Friday, October 9, 2015

Bốn bức ảnh trên bàn thờ

Tác giả: Thân Thơ




Lý khép nép lại gần tấm phên tre đan, thứ bà chủ quầy hoa dùng để che sạp hoa của mình khi đã hết ngày buôn bán. Cô bé đã đến chợ hoa này đến hàng chục lần. Không biết có ai để ý đến nó không? Lý chắc là không. Vì chắng có ai ngăn, ai hỏi hoặc đuổi nó khi nó vào ra đây cả. Dáng đi lại đường hoàng, cẩn thận, len lỏi giữa chợ, trông không giống là đứa ăn xin, bụi đời, vì cả quần áo, đầu tóc cũng không giống thế. Cũng không giống đưa ăn cắp, vì ăn cắp phải lấm la, lấm lét, nhìn tới nhìn lui, nhìn ngang liếc dọc. Lý không thế. Trong thâm tâm Lý đi các hàng hoa, để ý xem xem có bà nào cô nào, nhiều việc, thiếu người, để Lý ngỏ lời xin việc làm. Dù là một việc nhỏ nhoi nhất, được trả thấp nhất. Vậy là lần này, Lý đã tia được một chỗ.
 Đó là một quầy hoa, nói đúng ra là một sạp hoa của một phụ nữ luống tuổi, trông hiền lành. Sạp đông khách, mà lại neo người. Lý nghĩ có thể đến đây, nói rõ ý nguyện với bà ta, thế nào cũng có được việc làm.
 Người phụ nữ cũng không còn trẻ nữa, bảy mươi chắc là chưa đến, nhưng cũng phải đến gần sáu mươi rồi. Mấy hôm quan sát, Lý biết bà rất bận bịu. Từ sáng sớm đã nhập hoa từ các vườn mang lại. Phân loại, đưa lên sạp. Lấy nước vào các xô, tưới cho các chậu hoa. Mà nước đâu có sẵn và gần. Phải xách xô đến cái vòi tít cuối chợ, đợi khá lâu mới lấy được một xô nước. Xong rồi lại bó bó, cắt cắt, tưới tắm, tung vẩy cho các loại hoa sắp đặt sẵn trên sạp. Tại sao Bà sạp hoa không có ai thêm giúp việc. Hay là Bà không thích thuê kẻ giúp. Nó nghĩ ngợi, nên còn lừng khừng, khép nép bên tấm liếp tre từ nãy đến giờ mà chưa lộ đầu xuất diện.
 - Này con nhỏ, mày làm gì mà nép bên sạp cô thế.
 Nó giật mình, khi nghe tiếng quát của bà sạp hoa. Hoá ra trong lúc bận túi bụi với bao nhiêu là việc, bà ta cũng đã để ý đến nó từ lúc nào. Đã thế thì ra luôn, không khép nép đây làm gì nữa.
 -  Dạ, con xem cô sắp đặt những bó hoa. Hoa đẹp quá cô à. Con là đứa yêu hoa mà.
 Trời! Con cái nhà ai mà nói hay ho đến thế. Sao nó giống mình cái thời còn thơ trẻ thế mới lạ. Giống bà vào cái thời ... khi bà mới mười bốn mười lăm tuổi, lớn lên tự một vùng quê nghèo ngoại ô thành phố. Một thành phố khác, chứ không phải ở thành phố này. Bà rất yêu hoa. Hoa của các nhà trồng hoa ở ngoại ô, hoa bán ở các quầy hoa, hoa mọc dại ở ven đường, bờ dậu, hoa trong trang sách, và hoa chập chờn trong những giấc chiêm bao của con gái ở tuổi mới lớn. Bây giờ tai bà đang nghe có một đứa con gái, giống như bà ngày xưa, mở mồm nói với bà, nó yêu hoa và khen hoa của bà đẹp. Mắt bà thì nhìn thấy nó từ đầu đến chân. Nó gầy khảnh, áo quần không đẹp nhưng lành lặn, sạch, gọn gàng. Hai cái má tròn trĩnh, ửng hồng, nổi rõ lên một cái mồm xinh xắn, tươi rói. Bà có cảm tình với con bé, ngay cái nhìn đầu tiên đó.
 -         Đẹp thật à con! Vậy con ở đâu tới, làm gì mà cứ ra vào mãi chợ này vậy.
 Ồ, thì ra Lý đến chợ, ra vào bao nhiêu lần đều không qua được con mắt của bà sạp hoa. Nó thoáng ngạc nhiên, nhưng lại thấy vui vui. Rõ ràng bà đã để ý đến nó, và bây giờ lại đang chuyện trò với nó nữa. Thôi có lẽ may mắn rồi đây. Nó nghĩ thế và trả lời.
 - Vâng, đẹp thật cô ạ. Con cũng muốn có một việc làm gì đó, nhưng con không biết có ai ở đây nhận con và giao việc cho con làm thuê không?
 Trời, lại giống mình ngày xưa thế nữa, ... lang thang khắp chợ, khắp các quán sá, mong tìm được một việc làm. Nghe nó nói đang đi xin việc làm, mà nó thập thò mãi ở quầy sạp của bà, thì đúng là muốn xin bà việc rồi. Thật ra bà không muốn cho ai làm cả. Đã có đến cả tá đứa con gái tuổi nó, nhỏ hơn có, lớn hơn cũng có đến đặt vấn đề xin bà ít việc giúp bà đỡ đần, và có được miếng cơm ăn. Bà từ chối hết. Ừ thì có vất vả, bận bịu suốt ngày, nhưng bà gắng được. Mà cho tới bây giờ, không có đứa nào giúp thì sạp hoa của bà vẫn tồn tại, vẫn đều đều cho bà cơm cháo, cái ăn cái mặc, và đến hàng năm bà cũng ăn được một cái tết khá thoả mãn, với mình, người đang sống, và với những người thân - đã chết. Đôi hôm trở trời, trở gió, mệt mỏi, đau lưng bà thấy vất vả thật. Nhiều khi tưởng chừng không gượng được, nhưng rồi cũng qua. Ở cái tuổi sắp lục tuần của bà, chuyện đó bà coi là bình thường. Một đôi lần bà nghĩ đến gọi một đứa giúp, nhưng rồi bà lại xua đi, vì hôm sau bà lại thấy khoẻ lại. Còn bây giờ? Có từ chối con bé này không? Bà thoáng nghĩ ngợi trong đầu. Vừa lấy tay ém mấy sợi tóc xoã xuống mặt, bà vừa liếc qua con bé. Nó chăm chăm nhìn bà hy vọng, chờ đợi. Nó chờ đợi bà nói một cái gì đó sau câu nó mới thốt ra. Trông mặt nó hiền lành, dễ thương làm sao. Nó lại yêu hoa nữa chứ. Nó lại giống mình như ngày xưa ấy. Nó bỗng nhiên không nhìn vào bà nữa. Thấy nó cúi xuống sạp hoa, lấy tay vơ đám lá, cuộng hoa, lạt bỏ đi thành một nắm rồi bỏ ra phía sau tấm liếp. Chỉ một động tác gọn, nhanh của nó, dưới sạp sạch quang, trông đến ưa. Tự nhiên bà buột miệng:
 -         Cô đồng ý. Con ở đây giúp với cô. Con thấy thế nào.
 Con bé mừng quá, không nói gì cả, tự dưng không cầm nổi bồng bột, nó chạy đến ôm lấy cổ bà sạp hoa, và cũng là lúc bà ngồi xuống mép sạp. Bấy giờ nó mới thốt ra:
 -         Con biết mà, con biết là cô không đuổi con đi mà.
 Nó nói trong nước mắt. Giời ôi, nước mắt ở đâu mà nhanh thế vậy. Hai cái má tròn của con bé đẫm nước, rỏ cả xuống mấy ngón tay nó đưa lên quệt, rỏ cả xuống dưới đất, nơi hai cái bàn chân nó đứng, run run. Nó khóc vì mừng, vì cảm động với tấm lòng của bà sạp hoa. Bà đỡ nó ra, lấy tay lau mặt cho nó. Nó nhoẻn miệng cười trong khi nước mắt còn chưa kịp khô. Hai cô cháu không nói gì. Họ nhìn nhau như thế trong chừng một lúc. Rồi như chợt tỉnh ra, con bé nói:
 - Con làm ngay bây giờ đây. Nó vơ cái xô chạy ra chỗ vòi nước ở cuối chợ hoa.
 Bóng chiều dài ngoẵng đổ sập lên trên chợ. Một ngày sắp trôi qua. Dân bán hoa chuẩn bị dọn xếp hàng lại sau một ngày bán bán, dọn dọn. Khách đến mua lẻ có, mua cả vài chục bó có. Họ mua rồi mang đi các chợ trong thành phố bán laị, kiếm ăn, qua đồng lãi. Bây giờ bà mới sực nhớ ra là chưa hỏi nó gì nhiều về bản thân nó. Mà có rỗi bao giờ mà hỏi. Khi vơi khách thì nó lại tíu tít vào việc làm. Khi hai cô cháu ở bên nhau thì lại phải bó bó, gói ghém hoa cho khách. Bây giờ đã sắp tối, ngơi việc, bà hỏi nó:
 - Thế nhà cháu ở đâu, ở với ai, kể hết cho cô nghe xem nào.
 Nó buồn thiu, chực khóc. Nó đã định trước các câu trả lời rồi, nhưng khi bà sạp hoa hỏi, nó không khỏi bị bất ngờ. Nó tủi thân, và phần vì sợ rằng hoàn cảnh của nó có thể làm cho bà sạp hoa nghĩ lại, đổi ý không nhận nó giúp việc nữa. Nhưng vốn là thật thà, nó không giấu diếm gì cả:
 - Dạ, con không có nhà cửa, không ở với ai. Con mồ côi.
- Thế mọi ngày, con ăn ở đâu, ăn gì, tối thì ngủ đâu.
- Dạ! con đi xin ăn, hôm nào xin được thì cả ngày có một, hai cái bánh mì qua bữa, không xin được thì nhịn đói. Nhịn đói ...thì con quen rồi, không còn sợ nữa. Còn ngủ thì cô xem thiếu gì chỗ. Ở cái chợ này, ban đêm ...khối chỗ để ngủ, không sợ cả mưa.
 - Con gái con lứa như con, ban đêm ban hôm không sợ bọn du côn sao?
- Cô xem, quần áo con có tươm tất không, sạch sẽ cả, không rách rưới gì. Là con có một cái túi nilông đựng đến bốn năm bộ, trong đó có hai bộ quần áo giống như con trai vậy, quần bò, áo phông. Con mặc vô là trông như du côn rồi, thì ai bắt nạt con nữa. Con vẽ thêm mấy cái ria mép nữa là xong.
 Bà sạp hoa ngạc nhiên với cái cách nó ăn nói trôi chảy, lưu loát. Và bà tin là nó nói đúng, và nó tồn tại được. Nhưng nó gầy, nhỏ hơn cái tuổi mười bốn mười lăm của nó. Tuổi này phải như con nhà khá, nó phởn phơ, thiếu nữ ra trò. Đằng này, trông nó phẳng lèo, nếu nó mặc quần bò quần bê gì đó thì chắc chẳng ai nói nó là con gái.
 - Thôi con hãy về với cô.
 Con bé nghe theo một cách dễ như khi nó cầm cái xô đi lấy nước. Bà sạp hoa dọn dẹp các thứ, đi ra cổng chợ. Con bé xách mấy thứ lẽo đẽo theo sau. Nó chẳng cần hỏi đi tận đâu, xa hay gần. Chỉ biết đi theo bà là đến.
 Nơi bà sạp hoa đến là một khu đủ kiểu nhà. Nhà cao có, thấp có, nhà ngói có, nhà mái bằng có, nhà giấy dầu, fibrô-ximăng có, và thấy cả những mái nhọn hoắt, nhô lên cao hẳn so với những nhà chung quanh. Nó cứ đi theo bà sạp hoa ngoằn ngoèo, loanh quanh đến chục lần mới dừng lại trước một cánh cửa gỗ sơn màu lá cây đã bạc màu. Loay hoay mở khóa một lúc, cánh cửa được bật mở. Đèn một ngọn bật lên. Một gian nhà không đến nỗi chật hẹp. Ở chính giữa có một bàn gắn vào trên tường. Bên trên có ba bức ảnh đã cũ, treo trong khung. Đó là bàn thờ. Bên dưới có một cái bàn nhỏ, để bộ ấm chén nhỏ và một cái ấm tích ủ chè. Góc phòng có một chiếc giường nhỡ. Căn phòng sạch sẽ, gọn gàng. Bên góc cạnh cửa ra vào có một cánh cửa gỗ nhỏ, phần trên có mấy cái chấn song sắt, có thể nhìn qua bên phòng kia. Đó là một gian nhỏ chừng một phần ba gian chính. Đây là bếp, bên trong nữa là một chổ để tắm rửa. Trong cùng là một cái nhà cầu, bằng men trắng tinh. Bên trái cửa ra vào là một khung cửa sổ khá rộng. Khi bà sạp hoa mở ra nó mới biết, gian phòng sáng sủa, thoáng khí đến nhường nào. Vào nhà xong, bà sạp hoa bảo nó thứ nào để vào đâu, là những thức ăn bà mua hồi chiều để cơm nước. Bà đã đoán và lường mua trước, vì chắc rằng hôm nay bà không còn cô độc nữa. Bữa cơm tối hai cô cháu ăn cơm ngon lành, đầm ấm. Lúc mới ngồi vào mâm, bà mở đầu:
 - Con ăn no vào nhé, đừng coi cô như người lạ nữa. Từ giờ trở đi, cô thương con như con, và con cũng phải ngoan, chăm giúp cô mọi chuyện. Con sẽ ở với cô.
 Con bé tự nhiên như ở nhà mình thật. Sau khi xúc bát cơm, gắp thức ăn lên bát, bê hai tay đưa cho cô nó xong, là nó vồ lấy bát, xúc đầy rồi và liên tục. Loáng cái nó đã đánh xong một bát. Nó lấy tay quệt mấy sợi tóc tung trước trán, ngâng mặt lên nhìn cô nó, toét miệng cười. Không nói gì nó lại xúc bát thứ hai, chan đầy canh rồi và lấy và để. Chừng hết nửa bát, nó ngưng lại:
 - Cô ơi! Cơm ngon quá cô ạ. Đã ba tuần nay, giờ con mới được ăn cơm.
 Nói xong, nó và cơm ăn tiếp, ngon lành. Mặt nó tươi sáng, đôi mắt long lanh. Thỉnh thoảng nó dừng ăn, ngước lên cô nó, lại toét miệng cười, không nói gì cả. Cái cười của nó đã nói lên tất cả. Nó đang vui sướng, được ăn ngon, ăn no. Nó đang cảm tạ người cô đã cho nó bữa ăn, cho nó chỗ trú chân. Bà cô nhìn nó tự nhiên như vậy, bà rất an tâm. Những đưa trẻ khôn trước tuổi, nhưng vẫn giữ được cái hồn nhiên tươi trẻ, tự nhiên, thường là những đưa trẻ tốt bụng, tin được. Kinh nghiệm bôn ba hơn năm mươi năm đời người của bà cho hay như thế. Bà cũng thấy vui lây. Bà vui hơn mọi ngày, mọi bữa. Mới hôm qua thôi, bà còn một mình một mâm, vò võ, lủi thủi một mình, cả nấu, cả ăn, cả rửa bát, cả đi ngủ. Còn bây giờ. Nhìn nó ăn, nó hạnh phúc, bà thấy mình vui vui. Bà ăn bát cơm một cách ngon lành.
 Bữa cơm hai cô cháu không chuyện trò gì nhiều. Bà biết, để yên cho con nhỏ nó ăn một bữa cơm mà đến ba tuần nay nó chưa được ăn. Bữa cơm cũng mau mà kết thúc. Nó nhanh nhẹn cầm bát đũa cho vào chậu và nói với cô nó để nó đi rửa. Quả là nó rất thạo việc. Rửa loáng một cái là xong bát đĩa, nồi niêu, dao thớt, rá, chậu và không nghe lấy một tiếng loảng xoảng nào. Mọi thứ nó sắp xếp đâu vào đấy, như là nó đã ở nhà cô đây đã lâu rồi. Bà nghĩ và mừng thầm. Quả là ông trời thương mình, đã gửi cho mình một cô Tấm từ trong quả thị bước ra!
 Nhà không có tivi, không có loa đài gì sất. Mà cũng chẳng có thì giờ mà xem. Đi ngủ ngay vì mai phải dậy thật sớm để ra chợ hoa lấy hoa, nhận hoa từ các vườn. Ba bốn giờ sáng đã dậy rồi. Bà nói mọi việc cần làm cho nó xong, hai cô cháu rửa ráy rồi lên giường đi ngủ. Trước khi chìm vào giấc ngủ, nó nói xin phép bà sáng mai cho nó đi lấy gói quần áo nó giấu ở đâu đó, trong vòng một tiếng đồng hồ.
 Rồi một ngày làm việc của hai cô cháu trôi qua. Trừ lúc nó đi đâu đó chừng một tiếng đồng hồ thì về, như nó đã xin phép trước. Vừa ăn cơm nó vừa nói trong nước mắt: "Chắc cô nghĩ là cháu nói dối cô, là cháu đi lấy gói quần áo, thế mà cháu về tay không!" Thực ra khi nó về Bà biết nó về chứ có để ý là nó cầm cái gì về hay là không. Bà bận túi bụi với hoa, với việc. "Cháu đến nơi giấu cái gói quần áo và mấy thứ đồ dùng, thì moi mãi trong cái hóc có chèn một viên gạnh. Viên gạch thì còn nhưng cái túi ai lấy mất. Quần áo cháu không tiếc, nhưng trong đó có một vật quan trong đối với cháu. Đó là bức ảnh mà người ta nói là của mẹ cháu. Cháu chưa biết mặt mẹ từ ngày cháu ra đời, cháu chỉ biết qua bức ảnh đó thôi. Thế mà giờ đây. Hu... Nó khóc bật tiếng, cố nén. Nước mắt đầm đìa cả hai cái má lọ lem, bẩn do tay móc tìm gói quần áo, về mà chưa kịp rửa, dây lên. "May mà còn sót lại cái này trong hốc đất. Một chiếc lược dày bằng sừng nhỏ, có mấy chiếc răng bị cụt, đen, còn vương mấy sợi tóc phất phơ. Bà Cúc (tên bà sạp hoa) đến bên lấy tay vuốt tóc nó, nhè nhẹ... nhè nhẹ Bà không nói gì. Nhưng cử chỉ đó của bà đã làm nó dịu lại. Lý không khóc nữa, nhưng vẫn còn nấc nấc nơi cổ họng. Một lát sau nó hết khóc hẳn, hai tay nó ôm gang eo của Bà. Một lúc sau nó sực tỉnh ra, vơ bát đũa đi rửa, dọn dẹp.
 Tối đến, con Lý kể về nó cho bà Cúc nghe. Mẹ nó ngày trước, khi đang là con gái, có yêu một anh chàng bộ đội, quê tận đẩu tận đâu. Anh ta là người tốt bụng, hiền lành như cục đất. Anh bộ đội bề làng quê giúp dân gặt hái, đóng quân, rồi đào mương dẫn nước, kiến thiết doanh trại ở đó. Không biết vào một dịp văn nghệ văn gừng gì đó rồi phải lòng nhau. Và cô gái trót dại. Chuyện vỡ lỡ, ai cũng biết. Anh bộ đội bị kỷ luật, rồi chuyển đi đâu không biết. Còn cô gái thì bị gia đình đuổi di. Làng cũng không nhìn mặt. Chị bỏ làng ra đi thật xa, lên tận đâu trên vùng núi phía bắc. Rồi chị ta lang thang nơi đầu đường xó chợ. Hôm đau bụng đẻ, chị vật vả nơi một lều chợ tồi tàn, rồi chị ta sinh ra con Lý. May mà có một bà cụ, là một người bán hàng khô có cái lều đó, phát hiện ra, giúp đỡ chị vượt cạn. Nhưng lần vượt cạn đầu tiên cũng là duy nhất của đời chị, chị không qua được cạn. Khi lấy hết sức bình sinh rặn cho đứa con đỏ hỏn ra khỏi mình, chị đuối sức, và lịm luôn. Con Lý ra đời thì được người phụ nữ kia đưa về nuôi, nói là để lấy phúc sau này. Cái tên Lý là do người phụ nữ đó đặt cho. Tại sao lại là Lý, thì nó cũng chịu. Nuôi Lý được sáu bảy năm, bà cụ đã dạy cho nó từ nấu ăn, rửa bát, lấy củi, vá áo, bán hàng ở chợ, thì bà bị bệnh, cũng là cái bệnh tuổi già sức yếu, sau mấy tuần bà qua đời. Gia tài bà ta để lại cho nó một ít đồng bạc, cái bức ảnh của mẹ nó, cái lược dày của bà, mấy bộ quần áo bà ta đã mua sẵn cho nó. Lý lại lang thang kiếm ăn. Khi thì rửa bát cho cửa hàng bún chả, hàng mì. Người ta không cần nó nữa, thì nó lại đi nơi khác. Không có ai thuê việc thì... xin ăn. Ra đường không ai nghĩ nó là con gái. Nó gầy, vì lang thang như thế đến năm sáu năm. Có hôm chui vào gầm cầu mà ngủ, bụng lép kẹp. Rồi nó gặp Bà Cúc, mà nó gọi là cô của nó bây giờ.
 Nghe tiếng thở nhẹ, dài của nó trong giấc ngủ, Bà Cúc nghĩ con bé này quả có tướng tốt. Những ai ngủ có tiếng thở kéo dài, sâu và rất đều là khoẻ, khó mà ốm đau được. Đúng thế thật, nó nói với cô nó, nó chưa ốm đau một lần nào, chưa hề biết viên thuốc là gì. Bà Cúc phe phẩy chiếc quạt, nắm nhìn khuôn mặt của nó. Bà thương nó, như thể thương mình. Bà nghĩ đến chuyện của nó, Bà nghĩ đến chuyện của mình. Bà định bụng lúc nào đó rỗi rãi hơn, Bà sẽ kể cho nó nghe về Bà; cũng ba chìm bảy nổi, lênh đênh như nó, nhưng khi lang bạt bà đã không còn bé như nó. Bà phe phẩy quạt đến độ nửa đêm, nghĩ ngợi đủ thứ chuyện. Trời mát dần về đêm và giấc ngủ kéo Bà vào yên lặng.
 Sáng hôm sau, hai cô cháu dậy muộn hơn thường ngày. Họ ra chợ, nhận hoa, bán hoa. Trời đã sắp vào mùa nhiều mưa lắm gió. Mấy hôm nay mây cứ vần đen cả trời, gió tạt mạnh và lạnh buốt. Các quầy hoa ở vùng ven đô hầu như đóng cửa. Phần thì hoa ít vào mùa này, phần thì những cửa hàng hoa lớn ở nội đô, họ thu gom hết cả những ruộng hoa trồng trong nhà kính. Bà Cúc, chuyển qua bán thứ hàng khác, mùa nào, thức đấy, để kiếm sống. Tuy vậy cuộc sống của hai cô cháu không còn lận đận, nữa. Nhờ có Lý, bà Cúc buôn bán mấy tháng nay có cơ khá hơn. Bà Cúc nói Lý dọn dẹp quầy để về. Hôm nay hai cô cháu nghỉ ở nhà một hôm. Phần vì thời tiết, phần vì Bà muốn chiều đi chợ, tối làm mâm cơm cúng. Hôm nay là ngày giỗ ân nhân của bà.
 Về nhà đi chợ, mua vàng hương, con gà, và một vài thứ cần thiết. Chiều hai cô cháu làm cơm sớm. Trong bếp, con Lý vo gạo nếp, ngâm để đồ xôi,. Bà Cúc làm thịt gà để cúng. Người nào việc nấy. Đến khi chuẩn bị xong các thứ chính, con Lý quay qua cô nó:
- Cô ơi hôm nay là ngày giỗ của ai vậy hả cô. Con chưa biết, con xin phép hỏi. Cô kể cho con nghe đi cô.
- Hôm nay là ngày giỗ của chú mày. Là người đàn ông trong cái ảnh bên phải trên bàn thờ đó. Cô cháu mình làm xong mâm cỗ cúng, thắp hương hoá vàng xong, cô sẽ kể cho con nghe về chú.
 Đó là một người đàn ông hơn cô đến hơn chục tuổi. Ngôi nhà cô cháu mình đang ở là ngôi nhà của chú. Chú ra đi khỏi nhà trong một ngày cuối hạ, và đi mãi không trở về nữa. Chuyện về chú dài lắm.
 Chú là ân nhân, là người anh, là người chồng của cô. Cô chú ở với nhau đến hơn chục năm trời, nhưng là vợ là chồng thì chỉ chưa đầy một tháng... Bà Cúc gắp bỏ lên bát con lý miếng thịt gà, cũng là lúc bà ngưng lại. Bà thấy cổ họng nghẹn lại, không nói tiếp được nên lời nữa. Con Lý đỡ lấy bát cơm cô nó, gắp thức ăn cho cô nó, rồi trao bát cơm vào tay bà Cúc. Nó biết là không thể nói gì lúc này. Nó ngước mắt lên nhìn cô nó, thương mến, đồng cảm. Nhưng Bà Cúc vốn đã quen với những xúc cảm như thế biết bao lần trong đời. Với lại bà đang muốn kể cho Lý nghe về người chồng yêu quý của cô. Ừ, hôm nay, bà định bụng sẽ kể về ông ấy cho con Lý biết. Bà tiếp tục. Nhưng trước khi kể về chú ấy, cô phải kể cho con nghe về thân phận của cô trước đã. Cô cũng giống như con vậy. Mẹ cô sinh ra cô được mấy ngày thì bà mất. Không phải vì bệnh tật, mà là vì đói. Cái đói vào những năm thân dậu  thời đó, cả nước chết đến hàng triệu người. Cô là con thứ hai trong gia đình. Trước cô là một chị gái, hơn cô chừng năm sáu tuổi. Cuộc sống làm thuê cuốc mướn, ăn bữa nay lo bữa mai. Cha cô là một nông dân nghèo. Ba cha con đùm bọc nhau như thế trong một túp lều nhỏ, với cảnh gà sống nuôi con...
 Cho đến một ngày, khi cô đang còn nhỏ, cha cô nói không thể ở mãi đây được. Ở thế này rồi cũng chết dần chết mòn cả thôi. Cha cô đưa hai chị em lên đây. Ở nhờ một người bà con xa. Gia đình người bà con khá giả, nhưng cả nhà đi theo đạo. Cha cô thì đi kiếm việc ở ngoài, kiếm tiền nuôi hai chị em cô. Còn hai chị em thì lo giúp việc trong nhà cho người bà con. Cả nhà ba cha con được người bà con cho ở riêng trong một gian nhà nhỏ, phía đằng sau khu nhà của người bà con. Nhưng được cái, không chung đụng, riêng biệt, lại còn có lối nhỏ đi riêng ra con phố nhỏ ở sau. Hai chị em thì làm việc vặt, giúp cho nhà chủ. Ở được ba năm, cuộc sống kể cũng đỡ hơn hồi ở quê. Một phần, người bà con tốt bụng, thương ba cha con, nên giúp đỡ. Khi thiếu bữa, họ gọi qua cho gạo. Thấy Cô áo rách, họ gọi qua, cho vải may áo. Cha Cô thì suốt ngày ngoài phố. Đêm về đôi lúc ông còn có việc gì đó đến mãi đêm mới về. Có khi đang đêm lại thức dậy, ủ chăn cho hai chị em cô, rồi lại theo cổng sau đi cho đến gần rạng sáng mới về. Có hôm, bỗng hiên thức giấc, cô biết, nhưng sợ không dám hỏi.
 Một hôm, ông đi và không thấy về nữa. Hai chị em sợ quá, khóc la suốt buổi, mồm luôn gọi: Cha ơi, sao cha bỏ chúng con mà đi. Mẹ con mất rồi, giờ ai nuôi chúng con đây. Cứ thế, đến chập tối hai chị em mệt phờ, phần vì đói nữa, kiệt sức, nằm lăn ra ngủ. Đến tối, thấy gian nhà sau của ba cha con cô không đỏ đèn, người bà con thấy lạ, ra xem. Thấy hai chị em ngất xỉu trong nước mắt, mới gọi dậy, cho ăn. Họ nói có khi ông bị tai nạn gì đó nên mất tích không về. Hai chị em lại la khóc khi nghe họ nói vậy. Mà đúng, cha đi đâu làm gì, thường là họ không để ý. Nay không thấy về, cũng không có một lời nhắn nào mấy hôm sau đó nữa, nên họ cho ông bị như thế cũng phải. Với lại vào cái thời loạn lạc, của những năm đầu những năm 50, bao nhiêu người chết do bom đạn, do bị cướp bóc. Người bà con thương hai chị em con cô hơn, phần vì ba cha con cô là những người hiền thảo, chiụ thương chịu khó. Hai chị em cô cũng được việc trong mấy năm ở với họ nữa. Tuy cha cô mất tăm, nhưng hai chị em cũng không bị đói, và bị vất ra ngoài đường xó chợ. Sau đó mấy tháng, dần dần nỗi buồn mất cha cũng dần vơi đi, vì cuộc sống vất vả, lo từng bữa. Hai chị em cô đành nuốt đau để sống. Hai chị em cô càng thương yêu nhau hơn. Bỗng một hôm có một người đàn ông cỡ tuổi cha cô ,hoặc hơn một hai tuổi gì đó xuất hiện. Ông ta đến bằng cổng sau, gõ nhẹ vào cánh cửa gổ. Tuy tiếng gõ nhẹ, nhưng cô là người nhận ra đầu tiên. Lúc đó đã tối lâu rồi. Cô lay người chị gái dậy, và ra mở cửa. Lo hai chị em cô sợ, người đàn ông nói ngay khi cánh cửa chưa kịp hé: - Mai và Cúc đó hả, đừng sợ! Bác ở chỗ cha cháu tới đây. Có phải cha cháu là Nghêu không? - Ôi đúng rồi! Cô hét toáng lên. Cũng là lúc người đàn ông lách vào bên trong và kịp bịt mồm cô lại. Vào nhà ông ta cho cô biết là cha cô bỏ đi không kịp nhắn lại cho hai chị em biết, vì vội quá. Với lại mấy anh em trong nhóm gấp quá, và nói là sẽ cho người quay lại vài ba hôm sau đó để báo. Nhưng sự việc lại xảy ra không như mong muốn. Mãi đến hôm nay ông là người được ‘tổ chức' cho quay lại để nhắn tin.
 Hoá ra cha cô đã trốn hai chị em, trốn người bà con để đi theo Việt Minh. Lúc bấy giờ hai chị em cô cũng chỉ mơ hồ biết rằng đó là nơi tốt để những người đàn ông gia nhập - như người đàn ông nói. Cha cô sẽ về giải phóng thành phố, giải phóng đất nước khỏi cái bọn tóc vàng, mũi lõ, mà hàng ngày vẫn ở trong các lô cốt, vác súng vào các làng xung quanh thành phố nói là để giết du kích, Việt Minh... Và chúng đã làm như thế, bắn, giết biết bao nhiêu người.
 Hai chị em cô mừng không kể xiết, vì biết rằng cha cô không bị mất tích, không bị tai nạn, không bị cướp. Cuộc sống của hai chị em cô cứ trong mong đợi. Mong một ngày Cha cô trở về. Chắc lúc đó sẽ vui sướng biết ngần nào. Nhưng một hôm người chị gái cô bị lăn ra sốt cao, ốm nặng. Ông bà con cho người đến khám. Cơn sốt đên ba hôm vẫn không dứt, đến ngày thứ tư thì chị Mai của cô không còn dậy được nữa. Chị cũng không bao giờ mở mắt ra nữa. Thế là chỉ còn lại mình cô, trong cái gian nhà nhỏ, mà cô đã sống đến năm sáu năm trời này. Cô khóc đến khô cả nước mắt. Người bà con cho phép cô lên ở với họ, nhưng cô xin phép được ở dưới căn phòng nhỏ ở góc sau. Cuộc sống cứ thế chậm chậm trôi qua. Mấy năm sau đó, cô đã lớn dần lên, và đã bắt đầu biết được thời cuộc bên ngoài. Phần là cô đã lớn, phần vì cô thỉnh thoảng cùng bên người nhà của người bà con ra ngoài phố. Cô được nhìn đó nhìn đây. Nghe được lời bàn tán của bao người chung quanh nữa. Cô biết là đang thời loạn, ... nghe đâu Việt Minh sắp thắng to ở đâu đó trên miền núi xa xôi gần bên Lào. Cô theo dõi tình hình qua người lớn nói, và hy vọng một ngày... một ngày người cha của cô trở về... Cô đợi chờ. Cô mong ngày đó đến khao khát, như mùa màng khát nước, đợi cơn mưa rào!
 Rồi bỗng một hôm, người họ hàng nói cô sẽ đi theo họ vào trong Nam, một miền xa tít đến hàng ngàn cây số. Họ nói cô sẽ ở với họ, và họ sẽ chăm sóc như con, sẽ nuôi nấng, cho đi học, ... Đúng là họ thương cô thật, và họ nghĩ lcô bấy giờ là cô độc, là mồ côi, ...không còn ai nữa! Nhưng họ biết đâu Cha cô đang còn, mà cô thì đang chờ đợi ngày cha trở về! Và người đàn ông vào cái hôm đến báo tin đo, ông ta nói là không được để lộ cho ai biết là Cha cô theo Việt Minh. Cô biết đó là điều hệ trọng nên không bao giờ nói ra, kể cả người bà con xa, tốt bụng.
 Cô cảm ơn họ và nhất quyết không đi. Họ đành chịu. Phần vì biết cô đã cương quyết, đã lớn. Lúc dó cô đã gần chục tuổi rồi. Phần vì tình thế cấp bách lắm, như họ nói. Thế là họ để lại cho cô ít tiền, gạo, quần áo, rồi cả nhà nói về Hải Phòng để theo tàu thuỷ đi vào trong đó.
 Đó là một ngày nắng, ráo. Cả nhà tay xách nách mang, dắt díu nhau lên xe ra đi. Cũng từ đó. Cô không biết một tin gì về họ nữa. Có thể họ coi cô đã chết. Hoặc có sống cũng như chết, làm sao mà thư từ tin tức làm gì nữa. Cô Cúc dừng câu chuyện ở đó, giục Lý lấy cho cô cốc nước. Cô ngụm một ngụm to. Uống ực một cái rồi hỏi: Cô kể đến đâu rồi nhỉ. Không đợi trả lời,. Cô nói tiếp. Ừ! Họ ra đi, không biết bây giờ sống chết thế nào. Mà thôi, mỗi người mỗi phận, mỗi số. Lo cũng chẳng được. Nhưng họ là những người tốt bụng. Cầu chúa - như họ vẫn thường nói - cho họ được mạnh khoẻ, an khang và sinh con đẻ cháu được nhiều nhiều.
 Thế là cô ở một mình. Nhưng lại có căn phòng nhỏ. Có ít tiền, có quần áo mặc. Thỉnh thoảng cô mới ra phố mua đồ ăn, mua kẹo. Nhưng chỉ dám đi ban ngày, lúc đông người. Hết tiền thì cô đi xin việc làm, kiếm ngày hai bữa, chiếc bánh. Mong ngày người cha của mình trở về. Cái hôm mà cả thành phố náo nhiệt, tiếng cười, tiếng nhạc, người người mặc đẹp, có người ôm hoa cả bó, chạy ra phố, thì cô biết là cái ngày đó đã đến rồi. Cô thấy những người đàn ông đội mũ trên có lưới buộc những mảnh giẻ màu cỏ úa, loang lổ, đi giày cũng màu xanh như cỏ, vai đeo súng, xếp thành hàng đôi duyệt qua con phố đông người. Cô nhỏ thấp nên chỉ chui vào khe, khi thì thấy khi thì không. Đến tối, về căn phòng bé nhỏ, mà cô đã dọn dẹp quét lau sạch sẽ. Đêm đó cô thức gần tới sáng. Khi đã rạng cô mới thiếp đi cho đến gần trưa mới mở mắt nhìn thao láo lên trần nhà. Cô tưởng hôm qua là mình nằm mơ. Cô dậy rửa mặt qua loa rồi lao ra phố. Chỗ nào có bộ đội - tên gọi chung cho những người đi theo Việt Minh bây giờ về thành phố, là cô lao vào hỏi: ông, hay bác, hay chú có biết cha cháu đang ở đâu không, cha cháu tên là Nghêu, đi theo Việt Minh từ cách đây năm năm. Không ai biết mà trả lời cả. Có ông nào đó thấy thương cô, thì nói, cháu cứ về đi khi nào tìm ra, bác sẽ báo cho biết, và ghi lại tên, chỗ cô ở. Về nhà cô nằm khóc. Mà lạ nhỉ, cả cái ông tìm đến nhà báo tin về Cha của cô, cũng không thấy đến. Mà ông ấy tên là gì, tối hôm đó cô cũng không hỏi. Thật là...
 Bà Cúc lấy tay quệt ngấn nước mắt, bấy giờ đã đủ nước có thể chảy ròng xuống má, bà khóc. Tiếng thút thít như một đứa trẻ. Con Lý cũng khóc theo. Nó lấy cả bàn tay quệt ngang một cái qua cả mặt, để lại một vệt nhọ nồi chạy từ thái dương chéo qua má bên kia. Nhìn con Lý bà Cúc sực nhớ ra là bà đang kể chuyện mình cho nó nghe, với lại bà thấy cái vệt chéo nhọ nồi trên mặt nó, bà bất giác cười xoà.
 - Trời, cô không thế quên được tủi buồn của lúc bấy giờ. Được rồi, cô kể tiếp cho cháu nghe.
 Sau đó ít lâu, người ta tìm đến cái địa chỉ cô ghi cho cái ông có râu quai nón ở chỗ đóng quân trên phố. Họ báo một tin dữ. Ông Nghêu, ở đơn vị ... tiểu đoàn ..., tham gia trận đánh... đã hy sinh ngày... Cô té xuống đất ngất xỉu. Ngất bao lâu cô không nhớ, nhưng khi tỉnh lại thì biết là cô không ở nhà mình nữa, đúng hơn là cái căn phòng nhỏ ở cuối góc khu nhà của người bà con. Tất cả mọi thứ tư trang của cô cũng được người ta dọn thu đưa về đó. Nó đang nằm cạnh bên giường của cô. Sau này cô biết cả khu nhà đó đều đã được thu hồi. Khi tỉnh lại và khoẻ ra, cô biết hoàn cảnh của mình và phải làm gì. Thế là nhân lúc trong phòng không có ai, cô cầm gói tư trang của mình rồi lẻn ra phố. Cứ thế cô đi, lang thang không địa chỉ. Hết phố này, sang phố kia, rồi theo con đường nhằm thẳng ra ngoại ô mà đi. Đến tối mịt, cô cũng không biết về đâu, làm gì. Vừa đói vừa rét, vì đêm xuống đã bắt đầu có sương. Tự nhiên cô hụt chân và thấy mình ngã lộn nhào một cái rồi sau đó không biết gì nữa.
 - Chuyện dài lắm Lý à. Con ăn nốt đi, rồi hai cô cháu dọn dẹp. Tối Cô kể cho con nghe tiếp. Trong bụng con Lý thì muốn nghe hết ngay bây giờ cơ. Nó vâng dạ một tiếng, rồi lao vào dọn mâm, dọn đũa bát, mang ra rửa. Bà Cúc lấy mấy nén nhang thắp lên trên bàn thờ. Bà vái mấy cái, rồi khấn xin mang mấy thứ hoa quả cúng giỗ xuống. Bà bóc cam, gọt hồng ra đĩa, và ngồi đợi con Lý. Cũng lúc con Lý làm xong mọi chuyện. Hai cô cháu ăn quả. Nó xin cô nó kể tiếp. Ừ. Đến đoạn cô ngã té nhào xuống một cái hố. Đúng rồi.
 Cô đã ngất xỉu, vì cú ngã mạnh, đầu đập vào bờ hố. May mà bờ đất mềm, Cô chỉ bị choáng chứ không thì vỡ đầu, chảy máu. Người đi qua thấy cô dưới hố, là Chú mày đấy. Bà Cúc chỉ lên bức ảnh thờ, cái ảnh bên tay phải. Cái ảnh người đàn ông ở giữa là Cha của cô, còn cái ảnh người đàn bà trông khá trẻ kia là của Mẹ cô.
 Trong ba cái, thì chỉ cái ảnh của người đàn ông mà Bà Cúc gọi là ân nhân đó là đúng ảnh thật. Trước ngày ra đi ông có chụp ảnh, và đã để lại cho bà một chiếc. Một bức trắng đen, cỡ nhỏ bằng hai ngón tay. Ông nói chụp ảnh để đưa vào hồ sơ. Ông mang về một cái riêng và lúc ra đi đã đưa cho bà Cúc, nói là bà có nhớ ông thì nhìn vô ảnh đó. Bà Cúc mới đưa đi sang lại cho to hơn, mua một cái khung lồng vào, để trên bàn thờ đó.
 Còn về người Cha của Bà Cúc, bà chỉ nhớ trong đầu. Năm ngoái, bà ra hàng truyền thần, ngồi tả lại đầu tóc, cái cổ, khuôn mặt của người Cha cho thợ, và có nói thêm, bà giống Cha như đúc. Thợ truyền thần đã vẽ theo lời mô tả, và bảo bà Cúc ngồi đó để thợ ngắm thêm lúc vẽ. Khi bức ảnh vẽ xong, Bà Cúc nói, là giống lắm. Khuôn mặt cương nghị, hơi khắc khổ, nhưng rất hiền. "Đúng! Đúng là cha của tôi rồi!" - Bà reo lên khi người thợ truyền thần xong bức ảnh và đưa vào tay bà. Còn việc vẽ lại ảnh của người Mẹ thì có khó khăn hơn. Thứ nhất là bà không biết về khuôn mặt của Mẹ. Thứ hai là bà Cúc lại không giống mẹ, người bà con của bà khi ở cùng đã từng nói thế. Họ có kể lại cho Bà Cúc nghe về khuôn mặt của mẹ bà. Đó là một người phụ nữ có khuôn mặt thanh tú, gầy, đôi mắt lúc nào cũng buồn. Một người đàn bà ít nói, yếu đuối. Và có nói người chị gái của Bà Cúc - chị Hoa - là hao hao giống mẹ. Mặt chị Hoa thì bà Cúc nhớ. Thợ truyền thần đã vẽ theo đúng lời tả của bà. Và bức ảnh đã được vẽ xong như thế đấy, như treo ở trên bàn thờ. Bà Cúc nói đúng, đúng là ảnh mẹ tôi rồi, khi nhận bức ảnh đưa về nhà treo. Trong thâm tâm, tận cõi lòng, trong ý nghĩ và ao ước được biết mặt mẹ, bà vẫn nghĩ về khuôn mặt của mẹ mình như thế... như trong bức ảnh. Đi ra khỏi nhà thì thôi, hễ về đến nhà là bà Cúc đứng lặng dưới những bức ảnh của những người đã khuất. Bà ngắm họ rất lâu. Bà nghĩ về họ, Khi thì cụ thể về từng người. Thương, nhớ, kính và yêu quí họ. Họ đều là những người sinh ra bà, cho bà cuộc sống. Nhiều lần buồn đến cùng cực, nhiều lần tuyệt vọng đến tột độ, có lúc bà nghĩ dại, nhưng nhìn vào họ bà thấy cần phải vươn lên, sống cho ra sống. Và Bà đã làm như thế. Việc gặp được Lý, và nhận Lý giúp việc cho bà, đối với Bà Cúc đó là một việc may, và đó là một ân huệ của trời đất, của những người đã khuất phù hộ cho bà, cho lòng tốt của Bà.
 Như vậy qua lời Cô Cúc của nó kể, con Lý đã biết về ba người có ảnh trên bàn thờ. Mà bây giờ mỗi lần thắp hương nó sẽ chắp tay khấn: Cháu lạy Ông, Bà, cháu lạy Chú...
 Nó gọi bà Cúc là cô, nhưng đó là cách gọi. Còn trong những ngày sống cùng bà Cúc, nó đã coi bà như là mẹ ruột vậy. Những người đã sinh ra bà Cúc, đương nhiên nó phải gọi là Ông, là Bà, là đúng rồi. Con Lý suy diễn vậy, và nó cảm thấy nó không còn mồ côi, đơn độc nữa.
 Hai cô cháu dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, thì trời cũng đã tối hẳn. Bà kể lại câu chuyện của bà một cách chậm rãi, với cái giọng buồn buồn, đều đều dễ nghe dễ hiểu. Suốt cả buổi chiều làm giỗ, và lục lại hồi ức về bà, bà cảm thấy mệt. Con Lý ở sau bếp đã gọi vọng lên:
 - Cô ơi, mọi thứ con đã dọn dẹp xong xuôi cả rồi. Nước nóng con đã đun. Cô đi tắm rửa cho sớm. Rồi Cô kể tiếp cho con sau vào tối nay nghe cô.
Bà vừa tắm vừa nghĩ: xem ra con Lý đang muốn bà kể hết cả câu chuyện. Câu chuyện đời bà cũng mới chỉ bắt đầu. Bà quyết định đêm nay sẽ kể hết rồi mới đi ngủ.
 - Cô mới nói đến đoạn là Chú mày bắt gặp cô ở dưới cái hố đúng không?
- Vâng, cô nói may mà bờ đất mềm, không thì nguy cho cái đầu khi ngã va phải, ạ.
 Thế là câu chuyện của Bà Cúc tiếp tục. Người đàn ông nhìn thấy dưới cái hố không sâu lắm, như có một người nằm bất động với một gói to ôm bên người. Lúc đầu anh ta cẩn thận, dò xét xem có phải là người không, vì đêm đã tối. May là đất dưới hố có màu sáng nên dễ nhận ra. Anh ta cầm lấy tay bà Cúc, thấy còn nóng. Lật người Bà Cúc lại, thì trời ơi một cô gái nhỏ, gầy, chỉ chừng hơn chục tuổi. Đúng! Lúc đó bà Cúc chỉ hơn có mười tuổi. Anh thanh niên bế cô bé về nhà mình, cách đó không xa. Đó là căn nhà mà hai cô cháu hiện đang ở. Chuyện về cái nhà còn dài sẽ nói tới sau.
 Về đến nhà, Cúc được anh thanh niên đặt nằm lên giường. Anh lấy khăn ấm lau mặt, cổ, chân tay, sau đó đắp chăn ấm cho Cúc. Anh định bụng đi gọi y tá khám xem, thì Cúc đã tỉnh. Cúc mở to mắt, ngạc nhiên nhìn người thanh niên. Người thanh niên thở phào và vui mừng hiện trên nét mặt. Lo vì cô bé sợ, anh giơ tay ra hiệu nằm im. Đặng anh quay vào trong lấy cho Cúc cốc nước. Cúc vừa đói vừa khát, nên uống một hơi là hết cốc. Một cốc nước đường. Uống xong cốc nước Cúc cảm thấy khoẻ hẳn lên và cô ngồi dậy, đưa mắt nhìn căn phòng, và người thanh niên, dò xét. Ở cái tuổi của Cúc, do sống đây sống đó, chịu bao nhiêu khổ cực từ nhỏ, nên Cúc dạn dày, tự chủ được. Phải con cái nhà chiều chuộng, gặp trường hợp như cô, chắc phải hét lên hoặc là khóc lấy khóc để, đòi được về nhà. Cúc lại không có nhà cửa, không biết đi đâu bây giờ. Với lại Cúc thấy người thanh niên cũng tử tế sau ngần đó cử chỉ. Cúc yên tâm, và hôm đó, Cúc chẳng có ý định nào bỏ ra đi trong đêm đang tối và đã khá khuya rồi. Anh thanh niên hỏi Cúc đi đâu vào giờ đó, ở đâu tới, và định đi đâu. Anh còn hỏi cô, có muốn anh đưa về nhà ngay bấy giờ, hay để sáng mai. Cúc kể lại vắn tắt câu chuyện của ba cha con cô, chuyện người họ hàng, chuyện cha bỏ đi,... rồi tin cha cô đã hy sinh, và cô đã chạy ra khỏi chỗ y tế của bộ đội... Anh thanh niên vừa nghe vừa nhìn Cúc thương cảm. Anh nói: - Ừ, giờ thì anh biết rồi, vậy là anh em mình giống nhau, đều là mồ côi, một thân một mình cả. Thôi tối nay anh nấu cơm ăn. Ăn xong giường kia cho em ngủ, anh sẽ ngủ ở trên hai cái ghế băng này kê lại. Mai ta hẵng hay. Em đồng ý vậy nhé. Người thanh niên nói một tràng dài. Không đợi Cúc nói gì cả. Cúc cũng không bàn gì thêm, chỉ nói với anh thanh niên cô sẽ cùng giúp, hai anh em nấu cơm sẽ nhanh, và vui hơn. Đúng thế, vèo cái hai anh em đã có cơm ăn. Trong lúc nấu nướng ăn uống, dọn dẹp, hai anh em đã giới thiệu tên tuổi, để cho dễ gọi. Người thanh niên tên là Riêng, 22 tuổi, mồ côi cha mẹ từ lúc nào anh không biết. Ngay cả quê mình ở đâu anh cũng không hay. Chỉ biết có một người chú họ xa, ở đâu lần dò về quê anh tìm kiếm người thân sau cái năm giáp hạt, đói kém. Ông ta tìm được Riêng. Hai chú cháu ở với nhau đâu độ dăm năm. Ông kéo Riêng lên mảnh đất này, nói là để tránh xa cái đất trũng nước, đói ăn, khó mà ngẩng mặt lên trời ấy. Lúc đó Riêng mới chỉ là một đứa con trai mới lớn, gầy còm, giọng mới vỡ, nhưng nhìn thì chỉ như một đứa con nít. Ông có ít tiền dành được trong những năm biền biệt xa xứ đâu tận trong nảm trong Nam kia, như ông nói. Ông về quê là để muốn tìm lại họ hàng, thắp nén nhang cho tổ tiên rồi quay lại. Nhưng khi thấy Riêng, Ông thương và muốn cho cậu con trai sót lại của dòng họ Nguyễn ở cái làng đấy của ông có người nối dõi. Khi Riêng đã là thanh niên, có căn nhà, sắm cho chiếc xich lô, ông lại bỏ Riêng và ra đi. Nói là đi mãi. Ông ta không kể gì hơn về ông ta cả. Riêng cũng chỉ biết có thế. Khi là một thanh niên tự lập được rồi, Riêng coi việc có ông chú về đỡ đần ngần ấy năm là một ân huệ của trời đất cho họ nhà anh. Có lẽ, trong quá khứ dòng họ anh đã làm gì nên đức nên Riêng mới hưởng được cái phúc đó. Bà Cúc kể cho con Lý nghe, hai người ở với nhau đến gần chục năm. Họ cứ gọi nhau là anh anh em em, vậy. Quả thật hai con người cô đơn, thương nhau rồi ở với nhau thế, lo kiếm sống, qua ngày. Có ai nghĩ đến gì to tát đâu. Riêng ăn sáng qua loa xong, khi thì củ khoai lang, khi thì củ khoai sọ, bóc vỏ chấm muối, rồi tu một gáo nước là đạp xích lô đi. Cúc ở nhà dọn dẹp, lo cơm nước, giặt giũ. Lớn lên tí cũng chạy chợ, có gì buôn nấy bán nấy. Hôm nào may thì đủ mớ dưa cải, con tép. Ở cái xóm ven đô này, ít ai để ý đến ai, khi mà cái bụng phải lo ngày hai bữa cơm. Cúc còn được học hành đến năm lớp hai thì thôi học. Cúc nói biết đọc, biết viết là được rồi. Riêng thì trưa có ghé về ăn bát cơm rồi đi ngay, tối mịt mới về. Nói là hai anh em nhưng lại có kết nghĩa kết tình gì đâu, nhưng lại rất thương nhau. Khi Cúc đã 19 tuổi, thì Riêng đã 30 rồi. Hai người ra vào gặp nhau, ăn chung ở chung. Khi Cúc còn nhỏ thì lại dễ. Ba năm gần đây hai người lại ý tứ với nhau, nhưng đi đâu là muốn về nhà ngay. Họ nhìn nhau không nói gì, nhưng trong đôi mắt, họ tự hiểu là có gì đó rất thiêng liêng, mà không lý giải được. Để rồi một hôm Riêng tự nói ra trước. Đành rằng việc này Riêng đã cất nhắc và bày sẵn lời định nói đến hàng chục lần. Hôm đó mưa to, Riêng ở nhà, không đi xích lô nữa. Hai người cứ suốt một ngày với nhau. Ra vào nhìn nhau suốt mà chẳng ai nói với ai câu nào cho ra hồn. Thậm chí có những câu hỏi nhau rất vớ vẩn, vô lý. Đến tối ăn cơm, khi thấy Cúc và miếng cơm đầu tiên ngon lành, và ngước mắt lên nhìn Riêng cười rất tươi. Riêng mới nói:
 -         Cúc này
-         Dạ
-         Nếu anh đi đâu đó thật xa thì sao?
-         Trời! Sao anh lại hỏi vậy?
-         Nếu anh đi xa, thật xa thì có được không?
-         Không, em không cho anh đi đâu hết. Anh đi đâu thì em nhớ chết.
 Thế là đúng như Riêng nghĩ từ trước. Nếu mình hỏi cô ấy như thế, mà cô ta trả lời như thế, như thế... thì mình sẽ nói tiếp. Và như là trời thương Riêng. Cúc đã trả lời đúng như thế... như Riêng đã sắp đặt trước trong bụng mình. Thế là Riêng nói:
 -         Vậy anh ở với em suốt đời nghe
-         Vâng
-         Mà ...con trai... con gái mà ở với nhau suốt đời là...
-         Là như vợ chồng hả anh!
 Nghe nói thế, Riêng mừng rên cả người. Anh đã từng sợ. Sợ Cúc sẽ dẫy nẫy lên, rồi vùng bỏ chạy, rồi giận anh mà bỏ anh ra đi. Đằng này...
 Riêng đến bên cạnh Cúc. Anh choàng tay vòng ra sau lưng cô, rất nhẹ... rất nhẹ. Tấm lưng thon chắc nịch đã nằm gọn trong vòng tay Riêng. Cúc rụt rè đưa hai tay ôm lấy cổ anh, rồi kéo chặt về phía mình. Riêng nói:
 - Mai ta ra khu phố, nói với mấy ông ở đó là chúng ta sẽ cưới nhau. Rồi sau đó xin đăng ký và làm lễ cưới. Được không em? Cúc không nói gì, chỉ gật đầu nhẹ, rồi kéo chặt hơn Riêng về ngực mình. Họ ôm nhau như thế rất lâu, trong im lặng.
 Mọi thứ sau đó, quả là đơn giản. Đám cưới tổ chức theo "đời sống mới'. Với lại không phải làm những thủ tục rườm rà gì trước đó. Không phải ăn hỏi, không phải đưa rước dâu. Cô dâu chú rể đã ở với nhau một nhà đã tám chín năm nay. Cây đã cao, trái đã chín, và hương đang đưa. Họ trở thành vợ thành chồng.
 Những năm đó, vùng đất của hai người ở cũng nằm trong cảnh chung của đất nước sau hoà bình lập lại đâu được chục năm. Họ cần cù kiếm sống, thương yêu nhau hết mực. Không khi nào thấy hai người buồn vì nhau... bực vì nhau một chuyện gì. Cuốc sống quả là yên lành, bình dị và đối với họ là rất đẹp.
  Cưới nhau chưa đầy tháng, thì nghe đâu Mỹ đã ném bom ra tận ngoài miền Bắc, chiến tranh đã leo ra vùng đất mà hai người đang sống. Cúc đã nghe tiếng máy bay, tiếng bom ở xa vọng về... Riêng được gọi đi nhập ngũ. Hôm tiễn Riêng đi, Cúc đã qua tận bên ga Hàng Cỏ. Tàu chạy, và thế là Riêng đi mãi, không thấy về nữa...
 Cuộc sống của hai người khi thành vợ thành chồng đã không để lại cho Cúc cái Cúc ao ước: một đứa con. Cúc cũng không biết vì sao. Cúc buồn rầu, mất ăn mất ngủ đến mấy tháng trời sau khi nhận được tin Riêng đã hy sinh ở đâu đó tít trong Quảng Trị. Cúc không biết đấy là ở đâu. Chỉ biết là xa lắm. Năm sáu năm trời đợi chồng, một mình lầm lũi kiếm sống như thế...
 Thời gian chạy chứ không phải trôi nữa. Cúc ở vậy một thân một mình, không ai thân thích, họ hàng. Hàng ngày về nhà lại đưa mắt lên nhìn những người thân của mình. Cúc thắp những nén nhang, và nhiều khi lẩm bẩm một mình khi thì với Cha, khi thì với Mẹ ...với chồng. Riêng đã để lại cho bà căn nhà. Bà đã gây dựng được một quầy bán hoa ở chợ hoa để kiếm sống. Bà dành những bông hoa thơm nhất, tươi nhất để cắm lên bàn thờ. Đến cái lúc con Lý xuất hiện, và về ở với Cúc, mà bây giờ có thể gọi là bà rồi. Cúc đã gần 60 tuổi. Trời! Đời người ta quả là đâu có dài. Đời người ta ...như đời Cúc đây, sao mà bất hạnh, cực khổ đến vậy, cô đơn, buồn đau đến vậy.
 Con Lý nghe xong câu chuyện của Cô nó thì trời cũng đã khuya lắm rồi. Lý không buồn ngủ. Ở cái tuổi của Lý, là có thể ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nhưng với Lý, câu chuyện của Cô nó nghe mà buồn cắn buồn xé. Lý thương Cô nó lắm nên nó không thể ngủ được. Nó ôm lấy bà Cúc thật chặt. Bà Cúc kể xong câu chuyện, được cái ôm chặt của con Lý, bà thấy được an ủi. Bà thầm cảm tạ ơn trời đã đưa con Lý về ở với bà. Bất giác bà thở dài... khi nghĩ đến con Lý. Còn con Lý thì không hiểu. Nghe tiếng thở dài của cô nó, nó nghĩ là cô nó buồn thế thôi. Hai cô cháu ôm nhau ngủ cho tới sáng bạch mới dậy cùng một lúc.
 Bà Cúc đã nghĩ đến cái lúc bà sẽ ra đi. Thời gian gần đây, bà thấy trong người đã khác trước nhiều lắm. Bà không thể bê một lúc cả hai ba bó hoa lá nặng như trước. Đêm ngủ không thấy ngon nữa. Bà lại hay quên, một đôi khi như người mất hồn. Bà ra đi... đối với cái thân của bà thì không sao. Còn những người thân của bà ở trên kia, trên bàn thờ ấy. Rồi con Lý nữa, nó chưa đủ lớn. Nó mới mười mấy tuổi. Kể như nó đến tuổi cập kê rồi thì bà có thể lo cưới chồng cho nó, về ở rể cũng được.., thì một nhẽ. Bà thầm cầu Trời, cầu Phật, cầu những người thân của bà, sống khôn, thác thiêng, giúp cho bà có được sức khoẻ, để đến khi con Lý lớn...
 Lời cầu khấn của bà Cúc đã được nghe đến... Con Lý đã bước qua tuổi 19. Cái tuổi mà lúc bấy giờ bà Cúc đã cưới ông Riêng. Một hôm bà Cúc nói ý nghĩ của mình với con Lý. Lý đã lớn, hiểu hết được tất cả những suy nghĩ của Cô nó.
 - Con đã lớn rồi cô ạ, không cần phải lấy chồng đâu. Con sẽ ở với cô suốt  đời, và sẽ lo hương khói cho Ông Bà và Chú. Nhỡ lấy phải ông chồng không hiểu hết cô cháu mình thì còn khổ hơn nữa.
- Thế rồi sau này con cũng côi cút như ...cô, thì sao. Sau con nữa, thì ai lo coi sóc cho căn nhà, cho... Bà nghẹn ngào không cất thành lời được.
- Sau nữa hả cô? Cô biết con đã bao nhiêu năm nay, con sẽ không phụ lòng nuôi dưỡng của cô đâu. Đến đời con, con sẽ lo chu đáo.
- Cô chỉ muốn nhìn thấy trước mắt, để khi nhỡ cô có nhắm mắt, cô cũng an lòng.
 Lý hiểu hết tâm ý của bà Cúc sau cuộc nói chuyện. Nó nghĩ tới, nghĩ lui. Nó buồn, và sợ nữa. Và cái nó sợ rồi cũng đến. Bà Cúc lăn ra ốm vào cái mùa đông rét mướt năm ấy. Nó gọi xe đưa cô nó vào bệnh viện. Sau hơn một tuần, sức khoẻ của bà Cúc khá lên. Nó mừng. Hàng ngày nó luôn túc trực bên giường bệnh của cô nó. Một hôm cô nó nói:
 - Có thể cô không còn ở với con bao lâu nữa. Cô có...
 Thế rồi bà Cúc kể cho con Lý bà có những thứ gì, để ở đâu. Còn mấy đồng hôm trước trả khách do không có tiền lẻ, nên vay tạm quầy ‘Bà Béo' bên cạnh, chưa trả. Bà nhắc con Lý trả sớm cho người ta kẻo quên. Bà muốn con Lý duy trì quầy hoa của bà. Bà còn dặn con Lý chuyện nọ, chuyện kia, kể cả trang giấy bà đã ghi sẵn, họ tên, ngày giỗ của từng người thân của bà. Con Lý ở với bà bao năm, nó đều nhớ được hết cả, nhưng để cho an lòng, như bà nói với nó. Đêm đó bà lặng lẻ ra đi. Con Lý khóc hết nước mắt, rồi lo hậu sự cho cô nó.
 Mấy hôm sau, nó nghĩ việc cần làm là làm xong những điều cô nó dặn lại trước hôm cô nó ra đi. Sau đó nó tự nhủ với nó là đi ra hiệu làm lại to cái ảnh của cô nó, mua khung lồng vào và để một nơi trang trọng trên bàn thờ, bên trái chú Riêng của nó. Vậy là bây giờ trên bàn thờ có bốn bức ảnh. Bức ảnh của bốn người. Với Lý, họ những người không bà con, huyết thống, nhưng lại là những người Lý quý trọng yêu quý nhất. Lý coi họ là Ông, Bà, là Chú, Cô thân thiết nhất đời.
 Lý đã làm xong tất cả mọi chuyện mà cô nó dặn lại. Duy có một việc lớn là chưa làm được. Nó suy nghĩ mông lung, nhưng chưa định hình được điều gì cả. Sau này...sau này sẽ ra sao? Nếu Lý lấy chồng thì có còn ở đây nữa không? Gái phải theo chồng. Lý theo người ta rồi thì còn căn nhà này, những người thân của Lý trên bàn thờ kia. Ai hương khói, cúng giỗ...?
Hay là mình cứ ở vậy? Đến già... rồi đi, như cô Cúc ... thì hết à! ... À phải rồi! Mình sẽ chỉ cần có một đứa con trai! Phải rồi!. Lý vui sướng khi tìm ra lời giải. Rồi cứ thế, một mình trong căn nhà cô nó để lại, Lý sung sướng thả mình vào giấc ngủ sau mấy ngày phờ phạc.
 Lý ngủ ngon lành và trên gương mặt thanh tú, hiền dịu của Lý, thấy nở một nụ cười...

Viết xong đêm 3- 10-2008

                       


 Đăng ngày 05/01/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Lê Hoàng - 07/01/2009

Tôi chỉ mới đọc một lần, có thể chưa hiểu hết ý ông. Cảm nhận đâu tiên là ông viết có hơi hướng của Thạch Lam. Nếu ông cho tôi cái địa chỉ e-mail, tôi thử góp vài ý xem sao nhé. Nói ở đây lỡ tôi nói sai, mang tiếng cho ông. Nhé! Thân ái!
  Gửi bởi: ThânTho - 07/01/2009

Cảm ơn Lê Hoàng trước.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan