Saturday, October 17, 2015

Có thật :Thơ không để hiểu?


Tác giả: Nhà thơ Trần Mạnh Hảo


Xuanduc.vn: Đã đến ngày thơ Việt Nam, nghe tin chốn cung đình tổ chức rầm rộ, còn tại Hội VHNT QT có tổ chức một cuộc Toạ đàm thơ. Nhưng vào cuộc, trong cái nắng rát mặt như cháy rừng, chẳng thấy ai đàm gì mà lại ngồi  đọc thơ bắt nhau nghe. Thực ra mặt trận thi ca đang rất nóng, cũng rất nhiều tia nắng quái rát mặt như cái nắng hiện thời. Đáng ra chúng ta nên quan tâm đến chuyện này để thi ca mãi mãi vẫn là sắc xuân.
       Bài viết dưới đây của Nhà thơ " xóc óc" Trần Mạnh Hảo chính là một sự toạ đàm thơ trong ngày Thơ VN này. Tôi cóp lại từ trang trannhuong.com cũng là cách tham gia đàm mà không cần phải toạ tại trụ sở Hội. 
Báo Văn Nghệ tết Canh Dần ( số 6+7+8 -2010) trang 54 có in bài "Thơ không để hiểu..." của tác giả Nguyễn Chí Hoan, ghi chú dưới "tít" bài : "Đọc "cây ánh sáng", tập thơ của Nguyễn Quang Thiều, NXB Hội Nhà Văn 2008". Cũng cần phải nói thêm, cuối "tít" bài thấy xuất hiện ba chấm chấm (...) dụng ý tác giả muốn đưa ra một khái niệm đầy đủ nối với ba chấm chấm đầu bài viết ...rằng : " THƠ KHÔNG ĐỂ HIỂU MÀ ĐỂ TƯỞNG TƯỢNG". Khái niệm quá mới mẻ của Nguyễn Chí Hoan : " Thơ không để hiểu mà để tưởng tượng" dùng làm công cụ giải mã tập thơ "Cây ánh sáng" của Nguyễn Quang Thiều; người đọc, tất nhiên phải hiểu đấy là một sự khái quát bàn về thơ nói chung. Nếu tác giả muốn dùng thước đo quá riêng biệt của mình là : "Thơ không để hiểu mà để tưởng tượng" để lý giải riêng trường hợp thơ Nguyễn Quang Thiều, thì cái "tít" phải là : " Thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ra không để hiểu mà để tưởng tượng"... Trong bài viết này, chúng tôi không bàn về tập thơ "Cây ánh sáng" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mà chỉ xin phép bàn về quan niệm thơ rất khác thường của Nguyễn Chí Hoan : " Thơ không để hiểu..." và vế thứ hai của mệnh đề : "...Mà để tưởng tượng" của ông mà thôi. Văn học nói chung và thơ nói riêng vốn là nghệ thuật ngôn từ, sinh ra để truyền cảm, làm xúc động trái tim con người, đi từ TÌNH CẢM tới NHẬN THỨC. Hay nói một cách khác : văn học được nhận thức bằng tình cảm. Một tác phẩm văn học không hướng tới chân thiện mỹ, không có tính thẩm mỹ, dù tư tưởng của nó cao siêu đến đâu cũng quyết không phải là một tác phẩm nghệ thuật. Khác với toán học, vật lý học, hóa học...dùng công cụ duy nhất là hiểu biết để khám phá quy luật khách quan của thế giới vật chất, một tác phẩm thi ca đề cao sự sáng tạo chủ quan của người nghệ sĩ không đặt vấn đề cốt lõi "hiểu" hay "không hiểu" ra làm tiêu chí tối hậu, mà đặt ra lý do tồn tại của nó rằng thẩm mỹ hay không thẩm mỹ ? Một tác phẩm văn học nói chung, một tác phẩm thi ca nói riêng nếu đã đặt được cái "mỹ" ( Cái Đẹp), tức nhiên nó đã bao hàm cả cái "chân" ( hiện thực) và cái "thiện" ( cái tốt). Dùng thước đo "hiểu" hay "không hiểu" để tìm bản chất của nghệ thuật thi ca, chúng tôi ngờ tác giả Nguyễn Chí Hoan đã đi lạc vào lĩnh vực khoa học tự nhiên, hay chí ít cũng lạc vào khu rừng triết học nơi các đệ tử của Socrate dùng sự hiểu biết để khám phá ra quy luật của các quy luật sinh tồn...chăng ? Tiêu chí HAY hay dở, truyền cảm hay không truyền cảm mới là thước đo định giá trị của thi ca chứ không phải "không hiểu" hay "dễ hiểu" là phương pháp tiếp cận thơ lầm lạc của Nguyễn Chí Hoan. Do sự hiểu sai bản chất của thi ca như thế, nên khi Nguyễn Chí Hoan áp dụng vào trường hợp cụ thể là bài "thơ" dưới đây, dùng làm dẫn chứng của bài viết, rằng thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ra để chống lại sự hiểu, chống lại nhận thức, cốt chỉ để tưởng tượng mà thôi, xin trích lại sự trích dẫn của tác giả bài viết  : "...Một thí dụ tiêu biểu về câu chuyện trong thơ ở tập này là bài thơ "Lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ", toàn văn như sau :

 Bài thơ Nguyễn Quang Thiều
" Người hướng dẫn : Được dệt thủ công bởi một người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ
"Người mua : Mua lại từ một ông già da đen Cuba ở Havana năm 1986
"Chủ nhân : Qùa tặng của con trai tôi. Được treo trên bức tường này 21 năm
Lúc gần sáng tiếng những cành khô gãy
Những con nai cái mùa động đực
Chủ nhân bức thảm 87 tuổi tỉnh giấc uống trà nguội
Những con nai đực ngùn ngụt
Ngôi nhà như không bao giờ mở cửa
Một bà già đi tiểu lần thứ 5 nói : "Mẹ đau lắm"
21 năm tấm thảm không thay đổi chỗ treo
Người đàn ông 50 tuổi thường trở về và đứng
Trong ngôi nhà nửa bóng tối
Tràn ngập tấm thảm tiếng hô hoán
Và phía sau tấm thảm
Một lưỡi dao lạnh lùng đợi
Và một cái chảo sùng sục sôi
Người hướng dẫn : Những ngón tay người đàn bà mù Thổ Nhĩ Kỳ giờ bị liệt
Người mua : ông già da đen Cuba đã tự vẫn
Chủ nhân : Tôi chỉ nhớ gương mặt con trai tôi khi nó mở bức thảm ra
Có một người lúc nào cũng rét
Đứng nhìn tấm thảm
Hai bàn chân bị đông cứng trong vũng máu
Ở chân tường
Người hướng dẫn : ( đã bỏ nghề)
Người mua : hình như không phải tấm thảm tôi đã mua
Chủ nhân : Tôi nhìn thấy những người thân đã chết cháy nấp sau những gốc cây trong tấm thảm
Bây giờ là năm thứ hai
Hết bài thơ Nguyễn Quang Thiều Sau đó là gần một nửa bài nhà Nguyễn Quang Thiều học Nguyễn Chí Hoan dùng "lí luận" để giải thích bài thơ trên, mong giúp độc giả HIỂU ĐƯỢC sự KHÔNG HIỂU kia ! Thật là một trò trốn tìm thú vị. Bài thơ trên của Nguyễn Quang Thiều sinh ra, theo lí luận của Nguyễn Chí Hoan là cốt để "không hiểu", cốt để "tưởng tượng " mà thôi ! Sau đó thì nhà lí luận thi ca theo trường phái " kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà" kia giúp độc giả phiên dịch cái sự "KHÔNG HIỂU" kia thành sự HIỂU  ...Vậy thì các ông đặt vấn đề KHÔNG HIỂU là mục đích của thơ ca ra làm gì ? Để rồi các ông lại phải dùng SỰ HIỂU giải mã bài thơ "không thể hiểu" trên? Nguyễn Chí Hoan càng giải mã bài thơ trên của Nguyễn Quang Thiều chúng tôi càng tắc tị, tuyệt nhiên không hiểu gì, hiểu được chết liền ! Cái gọi là bài thơ :"Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ" trích trên của Nguyễn Quang Thiều sinh ra trong sự mất trí của thi ca ( thơ không để hiểu) nên nó chỉ phục vụ cho mục đích hũ nút mà thôi ;nên nó tuyệt nhiên không có chút truyền cảm nào. Mà không có dấu vết của sự truyền cảm, của rung động thì theo chúng tôi, có dùng lí luận "con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi" theo kiểu phương pháp tiếp cận thi ca lầm lẫn của Nguyễn Chí Hoan cũng không thể biến con con gà bới bếp thành con công thi ca được... Không có sự truyền cảm, sự rung động, không có cái hay cái đẹp đi kèm theo những con chữ thì không thể gọi chúng là thi ca. Dù mỗi bài thơ theo kiểu "tấm thảm" của ông già Khốt ta bít trên bao giờ cũng có nhà giải mã Nguyễn Chí Hoan kè kè bên cạnh dẫn giải, cũng không thể làm rung động lòng người. Vì cái rung động lòng người do thi ca mang lại thường là trực giác, tức thì, không cần lời giải thích vòng vo tam quốc. Ví như Truyễn Kiều của Nguyễn Du đã làm hàng vạn người dù không biết chữ rung động, đâu có cần các nhà hàn lâm dông dài dẫn giải ? Trước một cô gái đẹp, trước một vầng trăng đẹp, trước một câu thơ hay, một bài thơ hay con người bị truyền cảm một cách tức thời, một cách trực giác... Đưa thi ca vào cõi mất trí, cõi không hiểu, để rồi đi vòng vo lí giải giúp người ta hiểu được cái sự không hiểu của nhà thơ chính là phương pháp giết thơ nhanh nhất do nhà lí luận "phản nhận thức" Nguyễn Chí Hoan vừa khám phá ra, để làm món quà tặng ngày thơ Việt Nam trên báo Văn Nghệ số tết Canh Dần. Không có sự hiểu biết, không có chính đời sống con người, chứ chưa nói đến những sản phẩm của con người như tôn giáo, khoa học, nghệ thuật...
Lầm lẫn phương pháp tiếp nhận thi ca bằng cách đuổi sự hiểu, đuổi lí trí, đuổi nhận thức ra khỏi thi ca, Nguyễn Chí Hoan còn không hiểu nổi ngữ nghĩa của từ "hiểu" và từ "tưởng tượng". Xin ông Nguyễn Chí Hoan hãy xem lại từ điển Tiếng Việt để thấy rằng, khi ông tách tưởng tượng ra khỏi sự hiểu ( thơ không để hiểu mà để tưởng tượng) chính là ông đang tách cá ra khỏi nước đấy...Không có một sự tưởng tượng nào của con người nằm ngoài sự hiểu biết, nằm ngoài lí trí, nằm ngoài nhận thức...Tưởng tượng có thể ví như hoa trái của sự hiểu biết, của lí trí, của nhận thức. Hay nói cách khác, sự hiểu biết và sự tưởng tượng là một quá trình đồng thời, không phải là bước thứ nhất rồi mới đến bước thứ hai. Tưởng tượng chính là ký ức về quá khứ hay những hình dung về một thế giới chưa có thật, không có thật xuất hiện trong sự kiểm soát của lí trí, của sự hiểu biết nơi con người...Bảo thơ sinh ra không để hiểu mà để tưởng tượng như Nguyễn Chí Hoan, vừa hết sức sai và hết sức buồn cười vậy .,.
Sài Gòn ngày 26-02-2010
Cóp từ Trannhuong.com

 Đăng ngày 27/02/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Trí ngủ - 27/02/2010

Vậy thì NQT phải gấp rút in thêm cuốn giải thích thơ để hiểu hoặc nhờ bác Nguyễn Chí Hoan phiên dịch thơ để hiểu. Đằng nào cũng lợi cả đôi bên, một vốn 4 lời mà ai cũng hiểu. Còn ai không hiểu thì kệ họ vì thơ NQT là không phải để hiểu. Ai đọc bác Hoan rồi, nghe bác Thiều giải thích rồi mà không hiểu nữa thì xin đừng đọc thơ không hiểu vì thơ viết không phải để cho mọi người hiểu. Money mouth

  Gửi bởi: VŨ TUẤN CƯỜNG - 27/02/2010

Hoan hô ông Trần Mạnh Hảo và cũng hoan hô ông Xuân Đức đã đưa một bài tung hô các trường phái phá bĩnh thơ ca mà ông Nguyễn Quang Thiều là một thủ lĩnh. Tôi chỉ là một người yêu thơ thôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng tất cả các trường phái phá thơ đều bị thời gian tiêu diệt. Se chẳng có ai đọc thơ ông Thiều đâu. Dù có được ông Hoan a dua khen lấy được thì cây ánh sáng cũng đã chết. Bài thơ ông Hảo trích ra nguyên xi kia đúng là hu nút
  Gửi bởi: Tiếp... - 28/02/2010

Một bài thơ
thuộc "thơ không để hiểu..."

Nên dù có đọc cũng không hiểu
Và có muốn hiểu cũng không thể hiểu

Cho nên đọc ngang bằng với không đọc
đều không hiểu!
Không hiểu là không biết nói gì
Mà lại có thơ: "thơ không để hiểu"
Có mà không không mà có
có lại KHÔNG
Ngang bằng nói chuyện với đàu gối!
Hehe!

  Gửi bởi: Nico - 28/02/2010

Ôi trời vui quá là vui
Con đang trinh thám xem Thầy nơi mô
Đọc xong thơ thấy tơ vò
Xót thương thân phận nàng thơ đọa đày
Đọc thơ (bác) Thiều toát mồ hôi
Bồi thêm (bác) Hoan nữa suýt nhồi cơ tim
Điện tăng không hiểu đã đành
Thơ không để hiều quả đành bó tay
Thầy con vốn rất thông thai (thái)
Con tìm là để hỏi Thầy hiểu không
Ai dè Thầy cũng như con
Ta đành bó gối chấm còm Thầy ơi

Bắc thang lên hỏi ông trời Yell

  Gửi bởi: LÝ LỆ - 01/03/2010

Bắc thang lên hỏi ông trời
Ông trời phán bảo hỏi người trần gian
Người trần gian quậy Lão Trang
Lão trang gãi bụng, phán: Sang Sư Thầy
Sư Thày bèn chỉ cái Chày:
Cối thơ thì đến cái này cũng thơ
Áo xiêm vứt. Cứ tô hô
Rằng đây đích thực là thơ cõi trời
Bác Thiều thành bác Thiếu ...còi
Thế nên chả trách cõi người ghét thơ

  Gửi bởi: Quỳnh Anh Thư - 01/03/2010

Đúng là đoc  rồi mà như chưa tùng đọc.
  Gửi bởi: Trương Văn Duyến - 01/03/2010

Thế mà cũng gọi là thơ. Nếu thế hệ này mà có nhiều người như Trần Mạnh Hảo thì thơ Việt Nam sẽ bị diệt vong.

  Gửi bởi: Lão Trang - 01/03/2010

Bạn Trương văn Duyên có bị hoa mắt hay loạn tâm không đấy? Thơ trên kia là thơ Nguyễn Quang Thiều mà bị TMH phê cơ mà..
  Gửi bởi: Đất Vĩnh - 02/03/2010

Không phải, Trương Duyến bị hoa mắt hay loạn tâm từ trước đâu, mà do đoc thơ của người nổi tiếng Nguyễn Quang Thiều thì e rằng 10 người cũng hết 5 người  loan tâm hoa mắt thôi. Nếu bác Thiều làm thơ, Báo chí tiếp tục đưa những bài thơ như vậy lên thì Việt Nam sẽ bị rụng động đến 10 độ rích te mất thôi.
Chả hiểu có phải vì bác Thiều nổi tiếng quá nên không cần phải nghe những cảm xúc, phản ứng ngược chiều của những đọc gỉa đọc thơ mình hay là bác bị....( ui ui khó nói quá)
Nếu như không có những người như Trần Mạnh Hảo, thì e rằng thơ Việt Nam thành thơ Oan ta mệ Ra mất thôi,

  Gửi bởi: Dân quê - 02/03/2010

NQT của ngày xưa đã chết. Sau bài viết về nhà thơ PTD   (sau khi PTD mất)  NQT còn nổi tiếng hơn về lòng dạ  tráo trở, đổi trắng thay đen...Tư cách ấy chỉ viết được những bài thơ ấy.
Con nai mùa động đực ...

  Gửi bởi: huyền hựu huyền - 14/03/2010

thôi đi mấy ông nội
toàn nói chuyện tào lao để dánh lạc hướng thiên hạ
mấy chuyện như vậy so với miền Nam trước đây người ta đã nói nhiều rồi
cò gì mới mẻ đâu

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan