Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Chương 20 & 21


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG HAI MƯƠI 


Đối với người khác chuyện đó được coi như vặt vãnh, chẳng qua là hạt bụi dính áo, phủi nhẹ là rơi. Nhưng với một người cả nghĩ như Lợi thì không thể trơn tuột như vậy được. Con người ấy - Lợi nghĩ về người chị của Thái - vừa đầy vẻ lịch thiệp của một người quen thạo xã giao nhưng cũng rất vị kỷ và cực đoan của một cô gái biết mình co chút nhan sắc. Anh tự rà lại hành động của mình và khẳng định rằng, tuy có hơi cố chấp nhưng cũng có lúc cần phải thế.Dĩ nhiên anh cũng tự thấy mình chẳng có quyền chi mà giận người ta, và nói chung cũng chẳng có duyên cớ chi để giận !

Suốt hơn một tuần tiếp đó, Lợi đi gần khắp các cao điểm trên đất Vĩnh Linh, những số liệu đo đạc đã được xác lập khá chu đáo và cuối cùng thì anh dừng lại trên cao điểm 43, vẽ nét vẽ cuối cùng về bình độ của 6 ngon đồi kế cận nhau vô tấm bản đồ trinh sát. Anh leo lên mặt bằng của chiếc lô cốt thời Pháp để lại ở mỏm cao nhất, ngồi xoạc chân rồi căng rộng tấm bản đồ ra trước mặt. Những vòng bình độ ngoằn ngoèo, bé tẹo xoắn lại thành mấy chục điểm xoáy, trong mỗi điểm anh ghi những con số bằng bút chì "23". "27". "74". "96". "43". Lần đầu tiên Lợi reo lên trong sự kinh ngạc: "Thì ra quê hương mình lại gồ ghề, lồi lõm đến thế!" Phải, hơn hai chục năm lớn lên trên đất này anh chỉ mới cảm nhận được quê hương là một mặt bằng chạy dài từ Trường Sơn ra tới biển. Cũng có những điểm cao trước mặt, nhưng với tuổi học sinh thì những điểm cao ấy chỉ là những nơi tụ tập "quân tướng" để đánh trận giả, những buổi ăn sim đến tím cả mồm và là nơi thường xuyên thả bò bắt tổ sáo... Những điểm cao thực là hiếm hoi và đầy khao khát trong đời sống phẳng bằng của mặt đất tuổi thơ!

"Mặt đất thực là phức tạp", Lợi thốt lên một mình như vậy sau khi nhìn chăm chăm vô những con số độ cao các bình độ. Nhưng phức tạp hơn - Lợi nghĩ tiếp - chính là lòng đất. Điều đó với con mắt trinh sát quân sự như anh chưa thể nào tìm thấy được. Triền đất đỏ khu đông qua xã anh nối liền với vung đất đỏ Do Linh, Cam Lộ nơi anh đã hoạt động, theo sách vở giáo khoa thì đó là nham thạch của những ngọn núi lửa xa xưa. Còn vùng đất sỏi này? Vùng đất đồng trắng bợt quê thằng Thái đó nữa, có tiền thân chi không? Và biết đâu dưới chân anh, dưới cái lô cốt bọc thép này, dưới cả lớp sỏi lổn nhổn mà anh vừa đánh dấu bằng con số "43" đó lại là một mỏ quặng? Lợi thích thú bởi ý nghĩ táo bạo chợt đến ấy. Mỏ sắt? Mỏ thiết? Mỏ dầu?... Có khi là vàng cũng nên. Vậy mà anh vẫn ghi con số "43" lên đầu nó. Con số đó trong ngày mai sẽ được chuyển về Bộ tư lệnh. Bộ tư lệnh sẽ chuyển xuống Ban tham mưu. Tham mưu trao cho phòng pháo binh và phút chốc người pháo thủ trên trận địa sẽ rê nòng súng mình theo con số đã trắc đạc hướng về mỏm đồi này. Nếu kẻ thù dám liều lĩnh đặt chân đến đây thì một trăm quả không tiếc, một ngàn quả không tiếc! Cả cái kho sắt thiếc hay vàng này sẽ tan nát ra cùng thây quân giặc. Lòng đất đau, lòng người còn đau hơn!

"Lòng đất đúng là phức tạp và bí hiểm"! Lợi lại lầm rầm như vậy, rồi co chân nhảy xuống khỏi lô cốt, lần theo đường sỏi xuống đồi.

Nhưng rồi tóm lại - Lợi bỗng quay về với ý nghĩ xáo trộn mấy hôm nay - phức tạp và bí hiểm hơn cả vẫn là lòng người. Nhất là con gái! Trong lòng người con gái gần như đủ mặt các hợp chất vàng, sắt, than, dầu... Họ vừa là đầu nguồn, vừa là cuối sông, vừa dám hiến dâng hết thảy mà cũng tham lam nhận về hết thảy. Thì ra những chi lâu nay anh hiểu về họ, kể cả những kiến thức sách vở, những chuyện kể của bạn bè đều chỉ là những con số hời hợt ghi nhận phía bề ngoài mà thôi!

*

Không hẳn như Lợi nghĩ. Chiến tranh đã không phải chỉ đụng đến cái bề mặt của đất đai và những con người trong chiến tranh cũng không phải chỉ nhìn thấy hố bom, hố pháo như những vết sẹo hăm hở trên da thịt quê hương.

Những người đào địa đạo đang đi dần xuống lòng đất, có nơi mười mét, có nơi mười lăm hai mươi mét và nhiều chỗ đường hầm nơi các giếng đã bắt đầu gặp nhau.

Phút gặp gỡ dưới tầng đất sâu thăm thẳm ấy thực là cảm động. Mặc dù họ là những người cùng một hợp tác, cùng một đội, thậm chí chỉ cách nhau có một lũy tre, nếu trên mặt đất dễ thường một ngày phải có tới vài lần gọi nhau uống nước. Nhưng ở đây gặp được nhau đâu có dễ. Phía đường ngầm bên này đã đào quá số mét giới hạn nhưng vẫn không gặp đường ngầm bên kia. Lắng tai nghe, có tiếng cuốc thình thịch. Có khi nghe trên đầu, có khi nghe dưới chân, có khi lại nghe ở hai bên sườn. Nhiều hầm đã vượt quá nhau tới mười, mười lăm mét. Họ nhận ra nhau bằng âm vang thình thịch từ ruột đất và lần theo đó họ moi đất tìm tới nhau. Phút gặp gỡ mếu máo miệng chào, nước mắt ứa ra y như những người từ hai hành tinh xa vời tìm đến. Và điều đầu tiên họ nhận ra kể từ khi đi xuống lòng đất là không có gì hạnh phúc bằng con người đã tìm đến được bên nhau.

Có tiếng ông đội trưởng Tào gọi ở đầu miệng giếng:

- Này các bác dưới đó lên ta liên hoan đã?

- Trên nớ làm trước đi. Chúng tôi ngồi nghĩ chút đã.

Một rổ sắn luộc đang bốc hơi được đưa từ mặt đất xuống. Bốn mái đầu chụm lại trong quầng sáng vàng đục của ngọn đèn ma dút nghi ngút khói. Hơi sắn thơm, hơi đèn ngây khét, hơi mồ hôi người trộn lẫn với nhau trong hơi ẩm của đất. Bốn người nói với nhau rất nhỏ. Phần vì họ đã trút hơi sức gần như không thiết giữ lại tý nào, vào tiếng thở hì hục để mở con đường xuống tới nơi đây. Phần nữa, ở trong lòng đất này không cần nói to cũng có thể nghe rất rõ lời nhau. Đó là điều họ nhận ra tiếp theo và rất lấy làm đắc ý. ở chỗ này con người thấy gần nhau hơn, thân thiết và tin cậy nhau hơn bất kỳ chỗ nào khác.

Ông Chẩn rung rung chòm râu bạc, nói rủ rỉ:

- Cả cái làng đất đỏ Vĩnh Hòa mình, từ xưa tới nay chỉ có được ba cái giếng uống nước. Xóm mình đây nhà nào chạy cho thiệt giỏi thì một buổi cũng chỉ gánh được ba đôi nước. Rứa mà không ai dám đào thêm cái giếng nào.

Ông xòe bàn tay ra, thở khà một tiếng rồi lắc lắc cái đầu:

- Lạ thiệt!... Cũng hai bàn tay này mà bỗng dưng đào một lúc hàng mấy chục cái giếng! lạ thiệt!...

Ba cái đầu khác cũng gật gật. Họ thổi phù phù vào khúc sắn nóng và ăn ngon lành đến mức tưởng như lần đầu tiên mới được thưởng thức cái vị thơm bùi của loại sắn mì này.

Có tiếng động rầm rì đâu xa lắm. Ông Chẩn ngửng đầu lên nghe. Ba người nữa cũng ngừng nhai nghe. Họ nhận ra tiếng bom xa vời trên mặt đất vọng xuống. Một người cất giọng khàn khàn:

- Lại B.52 nữa rồi!...

- Loạt ngắn, dễ chừng không phải - Người trẻ hơn bình luận như vậy.

Ông Chẩn thở ra vẻ chua xót:

- Nó cứ bừa kiểu đó e nhừ hết đất thôi.

- Nhừ thì đỡ phải cày!

Người thứ tư buông thõng một câu như vậy. Rồi lại thổi phù phù khúc sắn trong tay. Đoạn anh ta đưa nửa khúc vô mồm nhai sơ sài vài nhai rồi nuốt ực một cái. Lại nói:

- Nói thiệt có mấy bác, đã đến nước ni thì nó muốn bừa muốn xáo, muốn làm cái mả mạ chi nó đó thì cứ làm. Nhất anh hùng, nhì thằng cùng, đếch sợ nữa!

Người trẻ hơn khúc khích cười rồi hỏi lại:

- Rứa dượng nói ta là anh hùng hay thằng cùng?

- Há?

Người vừa đưa ra cái triết lý lúc nãy bỗng há mồm ra như nấc nghẹn rồi ngúc ngắc cười, miếng sắn vẫn trắng nhờ trong miệng. Ông Chẩn ngẫm nghĩ một tí rồi đỡ lời:

- Theo tôi... Có lẽ mình là cả hai!...

Tiếng cười cùng một lúc bật to ra. Tất nhiên dù họ cười to đến mấy thì những kẻ bay trên trời cũng không thể nào nghe nổi. Tiếng cười lùm ùm của bốn con người già đã tìm về với đất trước cả khi lẽ ra phải trút lại hơi thở cuối cùng cho đời. Câu kết luận của Ông Chẩn có vẻ như rất tâm đắc với họ. Họ, bốn gia đình ấy đã không thể nào còn được trên mặt đất một mẫu tranh, một chiếc rui, chiếc mè trong ngọn lửa hủy diệt của B.52. Thằng Mỹ đã dồn họ tới bước đường cùng, chỉ có khác là điểm tột cùng không phải là những giọt nước mắt hay những lời cầu nguyện bên cây thánh giá mà là những tiếng cười lục khục trong vòm đất mênh mang.

*

Mặc dù các chiến sĩ ở tiểu đoàn 47 đều thầm đoán chắc chắn có ngày trở lại bên kia sông nhưng khi mệnh lệnh đến thì tất cả lại cảm thấy đột ngột.

Chính ủy Trần Vũ trong lúc giải thích tình hình cho đại đội trinh sát, anh đã để ý thấy những nét mặt lộ vẻ băn khoăn đang ghé sát vào tai nhau thì thầm. Trần Vũ ngừng lại một tí để thăm dò phản ứng của chiến sĩ rồi bất ngờ tuyên bố:

- Đại đội trinh sát vừa qua đã hoàn thành nhiệm tốt. Trong một thời gian ngắn các đồng chí đã hoàn thành sa bàn phòng thủ trên đất Vĩnh Linh. Bây giờ thì các đồng chí có thể yên tâm trở lại chiến trường. Lần đi này các đồng chí sẽ cắm sâu, cắm lâu, cắm chắc. Các đồng chí sẽ ở lại với đồng bào miền Nam cho tới ngày thống nhất nước nhà.

Cả đại đội xao xuyến như có một luồng gió thổi qua. Trần Vũ nhận rõ tâm trạng của mọi người, anh sẵn sàng chờ đợi những phản ứng.

Nhưng hàng quân vẫn im lặng. Sau một phút rộ lên, các nét mặt lại lặng xuống, họ tránh nhìn lên, tránh cả nhìn qua nhau.

Bất ngờ một cánh tay đưa lên. Trần Vũ nhìn qua, cả đại đội cũng dồn mắt lại. Lợi đứng dậy, hai tay hơi run. Anh cố gắng mỉm cười cho có vẻ bình tĩnh:

- Báo cáo Chính ủy tôi xin hỏi một điều. Khả năng thằng Mỹ đổ quân ra miền Bắc có còn không?

Trần Vũ nói ngay không cần nghĩ ngợi:

- Chưa loại trừ. Chỉ có điều khả năng ấy có thành hiện thực hay không tùy thuộc vào sự cố gắng của ta, của sự sẵn sàng chiến đấu như thế nào ở miền Bắc, sức tấn công mảnh liệt đến mức nào ở miền Nam. Tất nhiên cũng phải tính đến sự phiêu lưu mạo hiểm đến mức nào của kẻ thù nữa?

- Báo cáo, nếu khả năng ấy xảy ra thì chúng tôi có được quay trở ra bảo vệ quê hương mình không ạ?

- Tôi không thể nói trước một cách chi li những nhiệm vụ lâu dài của các đồng chí được. Nhưng tinh thần cơ bản là thế này, lực lượng bảo vệ Vĩnh Linh đã được triển khai sẵn sàng. Nhiệm vụ chủ yếu của các đồng chí trước mắt cũng như lâu dài là bên kia sông.

- Vậy ra - Lợi bỗng mỉm cười - Đơn vị chúng tôi chuyên làm cái anh dọn bãi! Còn khi vào trận chính thức thì lại chuyên môn đứng ngoài rìa?

Trần Vũ hết sức bất ngờ trước câu nói đầy giễu cợt ấy. Đại đội trưởng Quý chém vội mắt qua Lợi. Nhiều chiến sĩ cũng cựa quậy người lo lắng. Không ai lại có thể ngờ rằng Lợi lại nói những câu bạo phổi ấy trước mặt vị Trung tá chính ủy.

Nhưng mọi người chưa kịp xì xào thì Lợi đã nói tiếp. Cái run run ban đầu biến hết, giọng anh sang sảng tự tin:

- Chính ủy nghĩ coi, hơn một năm hoạt động, ở các mũi quan trọng nhất của các chiến dịch chúng tôi đều có mặt. Vậy mà, thử kiểm điểm lại chúng tôi đã làm được những chi? Chưa có một trận đánh nào đáng kể dành cho tiểu đoàn 47 hoặc cho đại đội trinh sát này cả. Khi cả mặt trận còn chìm trong màn sương mù thì ai có mặt đầu tiên? Phải nói là chúng tôi. Người đặt bàn chân dò đường đầu tiên chuẩn bị cho trận Dốc Miếu cũng không ai khác là đại đội trinh sát này! Rứa mà tới khi đánh Dốc Miếu chúng tôi ra rìa. Khi cả chiến trường đường Chín mở màn đánh lớn, chúng tối cũng phải bỏ cuộc rút ra. Rút ra chuẩn bị sa bàn, đo đạc tính toán từng quả đồi một, xong đâu đó lại giao cho người khác lập công, mình lại đi! Vậy có phải chúng tôi là người đi dọn bãi cho người khác lập công không?

- Đúng các đồng chí là người dọn bãi. Như thế thì sao?

Trần Vũ bất ngờ chặt đứng cơn xúc động của Lợi bằng một sự thừa nhận dễ dãi như vậy. Rồi anh cười. Thoạt đầu anh còn cười khẽ, sau không kìm được cười to hơn. Các chiến sĩ không hiểu the nào cũng ngơ ngác cười theo.Cán bộ đại đội cũng cười nhăn nhó.

- Hoan nghênh đồng chí Lợi đã phát biểu thật lòng. Tốt lắm! Trước lúc bước vào một cuộc chiến đấu mới gian khổ hơn, ác liệt hơn, hy sinh xương máu lớn hơn, ta rất cần những lời nói thật.

Giọng Trần Vũ vẫn trầm tĩnh và hiền hậu như thường ngày:

- Đồng chí đã nói thật thì tôi cũng nên nói thật. Các đồng chí đúng là người dọn bãi. Hãy suy nghĩ và tự hào về vinh dự đó. Vì sao? Vì tất cả những công việc mà Đảng ta, dân tộc ta đang làm trong những ngày hôm nay đều là công việc dọn bãi. Một việc làm bắt buộc và cực nhọc. Chúng ta không ai muốn chiến tranh. Đảng ta sinh ra là để xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta và trên toàn thế giới, xây dựng một xã hội mà vĩnh viễn con người sống với nhau không hề nghe tiếng súng. Chứ Đảng sinh ra không chỉ phải để đánh nhau.Tôi nhắc lại, công việc này thực là bắt buộc. Nhưng nếu không dọn sạch mặt bằng thì xây dựng vào đâu? Không thể có một lâu đài nào tồn tại khi những quả bom của thế lực phản động vẫn điên cuồng lao xuống. Chúng ta đã hi sinh xương máu hơn hai chục năm rồi. Chúng ta còn phải hi sinh nhiều hơn nữa, lâu dài hơn nữa. Nhưng dù lâu dài đến mấy thì đây vẫn chỉ là công việc mở đầu ngắn ngủi của toàn bộ sự nghiệp lớn lao mà Đảng theo đuổi, sự nghiệp mà Bác Hồ kính yêu đã từng ham muốn đến tột bậc, làm sao cho nước nhà được thống nhất, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Các đồng chí nghĩ xem, chỉ vì muốn có được cái điều giản dị ấy mà chúng ta dám hi sinh tất cả, dám thề đốt cháy cả dải Trường Sơn để dành độc lập tự do.

Còn nói về đơn vị của các đồng chí thì sao? Tôi nghĩ rằng, để có một chiến công chung, không có công việc nào bé nhỏ cả. Công việc mở đường dọn bãi lại càng không nhỏ chút nào. Dĩ nhiên tôi thừa nhận việc tuyên truyền có khi chưa thật công bằng. Có cái nói nhiều, có cái nói ít, thậm chí có cái người ta như quên không nói. Nhưng người chiến sĩ thì đừng lấy đó làm động cơ. Tôi nghĩ chẳng có sự hiến dâng nào lớn bằng những người bố, người mẹ đã sinh ra những đứa con, đã nuôi dạy trưởng thành và không ngần ngại trao hết cho cách mạng. Nhưng có lẽ chẳng có người bố người mẹ nào lại đêm ngày lắng nghe xem thử trên đài, trên báo có nhắc đến tên mình không? Thực ra, đứng ở góc độ cá nhân mà xét thì chẳng có sự đền bù nào thỏa đáng được sự hiến dâng vĩ đại đó. Tôi nói vậy hoàn toàn không phải đã suy luận ý kiến của đồng chí Lợi hay của các đồng chí ở đây là thích đề cao, thích biểu dương. Không, các đồng chí muốn lập công cái đó tốt lắm. Tôi nói như vậy không biết đồng chí Lợi có thông không?

Lợi lại đứng dậy, nhưng lần này cử chỉ anh chậm hơn:

- Báo cáo, tôi xin chấp hành chỉ thị của Chính ủy. Còn thông không thì... xin phép cho tôi suy nghĩ đã.

Trần Vũ cười to:

- Được được! Chưa cần thông vội. Cứ suy nghĩ đi! Vừa đánh Mỹ vừa suy nghĩ. Có những điều nhiều lúc phải kết thúc cuộc chống Mỹ cứu nước này ta mới nhận ra.

Chính ủy dừng lại nhìn khắp lượt một lần rồi tuyên bố:

- Thôi, chúc các đồng chí lên đường an toàn, lập công xuất sắc và luôn luôn suy nghĩ.

Đại đội được lệnh giải tán. Ai cũng tưởng Trần Vũ sẽ bực bội trước sự ương bướng của Lợi, nhưng khi đại đội trưởng Quý đi đến gần chiếc bàn chủ tọa thì Trần Vũ đã túm lấy tay anh lắc lắc:

- Chiến sĩ của cậu quý lắm! Quý vô cùng...

*

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Năm ngoái cũng dịp này tiểu đoàn hành quân vượt sông Bến Hải. Lần này chí có khác một chút là trời không mưa, sao chăng chi chít. Tiểu đoàn vừa xuất kích ra khỏi vùng đóng quân chừng một cây số thì cũng vừa lúc mặt trăng mười bảy nhô phồng lên phía rặng tre trước mặt. Bầu trời thanh tao như một tấm lụa mỏng, gió lao xao vuốt trơn những mặt lá sau mấy tháng trời ngâm bầm trong mưa.

Ra tới đường mòn trên đồi đất pha cát hàng quân rẽ trái. Chiến sĩ bất ngờ nhận thêm một điều khác hẳn lần xuất kích năm ngoái nữa, họ đang đi về phía vầng trăng mới nhô lên. Họ sẽ vượt sông Bến Hải ngay ở cửa biển.

Tuyệt nhiên không hề có một ngọn đèn le lói. Ban đêm cả Vĩnh Linh như chìm hết xuống lòng đất. Trăng trở thành chơi vơi tỏa ánh sáng láng lênh chạy tràn khắp các đồi hoang tĩnh mạc. Qua hết đồi hoang, tiểu đoàn bỏ đường cái để xuống lòng hào. Đường hào liên thôn rộng hơn hai mét đủ sức cho những cỡ súng cồng kềnh, những túi ba lô bè rộng, những xoong nồi lỉnh kỉnh nối nhau trôi.

Sự sống xuất hiện thật bất ngờ. ánh đèn hắt ra từ các ngách hào, tiếng trẻ khóc léo nhéo, tiếng ru à ơi kiên nhẫn của các bà mẹ... Nhiều người bồng con ra đứng cạnh ngách hào trông theo dòng người gọi toang toang:

- Phúc ơi! Phúc! Có thằng Phúc nhà tôi đây không mấy chú?

- Phúc ở bộ phần nào, mạ?

- Nó coi súng máy.

- Rứa thì cứ thấy ai mang súng máy là gọi mạ ạ!

Tiểu đoàn đi gấp, không ai dám dừng lại. Tiếng gọi í ới bay ra khắp các ngách hào:

- Thẩm ơi! Thẩm! Con ở chỗ nào Thẩm ơi!

- Mi đó phải không Thiên? Trời ơi thằng Lữ nữa? Đi mạnh nghe!

- Bác Đời ơi! Thằng cu Đối đây này, mau đi!

- Đâu nào, đâu thím nào?

- Nó đi qua rồi, chạy theo đi mau lên. Cha cha cái thằng mau lớn.

Tiếng những bàn tay đập vô nhau chan chát. Cái bắt tay cũng vội vã như những bước chân đi.

Một cô gái béo tròn trùng trục cố nghiêng người bám theo anh chiến sĩ vác cái bàn để súng cối, giọng cô lúng búng trong miệng:

- Địa chỉ như răng, nói đi? Địa chỉ răng?

Anh chiến sĩ vẻ ngượng, cố nói to lên:

- Làm chi có địa chỉ hỏi hoài.

- Có, đừng giấu... Nói đi!

- ối chà, miền Nam! Cứ rứa mà gửi là tới.

Cậu chiến sĩ ấy là người cuối cùng của đại đội 4. Đi sau lưng cậu ta là Lợi. Anh đã nghe lọt câu chuyện và cảm thấy ái ngại cho người con gái lúc đó tuột tay khỏi gấu áo người bạn trai và đang đứng nép lại bên vách hào. Nhưng biết giải thích thế nào được.

Người chiến sĩ không thể có mục tiêu nào khác là kẻ thù phía trước. Khi tiếng súng nổ đừng ai hỏi người thân mình đang đứng chỗ nào? Chúng tôi không có chút gì riêng đâu, tâm hồn thể xác, kể cả vị trí trong cuộc đời này...

Thoát được "vòng vây" bối rối của các mẹ các chị, đoàn quân ra tới sườn đồi cuối làng thì bỗng ùn cả lại. Tiếng lao xao phía trước nghe như có chợ họp. Lợi né đầu ngó dọc theo mép hào. Không thể trông thấy chi khác ngoài những bóng người lùm ùm chộn rộn dưới trăng. Đội hình nhích chậm từng bước như qua cầu tay vươn. Được chừng năm chục mét thì Lợi đã nhận ra. Đây là ngã ba của hai đường trục giao thông hào lớn. Một đường chạy từ Hồ Xá, dọc theo mép ruộng Đơn Thầm, qua Vĩnh Thành tới đây gặp trục hào trong đồi đất đỏ chạy ra. Tiểu đoàn đang "xáp lá cà" với mấy đại đội dân quân đi hối hả từ phái trong ra. Hai bên đều không ai tự xưng công việc của mình. Chỉ có tiếng cười là cởi mở nhất. Gần quá nửa số dân quân là con gái. Những câu hò hẹn nghe mà lạnh cả gáy:

- Anh ni, đi em nhớ, em thương, ngủ chung giường thì em sợ...

- Này này, bên nớ có muốn nghe hò không? Rằng thì là ơ hờ hơ... Hiền Lương một lạch hai dòng, ơi anh chưa vợ có gái ế chồng chờ đây!...

Lính trẻ khoái chí đấm nhau cười. Gần như chỉ cười mà không ai dám trêu lại. Họ tự coi mình như có bổn phận là im lặng. Với đám con gái đã cứng chân này, tốt nhất là "co cẳng" chạy cho mau.

Nhưng không ai kịp chạy cả. Tất cả sững lại. Tiếng cười bặt im. Thay vào đó là tiếng phản lực không hiểu nhào đến từ lúc nào đang cấu xé gầm rít trên đầu. Pháo sáng bật chóa. Cả tiểu đoàn ngồi thụp xuống lòng hào. Trong ánh sáng lờ nhờ của pháo sáng và trăng người ta nhìn rất rõ những thân máy bay đen như cá nục lao vun vút. Rồi thì đột ngột lửa từ bồn phía xung quanh đội hình tiểu đoàn vụt xối lên. Tiếng nổ ken dày, quyết liệt. Tiểu đoàn 47 đã nằm gọn trong trận địa thế chân vạc của cao xạ 37 li.

ý nghĩ đầu tiên đến với Lợi là sự thèm khát được làm lính phòng không. Còn chi thích thú bằng những người chiến sĩ được ngắm nghía đường đạn của mình. Ban đêm có cảm giác là đạn đi rất chậm. Những hạt lửa long lanh đuổi nhau rối rít. Từng cụm khói nổ xòe, lấp lửng trôi vật vờ như thực như hư. Kia rồi! Một chiếc cháy. Chao ơi, lửa rừng rực như một bó đuốc vĩ đại quệt sáng cả một vùng đồi. Thích quá! Không còn sung sướng nào hơn là được chiêm ngưỡng chiến công của mình. Muôn năm anh lính phòng không, cuộc đời không hề biết cúi xuống!

Anh lại phạm thêm một thiếu sót nữa trong sự suy luận cực đoan của mình. Bởi vì chính cái lúc anh, con người tình cờ trông thấy cuộc "xáp lá cà" trên trời này mà mê mẩn ngẩng đầu như xem người diễn viên xiếc đi trên dậy thì một quả bom đã rơi xuống cạnh lán chỉ huy tiểu đoàn cao xạ. Và những người chiến sĩ phòng không chưa kịp nhìn rõ chiếc F.105 bốc lửa đã phải cúi xuống ôm lấy người tiểu đoàn trưởng thân yêu của mình lay gọi trong tiếng nấc nở:

- Thủ trưởng! Thủ trưởng! Anh Tùng ơi!...

*

Không ngờ cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ lại kéo dài cho tới bốn giờ sáng. Phía trước báo về là bến thuyền bị oanh tạc nặng nề. Không thể vượt sông được nữa, tiểu đoàn đành cho các đại đội rẽ ngang vào các xóm tìm chỗ nghĩ.

Lợi dẫn trung đội tạt qua hai vạt đất , chỉ hướng triển khai cho các tiểu đội rồi tự mình dẫn một tổ lần dò tới một chiếc lán còn đỏ đèn mà anh đoán là lán ngủ của dân quân.

Nhưng khi vào tới nơi thì anh mới nhận ra một người đang quấn băng trắng ngực nằm thẳng đuỗn trên sạp. Ba chiến sĩ đội mũ sắt và một cô dân quân đang ngồi vây quanh. Lợi vẫy tay ra hiệu cho các chiến sĩ của mình im lặng. Rồi anh se sẻ bước lại gần người thương binh. Số ngồi xung quanh chiếc sạp đều ngẩng lên, họ chào anh bằng những cái gật đầu lặng lẽ. Lợi hỏi rất khẽ:

- Bị thương lúc đánh máy bay a?

Anh chiến sĩ đội mũ sắt lại gật đầu, giọng đầy nước mắt:

- Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi đấy!

Lợi giật mình cúi sát xuống. Người tiểu đoàn trưởng chợt mở mắt nhìn anh, tiếng nói còn rất tỉnh.

- Đồng chí ở đơn vị nào?

Lợi thấy không thể giữ bí mật được trước những con người vừa đổ máu để bảo vệ chặng đường hành quân của mình, anh nói:

- Báo cáo, tôi ở "Dê" 47.

Người tiểu đoàn trưởng mở mắt to hơn rồi bất giác mỉm cười:

- Hay lắm!... Các đồng chí qua được sông chưa?

- Báo cáo chưa ạ!

- Rứa là... Chúng tôi có lỗi.- Anh im lặng một tí như để lấy sức rồi lại nói thì thầm. Tiểu đoàn 47 là một đơn vị anh hùng. Các đồng chí là những tấm gương cho chúng tôi học tập. Chính ủy nói vậy và chúng tôi cũng nhận thức như vậy. Đồng chí cho tôi gửi lời thăm anh em trong đơn vị và chúc các đồng chí lập công xuất sắc.

- Rõ - Lợi đáp nghẹn ngào.

- Tôi... cũng có biết nhiệm vụ tới đây của các đồng chí. Gian khổ và ác liệt lắm đó. Nhưng... cứ yên tâm mà nện chúng nó phía trước. Lúc nào cũng có chúng tôi phía sau bảo vệ vững chắc bàn đạp cho các đồng chí...

Tiếng thở nhỏ dần. Người chiến sĩ đội mũ sắt cúi xuống nói như van:

- Thủ trưởng Tùng! Xin thủ trưởng đừng nói nữa! Hãy nghĩ đi một chút...

Rồi người chiến sĩ ấy ngước lên ngó Lợi. Lợi hiểu ý gật đầu. Anh chào khẽ mọi người rồi vẫy tay cho các chiến sĩ rút lui. Đi được một đoạn khá xa mà Lợi vẫn chưa hết băn khoăn. Anh ngờ ngợ như đã gặp người tiểu đoàn trưởng ấy một lần ở đâu rồi? Khuôn mặt gầy, đôi lưỡng quyền nhô cao, vành môi hơi bè ra để lộ những chiếc răng to như hàng hạt bắp. Răng lại quen được hè? Đầu óc mình dạo này tệ quá! Thủ trưởng Tùng? Mình chưa hề gọi như thế lần nào. Tùng? Cái tên vang lên xáo động như tiếng trống của thời học sinh dội lại. Bỗng dưng Lợi sửng người. Thôi rồi, anh Tùng!

Lợi quay phắt lại và vùng chạy. Các chiến sĩ không hiểu chuyện chi cũng chạy theo. Tùng? Tùng? Anh đó ư? May mắn biết chừng nào, tôi được gặp anh ở đây! Chắc anh sẽ ngạc nhiên. Chiến trường là vậy, những cuộc hội ngộ như thế này khó ai lường hết được trong mỗi bước hành quân. Tùng? Tùng? Tôi sẽ kể cho anh nghe về cái điều mà tôi dám chắc rằng bao nhiêu năm nay anh khát khao đến cháy lòng cháy ruột. Tôi sẽ nói, người vợ chưa cưới của anh vẫn rất mạnh khỏe, chị ấy vẫn...

Bỗng Lợi chạy chậm lại, chậm lại rồi dừng hẳn. Chiếc lán nhỏ với ngọn đèn le lói đã ở ngay trước mặt. Nhưng Lợi không thể đến gần được nữa. Vết thương anh ấy rất nặng, liệu cơn xúc động này có làm nguy hiểm đến tính mạng anh không? Hơn nữa, biết kể những chi sau câu chị ấy vẫn mạnh khỏe. Thoáng một giây Lợi nhớ lại gần như tất cả, căn nhà lợp tôn nằm âm thầm giữa ấp An Nha, bãi mía âm u nối liền đám đất bỏ hoang um tùm cỏ dại, cây ngô đồng trơ trọi và những lời nói dè dặt ngại ngùng trong lần gặp cuối cũng của Hoan. Chuyện đó anh không thể kể được vì nguyên tắc bí mật cơ sở. Rồi cái thằng trưởng đoàn Bình Định ấy, Hai cái bóng lặng lẽ chung sống trong căn nhà ấy, những điều nguy hiểm ấy, lại càng không thể kể với anh. Biết đâu?... Chao ôi, tội lỗi biết chừng nào khi lòng tin của anh ấy bị xúc phạm, khi nỗi khát khao đang bùng cháy ấy bị những gáo nước lạnh dội lên. Vết thương anh ấy đang nguy hiểm, đừng để nhiễm thêm một thứ bụi bẩn nào lúc này. Cuộc chiến đấu còn cần đến anh, hãy chịu đựng thêm anh nhé! Tôi vào đợt này xin lại làm người sứ giả tự nguyện nhắn tin cho anh.

Anh ngoài ni đừng trách tôi, chị trong nớ cũng đừng trách tôi sai lời hứa. Bảy tám năm kiên tâm chờ được thì hãy ráng chờ thêm một giai đoạn ngắn nữa thôi!

Lợi quay người chầm chậm đi về hướng trung đội. Các chiến sĩ ngó nhau cười tủm tỉm rồi nháy mắt cho nhau bám theo.

Suốt ngày hôm sau tiểu đoàn nằm im chờ đợi. Nhá nhem tối thì có lệnh vượt sông.

Sáu chiếc thuyền của dân quân giấu trong bờ đất đỏ dưới những bụi dừa xạc lá được vần ra. Tiếng truyền lệnh rất khẽ:

- "Xê" một lên trước, thưa ra.

- Các "Xê" triển khai dọc theo bờ hào không được hút thuốc.

Trăng sáng quá khiến mặt sông lúc nào cũng ngời lên lúng liếng. Chuyến thứ nhất đã ra khỏi bờ. Sáu chấm đen như sáu vệt mực chầm chậm trôi trên màng nước lấp loáng.

Lợi thu mình dưới một gốc dừa cắng mắt ngó ra. Chợt một bàn tay đặt lên vai anh cùng với tiếng thì thào trong hơi thở:

- Chú Lợi phải không?

Lợi giật mình quay lại reo lên:

- Trời ơi, chị Thảo! Răng chị lại ở đây?

- Chị đã vô tổ chèo đò, nhưng trực kíp hai.

- Cháu ở nhà với ai?

- Chúng nó ngủ với mệ(1). Tội quá! - Chị khẽ thở dài - Chị mới mang trứng gà của phụ nữ xã lên thăm thương binh ở trạm xá. Nghe nói có bộ đội vượt sông, nghĩ chắc thế nào cũng có chú nên mới chạy ra đây.

Nghe chị nhắc tới thương binh Lợi hỏi vội:

- Có anh Tùng nằm trên trạm xá không biết?

- Tùng nào chị không biết?

- Đồng chí tiểu đoàn trưởng cao xạ đó.

- à - Chị Thảo gật đầu - Có. Anh ấy bị nặng nhất...

- Liệu có qua được không?

- Không biết răng được. Mà... chú quen à?

- Dạ...

Lợi im lặng. Những chấm đen đã ra quá nửa sông. Vài chiếc phản lực bay xoẹt qua đầu. Không gian tự dưng cũng bồng bềnh phấp phỏng. Lợi quay lại ngó chị. Chị Thảo đang chăm chú theo dõi những chiếc thuyền, vừng trán hơi nhíu lại. Lợi vừa thấy thương, vừa thấy mừng. Chị ấy đã vững vàng lên nhiều lắm!

- Này em nhờ chị chuyện này nghe?

- ừ, nói đi!

- Chị ở lại... nếu có điều kiện thì săn sóc anh Tùng ấy giúp em. Anh ấy cần phải sống, sống cho tới ngày thống nhất nước nhà chị ạ.

Chị Thảo hơi ngạc nhiên trước cơn xúc động của Lợi, chị hỏi dè dặt:

- Răng chú lại quen anh ấy?

Những chấm đen đã biến hút vô bờ bên kia. Chừng năm phút sau các chấm đen lại xuất hiện. Lần này nó trôi nhanh hơn về phía bên này. Tiếng truyền lệnh thầm thì: "Đại đội 4 xuống bến!" Đám chiến sĩ ngồi phía trước mặt Lợi chộn rộn đứng lên, lịch kịch đi xuống mép nước. Còn hai chuyến nữa thì đến đại đội trinh sát. Lợi tuốt dép kê lại chỗ ngồi cho khỏi tê chân.

Lợi rầm rì kể cho chị nghe về hoàn cảnh của Tùng, về người vợ chưa cưới và về bà mẹ bị bắt. Anh kể cả cái tình cảnh éo le hiện nay. Anh kể hết chỉ trừ có một điều không nói đó là nguyên nhân anh quen gia đình ấy. Chuyện đó thuộc về bí mật quân sự.

Chị Thảo cúi đầu lắng nghe, chốc chốc lại thở dài. Nghe cảnh người lại nghĩ đến cảnh mình, chị tự nghĩ trong cuộc chiến tranh này khổ nhất có lẽ là những người làm vợ. Họ phải làm lụng, chịu đựng tất cả những chi mà người đàn ông đã làm và đã chịu đựng. Nhưng họ còn một điều khủng khiếp hơn nữa là từng giờ từng phút phải cắn răng đấu tranh đến khắc khổ với sự bùng cháy ghê gớm trong người mà chỉ có họ, chỉ những người đàn bà ấy tự hiểu được thôi...

Đến lúc đại đội trinh sát vượt sông thì cũng đến phiên chị Thảo chèo.

Lợi không ngờ khúc sông eo thắt nhất này lại là nơi nước xiết mạnh đến rứa. Anh nhắc trung đội tuyệt đối ngồi im rồi chạy lại đằng lái ngồi sau lưng chị Thảo. Thuyền trườn từng nhịp, nước ghì lui lại như chực lật thuyền. Cửa sông cũng là cửa gió. Gió bất ngờ thổi thốc ngược lên, gợn nước săn xoắn lại. Chiếc khăn trùm đầu của chị Thảo bị gió bật tung về sau. Mái tóc đổ xuống, xòa rộng. Con thuyền chực quay ngang, Lợi ngước nhìn chi lo lắng. Nhưng đôi chân chị Thảo vẫn dán chặt xuống mạn thuyền, kẹp mái chèo vô nách, chị nghiêng cả người mà cạy. Con thuyền cằn lên phía trước từng nhịp chậm nhưng thẳng. Lợi thấy lòng dâng lên niềm thương cảm dạt dào. Còn bám nơi cửa sông, cửa gió này chị ấy còn phải đương đầu với bao nổi gian truân!

Quan được đến bờ nam, Lợi chỉ kịp chào chị một tiếng rồi vội vã tập hợp đơn vị đuổi theo đội hình tiểu đoàn... Lên đến một gò cát cao, anh ngoái cổ ngó lại. Sáu chiếc thuyền đã về đến giữa dòng, chỗ có ngọn gió thổi như bão vô mặt. Lần này qua sông, theo như Chính ủy nói, phải tới ngày toàn thắng mới quay trở lại. Anh bần thần ngó mãi chỗ co thắt cửa sông, nơi có mái chèo của người chị ở lại. Chắc chắn lúc này gió đang tung xòa mái tóc chị về sau?

*

Đêm đó, sau khi đưa chuyến quân cuối cùng qua sông, tuy đã khuya lắm rồi nhưng chị Thảo vẫn rẽ về trạm xá. Vừa bước vô cửa hầm chị thoắt thấy lạnh người vì chiếc giường của Tùng nằm bỏ trống. Chị chạy thẳng vô hầm ngủ gọi người y tá trực:

- O Thanh ơi! O Thanh? Thủ trưởng Tùng răng rồi?

Cô y tá vừa mới chợp mắt bị gọi dậy, giọng khê đặc:

- Đi... rồi...

- Đi đâu?

- Chuyển lên trạm xá của Bộ tư lệnh. Mình không đủ thuốc, anh ấy lại bị nhiễm trùng, vừa lên cơn sốt...

Chị Thảo bàng hoàng cả người. Suốt đêm đó về nhà chị không tài nào chợp mắt được.

Ngày hôm sau chị mua một nải chuối, lấy khăn gói lại cẩn thận rồi ôm trước ngực đi tìm trạm quân y Bộ tư lệnh.

Trạm Quân y đóng dưới một vườn dầu sở trên vùng đất đỏ cách xóm Cửa gần chục cây số. Chị Thảo vừa hỏi vừa đoán chừng mà đi, hơn ba giờ chiều mới tìm thấy. Nhưng rủi thay cho chị, người thương binh ấy đã chuyển ra viện 41 của Quân khu trước đó một giờ. Chị Thảo thẩn thờ đứng tựa lưng vô cửa lán mà thở. Rồi nghĩ tới nghĩ lui thấy không thể đuổi hoài theo anh ấy được nữa, chị trao nải chuối cho một anh thương binh cụt tay nằm chiếc giường cạnh đó, rồi chào chung tất cả ra về.

Chị ra khỏi xã có trạm quân y đóng thì trời tối. Vừa đi, vừa chạy, chị về tới Vĩnh Hòa thì quá nửa đêm. Biết chắc là không thể về xóm Cửa được nữa, Thảo ghé vô cửa hầm địa đạo tìm ông Chẩn.

Thấy con dâu gọi lúc khuya khoắt như vậy, ông Chẩn lật đật cầm đèn chạy ra. Thảo cố mỉm cười cho bố yên tâm:

- Bố có chi ăn không? Con đói quá!

- Có cơm tau nấu lúc tối nhưng chẳng thiết ăn...

Nói rồi ông Chẩn cầm đèn đi sâu vô trong hầm. Thảo chạy theo.

- Bố cứ để con soạn lấy.

Chị kéo nồi cơm ra khỏi nền tro, bê xoong cá mắm xuống rồi cứ để nguyên trong nồi vậy mà xới. Đợi chị ăn vội được hai bát cơm, ông Chẩn mới hỏi:

- Con đi đâu về mà khuya rứa?

- Dạ, con đi tìm anh thương binh để thăm. Đến chỗ này thì người ta đã chuyển anh tới chỗ khác. Tìm từ tối hôm qua đến chừ.

- Rứa... anh ấy với con là răng?

Thảo ngừng nhai. Câu hỏi bất ngờ của bố làm chị thây hẫng cả người. ờ, anh ấy với mình là chi hè? Không, không là chi cả. Anh ấy là thương binh, mình là người dân. Có vậy thôi! Chao, có vậy thôi. Răng mà khó nói... Nói ra biết bố có thông cảm cho không?

- Anh ấy là người bên Nam bố ạ. Anh ấy... tập kết có vợ trong nớ rồi... Chú Lợi quen chị ấy. Đêm qua con chở chú Lợi qua sông, chú dặn con ở lại chăm sóc anh ấy...

Ông Chẩn, nghe vậy và lặng im. Thảo thấy không thể ăn thêm được nữa. Chị dọn vén rồi đi ra phía cửa hầm. ở đó có một tấm ván bỏ trống. Ông Chẩn vẫn chưa ngủ.

- Thằng Lợi lại đi rồi à?

- Dạ...

Ông thở ra một tiếng rồi nằm xuống. Phải một lúc khá lâu ông mới lên tiếng:

- Ngủ rồi à, con?

- Dạ... chưa! - Thảo ngồi dậy và chợt thấy phấp phỏng lo âu.

Tiếng ông rù rì như đang cầu nguyện:

- Đã lâu... bố định nói với con chuyện này... Con ăn ở với bố như răng, cả làng đều biết cả. Nhưng thằng Quyền đã rủi ro mà đi sớm nên con phải quay quắt một mình. Bố nghĩ mà xót xa lắm. Thân con đã vậy, lại còn hai đứa cháu dại... Cái nhà thời phải có nóc! Thà rằng già lão cho cam, đằng ni con còn sức dài vai rộng, ở vậy nó quá cô đơn. Con nên tìm lấy một nơi mà tựa nương...

Giọng ông run lên khập khậy. Còn Thảo thì nấc thành tiếng. Chị nói trong tiếng khóc:

- Thôi... Con lạy bố... bố đừng nói nữa mà tội cho linh hồn của chồng con!...

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT


Nhưng linh hồn của chồng chị không hề phải tội, chỉ có thể xác anh và các đồng chí của anh là đang phải trải qua những cực hình tra tấn của" nền kỹ nghệ hiện đại Hoa Kỳ!"

Trong số những người đó, kể cả Quyền, không có ai nhớ được mình đã bị bắt trong trường hợp nào. Bởi vì khi chiếc thuyền bị thủng thì họ nhớ rõ là tất cả đã nhảy ra bơi. Họ dìu nhau và cố giữ một cự ly không xa quá để khỏi lạc hướng. Đêm đó gió nồm khá mạnh. Bơi chừng gần một tiếng rồi mà ngoảnh lại vẫn thấy những đốm lửa cháy sát sau lưng. Họ vẫn nhớ kỹ rằng lúc đó có một chiếc Vơ-đét từ đâu xộc đến trước mặt. Quyền quặt tay bơi và kêu lên rất to cho những người đằng sau biết có tàu. Thế rồi không biết một cục chi đó rơi xuống trước mặt nghe "roóc" một tiếng như có ai ném hòn đá. Sau đó răng nữa thì không ai nhớ. Chỉ biết rằng khi tỉnh dậy, cả bốn người trong tổ của Quyền đều nhận thấy rằng tất cả đang nằm sóng soài trên một boong tàu lớn...

Cuộc hỏi cung đầu tiên ở ngay trên chiếc tàu ấy. Ngồi cạnh chiếc bàn con sơn men trắng bóng là một thằng Mỹ già mặt xám bợt như bôi phấn. Bên cạnh là một sĩ quan người Việt béo ục ịch. Tên ấy trực tiếp hỏi:

- Các anh đã bị bắt trong lúc đi tiếp vận Cồn Cỏ?

Quyền đáp trong sự mệt mỏi toàn thân:

- Bọn là ngư dân đi đánh cá. Các ông đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nói xong Quyền chờ đợi một cái bạt tai hoặc một cú đấm. Nhưng điếu thuốc dài ngoẵng trên tay thằng Mỹ vẫn cháy đều đều. Tên béo ị vẫn nói bình tĩnh:

- Chúng ta không nên tranh luận nhiều chuyện đó. Chiến tranh nó có quy luật của chiến tranh. Các anh đã bị bắt thì nên tuân theo quy tắc của người bị bắt. Bây giờ các anh hãy mô tả lại cho chúng tôi nghe việc tiếp vận ấy diễn ra như thế nào?

- Chúng tôi đã nói chúng tôi chỉ là những ngư dân. Tôi có thể thuật lại cho các ông nghe một cách tỉ mỉ công việc đánh cá nếu các ông muốn. Còn tất nhiên, theo tôi nghĩ Cồn Cỏ vẫn đang được tiếp tế vì đó là mảnh đất của Tổ Quốc chúng tôi. Các ông có cố tình ngăn cản cũng chẳng ăn thua đâu. Cồn cỏ vẫn sống như quy luật của nó, tôi nói theo cách nói của ông đó.

Rất lạ là trong cuộc nói chuyện đầu tiên ấy cả hai bên không ai tỏ ra nóng giận, bực bội. Tên người Mỹ đứng lên tự tay cầm gói thuốc đưa cho những người bị bắt. Mấy người lưỡng lự đưa mắt ngó Quyền. Quyền mỉm cười rồi cầm gói thuốc rút từng điếu mời mọi người. Họ châm lửa truyền cho nhau.

Tên Mỹ bất ngờ hỏi to một câu, tên béo ị thuật lại:

- Các anh có lấy làm thú vị về cuộc gặp gỡ này không?

- Có! - Quyền gật đầu - Không dưng mà những con người xa lạ cách một đại dương lại ngồi đối diện nhau như thế này trên hải phận chúng tôi. Nó cũng có quy luật cả đó.

Sau khi nghe dịch, tên Mỹ phá lên cười. Mặt nó nhăn nheo, chằng chịt:

- Anh là xã đội trưởng?

- Không, tôi là ngư dân.

- Vậy thì... anh là Đảng viên?

- Không, tôi là người dân theo Đảng.

- Trong cuộc tiếp xúc lịch thiệp này, ta không nên nói dối. Một người dân bình thường không thể nói những câu vừa rồi được.

Đến lượt Quyền phá lên cười:

- Ra vậy. ở nước ông những người dân bình thường không thể nói được những câu như rứa ư? Chính ông mới đang nói dối sự thật!

Sau câu kết luận ấy, những người bị bắt được giải về khoang sâu nhất của tàu. Con tàu lướt hối hả dọc theo duyên hải, không dừng lại và ghé vào bất cứ cảng nào. Nó có phận sự hệ trọng chở những người miền Bắc ấy đi suốt đêm, suốt ngày vào cảng Sài Gòn...

Tổng nha cảnh sát Sài Gòn đã chờ sẵn họ ở cảng và "nghiêng đón Đoàn" bằng chiếc xe du lịch. Chiếc xe phân kẹt trước một ngôi nhà lừng lững cao đến đuối tầm mắt. Gã đàn ông dẫn những người miền Bắc vào cổng, đi qua một hành lang nhỏ rồi bước vào một căn phòng lớn bày la liệt bánh kẹo, trái cây. Gã trán hói mời họ ngồi và mời mọi người kẹo, bánh và tự giới thiệu:

- Tôi thuộc tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Hôm nay rất vui được tiếp những người thân hữu từ miền Bắc vào. Cuộc đời thật là kỳ diệu! Thấm thoát đã cách biệt nhau hàng chục năm rồi...

Những người bị bắt vẫn ngồi lặng lẽ. Họ cần lấy lại sức và cũng đang cũng đang tập trung mọi suy nghĩ đoán xem kẻ thù đang chuẩn bị tấn tuồng chi?

Nhưng sau "bữa tiệc" ấy không hề có một biến động nào. Cảnh sát đưa họ về một phòng giam cách cái nhà cao tầng đó không xa.

Sáng hôm sau cuộc hỏi cung mới bắt đầu. Gã trán hói xuất hiện cầm trong tay bốn tờ giây, bốn ngòi bút. Gã chậm rãi nhai từng tiếng như người mới tập nói:

- Từ hôm các anh dô tới nay, tuy ngắn ngủi nhưng chắc hẳn đã trông thấy tận mắt cuộc sống thực tế ở miền Nam? Tôi tin các anh có nhiều suy nghĩ. Chúng tôi không mong chi hơn là các anh ghi nhận một cách trung thực những suy nghĩ ấy dô đây...

Gã cúi chào như một diễn viên trên sân khấu rồi gật gật chiếc đầu hói đi giật lùi ra phía cửa.

Quyền mỉm cười quay lại ngó các bạn của mình.

- Bắt đầu rồi đó mấy chú ạ! Viết đi!...

- Viết răng?

- Nghĩ răng viết rứa...

- Trời ơi...nghĩ răng viết rứa đâu có ổn. Lỡ nghĩ bậy...

Quyền trợn mắt:

- Nghĩ bậy à? Mười năm sông trên miền Bắc, sống với hợp tác, sông với Bác Hồ mà chừ lại nghĩ bậy à? Viết đi! viết về biển của mình, viết về Vĩnh Linh của mình, viết về Bác Hồ của mình... Cứ rứa viết đi!...

Bốn người cúi đầu xuống trang giấy như những thí sinh dồn hết tâm lực vào bài thi.

Mảnh giấy của Quyền ghi:

"Tôi cực lực lên án hành động xâm phạm chủ quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn. Biển chúng tôi là bất khả xâm phạm. Tài nguyên đất nước chúng tôi là thuộc về chúng tôi tính mạng người dân yêu nước chúng tôi dám đổi tất cả, từ nhà lầu gác tía đến xương máu tính mạng mình để giành lấy nhân phẩm quý giá nhất của con người là độc lập, tự do. Bác Hồ của chúng tôi nói dẫu có đốt cháy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập Tự do! Bác Hồ muôn năm!"

Chiều hôm đó gã trán hói trở lại. Gã đón những tờ giấy trên tay bốn người tù và trợn mắt lên. Lão quay vụt đi. Cửa đóng sập.

Rứa là hết! Tất cả sự mềm mỏng, chào mời, những xe, phòng cao với bánh trái, thuốc thơm tan nhanh như một trò ảo thuật. Những ánh đèn bóng nhoáng, nhấp nháy trên đường phố Sài Gòn cũng vụt biến hết. Bốn người bị dồn xuống chiếc hầm tối lù mù và bắt đầu nếm cái mùi thực chất của Sài Gòn: roi điện, lộn mề gà, đi tàu bay và thường xuyên nhất là món dùi cui và đấm bốc...

Tám tháng sau đó, hai người trong số họ bị thổ máu và chết. Đến tháng thứ mười một thì Khánh, người bạn còn lại duy nhất của Quyền cũng bị đánh gãy chân. Chúng nó đưa Khánh đi nhà thương rồi sau đó biệt tăm mất tích.

Sức khỏe Quyền ngày một sút kém trầm trọng. Mụn ghẻ đầy hai mông đít. Con mắt trái gần như không trông thấy gì. Hai chiếc răng cửa bị gãy. Quyền tự nghĩ, có chết cũng phải thắng nó tới keo cuối cùng.

Một hôm có một người tự xưng là nhà báo đến gặp anh tại phòng giam. Người ấy mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi:

- Anh có muốn thăm lại miền Bắc không?

Quyền ngờ ngợ trước câu hỏi đầy ẩn ý ấy. Anh chưa kịp xác định thì người" nhà báo '' lại tiếp:

- Hoặc anh có muốn nhắn gì về gia đình, chúng tôi có thể giúp được!

Quyền hỏi thăm dò:

- Anh giúp đỡ bằng cách nào?

- Tết này, bên phía các anh tuyên bố ngừng chiến ba ngày. Đó là cơ hội tốt. Chúng tôi sẽ cho anh trở ra đầu cầu Hiền Lương, anh có thể nhìn rõ quê hương mình và cũng có thể nói ít câu nhắn gửi...

Thấy Quyền im lặng có vẻ nghĩ ngợi, hắn nói tiếp:

- Anh đừng nghi ngờ gì về thiện chí của chúng tôi. Tuy nhiên để đáp lại sự tận tình ấy, anh cũng nên nhắn ra Bắc những lời thiện chí...

Chừ thì rõ! Quyền nghĩ nhanh và gật đầu:

- Được. Tôi hiểu ý các ngài. Tôi sẽ nói những lời rất thiện chí!

Hai mươi chín tết năm đó, một chiếc máy bay quân sự chở đoàn "nhà báo" và một người tù đặc biệt đỗ xuống sân bay ái Tử. Hai chiếc xe "dép" chờ sẵn ở sân bay và đón họ ra cao điểm 31, phía bắc quận Trung Lương. Người "nhà báo" quen trước giải thích với Quyền:

- Lẽ ra chúng tôi đưa anh tới sát bờ sông Bến Hải. Nhưng vì miền Bắc đã vi phạm hiệp định Gio-ne-vơ, đã lấn chúng tôi hàng chục cây số. Chúng ta tạm dừng chỗ này.Tuy vậy đứng ở đây anh vẫn có thể trông rõ quê hương, vẫn có thể đọc tin qua máy. Làn sóng cực mạnh sẽ phát to lời anh. Gia đình anh vẫn nghe rõ từng lời...

Quyền lẳng lặng lần lên một gò cát cao nhất, long thấp thỏm rộn ràng như trẻ thơ sắp trông thấy mẹ. Kia rồi!...Nơi con mắt anh tìm tới đầu tiên là cột cờ đầu cầu Hiền Lương. Lá cờ đỏ rực trong nắng, bổi hổi bay ngỡ như chưa hề có chút nào nghỉ ngơi. Nước mắt Quyền lăn xuống, cổ khô cháy một nỗi khát cồn cào. Một năm vắng bóng lá cờ, anh ngỡ mình đã chết xuống âm phủ hết một đời người. Nay anh đã sống lại. Sống lại thực chứ không phải mơ. Phút sống lại đầu tiên là anh nhận ra một lá cờ cháy bâng khuâng như một lời thề nguyện. Lá cờ trên quê anh!

Quyền lần mắt theo bờ phi lao xanh thẩm. Anh biết dưới chân hàng cây đó là con sông Bến Hải hiền từ miệt mài đổ nước ra cửa biển nhà anh. Đó nữa bãi cát. Nơi đó tối tối anh vẫn thuyền ra mép nước, hét hò căng buồm nhổ neo. Sáng sáng anh về, áo quần đầm sệt hơi nước mặn, khoang thuyền chật chội cá, tôm. Vợ anh chạy ra, con Cần chạy ra,... Làng xóm đổ ra đầy bãi. Người xách lưới, người khiêng cá, tíu tít rộn ràng. Ôi, cái bãi, máu thịt, nước mắt và tình yêu của anh! Nó đó, xa quá tầm tay với, anh không thể nào vốc được nắm cát mà đưa lên áp chặt vô ngực mình.

Người "nhà báo" quen thuộc đã đến gần bên anh:

- Sao? anh có tìm thấy gì không?

- Có. Quê hương tôi vẫn nguyên vẹn và đứng vững.

- Tốt lắm. Giờ mời anh vào trong này.

Hai người chui vào một chiếc lô cốt đắp nổi bằng những bì gai độn cát. ở đó cả "đoàn nhà báo" đều đủ mặt.

- Xin anh hãy yên tâm rằng máy điện đang phát. Hàng loa lớn đang được đặt gần bờ sông. Từ phút này từng tiếng thở của anh đều có thể dội thấu bờ Bắc.

Nhưng trước khi ấn công tắc, chúng tôi xin được phép xem qua bài nói của anh?

- Tôi không quen viết như các ông. Tôi cứ nghĩ răng nói vậy...

Người "nhà báo" nhăn nhó:

- ờ... Vậy thì... Hơi bất tiện...

Quyền mỉm cười:

- Các anh sợ tôi phản thùng ư? Một mình tôi trong tay bao nhiêu người...

- Không, không!... Chúng tôi không sợ. Thôi được, ta bắt đầu đi!...

Người "nhà báo" ấn tay, một tiếng "tách" phát ta. Quyền bỗng thấy run cả người như đang đứng diễn thuyết trước một cuộc mét tin lớn. Mà cũng đúng thôi. Anh đang nói trước cả miền Bắc thân yêu!

Nhưng bỗng Quyền chững lại. Có tiếng rè rè phát ra nghe như cơm sôi. Anh bậm miệng nghĩ mau: "Nó xỏ lá mình rồi!"

Người "nhà báo" ân cần nhắc :

- Mạnh dạn lên. Cả bờ Bắc đang chờ tiếng nói của anh đó...

- Hình như... Kẻ chờ tiếng nói của tôi nhiều hơn chính là các ông?...

- Cái!... cái gì?

Quyền mỉm cười:

- Mà thôi, cũng được. ít ra những điều tôi nói cũng không hoàn toàn vô ích. Các người thật uổng công bày biện. Tôi biết thừa, từ đây ra quê tôi, một tiếng vạc kêu cũng nghe rõ. Nhưng đó là tiếng kêu giữa khoảng trời tự do kia. Còn khi đã nằm trong tay các ông rồi thì có sát nhau bằng một nắm tay cũng không nhắn nổi. Hãy dẹp cái máy kia lại và nghe tôi nói đây. Tôi có thể chết nhưng không bao giờ phản bội!

*

Thế mới biết, mấy "nhà báo" ấy không những thạo văn mà còn nghệ cả võ nữa. Họ đã xả cái bực tức lên người Quyền bằng những cú đấm, cú đá rất nghề nghiệp. Kết quả cuốn băng ghi âm được vác về Sài Gòn Quyền thì phải vô nằm trong nhà thương Huế.

Những lời của anh không vòng ra được bờ Bắc thì đã dội trở lại miền Nam. Tại nhà giam Huế, người ta đã truyền lại nhau những lời đanh thép ấy trước cả khi anh bị giải tới. Những giờ lao công buổi sáng, nhiều người cố tìm cách đến gần anh để hỏi chuyện. Bao nhiêu điều muốn biết về miền Bắc, bao nhiêu nổi băn khoăn lo âu khi nghe tin từ mồm bọn chủ sự loan ra về chiến công của những phi đoàn không lực Hoa Kỳ. Tất cả sự thật chính xác nhất chỉ có thể nằm ở người thanh niên xứ biển bị tra tấn đến vàng võ thịt da này.

Một buổi sáng có một bà mẹ lân la đến gần chổ Quyền. Bà dựng chiếc chổi cán dài vô bờ tường rồi cúi người vốc nắm rác bẩn thỉu dưới chổi của anh. Giọng bà thì thầm gấp gáp:

- Nếu mạ được ra trước con có nhắn tin chi không?

Không thể nghi ngờ cái giọng nói run run lẫn nước mắt của người mẹ ấy, Quyền vờ quay đi hướng khác giọng thoảng như vô tình:

- Những điều cần nhắn con đã nói hết bữa trước rồi...

- Không... nó ác lắm. Tiếng con bị thu băng chứ chưa phát ra loa đâu...

Quyền khẽ mỉm cười:

- Răng mạ biết?

- Bọn lính coi tù nó kháo chuyện như vậy.

Quyền nhớ lại chuyện cũ và bỗng thấy vui vui. ít ra những điều tâm huyết ấy cũng đã được nhiều người biết đến.

- Bố của con là ông Chẩn ở Vĩnh Hòa. Mạ chỉ cần nhớ tên một người ấy thôi. Nếu mạ được ra trước thì nhắn giúp rằng, con vẫn sống và đang chiến đấu...

Có một người lính đi qua, bà mẹ đột ngột đổi giọng:

- Anh vun vun vô chút nữa thì tôi bốc nó mới sạch được chớ. Làm không đặng người ta mắng cho đó!

Quyền cúi xuống thấp hơn, đầu chổi di di trên nền cát.

Người mẹ lại thì thào:

- Còn nếu con ra trước thì nhắn với con Hoan ở ấp An Nha, Cam Lộ. Nếu khó thì tìm thằng Tùng, Lê Viết Tùng bộ đội ngoài Bắc đó... Mạ là mạ Xướng, nhớ không?

- Dạ nhớ. Nhưng chắc chắn là con không thể nào ra trước được. Con chỉ có thể tự do chừng nào miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà được thống nhất thôi...

*

Mẹ Xướng được ra tù trước. Điều đó theo Quyền thì dễ hiểu thôi, nhưng với mẹ lại quá bất ngờ. Mẹ được lệnh ân xá và phải đi ngay, không kịp chào những người bạn tù tám tháng đã qua sống cơ cực với mẹ, không kịp nhắn tin cho Quyền.

Mẹ mua chuyến xe đò chạy lúc một giờ chiều. Con đường quốc lộ chạy thẳng ra Bắc mẹ đã từng đi hết cả một thời con gái trên chiếc xe của chồng mà răng hôm ni lại bồi hồi nôn nao đến vậy? Qua cầu An Lỗ, vượt đất Phong Điền mặt đường nhựa bóng nhoáng hiện ra vệt vôi to bè và những nét chữ cũng bằng vôi trắng rốp.

Không cần ngó kỹ mẹ cũng biết là đã tới đất Quảng Trị. Đất của mẹ đây rồi, không ăn cũng thấy no! Con Hoan chắc đã trông đêm trông ngày héo hắt? Tội nghiệp cho nó, lớn xác vậy chứ rất trẻ con. Xa mẹ một ngày là ngớ ngớ ngẩn ngẩn, cái nhà không quét đặng, bữa cơm không nấu chín mà ăn. Tám tháng ni chắc cơ cực lắm! Có khóc nhiều không con?

Ra tới Đông Hà thì nắng chiều đã nhạt. Mẹ Xướng thả người xuống xe, đôi chân run rẩy vì đói nhưng chẳng thể ăn uống gì được lúc này, mẹ chạy sấp chạy ngửa tìm xe ra chợ Cầu.

Cũng may còn một chiếc xe đang lấy khách. Mẹ lật đật chạy đến vịn cửa xe trèo lên.

Bỗng có tiếng kêu:

- Ôi trời, bác Xướng!

Mẹ chững người lại. Mắt mẹ hoa lên chẳng nhìn rõ ai. Mẹ vịn vô thành ghế, ngồi bệt xuống nhắm nghiền mắt lại. Đến lúc mở được mắt ra thì khuôn mặt thím Hồng, người hàng xóm ở cạnh giếng nước mẹ, đã áp sát trước mặt. Bao nhiêu nhớ thương tủi cực bỗng như gặp dịp xối òa ra. Mẹ gục vô vai người hàng xóm mà khóc.

ý chừng cũng sốt ruột trước cơn sụt sùi kéo dài của mẹ, thím Hồng lên tiếng trước:

- Người ta có đánh bà lắm không?

- Không thím à!

- Rứa có hỏi han chi nhiều không?

- Dạ... cũng không. Không hề hỏi chi cả...

- ủa, bị bắt mà không đánh đập, không hỏi han, kỳ vậy?

Mẹ Xướng chùi nước mắt:

- Phải tôi cũng không biết tại răng...

Chị hàng xóm cười nhạt môi dưới hơi chìa ra. Mẹ Xướng tần ngần hỏi:

Rứa thím đi đâu chừ mới về?

- Tôi đi mua cá. Cứ tưởng Đông Hà rẽ hóa đắt hơn vàng. Chợ búa giá cả bữa ni thiệt chẳng biết răng mà lường.

- Tình hình ấp mình ra răng bác?

Thím Hồng bật ra một tiếng cười khô:

- ấp mình thì lúc nào chẳng giống lúc nào, bác? Ai tu chí làm ăn thời vẫn cứ kiếp giật gấu vá vai. Ai có thế có thần thời cứ trơn da thắm thịt. Cái khôn cái dại nói chẳng cùng bác ạ!

Mẹ Xướng hơi chột dạ trước những câu nhạt nhẽo mà cũng đầy hiểm ý ấy. Nhưng đầu mẹ lúc ni chẳng thể nào nghĩ ra được một điều chi sâu sắc hơn nữa. Mẹ nóng ruột muốn biết tin con.

- Rứa con Hoan tôi ra răng?

- úi chà, o ấy thì mạnh lắm. Mạnh dễ sợ bác ạ!

- Rứa mà tôi cứ lo đêm lo ngày...

Người hàng xóm lại mỉm cười, lần này cả hai môi của chị đều trìa ra:

- Gớm, bác lại tự mua khổ vào thân. Cái thời bác lo cho con cái nó qua rồi. Chừ thì đến lúc con nó lo lại. Ai chứ o Hoan thì rộng vai dài lưng, chả mấy chốc mà sung sướng đó bác ạ.

Mẹ Xướng khẽ nhíu đôi mày lại. Hình như trong câu chuyện có điều chi ý tứ xa xôi? Nhưng xa đã nổ máy. Người chen lên đứng chật thùng, đứng trồi ra cả sau nắp xe. Chẳng còn cách nào để hỏi han thêm được nữa. Xe lăn bánh, máy nổ dầm dề. Trong lòng mẹ râm rỉ một nỗi buồn vô cớ.

*

Người lính dân vệ gác cổng ấp không hề đảo mắt qua tờ giấy trong tay mẹ Xướng đang chìa ra một cách thành khẩn, anh ta hối hả dắt tay mẹ vô trình xã trưởng.

Xã trưởng, cái con người loắt choắt mà lúc nào giọng nói cũng vút cao lên, xưa nay vốn là điểm tập trung của mọi nỗi kinh sợ trong ấp, đêm nay bỗng dưng cũng nhũn cả người ra trước mặt mẹ Xướng. Lão đưa hai tay đón tờ giấy của mẹ, coi chiếu lệ rồi toét miệng cười:

- Gớm, coi là coi vậy chứ bà con trong ấp cả, ai đó mà giấy với má!...

Rồi lão rót nước ra chiếc cốc pha lê to mời mẹ. Lão lại bảo đứa con gái lấy trầu của mẹ nó ra mời mẹ. Nỗi ngờ vực ngày một tăng cao trong đầu mẹ Xướng đến mức mẹ gần như người ngớ ngẩn. Lão xã trưởng nói một thôi một hồi về tình hình ấp ta, về cuộc sống ngày một thay đổi của dân mình,về sự phá hoại ngày một tăng của bên họ... Lão nói nhiệt tình hăng hái y như đang đệ trình công việc với cấp trên. Rồi bất ngờ lão nhổm đít dậy:

- úi chết, tôi say chuyện làm mất thì giờ bác. Nào, bác về cho chị ấy mừng. Lấy cái đèn pin cho ba, con?

Mặc dù trăng sáng vằng vặc lão vẫn bấm chiếc đèn ba pin soi nhì nhằng phía trước. Mặc dù chỗ này đã kề ngõ của mẹ nhưng lão vẫn luôn mồm thuyết minh: "ấy chết, có cái rãnh, khéo trượt chân bác ạ!" "Đường chỗ ni hơi gồ ghề, bác bước cao chân lên một tí...". Và mặc dầu lão vẫn là xã trưởng, con người ghê gớm nhất cái ấp này nhưng vẫn lăng xăng dẫn đường cho một người tù mới được anh xá về tới tận ngõ!

Tới đây thì lão dừng lại:

- Thôi bác về nghĩ hí!- Rồi lão cười, hai mắt khép hờ lại- sông có khúc người thời có lúc bác ạ. Lâu ni có điều chi tôi chưa phải với bác, âu cũng vì trọng trách với cấp trên. Mong bác chín bỏ làm mười cho thì tôi đội ơn lắm lắm.

Lão quay đi, vẫn cái dáng loắt choắt hơi có phần lụ khụ ấy lăng quăng như một dấu hỏi vật vờ trước mắt mẹ Xướng.

Nhà mẹ đang đỏ đèn. Ngọn đèn hình như cũng sáng hơn mọi dạo. Mẹ khẽ ép người vô cửa, ngó qua khe hở của hai tấm ván khép hờ. Hoan đang ngồi quay lưng lại phái cửa. Một chiếc lồng bàn mới sắm úp trên mặt bàn. Ngọn đèn tỏa đăng bóng dài tỏa màu xanh chóa. Mẹ cảm thấy xốn mắt. Nó chưa ăn cơm? Nó đợi ai hay đang đợi mẹ? Chao ôi tám tháng rồi, không lý đêm nào cũng ngồi đợi mẹ như vậy răng con?

Tiếng cửa ken két mở. Hoan quay vội lại và thoáng một nụ cười. Rồi nụ cười cứ giữ nguyên như vậy mà khô đi, bở ra như củ sắn lùi bị nứt. Hoan cố đứng lên, hai tay run run quờ ra một cách vô nghĩa. Nụ cười méo dần, thần tiếng nức:

- Mạ ơi!...

Hoan chụp hai lòng bàn tay lên mặt, gục hẳn xuống. Mẹ Xướng chạy vội tới ôm lấy đầu con. Hai mẹ con cùng khóc. Một tiếng khóc thương cảm tràn trề, một tiếng khóc hổ thẹn tội lỗi. Nhưng giữa cái phút thiêng liêng cảm động ấy, người mẹ dù có tinh ý đến mấy cũng không thể nào nhận ra.

- Thôi nín đi con... Mạ về thiệt rồi... Người ta thả mạ, có giấy tờ chứng chỉ hẳn hoi. Chẳng có chi đáng sợ nữa... con nín đi! Mạ biết con khổ nhiều. Nhưng khổ chừ thời sướng sau con ạ... Mạ vẫn mạnh, con cứ sờ tay mạ mà coi?... Đừng khóc nữa rầu ruột mạ quá... Con!

Hoan cố nín nhưng không nín được. Mẹ càng khuyên chị càng khóc to hơn. Tiếng khóc rống lên như có mũi dao chọc vô cổ.

Bỗng dưng có tiếng Hon - đa rú máy phía ngõ, ánh đèn pha quét lướt qua sân rồi rọi thẳng vô hiên nhà. Tiếng xe tắt máy ngay ở thềm đồng thời với tiếng gọi:

- Em ơi!...

Mẹ Xướng quay vội lại. Người Hoan tự dưng run bắn lên, hai hàm răng va vô nhau lập cập.

Cửa mở nhanh. Một người con trai hiện ra trong ánh đèn tỏa đăng xanh chóa. Anh ta hơi sửng người ra một giây, chỉ một giây thôi, rồi bất ngờ từ cặp môi tròn trịa ấy phát ra một tiếng kêu tràn trề sung sướng :

- Mạ !... Mạ đã về !...

Mẹ Xướng cứng cả người như bị bó bột. Vành môi mẹ rưng rưng chực nói. Cũng chỉ một giây thôi, mẹ hiểu ra tất cả. Cái điều hệ trọng nhất đời đối với con đã đến rồi, chẳng lẽ con không chờ được mẹ về ư ?

Như đoán được ý nghĩ ấy, người con rể quỳ nhanh xuống giọng khẩn thiết:

- Mạ ơi ! Con biết như vậy là mang tội với mạ. Nhưng chẳng biết chờ đến khi nào. Đất nước lâm nguy, chiến tranh liên miên năm tháng, dù không dám nghĩ rằng mạ nghĩ lại chốn đất khách quê người nhưng cũng chẳng thể nào nắm chắc được cái ngày đoàn tụ. Con đã làm bốn lá đơn gửi cấp trên xin cho mạ, nhưng vẫn biệt tăm. Thôi thì trăm lạy mạ, thương lấy chúng con!... Mạ có hắt hủi, có chê bai điều chi thì con xin cúi đầu chịu. Nhưng với Hoan mạ đừng trách mắng nữa. Đời người chỉ có một lần mà cũng chẳng sớm sủa gì nữa đâu.

Những lời của người thanh niên nghe xót xa thê thảm quá khiến mẹ cũng thấy mủi lòng. Mẹ sờ tay lên vai đứa con rể và nâng khẽ anh lên :

- Thôi ... anh đứng dậy đi ! Đừng làm vậy người ta cười...

Đứa con rể ngẩng dậy, khuôn mặt vẫn đang rung lên trong xúc động. Mẹ xướng ngắm anh. Mái tóc cắt gọn, chiếc cằm cạo nhẵn râu chỉ còn hằn lại một vệt xanh mờ nhàn nhạt trong ánh đèn. Cái cổ tròn trịa hông đổ. Chiếc áo sơ mi trắng bong... Chợt mẹ dừng mắt lại. Con người này răng quen quá ?

Mẹ hỏi rất nhỏ :

- Rứa hai đứa biết nhau từ khi mô ?

Hoan lúc này đã lau khô nước mắt nhanh nhảu trả lời thay cho chồng :

- Dạ... anh ấy là trưởng đoàn tái thiết nông thôn ở ấp mình. Anh ấy về cái hôm có ông cố vấn và ông Phó tỉnh trưởng, mạ không nhớ à ?

Đôi tay mẹ Xướng tuột vội khỏi vai người con rể. Cặp mắt mẹ trồi ra, đôi má rung giật như lên cơn sốt. "Thì ra là nó, cái bọn đã bắt mẹ, cái lũ mà suốt đời mẹ thề không bao giờ ngồi chung chiếu. Trời ơi, nó là con rể của mẹ ư ?"

Tá hốt hoảng thụt lùi, thụt mãi tới tận tấm cửa. Miệng hắn méo xệch đi trong một giọng cười khổ sở :

- Kìa !... Mạ !.... Mạ làm sao thế ?

Bàn tay mẹ Xướng đã giơ lên gần ngang gò má Tá, nhưng rồi bàn tay ấy lại hạ xuống run lẩy bẩy. Tiếng mẹ chìm đi trong cơn ức:

- Tôi... Tôi lạy anh ! Anh tha cho gia đình tôi...

- Trời ơi ! Mạ... mạ nỡ nào ?...

- Lạy... anh... Tôi đâu có cái phúc trời cho ấy...

Hoan hốt hoảng chồm lên níu lấy tay mẹ:

- Mạ ơi ! con lạy mạ, mạ đừng đuổi anh...

Một cái tát nảy lửa vô má Hoan liền cùng với tiếng hét:

- Im ! Con đĩ !...

Tá vội chụp lấy tay mẹ :

- Mạ đừng đánh Hoan ! Mạ không được đánh Hoan !... "à, ra vậy!" Bao nhiêu sự kìm nén phút chốc vỡ bung. Mẹ Xướng gào lên dữ dội:

- Mày cút đi! Không mạ con chi hết! Con tao, tao dạy, mày lấy quyền chi mà can dự vô ? Hay mày định bắt tao lần nữa ? Trời đất ơi!Làng xóm ơi... Nó giết tôi, nó giết tôi rồi... ối trời ơi!...

ở bất kỳ chỗ nào thì tiếng la hét của người phụ nữ cũng có một uy lực ghê gớm. Tá hốt hoảng buông tay mẹ Xướng xô cửa chạy ra ngoài. Tiếng Hon- đa rú máy, chiếc xe không kịp bật đèn lao vù đi.

Mẹ Xướng định chồm theo nhưng đầu mẹ đã đập vô cánh cửa. Ngực mẹ dội ứ lên từng con thở tức tối. Đằng sau, tiếng khóc của Hoan nghe ri rỉ như tiếng dế. Mẹ quay lại. Trời ơi nó còn khóc? Nó khóc vì cái nổi chi đã chứ ? Oan trái lắm hay răng? Nuối tiếc lắm hay răng? Mẹ rít lên trong kẽ răng :

- Hoan ! Hoan... Con phải thề với mạ là từ nay không được nhìn mặt thằng ấy nữa ?

- Mạ !

- Im. Thề đi ! Nếu không mạ sẽ chết trước mặt cho coi.

Mẹ vùng người dậy vớ tay rút con dao lợ trên mái nhà. Mặt Hoan không cắt ra giọt máu:

- Mạ ơi!... con lạy mạ trăm lạy !...

- Thôi đủ. Đừng có van lạy nữa. Chị có thương chi mạ chị đâu mà van với lạy ?...

- Không, con thương mạ... con thương mạ!...

- Con thương mạ thì hãy thề đi! Hoan ?

- Trời ơi... mạ!...

Hoan nấc lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất, bọt miếng sùi ra. Mẹ Xướng hốt hoảng vứt con dao chạy tới. Mẹ ôm lấy người con mà lay. Bỗng mẹ rùng mình dừng lại. Bàn tay mẹ đã đụng tới phần bụng căng căng của Hoan. Mẹ cảm thấy rụng rời chân tay, giọng lạc đi trong thảng thốt :

- Hoan? Hoan? Con ngồi dậy đi!... Chuyện thế nào kể cho mạ nghe. mau lên!...

Tiếng Hoan đã thều thào :

- Mạ ơi!... Mạ đừng hỏi nữa...

- Không, mạ lạy con! Mạ lạy con ba lạy... Con nói đi? Chuyện như răng nào?

*

Chuyện đó xem ra có vẻ như rất đơn giản. Nhưng cái khó là không biết bắt đầu từ đâu.

Có thể từ khi Tá đặt chân tới cái nhà này. Cũng có khi từ những bữa cơm lặng lẽ so hai đôi đũa. Nhưng Hoan không thể nhớ hết. Chị chỉ còn nhớ rõ nhất là cái đêm mưa dột nóc nhà, cái giường của Tá được kéo sát lại tấm phên ngăn buồng và hai tiếng thở trong ngoài cứ so le nhau.

Sau đó mấy hôm Tá vẫn nhớ lời hứa của mình đã mang tôn về giọi lại chỗ dột. Chỉ có một điều Tá quên là không kéo chiếc giường ấy về chỗ cũ !

Sau đó mấy hôm thì Tá mua con gà về giết thịt. Anh ta nói, bấy lâu nay ăn dưa mắm trong nhà đã khá nhiều, nay cũng đóng góp chút ít gọi là thôi. Hoan bĩu môi bảo Tá là vẽ chuyện. Tá cười, mắt long lên ướt láy. Rồi Tá cắt cổ gà làm lông gà, xong thì kêu ngạt mũi. Đúng là Tá ngạt mũi. Cái bệnh ấy vẫn thường xuyên xảy ra với anh ta . Tá bỏ con gà nằm sóng soài trong chậu mà lên giường nằm. Nghĩ rằng để rứa không tiện, Hoan dậy bê đèn ra mổ thịt. Lúc đó Hoan nghĩ, chặt ra làm thức ăn thì mang tiếng mình bòn của người ta. Thôi "hắn" đã mua về thì nấu luôn nồi cháo cho "hắn" ăn một bữa cũng là gặp lúc "hắn" ốm càng dễ có lý do.

Nồi cháo nấu xong khá thơm tho thì cơn sốt của Tá có vẻ như càng dữ tợn. Anh trùm kín chăn rên hừ hừ. Hoan bê nồi cháo lên và lay vai Tá, gọi:

- Gắng dậy mà ăn nì? Ăn cháo vô hết cảm cho coi ...

ý chừng để người khác gọi nhiều bất tiện nên anh ta đã cố gượng dậy. Tá cảm ơn Hoan rồi kêu đắng miệng quá! Chợt anh sực nhớ ra:

- Chị làm ơn lấy chai rượu ở góc tủ... Chìa khóa đây!

Hoan cầm chìa khóa tới đầu góc nhà mở chiếc tủ con của Tá. Bỗng tay chị đụng phải những cục vuông vuông xếp chồng lên nhau. Những cục vuông vuông đỗ xuống, rơi ra ngoài. Hoan sợ hãi chạy lấy cây đèn lại soi. Trời ơi, tiền ! Tiền đâu mà ghê gớm vậy, lại cả vàng nữa. Cả đời mình cũng chẳng bao giờ ước nổi dăm cục vuông vuông kia ! Nhưng thôi kệ người ta. Hoan lôi chai rượi ra và cầm theo chiếc li. Nhưng khi chị tới mâm thì đã thấy Tá bày sẳn hai chiếc li pha lê. Rồi Tá đỡ lấy chai và rót rượu. Hoan nhăn nhó.

- Chịu...Tôi không uống được đâu?

Tá lắc đầu:

- Chả mấy khi chị ạ. Tính tôi chị cũng biết đó có hay rượu chè gì đâu. Nhưng hôm nay phải dùng một tí.

- Không anh cứ tự nhiên... tôi không thể uống được. Tôi... tôi bị huyết áp...

Tá cười. Phải thừa nhận là lúc nào anh ta cười cũng duyên, kể cả những khi ốm nặng như bây giờ.

- Chị đừng bịp thầy thuốc. Chị mà không uống thì dứt khoát tôi không ăn gì hết...

Lại rứa nữa ! Nũng nịu y như những lần mới ăn cơm chung dạo Tá mới đến. Thôi thì, uống quách một tý cho nó xong bữa !

Bữa cháo ăn khá lâu, lâu hơn bất kỳ bữa cơm nào hai người đã ăn chung. Trong bữa cháo gà ấy, Tá nói hơi nhiều nhưng chừ Hoan không nhớ hết. Ngay cả lúc đó chị cũng không nghe hết. Hơi men ngấm rân rân thái dương, rân rân lòng ngực, rân rân ra khắp da thịt. Nói tóm lại, bữa ăn kéo dài đến tận nửa đêm.

Rồi sau đó chao ôi lai ngứa. Ngứa khắp mặt mày, ngứa ra tận từng móng tay. Hoan len lén bò ra vườn rồi chạy ra giếng nước. Quá nửa đêm rồi chả còn ai trông thấy nữa. Hoan tắm.

Chị nhớ là lúc đó mình kì cọ khá lâu. Càng kỳ người càng nóng. Bỗng có tiếng động đằng sau, Hoan hốt hoảng đứng bật lên rồi lại hốt hoảng ngồi thụp xuống. Miệng chị ríu lại:

- Ôi chết anh ra đây làm chi?

Tá hơi sửng người ra rồi cúi đầu vẻ nhận lỗi.

- Chết thật. Tôi ngỡ chị ngủ rồi nên lén ra tắm. Nóng quá mà!...

Hoan không thể đứng lên được nữa vì trăng sáng quá. Nhưng trời ạ, Tá cũng chẳng chịu rút lui. Anh ta tắm thiệt. Con người liều đến rứa là cùng. Nhưng quá nửa đêm rồi, cả ấp chẳng còn ai thức nữa. Tóm lại cả hai cùng liều...

... Chuyện xảy ra cứ tưởng giản đơn, nhưng khốn khổ thay cho mẹ Xướng, vật vã suốt một tuần liền không nuốt nổi hạt cơm vô bụng. ruột mẹ thắt lai từng chặp. Tám tháng ở tù không tày một giờ sống ở chính nhà mình. Mẹ nằm thoi thóp trên chõng, mường tượng lại những lời châm chít của thím Hồng hôm gặp ở bến xe, thái độ vồn vã của người lính dân vệ gác cổng và sự xun xoe quá đáng của lão xã trưởng khét tiếng xưa nay... Chao ơi, thì ra mẹ đã mặc nhiên thuộc về phía đó, thậm chí còn có vai có vế hơn cả những tên ác ôn trong ấp này ? Cứ nghĩ đến đó mẹ lại vật người sầm sập trên chõng. Hai hàm răng cắn chặt vô đầu lưỡi đến mức nước mắt trào túa ra.

Mẹ cắn lưỡi máy lần nhưng không chết được. Đành phải sống vậy. Mẹ vịn giường đứng dậy ôm gói quần áo từ trong tù ra tìm lên nhà người em họ ở cuối ấp. Mẹ ở luôn lại đó.

(1) Mệ: như tiếng bà ngoài bắc

Đăng ngày 26/04/2010

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: hoài tố hạnh - 26/07/2012

Thương anh Quyền quá! Thương mẹ Xướng nhiều hơn

Chuyện xảy ra cứ tưởng giản đơn, nhưng khốn khổ thay cho mẹ Xướng, vật vã suốt một tuần liền không nuốt nổi hạt cơm vô bụng. ruột mẹ thắt lai từng chặp. Tám tháng ở tù không tày một giờ sống ở chính nhà mình.  Mẹ nằm thoi thóp trên chõng, mường tượng lại những lời châm chít của thím Hồng hôm gặp ở bến xe, thái độ vồn vã của người lính dân vệ gác cổng và sự xun xoe quá đáng của lão xã trưởng khét tiếng xưa nay... Chao ơi, thì ra mẹ đã mặc nhiên thuộc về phía đó, thậm chí còn có vai có vế hơn cả những tên ác ôn trong ấp này ? Cứ nghĩ đến đó mẹ lại vật người sầm sập trên chõng. Hai hàm răng cắn chặt vô đầu lưỡi đến mức nước mắt trào túa ra.
Mẹ cắn lưỡi máy lần nhưng không chết được. Đành phải sống vậy. Mẹ vịn giường đứng dậy ôm gói quần áo từ trong tù ra tìm lên nhà người em họ ở cuối ấp. Mẹ ở luôn lại đó.
Cửa gió là cửa khổ đau toàn diện, toàn tập, quá khổ, ai cũng khổ đau...


Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan