Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương kết


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 16 


Tám ngày sau cái buổi tuyên án của toà, Đình lại về gặp bố. Đọt đang cuốc đất phía đồi sau nhà, nghe tiếng máy xe nổ bình bịch, cũng đã đoán được thằng Đình về, nhưng lại cố làm ra vẻ không quan tâm, cứ cắm đầu bổ cuốc.
Đình bước ra đứng cạnh nhưng không cất tiếng chào hỏi. Nó chống nạnh nhìn bố một lúc rồi buột miệng:

- Còn khoẻ ghê nhỉ...

- Còn hơn khối thằng thanh niên suốt ngày chỉ ăn nhậu...

Đình quay mắt nhìn ngước lên phía dốc đồi, giọng lầu bầu:

- Cứ ngồi thu lu suốt ngày trong nhà thì biết thằng nào hay ăn nhậu mà nói...

Đọt ngừng cuốc, đánh hất mặt lên phía Đình. Có vẻ anh chuẩn bị bục ra một câu chưởi. Nhưng Đọt chưa kịp lên tiếng thì Đình đã nói trước:

- Con về báo cho bố một chuyện. Đêm qua bác Khảm báo mộng về cho con, chưởi cho bố một trận.

Đọt chợt sững ra, mấy ngón tay lẩy bẩy trên cán cuốc. Nhưng ngay lập tức anh lấy lại tư thế, xì một tiếng :

- Mộng với mị ... Cộng sản gì cái thứ chúng mày, rặt một bọn mê tín.

Đình vẫn nói tỉnh bơ :

- Con đâu có mê tín. Con có hương khói, cầu khẩn như bố đâu. Tại bác ấy cứ ứng vào con, báo cho con... Người ta nhờ con nói thì con nói, bố không nghe thì bỏ ngoài tai đi...

Nói rồi, Đình thủng thẳng quay vào nhà. Đọt luống cuống vứt cuốc chạy theo :

- Này này..cái thằng bất hiếu kia. Nói lấp lửng thế rồi bỏ đi hả ?

- Con tưởng bố duy vật, không tin mộng mị...

- Tao không tin. Cả đời tao không tin... Giọng anh đột nhiên nhỏ hẳn lại - Có điều, tao vẫn cầu mong được nghe một câu gì đó của bác Khảm, kể cả việc mi bịa ra cũng được.

Đình khẽ lắc đầu, thở nhẹ một hơi, rồi quay vào ghế ngồi. Đọt vào theo, đứng chắn ngay trước mặt thằng con lì lợm, mắt nhìn như chiếu tướng :

- Nói đi...

- Thực ra sự việc không hoàn toàn tuyệt vọng như bố nghĩ đâu. Chỉ cần chúng ta xác định được mộ bác Khảm, cải táng lên, thấy rõ bác ấy vẫn còn đầy đặn, nguyên vẹn, thế là bản khai của bố được xác nhận.

Đọt nhíu mép xì một tiếng :

- Nghe có vẻ dễ ợt nhỉ. Giữa cái nghĩa trang có đến bảy tám ngàn ngôi mộ, hàng trăm ngôi không tên không tuổi, mày định đi cầu đồng lên chỉ chắc ? Mà cầu được rồi thì ai cho mày khai quật, hay lại lấy lệnh khám mộ khẩn cấp. Còn nữa, cứ cho là mày được phép quật lên thì lấy cái chi chứng minh đó là xương cốt bác Khảm ?

Đình vẫn tỏ ra kiên nhẫn :

- Khoan đã bố. Mọi việc phải thật bình tĩnh, phải gỡ từng mắt xích chứ. Thứ nhất, việc xác định hài cốt bác ấy đã có cơ sở. Con đã hỏi chị Linh. Khi mai táng, bố chỉ mải khóc nên không biết, chị ấy đã bỏ vào hòm tiểu một miếng dác trầm khá đặc nhựa. Chị Linh bảo, đấy là miếng dác có giá nhất, nếu nạo ra có thể được hơn một lạng nhựa. Từ dạo mai táng đến nay chưa tới hai năm, ở trong hòm tiểu đất nung, chắc miếng dác ấy chưa mục. Mà nếu có mục dác thì nhựa trầm vẫn còn... Thứ hai... có người đã khẳng định rằng, bộ hài cốt ấy đúng là bộ duy nhất không bị khui ra, không bị bớt xén...

Đọt chồm cả người tới :

- Ai xác định ?

Đình tỏ vẻ ngập ngừng :

- Có một người ..người đó đã lặng lẽ bám theo cái hòm tiểu từ khi đưa về xã cho đến lúc ra nghiã địa...

Đọt la to lên :

- Đã có người xác nhận như thế thì tại sao không chứng minh trước toà cho tao ?

- Nhưng lấy cái gì làm bằng chứng ? Chẳng lẽ toà lại tin vào một người dân đứng ra nói hộ mấy câu sao ? Hơn nữa... người đó .... lại có quan hệ với bố...

Đọt lùi lại, mắt khẽ chớp :

- Bác Lương ?

Đình thở dài không nói .

- Mà này, tức là suốt những ngày vừa qua mi vẫn tiếp tục điều tra chứ mộng mị cái đếch gì ... Mi đã lừa tao như thế chưa đủ sao !

Đình cau cả hai hàng lông mày lại :

- Tại sao bố có thể nói thế được !

- Tao nói sai sự thật à ? Mày về đây, hỏi tao tỉ mẩn chuyện đã bày vẽ, hợp tác với bọn khốn nạn đó, tao tin mày nên mới kể. Cuối cùng là gì, là tao bị tống giam cùng lũ khốn đó... Nghe nói mày được tặng bằng khen, đúng không ?

Đình quắc mắt nhìn ngược lên bố. Đôi mắt nó khi giận cũng dữ tợn chẳng kèm gì mắt Đọt :

- Chẳng lẽ ông ân hận khi đã góp phần lôi cái bọn khốn nạn đó ra trước pháp luật hay sao ? Một tội ác kinh thiên động địa như vậy chẳng lẽ bố cũng muốn làm ngơ sao ? Bố cứ nói mình là người cách mạng, là kẻ trọng tình, trọng nghĩa, thế mà hàng trăm đồng chí, đồng đội của bố bị phanh xương, chia xác như thế mà bố không chút động lòng hay sao ? Giọng nói của Đình đã bé lại, run run- Con rất thương bố... mà nếu quả thật là bố bị oan thì suốt đời con không sao sống thanh thản được. Nhưng nếu con là bố, con sẽ nghĩ khác. Một là, con không buông tay đâu, con sẽ chiến đấu tới cùng để minh chứng cho mình... Mà nếu...giả sử cuối cùng không minh chứng được, thì con cũng coi đó là sự hy sinh... Sự hy sinh cuối cùng vì đồng đội....

Đọt ngồi đực người, câm lặng. Còn Đình thì cúi gập mặt xuống mép bàn. Nó đã nói được những điều cần nói nhất. Bây giờ thì nó không đủ sức nhìn bố nữa.

Cả hai bố con ngồi vậy khá lâu. Ngôi nhà đã không còn mùi ẩm mốc như tám ngày trước đó. Trong lòng họ, thực ra cũng đã tan dần những băng giá của sự mặc cảm nặng nề. Đọt không phải là người không biết nghĩ. Chẳng qua cái tuổi già thường đèo bồng thêm cái tật hờn dỗi trẻ con. Thực tình, không ai hiểu con mình hơn Đọt.

- Con bảo... bố phải làm gì lúc này ?

Cuối cùng thì Đọt cũng lên tiếng. Đình có thể cảm nhận được sự nồng ấm có thật trong lời nói run run của bố. Anh thở ra nhẹ nhõm :

- Chỉ còn có bảy ngày nữa, con sợ trở tay không kịp. Cho nên, việc cần làm ngay lúc này là bố phải có đơn kháng án. Việc thứ hai..là phải nghĩ mọi cách để có thể xác định được đâu là mộ bác Khảm...

- Theo con, phải làm thế nào ?

Đình tỏ ra lúng túng thật sự :

- Con chưa biết phải làm thế nào. Đêm qua con ngồi với chị Linh suốt cả buổi tối. Chị ấy quả quyết phải tìm đến một ông thầy lên đồng... Chị ấy kể rất nhiều chuyện quái dị về ông ta... Nghe nói, ông ta có một khả năng đặc biệt, khi mình đến cầu, chỉ cần lễ vật nhẹ thôi, nhưng cái tâm thì phải chân thành... Nếu "ngài" cho phép căn xác đến địa xứ, nghĩa là ngài nhập vào ông thầy đó, đưa thầy đến tận nghĩa địa sẽ chỉ đúng phần mộ...

Đọt khẽ nhiú mày :

- Mày có tin không ?

- Thú thật... con không tin lắm... nhưng cũng không hoàn toàn không tin...Bởi con đã điều tra thì nghe nói ông ta đã tìm được rất nhiều mộ liệt sĩ. Có nhiều cán bộ cao cấp của mấy sư đoàn bộ đội cũng đã đến nhờ tìm... Con chẳng biết thế nào nữa.

Cả hai bố con lại im lặng. Đình cố gắng thăm dò trên khuôn mặt bố để xem thử bố có tin vào những điều huyễn hoặc ấy không. Nhưng khuôn mặt Đọt còn bí hiểm và khó hiểu hơn cả những điều mà Linh đã kể về ông thầy có phép lạ. Cuối cùng, Đình phải đưa ra kết luận :

- Con định mặc kệ cho chị Linh làm, cũng chẳng sao cả. Con chỉ khuyên chị ấy đừng có ồn ào mà ảnh hưởng...đến người khác. Đồng thời, riêng con, con sẽ tìm thêm phương án khác.

- Phương án gì ?

- Con cho rằng, có thể có một người biết rõ vị trí phần mộ đó. Tuy nhiên, làm cách nào để hắn có thể nói ra lại là một chuyện..

- Ai ?

- Lão Rệ !... Liệu bố có thể...

Đọt vội giãy nảy người lên :



- Không..Tao không van xin hắn đâu.

Ngừng lặng một lúc, Đọt cúi đầu nói trong cay đắng :

- Không phải là bố sợ nhục..Có điều hắn sẽ không vì bố mà nói ra đâu. Hắn sắp chết rồi...Mà nguyện vọng của hắn lúc này chắc chắn không có gì khác là muốn bố chết theo. Chỉ có thể...có một người làm cho hắn mềm lòng... Nhưng thuyết phục người này lại còn khó hơn cả thuyết phục lão Rệ ....

- Ai , bố nói thử coi ?

Đọt ngậm miệng, đầu cúi thấp hơn. Đình quá sốt ruột nhưng không dám giục bố.

l

Đình lập tức trở về Đông Hà lúc bốn giờ chiều sau khi đã cầm trong tay tờ đơn kháng án của bố. Còn Đọt thì lại giam mình câm lặng trong ngôi nhà cho tới khi mặt trời sắp lặn mới đưa ra được một quyết định dứt khoát. Anh cúi đầu đi như chạy về phía thôn Quách Xá. Vào giờ này, cả thôn đều đi làm đồng về. Rất nhiều nguời gặp Đọt. Họ tỏ ra vui vẻ chào anh. Nhưng Đọt cứ cúi gằm đầu. Không ai ngạc nhiên vì thái độ của anh, người ta chỉ ngạc nhiên là lâu lắm rồi, không biết là mấy tháng mấy năm, Đọt chưa một lần vào thôn.

Cả Lương cũng vậy. Chị đứng sững ra ngay giữa sân khi kịp nhận ra dáng đi như chạy trốn của Đọt. Anh lao vào cổng, lướt qua trước mặt Lương rồi chui thẳng vào nhà. Lương lật đật vào theo.

- Này....Có chuyện gì thế ? -Chị nhìn Đọt hỏi mà không chớp mắt.

- Có... Có chuyện này...Tôi nói ngay rồi về, đừng pha nước pha trà chi hết . Tôi muốn nhờ Lương một việc, không phải vì tôi đâu, mà vì Khảm...

Lương cố dằn lòng cho thật trầm tĩnh, giọng chị cũng nhẹ lại :

- Anh cứ ngồi xuống ghế đi, nói thong thả xem chuyện gì nào ?

- Tôi cứ đứng thế này cũng được. Nói vắn tắt thế này..Chiều nay thằng Đình về chỗ tôi. Tôi đã đồng ý viết đơn kháng án.. Kể ra, mười mấy tháng tù treo thì... cũng sắp hết rồi, bởi người ta cộng cả thời gian tạm giam nữa mà. Tuy nhiên, có hết hạn thì cũng mang tiếng bị tù...

Lương gật gù :

- Anh nghĩ phải lắm..Tội gì mà không kháng án, dầu sao trong sạch vẫn hơn...

- Không. Đối với tôi lúc này, sạch hay bẩn thì cũng vậy thôi. Vấn đề là..đồng chí Khảm. Tôi hỏi thật nhé, có phải Lương đã tận mắt nhìn thấy hài cốt anh ấy không không bị xẻ chia gì đúng không ?

Lương thở dài, lắc nhẹ đầu :

- Nhưng tôi làm sao nói cho họ tin?

- Không. Không phải tôi nhờ Lương cãi hộ đâu. Vấn đề là có đúng như thế không ? Tôi cần biết chuyện đó để mà..vững lòng tin của mình thôi.

- Đúng thế. Tôi đã lặng lẽ theo anh đến tận nghĩa trang...Chỉ có điều, sau đó người ta không táng ngay mà lại đặt xếp hàng lên phía trước đài để làm lễ..Tôi không vào được nữa. Thành ra, bây giờ tôi không xác định được chỗ táng...

Đọt ngồi phịch xuống ghế, giọng anh rắn lại :

- Thế là được rồi. Thằng Đình nói, có một người có thể khẳng định được vị trí mộ anh Khảm. Nếu cất bốc được anh ấy lên mà thấy còn toàn vẹn thì tôi sẽ thanh thản cho đến hết đời...

- Nhưng cất lên, ai chứng nhận cho đấy là anh Khảm ?

- Con Linh. Nó đã lén bỏ vào trong tiểu quan một khúc dác trầm...

Ánh mắt Lương chợt sáng lên :

- Hay quá ! Vậy, anh vừa bảo ai có thể chỉ được vị trí mộ ?

Đọt bậm môi lại một lúc, mắt cứ nhìn Lương đăm đăm. Lương sốt ruột giục

- Ai, nói đi chứ ?

- Hắn !

- Hắn ? Lão Rệ ?....

Cái tên như một quả bom nổ chậm, như một cạm bẫy lừ lừ hiện ra khiến cả Đọt lẫn Lương, những con người lì lợm, từng trải nhất cũng cảm tháy ớn lạnh. Họ ngậm tăm, đưa mắt nhìn nhau dò hỏi..Lương mất bình tĩnh như thể chính chị sắp phải vào ngục :

- Toi rồi...

- Vẫn còn có khả năng mà...

- Tôi hiểu ý anh rồi. Nhưng vô ích thôi...

- Lương bảo thế nào là vô ích...

- Nó ghét tôi hơn ghét chó....

Đọt nuốt ực một cái trong cổ:

- Không...Không phải tôi nhờ Lương đi khuyên hắn đâu..Mà nhờ Lương...khuyên một người khác....

Lương ngước mắt lên nhìn Đọt, chớp chớp mi. Đọt gật gật đầu. Tín hiệu của họ chẳng khác gì thuở còn hoạt động bí mật. Và thế là họ đã hiểu nhau. Lương hiểu rõ nhiệm vụ của chị sắp phải đối mặt với một người ...

Đọt quay về vội vã giống như lúc đến. Còn Lương thì bần thần và bồn chồn. Suốt cả đêm ấy, con người chị cứ như cô gái trước đêm tân hôn. Không hẳn quá sợ sệt, lo âu, cũng chẳng phải xúc động, khao khát, cho dù bây giờ tình thế đã có nhiều đổi khác, cho dù tình bạn của đôi chim câu ấy giờ này thật sự đã phôi phai. Đã quá nhiều năm họ cố tình coi như không có nhau trên cõi đời này và cũng không có nhau cả trong ký ức mỗi người, nhưng mà từ trong thẳm sâu tâm khảm, hòn than ấy vẫn cứ nồng nàn. Ngọt ngào, cay đắng, hờn giận, rồi căm ghét, ngần ấy thứ vẫn chẳng hề hoà quyện nhau, nó chỉ xô đẩy, chèn lấn và nhận chìm nhau như những mảnh kim, hòn cuội kéo nhau lặn hút xuống đáy sông, chỉ để lại trên bề mặt cuộc đời những váng bùn lạnh ngắt. Thế mà giờ đây, tình thế lại cố tình xô đẩy họ chạm mặt với nhau, như hai dòng đối lưu cuốn vào một điểm xoáy, sự thể rồi sẽ ra sao, có thành được một đoạn sông cuối cùng để trôi ra cửa biển hay lại kéo nhau cùng mất hút vĩnh viễn giữa dòng đời?

Sáng hôm sau, Lương thức dậy sớm, sửa soạn đồ đạc như thể sắp phải đi một chuyền du lịch xa, lại còn điểm thêm một chút phấn má và son môi nữa. Chị dừng lại khá lâu trước tấm gương, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt mình . Không phải chị cố tìm lại nét trẻ trung sắc sảo ngày xưa, cái chị cần lúc này là sự tự tin của ánh mắt, một ánh mắt chưa từng biết rụt rè, e sợ...

Chị lên xe đò ở Cam Lộ, về tới Đông Hà chỉ mất hơn ba chục phút, lại đổi xe đi Huế. Vào đến nhà Li thì trời đã gần trưa.

Như vậy là khởi sự mọi việc đều suôn sẻ. Xe cộ không có gì trắc trở. Vừa bước vào sân đã thấy Li ngồi tựa lưng đọc báo ở ghế sa lông gỗ giữa nhà. Thế là ổn. Lương khẽ thở ra một tiếng rồi cố làm bộ thanh thản bước vào, miệng cười rất tươi :

- Chào lãnh đạo !

Li không hề giật mình. Chị ngước nhìn một cách chậm chạp. Đôi mắt cũng khẽ chớp chớp mấy cái rồi dừng lại. Cái nhìn rất lâu, rất kỹ. Còn Lương thì vẫn dừng bước ngay ở ngưỡng cửa, nụ cười vẫn nở rất tươi...

- Chị đó ư ?

- Dạ phải...

Một tiếng thở nghe rất rõ:

-Dạ với trời....Sao cứ đứng thế, nhà tôi không được sạch à?

Có vẻ như đã bắt đầu tuyên chiến. Nhưng Lương đã chuẩn bị rất sẵn sàng. Chị bước vào, không ngồi xuống ghế vội mà lại bước xán tới sát trước mặt Li, chụp hai tay lên mái tóc bạn vuốt :

- Xem nào... có tóc bạc chưa ?

- Đâu đến nỗi, tôi còn ít tuổi hơn chị mà.

- Nhưng quyền cao, chức trọng, lo âu nhiều.... Chị xem tôi đây này.

Vừa nói Lương vừa cúi đầu xuống, tự tay vạch tóc giữa chõm đầu như kiểu bắt chấy thuở còn bé . Li dướn cặp kính lên xem. Có cả một đám trắng của tóc và hình như còn rụng hói nữa. Lại thêm một hơi thở dài.

Bây giờ thì cả hai cùng ngồi đối diện nhau. Li chầm chậm pha nước. Còn Lương đảo mắt nhìn bao quát cả ngôi nhà.

Li hỏi : " Có chuyện gì mà lặn lội vào đến đây ? Hay..vì chuyện con Linh."

Lương lại hỏi lại : " Con Linh làm sao ?"

Li khẽ nhếch mép : " Thì có làm sao đâu... Mà có sao thì ở ngoài đó, chị phải biết chứ !"

Lương thở hắt một cái : " Không có chuyện gì đâu. Nó vẫn thế, chỉ một tội, chẳng có thằng đàn ông nào đến gần cả..Tôi thật không sao hiểu nổi nó nữa"

Li lại cười : "Có lẽ tại bố mẹ nó hưởng hết đó thôi".

Lương phì cười, đôi mắt bất ngờ trở nên lúng liếng : "Cả hai bố, hai mẹ đều thế cả, đều giành hết của nó...".

Đợi Lương nhấp hết ngụm nước, nét mặt Li trở lại nghiêm chỉnh :

- Này, nói thật đi, chuyện gì nào ?

- Anh Khảm !...

- Khảm làm sao ?

Lương chậm rải kể lại từ đầu, Li chăm chú nghe, đôi môi thỉnh thoảng mím chặt. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ cái đận Li được đề bạt làm Liên đội trưởng Liên đội cải cách, có lẽ chưa bao giờ đôi bạn ấy lại trầm tĩnh lắng nghe nhau đến thế. Cuối cùng Linh nói rõ ý định :

- Đọt rất muốn gặp cậu, nhưng ngại. Cậu giúp được việc này là giúp cho Đọt, cho mình, cho cả con Linh...Mà trên tất cả mọi điều chính là giúp Khảm. Anh ấy đã yên nghỉ rồi, mình không muốn anh ấy phải nặng lòng với lũ chúng ta nữa.

Lương nín lặng chờ đợi, rất lâu mà không thấy Li có một phản ứng gì. Cả thế ngồi, cả đôi mắt thâm sâu, cả vành môi mím chặt cũng không hề thay đổi. Sốt ruột, Lương ốp hai tay lên tay bạn :

- Sao Li, có giúp được không ?

Giọng Li trầm lắng đến không ngờ :

- Mình sẽ cố gắng... nhưng được hay không còn do ý trời nữa.

l

Người đàn ông ấy trạc tuổi dưới năm mươi, khá mập mạp và hồng hào. Nếu gặp anh ta ngoài đường, có thể đoán đấy là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, hoặc có thể là trưởng phòng của một cơ quan đầu ngành cấp tỉnh. Không phải chỉ vì dáng người béo tốt, mà cả đến phong thái, khuôn mặt và cách thức tiếp xúc nữa, không ai có thể nghĩ đây lại là con người thuộc thế giới thần bí. Thầy đồng ấy tên là Hiệp.

Khi Linh vừa đặt chân đến, thầy Hiệp tỏ ra rất lịch thiệp, nhẹ nhàng. Thầy hướng dẫn cho Linh cách thức rửa hoa quả, đặt lên các vị trí trên tam cấp bàn thờ mà thầy gọi là bàn Hội đồng. Lễ vật Linh mang đến rất đơn giản. Một nắm hoa, một xấp giấy vàng mã, một túi hoa quả và mấy bó hương. Quan trọng nhất là vật dụng để xin ứng nghiệm thần linh, đấy là ba quả trứng gà, bảy chiếc đũa tre.

Sau khi bày xong lễ vật, thầy bảo Linh thắp hương lên bàn Hội đồng, tự mình khấn nguyện điều cần biết, còn thầy lui về phía trong thay quần áo. Một lúc sau, thầy Hiệp bước ra. Đấy là một con người khác, không phải vì bộ quần áo lễ phục khoác trên người, mà cả phong cách, lời nói, cử chỉ cũng khác. Gấp gáp hơn, nặng nhọc hơn, có cả sự cáu kỉnh gay gắt vô lý nữa.

- Chị ngồi xuống, hướng về bàn Hội đồng, thật tập trung vào mà cầu khấn... Sao lại ngồi kiểu ấy ? Không biết ngồi hả?...

Linh nhẫn nại tuân theo. Thầy cũng ngồi xuống trước bàn lễ thấp, một tay cầm que hương đang cháy, một tay cầm lên quả trứng gà xoay xoay lên trước làn khói hương. Có lẽ thầy lẩm nhẩm cầu điều gì đó. Rồi thầy cắm vào bát hương một chiếc đũa. Chiếc đũa hơi đổ xiên. Bàn tay cầm trứng của thầy run run. Cả con người cũng run. Hơi thở bỗng trở nên dồn dập. Thế rồi, như một nhà ảo thuật kỳ tài, quả trứng được đặt dọc lên đầu chiếc đũa, đứng im như người ta găm một quả táo. Linh thấy ớn lạnh cả sống lưng, chị vội vàng chấp tay vái lia lịa. Chưa kịp định thần thì bàn tay ảo thuật kia cũng đã dựng đứng thêm một quả trứng nữa trong lòng đĩa. Tiếp theo, thầy với tay lấy một xấp khăn đen, một tấm vải đỏ, quay sang bảo với Linh :- Chị giúp tôi bịt mắt. Linh vội nhổm dậy, lui ra phía sau lưng thầy, thắt chặt xếp vải đen lên phần mặt trên, rồi lại trùm lên một khuông vải đỏ. Bây giờ thì không còn là một cái đầu người mà là một cục đỏ biết cựa quậy và phát ra tiếng nói.

Linh cố nghe mà chẳng hiểu gì hết. Một phần là vì cả đời chưa bao giờ Linh được nghe những lời cầu nguyện bí hiểm như thế ... Phần nữa là cô đã hoàn toàn bị cái khung cảnh này làm cho rối loạn tâm trí ! Một người con gái đầy bản lĩnh, thậm chí có phần ngang tàng liều lĩnh nữa, có lẽ đây là làn đầu tiên Linh hoàn toàn mất phương hướng. Những lời cầu nguyện cứ đều đều vang lên như tiếng chuông, không trầm, không bổng, nào là "nam mô quan thế âm bồ tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn...", rồi thì " những vị chư tăng đại đức, toàn năng...", cái gì nữa mà là " khẩn nguyện chư vị Hội đồng, đại thần nhập xác...". Hai tai Linh ngỡ như ù đặc. Hương khói nhoè trước mắt, ngột ngạt hơi thở. Có một phút im lặng. Linh gần như nín thở chờ đợi. Đột ngột, cả cái khối đen có cục đỏ phía trên ấy giật bắn lên nghe " phực" một cái ! Cả người Linh cũng giật né suýt nữa bổ chửng ra sau. Ba que hương trên tay thầy run lẩy bẩy. Linh đã kịp nhận ra tình thế này, ngài đã nhập xác. Thầy quờ tay lấy bút giấy, vẽ ra một hình vuông, bốn góc có thêm bốn hình móc câu, ở giữa lằng nhằng mấy chữ hán... Rồi tay đưa cái bản vẽ quái đản ấy lên trước mặt bàn thờ, lật mặt giấy có nét vẽ về phía ấy, mồm xướng to những lời gì đó như tiếng người thượng không sao hiểu được. Lại đặt tờ giấy xuống, viết thêm năm ba dòng cũng kiểu chữ ấy. Một chốc, thầy thở dốc một cái rồi quay sang phía Linh. Giọng thầy lúc này có nhẹ hơn, lại nói tiếng người kinh, nhưng âm điệu thì vẫn là cái thứ âm người thượng :

- Liệt sĩ có tên là Hoàng Khảm ?

Linh rùng mình, kinh hãi. Từ khi bước vào chốn này Linh tuyệt nhiên không hở miệng, khai báo với ai, cô chỉ thầm khấn nguyện trước bàn thờ, mà lời khấn chỉ thầm thì trong lòng chẳng ai có thể nghe được.

- Đúng không ?

Bị hỏi giật giọng, Linh cuống lên:

- Dạ... lạy ngài đúng ạ.

- Liệt sĩ hy sinh ngày 24 tháng 9 năm 1967, đúng không ?

- Dạ, lạy ngài đúng ạ- Nói xong, Linh vội ngậm chặt miệng. Sao mình vội vã thế, nếu nhầm thì sao? Năm 1967 thì đúng rồi, khoảng tháng chín cũng gần đúng, còn ngày thì... quả thật, mình quên hỏi mẹ.....

- Liệt sĩ mất ở phía tây, nằm bên một bờ khe nước nhỏ. Mộ phần nay đã được cải táng về nghĩa trang. Liệt sĩ có buồn, không phải buồn vì sự hy sinh mà buồn vì người trần. Có vợ mà không thành vợ, có con mà chẳng nhận con, lại thêm trần gian nháo nhác, lẫn lộn vàng thau...

- Trời ơi đúng rồi, đúng rồi, lạy ngài, đúng lắm ạ !...

Linh cuống lên, la to quên cả phép tắc. Rồi cô hỏi dồn dập :

- Thưa ngài, liệu hài cốt có còn nguyên vẹn không ?

- Còn, rất nguyên vẹn. Nhưng liệt sĩ vẫn đau vì một số đồng đội xung quanh không được như thế...

- Dạ dạ, lạy ngài, mong ngài có thể chỉ dẫn phần mộ.

- Mộ được an táng đàng hoàng. Ngôi thứ tám, hàng mười một, khu C...

- Trời đất ơi...

- Có còn hỏi gì nữa không ?

- Dạ.. con muốn biết..có cách gì nhận ra hài cốt ?

- À, có . Trong tiểu quan có báu vật... Báu vật của đứa con gửi theo.

- Ôi, lạy ngài !

l

Mẹ tôi thường nói gọn một câu : chết là hết ! Cha tôi thì khác. Ông là một thầy cúng, ông nói chết là một sự hoá kiếp. Nhưng như tôi đã kể lúc đầu, ông ấy chỉ là loại thầy nghiệp dư, ham chơi nhiều hơn là ý thức làm nghề thật. Thế nên đôi khi ông lại đùa: giá như được chết thử một lần coi nó ra làm sao !

Việc gì trên đời đều có thể làm thử để rút kinh nghiệm. Nhưng cái chết thì không thể. Tôi biết rõ điều ấy. Nhưng sao tôi vẫn không tin nổi vào cái chết của mình. Cho đến tận giờ phút này tôi vẫn mơ màng với ý nghĩ rằng có lẽ đây chỉ là sự trải nghiệm. Mà cũng có thể là cách để người đời có điều kiện thẩm định lại cho cuộc sống của mình theo kiểu : vào chỗ sướng để hiểu được những cơn bỉ cực, hoặc ngược lại, vào nơi khổ ải để thấy rõ giá trị của những phút giây được sung sướng nhàn hạ.

Ít nhất là lúc này, tôi đã được tận mắt nhận rõ, ai là người trên dương thế quan tâm đến tôi nhất.

Tất cả đã tập trung đầy đủ từ rất sớm quanh mộ tôi. Đọt, Đình, Lương và Linh. Thêm cậu phụ trách quản trang nữa. Con Linh cứ vung tay, múa chân, hết cãi nhau với người quản trang lại cố gân cổ kể đi kể lại có lẽ phải đến mấy chục lần lời phán của thầy Hiệp. Nó trợn mắt nhìn mọi người : " Các bác không tin à ? Bố cũng không tin ư ? Em cũng nghi ngờ ư ? Vậy tôi hỏi nhé, ai nói cho ông thầy ấy biết tên tuổi của ba tôi, vị trí hy sinh, cả ngày giờ nữa... Các người thử giải thích đi..."

Mọi người chẳng ai dám cãi, nhưng cũng chẳng ai nói thêm được một lời bệnh vực. Ở đây, tất cả đều thuộc về phía duy vật. Làm thế nào để có thể tin vào chuyện tâm linh này đây?

Cậu quản trang cứ gãi gãi liên tục vào gáy, làm như thể mọi ẩn số đang dấu chặt sau ấy :

- Thưa với chị... nói thật là... bọn tôi không dám nói là không tin... Ngay cả bản thân tôi, có đêm đang ngủ, bỗng nhiên có một người đến lay vào vai. Tôi nhìn kỹ thì thấy rõ đấy là một người lính, đội mũ giải phóng hẳn hoi, vẻ mặt nghiêm nghị nhìn tôi, nói :- "Về ngay đi, con đồng chí bị rắn cắn !". Tôi choàng dậy. Lúc đó khoảng ba giờ sáng. Hoảng quá, tôi vội lấy hon-đa phóng thẳng về nhà. Về đến nơi thì đã hơn sáu giờ. Quả thật con tôi bị con rắn ngọn roi cắn. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, nó chỉ mới bị khoảng chừng năm phút trước đó. May quá, tôi đã kịp đưa con đến trạm xá...

Linh lại la to lên :

- Thì đó, ứng nghiệm ghê gớm như thế mà đồng chí vẫn không tin tôi sao?

- Nhưng mà... cậu ta lại gãi liên tục vào gáy- Những chuyện như thế chỉ mình mình biết. Còn cái lý thì...

- Lý thì sao ?

- Thì... chị cũng biết rồi đấy...Bây giờ cho phép chị khai quật mộ này lên, lỡ ra...

Linh trợn mắt chống hai tay vào nạnh, dáng vẻ dữ tợn :

- Này này..Tôi nói lại để chú nghe nhé. Thứ nhất, tôi đã có đơn đã có xác nhận tôi là con đẻ của liệt sĩ Khảm. Thứ hai, tôi quả quyết trong phần mộ này có một miếng dác trầm rất to, chính tay tôi bỏ vào...

-Khổ quá, tôi hiểu ý chị...Nhưng tôi xin hỏi lại, nếu lỡ như đào lên, không có thứ đó thì sao ?

- Thì tôi sẽ đền, làm lại vỏ mộ mới. Tôi có thể làm thêm cả một mâm để cúng tạ tội. Tôi có thể bồi thường thêm tiền, năm triệu được chưa?

Người quản trang sa sầm mặt lại :

- Này, chị Linh ! Đứng ở chỗ này xin chị đừng mang tiền ra nói. Năm triệu hay mười triệu của chị chẳng có ý nghĩa gì đâu...

Linh há to miệng nhưng không thể thốt ra lời. Nó tự giận mình quá vội vã. Nhưng may quá, ngay lúc ấy Đọt đã bước lên, cả khuôn mặt và đôi mắt đều lừ lừ nom rất đáng sợ :

- Này, chú quản trang, vậy theo chú, đứng ở chỗ này cái gì là cái đáng nói nhất ? Cái gì là thứ chú cho là có ý nghĩa hơn cả...

Cậu quản trang bỗng nhiên ngắc ngứ, rơi vào thế bị động :

- Cháu... cháu cũng chẳng biết nữa...Có điều cháu phải đảm bảo nguyên tắc. Mong các bác, các chị thông cảm...

- Hừ, thế là rõ rồi đấy. Cái có ý nghĩa nhất ở chỗ này là nguyên tắc đúng không ?

- Thưa bác...

- Tôi nói vậy không phải để bắt chẹt chú đâu. Nguyên tắc là phải. Nhưng chú có thể giải thích cho bọn tôi cái nguyên tắc ấy như thế nào không ?

Mặt cậu quản trang ngẩn ra :

- Thì... có gì đâu mà phải giải thích...chắc bác hiểu rõ rồi mà...

- Không không, tôi hoàn toàn không hiểu gì cả.

- Bác ơi, vấn đề đào lên chôn xuống đối với người âm là là....

- Là sao ? Là cấm kị hả ? Này, nếu không đào lên chôn xuống thì làm sao có thể đưa các đồng chí ấy về đây được ? Nếu tôi biết cái nguyên tắc như vậy thì đã không dám lặn lội lên tận trên nguồn nước kia đưa anh ấy về đây... Tôi hỏi đồng chí một câu này nhé, đồng chí vì nguyên tắc người âm hay nguyên tắc người dương ?

Đôi lông mày cậu quản trang nhíu lại :

- Bây giờ thì đến lượt cháu không hiểu bác nói gì ?

- Không hiểu hả? Tôi giải thích nhé. Nếu vì người âm , cậu ngại chuyện bới lên lấp xuống thì bọn này xin lãnh đủ. Bọn này sẽ đặt mâm, lên hương, thắp đèn xin phép rồi tự tay bổ cuốc. Nếu vong linh có quở trách thì quở trách bọn này không liên quan đến cậu. Mấy lại, việc xác định danh tánh cho một vong linh là việc làm có hiếu, có nghĩa, không ai nỡ trách đâu. Còn nếu, cậu vì nguyên tắc của người dương, có nghĩa là cái gì đã lỡ sắp đặt thế nào thì cứ cam chịu thế ấy, không ai có quyền được tìm ra sự thật để chứng minh lại cái không đúng đã lỡ ai bài , thì...nói thật nhé, cậu không xứng đáng là thằng lính , không nên làm nhiệm vụ ở đây... Tôi nói vậy, cậu thấy chói tai không ?

Cả khuôn mặt cậu quản trang đỏ lựng lên, đôi môi mấp máy. Có lẽ cậu ta sẽ quát, hoặc hét, thậm chí có thể túm cổ áo Đọt. Là tôi đoán thế. Nhưng tất cả chưa kịp làm gì, thì từ phía cổng nghĩa trang, một chiếc xe bốn chỗ ngồi màu đen lao vào.

Chiếc xe dừng lại ngay sát vành ngoài của khu mộ. Người bước xuống đầu tiên là phó giám đốc Sở lao động Thương binh và xã hội. Có lẽ vì thế mà cậu quản trang lập tức xẹp cơn tức giận quay vội ra đón cấp trên. Người tiếp theo là một phụ nữ luống tuổi. Cả Đọt, Lương và Linh đều khẽ reo lên .

Nhưng chỉ có Lương và Linh là chạy lên phía trước để đón Li, còn Đọt đi thì đứng như bị chôn chân. Mắt anh mở to, mồm cũng há rộng nhưng không kêu thành tiếng. Anh đã kịp nhận ra hai người đàn ông già phía sau. Một người dìu một người. Người khoẻ hơn, Đọt chỉ nhớ mang máng. Còn người gầy yếu, hom hem đang được dìu thì anh không sao nhầm được. Đồng chí Quảng..Tất cả đã đến trước mặt Đọt. Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội nhanh nhẩu giới thiệu :

- Đây là bác Quảng, chú Sinh, nguyên là bí thư huyện uỷ. Đây là chị Li..chắc là các bác, các chú đều đã quen. Còn..giới thiệu với bác Quảng và chú Sinh, chị Li, đây là chị Lương..là là...

Li khẽ mỉm cười nói đỡ lời :

- Là chồng của liệt sĩ Khảm, bố của cháu Linh đó...

Cậu phó Sở cũng nhoẻn cười.

- Dạ dạ, đúng thế..còn đây là..chú Phạm Đọt...

Li cũng nói luôn :

- Anh Đọt thì các đồng chí đây không ai lạ gì đâu.

Sinh bước đến nắm chặt tay Đọt, rung rung :

- Mấy lần tôi cố tìm đồng chí mà không gặp. Tôi đã nghe mấy chuyện lạ kỳ. Này, tôi phải nói ngay việc này, tôi không có viết thư viết từ bảo đồng chí đi an dưỡng trị bệnh gì đâu nhé. Nếu cần...

Đọt thở dài :

- Thôi, lúc này có nói gì cũng vô ích...

Lương ghé tai hỏi khẽ :

- Li ơi, tình hình thế nào ?

- Hắn chịu nói rồi, dầu sao cuối đời, hắn cũng làm được một việc có ích. Hắn còn nói cũng đã toan tính tới chuyện chia cốt ấy ra làm ba, nhưng không hiểu sao hắn thấy ớn sợ..Có lẽ anh Khảm thiêng quá .

Phó giám đốc Sở quay ra cậu quản trang :

- Đồng chí này, theo lời khai của tên Cao Rệ, ngôi mộ đồng chí Khảm được táng ở khu C, hàng mười một, ngôi thứ tám.

Bất giác Linh chấp hai tay vào ngực, khẽ nhắm mắt lại, còn Lương đưa vội tay lên làm dấu thánh. Cậu quản trang thì tròn mắt ra nhìn hai người lộ rõ vẻ sợ hãi. Phó giám đốc nói tiếp :

- Thể theo nguyện vọng của những người thân và các đồng chí lão thành , chúng ta hãy xin phép hương hồn liệt sĩ để xác định lại danh tánh cho mộ khuyết danh.

Cả đám người lập tức tản ra. Những nắm hương được đốt lên cắm dày đặc bốn phía. Nắp mộ được cạy ra không mấy khó khăn. Linh là người đầu tiên lao vào bất chấp sự can ngăn của mọi người. Nó chồm người lên, vục cả hai tay xuống, run rẩy lật dở tấm vải đỏ... Ngần ấy con người cùng nín thở. Bộ hài cốt đã hiện ra, đầy đủ từ đầu đến tứ chi... Linh bới tay xuống phía dưới. Rồi bàn tay nó run rẩy lôi lên một cục dác trầm. Nó gào to: Ba ơi !...

Ngoài tiếng gào của nó, không còn một âm thanh nào khác. Tất cả đang cúi đầu. Chỉ có những tiếng thở nặng nhọc và hương khói tràn trề.

l

Họ, tất cả những con người dương thế ấy không ai dám nhìn thẳng vào xương cốt tôi. Con Linh thì mải khóc. Còn những người khác lại cúi đầu suy nghĩ . Nhưng tôi có đầy đủ sự trầm tĩnh và thanh thản để ngắm nhìn từng khuôn mặt của họ, cả lạ lẫn quen. Không biết họ đang nghĩ gì, về đạo lý của cái sống và cái chết , hay chỉ nghĩ cho chính bản thân, nghĩ đến những gì mà kiếp sống của họ đã trải qua, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả may mắn lẫn bất hạnh. Đường trần là thứ không ai có thể né tránh, người ta chỉ có thể làm được một điều, là sau từng chặng dài thì quay đầu nhìn lại, để mà ngẫm nghĩ. Tuy nhiên, muốn ngoảnh lại nhìn cũng cần phải có duyên cớ. Cái chết của tôi chính là cái cớ cho những người này, dẫu rằng cả tôi lẫn họ chẳng ai muốn điều ấy xẩy ra.

Rồi thì chắc chắn mọi thứ đều sẽ phải trở lại bình thường. Ai yên nghỉ sẽ được yên nghỉ, ai còn sống cũng sẽ tiếp tục sống. Dòng nước không thể chảy ngược, con sông cứ phải xuôi về biển, đá cuội vẫn lặn xuống đáy dòng, và những bến đò hoang sơ như bến xưa Hói Cụ ấy vẫn muôn đời tĩnh lặng hệt như bản năng con người thuở ban mai, trong trắng và sạch sẽ vô ngần.

Quảng Trị- Suối nước nóng Thanh Tân
Mùa đông 2003

Đăng ngày 14/01/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nguyễn Thị Hợi - 10/04/2008

Dạo ở trại sáng tác QT, cháu có xin chú cuốn tiểu thuyết này (vì mua không có). Chú đã hứa cho cháu, nhưng cháu chưa có điều kiện để đến nhận. Nay chú post lên đây, cháu phải cop ngay về đọc. Cám ơn chú rất nhiều.
Nhưng, sắp tới về nghỉ hè, chú nhớ tặng cháu sách nhé! (Wink)

  Gửi bởi: StarFree - 31/12/2008

Một câu chuyện với rất nhiều tầng nghĩa. "...bản năng con người thuở ban mai, trong trắng và sạch sẽ vô ngần."
  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 10/04/2012

Kính gửi sư phọ Xuân Đức!
Cơ duyên đưa em đến đọc cuốn Bến đò xưa lặng lẽ của anh thứ nhất do cô bạn Vi Ngã- nguyên trưởng đài truyền thanh Củ Chi. Vi Ngã bảo- với cuốn tiểu thuyết này- Xuân Đức đứng trên tầm Nam Cao trong văn xuôi Việt nam hiện đại. Thứ đến là bài bình luận của  trùm bình văn Việt nam- Lê Thành Nghị mà em cóp từ trang anh về blog của em- hoaitohanh.blogtiengviet.net - anh rảnh sang trang em giao lưu cho zvdui...
Anh ạ, nếu không bận- em sẽ đọc một lèo xong cuốn tiểu thuyết này của anh trong một ngày bởi anh viết rất sống động, cuốn hút. Em là tên ưa quai mỏ ra chê bai người khác nhưng cuốn tiểu thuyết này của anh quả thực em không tìm ra lỗi để "bới thối" ngoài việc chính tả có mươi lỗi trật lấc chắc do anh mệt sinh lẫn lộn như có chỗ là Lương anh viết thành Li và ngược lại, rồi đoạn cuối giới thiệu đây là chị Lương-chồng anh Khảm- ba của cháu Linh v.v... Thế ra chị Lương vừa là chồng anh Khảm vừa là ba của cháu Linh hihihi... Anh nên đọc lại một lần cuốn sách của anh trước khi in hoặc post lên mạng. Em đôi khi cũng vấp phải lỗi tương tự.
Đọc xong cuốn sách này, nếu em là tỉnh trưởng Quảng Trị, em sẽ thưởng cho anh 1 tỉ đồng. Mọi người sẽ nhớ mãi trong tâm khảm những cảnh huống, số phận của nhân dân và cách mạng, quân ta và quân địch ở vùng đất này, nhớ mãi Quảng trị một thời qua cuốn sách của anh chứ không phải những số liệu khô khan trong những trang sử địa phương. Em chẳng những thưởng anh tiền tỉ cho anh có sức viết tiếp mà còn phong thần cho anh bậc huyền không- võ sử!!! hihihi- đó là cái chức gì chính em cũng không biết nữa...
Đọc sách anh em thương nhất là Lương. Anh rất thành công khi quăng ném nhân vật này vào nhiều cõi của cuộc chiến. Ôi chiến tranh! Nếu là thời bình Lương có thể thành hoa hậu, thành mệnh phụ phu nhân cấp trung ương không chừng. Nhưng chiến tranh đã xô lên, đạp xuống số phận Lương- ba chìm bảy nổi chín lênh đênh với bao nhiêu bất hạnh, khốn khổ, giằng xé. Cũng rất thành công khi anh khắc họa Khảm, Đọt, Li, Linh và cả cha Cố Cựu, Cao Rệ, Thuẫn... Anh cũng rất giỏi bài binh bố trận các chương hồi và rất độc đáo khi nhân vật chính của tiểu thuyết  dẫn kể, kết nối toàn bộ câu chuyện từ đầu chí cuối là Khảm-một vong linh liệt sĩ, một người âm... Anh cũng thành công với nhiều tình tiết, hoàn cảnh độc đáo, bất ngờ để khắc họa các nhân vật một cách sống động, chân thật, hợp tình, hợp lý, đẩy bi hài kịch đến tận cùngv.v...Nói chung anh là tay cao thủ võ lâm mà em rất nể từ kịch nói đến tiểu thuyết.
Cuộc sống thời bình- ngủ thì ai cũng như lương thiện. Khi có biến, có chiến tranh, mọi người được quăng vào chảo lửa thì lương thiện hay bất lương, chính trực hay cơ hội, lươn lẹo, chí cốt hay chiêu hồi, sắt đá, xăng pha nhớt như con lật đật vừa quay phải đã quay trái- tất tật hiện rõ mồn một trong bộ sử thi xứ Quảng này. Đau là ở chỗ cùng là làng xóm, ruột thị với nhau, cùng là người Việt máu đỏ da vàng cả- vậy mà phân hóa thành hai phe lâm chiến- máu chảy đầu rơi... Hàng triệu người Việt chết trong hàng chục năm lâm chiến là chính chứ Pháp hay Mỹ có chết trên đất này nhiều kinh khủng đến thế đâu... Rồi hậu chiến- những vết thương lòng mãi vẫn mãi rỉ máu trong cả người sống lẫn tâm khảm của vong linh... Mỗi người có nỗi đau riêng và duyên nghiệp tái sinh luân hồi, nhân quả ngay trước mắt, cảm giác trùng trùng điệp điệp những bất hạnh- hình như không có ai hạnh phúc, toại nguyện từ chiến tranh đến hòa bình- thương lắm-Quảng trị ơi!...
Cám ơn anh đã mài bút, mài não bộ, mài tim, mài... đũng quần cho ra lò cuốn tiểu thuyết này. Anh nói anh không kể sử thi nhưng sử thi Quảng Trị cứ sừng sững trong cổ tích Bến đò xưa lặng lẽ của anh.
 Giờ đã quá nửa đêm về sáng. Em khò đây. Hy vọng sau khi có thời gian đọc lại cuốn sách này của anh, em sẽ bổ sung cho cảm nhận này thêm đầy đủ.
Chúc ông bác khò khò ngon lành nhé!
Đệ tử xin vái sư phụ một vái lấy hên ạ. hehehe...

  Gửi bởi: Hoài tố hạnh - 08/07/2012

Chào anh Xuân Đức!
 Hoài Tố Hạnh giới thiệu trang anh qua bài Lê Thanh Nghị và cóp 2 cảm nghĩ bên hoaitohanh.blogtiengviet.net sang anh đọc cho dzvui...
2. Cảm nhận từ: LÃO KHOA Email 07.04.12@23:05
Thay mặt LTN và XĐ, cám ơn mụ. Mụ đã biến Blog thành tờ báo mạng rồi. Một sáng kiến hay.

3. Cảm nhận từ: Vinga Email 08.04.12@09:39
Mình đọc BĐXLL lâu lắm rồi nhưng đến giờ vẫn còn đọng lại những tình cảm vừa nặng nề vừa thanh thoát của cuộc chiến oai hùng mà bi tráng, tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất 1con người bị quăng vào lò lửa chiến tranh với đầy đủ những tham sân si hỉ nộ ái ố...BĐXLL có cả hài, cái hài của đau thương làm mình rơi nước mắt. Mình đã lúc cười lúc khóc khi đọc nó. Nó đã làm mình đau đến trang cuối, Đọc "nó" lần nữa mình vẫn xúc động như lần đầu, giống như khi mình đọc "thằng gù" hay "ruồi trâu" vậy.
Cám ơn XĐ với BĐXLL.

  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 08/07/2012

XUANDUC.VN & TRẦN NHUẬN MINH- HOÀI TỐ HẠNH

Link cố định 08/07/2012@18h43, 5 lượt xem, viết bởi: hoaitohanh
Chuyên mục: Ca khúc của Hoài Tố Hạnh, Tác phẩm của bạn tôi
Văn chương Việt nam hiện đại, chưa ai khiến tôi nể, sợ và học hỏi được nhiều như nhà văn Xuân Đức. Đây cũng là nhận xét của một số bạn tôi- những người bạn đọc từng trải mà chẳng phải văn sĩ. Và phải chăng cảm nhận của chúng tôi là chính xác? Tôi vào google gõ Xuân Đức cho kết quả 96 triệu. Và bạn hãy gõ vào google tiếp nhé- nhà văn Xuân Đức, nhà soạn kịch Xuân Đức, nhà thơ Xuân Đức, xuanduc blog, web Xuân Đức,Những bài viết về nhà văn Xuân Đức, Xuân Đức và các giải thưởng v.v... để bạn thêm tin mà đến với Xuân Đức mà không sợ phí thời gian của mình.
Cũng đám bạn trên của tôi bảo- Trần Đăng Khoa thì quá nổi tiếng nhưng thơ Trần Nhuận Minh- anh trai Trần Đăng Khoa hay hơn thơ lão Khoa rất nhiều dù không nổi như lão Khoa. Tôi vào trang xuân Đức- lần đầu đọc Trần Nhuận Minh- quả là hay hơn Lão Khoa thật. Bên trang anh Xuân Đức số người xem anh Nhuận Minh gấp mấy lần xem Trần thần Khoa... Vậy nên mẹ Đốp Hoài Tố Hạnh có mấy câu thế này:
Mẹ lão Khoa đẻ rõ tài
Vèo vèo hai phát ra hai...nhà THỜ
Lão Khoa thì mãi lơ mơ
Trắng tay, cháy óc vẫn chưa hết màng
Nhuận Minh mải đếm mây ngàn
Đợi con mòn mỏi- trăng tàn Góc sân...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan