Tuesday, October 13, 2015

Buồn vui làng xã- phần 3 và 4


Tác giả: Lưu Quốc Hòa



Ký sự (phần 3 )Trong cõi Người, ai cũng có một miền quê để mà thương mến. Người ta vẫn nhắc nhau cái đạo làm người "con không chê bố mẹ khó, chó không chê nhà chủ nghèo". Hai phần trước của ký sự tôi toàn nói điều không tốt của làng xã. Nó đúng mười mươi đấy nhưng thực tình viết song, gác tay lên trán mà nghĩ sao thấy lòng trắc ẩn, không yên. Liệu ai đọc được có chửi tôi là cái thằng "bỏ làng". Vạch áo cho người xem lưng, cái lưng của người nhà quê đầy rôm sảy và đen đúa. Cái lưng ấy đã cõng địu bao nhọc nhằn, khổ ải qua mấy cuộc chiến tranh. Tôi nhớ một câu tổng kết chiến tranh của một học giả. Ông ta nói hình như thế này: "Tất cả các cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi với kết cục là một bên thắng trận và một bên bại trận, nhưng nhân dân hai bên đều là kẻ thất bại"...Khoan hãy nói chuyện vu đàm nhuốm màu chính trị. Cho tôi tưởng vọng và bái vọng biết bao con người đang nằm ở đài liệt sỹ. Đang nằm ở rải rác các nghĩa địa trong toàn xã
Trong đó có cả bố đẻ của tôi. Ông Lưu Quốc Ấn. Đảng viên CS năm 1930. Người treo cờ đỏ búa liềm đầu tiên của Đảng bộ Hà Nam được lịch sử Đảng bộ còn ghi trân trọng. Tôi là đứa con trai duy nhất còn lại của một gia đình có 3 con trai. Ông nội tôi lại là quan Lãnh Binh của chế độ thực dân và nửa phong kiến. Gia đình tôi là một mảnh ghép nhôm nhoam về thành phần chính trị. Tôi ý thức rõ ràng điều đó để có hướng lập thân vào đời. Nhưng hình như số phận đưa đẩy, tôi chẳng làm nên tích sự gì. Cuối đời, bố tôi nhà hoạt động lão thành nhưng bất đắc trí, ít nói và không thích giao du với ai. Ông bực bõ cái gì mà chính tôi cũng không hiểu. Ông chống gậy đi như cái bóng và lẩm nhẩm độc thoại một mình...
Ôi! Cái đường làng đầy lá tre, lá ổi, lổn nhổn vết chân trâu, hun hút gió bấc và mưa phùn, ôm oam tiếng chó sủa ma, lập loè đom đóm đã nuôi tôi lớn thành người. Cũng từ luỹ tre cổ tích ấy. Bố tôi đã hắt chén rượu vào mặt mà chửi tôi là cái đứa "dở ông dở thằng" khi tôi ba hoa với đám bạn về mấy bài thơ đăng báo. Chén rượu ấy vẫn làm mắt tôi cay như sát ớt đến bây giờ...Tôi là kẻ bất hiếu vì quá mê mẩn văn chương, không nghe lời người sinh thành dưỡng dục. Trang văn đêm nay tôi muốn tạ lỗi cùng Người. Một con người nạn nhân của bao ý tưởng tốt đẹp. Không chết đói nhưng đói đến chết.
Nguyên cớ gì mà bố tôi sinh ra trái nết trong những ngày tàn của cuộc đời. Bố tôi gọi bao người là "nửa người nửa ngợm" . Phải chăng con cháu, bạn bè làm ông mất lòng tin. Ông tiếc công be bờ đắp đập mà không ngăn được cơn lũ. Tiếc cái cây mình trồng, hom mía đặt xuống lại mọc ra sậy, ra le. Tôi cũng là cây sậy cây le ấy...
Khi tôi viết những dòng này. Cả quê hương tôi đang sống trong những biến động vật đổi sao dời. Ruộng đất bị quy hoạch làm khu công nghiệp. Dân nhận tiền đền bù, có người dùng đồng tiền ấy vào kinh doanh, có người đem đi xóc đĩa , đánh đề. Có người nhà cao cửa rộng, có người thân tàn ma dại vì lòng tham ở chốn nhộm nhoạm nửa quê nửa tỉnh. Quanh nhà tôi có bao chuyện buồn mà cái buồn nhất là tình thân, sự đổ vỡ mối quan hệ lân bang truyền thống. Tôi tự hỏi ta đang được gì và mất gì! Lúc nào người ta cũng nhao lên về dự án. Có cái tưởng ngày mai là có, là xong. Họ đón lõng để ăn vạ đền bù. Họ mua gạch xỉ nhão nhoét về xây nhà, xây bể. Khối nhà tường đổ quoè chân, vẹo cột sống. Họ lấy que vạch xuống đát mà tính ra cây, ra chỉ, ra đô, ra ơrô, ơ riếc. Cứ hoắng lên chả hiểu ra làm sao nữa...
Một tháng dễ mấy lần có ông nọ bà kia chỉ trỏ, đo đạc...Họ bí hiểm như Bắc cực. Đợi mãi, mừng mãi mà vẫn cứ ở đâu đâu. Nhà thì vay nợ lãi để chờ tiền đền bù, nhà mua đất đón lõng dự án dự iếc sắp sắp khởi công...Bao nhiêu mơ mộng giời ơi đất hỡi như phù thuỷ ma chơi len vào mộng mỵ trong giấc ngủ chập chờn ...Khổ lắm, tôi thấy làng tôi khổ lắm.
Tôi lại thấy khoé mắt cay cay, Hình như chén rượu năm xưa, cha tôi hắt vào mặt lau mãi mà không sạch.
                                                          12h đêm 13/2 /09
 Buồn vui làng xã - ký sự phần 4
            ( Tản mạn đêm 30 tết )
Ngày 30 Tết năm nay rét đến thấu xương. Tết mà rét ngọt thì còn gì bằng. Người ta khoe sống áo. Không lo thực phẩm ôi thiu...Ai cũng vội vội vàng vàng, có khi vội để mà vội cho nó có vị xuân. Những chiếc xe khách chạy như bão lốc trên đường lèn bao nhiêu là người. Ai ai mặt mày cũng quan trọng và hối hả. Thỉnh thoảng các gia đình lại to tiếng quát tháo con cháu về sự đểnh đoảng nọ kia.
Kệ cho thiên hạ sôi cuồng. Từ sáng sớm tôi đã lẳng lặng đi tảo mộ. Cái rét nhắc tôi nhớ về ông bà, cha mẹ. Các vị nằm cả ở kia, dưới vuông cỏ rối và dưới cái lạnh tê ngắt của đất trời. Tôi lẩm nhẩm đọc thơ Trần Đăng Khoa :
Cám ơn thiên nhiên hiền từ nhân hậu
Những so le người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nhắm mắt
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng
.........
Ta chẳng ví mình là ngọn cỏ
Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi
Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ
Cỏ vẫn xanh ngăn ngắt ở trên đời
.....
Trước thiên nhiên con người như khách trọ
Thoáng gần nhau, thoáng chốc lại chia xa
Ta sống với nhau dẫu năm này tháng khác
Cũng chỉ là một thoáng giữa sân ga 

Khoa  đã viết cho bao người trên cõi thế một lẽ giản đơn giữa sinh và tử. Cái lẽ giản đơn ấy sao mà chẳng đơn giản chút nào. Bao nhiêu kẻ xưng hùng xưng bá, đầu gấu đầu bò, hà hiếp , tàn hại nhau. Có quyền trong tay thì bắt vuông thành méo. Có tiền trong tay sẵn sàng đổi trắng thay đen, cứ cuống cuồng lên mà sống, mà hưởng...Chẳng là cái gì cả. Con người ơi! Rồi ai cũng phải chết, rồi ai cũng phải về thành phố Mộ này thôi. Ông tỉnh đi xe đen xe đỏ, Thằng cửu vạn ăn mày ăn nhặt, đứa cầu bất cầu bơ rồi cũng  về đây hưởng chung một vầng trăng. Không biết ở cõi âm ty kia có sự hà hiếp, những mưu toan vặt vãnh, bợm bãi đến ghê người như ở cõi ta đang sống, đang uống bia lon hêniken, ăn lẩu, chơi gái, vu vạ, tàn hại nhau. Tranh ăn với nhau không nhỉ. Ở âm ty có các lớp chuyên tu tại chức mà đỗ đạt toàn bằng tiền. Có tiến sỹ giấy và bằng đểu để ngồi mà ăn lộc vua ban. Người đường âm có biết nịnh hót và phỉnh phờ. Gian dối và lừa đảo, có lô tô, sổ số, có đánh đề và cờ bạc...Ừ ! sáng nay tôi thấy mình lẩn thẩn và hâm chập thế nào ấy...
          Ngày 30 Tết là ngày dồn tích của một năm. Trong đó có dồn tích cả công nợ. Một trong những món nợ lớn nhất thời hiện đại ở làng tôi là nợ cờ bạc. Các chủ nợ đốc thúc binh mã truy đuổi các con nợ. Cách nhà tôi mấy hộ. Ông em hàng xóm đã bán 2 lô đất mà chưa trả xong. Cậu ta đành bật bãi bỏ lại vợ con trong thời điểm đáng có mặt ở gia đình nhất. Trước Tết, một dây 32 con bạc bị công an tạm giam. Khốn nạn thật, năm nào gần tết cũng hàng lô kẻ vào khám.
          Trước lối vào làng mấy con mẹ lủi vào góc khuất ghi đề. Mấy bàn bi a hoạt động liên tục ngày đêm. Bây giờ tôi mới biết, đánh bi a số còn nhanh hết tiền hơn sóc đĩa, tổ tôm của các cụ ngày xưa. Rồi xe đen xe đỏ đỗ ở đầu làng xem bói, lễ bái cầu cúng mà không hiểu sao thánh lại nhập vào con mẹ đánh đỹ tứ phương. Là ca ve chính hiệu. Ăn cắp và lừa đảo nhanh như sóng di động. Các con khách là các ông các bà quyền cao chức trọng. Họ có học hành đàng hoàng chứ đâu phải loại xoàng. Chả ra làm sao cả...Đến thánh cũng không hiểu.
          Tôi lặng ngắm những sự nhố nhăng mà lòng buồn khôn tả...Tôi thấy cứ nháo nhào nhào giữa thật và giả. Các già làng tôi cũng là cái thân tội vì con cháu. Thời này chúng nó sành điệu lắm. Cái sành điệu lớn nhất và dễ thấy nhất là lũ chúng chỉ thích vật chất, chỉ thích sống vì mình. Chẳng cứ các già, lứa bọn tôi là người khổ nhất, phải cõng đụi những cái nợ trần gian nặng nhất
          Tôi có một cô bạn làm nghề bán thuốc Tây. Chồng chết sớm để lại 2 đứa con, một trai một gái. Cô ta nhẹ như cái phao vì sờ đâu cũng ra bệnh. Hai đứa con cứ xểnh ra là bỏ học, là đi chơi điện tử, đi chát đi chua. Qua cửa hàng tôi thấy cô ta cười thì ít mà khóc thì nhiều. Tôi hỏi :"sao mà vãi lắm thế"...Cô ta bảo:  "Em đau lưng không đứng dậy được, nhờ đứa nào cũng bảo để tý nữa, rồi chúng nó quên luôn...Tại sao con mình mà chẳng giống mình. Anh em chúng ta ăn rau ăn khoai mà biết thương bố mẹ. Giờ chúng nó sướng đủ  điều mà vô tâm. Có khi mình chết nó cũng mặc..."
          30 tết bây giờ quá là không vui như thời trước. Vợ chồng tôi tan tác mỗi đứa mỗi nơi. Đứa thì tìm con đang bị rủ rê cờ bạc. Đứa bò nhoài ở chợ mà bán hàng. 30 Tết ăn toàn mỳ tôm và cháo gói...Bàn thờ đã có hương vòng cháy liền 24 giờ cho khói phải thắp vặt. Ông bà ông vải ngồi trên bàn thờ chắc cũng buồn...
Tôi lại gặp cái thằng quan xã mắc bệnh "đái ra đường" phóng xe như ma đuổi. Cái di động lúc nào cũng úp vào tai và cái mặt "oai như thần". Cô vợ nhà quê như con  sáo xậu đậu trên lưng trâu,ôm đùm ôm bọc.  Tôi chắc bên trong cái đùm ấy là lễ. Một cái lễ tám phương. Tôi thấy nó khổ hơn tôi ngàn lần...30 tết là ngày đoàn tụ. Khó lắm. Bởi 365 ngày là một sâu chuỗi sự kiện, mỗi sự kiện lại có những điều bất cập. Mỗi sự bất cập lại như một giọt hơi nước tích tụ ra một cơn mưa! Mà không phải là mưa, nó là cơn cuồng phong để mỗi con người cứ vào ngày này, như một cuộc hội ngộ bất đắc dỹ phải đối mặt với nó. Tôi lại nhớ câu nói của ông Bằng trong tiểu thuyết "mùa lá rụng trong vườn" của anh Ma văn Kháng : Mỗi gia đình hình như phải có nghĩa vụ đóng góp cho xã hội một thằng khốn nạn, không có thì xã hội tốt quá đi  mất". Có người bảo đấy là nhận xét cực đoan. Tôi lại thấy chẳng cực đoan tý nào...Nó đúng từng chữ và đúng cả hình bóng các con chữ.
          Tôi bảo vợ: Tết này vợ chồng mình có cháu nội đích tôn. Anh chẳng đi chơi đâu nữa. Cuồng cẳng lắm rồi. Anh ngại comle ca vát, ngại tiệc tùng. Ngại tất cả, chỉ thích bình yên. Anh thương cái lũ người nhà ta lắm. Anh thấy mình không nên mắc bệnh đái đường...
                                                       1 h 14 đêm 13/ 2/09

 Đăng ngày 15/02/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan