Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Chương 16 & 17


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG MƯỜI SÁU 

Giọng ông Chẩn khô lại khi phải nói những lời cuối cùng ấy với Thuấn:
- Chừ thì con cứ đi đi, gắng đưa các cháu tới nơi tới chốn. Đừng nghĩ ngợi nữa. Lòng con lâu ni đối với bác ra răng bác thấu cả? Bác ơn con lắm lắm. Nhưng mà... chuyện nó đã vậy, con cũng đừng nặng gánh làm chi. Bác thời trước sau vẫn không tin, cho dù một trăm người bảo có vậy. Nhưng con thời không nên dằn vặt làm chi, đừng có nhớ tới bác tới nó nữa mà đau lòng.Cổ ông nghẹn cứng lại, cặp môi tái xám run run. Thuấn úp mặt vô đống áo quần mà khóc. Cô khóc vậy ròng rã suốt hai ngày ni rồi. Bà hào buộc phải thay con chạy đi đốc thúc từng gia đình chuẩn bị cho các cháu tập trung sơ tán. Bà đi một hồi rồi chạy về ôm lấy đầu con mà lắc:
- Thôi con ơi!... khóc lóc làm chi nữa. Người ta đã không thương nước thương dân thì dẫu con có khóc van cũng hoài nước mắt...
Mỗi lời của bà Hào là một nhát dao khứa vô tim ông Chẩn. Nếu không vì chút tình, chút nghĩa của con cái thì ông chẳng chịu ngồi yên. mà thôi, giận người ta thì được gì. Nghĩ cho cùng nếu chẳng vì dây mơ rể má thời ai người ta lại đau đớn thay cho ông đến dường ấy! Ông Chẩn ngồi câm lặng như con chiên chịu tội, cặp mắt đờ đẫn, ngây dại.
Trong lúc đó ở dưới một gốc Khe Tre gần cuối xóm, người ta đã đứng chặt lòng Khe đợi cô giáo. Người lớn đông gấp ba, gấp bốn trẻ con. Các học sinh thuộc diện sơ tán trong kế hoạch tháng tám - gọi là K8 - của cả mấy xã khu đông đều tập trung về địa điểm này. Bọn trẻ đâu có hiểu được nỗi xót xa của bố mẹ, chúng nó được dịp tụ tập lại với nhau, cơm đùm, cơm gói, túi xách, gùi mang coi bộ thích thú lắm. Tiếng hò reo náo động cả Khe Tre. Những người mẹ khóc thút thít. Những ông bố cáu kỉnh gắt luôn mồm. Các đồng chí trong Đảng ủy, ủy ban. Hội phụ nữ chạy ngược chạy xuôi tất bật, trời lạnh mà mồ hôi đầm đìa lưng áo.
- Các đồng chí giáo viên có mặt đầy đủ chưa? O Thuấn có đây chưa? hả?...
Tiếng ông phó chủ tịch xã hét um ở cuối lòng Khe. ở đằng đầu này mấy cô giáo chen nhau đáp:

- Dạ chưa.

- Dạ rồi.

- Rồi đâu mà rồi?

- Đó tề không thấy à?

Đúng là Thuấn đã đến thật. Cô ôm gói áo quần trước ngực, mặt cúi gằm, hai mi mắt mọng nước, sưng húp. Cô bước từng bước choáng váng giữa rừng người ở đây rất nhiều người đã biết chuyện nên họ tránh hỏi han, không ai nỡ khêu vô vết thương đang rỉ máu!

Người ta tuyên bố vị trí tập trung từng xã. Các cô giáo gọi tên, các em nhỏ líu ríu đứng vô hàng, ngó ngang ngó ngửa, cuời toét miệng.

Chị Thảo ôm ghì lấy con Cần ngồi tít tận cuối Khe. Mạ con chị đến khá sớm nhưng con Cần vẫn không được phép nhào vô với tụi bạn trong xóm. Nó đang mang máng hiểu ra cái điều làm mạ tái tê suốt mấy ngày qua. Nhưng với nó lúc này thật là khó mà khẳng định đang vui hay là đang buồn. Đi sơ tán, theo như sự tưởng tượng của nó chẳng khác chi đi lên trên ông nội. Mạ nó bảo đi xa tới bốn năm trăm cây số. Nó nhíu trán nghĩ coi bốn năm trăm cây số là xa đến mức nào, có lẽ phải quá nhà ông đoạn nữa. Nhưng nó thích vì được tung tăng với bầy con nít, lại được đi ô tô. Nó sướng rơn người khi nghĩ đến ô tô rú máy đưa nó chạy băng băng hết chỗ này qua chỗ nọ. Mạ lại bảo đi xe hay bị nôn mửa nhưng nó chẳng sợ vì nó đã từng đi thuyền rồi. Tất nhiên nó chưa ra khơi lần nào mà chỉ theo bố đi câu ở lộng. Nhưng bố nó đi lộng sóng dữ hơi khơi. Vậy là nó đã chịu được biển, còn ô tô thì nó trông thấy mấy lần rồi nhưng không bao giờ được đến gần. Ai ngờ sắp được cưỡi lên trên nó, chẳng phải chèo chống chi cả vẫn lao băng băng.

Tuy vậy nó vẫn có thấy chút buồn. Mạ bảo là đi lâu lâu mới về, nó chắc mẩm ít ra cũng phải tới vài tuần. ở chỗ sơ tán đó không được tắm biển, không được bế em, vậy thì chơi nhiều cũng chán. Chán nhất là không được ra đón thuyền vô bãi. Với Cần mỗi một ngày vắng biển nó thấy trong người nhạt thếch, chẳng muốn ăn cơm. Không được ra đón thuyền những lúc chiều xuống thì còn đâu hy vọng gặp cha!

- Em Nguyễn Thị Cần!

Chị Thảo giật thót người. Hai tay chị bỗng run run như người lên cơn sốt. Con Cần quay nhanh lại ngó mạ.

- Em Nguyễn Thị Cần có đây chưa?

- Dạ... co... có...

Chị Thảo thấy người mình như rệu ra. Chị cố chống tay vô gối đứng lên. Con Cần đã dứt ra khỏi tay mạ, nó chạy lên mấy bước nhưng rồi không biết nghĩ răng nó chững chân lại. Nhiều tiếng giục xung quanh: "Lên đi em! đứng vô hàng". "Cho cháu tập họp đi chị, để người ta còn gọi em khác".

Chị Thảo như người mất hết cảm giác, chi tiến lên từng bước hờ hững, tay dí dí vô lưng con Cần. Cần thấy mạnh dạn hơn, nó bước nhanh tới sau lưng một cậu con trai và cố nhắm nhắm cho thẳng hàng. Chị Thảo cũng ngồi xỉu xuống đó.

- Em Hoàng Văn Cang!...

- Em Bùi Văn Trực!...

- Em...

Những tiếng gọi đều đều vang lên, chị Thảo nghe mênh mang mơ hồ như tiếng sóng. Chị vẫn ngồi bên con, mà cảm thấy mình như đang bồng bềnh trôi trên ngọn nước. Tiếng gọi vẫn ngân lên chơi vơi, tan loãng trong tâm trí ngẩn ngơ của chị.

Đột ngột có tiếng xe ô tô rú máy phía đầu Khe Tre. Chị Thảo đứng phắt dậy như có điện giật. Cả một rừng người rùng rình. Đâu đó phát ra tiếng loa đã khàn đặc vì mệt:

- Các em Vĩnh Hiền lên xe số 1. Vĩnh Hiền lên xe số 1 tức là xe có ghi số 2605. O Thuấn nghe rõ chưa?

Tiếng trẻ con léo nhéo. Tiếng bố mẹ gọi í ới. Cửa xe đóng sầm sầm. Lại tiếng loa:

- Vĩnh Kim xe số 2. O Ba cho các cháu lên xe có số 2607. Cứ lên hết xe rồi xếp sau...

- Alô! alô! Đề nghị trật tự. Các cô giáo hướng dẫn học sinh đừng để xô đẩy nhau. Xe số 3 là Vĩnh Quang. Các em Vĩnh Quang lên xe số 2609, nghe rõ chưa?

Đám trẻ con phía trước nhao lên, bọn đứng sau xô tới. Chị Thảo bỗng thấy ù ù hai tai. Thôi rứa là hết. Đã đến cái lúc chị tuột khỏi tay niềm an ủi lớn nhất trong gia đình. Biết rằng nó ra đi là sung sướng, được nuôi dưỡng học hành sớm chiều. Răng con nỡ bỏ mạ, Cần ơi!

Không!... Tôi có thể bỏ hết, cho hết nhà cửa, vườn tược, lưới chài... nhưng xin mọi người hãy dành lại cho tôi đứa con!...

- Các em Vĩnh Quang lên xe nhanh lên!

Những đứa đứng sau xô lên lưng Cần. Cần níu lấy tay mạ. Chị Thảo hốt hoảng ôm quặp lấy con. Một giây quyết định, chị bế thốc con lên, vùng chạy...

Khe Tre xao xác lá. Tiếng máy ô tô rền ầm ầm. Chị Thảo cắm đầu chạy, đằng sau lưng chị rớt lại một tiếng gọi đứt hơi:

- Chị...Th..ả..o!...

*

Chúng nó vẫn chưa kịp buồn. Xe càng lắc những mái đầu càng được dịp cụng vô nhau lục cục làm bật tóe ra những trận cười nắc nẻ. Có đứa sung sướng hét to lên, mấy cậu con trai cáu kỉnh xòe tay ra bịt mồm đứa vừa hét lại. Những đứa lớn hơn bắt đầu hát, bài nọ xọ qua bài kia. Có đứa thì ngủ, nó ngủ từ khi xe mới bò ra khỏi lũy tre của xã Vĩnh Hiền, nó ngoẹo đầu vô ưng một đứa ngồi phía trước mặc kệ cho đứa ấy hết cựa lại cáu, hích tay, xô vai đủ kiểu, nó vẫn ngủ, nước miếng sủi ra đầy mép miệng chảy tràn xuống cổ.

Với lứa tuổi chúng nó, chiến tranh buồn ít, vui nhiều. Dù cho bố mẹ chúng nó và những người lớn có trách nhiệm khác có gục ngã giữa đường cày thì cũng chẳng bao giờ để con em mình phải đói cơm, thất học. Từ ngày cái bom Mỹ ném ra miền Bắc, chúng nó vẫn chưa phải một ngày ngừng nhảy múa. Tuy phải ngủ hầm, nhưng với chúng nó ngủ hầm lại càng thích. Mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, giấc ngủ nào cũng li bì, túy lúy. Vậy thì có chi mà phải buồn!

Tất nhiên đó là cách suy luận của người lớn, đặc biệt là những người lớn đa cảm, hay ganh tị với tuổi thơ. Không ít thì nhiều trong từng người lớn, có một vài lần nào đó chợt thấy nuối tiếc cái thời vô tư lự của trẻ con. Nhưng thử đặt giả thiết ai đó cho phép đổi được cuộc đời, biến người lớn thành lại con nít, không được làm việc, không được yêu đương, không được hiến dâng, đòi hỏi thì dễ đã mấy người tự nguyện?

Chiếc xe lắc mạnh qua một ổ gà, mấy cái đầu xán xô nhau nghe giòn từng tiếng "cụp, cụp". Có tiếng xuýt xoa, rồi có tiếng khóc. Thuấn giật mình cắt vội mạch suy nghĩ nhoài người qua chỗ có tiếng khóc:

- Răng đó, Thu Yến!

Con bé có mớ tóc quắn mếu máo:

- Nó... cụng co...ong.

- Ai cụng?

- Cái... xe!

Mấy đứa ngồi cạnh ôm bụng cười. Thu Yến cũng cười mặc nước mắt vẫn tràn trề gò má nó. Thuấn lách người đi tới lấy lọ dầu trong túi ra xoa lên trán con bé. Bỗng cô nhíu mắt lại. Một cục u nổi to nóng rần ở đỉnh trán Thu Yến. Thuấn hốt hoảng bấm chiếc bèn pin có lỗ sáng nhỏ xíu lên soi:

- Chết! Sưng to thế này ư?

Con bé nhõng nhẽo:

- Xấu rồi hả mạ?

- ừ. à, không... vẫn xinh!

Thu Yến nguýt điệu một cái rõ dài rồi mở tròn mắt ra nhìn cô giáo, miệng nó cười rất duyên.

- Xinh tày mạ Thuấn không?

Thuấn khẽ sập đôi mi dày xuống. Tắt đèn. Thôi, cũng chẳng cần an ủi nó nữa. Với bọn trẻ chỉ cần một lời khen là mọi nỗi đau đớn có thể làm tan biến ngay - Thuấn lại nối mạch suy nghĩ ban đầu - làm người lớn thiệt khổ! Nhớ thương trăm mối, day dứt trăm điều. Vậy mà ai cũng thích rằng mình trưởng thành, rất khó chịu khi bị gán hai tiếng trẻ con...

Cũng như tình yêu vậy. Chưa bao giờ phải sống vật vã, thắt thẻo như những ngày thương nhớ, chờ trông vừa qua. Cũng chưa bao giờ mình phải chịu đựng một nỗi đớn đau thất vọng khủng khiếp như khi niềm tin ở tình yêu bị sụp đổ. Vì lẽ chi mà mình khổ vậy?...

Một chuổi tiếng nổ xé sát màng tai, chớp sáng lèo như có sét đánh. Chiếc xe phanh kịt lại. Bọn trẻ tái mặt bíu chặt lấy nhau, ngã chúi. ánh pháo sáng hắt tràn vô thùng xe, mùi thuốc khét lẹt. "Có lẽ nó bắn 20 ly" Thuấn nghĩ nhanh và chợt thấy tim mình đập huyên náo.

Chiếc xe lại chồm lao lên vội vã. Tiếng cười đã tắt ngấm, bọn trẻ bậm chặt môi, lấm lét nhìn ra ngoài.

Thuấn càng lo hơn. Tính mạng mấy chục em... Nếu lỡ ra... Chao ơi, mình còn mặt mũi nào nhìn bố mẹ chúng nó nữa. Mình đã phụ lời ủy thác của những người làm cha làm mẹ khi dắt con lên vị trí tập trung. Phụ nhau tức là phản bội. Khác chi người đó đã phản bội mình - Thuấn vẫn không thể dứt nổi những suy nghĩ dang dở - Cái chi bắt mình khổ vậy? Có phải vì mình đã quá yêu, đã quá vội vàng trao hết hy vọng cho người khác để đến nỗi nay giật mình sững ra với một con số không lạnh lẽo! Chẳng ai dạy trước cho cái điều trong tình yêu hãy nên dành lại chút ít phòng khi sa cơ lỡ bước còn có cái tự bù đắp cho riêng mình?

Chiếc xe lại đột ngột phanh kít. Thuấn hốt hoảng nhoài người xuống cửa cabin hỏi rối rít:

- Cái chi rứa chú?

Người lái xe thò đầu ra đáp với vẻ mệt mỏi:

- Tới phà rồi, chờ đã.

Thuấn chui người ra khỏi thùng xe, nhảy xuống đất. Cô chạy lên trước mấy bước rồi quay vội lại.

- Xe nhiều lắm. Có khi nào phải chờ suốt đêm không hả chú?

- Hừ. Chờ hàng tuần nữa là khác.

- úi cha... - Thuấn vòng ra sau thùng xe gọi luýnh quýnh - Các cháu xuống đi! Xuống mau đi. Đưa cô đỡ nào? đứa nào đây? cái Cúc hả? xuống đi! Tản ra hai bên đường...

Mấy đứa con gái bắt đầu léo nhéo:

- Mạ Thuấn âu...? Mạ đâu rồi?...

- Thuấn lễ mễ vác từng đứa xuống, đáp như gắt:

- Mạ đây!... đừng kêu ồn. Tản ra đi!

Pháo sáng từng chùm vật vờ trên đầu. Bọn trẻ túm áo nhau lom khom chui xuống đường hào bên phải đường. Có hai chiếc xe đi ngược chiều trở lại, ánh đèn gầm vàng đục quét lên mặt những đứa trẻ. Chúng nó ngồi thụp xuống nhắm nghiền mắt. Rất nhiều người đi bộ bám theo sau mấy chiếc ô tô. Máy bay bất ngờ nhào qua đầu, người ta chạy tản ra, bọn trẻ hốt hoảng đè tay lên hai lỗ tai chờ một tiếng nổ khủng khiếp. Nhưng không có tiếng nổ nào cả, chỉ nghe vài tiếng khóc thút thít bật ra.

Thuấn đang loay hoay dỗ mấy đứa khóc thì bất ngờ có ai đó nhảy huỵch xuống bên cạnh. Cô quay lại. Trong ánh sáng lập lờ của đèn dù Thuấn trông rõ một người đàn ông, đầu đội mủ cứng, vai đeo chiếc ba lô cóc, mùi băng phiến tỏa ra thơm hắc. Hình như khuôn mặt ấy, cô đã gặp ở đâu rồi? Quen quen lắm mà Thuấn nghĩ mãi vẫn không nhớ ra. Chợt anh ấy lên tiếng trước:

- Em đi vào hay đi ra?

- Da, út đi ra.

- ở đâu ra?

- Dạ, út ở Vĩnh Linh.

- Vĩnh Linh nhưng xã nào, cơ quan nào?

- Dạ, Vĩnh Hiền.

- Thế à? - Anh ấy chợt reo lên - Sao tôi không biết nhỉ?

- Anh có quen Vĩnh Hiền à?

- Giữa cái vùng trọng điểm ở một chốn xa lạ như thế này mà có được một người quen để nói chuyện thì sung sướng quá. Thuấn nghĩ vậy và đứng xích gần lại. Người đàn ông đảo mắt như để cảnh giác với máy bay Mỹ, đoạn anh ta nói trong nụ cười hiền dịu:

- Chính ra là anh biết em đấy. Có phải em dạy mẫu giáo không?

- Dạ...

Anh ấy đứng gần thêm chút nữa.

- Anh nhận ra tiếng em lúc nãy, nhưng cũng đề phòng sự nhầm lẫn nên mới hỏi vậy. Em vẫn chưa nghĩ ra à? Thế em có nhớ đại đội trinh sát học ở thôn em không?

"à ra thế!" chừ thì Thuấn đã nhớ ra. Cô reo lên mừng rỡ:

- Anh Khang! Hèn chi em ngó quen quá. Răng anh lại ở đây?

Khang thở ra một tiếng với vẻ đầy bất hạnh, rồi anh kể bằng một giọng day dứt:

- Tôi bị thương nặng trong một trận xáp mặt với bọn lính dù Mỹ. Thế là tôi bị loại ra khỏi chiến trường. Đau quá! Trong lúc cả mặt trận Bắc Quảng Trị đang lập công náo nức, mình là cán bộ, lại phải bó chân nằm ở hậu phương. Uất không chịu được Thuấn ạ! Vết thương chưa lành hẳn nhưng tôi quyết định xin ra viện. Cuộc đời thằng lính mà vắng mặt ở mặt trận thì có nghĩa lý gì để sống nữa, phải không em?...

- Vết thương chưa khỏi mà anh dám đi bộ à?

Khang cười rất nhẹ:

- Tất nhiên phải đặt quyết tâm cao nhất là đi bộ. Nhưng cũng may là tôi vẫy được một chiếc xe tải. Xe tôi đang ở bên kia phà. Tôi qua trước với ý định nếu gặp được xe khác thì vẫy tiếp... Chờ sốt ruột lắm. Chậm một phút lúc này là lỡ một cơ hội lập công.

Đoàn xe lạch bạch nổ máy đùn đít nhau trườn về phía bến phà. Thuấn chào Khang, vội vã rồi dắt tay các em bám theo xe. Nhưng Khang cũng đi theo. Anh giải thích:

- Nhưng khả năng vẫy xe khó quá! Có lẽ đành phải đợi chiếc bên kia vậy.

Thuấn bước lò dò từng bước, đầu nghĩ mung lung, cô đắn đo mãi mà không biết có nên hỏi cái điều đang cắn xé trong lòng mấy hôm ni không? Cô hỏi úp mở:

- Anh Khang đi viện lâu chưa?

Khang lại thở dài:

- Ngót nghét một tháng rồi Thuấn ạ.

- Mấy hôm gần đây anh có nhận được tin tức gì về anh em trong đơn vị không?

- Có chứ. Tôi vẫn theo dõi sát sự phấn đấu của anh em. Nói chung đơn vị lập công được. Tất nhiên cán bộ thiếu cũng có gây nên một số khó khăn...

"Một số khó khăn nghĩa là răng? Anh ấy vẫn giấu mình. Có nên hỏi không hè? Hỏi để mà biết, tội tình chi mà sợ! Nhưng liệu có xúc phạm đến danh dự của bộ đội không?"

Đoàn xe tắt máy. Thuấn cũng dừng lại.

- Anh Khang này... út nghe nói, không biết có đúng không... hình như... đơn vị có người bỏ trốn phải không?

Khang hơi lùi lại. "Đứa nào thâm thế nhỉ? Rõ ràng đã có dư luận cho mình hèn nhát!..." Một hơi nóng bất ngờ bò lên vành tai anh. Khang cười khẩy:

- Thuấn nghe ai nói vậy?

Thuấn buột miệng:

- Loa nó nói.

- Hứ, loa nào?

- Loa trên chiếc L.19.

- Trời đất ơi! Cô mà đi tin cái lỗ miệng thằng địch ư? Bản lĩnh chính trị kém đến thế sao?

Đã đến nước này không phân giải không được! một cơn uất ói lên, nước mắt Thuấn trào ra:

- Nào có phải mình út nghe. Cả khu vực Vĩnh Linh ai cũng biết. Bố anh Lợi cũng nghe. Nó đọc đi đọc lại lá thư của anh ấy nhắn bố, nhắn chị, nhắn cả em nữa... Thuấn nức nở từng tiếng - Em đâu có... ngờ... đến nông nổi này. Anh ấy phản bội Tổ quốc. Em khổ quá... nhục quá!...

Trong lúc Thuấn nghẹn ngào kể lể, Khang nhíu mày nghĩ nhanh. "à, ra thế, cậu Lợi! Giá như anh Lịch còn sống hẳn phải mở mắt ra..."

Thuấn quệt vội nước mắt rồi ngẩng lên:

- Nhưng mà... có đúng không anh? Hay là bọn địch xuyên tạc. Anh Lợi làm chi đến nỗi ấy anh hè?

Khang khẽ lắc đầu rồi nói bằng giọng bùi ngùi luyến tiếc:

- Thực ra tôi chẳng bất ngờ chút nào đâu Thuấn ạ. Tôi đã để ý cậu Lợi từ đầu. Tay này là hiện thân của một "cây" tiểu tư sản, nó làm sao chịu nổi cuộc sống chiến đấu kham khổ của người lính. Tôi đã đoán biết từ đầu rồi nhưng tiếc thay giai đoạn vừa qua tôi phải đi nằm viện!..

Thuấn mở tròn mắt nhìn Khang. Giọng cô thẳng thốt:

- Rứa tức là chuyện đó có thiệt?

Khang gật đầu lạnh lùng:

- Đúng thế...

- Không!

Thuấn vùng người dậy, bậm chặt hai vành môi. Rồi bất ngờ Thuấn la to lên như có ai đập vào đầu:

- Anh ác lắm! Không thể như thế được, đúng không?

- Nhưng khổ quá...

- Không! Dứt khoát là không! Trời ơi răng mà út cực rứa trời!...

Khanh khẽ chậc lưỡi, anh đặt nhẹ tay lên đôi vai run rẩy của Thuấn, giọng mềm xuống:

- Đừng khóc nữa em... rồi anh sẽ nói...

- Thôi anh đi đi!... Anh ác nghiệt lắm... hu hu...

Bọn trẻ thấy "mạ Thuấn" khóc cũng xúm lại túm lấy tóc Thuấn khóc theo. Người lái xe hốt hoảng chạy đến quát giật giọng:

- Chuyện gì thế? Há?...

Khang nhăn nhó khổ sở. Anh xòe hai bàn tay phân trần:

- Không có gì đâu mà... Cô ấy hơi bị xu...úc động thôi!...

*

Đoàn xe lao qua khỏi được khu đồi trọc bên bờ bắc phà Long Đại thì gặp một con đèo nhỏ. Đường ngoằn ngoèo khấp khểnh, nửa phần bóng núi đổ tối om, nửa phần chập chờn pháo sáng rọi. Xe lên dốc rì rì nặng nhọc. Bọn trẻ ngủ gà ngủ gật đè chồng lên nhau. Riêng có Thuấn vẫn mở trừng đôi mắt, thò đầu ra ngoài thùng xe ngó như soi lên phía trước. Gió từ biển hắt lên xót buốt hai vành tai.

Bỗng từ phía trước hiện lên một quầng lửa. Thuấn cố nghiêng người quan sát. Xe càng lao tới, quầng lửa càng sáng rực. Đã trong rõ những cuộn khói đen kịt bốc cao loãng tràn trong màu vàng của lửa. Bốn chiếc xe cùng dừng lại. Các lái xe thò đầu ra gào to trong tiếng máy:

- Cái gì thế, Tương ơi!

- Tắc đường!...

Tim Thuấn thắt lại. Cô nhận rõ những gì tệ hại nhất sẽ xảy ra sau hai tiếng ấy.

Từ chiếc xe đầu chị phụ trách chạy trở lại gọi:

- Tâm đâu? Thuấn đâu?

Thuấn nhảy xuống đáp vội

- Em đây! Chị Minh ơi!... Em đây mà.

- Cho các cháu xuống xe mau lên!

"Rứa là cực rồi" Thuấn nghĩ vậy rồi quơ tay lên thùng xe, gọi giật từng đứa:

- Dậy...Dậy!...Thu Yến, Kim Cúc, Long... Cải... Nào, dậy hết đi!

Tiếng trẻ ngái ngủ ú ớ:

- Rét... Rét hung mạ ơi!...

- ừ, xuống xe hết rét. Mau lên! máy bay tới đó.

Tội nghiệp hai tiếng máy bay như quất vô mông đít chúng nó. Tất cả ngồi dựng dậy. Trong chốc lát những đầu ốc thơ ngây nhất đã nhận ra cái điều sắp sửa xảy đến. Chúng nó chen nhau sà vô tay cô giáo.

Chị phụ trách chụm hai lòng bàn tay lại làm loa:

- Các đồng chí giáo viên chú ý! Phải kiểm tra lại cẩn thận từng cháu, đừng để sót lạc. Tất cả đi theo tôi!

Bọn trẻ lặng lẽ túm áo nhau bám chân cô giáo. Họ đã rời mặt đường, quặt xuống lối mòn. Rẽ về hướng đông. Trước mặt họ là một xóm nhỏ thuộc xã Lệ Ninh. Không một ngọn đèn le lói, không một tiếng chó, tiếng gà, cứ ngỡ xóm nhỏ đã chết lặng đi trong cái ồn ào thô bạo của máy bay và pháo sáng.

Thuấn cố rượt kịp chị phụ trách hỏi thì thầm:

- Răng đường lại tắc hở chị?

- Một chiếc xe tải cháy ngay giữa đường. Cực thiệt!...

Chị Minh nói chưa dứt câu thì có tiếng phản lực xé chéo qua đầu chị hét thất thanh:

- Nă...ằm xuống! đoàn người nằm bẹp dưới chân đồi. Những tiếng nổ rung mặt đất, mảnh bom lia vèo vèo. Những luồng lửa phòng không từ mặt đất lóe lên, đạn nổ lốp bốp. ở ngoài đường tiếng xe rú lên vội vã. Chị Minh bật người lên hô to:

- Chạy!

Thuấn bế xốc hai đứa bé nhất lên lòng mình, giọng cô cứng lại:

- Mau...các cháu!...

Bọn trẻ bổ sấp bổ ngửa khóc thét cả khu đồi. Tiếng phản lực vẫn rít xé tai, hơi bom khét tanh nồng nặc, Thuấn cũng ngã, ống quần toạc một miếng dài. Mấy đứa con gái cứ bíu chặt lấy cổ áo cô khiến Thuấn không răng đứng dậy được nữa.

- Trời ơi, cực chi cực rứa trời! Thả ra đã nào, các con!

Chị phụ trách chạy trở lại giúp Thuấn. Chị gỡ từng bàn tay khỏi áo cô, bế thốc chạy lên trước.

Gần sáng họ mới vô tới thôn. Cả xóm nhỏ bộn bề tiếng khóc. Hầm không đủ chứa, người ta rải những chiếc nong ra giữa nhà, bọn trẻ ôm lưng nhau cong người như tôm mà ngủ. Thuấn thấy người đau nhức như vừa bị đánh, cô lấy dầu xoa lên những chỗ da bị xước, vừa định nằm xuống bên cạnh con Thu Yến thì thấy chị Minh đã lò dò đi tới:

- Xe mình chạy mất rồi!...

- Trời ơi!...

- Đây tới trạm một còn khoảng ba cây nữa. Con đường tắt. Mai ta tổ chức cho các cháu đi bộ ban ngày. Đành vậy thôi...

Thuấn hỏi trong tiếng thở dài:

- Tới trạm một nhưng xe không còn thì rồi đi đứng cách răng?

Chị Minh chặc lưỡi:

- Cứ nghĩ được ở trạm cái đã. Trạm sẽ báo cáo tình hình về cho ủy ban khu vực. Nhất định phải có xe chứ!

Thuấn như sực nhớ ra, xoay người lại:

- Mấy chú lái xe có ai bị không?

- Cũng may thoát được cả. Các đồng chí ấy sẽ quay về nhận xe mới. Thôi tranh thủ ngủ đi.

Chị phụ trách đứng dậy đi qua nhà khác. Thuấn ngã người nằm xuống nong. ánh pháo sáng đã tắt tự lúc nào. Trước mặt Thuấn màn đêm xô tới đen kịt, âm u. Đoạn đường trên 400 cây số mới đi chưa được 30 cây. Liệu có dắt nhau tới chỗ an toàn không? Chao ơi, tìm cho tới được chỗ an toàn phải đổi biết bao nhiêu lần hút chết. Rồi vài tháng nữa, ổn định và bàn giao các em xong, mình lại phải trở về, lại phải lặp lại ngần ấy lần, hoặc gấp hơn nhiều những lần hút chết ấy. Mà lúc đó là đi về Vĩnh Linh chứ đâu phải tìm tới chỗ an toàn! Vĩnh Linh lúc đó sẽ như thế nào, ai mà lường được. Thuấn nhắm nghiền mắt lại. Cứ nghĩ đến khúc đường đã qua, khúc sẽ tới và cả một dặm trường quay trở lại, cô bỗng thấy rùng mình.

*

Gần trọn một đêm ruột gan sôi như động biển, chứ thì chị Thảo đã thấy mình quá dại.

Sáng mai con Cần sẽ không còn có bạn để chơi, không còn có lớp để học. Phải sống trọc trọi giữa những người già chắc nó sẽ bị già lây. Anh Quyền trước đây thường nghiến răng lại mà thế, đời mình đã cam phận dốt nát thì nay dẫu có nhịn đói, nhịn khát cũng cho con ăn học tới nơi, tới chốn. Anh Quyền ơi! Em mang tội với anh rồi, chỉ vì em yếu mềm, một phút dao động mà làm lỡ làng cả đời con. Chiến tranh rồi cũng phải kết thúc. Lúc đó biết ăn nói răng với con. ừ, mà cũng đã chắc chắn chi vẹn toàn tới ngày đó. Nếu lỡ ra... ui chao, chỉ vì em hèn kém mà giữ con lại, lỡ có răng thì tội chất tày non!

Tiếng máy bay như bừa trên mái nhà càng làm cho chị sốt ruột. Từ ngày Mỹ nhảy ra đường Chín, suốt ngày suốt đêm gần như không có lấy được một giờ yên. Hợp tác xã họp mấy đêm liền xác định quyết tâm bám trụ. Trên giải thích rằng tình hình rồi sẽ còn căng nữa, căng cho tới ngày toàn thắng. Nhưng ngày thắng là ngày nào? năm nào? Răng cứ hun hút như mặt biển vậy! Nhà người ta đàn ông ba đàn bà bảy còn nương tựa nhau mà chịu đựng. Còn mình, mẹ yếu con côi, những lúc xao xuyến lao lung không biết hỏi ai một tiếng. ừ, giá như chiều qua mà còn có anh Quyền thì chắc chị đã không đến nỗi dại dột bồng con chạy.

Chị Thảo khẽ trở mình ngó ra ngoài. Hình như trời sắp sáng? Con gà trống cuối cùng chi giết thịt cho con Cần ăn hôm trước khi chuẩn bị lên đường. Chừ thì chi đã đoán chừng thời gian bằng lắng nghe con nước trở. Tiếng sóng đang rền xuôi xuống phía nam. Trời sáng thiệt rồi. Chị ngồi dậy, vén mái tóc bối cao lên. Sắp sửa chịu thêm một ngày cơ cực. Nhưng dù có cơ cực đến mấy thì chị vẫn thích ban ngày hơn. Bởi ban đêm với chị là trống trải, lẻ loi đến buốt lạnh. Đã nhiều lúc chị Thảo bỗng thấy thèm có một tiếng đàn ông bên cạnh, dù cho đó là tiếng quát nạt, chị cũng thấy vững lòng.


CHƯƠNG MƯỜI BẢY

Tùng đoán tâm trạng của Tư lệnh trưởng chắc cũng phân vân như mình, anh nâng chiếc ống nghe lên cao hơn một chút nói dè dặt:

- Báo cáo Tư lệnh, về mặt ngụy trang chúng tôi bảo đảm là rất chu đáo. Công tác giữ bí mật chung cũng đã kết hợp với đảng ủy địa phương làm khá cẩn thận nhưng không hiểu răng kẻ địch vẫn nghi ngờ...

ở đầu dây bên kia, Tư lệnh Thường hỏi như quát vào ống nói:

- Nhưng có đúng là thằng địch đã nghi ngờ không?

- Dạ, báo cáo anh, sáng nay nữa là ba ngày kể từ khi pháo chúng tôi về mai phục ở đây, không hề có một lần tốp bổ nhào nào. Thỉnh thoảng lắm mới có vài chiếc phản lực bay qua. Chỉ có L.19 là thường xuyên thôi. Hiện chừ hai chiếc đang túc trực trên đầu chúng tôi, nó bay rất thấp. Tôi nghi rằng...

- Hừ, đó là anh nghi chứ có phải thằng Mỹ nghi đâu. Cứ ngụy trang cho kính, kiên nhẫn chờ. Tôi nhắc lại nó đến mà anh không đánh được thì dân người ta chưởi cho lên đầu đó. Rõ chưa?

Trong màng nghe của ống điện thoại phát ra một tiếng "roạc" Tùng biết Tư lệnh đã bỏ máy.

Đồng chí trực ban tiến lại hầm:

- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, công tác trong ngày có gì thay đổi không ạ?

Tùng không ngước lên, đáp bằng cái giọng khê đục của một người thiếu ngủ:

- Kiểm tra ngụy trang, theo dõi L.19, chờ!

Người trực ban quay đi, Tùng tựa lưng vô vách đất, mắt khép lim dim. Sự chờ đợi đã gây cho anh mệt mỏi đến rã rời. Chuông điện thoại lại réo, Tùng với tay nhấc ống nghe uể oải trả đặt lên tai:

- Ai hỏi chi đó?

- Tùng phải không? Mình đây, Trần Vũ đây!...

Tùng ngồi thẳng dậy:

- Báo cáo chính ủy tôi nghe đây!

Tiếng nói của Trần Vũ vang lên thong thả và điềm đạm:

- Sao? Căng thẳng quá phải không?

- Dạ... đúng là chúng tôi...

- Mình hiểu - Trần Vũ ngắt lời - Trên Bộ tư lệnh cũng rất căng thẳng. Nhưng yên chí anh ạ. Chưa có hiện tượng gì chứng tỏ thằng địch đã nghi ngờ đâu.

Tùng ngúc ngắc đầu:

- Báo cáo chính ủy, nhưng tại răng ba ngày nay không hề có máy bay? Trước đó thì ngược lại...

- Biết rồi. Nhưng cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ. Nó đánh ta liên tục hai tháng nay mà chưa thấy ta phản ứng gì quyết liệt cả, cũng có khả năng chúng dừng lại để thăm dò. Tất nhiên mình cũng phải cảnh giác, đề phòng các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, phải không anh? Cái ấy bọn tôi đang bàn. Anh đừng có sốt ruột cho rút pháo hoặc nện bừa vào cái thằng L.19 mà hỏng to đấy. Tôi nghe Tư lệnh nói anh hay sốt ruột lắm phải không?

Tùng cười một cách bắt buộc. Tiếng nói của Chính ủy vẫn rủ rỉ trong màng nghe.

- Anh sốt ruột cũng đúng thôi. Tôi biết, một ngày miền Nam còn chưa được giải phóng, Bắc Nam chưa đi lại được với nhau thì ruột gan anh vẫn như có lửa cháy. Có nhận được tin tức gì không?

Tùng không ngờ giữa lúc căng thẳng như thế này mà Chính ủy lại nói đến chuyện riêng của mình, anh đáp run run:

- Dạ, lâu lắm không có tin chi cả, anh ạ!

- Chị ấy ở vùng nào trong đó nhỉ?

- Dạ... ở thôn An Nha, gần Dốc Miếu đó, anh nờ!

- ừ, tôi biết cái thôn ấy rồi. Tôi sẽ giúp anh.

Tùng reo lên như một đứa trẻ:

- Chính ủy bảo sao ạ?

- Tôi nói là sẽ giúp anh. Sẽ, anh nghe rõ chứ? Nghĩa là không thể ngay bây giờ được. Bây giờ thì tôi cũng đang rối đầu như anh. Chúng ta không đánh trận phủ đầu này giòn giã thì máy bay Mỹ còn ngông nghênh chưa biết đến bao giờ. Nhân dân cơ cực lắm rồi anh ạ.

- Vâng... tôi hiểu.

- Bộ đội ăn uống có khá không?

- Dạ, cũng tàm tạm thủ trưởng ạ.

- Này, tôi không thích cái chữ ấy đâu. Phải cố gắng cải thiện thêm cho anh em. Phải đảm bảo quân số chiến đấu cao. Trời nắng lên phải chú ý phòng bệnh cúm đấy. Thôi, chúc các anh làm ăn phát đạt nhé!

Tùng đặt máy khom người chui ra ngoài hầm. Ngọn đồi 74 lừng lững trước mặt nhuộm tràn một màu vàng mơ của nắng mùa đông. Gió heo may lất phất, da mặt anh căng ra, se se buốt.

Hai chiếc L.19 đang quặp hẹp vòng như muốn rạp xuống đỉnh đồi. Các khẩu pháo vẫn nép mình im lặng trong những lùm lá cây rậm rịt. Không hề có bóng dáng của một chiếc phản lực. Bầu trời xanh ngăn ngắt đến mức đáng ngờ.

Đây là lần thứ ba Tùng được nhận nhiệm vụ mai phục đánh lớn kể từ ngày anh giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cao xạ này. Lần thứ nhất vào cuối năm ngoái, đánh ở Bắc sông Gianh. Lúc đó, tiểu đoàn này còn nằm trong đội hình của một trung đoàn cao xạ trực thuộc Bộ tư lệnh quân khu 4. Trận đó trung đoàn làm khá, bắn rơi được bốn phản lực. Nhưng tiểu đoàn anh thì "xấu số", vì nằm ngoài vòng oanh kích của máy bay. Cũng may mà đại đội 3 đã bắt sống được một thằng giặc lái, vớt vát tí tẹo thành tích. Người tiểu đoàn trưởng mới được bổ nhiệm hai tuần, chiều hôm đó đã bỏ cơm vì bực bội. Trận phục kích thứ hai ở bến phà Long Đại vào trung tuần tháng ba. Trận đó thì quá ư gấp gáp. Trung đoàn vừa tập kết quân chưa kịp triển khai công sự thì máy bay đã ập đến. Chính trị viên tiểu đoàn hy sinh, hai đại đội trưởng vào loại cự phách cũng bị thương nặng. Trung đoàn đánh đến 4 giờ chiều thì rút. Ba chiếc F.105 rơi tại chỗ. Đổi lại bốn khẩu pháo cũng bị lật tung bệ. Tùng bị bom vùi nhưng may là cũng không bị xây xát hoặc điếc tai.

Trận phục kích thứ ba này lại là lần đầu tiên tiểu đoàn phải độc lập tác chiến dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Con đường hành quân của tiểu đoàn, bằng những trận đánh ác liệt họ đã nhích dần với miền Nam. Bây giờ thì những nòng pháo đang thu mình lặng lẽ bên bờ Bắc sông Bến Hải, dưới chân đồi 74, con mắt của Vĩnh Linh ngày đêm nhìn "chiếu tướng vô Cồn Tiên, Dốc Miếu. Với riêng Tùng trận đánh này còn xao xuyến với những nỗi niềm khác nữa, nó gợi lại trong anh bao nỗi nhớ thương cồn cào đến khắc khổ. Từ bên ni qua bên nớ, không quá một tầm đạn rơi. Hoan đang làm gì, còn nhớ anh không?...

Có tiếng chân chạy phái sau, Tùng ngoảnh lại. Đồng chí liên lạc đã đến gần đứng nghiêm:

- Báo cáo thủ trưởng, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh tìm đồng chí!

Tùng gật đầu rồi chạy vội về lán chỉ huy. Trần Chính đang chống nạnh đứng trước cửa hầm, nét mặt lộ vẻ không vui. Tùng chột dạ. Khéo không trận địa ngụy trang có điều chi sơ suất mà ông ấy đã phát hiện được. Tùng chủ động báo cáo:

- Báo cáo anh, tôi vừa đi kiểm tra các trận địa về...

- ổn chứ? Vô trong hầm đi!

Tùng rất ngạc nhiên khi nghe giọng Tham mưu trưởng khàn đặc. Anh hỏi nhỏ:

- Anh mệt à?

- Không. Nhưng mình buồn cậu ạ.

- Có chuyện gì thế?

Trần Chính không đáp. anh moi trong túi ra một gói thuốc quấn chầm chậm. Tiếng anh nặng như trời sắp mưa:

- Các cậu có chi còn khó khăn không?

Tùng chợt lúng túng:

- Báo cáo... cũng không có chi lớn. Chỉ thấy sốt ruột. Lần đầu tiên phải chờ đợi quá lâu trước một trận đánh...

- Mình biết. Tư lệnh vừa trao đổi với mình, sợ các cậu nôn nóng làm ẩu. Ông ấy dặn đi dặn lại trận này đã đánh thì phải ăn to. Đánh thằng Mỹ ngay bên nách nó mà dây dưa là nó làm thịt các cậu đó.

Trần Chính bật lửa châm thuốc. Tùng nhìn sâu vô trong mắt người tham mưu trưởng thấy ngọn lửa rung rung, ngầu đỏ.

- Bộ tư lệnh có chỉ thị thêm chi không ạ?

- Không. Kiên trì chờ. Mình xuống ở luôn với các cậu, có tiện không?

Tùng reo khẽ:

- Rứa thì tuyệt quá!

Giọng Trần Chính vẫn khàn đặc, khè khè:

- Không phải thiếu tin ở Ban chỉ huy tiểu đoàn đâu. Nhưng trận này ngoài các cậu ra còn có tám trận địa của dân quân ba xã cùng đồng phối hợp nữa. Mình nằm tạm chổ ni nghe?

Không đợi Tùng trả lời, Trần Chính ngả lưng thả mình xuống tấm ván, rút chiếc xắc-cốt gối đầu. Anh ngó trân trân lên mái hầm, giọng rù rì như tiếng cối xay lúa:

- Cái chủ yếu là mình xuống với các cậu cho nó vui, hai đứa con của tau nó đi cả rồi, Tùng ạ. Cậu chưa có con phải không? Chưa có con cũng có cái buồn, nhưng là buồn của sự thiếu thốn. Nó không đau như nỗi buồn mất mát. Tất nhiên, là mới nói vậy chứ con nó đi sơ tán thì là còn chứ chả phải mất. Nhưng thú thiệt mình chưa sống xa con bao giờ. Hồi chống Pháp thì chưa lấy vợ. Từ ngày thành lập gia đình thì mình vẫn loanh quanh trong khu vực Vĩnh Linh. Một tuần về một ngày, tới khi chiến tranh chống Mỹ nổ ra, không còn chế độ nghỉ chủ nhật nữa nhưng cơ quan khu đội lại sơ tán về sát nhà. Cứ rứa mà mình sinh hư. Vắng tiếng con nít, làng xóm bỗng già sọm đi. Mình cũng thấy bơ vơ cậu ạ.

Trần chính ngừng lại, úp hai bàn tay lên mặt, có lẽ anh đang cố hình dung khuôn mặt của hai đứa con. Tùng hỏi thầm thì:

- Chắc các cháu bữa ni đã tới nơi rồi hè?

- Đâu, còn nằm Quảng Bình. Bốn xe chạy cả bốn, khốn nạn thiệt.

- Răng rứa thủ trưởng?

- Máy bay bắn!

Cả hai cùng im lặng. Tùng nuốt khô trong cổ quay nhìn ra ngoài. Tiếng L.19 vẫn rè rè bệ rạc. Quái thiệt, bọn phản lực cứ trốn biệt đâu mất mặt. Trốn ư? Tội ác tày trời của chúng bay không thể nào che lấp và trốn tránh nổi đâu!

Có tiếng ngáy khò khò nổi lên, Tùng quay lại. Người Tham mưu trưởng đã ngủ ngon rồi. Hình như xuống với trận địa lòng anh ấy được yên tĩnh hơn!

Đúng là Tùng chưa có thể nào có được sự thông cảm sâu xa với những người bố xa con. Anh quen cuộc sống thoát ly, quen với những đỗi đường xa vời vợi. Bảy năm ra với miền Bắc, anh trở thành một trung đội trưởng 12 ly 7, được đi học một lớp đào tạo cán bộ cao xạ 37 ly. Rồi anh về làm đại đội trưởng, lên tiểu đoàn phó... Ngày tháng đối với anh là những sự biến động dữ dội. Quên hương, gia đình và những nỗi niềm riêng tư thường được gói kín, nhận sâu, chỉ khuấy động lúc nào giấc ngủ giữa chừng bị tỉnh lại.

Còn Trần Chính thì hoàn toàn chính xác với nghĩa "người dân cầm súng". Ăn hạt gạo của đám ruộng trước thềm nhà, ngồi cái ghế gỗ cưa ra từ cây mít bên vườn làng ngoại, vẽ sơ đồ tác chiến trong tiếng khóc vòi vĩnh của con, anh có chung nỗi thương, nỗi nhớ và nỗi xa của người làm cha làm mẹ trên đất giới tuyến này...

Đột ngột một tràng đạn 20 ly nổ xé lên. Trần Chính ngồi choàng dậy. Cả hai nhào ra khỏi hầm.

Từ trên đỉnh đồi 74 đùn lên mấy vệt khói xanh xám. chiếc L.19 vòng ra xa rồi lấm lét bay thẳng vô hướng Đông Hà. Tùng nín thở đợi chờ. Một phút,... hai phút rồi năm phút trôi qua. Vẫn không thấy phản lực nhào đến. Hai người quay lại ngó nhau cùng tìm một câu giải đáp.

Bất ngờ Trần Chín buột miệng chưởi:

- Mệ cha nó, thằng mù đánh hú họa thăm dò mình thôi!

*

Cao điểm 74 như một cái u bò nổi lên đột xuất giữa vùng đồng bằng khá rộng của xã Vĩnh Thủy. Nếu đứng dưới đường quốc lộ một nhìn lên, đồi 74 tựa dáng một con voi quỳ sát xuống ruộng gối hàm lên đồi sỏi. Có lẽ vì thế mà người ta quen gọi là Núi Voi.

Xưa kia cả một vùng đất thấp quanh chân Núi Voi đều rậm rịt cây dại nối triền miên với vùng rừng Bến Quan và liền mạch vô thấu Trường Sơn hùng vĩ. Người dân làng Thủy Ba lấy Núi Voi làm điểm chuẩn, tựa lưng vô nhau mà ở. Phía tây đồi gọi là Thủy Ba Tây, bên đông là Thủy Ba Đông, dưới đuôi "con voi" là Thủy Ba Hạ. Núi Voi là nơi đạt chòi canh cọp. Mỗi lần cọp về bắt heo bắt bò thì tiếng mõ từ đỉnh đồi ấy phát ra, tiếng mõ cu Hầm. chuyền nhau vang khắp ba làng. Thủy Ba Tây áp phía Tây, Thủy Ba Đông áp phía Đông. Thủy Ba Hạ bọc đằng dưới, còn mặt phía Bắc thì chăng những tấm lưới sợi bằng ngón tay. Đàn ông khỏe nhất đứng vòng trong cùng, một người chặt cây hai người cầm mác bảo vệ. Cây chặt đến đâu được dập xuống đến đó. Đặc tính của cọp là không bao giờ giám nhảy qua những chỗ có cây dập, hình như là nó sợ bẫy. Sau lưng lớp đàn ông dũng cảm đó là đàn bà, con nít, tất tất mọi nhà, ai có trống thì khiêng trống, ai có thanh la thì vác thanh la, không có nữa thì mang thùng, xách chậu, bất cứ vật chi phát tiếng động đều được khuân ra gõ, đánh. Vòng vây cứ rứa khép dần lại, dồn cọp tới sát mặt chăng lưới. Bí đường, cọp lao ra, lưới sập xuống quấn bùng nhùng. Giây phút quyết định bắt đầu, những mũi mác lao tới, cọp gầm lên, chiêng mõ cũng ran lên át tiếng cọp.

Ngày hội "ba làng bắt cọp" trở thành niềm kiêu hãnh trong những câu chuyện kể của người Vĩnh Thủy bây giờ.

Trận địa phục kích máy bay hôm nay có nhiều nét tương tự cái vòng vây bắt cọp ngày trước.

Phía tây cao điểm của 74 là hai đại đội 37 ly. Đại đội 3 của tiểu đoàn này phối hợp với một đại đội 12 ly 7, lực lượng trước đây chuyên bảo vệ đập nước La Ngà bố trí phái đông bắc ngọn đồi. Mặt phía Nam là tám trận địa dân quân gồm cả súng 12 ly 7, đại liên, trung liên lẫn súng trường. Còn mặt phía bắc trên sườn đồi, lúp xúp cỏ tranh, nơi đặt lưới bẫy cọp ngày xưa chừ là trận địa giả bẫy máy bay Mỹ. Gần hai chục "khẩu pháo" bằng gốc phi lao cũng được ngụy trang đầy đủ. Bộc phá chôn hờ trên mặt sỏi, dây điện luồn theo đường hào, luồn tới các hầm cá nhân.

Lực lượng tác chiến trên trận địa giả này là trung đội bốn thuộc đại đội dân quân tập trung của xã Vĩnh Thủy. Tiếng là một trung đội nhưng chỉ có hai người, lại là hai cán bộ, hai người bạn gái không hề rời gấu áo nhau: trung đội trưởng Tuất và trung đội phó Phương. Còn tất cả các chiến sĩ đều được xã đội trưng dụng vào làm việc tiếp đạn.

Lúc này có lẽ đã tới 5 giờ sáng. Phương chợt tỉnh dậy vì một cơn gió lạnh lùa vô ngách hầm. Cô chui người ra, nhảy phốc lên đường hào chống hai tay lên hông hít thở một lúc. Đêm tối kìn kịt. Kể ra hai người con gái dám nằm trên đồi hoang suốt cả đêm lạnh buốt như thế này cũng là một hành động dũng cảm chứ! Phương tự khẳng định cho mình như vậy rồi co hai chân nhảy ào xuống đường hào, cô chạy vô hầm túm lấy hai chân Tuất giật mạnh:

- Máy bay! Máy bay!

Tuất đạp mạnh một cái bật người dậy lao sầm ra khỏi hầm. Cô ngơ ngác đảo mắt ngó khắp trời. Cứ tưởng mình chưa mở được mắt ra, Tuất đưa tay lên dụi lấy dụi để. ở trong hầm Phương nằm vật xuống ván, ôm bụng cười.

Tuất lầu bầu rủa:

- Trời vật mi đi, con béo ạ.

- Tôi chỉ sợ người vật chứ chả sợ trời...

- Chắc hả? thì người vật này...

Tuất lao vô, hai tay cù vô nách bạn:

Muốn vật hí? Muốn vật hí?

Phương giẫy lên đành đạch:

- úi chao lạy mi, lạy mi... nhột quá...

Hai đứa cười giàn giụa nước mắt...

Chuông điện thoại bỗng đổ một hồi dài, Tuất mới buông bạn với tay cầm ống nghe:

- Alô, đây! Thủ trưởng nào đó? à, chú Chính à? Chú xuống khi nào đó? Dạ, dạ, bọn cháu sẵn sàng rồi.

Tuất đặt máy xuống xô Phương ra khỏi hầm:

- Sáng rồi mi nờ... Chết cha thiệt!

Cả hai ra đến bờ hào, cầm bi đông nước lên súc miệng. Trời đục ngầu sương . ngọn Núi Voi trầm ngâm như một cụ già ngồi gật gù hút thuốc nhả ra từng cuộn khói trắng quẩn lẫn với mái tóc bạc phơ.

Đột ngột có tiếng bom xé gió chéo qua đầu. Phương gí vai Tuất ngồi thụp xuống. "ầm! ầm! ầm!...". Một loạt tiếng nổ giật lên, mặt đất dưới chân rùng rình. Bấy giờ mới nghe tiếng phản lực cao chót vót. Rồi lại tiếng bom xé gió. Tiếng nổ chập lên nhau. Màn sương sớm tan vụn, thay vào đó là những cuộn khói đen cuồn cuộn bốc lên phả mùi khét lẹt. Những tảng đá lớn tung cao rơi huỳnh huỵch, mảnh bom cắt ngang vèo vèo. Những bụi tràm bật gốc bay lơ lửng trên cao. Không còn phân biệt nổi từng loạt nữa. Trận mưa "tọa độ" xối xả kéo dài cho tới lúc mặt trời lên.

Tất cả bỗng ngưng lặng. Đâu đó vài tiếng gà cục tác hớt hải.

Chuông điện thoại réo, Tuất bổ vô hầm:

- Alô, tôi nghe đây! trận địa sẵn sàng.

ở ngoài, Phương săn cao ống quần, cài lại quai dép, búi lọn tóc lên cao. Không gian vắng ngắt, Phương có cảm giác như cái giây phút nín thở của người xạ thủ trước lúc bóp cò.

Bỗng từ phía Vĩnh Sơn, lù lù bốn chiếc F.4H cắn đuôi nhau thành hình một mũi tên bay lên. Phương quay phắt lại định gọi Tuất thì cô nhận ra ba chiếc F.105 dài ngoằng từ phía biển đã lao chéo vô tự khi nào. Cả hai tốp dàn mỏng đội hình thành hàng dọc và bắt đầu cua vòng ngay trên chóp Núi Voi. Rõ ràng chúng chuẩn bị bổ nhào xuống trận địa này. ở trong hầm Tuất đang gào một cách bực bội vô ống nói:

- Đây! Sẵn sàng chi mà sẵn sàng hoài vậy? Mần thôi chứ? Rồi!

Tuất lao ra. Bốn con mắt cùng một lúc gặp nhau. Bất giác cả hai cùng mỉm cười. Họ biết cái giờ phút đưa đầu ra đội bom đã tới. Phương đi thong thả đến chiếc miệng hầm ếch, cô đưa tay nâng nhẹ múi dây điện, ngón tay út tì lên đầu khối pin, ngón trỏ và ngón cái kẹp múi dây từ từ đặt xuống. Phương khẽ khép mắt lại. Những chi sẽ xảy ra sau cái ấn tay này? Một giây, hai giây, ba giây... Người xạ thủ thể thao miền Bắc ấy chợt ngừng thở. Mối dây dí sát đầu pin.

Ngọn Núi Voi đột ngột rùng mình. Tiếng nổ rền dày như pháo tết. Cây cỏ tan tác, những cành ngụy trang tung cao. Phút chốc cả bãi cỏ tranh phía bắc Núi Voi lồ lộ những "nòng pháo". Khói xám đen chằng chịt bên nhau.

ở hầm đằng kia, Tuất tranh thủ quấn xong một điếu thuốc sâu kèn, cô quẹt diêm châm thuốc rít một hơi dài rồi dùng cả bao diêm mà đè múi dây điện lên đầu pin. Mặt đất vỡ vụn ra, cỏ tranh tung như múa. Chiếc F.4H đi đầu nhào xuống, chiếc thứ hai nhào theo. Rồi như có lực nam châm hút, cả bầy kéo đuôi nhau đâm xuống. Từng chùm bom đen trùi trũi như lợn con lao vun vút. Không thể nhận ra từng tiếng nổ, chỉ thấy gió tát vô màng tai đau buốt. Phương gào rất to gọi Tuất nhưng tự mình vẫn không nghe nổi tiếng mình. Ngực như dập nát, miệng đắng ngắt.

Tuất chạy tới sát Phương giật giật vô vai bạn. Phương quay lại, hai người đối thoại với nhau bằng động tác của hai cánh tay.

Tuất chỉ tay qua phía tây đồi. Phương kiểng chân ngó lên. Từng chùm đạn pháo nổ chụm nhau, nở xòe từng cụm khói bạc như những đóa bông ai ném lên trời. Một chiếc F.105 đang lao bỗng chững lại. Thêm một đóa bông nở xòe dưới bụng nó. "Thần sấm" toác làm hai mảnh, lả tả rơi xuống. Hình như Tuất reo lên còn Phương không nghe thấy tiếng, chỉ trông rõ hai hàm răng to, trắng muốt xoạc rộng ra.

*

Trận mở màn thắng to, bốn chiếc phản lực bùng cháy tại chỗ. Một chiếc rơi xuống chân đập La Ngà. Hai chiếc rơi ở bờ bắc sông Bến Hải. Một cắm phập xuống ngay chân Núi Voi cách trận địa Cửa tùng chưa tới năm trăm mét, lửa bốc đùng đùng, khói cuộn đen cả một vùng trời. Hai thằng giặc lái nhảy dù. Tiếng mõ huyên náo thôn xóm, người chạy dọc theo bờ mương nườm nượp, dao rựa sáng loáng, con trai con gái reo hò như hội.

Tiếng máy bay đột ngột biến mất. Các trinh sát trắc thủ đều báo không còn mục tiêu.

Tùng phác ngay trong đầu những giả thiết. Có thể bị đòn phủ đầu quá khủng khiếp kẻ địch đã chùn lại. Nhưng thủ đoạn chi? Thôi chi thì chi, kệ mạ nó, tranh thủ nghĩ lấy sức đã. Anh quay máy điện thoại:

- Các đại đội chú ý, tranh thủ cũng cố công sự, thay lá ngụy trang mới. Hả? ờ, có lương khô thì tranh thủ mà chén nhưng nhớ là không được rời vị trí đó nghe!

Trần Chính bước vô tới ngách hầm, chạng một chân lên gờ đất, đập đập tay lên ống quần bê bết bụi:

- Cậu nhắc mấy trận địa dân quân phía nam chú ý quan sát, đừng có thỏa mãn mà chết đó. Hỏi trận địa giả coi có còn bộc phá không?

- Rõ. Alô, này, cho tôi K51, 52, 53! Đây! Tham mưu trưởng nhắc các trận địa chú ý ngụy trang và cảnh giác với địch. Cái chi? Giặc lái hả? Giặc lái đã có lực lượng khác đảm nhiệm. Đừng có làm nháo lên! Hả? Tôi là Tùng đây. Bộ đội bắn đẹp quá à? Các đồng chí bắn cũng đẹp. Bốn chiếc ta chia đôi nghe!

Có tiếng cười trong máy, Tùng quay thêm hai vòng nữa:

- Alô, cho tôi xin H57! H57 bỏ máy à? Răng lại bỏ máy? Quay lại coi có đứt dây không? Không đứt à? Tầm bậy. Hy sinh là thế nào? Này thông tin cử ngay người lên trận địa kiểm tra coi thử, nghe! Hết người à? Mặc kệ, tôi không biết. Các đồng chí phải lên tận nơi để tìm hai đồng chí ấy. Hai mươi phút nữa báo cáo cho tôi.

Trong lúc Tùng gọi điện thoại. Trần Chính tựa lưng vô miệng hầm ngửa mặt ngó trời. Trong đầu anh bất ngờ hiện lên hai con số đánh đổi nhau, bốn phản lực với bốn chiếc xe! Nhưng còn những tiếng khóc của bọn trẻ, nỗi nhớ nhà nhớ cha mẹ của đám con nít tội nghiệp ấy thì có chi đổi được? Không. Trận đánh chưa thể kết thúc vội như thế này. Món nợ kia còn nặng lắm!

"Thằng" L.19 sứt một đầu cánh đã xuất hiện trên vùng trời trận địa. Chẳng hạn thằng L19 cụt cánh ấy cũng mang món nợ trên mình. Cách đây ba tháng loạt đạn đại liên của "Xê" trợ chiến tiểu đoàn 47 đã bắn văng một góc cánh ở ngay gần đèo Cua. Từ đó hắn mang vết hận ấy mà bay, hắn hằn học nhòm ngó không từ một chỗ nào. Anh em cao xạ vừa uất ức nó lại vừa buồn cười, họ gọi nó bằng cái tên rất mỉa mai "Thằng sứt".

"Thằng sứt đã cắn ra tới ngang đỉnh Núi Voi, nó nghiêng người liệng lên phía Bắc, cày sát xuống vùng trận địa giả.

Tùng bước ra đứng cạnh Tham mưu trưởng, cười khẩy:

- Thằng ấy vừa cụt lại vừa đui. Nó sắp ném đạn khói xuống chỗ mấy cột phi lao cho coi...

nhưng thằng sứt đã không ném đạn xuống trận địa giả, nó ngoi đầu lên liệng một vòng nữa rồi bất ngờ quay trở lại phía tây đồi. Nó vòng hai vòng ra bộ "vô tư" rồi thình lình chúi xuống. Một tràng đạn 20 ly nổ xé lên. cả Tùng và Trần Chính đều nín thở. Thằng sứt cua những vòng rất hẹp và thấp, cảm giác như nó đang rạp mình xuống giữa trận địa của đại đội hai.

Chuông điện thoại réo, Tùng chạy vô tới cầm máy:

- Đây! Biết rồi. Bình tĩnh chưa lộ đâu. Cố gắng bình tĩnh.

Chiếc L.19 như con chuồn chuồn nghịch nước cứ chúc xuống rồi ngóc lên, vòng ra xa một chút rồi đột ngột lao vút xuống như bổ nhào. Trong màng nghe, tiếng nói của đại đội trưởng đại đội hai vang lên the thé khiến Trần Chính đứng ở cửa hầm cũng nghe rõ.

- Đề nghị cho đánh thôi. Ngụy trang chúng tôi bay tốc lên cả rồi. Pháo đang phơi nòng ra, có khả năng lộ. Đề nghị cho đánh.

Tùng đưa mắt ngó Tham mưu trưởng. Quả thật đánh chục chiếc phản lực chẳng ngại bằng chọc vô thằng chó chết này. nhưng ngại cũng chẳng tránh né được mãi. Mày đã cố tình chọc tức cao xạ, đã cố ép người ta chấp nhận cuộc đọ lửa thì mày hãy nhận lấy sự trừng phạt.

Trần Chính nhổ toẹt một bãi nước bọt, nói:

- Bắn bỏ mạ nó đi, đồ chó.

Tùng gào vô ống nói:

- Phải bắt nó gục ngay trên mâm pháo, nghe chưa?

một tiếng "Rõ" vang lên như reo trong màng nghe.

Đúng lúc đó "Thằng sứt" lao xuống. Một điểm xạ trùm vào đầu nó. Một điểm xạ nữa. Nó trúng đạn rồi. Nó loạng choạng cố ngoi lên. hai ba điểm xạ nổ bôi theo. Rồi cả trận địa bắn như xối đạn vô nó. "Thằng sứt" chúc đứng người, sững ra như một tên phản chúa bị đóng đinh giữa trời. Hàng chục đốm khói vẫn bọc quanh thây nó. Các chiến sĩ xối lửa cho hả giận. Nó rơi thẳng như cục chì đầu dây dọi. Nó cắm phập xuống ruộng nước, thừa một đoạn đuôi chổng lên trời. Bùn tóe loe lấm nhòe hàng chữ USA. Thảm thương thay cho "Thằng sứt", nó chết chìm không kịp phụt ra một luồng khói!

*

Lúc đó đã là mười một giờ trưa. Người trực ban vui tính reo lên trong ống nói:

- Báo cáo chính ủy, như vậy là bằng một cú sút quyết định, cao xạ đã ghi thêm một bàn thắng cực kỳ đẹp mắt nâng tỷ số lên năm - không nghiêng về phía quân dân Vĩnh Linh.

Trần Vũ lặng lẽ ghi thêm một dấu nhân vào sổ công tác. Còn tư lệnh trưởng Thường thì rít thêm một điếu thuốc lào nhả khói mù mịt. Từ sáng đến chừ ông hút đúng có năm điếu.

Ba giờ mười lăm phút chiều hôm đó, trực ban lại báo tin bắn rơi thêm một "Thập tự quân" nữa. Chính ủy quay nhìn tư lệnh cười khà khà. Ông là người Nghệ An, nghiện thuốc lào từ lúc lên tám tuổi: Mỗi ngày ông hút gần hết một gói Vĩnh Bảo. Nhưng hôm nay, cho đến phút này ông mới mồi điếu thứ sáu.

Nhưng que đóm vừa bén lửa chưa kịp dí vào nó thì có tiếng trực ban tác chiến đã hét nhói lên trong máy. Trần Vũ cầm vội ống nghe:

- Cái gì? Trực thăng hả? Nó đổ quân ra Vĩnh Sơn à? Mấy chiếc? Bốn à! Vậy thì không phải đâu. Chú ý theo dõi.

Đóm lửa cháy sát tay Tư lệnh khiến ông giật bắn tay lên rồi tiện đà nắm luôn ống nói trên tay Trần Vũ:

- Này, không thể có chuyện đổ quân như thế được. Hả? Nó cứu giặc lái à? Nhưng liệu có còn thằng giặc lái nào ở chỗ đó không? Còn một thằng à! Sao trực thăng hạ cánh à?

Cặp lông mày Tư lệnh nhíu chằng lại với nhau. Một giây quyết định, ông cầm cần quay máy một vòng.

- Alô! Thường đây, cho gặp A3!... A3 đâu? các cậu có phát hiện thấy trực thăng không? Có hả? Cho đo đạc cự ly ngay. Tôi cho phép pháo binh lên tiếng, nhưng phải thật gọn nghe chưa? Khẩn trương lên!

Tư lệnh ngưng lại chờ. Trần Vũ chồm tới hỏi nhỏ:

- Anh cho pháo mặt đất bắn à?

- Bắn! Phải cho nó chừa cái thói ngạo mạn ấy đi.

- Nhưng... Pháo binh ta đang phục kích làm chuyện ấy...

- Rồi tính sau anh ạ. Nếu cần thì ta cho di chuyển trận địa. Thằng mỹ làm gì đến mức không biết tổng ra rằng ta có đủ loại pháo. Ăn nhau ở chỗ là pháo nó nằm ở chỗ nào? Chừ thì phải cho mấy cái "Thằng" trực thăng nó nếm mùi đã anh ạ. Dám đặt xác xuống đất miền Bắc giữa ban ngay ban mặt như thế thì láo quá!...

Tư lệnh thở khà một cái rồi hét vào máy:

- Lâu thế? Xong chưa? Rồi hả. Tôi ra lệnh, nhằm thật chính xác mục tiêu, thi đua với cao xạ, bắn!

Từ đâu đó dội về một chuỗi tiếng nổ cấp tập. Đạn pháo 130 ly xé gió reo reo.

Ba máy điện thoại cùng đổ chuông một lúc. Chính ủy cầm máy, Tư lệnh cũng cầm máy.

Trực ban tác chiến reo ầm lên trong ống nói:

- Đúng là cú "Phạt đền" Chính ủy ơi! Hai thằng trực thăng nát bét rồi. Hai chiếc khác bị thương. Vậy là bảy - không thủ trưởng ạ!

ở máy khác, Tham mưu trưởng cũng reo to:

- Báo cáo Tư lệnh, ở chỗ chúng tôi nhìn rất rõ. Pháo binh ta tuyệt vời anh ạ. Bộ đội cao xạ phấn khởi lắm. Cả hai người thủ trưởng cùng một lúc đặt máy xuống nhìn nhau. Họ cố nén một sự xúc động đang bồng bột trỗi dậy. Tư lệnh Thường bỗng hỏi khe khẽ:

- Mấy giờ rồi anh?

Trần Vũ nhìn đồng hồ:

- Kém mười phút nữa là bốn giờ.

Tư lệnh đứng lên nhìn ra ngoài, giọng ông trầm hẳn xuống:

- Sắp hết ngày rồi. Anh viết điện báo cáo Trung ương đi!

Nói rồi, để mặc Trần Vũ ngồi lặng một mình, Tư lệnh từ từ cúi xuống cầm ống hút liền ba điếu một lúc.

*

Ngay đêm ấy tiểu đoàn cao xạ được lệnh cơ động về khu đông. Sáng hôm sau Chính ủy Trần Vũ xuống thăm đơn vị.

Tiểu đoàn tập họp dưới một vườn dầu sở. Nắng xiên qua từng kẻ lá rải những đóm vàng như hoa rụng trên các vành mũ. Một buổi sáng yên ắng hiếm có trên đất Vĩnh Linh.

Chính ủy nhìn các chiến sĩ trẻ một cách âu yếm rồi bất ngờ hỏi:

- Trong số các đồng chí ngồi đây, có mấy đồng chí là người từ Thanh Hóa trở ra ngoài Bắc? Giơ tay xem nào.

Những cách tay đưa cao. Trần Vũ đếm cẩn thận.

- Ba mươi... ba mốt đồng chí! Được rồi. Ai là người của xô viết Nghệ Tĩnh? Một, hai... muời, mười lăm, hai mươi... hai mươi sáu, ồ đông quá nhỉ? Ba mươi... ba lăm... bốn mươi... bốn bảy người. Thôi được đồng chí nào ở Quảng Bình? Mười sáu người hả...? Ai quê chính Vĩnh Linh ? Không có ai hả? Ai là người miền Nam? Có một mình tiểu đoàn trưởng? Thế đấy các đồng chí ạ, chúng ta là những đứa con của miền Bắc, chúng ta tiến vào với miền Nam, chúng ta dừng chân trên mảnh đất đầu cầu này, tôi muốn hỏi đồng chí nào đã có dịp nghiên cứu nhiều về mảnh đất này chưa?

Một chiến sĩ trẻ đưa tay cao và đứng dậy:

- Báo cáo Trung tá chính ủy, chúng tôi được biết mảnh đất này qua những trang sách giáo khoa và những bài thơ thường phát trên dài. Chúng tôi biết Cồn Cỏ qua bài hát "Thái Văn A", chúng tôi biết Hồ Xá qua câu ca dao "Thương anh, em cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"...

- Vậy đồng chí đã biết cái câu "Ăn cơm bữa diếp" chưa? Chưa hả? Đồng chí ngồi xuống! Tôi xin kể để các đồng chí nghe. Tiếng "bữa diếp" ở trong này có nghĩa là bữa kia. Người ta kể lại rằng, hồi trước cách mạng, người dân Vĩnh Linh nghèo lắm. Nghèo đến mức có những xóm phụ nữ không thể nào sinh đẻ được. Xóm ấy gọi là xóm bần, nay đổi là xóm Xuân. Xóm Bần có một gia đình ông ở với con gái và cháu. Một bữa thấy mẹ nấu sắn, đứa con nhắc " hôm ni mạ nấu cho ông một bát cơm, ông ăn sắn hoài tội quá". Người mẹ ứa nước mắt nói: "Biết làm răng được, ông mới ăn cơm bữa diếp đó thôi!".

Chính ủy ngừng lại cố lén vẻ xúc động:

- Không phải người phụ nữ ấy hà tiện hay ác nghiệt đâu, mà sự thật là không có gạo. Đó là một sự thật đau lòng của nhân dân Vĩnh Linh trước cách mạng, đó cũng là điều cắt nghĩa tại sao người dân giới tuyến hôm nay dám đổi hết mạng mình, dám hiến dâng tất cả để giải phóng miền Nam, để bảo vệ những thành quả vô giá mà cách mạng và chủ nghĩa xã hội đã mang lại cho họ.

Cả tiểu đoàn lặng đi vì xúc động, nhiều chiến sĩ trẻ nước mắt ứa ra lăn giọt trên má. Trần Vũ nói tiếp:

- Sở dĩ tôi bắt đầu bằng câu chuyện ấy vì tôi nghĩ rằng chúng ta, những người chiến sĩ cách mạng, khác một trời một vực với bọn lính tay sai của đế quốc là chúng ta hiến trọn cả tuổi xuân mình cho một mảnh đất mà có thể đó không phải là nơi chôn rau cắt rốn của ta.

Trận vừa rồi các đồng chí đánh tốt. Thằng Mỹ bị một trận đòn liểng xiểng ngay bên nách của chúng. Có lẽ cho đến giờ này tổng thống Giôn-xơn vẫn chưa giải thích được vì sao quân tướng của nó lại có thể bị thua tan tác như thế. Còn chúng ta hiểu những nguyên nhân chiến thắng của chúng ta một cách đầy đủ ngay cả khi chuẩn bị cho trận đánh kia. Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh xin nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương chiến công của các đồng chí.

Tiếng vỗ tay dậy ran vườn dầu sở.

- Tất nhiên các đồng chí phải luôn nhớ rằng ta đang đánh nhau vơi một thằng đế quốc đầu sỏ nhất, phản động nhất và cũng tiềm lực nhất trong phe đế quốc. một đòn đánh hiểm, một trận đánh hay chưa đủ bẻ gục ý chí nó. Hơn nữa, mảnh đất các đồng chí đang đứng đây là trận địa đầu cầu. một ngày còn bọn Mỹ xâm lược, còn bọn ngụy quyền bán nước, thì mảnh đất này còn khốc liệt. ta đã kéo được hàng vạn quân Mỹ ra đường Chín, ta lại hút được hàng nghìn tấn bom xuống mặt trận này, đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Trần Vũ ngừng lại một tí rồi nói tiếp:

- Tiểu đoàn các đồng chí vừa đặt chân vào đất Vĩnh Linh đã tỏ ra rất xứng đáng với sự chờ trông, hy vọng của nhân dân giới tuyến. Từ nay các đồng chí chính thức là đứa con thân yêu của mảnh đất anh hùng này. Các đồng chí là người bạn, là người anh em ruột thịt của tiểu đoàn bộ binh 47. Mong các đồng chí đoàn kết ngoan cường, luôn luôn xứng đáng với danh hiệu chiến sĩ Vĩnh Linh!

Trần Vũ dừng lời và đứng lặng đi trước tràng vỗ tay kéo dài không dứt. Anh biết các chiến sĩ đang xúc động thật sự. Tự anh, anh cũng thấy sung sướng y như ngày đầu mới được đặt chân tới đây. Đối với một chiến sĩ cách mạng, còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui chiến thắng. ở cái đất mà sự mất còn chỉ cách nhau gang tấc này thì niềm vui ấy lại càng nhân lên gấp bội, nó đủ sức dập tắt mọi đau đớn thất vọng, nó khêu bùng niềm tin mãnh liệt vào ngày thắng lợi cuối cùng.

Sau buổi nói chuyện của Chính uỷ là những tiết mục liên hoan văn nghệ. Đội văn nghệ dân quân Vĩnh Thủy, những người hôm qua đã kề vai sát cánh với tiểu đoàn đã lập lên chiến công oanh liệt, nay cũng được theo về biểu diễn.

Màn đồng ca mở đầu là bài hát của một nhạc sĩ Vĩnh Linh. Lời ca viết về những đồi chè, nương sắn, nhắc cả chuyện "Ăn cơm bữa diếp" mà Chính ủy vừa kể. Trần Vũ ngồi chen với các chiến sĩ trẻ, anh xem cũng say sưa như họ.

Tiết mục tiếp theo là ngâm thơ.

Phương gọn ghẽ trong chiếc áo cánh màu trứng sáo bước ra chỗ diễn. Mặt cô điểm một chút phấn hồng. Tiếng sáo cất lên phía sau tấm phông. Phương nhìn xa ra phía trước. Cả tiểu đoàn đột ngột lắng im khi giọng ngâm của cô cất lên:

" Sông ấy gọi bằng Sa Lung

Tên đẹp như người em gái

Núi ấy gọi bằng lò Reng(1)

Bốn mùa trầm ngâm nhẫn nại...

....

Truông nhà hồ nay là trận địa

Em có thương xin hãy cứ vào

Nghe tiếng mõ bao đời dội lại

Gọi ba làng đuổi cọp năm nao..."

Bài thơ hình như vừa được sáng tác kịp thời tối qua. Trần Vũ thầm cảm ơn người tác giả nào đấy đã nói thay lòng mình. Mà cũng lạ, những ngày ở Hà Nội, anh đã xem không biết bao nhiêu đêm biểu diễn ở Nhà hát lớn, đã dự khá nhiều buổi dạ hội ở công viên Thống Nhất, nhưng có lẽ chưa bao giờ tiếng hát, lời thơ lại làm anh xúc động như hôm nay.

Anh khẽ quay lại lướt mắt nhìn các chiến sĩ. Đám lính trẻ đang há mồm nhại theo cái vành môi đưa đẩy của cô diễn viên, có cậu còn đưa cả tay lên uốn éo như bị thôi miên. Trần Vũ không dám cười, anh biết rằng sau một trận dội lửa, chiến sĩ khát tiếng hát như khát nước vậy. Rồi đây cuộc chiến đấu càng ác liệt hơn, chắc chắn nỗi khát khao ấy càng lớn hơn. Anh chợt lóe lên dự định, phải lập ngay một đội tuyên truyền văn hóa của các lực lượng vũ trang Vĩnh Linh.

Sau buổi biểu diễn, Trần Vũ vòng ra phía sau bãi diễn gặp người nữ dân quân ngâm thơ.

- Đồng chí tập ngâm thơ lâu chưa?

Phương đang lau hóa trang, nghe Chính ủy hỏi, cô bỗng lúng túng:

Dạ... Thưa chú, cháu tập ngâm thơ từ hồi chín tuổi. Dạo nớ chính đơn vị bộ đội địa phương của chú Trần Chính ở trong nhà dạy cháu. Lớn lên cháu có tham gia đội văn nghệ không chuyên của ty văn hóa...

Trần Vũ gật đầu:

Tốt lắm. Bây giờ đồng chí có muốn hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp không?

Phương như reo lên:

- Sao ạ?

- Đi văn công?

Một màn tối bất ngờ kéo đến đè ập vô mắt Phương. Cô cố mỉm cười, lắc đầu:

- Dạ... không ạ.

- Sao thế?

Phương cúi đầu nói lí nhí:

- Dạ... cháu không thích.

- Yêu nghệ thuật mà không thích hoạt động chuyên nghiệp à? Vì sao thế?

- Dạ... chẳng vì sao cả chú ạ! Cháu... cháu không thích, có vậy thôi!...


(1) Lò Reng là một tên gọi khác nữa của ngọn núi Voi

Đăng ngày 17/04/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 19/04/2010

Lão Trang ...thương nhớ! (hi,hi...lâu nay con vẫn viết Lão Trang yêu quý nhưng thấy chẳng ăn thua nên con đổi tông để tạo...Xì-căng-đan!). Trước hết con chúc mừng Lão đã trở về an toàn sau 4 ngày xông hơi miễn phí ở Cửa Tùng. Sau nữa là thơ của Lão được Hải quan sử dụng làm tham luận. Càng nghĩ con càng thấy Lão sướng:văn thì được đồng bào chờ mong da diết, thơ thì được dùng làm mục tiêu phấn đấu mũi nhọn của ngành(tạm thời là Hải quan). Mai kia thừa thắng xông lên biết đâu bài Hãy treo cổ của Lão được ngành công an mang đi báo cáo điển hình, còn ngành Hóa mỹ phẩm thì dùng bài Hưởng ứng ngày thế giới rửa tay để làm chuẩn mực, bài Cái ngứa phía sau lưng sẽ được hiệp hội y dược đem ra trình bày trong hội thảo về hội chứng lâm bệnh do thời thế  thì Lão chỉ có nước sang hành tinh khác mà tạm trú...He,he...
Dạo này con ít được ghé Lão, không phải vì ngại sông cách núi mà do nhà con cúp điện triền miên và tình hình này có thể còn kéo dài cho đến hết tháng 6 nếu trời vẫn không mưa Lão ạ. Hôm qua con hí hoáy viết còm gửi Lão với tâm trạng vô cùng phấn chấn thế mà chuẩn bị gửi thì mất điện cái vèo. Con là Nico- bản tính vốn thùy mị...dân nên không dám chửi mấy ông điện lực cà chớn và mất nết.
Con định viết dài nữa cơ nhưng sợ mất điện nên phải gửi ngay, được đoạn nào hay đoạn đó. Bởi không chịu gửi ngay mà còn suy nghĩ có khi lại chẳng được gì. He,he...

  Gửi bởi: Lão Trang - 19/04/2010

Chúc mừng nhà chùa mất điện. Ở ngoài này điện không bao giờ mất mà chỉ...chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nhưng lão rất thông cảm vì hiện nay Nhà nước đã xép ngành điện vào diện xóa đói giảm nghèo rồi. Họ khổ lắm, thua lỗ triền miên. Lương tháng của Giám đốc rơi tự do xuống dưới 100 triệu rồi, não lòng lắm. Hu Hu..Nhân đà thắng lợi của thơ ca, Lão định làm bài thơ mới về ngành điện. Nhưng vừa bật máy và bật cảm xúc thì lại ...cúp nên đành để dịp sau vậy.
  Gửi bởi: Nico - 20/04/2010

Thay mặt ngành điện con biểu dương Lão vì ý tưởng quá hay!
Theo con thì ngành điện nước nhà có rất nhiều thành tích nên Lão cố gắng đầu tư viết trường ca bởi bài thơ thì thường không dài, mà không dài thì không thể nói hết những điều muốn nói , mà không thể nói hết những điều muốn nói  thì là có lỗi với ngành điện nước nhà. Còn làm thơ theo kiểu nói ít ý nhiều thì con sợ quan chức ngành điện không hiểu đâu Lão ạ bởi thời gian vàng bạc họ phải đầu tư để viết báo cáo sao cho càng lỗ nhiều càng tốt. Càng lỗ họ càng được khen, được coi là con cưng thì hà cớ chi họ phải báo cáo mình lời?
Con vốn mù tịt đủ thứ nhưng vì liên quan đến ngành điện-ngành mà con rất "cảm phục" nên con xin được góp ý với Lão trường ca nên chia làm 3 chương:
Chương 1:  ca ngợi cật lực thành tích lỗ triền miên, thể hiện sự kinh doanh giỏi nhất thế giới của ngành điện. Họ có phép Tề thiên đại thánh, có thể biến hóa con voi chui quan lỗ kim mà các quan không ai nhìn thấy. Tiếp theo Lão ca ngợi hùng hồn tính độc quyền trong nền kinh tế thị trường. Độc quyền luôn đi cùng độc đoán, độc đắc, độc lợi...hại dân. Tiếp theo nữa Lão thay mặt nhân dân cảm phục  tính lưu manh (í quên) tính cạnh tranh trong thị trường không có đối thủ của ngành điện.
Chương 2: bày tỏ sự cảm thông sau sắc trước hoàn cảnh khó khăn của quan chức ngành điện khi lương đã tụt xuống dưới mức 100 triệu đồng . Bởi một khi lương tụt thì tất cả mọi thứ đều tụt, mà tụt rồi thì khó lên. Và lão đừng quên kêu gọi toàn thể nhân nhân VN và toàn thế giới chung tay giúp đỡ ngành điện có cơm ăn, áo mặc, thoát cảnh màn trời chiếu đất.
Chương 3: Dự báo về một tương lai tươi sáng ...tối của ngành điện. Nếu vẫn còn cơ chế này họ sẽ còn lỗ, lỗ nữa và lỗ mãi. Lão đừng quên bày tỏ sự sung sướng của toàn dân khi điện cúp tuần 7 buổi và trong tương lai không xa (chứ không cần đợi đến năm 2020 mới đứng top 15 ) nước ta sẽ có ngành công nghiệp phát triển độc đáo nhất thế giới vì tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công kể cả tàu ngầm, tên lửa, máy bay...
 Nếu viết được thế con tin trường ca của Lão sẽ được chọn làm bài Ngành điện ca. Phần thưởng tặng Lão sẽ là điện kế tự động nên dù không có điện vẫn quay tít mù. Nhà Lão sẽ được ưu tiên sử dụng dòng điện xoay chiều, nghĩa là bất kể ở đâu mất điện nhà Lão cũng đều không có. Lúc đó Lão sẽ viết tiểu thuyết bằng bút mực bên ngọn nến hồng và biết đâu, giữa cảnh lúc tỏ lúc mờ ấy sẽ có những câu chuyện tình tay bốn, tay 5 (nhiều tay hơn phim Hàn quốc) ra đời và gây cơn sốt...rét cho tất cả các giới.
He,he...Lúc đó Lão sẽ tha hồ hốt bạc à nghen!Tongue out

  Gửi bởi: Đất vĩnh. - 21/04/2010

Hê hê.... Trang lão đi du lịch về rồi à? Xin chúc mừng. May thay nước ta chưa điện khí hóa đồng bộ ngành vận tải Dao thông chứ không thì nỏ biết khi mô  lão mò về tới nhà.
À!chỉ tiêu nhà nước giao cho ngành điện lực là ra sức tiết kiệm. Ai tiết kiệm được càng nhiều càng được khen....(+) thưởng nhiều.
Lão, chị Ni Cô yên chí cuối năm thế nào cán bộ, công nhân ngành điện lực cũng được khen vì có thành tích cắt.... để tiết kiệm điện nặng cho quốc gia.  Hì....Một việc làm hết sức thông minh và đầy ý nghĩa. Mục đích chào mừng ngàn năm rồng cất cánh. Không biểu dương sao đặng. Chúc lão Trang mạnh khoẻ. Chúc chị Ni cô vui vẻ
Mất điện thì cứ dùng đèn
Nhà chùa vi tính mấy phen gõ nhầm.
Xin đừng có dại chửi thầm
Họ trù cắt điện thì bầm tím bầm ruột gan.
Nói ra thì bảo hay can
không nói thịt nát xương tan chị nờ
Lão trang, bạn đọc thông cảm, vì mất điện nên không dò được lỗi chính tả. Hu hu

  Gửi bởi: Nico - 22/04/2010

Thôi em, đừng khóc! Ta phải hét lên: Cúp điện muôn năm, muôn năm! Điện thoi thóp muôn năm! thì nghe có vẻ khí thế hơn.
Hôm qua cả khu phố nhà chị tối thui vì mất điện nên có tên trộm lẻn vào ngồi trên mái nhà mà chị hổng có hay. Sáng nay ngủ dậy thấy cửa mở toang và có mùi gì kì kì thoang thoảng trên sân thượng. Chị mò lên xem thì thôi rồi ...điện ơi. Có lẽ chờ chị đi ngủ hơi lâu, lại gió hiu hiu thổi mát nên hắn giải quyết nỗi buồn riêng. Hắn lục khắp nhà và lấy tạm cái di động hỏng chưa kịp đem sửa chị bỏ trên bàn cùng đôi giày hiệu Hồng Kông bên hông chợ Lớn. Toàn bộ chìa khóa chùa chị để trên nóc tủ hắn lấy giấu khắp nơi...He,he...Tên này khôn. Hắn sợ chị dậy la làng nên giấu chìa khóa để chị không mở được cửa thì phải ?! Kể ra thằng này cũng nhát gan bởi có nhìn thấy hắn thì cũng không đời nào chị la mà cứ im xem nó làm gì. He,he...Chị báo dân phố, công an thì mấy ảnh bảo em ơi, điện đóm luôn đi cùng trộm cắp mà em,  mùa mất điện này thì ăn trộm phát triển mạnh là lẽ đương nhiên, năm sau cao hơn năm trước. Em thế là còn may, về lau sân sạch sẽ, mở tiệc ăn mừng nhớ mời các anh nghe.
Vậy nên trong trường ca sắp viết, con tha thiết mong Lão Trang bổ sung thêm phát hiện mới này .Cry

  Gửi bởi: truyenchocongai - 25/12/2010

Tiểu thuyết này rấy hay! Bạn nên chuyển thành dạng eBook và đưa lên Thư viện eBooks cho moi người có cơ hội cùng đọc. Cám ơn!
  Gửi bởi: hoài tố hạnh - 26/07/2012

Đọc Cửa gió tới đây đang rầu nỗi chiến tranh khổ đau chồng chât thì rũ ra cười bởi hài văn hước của Tăng- Ni- Tử phật- phật tử nhà lão Trang...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan