Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Chương 15


Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn: Ngày mai tôi phải đi sáng tác mất một tuần. Vì vậy nên post tiếp thêm 2 chương nữa làm cơm nguội để bạn bè dùng tạm những ngày vắng chủ.

CHƯƠNG MƯỜI LĂM


Con Cần cúi gằm đầu xuống bát cơm và lia lịa mà vẫn còn có cảm giác không thể ăn kịp với những lời giục bối rối của mạ. Nó không thể hiểu tại răng bát cơm của mạ vẫn còn đầy nguyên, mạ chỉ giục nó ăn, gắp cá bỏ lên bát nó, cái môi trong tay mạ cứ gõ gõ vô miệng xoong coi bộ sốt ruột lắm:
- Nào ăn hết bát nớ, mạ xới bát nữa... Cá đây ăn cho đủ cơm. Pháo nó bắn hú họa vậy thôi đừng sợ. Mạ xới thêm cơm hí?

Con Cần bất ngờ ngẩng lên. Khóe mắt mạ nó long lanh hai giọt nước. Tại răng hè? Nó ngập ngừng:

- Răng mạ không ăn?

Chị Thảo quờ tay bưng bát cơm lên, miệng cười xệch:

- Hứ, mạ ăn e tới chục bát rồi này ...

Chị thấy thẹn vì câu nói dối ấy. Chị quay vội mặt đi giả vờ đứng dậy tìm một vật gì đó. Rồi chị xì mũi, đi nhanh ra sau lưng con Cần, cúi xuống miệng hầm. Thằng cu Hầm đang ngủ với bà ở đó. Nó ngủ say tới mức pháo biển cày xeo xéo qua mái nhà cũng không thèm đứng dậy. Bà Thảo định hỏi con điều gì đó nhưng rồi lại thôi, bà khẽ thở dài, chắp chắp trong miệng.

Chị Thảo vén nhẹ tấm mùng cũ đưa tay khua ra khắp người thằng cu Hầm. Tiếng và cơm xộp xoạp sau lưng chị chợt ngừng. Chị biết con Cần đang ngó chị. Thôi đành vậy, không thể giục nó ăn thêm được nữa. Rồi mai mốt ở chỗ xa ngái không biết ai rót nước, xới cơm cho con? Phải chi nó khôn lớn chút nữa, có đi ngái mấy mạ cũng an lòng. Đằng ai mới hơn bảy tuổi đêm đông ai ôm, ai ấp? Tội nghiệp con lắm Cần ơi!...

Con Cần lặng lẽ đặt bát cơm xuống mâm, nhổm người dậy phủi những hạt cơm dính ở quần rồi bê cả mâm bát đũa xuống nhà dưới. Rứa là mạ lại bỏ cơm nữa rồi! Hình như suốt ngày ni mạ không ăn đủ một bát? Từ ngày cha "đi vắng" con Cần như bị lây cái buồn của mạ, nó đâm ra ít nói hay nghĩ vẩn vơ. Chiều chiều lựa lúc vắng máy bay nó bế thằng cu Hầm ra ngoài mép biển. Chẳng phải để nghịch nước. Cái thú vui vốc cát xây nhà đã tan biến từ lúc nào theo bọt sóng. Nhưng con Cần vẫn hay ra biển ngó đau đáu vô cái khoảng chân trời hun hút kia, nó chờ một bàn tay vẫy, nó chờ cái cười xoạc rộng của cha. Con Cần thấy biển ngày một già sọm đi. Sóng đùa cao như những gò má hốc hác, vô vàn nếp nhăn đuổi nhau. Biển cũng hay khóc tủi như mạ.

Con Cần ngồi lâu chỗ rửa bát. Mạ nó cũng ngồi lặng như ngủ ở cửa hầm. Xóm làng bữa nay ban đêm chẳng ai thắp đèn, cứ tối om. Con Cần cố nghĩ vẫn không hiểu mạ tại răng lại buồn? Tại răng mạ hay nhìn nó lấm lét? Hay là... e trúng. Mạ thương nó không được chơi trung thu? Đêm ni trung thu đây. Cần nhòm qua phên liếp thấy ánh trăng lờ nhờ trong hơi sương, gió táp hơi muối lên da mặt lạnh nhớp nháp. Mọi năm trước, trung thu đến tha hồ mà vật nhau ngoài bãi, tha hồ cưỡi thuyền giả, đánh trận giả, tha hồ hò hét chống chèo. "Thuyền" của bọn trẻ xóm Cửa thường khỏe hơn "thuyền" của bọn Tùng Luật. Những trận "thủy chiến" trên cát bao giờ bọn con nít xóm Cửa bao giờ cũng thắng. Sau những lần thắng cuộc, tất cả các thủy thủ bên thua phải làm "thuyền". Còn bên thắng, kể cả mấy chiếc "thuyền" cũng biến thành thủy thủ, chúng nó vừa "chèo" vừa hò reo tiến thẳng lên bờ đất đỏ. Đêm trung thu là đêm nước lên, sương xuống dày, chẳng đứa nào dại mà ngủ lì ngoài bãi. Trăng trung thu xóm Cửa chẳng sáng như trăng trên đất đỏ. Biển thường réo to hơn ngày thường, nhà nào cũng thắp hương, đỏ nến...

"Đêm nay trung thu răng mạ không thắp hương?" Cần bỗng thấy thương biển tày thương mạ. Tiếng lá phi lao rít cồn cào, biển cựa mình vật vã như sắp sinh em. ấy là con nước đang lên từ ruột biển. Mà hình như con nước mặn cũng đang dâng lên từ gan ruột của Cần. Nó thấy oi ói ở ngực, ở cổ rồi lên mắt. Nó biết nó sắp khóc. Nó mà khóc lúc này chắc chắn mạ nó sẽ khóc theo. Nó biết vậy nên cố nín... Nhưng càng nín càng tức, có nguy cơ khóc òa ra cho coi... nó biết chắc vậy...

Cái gì nó cũng biết! Nhưng chính điều hệ trọng nhất sắp xảy ra với nó, cái điều khiến mạ nó ngẩn ngơ sững sờ suốt đêm qua tới chừ, nó không hề biết chút xíu. Tội nghiệp cho nó! Chỉ còn mấy hôm nữa thôi nó phải xa mạ, xa thằng cu Hầm, xa mái nhà tranh như cái bát sành sứt mẻ úp lên bãi cát này, xa cái bờ biển tơi tả sóng đập với những hàng phi lao loi thoi uốn éo, xa tất cả mà đi. Đi xa lắm, tới cái vùng sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy biển nữa đâu!...

Bà Thảo lại cựa mình, lại chắp chắp mấy cái trong miệng rồi lên tiếng:

- Thôi mạ con Cần đi ngủ đi. Lo nghĩ lắm nó đọa người. Nếu không ưng thì đừng cho nó đi, ai bắt buộc!

Thảo nói lí nhí trong cổ:

- Chủ trương chung, ưng hay không đâu được...

- Xì, chủ với trương!... Con mình đẻ mình nuôi, người ta lấy quyền chi mà ép!...

"Răng gọi là ép". Thảo biết mạ nói vậy là không hiểu nổi tấm lòng của Đảng rồi. Thâm tâm chị thấy việc ra đi của con là quá may mắn. Tình hình chiến đấu đã căng lắm rồi. Sau trận Dốc Miếu, thằng địch dùng bom tọa độ ném vô tội vạ lên hầu hết các làng xã Vĩnh Linh. Cực nhất là pháo biển, pháo bên bờ Nam. Khi thì bắn rỉ rã cầm canh, khi thi cấp tập hàng nghìn quả vô một bến thuyền, một khóm tre. Mạng sống chừ coi bộ chơi vơi quá. Người lớn còn tỉnh ngủ biết đoán hướng để mà bò, mà lăn, con nít ham chơi ham ngủ tránh răng nổi. Hơn nữa chúng nó còn phải học hành. Có thương con thì phải cho con đi, giữ con khư khư khéo không lại mang tội. Biết nghĩ vậy nhưng chị lại thấy quá thương. Nó còn bé bỏng quá, dứt khỏi tay mạ liệu có vẹn toàn không? Rồi còn chị nữa sống sao đây? Từ khi anh Quyền vắng nhà, cái chèo cái lưới gác xuống hè bếp, căn nhà trống thếch trống thoác. Chừ con Cần đi nữa, thằng Hầm chưa biết ngồi, biết lấy ai bi bô sớm tối cho khuấy vợi nỗi cô đơn!

Con Cần đã lên tự lúc nào, nó đặt nhẹ tay lên vai mạ. Chị Thảo giật mình quay lại. Một lát lặng đi, chị ngỡ như có bàn tay nào đó đang vờn ra chực bế nó chạy. Chị rùng mình ôm choàng lấy con, ghì chặt nó vô người. Con Cần mếu máo:

- Mạ... răng rứa mạ?...

Chị Thảo thấy nghẹn đắng trong cổ, không thể nói nổi một tiếng. Chị bế thốc con lên, lúi chúi chạy lại đến chiếc giường đầu kia nhà. Chị bổ sầm người xuống, kéo chăn trùm kín mặt cả hai mạ con. Hơi nóng xông lên hầm hập. Con Cần chợt thấy sung sướng quá. Từ ngày mạ sinh em, nó gần như xa hẳn mùi mồ hôi mạ, đêm đến cứ vùi đầu vô đống chăn cố tìm lấy cái hơi cũ còn vướng lại từ những năm trước. Nó không ganh với em mà chỉ thấy buồn buồn...

Chợt hai mạ con ngừng thở. Chị Thảo tung chăn ra, con Cần ngồi dựng dậy. Hình như có ai gọi tên chị? Sóng đổ ồm oàm, tiếng gọi lấp vào tiếng gió. Hay chị nhầm. Nhưng cả Con Cần cũng nghe thấy kia mà. Có tiếng rột roạt. Một điệu nhạc não nề chao chao trong gió. Thì ra đài của bờ Nam. Từ một năm ni cái loa bên bờ đó ăn nói thất thường. Có khi bẵng đi hằng tháng trời câm tịt, rồi đột ngột một sáng nào đó lại rú lên, chửi bới luyên thuyên hàng giờ liền. Người dân giới tuyến khổ quá nhiều vì cái loa ấy. Hình như chúng nó đặt riêng một máy nổ để phát loa. Một cột loa gắn hai hàng, một hàng 16 chiếc, một chiếc dài tới chừng 3 thước. Mỗi lần loa phát, hơi phầm phập phả qua mạnh hơn cả gió Lào. Nghe nói ở dưới Tùng Luật, chỗ gần cột loa nhất có lần nhà ai đó cho vịt con lội ra giữa sông đúng lúc loa nó phát, cả bầy vịt dúi vô bờ vì sức gió. Nghe chuyện ấy chị Thảo nửa tin nửa ngờ, nhưng rõ ràng ở cái xóm Cửa đây mỗi lần thằng địch phát thanh chị có cảm tưởng như có ai đó quạt lửa vô mặt.

Từ hôm Dốc Miếu bị đánh tới nay, tiếng loa ấy tịt hẳn. Cứ tưởng nó bỏ rồi, hôm ni đột nhiên lại lỡ nói ra cái điệu nhạc ấy. Răng mình không đánh vô chỗ phát thanh ấy hè?

Nhạc ngừng đột ngột. Tiếng một đứa con gái nhõng nhẽo:

- Hoài Hương đây! Hoài Hương xin gửi lời chào cô bác miền Bắc. Hoài Hương xin hỏi lại lần nữa, ông Chẩn, chị Thảo, cháu Cần, cô Thuấn đã sẵn sàng đón tin chưa?

Chị Thảo run bắn người. Nó gọi đúng cả, không trật một ai? Chị đạp đống chăn xuống cuối giường lồm cồm đứng dậy. Lại nhạc. Cha cha là sốt ruột. Hát hò chi mà ai oán quá trời!

"Thưa bố, thưa chị kính mến!...

Em Thuấn thương yêu của anh...

Cháu Cần quý mến của chú..."

Trời đất rõ ràng là chú Lợi! Răng lại rứa hè? Chú Lợi ơi!...

Tiếng đứa con gái vẫn đọc từng câu uốn éo:

"Bố đã từng dạy con, đi một đội đàng học một sàng khôn. Con đường hành quân xâm lược vào nam đã giúp con nhận ra bao nhiêu bài học thấm thía. Nhưng cao hơn những đội đường đã đi là những cái chết của đồng đội... Bè bạn con đã chết dần chết mòn trước hỏa lực khủng khiếp của quân lực Việt Nam cộng hòa và đồng minh Hoa Kỳ. Chưa bao giờ con thèm được sống như hôm nay.

... Bố ơi, con cần phải sống! Vì thế con đã mạnh dạn tìm về chính nghĩa với Quốc gia. Con chiêu hồi ngày... tháng... năm..."

Gió ù ù thổi thốc qua cửa phên. Sóng chồm từng cơn quằn quại. Chị Thảo vật mình xuống giường, tay bấu gãy từng chiếc vạc. Rồi chị lại ngồi vọt dậy, nhảy xuống đất chạy đâm ra giữa sân. Phải làm chi lúc này?

"Con nghe nói chị Thảo đã sinh em trai phải không? Nó giống anh Quyền không? Con mong rằng nó thông minh hơn cha nó, đừng bao giờ chọn lấy cái chết thê thảm như vậy..."

Trời ơi! Chị Thảo hét lên, hai tay ôm ghì lấy đầu. Bà Thảo cũng choàng dậy. Thằng cu Hầm giật mình khóc thét. Con Cần mếu máo gọi. Chị Thảo nhào vô nhà đâm sầm xuống ôm lấy con. Rồi chị lại chạy trở ra, láng quáng, lăng xăng như người chữa nhà cháy. Tiếng nói õng ẹo bên kia đột ngột tắt, một giọng hát não nề cất lên. Chị Thảo bế con chạy ra bãi cát. Con Cần chạy theo khóc tức tưởi. Chị quay lại nói như van lạy:

- Con!... Con vô đi!... Lạy con, mau lên...

- Mạ... đi... đ...đâu?...

- Mạ lên ông nội... chút xíu về li... ền...

Rồi không cho con kịp hỏi, chị giật ống quần ra khỏi tay Cần, ghì thằng cu Hầm trong ngực chạy xiêu vẹo lên đồi đất đỏ.

*

Mọi vật đều trở nên lạ lẫm, kể cả con đường qua Khe Sâu mà ông đã đi hơn sáu chục năm nay. Kể cả những con mắt thân tình, những lời chào hỏi xởi lởi của hàng xóm láng giềng, của thím Điu, o Vi, dượng Chước hôm ni cũng trở nên ngập ngừng ngượng nghịu. Ông Chẩn nhận ra điều đó rất sớm. Ông uất ức muốn điên lên bởi vì ông không tin chuyện đó lại có thể xảy ra. Thoạt đầu ông nhếch miệng cười, rồi nụ cười cứ nguyên vậy mà khô dần đi. Ông muốn khóc mà không khóc nổi, muốn chưởi toáng lên chẳng biết chưởi ai, càng thở ra cái bụng càng lép kẹp. Rứa là ông nằm bẹp xuống, hai tròng mắt mở tròn lơ láo ngó lần theo những chiếc rui, chiếc mè mà thấy lòng thắt thẻo từng mối lạt.

Dầu sao thì ông cũng không thể tin!

Ông chưa làm chi một điều thất đức! Tự ngẫm lại đời mình hơn sáu chục năm qua, ông Chẩn thấy cần phải kêu to lên như vậy. Nhưng biết kêu với ai? Thực ra cũng chẳng ai nói chi với ông cả. Thậm chí từ sáng đến chừ người ta đến thăm ông chật cả nhà. Người ta an ủi, xoa dịu ông. Nhưng thà người ta đừng đến, đừng nói năng chi cả có lẽ ông còn dễ chịu hơn. Răng người ta không chịu để cho ông yên lúc này? Thử hỏi ông có tội chi đã chứ? Chẳng có tội chi cả. Ông đã sinh ra những đứa con, đã thắt ruột nuôi chúng nó lớn lên rồi trao cho xã hội. "Sanh con há dễ sanh lòng", nó nên hay hư là tùy xã hội chứ! Suốt cuộc đời ông ta tu nhân tích đức cũng chẳng trông thành tiên thành phật, chỉ cốt mong đời đền đáp chút ưu ái, cưu mang. Không lẽ chừ là lúc cuộc đời trả giá cho ông đó ư? Ông không tin!

"Con muốn bố nói một lời với những người cha, người mẹ Vĩnh Linh hãy giữ con mình lại. Đừng trao khúc ruột mình cho bọn cộng sản thực hiện mưu đồ thôn tính miền Nam. Hãy thương lấy con mình..."

Ui chao đến rứa thì quá quắt! Lợi ơi, răng mi ngu vậy? Làm cha, làm mạ ai chẳng thương con. Chỉ có những đứa con ngu muội như mi mới không thấu nổi tình thương đó, mới đánh đổi sự hy sinh của cha mạ lấy chút sống thừa!...

Nhưng mà, trời ơi, ông vẫn không tin. Thằng Lợi con ông nó không thể nói những lời như vậy. Mặc dù chiếc L.19 nó cứ lè nhè trên đầu, nó đọc không biết tới mấy chục lần cái thư thằng Lợi, mặc cha nó, ông không tin. Đêm qua con Thảo mang tin đến, ông như người phải bỏng, run bần bật. Ông căm giận quá. Giận thằng Mỹ thâm hiểm, giận thằng con phản dân, giận luôn cả đứa con dâu nỡ nhẫn tâm mang cái tin ấy tới... Rồi con Thảo trở về nhà nó, chiếc L.19 bò lên, tiếng nó rót tận tai ông từng lời. Không riêng chi ông nghe mà cả xóm Tây Hiền, cả xã Vĩnh Hòa, khéo không cả khu vực Vĩnh Linh đều thấu chuyện. Ông như kẻ tụt chân xuống vực, ngập chìm trong sự đổ vỡ tan nát. Thôi từ ni thì nón cời úp mặt, chẳng bao giờ dám ngước mắt ngó xóm ngó làng!...

Ôi răng lại có thể có chuyện ấy được? Không!

Ông Chẩn co người ngồi dậy, đầu choáng váng, chân tay run rẩy. Ông bậm môi suy nghĩ. Rồi ông quyết định ra đi mặc dù gần hết một ngày chưa hề có hạt cơm lọt bụng. Leo được hết dốc Khe Sâu ông Chẩn ngồi bệt xuống cỏ mà thở. Tiếng pháo ngoài biển rít từng vệt qua đầu. "Thằng" L.19 đang vòng liệng trên phía tây, có lẽ nó đang mang lá thư thằng Lợi mà rêu rao khíp vùng đất đồng Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy! Còn ai chưa biết thằng con ông phản bội nữa không? Có ai tin không?

Ông đi thơ thẩn dọc theo đường Cáp Lài tìm về hướng Bộ tư lệnh khu vực. Ông muốn gặp người chính ủy hôm nọ, muốn hỏi ông ấy một câu rằng, ông có quyền coi thằng Lợi như đã hy sinh rồi không? Có lẽ chưa bao giờ ông thấy thấm thía lời nói của chính ủy dạo nọ bằng lúc này. Cũng chưa bao giờ ông thấy hai tiếng "Hy sinh" thiêng liêng cao cả như hôm nay. ừ , ước chi thằng Lợi nó không phải mất trắng đi mà đã hy sinh! Giá có ai hỏi, những ngày cuối cùng của đời ông cần lựa chọn cái chi, ông có thể nói ngay rằng, cần chọn một sự hy sinh trong sáng nhất.

"Toe"... Tiếng còi xe gắt gỏng phía sau, ông Chẩn dạt mình tránh qua lề đường. Chiếc xe trùm kín lá lao qua kéo theo cái đuôi dài ngật ngưỡng. Thêm chiếc nữa, chiếc nữa...

Ông Chẩn nhíu mắt ngó qua kẽ lá thấy lấp ló những dãy mũ sắt xếp bằng nhau. Dưới các vành mũ sắt là những khuôn mặt non tơ mà trang nghiêm quá. Năm chiếc... sáu chiếc... mười chiếc. Ui cha, bộ đội đâu kéo về nhiều quá. Khuôn mặt nào cũng từa tựa giống nhau. Những đứa con ấy, có đứa nào là không bố, không mẹ? Các con có hiểu thế nào là tình thương của cha mẹ hay không?

Ngững chiếc xe kéo pháo rào rào lướt qua. Ông Chẩn phải né sát người bên lề đường tránh bụi. Chiếc xe cuối cùng chồm tới rồi phanh kẹt ngay trước mặt. Cửa buồng lái mở. Một anh bộ đội bước xuống, theo sau là một cô dân quân. Hai người đi ngược trở lại phía ông Chẩn.

Anh bộ đội ước chừng gần bốn chục tuổi, hố mắt sâu, hai lưỡng quyền cao, má hóp. Anh quay lại nói với cô gái:

- Chừ đồng chí Phương đợi chổ ni, hí. Nếu quá tám giờ không thấy thì về.

Người con gái đưa một tay vén mái tóc, để lộ cả một vầng trán dô cao.

- Răng lại về? Lỡ xe của xê ba qua muộn thì ai dẫn về?

- Không thể muộn hơn được. Nếu quá tám giờ mà không thấy tức là "hắn" chạy đường 70 rồi. ở bên đó có dân quân Vĩnh Hiền đón. Đồng chí cứ yên tâm.

- Rõ.

Hai người bắt tay nhau. Anh bộ đội bước lên cửa xe còn quay lại cười:

- Đứng một mình có sợ ma không?

Cô gái nheo mắt, chống tay lên hông dáng người ngạo nghễ:

- Chả sợ ma, chỉ sợ quỷ thôi thủ trưởng ạ!

Nghe cô gái gọi anh bộ đội kia là thủ trưởng, ông Chẩn chạy vội tới. Nhưng cánh cửa sắt đã đóng sầm, xe rú máy chồm lên trước. Một quầng bụi đỏ cuộn theo.

Chờ cho đám bụi tan dạt theo hai bên bờ cây, ông Chẩn đi lại gần cô gái:

- Này, o... ông thủ trưởng lúc nãy cũng ở trên bộ tư lệnh à?

- Da không. Anh Tùng ở dưới đơn vị...

- Đơn vị nào vậy?

- Dạ... đơn vị mới... bác chẳng biết được đâu ạ...

Thấy dáng ngập ngừng của cô dân quân, ông Chẩn biết mình hỏi hơi vội vã. Ông lúng túng định quay lui.

- Thưa bác... bác người Vĩnh Nam à?

- Dạ... tôi ở Vĩnh Hòa.

- Vĩnh Hòa? Cô dân quân tròn xoe mắt.

- ở Vĩnh Hòa mà chừ vẫn chưa về, bác không sợ tối đường à?

Ông Chẩn cảm thấy phiền rồi. Dớ dẩn cứ hỏi chuyện mấy anh mấy chị dân quân là hay bị lục vấn chết thôi.

Ông tìm cách làng chuyện:

- Dạ, mấy giờ rồi o?

Cô gái nheo mắt ngó lên phía Tây:

- Sắp tắt mặt trời, có lẽ gần sáu giờ rồi. Rứa bác đi đâu về vậy?

Ông Chẩn định tìm cách nói dối nhưng đầu óc mụ rồi, nghĩ nhanh không kịp. Ông ngồi thụp xuống lề đường, lần tay mở gói thuốc ra quấn. Nghĩ thế nào ông lại bắt chuyện:

- Lúc nãy nghe anh thủ trưởng gọi, o tên Phương à?

Cô gái ngập ngừng:

- Dạ...

- O người xã nào?

- Dạ, Vĩnh Thủy ạ.

- Gia đình o có anh nào đi bộ đội không?

Phương hơi ngớ ra vì câu hỏi đột ngột ấy. Cô ngồi xuống cạnh ông già, giọng thăm dò:

- Dạ... cũng có. Nhưng bác hỏi có chuyện chi vậy?

- Không, cũng chẳng có chi. Buồn thì hỏi vậy thôi...

- Bác đang buồn à?

Ông Chẩn thở ra khe khẽ. Ông bật lửa, châm thuốc rồi để nguyên chiếc bật lửa đang cháy trước mặt, ngó mê mẩn vô ngọn lửa. Một chốc ông dùng hai ngón tay kẹp chặt ngọn bấc, lửa tắt ngấm. Ông hỏi giọng bâng quơ:

- O có tin trong con cái, em út mình lại có kẻ phản bội không?

Phương ngạc nhiên thật sự nhưng cô vẫn cố giữ vẻ thờ ơ, nói úp mở:

- Tránh răng khỏi, bác. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Hàng ngàn hàng vạn người tài chi mà trọn vẹn được cả.

Ông quắc mắt nhìn người con gái đầy vẻ tức giận. Nhưng rồi đôi mi bạc lại âm thầm sập xuống:

- ừ, ai là cha, là mạ những đứa con lạc loài đó chắc là xót xa lắm...

Sự thông minh vốn có khiến Phương phán đoán ngay những điều u uất trông đôi mắt ông già. Ngày hôm nay đi đón tiểu đoàn cao xạ từ Vĩnh Mốc về Vĩnh Thủy, cô đã nghe ra rả bao nhiêu lần bức thư của một anh nào đó tên là Lợi. Thực tâm thì Phương không để ý mấy tới chuyện đó vì cô còn lạ gì cái trò đểu cáng của bọn "Tâm lý chiến". Nhưng chừ, một sự liên tưởng bất chợt kéo đến nối những lời xót xa của ông già với cái lá thư trên chiếc L.19 kia. Phương cố nghĩ nhanh, Lợi nào hè? Lợi? Có phải... e trúng rồi!...

Cô quay sang ông già hỏi vội vã:

- Hình như bác cũng có một người con trai đi bộ đội phải không?

- Dạ...

- Anh con bác tên Lợi phải không?

Ông Chẩn trợn ngược hai mắt lên, môi bậm chặt. Phương biết mình thiếu ý tứ, cô cúi vội xuống cố phân trần:

- Dạ... là vì cháu... có biết anh ấy. Hồi anh ấy học cấp 3 hay đóng kịch... Dạ... hôm anh ấy đi tuyển quân cũng có gặp...

Đột nhiên ông Chẩn nấc lên một tiếng, hai hàng nước mắt chảy trào xuống chảy tràn khắp gò má nhăn nheo, chòm râu trắng run bần bật. Tiếng ông nghẹn ngào:

- Thôi... coi như nó chết... đừng nhắc nữa...

Những năm tháng đối với ông như một giấc mơ. Những năm tháng tràn trề hy vọng ở đứa con học giỏi nhất khu vực Vĩnh Linh... Những năm tháng ấy còn đâu nữa! Lợi ơi! Mày ơi!

Đêm úp xuống như cái lòng chảo đầy sương lạnh. Ông Chẩn ngồi im thin thít trong bóng tối. Phương vẫn rủ rỉ bên tai:

- Không chắc đúng đâu, bác ạ. Thằng Mỹ nó thâm hiểm lắm. Còn cái chuyện tên họ à, thiếu chi cách dò la hở bác! ừ, thì ngay cả chuyện chị Thảo đẻ con trai chúng nó cũng có thể biết được chứ. Nói thí dụ có thằng gián điệp nào đó vượt tuyến chẳng hạn...

Những lý lẽ của Phương xem ra vu vơ lắm. Nhưng ông Chẩn không cãi lại, phần nữa ông cũng đang cố hy vọng. Cái hy vọng nhỏ nhoi nhưng sắc lạnh như một mũi kim. Ngay từ khi con Thảo báo tin, cả những khi nghe trực tiếp tiếng loa trên chiếc L.19 nghĩa là khi lòng ông tan nát nhất, ông vẫn hy vọng. Ông ngồi im và mặc cho Phương loay hoay giải thích, ông cố hợp lý tất cả những điều mà ông biết thừa là rất vô lý của những lời giải thích kia.

- Thôi chừ bác về, đừng lên Bộ tư lệnh nữa. Chẳng ai trả lời dứt khoát với bác lúc này được đâu. Hơn nữa các thủ trưởng đang rất bận. Chuẩn bị đánh to mà, bác. Bà con mình ai cũng có nỗi đau riêng nhưng ráng mà gánh mỗi người một ít. Đừng đùn lên trên bác ạ. Thôi, để cháu đưa bác về nhà...

Ông Chẩn ngửng lên hỏi bằng một giọng uể oải:

- O còn đón xe kia mà?

- Quá tám giờ rồi, cháu cũng về thôi. Nào, bác cháu ta đi đi!

Hai người lần dò đi theo mép đường Cáp Lài. Pháo sáng chờn vờn khắp bốn phía. Những chiếc phản lực "ăn đêm" thỉnh thoảng bay rẹt qua đầu xối những tràng 20 ly vô một khúc đường nào đó trước mặt đêm giới tuyến hâm hấp mùi thuốc đạn và râm ran tiếng xe vận tải khắp các mặt đường.

Không ngờ ông già lại có thể bước nhanh hơn mình, Phương sải chân nhảy lên mấy bước, tay cô túm được mấy ngón tay gân guốc của ông.

- Cháu chẳng dám nói giỏi với bác, nhưng đánh cái thằng Mỹ này phải hết sức tỉnh táo bác ạ. Không thì nó lừa cho chết mệt. Đặc biệt là đất giới tuyến mình, lá mặt lá trái lệch trở có một mái chèo. Cháu nói hỗn phép bác chứ thằng Mỹ đánh mình cốt là đánh vô lòng tin. Răng chừ mình hết tin nhau, bạn hết tin bạn, dân hết tin Đảng thì là nó thắng. Cho nên, chết cha, ngồi xuống bác ơi!...

Một chùm ba quả pháo nổ tóe trước mặt. Đất tung rào rào. Phương đè sát cả người lên người ông Chẩn, hơi thở hai người chập chồng lên nhau.

- May quá. Chúng bắn đểu quá. Nói chúng nó rất đểu bác ạ. Cho nên mình đừng có mà hoang mang. Tất nhiên theo cháu, người mình cũng không phải nhất nhất trọn vẹn. Cũng có thằng đểu. Những thằng đó thì phải từ mặt đó đi. Nói thí dụ trong tình yêu thì quá rõ. Lắm thằng đàn ông đểu ghê gớm bác ơi!...

Phương mím vội miệng lại. Cô biết mình đã nói sa đà. Đi bên cô là một người bố suốt đời tận tụy hiến dâng và đang phải chấp nhận những điều bất hạnh. So với nỗi chịu đựng của người bố ấy thì những gì đã xảy ra với cô có đáng là bao!

Đăng ngày 12/04/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan