Tuesday, October 13, 2015

Cụ Đồ cho chữ- Truyện ngắn


Tác giả: Lưu Quôc Hoà 

Ông nội của gia đình ấy tên cúng cơm là Tuất. Lão Cu Tuất ho lao nhưng chẳng được chết vì bệnh ho lao.
Vậy lão chết vì cái gì?

Làng Đình Lạc năm xửa năm xưa là đất nghịch. Chuyện kể lại rằng: Có hai người, một làm quan to và một ăn cướp thượng thặng gả con cho nhau, bên nhà ăn cướp có con trai và bên làm quan có con gái, chả rõ hà cớ gì mà họ thông gia với nhau, thôi đấy là chuyện kiếp trước! Kệ họ, chỉ biết rằng khi thành gia thất rồi, ông bố làm quan cho gọi con rể lên dinh ở. Vốn có sẵn máu lưu manh truyền thống do cha đẻ nặn ra, ông con dể quý tử vẫn nổi máu ăn cắp, thấy cái gì hay hay có thể ăn cắp được là thó luôn của bố vợ giấu đi. Trên bàn làm việc của quan có cái con triện, mỗi khi bố vợ đóng triện là bị đơn hay nguyên đơn đều móc túi lót tay. Vốn chẳng hiểu gì sự đời, ông con rể coi đấy là bảo bối in ra tiền nên thó trộm và trốn về quê. Bị mất triện, ông quan nọ sợ vã mồ hôi hột, nghĩ ngay đến ông con "dữ tế" ăn cắp của mình. Ông cho lính về quê thông gia hạch tội con rể. Vốn làm quan Phụ Mẫu, tự xưng là bố mẹ thiên hạ, ông quan chửi cả thông gia. Vốn là tay ngang ngạnh, lão thông gia chửi lại và thế là hai bên giáp chiến. Kết quả là cả hai đều tử vong sau đó chôn tại gò đất làng Đình Lạc...Chả biết thực hư thế nào nhưng từ đấy đất làng đỗ nhiều quan to và cũng nổi lên những tướng cướp khét tiếng. Dân làng thờ cả hai ông trong một miếu, lấy tên là Miếu Hai.
Mẹ lão Cu Tuất là gái làng Đình Lạc. Gần đến ngày ở cữ nhưng vì nhà nghèo nên vẫn phải vác giậm đi kiếm ăn. Sớm ấy, bà ta đến ao Miếu Hai, đánh được nửa giỏ cua thì trở dạ và đẻ Cu Tuất ngay bên gốc muỗm cửa miếu. Chắc là ông ăn cướp cho vía nên sau này lớn lên, đứa con đẻ rơi cũng ăn trộm, ăn cướp đứng đầu trong vùng. Đã có tật ăn cướp, lão lại còn có tật hay hiếp dâm, lão có rất nhiều mẹo quái đản để bức hiếp người ta. Đêm tháng ba, hắn bắt đom đóm tích vào lọ thuỷ tinh rồi tỉ mẩn kết thành vòng quanh người, chờ đêm tối lão thắt vào, lão trùm chăn ngồi phục trong bụi. Mấy bà đi chợ sớm bị lão tóm được, lão tung chăn, cả khối sáng ma quái nhoang nhoáng  chạy vòng quanh các bà, hắn vừa nói tiếng ma, vừa nói tiếng người, có bà sợ quá lăn đùng ra bất tỉnh nhân sự. Cái con ma đực ấy dở trò khá nhiều lần nên dân trong vùng đi chợ sớm phải nổi đèn đuốc, có đàn ông khoẻ mạnh, cầm giáo mác đi áp tải đến cổng chợ mới về.
************
Mà lão ăn cắp mới tài. Cái năm trời làm đói kém, lão lúc ấy đâu ngoài hai mươi tuổi, đi đánh ống thả lờ với mấy đứa bạn cùng làng, lão thèm lấy vợ nhưng con gái đứa nào cũng ngại cái tướng mắt ốc nhồi, cái da thiết bì như thịt trâu toi. Lão có tướng Ngũ Đoản nhưng tóc xoăn, tai nhỏ, mũi lại tí hin nên không thành tài, chỉ lắm tật xấu. Ông Tự Hỷ bắt tướng bảo thế...
  Có cô tên là Đĩ Nâu, người cùng làng hay đi bắt cá cùng hắn. Cô vụng nên bao giờ cái giỏ cũng ít cá hơn cả bọn. Cu Tuất thấy thế gạ: "Chịu lấy tao, tao bày cho cách đầy giỏ"
      Cô Đĩ Nâu nhà nghèo, thấy Cu Tuất khoẻ mạnh lại lắm mưu nên cảm tình. Một lần bị Tuất ghẹo, cô cũng mạnh mồm đá đưa:                         "Này! Nghe nói đằng ấy giỏi ăn cắp, đây đố cái này, nếu làm được đây lấy làm chồng"... Đêm ấy, cô đổ hết giỏ cá trê, cá quả vào chiếc thúng sơn, lấy mâm đậy và đặt cạnh thành giường, mặc váy nơm rồi lấy hai chân đặt lên trên thúng cá, trời nóng như rang, đêm oi bức lạ. Nâu tốc váy đến bẹn phe phẩy quạt mo. Nâu đố Tuất đêm nay ăn cắp được thúng cá. Nâu định bụng thức suốt đêm, nửa người nằm ngang trên giường, quài chân xuống đè thúng cá. Có mà tài thánh thằng kẻ trộm nào lấy nổi cái vẩy. Vừa quạt, vừa nhìn lên mái nhà, Nâu tủm tỉm cười thầm và đắc ý với kế hoạch phòng thủ của mình. Quạt lắm mỏi tay mắt lại bắt đầu đòi ngủ. Cô nàng biết đâu lúc này tên kẻ trộm đã lẻn nằm gọn dưới gậm giường. Hắn vót cái que nhọn, nhẹ nhàng đâm vào bắp vế trắng hều hễu của cô nàng đang nằm phưỡn ra trên giường, hắn đâm đủ đau bằng con muỗi đốt làm cô nàng co chân lên mà đập, mà gãi, mà làu bàu, tức mình cô nàng co một chân lên, chân còn lại vẫn thường trực phòng thủ trên mâm gỗ. Hắn lại chọc, cô lại nâng chân và mỗi lần như thể, hắn nâng mâm, một con cá đã bay sang bao tượng của hắn, cuối cùng là cả thúng sạch trơn. Gà gáy, cô nàng bật dậy chuẩn bị đi chợ thì ôi thôi! Thúng cá không còn một con... Sáng bảnh mắt, Tuất nhăn nhở mang túi cá đến lẳng trước mặt cười khì... Tuất và Nâu thành vợ chồng và đẻ một mạch bốn thằng con trai, đứa nào cũng giống bố như tạc. Thuận mồm, Tuất đặt tên con: Tại- Tài - Tải - Tái. Cả làng ai cũng bảo: Giỏ nhà ai, quai nhà ấy, lũ nhà nó rồi cũng giống bố thôi! Đứa nào cũng tóc bết, mắt ốc nhồi, nhìn ai cũng muốn ăn thịt người ta.
Làng nghèo xác sơ, có lấy trộm cũng chỉ nải chuối, buồng cau hay ổ gà nhiếp, ăn chẳng bõ dính răng, mà cái làng này hễ mất trộm cái gáo múc nước đái, nó cũng chửi rủa rác tai, những con mẹ véo von chõ miệng sang nhà hắn mà chửi, nó chỉ thiếu gọi tên, nó lại rủa xả mới kinh chứ! Gan sắt cũng kinh. Nào là chết trôi sông đắm đò, nào là trời tru đất triệt cái nhà thằng ăn cắp kia cụt mầm thâm rễ, mất giống mất nòi, nào là nó vặt lông thứ tám, chẻ tạm làm tư để trói lù khu cụ kị đứa ăn cắp. Nó rủa thằng ăn cắp chết chẳng toàn thây, chết "đêm không ai hay - ngày không ai biết". Mẹ cha cái làng khố dây này! Chữ nghĩa mù tịt mà sao nó lắm văn chửi thế không biết. Bọn đàn bà đung đưa cái mông ra đứng bụi tre, tay quạt, miệng chửi như gánh hát tuồng diễn tích trò, góc này chửi chán lại đến góc kia. Tuất thù cái làng Đình Lạc này lắm! Sao mà nó khoẻ chửi rủa thế không biết. Tuất thù những cái miệng ăn trầu vỏ, đỏ loe đỏ loét như miệng yêu tinh mà ngoa ngoắt tận mây xanh...Đã thế ông mày không thèm ăn trộm cái làng này. Tuất quay ra ăn cướp... Tuất kết giao với bao kẻ du thủ du thực các làng xung quanh lập ra đảng cướp, mà đã cướp là cướp thằng giàu. Gặp thằng non tay thì đe rồi sấn vào mà cướp, gặp thằng rắn mặt có thế lực thì phục kích đào tường khoét ngạch.
  Trong vùng ngày ấy có nhà Phú Nho giàu nứt đố. Lão là lính viễn chinh theo Pháp đi đánh nhau với An- gê- ri. Bị thương rồi hồi hương, ăn hưu trí.  Lão mang con vợ lai Tây cũng là con tư sản về quê chuyên cho vay nặng lãi. Nhà lão kín cổng cao tường, chó đực nhà lão thiến cho mảnh sành vào bìu nên dữ hơn cả hổ báo. Đêm ấy, toán cướp sau khi đánh bả lũ chó, tiến đến chân tường khoét ngạch. Ai hay "vỏ quýt dày móng tay nhọn", lão Phú Nho có súng lục nạp đầy đạn Tây. Lão theo dõi và cho thuộc hạ quây gọn ổ cướp. Đứa nào chống cự lão bắn cầy đất ngay mũi bàn chân. Sáu tên cướp giơ tay chịu trói. Biết Tuất là đầu đảng. Phú Nho giam chặt một chỗ và nhét giẻ vào mồm. Năm thằng được dẫn vào phòng và được mời ăn cháo tóc. Phú Nho ác khét tiếng. Lão cắt nhỏ tóc người trộn vào cháo hoa bắt húp no mòng bụng rồi thả về. Cái thứ bả ấy găm vào ruột gan phèo phổi người có thuốc thánh cũng không cứu nổi. Riêng Tuất, lão có cách đối xử khác, lão nghĩ cái thằng uống máu người không tanh này, có thả nó ra sớm muộn nó cũng trả thù, tốt nhất là cho chầu Hà Bá. Phú Nho lấy nẹp buộc giang tay giang chân rồi lấy lá chuối khô, rơm khô quấn vào người Tuất, mỗi lần quấn lại một lần lạt. Khi cả thân hình Tuất là một khối to khổng lồ rơm và lá chuối, hắn sai người đem ra Cống Giang thả trôi sông. Không biết làn nước chảy trôi Tuất đến nẻo nào, chỉ biết rằng từ nay làng Đình Lạc vĩnh viễn mất một tên ăn cắp, ăn cướp, hiếp dâm và dĩ nhiên cô Nâu tội nghiệp phải nuôi 4 đứa con trai trong cảnh goá bụa...Việc ấy đã xảy ra lâu lắm rồi, từ ngày còn thực dân phong kiến, pháp luật còn là sợi cao su mà kẻ hành pháp thoải mái co dãn đối với mạng người. Coi mạng người như con sâu, cái kiến.
  Cho đến bây giờ không biết mồ mả của ông Cu Tuất  ở đâu, người ta đồ rằng: Sau khi bó lá ngấm nước, Tuất bị chìm và làm mồi cho thuồng luồng, dải cạn.
*******************
     Chỉ khổ chị Đĩ Nâu. Từ ngày mất chồng sinh ra quẫn bách. Khi chồng còn sống, mọi chèo lái áo cơm chị chẳng phải lo, chị như cái máy đẻ, sáu năm bốn đứa ra đời, đứa nào cũng bụ thun lút và háu ăn, cái váy nơm loã toã, chị Đĩ  ngày nào cũng chợ xa chợ gần, người ta bán của tay làm ra, Nâu bán của do chồng lấy trộm, khi thì buồng chuối, khi đàn gà con, ổ trứng ấp dở. Lúc đầu cũng sợ nhưng lâu dần rồi quen. Người ta bảo "ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm" kể cũng chẳng sai.
  Bộ tứ tử trình làng: Tại - Tài - Tải - Tái lúc này cũng thấc lên. Chúng giống bố cả hình hài lẫn tính khí, chúng tranh nhau ăn như hổ đói chung chuồng. Cái đất quê chó ăn đá, gà ăn sỏi, lúa cấy một vụ chó chạy để đuôi, người khôn của khó lấy đâu nuôi chúng. Khi bố còn sống thì cơm trắng cá béo, giờ đói quắt đói quay. Mẹ chúng phải trèo sung, hái từng chùm, bỏ vào cối giã dập rồi cho vào nồi, loáng thoáng vài hạt gạo, miếng "cơm" ấy chát lè lưỡi. Những bữa không có cơm thì lấy cám rang vàng, cuộn lá ổi, bít mũi lại cho khỏi sặc rồi nhẹ nhàng, khẽ khàng thả vào miệng.
Đói ăn vụng túng làm liều, lũ trẻ lại đi ăn cắp. lúc đầu, chúng moi lạc, bẻ ngô của nhà địa chủ.
      Trận lụt năm ấy mới kinh hoàng làm sao. Câu thơ "quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi" của cụ Nguyễn Khuyến còn đến bây giờ ai cũng thuộc. Hôm đó vào canh tư thì ục bối Cây Đa, nước phăm phăm thuỷ phá thổ. Dân trong bối kêu khóc như ri vỡ tổ. Đèn đuốc như sao sa, cõng bế , lôi tha nhau chạy lụt. Dòng lũ quái ác réo như hổ xổng cũi lao vào xóm mạc. Người ta xếp nạn "thuỷ" là thứ giặc đứng đầu trong bốn thứ giặc ngày ấy. Bao nhiêu ruộng cả ao liền mấy đời tổ tiên để lại, bao nhiêu cây trái lưu niên quý như vàng cũng bị dòng nước cuốn phăng.
     Giữa lúc đê vỡ, cả làng nháo nhào chạỵ, chị Đĩ Nâu vớ được cái mủng hái rau, mang thằng con út men theo vệ cây tránh dòng nước xoáy bơi thục mạng. Chị hét ba đứa con trai mau mau đóng bè chuối mà chạy. Máu tham nổi lên, chúng bảo nhau lần đến mấy nhà hào phú phá tủ để tìm vàng lá bạc cây. Bao nhiêu vàng bạc của nhà giầu bỏ lại chúng cho tất vào cái đẫy tượng, chúng loá mắt vì tiền nên mải mê lục lọi. Nước đến ngang ngực mới nghĩ kế rút lui. Lúc này bao nhiêu chuối dân làng đã nhanh tay đốn làm bè và thoát lũ, ba thằng leo phứa lên một mái nhà tranh gần đấy, nửa giờ sau mái tranh cũng bị cuốn đi, cả ba thằng kêu la thảm thiết nhưng còn ai mà cứu. Không biết xác chúng trôi dạt phương nào. Ông Ba Liển thoát chết đợt ấy trông thấy phút cuối của ba anh em, ông may mắn leo được lên ngọn mít cổ thụ cao nhất làng, ăn búp mít và dái mít non nên không chết đói. Ông kể lại rành rọt chuyện này cho làng cho tổng về cái chết tham vàng của ba anh em Tại - Tài - Tải con nhà lão Cu Tuất. Người ta chép miệng than vãn: Đúng là trời quả báo, thằng bố với ba đứa con trai chết cùng một kiểu.
Sau trận lụt thảm khốc năm ấy. Chị Đĩ Nâu chỉ còn hai mẹ con, một thời gian sau phát dại, cởi quần áo nhồng nhỗng, cười khành khạch suốt này, gặp ai cũng hỏi là có nhìn thấy ba đứa con mình đâu không, Chị chết bên gốc quéo giữa đồng sau một đêm rét cắt da cắt thịt.
    Thế là từ nay Tái còn lại một mình. Tái dựng lều trên mảnh vườn cũ và ngày ngày lang thang, kiếm được cái gì ăn cái nấy, đói quá lại vừa ăn cắp, vừa ăn xin. Được cái làng Đình Lạc hay thù và cũng hay quên. Họ cưu mang Tái như ban ơn cho những vong hồn bao người thân gia đình nhà Cu Tuất. Suy cho cùng, cả nhà Cu Tuất chịu nhiều quả báo khắc nghiệt của luật nhân quả...Biết là đáng đời đấy nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Không ai nỡ thù người chết " Sống ư Nhân - Thác vi Thần" họ bảo nhau như thế.
   Tái trốn làng vào đội dõng theo Tây. Tái đi càn và lại tham lam,  tàn ác nên chóng lên Đội. Tái chỉ huy toán quân toàn những kẻ tàn ác khét tiếng. Những trận càn, chính tay Tái đã xả súng không thương tiếc vào bao cụ già em nhỏ, hãm hiếp bao phụ nữ không kịp chạy càn. Chính quyền cách mạng ngày ấy đã ký lệnh tử hình vắng mặt tên Việt Gian với bàn tay nhuốm máu đồng bào. Khi hiệp định giơnevơ ký kết, biết không còn chỗ dung thân, hắn trốn vào Nam làm nghề bán hủ tiếu, lấy vợ và sinh mỗi mống con trai, sau này con trai lại bỏ hắn vượt biên và lại làm mồi cho cá ngoài Biển Đông.
 Bao nhiêu năm xa cách giờ nhớ quê lão lại lần về. Một ông lão ngoài tám mươi với chòm râu lờ phờ, bước đi ngục ngoặc. Cả đời lão chịu bao cay đắng của số phận. Bên tai lão còn như văng vẳng tiếng chửi rủa năm xưa của những mụ đàn bà mất gà mất chó. Chả lẽ lời chửi rủa trôi sông đắm đò năm xưa nó vận vào gia đình lão để mấy đời lần lượt chết không tìm thấy xác. Nó vừa thật lại như mơ hồ, vừa như mơ hồ lại vừa thật...Nhân gian cõi Người có bao điều khó bề lý giải.
  Lão thấy ân hận, một nỗi ân hận muộn màng. Lão về lần này bao nhiêu vàng bạc, của cải tích cóp được tậu lại mảnh vườn xưa làm ngôi nhà nhỏ đủ nương thân, lập ban thờ cúng những vong thất lạc trong gia đình, còn lại đem hiến cho làng sửa đường, xây nghĩa trang, lão muốn xây cái cổng làng cho đẹp, muốn xin ông đồ nho ngoài trăm tuổi ghi lên đấy mấy chữ nhân nghĩa. Cụ đồ trễ cặp kính dày nhìn lão và phác mấy dòng hào hoa "Nhân ác bất khả cường". Cụ hỏi lão: "ông có biết nghĩa của câu này không! Ông thuận lòng thì để mà nghịch lòng thì bỏ đi tôi không ép". Thấy lão Tái ngẩn mặt, Cụ cắt nghĩa: Đây là câu của Khổng Tử trong Kinh Dịch, có nghĩa là: "Kẻ ác không phải là kẻ mạnh" ông thấy thế nào?"... Ông Tái tỏ ra nghĩ ngợi lung mung lắm. Sau phút lưỡng lự ông thưa với Cụ Đồ: Chí lý lắm Cụ ạ! Cụ cho xin mấy chữ này nhé! Mà tôi nghĩ để chữ Quốc Ngữ, chữ ta thôi. Đề chữ Nho sợ lũ trẻ thời nay khó hiểu.
Hôm sau lão Tái lại gặp Bí Thư, gặp mấy ông già trong hội người cao tuổi. Lão tấm tắc khen chữ cụ Đồ là chí lý. Lão gạ: " Cho tôi thuê thợ khắc ván làm bức Đại tự đặt trong Miếu Hai"
Lão chống gậy về nhà. Trên đường đi lão lẩm nhẩm chữ cụ Đồ cho nhập tâm: Nhân ác bất khả cường có nghĩa là kẻ ác không phải là kẻ mạnh...nhân ác bất khả cường... có nghĩa là ..."

 Đăng ngày 08/12/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan