Tuesday, October 13, 2015

CỔ TÍCH THÁNG TƯ

Tác giả: Lê Bá Dương
                       

Tháng tư năm 2004. Có một cựu chiến binh quân giải phóng đường 9 đã tìm thấy tại núi Hồ Khê thuộc xã Cam Tuyền (  huyện Cam Lộ), một hố chôn tập thể 13 bộ hài cốt mà những vật dụng kèm theo cho thấy đó là hài cốt các chiến sỹ quân giải phóng. Từng có nhiều năm gắn bó, hiệp đồng tác chiến, chia sớt gian nan, xương máu  với các đơn vị chủ lực trên địa bàn chiến trường Gio Cam, người cựu chiến binh quân giải phóng đó đã nghĩ ngay 13 di cốt Liệt Sỹ được tìm thấy  là  một phần trong số  nhiều đồng đội thuộc trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh (mật danh chiến đấu là đoàn Phan Rang,  nay là Trung đoàn 27 Triệu Hải - Sư đoàn 390- Binh đoàn Quyết Thắng) đã  hi sinh trong chiến dịch đánh bộ binh cơ giới tại Hồ Khê tháng 4/1969,  và bị địch dùng xe ủi vùi thành hố chôn tập thể. Vâng, người cựu chiến binh đó chính là ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên cán bộ lãnh đạo Huyện Cam Lộ và sau là Phó bí thư - Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Trị.. Thương nhớ những đồng đội từng sinh tử chiến đấu , hoá mình vào đất quê hương, ông cùng vợ đồng đã  phát nguyện đầu tư tiền của để xây dựng tại đỉnh Hồ Khê một nhà bia ghi danh vong linh các Liệt Sỹ yêu quý. Và với hơn 30 triệu đồng, cùng công sức ngược xuôi trông nom của cả gia đình ...Ngày 12/1/2006, công trình nhà bia ghi danh LS Hồ Khê đã được khánh thành trong ấm áp khói hương của  đông đảo đồng bào, chiến sỹ huyện Cam Lộ và lãnh đạo Đảng, chính quyền nhân dân  tỉnh Quảng Trị. Để rồi tiếp những ngày sau, dẫu heo hút nơi chiến trường xưa, những đồng chí, đồng đội trung đoàn 27 Triệu Hải đã tìm về, thêm một nén hương cho bạn bè khuất núi. 

Tháng Tư năm 2007. Có một người lính trung đoàn 27 Triệu Hải trở về đỉnh Hồ Khê. Sau một tuần nhang, người lính đó cứ lặng lẽ ôm bó nhang lớn vừa thắp, bước lên gò đất cao mà vái lạy 4 phương rừng. Những mong chút khói hương lòng theo gió mà tìm đến những di hài đồng bào, đồng đội đang ẩn khuất đâu đó nơi đầu suối cuối rừng...              Vâng, một thời gian nan trận mạc, trong cuộc chiến sinh tử khốc liệt,  ngoài  trung đoàn 27 Triệu Hải, còn có nhiều đồng bào, đồng đội các đơn vị bạn, từ chủ lực đến bộ đội địa phương, dân quân du kích, đã cùng đồng cam cộng khổ, gánh chịu gian nan và hi sinh xương máu cho sự nghiệp  chiến tranh giải phóng. Cũng như những LS của trung đoàn, qua cuộc chiến dầm dã trong mưa bom bão lửa, nhiều đồng đội, đồng bào chúng ta đã hi sinh và phần nhiều các di hài đồng đội các đơn vị, địa phương  đã và đang ẩn khuất đâu đó trên khắp nẻo đầu sông, cuối rừng, chưa có cơ hội được tìm thấy, đưa về gần với gia đình quê hương...

Đồng đội đâu cũng là đồng đội, nhói trong niềm thương nhớ thành một ý định muốn tôn tạo, mở rộng không gian nhà bia thành khu lăng bia Hồ Khê làm nơi thờ chung, để mỗi mồng một ngày rằm...sẽ là chốn đi về, hội tụ của vong linh các đồng đội đang ẩn khuất đâu đó nơi đầu suối, cuối rừng...Đem tâm nguyện này bàn với ông Kỳ và các đồng đội  trung đoàn 27 Triệu Hải, người lính nhận được sự đồng thuận cao của các đồng đội, cùng chung lòng, người năm chục ngàn, người tháng lương, và thêm số tiền 50 triệu đồng từ quỹ thiện tâm của tập đoàn Technocom (Hà Nội) phát nguyện ủng hộ...Giữa tháng Tư năm 2009 này, công trình nhà bia ghi danh Liệt Sỹ đã thành khu lăng bia, theo đúng nghĩa là "ngôi nhà" chung với đầy đặn bát hương cho vong linh đồng bào, chiến sỹ đi về...Và thể theo nguyện vọng của đông đảo các đồng đội trung đoàn 27 Triệu Hải và các đồng đội từng chiến đấu trên mặt  trận Quảng Trị... Ngày khánh thành "ngôi nhà" chung cho các đồng đội khuất rừng sẽ là cái đích cho  một cuộc hành hương truyền thống về chiến trường xưa với tên gọi "Cuộc hành hương làm ấm rừng đồng đội". Một cuộc hành hương hoàn toàn tự nguyện, và cũng hoàn toàn tự túc. Theo đó,mỗi người lính ngày về sẽ vẫn ba lô , tăng võng. Để làm ấm rừng đồng đội, sau những nghi lễ hương hoa, đặt đất và nước sông quê, trồng cây... theo chương trình " đưa quê hương vào với hương linh đồng đội" ...Những người lính trung đoàn 27 Triệu Hải cùng các cựu đồng đội mặt trận Quảng Trị sẽ có một ngày đêm trọn vẹn với những bữa cơm thời chiến, một đêm ngủ rừng quanh khu lăng bia Hồ Khê. Và hai ngày tiếp theo, đoàn hành hương sẽ được hoá mình trở lại một thời trận mạc gian nan mà ấm tình đồng đội, nghĩa đồng bào khi được ăn, ở với đồng bào, đồng đội Quảng Trị qua chương  trình "Đón bộ đội về làng", đêm "một thời trống trận Gio An"...  trước khi kết thúc chương  trình bằng một lễ thả hương hoa với nghi lễ hoà nước sông quê vào lòng Thạch Hãn...  Tháng Tư 2009: Rộn rịp, tất bật cả gần một tháng chuẩn bị dọn rừng, san bãi quanh Hồ Khê để đón các đồng đội ngày về. Cả đoạn đường từ đường Hồ Chí Minh vào nơi chiến địa xưa đã được mở rộng. Những nơi đóng quân đã có đủ  các "thiết chế" hạ tầng dã chiến với những  bàn ăn, ghế ngồi được ghép cây rừng và phân lô, cắm biển cho từng cụm đơn vị hành hương, sở "chỉ huy", trung tâm Y tế,  trung tâm an ninh, khu vực bảo đảm hậu cần ... nhất nhất đã sẵn sàng. Và phía "hậu phương" những công việc chuẩn bị cho chương trình "đón bộ đội về làng" cũng đã được các đồng đội trong thường trực điều hành ở Quảng Trị "cân chỉnh" đến từng chi tiết nhỏ...Vậy nhưng vẫn không tránh khỏi những "khó xử" bất ngờ. Ấy là khi được biết lần này bàn con cô bác xã Cam Thanh được chọn làm nơi đón bộ đội về làng, bà con cô bác phường Đông Thanh đã nêu thắc mắc, chất vấn ban điều hành, với chỉ một yêu cầu bà con cô bác Đông Thanh cũng phải được cùng bên Cam Thanh đón tiếp các anh bộ đội. Trước sự  "bức xúc" rất cảm động này , buọc ban điều hành phải  "dàn xếp" bằng cách để Cam Thanh đón bộ đội ngày đầu,  Đông Thanh đón anh em trong ngày dã bạn. Vậy là ...yên dân,  cả làng, cả xã  ai nấy vui vẻ tiếp tục chuẩn bị đón những chiến sỹ quân giải phóng - những bộ đội Cụ Hồ, cả trong chiến tranh và hoà bình  ngày  trở về.
Tháng Tư 2009: 
Theo phân công của ban điều hành cuộc hành hương, những đồng đội trung đoàn 27 Triệu Hải ở Nghệ An cử một nhóm anh em  lên tận núi Chung , huyện Nam Đàn - nơi trung đoàn Xô Viết Nghệ Tĩnh thành lập và khởi đầu cuộc nước non ngàn dặm ra đi cùng quân và dân cả nước để thắp hương  "xin" nắm đất hoàng thổ. Một nhóm anh em khác, gạn từ dòng  sông Lam xin lấy một bình nước trong lành dòng sông quê mẹ .. Vâng, Đất phải Đất thiêng tự núi Chung, quê Bác Nam Đàn. Nước phải là Nước rứt  từ lòng nguồn non Hồng, dòng Lam Nghệ Tĩnh. Và Đất, và Nước vào ngày cuối tháng Tư này sẽ theo đoàn hành hương vào chiến trường xưa Quảng Trị. Để Đất thì đặt lên phần lăng bia, Nước sông quê sẽ được hoà vào lòng sông Thạch Hãn.. theo khói hương mà tìm đến nơi đồng đội yên nằm.
Cùng trong tâm nguyện của những người lính một thuở cùng ăn trong đạn, ngủ trong bom... Các đồng đội ở Lạng Sơn, Hà Nội cũng  phân công nhau. Lạng Sơn tìm kiếm bằng được những gốc đa núi chân quê, một chút nước sông Kỳ Cùng. Anh em đồng đội Hà Nội - đặc biệt là lớp lính trẻ đồng ngũ tháng 4 , thì ngoài  bình nước sông Hồng sâu thắm phù sa châu thổ, những người lính thấm đậm chất lính thủ đô không quên mang theo mấy cây sấu gời gợi những kỷ niệm thiếu thời vào trồng xen giữa cánh rừng...Những mong kéo gần một thuở trèo me, hái sấu với vong linh bạn bè , đồng đội .Cũng bởi  hơn ai hết, những người lính đi ra từ trận mạc, từng tự mình vuốt mắt, hoặc nhặt nhạnh từng chút di hài đồng đội gửi lại nơi chiến địa, nên hiểu rất rõ một điều xót xa: Không , và mãi mãi không thể tìm và đưa hết những đồng đội yêu quý của mình về với quê cha đất mẹ quê nhà. Vẫn biết,  mấy mươi năm sẽ thành mãi mãi, những hồn cốt bạn bè đồng đội  hoá mình nằm lại vào đất, vào nước quê hương Quảng Trị cũng vẫn luôn ấm áp nghĩa tình đồng bào, đồng đội nơi đây.. Nhưng sẽ thêm ấm lòng hơn, khi với một chút đất, chút nước tự quê nhà do đồng bào, đồng đội chuyển vào, cho quê xa nay đã  hoá gần, và dẫu muôn dặm ngái  xa mà vẫn ấm trong lòng quê mẹ. 
Và tháng Tư này:
Trong dòng muôn vạn người qua và dừng lại nơi đất thiêng Quảng Trị là đoàn quân ngày về trong trang phục giải phóng quân, mũ tai bèo gợi về một thuở: Ngày đi đầu  hãy còn xanhNgày về tóc đã hoá thành khói sương.           Vậy nhưng, ngày về lần này với tâm trạng  vẫn háo hức như ngày đầu ra trận.. Song những người lính đã trải mình suốt  thời trận mạc, ngày về lần này,  qua một chút đất, nước quê nhà những mong được đưa trọn hồn quê hương vào với hương linh đồng đội thân yêu. Rưng rưng chiều xuôi dòng Thạch Hãn, từ trong nghi ngút hương khói trên những chuyến thuyền hoa ngày về, dòng nước  sông Hồng, sông Lam...được những người lính chiêu vào lòng sông, và dòng sông một thời máu lửa, như bỗng dịu lòng khi nhận thêm đất, thêm nước các dòng quê, để đất và nước  sông quê mãi mãi ôm đồng đội vào lòng ...



Nguồn: lebaduong.vnweblogs.com

 Đăng ngày 05/05/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Dương Phượng Toại - 05/05/2009

Bài viết của tác giả thật cảm động, lại khiến tôi nhớ về sự kiện các LS que tôi hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Đặc biệt sự kiện LS Nguyễn Công Bao ở ngay làng Cẩm La- Yên Hưng Quảng Ninh của tôi  là một trong 8 chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sac đã đánh cháy và thiêu trụi kho xăng Nhà Bè bên sông Lòng Tàu của Mỹ Ngụy đêm 2 rạng 3-12-1973. Tên anh đã được đặt cho 1 con đường ở TP HCM, chân dung trong tư thế xốc tới của anh được tạc trong Tượng đài nghĩa trang Rừng Sác. Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được phong AHLLVT, vẫn chỉ còn giữ danh hiệu"Hành động anh hùng" Tôi đã theo đuổi và một loạt nhiều bài viết về chiến công của anh đăng trên các báo tiền Phong, Văn Nghệ, Văn nghệ Công An... Nhưng khát vọng của Cán bộ chiến sĩ Đaòn 10 Rừng Sác, của nhân dân quê hương đề nghị và mong cho anh được truy tặng anh hùng vẫn còn nằm đâu đó trong im lặng. Chao ôi! Chiến công và hậu của nó còn là một vấn đề rất dài và tốn giấy mực, ngôn từ. Bao giờ họ sẽ được xứng đáng với tầm vóc chiến công khi người ta còn đang mải mê làm giàu và đằm trong nhung lụa?

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan