Tuesday, October 6, 2015

CỒN CỎ CỦA VĨNH LINH NGÀY ẤY

Bút kí - Xuân Đức

  xuanduc.vn: Tôi viết bài này vì hai yêu cầu. Một là Tạp chí Cửa Việt có số chuyên đề kỉ niệm 60 năm thành lập Đặc khu Vĩnh Linh ( 7/1954 - 7/ 2014), họ đặt hàng có tính bắt buộc... Nhưng nhu cầu thứ 2 thúc giục hơn, đấy là tình hình đang nóng lên phía Cồn Cỏ..Tôi nghĩ mình phải nói một cái gì đó.. 
             


Âu thuyền trên đẩo Cồn Cỏ
               
 Suốt cả tháng nay bỗng dưng tôi nhớ Cồn Cỏ. Tôi rất muốn có chuyến đi trở lại cái vệt cồn xanh mờ, nhỏ nhoi mà sáng nào khi ngâm mình dưới làn nước biển Cửa Việt nhìn ra chờ mặt trời lên, tôi đều nhìn thấy nó. Tôi rất muốn ra khơi ngay lập tức. Nhưng liên lụy rất nhiều lí do, chuyến đi cứ bị hoãn..hoãn mãi. Nỗi nhớ bần thần, có lúc nôn nao, thậm chí là lo lắng như thể vừa nhận được tin người thân của mình đang gặp vận hạn. Một người thân sâu nặng ân tình, đã có một thời từng thề nguyện mãi mãi không quên nhau, nhưng rồi với vô vàn lí do có thể ngụy biện để hàng mấy chục năm nay bỗng dưng xao lãng.
Cuộc sống đầy ma lực hôm nay khiến người ta dầu không muốn vẫn quên đi rất nhiều điều.
Cồn Cỏ bây giờ đã là một huyện, huyện thứ mười, sánh vai bằng anh bằng chị 9 đơn vị hành chính cấp huyện khác của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên không hiểu sao khi nhớ về cái hòn Cỏ xanh mờ ấy, tôi vẫn cứ không nguôi ý nghĩ, nó chỉ là rẻo thịt thân thương, nhỏ bé, quá ư nhỏ bé của huyện Vĩnh Linh mà số phận oái ăm đặt nó ra giữa trùng khơi, chơi vơi giữa ngàn trùng sóng dữ. Nó chỉ là cái vành tai, hay là ngón tay út, nhưng mà từ khi Đặc khu Vinh Linh ra đời bao giờ nó cũng phải gánh trên mình một nỗi âu lo quá nặng, nặng gấp nghìn lần so với sức vóc của một hòn cỏ chỉ 230 héc ta.
Ai cũng biết khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, có một đường vạch như nhát dao cắt đôi những mảnh đất trên da thịt Việt Nam. Nếu kể địa bàn cấp tỉnh thì đó là Quảng Trị. Nếu là cấp huyện thì đó là Vĩnh Linh. Nhưng nếu kể về một hòn máu nhỏ nhất, nhỏ chỉ bằng một xóm nhỏ heo hút thôi mà vẫn bị nhát cắt ấy cứa lên mình, thì đấy là Cồn Cỏ. Vĩ tuyến 17 đã cứa qua hòn cỏ đơn côi ấy, phía bắc chiếm phần nhiều hơn, phía nam chỉ là vệt bến Nghè mỏng dính.Vì vậy nên Cồn Cỏ mới thuộc về Miền Bắc và trở thành một phần âu lo nặng trĩu của tuyến lửa Vĩnh Linh suốt mấy chục năm đánh Mỹ.
Nguyên do đầu tiên khiến tôi nhớ tới Cồn Cỏ là vì tôi nghe nói lao xao đâu đó rằng Vĩnh Linh chuẩn bị kỉ niệm khá rầm rộ 60 năm ngày thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Không hiểu sao tôi bỗng lo ngại, biết đâu trong cái bài diễn văn liệt kê những chiến tích hào hùng của mảnh đất tuyến lửa, người ta có thể bỏ sót cái tên đảo Cồn Cỏ chỉ vì lí do Cồn Cỏ bữa nay đã là một huyện độc lập nằm ngoài Vĩnh Linh và ngang hàng với huyện Vĩnh Linh...( Có thể là do cái tính cả lo của tôi thôi..) Nhưng dẫu sao tôi thấy mình cần nói sớm chuyện này.
Trong lúc đang chập chờn ý nghĩ ấy thì đột ngột biển Đông dậy sóng. Trung Quốc ngang  nhiên bộc lộ dã tâm độc chiếm lãnh thổ Việt Nam bằng hành động hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu trong thềm lục địa của ta. Thế là suốt cả tháng, cả nước sôi sùng sục với chỉ mỗi chuyện biển đảo. Ăn nói chuyện biển, ngủ mơ thấy đảo. Một điệp khúc vang lên như muốn át hết mọi âm thanh cuộc sống: Hoàng Sa- Trường Sa. Thế rồi trên sóng truyền hình, người ta làm một chương trình giao lưu nghệ thuật hướng về biển đảo. Gần cuối buổi giao lưu, người dẫn chương trình có một câu dẫn khiến tôi nhảy chồm lên mà reo, mà cảm ơn quý đài. MC nói đại ý: Biển đảo Việt Nam không chỉ có Hoàng Sa- Trường Sa..Chúng ta còn Bạch Long Vĩ...Cồn Cỏ.. Lý Sơn..Thổ Chu..Tất cả giờ này đang nóng lên, đang dậy sóng trước nguy cơ bị những thế lực tham lam, bành trướng muốn thôn tính giang sơn Việt Nam ta..Cảm ơn MC..Cảm ơn những người làm chương trình..Đất nước, dân tộc vẫn chưa hề quên hòn Cỏ thì chúng ta, những con dân Quảng Trị, những con dân đất lửa Đặc khu Vinh Linh càng không thể lãng quên. Vì thế tôi nôn nào, khao khát muốn lên đường ngay về với Cồn Cỏ.
*
Tôi bần thần đọc lại những trang viết của mình về Cồn Cỏ từ trong cuộc chiến tranh hủy diệt trên đất Vĩnh Linh cho tới những năm đầu khi tiếng súng vừa ngưng trên đất miền Bắc. Năm 1965 tôi là chiến sĩ trong tiểu đoàn 47, một đơn vị bộ đội địa phương trực thuộc Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Khi đơn vị tôi vượt sông vào chiến đấu ở địa bàn bắc Quảng Trị thì đại đội của tôi được bổ sung một Chính trị viên vừa được điều động từ đảo Cồn Cỏ về. Đấy là anh Trần Đăng Khoa, Chính trị viên phó của Cồn Cỏ. Nằm trên rừng Cam Lộ trong những lúc không hành quân hoặc chiến đấu, Chính trị viên Khoa thường kể cho đám lính chúng tôi nghe chuyện cuộc sống ở Cồn Cỏ mà vào thời điểm đó nó hấp dẫn cứ như tiểu thuyết. Trong rất nhiều chuyện, có một chuyện trực tiếp đời tư của anh. Đấy là lá thư của người vợ Trần Đăng Khoa tên là Lệ. Thư viết cho chồng mà y như làm thơ, lại như những lời trên xã luận báo Nhân Dân vậy. Có đoạn tôi nhớ đại ý thế này: Anh ơi, những ngày tháng này anh đừng nhớ gì em hết, hãy quên em đi, chỉ để mình em nhớ anh thôi..Anh hãy tập trung vào đánh máy bay Mỹ, bảo vệ đảo thân yêu..Thú thật lúc đó, tuy là lính trẻ nhưng tôi vẫn có phần nghi ngờ về tính xác thực của mấy dòng thư đó. Nhưng mấy năm sau khi ra lại Vinh Linh, làm nhiệm vụ sáng tác văn nghệ, tôi được ra Cồn Cỏ và tìm hiểu kĩ về thực tế ở đảo thì được biết lá thư đó có thật trăm phần trăm. Những ý nghĩ, lời nói theo kiểu như những dòng thư trên vào thời điểm đó là những lời nói thật sự gan ruột, không có tí gì gọi là " văn vẻ".
Cuối năm 1966, đầu năm 1967, đội Tuyên truyền văn nghệ Bộ tư lệnh Vinh Linh ( gọi tắt là Đội tuyên văn) thành lập. Tôi được điều về làm cái chân sáng tác. Không hiểu sao cấp trên lại điều một lúc 2 sĩ quan là cán bộ chỉ huy đảo Cồn Cỏ về phụ trách đội. Đấy là ông Ngọc Cừ, Chính trị viên phó Cồn Cỏ vào phụ trách Câu lạc bộ của Ban tuyên huấn, trực tiếp chỉ đạo đội Tuyên văn. Ngọc Cừ cùng với Phan Ngạn ( ở đoàn văn công Quân Khu 4)  là tác giả bài hát nổi tiếng một thời: Cồn cỏ có con cá đua là con cua đá..Một sĩ quan nữa là Nguyễn Mạnh Vĩnh, trung úy, là Trung đội trưởng ở đảo vào làm Đội trưởng đội Tuyên văn. Chính hai người này đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về Cồn Cỏ. Đến đầu năm 1968, tiểu đoàn 47 được lệnh vượt sông cắm chốt vào Cửa Việt. Bộ Tư lệnh lại cho tôi trở về tiểu đoàn với nhiệm vụ đi thực tế sáng tác cùng với hai nhà báo Quân đội là Trần Đình Dư ( Hồ Thừa) và Ngọc Nhu. Tiểu đoàn trưởng 47 lúc này là ông Trần Văn Thà, đảo trưởng Cồn Cỏ vừa được điều vào đất liền nhận nhiệm vụ mới. Lại thêm một cơ hội để tôi nghe thêm nhiều chuyện về hòn Cỏ anh hùng.
Tôi nhắc lại những cái mốc kỉ niệm ấy để muốn nói rằng, ngay cả thời gian chưa trực tiếp tìm hiểu thực tế Cồn Cỏ, tôi đã được những nhân chứng sống của đảo kể cho nghe rất nhiều chuyện. Chuyện của các anh ấy cứ như là chuyện kể từ những trang sử thi thần thoại vậy. Mỗi đêm nghe xong tôi không sao chợp mắt được..Hình ảnh đảo cứ chập chờn trong đầu cả những khi hành quân, lúc nằm ngủ, hoặc ngay cả khi nằm sấp mặt xuống đất tránh bom. Hình ảnh Thái Văn A đứng trên chòi quan sát không chịu xuống đất mặc cho bom nổ dưới chân, khói cuộn lên tận trên ngọn cây và cái bóng người quan trắc chao đảo trên chòi ẩn hiện trong làn khói cứ ám ảnh tôi mãi..Sau này khi được ra đảo lần đầu,  nơi đầu tiên tôi chạy đến chính là khu đồi có tên gọi Hải Phòng, rồi đứng lặng trước cái cây cháy mà trên đó trước kia được gọi là chòi quan sát..Tôi cố hình dung ra cảnh bom nổ bốn bề và trên ngọn cây kia là Thái Văn A vẫn ôm lấy ngọn cây, găm mắt nhìn từng tốp máy bay đang bổ nhào xuống..
Tuy nhiên trong ngàn vạn câu chuyện như huyền thoại về cuộc chiến đấu trên đảo thì những chuyện mà cán bộ chiến sĩ đảo thường kể nhất, tâm đắc nhất, da diết nhất chính là nghĩa tình và xương máu của người dân đất liền mà cụ thể là bà con Vĩnh Linh đã dành cho đảo.
Đối với Vĩnh Linh ngày đó, cái tên Cồn Cỏ như thể tên đứa con trai đang lâm trận ngay sát trước ngõ của gia đình. Bố mẹ, vợ con cứ đêm ngày ngóng ra, xao xác, bồn chồn, vừa tin cậy vừa thấp thõm lo âu. Không phải đứng ở chỗ nào trên đất Vĩnh Linh cũng nhìn thấy Cồn Cỏ. Chỉ ở Cửa Tùng hay Vịnh Mốc những khi trời quang mây mới nhìn thấy..Tuy nhiên người Vĩnh Linh vẫn có thể cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến trên đảo thông qua sự quần thảo của máy bay phản lực phía ngoài biển, hay nhìn thấy một vùng khói đen xạm đùn lên ở góc trời phía đông, hoặc nghe tiếng ầm ầm dậy lên như động biển từ phía ấy dội vào..Khi Mỹ nói muốn biến miền Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá thì nơi chịu đựng sự hủy diệt khủng khiếp chính là chiến trường Khu 4 - Vĩnh Linh..Nhưng với người Vĩnh Linh, họ cảm nhận rõ nhất sự hủy diệt đến từng giờ đối với Cồn Cỏ. Bởi vì theo ý nghĩ đơn giản của người đất liền thì dù sao trên bờ đất rộng, có rừng, có núi có bao nhiêu sự chắn che..Còn đảo thì nhỏ quá, cô đơn như một chiếc nón giữa biển khơi, biết tránh né vào đâu được. Sự lo lắng về hủy diệt đảo luôn ám ảnh trong tâm thức của người Vĩnh Linh. Mỗi lần thuyền ra đảo, ngoài các hàng hóa quân sự và lương thực của Bộ tư lệnh tiếp tế cho đảo thì người Vĩnh Linh gửi theo rất nhiều thứ. Có bà mẹ Vĩnh Nam tháo cả ngôi nhà gỗ của mình gửi ra để bộ đội làm hầm trú ẩn. Có nơi thiếu nhi ( lúc đó chưa đi sơ tán) phát động đan quạt tre gửi ra cho các chú quạt trưa hè. Và có câu chuyện cảm động thế này. Một lần, chị Tam ở xã Vĩnh Hòa, là vợ của một chỉ huy đảo ( anh Bút), đã gửi ra cho chồng một cặp gà con, một con mái và một con trống. Chị nhắn miệng rằng, cố gắng nuôi nó ở dưới hầm, cho nó lớn lên thành cặp để đẻ trứng. nở con..Những người lính đảo khi nhận được cặp gà con, họ đã ngay lập tức thấu hiểu cái lẽ sinh tồn, hiểu được nỗi lòng bà con Vĩnh Linh không thể để cho đảo bị hủy diệt. Người Vĩnh Linh mong mỏi và tin tưởng sự sinh sôi của đảo cho dù là dưới hầm hào, dưới bom lửa dày đặc..Câu chuyện ấy cũng đã ám ảnh tôi suốt nhiều ngày đêm. Lần ra đảo đầu tiên, sau khi chạy đến chòi Thái Văn A xong, tôi quay về lán chỉ huy hỏi ngay đồng chí Chính trị viên đảo rằng hiện trên đảo có được mấy con gà. Anh ta khoát một vòng tay rộng và nói: tha hồ, phải đến hàng ngàn con ..
Người Vĩnh Linh lo cho Cồn Cỏ như thế. Nhưng ngược lại, cán bộ chiến sĩ trên đảo thì lại thấp thõm lo cho sự hủy diệt trên đất Vĩnh Linh..Nhất là khi Mỹ sử máy bay B52 rải thảm xuống vùng đất Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn..Ngay sau loạt bom B52 đầu tiên, Khu ủy Vĩnh Linh đã nhận được điện của Cồn Cỏ : Xin cho biết tình hình B52 đánh phá, chúng tôi hứa sẽ đánh mạnh, tiêu diệt địch để trả thù cho đồng bào đất liền.. Tiếp sau đó Đảo trưởng Trần Văn Thà đã gửi thư nhờ thuyền đưa về hỏi thăm Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh. Bức thư có đoạn: Hôm đó nhìn vào đất liền chỉ thấy một vùng khói đen kịt giống như mặt trời bị nhật thực. Cả đảo khóc. Tôi tưởng trong ấy đã bị bom xóa sạch rồi..
Là thế đó. Người dân đất liền Vĩnh Linh không hề quan tâm đến hàng vạn tấn bom dội xuống đầu, chỉ khắc khoải lo đảo bị hủy diệt. Còn Cồn Cỏ thì lại như Thái Văn A, không bận tâm đến chuyện bom nổ ngay dưới chân hay pháo hạm trùm lửa lên hầm, chỉ biết thấp thõm lo cho đất liền..Đó chỉ có thể là nỗi lo của mẹ với con, của vợ với chồng. Thế nên tôi nói, những ngày tháng đó, những lời trong thư của cô Lệ gửi cho Chính Trị viên phó Trần Đăng Khoa không hề là những lời "xã luận" mà là lời gan ruột đầy xót xa.
Tôi đọc lại những vần thơ, những bài viết đăng báo, những màn dân ca, kịch thơ của tôi viết về đảo ở những năm ấy, thoạt đầu cũng thấy hơi ngượng vì cái giọng văn đầy chất sử thi dạo đó của mình..Nếu hôm nay đem ra bình chắc khó tránh khỏi lời chê là văn chương kêu to, sáo rỗng..Nhưng tôi vẫn quý những dòng ấy vô cùng, bởi cũng như mấy lời thư của người vợ gửi cho chồng mà tôi kể ở trên, nếu không sống vào những năm tháng đó không thể hiểu được sự chân thực đến nghẹn lòng của con người lúc đó nhớ thương và tự hào vì Cồn Cỏ đến dường nào. Ví dụ tôi đã viết một chuyện thế này. Có người thanh niên trong đội thuyền tiếp tế cho Cồn Cỏ tên là Trái, người Vĩnh Thái. Khi thuyền bị đánh chìm, một mình Trái bơi từ ngoài khơi vào đất liền mấy chục cây số, vừa bơi vừa hát, hát hết bài này qua bài khác. Những bài ca cách mạng ấy đã như những tấm phao, những mái chèo giúp Trái đủ sức vượt biển suốt ngày đêm vào với đất liền. Xin hỏi bạn hôm nay nghe chuyện ấy có thấy cường điệu không? Có gì đó như hư cấu không? Nhưng mà..chuyện thật trăm phần trăm đấy..
Xin nói lại về chuyện tiếp tế cho đảo. Những chiếc thuyền nan trong đội thuyền C22 tiếp tế Cồn Cỏ, hầu hết là dân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái..mỗi lần đi đều làm lễ xuất quân mà cứ như là lễ truy điệu sống. Ra khơi là cảm tử. Đảo đang khát hàng, khát nước, khát tình cảm. Thuyền phải ra khơi cho dù đêm trước mười mấy chiếc thuyền đã bị tàu chiến Mỹ đánh chìm ngay trên biển. Gần đây lịch sử quân sự Việt Nam đang  làm sống lại cuộc chiến huyền thoại của những con tàu không số tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tại sao ở Vĩnh Linh, những con thuyền nan ấy, những con người cảm tử hàng chục năm vượt biển vì Cồn Cỏ như anh hùng Lê Văn Ban đang còn sống đó, lại không thấy ai nhắc lại?
Năm 1970, cuộc chiến tranh phá hoại chấm dứt. Tôi trở ra Cồn Cỏ lần 2. Lúc đó tôi mới có đủ một sự trầm tĩnh tương đối để suy ngẫm về giá trị của những năm tháng Cồn Cỏ rực lửa. Và tôi nhận ra một điều giản dị thế này, hơn hai ngàn ngày Cồn Cỏ trụ vững và rực sáng giữa biển khơi trong sự bủa vây bốn bề của của máy bay, tàu chiến Mỹ, đơn giản vì hòn Cỏ là hòn máu của Vĩnh Linh. Một hòn máu nằm trong dòng huyết quản, nếu một giọt máu rơi thì triệu triệu hồng cầu khác chảy tiếp ra..Từ đầu năm 1965 Đảng ủy Vĩnh Linh đã có nghị quyết riêng về Cồn Cỏ trong đó khẳng định quyết tâm: Vĩnh Linh còn thì đảo còn. Còn một người dân thì còn tiếp tế cho đảo..
*
Vâng, Cồn Cỏ bữa nay đã là một huyện. Gần 10 năm trước khi tôi còn đang công tác, tôi đã biết về những ý tưởng quy hoạch huyện đảo này theo hướng: bước một là khu dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, bước hai lãng mạn hơn là trở thành một trong những trung tâm du lịch biển đảo ở miền trung. Sau hơn 10 năm, nhiệm vụ dịch vụ cho ngư dân đã được đầu tư khá hiệu quả. Âu thuyền được mở rộng, tường chắn bao quanh khá cao để che gió và chắn sóng khá kiên cố. Nhiều đợt mưa bão đảo đã là nơi trú ngụ cho hàng trăm tàu thuyền. Ngư dân lên đảo trú bão nhiều đợt kéo dài hàng tháng vẫn có đủ những nhu cầu cuộc sống bình thường như ăn, ngủ, hàng quán giải khát, cà phê bánh kẹo, thậm chí còn hát karaoke...Theo anh Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo thì sau khi âu thuyền được đầu tư hoàn chỉnh, sẽ triển khai hệ thống dịch vụ nghề cá theo đúng nghĩa, đấy là tiếp xăng dầu, đá ướp lạnh, và có thể cả việc thu mua sơ chế thuỷ sản..
Còn triển vọng du lịch thì sao? Lê Quang Lanh bỗng nhiên hạ giọng..Có vẻ anh hơi buồn. Lanh nói: Tiềm năng thì thấy rõ..Quy hoạch cũng đã có. Vấn đề là đầu tư..Nếu không đầu tư thì sẽ chẳng có gì. Tôi nói chêm vào, lại bài ca muôn thủa là thiếu nguồn lực chứ gì? Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo lắc đầu. Vấn đề không hẳn như vậy. Điều mấu chốt là vị trí của đảo Cồn Cỏ...Cho đến bây giờ, cái vị trí là trạm gác tiền tiêu giữa biển Đông vẫn không thay đổi. Vì vậy làm sao mà phát triển du lịch được. Bạch Long Vĩ thì lại được. Lí Sơn: được. Phú Quốc, Côn Đảo càng được. Nhưng Cồn Cỏ thì..chưa thể. Thì ra là thế. Đất nước hòa bình đã 40 năm. Thậm chí tôi nhớ dạo mới giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, chúng ta từng thốt lên rằng từ nay sẽ không một tên đế quốc nào còn dám xâm lược Việt Nam. Bốn mươi năm đi qua, vậy mà cái gánh nặng giang sơn trên đôi vai hòn Cỏ nhỏ xíu ấy vẫn chưa hề được cất đi!
*
Tôi đã viết bài thơ dài Trăng Cồn Cỏ trong lần ra đảo lần 2 năm 1970. Cái đoạn tôi tâm đắc nhất chính là đoạn tả mùa biển động, thuyền không ra được, người lính đảo thấy nhớ đất liền - Vĩnh Linh da diết.
Có dạo trăng đi
Thư gửi về thư chưa trở lại
Ngoài khơi gió ngang gió trái
Biển thức bạc đầu, mưa nặng màn đêm
Đông đến rồi gió thấm vào xương
Ôm súng vô lòng mưa dầm rã rích.
Anh thầm đếm những hạt rơi tí tách
Bữa ni em ở nơi mô
Con đường ngái , đội đường xa
Chắc cũng trông về đất đảo...
Rồi nỗi nhớ chụm về hình ảnh người mẹ- mẹ Vĩnh Linh nói riêng và Mẹ đất liền nói chung.
..Ô kìa ai trông nhà nớ
Má nhăn heo mắt mở thâm quầng
Áo mỏng che thân gió quấn ngang lưng..?
Mẹ! Phải mẹ rồi sao chưa ngủ?
Mẹ không nghe ư hay mải nhìn ngọn gió
Phũ phàng lắc hạt mưa xiên.
Hạt mưa từ mái hiên
Rơi vô tàu bẹ chuối
Mẹ ngồi đếm mưa đầy chum đầy vại
Lại lo đội đường xa ngái
Biển động hoài đảo còn nước uống không?
 Hôm nay cho dù Cồn Cỏ không còn trong địa danh Vĩnh Linh thì cũng như là đứa con giỏi giang đã trưởng thành lập riêng cơ nghiệp, đấy là chuyện mừng, tuy nhiên sẽ không bao giờ được quên, hòn cỏ nhỏ nhoi ấy đã từng là đứa con dứt ruột của Đất Mẹ Vĩnh Linh. 
  Cửa Việt một ngày tháng 6 /2014.

 Đăng ngày 29/06/2014
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hữu Đạt - 29/06/2014

Mơ ước một lần bước chân lên "đảo nhỏ tiên tiêu" một thời, của nhiều người dân. Nhưng đang gặp nhiều khó khăn quá, đành lỗi hẹn thôi. Có lẽ vì nhiều lý do.
  Gửi bởi: Trần Hà - 31/07/2014

Chú ơi! Đúng là chú cả nghĩ thôi, trong diễn văn kỷ niệm ngày truyền thống Vĩnh Linh dù là năm chẵn hay năm lẻ, chưa bao giờ bỏ sót Cồn Cỏ
  Gửi bởi: Dao Minh - 12/10/2014

Bài viết rất cảm động, xin cảm ơn Nhà văn.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan