Thursday, October 8, 2015

Cái chết chẳng dễ dàng gì - (Cảnh 7 & 8)


Tác giả: Xuân Đức


Xuanduc.vn: Hôm nay cho lên trang 2 cảnh cuối cùng của Cái chết...Và như vậy là bạn đọc đã có thể nhận ra lí do vì sao Cái chết..lại phải chết đi sống lại mấy phen như thế, và vì sao, sau nhiều phen hút chết, cái chết lại không chịu chết..Vì sao Cái chết lại chẳng dễ dàng gì?

 Cảnh VII 

                       Trở lại Trạm trung chuyển giữa rừng. Kỳ dìu Hoài Vân vào
Kỳ:                  Lan ơi! Lan... (Lan ra)
Lan:                 Ai thế? Anh lại bắt cóc thêm được cô gái nào thế này?
Kỳ:                  Không phải bắt cóc mà là nhặt được. Em hãy đưa cô ấy vào trong kho, xoa dầu cho cô ta. Bao giờ tỉnh cho cô ta uống sữa. Chắc là đói quá đấy mà...
                       (Lan dìu Hoài Vân vào khuất. Kỳ ngồi bệt xuống thở. Ông Ngạn vào)
                       Ồ, bác về rồi à? Sao đi lâu thế? Tôi cứ tưởng lần này ông già bỏ rơi chúng tôi thật.
Ngạn:               (Cố nén xúc động) Gặp rồi!
Kỳ:                  (Bật dậy) Sao? Gặp rồi? (Họ ôm chầm lấy nhau)Này, nhưng gặp ai?
Ngạn:               Cả một trung đoàn hành quân
Kỳ:                  Cả một trung đoàn?
Ngạn:               Họ bảo còn nhiều... nhiều nữa... Tôi mừng quá! Tôi đã báo cáo toàn bộ hoàn cảnh của tôi, của các bạn ở đây. Họ đồng ý tiếp nhận. Ban chỉ huy trung đoàn bảo tôi đi luôn... Nhưng tôi không thể bỏ rơi các bạn được, và cũng không thể bỏ rơi cái kho thực phẩm này...
Kỳ:                  Cảm ơn bố già. Nhưng bây giờ thì cần vứt mẹ cái kho này. Nó đã làm khổ chúng  tôi gần ba năm nay. Ta đi thôi... Lan ơi! Lan... (Lan ra) Chuẩn bị lên đường ngay.
Lan:                 Lên đường? Đi đâu?
Kỳ:                  Vào mặt trận. Mùa khô này đánh to rồi... Bố già đây đã bắt được liên lạc rồi. Đi ngay, nhanh lên...
Ngạn:               Không thể vứt cái kho này được đâu!
Kỳ:                  Không vứt chẳng lẽ lại cõng lên lưng à? Có chăng là ta chất mỗi anh một ba lô thôi, thế là vù.
Ngạn:               Tại sao lại có thể bỏ rơi một kho lương thực như thế này được. Trong lúc bộ đội vào chiến dịch là rất cần đến nó.
Kỳ:                  Ai cần thì họ tự tìm đến. Tôi là trưởng kho, tôi quyết định vứt mẹ nó đi... Đừng bàn cãi nữa, lên đường!
Lan:                 Nhưng còn cô gái kia?
Kỳ:                  (Ngớ ra) Cô gái?
Ngạn:               Cô gái nào nữa?
Kỳ:                  Rõ khỉ. Đúng là cái của nợ... Thôi, coi như tôi không nhặt được.
Lan:                 Anh Kỳ! Anh nói thế mà nói được à?
Ngạn:               Ai thế cháu?
Lan:                 Dạ, một cô gái nào đó, đói lả người, được anh Kỳ dìu về đây...
Kỳ:                  Cái số tôi thật đốn mạt, bác đi thì tìm được trục đường chính, gặp được bộ đội. Tôi đi lại gặp toàn đàn bà...
Ngạn:               (Cười) Thế là hên chứ. Tuổi trẻ có khác...
Kỳ:                  Hên cái của khỉ, toàn là loại gái ngất xỉu, xác mướp hết.
Lan:                 (Nguýt Kỳ) Anh này, ăn với nói...
                       (Vừa lúc ấy Hoài Vân vào)
Kỳ:                  A... cô ta tỉnh rồi... đi lại được rồi... Thật tuyệt vời.
                       (Chạy lại chỗ Hoài Vân) Xin chúc mừng đồng chí...
Lan:                 (Cũng mừng rỡ chạy đến) Chị!... May quá, chị tỉnh lại rồi.
Hoài Vân:        Đây... là đâu? Tại sao tôi lại ở đây?
Lan:                 Chị bị ngất ngoài rừng. Chính anh Kỳ đã cõng chị vào đấy.
Hoài Vân:        Trời ơi... Cám ơn anh...
Kỳ:                  Thôi khỏi. Chỉ xin hỏi, tại sao chị lại nằm giữa rừng một mình. Bị bỏ rơi hả?
Hoài Vân:        Dạ...
Kỳ:                  Thế thì cùng cảnh ngộ cả. Tất cả chúng ta đây là loại bị bỏ rơi. Tôi là tổ trưởng tổ bỏ rơi...
Hoài Vân:        Tổ bỏ rơi?
Kỳ:                  Ấy, nhưng đấy là chuyện ngày xửa ngày xưa, tức là từ hôm qua trở về trước ấy. Còn bây giờ thì lại gặp may rồi. Nào, ta lên đường luôn.
Hoài Vân:        Đi luôn hả anh?
Kỳ:                  Đi ngay tức khắc. Trông bộ chị cũng đã mạnh rồi. Gắng mà đi, dọc đường chúng tôi sẽ giúp. Chỗ này không ở lâu được đâu, rắn rết, bọ cạp, ruồi muỗi, sên vắt, cọp beo, heo rừng lung tung cả...
Hoài Vân:        Nhưng đi đâu bây giờ anh?
Kỳ:                  Vào mặt trận.
Hoài Vân:        (Giật mình) Vào mặt trận?
Kỳ:                  Sao?
Hoài Vân:        Tôi... tôi...
Kỳ:                  (Quan sát kỹ) Này... cô có phải là lính không?
Hoài Vân:        Vâng...
Kỳ:                  Lính mà nghe nói vào mặt trận lại tái xanh tái xám mặt mày lên thế à?
Hoài Vân:        Không... Anh đừng hiểu sai... Tôi...
Kỳ:                  À, quên mất. Cô có giấy tờ gì không?
Hoài Vân:        (Lúng túng) Không... à... tôi... làm rơi mất rồi.
Kỳ:                  Hừ, Thủ trưởng thì bỏ rơi quân, đơn vị bỏ rơi lính, chiến sĩ bỏ rơi giấy tờ... Chả biết có nên tin không?
Hoài Vân:        Kìa anh, em xin thề mà...
Kỳ:                  Thôi khỏi. Cô đúng là lính chứ?
Hoài Vân:        Đúng mà.
Kỳ:                  Vậy thì hãy nghe lệnh đây. Tôi là thủ trưởng ở đây. Tôi phân công đồng chí ở lại coi kho thực phẩm này.
Hoài Vân:        Ở lại đây? Một mình tôi ư?
Kỳ:                  Một mình chứ sao? Cách đây ba năm tôi cũng được giao một nhiệm vụ như vậy. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, cô sẽ bắt cóc được một chàng trai nào đó. Đời này thiếu gì kẻ bị bỏ rơi.
Hoài Vân:        Trời ơi, nhưng tôi là con gái...
Kỳ:                  Con gái càng tuyệt. Ở đây dễ chịu vô cùng, nào là chim kêu vượn hót, nào là suối rừng róc rách, hoa nở hương đưa... Mấy lại cô chỉ ở đây vài ngày thôi, tụi này đến trạm giao liên sẽ báo ngay cho đơn vị ra đón.
Hoài Vân:        Thôi, tôi không tin. Các anh sẽ bỏ rơi tôi, sẽ chẳng ai ra đón tôi đâu.
Kỳ:                  Không. Cô nên nhớ bọn này ăn ngay nói thật chứ chẳng đểu cáng như cái lão Cảnh Tài đâu.
Hoài Vân:        (Giật mình) Cảnh Tài? Tại sao anh lại biết Cảnh Tài?
Kỳ:                  Thì chính lão ta là xếp của tôi mà. Ủa... mà tại sao cô cũng biết Cảnh Tài?
                       (Nãy giờ ông Ngạn chăm chú quan sát Hoài Vân)
Ngạn:               Khoan đã... Cho bác hỏi một câu. Cháu ở chỗ nào ra đây?
Hoài Vân:        (Quay lại ông Ngạn) Cháu... cháu... ôi trời đất ơi, có phải bác là bác Ngạn?
Ngạn:               Cháu ở đâu? Tại sao lại biết bác?
Hoài Vân:        (Ôm lấy ông Ngạn) Bác ơi!... (Khóc)
Kỳ:                  Quái thật! Cứ thế này thì lên đường cái cóc khô.
Ngạn:               Cháu ở đâu? Nói đi? Cháu ở đâu mà biết bác?
Hoài Vân:        Cháu... (Đột ngột) Không! Cháu ở chiến trường. Có một lần cách đây lâu lắm rồi, cháu có gặp bác, thế thôi.
Ngạn:               Không phải. Cháu phải biết kỹ hơn... biết nhiều hơn...
Hoài Vân:        Không. Cháu không biết gì cả. (với Kỳ) Thôi, tôi đồng ý ở lại. Các anh cứ lên đường đi, tôi sẽ ở lại đây coi kho.
Kỳ:                  Hoan hô tinh thần của cô em. Thế là cái kho này đã được bàn giao. Hết việc nhé, xin giã từ những năm tháng bị bỏ rơi! Các đồng chí, lên đường!
                       (Tất cả định đi)
Hoài Vân:        Bác Ngạn... Bác... bác định đi đâu?
Ngạn:               Bác như con nai con lạc mẹ, nay mới tìm ra đường. Bác phải trở về với quê hương.
Hoài Vân:        Về với quê hương? Đừng...
Ngạn:               Sao?
Hoài Vân:        Bác có thể vào bất cứ chiến trường nào... tham gia đánh Mỹ bất cứ nơi đâu... Nhưng đừng trở lại nơi cũ...
Ngạn:               Vì sao thế?
Hoài Vân:        Cháu... chẳng biết gì cả... Nhưng... cháu thương bác...
Ngạn:               Không. Nhất định cháu từ nơi đó ra. À, đúng rồi, tôi nhớ ra rồi. Cách đây ba năm, cháu là giao liên của đội công tác chính trị Liên Hòa... Đúng cháu là người xã Liên Hòa, đồng hương với vợ của bác... Đúng rồi, cháu là Hoài Vân, đúng không?
Kỳ:                  Đúng không? (Im lặng)
Lan:                 Chị? Tại sao chị cứ im lặng thế? Chị không biết được rằng bác Ngạn đây là người đã thất lạc quê hương ba năm nay, đang khao khát từng mẩu tin của quê nhà như trẻ thơ khát sữa... Tại sao chị lại im lặng?(Im lặng)
Hoài Vân:        Bác Ngạn... Bác trở lại chỗ cũ sẽ phải chạm trán với một người... Người đó bây giờ là con thú...
Ngạn:               Người đó là ai?
Hoài Vân:        Trần Oanh.
Ngạn:               Trần Oanh? Người đã xin tôi đi bắt liên lạc để cứu viện.
Hoài Vân:        Không. Hắn đã chuồn rồi phao tin là toàn bộ Huyện ủy bị hy sinh hết. Chính ông ta đã chứng nhận cho bác gái là vợ liệt sĩ. Khi có tin bác còn sống và đang ở trạm thu dung ngoài bắc, chính ông ta đã sai Cảnh Tài ra đón  bác và mang dấu kín vào đây.
Kỳ:                  Trời ơi... hóa ra cái trạm này sinh ra để người ta bắt cóc nhau à?
Ngạn:               Ngoài cháu ra, có ai biết được việc này không?
Hoài Vân:        Bác gái và anh Kiên đã biết. Và chính vì vậy... mà bây giờ tính mạng họ đang bị đe dọa.
Ngạn:               Trời!
Kỳ:                  Khoan đã. Xin hỏi thật, những việc tày đình như vậy làm sao cô lại biết? (Im lặng) Tại sao?
Hoài Vân:        Tại vì... tại vì chính tôi là thư ký riêng của Trần Oanh!
                       (tất cả lùi ra, ghê sợ)
                       Các bác... các anh... các chị cứ ghê tởm tôi đi, cứ khinh ghét tôi đi. Tôi đáng phải chịu như thế. Vì tôi là con mồi, là lá bài của những con người như vậy... Tôi... (Khóc)
Ngạn:               Cháu... cháu cứ bình tĩnh.
Hoài Vân:        Bác ơi... cháu van bác... Trần Oanh rất sợ sự có mặt của bác. Bác vào lúc này là nguy hiểm lắm...
Ngạn:               Vì lẽ đó tôi cần phải vào. Vào ngay lập tức.
Kỳ:                  Đúng. Vào ngay lập tức. Nổ súng ngay lập tức.
Ngạn:               Bình tĩnh. Trần Oanh là một cán bộ cao cấp. Chúng ta cần cho người ra gặp Trung ương... Chúng ta phải viết thư trình bày cho các cơ quan có trách nhiệm. Mọi việc phải thật bình tĩnh. Các cháu...Bác đã gặp các binh đoàn chủ lực và được biết, Mặt trận toàn miền đã bước vào giai đoạn quyết định. Cuộc chạm trán tổng lực của ta và địch đã bắt đầu.
Kỳ:                   Và cuộc chạm mặt của những người trung thực với bọn cơ hội cũng không thể né tránh được nữa.
Ngạn:                Đúng thế, không thể né tránh. Cần chạm mặt thì phải chạm thôi. Nhưng bác tin... những điều tốt lành bao giờ cũng chiến thắng.
Kỳ:                  Chưa chắc. Xin lỗi bố già, có khi lại ngược lại đấy.
Ngạn:               Sao?
Kỳ:                  Cái ác chẳng dễ gì chết gục đâu.
Ngạn:               Nhưng cái thiện cũng chẳng dễ chết gục chút nào. Đúng không?
                       (Âm nhạc sục sôi)
Hoài Vân:        Trời ơi... tôi không hình dung nổi, tới đây mọi chuyện sẽ ra sao?

 Tắt đèn

 Cảnh VIII


                       Nhà sàn Bác Hồ  - năm 1967. Bác đứng bên cửa sổ nhìn ra con đường nhỏ trong vườn. Gió thổi, Bác đưa bàn tay lên vẫy nhẹ rồi hạ xuống. Có thể nhận ra Bác đang tiễn chân ai đó vừa đi xa. Bác vẫn đứng như vậy rất lâu. Đồng chí thư ký bước lên chân cầu thang lặng lẽ nhìn Bác. Anh sợ làm mất dòng suy nghĩ của Bác. Anh nhẹ nhàng rút lui. Một lát lại xuất hiện...
Thư ký:            (Nhìn đồng hồ, mạnh dạn) Thưa Bác... đã đến giờ Bác tiếp đoàn nhà báo Úc ạ. (Im lặng) Thưa Bác... chắc Bác đã làm việc xong với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh?
Hồ Chủ tịch:    Ờ... vừa xong. Chú ấy đã về. Đang đi kia...
Thư ký:            (Nhìn theo) Sao hôm nay đồng chí Đại tướng lại đi chậm thế? Mà hình như đồng chí ấy dừng lại, hình như muốn quay trở lại...
Hồ Chủ tịch:    Không!... Chú ấy vẫn đi đấy thôi.
Thư ký:            Thưa Bác... Bác có hỏi lại anh Thanh về đơn vị của đồng chí Hoàng Hữu Ngạn không ạ?
Hồ Chủ tịch:    (Quay nhìn người thư ký) Bác không hỏi nữa (Người thư ký nhìn Bác ngạc nhiên) Chú báo cáo với chú Kỳ rồi qua làm việc với Ban tổ chức Trung ương phải lo giải quyết việc này ngay, càng nhanh càng tốt.
Thư ký:            Thưa Bác, cháu xin hứa sẽ giải quyết nhanh ạ. Có điều việc này cháu nghĩ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chắc chắn sẽ biết rõ hơn. Ngày mai Đại tướng lại trở vào chiến trường, trực tiếp giải quyết thì mọi chuyện sẽ được sáng tỏ.
Hồ Chủ tịch:    Lúc đầu Bác cũng nghĩ như vậy nên mới bào chú chuẩn bị. Nhưng bây giờ... thôi, đừng làm chú ấy bối rối nữa. Ngày mai vị tướng ấy lên đường...Vị tướng ấy lại trở vào mặt trận. Bác không muốn người lính trước giờ ra mặt trận lại có chuyện phải bối rối, phải lo buồn... Thôi, cứ để cho chú ấy đi. Còn những việc gì Bác cháu mình lo được thì cùng nhau lo. À... đến giờ tiếp khách rồi phải không. Bác vào thay chiếc áo nhé!
                       (Hồ Chủ tịch đi nhanh vào bên trong. Đồng chí Thư ký nhìn theo Bác lòng đầy xúc động. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại xuất hiện ở cầu thang)
Đại tướng:        (Hỏi khẽ) Bác đâu?
Thư ký:            Ủa, anh Thanh! Anh quay trở lại gặp Bác... chắc có chuyện gì?
Đại tướng:        Tất cả những vấn đề lớn về cuộc tấn công sắp tới tôi đã trình bày với Bác. Nhưng còn một chuyện. Tôi cứ băn khoăn mãi, không biết có nên báo cáo với Bác không?
Thư ký:            Sao lại thế?
Đại tướng:        Tôi sợ Bác buồn, Bác nghĩ ngợi nhiều có hại cho sức khỏe. Nhưng nếu không báo cáo thật với Bác thì tôi lại ân hận. Bác bận trăm công nghìn việc, lo cho cả nước xây dựng và đánh giặc, quan tâm đến tất cả những mối quan hệ phức tạp trên quốc tế... Vậy mà Bác vẫn nhớ... vẫn dặn tôi lo việc nhỏ này. Nhưng hóa ra tôi đã quan liêu... Tôi không hoàn thành được nhiệm vụ Bác giao...
Thư ký:            Chuyện đồng chí Hoàng Hữu Ngạn đúng không?
Đại tướng:        Đúng thế. Năm kia vào chiến trường, tôi đã tìm được địa chỉ, đã hỏi kỹ. Nhưng các đồng chí lãnh đạo ở tỉnh đã báo cáo với tôi rằng sẽ cho người đi tìm và đón anh Hoàng Hữu Ngạn. Tôi tin vào sự báo cáo ấy. Không ngờ cách đây mấy hôm, tôi lại nhận được lá đơn này... Tôi ân hận vô cùng. Nếu Bác biết việc này, chắc Bác giận tôi lắm...
Thư ký:            Bác biết rồi.
Đại tướng:        Sao? Bác biết rồi?
Thư ký:            Bác cũng nhận được đơn.
Đại tướng:        Thế mà suốt buổi gặp chiều nay Bác không hề hỏi tôi.
Thư ký:            Bác sợ anh bối rối, lo lắng. Ngày mai anh lại lên đường rồi. Bác muốn anh ra đi thật thanh thản...
Đại tướng:        Bác muốn tôi ra đi thanh thản. Nhưng tôi hiểu Bác không thể nào thanh thản được trước những việc như thế này đâu.
                       (Hồ Chủ Tịch xuất hiện)
Hồ Chủ tịch:    Chú Thanh! Chú vẫn chưa về?
Đại tướng:        Thưa Bác... tôi có lỗi. Bác đã dạy, muốn đánh Mỹ thắng lợi phải có những con người vô tư, trong sáng, dám hy sinh vì tự do độc lập. Tôi không thể ngờ trong lúc cán bộ, chiến sĩ cả nước đang dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp cách mạng thì lại có những kẻ cơ hội độc ác như thế này...
Hồ Chủ tịch:    Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước dù có kéo dài 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa nhưng nhất định sẽ đến ngày kết thúc thắng lợi. Nhưng cuộc chiến đấu với cái ác, cái thấp hèn trong mỗi một con người thì sẽ phải còn lâu dài lắm. Các chú đừng quá lo lắng, đừng bối rối, mất lòng tin. Tất nhiên, một sự việc như việc chú Hoàng Hữu Ngạn nhắc cho toàn Đảng mình phải nhớ một điều, lúc nào cũng phải gắn chặt nhiệm vụ cách mạng với sự nghiệp củng cố, xây dựng Đảng, phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con người của mắt mình.
Đại tướng:        Trong đơn của đồng chí Hoàng Hữu Ngạn có nói rõ các đồng chí ấy sẽ trở lại ngay chiến trường cũ. Có nghĩa là vào giờ này, ở nơi đó, ta và bọn Mỹ xâm lược đã chạm mặt nhau. Người chân chính, kẻ cơ hội cũng sẽ đối mặt với nhau...
Thư ký:            (Thở dài nhẹ) Không biết rồi sẽ thế nào?
Hồ Chủ tịch:    (Nói to) Cái thiện nhất định thắng... (Nhỏ lại) Tất nhiên thắng được cũng chẳng dễ dàng gì... Thôi, chú về đi, chuẩn bị thật tốt ngày mai  lên đường.
Đại tướng:        Thưa Bác, ngày mai tôi sẽ vào lại trong ấy. Riêng chuyện này... tôi xin hứa sẽ vào kịp, giải quyết tận gốc.
Hồ Chủ tịch:    Bác cũng mong thế. Chúc chú ra đi mọi việc tốt lành.
                       (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bước xuống cầu thang, dáng đi cương quyết. Bác và người thư ký nhìn theo lặng lẽ)
Thư ký:            (Thì thầm) Nếu như... nếu như đồng chí Đại tướng vào kịp trong đó chắc chắn sự việc đồng chí Hoàng Hữu Ngạn sẽ kết thúc tốt đẹp
Hồ Chủ tịch:    ( Bất giác) Này chú, tại sao lại nếu như...
Thư ký:            (Lúng túng) Dạ...cháu...
Hồ Chủ tịch:    Có được những con người như chú Thanh, Bác thật an lòng. Mong sao chú ấy đi đến chốn, đến nơi... vào kịp với những con người chân chính...
                       (Đèn mờ dần.. âm nhạc trào lên... đèn chỉ tập trung vào hình ảnh Bác)
Tiếng vọng:    Nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã không kịp lên đường. Cái chết sao lại quá dễ dàng đối với một con người như đồng chí Đại tướng ... Nhưng cuộc sống vẫn đi lên... cây đời vẫn tươi tốt... Cái chết có thể quật ngã những con người vĩ đại nhất nhưng những điều thiện, sự tốt lành, những ước mơ tuyệt vời của dân tộc thì không thể chết được, mãi mãi không bao giờ gục ngã...
                      
                                                          
                                                                   MÀN


                                                                       Đông Hà - 5/1993


 Đăng ngày 13/06/2011
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 18/08/2012

Đốp phì cười khi đọc chết chết chết chết chết... của... Đức quốc xã
Xuanduc.vn: Hôm nay cho lên trang 2 cảnh cuối cùng củaCái chết...Và như vậy là bạn đọc đã có thể nhận ra lí do vì sao Cái chết..lại phải chết đi sống lại mấy phen như thế, và vì sao, sau nhiều phen hút chết, cái chết lại không chịu chết..Vì sao Cái chết lại chẳng dễ dàng gì?
Những đoạn thoại cực ấn tượng
Kỳ:                  Thế thì cùng cảnh ngộ cả. Tất cả chúng ta đây là loại bị bỏ rơi. Tôi là tổ trưởng tổ bỏ rơi...
Kỳ:                  Hừ, Thủ trưởng thì bỏ rơi quân, đơn vị bỏ rơi lính, chiến sĩ bỏ rơi giấy tờ... Chả biết có nên tin không?

Kỳ:                  Thôi khỏi. Cô đúng là lính chứ?
Hoài Vân:        Đúng mà.
Kỳ:                  Vậy thì hãy nghe lệnh đây. Tôi là thủ trưởng ở đây. Tôi phân công đồng chí ở lại coi kho thực phẩm này.
Hoài Vân:        Ở lại đây? Một mình tôi ư?
Kỳ:                  Một mình chứ sao? Cách đây ba năm tôi cũng được giao một nhiệm vụ như vậy. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, cô sẽ bắt cóc được một chàng trai nào đó. Đời này thiếu gì kẻ bị bỏ rơi.
Hoài Vân:        Trời ơi, nhưng tôi là con gái...
Kỳ:                  Con gái càng tuyệt. Ở đây dễ chịu vô cùng, nào là chim kêu vượn hót, nào là suối rừng róc rách, hoa nở hương đưa... Mấy lại cô chỉ ở đây vài ngày thôi, tụi này đến trạm giao liên sẽ báo ngay cho đơn vị ra đón.
Hoài Vân:        Thôi, tôi không tin. Các anh sẽ bỏ rơi tôi, sẽ chẳng ai ra đón tôi đâu.
Kỳ:                  Không. Cô nên nhớ bọn này ăn ngay nói thật chứ chẳng đểu cáng như cái lão Cảnh Tài đâu.
Hoài Vân:        Không. Hắn đã chuồn rồi phao tin là toàn bộ Huyện ủy bị hy sinh hết. Chính ông ta đã chứng nhận cho bác gái là vợ liệt sĩ. Khi có tin bác còn sống và đang ở trạm thu dung ngoài bắc, chính ông ta đã sai Cảnh Tài ra đón  bác và mang dấu kín vào đây.
Kỳ:                  Trời ơi... hóa ra cái trạm này sinh ra để người ta bắt cóc nhau à?
Ngạn:               Ngoài cháu ra, có ai biết được việc này không?
Hoài Vân:        Bác gái và anh Kiên đã biết. Và chính vì vậy... mà bây giờ tính mạng họ đang bị đe dọa.
Ngạn:               Trời!
Kỳ:                  Khoan đã. Xin hỏi thật, những việc tày đình như vậy làm sao cô lại biết? (Im lặng) Tại sao?
Hoài Vân:        Tại vì... tại vì chính tôi là thư ký riêng của Trần Oanh!
                       (tất cả lùi ra, ghê sợ)
                       Các bác... các anh... các chị cứ ghê tởm tôi đi, cứ khinh ghét tôi đi. Tôi đáng phải chịu như thế. Vì tôi là con mồi, là lá bài của những con người như vậy... Tôi... (Khóc)
Ngạn:               Cháu... cháu cứ bình tĩnh.
Hoài Vân:        Bác ơi... cháu van bác... Trần Oanh rất sợ sự có mặt của bác. Bác vào lúc này là nguy hiểm lắm...
Ngạn:               Vì lẽ đó tôi cần phải vào. Vào ngay lập tức.
Kỳ:                  Đúng. Vào ngay lập tức. Nổ súng ngay lập tức.
Ngạn:               Bình tĩnh. Trần Oanh là một cán bộ cao cấp. Chúng ta cần cho người ra gặp Trung ương... Chúng ta phải viết thư trình bày cho các cơ quan có trách nhiệm. Mọi việc phải thật bình tĩnh. Các cháu...Bác đã gặp các binh đoàn chủ lực và được biết, Mặt trận toàn miền đã bước vào giai đoạn quyết định. Cuộc chạm trán tổng lực của ta và địch đã bắt đầu.
Kỳ:                   Và cuộc chạm mặt của những người trung thực với bọn cơ hội cũng không thể né tránh được nữa.
Ngạn:                Đúng thế, không thể né tránh. Cần chạm mặt thì phải chạm thôi. Nhưng bác tin... những điều tốt lành bao giờ cũng chiến thắng.
Kỳ:                  Chưa chắc. Xin lỗi bố già, có khi lại ngược lại đấy.
Ngạn:               Sao?
Kỳ:                  Cái ác chẳng dễ gì chết gục đâu.
Ngạn:               Nhưng cái thiện cũng chẳng dễ chết gục chút nào. Đúng không?
                       (Âm nhạc sục sôi)
Hoài Vân:        Trời ơi... tôi không hình dung nổi, tới đây mọi chuyện sẽ ra sao?

Bác Xuân Đức ơi! Bất ngờ vì đoạn kết. Nhưng tiếng vọng của đoạn kết kịch sao chông chênh như điềm báo của những bi kịch tiếp theo thế ạ?
Phải chăng cuối cùng thì đám cơ hội vẫn sổng được và sinh sản cấp số nhân còn người chân chính tử tế, trung thực thì teo tóp, chết dần chết mòn như chị Ba Sương bị dồn đến chân tường trong tương quan đồng chí đồng rận thời bình cùng với vô vàn bi hài kịch sau chiến tranh xem ra còn tệ hơn thời chiến nhiều triệu lần... huhuhu...






  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 18/08/2012

Trên VTV1, kịch Cái chết... của tác giả Xuân Đức được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một sự công bằng, tri ân, trọng kính người biếu bột cho nhà hát kịch quân đội có bột mới gột nên hồ. Tối qua đến gần sáng, tôi đọc đi đọc lại tác phẩm của cụ Đức nhiều lần, đến khi lên giường 2h tưởng bở khò ngay được vì oải chè đậu nhưng cứ lướng vướng mãi với những tình tiết, số phận, lời thoại lại liên hệ với thực tại đến 5h sáng mới thiếp đi...
Cảm giác kịch Xuân Đức chuẩn không cần chỉnh! Gần như 99, % đạo diễn, diễn viên thoại diễn theo nguyên văn kịch bản. Cảm giác làm đạo diễn mà vớ được kịch bản Xuân Đức như thế này là quá sướng vì hồn vía của vấn đề, nhân vât đã nằm ngay trong kịch bản. Vì vậy nếu huy chương bạc cùng tiền thưởng nhà hát kịch nên cưa đôi với Xuân Đức thì mới công bằng chăng. Tongue out
Dàn diễn viên đồ sộ vào các vai tròn đầy, sắc nét, sinh động và ngọt.
Vài thay đổi nhỏ- đại tướng Nguyễn Chí Thanh- bí danh Trường Sơn thành thủ trưởng Trường, phó bí thư tỉnh Oanh thành bí thư huyện chắc để giảm độ căng nóng tưởng hay lại thành dở do giảm tính cảnh báo- kẻ cơ hội độc ác còn leo cao tối thượng chứ đâu chỉ ở tầm huyện! Câu than của chị Quế  được thêm vào nói như khóc nghẹn- Anh Ngạn- giá như anh chết thật đi may ra mới tìm được sự thanh thản chứ sống lúc này không dễ dàng gì đâu tạo hiệu ứng tốt.

  Gửi bởi: Nguyễn Văn Đại - 31/03/2013

Nhiều khi cứ định nói mà không có cái để viện dẫn. Cám ơn nhà văn XĐ rất nhiều!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan