Thursday, October 15, 2015

CHUYỆN TÌNH TRONG BÓNG ĐÊM


Tác giả: Thành Đạt


 Trăng lặn từ khi nào chả rõ, cơn gió quất ngược, làm cho da mặt càng thêm tê tái, cứng đờ.







 Gần 12 giờ khuya - cái giây phút của một ngày mới sắp bắt đầu. Nhưng dù có khuya đến mấy, thì Huỳnh vẫn phải về cho tới nhà, để còn kịp lót dạ gói mì tôm, rồi lăn ra ngủ, sáng mai kịp đi làm đúng giờ.







Nhờ cái bằng loại giỏi mà cách đây hơn 2 năm - khi vừa tốt nghiệp đại học y - anh được tuyển vào làm ở bệnh viện thành phố.









Vị trí mà Huỳnh đang làm là mơ ước của bao bác sĩ mới tốt nghiệp, chính vì thế anh luôn phải cố hết mình vì công việc.







Đường giờ này chẳng còn một bóng người, vắng tanh, vắng ngắt. Cũng chả mấy khi có chiếc ô tô lội sương đi về với miền quê hẻo lánh… nên càng khuya càng vắng hơn.







Tin tưởng là như vậy nên Huỳnh đã rồ máy, chạy cố thật nhanh, chẳng cần dè chừng tai nạn.







Bỗng anh phanh két, chống chân, nhìn sang vệ đường, trố to mắt nhìn vào bóng tối. Hình như… hình như có một ai đó đang vẫy vẩy tay làm hiệu cái gì đó?







Tưởng là bị ảo giác đánh lừa, nhưng khi định thần nhìn kỹ lại, thì anh vẫn nhận ra đó là một cô gái với chiếc ví đầm lủng lẳng trên tay, đang xin đi nhờ xe. Ngạc nhiên nhưng Huỳnh vẫn dừng xe và hỏi:







- Cô xin đi nhờ à?







Cô gái cúi xuống như để tránh ánh sáng lóa mắt của pha đèn, rồi tiến đến bên Huỳnh nhỏ nhẹ.







-         Dạ… anh cho em về xóm Đồi với.







`        Trong cơn gió mơn man, anh cảm nhận được cả mùi hương và cả luồng ấm nồng nàn từ phía cô gái.







- Mời cô lên xe, ôm cho thật chặt. Khuya rồi, đường xấu, tôi chạy ẩu, hơi xốc… mong cô thông cảm. Khi nào đến địa điểm, xe dừng hẵn rồi xuống kẻo ngã bất chừng..







Cô gái ngoan ngoãn bước lên xe, ôm chặt lấy vòng eo của anh. Huỳnh mím môi vê ga, căng mắt nhìn đường, chả cần ngoảnh lại bắt chuyện với người ngồi đằng sau. Nhưng anh tin chắc đây là một cô gái đẹp.







Chợt trong lòng Huỳnh nãy ra những điều thắc mắc: “Chả hiểu cô ta đi đâu mà qua đường này khuya thế? Đường thì có nhiều quãng vắng, nếu có điều gì xảy ra thì sao? Sao không gọi tắc xi? Hoặc ai đó đến đón nhỉ?”







Không cần hỏi, nhưng xóm Đồi thì anh chả lạ lùng gì nữa. Đó là xóm nhà giàu, gần như trăm phần trăm là dân buôn bán đường dài và làm nghề vận tải biển.







Nghe nói con gái xóm đó đẹp lắm, nhưng hơi kiêu… Chính vì thế tầm vóc như anh thì không nên làm quen. Bởi “đũa mục đừng dựng ở mâm son.”







- Anh về đâu? - Cô gái ghé sát tai Huỳnh hỏi như thì thầm.







- Xóm Ruộng.







- Xóm Ruộng... anh tên gì?... để khi nào… em ghé thăm.







- Huỳnh, về xóm Ruộng hỏi Huỳnh Bác sĩ ai cũng biết. - Huỳnh khó chịu cau có - Thôi đừng nói chuyện nữa, mất tập trung, tai nạn bây giờ. Chút nữa… dừng xe, trao đổi số điện thoại… khi nào cần… liên lạc.







Trước sự khó chịu của Huỳnh cô gái đành im thinh thít, ôm chặt lấy eo anh.







Cây cối, mồ mả… hai bên đường loang loáng qua ánh đèn, rồi lùi nhanh vào bóng tối mất hút...







 Huỳnh đoán đã tới địa phận nghĩa trang chung của ba xã Hà Nam, Hà Trung, Hà Tú và thành phố.







Nghĩa trang có từ bao giờ thì không ai được rõ. Cũng không ai lý giải nổi vì sao giữa thành phố và vùng nông thôn sầm uất lại tồn tại một nghĩa trang bao la rộng lớn đến như vậy.







Ngày cũng như đêm, quãng đường này luôn luôn ít người qua lại. Hơn mười cây số đường mà chả có lấy một ngôi nhà, vườn tược, quán sá, công trình dân sinh nào cả. Chỉ toàn mồ mả và những rừng cây trâm bầu già cỗi cành lá rậm rạp. Nghe đâu đó là loài cây được trồng từ thời nhà Hồ để làm căn cứ phòng thủ giặc phương Nam.







 Ngoài những ngôi mộ và những giai thoại huyền hoặc về quãng đường, thì tệ cướp bóc, chặn đường xin đểu, bắt phụ nữ hãm hiếp…Thì nơi đây còn là địa bàn mà các băng nhóm xã hội đen dùng để tụ họp, phân chia quyền lực, rồi xảy ra ẩu đả, giết người xảy ra như cơm bữa… Chính vì thế mà ai cũng dè chừng, nếu phải qua quãng đường này vào ban đêm.







Đã nhiều lần công an tổ chức truy quét, hòng xóa bỏ điểm đen này, nhưng vì nghĩa trang dài đến mười ki lô mét, rộng hơn 5 ki lô mét. Có nhiều hầm sâu, lăng mộ và rừng cây cây cổ thụ che chắn, lại không có dân cư sinh sống… nên khi công an đến thì bọn chúng tản mác vào những lăng mộ, hoặc hòa tan vào không khí. Nhưng khi công an rút, thì mọi việc lại trở lại như vốn có.







Đã đến ngã ba có đường rẽ vào xóm Đồi - Huỳnh giảm ga, ngần ngừ một chút rồi ôm cua, xuôi theo hướng về xóm Đồi.







- Ơ… Ơ… sao anh lại chạy đường này? – Cô gái ngạc nhiên hỏi.







- Để tôi đưa cô về tận nhà, quãng đường này nguy hiểm lắm. Thân gái đi đêm không tiện.







Cô gái ngồi im, xe vút vào bóng đen đặc quánh. Trước, sau, hai bên, bốn phía đều không có một biểu hiện của sự sinh tồn… Mờ mờ trong làn sương khói, những ngôi mộ im lạnh trong giấc ngủ ngàn thu. Tiếng cú lợn rúc lên đều đều, nghe thê thảm, não nùng như tiếng khóc tức tưởi của kẻ dại vọng lên tư cõi u linh.







Huỳnh rùng mình, mở to mắt nhìn chằm chặp vào bốn chung quanh, hình như trong màn sương mờ… có những bóng người mang áo trắng đang đứng, quỳ, cúi lom khom… nỉ non trước những ngôi mộ. Nhưng khi định thần nhìn kỹ lại, thì đó chỉ là những tấm bia mộ và tiếng côn trùng, tiếng chó rong, mèo hoang…đang tranh nhau đồ cúng… cộng hưởng thành khung cảnh huyền bí mà thôi.







 Xe chạy thêm chừng ba cây số nữa, thì le lói ánh đèn của xóm Đồi. Cô gái đằng sau chợt la lên:







-  Anh… anh… cho em xuống đây.







Tưởng là mình nghe nhầm, nên Huỳnh vẫn tiếp tục cho xe chạy.







Lần nầy thì cô gái phải đấm mạnh vào vai anh và hét to:







- Đến nơi rồi, cảm ơn anh… cho em xuống đây.







 Huỳnh dừng xe, trố mắt ngạc nhiên.







- Sao cô lại xuống đây? Để tôi đưa cô về đầu xóm, kẻo quãng này nguy hiểm lắm.







- Anh yên chí. Em phải xuống đây, có người nhà ra đón.







Huỳnh phân vân:







- Có thấy ánh đèn ngược chiều nào đâu? Cô cứ yên chí, để tôi chở, khi nào thấy người nhà cô, là tôi bàn giao liền mà.







 Cô gái vẫn nhỏ nhẹ:







- Phiền anh quá. Thôi cứ quay xe đi. Em cần đi vệ sinh tý. Đừng đứng đây đêm hôm, người ta trông thấy lại nghĩ nhầm. À quên… cảm ơn anh nhiều hen, em tên là Nhàn. Lê Thị Thanh Nhàn, con ông Bắc, bà Lan giám đốc xí nghiệp sửa chữa tàu sông trên thành phố.







Nhàn dừng lại như đắn đo chút rồi lại nói tiếp:







- Dù làm việc ở thành phố nhưng ba em vẫn giữ lại mảnh đất hương hỏa ở quê nhà. Em có nhiệm vụ xuống đó vào các ngày ba mươi, rằm, mồng một… để thắp hương, quét dọn nhà cửa. Thôi anh về đi, khi mô ghé nhà em chơi….Quay xe nhanh lên, kẻo người nhà em trông thấy lại hiểu nhầm, khổ anh, khổ em.







Qua nguồn sáng mờ của đèn xe Huỳnh nhận ra đây là một cô gái có nước da sáng trắng, giọng nói êm ái và thanh thoát…







Nhàn nói rồi bước nhanh vào những bụi cây lụp xụp ven đường. “Tội nghiệp! Có lẽ cô ta đã cần đi vệ sinh lắm. Nhưng vì ngại, nên phải nhịn đến bây giờ.” Qua thái độ vội vàng, luống cuống của Nhàn - Huỳnh nghĩ như vậy.







 Tuy không an tâm cho tính mạng của cô gái lắm, nhưng Huỳnh chỉ dám đắn đo đứng lại chưa đầy một phút. Hơn nữa cũng cảm thấy vô duyên trước việc lo lắng cho người mới gặp, nên Huỳnh đã vội rồ máy, nhằm hướng xóm Ruộng lao nhanh.







 Chừng nửa tháng sau, Huỳnh lại gặp Nhàn ở chỗ cũ - cũng vào lúc gần nửa đêm. Anh lại đèo cô đến vị trí cũ và quay xe không một câu hẹn ước.







Dần dần cứ vài bữa, Nhàn lại nhắn tin cho Huỳnh đến đưa đón cô ở vị trí cũ. Lần nào cũng vậy, khi chở Nhàn về đến đúng địa điểm, là anh lại dừng xe. Hai người nói vài câu xã giao, rồi ai về đường nấy. - Nhàn thì chợt tan biến vào thinh không, còn anh lẫn vào trời đêm đen kịt. Huỳnh cũng rất tò mò muốn biết vì sao Nhàn lại phải về quê vào lúc nửa đêm và xuống ở quãng vắng vậy? Nhưng vì thời gian mỗi lần gặp gỡ ít ỏi quá, nên anh cũng chả kịp cởi mở những thắc mắc của mình. Mà anh cũng chả cần chất vấn dò hỏi, bởi với tình yêu mà dồn ép, rõ ràng quá, đôi khi hỏng việc. Kinh nghiệm những bậc đàn ông đi trước truyền lại: “Nếu muốn được một người phụ nữ yêu mình, thì cứ thả mặc cho người ta nói dối.”







Tuy nhiên những lần sau người gợi chuyện lại là Huỳnh, còn kẻ im lặng là Nhàn.







Có lần trước khi chia tay, Huỳnh đã trao cho Nhàn một đôi chim bồ câu bằng thạch anh rất đẹp. Trong bóng đêm, Huỳnh cảm nhận ra được gương mặt Nhàn đang ửng hồng rạng rỡ. Nhàn sung sướng đưa tay lên gỡ cái khăn len trùm đầu, quàng vào cổ cho Huỳnh.







“Anh quàng cái khăn này kẻo lạnh. Nếu quên nhau, cái khăn sẽ lập tức thít vào cổ đến nghẹt thở đấy…”







Ngây ngất trước tình yêu, Huỳnh đánh bạo lao vào ôm choàng lấy Nhàn. Thoạt đầu cô vùng vẫy, rồi yếu dần, yếu dần và đứng yên như vậy cho anh đặt những nụ hôn vào mặt, vào cổ. Hơi thở cô dồn dập, lòng ngực phập phồng, mặc cho đôi bàn tay lạ lần mò, luồn lách vào những vị trí mà nó muốn.







 Trong bóng đêm, Huỳnh cảm thấy làn da Nhàn ngời lên trắng mịn, thơm phưng phức, hơi thở dồn dập phả ra nóng hổi…Nhàn lặng yên như vậy một lúc lâu, như để trả công anh đưa đón bấy lâu. Rồi như sực tĩnh, cô giật mình:







“Anh thì… làm cái chi vậy? Sao lại lợi dụng người ta nhiều thế? Thôi dừng lại đi. Quả ngon thì mỗi ngày nhấm một tý mới ngon chứ. Bây giờ em phải về, hẹn hôm khác”







Cô gái đẩy anh ra, rồi vội chạy biến vào bóng tối như thể sợ ai đó đến bắt giữ.







Huỳnh chưng hửng, đứng ngây người trong đêm đen, mặc cho bóng Nhàn mất hút từ khi nào chả rõ.







Bởi lần đầu tiên được đụng chạm vào da thịt người con gái – mà là con gái đẹp nữa chứ  nên đêm đó Huỳnh đã không ngủ, anh chỉ mong sao tối hôm sau lại được gặp Nhàn ở vị trí cũ.







Nhưng từ đó về sau, Huỳnh không thấy Nhàn nhắn anh đến đón cô về quê nữa. Anh nghĩ chắc là cô ốm, hoặc đã có người yêu đến đưa đón, hoặc là về bằng xe máy, ô tô…hoặc là sợ mình lợi dụng, sờ mó chỗ kín đáo, nơi hoang vắng...







Tự nhiên nỗi buồn vô cớ lại trào lên xâm lấn lòng anh. Huỳnh thẫn thờ hết ngày này qua ngày khác. Những lần chạy xe qua nghĩa trang - bất chấp những hiểm nguy đang rình rập – anh đã cố cho xe chạy chầm chậm, để tìm kiếm bóng hình mong nhớ.







Anh đã mò đến nhà ông Bắc, bà Lan ở xóm Đồi để hỏi tin tức của Nhàn. Nhưng khi đến đúng ngôi nhà cấp bốn ở xóm Đồi, thì “cửa đóng then cài”, cây cối rậm rạp, rêu mọc đầy sân… như không có người ở đã lâu.







 Qua hỏi thăm, anh được biết:







- Ông Bắc, bà Lan cùng các con đang ở thành phố, lâu lâu mới ghé về thắp hương. Họ ủy quyền cho ông bác họ chăm lo quét dọn. Tuy nhiên hai ba ngày, ông mới sang mở cửa một lần, nên nhà cửa mới rêu phong, cũ nát như vậy.







Người ta cũng chả đả động gì tới cô con gái tên Nhàn vẫn về đây thắp hương những ngày rằm, ba mươi, mồng một cả. Tuy nhiên Huỳnh cũng chả dám gặng hỏi.







Anh gọi vào số điện thoại của Nhàn, thì chỉ có tiếng tút tút… rồi tiếng của điện báo viên cất lên: “Thuê bao quý khách vừa gọi, hiện đang tạm dừng liên lạc. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau!”







Thất thểu, anh lần mò lên tận nhà của ông Bắc ở thành phố. Một phụ nữ trạc tuổi 50, dáng phúc hậu, đoan trang niềm nở tiếp anh. Tuy đã già nhưng Huỳnh đoán: “Bà này xưa chắc là một giai nhân sắc nước hương trời.”







- Cháu cần gặp ai? Chắc đến để xin việc làm? Đợi tý nữa bác trai về sẽ giải quyết cho. Thanh niên trai tráng như cháu chỗ bác cần lắm đó.







Huỳnh lúng túng:







- Dạ không…. cháu có việc làm rồi ạ. Cháu là …là bạn trai của Nhàn. Lâu không liên lạc được, hôm nay đến tìm Nhàn hỏi han tình hình sức khỏe...







Bà Lan cúi xuống lau nước mắt, rồi ngước lên nhìn Huỳnh đau khổ. Bà khẽ khàng vẫy tay một cái để ra hiệu anh hãy đứng dậy đi theo. Bà Lan dẫn Huỳnh vào một căn phòng rất rộng và tiện nghi ở tầng ba. Nhưng khi cánh cửa căn phòng được mở hoàn toàn, thì Huỳnh vô cùng ngạc nhiên bởi gian phòng không có ai ở bên trong. Ngoài duy nhất cái bàn thờ nghi ngút khói hương thể hiện dấu vết của con người. còn lại tất cả đều lặng tờ vắng ngắt.  Trên cao – đằng sau lư hương – có một tấm ảnh của một cô gái trẻ chừng 20 đến 25 tuổi. Cô gái trong ảnh dáng hốc hác, gò má nhô cao, đôi mắt thô lố nhìn ra phía trước như lo lắng sợ sệt, cầu xin một điều gì đó.







- Đây! Con gái của tôi đây! Nói bị ung thư nằm liệt giường và mất đã lâu. - Bà Lan nói - Có lẽ anh đã nhầm ai đó với con tôi. Nhưng dù sao cũng cảm ơn anh… vì đã đến thắp hương cho con tôi.







Huỳnh bước tới, cố nhìn kỹ gương mặt người trong ảnh. Không lẽ là Nhàn đây ư. Không! Nhất quyết là không! Bởi Nhàn của anh mềm mại, gợi cảm, tròn trịa và hấp dẫn, mặt trái xoan, chứ không gầy gò, hốc hác như cô gái này.







Anh bối rối, cắm vội ba que hương lên bàn thờ cô gái. Rồi cáo lui.







- Có thể trước kia, hai người là bạn của nhau, nhưng xa cách lâu ngày. không còn khái niệm về mặt thời gian nữa. Dù sao… thì anh đã đến đây… cũng nên ngồi lại mươi phút, để tôi kể cho nghe những ngày cuối cùng của nó.







Huỳnh bất đắc dĩ, nén cái thở dài, hạ người xuống mặt ghế sa long nhung êm, tay vân vê ly trà lipton nóng, lơ đãng lắng nghe bà Lan than vãn.







Bà Lan chấm chấm nước mắt và bắt đầu kể:







- Con tôi bị ung thư, chúng tôi đã chạy chữa khắp nơi nhưng không còn hy vọng. – Kể cả mời thầy lang nổi tiếng của Trung Quốc. Những ngày cuối cùng nó không muốn bạn bè thân đến thăm nữa. Nó bảo: “Có người sống, mong cho có bữa ăn thì không có. Riêng con, mong sao sống để ăn, hưởng thụ hết của ba mẹ dành cho, thì không được sống.” Nói rồi, nó gục đầu vào bụng tôi khóc và nói tiếp: “Ước gì con mang được căn phòng và tất tiện dụng này xuống dưới kia nhỉ? Lúc ấy… cái chết sẽ trở nên thanh thản biết mấy?”







Thương con, chúng tôi đã thuê thợ xây một ngôi mộ như ý của nó. – Để nó nhìn thấy trước khi chết.







Ngôi mộ có cấu trúc rất đặc biệt, phần trên mặt đất là một ngôi nhà rộng hơn chục mét vuông, còn phần ngầm dưới đất thì thiết kế y như phòng ngủ của nó. (Có tủ quần áo, ti vi, giá sách, giá giầy dép, chỗ để điện thoại bàn trang điểm…) Có điều là không có giường và công trình phụ mà thôi. Khi chúng tôi đưa nó ra xem ngôi nhà vĩnh cửu của nó. Nó đã hài lòng nói: “Vậy thì cái chết đối với con không còn ý nghĩa gì nữa.” Vài ngày sau, nó thanh thản ra đi mà không lời giăng trối. Từ đó đến nay đã gần ba năm rồi.







Lặng im một lúc như để nén nỗi xúc động, bà Lan thì thầm:







- Tuy lúc sống… chúng tôi đã cố gắng không để nó thiếu một thứ gì. Nhưng không hiểu vì sao con bé linh lắm. Nó mất gần năm mà thỉnh thoảng vẫn hiện hồn về trêu bạn bè nó? Vài đứa bạn thân của nó đến nhà thắc mắc: “ Hôm qua, Nhàn đã nhắn tin cho cháu: “Sao không tới thăm tao? Bận quá à?” Hoặc “Mày khỏe không? Còn nhớ tao không?” “ Đem cho tao một con gà, bóp chanh đi! ”







Nói rồi mấy đứa bạn của nó khóc:







- Hu hu… lúc sống cũng như khi Nhàn ra đi, cháu có tệ với Nhàn bao giờ đâu? Sao mà nó nỡ trách cháu?”







Chúng tôi đã phải an ủi và tìm thầy về cúng giải nạn cho nó mãi. Gần đây tình hình đó mới hết hẵn.







Huỳnh rùng mình bước ra. Anh phân vân tự hỏi: “Không hiểu có phải vì quá si mê, mà mình quên khuất khái niệm thời gian? Hay là đã nhầm lẫn ai đó với Nhàn. Hoặc là mình đã mơ? Cũng có thể mình đã gặp và yêu một bóng ma. Nếu vậy thì quả là có nhiều hiện tượng lạ mà khoa học không thể lý giải nổi.”







Lâu, rất lâu… mỗi lần chạy qua quãng đường vắng nghĩa địa, là Huỳnh lại nhớ đến bóng hình người con gái dạo nào. Tuy nhiên anh cũng chả có lý do gì để chạy chậm xe lại, dõi tìm bóng hình ai đó nữa. Nhưng những kỷ niệm xưa cứ trỗi dậy trong lòng.







Một chiều thứ Bảy, Huỳnh về quê thật sớm, định bụng sẽ ghé thăm ngôi mộ nổi tiếng của “cô” Nhàn. Mà người ta vẫn đồn thổi nhiều giai thoại huyền hoặc.







Thực chất thì phải gọi đây là một ngôi nhà mơ ước của bao người còn sống mới là chính xác. Bởi với quy mô như này, thì với khối người đang sống mong có ngôi nhà như vậy để tránh mưa tránh bão… đã là vấn đề của cuộc đời rồi.







Điểm duy nhất khiến ngôi mộ khác với ngôi nhà bình thường ở chỗ là nó được xây dựng trong một nghĩa trang rộng lớn, bốn bề cây cối u tịch, mái bê tông giả ngói uốn cong, những cửa sổ nhỏ được bít kín bằng hệ thống mê ca đục.  Không bao giờ hé được. Nội thất của “ngôi nhà,” chỉ có cái bàn thờ lạnh ngắt và ngôi mộ ốp đá hoa cương nằm im lìm chính giữa. Bên trên bàn thờ là bức ảnh thờ của người quá cố.







Cửa chính vào “ngôi nhà” luôn luôn được khóa chìm cẩn thận.- Bởi sợ lũ trẻ chăn trâu, những cặp trăng gió, trộm cướp, nhóm cù bất cù bơ… vào ngủ lại, hoặc làm chuyện bậy bạ, ô uế…







Người ta đã đồn rằng: “Vào những buổi trưa thanh tịnh, một vài đứa trẻ trâu liều lĩnh ghé mắt nhòm vào khe cửa, thì thấy một cô gái mặc bộ đồ trắng, tóc rối bời, mắt trắng dã, đang hóng mặt ra ngoài, nhăn răng cười the thé…







 Đôi khi chúng còn nghe tiếng hát não nùng, buồn thảm, bi ai… vọng lên từ đáy mộ…







Thỉnh thoảng, đôi người còn thấy bóng một cô gái trẻ bận bộ đồ trắng như đồ tang lễ, tóc xỏa kín lưng, thấp thoáng, quanh ngôi mộ, ngước mắt nhìn trời đất, vươn vai như tập thể dục, rồi đột ngột biến mất vào không khí… Cũng rất nhiều người khẳng định: “Đã từng cho một cô gái đi nhờ xe, nhưng khi đến gần ngôi mộ thì ngoãnh lại, không thấy cô gái đâu nữa…”







 Có người còn cam đoan rằng: “Khi những người đàn ông liều lĩnh nhất, nhẹ nhàng đến gần ngôi mộ, thì bỗng nhiên cánh cửa kêu cọt kẹt - như chực hé mở. Rồi như có tiếng bước chân ai đó bước trên một đống sỏi lạo xạo… Tiếp đó tiếng cười the thé, tiếng khóc, oai oán cất lên, đất đá ném ra rào rào… khiến người dạn bóng vía nhất cũng phải co chân chạy biến.”







Chính vì những giai thoại huyền hoặc về ngôi mộ, mà người đi qua, kẻ đi lại. (Nhất là cánh lái xe và những người buôn bán, mua chức bán quyền) đã phải dừng xe, cắm vài nén nhang, đặt ít hoa quả, thậm chí là cả bia rượu đắt tiền vào cái am trước trước mộ.







Dần dần những cặp đôi trắc trở duyên tình, những cô cậu học trò trước khi đi thi, làm bài kiểm tra… cũng ghé đây thắp hương, vái xin hồn phù hộ độ trì cho khúc qua nạn khỏi…







Huỳnh là bác sĩ nên anh không tin vào những câu chuyện bịa đặt trên. Nhưng anh muốn đến tận mắt xem cái hồn cô gái đã trêu đùa mình như thế nào?







Anh đến và đứng tần ngần trước cửa chính hồi lâu. Chả có hồn nào hiện ra trêu ghẹo anh cả. Huỳnh với tay lấy mấy cây hương đốt lên và cắm vào chỗ am thờ trước mộ. Đồng thời  lẩm nhẩm khấn:







“ Nhàn ơi! …Nếu em hiển linh thì hiện ra nói với anh vài lời. Đừng trêu đùa, ám ảnh anh hoài nữa. Nếu em trở về, thì anh nguyện chỉ yêu mình em thôi… Hiện đi! Nào hiện đi…”







Huỳnh tiến lại lay mạnh cửa mấy cái, - cánh cửa vẫn im lìm chắc chắn.







 Bỗng cánh cửa rung lên, cọt kẹt, như chực mở. Rồi tiếng chân người lạo xạo đạp trên cát sỏi…







Huỳnh trấn tĩnh xoay người lại, nhưng không gian vẫn im lìm, vắng lạnh. Trên bàn thờ, đôi chim bồ câu thạch anh (kỷ vật anh trao Nhàn lần nào) vẫn hồn nhiên cù mỏ vào nhau.







Vài con dơi, chim, mèo hoang… nghe động và thoảng thấy mùi khói nhang, vội lao ra vút vào không gian biến mất…







Huỳnh chợt phát hiện ra một điều: “Hóa ra là mèo, chim, dơi… và những cơn gió đã làm cánh cửa lung lay kêu cọt kẹt, cây cối kêu lào xào, rụng những quả chín, phát ra âm thanh lịch bịch… chứ có gì huyền bí đâu.”







Huỳnh ra về, lòng phân không rõ mình đã mơ hay bị ảo giác đánh lừa? - Trong chuyện chở Nhàn những ngày qua nữa? Không lẽ mình đã trao cho người chết một kỷ vật và nhận kỷ vật của người đã chết. Bất giác anh đưa tay lên sờ cổ, chiếc khăn vẫn còn đây. - Không hề thít chặt cũng như nới lỏng tý nào.







Nhưng rồi chuyện gì cũng trôi vào dĩ vãng. Huỳnh không chia sẽ với ai và cũng chẳng cần điều tra xem vì sao lại có chuyện lạ đời như vậy.







Một thời gian sau, vào một buổi trưa, khi anh bước vào một tiệm cắt tóc nữ để tỉa bớt cái đám bờm xờm trên đầu.







Tiệm vắng khách, chủ quán đang loay hoay phía đằng sau, biết có khách vào nhưng cô ta không ra tiếp mà nói vọng ra:







- Dạ mời anh ngồi ghế đọc báo, đợi em tý. Tranh thủ thằng cu ngủ, để làm bếp, kẻo tý nữa khách đông, nó quấy… mẹ con lại nhịn đói.







Huỳnh nhác trong vào cuối góc phòng nhỏ hẹp, một thằng bé gày gò đang ngủ ngon trên cái giường xếp ọp ẹp. Anh nhảy lên ghế ngã người, duỗi thẳng chân và cầm một tờ tạp chí lên đọc. Chả có tin gì hấp dẫn ngoài mấy cái ảnh khỏa thân và những trang tin giật gân rẻ mạt. Anh úp tờ báo vào mặt, thiu thiu ngủ. Chợt anh giật mình, mở choàng mắt vì như có ai đang nhéo vào tai mình.







Cô gái thẻ thàng cười:







- Anh ngủ ngon quá. Thôi cứ ngủ đi, để em cắt tóc cho.







Huỳnh nghe giọng nói rất quen và tha thiết.







Hình như… hình như anh đã nghe giọng nói đằm thắm này một lần nào rồi.







 “Đúng! Đúng rồi! Đúng là đây rồi!”







 Trong khi mái đầu đang bị cắt dỡ một bên, anh vùng dậy, dạng chân, đứng nhìn trân trân vào cô chủ tiệm tóc.







-  Nhàn! Nhàn! Trời đất!... Nhàn. Nhàn! Sao em lại ở đây? Sao… sao…. em còn sống ư? Tôi đang tỉnh hay mơ đây?







Cô gái bối rối rụt nhanh tay lại, khiến chiếc kéo trên tay rơi xoảng xuống sàn gạch, gẫy làm đôi. Trong phút chốc Huỳnh thấy môi cô run lên bần bật, gương mặt trái xoan đẹp, từ trắng hồng chuyển dần sang đỏ dừ, rồi tím bầm lại. Mặc cho Huỳnh đứng bần thần, ngơ ngác, cô vụt nhanh ra phía đằng sau. Cuối góc phòng đứa trẻ nghe động giật mình tỉnh giấc, khóc oe oe..







 Nhàn kể:







“ Thực chất em không phải tên là Lê thị Thanh Nhàn đâu. Em tên là Nhài một cái tên ngan ngát hương, nhưng đầy khổ ải. Ba mẹ em bị mất trong một vụ tai nạn. Em côi cút sống lập thân. Thôn quê nghèo khó, ruộng vườn không nuôi nổi thân gái mới lớn. Em quyết định bán hết gia tài điền sản… để lên thành phố lập nghiệp. Nhưng đất thành phố đâu dễ dung nạp con người. Số tiền mà em đem từ dưới quê lên chả bao lâu đã hết. Em phải kiếm sống bằng những nghề giặt quần áo thuê, lau dọn nhà cửa, chăm sóc hoa, giữ trẻ, gánh nước, rửa bát, bưng bê…







Một dạo em nhận giữ trẻ cho một cặp vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng và đứa bé thích em lắm. Họ nuôi ăn và trả tiền công rất hậu.







Người chồng thì suốt ngày lo quản lý cái khách sạn mi ni. Còn người vợ thì bươn chãi để tìm khách, câu khách…







Họ sống với nhau rất hạnh phúc. Một dạo người vợ đi xa bốn ngày chưa về, khi đưa bé đã ngủ say trong phòng. Anh chồng mời em lên phòng và thưởng cho em rất nhiều tiền. Sau đó ông ta mời em uống một ly bia. Bỗng em thấy cồn cào, nóng rực, lâng lâng trong người, chỉ muốn cởi phăng hết quần áo và nhảy múa cho thỏa chí.







 Người chồng tiến lại ôm chặt lấy em và hôn nồng nhiệt. Em cảm thấy sung sướng và dễ chịu vô cùng. Anh ta đã sờ soàng khắp người em. ( Không hiểu vì sao lúc đó em lại muốn được một người đàn ông nào đó hôn và sờ soạng nhiều hơn nữa.) Em cười lên khanh khách và hôn lại một cách đắm đuối. Tiếp theo là hai đứa cùng khỏa thân, lao lên giường lăn lộn.







 Sáng tĩnh dậy, em thấy ăn năn và hối hận vô cùng. Em đã khóc và đòi bỏ việc. Vừa lúc đó cô vợ xuất hiện. Tưởng là cô sẽ ghen lên sòng sọc, sấm sét xảy ra và đuổi em đi. Nhưng chị ta lại dịu dàng vỗ về:







- Thôi em ạ! Sự việc đã lỡ rồi thì cứ cho qua đi. Chả ai biết và có sao đâu mà lo. Không thằng đàn ông này, thì thằng khác cũng chiếm đoạt em mà thôi. Của quý mà dành cho người danh giá mới là vấn đề. Làm tình với chồng chị, còn hơn khối thằng đàn ông khố rách áo ôm ngoài kia. Nín đi ở lại, chị sẽ trả công gấp đôi. Lần sau, nhớ đeo bảo hiểm vào, kẻo có con thì khốn!







Thế là những khi người vợ vắng nhà, là em và ông chồng lại kéo nhau vào buồng hú hí một cách thoải mái vô tư.







Sau này em mới biết: Thực chất họ không phải cặp vợ chồng. Họ chỉ là hai kẻ luôn có những hành vi trái phép, kết hợp với nhau để làm ăn thôi.







 Bà chủ mới ngoài 30, nhìn còn hấp dẫn, gợi cảm lắm. Ngày ngày, sau khi trang điểm xong, là bà lên xe đi tìm những con “dê” có chức có quyền, đem về khách sạn, hoặc là chính bà hoặc cho lũ đàn quan hệ, rồi moi tiền bằng nhiều thủ đoạn.







Phải phục vụ ông chủ một cách vô tư, mới đầu em thấy em còn thấy ngường ngượng. Nhưng khi đã quen không cảm thấy ngượng nữa thì em đã yêu từ khi nào chả rõ. Chỉ biết rằng mỗi khi anh ấy đi vắng hoặc ra ngủ cùng bà vợ, là em lại thấy bồn chồn, khó ngủ, đơn cô, lạnh vắng…







Gần nửa năm sau, cô chủ đến gặp em và nói: “Hãy ra khách sạn mà ở cho thoải mái, đừng dính líu tới cha ấy nữa. Hãy giữ gìn nhan sắc, tích lũy vốn mà kiếm cho mình một đời chồng.”







Thế là họ điều em ra phụ trách buồng phòng ở khách sạn. Cô vợ  cấm không cho em được nói chuyện, giao lưu với ông chồng nữa.







Chứng kiến nhiều cảnh hoan lạc, ân ái… diễn ra trước mắt, em đâm ra trằn trọc khó ngủ. Không cách nào để gần gủi người mình yêu. Buồn quá em cắn răng, gục mặt trên gối thổn thức.







Rồi một đêm, nghe tiếng gõ cửa, em bước ra cửa mở, thì anh ấy xuất hiện ngay trước cửa phòng. Ngạo nghễ, không một chút e dè, sợ hãi. Em sung sướng sà vào lòng anh ấy. Nhưng không! Hắn chỉ hôn nhẹ, rồi bảo em hãy đến một căn phòng nào đó, có ai đó đang chờ.







Thất vọng, buồn chán, ê chề… em quyết định trả thù bằng cách: “Phải làm cho kẻ ấy tiếc nuối, hối hận…”







Em đã làm tình với nhiều thằng đàn ông khác trước mắt kẻ bạc tình kia, để hắn nhìn thấy mà thèm và ân hận. Nhưng hắn đã không anh hận, cứ nhìn em cười cười, tỏ vẻ khích lệ. - Sau này em mới biết: Hắn đã có một cô trẻ khác phục dịch ở nhà.







Thế rồi chuyện vỡ lỡ. Công an phá ổ mại dâm, vợ chồng bị dính vào tội mai mối, tổ chức, đánh bạc, mua bán dâm, tàng trữ, tiêu thụ ma túy đá. Cả hai phải lãnh án tù. Khách sạn bị đóng cửa. Em và một số cô gái nhanh chân tẩu thoát được.







Nhưng em phải lẫn trốn một thời gian. Về quê thì sợ xóm làng dị nghị, hơn nữa biết đâu Công an đã phát lệnh truy nã về dưới đó.







 Lang thang mãi, em cũng xin được vào nấu ăn cho một đoàn thầu xây dựng. Nhờ sắc đẹp và vóc dáng cân đối của mình, mà em đã moi được một khoản tiền nho nhỏ của tay cai thầu. - Qua những lần đi nhà nghỉ, khách sạn…







Dạo đó ngôi mộ cô Nhàn bị một số kẻ trộm đào để tìm vàng. Không hiểu chúng có tìm được gì không? Nhưng áo quần, tư trang bị vứt lung tung trên mặt đất.







 Chủ nhà phải thuê đoàn thợ đến sửa chữa lại ngôi mộ cho chu đáo.







 Được ông Bắc - chủ nhà - trao chìa khóa để mở cửa mỗi buổi sán thợ đến làm, mà em được biết cấu trúc của “ngôi nhà” của mơ ước. Không những trên mặt đất là căn phòng thoáng rộng, mà dưới nền của ngôi nhà này là một căn hầm rộng, đủ tiện nghi sinh hoạt. Cái quan tài đặt chính giữa nhà chẳng qua là cánh cửa để xuống hầm mà thôi. Chỉ cần cố sức đẩy mạnh một cái là nắp mộ dịch ra, có thể chui xuống đó được.







Nhìn cơ ngơi quy mô rộng rãi, em nghĩ: “Nếu dùng đây làm “căn cứ” để đỡ phải mất tiền thuê nhà, chẳng có ai quấy phá, càng không hề lệ thuộc vào bất cứ ai thì hay biết mấy!”.







Vì thế đã lén làm riêng cho mình một cái chìa khóa vào mộ.







Tưởng rằng sẽ mãi mãi có được hạnh phúc với tình yêu vụng trộm của mình, ai ngờ một thời gian sau, vợ người cai thầu đến lôi anh về quê. Em đành từ giả đoàn thợ, trở lại làm việc ở khách sạn… với cái tên mới là Lê Thị Thanh Nhàn.







Nhưng làm ở khách sạn, mà không đi ăn sương với khách, thì thu nhập thấp lắm.  Những khi không có việc, em thường ngủ lì ở dưới hầm. Chờ đến đêm, mới dám “đội mồ lên” mò đồ cúng… ăn.







Bởi có nhiều đôi gian phu dâm phụ thường dẫn nhau đến làm tình, hú hí trong khuôn viên ngôi mộ, cũng lắm kẻ tò mò đến nghiêng ngó nội thất thờ cúng, thông thường thì những ngôi mộ to là nơi mà trẻ chăn trâu thường tụ tập đàn đúm, ca hát, trêu đùa nhau… gây ồn ào náo nhiệt. Chính vì vậy em đã tạo ra những tình tiết như ma hiện hồn, tiếng cọt kẹt, tiếng khóc trong u tối… để chúng sợ khỏi lai vãng, nhòm ngó. Thấy cái điện thoại để ở góc bàn thờ, em cầm lên, thử kích hoạt nguồn, hóa ra nó còn hoạt động. Thế là em nhắn thử vài tin vào một số thuê bao trong đó. - Rồi lại hoảng hốt tháo sim vứt ra ngoài.







 Không ngờ những tin nhắn đó đã làm cho ngôi mộ linh thiêng hơn và lễ vật cúng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên cũng từ đó, bọn trẻ trâu không dám đụng đến lễ vật của “cô Nhàn” nữa. Em tha hồ bê xuống mồ xơi. - Có hôm còn nguyên cả con gà luộc…







Phải nói rằng em khỏe và đẹp, phục hồi nhanh là nhờ thời gian sống dưới hầm mộ.







Thông thường công việc phải về khuya, nên em thấy ai đi qua quãng này là xin đi nhờ xe. Nhưng dù đi bộ, gặp lũ du đảng… thì chúng cũng chả bao giờ giở trò, ngó ngàng tới em. - Bởi chúng và em đã quá hiểu nhau.







 Khi gặp anh, trong tim em cũng đã nhen nhóm lên một tình yêu. Nhưng nghĩ: “Mình không còn xứng đáng với anh nữa.” Nên em đã từ bỏ “căn cứ”, thay số điện thoại. Cắt không liên lạc với anh nữa.







Tự vấn: “Cớ sao mình không có cuộc sống bình thường như mọi người giữa thanh thiên bạch nhật nhỉ?”. Thế là em ra Hà Nội học nghề cắt uốn tóc. Từ ngày đó, em trở  về quê với cái tên Nhài giản dị như cha mẹ đã đặt cho.







Huỳnh cảm thấy choáng váng, anh bước gấp ra khỏi cái quán nhỏ, chạy như bị ma đuổi…







                                                                    Trần Hữu Thành Đạt







 UBMT TQ -Vĩnh Linh -Quảng Trị







                    0915075779




 Đăng ngày 04/04/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan