phán lại hỏi tiếp:

- Bị cáo làm nghề nghiệp gì ?

- Thưa, không có nghề nghiệp ạ.

- Hãy trả lời đúng quy định. Khai đúng sự thật. Tại sao lại không có nghề nghiệp? Từ trước tới nay, tức là từ nhỏ đến lớn, bị cáo làm những công việc gì ?

- Thưa hội đồng xét xử, từ trước tới nay, nghĩa là từ nhỏ đến lớn, bị cáo chỉ làm..Chỉ làm có hai công việc...à.không, có ba công việc.

- Được rồi, cứ bình tĩnh mà nhớ lại. Ba công việc gì ?

- Đi đánh giặc, chăn bò, và...và đi tù ạ !.....

Cả hội trường lại rào lên, lần này có vẻ lộn xộn. Có tiếng cười bật to ra như không thể kìm nén được. Có tiếng chửi tục đầy căm tức: " đù mạ, thằng ngoan cố "... "Bắn bỏ mẹ chúng nó đi, hỏi hỏi cái gì mất thì giờ ! ".

Nhưng hội đồng xử án thì bình tĩnh hơn. Quả đúng là những người cầm cân nảy mực:

- Thôi được rồi. Bị cáo hãy khai rõ hành vi phạm tội lần này.

- Tôi không phạm tội. Tôi bị oan.

- Bị cáo có lời khai trong hồ sơ là đã nghe lời người anh là Cao Rệ, cùng nhập bọn để tìm hài cốt liệt sĩ về nhận tiền chính sách.

- Thưa, đúng thế. Nhưng chẳng lẽ như thế là có tội?

- Chẳng lẽ bị cáo không nhận thức được những hành vi gian dối của nhóm người làm ăn thất đức như bản cáo trạng đã nêu là một tội ác sao? Bị cáo khai là đã từng đi đánh giặc, đã từng làm người chiến sĩ. Vậy, cái hành động đốn mạt của nhóm người này đối với xương cốt liệt sĩ như thế mà không có tội sao?

Giọng thẩm vấn của ông thẩm phán oang oang, gay gắt, lại tràn đầy xúc động nữa, khiến cả hội trường im phăng phắc. Hẵn sau câu buộc tội như trời giáng ấy, Đọt phải câm miệng. Nhưng thật không ngờ, hắn lại ngẩng cổ cao hơn, giọng hắn cũng oang oang lên:

- Tại sao lại không có tội. Cái bọn khốn nạn đó thì bắn hết đi, hỏi làm gì nữa, xử làm gì nữa ... Nhưng thưa toà, tôi không phải cùng bọn hắn. Tôi được thằng Rệ rủ đi tìm hài cốt, tôi hăng hái đi, vì tôi biết rõ những nơi anh em mình chôn cất. Một nơi, mà trận đánh đó, tôi đã bị bắt. Còn tất cả anh em khác bị thằng Mỹ lùa đống lại đốt. Đốt cho đến mức tất cả chỉ còn là than. Chỗ đó thì không thể cất bốc được, chỉ có thể làm mộ chung .Còn lũ chúng nó xâu xé như thế nào, chia chác thế nào tôi đâu có biết. Bản thân tôi, vì thực thà, tin vào họ nên chỉ chỗ cho họ biết, sau đó tôi đi tìm một đồng đội khác .. Đó là một người tôi vô vàn quý trọng. Anh ấy đã vì tôi mà lao lư nhiều lần, cứu tôi nhiều lần ..Tôi đi tìm cho bằng được anh ấy. Tôi tìm được, mang về, mang nguyên vẹn không bớt, không thêm ... Vậy mà, các ông cứ ép tôi, cứ nhốt tôi vào chung một bầy với chúng nó. Tôi bị oan, nhưng tôi biết kêu oan với ai bây giờ. Giá như vong linh anh ấy có thể hiện ra được ở đây, nói lên tại đây được sự thật thì hay biết mấy ... Anh Khảm ơi ! Đồng chí Khảm ơi ! Hãy hiện về cứu tôi lần nữa đi, đồng chí Khảm ơi !

l

Bạn nói, suốt đời bạn đi theo một lý tưởng. Vậy bạn đã từng nghe những tiếng kêu " đồng chí " khắc khoải như thế mấy lần rồi. Cuộc sống giờ đây, đôi khi người ta gọi nhau bằng hai từ ấy, là lúc thật sự đã đặt nhau ra trước một sự đối chọi khó có thể khoan dung, hoặc là ở những diễn đàn to tát, chung chung, là cách gọi số đông không sợ chạnh lòng một ai cả.

Còn tôi, tôi vẫn gọi hai tiếng ấy như cách gọi ngày nào. Đồng chí Đọt ! Đồng chí quả thật là con " gấu xám'' của mặt trận bắc đường Chín . Mỹ nguỵ gọi đồng chí như vậy vì khiếp sợ. Bọn tôi gọi đồng chí như vậy với lòng khâm phục và tin yêu. Nhưng sau lần đồng chí bị bắt- là bên ta bắt ấy- thì không hiểu sao, hai tiếng " gấu xám " lại được gán cho người khác, cứ như thế đó là một chức vụ mà người này khuyết thì đã có kẻ khác thay.

Đồng chí Đọt. Tôi đang có mặt ở đây. Tôi sẵn sàng nói lại tất cả. Nhưng than ôi, làm sao người đời nghe được lời tôi. Giá như họ nghe được, hiểu được, tôi đâu có tiếc gì công sức mà không kể lại từ đầu ..

Tôi sẽ kể lại từ đầu.

... Đọt, tức là đồng chí Đọt, trở lại chiến trường Cam Lộ sau tôi gần một năm. Tôi rời cơ quan Khu đội Vĩnh Linh vào Gio Cam trong tốp cán bộ đầu tiên được điều động về nam. Lúc đó là tháng tư, năm 1964. Lúc đó, đồng chí Đọt vẫn còn là anh công nhân chăn bò của nông trường quốc doanh. Cái nông trường này được thành lập ra để tiếp quản một vùng đất đồi bao la rộng lớn đã bị bỏ hoang lâu ngày. Về con người, nông trường tiếp quản mấy đại đội bộ đội địa phương vừa hoàn thành nhiệm vụ chống Pháp. Đây cũng là cách hình thành một loại lực lượng tác chiến tại chỗ như truyền thống " ngụ binh ư nông " của ông cha xưa, hoặc theo kiểu gọi hiện nay là lực lượng dự bị động viên. Càng về sau, khi chiến tranh phá hoại diễn ra, thì ở trên mảnh đất giới tuyến này tất cả đều được tổ chức lại thành lực lượng chiến đấu tại chỗ. Toàn bộ sự sống ở đây đều được "quân sự hoá ". Tôi bỗng nhớ lại lời huấn thị hùng hồn của người Huyện đội trưởng trong lễ cưới của Li năm nào: " Bên kia bọn Mỹ Diệm đang biến cuộc sống thành sắt thì bên ni ta phải thành thép, bên nớ hắn cứng thành đá thì bên ni ta phải thành kim cương ... "

Trở lại chuyện Đọt ở cái nông trường quốc doanh ấy. Ở đây, hầu hết công nhân đều đi trồng cao su. Cao su là hướng phát triển được xác định là cơ bản và lâu dài của nông trường . Tuy nhiên, người ta vẫn hay nói " lấy ngắn nuôi dài ". Thế nên, nông trường mới có mấy đàn bò. Mỗi đội một đàn từ mười lăm đến hai mười con. Chăn bò để tạo nguồn thu trước mắt khi cao su chưa tới kỳ lấy mủ. Chăn bò còn nhằm tạo nguồn phân tại chỗ để chăm bón cao su. Thế là, Đồng chí Đọt, sau khi kiên quyết vứt đàn bò của mình ở thôn Cam Tuyền để đi kháng chiến, lăn lộn chìm nổi chán chê, bây giờ lại trở về với tiếng mõ bò lóc cóc và cái chuồng to bự lúc nào cũng ăm ắp phân.

Tôi may mắn và vẻ vang hơn Đọt nhiều. Sau những ngày tủi cực vì bị quy là Quốc dân đảng, sửa sai, tôi được điều lên khu đội, lúc đầu chỉ làm trợ lý ban dân quân. Ba năm sau lên phó ban. Thêm hai năm nữa được đề bạt trưởng ban. Khi nhận lệnh điều động đi B, tôi được cử làm tổ trưởng. Vào đến Huyện uỷ Cam Lộ, lập tức được quyết định tham gia huyện uỷ viên, phụ trách ban địch vận, cũng phải mất sáu tháng mới chính thức bổ nhiệm Trưởng ban. Còn đồng chí Đọt tới tận lúc đó vẫn còn ở lại ngoài kia, vẫn với chức danh công nhân chăn bò.

Chiến trường Gio Cam năm đó vô cùng đen tối. Hầu hết cơ sở của ta còn lại đều đã bị triệt phá. Một số bị bắt đem đi đày ải. Còn lại ít người thì bị khống chế. Mà họ cũng đã kiệt sức rồi. Số trẻ, thanh niên mới lớn lên hầu như một trăm phần trăm đều bị động viên vào lính, không đi chủ lực thì dân vệ, kém cõi nữa là nghĩa quân. Cả một vùng rộng lớn đều tràn ngập lính nguỵ.

Huyện uỷ mới nhen nhúm lực lượng trở lại quá ít người . Những đồng chí có mặt trước tôi đã đột kích mấy lần vào ấp, đưa ra "cứ " được vài thanh niên trẻ. Các em tuy bị ép phải vào nghĩa quân nhưng đều là con nhà nòi cách mạng. Được đưa thoát lên núi là hăng hái ngay.

Chính nhờ có lực lượng mới từ trong các ấp ra, tôi đã nắm sơ bộ được tình hình. Thì ra Quận trưởng lúc này không ai khác mà chính là cha Cựu. Trong số những gia đình cơ sở cũ, tôi đặc biệt chú ý đến một người. Đó là Lương .

Cậu Thuẫn, nhân viên trẻ của ban địch vận kể với tôi :

Từ ngày cô Lương trở về làng, cô chẳng gần gũi với ai hết. Hồi đó, cháu còn là thiếu niên, thấy cô xinh xắn, hay hay, nên cũng thích đến gần. Nhưng cha cháu- lúc đó chưa bị bắt và chưa mất- đã đe nạt cháu : đừng chơi với loại ấy! Hồi đó cháu nhỏ, cháu không hiểu. Khi cha cháu bị bắt lên quận, cháu cũng bị buộc phải vào nghĩa quân, mẹ cháu bảo, mi làm nghĩa quân lăng quăng trong làng, sà vào đâu thì sà chớ ngu mà sà vào cái ổ nớ. Cháu hỏi, cô ấy là cộng sản hả mạ ? Mẹ cháu bĩu môi : Cộng sản chi cái thứ ấy. Rứa thì theo quốc gia rồi ? Mẹ lại xì một cái như đuổi gà : có theo trai làm đĩ thì có ...

Thực lòng cháu không hiểu vì sao mẹ cũng như hầu hết dân làng Quách Xá lại ác cảm nặng nề với cô ấy đến thế. Đến khi tham gia vào nghĩa quân, đêm đêm lùng sục, nhậu nhoẹt khắp làng, cháu mới nhận ra một điều, hình như cô ấy sống buông thả quá. Thế mới lạ, cô ấy đâu có còn trẻ mỏ gì nữa, phụ nữ đứng tuổi rồi ai lại cứ đá đít lính trẻ, trìa môi với lính già, thậm chí có khi còn ôm vật cho mấy cậu lính cộng hoà bổ chửng ra nữa ... Người ta còn đồn rằng, ông quận trưởng Nguyễn Đình Cựu thỉnh thoảng vẫn ghé về đó. Chính vì có quan hệ gì đó với ông quận trưởng, nên dù cả làng ghét nhưng cũng chẳng ai dám hở răng nói câu nào. Lính nghĩa quân như bọn cháu sợ đã đành, ngay cả lính cộng hoà cũng ớn cô ta lắm ...

Tôi choáng váng cả người. Lẽ nào em lại thay đổi đến mức ấy ? Rừng khe Ló như âm u hơn, gió Trường Sơn bỗng như xao xác hơn. Cả một khu căn cứ vốn đã thưa thớt người, nay lại càng côi cút, heo hắt. Suốt cả đêm ấy, tôi cứ trở trăn một mình trên võng, không sao ngủ được. Không biết hỏi ai lúc này, tôi cứ tự hỏi tôi : Vì sao Lương lại trở nên nông nổi ấy, có phải vì tôi, vì Li, vì bất mãn một tý chức vụ mà tổ chức đã không trao cho em ? Thật chẳng có lý chút nào ? Hay là, em đã tự ép xác quá lâu ngày, nay như chiếc lò xo bị nén đã bật bung ra, em chỉ sống cho bản thân em, cho thoả thuê mọi thèm muốn cá nhân mình ? Nếu vậy, cứ cho là em thay đổi về cách sống, còn lý tưởng em có phản bội lại cách mạng không ? Nếu giờ gặp tôi, em có bán đứng tôi không ? Thật khó mà tin vào điều ấy ! ...

Sáng hôm sau tôi đi tìm đồng chí bí thư huyện uỷ. Đây là một người từng trải đầy ắp kinh nghiệm. Tên anh là Quảng. Người Cùa. Quảng đã lớn tuổi, lại gầy yếu, liên tục bị sốt rét nên nước da vàng quạch, hai mắt lờ đờ. Anh cũng có tập kết ra Bắc, nhưng được lệnh trở lại địa bàn trước tôi gần hai năm. Một con người thật sự đáng khâm phục và nể trọng, nhưng xem ra anh khó mà trụ nổi với cuộc chiến này ...

Tôi đã kể hết cho bí thư huyện uỷ nghe về Lương, cả việc chung lẫn chuyện riêng, tôi kể cả những điều mà cậu ban viên trẻ vừa mới cung cấp. Cuối cùng tôi đưa ra đề nghị :

- Báo cáo anh, có lẽ tôi phải trực tiếp gặp o ấy ?

Người bí thư nhìn tôi mơ màng :

- Sao vội thế ?

- Không ạ, không phải là tôi muốn gặp lại ... chuyện xưa ... Vấn đề là, tôi muốn xác định xem, o ta có phản bội lý tưởng không ? Nếu chưa thì cố gắng đưa Lương trở lại thành cơ sở, Lương có kinh nghiệm hoạt động lắm.

Bí thư húng hắng ho. Thật khó mà đoán được ông ấy đang suy nghĩ điều gì. Chờ đợi một lúc khá lâu, phải nói là rất lâu thì ông mới mở đôi tròng mắt vàng đục ra nhìn tôi, môi mấp máy từng câu nhỏ nhẹ :

- Cậu người Giang Phao hí ?

-Dạ.

- Cậu đã vô trong Quách Xá,Tân Mỹ lần nào chưa ?

- Dạ chưa ?

- Có biết chút chi về địa hình, dân cư ở trong nớ ?

- Dạ... chưa biết gì cả ạ.

Ông khẽ thở ra một tiếng.

- Đó ... cho nên vô làm răng được. Nếu gặp bất trắc biết đường nào mà chạy.

- Dạ thưa anh...

- Mình biết rồi. Nhưng làm cách mạng không thể liều mạng được. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là gì ? Là phải khẩn trương củng cố lực lượng huyện uỷ. Mình đang cố tìm thêm người. Ở các ban, các cậu cũng phải tự tìm lấy người. Tốt nhất là tìm các đồng chí cũ đã từng hoạt động vùng này, có quan hệ hàng xóm, bà con ở vùng này, từng đi lại nhiều lần ở trong các xã, các thôn ấp ở đây ... Cố nhớ đi, tìm đi, coi có ai ở đây đi tập kết, chừ ở mô, hoàn cảnh thế nào, phẩm chất, năng lực ra sao, liệu có động viên họ quay lại chiến trường được không ?

Anh ngừng lại thở. Vòm ngực lép kẹp của anh dội lên từng cơn.

- Phải có lực lượng đã Khảm ơi. Đừng nôn nóng. Mình vừa mới có cậu, chưa kịp mừng, nếu xẩy ra bất trắc gì, lấy ai lo việc đây ...

Đó chính là những lời huấn thị đầu tiên của người bí thư già đối với tôi. Sau đó một thời gian, Quảng chỉ thị cho tôi trở ra lại Vĩnh Linh tìm người. Một trong số những người tôi nhớ đến trước hết chính là Đọt. Đồng chí Đọt.

Tôi trở lại nơi chốn xưa, bến cũ vào những ngày rét đậm. Đã qua đầu năm 1965 dương lịch, nhưng cũng còn hơn mười ngày nữa mới kết thúc năm âm. Tục ngữ xưa có câu " bôn chôn như hồn ba ngày tết ". Tôi trở lại Vĩnh Sơn y như một mảnh hồn phiêu dạt, bồn chồn theo hương khói mà lần mò tìm lại hơi lửa đêm giao thừa. Nhưng Vĩnh Linh lúc này, người ta hầu như không còn có tâm trạng chờ trông ngày tết. Cả đất này, tất cả mọi người ở đây đang căng thẳng, phập phồng đợi chờ một điều khác.

Bom đã ném quả đầu tiên xuống miền Bắc từ dạo đầu thu. Ở đôi bờ sông tuyến, thỉnh thoảng lại có vài đợt đọ súng. Đã có mấy tốp biệt kích đột nhập từ bờ nam qua bờ bắc. Ngược lại, những nhóm cán bộ của bờ bắc cũng đêm đêm âm thầm vượt tuyến qua sông. Đâu đó trên những tấm ruộng cồn cao, hay dọc theo trục đường liên thôn, liên xã, đã xuất hiện nhiều hầm hố cá nhân, vài chục mét giao thông hào. Một số cơ quan rục rịch phương án sơ tán...

Có lẽ chỉ có tôi, duy nhất có tôi là thẫn thờ, cô quạnh. Tôi cứ lần theo mép sông Bến Hải mà đi từ hạ lưu lên đến thượng nguồn. Cũng chẳng có gì thay đổi. Rừng vẫn có rừng, đất vẫn bời bời cỏ lút...Hói Cụ đây rồi, Miếu Ông còn đó .. Kỷ niệm ngày nào cứ sủi tăm nơi bến cũ, xao xác ngọn gió mùa, nhẹ thôi mà sao buốt vậy, Lương ơi !





l





Đọt ở trong một căn phòng của khu nhà tập thể công nhân. Nhà cấp bốn, mái ngói, tường trát xi, quét vôi trắng. Có bốn dãy nhà, xếp trước sau, hai dãy quay sấp mặt lại chung một sân. Hầu như phòng nào cũng có đôi, có cặp, lại thêm trẻ con chạy nhốn nháo nữa. Đọt ở một mình. Mâm cơm đêm ấy, Đọt mời tôi, thêm một bát, một đôi đũa, một chén nhỏ uống rượu. Còn những bữa khác, những ngày khác, đã nhiều ngày như thế, Đọt ngồi một mình, lưng quay ra cửa, mặt sấp vào trong. Đọt nói với tôi như thế.

Tôi vân vê chén rượu gạo, tần ngần:

- Vậy...Li không lên đây lần nào sao ?

- Có, thỉnh thoảng. Tại thằng Đình đòi đi nên cô ấy phải chiều . Khó khăn lắm tôi mới hỏi thêm được một câu:

- Có nghĩa là...các cậu li thân?

Đọt ngước lên nhìn tôi, có vẻ như không hiểu nổi ý tôi hỏi, rồi chợt cười gượng gạo:

- Li thân li thiếc gì. Tại cô ấy bận quá..Phó chủ tịch hội phụ nữ khu chứ có phải vớ vẩn như tôi đâu...

Đọt lại chêm rượu vào chén tôi, ép uống thêm tí nữa, gặp nhau vui quá mà. Nhưng tôi là người từng trải, tự tôi cũng đã thừa cay đắng với đàn bà nên tôi hiểu. Đã thật sự xảy ra những điều xa xót trong quan hệ của Đọt và Li...

Đêm đó, tôi ôm Đọt cùng nằm trên chiếc giường một, cùng phủ lên mình một tấm chăn chiên mỏng. Cả hai thân đàn ông khoẻ mạnh ôm riết lấy nhau mà vẫn không đủ ấm. Khuya lắm rồi, nhưng cả hai đều không ngủ được. Bên ngoài trời vẫn rã rích mưa.

Và Đọt kể:

Tui không có chi oán trách Li cả, anh ạ. Có trách thì trách chính mình. Ngần ấy năm sống gần nhau, là tui nói cả những năm trẻ dại ở trong quê nữa kia, hoá ra tui vẫn chẳng hiểu chút gì về Li cả. Cô ấy không hề yêu tui, chưa bao giờ yêu tui, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vì sao cô ấy nhận lời lấy tui, ăn nằm với tui để có thằng Đình, thật sự đến giờ tui vẫn không hiểu. Mà nói anh đừng cười, thành vợ, thành chồng đến nay đã tám năm, cô ấy chỉ cho tui ăn nằm có hai lần. Lần đầu là cái đêm sau lễ cưới. Nhờ lần ấy mà chừ tui có được thằng Đình. Lần thứ hai là sau khi tui được sửa sai, Li đón tui ra khỏi trại giam về ở tạm cái phòng của hội phụ nữ huyện . Li được ra tù trước tôi gần sáu tháng và đã được nhận công tác ở đó. Li nấu sẵn cơm cho tui ăn, bữa cơm gia đình đầu tiên sau gần một năm rưỡi ở tù. Vừa ăn cơm, Li vừa báo cho tui biết đã nhờ các anh trên khu uỷ thu xếp cho tui về nông trường. Li thật sự giỏi giang trong mọi sự sắp đặt cuộc sống. Bữa cơm tối đó chính là bữa cơm chia tay. Đêm đó, cũng cảnh như hai đứa mình đêm nay đây, bọn tui ngủ chung trên chiếc giường một. Li đã cho tôi lần cuối cùng ...

Kể đến đó, đột nhiên Đọt khẽ bật ra một tiếng cười. Tôi không thể nhận ra tiếng cười ấy là vui tếu hay xót xa. Nhưng tôi cố đẩy câu chuyện qua một hướng khác cốt để cho Đọt đỡ tủi thân :

- Còn cháu Linh thế nào ? Cả cháu Đình nữa ? Chúng nó học hành ra sao ?

- Con Linh khá lắm . Đã vào lớp bảy. Nó được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi toán để đi thi toàn miền bắc đó. Nó rất thông minh, chỉ có điều ...

Tôi hơi nhổm dậy :

- Có điều làm sao ?

Giọng Đọt có vẻ ngập ngừng :

- Chẳng sao đâu ... Nó ... có vẻ hơi khó tính. Dù sao thì vẫn còn là trẻ con ấy mà. Nó đẹp lắm. Đẹp hơn cả mẹ nữa. Mà này, tại sao anh không tìm gặp con ?

Câu hỏi bất ngờ quá khiến tôi líu cả lưỡi:

- Con ... nào ?

Đọt ngồi dựng dậy. Đêm tối như mực nhưng tôi vẫn hình dung thấy mặt Đọt vằn lên.

- Khốn nạn ! Anh mở miệng hỏi thế mà hỏi được à ? Bữa ni là năm nào rồi ? Có còn cái thời cải cách ruộng đất nữa đâu. Cả anh, cả Lương thật chẳng ra gì ...

- Kìa ... Đọt ...

- Thôi im đi. Cứ cho là hồi đó anh sợ. Nhưng đáng ra sau khi sửa sai, anh phải nhận con ngay. Nếu chần chừ, suy tính thì ít nhất trước khi nhận lệnh đi B, phải tìm ngay con mình chứ . Các người thật là ... Không hiểu với anh, trên đời này cái gì là quý nhất.

Tôi nằm câm lặng. Lời buộc tội như trời giáng ấy đã làm tê liệt hoàn toàn trí não tôi. Có lẽ phải một lúc sau lâu lắm tôi mới mở miệng được :

- Ai nói cho anh biết Linh là con tôi ?

- Li nói. Mà thực ra, nếu Li không nói thì rồi tôi cũng biết.

- Nhưng Lương có nói cho Li biết đâu ?

Đọt bỗng kêu to lên :

- Trời ơi, còn đợi các người khai báo ư ? Li nó biết ngay từ cái đêm vượt tuyến ra gặp anh nơi trụ sở uỷ ban xã ấy. Cô ấy càng khẳng định một cách chắc chắn ngay sáng hôm sau khi anh gặp để thông cảm hoàn cảnh giúp cho Lương ... Li là một người đàn bà thế nào cả Lương và anh chắc cũng biết rồi chứ, đóng kịch làm sao được với cô ấy ...

Tôi khẽ thở dài :

- Thế mà .. Li chẳng nói gì ...

- Cô ấy hận anh chị lắm. Nhưng Li hận cũng chẳng sao. Ai hận cũng được nhưng đừng để con hận. Nếu hỏi tôi trên đời này tôi run sợ trước cái gì nhất, thì đó chính là để cho con cái nó hận mình.

Đọt còn nói thầm thì những gì nữa, nhưng tôi đã không còn nghe được gì hết. Đọt không thể biết rằng ,tôi đang khóc. Tôi cắn chặt hai hàm răng lại để đừng cho tiếng nấc bật ra. Nỗi đau nhói buốt vòm ngực. Đêm đó là một đêm thật sự kinh hoàng, lòng tôi buồn đến tê tái. Nhưng cũng chính nhờ cái đêm đó mà tôi đã thật sự nhận ra chính mình. Và tôi cũng nhận ra cái sâu xa thăm thẳm từ bên trong con người cục mịch như Đọt. Tôi tin anh vô điều kiện. Sau này, ở chiến trường với bao nhiêu sự biến xẩy ra, ngay khi cả đội công tác chính trị đều khẳng định anh chiêu hồi thì tôi vẫn tin anh. Khi nghe nói công an bờ bắc đã lại tống giam anh để điều tra, tôi kêu lên một mình : Các đồng chí nhầm rồi. Tôi tin đồng chí Đọt !

Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm. Tôi phải đi gặp con tôi . Không còn có một trở lực nào có thể ngăn cản được tôi nhận con, cho dù trời có sập như kiểu nói của Lương ngày trước. Tôi đạp tắt qua vùng đồi trọc, xăm xăm chạy theo một lối mòn nhỏ dẫn về quốc lộ một. Từ đó xuôi thẳng về Hồ Xá. Tôi đi đi băng băng. Cảm giác trong tôi lúc đó rất lạ, không sao nói chính xác được. Vừa phấn chấn, vừa thấp thõm lại có chút lo âu ... Cái lo lớn nhất là con tôi sẽ từ chối. Nó có quyền như vậy. Nó từ chối vì nó không tin. Mà cũng có thể tin, nhưng lại căm hận. Điều đó mới thật khủng khiếp ... Thôi thì, sao đó cũng được. Tôi sẽ lãnh đủ mọi điều. Tôi có thể làm tất cả, dẫu phải quỳ hai gối xuống trước mặt con, miễn là được nghe nó gọi một tiếng " ba ". Chỉ cần thế thôi, rồi sau đó ...

Bỗng nhiên đôi chân tôi chậm lại, chậm lại rồi dừng hẳn. Hai đầu gối khẽ run run. Sau đó thì sao ? Tôi sẽ dắt con chạy trốn ư ? Mà chạy đi đâu kia chứ ? Hay là, nhận con xong lại xoa đầu nó mà rằng, thế thôi nhé, con ở lại với mẹ Li, ba phải đi đây ! ... Nó làm sao mà hiểu được có một loại bố như tôi. Nó sẽ chạy ù về hỏi mẹ ... Mà hỏi mẹ nào ? Dĩ nhiên là mẹ Li .. Trời đất ơi, rồi cuộc sống của mẹ con Li thế nào ? Tôi đã trút gánh nặng lên đời Li như thế chưa đủ sao, nay lại ném vào khoảng đời còn lại của cô ấy một trái bom sát thương khủng khiếp. Chúng tôi, cả tôi và Li, đã cướp đoạt tuổi yêu đương của một người bạn, vẫn chưa thoả nguyện, nay lại cướp nốt quãng đời băng giá cuối cùng của bạn ấy hay sao ?

Tôi đã dừng hẳn lại từ lúc nào . Ngực dội lên từng cơn thở. Tôi tựa lưng vào gốc phi lao trên đường, mắt nhìn về mái trường cấp hai thị trấn Hồ Xá. Khu trường ở trên một quả đồi cao phía đông quốc lộ. Tôi biết ở đó có ngôi trường cấp ba hai tầng và liền phía dưới nó là trường cấp hai, chỗ con Linh đang học. Chỉ một quãng ngắn nữa thôi là tôi nhìn thấy con, là có thể ôm chầm lấy bé Linh của tôi mà hôn hít, mà chùi nước mắt lên mái tóc của con, mà làm tất cả những gì bấy lâu nay chưa được làm ... Nhưng tôi vẫn đứng như bị trói chặt vào gốc cây. Gốc phi lao cũng gầy guộc và xác xơ như tấm thân tôi vậy.

Cuối cùng, tôi quyết định đến gặp Li. Đó là quyết định đúng đắn.



l





Tôi phải dò hỏi mãi mới tìm ra được trụ sở làm việc của Hội phụ nữ khu vực. Nhưng cơ quan rất vắng, một chị văn thư hành chính nói cho tôi biết, Li cùng với ban Thường vụ đang chủ trì một cuộc họp Hội phụ nữ toàn khu vực tại hội trường uỷ ban hành chính. Tôi vội vã tìm về đó.

Khi tôi đến hội trường thì Li đang đứng trên bục nói chuyện với hội nghị. Cả hội trường có khoảng hai trăm người. Li đứng đối mặt với họ, không cần một tài liệu gì trong tay, cô nói bằng một giọng trầm trầm nhưng rất lưu loát và chắc chắn là hấp dẫn, bởi vì hàng trăm đôi mắt phía dưới đang nhìn lên, hầu như không chớp, hầu như đang uống cạn từng câu từng chữ của người diễn thuyết.

Đã gần ba mươi năm rồi, tôi không thể nhớ nổi hôm đó Li nói những gì. Chỉ nhớ mang máng rằng, đó là một hội nghị như kiểu " chỉnh quân " của bộ đội, nghĩa là đánh giá lại ưu điểm, khuyết điểm của phong trào phụ nữ toàn khu vực, xác định trách nhiệm, vai trò phụ nữ trong giai đoạn cách mạng mới, sẵn sàng đối đầu với một cuộc thử lửa quyết liệt nhất. Tình hình nhiệm vụ của mảnh đất đầu cầu giới tuyến này, trong cuộc chạm trán với một kẻ thù mạnh nhất hành tinh này, đòi hỏi người dân phải như thế nào, phụ nữ phải thế nào...Nói tóm tắt lại là phải gồng mình lên như sắt, như thép, phải gạt hết ưu phiền, riêng tư qua một bên, phải thế nọ thế kia gì đó để có thể đánh thắng quân thù, mà thắng thù là trên hết, không có cái gì trên cái đó được kể cả tình yêu đôi lứa, kể cả giấc ngủ, bữa ăn. Đại loại là như vậy..Những năm đó, cái kiểu diễn thuyết như vậy có thể gặp bất cứ đâu, ở hầu khắp các hội nghị, nó mới xúc động làm sao, tâm huyết và rạo rực làm sao! Nó có sức chinh phục hàng ngàn, hàng vạn trái tim con người..

Tôi không nhớ kỹ lắm nội dung Li nói. Tôi chỉ nhớ nhất là giọng nói, là nét mặt, ánh mắt của Li lúc đó. Bởi vì nó lạ lắm. Lạ, không phải vì có cái gì đó khác thường so với người khác. Lạ bởi nó không còn là Li, bạn của Lương, không còn là cô gái Cam Lộ trong những câu chuyện khôi hài mà em vẫn kể cho tôi nghe về tuổi thơ của họ. Với em, Li như là hiện thân của cội nguồn con sông quê, trong trẻo, giào dạt, có phần gấp gáp, có phần xô bồ, nhưng lại nên thơ, rất đỗi ngọt ngào nữa. Có lần Lương gục đầu vào vai tôi, nói nũng nịu như thể muốn bắt vạ tôi. Rằng, ước chi em được sống lấy dăm bảy ngày như Li, muốn ăn là ngồi xoạc cẳng ra ăn, muốn ngủ là vật ngửa mình ra tấm phản ngay căn giữa của nhà mà ngủ, thậm chí muốn được làm tình thì cứ bô bô nói ra lỗ miệng mà không sợ ngượng, nói cả cái từ tục nhất trong chuyện ấy rồi cười tít mắt lại mà chẳng chút ý tứ kiêng dè. Quả thật, ai mới lần đầu chạm mặt nghe Li nói cũng thấy ghê ghê, nhưng nghe quen lại thích thích, đôi khi còn thèm thèm nữa....Em nói, thật lòng em muốn sống như vậy nhưng không được. Lúc nào em cũng thấy cần phải giữ mình, sợ người ta coi thường, sợ mắc tội với Chúa, sợ cha Cựu nghe được, hoặc sợ một cái gì đó như thể làm tổn hại đến cốt cách đoan trang mẫu mực của mình.....

Li của em là thế. Giá như sáng hôm ấy, em có mặt với tôi ở phía ngoài hội trường Uỷ ban hành chính khu vực Vĩnh Linh, cùng ghé mắt nhìn vào như tôi, hẳn em sẽ còn kinh ngạc hơn tôi nhiều nữa.

Li của em đứng đó. Vẫn con người ấy, có già đi gần mười tuổi, da có sạm lại, tóc cắt gọn hơn, đôi mắt hơi bị sẫm lại. Nhưng tất cả sự thay đổi ấy không đáng nói gì cả. Cái kỳ lạ là ánh mắt lạnh buốt, là giọng nói trầm trầm mà khúc chiết. ánh mắt đó, giọng nói đó báo hiệu một chặng đường mới của một con người. Chặng đường lí trí và quyền lực.....

Dĩ nhiên, cuối cùng tôi cũng gặp được Li.

Cô không tỏ ra ngạc nhiên lắm. Cũng có một chút hoảng hốt nhưng sau đó Li bình thường trở lại rất nhanh, tay nhấc chiếc ấm nhỏ chắt nước ra chén một cách tự tin và chững chạc. Cô hỏi mà không cần nhìn mặt tôi:

- Nghe nói đồng chí đã vào mặt trận rồi kia mà?

- Vâng vâng.....

- Tốt quá. Tình hình trong đó thế nào? Các đồng chí của mình chắc gian khổ lắm phải không? Mới tuần trước, đồng chí bí thư khu uỷ có buổi nói chuyện quan trọng với cán bộ cốt cán toàn khu, bọn tôi nghe mà cảm động quá. Thương đồng bào mình quá. Rất thông cảm với các đồng chí trong đó ...Vĩnh linh chúng tôi đã xác định rồi, bất cứ hoàn cảnh nào, đảng bộ và nhân dân chúng tôi cũng sẽ là hậu phương trực tiếp của các đồng chí, sẵn sàng chia lửa với các đồng chí. Gio- Cam gọi, Vĩnh Linh đáp lời !

Tôi há miệng ra mà nhìn Li, không sao thốt ra lời được. Trời ơi, người đang nói chuyện với tôi là Li ư, hay là linh hồn một ai đó đang nhập vào xác cô gái Phước Tuyền đã từng một thời " nhìn đàn ông như mèo nhìn thấy mỡ ..." Tôi thầm kêu lên trong đầu, Lương ơi, giá như em ra được với anh lúc này để tận mắt nhìn thấy sự đổi thay kỳ diệu của bạn em ? Giá như ...Tôi chợt se lòng lại. Không thể có chuyện giá như. Bởi chính em, chính em cũng đã đổi thay một cách quái dị. Em thay đổi còn đáng sợ hơn cả Li, sự đổi thay ngược chiều. Giá như, tôi có thể bắt đầu câu chuyện với Li về sự đổi thay đau lòng của em, hỏi Li xem vì sao em lại có thể đổi thay như thế ? Từ một con người đoan trang, chuẩn mực, một con người biết cắn răng ghìm nén tất cả mọi ham muốn, biết nhấn chìm, lấp kín những khao khát riêng tư, kể cả giọt máu của mình để phụng sự cho đức tin, lý tưởng. Vậy mà giờ đây...Tại sao mọi chuyện lại diễn ra như thế ?

Cuối cùng tôi cũng lấy hết sức lực gồng lên, quyết không để cho sự kinh ngạc đến hoảng sợ làm tê liệt ý chí của mình.

- Thưa chị... hôm nay tôi có nhiệm vụ ra Vĩnh Linh, tiện thể đến thăm chị. Trước hết là thăm sức khoẻ chị, thấy chị mọi sự như ý thế này là mừng lắm. Tôi thành tâm chúc chị thành đạt hơn nữa trong công tác...

- Cảm ơn đồng chí !

Chợt tôi sững ra. Mình đang nói những gì thế ? Cái giọng vừa rồi là giọng ai thế ?Tôi mà lại có thể mở mồm nói ra những lời cao siêu như thế ư ?

- Thưa chị ..Thực ra...tôi tới thăm chị...cũng còn có một việc ... Thực ra, từ lâu, tôi rất muốn được nói chuyện với chị ... về một vấn đề ... dạ, đáng ra, nếu không vì những hoàn cảnh đặc biệt, thì tôi cũng đã " báo cáo " với chị từ trước, nhưng ...

Thật sự tôi không hiểu mình đang nói gì. Nhưng thật kinh ngạc, Li lại hiểu tôi hơn cả tôi.

- Tôi rõ rồi. Anh muốn đặt vấn đề về chuyện con Linh phải không ? Tôi câm lặng. Đúng như lời Đọt, Li quả là một người đàn bà phi thường.

- Dạ ... Thưa chị...

- Anh cũng là một người lãnh đạo, có thâm niên công tác cống hiến hơn tôi nhiều, tại sao có vấn đề đơn giản như vậy mà cứ ấp a ấp úng mãi thế?

- Đơn giản ư ?

Li khẽ nhếch mép, gần như cười. Tôi chợt nhớ lại lời Lương dạo trước, không hiểu Li đã luyyện được kiểu cười như thế từ khi nào.

-Có gì mà không đơn giản. Nó là một đứa con của anh, chuyện đó tôi biết ngay từ đầu. Mà tôi có dành giật gì với hai anh chị đâu, phải không nào ?

- Vâng vâng ... thưa chị ...

- Ngay từ đầu, chính tôi đã mang con ra cho anh chị, mong anh chị nhận lấy cho tôi đỡ khổ, đúng không nào ?

- Vâng vâng ... thưa chị ...

- Hồi đó anh chị bận phấn đấu công tác, chưa nhận con được, thì tôi lại nuôi. Còn giờ, anh chị có điều kiện thì nhận cháu về. Đơn giản thế thôi ...

- Vâng, thưa chị ...

Li vẫn hoàn toàn chủ động, hoàn toàn lạnh lùng, nét mặt không gợn một chút thay đổi. Nếu có ai đó nhìn thật kỹ mới phát hiện ra mấy ngón tay đang áp vào ấm nước khẽ run run.

- Anh đợi đến chiều, con nó đi học về, mời anh đến. Tôi làm bữa cơm vừa tiếp anh, vừa tiễn con ...

-Không không ... ý tôi không phải thế ?

- Sao ? Không phải thế ? Nghĩa là.. anh vẫn không muốn nhận con ? Tôi cuống lên :

- Dạ có, dạ có ... Tôi gặp chị hôm nay cốt yếu là vì chuyện ấy. Tôi khao khát chuyện ấy quá lâu rồi. Chỉ có điều ..sau đó ..nó vẫn ở với chị ...

Li dướn cả cặp lông mày lên, mở tròn đôi mắt :

- Cái gì thế . Con đã có cha, có mẹ, làm sao lại cứ ở với tôi ?

- Dạ ... Tôi tưởng ... chị cũng đã coi cháu như con. Tôi không thể cướp mất niềm hạnh phúc của chị.

- Ra thế. Cảm ơn đồng chí. Nhưng mà, tôi có hạnh phúc gì đâu mà đồng chí cướp. Con đồng chí thì phải theo đồng chí, đồng chí phải có trách nhiệm. Tôi không gánh thay được đâu.

Mọi việc đã diễn ra ngoài sự tính toán của tôi. Thú thật, tôi không sao ngờ được Li lại có thể dứt tình một cách đơn giản như vậy. Tôi cố nuốt khô cái vị chát đắng vừa mới trào lên xuống cổ, giọng nói bắt đầu run run :

- Thưa chị ... sự thật là ... chị cũng đã biết hoàn cảnh của tôi rồi . Tôi bây giờ là thằng lính ở chiến trường. Tôi chỉ ra đây vì một nhiệm vụ đặc biệt, chỉ ở lại Vĩnh Linh một tuần, sau đó phải vào mặt trận. Chị bảo hoàn cảnh như vậy thì làm sao nuôi cháu được ?

Bất ngờ Li bật ra tiếng cười, là cười thật chứ không phải một cú nhếch mép, cười thành tiếng nấc, nấc như một kẻ sặc nước, như một đào hát diễn tuồng :

- Ôi chao ôi, thì ra anh, chị vĩ đại hơn tôi tưởng ...

Mặc dù đã thấy ớn lạnh ở sống lưng, nhưng bản tính tôi là điềm tĩnh nên vẫn cố chịu đựng :

- Kìa ...chị Li ! Đồng chí Li ... chị hãy cho tôi được trình bày đầy đủ ...

- Thôi, xin lỗi đồng chí - Giọng cười nấc phụt tắt, mặt Li đanh lại- tôi hơi mất lịch sự một chút nhưng mong đồng chí thông cảm, tôi không có được nhiều thời gian. Vấn đề được kết luận thế này. Chỉ có hai con đường cho đồng chí lựa chọn . Một là nhận lấy con rồi đưa nó đi ngay. Hai là đừng bao giờ bén mảng đến gần con tôi. Nếu tôi phát hiện được đồng chí có hành động gì nói cho nó biết thân phận, tôi sẽ bắn ngay. Bắn ngay táp lự, anh có tin tôi làm được như vậy không ?

- Chị Li ... chẳng lẽ chị nỡ ép tôi đến thế sao ?

- Tôi đâu có ép. Tôi đã bảo là hai con đường, anh được tự do lựa chọn kia mà ...

- Nhưng tại sao lại là hai ... tại sao không cho tôi con đường thứ ba?

Li chồm mặt vào sát tôi, mắt vằn lên :

- ở đâu ra, cái con đường thứ ba ấy ? Há ? Anh là thằng lính, anh đã biết thừa rằng, trước mắt lúc nào cũng chỉ có hai con đường. Hoặc là thành dũng sĩ, hoặc là kẻ đốn mạt, đầu hàng. ở mảnh đất này, cũng chỉ có hai con đường. Hoặc là trung thành với lý tưởng cách mạng, hoặc là phản quốc, nô lệ ...

- Nhưng đây là chuyện đời thường chứ đâu phải chuyện lý tưởng ?

- Đời thường thì sao nào ? Thời buổi này có cái đời thường nào mà không cương lên thành lý tưởng ...

Độ trầm tĩnh của tôi đã chạm tận đáy. Tôi không sao kiên trì được nữa.

- Chị học ở đâu ra cái cách nghĩ như thế ?

- Học ở anh, ở chị Lương chứ còn ở đâu nữa !

Tôi ngớ cả người. Cú phản công này như quả đá hậu trúng phốc vào giữa mặt tôi.

- Có phải con đường thứ ba là đường mà hai anh chị đã chọn, đã đi không ? Một cách lựa chọn mà cái gì cũng được. Được ham muốn dục vọng, được con cái nối dõi tông đường, lại được cả lý tưởng, công lao thành tích, danh giá ... Nếu thật sự có lối đi thứ ba đó thì nó quá nhỏ, nhỏ vô cùng, chỉ đủ cho tốp các người thôi ...

Cặp môi Li bất ngờ run lên, đôi tròng mắt đột ngột ngầu đỏ. Rồi thì cả mái đầu gục xuống mép bàn, bờ vai rung rung. Tôi ngẩn cả người ...Thật không ngờ, không sao ngờ được là Li đang khóc ... Đến đây, thật sự tôi thấy mình tăm tối. Tôi không sao đọc được cô ấy dù chỉ một dòng. Trước mặt tôi là một người đàn bà, không phải nói là một thế giới đàn bà, một vũ trụ đàn bà mà tôi như kẻ lạc lối, không bao giờ dò được hướng đi.

- Chị Li ..có phải chị hận bọn tôi lắm phải không? ..Chị hận là phải . Thật lòng tôi đâu muốn thế ... Chẳng qua vì hoàn cảnh.

- Anh câm đi. Anh hoàn cảnh còn tôi thì sao.Tại sao cùng một hoàn cảnh mà anh cái gì cũng được, còn bao nhiêu rơm rác, bụi bặm, bao nhiêu cơ cực trần ai lại trút lên vai tôi ?

- Tôi thành thật xin tạ tội với chị. Nhưng ... bây giờ chị cũng có đến nỗi nào đâu. Chị có cháu Linh, có anh Đọt, chị cũng thành công trong lý tưởng, công tác .. .

Bất ngờ Li ngước lên :

- Tôi thành công ?

- Vâng. Thì chị nay đã ...

- Cảm ơn đồng chí. Rất cảm ơn ...

- Chị lại thế rồi.

- Tôi nói chân thật đấy. Nếu không có tấm gương của hai anh chị, chắc chắn đến hôm nay tôi vẫn chỉ là đứa con gái tầm phào rồi. Anh còn nhớ cái buổi sáng đầu tiên anh gặp tôi, trình bày hoàn cảnh của Lương chưa thể nhận con được, anh nhớ chứ ? Thú thật lúc dầu tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi không sao tưởng tượng được. Nhưng rồi sau đó tôi hiểu. Càng về sau tôi càng hiểu sâu hơn. Tôi càng ghê tởm các anh, các chị, thì càng tự dạy cho mình bài học, không thể sống ngu ngơ, càng vô tư thì càng thiệt thòi. Tôi thề theo gương anh chị, nhưng cần phải khôn hơn, giỏi hơn, cần thiết thì phải nhẫn tâm hơn anh chị. Theo anh đến giờ này, tôi đã đạt được điều ấy chưa ?





l





Đến chiều tối, có lẽ cũng đã nguôi ngoai đôi phần căm hận, cái con người nhẫn tâm ấy đã mở hé lòng nhân ái cho phép tôi được gặp con. Điều kiện Li đưa ra là, tôi được mời đến ăn cơm, được Li giới thiệu : bác Khảm, bạn chiến đấu từ ngày xưa của bố và mẹ. Tôi được xoa đầu con, được gắp thức ăn cho con với lời khen : cháu ngoan lắm, xinh lắm, nghe nói học hành giỏi lắm phải không ? Phải cố gắng nhiều nữa để xứng đáng trước hết với ba Đọt, mẹ Li, sau đó là với các bác các chú nói chung và với giống nòi bà Trưng, bà Triệu ! .. .

Tôi đã chấp nhận sự sắp đặt này. Lần thứ hai trong đời tôi phải sắm một vai diễn theo kịch bản của một người đàn bà. Lần trước, cứ tưởng mình thành công, không ngờ đã thất bại, lần này chính tôi lại cầu mong vai diễn thất bại, chỉ có điều, nếu thất bại, nếu con tôi biết dược, tôi sẽ vĩnh viễn mất nó.

Chiều hôm đó tôi đã đến sớm một cách quá đáng. Đến rất sớm nhưng lại không dám vào. Tôi cứ giả bộ cúi đầu đi lên rồi đi xuống ngoài con đường trục thị trấn ngang qua ngõ khu tập thể cán bộ Hội phụ nữ. Giả vờ cúi đầu mà đi qua như một khách qua đường, nhưng đôi mắt vẫn liếc trộm vào bên trong. Không nhìn thấy gì hết. Ngôi nhà nhiều gian hộ thấp bé khuất lấp đằng sau mấy cây dừa. Chỉ nghe lao xao bên trong, hình như có tiếng the thé quát chó, thoảng hoặc có tiếng trẻ con khóc, lại ai đó hát nữa. Nhưng tiếng loa truyền thanh gắn ở bên trụ sở Mặt trận cách đó chừng một sào vườn đã oà lấp tất cả.

Cuối cùng, sau khi đã nén chịu cho chậm hơn thời gian hẹn chừng năm phút, tôi thở ra một hơi thật dài rồi làm ra vẻ thật ung dung, thật tự nhiên, tôi bước vào ngõ.

Tôi lập tức nhận ra ngay con tôi. Trời đất ơi, nó giống Lương như hai giọt nước. Đôi mắt dài và sắc. Môi mỏng mà đỏ thắm. Bờ vai hơi gầy, cả dáng người hơi mảnh nữa. Thật như một bản sao. Đứng cạnh con gái tôi là bé trai chừng tám chín tuổi. Chắc chắn là cu Đình ? Nó có vẻ không được tự tin cho lắm. Hai đứa trẻ xếp thành một hàng ngang, khoanh tay trước ngực " chào bác ạ " rập đều như khẩu lệnh người lính. Có vẻ như chúng đã được tập duyệt từ trước.

Chúng tôi chào nhau, cả bắt tay nữa, thật gọn gàng như kịch bản đã soạn. Tôi và Li ngồi xuống bàn. Linh nhanh nhẹn đi dọn cơm. Cu Đình lập tức bám sau lưng chị. Nó không có vẻ gì vui, cũng chẳng ra buồn. Cơm canh đã dọn ra đầy đủ, nhưng Linh không ngồi cạnh tôi mà ngồi qua sát mẹ Li. Mâm cơm quá lệch, một phía ba mẹ con, một phía chỉ có một mình tôi. Chúng tôi lại mời nhau cầm đũa. Li gắp cho tôi một miếng thịt. Tôi lại gắp vào bát của con một miếng trứng. Linh không từ chối nhưng cũng chẳng cảm ơn. Có vẻ như nó chẳng mấy quan tâm đến sự có mặt của tôi. Có vẻ như vai diễn lần này của tôi đã rất đạt. Tôi đã nhầm thêm một lần nữa. Thì ra con tôi nó đã biết. Nó biết ngay từ lúc trưa, khi mẹ nó báo tin chiều nay mình có khách, bác Khảm ngày xưa chiến đấu cùng mẹ và bác Lương đấy con nhớ không ? Nó hơi sững ra một tẹo, nhưng ngay sau đó là gật gật đầu. Nó không nói gì cho đến tận lúc tôi xuất hiện. Sự việc đó, phải đợi mấy năm nữa, nó mới nói cho mẹ Li biết, và phải thêm mấy tháng sau, trước cái ngày tôi hy sinh, Li mới kể cho tôi hay ...

Còn lúc này, tôi đang diễn kịch, Li cũng đang diễn, cứ tưởng con mình là khán giả, hoá ra nó cũng đang diễn cùng với chúng tôi. Có lẽ chỉ duy nhất cu Đình là vô tư.

Chúng tôi cố ăn một cách tự nhiên. Tôi hỏi chuyện, Li trả lời, Li hỏi lại, tôi trả lời. Cứ tình hình trong đó, tình hình ngoài này, đồng chí ấy nay ở đâu, còn nhớ cái o mặt rỗ mà lại thích múa không ? Nhớ chứ, ừ buồn cười quá, ừ vui nhỉ, cái ngày ấy vui ơi là vui ...

Bữa cơm đã tàn quá nhanh. Ôi, sao lại nhanh đến mức ấy ? Thực ra chúng tôi đã cầm đũa gần một tiếng đồng hồ. Linh nhanh nhẹn dọn cả đống bát đũa ra phía sau bếp. Nó ngồi đó, kỳ cọ chén bát. Nó dọn rửa gì mà lâu đến thế ? Li chắt nước ra chén mời tôi. Lại vớt vát thêm dăm ba câu hỏi vô bổ. Cuối cùng tôi chủ động lái câu chuyện qua một chủ đề khác.

- Chị Li này, kỳ này tôi ra, muốn đề nghị anh Đọt trở lại chiến trường .. . Có một phút im lặng, giọng Li bắt ngờ nhỏ lại :

- Bao giờ đi ?

- Nếu không có gì trở ngại thì tối thứ bảy này sẽ vượt sông ...

Li khẽ thở ra một tiếng rồi gật đầu :

- Nếu được thế chắc anh ấy vui lắm.

- Nhưng ... tôi mong chị ... động viên anh ấy một câu, có được không ?

- Tôi ư ? Li ngước lên nhìn tôi, một lúc, bất ngờ khẽ nhếch mép cười :

- Có gì mà không được. Là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân mà ...

Ngoài trời đã xâm xẩm tối, Linh vẫn không chịu rời đống chén bát. Tôi cay cực không biết làm sao. Có lẽ Li nhận ra điều ấy. Cô gọi to :

- Các con ơi ! ...

- Dạ ...

- Lên chào bác Khảm để bác ấy đi con !

Linh rời nhà bếp, miệng cười dè xẻn, vừa đi lên vừa hỏi :

- Bác đi luôn ạ ?

Cu Đình nhai lại như một cái máy :

- Bác đi luôn à ?

Tôi ngớ cả người, lúng búng :

- Ừ ... vì ... tại vì bác phải ...

- Cháu biết rồi. Các bác là nhừng người hùng ngoài chiến trận. Cháu kính chúc bác, chúc các chú lập công hiển hách.

Li cũng cười tươi :

- Gớm, mi cũng sắp thành nhà tuyên huấn rồi đó.

- Bác cũng chúc cháu , ờ, chúc cả hai cháu thật ngoan, có hiếu với bố mẹ, học giỏi, thật giỏi để xứng đáng với bố mẹ, với các bác, các chú...

Linh nhìn tôi chớp chớp mắt. Có vẻ nó muốn nói thêm một câu gì đó. Nhưng Li đã nhanh hơn, chìa tay ra.

- Cảm ơn đồng chí Khảm đã đến thăm. Chúc đồng chí lên đường chân cứng đã mềm ! Hãy tin ở hậu phương chúng tôi.

Thế là hết. Khi mà đã " chào đồng chí " có nghĩa là màn kịch đã chấm dứt. Cánh màn khép lại. Có phải đây là cơ hội cuối cùng ?





l





Tôi giao hẹn với Đọt khoảng bốn giờ chiều ngày thứ bảy tập trung tại làng Dục Đức gần bến đò Hói Cụ để đêm đó qua sông. Cả tuần qua tôi lùng sục hồ sơ ở Ban tổ chức khu uỷ, tìm thêm được hồ sơ một lão thành cách mạng quê Cam Lộ, hiện đã nghỉ hưu nhưng có con trai vừa mới nhập ngũ. Tôi đã liên hệ với đơn vị công an vũ trang và họ đã đồng ý cho đi. Bản thân Quyết, tên cậu chiến sĩ ấy thì mừng như trẻ được quà. Chưa đến hai giờ chiều, Quyết đã có mặt. Chừng mười phút sau, Đọt xuất hiện.

Tôi ôm lấy anh :

- Sao đi sớm thế, hẹn bốn giờ kia mà...

Đọt cười khẩy :

- Thì về dây chơi với anh không sướng hơn ở với đàn bò à ...

Chúng tôi khoác tay nhau lặng lẽ đi ra phía bến đò. Ban ngày, không có bóng dáng ai trên sông. Phía bên kia là một chính quyền khác, một khoảng trống khác. Cho dù con sông Bến Hải chỗ này chỉ bơi vài sải tay, cho dù bên kia, trên những quãng đồi cây rừng rậm rạp, Mỹ nguỵ không dám ló mặt lên đến đây, nhưng dù sao vẫn là bờ nam, vẫn là chiến địa. Súng có thể nổ bất cứ lúc nào.

Chúng tôi chui xuống một gốc tre hóp rậm rạp, lặng lẽ ngồi xuống nhìn con nước chảy. Đêm nay chúng tôi sẽ vượt qua nó. Ngày mai, cuộc sống của chúng tôi sẽ hoàn toàn khác, cuộc sống của những người lính chiến trường.

- Này... Li có lên gặp anh không ?

- Có ...

- Khi nào ?

- Đêm qua .

Tôi khẽ thở ra nhẹ nhõm. Dầu sao Li vẫn còn tình người.

- Có nói được gì không ?

Đọt chợt cười " hực " một tiếng :

- Chẳng nói gì. Cô ấy làm cho mình bữa cơm. Mua cho mình xị rượu. Hai đứa cùng ăn...

Tôi vội ngắt lời :

- Có con Linh không ?

- Không . Chỉ có hai đứa mình thôi. Bọn mình ăn rất chậm, mình uống rượu, còn cô ấy thì không. Thỉnh thoảng có nhìn nhau. Có lúc mình phì cười. Cô ấy cũng nhếch mép cười. Đến khoảng mười giờ thì đi ngủ...

- Đi ngủ ...Là cả Li nữa à ?

Đọt hơi đỏ mặt.

- Cả Li nữa. Cô ấy cho mình. Thế là tổng cộng từ trước tới nay được ba lần ... Rồi mình ngủ luôn. Chẳng biết cô ấy có ngủ không ?

Đọt cúi đầu xuống, cổ, gáy đều đỏ. Nhưng chỉ sau một lúc, anh ngẩng dậy. Trông anh lúc này thật sự buồn.

- Sáng nay Li dậy rất sớm. Cô ấy thu dọn đồ đạc vào gùi cho mình. Khi mình mở choàng mắt ra thì mọi sự đã tươm tất. Mình định nói một câu gì đó. Nhưng Li đã chìa tay ra:

- Tôi phải về họp sớm. Chúc đồng chí lên đường chân cứng đá mềm!

Tôi ngớ cả người, hỏi vội Đọt:

- Thế là hết à ?

- Hết ... à, mà chưa hết. Khi mình dắt xe đạp tiễn Li ra ngõ, cô ấy cầm ghi đông xe, có vẻ đắn đo một chút rôì nói :

- Nhờ đồng chí nói lại lời này với đồng chí Khảm. Đồng chí Khảm cứ yên tâm công tác, sớm muộn gì tôi cũng sẽ nói cho con Linh biết. Dầu sao tôi cũng không thể để cho một đồng chí mình ở mặt trận mà phải đau khổ, phân tâm. Tôi hứa danh dự đó !...

Tôi không nhớ được cảm xúc lúc đó của mình. Cảm động, nôn nao, có gì như là sự tủi thân nữa ...Bây giờ, đã sau gần ba mươi năm, tôi không thể nhớ được. Mà ngay cả lúc ấy tôi cũng đã không nhận ra một cách rạch ròi trạng thái của mình. Tôi chỉ nhớ duy nhất hai tiếng đồng chí ! Đồng chí Khảm, đồng chí Đọt, đồng chí Li ...

Bạn đã bao giờ phải gọi hai tiếng ấy trong những trường hợp, những cảnh ngộ như vậy chưa ?

Đăng ngày 10/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan