Thursday, October 8, 2015

Cái chết chẳng dễ dàng gì -(Cảnh 3 & 4)


Tác giả: Xuân Đức


Cảnh III
                      
                        Trời chiều. Một quãng đường rừng.Hoài Vân ngồi im lặng bên chiếc cáng cứu thương. Kiên khoác vải dù, vai mang súng và trái bộc phá chạy ra.
Kiên:                Ồ, đây rồi! Hoài Vân! (Hôn vào má, cười. Nhưng Hoài Vân vẫn lặng im không có phản ứng gì, Kiên vẫn bô bô) Thú vị thật.  Không ngờ trận này  hai đứa mình lại được chiến đấu phối hợp với nhau... Anh mừng quá Vân ạ. Lần đầu tiên được trao nhiệm vụ đánh tiêu diệt một đơn vị lính Mỹ... Hồi hộp quá. Mà em biết không, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang trực tiếp theo dõi trận đánh này đấy. Giá như ba còn sống... ừ, giá như ba còn sống, chúng ta sẽ nói với ba rằng, chúng con đã đánh gọn một tiểu đoàn Mỹ, ý kiến của ba ngày ấy hoàn toàn đúng...
Hoài Vân:        Anh lạc quan sớm thế. Đêm nay mới nổ súng cơ mà.
Kiên:                Nhưng phương án đánh đã được Bộ Tư lệnh thông qua. Anh em mình ra quân rất tin tưởng. Thế là chắc thắng rồi...
Hoài Vân:        Anh em mình... Anh đừng kéo em vào đó... Em làm gì có vinh dự ấy.
Kiên:                Kìa Vân... Em làm sao thế?
Hoài Vân:        Em là thứ vứt đi, là loại nhút nhát dao động, lại cộng thêm sự dối trá nữa.
Kiên:                (Chững lại) Vân... Em vẫn giận anh à?
Hoài Vân:        Ai dám giận chiến sĩ thi đua toàn miền
Kiên:                Chúng mình đi đánh giặc đâu phải vì danh hiệu ấy.
Hoài Vân:        Nếu không phải vì danh hiệu đó thì việc gì người ta cố tình lấn ép nhau, bới móc nhau...
Kiên:                (Nổi cáu) Ai lấn ép ? Sao em lại có sự suy nghĩ ích kỷ và vụ lợi như vậy ? (Im lặng dài) Thôi... đêm nay nổ súng rồi, anh không muốn cả Vân lẫn anh căng thẳng nặng nề trước khi bước vào trận đánh. Vân có thể giận anh, có thể căm ghét anh... Nhưng nếu còn làm thằng lính, không thể nào quay lưng lại với sự thật... Vân !... Thực lòng... anh rất buồn...
Hoài Vân:        Thôi... anh đi đi. Tôi đã nghe quá nhiều rồi.
Kiên:                Vân nghe nhiều nhưng... toàn những điều giả dối.
Hoài Vân:        Đã bảo là không nghe nữa... Không muốn nghe nữa, anh rõ chưa?
Kiên:                (Lại nổi cáu) Không muốn nghe cũng phải nghe, rõ chưa...
(Đùng đùng bỏ đi, Cảnh Tài từ phía sau đi vào)
Cảnh Tài:         Thằng oắt con (tiến sát lại chỗ Vân) Nó... nói gì thế? Nó xúc phạm em thế nào? Hả... em nói đi! Anh sẽ thẳng tay trừng trị. Em... (định ôm)
Hoài Vân:        (Hất tay) Anh cút đi! (vùng dậy, đi khuất)
(Trần Oanh xuất hiện phía sau, phá lên cười)
Trần Oanh:      Ha ha... Định bờm xơm phải không? Tư cách một Phó ban thi đua mà thế à?
Cảnh Tài:         Kìa chú...
Trần Oanh:      Bây giờ thì tôi hiểu, vì sao đồng chí lại cố nâng bản thành tích của cô ta lên.
Cảnh Tài:         Sao?
Trần Oanh:      Còn sao nữa. Chính đồng chí cũng đã nghe Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phê phán chúng ta trong chuyện báo cáo láo. Trách nhiệm này cậu phải chịu lấy.
Cảnh Tài:         Hay thật đấy. Tôi làm theo chỉ thị của ai vậy?
Trần Oanh:      Của ai?
Cảnh Tài:         Của đồng chí
Trần Oanh:      Ghê nhỉ!
Cảnh Tài:         Chẳng nhẽ đồng chí vỗ tuột hết à?
Trần Oanh:      Chỉ thị đâu? Văn bản đâu? Tôi ký ngày nào? Ai chuyển cho đồng chí?
Cảnh Tài:         Không có văn bản nhưng chính đồng chí đã gợi ý
Trần Oanh:      Ở cuộc họp nào? Nguyên văn tôi nói thế nào?
Cảnh Tài:         Trời... tôi không ngờ...
Trần Oanh:      Tôi không thể chịu nổi có những cán bộ dối trá như vậy. Tôi căm phẫn những kẻ chuyên báo cáo láo.
Cảnh Tài:         Thế là rõ.
Trần Oanh:      Rõ cái gì?
Cảnh Tài:         Rõ là, chúng ta cần vạch mặt kẻ báo cáo láo.
Trần Oanh:      Đúng thế. Đó là trách nhiệm của Đảng.
Cảnh Tài:         Kẻ chức bé thì nói láo chuyện bé, người quyền to thì nói láo chuyện to...
Trần Oanh:      Đồng chí nói cái gì? Ám chỉ cái gì?
Cảnh Tài:         Nếu như đồng chí kết luận tôi xưa nay nói láo, thì nay xin cho tôi được một lần nói thật. Đồng chí đã báo cáo láo với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Trần Oanh:      (Trợn mắt) Cái gì? Tôi báo cáo láo với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Cảnh Tài:         Đồng chí đã báo cáo với Đại tướng chú Hoàng Ngạn đã hy sinh. Đồng chí còn cả gan ký giấy xác nhận liệt sĩ cho bác Quế.
Trần Oanh:      Nhưng ai cho phép cậu dám kết luận tôi báo cáo láo.
Cảnh Tài:         Kính mong đồng chí Quyền Bí thư bỏ chút thì giờ đọc lá thư này... (rút ra một lá thư)
Trần Oanh:      Thư... thư ai?
Cảnh Tài:         Thư của huyện đội trưởng Hoàng Hữu Ngạn từ một đoàn thu dung ở ngoài Bắc gửi vào! Tôi đã nhận được hơn 5 tháng nay rồi.
Trần Oanh:      (Giật thư đọc)... Tại sao thư gửi 5 tháng nay rồi mà không đưa cho tôi?
Cảnh Tài:         Tôi sợ phiền cho Bí thư... Giả sử bây giờ ông Ngạn trở vào đây thì sẽ... ra sao ạ? (cả hai nhìn găm vào nhau)
Trần Oanh:      Cậu muốn gì?
Cảnh Tài:         Kính thưa đồng chí, tôi chỉ muốn phục vụ được nhiều hơn cho cách mạng, cho đồng chí!
                       (Có tiếng nỗ dữ dội - Cả hai giật mình nhìn xuống phía có tiếng súng)
Trần Oanh:      Rồi! Đánh nhau rồi... Đơn vị cậu Kiên nổ súng rồi! (bất ngờ quay lại)
Cảnh Tài:         Chú! ở đây nguy hiểm quá... ta về thôi...
(Cả hai vào. Tiếng súng dữ dội. bà Quế chạy ra)
Quế:                Trời ơi... Sao súng nổ lâu thế? Liệu có diệt gọn được bọn Mỹ không? Liệu các con có trở về an toàn không?... Lạy trời...Lạy phật... Các con ơi...
                       (Tiếng súng lặng dần rồi im hẳn. Bà Quế càng bồn chồn ruột gan) Giá như mẹ được đi cùng các con. Thà rằng mẹ cùng lăn lộn sống chết với các con, có sao thì mẹ cũng an lòng... Cứ ngồi ở đây nghe súng nổ, mẹ không sao chịu đựng nổi...Sao lại yên ắng đến thế này?
                       (Chợt có tiếng ồn ào - Bộ đội hành quân về. Bà Quế lao ra)
                       Ô, về rồi! Về rồi!... (chạy ra khuất)
(Cảnh Tài và Trần Oanh cũng chạy ra )
Trần Oanh:      Về rồi! Các đồng chí!...
                       (Vân và mẹ Quế khiêng Kiên vào - anh nằm bất tỉnh)
Trần Oanh:      (Lao lại) Ai thế? Trời đất ơi, thằng Kiên! Ôi, cháu ơi... Sao lại là cháu? Trời đất ơi!... Sao lại run rủi cho chị thế này chị Quế ơi?
Cảnh Tài:         Hy sinh rồi ư? Sao lại vội vàng thế đồng chí Kiên kính mến!
                       (Hét to) Các đồng chí! Hãy trả thù cho đồng chí Kiên!
(Chợt Kiên tỉnh dậy)
Kiên:                Mẹ!
Quế:                Ôi!... Con!... Con của mẹ!
Hoài Vân:        Anh Kiên!
Cảnh Tài:         Sao? Vẫn sống à?
Kiên:                Chẳng lẽ tôi lại chết à? Chẳng lẽ con lại chết hở mẹ?
Quế:                Không! Không ai nghĩ thế cả. Con của mẹ làm sao lại có thể chết dễ dàng thế được!... (Ôm chặt lấy Kiên)
                                                                                     Tắt đèn
                      IV

Ở một cùng núi đá miền Tây. Hoàng Ngạn ngồi đợi nhấp nhổm trên một tảng đá. Lòng anh bồn chồn niềm vui khi được trở lại mặt trận. Một lúc Cảnh Tài ra.
Hoàng Ngạn : Ồ, đây rồi ! Thế nào đồng chí.
Cảnh Tài:         Báo cáo bác, ổn cả rồi ạ.
Hoàng Ngạn:    Ổn là ổn thế nào ?
Cảnh Tài:         Đây là một trạm trung chuyển thực phẩm, chỗ này khá an toàn. Nhưng muốn vào tới trạm giao liên của Mặt trận thì phải vượt qua lèn đá kia, vượt cả một đoạn đường chiến lược, bom đạn dày đặc. Bác cứ ở trạm thực phẩm này đợi cháu đi bắt liên lạc với trạm giao liên...
Hoàng Ngạn:    Tại sao phải nhiễu sự thế ? Tôi cùng đi với anh vào trạm giao liên thì sao ?
Cảnh Tài:         Ồ, không thể được bác ạ.
Hoàng Ngạn:    Lý do?
Cảnh Tài:         Thứ nhất, theo lời dặn của đồng chí Trần Oanh thì bác là một cán bộ trụ cột của mảnh đất trong ấy , là hạt gạo trên sàng. Tìm được bác là tìm được vàng giữa bãi cát...
Hoàng Ngạn:    Thôi thôi...tôi quá mệt mỏi vì những lời ca ấy rồi. Hơn hai năm nay, lúc nào tôi cũng là hạt ngọc hạt vàng, thế mà xin đi đâu cũng không được, muốn gặp ai cũng không cho.
Cảnh Tài:         Ồ, hoàn cảnh chiến tranh mà bác ! Hạt ngọc thì cũng phải biết cất trong tủ kính chứ.
Hoàng Ngạn:    Được anh ra đón, có cả thư anh Trần Oanh tôi mừng đến chảy nước mắt.
Cảnh Tài:         Đấy đấy. Bây giờ thì bác thấy rõ rồi đấy. Có phải ai cũng có một vị trí quan trọng đến như vậu đâu. Một Quyền Bí thư Tỉnh ủy phải nhanh chóng xác minh hoàn  cảnh để đón bác trở lại vị trí lãnh đạo. Thế mà bác bảo tôi làm sao lại dám phiêu lưu mạo hiểm.
Hoàng Ngạn:    Thế nào là phiêu lưu mạo hiểm ?
Cảnh Tài:         Đồng chí Trần Oanh chỉ thị, mỗi một cung đường nếu chưa trinh sát thăm dò kỹ, chưa chuẩn bị thật chu đáo thì không được để bác đi. Thôi, trời sắp tối rồi, mời bác vào trong trạm trung chuyển thực phẩm này nghỉ lại để cháu đi liên hệ tiếp.
Hoàng Ngạn:    (Thở dài) Lại chờ đợi... Anh có biết mỗi ngày trôi qua đối với tôi nó khủng khiếp thế nào không ?
Cảnh Tài:         Dạ... khủng khiếp như B52 phải không ạ ?
Hoàng Ngạn:    Không. B52 không làm tôi sợ. B52 có thể xé nát da thịt tôi nhưng không thể vùi dập được linh hồn tôi. Nhưng nếu bị tổ chức bỏ rơi, nếu còn có một ngày Đảng chưa xác nhận được sự thất lạc cho tôi, thì linh hồn của tôi như bị tù ngục, cuộc đời tôi như ngưng tụ hoàn toàn.
Cảnh Tài:         Này... cháu nói hỗn phép bác chứ không chừng bác rơi vào chủ nghĩa duy tâm đấy.
Hoàng Ngạn:    (Cười nhạt) Chủ nghĩa duy tâm? Anh học triết ở trường nào đấy?
Cảnh Tài:         Cháu học lung tung, đủ các lớp. Nhưng theo cháu trường đời là quan trọng nhất.
Hoàng Ngạn:    Nghe ra không được ổn đó anh ạ.
Cảnh Tài:         Đúng thế, nhưng theo bác thì thế nào là ổn ? Ngay cả khái niệm sống chết mà cũng không có cái gì ổn nữa là. Mấy lại, có ai tự lo liệu được sự ổn định cho mình đâu.
Hoàng Ngạn:    Sao lại như thế được ?
Cảnh Tài:         Nói thí dụ như bác, đang đường đường là Huyện đội trưởng, đùng một cái thất lạc, giấy tờ sinh hoạt cũng không, trường hợp bị thất lạc cũng không ai xác nhận... Cứ bơ vơ y như... Dạ, nói lỗi phép bác chứ y như anh đào ngũ vậy.
Hoàng Ngạn:    Ai cho phép anh gọi tôi là đào ngũ ?
Cảnh Tài:         À, là cháu nói thí dụ thế
Hoàng Ngạn:    Ngay cả thí dụ anh cũng không có quyền, rõ chưa ! Lần đầu tiên Mỹ đổ bộ lên căn cứ, chúng tôi chưa có kinh nghiệm đánh Mỹ... Việc đó thật dễ hiểu. Cơ quan Huyện ủy bị vây, lực lượng chúng tôi quá ít. Tuy vậy, chúng tôi vẫn ngoan cường chống cự. Đồng chí Trần Oanh lúc ấy là Phó Bí thư trực đã tình nguyện đi bắt liên lạc với Tỉnh ủy để xin lực lượng giải vây. Chúng tôi đã chiến đấu và chờ đợi. Chiến đấu và chờ đợi đến ngày cuối cùng.
Cảnh Tài:         À...ra thế. Đồng chí Trần Oanh đã tình nguyện đi bắt liên lạc để giải vây. Thế mà đồng chí ấy lại kể...
Hoàng Ngạn:    Sao ?
Cảnh Tài:         À... Không sao cả. Sau đó thế nào ạ ?
Hoàng Ngạn:    Tôi bị thương, vết thương còn đây này. Tôi đã bò ra khỏi căn cứ,  tôi nhớ rõ là đã chui hẳn vào một lùm cây chạc chìu, sau đó thì ngất đi. Đến khi tỉnh lại...tôi thấy mình được nắm trên cáng của một đoàn giao liên...
Cảnh Tài:         Đấy...bác thấy chưa. Mọi vấn đề bắt đầu ở đó, bắt đầu từ chổ bác ngất đi. Sự bất ổn thường rình mò ở cái lúc con người ta ngất đi. Chứ nếu bác còn tỉnh táo chắc không để người ta khiêng bác đi xa như thế đâu.
Hoàng Ngạn:    Anh nói thế nghĩa là thế nào ?
Cảnh Tài:         Dạ, nghĩa là từ nay về sau, theo cháu bác chớ có dại mà ngất đi lần nữa.
Hoàng Ngạn:    Này...(Nhìn găm vào Cảnh Tài) Anh là ai... Anh là con người thế nào nhỉ?
Cảnh Tài:         Bác lại sắp ngất rồi đây ! Nào, kính mời bác vào trạm  nghỉ lại. Trời đã chiều quá rồi !
                       (Cảnh Tài đi trước - Ngạn ngờ vực nhìn theo)

        Tắt đèn 

 Đăng ngày 02/06/2011

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan