Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 9


Tác giả: Xuân Đức

Chương 9

Phiên toà sơ thẩm đã kết thúc với một bản án tử hình dành cho Cao Rệ, sáu bị cáo bị phạt tù chung thân, mười một tên phải chịu mức án từ 10 đến 20 năm tù giam, bảy đứa bị phạt 5 năm tù. Phạm Đọt bị phạt một năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo có mười lăm ngày kháng án.
Tất cả các bị cáo đều được lực lượng công an áp giải về khu vực tạm giam. Riêng Đọt, cũng được một sĩ quan công an áp sát bên cạnh đưa ra khỏi vòng vây của rừng người. Họ lên một chiếc xe u -oát chờ sẵn ở ngoài đường. Chiếc xe nổ máy, rú ga rồi chồm lên như thể trốn chạy khỏi đám trẻ con đang xô ra để nhìn cho kỹ chiếc áo sọc đen lạ lẫm. Họ không về khu tạm giam mà lên thẳng Cam Lộ. Họ về nhà.

Cả hai đều ngồi ghế sau. Cả hai đều im lặng, nhìn thẳng. Ra khỏi địa phận thị xã, ngược lên phía tây theo con đường Chín, được chừng mười cây số thì rẽ xuống đường đất sỏi. Chiếc xe bắt đầu rung, lắc lư, có đoạn còn nhảy chồm lên. Nhưng cả hai vẫn cố ngồi thật thẳng, cố gồng hết cơ bắp để không chạm vào nhau. Một rẻo làng xác xơ hiện ra trước mặt. Người lái đạp phanh, chiếc xe đứng khựng lại. Đọt hiểu ngay ý thằng con, nó không muốn người làng nhìn thấy cảnh nó dùng xe con đưa bố về nhà. Đọt tự mở cửa xe. Đình rút bộ áo quần trong túi xách đưa qua cho bố :

- Bố thay quần áo đi đã ...

- Không.

- Hừ, thích áo tù lắm à ?

- Không thích, nhưng quen rồi. Thôi, mi quay về đi ...

Đình cũng mở cửa phía bên này bước xuống :

- Bố nói nghe gọn nhỉ. Muốn để công an xã gô cổ trở lại à ?

Đọt vằn mắt lên :

- Là nghĩa làm sao ?

-Thôi, vô nhà đã. Con phải gặp chính quyền xã bàn giao đàng hoàng, chứ bố đâu phải là ...

- À ... ừ nhỉ ! Đọt chợt cười gằn. Tao quên mất, vẫn còn là thằng tù mà.

Họ đi qua rìa xóm, dọc theo một lối mòn rồi rẽ lên một triền đồi. Nhà Đọt ở đó, cách xóm chừng tám trăm mét. Dạo trước, khi chiến tranh mới kết thúc, Đọt từ ngoài đoàn an dưỡng về được vào làm trong nông trường, ông lại được phân công chăn đàn bò gần ba chục con. Dạo đó, Đọt cũng đã làm một túp lều phía bên kia sông Hiếu, trên một sườn đồi cao. Túp lều ở cạnh chuồng bò ... Nhưng rồi Đình đã tìm về, bố con nhận mặt nhau, và Đình cương quyết không cho bố chăn bò nữa. Anh đã chạy thủ tục giúp Đọt có một khoản tiền trợ cấp hưu trí hàng tháng. Rồi chính anh đã làm căn nhà mới này cho bố. Nhưng Đọt không chịu ở vào giữa xóm. Ông bắt Đình phải làm nhà cách xa ra, cũng ở chân một ngọn đồi . Rồi Đọt mua một con bò, một con chó, một cặp gà. Đọt nói, dù sao có chúng nó vẫn vui hơn ở một mình ...

Gần một năm nay, nhà vắng chủ. Bò đã bán. Chó gà thì chạy tan tác vào xóm kiếm ăn. Thực ra, thỉnh thoảng Đình có ghé về, cũng có quét dọn sơ sài, nhưng căn nhà vẫn ngập tràn hơi ẩm mốc. Khi hai bố con mở cửa bước vào thì từ trong nhà có cái mùi gì như chuột chết xông ra đến mức muốn lộn mửa . Đình đã phải nhanh chóng dọn dẹp, quét tước. Còn Đọt thì ngồi bệt xuống chiếc ghế phủ đầy bụi đất. Ông cứ ngồi câm lặng như vậy nhìn ra sườn đồi, mặc kệ cho con muốn làm gì thì làm. Ông đâu có sá gì đất bụi và hôi hám. Lòng ông cũng đã lấp đầy bao lớp bụi trần rồi.

Có lẽ phải mất gần một giờ, mọi sự trong căn nhà mới được tạm coi là ngăn nắp. Mồ hôi lấm tấm khắp khuôn mặt Đình. Anh nhìn bố, khẽ thở dài :

- Thôi, con phải lên trên xã ... rồi về luôn ...

- Ừ.

- Bố có muốn ... con nhắn tin cho mẹ ra không ?

Đọt chồm người lên :

- Không . Tao cấm đấy ...

Đình khẽ lắc đầu, không nói gì, anh bước ra cửa, ngập ngừng một tý rồi quay lại :

- Nếu quả thật bố thấy mình oan ức thì nên kháng án ...

- Thôi, dẹp.

- Bố gàn hết chỗ nói ... Thôi, con mặc kệ ...

Nói rồi Đình bước nhanh ra ngõ. Đọt không hề nhìn theo. Chừng mười phút sau, ông nghe tiếng xe rú ga phía đầu xóm. Cho đến tận lúc đó, lúc tiếng xe rú lên rồi xa dần, Đọt mới cảm thấy thật sự trống vắng, thật sự cô độc. Ông muốn hét to lên một tiếng nhưng không sao cất cổ lên được. Đọt gục xuống góc bàn. Đôi bờ vai gầy guộc rung lên. Ông khóc một mình, khóc thật lâu, thỉnh thoảng lại bật lên tiếng " Hu hu " như con trẻ bị đánh ...

Chiều xuống thật nhanh. Đã xâm xẩm tối. Nhưng Đọt vẫn không nhấc mình lên khỏi chiếc ghế đầy bụi bậm. Có tiếng chó sủa xa xa. Rồi trong ráng chiều lờ mờ, một bóng người chầm chậm tiến về phía đồi vắng. Lúc đầu Đọt không buồn bận tâm. Nhưng bóng người rõ dần, rõ dần. Một tà áo bà ba màu xanh lục . Đọt luống cuống đứng dậy. Lương đã vào giữa sân.

- Đã có ai dọn dẹp gì chưa ?

- Thằng Đình ...

Lương đã vào hẳn trong nhà :

- Sao không thắp đèn lên ?

- Không có dầu ...

- Có nến đây ...

Lương thò tay vào túi xách rút ra cặp nến to. Chị bật lửa, châm nến.

- Sao biết tui được về mà đến ?

- Hừ ... Tui dự từ đầu đến cuối chứ bộ ...

Họ nói với nhau rất nhỏ, nhỏ như thời còn hoạt động bí mật.

- Con mẹ Li không ra à ?

- Tui không cho nhắn ...

- Thiệt là ...

Họ cùng ngồi xuống hai chiếc ghế đối diện nhau. Trên bàn ngọn nến bừng bừng cháy. Cả hai đều nhìn ra sân. Ngoài kia trời đã nhá nhem, cả khu đồi loáng quáng bóng cây, lờ mờ sương khói. Họ ngồi vậy rất lâu, thỉnh thoảng lại để tuột ra một tiếng thở dài. Không ai biết nên bắt đầu câu chuyện thế nào. Ngay cả việc nhớ lại ngày tháng phải làm chồng, làm vợ hờ với nhau, lúc này cũng tự nhiên thấy trơ trẽn, không muốn nhớ. Nhưng không nhớ thì cũng vẫn phải nhớ. Cái quá khứ ấy dù cay đắng đến đâu, dù ngỗ ngược đến đâu, dù đã chôn xuống chín tầng đất sâu thì nó vẫn trồi lên, nó không bao giờ buông tha cho họ.





l



Năm 1966, mở đầu tưng bừng náo nhiệt bao nhiêu thì kết thúc lại bi thảm, xót xa bấy nhiêu.

Khoảng tháng ba, tiểu đoàn 47, quân địa phương của Vĩnh Linh vào khe Ló. Cả khu căn cứ của ban địch vận náo nhiệt hẳn lên. Có sự phối hợp của bộ đội, huyện uỷ bắt đầu tổ chức những trận đánh lớn hơn. Cả một vùng bắc, tây Cam Lộ kẻ địch dúm dó cả lại . Các thôn, ấp từ Quách Xá, Ba Thung về đến Phước Tuyền, ban địch vận cứ vào ra như đi chợ . Miền tây Gio Linh liền kề đó cũng bừng bừng khí thế giải phóng. Đọt còn dẫn bộ đội thọc về đánh úp cầu Đập Huyện tận Cồn Mả đỏ ngay trên Quốc lộ I, sát nách Đông Hà. Lại hành quân lên Cùa, khuấy động cả vùng Cam Chính, Cam Nghĩa, diệt mấy tên ác ôn khét tiếng, phát động dân khởi nghĩa lập chính quyền ...

Đầu tháng năm, hàng loạt đơn vị chủ lực ầm ầm tiến vào mặt trận Bắc Quảng Trị. Quân uỷ Trung ương đã thành lập Bộ tư lệnh Bắc Quảng Trị, gọi bằng B 5 để trực tiếp chỉ huy. Bắt đầu một thời kỳ náo nhiệt và tàn khốc.

Cùng lúc đó, Khảm được tỉnh uỷ chỉ định lên làm phó bí thư huyện uỷ. Nhiệm vụ Trưởng ban địch vận giao lại cho Đọt. Ngày 19 tháng 5, kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, theo kế hoạch của Bộ tư lệnh mặt trận, ta tổ chức một trận đánh lịch sử, đập nát cứ điểm Dốc Miếu ở Bắc Gio Linh. Lực lượng chủ công là tiểu đoàn đặc công 33 của Bộ, tiểu đoàn bộ binh 47 và tất cả các tay súng của huyện do Đọt chỉ huy. Trận đánh đã diễn ra chớp nhoáng và đại thắng lợi. Cả một căn cứ lớn ở mũi nhọn phía bắc vùng chiến thuật I bị đập nát hoàn toàn, chỉ bỏ sót đúng bốn thằng lính, thần hồn nát thần tín, chạy bộ từ Dốc Miếu vào tận Đông Hà mới ngã đùng ra chết giấc .

Đòn điểm huyệt Dốc Miếu là một cú sốc lịch sử đối với Mỹ. Chỉ sau hai ngày Sư đoàn ba Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ bắt đầu hành quân. Người Mỹ đã phải nhảy lên tuyến trước. Hàng trăm trực thăng cẩu theo xe tăng lủng lẳng dưới bụng ùn ùn tràn ra đông đường 76. Rồi lính Mỹ đổ lên Cù Đinh- Ba De, đổ lên Đèo Cùa, đổ lên Đầu Mầu, đổ lên Động Tri, đổ lên tất cả mọi đỉnh cao, mọi khu đồi của vùng rừng núi bắc Quảng Trị. Chiến dịch " kéo quân Mỹ ra đường Chín" để giáp mặt với chủ lực miền Bắc đã đạt yêu cầu. Bắt đầu một thời kỳ đọ lửa, đọ thép một cách tổng lực của cả hai bên.

Những trận mưa bom trùng điệp cũng bắt đầu phủ trùm xuống mọi vùng rừng Cam Lộ. Bom tấn, bom tạ, bom rải thảm B52, bom cắt theo toạ độ, bom cháy na pan và khói độc màu da cam ... Cây rừng bốc cháy, đổ rạp từng vạt lớn. Các khu căn cứ của ta bị dồn nén, chia cắt. Cơ quan huyện uỷ lui sâu hơn ba cây số, cách xa ban địch vận. Tiểu đoàn 47 có lúc đã bị địch đánh bật ra khỏi cứ, phải đạp bến đò Hói Cụ mà chạy dạt ra vùng đồi Phước Sơn, sau hai ngày mới thu quân quay trở lại.

Sự xáo động như bão táp của chiến trường kéo theo hàng loạt sự thay đổi đến chóng mặt của các lực lượng trên địa bàn. Ngay trong nội bộ huyện uỷ cũng xáo trộn không sao lường trước được. Bí thư Quảng được đưa ra miền bắc chữa bệnh. Khảm được chỉ định làm quyền bí thư . Trước đó một tháng, Đọt làm Trưởng ban địch vận. Nhưng xem ra, giữa anh và Thuẫn khó chấp nhận nhau. Khảm là người sớm nhận ra điều đó. Khi được đề bạt quyền bí thư, Khảm quyết định điều Thuẫn lên huyện uỷ, bổ sung phụ trách tác chiến cho huyện đội. Với vị trí mới này, Thuẫn tỏ ra rất sắc sảo. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, anh ta được chỉ định bổ sung vào ban chấp hành. Đó là huyện uỷ viên trẻ nhất từ trước tới nay.

Chỉ có Sâm là hơi lằng nhằng, phức tạp một chút. Lúc đầu, Thuẫn có ý đề xuất đưa Sâm cùng lên ban tác chiến. Nhưng cô ta không chịu. Sâm la to lên giữa cuộc họp ban rằng, sống chết chi cũng bám trụ tại địa bàn. Thì ai chẳng bám địa bàn, đồng chí nói vậy tức là ám chỉ huyện uỷ, ám chỉ huyện đội cầu an hay sao. Thuẫn quắc mắt nói cứng như vậy. Nhưng Sâm vẫn lắc đầu quầy quậy. Đọt không nói gì. Thế rồi, Thuẫn ra đi, Sâm ở lại. Cô bộc lộ sự vui sướng ra mặt. Nhưng chỉ mười lăm ngày sau, không hiểu từ đâu rộ lên luồng dư luận, giữa cô y tá với ông già trưởng ban địch vận có vấn đề. Không có lửa làm sao có khói. Dư luận đặt vấn đề như vậy. Thế nên lại phải họp. Trong lúc mặt trận đang dầu sôi lửa bỏng, nhưng họp thì không thể bỏ được. Mà không phải chỉ họp một lần. Rảnh ra chút nào là phải tranh thủ họp ngay, không có nội dung gì mới, lúc nào cũng xoay quanh vấn đề quan hệ nam nữ. Lúc nào cũng bắt đầu bằng câu nói kinh điển thế này : có thì sửa chữa, không có thì rút kinh nghiệm đề phòng ! ...Kết quả của các cuộc họp ấy là Sâm đã không còn chịu đựng được nữa. Không phải vì bom đạn mà vì họp. Cô lên gặp quyền bí thư Khảm xin lên cơ quan huyện uỷ. Khảm gật đầu. Nhưng Sâm lại đề đạt rằng em lên huyện nhưng không về tác chiến. Cho em phục vụ cơ quan huyện uỷ. Khảm lại gật đầu. Anh chỉ nghĩ đơn giản thế này, chuyện ấy thật quá nhỏ nhặt, vớ vẩn, muốn sao cũng được, cốt cho nó yên ... Đó lại là một sai lầm nữa của Khảm.

Khi hàng trăm, hàng ngàn tấn bom từ trên trời dội xuống, cảm giác của bạn thế nào ? Không thể nói là không sợ . Cho dù anh là người hùng, là gấu xám, cọp vằn thì vẫn phải sợ. Tuy nhiên, cái sợ ấy không đến mức lạnh gáy, thấp thỏm. Bởi người ta vẫn có thể nhìn lên trời, quan sát hướng bổ nhào của máy bay phản lực, chú ý cái nghiêng cánh của máy bay B 52, con người có thể đoán được hướng bom rơi. Ơ chiến trường lúc ấy có câu nói tếu thế này : Có máy bay không chắc đã có bom, bom ném không chắc đã trúng, ném trúng không chắc đã chết ... mà chết rồi không chắc đã chết thật ! ... Loại bom khiến người ta sợ nhất, lo lắng, bất an nhất là bom chưa nổ, nó lạc vào đâu đó, ẩn nấp chỗ nào đó, có thể quanh ta, có thể ngay dưới võng ta nằm. Cũng tương tự như vậy, đạn bắn từ lỗ châu mai, từ ổ kháng cự phía trước, cho dù xối xả đến mấy cũng không thật đáng ngại. ớn lạnh nhất là thứ đạn lạc, thứ súng cối " đấm lưng " hay những ổ phục kích bất thần nào đó trên quãng đường cứ ngỡ an toàn ...

Con người ta sống ở đời cũng vậy. Đáng sợ nhất không phải là kẻ thù trước mặt, mà là những mối hoạ tiềm ẩn đâu đó quanh ta, đôi khi ngay ở trong ta, rất khó nhìn thấy. Có khi đã linh cảm thấy nhưng vẫn không sao lẩn tránh được.

Giờ thì hãy quay trở lại với những gì đang xẩy ra ở mặt trận Bắc Quảng Trị những ngày Mỹ áo ạt đổ quân ra. Ba sư đoàn chủ lực của ta đều đã đánh dằn mặt chúng. Tổn thất của Mỹ không thể nói là nhỏ. Tuy nhiên, với thế trận hiện taị , về cơ bản quân Mỹ đều đã thiết lập được các điểm chốt quan trọng ở những mõm đồi trọng yếu dọc theo tuyến đường Chín. Một trong các cứ điểm đó là trận địa pháo hạng nặng ở đồi Mù U. Ở đây chúng tập trung hoả lực của một trung đoàn pháo mặt đất, cộng thêm một tiểu đoàn bộ binh hoả lực mạnh để bảo vệ. Từ đồi Mù U, mà thực chất là cả một vùng ba ngọn đồi kế tiếp nhau, ôm lấy nhau, mà ngọn Mù u nằm gần chính giữa, những nòng pháo hạng nặng chĩa thẳng lên các vùng căn cứ của ta sẵn sàng tàn sát bất cứ lúc nào. Cũng với cao điểm 241 và Đầu Mầu, trận địa Mù U tạo nên một chân kiềng cực kỳ nguy hiểm. Trước tình thế ấy, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 quyết định đánh một đòn điểm huyệt, tiêu diệt trận địa pháo Mù U.

Đây là một trận đánh quan trọng đầu tiên kể từ khi Mỹ nhảy ra đường Chín. Trận đánh được chuẩn bị cực kỳ chu đáo, chi tiết cả về huy động lực lượng, trinh sát địa bàn, cả về phương án phối hợp. Tuy rằng sau này trên mặt trận đường Chín còn có nhiều trận đánh quy mô lớn hơn, thắng lợi huy hoàng hơn, nhưng trận Mù U vẫn được coi như là một cuộc đấu thư hùng vang dội và bi tráng của mảnh đất Cam Lộ này.

Ta huy động một tiểu đoàn đặc công tiền nhập vào trước. Một trung doàn bộ binh chia làm ba hướng tấn công. Hai đại đội đánh yểm trợ. Riêng lực lượng địa phương Cam Lộ bao gồm cả cán bộ chính trị lẫn du kích cũng được huy động thành ba mũi vừa để dẫn đường vừa hợp lực tác chiến. Đích thân quyền bí thư Khảm chỉ huy mũi phía đông, Đọt dẫn đường cho cánh quân phía tây, còn huyện đội trưởng Trình chỉ huy nhóm du kích từ Cùa cùng quân chủ lực tràn về. Huyện uỷ triển khai lực lượng trước một ngày để hợp điểm với các cánh quân chủ lực. Sáu giờ chiều, các mũi xuất phát. Gần nửa đêm, các gọng kìm hầu như đã ém xong lực lượng. Giờ G là 3 giờ 10 phút sáng. Bộc phá lệnh của đặc công nổ. Những bóng đen nhào lộn giữa các trận địa pháo. Thủ pháo chớp lửa xanh lè. Tiếng nổ giật xé mặt đất. Tiếng la hét hoảng loạn của lính Mỹ. Những cột lửa lớn từ các lều bạt đã bốc cao, pháo sáng cuống cuồng phụt lên trời, cả ba ngọn đồi chập chờn hiện ra trong những quầng sáng hỗn tạp. Đó là thời điểm bộ binh tấn công. Từ ba hướng, bộ đội chủ lực tràn vào. Cả một trung đoàn pháo Mỹ câm đặc và tan tác. Tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ bị xé nhỏ, chạy thục mạng. Trận đánh lớn diễn ra như một cuộc diễn tập. Khi trời sáng, người ta nhìn rõ các khẩu pháo đổ kềnh, ngả nghiêng. Lều bạt cháy nham nhở. Có lẽ phải đến trên dưới một trăm xác Mỹ nằm chết vắt vẻo đủ mọi tư thế. Rất nhiều vũng máu lớn. Máu hằn từng vệt trên thân pháo. Máu bầm dập từng vạt cỏ. Máu nhuộm tràn trề từng thân người. Có lẽ cái hình ảnh khủng khiếp ấy đã khiến bọn chỉ huy Mỹ sau này phát điên lên. Cuộc trả thù rùng rợn của chúng trút vào các bình xăng, trút vào ngọn lửa thiêu cháy gần một trăm thi thể quân ta, rồi toàn bộ sự căm hận ấy được dồn hết vào đầu một con người rủi ro duy nhất đã lọt vào tay chúng. Đó là Đọt, con " gấu xám " đường Chín.

Anh không thể ngờ, toàn bộ sự nghiệp oai hùng nhất của mình, tất cả những ngày tháng phấn chấn hứng khởi nhất trong đời mình lại ngắn ngủi đến vậy. Lúc trận đánh kết thúc, anh cũng như bao anh lính khác đều ngất ngưởng vì chiến thắng. Một chiến thắng giòn tan, lại có vẻ dễ dàng, suôn sẻ quá. Trên vai mỗi người cồng kềnh dăm ba khẩu súng. Họ đi cả đoàn, ngạo nghễ, đắc chí. Họ đạp qua xác Mỹ mà đi, ra khỏi khu trung tâm, đạp băng qua một quả đồi thấp hơn để tiến về căn cứ. Họ cũng không cần để ý những cánh quân khác đã đi đường nào, đã rút được bao xa. Trời mới hửng sáng, mặt trời chưa kịp nhú lên. Sương còn đẫm ướt trên từng mặt lá. Gió mơn man thổi. Tất cả không gian là một bài ca khải hoàn đầy lãng mạn. Thì bất ngờ từ hai phía của cái eo đồi, lính Mỹ xuất hiện. Chúng đến từ hướng nào, không ai biết. Đọt chỉ kịp nghe một loạt tiếng nổ. Chưa phải là tiếng đạn xối vào đội hình của anh. Tiếng nổ chát chúa ở phía bên kia sườn đồi. Hình như ở đó cũng có một cuộc chạm trán. Đọt không kịp nhận định tình hình. Chỉ kịp hét to " nằm xuống ! tản ra ! ", thì đạn đã trùm lên đầu cả tốp của anh. Hình như đạn xuyên đúng vào đầu gối. Đọt khuỵu xuống bên một bụi sim. Anh gắng trườn lên, gắng chui đầu vào bụi, rồi phút chốc đất trời tối sầm lại. Đọt không biết gì hết ...

Anh không thể biết được rằng, toàn bộ gần một trăm chiến sĩ đi với anh sau đó đều hy sinh. Họ chết trong ngơ ngác, bàng hoàng, chết mà tay vẫn ôm khư khư những khẩu súng chiến lợi phẩm. Đọt lại càng không biết, loạt súng nổ đầu tiên ở bên kia sườn đồi chính là cuộc đọ súng của bộ phận huyện uỷ do Khảm chỉ huy. Đọt không thể ngờ, người bí thư mà anh vô cùng yêu quý cũng bị thương ngay từ loạt đạn đầu, bị thương nặng, nhưng Khảm vẫn kịp lệnh cho trợ lý tác chiến dẫn quân đánh áp vào để chi viện cho quân ta phía trong. Thuẫn đáp " rõ " rất to và chỉ thị cho Sâm cấp tốc dìu bí thư thoát ra ngoài. Khảm hết sức yên tâm với lời đáp " rõ " dõng dạc đó. Khảm cũng không biết được sau đó vài phút, Thuẫn đã dẫn toàn bộ anh em trong cánh quân ấy rút lui an toàn.

l

Tôi không thể biết được mọi sự diễn ra đối với đồng chí Đọt lại bi đát đến dường ấy. Khi tôi về đến trạm phẫu thuật tiền phương thì nhận ra Sâm đang khóc. Hình như cô khóc suốt cả đoạn đường cáng tôi đi. Lúc đầu, tôi còn ngộ nhận rằng, cô y tá tính tình xởi lởi này lại đa cảm với người bí thư đến như vậy. Nhưng sau một ngày thì tin tức đã đến được với tôi. Gần một trăm chiến sĩ chủ lực và du kích phối thuộc đã bị giết hại. Con số cũng không thật chính xác lắm. Nhưng biết chắc một điều, trong số đó có Đọt. Đau đớn hơn là tất cả thi thể anh em mình đều bị bọn Mỹ chất đống lại, tẩm xăng và đốt. Chúng đốt đi đốt lại đến mức không còn một dấu tích gì của từng thi thể, tất cả là một đống than bụi đen sịt. Rồi chúng lấp đất lên. Tôi tê dại cả chân tay. Rồi tôi khóc tấm tức, khóc ri rỉ. Còn Sâm thì khóc gào lên, khóc đúng nghĩa của kẻ bất hạnh đang chịu tang ...

Thế là từ hôm đó, tôi mất Đọt, mất người đồng đội đáng quý trọng nhất, mất người bạn tâm phúc, tin cậy nhất trên đời. Tôi thầm kêu lên trong đầu như tất cả những thằng lính khác vẫn thầm kêu như thế trước sự hy sinh của đồng đội : " Thôi, mày cứ yên lòng nơi chín suối. Tao sẽ trả thù cho mày ! "

Tôi đâu có biết rằng, Đọt chưa được về nơi chín suối. Càng không hề biết được, từ giờ phút đó cho đến hết đời, đồng chí Đọt của tôi tuyệt nhiên không có một giây phút yên lòng. Anh bắt đầu một kiếp sống lay lắt, một cọng cỏ bơ phờ trước muôn vàn bão táp, mưa sa. Con " gấu xám " đã sa cơ !

Nỗi đau dù tê tái đến đâu, thì những thằng lính như chúng tôi cũng phải tự mình ghìm nén lại. Trước mắt vẫn còn tiếp tục những cuộc đối mặt, những trận đọ súng, mỗi ngày một khốc liệt hơn. Chiến trường Bắc Quảng Trị những ngày này thật sự là một vùng lửa, vùng máu. Quân Mỹ bị căng ra từCửa Việt lên đến Khe Sanh. Đặc công Hải Quân đã xuất hiện ở phía cửa biển. Tàu chiến Mỹ bị đánh chìm ngay ở nơi cuống họng của tuyến tiếp viện bằng đường thuỷ. Máy bay trực thăng bị phục kích ở chân đèo Cùa, có trận rơi một lúc tám chiếc. Các cứ điểm pháo liên tục bị đập nát. Chính sự lao đao, tan tác và nhục nhã ở mặt trận khiến sự điên loạn của chúng càng tăng lên ở các sở chỉ huy. Và người hứng chịu những cơn thịnh nộ cuồng dại đó, lại chính là Đọt. Những chuyện đó, mãi hơn bốn tháng sau, tôi mới được nghe kể lại. Không phải nghe trực tiếp Đọt, mà là Lương,. Nhưng cũng không phải Lương kể trực tiếp cho tôi. Tôi không được gặp Lương, không được gặp Đọt cho tận đến ngày tôi ngã xuống. Mọi chuyện đều do Sâm truyền đạt lại. Vì vậy hầu như không có ai tin vào những chuyện đó. Với hầu hết mọi người trong cơ quan huyện uỷ thì Đọt đã chết được ba tháng. Sau đó, khi biết chắc là chưa chết, anh lại trở thành kẻ chiêu hồi.

Người ta không tin Đọt, đã đành. Không tin Lương, cũng có lý do của nó. Nhưng ngay cả với Sâm, người con gái vô tư, sởi lởi như vậy, họ cũng chẳng tin. Rồi cả với tôi nữa, niềm tin của mọi người đã chao đảo. Lẽ nào tất cả sự thay đổi khủng khiếp ấy lại được bắt đầu bằng cái chết của Đọt ?

Một tuần sau khi biết chắc Đọt đã hy sinh, đã bị đốt xác, chính tôi từ trạm phẫu thuật đã nhắn về với Thường vụ nên điều động bổ nhiệm Thuẫn trở lại giữ chức Trưởng ban địch vận. Lúc đó anh Sinh mới được chỉ định trực Thường vụ để xử lý các công việc. Thuẫn đề nghị với Sinh điều động Sâm cùng trở lại ban. Nhưng Sâm không chịu. Nghe nói đã có một cuộc to tiếng với nhau. Sau đó Sâm chạy lên khóc với tôi ở trên trạm. Đương nhiên Sâm không hề kể cho tôi nghe về cuộc cãi vã đó. Nếu biết được có chuyện căng thẳng đó thì tôi đã khuyên Sâm nên trở về . Tôi là con người lúc nào cũng muốn lấy đại cục làm trọng, ba cái chuyện riêng tư vớ vẩn thì gác lại một bên. Nhưng Sâm chỉ khóc lóc với tôi mà rằng, cô không muốn trở lại ban vì chưa thể quen nổi với sự mất mát quá lớn, chưa tin nổi rằng đã thật sự không còn Đọt. Hơn nữa, cô muốn được chăm sóc bí thư, rằng trong thời gian này cô trống vắng lắm, cô đơn và yếu đuối lắm, chỉ có thể lấy tôi làm chỗ dựa tinh thần may ra mới trụ vững. Thế là tôi thấy Sâm có lý. Lại cũng thấy mũi lòng. Lại có chút gì đó xúc động nữa. Nên tôi viết mấy chữ xiêu vẹo gửi về cho Sinh. Tất nhiên, các anh ở Thường vụ phải chấp nhận ý kiến tôi, nhưng có lẽ vì chuyện đó, họ đã bắt đầu nghĩ khác về tôi ... Sau đó ít lâu, tôi không hề biết rằng, trong cơ quan huyện uỷ đã lao xao một luồng dư luận. Bí thư Khảm với y tá " có vấn đề ". Tệ hại nhất là lời thầm thì đàm tiếu ấy, chẳng hiểu sao mấy tháng sau lại đến được tai Lương ... Khi tôi biết được, tôi chẳng oán giận ai, mà chỉ thấy buồn. Tôi tự trách mình rằng, giá như hồi trước mình cương quyết hơn, đừng nhận về cái cô y tá mắt lúc nào cũng ướt át ấy, thì làm sao lại có lời đồn thổi hôm nay ! ... Và phải đến tận giây phút ấy, tôi mới buộc lòng bắt Sâm trở lại địa bàn.

Tôi kể lại chuyện này không phải để oán trách đồng chí, đồng đội. Đời tôi cũng đã từng bị quy sai là Quốc dân đảng, bị tống giam sáu tháng tù, tôi có sá chi ba chuyện vặt vãnh này. Cái đau của tôi chính là, vì ba cái dư luận vớ vẩn đó mà tôi đã thất bại trong một việc đại sự. Tiếng nói của tôi đã không còn thuyết phục được các đồng chí trong Thường vụ huyện uỷ, cả với cấp trên nữa về số phận của Đọt. Tôi đã góp phần nhấn chìm cuộc đời anh ấy xuống đất đen. Tôi đau đến tận bây giờ !

Nhưng thôi, không nên nói chuyện quá nhỏ nhặt về cá nhân tôi nữa. Hãy quay trở lại với Đọt.

Đọt đã kể với Lương, Lương nói lại cùng Sâm, Sâm thổn thức với tôi. Ai tin thì tin, không tin đành chịu. Tóm tắt như thế này.

Đọt bị bọn Mỹ lôi xác lên trực thăng đưa về sở chỉ huy tại cảng quân sự Đông Hà. Khi anh vừa tỉnh dậy, đã được tên thông ngôn thay mặt quân viễn chinh Mỹ tống cấp tập bốn trái đấm chính diện vào mặt. Anh dòi gặp Sĩ quan Mỹ. Anh cố gồng lên, phều phào : " Tôi là tù binh chiến tranh, tại sao lại đối xử như vậy ? " . Tên Sĩ quan chẳng nói chẳng rằng túm lấy cổ áo anh lôi xoành xoạch ra sân. ở đó, có chiếc trực thăng đang nổ máy. Chúng lại kéo lê anh lên, trên máy bay có cả một tốp lính. Chiếc trực thăng lại cất cánh nhằm lên hướng Cam Lộ. Nó hạ thấp xuống trên vùng đồi Mù U. Khói đen từ dưới đất đang cuồn cuộn đùn lên, mùi hôi khét lẹt. Thằng Sĩ quan Mỹ dí đầu Đọt xuống. Tên thông ngôn dịch lời : " Nhìn đi, nhìn cho kỹ xác đồng đội mi, đã đời chưa ? Có muốn xuống tự thiêu với chúng nó không ? " Nỗi đau đớn trào nghẹn lên chẹn cứng cổ họng anh, xây xẩm cả đầu óc anh. Đọt lại ngất.

Khi anh tỉnh lại lần hai, thì đã thấy mình được nằm trong một phòng giam chật chội. Đầu gối đã được băng bó. Đọt ú ớ kêu. Một tên người Việt bước vào, theo sau là một sĩ quan Mỹ. Cả hai tên này đều mới, không phải những tên lúc trước.

Tên Mý khẽ gật đầu. Thằng thông ngôn bắt đầu hỏi :

- Mày tên chi ?

- Soạn

-Quê quán

- Vĩnh Linh

-Mày là loại Việt Cộng gì ?

- Tao là lính

-Tại sao ăn mặc như thế ?

Đọt cố xì ra một tiếng cười gằn :

- Tao là lính trinh sát ... phải nguỵ trang ...

Thằng Mỹ hỏi câu gì đó, tên phiên dịch nói lại :

- Lực lượng đánh vào trận địa pháo Mù U gồm mấy sư đoàn ? Sư đoàn nào ?

Đọt lại nhăn mặt cười:

- Này,dịch lại cho đúng nghe chưa. Nói rằng đừng có hỏi ngu như vậy ?

Tên phiên dịch cau mày :

- Tại sao ?

- Bảo nó phải hiểu biết một chút về quân Bắc Việt. Chẳng lẽ chỉ để tiêu diệt vài khẩu pháo ấy mà lại dùng đến mấy sư đoàn ?

Tên phiên dịch quay lại giải thích, tên Mỹ nhăn trán suy nghĩ ròi hỏi:

- Vậy, lực lượng bao nhiêu ?

- Tao là lính nên không biết thật rõ. Nhưng khoảng một tiểu đoàn. Tao đã dẫn đường cho một đại đội. Đại đội tao xui xẻo nên đã bị chúng mày phục kích.

- Nói láo ! Tên phiên dịch chồm người lên, dang tay định tát. Nhưng chính tên Mỹ ngăn lại. Được thể, Đọt dấn thêm :

- Này, tao bảo cho mà biết, tao là tù binh chiến tranh, lại là tù binh của Mỹ. Chỉ có sĩ quan Mỹ mới có quyền hỏi tao, nhưng không được phép đánh tao ...

Đó là cuộc hỏi cung đầu tiên. Khi cả hai tên đi ra ngoài, cửa đóng lại, Đọt mới thấy rõ sự đau đớn đến tê dại cả chân tay. Anh không thể nhận biết được chỗ này là chỗ nào, nhưng có lẽ không còn là đất Quảng Trị nữa. Qua cung cách hỏi cung, Đọt nhận thấy không còn sự hung hăng, căm giận sùng sục của chúng nó. Chắc chắn bọn này không phải là những đứa trực tiếp chứng kiến sự thất bại thê thảm của căn cứ Mù U.

Đọt nằm áp sát mặt xuống nền xi măng. Hơi mát từ sàn nhà giúp anh dịu bớt cơn nhức nhối. Và anh khẩn trương sắp đặt một số câu trả lời. Đại để cần phải tạo ra phiên hiệu đơn vị quân đội, phải nói cho đúng tên một đơn vị cụ thể nhưng lại không được đúng tên Trung đoàn đã đánh Mù u. Chắc chúng sẽ hỏi vị trí đóng quân, cũng phải trả lời một vị trí nào đó đã từng là một căn cứ thì chúng mới tin, nhưng lại không được để lộ căn cứ thật... Đọt lật qua lật lại thân xác và cũng đảo ngược đảo xuôi mấy phương án trả lời. Cuối cùng anh quyết định khai : quân của tiểu đoàn 47, trung đoàn 270. ( lúc này tiểu đoàn 47 đã về hoạt động khu vực tây Gio linh ). Vị trí đóng quân là Khe lau, cạnh thung lũng Cù Đinh . ( Đọt biết cách đây một tháng, tiểu đoàn 47 đã chốt ở đó để phục kích trực thăng đổ bộ xuống Cù Đinh- Ba De. Bây giờ thị họ đã rút hết ) ...

Những lời khai của Đọt trong lần hỏi cung sau đều được quân Mỹ kiểm chứng ngay tức khắc. Máy bay trinh sát vù đi. Sau một tiếng đồng hồ, tên sĩ quan hỏi cung quay lại :

- Mày khai cũng có phần đúng, nhưng những chỗ ấy đã không còn quân nữa ...

- Tất nhiên rồi. Bộ đội chúng tao thường xuyên di chuyển, nhất là sau một trận đánh lớn ...

- Mày có biết được hướng chuyển quân không ?

- Cái đó thì đến chỉ huy cấp trên của tao còn không biết nữa là ...

Sau gần mười ngày,vết thương ở đầu gối đã lành da, nhưng Đọt vẫn không tự đi lại được. Bọn Mỹ lại chuyển anh đi một địa điểm khác. Lúc đưa ra khỏi phòng giam, Đọt mới biết chỗ đó ở cạnh sân bay Phú bài. Chúng tống anh lên một xe tải, có hai tên áp giải đưa thẳng vào Đà Nẵng ... Cũng như các chỗ giam trước, mấy ngày đầu chúng thẩm vấn liên tục, đấm đá liên tục, rồi dần dần thưa ra, hai ngày, ba ngày một lần. Tổng cộng toàn bộ thời gian bị giam là gần bốn tháng.

Suốt bốn tháng ấy, chỉ có mình anh với bọn Mỹ. Không một ai chứng dám những lời khai của Đọt. Sau này, dù anh có kể lại tường tận như thế nào thì người ta cũng khó mà tin được. Tuy nhiên, nếu công tâm một chút, vẫn có thể nhận thấy một sự thật là, suốt bốn tháng ấy, rồi cả thời gian hàng năm trời sau này nữa, không có một cơ sở nào ở Cam Lộ bị vỡ, không một vị trí căn cứ đóng quân nào của huyện uỷ hay bộ đội bị ném bom, bị càn. Nên nhớ, Đọt là trưởng ban địch vận, riêng ở mấy thôn Ba Thung, Quách Xá, An Hưng, Tân Định, Phước Tuyền ... cũng đã có đến gần ba chục cơ sở riêng của anh. Không một ai trong số họ bị lộ. Cứ cho rằng tất cả những lời khai khôn ngoan kể trên là do anh bịa ra để kể với Lương, cứ cho rằng sự thật thì anh đã hèn nhát, kêu van xin bọn Mỹ thương tình tha tội, xin đầu hàng, chiêu hồi gì đó nữa, thì cái thực tế bảo toàn được tất cả các cơ sở bí mật kia chẳng lẽ không nói lên được một điều gì ư ? Trong một lần đỏ mặt, cãi nhau với mấy đồng chí Thường vụ khi họ vào xin ý kiến tôi tại trạm quân y, tôi đã hỏi thẳng thừng câu hỏi ấy. Không ai đủ lý lẽ trả lời. Họ gật đầu chấp nhận. Đó là thái độ trước mặt tôi. Còn sau lưng tôi, họ nghĩ gì có trời mà biết.

Có một chuyện đã xẩy ra mà mãi về sau bản thân Đọt cũng không sao giải thích được. Là bằng cách nào, bọn Mỹ cuối cùng lại biết anh không phải bộ đội, biết chính xác tên anh, quê quán và công việc của anh đang phụ trách. Khi nghe tên sĩ quan Mỹ công bố tất cả những tư liệu ấy, Đọt thật sự hoảng sợ. Anh chắc mẩm cuộc đời sẽ kết thúc tại đây, hoặc ít ra, anh cũng phải đương đầu với những trận tra khảo mới. Nhưng không. Thật sự bất ngờ và kinh hoàng khi biết được, bọn chúng trả anh về Cam Lộ, trực tiếp giao cho quận trưởng Nguyễn Đình Cựu. Đọt hoàn toàn không còn tự chủ được nữa. Không phải anh sợ tên quận trưởng già cỗi đó. Điều anh sợ chính là quê hương, là bà con chòm xóm, là các cơ sở của chính anh gây dựng, là những đồng chí, đồng đội ở miệt rừng bên kia sông Hiếu ... Họ sẽ nhìn anh thế nào đây ?

Điều lo lắng của Đọt hoàn toàn chính xác. Bắt đầu từ ngày đó, tên tuổi của Phạm Đọt gần như đương nhiên đồng nghiã với tên chiêu hồi.





l





Nguyễn Đình Cựu đón tiếp Đọt theo kiểu đón một khách quý, hoặc có thể ví như đón một bạn hữu tri âm xa cách lâu ngày. Hai chiếc bàn hình chữ nhật nối dài với nhau, hai bên đã ngồi sẵn hơn chục người. Họ đều ở lứa tuổi trung niên, có tên tóc lấm tấm bạc. Phía trên cùng kê hai chiếc ghế. Cựu ngồi một ghế. Khi tên lính đưa Đọt vào đến cửa phòng, đích thân Cựu bước ra, bắt tay sởi lởi rồi dìu nách Đọt kéo vào chiếc ghế bên cạnh. Đọt lúng túng không biết nên ngồi hay đứng. Nhưng cái đầu gối trái của anh đã buộc anh ngồi. Lúc này nhìn anh và Nguyễn Đình Cựu như là hai kẻ bằng vai bằng vế cùng chủ toạ một phiên họp giao ban. Nguyễn Đình Cựu ngước mắt nhìn mọi người rồi cao giọng :

- Xin giới thiệu với các chiến hữu, đồng chí Phạm Đọt, người con quê hương của chúng ta, là huyện uỷ viên, trưởng ban địch vận của huyện Cam Lộ .

Tất cả vỗ tay. Còn Đọt thì ớn lạnh cả sống lưng.

- Còn giới thiệu với anh Đọt, đây là Trương Hoá, nguyên là phó bí thư huyện uỷ, nay giữ chức trưởng ban an ninh. Đây là Hồ ánh Sáng, nguyên là phó ban tuyên huấn huyện uỷ thời kỳ 54 ,55, nay là trưởng ban chiêu hồi. Đây là Trần Vấn, nguyên đại đội phó bộ đội địa phương, nay phó ban quân lực. Còn đây ...

Hai tai Đọt đã ù đặc, anh không còn nghe, không còn nhìn thấy rõ một khuôn mặt nào nữa. Có thật như vậy không ? Chẳng lẽ trước mắt anh là cả một tập thể kháng chiến cũ ? Là những đảng viên, cán bộ một thời là đồng chí của anh ? Hôm nay họ làm sao thế này ? Rồi bất chợt Đọt thấy bủn rủn tay chân. Chẳng lẽ từ giờ phút này, mình cũng sẽ trở thành như vậy ? ...

Cuộc đón tiếp chỉ diễn ra chừng mươi phút. Sau đó, mọi người đứng dậy cùng đến bắt tay Đọt. Đọt không sao hiểu được những cử chỉ đó, những thằng phản quốc ấy bắt tay anh rất chặt, có thằng còn rung rung nữa, cứ như thể hai bên đã hẹn ước được điều gì, cứ như là những đồng đội thầm hứa với nhau mãi mãi kề vai sát cánh !

Khi tất cả đã ra khỏi phòng, Nguyễn Đình Cựu đến ngồi cạnh Đọt và bất ngờ khoác tay lên vai anh. Đọt co rúm người lại.

- Bây giờ... anh định ăn ở thế nào ?

Đọt cố lấy lại sự bình tĩnh. Không thể để chúng nó dồn mình vào thế bị động mãi được. Anh lấy một hơi thở thật sâu, mặt nghiêm lại :

- Tôi phải hỏi ông trước. Bây giờ ông định làm gì tôi ?

- Tôi à ? Tôi có làm gì anh ? hay nhỉ ?

- Này, cái trò vờ vĩnh ấy, nói thiệt nghe, quê lắm ...

Cựu phá lên cười, cười một cách hết sức thoải mái.

- Tôi quê lắm hả ! Còn đồng chí , đồng chí là dân thành thị chắc ? Này, đây cũng nói thật nghe, cái trò cương cương, tự đắc của cậu còn quê một cục, nghe nó xưa lắm rồi. Cậu tưởng tôi đang mua chuộc cậu để làm việc cho tôi há ? Ỉa vào . Cái thứ người như cậu thì còn làm được cái cóc khô gì. Gấu xám đường Chín hả ? Ỉa vào cái thứ đó. Anh hùng khi đã sa cơ thì cũng chỉ là dẻ rách. Cậu có muốn trở vào rừng không, cho cậu đi đó, không tin à, tôi cho người đưa cậu ra sông Hiếu hí, sau đó cậu tự lội bộ mà về với bọn Việt Cộng. Tôi mà đuổi bắn cậu thì sẽ thành con chó ghẻ. Nào, có dám đi không ?

Hắn ngừng một chút, đầu gật gù, bất giác hắn ngẩng đầu lên nói thầm thì như hát :

" Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy chặt mà ném đi. Thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném đi. Thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục ... "

Đọt đoán đó là bài kinh, tuy nhiên anh chẳng hiểu ý nghĩa của nó là cái thá gì, và càng không hiểu hắn đọc ra lúc này có ngụ ý gì. Cảm giác duy nhất của Đọt lúc này là sự mệt mỏi, mệt mỏi đến rã rời chân tay.

- Thôi, nói thiệt đi, giờ anh muốn về nhà hay đi đâu ?

- Này, tại sao ông cứ hỏi tôi như vây ?

- Không hỏi thế thì hỏi thế nào ? Hay ông cứ ở lì đây, bắt quận trưởng nuôi cơm?

Đọt đã cảm thấy quá sức chịu đựng :

-Nhưng tôi đang là tù binh kia mà ?

- Hết rồi. ông đã được tha, chẳng lẽ lại muốn quay trở lại nhà tù ?

- Tôi được tha ? Tại sao lại tha ?

- Tại vì giam ông chẳng được cái đếch gì, tốn cơm quốc gia.

-Nhưng ông cũng thừa biết tôi là gì rồi mà ?

- Tôi ỉa vào cái thứ đó của ông. Tôi khinh.

Đọt nhếch mép cười.

- Vậy thì cảm ơn ngài quận trưởng. Tôi đi đây.

Nguyễn Đình Cựu vẫn không nhúc nhích người :

- Tốt. Nhưng mà cái đầu gối ấy có đi được không ? ...

- Đó là việc của tôi.

- Đúng thế. Nhưng nếu tôi không có mấy lời với chỗ ông cư trú liệu người ta có để cho ông yên không ?

Đọt hơi chững lại :

- Thế nghĩa là ... tôi vẫn bị quản thúc.

Nguyễn Đình Cựu nhìn Đọt với vẻ thương hại :

- Huyện uỷ viên ơi là huyện uỷ viên, có vậy mà cũng không hiểu nổi. Thời buổi này ai mà chẳng bị quản thúc. Một người dân bình thường trong ấp có bị quản thúc không ? Thử bảo họ mò đi lung tung xem có được không ? Huống chi ông là một thằng Việt Cộng có sừng. Thế nên tôi mới bảo ông định ở chỗ nào, ở loanh quanh đây hay về dưới Phước Tuyền ở với ông Rệ, để tôi còn có ý kiến với xã trưởng, ấp trưởng ... Còn đây nữa này, giấy trả tự do cho ông đây, sao ông không hỏi mà cầm lấy trong tay. Lỡ như ra khỏi đây, lính cộng hoà, lính an ninh nó lại gô cổ trở lại thì sao ? Có muốn thoát thân qua bên kia sông thì cũng phải có giấy này trong tay chứ- Hắn chợt thở ra rõ dài- Việt Cộng mà toàn loại người ú ớ như ông thì làm nên cái nỗi gì ...

Quả thật hắn nói không phải không có lý. Tại thời điểm này, Đọt thấy mình như lơ lửng giữa khoảng không, anh hoàn toàn mất phương hướng, hoàn toàn ù đặc, không thể nào đọc ra được ý đồ của tên quận trưởng. Những ngày nằm trong trại giam Mỹ, đối mặt với từng cuộc hỏi cung, chưa bao gìơ anh nao núng. Dù anh không biết kẻ thù sắp tới sẽ truy hỏi câu gì, nhưng Đọt vẫn chủ động sắp xếp trong đầu hàng chục đáp số. Lúc nào anh cũng chủ động. Thế mà bây giờ... thật sự, anh không sao đoán nổi chúng nó đang định dở trò gì ?

Trong cơn bối rối, Đọt đành dùng kế hoãn binh :

-Ông đã nói thật thì tôi cũng nói thật. Tôi nay đã mệt mỏi quá rồi. Với lại chân cẳng đã què như thế này đẫu muốn bươn chãi cũng không bươn chãi nổi. Nhưng tôi cũng không hợp tác gì với ông đâu. Tôi thật sự chán nản tất cả. Nếu các ông thật tình tha chết cho tôi thì cho tôi về nhà,có gì còn có anh Rệ coi sóc. Tôi muốn những ngày cuối đời tỏ chút hiếu thảo hương khói cho bố mẹ. Còn nếu các ông không tin thì cứ tống tôi vào tù, hoặc xử bắn cũng được. Tôi chả van nài kêu xin gì đâu ...

Quận trưởng nhìn Đọt, lắc lắc nhẹ đầu :

- Muốn bắn thì bắn bỏ từ lâu rồi, còn bắt tay hợp tác với loại người như anh thì, lạy Chúa, chỉ thêm bẩn tay Quốc gia thôi. Giấy đây, cầm lấy. Tôi sẽ cho nhắn ông Rệ lên để đưa ông về, chân cẳng kiểu ấy thì bò đến sáng mai cũng chưa xuống Phước Tuyền được ...

Nghe những lời ấy, Đọt thấy ói lên một cơn căm hận, anh chỉ muốn nhảy xô đến bóp nát cuống họng hắn. Nhưng Đọt đã nén nhịn, và thực tình anh cũng chẳng thể làm được gì, thậm chí Đọt đã không nhổ người lên được.

- À này, bất ngờ Cựu reo lên, trong lúc chờ đợi, anh qua nhà o Lương chơi đi ... Nhà kia kìa ... Chả mấy khi đồng chí đồng đội gặp nhau.

Đọt sững người. Anh chưa kịp phản ứng gì thì Cựu đã gọi ra ngoài :

- Ê ...

Một tên lính chạy vào, đứng nghiêm :

- Chú mi đưa ông này qua nhà o Lương hí ? Mà này, đưa qua rồi về, để người ta nói chuyện thoải mái, nhớ chưa ?

Tên lính gập hai gót chân vào nhau, rồi xoay người kiểu nhà binh qua phía Đọt :

- Mời ông.

Đọt hơi lừng khừng nhưng cố nhổm người dậy, lê chiếc chân què bước ra. Sau lưng bỗng vang nhẹ lên một giọng đọc như hát : " Lạy Chúa, xin chữa linh hồn tôi tá Chúa, như xưa đã chữa ông thánh Phêrô cùng ông thánh Phaolồ ra khỏi chốn lao tù, lại như xưa Chúa đã chữa bà thánh Têcala đồng trinh tử đạo cho khỏi ba hình khổ rất dữ ; nay cũng xin Chúa chữa linh hồn tôi tá Chúa như vậy, và xin cho đặng đồng hưởng phước lạc cùng Chúa ở trên trời. A men ! "





n





Mặc dù đã được biết tin trước một ngày về việc Đọt được thả, và Lương đã thầm đoán thế nào cũng sẽ chạm mặt Đọt, nhưng đến khi nhìn thấy anh lê chiếc chân cứng ngắt bước vào, khuôn mặt gầy guộc, đầu tóc bù xù, Lương không sao giấu nỗi sự bàng hoàng. Cô đỡ Đọt ngồi xuống ghế, đôi bàn tay run run chắt nước ra chén. Giọng cô cũng run:

- Chắc anh chưa được ăn chi phải không ? Tui pha mì cua nghe...

Đọt im lặng. Lương lật đật đi pha mì. Tên lính đã quay trở về nhà quận trưởng. Theo thói quen, Đọt khẽ đảo mắt quan sát địa hình. Ngôi nhà lợp tôn nằm chơ vơ giữa một bãi đất trống. Nắng mùa đông vàng bợt, rớt từng giọt đơn côi qua vòm lá ngô đồng. Khung cảnh thực là cô quạnh.

Đọt cúi gằm mặt húp mì. Mì nóng. Trán anh lấm tấm mồ hôi. Lương ngồi bên cạnh câm lặng ngắm anh, ngắm từ kiểu ăn thô tháp, ngắm mái tóc xoắn cục vì bụi, rồi ngắm cái chân trái cứ chòi thẳng ra phía trước, thỉnh thoảng ngón chân lại giật giật...

- Anh bị vào đâu mà chân lại thế ?

- Đầu gối...

- Vết thương vẫn chưa lành sao ?

- Lành bên ngoài... nhưng bên trong vẫn đau, co vào khó lắm...

- Liệu... có... trở lại như trước không ?

Đọt nuốt ực một cái, lại húp " sột "một cái nữa, rồi lắc đầu:

- Chẳng biết nữa. Có thằng đốc - tờ người Mỹ nói với tôi, chịu khó tập nhiều sẽ đi được...

Lương dọn dẹp bát, thìa. Đọt tự tay rót nước ra chén. Có lẽ bát mì nóng đã làm anh tự chủ hơn:

-Thằng Cựu bắt tôi qua đây, không biết nó có ý gì không ?

Đứng ở chỗ rửa bát, Lương cao giọng nói lên :

-Có Chúa mới biết hắn có ý gì .

Đọt cho tay vào ấm chè, rút ra một cọng lá, tước đôi làm tăm xỉa răng. Anh nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sàn nhà, chưởi đổng.

- Mẹ kiếp... Nghe cái giọng cha cố của hắn mà lợm cả cổ họng.

Lương đã trở lên ngồi đối diện với anh. Cô liếc mắt nhìn ra ngoài. Không có bóng ai theo dõi cả.

-Này... nói cho thiệt đi, có khai gì không ?

- Có. Nhưng khai tầm bậy tầm bạ thôi...

-Chắc thế chứ ?

- Chị Lương hỏi thế tức là không tin tôi ?

- Có tin. đã bốn tháng rồi, các cơ sở không ai bị lộ cả.

- Thế họ còn tin tôi không ?

- Tôi không biết. Nhưng tôi đoán họ vẫn sợ anh...Họ còn sợ cả tui nữa.

Đọt hơi chồm người tới, giọng khẽ lại:

- Nhưng chị vẫn còn là cơ sở chứ ?

- Không

- Tại sao ?

- Có ai tin tui nữa đâu. Ta không tin, địch cũng không tin.

Ngừng lặng một lúc, Đọt lại hỏi:

- Chị có tin tức gì của anh Khảm không ?

- Không. Mà nghe nói...

- Sao ?

- Cũng chẳng ra sao cả ... Đàn ông một duộc hết.

- Nghĩa là thế nào ?

Lương nhếch mép gần như cười :

- Nghe nói đang mê mệt con Sâm ?

- Cái gì ?

Đọt sững cả người. Phải mất một lúc lâu anh mới mở miệng được:

- Tin ấy ở đâu ra thế ?

-Thì ở mồm ông Rệ nhà anh chứ còn ở đâu nữa.

Đọt xì mạnh một cái như trút bỏ được gánh nặng :

- Tưởng ai ... tin vào cái loa của lão ấy thì ...

- Không. Hắn thật sự có tài moi tin đấy. Cái chi hắn nói cũng có phần đúng cả.

- Mẹ kiếp...

- Anh chưởi ai thế ?

- Thằng anh khốn nạn ấy. Không biết tới đây sáng tối nom thấy mặt hắn tôi có chịu nổi không.

Lương nhìn Đọt chớp chớp mắt:

- Anh về dưới đó à ?

- Thì chị bảo tôi còn biết về đâu:

Họ lại im lặng. Rồi cả hai cùng bất giác thở dài. Họ chợt cùng nhớ lại một thời oanh liệt, và nghe như đâu đó ới lên điệu hát rầu rĩ : Than ôi, thời oanh liệt còn đâu ...

Mãi đến ba giờ chiều thằng Rệ mới mò lên. Hắn bước vào tuyệt nhiên không hỏi han đứa em cùng mẹ khác cha lấy một câu gọi là, mặc dù đứa em tội nghiệp ấy đã qua bao nhiêu ngày tù tội, nay lại còn què quặt nữa, hắn xơn xơn đi thẳng vào giường của Lương, ngồi phịch xuống, vừa thở vừa nói :

-Có chuyện này, tui cần phải nói cho o biết... Rồi hắn dừng lại thở, thở rất lâu. Có thể hắn đã yếu rồi. Mà cũng có thể thật sự hôm nay hắn chẳng có chuyện gì mới để nói. Cái câu đầu môi kia hắn cứ buột ra như một quán tính mà thôi.

Lương cố rặn ra một tiếng cười:

- Có chuyện chi quan trọng rứa anh Rệ, nói gấp cho biết đi...

- À ... à... cũng chẳng phải quan trọng lắm đâu. Quân đảo chính thất bại rồi. Tướng Khánh đang củng cố vị thế... tuy nhiên...

Lương làm bộ tròn mắt lên :

- Chà, anh Rệ vừa ở Sài Gòn ra hả ? Trách chi bấy lâu thấy vắng...

Biết Lương nói xỏ, nhưng hắn là thằng mặt trơ, trán bóng nên chẳng lấy làm ngượng.

- Là cha Cựu bảo cho tôi biết mà thôi... Này này, không chuẩn bị mà về còn ngồi lì ra đó à ?

Ấy là hắn quát Đọt, Lương bật hẳn người dậy :

- Này này, anh có còn chút lương tâm không đấy, anh không thấy anh Đọt què chân à, bảo đi là đi thế nào ?

- Lương tâm thì tui không có, nhưng ông quận trưởng lại có. ông cho cái xe Zép chở về, sướng chưa ?

Lại thêm một bất ngờ nữa. Nhưng đến lúc này Đọt đã bắt đầu đoán được thâm ý của Nguyễn Đình Cựu. Từ cuộc đón tiếp trịnh trọng lúc sáng đến chuyện cho xe Zép chở về làng, tất cả cũng cốt để cắt cầu anh với cách mạng. Thôi kệ , việc đến đâu tính đến đó. Nếu không có xe quả thật anh không sao mò về Phước Tuyền. Ước muốn duy nhất lúc này của anh là được nằm một mình, nằm thật yên để suy tính từ đầu . Anh cần có thời gian suy nghĩ .

Hơn một giờ sau, họ về đến Phước Tuyền. Tại nhà của Rệ cũng đã có sẵn một số người chờ đón. Ngoài vợ chồng Rệ ra, còn có xã trưởng Mùi, ấp trưởng Tố, trưởng ban an ninh Chẻo... Đọt không còn thấy bất ngờ và khó chịu nữa. Anh biết tất cả những trò này đều nằm trong " kịch bản " của Nguyễn Đình Cựu. Bởi vậy, anh vào vai diễn luôn.

- Thưa các anh, các bác, các vị chức sắc. Tôi là Đọt, con dân của làng, cũng do thời thế mà suốt bao nhiêu năm tôi phiêu bạt giang hồ, nay thì sức đã tàn, lực đã kiệt, đời đã thất thế, nên tôi đành gác kiếm rửa taytrở về, trước là để thờ phụng ông bà, hương khói cho tổ tiên, sau cũng để chữa bệnh cho bản thân hầu mong kéo dài thêm vài ba năm sống với cõi trần. Tôi không còn là Việt Cộng, nhưng tự xét sức lực mình nên cũng chẳng giúp ích gì được cho Quốc gia. Giờ tôi chỉ còn là một thằng dân đen, tật nguyền, vô dụng. Tôi mong các vị, mong chòm xóm thương tình đừng hắt hủi bỏ rơi...

Bài diễn văn được bột phát nhưng rất mùi mẫn. Có lẽ từ xưa đến nay chưa bao giờ Đọt nói hay được như thế, đến mức kẻ dẻo miệng như thằng Rệ cũng phải tròn mắt ra.

Đương nhiên trong tất cả số chức sắc có mặt ở đây, chẳng ai tin vào lời Đọt. Nhưng họ vẫn cười cợt, vui vẻ, nói qua nói lại vài câu. Rồi thì ai về nhà nấy. Trời đã xâm xẩm tối. Đã bắt đầu đóng cửa, tắt đèn. Ban đêm, tất cả mọi thôn ấp đều trở lại không gian của những khu mồ hoang.

Vợ Rệ làm thêm gói mì cua cho Đọt ăn. Rồi hai anh em lên nằm hai gường, bà chị dâu vào buồng trong. Họ nằm thế rất lâu, không ai chịu mở lời trước. Cuối cùng, Rệ lên tiếng :

- Mi định thế nào?

- Chẳng định gì cả.

- Hừ, rồi lấy gì ăn?

- Không có thì đi ăn xin...

- Có kẻ điên mới cho mi...

- Cũng tốt. Sống với kẻ điên còn hơn sốngvới súc vật..

Rệ bật người dậy:

- Nì, mi có muốn tao tống cổ mi ra khỏi nhà không?

Đọt bật ra một tiếng cười:

-Anh dám à?

- Tao sợ chi mà không dám?

- Thì cứ thử coi. Có muốn một phát đạn vỡ sọ thì cứ việc...

- Con cặc ! Ai dám bắn tao...

- Cứ thử coi...

- Con cặc !

Hắn lại nhắc lại, nhưng câu sau có vẻ nhỏ hơn. Hình như hắn cũng hơi run. Sự thực thì chính hắn không hiểu được hiện tại Đọt là người thế nào, có cònlà Việt Cộng không? Hay đã nhận lời làm gì đó cho cha Cựu? Hắn diên tiết lên vì tự thấy dù mình đã cố gắng hết sức nhưng thực tế chưa bao giờ được thằng cha cố giả cầy đó quí trọng cả. Chẳng hiểu sao lão ta lại dành một sự đón tiếp đặc biệt như thế đối với thằng em trời đánh của hắn. Hoá ra, dù thời thế nào, với bất cứ loại ông chủ nào thằng Đọt vẫn được nước hơn nó. Kể cả với đàn bà nữa. Với đàn bà, thử hỏi, trên mọi phương diện có điểm nào thằng Đọt hơn hắn. Thế mà cả vùng này có hai đứa con gái đẹp nhất đều tỏ ra thân thiết với Đọt. Còn hắn, ma xui, quỷ khiến thế nào cuối cùng lại rước về nhà một con mụ dở hơi. Là hắn rủa vợ như thế . Người thì tròn một đống, chỉ được vú to như hai cái chậu sứ, mông bè như cái thúng. Mông to, vú to đáng ra phải đẻ thành con đàn con lũ, thế mà lại nân, lại tịt nòi.... Đúng là vô phúc. Đã thế suốt ngày cứ câm lặng như một cái bóng. Đôi khi hắn cảm thấy ớn lạnh như sợ một hồn ma. Hồi mới cưới, với cái máu dê dồn tụ trong người, hắn hành hạ vợ một ngày từ ba đến bốn lần, cái ngày mới cưới, hắn dần tới sáu cú. Vợ hắn không một lời kêu rên, mỗi lần hắn quật thị ra thì ả lập tức nhắm mắt, dạng chân, sẵn sàng chịu đựng... Thế rồi hắn chán, hắn ngấy tận cổ. Đã gần một năm nay hắn không thèm ngó ngàng đến. Vợ hắn cũng không buồn phiền gì. Mở mắt ra là cuốc đất, trĩa lạc, hái bắp. Đến bữa thì lên lửa, thổi cơm. Tối đến tắt đèn, lặng lẽ rút vào buồng trong nằm ngủ. Hắn chưa hút xong hơi thuốc đã thấy vợ ngáy phì phì......Hắn chỉ biết cầu trời mong sao ả ta sỉa chân xuống cầu hay đắm đò chết đuối cho khuất mắt...

Những ngày đầu tiên về ở lại nhà, Đọt không buồn để mắt đến ả. Nói chung anh chảng cần bận tâm đến ai. Anh nằm lì trong giường, lúc nào cũng như con bệnh nặng. Đến bữa cơm, chỉ duy nhất người chị dâu đến gần thốt lên một câu:

- Chú dậy ăn cơm.

Đọt lê chân đến bàn ăn, cúi đầu vào mâm, ăn như một kẻ ăn xin tự biết thân phận mình. Rệ tỏ thái độ khinh bỉ ra mặt, nói bóng, chưởi gió. Chỉ riêng người chị dâu là êm đềm, không vui hơn cũng chẳng bực bội gì. Với ả, hình như trời sắp sụp xuống cũng vậy thôi.

Cũng may, Rệ không ở nhà nhiều. Hầu như ban ngày là hắn đi. Không phải đi làm cùng vợ. Hắn không bao giờ chịu làm lụng một cái gì cả. Hắn rong ruổi, từ xóm nọ đến thôn kia, lúc nào cũng tỏ ra bận rộn như đang phải gánh vác những công việc to tát, quan trọng. Vợ hắn lại ra ruộng. Đây là khoảng thời gian Đọt mong đợi nhất. Anh ngồi dậy, vịn vào cột nhà, vịn vào bờ tường cánh cửa cố lê gót ra hiên. Đọt tựa vào cột hiên đỏ mắt nhìn ra ngoài ngõ. Xóm thôn, đường sá chắng có gì đổi khác, nhưng sao vẫn thấy trống trải hơn, phờ phạc hơn. Đã vào giữa đông. Mùa đông năm nay ít mưa, gió heo may, lá tre quăn lại, khô héo rụng đầy đường. Cành tre trơ ra khẳng khiu, gầy guộc. Không biết trong mấy nhà hàng xóm kia, có con mắt nào đang soi mói nhìn qua nhà anh không ? Đọt tự hỏi rồi tự trả lời, chắc chắn là có. Anh thở sâu một hơi rồi bắt đầu tập đi. Đọt quay sấp người vào tường, bấu hai bàn tay lên vách, cố tỳ chân trái xuống nền từng nhịp một. Có lúc cơn đau nhói lên tận ngực. Nhưng Đọt phải cố tập. Trước hết anh hy vọng sẽ dần dần hồi phục, có thể đi lại được mới mong tính kế xa hơn. Sau nữa, nếu có con mắt nào đó đang rình mò anh, nếu nhìn thấy cảnh này hẳn chúng sẽ an tâm hơn...

Đọt đã đi tới đi lui được năm vòng. Mồ hôi ướt đầm áo. Rồi anh thấy xây xẩm mặt mày. Đọt định quay vào giường nhưng không kịp, anh đổ người xuống hiên. Đọt vẫn còn kịp nghe một tiếng " a" kêu lên phía đầu hồi nhà, hình như có tiếng loảng xoảng cuốc xẻng, rồi tiếng chân người chạy tới. Ai đó đã xốc vào nách anh, kéo lê vào giường. Phải một lúc khá lâu, Đọt mới hồi tỉnh. Anh nhận ra người chị dâu đang cầm nón quạt. Tự nhiên Đọt thấy cảm động :

- Chị...

- Tập chi mà tập dữ rứa, chết có khi...

- Chị về khi nào ?

- Vừa vô đến ngõ thì thấy chú ngã như con heo ...

Rồi ả cười, kể ra hơi vô duyên , nhưng lại chân tình. ít ra thì Đọt cũng tự cảm thấy như vậy.

-Tui pha cho chú một cốc nước đường hí ?

Nói rồi là đi luôn. Đọt cố nhấc người ngồi dậy. Khi chịu dâu bê cốc nước lên thì anh đã tựa được lưng vào đầu thành giường.

- Hỏi thế này... chị đừng trách. Tôi... chưa biết tên chị ?

- Tôi là Hoa, người dưới chợ Phiên . Nói xong là cười liền.

- Chị Hoa... Cảm ơn chị. Tôi về đây thật sự đã làm phiền chị nhiều...

Câu nói lấy lòng ấy không ngờ đã làm cho Hoa tủi thân. Chị đứng dậy đi xuống bếp, vừa đi vừa bủm bủm :

- Phiền chi mà phiền, có chú dầu sao cũng có thêm một người, còn hơn là ở với nấm mồ hoang.

Đọt ngồi lặng im. Anh đã mường tượng hiểu ra đôi chút người chị dâu này, cũng đã hình dung được phần nào cuộc sống của gia đình Rệ. Kể từ hôm đó, anh nhìn Hoa bớt phần ác cảm hơn, lòng anh cũng dễ chịu hơn. Những ngày Rệ vắng nhà, họ đã nói chuyện với nhau nhiều hơn. Hoa còn đi hỏi mấy ông thầy lang dưới chợ, kiếm về cho Đọt mấy thứ lá giã nát bó vào đầu gối. Chẳng biết có tác dụng gì không nhưng trong lòng anh thì thật sự dễ chịu...

Đó là những bước đi đầu tiên của Đọt để chắp nối lại đường giây với tổ chức. Anh cũng không thể ngờ rằng, về sau này, Hoa đã trở thành một đường giây quan trọng, một nhân mối hết sức an toàn. Qua Hoa, Đọt đã bắt liên lạc được với thím Bướm. Riêng thím Bướm vẫn rất tin tưởng anh. Thím nói toạc ra với cán bộ ban địch vận huyện : ai nghi thì cứ nghi, riêng tui tin chú ấy. Nếu chú ấy phản thì tui là đứa chết đầu tiên...





n



Chính nhờ những người cơ sở như thím Bướm mà tôi đã nhận được tin tức của Đọt. Trước đó, Thuẫn cũng đã có báo cáo tình hình lên huyện uỷ, nhưng là một báo cáo đầy lo ngại. Cuộc đón tiếp của Nguyễn Đình Cựu, kể cả việc hắn cho xe Zép chở Đọt về làng ở với Rệ được mô tả rất chi tiết. Kết luận bản báo cáo, Thuẫn cho rằng hàng loạt cơ sở của ta ở Cam Lộ hiện rất hoang mang, lo sợ, đề nghị Thường vụ huyện uỷ cho ý kiến chỉ đạo.

Lúc này, vết thương tôi cơ bản đã bình phục, nhưng cái cột sống vẫn chưa trở lại được bình thường. Tôi trở về căn cứ huyện uỷ, tuy nhiên đích thân bí thư tỉnh uỷ đã chỉ đạo xuống không cho tôi đi đâu cả. Tôi chỉ còn biết ngồi một chỗ để chỉ đạo, thật chẳng khác gì người bí thư tiền nhiệm của tôi.

Chính Quyết là người của ban địch vận vào bắt liên lạc với thím Bướm. Đó được coi là điều may duy nhất của Đọt. Quyết là một anh lính trẻ, trung thực, là người cùng tôi và Đọt vượt Hói Cụ một lần, cho nên anh vẫn âm thầm ủng hộ Đọt. Những tin tức Quyết nhận được từ thím Bướm, anh không nói với ai chỉ lặng lẽ báo cáo riêng với tôi. Những báo cáo ban đầu ấy, không có các chi tiết cụ thể về quá trình Đọt bị bắt, bị tra tấn, khai cung như thế nào. Đọt đã không kể chuyện đó cho chị dâu nghe nên thím Bướm cũng không biết gì. Thím chỉ nhắn ra là hãy tin ở đồng chí Đọt, hãy tìm cách bắt liên lạc và tiếp sức cho đồng chí ấy.

Không thể nói hết nỗi mừng rỡ và xúc động của tôi lúc ấy như thế nào. Mừng vì biết tin Đọt sống, trở về đã đành, mừng hơn, quý giá hơn là trong các cơ sở trung kiên của ta ở ấp, vẫn có người như thím Bướm đinh ninh lòng tin đối với Đọt. Điều đó càng tăng thêm niềm tin cậy của tôi. Tuy nhiên, tôi vốn là người rất cẩn trọng, với lại trách nhiệm lúc này của tôi không cho phép hành động theo cảm tính. Hơn nữa, tình hình trong huyện uỷ, nhất là trong ban địch vận cũng không dễ thống nhất ý kiến, vì vậy tôi quyết định thành lập một đường giây riêng. Tôi, Quyết, Sâm và thím Bướm. Chỉ sau mâý hôm, Đọt đã nhận được tin tức của tôi.

Nghe Quyết kể lại, thím Bướm nói rằng anh áy đã khóc. Khóc cả một đêm và một buổi sáng. Nhưng đế chiều thì khác. Khuôn mặt Đọt tươi tỉnh một cách lạ thường. Những bước đi của anh mạnh hơn nhiều, quyết liệt hơn nhiều. Rồi bỗng anh trở nên vui vẻ cả với Rệ. Rệ có nói đâm nói xoi gì Đọt cũng cười, đôi khi còn phụ hoạ thêm. Đấy là lời cho Hoa kể lại với thím Bướm.

Đọt đã viết thư cho tôi: " Đồng chí Khảm kính mến ! Tôi vô cùng biết ơn vì đồng chí đã không bỏ rơi tôi. Hãy tin ở thằng Đọt khốn khổ này. Tôi chưa thể kể hết mọi nỗi cơ cực với đồng chí được mà chỉ xin nói một điều này, dù có chết trăm lần xuống đât đen, tôi cũng không phản bội lại cách mạng. Chân tôi đang bị què, chưa thể trở ra tìm anh em đồng chí được. Xin huyện uỷ cho tôi biết, tôi cần phải làm gì ? "

Tôi không cầm được nước mắt, phải dấu mọi người để khóc, rồi liền sau đó lại dấu mọi người để viết lại mấy dòng :

" Tôi vẫn tin đồng chí ! Đừng phụ lòng tin của nhau nhé ! Trước mắt hãy giả đui giả điếc, cố gắng điều trị cho lành chân. Bao giờ đi được mình sẽ bố trí để đưa cậu ra. Lúc này, nên tránh tiếp xúc các cơ sở cũ, thằng cha Cựu đang cài bẫy đấy ! "

Mọi sự đến đó được coi là suôn sẻ. Tôi thật sự đã giải toả được khối đá trong lồng ngực. Tôi biết ở trong kia, cho dù phải sống cảnh cá chậu chim lồng nhưng chắc chắn Đọt cũng rất thanh thản. Cái thanh thản lúc này chính là liều thuốc quý giá nhất giúp anh mau chóng hồi phục sức khoẻ. Tôi thầm cầu mong như vậy !

Nhưng kẻ thù đương nhiên không cầu mong điều ấy. Nguyễn Đình Cựu đã không muốn để cho anh được thanh thản. Hắn đã đi trước một nước cờ.

Đăng ngày 12/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan