Thursday, October 8, 2015

Cái chết chẳng dễ dàng gì - (Cảnh 5 & 6)


Tác giả: Xuân Đức


Cảnh V 
Một trạm trung chuyển thực phẩm trong rừng. Khung cảnh hoang tàn, xơ xác. Kỳ - một quân nhân, tóc tai phủ gáy, ngồi tựa lưng vào gốc cây, hai tay đánh đàn tưởng tượng, mồm hát nghêu ngao bài vọng cổ.

Kỳ:                  (Hát) "Mẹ ơi, hè mãn thu sang ngày trôi theo lá rụng. Trăng khuyết lại tròn. Mắt mẹ càng sâu thêm vì trông đợi mỏi mòn...
                       (Ông Ngạn từ phía sau đi ra, tay xách một giỏ rau rừng)
Ngạn:               Lan đâu ?
Kỳ:                  Đồng chí già đấy à ? Có cái gì thế?
Ngạn:               Rau, rất nhiều loại rau...
Kỳ:                  Ối giời, cả một kho thịt hộp, ăn đến hết đời vẫn còn thừa mứa, làm gì mà phải rau dưa hả bố?
Ngạn:               Này, dẫu sao tôi vẫn làm người lớn tuổi hơn, tôi nói cậu nên nghe. Thứ nhất đây là kho thực phẩm của Mặt trận, mình có thể dùng nhưng phải hết sức tiết kiệm. Thứ hai, ăn uống vừa cần thịt nhưng cũng cần cả rau. Xung quanh đây biết bao nhiêu là rau. Trong lúc đó,  cả cậu và cô Lan đều rất nhàn rỗi.
Kỳ:                  Tại sao bố biết chúng tôi nhàn rỗi ?
Ngan:               Tôi ở đây đã gần 3 tháng, chỉ thấy cậu suốt ngày như thằng say cứ "hè mãn thu sang ngày trôi lá rụng", còn cô Lan thì hết thở ra lại thở vào thườn thượt, mặt mũi lúc nào cũng như trời sắp mưa. Thanh niên thanh nữ gì mà ỉu xìu, lười biếng thế.
Kỳ:                  (Đột ngột bật dậy) Nghiêm ! Tôi bảo nghiêm!
Ngạn:               Cái gì thế ?
Kỳ:                  Nghiêm ! Đồng chí già không biết điều lệnh à ? Thứ nhất đồng chí già cần hiểu ở đây tôi là thủ trưởng, đồng chí là trạm viên. Thứ hai, tại nơi đây, tôi là chủ, đồng chí là khách ở nhờ...
Ngạn:               Này... này...
Kỳ:                  Thứ ba, tôi đã nói rất nhiều lần rồi mà lỗ tai bố già vẫn không chịu thủng. Đây là trạm bỏ rơi, tôi đặt tên như thế chứ không phải là trạm trung chuyển như bố vẫn nói đâu.
Ngạn:               Đừng nói bậy. Khi người ta gửi tôi vào đây, họ giới thiệu với tôi đây là trạm trung chuyển.
Kỳ:                  Mặc mẹ họ.Chính cái thằng cha đưa bố vào đây là ai, bố có hiểu không? Nó vốn là Tiểu đoàn phó của tôi. Chính nó biết rõ có tôi ở đây, thế mà nó vẫn cố tình bỏ rơi...
Ngạn:               Sao lại như thế? Đồng chí thử nói tôi nghe xem nào?
Kỳ:                  Hừ, phải tường trình lại với một người khách lắm điều như bố già, kể cũng mệt đấy. Nhưng thôi, muốn nghe thí ngồi xuống đây. Chuyện dài lắm, cứ đứng như vậy sốt ruột lắm, mà tôi thì thuộc vào trường phái hè mãn thu sang trăng tròn trăng khuyết, không chịu được cái sốt ruột của bố đâu...
                       (Ngạn ngồi xuống cố chịu đựng, Kỳ cũng ngồi xuống, tay bấm đàn tưởng tượng hát)
                       "Hai năm rồi thời gian trôi như chó chạy"
Ngạn:               Thôi đi!
Kỳ:                  Ấy đấy! Lại sốt ruột...
Ngạn:               Đến nước này... tôi phải đi khỏi đây!
Kỳ:                  Đi đâu?
Ngạn:               Đi đâu là việc của tôi, anh hỏi mà làm gì?
Kỳ:                  Ờ thì thôi. Đi đâu là việc của bố già. Nhưng giữ bố lại đây là việc của tôi.
Ngạn:               Giữ tôi lại? Để làm gì?
Kỳ:                  Nào có biết để làm gì?
Ngạn:               Ai cho anh cái quyền giữ tôi lại?
Kỳ:                  Người ta đã giao nhiệm vụ cho tôi như vậy.
Ngạn:               Cái gì? Ai giao cho anh?
Kỳ:                  Ai đưa đồng chí đến đây thì người đó giao cho tôi?
Ngạn:               Sao lại thế? Tôi bị cầm tù à?
Kỳ:                  Về nội dung gần như thế, nhưng lời văn thì có khác. Đồng chí là hạt gạo trên sàng, là hạt ngọc giữa cát, cần phải bảo vệ...
Ngạn:               (Cười cay đắng)
Kỳ:                  Cứ cười đi! Cười cho thoải mái vào... Cười ở đây thì được tự do. Khóc cũng không cấm. Chửi bậy cũng được. Nhưng hễ bước chân ra khỏi vùng này là bị ăn đạn.
Ngạn:               (Giật mình) Ai bắn? Anh dám..
Kỳ:                  Nhiệm vụ như vậy đấy, đồng chí già ạ! (Bỏ đi - Lan ra)
Lan:                 Bác gây sự với hắn ta làm gì?
Ngạn:               (Nhìn Lan chằm chằm) Hắn ta? Hắn ta là ai vậy?
Lan:                 (Buồn bã) Một kẻ bị bỏ rơi.
Ngạn:               Còn cháu?
Lan:                 Một kẻ bị bỏ rơi! (Im lặng dài)
Ngạn:               (Thì thầm) Trạm bỏ rơi! Kẻ bỏ rơi... Sao tôi lại ở đây?
Lan:                 Thì bác cũng là kẻ bị bỏ rơi đó thôi.
Ngạn:               Không!... Tôi không thể như thế được. Tôi hoàn toàn khác. Rất khác.
Lan:                 Dĩ nhiên là bác khác. Cháu cũng khác, anh ta cũng khác. Chẳng ai giống ai đâu.
Ngạn:               Vì sao cháu và thằng Kỳ lại bị bỏ rơi?
Lan:                 Trường hợp anh Kỳ cháu không rõ.
Ngạn:               Ủa? Thế không phải hai đồng chí cùng một đơn vị?
Lan:                 Không. Anh ta là lính của Tiểu đoàn vận tải, là người chủ của kho thực phẩm này. Còn cháu... cháu bị anh ta bắt cóc...
Ngạn:               (Giật mình) Anh ta bắt cóc cháu?
Lan:                 Cháu là thanh niên xung phong... Tổ cháu có 4 người. Lúc đó bọn cháu trực ở cái dốc Sỏi cách đây hơn một cây số. Trong một trận bom, các chị ấy bị hy sinh. Cháu bị thương. Anh ấy đã cứu cháu đưa về đây.
Ngạn:               Hừ, thế là cứu chứ sao gọi là bị bắt cóc?
Lan:                 Nhưng sau đó thì anh ta cấm cửa không cho cháu đi đâu cả. Anh ta bảo, anh ta có quyền như thế.
Ngạn:               Đồ đê tiện! Nhưng sao cháu không trốn?
Lan:                 Không thể trốn được.
Ngạn:               Ồ, thiếu gì lúc sơ hở. Như bây giờ chẳng hạn. Bây giờ cháu có thể trốn được.
Lan:                 Bây giờ thì lại càng không được bác ạ.
Ngạn:               Vì sao?
Lan:                 Từ sau mùa khô năm ngoái, đoạn đường qua dốc Sỏi đã bị bỏ. Người ta đã làm đường mới cách đây hàng chục cây số.
Ngạn:               Mặc kệ, cứ đi ào đi... Đi mãi sẽ đến. Thà như thế còn hơn ở đây.
Lan:                 Không. Cháu thà ở đây còn hơn đi mà không rõ cần phải đi đâu.
Ngạn:               Hừ, hóa ra cũng là một loại hèn mạt cả.
Lan:                 Bác đừng nghĩ vậy, ở đây dù sao cũng có hai người... Người ta đã bỏi rơi mình, tự mình đừng bỏ rơi nhau.
                       (Âm nhạc xáo trộn, im lặng bức bối)
Ngạn:               Thôi được, cô cứ sống theo triết lý của cô. Nhưng tôi thì cần phải đi (Khoác ba lô)
Lan:                 Bác! Cháu xin bác!... Bác không thể đi được đâu.
Ngạn:               Im ngay đi!
Lan:                 Bác ơi! Phía nam là lèn núi đá cao ngất trời. Phía tây là con suối Krao rất hung dữ. Phía đông là một con đường đã bị bỏ lâu ngày, bom đạn dày đặc...
Ngạn:               Tôi đã bảo cô im đi! Đừng hù dọa tôi. Thà tôi chết gục trên đường còn hơn sống nhởn nhơ ở đây... (Bỏ đi, dừng lại) Này... Nghe cậu Kỳ nói ai rời khỏi đây sẽ ăn đạn đúng không? Nhưng tôi cũng có súng đây. Hễ ai đuổi theo tôi, hoặc chỉ cần kêu lên một tiếng, tôi cũng bắn bỏ.
                       (Đi thẳng)
Lan:                 Trời ơi (Lúng túng)
Kỳ:                  (Ra) Ông già đâu rồi? (Thấy Lan luống cuống) Bỏ trốn rồi hả?
Lan:                 Anh Kỳ!... Đừng... đừng đuổi theo... ông ấy bắn đấy!
Kỳ:                  Đồ khốn nạn! (Xách súng định chạy)
Lan:                 Anh Kỳ!
Kỳ:                  Tao bắn bể đầu tất cả những kẻ cố tình bỏ rơi tao.
Lan:                 Anh Kỳ! Anh không có quyền...
Kỳ:                  Làm sao? Tao không có quyền? Tại sao?
Lan:                 Anh không có quyền, ai không thích ở thì họ đi. Mà tất cả ai người ta cũng đang đi, tất cả đang ầm ầm ra đi tìm vào với mặt trận. Có ai lại ngồi bẹp dí như mình đâu... Ngay cả tôi...
Kỳ:                  Cô làm sao?
Lan:                 Tôi cũng đi
Kỳ:                  Đi đi!
Lan:                 Chứ sao.
Kỳ:                  Đi đi! Thử bước một bước coi! Tôi bắn vỡ sọ ngay
Lan:                 Anh Kỳ! Sao anh độc ác thế... Anh là người hay là cọp rừng.
Kỳ:                  Là người! Người hẳn hoi. Nhưng là thứ người bị kẻ khác bỏ rơi. Vậy thì tôi có quyền bắn bỏ tất cả những ai cố tình bỏ rơi tôi. Tại sao tôi không có quyền bắn bỏ họ, mà họ lại có quyền bỏ rơi tôi.
Lan:                 Ai bỏ đi thì anh tìm họ mà nói chứ?
Kỳ:                  Chính lão già ấy chứ còn ai.
Lan:                 Không. Bác ấy cũng là người bị bỏ rơi.
Kỳ:                  Nói láo. Thằng cha Cảnh Tài hôm nọ đã đưa ông ta về đây. Có nghĩa ông ta với Cảnh Tài là một phường một hội. Mà Cảnh Tài chính là Tiểu đoàn phó của tôi. Cả tiểu đoàn đã cử tôi ở lại đây với nhiệm vụ vinh quang là coi kho thực phẩm này. Thế rồi kéo nhau đi... Đi biệt tăm mất tích... Đồ đểu.
Lan:                 Biết đâu Ban chỉ huy đã hy sinh. Biết đâu tiểu đoàn đã giải tán, không ai còn nhớ đến cái kho này... Hoặc là tiểu đoàn đã vào quá sâu, không có điều kiện quay trở lại?
Kỳ:                  Hừ, thời gian đầu tôi cũng nghĩ như vậy, cũng tự an ủi bằng hàng loạt sự biết đâu ấy. Nhưng đến khi thằng cha Cảnh Tài trở lại, tôi mới vỡ lẽ ra. Thì ra Ban chỉ huy vẫn còn có kẻ đang sống. Tệ hại hơn là vẫn nhớ cái trạm này và tôi ở đây nên  mới mang cái lão bệnh binh kia vào gửi. Tệ hơn nữa, lại còn hẹn đúng 10 ngày sau sẽ quay lại đón tất cả chúng ta cùng đi... Thế mà đã gần  ba tháng rồi. Ba tháng cộng với hai năm... lại gần hết một mùa mưa nữa. Rồi mùa khô tới, lại tiến công, đi sâu, đi xa hơn nữa... Đồ lừa đảo, đồ để cáng...
                       (Bất ngờ có tiếng máy bay)
Lan:                 Kìa, máy bay
Kỳ:                  Kệ mẹ nó
Lan:                 Máy bay đang quành trên đầu ta.
Kỳ:                  Có gì mà quành với liệng. Đây là trạm bỏ rơi. Ngay máy bay nó cũng quên ta rồi.
                       (Một tiếng nổ)
Lan:                 Bom!...
Kỳ:                  Bom? A ha, thì ra vẫn còn có kẻ chưa quên ta. Thằng Mỹ không bỏ rơi ta!...
Lan:                 Cháy kho rồi anh Kỳ ơi!Cháy kho. (Lan lao vào bên trong)
Kỳ:                  Cẩn thận... Lan (Đuổi theo, tiếng máy bay dữ dội. Một lúc, Kỳ dìu Lan ra. Cả hai đều bị thương. Kỳ xé áo băng cho Lan)
Kỳ:                  Có đau lắm không em?
Lan:                 (Cố chịu đựng) Anh cũng bị thương phải không? Kìa... máu...
                       (Ông Ngạn xuất hiện)
Ngạn:               Sao? Cả hai đứa đều bị thương cả sao?
Lan:                 Ôi... Bác! Bác đã trở lại...
Kỳ:                  (Nhìn găm vào ông Ngạn) Ông còn quay lại làm gì?
Ngạn:               Bác sợ cả hai đứa chúng mày đã...
Kỳ:                  Sao? Bác sợ chúng tôi chết phải không?(Ngạo nghễ) Còn lâu. Cái chết chẳng dễ dàng thế đâu, bố già ạ! 

     Tắt đèn

                          VI 
                       Tại lán ở và làm việc của Quyền Bí thư Trần Oanh. Lán được làm ngay trước cửa một lèn đá vôi. Tuy ở rừng, nhưng căn nhà trông khá sang trọng. Cảnh Tài, ôm một cặp tài liệu bước vào, ngập ngừng. Hắn nhìn quanh thở dài. Một lát Hoài Vân ra.
Hoài Vân:        Ai đấy?
Cảnh Tài:         (Quay lại) Ô... Hoài Vân! (Mỉa mai) A, kính chào chị.
Hoài Vân:        Anh đến thăm tôi đấy à?
Cảnh Tài:         Thưa không ạ. Tôi đến... xin chỉ thị của đồng chí Quyền Bí thư.
Hoài Vân:        Đồng chí Bí thư qua họp bên Bộ Tư lệnh Mặt trận. Mà... công việc chung, đề nghị anh cứ đợi bên cơ quan. Anh ấy không giải quyết tại phòng riêng đâu.
Cảnh Tài:         Thưa chị,  thứ nhất việc tôi muốn trình bày với chú Trần Oanh là việc riêng. Thứ hai cứ tưởng rằng đã đi đánh giặc với nhau, đã ở chiến trường với nhau thì chỉ có tập thể, làm gì có phòng riêng ạ.
Hoài Vân:        (Hơi ngượng - đanh đá) Vâng. Tôi hiểu ý anh muốn phê bình Bí thư Tỉnh ủy cá nhân chủ nghĩa. Tôi xin báo cáo lại với đồng chí ấy.
Cảnh Tài:         Chết chết... như thế, tốt hơn hết chị cứ quay cái kinh ngắm súng bắn tỉa vào giữa ngực tôi mà bóp cò.
Hoài Vân:        Hừ, hóa ra anh cũng sợ chết.
Cảnh Tài:         Dạ, không phải là sợ chết ạ. Tôi sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng... Tôi chỉ sợ chết bởi bàn tay của người mà mình đã hết lòng yêu thương, đã lao tâm khổ hạnh, nâng đỡ, dìu dắt...
Hoài Vân:        À, ra thế... nghĩa là ý anh muốn kể ơn với tôi.
Cảnh Tài:         Chết chết... tôi đâu dám.
Hoài Vân:        Này, nhưng nói sòng phẳng với nhau có hơn không? Anh đã giúp tôi được những gì nhỉ? Được một bản báo cáo giả. Kết  quả tôi chẳng được đi đâu ra khỏi địa bàn Mặt trận, chẳng được thưởng một cái gì hết ngoài sự xa lánh của đồng đội, bạn bè. Công anh đấy.
Cảnh Tài:         Thế còn việc được đồng chí Quyền Bí Thư để mắt đến, quan tâm rồi cất nhắc lên làm thư ký riêng? Nếu dạo ấy chị không đột ngột nổi danh thì làm sao có thể lọt vào mắt của Bí thư được? Cái chị được còn cao hơn cả tấm huân chương, cao hơn cả được đi báo cáo toàn miền, cao hơn cả được ra Hà Nội...
Hoài Vân:        Thôi, anh im đi!... (Im lặng)
Cảnh Tài:         (Tấn công) Chị đã được tất cả. Ông cha vẫn thường nói: một phút lên tiên, quả đúng như vậy. Ông cha còn nói, đặt xuống là đất, cất lên là ngói. Mới hôm nào là một cô Hoài Vân dân quân bắn tỉa, hay hát hay cười, nhoáng một cái là bà thư ký của Bí thư, mặt mũi nghiêm trang, quan trọng, đi đứng đài các, nói năng dè dặt, người này thưa chị, kẻ khác báo cáo bà...
Hoài Vân:        Cảnh Tài! Tôi nể anh nhưng cũng có giới hạn thôi, nhớ chưa?
Cảnh Tài:         Thưa nhớ. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Chị cũng nên nhớ thêm một câu này của ông cha, không ai nắm tay từ sáng đến tối.
Hoài Vân:        (Cười nửa mép) Anh dọa tôi đấy à?
Cảnh Tài:         Không, tôi không dọa... Cảnh Tài này không dọa ai, chỉ biết dành cho mình cái quyền nói sự thật.
Hoài Vân:        Sự thật?
Cảnh Tài:         Sự thật. Có sự thật ngày xửa ngày xưa của ông Bí thư, có sự thật ngày nảy ngày nay của bà thư kí... may mắn thằng Phó ban thi đua này được biết hết.
Hoài Vân:        Nói láo, không có chuyện gì hết.
Cảnh Tài:         Được rồi, cứ cho là nói láo. Tôi cũng quen nói láo rồi. Ai tin thì tin, không tin thì thôi, tôi cứ nói.
Hoài Vân:        Đồ vu khống.
Cảnh Tài:         Ủa, kỳ quá ta. Chị biết tôi định nói gì mà lại bảo là đồ vu khống. (Cười) Hớ hớ... rõ là có tật giật mình... hớ hớ... đúng là đàn bà.
Hoài Vân:        Dù tôi không biết rõ anh định nói gì, nhưng nói chung là tôi không tin anh. Không có chuyện gì tôi tin anh cả.
Cảnh Tài:         Thế cơ đấy. Chị không tin tôi bất cứ chuyện gì?
Hoài Vân:        Đúng thế. Anh là một loại người không thể tin được.
Cảnh Tài:         Thế việc vừa rồi tôi nhận chỉ thị ra bắc tìm ông Ngạn, chị có tin không?
Hoài Vân:        (Lúng túng) Tôi không biết.
Cảnh Tài:         Chị có biết. Nhưng chuyện này thì chắc là không biết thật. Việc tôi đã gặp đoàn thu dung, đã đọc kỹ các bản khai của ông Ngạn. Sau đó tôi đón ông ta đi. Dọc đường ông ta đã kể hết, rằng ông ấy và ông Oanh đã chiến đấu như thế nào, ông Oanh nhà ta đã xin đi bắt liên lạc để giải vây như thế nào, sau đó ông Oanh gặp bà Quế thì lại nói ra sao...
Hoài Vân:        Thôi đi...
                       (Đột ngột Trần Oanh vào)
Trần Oanh:      Cứ để anh ta nói.
Cảnh Tài:         (Rùng mình, đứng sững ra) Kìa... chú... đã về...
Trần Oanh:      Mình về lúc nãy kia... đã nghe được đồng chí kể chuyện ngày xửa ngày xưa với Hoài Vân.
                       (Cảnh Tài mặt tái ngắt, đứng đực ra)
Hoài Vân:        Chú! Có đúng là như thế không?
Trần Oanh:      Đúng cái gì?
Hoài Vân:        Những chuyện mà anh ta vừa nói.
Trần Oanh:      Cô cứ hỏi thẳng anh ta thử coi? Anh ta được tiếng là người dũng cảm đấy. Có đúng không? (Im lặng) Có đúng không?
Cảnh Tài:         Tôi... tôi cũng không rõ...
Hoài Vân:        Chính anh vừa nói ra tại sao lại không rõ... Anh bảo chính anh đi làm việc ấy kia mà...
Cảnh Tài:         Thì có khi chính mình làm mà vẫn không rõ đấy thôi, cũng giống như chuyện bắn tỉa vậy. Bỗng dưng kẻ thù biến mất.
Hoài Vân:        Thôi im đi! Đồ độc ác.
Trần Oanh:      (Bước tới trước mặt Cảnh Tài) Đồng chí lên đây có ý định gì?
                       (Im lặng căng thẳng) Trả lời.
Cảnh Tài:         Thưa đồng chí... Tôi có một nguyện vọng...
Trần Oanh:      Nói đi!
Cảnh Tài:         Tôi... thưa đồng chí... gần đây... tôi bị đau cột sống... bị gai đôi mà... Tôi muốn xin đồng chí được ra bắc điều trị một thời gian ngắn... Vâng... chỉ một thời gian rất ngắn thôi, tôi sẽ quay trở lại chiến trường ngay...
Trần Oanh:      Nhạy bén thời cơ đấy.
Cảnh Tài:         Sao ạ? Thủ trưởng vừa nói đến thời cơ..Thời cơ gì ạ?
Trần Oanh:      Chắc đồng chí đã nghe thì thầm bàn tán đến thời cơ cách mạng, đúng không?
Cảnh Tài:         Dạ thưa... tôi chưa được phổ biến.
Trần Oanh:      Nhưng con nhà thi đua thì tự đoán được. Chắc đồng chí đã đọc hàng loạt báo cáo tổng kết của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với bút danh Trường Sơn. Đồng chí cũng đã nghe đài truyền đi lời kêu gọi của Bác Hồ. Với kinh nghiệm tuyên huấn, chắc đồng chí cũng đoán được cuộc tấn công mùa khô năm nay sẽ vô cùng đặc biệt, đúng không? Đồng chí ở cơ quan Tỉnh ủy, chắc cũng đã biết ý kiến phê phán của đồng chí Nguyễn Chí Thanh dạo ghé thăm tỉnh ta, rằng cơ quan Tỉnh ủy ở quá xa mặt trận, không bám sát cơ sở, không kiên quyết tấn công, chỉ dùng lực lượng nhỏ để vây ép, bắn tỉa, như vậy là tiêu cực, không tự tạo ra thời cơ cách mạng...
Cảnh Tài:         Báo cáo...Những chuyện đó tôi cũng có mang máng biết đến. Nhưng tôi nghĩ đã gọi thời cơ tức là thời cơ chung của toàn đất nước...
Trần Oanh:      Nhưng từng người thì lại có thứ thời cơ riêng. Ví dụ như đồng chí chắc đã được biết cơ quan Tỉnh ủy ta sắp chuyển xuống sát vùng giáp ranh, cuộc tấn công mùa khô nắm nay chắc chắn sẽ ác liệt, nên mới chọn thời điểm này để xin ra bắc điều trị...
Cảnh Tài:         Thưa đồng chí Bí thư, à xin lỗi, là đồng chí Quyền Bí thư... Đồng chí không nên đánh giá tôi thấp kém như thế.
Trần Oanh:      Thôi, đừng lấy vải thưa mà che mắt thánh. Cứ nói toạc ra có hơn không? Đối với tôi mà anh còn định giở cái bài lòe bịp ra nữa ư? Có phải chính tôi đã dang tay cứu vớt anh không? Từ một anh Tiểu đoàn phó hốt hoảng trước sự đổ bộ ồ ạt của lính Mỹ, giả bộ thay mặt Ban chỉ huy tiểu đoàn quay lại đón trạm trung chuyển thực phẩm, rồi chuồn luôn, bị quân của tôi tóm cổ. Tôi nghĩ đến tình đồng hương nên đã nâng đỡ anh. Đấy, ngay từ ngày đầu chạm mặt với Mỹ, anh đã biết chọn một thứ thời cơ cho riêng mình. Người ta vẫn gọi thứ đó là cơ hội đấy.
Cảnh Tài:         Rõ ạ!
Trần Oanh:      Rõ cái gì?
Cảnh Tài:         Rõ về ý nghĩa của thời cơ và cơ hội ạ. Đồng chí dạy thật chí lý. Thời cơ là tài sản chung của cách mạng, là xương máu của hàng triệu con người. Nhưng khi một ai đó, ví dụ như tôi chẳng hạn, biến thời cơ chung để tháo chạy, để lẩn trốn trách nhiệm, bỏ rơi đồng đội mình rồi sau đó nhảy lên chiếm vị trí quan trọng. Thậm chí khi thấy thời cơ cách mạng có thể dẫn đến sự chạm mặt với sự thật thì sẵn sàng tiêu diệt cả đồng đội, đồng chí của mình. Đó chính là cơ hội.
Trần Oanh:      (Hét lên) Cảnh Tài (Cả hai nhìn găm vào nhau như thách đó, dữ dội. Chị Quế xuất hiện)
Quế:                Xin chào đồng chí Bí thư.
                       (cả hai ngớ ra, lúng túng)
Hoài Vân:        Kìa mẹ... Mẹ vào đây!
Quế:                Chào chị!... Tôi muốn được gặp đồng chí Bí thư.
Trần Oanh:      Tôi tưởng chị cùng với đội công tác chính trị đã về vùng giáp ranh rồi?
Quế:                Dạ, anh em toàn đội đã chuyển về từ sáng nay.
Trần Oanh:      Thế mà chị vẫn ở lại cứ? Hay chị không đồng ý với việc chuyển chị về đội chính trị xã?
Quế:                Ồ không, thưa anh...
Trần Oanh:      Tình hình khác trước rồi chị ạ. Hồi đầu năm, đồng chí Nguyễn Chí Thanh về đây đã phê phán chúng ta ở quá xa, không bám sát cơ sở. Tỉnh ủy đã nghiêm khắc kiểm điểm và nhanh chóng chấp hành chỉ thị của Đại tướng. Hơn nữa, tình hình hiện nay đang rất khẩn trương sôi động. Giặc Mỹ đang bị động, lúng túng và sa lầy. Thời cơ cách mạng đang xuất hiện. Vì vậy tất cả phải xuống sát nách địch, sẵn sàng giải phóng quê hương. Các đội công tác chính trị phải bám chắc cơ sở. Các cơ quan Huyện ủy phải xuống ngay vùng giáp ranh. Rồi cơ quan Tỉnh ủy cũng xuống. Xuống hết. Không còn ai ở trên rừng sâu này nửa đâu. Đấy, chị về xã là nằm trong bối cảnh, trong thời cơ chung như vậy chứ không phải chúng tôi có ý kiến gì khác đâu.
Quế:                Báo cáo đồng chí Bí thư, tôi cũng đâu có ý gì khác. Ngược lại tôi rất mừng khi được trở về giáp mặt kẻ thù, về với cơ sở bà con cô bác đã đùm bọc cưu mang mình. Quả thật,  ba năm qua chúng mình đã bỏ trống địa bàn... tôi có cảm giác...  như là một sự phản bội...
Trần Oanh:      Và hôm nay chị lại tiếp tục đến đây để chỉ trích tôi?
Quế:                Không. Hôm nay tôi lên đây vì một việc khác. (Lặng ngắn) Tôi có nghe nhà tôi vẫn còn sống và đang ở ngoài Bắc? (Tất cả sững ra, im lặng) Tôi lại nghe nói hình như các anh đã có cử một người ra tìm nhà tôi?
Trần Oanh:      Ai nói? (Nhìn quanh từng người)
Quế:                Ai nói không quan trọng. Quan trọng là...có đúng thế không ạ?
Trần Oanh:      Quan trọng không phải là có đúng hay không mà là ai nói? Vô trách nhiệm, vô nguyên tắc... Các đồng chí có biết thế nào là nguyên tắc Đảng không? Các đồng chí cứ chất vấn tôi một cách tùy tiện như chất vấn một bị cáo trước vành móng ngựa, thế là thế nào?. Tôi không nói đúng mà cũng không nói là không đúng. Tôi nói, tôi không trả lời. Tôi yêu cầu những việc gì khi chưa có thông báo, chưa có văn bản thì không ai được quyền hỏi, rõ chưa...
Quế :                ( Nhìn thẳng vào Trần Oanh) Anh không nói...hay không dám nói?
Trận Oanh :      Chị dám...nói với tôi thế sao?
Quế:                 Sao tôi lại không dám. Thôi được, hôm nay ở giữa khoảng rừng âm u này, anh có thể bưng bít mọi thứ. Nhưng ngày mai, khi giáp mặt với đồng bằng, với mặt trời, với đồng bào , đồng đội cũ...Mọi sự thật chắc chắn sẽ được sáng tỏ...( Bước đi vài bước rồi ngửa mặt lên trời) Anh Ngạn ơi, chỉ cần em còn sống, chỉ cần em còn một hơi thở thì nhất định anh sẽ được trở về với đồng chí, đồng đội..( Đi ra hẳn)
Hoài Vân:        (Thật thà) Chú... Thế nghĩa là thế nào hả chú? Cháu tưởng việc anh Cảnh Tài ra bắc là một chuyện bình thường.
Trần Oanh:      Chính cô nói với bà ta à?
Hoài Vân:        Ô hay, cháu gặp bà ấy đâu mà nói.
Trần Oanh:      Cô vào nhà trong đi!
                       (Hoài Vân vào)
Trần Oanh:      (Với Cảnh Tài) Cậu nói?
Cảnh Tài:         Trời ơi, tôi xin thề...
Trần Oanh:      Thôi được rồi. Cậu đã dấu kỹ ông Ngạn rồi chứ?
Cảnh Tài:         Dạ, rất kỹ ạ.
Trần Oanh:      Liệu ông ta có cách gì vượt vào đây được không?
Cảnh Tài:         Dạ, trừ phi ông ta có cánh ạ.
Trần Oanh:      Tốt. Cậu có biết, nếu ông Ngạn xuất hiện ở đây thì mọi chuyện sẽ thế nào không?
Cảnh Tài:         Dạ, biết ạ.
Trần Oanh;      Thế theo cậu... tình hình bây giờ đã yên ổn chưa?
Cảnh Tài:         Dạ thưa... theo cháu... chưa thể yên được ạ.
Trần Oanh:      Vì sao?
Cảnh Tài:         Dạ vì... còn một người đã biết chuyện này... mà... thưa chú... bà Quế và cậu Kiên con trai bà ta không phải là loại vừa đâu ạ. Chú không nghe lời bà Quê vừa nói sao. Chỉ cần em còn hơi thở...
Trần Oanh:      Đúng thế. Cháu đúng là một trợ lý tuyệt vời. Vậy bây giờ cháu biết phải làm gì chứ?
Cảnh Tài;         (Giật mình) Cháu... cháu không biết ạ.
Trần Oanh:      Tại sao lại không biết? Tại sao lại đần độn vào lúc này?
Cảnh tài:          Vâng... thưa chú...
Trần Oanh:      Tôi không cần đồng chí thưa trình. Hồ sơ của người Tiểu đoàn phó đào ngũ còn trong cặp tôi kia. Hơn nữa chính cậu đã đón ông Ngạn, đã bỏ rơi ông ấy dọc đường....
Cảnh Tài:         Tôi? (Lùi lại) Sao lại tôi?
Trần Oanh:      Đừng có run sợ. Hãy cầm lấy súng! Lên đường ngay.
Cảnh Tài:         Lên đường?... Đường nào ạ?
Trần Oanh:      Bám thẻo bà ta về vùng giáp ranh. Đến chỗ nào nhiều bom đạn, nhiều tiếng súng thì đó là thời cơ hành động.
Cảnh Tài;         Trời ơi... Thời cơ... Hành động... Hành động thế nào ạ?
Trần Oanh:      Hành động thế nào thì tự anh phải hiểu lấy.
Cảnh Tài:         Không.Xin đồng chí hãy nói thật rõ. Bấy lâu nay đồng chí luôn luôn nói theo kiểu gợi ý... chỉ gợi ý... còn tôi tự hiểu lấy để làm.
Trần Oanh:      Thế là tốt. Thế mới gọi là trợ lý giỏi.
Cảnh Tài:         Không. Rồi đến một lúc cần chứng minh đồng chí lại vỗ tuột hết.
Trần Oanh:      Thế bây giờ anh định ghi băng lời của tôi phải không?
Cảnh Tài:         Dạ không ạ. Không bao giờ tôi dám như vậy. Nhưng với chuyện này, riêng chuyện này xin đồng chí hãy nói thật rõ ràng... Nếu không...
Trần Oanh:      Nếu không thì sao?
Cảnh Tài:         Dạ, nếu không thì... thì...
Trần Oanh:      Đồng chí Cảnh Tài! Đồng chí có biết ai đang đứng trước mặt đồng chí không?
Cảnh Tài:         (Vã mồ hôi) Dạ... có...
Trần Oanh:      Đồng chí có chấp hành không?
Cảnh Tài:         Trời ơi... chấp hành... (Đi giật lùi, lảo đảo)Chấp hành! Trời! (Ra khuất)
Hoài Vân:        (Chạy ra, mặt tái mét) Chú!Có chuyện gì thế chú?
Trần Oanh:      (Rút khẩu côn lăm lăm trong tay) Cô liệu mà im mồm đi! (Chạy ra theo hướng Cảnh Tài, chợt ngừng, quay lại hướng Hoài Vân)Ở nhà, nếu có đồng chí cán bộ nào tìm tôi thì trả lời tôi bận họp trên Bộ Tư lệnh, nhớ chưa? (Chạy vụt đi theo hướng Cảnh Tài vừa đi)
Hoài Vân:        (Bàng hoàng) Trời đất ơi! Tôi đang ở đâu thế này? Tôi đang sống với những ai thế này?(Chợt như sực tỉnh, luống cuống chạy lại quay máy điện thoại        ) A lô!..Tôi ở chỗ Bí thư Tỉnh ủy đây! Tôi cần gặp Đại đội trinh sát! A lô... Cho tôi gặp gấp đồng chí Kiên! Rất gấp! Anh Kiên đâu? Anh Kiên đấy à? Em là Hoài Vân đây. Anh ra ngay đường giao liên đón mẹ! Ra ngay anh rõ chưa? Mẹ anh đang gặp nguy hiểm...Vâng, vô cùng nguy hiểm. Em không nói được. Nhanh lên... nhanh lên anh ơi... (Run rẩy gục xuống)

                                         Tắt đèn

 Đăng ngày 07/06/2011

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan