Tuesday, October 13, 2015

Chiếc máy cày của Bác

Tác giả: Trần Hoài


Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 2009): 


Vẫn "sống", chiếc máy cày Bác tặng!                              Năm 1959, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh - Quảng Trị) là nơi đầu tiên được Bác Hồ tặng nguyên một chiếc... máy cày! Đó là chiếc Zetor - 25K của bà con nông dân HTX Hocne Salibi - Tiệp Khắc tặng Bác, Bác tặng lại Đảng bộ và nhân dân một xã nơi đầu cầu giới tuyến, ở trong "Khu phi quân sự", giữa những ngày đất nước còn cắt chia... Nửa thế kỷ đã qua, chiếc máy cày của Bác và những huyền thoại về nó đến hôm nay vẫn "sống" lung linh, kỳ diệu...     
 Chiếc máy cày huyền thoạiHiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình lập lại trên Miền Bắc, chỉ trong một thời gian ngắn, từ xây dựng các tổ đổi công - HTX bậc thấp, Vĩnh Kim tiến lên HTX bậc cao, gặt hái những thành tích xuất sắc. Vừa lao động sản xuất, vừa sát cánh cùng bà con Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Thạch v.v... trực tiếp đấu tranh mặt đối mặt với kẻ thù bên kia sông Bến Hải thống nhất Tổ quốc, đồng thời đẩy mạnh phong trào "Ba ngọn cờ hồng", trở thành một trong những HTX tiên tiến đầu tiên của Miền Bắc XHCN.
Nghe tin, Bác Hồ vui lắm, quyết định tặng Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim một chiếc... máy cày! Chiếc máy cày Zetor - 25K Bác được những nông dân Tiệp Khắc tặng trong chuyến thăm nước bạn, đã được ông Đại sứ Tiệp Khắc cùng phu nhân mang về trao tận tay bà con Vĩnh Kim. Bấy giờ cả xã chưa có ai lái được máy cày. Ngay lập tức, anh Nguyễn Đức Đồng, học viên trường Trung cấp cơ khí Trung ương đang đi thực tập được Cục cơ khí - Bộ Nông lâm điều động về quê nhà...
Ông Nguyễn Đức Đồng giờ đã 75 tuổi, ở xóm Hương Bắc - Vĩnh Kim hồi tưởng: Buổi lễ đón máy cày được tổ chức tại trảng Cây Sui, bà con nhân dân cả Khu vực Vĩnh Linh đến dự lễ đông nghịt.
Lần đầu tiên ở một xóm nhỏ Vĩnh Kim rộn lên tiếng máy cày làm xáo động vẻ tĩnh lặng đã ngàn năm nay của một làng quê đói nghèo, khói dầu đi - ê - zen thơm lừng. Anh thợ trẻ Nguyễn Đức Đồng mặc bộ quần áo công nhân mới tinh, trang trọng ngồi trước vô lăng, thao tác những đường cày "biểu diễn", lật tung lớp đất đỏ tươi, nâu thẫm tươi tốt. Biển người hò reo vang trời. Bọn trẻ con rồng rắn chạy theo máy, vấp ngã dúi dụi...
- Tui tự hào, vinh dự lắm! - Ông Đồng nói -  Nhưng cũng không kém lo lắng, lỡ cái máy nó trục trặc một cái giữa buổi lễ trang trọng này thì mần răng? Nhưng anh Thao, anh Ngọc là hai thợ kỹ thuật Bộ cử vào giúp vận hành, động viên: Chú cứ yên tâm, có các anh đây, cứ cày cho "ngọt" vào! Rứa là tui dấn ga, máy chạy phăng phăng lật tung những bờ bụi lô nhô. Chỉ cày "biểu diễn" một lúc mà đã được bốn sào đất. Bà con trầm trồ: bằng cả chục con trâu đực cày cả ngày đó! Ông Đại sứ phát biểu: Tôi sẽ báo tin vui này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo tin cho bà con nông dân HTX Hocne Salibi quê hương tôi biết chiếc máy cày đã được sử dụng hữu hiệu trên cánh đồng Vĩnh Kim - Vĩnh Linh giới tuyến... Họ sẽ rất vui khi biết rằng chiếc máy thật cần thiết đối với các đồng chí...
Ông Nguyễn Đình Tín, bấy giờ là Bí thư Đoàn thanh niên xã Vĩnh Kim kể lại: Đoàn thanh niên xã tổ chức sinh hoạt, quán triệt nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ máy cày, đồng thời phát động nhiều phong trào lao động sản xuất như khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích, phong trào "thanh niên 5 tấn", làm chuồng phân 100 tấn. Nhờ có máy, hàng trăm héc - ta đất hoang hóa ở Cồn Hôi, Cộôc Ruộng, Cây Sui đã được vỡ hoang, đưa vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh sản lượng lương thực của xã lên cao. Và không chỉ cày ở địa bàn Vĩnh Kim và khắp Khu vực Vĩnh Linh, chiếc Zetor - 25K còn được sử dụng kéo rơ - moóc chở phân bón, thuốc trừ sâu ra đồng ruộng. Vào mỗi mùa xuân, chiếc Zetor - 25K được treo băng rôn đỏ rực, cắm cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Đoàn tung bay phần phật chở trai làng lên thị trấn Hồ Xá tòng quân... Những dịp hội diễn văn nghệ quần chúng, giao lưu thi đấu bóng chuyền, bóng đá do Khu vực tổ chức, máy cày chở các diễn viên, cầu thủ - nông dân đi thi thố, biểu diễn phục vụ bà con... Người lái, ngoài anh Nguyễn Đức Đồng, xã cử thêm hai người là anh Nguyễn Đức Ái và Nguyễn Đình Phúc đi học lái ngoài Bắc, về thành lập hẳn một tổ lái máy cày.
Đến năm 1964, sau "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", Vĩnh Linh bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt. Chiếc máy cày cũng thực hiện khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời". Bà con đào hầm ở thôn Hương Bắc, sát cạnh trận địa pháo 130 mm của bộ đội c13 để máy ẩn nấp. Lúc này, ông Đồng được điều động về Đội máy cày số 10 đóng ở Hồ Xá, bàn giao máy cho anh Ái và anh Phúc. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Ngoài phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu, chiếc Zetor - 25K nhận thêm một nhiệm vụ thiêng liêng nữa: Chở đạn A12 về đến bờ sông Bến Hải chuyển lên thuyền vượt sông vào Nam cung cấp cho bộ đội đánh Cửa Việt; rồi chở thi hài liệt sĩ, thương binh từ bờ Nam chuyển ra... Cái rơ - moóc của máy cày Bác Hồ tặng ướt đẫm từng vệt máu... Năm 1966, đồng chí Phan Văn Toàn - Bí thư Đảng ủy xã thay mặt Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim được vinh dự ra Hà Nội dự Đại hội thi đua toàn quốc. Trước giờ khai mạc Đại hội, Bác Hồ hỏi: "Chú Toàn Vĩnh Kim đã có mặt ở đây chưa?". Đồng chí Toàn xúc động, vội chạy đến bên Bác, thưa với Bác rằng bà con Vĩnh Kim, Vĩnh Linh vẫn kiên cường, vừa sản xuất vừa chiến đấu giỏi. Chiếc máy cày Bác tặng được bà con yêu quý, gìn giữ và sử dụng tốt.
Nhưng giặc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh phá hoại, gia tăng cường độ đánh phá nơi đầu cầu giới tuyến hòng chặn đường chi viện sức người sức của từ miền Bắc vào Nam. Mọi tuyến đường bị đánh phá không thể cơ động bằng cơ giới, sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ. Cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của người dân Vĩnh Linh nói chung và Vĩnh Kim nói riêng phải rút vào lòng đất, vào địa đạo. Chiếc Zestor - 25K sau 9 năm tận lực làm việc dù qua một lần sửa chữa đã đến lúc kiệt sức, bị hỏng nặng, lại không có phụ tùng thay thế. Hai thợ lái máy Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Ái rời vô lăng, sung vào lực lượng dân quân trực chiến, và đã hi sinh anh dũng trên trận địa 12,7 ly. Cuối năm 1968, Đảng ủy xã Vĩnh Kim họp quyết định: Để bảo tồn chiếc máy cày Bác tặng là hiện vật quý giá đến mai sau, phải chuyển máy ra Bắc đại tu! Chiếc rơ moóc được giao cho Trạm máy kéo Khu vực Vĩnh Linh mượn để tiếp tục chở đạn, chở lương thực phục vụ chiến đấu cho đến hết cuộc chiến tranh, cho đến ngày giải phóng, thống nhất non sông... Hôm tiễn máy ra Bắc đại tu, những chiến sĩ dân quân khuôn mặt lấm lem bởi khói bom, khói đạn hì hụi kéo máy từ dưới hầm lên, rưng rưng. Với họ, đó không phải là chiếc máy cày vô tri vô giác, mà đã thân thiết như người đồng đội từng sát cánh trong những giờ phút hiểm nghèo của cuộc chiến tranh khốc liệt.
- Ngớt trận bom B52 rải thảm thì xe ô tô đến chở máy đi - Ông Nguyễn Đình Tín bùi ngùi - Tui lúc này là Chủ tịch xã, phải nén lại nước mắt trong lòng, tự nhủ mình phải chiến đấu nhiều hơn nữa cho mau đến ngày toàn thắng để đón Bác Hồ vào thăm Vĩnh Linh, đón máy cày Bác tặng về xây dựng quê hương...

Sống mãi kỷ vật của BácVậy mà không ngờ, phải đến 13 năm sau - năm 1980, chiếc Zetor - 25K mới được trở về quê hương Vĩnh Kim...
Chiến tranh tao loạn, người còn người mất, lại thêm những khó khăn như núi của công cuộc "lấp hố bom, xây cuộc sống", với bộn bề trăm công nghìn việc, gian nan, thử thách không nhỏ của thời bao cấp, tin tức về chiếc máy cày huyền thoại của Bác trao tặng gửi ra Bắc đại tu ngày ấy, không một ai biết! Bà con Vĩnh Kim hạ quyết tâm: Dù khó khăn, tốn kém đến mấy, cũng phải tìm cho được chiếc máy cày về! Xã giao nhiệm vụ cho hai người là Nguyễn Hữu Thông (lúc đó là phó chủ nhiệm HTX) và Nguyễn Đình Anh cơm đùm gạo bới ra Bắc tìm máy. Chỉ có ít tiền xã cấp làm lộ phí, hai anh không dám thuê nhà trọ mà nghỉ nhờ nhà người thân của anh Thông. Không hề có chút manh mối, hai người cứ lang thang ngày này qua các ngày khác ở các nhà máy, xưởng cơ khí khu vực xung quanh Hà Nội tìm kiếm... Nửa tháng rồi mà chẳng có kết quả gì... Một ngày chủ nhật, hai anh tới viếng Lăng Bác, trong lòng thì thầm khấn nguyện: "Bác ơi, Bác phù hộ cho chúng cháu tìm ra chiếc máy cày của Bác tặng. Quê cháu còn vất vả lắm, bà con còn cực khổ, có máy cày về giúp bà con sản xuất đời sống sẽ khá hơn".
Ông Nguyễn Hữu Thông, giờ đã 52 tuổi, nén xúc động, kể tiếp:  Tiền ăn gần cạn, thì một buổi chiều ở Nhà máy cơ khí nông nghiệp 1 Hà Nội, chúng tôi được một bác công nhân già mách cho: "Tôi nhớ thời chiến tranh nhà máy có tiếp nhận một chiếc máy cày hiệu Zetor - 25K từ trong Vĩnh Linh chuyển ra, nhưng vì không có phụ tùng thay thế do hồi đó cảng Hải Phòng bị bom thủy lôi phong tỏa, hàng viện trợ các nước XHCN không vào được. Thế nên kế hoạch sửa chữa đại tu chiếc máy đành phải xếp lại...". Bác công nhân già dẫn hai anh em bầy tui đến bên một bức tường cũ nát, đổ sập, che khuất phần lớn chiếc máy cày. Mọi người lần tìm, vét hết lớp đất đá che kín thì hiện ra mấy chữ nước sơn đã mờ, đọc kỹ thì ra là "Zetor". Đây rồi! Tìm thấy rồi! Hai anh em tui hét lên sung sướng! Ngay ngày hôm sau Đoàn thanh niên Nhà máy phát động đợt lao động cộng sản để phục hồi chiếc máy cày, chia ba ca làm cả ngày lẫn đêm. Chiếc máy đã hư hỏng nặng, hầu hết phụ tùng đều phải thay thế. Mà trong kho thì không hề có một chiếc đinh ốc của loại máy này, bản vẽ thiết kế cấu trúc cũng không. Anh em công nhân phải lần tìm lên tận Nông trường Tam Đảo được một chiếc máy cùng loại đã hỏng, đưa về tháo phụ tùng thay thế. Phần vỏ máy bị gỉ mục, không ai biết hình thù nó thế nào mà phục hồi, nhà máy lại cử người vào HTX Đại Phong - Quảng Bình - nơi có một chiếc máy cày giống như vậy đang còn tương đối tốt, vẽ lại bản vẽ phối cảnh đưa về thi công... Sau 2 tháng thi công, đến 28 tháng Chạp năm Canh Thân  - 1980, chiếc máy cày huyền thoại đã "sống" lại, nổ giòn tan sau 13 năm "lưu lạc"... Cả nhà máy vui mừng, tổ chức lễ tiễn máy trở về quê hương. Ngoài khoản tiền công sửa chữa, nhà máy mà còn tặng thêm một chiếc rơ moóc, hai thùng phuy dầu, một bộ đồ nghề sửa chữa, cử hai cán bộ kỹ thuật tháp tùng máy về Vĩnh Kim... Lần thứ hai, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim lại tổ chức buổi lễ trang trọng đón chiếc máy cày Bác Hồ tặng vào đúng ngày 30 Tết.
Ông Nguyễn Đức Đồng, lúc này đã nghỉ hưu, lần thứ hai lại được bà con tín nhiệm giao trọng trách lái máy. Những năm 80, chiếc Zetor  - 25K ngày ngày bươn bả đồng trên ruộng dưới, cày xới đất đai còn lổn nhổn mảnh bom mảnh đạn và bom bi; lại rong ruổi trên những con đường đất đỏ trơn lầy, góp sức mình vào công cuộc kiến thiết quê nhà. Thỉnh thoảng, bà con các xã trong vùng còn thấy chiếc Zetor - 25K dẫn đầu một đoàn xe trâu đến mười lăm chiếc chở anh chị em diễn viên đội văn nghệ quần chúng xã Vĩnh Kim cùng lỉnh kỉnh máy móc, đạo cụ lưu diễn vở kịch nói dài 5 màn "Ngọn lửa Thủy Cần". Kịch của nhà văn Cao Hạnh kể về cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống đế quốc, phong kiến và sự hi sinh của những người cộng sản đầu tiên xã Vĩnh Kim...
Chúng tôi đến thăm nhà truyền thống xã Vĩnh Kim. Sau nửa thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, chiếc mày cày Bác Hồ tặng giờ đứng trang trọng, khiêm nhường. Bốn chiếc lốp đã mòn. Anh Nguyễn Hữu Lập  - Chủ tịch xã tâm sự, sau khi đại tu, phục hồi lần thứ ba vào năm 2005, bà con nhân dân bày tỏ nguyện vọng, rằng chiếc máy cày đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, giờ nên bảo quản, cất giữ nó với tư cách là một hiện vật lịch sử, một "bảo vật", để giáo dục truyền thống thế hệ mai sau. Hôm đó là ngày 19 - 5 - 2005, kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, chiếc Zetor - 25K sau khi cày xong đường cày cuối cùng, được lau chùi sạch sẽ, chầm chậm lăn bánh vào Nhà truyền thống...
Ông Nguyễn Đức Đồng - người lái máy cày  - cứ dăm bữa lại đến đây, ông tần ngần đến bên chiếc máy, rồi đi một vòng quanh, kiểm tra kỹ càng từng chiếc ốc, bu lông, rút que kiểm tra mức dầu. Các con của ông đều đã trưởng thành, trong đó có một người là Phó Bí thư Đảng ủy xã. Còn ông Nguyễn Hữu Thông - người đi tìm máy -  giờ đã trở thành một người làm ăn giỏi của huyện Vĩnh Linh. Trong tay ông là 4,5ha cao su, hơn 1000 gốc tiêu, đàn bò, lợn hàng chục con, thu nhập mỗi năm 250  - 300 triệu đồng.
Anh Lập vui mừng thông báo với chúng tôi, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã có và nhân rộng các mô hình trồng cao su tiểu điền với 313 ha, nhiều diện tích đất nông nghiệp đạt thu trên 50 triệu đồng/ha, có mô hình có thời điểm đạt trên 200 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân năm 2007 là 8,2 triệu đồng/người, tốc độ tăng trưởng kinh tế đến 11%/năm. Năm 2004, Trường mầm non của xã là trường đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia... Ông Nguyễn Đình Tín nói:
- Suốt mấy mươi năm, chiếc máy cày của Bác Hồ tặng là nguồn động viên cổ vũ to lớn. Đó là nguồn lực vật chất và tinh thần trực tiếp tham gia cùng Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim khắc phục khó khăn, vươn lên từ trong hoang tàn đổ nát, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động. Và hôm nay, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, cán bộ và nhân dân Vĩnh Kim vẫn tiếp tục phát huy truyền thống đó, càng ra sức thi đua, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để ngày càng xứng đáng hơn nữa với tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ đã giành cho...
Dường như chưa dứt khỏi dòng hoài niệm miên man, ông Nguyễn Đức Đồng một tay nắm lên chiếc vô lăng chiếc Zerto - 25K, tay kia ông đặt lên chiếc nút khởi động. Bàn tay người thợ già nhăn nheo, run run, ông vừa vực dậy sau một trận ốm dài ngày, nhưng chúng tôi có cảm giác, ông chỉ cần ấn nhẹ chiếc nút khởi động, máy sẽ nổ giòn tan!
Nửa thế kỷ rồi, chiếc máy cày - kỷ vật Bác tặng vẫn sống, và sẽ còn sống mãi trong tấm lòng bà con Vĩnh Kim, Vĩnh Linh anh hùng.

Ông Nguyễn Đức Đồng, người lái máy



Ông Nguyễn hữu Thông ( trái) người tìm máy nay trở thành người sản xuất giỏi

 Đăng ngày 17/05/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nguyễn Văn Thọ - 23/05/2009

Lâu quá vì nhiều việc riêng bận không vào thăm trang của anh. Hôm nay vào đọc bàinnàyy mà cảm động. Ơ kìa  là kỉ vật mà con người Vĩnh Linh và con người xưa ấy tình nghioca với vật thế. Bây giờ mấy ai còn cái tình chi? Người ta mang tiếng phản tỉnh, phủ nhận một thời tin thật và u yêu thật làm ai đó còn tình thấy buồn.
Nhớ anh, nhớ đất Quảng Trị, nhớ quán thơ bên hồ và đặc biệt vị khoai lang đất Quảng Trị chấm với muối lạc, bữa hôm ấy ở nhà chị cho ăn.
Từ đây xa xôi cho thăm hỏi tất cả bạn văn quen biết
Nguyễn Văn Thọ

  Gửi bởi: Xuân Đức - 23/05/2009

Chào Thọ. Đang ở Đức hay đã về nước? Lâu không thấy tin tức gì, mấy anh em ở QT vẫn nhắc đấy. Chúc vui và mọi sự thuận lợi.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan