Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Chương 7 & 8


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BẢY 


Người đại đội phó vừa được bổ sung về đại đội trinh sát có cái tên rất uyển chuyển: Vũ Nam Khang. Tính ra về mặt trình độ quân sự trong đại đội này duy nhất anh là người có học đến nơi đến chốn. Vũ Nam Khang nhập ngũ năm 1962, tốt nghiệp trường Quân chính cuối 1964, về làm chính trị phó đại đội Một, tiểu đoàn sáu, trung đoàn 270. Trong phong trào thi đua" ba nhất", đại đội Một trở thành ngọn cờ đầu của Quân khu. Trước khi sát nhập 270 với khu đội, Vũ Nam Khang với tư cách thay mặt đơn vị đã đi dự đại hội Quyết thắng Quân khu rồi Quyết thắng toàn quân. Sau đó cùng với đoàn chiến sĩ thi đua, anh đã đi một vòng chu du gần khắp miền Bắc để báo cáo thành tích và kinh nghiệm xây dựng đơn vị. Từ buổi báo cáo thứ "nhất" tới buổi thứ "hăm tám" những thành tích đơn vị, kinh nghiệm lãnh đạo của chi bộ, cấp ủy đại đội Một đã dần dần chuyển thành những "nhạy bén", những "phát hiện", "xoay chuyển tình thế" cửa "tôi". Ngoài các buổi báo cáo chính thức, khi tiếp xúc tọa đàm riêng với các cán bộ đơn vị bạn, Vũ Nam Khang thường thở than một cách khiêm tốn: "Thực ra đơn vị tôi cũng còn nhiều khuyết điểm lắm. Cái chính là do khâu cán bộ chưa thật đều tay". Dĩ nhiên anh không nói toạc ra "đều tay" nghĩa là thế nào? Ai mạnh, ai yếu? Nhưng cứ nghe cái tiếng thở ra đầy "tinh thần trách nhiệm" ấy thì cũng dễ dàng đoán được cái ngụ ý đằng sau: "Nếu anh nào cũng nhạy bén như tôi thì đơn vị còn lên nữa..."Người ta hay có câu: Thầy thuốc nhìn đâu cũng có vi trùng! Với một người "có học" như Khang mà lại điều về cái đơn vị bộ đội địa phương huấn luyện vội vàng, điều lệnh sơ sai, trang bị xộc xệch, với một khung cán bộ được điều động từ đội ngũ sĩ quan dự bị ở các nông trường, cơ quan, xí nghiệp trở lại quân đội, thì rõ ràng nhìn vô đâu cũng thấy khuyết điểm, cũng thấy bực mình.

Cái bực mình đầu tiên của Khang là giọng nói ồm ồm, tiếng cười hề hề của ông chính trị viên. Cái giọng nói đó, kiểu cười đó vừa là biểu hiện sự thiếu "uyên thâm" về trình độ, vừa là không mang tính "nghiêm túc" của điều lệnh. Thế mà coi bộ chiến sĩ lại khoái. Như vậy, cả đơn vị này chẳng hơn gì một đại đội dân quân! Cái bực mình tiếp theo là hai chữ Hạnh phúc trên tờ báo tường. Thực ra hai tiếng đó lúc đầu cũng chưa có gì gây cho Khang khó chịu nhưng vì khi trao tờ báo cho chính trị phó, cái giọng ồm ồm của chính trị viên lại khen lấy khen để cái cậu chiến sĩ đã nghĩ ra tên báo đó. Ông ta lại còn khoe như khoe về đứa con đẻ của mình:

- Nó là thằng học sinh giỏi văn toàn miền Bắc đó. Đơn vị ta thiệt tốt phúc ông ạ!

"Một học sinh giỏi văn thì là quái gì? Thứ văn học trò, thứ tình cảm tiểu tư sản ấy chỉ tổ phiền phức cho lãnh đạo..." Thế là tự nhiên Khang thấy hai chữ hạnh phúc trên tờ báo tường nhuốm đầy sắc lãng mạn. Mà lãng mạn thiệt. Lại thêm hình vẽ một cô gái, tóc xõa kín vai, mi mắt tô dày? Không được! Không thể cho phép người chiến sĩ mơ màng, những chuyện "ái tình" vớ vẫn như thế. Đúng là cái ông chính trị viên này thiếu nhạy bén ghê gớm. Ai lại đi khen một tờ báo mất "quan điểm" đến mức này.

Bực quá! Chính trị viên lại đi họp trên tiểu đoàn chưa về, không có ai để tranh luận. Thôi được, phải gọi cậu Lợilên, xạc cho nó một mẻ.

Nhưng rồi cũng không kịp gọi Lợi lên thì Khang đã nhận được lệnh của tiểu đoàn, dẫn một chiến sĩ trinh sát vào Khe Me gặp đại đội trưởng để bàn giao địa hình. Thôi được, còn ở đại đội ni lâu dài, dần dần sẽ chỉnh đốn "chúng nó".

*

Thái được chọn đi trước cùng với chính trị phó.
Nếu tính thời gian và quãng đường thì sáng sớm mai ra đi cũng kịp chán. Nhưng Khang lệnh cho Thái phải lên đường ngay. Trước hết để chứng tỏ cái việc ra đi này hết sức quan trọng và cấp thiết. Nói chung công việc nào đến tay Khang cũng quan trọng và cấp thiết như vậy cả. Hai nữa (mà cái quan trọng hơn) phải vượt qua đồi đất đỏ Vĩnh Hòa, thị trấn Hồ Xá, bến đò Lâm Cao, là những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Đi đêm tuy có vất vả hơn một chút nhưng lại an toàn.

Thái bước vội vả gần như chạy sau đôi chân sải dài băng băng của chính trị phó. Hai người chưa nói với nhau một câu nào. Tính Thái vốn đã ít nói, lại gặp phải người thủ trưởng khá nghiêm khắc và đầy vẻ cao đạo kia nên càng phải dè dặt. Thỉnh thoảng "ông ấy" mới quay lại hỏi một câu trông điệu cười rất tiết kiệm:

- Mỏi chân hả? Các cậu rèn luyện còn kém lắm.

Thái đỏ mặt, cái cổ lại gầm gừ những âm thanh tối nghĩa.

Mặt trời của những ngày cuối đông cũng trôi về phía tây vội vã như bước chân của Khang và Thái. Khi hai người vượt qua được thị trấn Hồ Xá thì mặt trời cũng vừa khuất hẳn trong những đụn mây trắng đục hình bọt ếch sủi lên trên chóp núi Trường Sơn. Làng Vĩnh Long, Vĩnh Thủy hiện lờ mờ trong hoàng hôn như một vệt khói viền dài trước mặt. Bước chân Thái càng băm băm thì viền khói ấy càng đậm thêm. Tự dưng lòng anh thấy chộn rộn.

Từ ngày đi bộ đội tới ni. Thái là người ít nhớ nhà nhất. Bạn bè cứ bảo Thái vô tâm. Lắm lúc Thái cũng tự hỏi mình có phải vô tâm không? Nhưng thực ra, có cái chi mà nhớ. Ấn tượng gia đình trong đầu Thái là một sự bề bộn, ngổn ngang, mà cái nhớ thì thường phải rất giản dị. Cứ nghĩ như những bài học thuộc lòng dạo trước. Có khi những bài ca dao vớ vẩn chỉ đọc qua vài lượt là nhớ như in. Ngược lại, có những bài văn dài dòng, trục trặc đọc đến cứng đờ cả quai hàm mà vẫn không thuộc nổi dăm câu. Cái nhà gỗ năm gian của Thái tựa như cái bài văn rối rắm đó.

Nhưng chiều ni răng lạ quá! Cái viền khói trước mặt cứ rõ dần, rõ dần đến mức có thể nhận ra sự lay động của từng ngọn lá, khiến Thái nôn nao muốn chạy nhào vô. Suốt mười bảy năm lớn lên trong viền khói ấy, chưa lúc nào Thái tách được mình ra để nhìn lại nó với sự hấp dẫn kỳ lạ như hôm ni. Trách chi mấy đứa trong tiểu đội cứ bảo Thái chậm chạp. Nghĩ chậm, hiểu chậm, làm cũng chậm. Chừ thì Thái tự nhận thêm ra một điều nữa, tình yêu quê hương đến với mình cũng quá chậm.

- Ơ kìa, sao đi chậm thế?

Tiếng gọi giật của chính trị phó đằng trước làm Thái sực nhớ ra là mình đã bị tụt lại, anh lật đật chạy đuổi theo.

Đến bờ sông thì trời tối mịt. Cũng may đò đang đợi sẵn bến bên này. Thái chống tay nhảy vô đò rồi chạy tụt lại đằng lái. Khang lặng lẽ ngồi đầu mũi. Gió đông thổi lành lạnh, mặt nước đen kịt, chảy âm thầm.

Phải một lúc sau bác lái mới nhận ra người quen.

- Trời đất, thằng Thái hí? Về răng chừ đó cháu?

Thái trả lời lí nhí:

- Dạ... cháu mới về chừ.

- Được phép há?

- Dạ, cháu đi công tác.

- Công tác à? Nhưng có qua nhà được không?

Thái liếc mắt về phía mũi đò, giọng ngập ngừng:

- Dạ... chắc không.

Bác lái thở ra một tiếng rõ to rồi nhún cả người đẩy mạnh mái chèo.

- Chà, quân sự có khác. Lúc chiều chị Phương mi vừa mới qua đây, tau cũng có hỏi chuyện...

- Chị Phương cháu đi đâu mà qua đò, bác?

- Chẳng biết, hình như lên mậu dịch. Từ khi mi đi bộ đội, con Phương cũng ít đi lại. Việc búi xùi mà...

Bác lái chép miệng mấy cái rồi lại nhún người đẩy mạnh mái chèo. Con đò xuôi gió đông, lướt như trôi.

Lên khỏi đò, hai người lúi húi bước trong bóng tối, trên khúc đường đất đồng mờ trắng.

Đường khó đi nhưng chân Thái quen lắm rồi. Chao ôi, còn mấy trăm mét nữa? Sáu trăm? Chi đến, năm trăm thôi. Tim Thái đập chôn rộn như nồi cơm sôi.

Bất ngờ Khang đặt tay lên vai Thái, giọng nói nhẹ hẳn:

- Nhà cậu ở gần đâu đây à?

Thái đáp líu ríu:

- Dạ... đó rồi tề! Ngay bên đường ta đi, thủ trưởng ạ!...

- Thế hả! Nhà cậu có đông không?

- Dạ đông ạ. Còn bố, mạ, chị Phương, các em...

- Thế hả! À... Thế chị Phương cậu làm gì?

- Dạ, trước đây đi thể dục thể thao trên khu vực, chừ về làm hợp tác...

- Thế hả!...

Hai tiếng "thế hả" cứ đều đều chen giữa những câu trả lời rối rít của Thái. Rồi bất ngờ Khang dừng hẳn lại, nói oang oang đầy vẻ sảng khoái:

- Này, cậu muốn ghé qua nhà chút không?

Thái sướng rơn người. Không ngờ người thủ trưởng có vẻ cao đạo kia lại tâm lý và rộng lượng đến vậy. Thái nói bối rối:

- Dạ... muốn lắm. Nhưng có muộn không?

- Thôi được, cứ vô thăm bố mẹ một tý. Tâm lý chiến sĩ tớ là thằng hiểu sâu nhất.

- Dạ...

- Mấy lại, tớ cũng cần tìm hiểu thêm gia đình chiến sĩ của mình. Từ ngày về lãnh đạo đơn vị đến nay, bận bịu quá chưa có dịp nào thăm hỏi hoàn cảnh từng anh em đuợc. Đó cũng là một khuyết điểm. Chắc anh em trách lắm phải không?

Thái cúi đầu nín lặng. Tuy có chậm hiểu thực, nhưng trước những lời ân tình tha thiết đó, Thái cũng thấy dâng lên trong lòng niềm cảm động rưng rưng.

*

Có lẽ đã lâu lắm rồi nhà Phương mới có một bữa vui vẻ như đêm ni. Người ta kéo tới mỗi lúc một đông. Lúc đầu là bọn trẻ. Chúng nó cứ vây lấy Thái giằng cái mũ tai bèo xuống đội thử, xách cái ba lô cóc lên mang thử rồi vung tay, xoạc chân bước đều. Đến khi mấy thím, mấy chú rồi cả những ông già, bà lão láng giềng nghe tiếng chống gậy lục đục tới thăm thì bọn trẻ níu tay Thái kéo lảng ra. Chúng cứ lúi húi, rúc rích với nhau ngoài sân rồi thoắt cái biến đi hết. Thành thử người tiếp chuyện nhiều nhất với bà con lại là Khang.

Khang ngồi ngay ngắn ở giữa chiếc ghế băng kê trong cùng, hai tay đặt song song một cách nghiêm túc lên mặt bàn, gói thuốc lá "Tam đảo" mới bóc tem lúc nào cũng được lòi sẵn ra một điếu. Chốc chốc Khang đứng dậy hai tay nâng gói thuốc lên, giọng anh lịch thiệp, chọn lọc như một chàng rể trong ngày cưới:

- Dạ, cháu mời bác! Mời chú! Mời anh!... Nào, mấy em hút điếu thuốc thẳng cho nó thơm. Tiếc quá không có kẹo mời các o nhỉ!

Mấy o con gái nép đằng sau cột nhà cười khúc khích. Một chị trạc tuổi trung niên ngồi tựa lưng vô tấm cửa, mồm ngậm điếu thuốc quấn cả lá to bằng ngón tay cái, nói oang oang:

- Chà, thủ trưởng mà coi trẻ quá, đẹp trai mà có vẻ tri thức hí?

Khang khẽ dướn cặp lông mày cong như nét vẻ lên, cười ra bộ thẹn thò:

- Dạ, chị nói vậy mà tôi lại là người ế vợ đó.

- Trời đất, ế đâu chứ chả ế làng ni. Nó đang đứng cả đám nhòm thủ trưởng đó.

Tiếng cười đằng sau cột nhà lại rúc rích trồi ra. Rồi ai đó nói lí nhí câu chi nghe không rõ, tiếng đấm lưng thùm thụp, tiếng cười ré lên rồi mấy o túm lấy tóc nhau rồi chạy sình sịch ra sân.

Ông Cầu chạy vô, chạy ra như một người qúa bận bịu. Thực ra, ông chẳng có việc chi để làm cả. Còn dì Lài, chặp chặp lại thở ra: "Cái thằng, về đến nhà lại chạy biến đi. Nó chỉ biết có bạn bè, thiết chi cha mẹ đâu..." Mạ Ngải chậm rãi ngắt lời dì: "Kệ nó mà, càng đông bạn đông bè, càng quý". Rồi mạ ngồi chen với mấy bà hàng xóm, mồm nhai trầu, cười hể hả nghe chuyện chú thủ trưởng đẹp trai.

Có mỗi Phương là bận rộn thật sự. Cô chạy ra vườn bẻ nắm lá chè xanh, vò kỹ, nhét vô nồi bắc lên bếp. Rồi Phương bắt con gà mái tơ mới mua về nuôi riêng chừng nửa tháng ni, đem vô giết thịt. Nhoáng một tý nồi cháo đã râm rỉ sôi. Đến lúc đó Phương mới tạm rảnh tay, cô pha nước mới vô ấm, xách lên nhà.

So với mấy o trong cái xóm nhỏ này, Phương là người có dáng người, dáng đi thanh thoát hơn cả. Có lẽ vì rứa mà đôi mắt vốn hay nhìn lim dim của anh thủ trưởng đẹp trai kia phải bất ngờ trố ra khi Phương sẽ sàng đặt ấm nước xuống trước mặt. Hình như Phương cũng nhận ra cái giây phút "chụp ảnh" ấy, nhưng không như những cô gái khác bối rối, thẹn thò cúi mặt rồi lè lẹ rút lui, Phương ngó giả lại "thủ trưởng" bằng cặp mắt tròn xoe và cặp môi khẽ nhếch cười:

- Mời thủ trưởng xơi nước ạ!

Phương bắt chước giọng miền Bắc rất khéo khiến Khang phải há tròn mồm ra, kinh ngạc.

Không hiểu sao, câu chuyện của người thủ trưởng đẹp trai mỗi lúc một chểnh mảng và nhạt dần. Bà con chú bác lải rải đứng dậy chào gia đình đi về. Đến khi chiếc loa công cộng ở sân kho hợp tác kéo lê mấy tiếng "tút, tút..." báo hiệu chín giờ thì khách khứa cũng vừa vãn hết. Ông Cầu đã ngáy khò khò tự lúc nào.

Thái chạy hấp tấp từ ngoài ngõ vô, giọng hổn hển:

- Thôi chết, chín giờ rồi thủ trưởng nờ! Đi thôi, khéo muộn mất...

Phương ngó em sửng sốt:

- Răng? Đi chừ à?

Khang gõ nhẹ ngón tay lên mặt bàn, dáng trầm tĩnh đắn đo. Rồi bất ngờ anh xoay hẳn người sang phía Thái:

- Cậu về thăm nhà mà chả nói chuyện gì với bố mẹ cả. Bà mẹ đang trách đấy.

Thái liếc mắt sang giường dì rồi đưa tay lên gãi gãi sau gáy. Khang vẫn gõ nhẹ ngón tay xuống bàn, giọng nhỏ nhẹ nhưng nghiêm khắc:

- Con người ta không thể chỉ sống có xã hội mà quên hết gia đình. Lòng yêu nước phải bắt nguồn từ lòng yêu gia đình, cậu ạ!

Anh dừng lại khá lâu như muốn để cho những lời răn dạy của mình thấm sâu vào tận từng tế bào đại não của Thái. Rồi anh đứng dậy, đột ngột tuyên bố:

- Thôi, cho phép cậu nghỉ lại. Mai đi sớm, rõ chưa?

Một lần nữa, căn nhà lại chộn rộn hẳn lên. Thái rưng rưng cảm động. Phương chạy xuống bếp bâng nồi cháo gà. Mạ Ngải lúi húi rũ chiếu, dọn giường để khách ngả lưng. Dì Lài thì túm lấy tay Thái kéo lại chiếc chõng của mình, rồi dì vuốt ve từ đầu xuống cổ, từ cổ xuống lưng. Vuốt tới đâu, tiếng thở dài thương cảm của dì kéo thượt tới đó. Còn lại mình Khang anh chạy xuống bếp loáy hoáy, cười nói nửa như khách, nửa như người nhà:

- Nào, để xem chị Phương chiêu đãi những gì đây.

Cả nhà xúm xít quanh nồi cháo gà. Khang vẫn nói nói cười cười, mời mọc y như chính mình là chủ. Thỉnh thoảng cặp mắt lim dim của anh khẽ liếc qua Phương. Tiếng húp cháo sộp soạp. Không ai để ý tới điều này, từ chập tối tới giờ không hề có tiếng máy bay. Thỉnh thoảng lắm mới có vài loạt súng rời rạc nổ phía bên kia tuyến, không đủ để Khang phải giật mình!

Ăn cháo xong, ai về giường người ấy. Khang và Thái ngủ ở bộ ván kê cuối hồi nhà. Chỉ còn có Phương lúi húi dọn dẹp dưới bếp.

Gần nửa tiếng sau, Phương mới bê cây đèn lên đặt trên nắp hòm ở đầu giường mình. Rồi cô kéo ba lô Thái lại, mở dây thắt miệng ba lô ra, lục xáo tất cả áo quần của em lên xem có cái nào rách cần vá lại? Phương biết tính em vốn không được cẩn thận, lại cũng chẳng nhanh nhẹn bằng người ta. ở đơn vị chắc có bạn có bè nhắc nhủ, nay phải đi lẻ một mình vào trận mạc, không biết có trọn vẹn chu toàn không?

Bỗng có tiếng dép kéo rất khẽ trên nền đất, Phương ngước lên. Tấm áo sơ mi trắng đang tần ngần trước mặt. Cô hơi chột dạ.

Anh... Không ngủ được à?

Vũ Nam Khang nghiêng đầu nhìn lệch qua vai Phương rồi bất ngờ hạ giọng:

Khó ngủ quá! Chị Phương có vẻ thương em nhỉ?

Phương thoáng mỉm cười và nghĩ nhanh: "Thì ra xưa nay mọi sự bắt đầu xa xôi ấy đều có chung một dạng giống nhau... Đây biết thừa rồi".

Ngày mai anh em chúng tôi sẽ qua bên kia tuyến... Những gì sẽ xảy ra nhỉ? Đêm nay kỳ lạ quá...

Đúng là kỳ lạ. Bởi vì, mặc dù Phương biết chắc cái mảng trắng trước mặt đang muốn gì nhưng cô vẫn không hề thấy tức giận. Dù sao - Cô nghĩ vội - trường hợp này cũng có cái khác. Ngày mai họ vô trong ấy, chuyện ấy là có thực. Nghĩ mà thấy thương thương... Phương khẽ thở ra một tiếng se sẽ rồi với tay vặn to ngọn đèn và cô ngồi xích qua một tý như có ý nhường chỗ. Tức thì Khang ngồi xuống ngay.

Chà, cậu Thái ngủ say quá nhỉ?... Vô tư thật. Với lứa tuổi ấy, chẳng cần biết ngày mai sẽ như thế nào. Cũng không cần hiểu nhiệm vụ đang chờ sẽ ra sao...

Phương bồn chồn bước lên:

- Nhiệm vụ... Khó khăn lắm hả anh?

Khang gật đầu rất ý tứ, mắt anh khép lại lim dim đầy vẻ ưu tư. Ngẫm nghĩ một lúc Khang lại chép miệng:

- Cũng không nên cho cậu ấy biết. Tôi còn thì cậu ấy còn... Thậm chí, nếu cần thì tôi sẽ phải ngã xuống thay cho Thái... Cậu ấy trẻ quá, đáng yêu quá.

Đôi mắt Phương chớp chớp. Rõ ràng cô cảm động. Con người ngồi bên cô bỗng lồng lộng cao lớn biết dường nào!

Nhưng cùng lúc ấy có một bàn tay nào đó, ở một nơi nào đó đang chạm nhẹ lên tay Phương. Cô vội rụt tay lại. Nhưng muộn rồi. Bàn tay ấy đã cầm chặt cổ tay Phương, làn hơi nóng chuyền râm ran...

Phương nhíu nhanh mày lại, đôi mắt tròn quắc lên. Nhưng, chính đôi mắt đầy vẻ ngang bướng ấy, xưa nay vẫn là đôi mắt cả tin và lượng thứ...

Chị Phương... Có thể thời gian nữa em Thái sẽ trở lại... Còn tôi, tôi hiểu những gì đang chờ đón trước mặt. Nhưng tôi không sợ, không tiếc, không lùi... Dù sao đêm nay tôi đã biết Phương... Tôi đã có thêm một nơi để nhớ... Thế này hơi vội vàng quá phải không? Phương thứ lỗi nhé!... Chiến tranh và đời lính... Chẳng có lúc nào thư thả đâu...

Bàn tay Phương gần như bất lực, mềm hẳn trong tay Khang. Có thể nào lại như thế? Phương ơi, mi ơi, hãy dừng lại đi! Hãy phản kháng đi!... Nhưng những tiếng nói bùi ngùi vẫn ngân lên da diết... Trời ơi, ai giúp tôi với... Phương hốt hoảng la toáng lên:

- Đừng... Thái ơi! Thái ơi!...

Mảng trắng vụt bật dậy, nhảy vụt ra xa.

Tiếng ghế đổ sầm.

Cả nhà choàng tỉnh, ú ớ hỏi.

Phương vẫn ngồi lì trên mép giường, người run bật bật. Mạ Ngải lật đật chạy lại. Phương vẫn ngồi trân trân. Thái cũng vọt dậy tự lúc nào. Cả nhà nháo nhác như mất trộm.

Thái ngơ ngác chưa kịp hiểu ra thì Khang đã xộc chiếc ba lô lên vai, quay nhìn cả nhà, khuôn mặt ráo hoảnh loang loáng trong ánh đèn:

- Cảm ơn bố mẹ, cảm ơn cả nhà nhé! Chúng con phải đi đây.

Thái hốt hoảng đút chân vô giày, buộc chằng buộc chịt. Khang đã ra đến giữa sân, nói vọng vào giọng nghiêm khắc:

- Lính trinh sát gì mà chậm như rùa thế? Khẩn trương!

Thái chẳng kịp chào ai, xách ba lô nhào ra theo.

*

Chuyện xảy ra đã hai ngày rồi mà Phương vẫn bàng hoàng. Cả nhà vẫn chưa biết nếp tẻ ngọn ngành ra răng cả. Phương không nói. Nói ra làm chi. Phương đi cấy mặt cứ cúi gằm xuống ruộng. Mỗi bận ngẩng lên, bắt gặp bất cứ mặt ai ngó mình, mặt Phương cũng nóng ran lên y như người kia đã tỏ thấu mọi chuyện. Nhưng ở đời cứ cố tình giấu diếm điều chi thì thiên hạ lại hay để mắt tới điều đó. Trong đám bạn bè Phương, có con Tuất là "láu cá" hơn cả.

Buổi chiều cấy xong, trên đường về, Tuất đã nấn ná chờ Phương tới gần, bắt nọn:

- Nì, tau biết hết rồi, đừng có giấu...

Phương đỏ rân hai má, quắc mắt ngó bạn:

- Biết chi? Đừng có nói ba láp.

- Ba láp với chả bốn láp! Đố tau nói?

- Đố?

Tuất nheo mắt một cái rồi vung tay ra trước mặt, giọng uốn éo:

- Này nghe... Thư ông Đường về?... Này nghe, rất chi là thương nhớ!... Sắp tết rồi, anh sẽ về với em... Mùa xuân ni chúng mình sẽ tổ chức...

Phương cười phì một tiếng rồi ngậm bặt. Nỗi chua xót bất ngờ trào lên. Ôi, đàn ông! Thì ra là vậy cả.

- Này nghe, rồi chúng mình sẽ có đứa con trai... hì hì... Tốt nghiệp xong anh sẽ về sống bên em mãi mãi... Đúng không? Hả?

Phương mím miệng gần như cười mà cũng gần như khóc, rồi đột ngột quay sang bạn gật mạnh đầu, buông thõng:

- Đúng!

Tuất khoái chí nhảy cĩng lên:

- Thánh chưa!

Có tiếng gọi đằng sau:

- O Phương phải không?

Cả hai cùng quay lại. Chiếc xe đạp "không chuông, không phân, không gác - đờ - bu" của bác bưu điện ọc ạch chạy tới.

- O có thư đây!

Tuất reo lên:

- Đó, thấy chưa? Mà thư ai rứa bác?

- Không có tên, chỉ thấy đề hai chữ Hà Nội...

- Rồi. "Nhân bảo như thần bảo" nghe Phương!

Phương bần thần như người mê ngủ. Không lẽ con Tuất nó nói rứa mà đúng ư? Tay Phương run run đỡ lấy chiếc phong bì màu hoa lý rất lịch sự từ tay bác đưa thư. Con Tuất còn nói léo nhéo những chi nữa nhưng Phương không nghe thấy. Cô cũng quên cả lời cảm ơn bác bưu điện, cúi mặt đi như chạy về nhà. Đến gần bụi trúc đầu ngõ, Phương mới chợt sững lại. Tại răng mình lại mừng hè? Thư của một con người đã ruồng bỏ, đã cắt đứt! Người ta còn muốn chi ở mình nữa? Phương lật qua, lật lại chiếc phong bì màu hoa lý. ừ, nét chữ nghiêng nghiêng như hệt dáng đi của anh đây!... Rõ ràng mình có nhớ. Mà nhớ thật sự, nhớ day dứt nữa kia. "Phương ơi, răng mi hèn yếu đến vậy?"...

"Em yêu thương"...

Mắt Phương nhòe ra. Nỗi tủi hờn tào lên không răng kìm được. "Em yêu thương". Đã bao lần nghe anh gọi, nhưng răng chừ những tiếng ấy lại xa xôi, mơ hồ đến vậy! Phương cắn vành môi, nước mắt lăn dài trên má.

"Hà Nội vào xuân sớm hơn mọi nơi nhưng lòng anh vẫn lạnh se một nỗi buồn hiu quạnh. Trường đã nghĩ học hai hôm rồi, bạn bè đều về phép tết, anh lang thang một mình như con nai lạc giữa chốn đô hội, ngẩn ngơ..."

Vẫn dáng chữ nghiêng nghiêng đây, không lẫn, mà răng cái tình cái ý thì nghe là lạ, lạnh lẽo như một hơi gió vớt cuối đông...

"... Không có em đi bên, Hà Nội bỗng thành hoang vắng. Lắm chiều anh tới Hồ Tây, giữa những lứa đôi dìu dặt, anh thui thủi ngồi lặng một mình, nghe hơi lạnh từ chiếc ghế đá mồ côi ngấm vào da thịt. Anh như nạo vét hết thìa cuối cùng của sự cô đơn..."

Những giọt nước mắt trên má Phương đã khô từ lúc nào. Mặt cô nóng dần. Không một lời hỏi thăm, không một chút săn sóc, lại càng không hề gợi chút ân hận nào, cả bức thư của Đường là những lời rầu rĩ, kêu rên.

"... Em ơi! Anh ngẩng nhìn vào trong đó, hơn nữa ngàn cây số cách ngăn, biết rằng em cũng đang trằn trọc, da diết nhớ anh. Anh chỉ mong em nghĩ lại, chưa muộn đâu. Hãy nghĩ suy thật đầy đủ những điều anh đã nói..."

Phương ném mạnh lá thư lên chiếu, nằm vật xuống giường. Chao, những kẻ đê tiện lại hay lên mặt dạy người, bắt kẻ khác phải ăn năn! Những kẻ đó răng mà đồng dạng với nhau từ kiểu cười, cách nói, cả đến sự phỉnh nịnh gạt lừa. Bọn họ, dù là mang vẻ kiểu cách trịnh trọng như cái "lão" đêm kia, hay yểu điệu mỏng mềm như con người đã biền biệt này, tất tất đều có chung một lòng tham vô đáy, sự ích kỷ vô cùng. Bọn họ chỉ biết xin mà chẳng bao giờ dám cho, chỉ biết nhận mà không hề dám mất đi chút đỉnh. Biết rứa, đêm nọ mình chưởi thẳng vô mặt "lão" kia, hay ít ra cũng kêu toáng lên... Răng mình hèn vậy? Không phải hèn, mà dại cũng chẳng phải dại, do mình hay mủi lòng quá đó thôi... Hãy nhớ lấy bài học này Phương ơi!...

Phương vùng người ngồi dậy, vớ cuốn sổ chấm công, xé giật một trang ở giữa. Cô kê trang giấy lên bìa sổ đặt lên mặt gối, cúi gằm người viết hằn học:

Anh Đường!

"Xa nhau có nhớ thiệt, tôi cũng chẳng nói dối lòng mình. Nhưng tôi nhớ là nhớ tới con người anh từ một năm về trước. Răng lúc đó anh rộng lượng đến vậy? Anh chân thành đến vậy? Yêu anh vì anh biết chăm chút đến khả năng tôi, biết hướng cho tôi những ước mơ tốt đẹp. Đúng, tôi đã yêu anh thực sự, yêu hết lòng. Chỉ vì lúc đó tôi chưa hề nhận ra rằng, mọi sự chăm chút kia, vun đắp ấy rốt cuộc cũng chỉ để dần cho anh..."

Tay Phương run lên. Kỷ niệm cuộn về xót đắng. Bao nhiêu năm tháng ấy, bao nhiêu tình thương ấy liệu có rót đầy tấm lòng vị kỷ kia không? Đã rứa thì nhắc lại làm chi nữa? Nói để mong người ta ân hận, trở lại với mình ư? Có lẽ lòng tốt đó nên dành cho một người con gái khác, người con gái nào đó đến với anh ấy sau mình. Còn nói để trả thù ư? Thì hóa ra mình cũng ích kỷ! Mà cũng tại mình đã yêu người ta, nếu không thiên hạ ngoài đời còn khối kẻ như vậy, sức đâu! Thôi, trước hết nên tự trách mình, người xạ thủ đã lấy sai đường ngắm, còn khi viên đạn đã ra khỏi nòng rồi, giận nó mà làm chi!

Phương xé đôi trang giấy viết dở, lại chồng lên nhau xé làm tư, rồi lại chồng lên xé làm tám... Những mẫu giấy vụn rơi lả tả vật vờ xuống nền đất, lốm đốm như những chấm vôi.

CHƯƠNG TÁM


Trời lại lất phất mưa.
Tấm phông mỏng màu da trời căng sát dãy phi lao ngấm đều nước mưa chuyển thành vỏ cây xâm xẩm. Mấy chiếc Mi-cờ rô dựng giữa nền đất pha cát cũng lấm tấm bụi nước. Nhưng buổi biểu diễn của tổ xung kích đoàn văn công "Tiền tuyến". Vẫn không dừng lại. Trước hết bởi vì cái ý nghĩa hết sức trang nghiêm của nó. Đây là buổi tiễn chân tiểu đoàn lên đương chiến đấu. Hai nữa, khán giả hình như không một ai để ý tới mưa, các hàng quân ngôi thẳng tắp súng tựa vai, mồm há rộng nghe như nuốt từng lời ca, tiếng nhạc. Diễn viên tuy có vất vả nhưng chả mấy khi có một đối tượng khán giả nhiệt tình đến vậy nên vẫn đàn vẫn hát, vẫn cười duyên.

Xong phần ca nhạc, chuyển sang phần kịch. Trên sân khấu các diễn viên lịch kịch khiêng ra hai bụi cây, mắc một chiếc võng, treo ở đầu võng mấy cái bi đông, túi thuốc. Lợi dung phút chờ đợi đó, dưới khán giả loạc xoạc căng áo mưa kê lại chỗ ngồi. Hàng ngũ hình như dồn lại, phồng to ra.

Lợi thu người trong tấm áo mưa màu nước sẫm, nghiêng đầu ngó qua vai trung đội trưởng. Từ khi bắt đầu buổi biểu diễn đến giờ, Lợi hình như không để tâm tới các tiết mục. Sau buổi biểu diễn này là giờ phút ra đi. Bài diễn văn đưa tiễn, tiếng hát đưa tiễn, cái cuíu chào cũng đưa tiễn... Lòng Lợi lâng lâng một nỗi niềm khó tả.

Mới hôm nào lớp học tiễn đưa anh lên xã tập trung. Văn nghệ xã lại đưa tiễn anh lên khu đội. Giã từ và ra đi, cuộc sống nên thơ thiệt. Một chuỗi dài đưa tiễn, tiễn đưa diu dăng bao nhiêu kỷ niệm. Với một tâm hồn dễ xao động như anh, kỷ niệm càng nhiều càng thêm nặng khánh...

Trên sân khấu một cậu diễn viên ngồi thử lên võng để kiểm tra các mối buộc. Không ngờ trời mưa, đất nhão, cái bên trái đổ kềnh, anh ta ngồi bịch xuống dưới đất. Đám lính trẻ được dịp cười rộ lên. Lợi cũng bật cười. Cái lối diễn ngoài trời ban ngày và cung cách trang trí thô sơ kia khiến anh nhớ tới những kỳ hội diễn "Mùa hoa phượng" của trường cấp ba Hồ Xá. trong những lần đó, Lợi là cây xuất sắc nhất. Anh sáng tác tự đạo diễn và đóng luôn những vai chính. Cũng bôi mặt khiêng bàn, cắm cây như rứa... Nhưng thật ra những năm chưa có máy bay Mỹ hội diễn được tổ chức tại nhà hát thị trấn. Đèn "lúp", đèn "tỏa", phông đỏ, phông xanh, coi oai chẳng kém những đoàn văn công chuyên nghiệp. Chỉ có lần hội diễn cuối cùng tổ chức tại nơi trường sơ tán là tội nghiệp quá trời. Lần đó Lợi không tham gia. Đám học sinh khối mười đều thế cả. Có chăng chỉ giúp một tay vô công việc dẹp trật tự. Khối tám và chín biểu diễn. Còn lại đám cấp hai và trẻ con trong xã làm khán giả. Diễn buổi chiều, nắmg chang chang, bụi đát đỏ bốc mù mịt. Tiếng hét la của "khán giả" nheo nhéo át cả tiếng hát của diễn viên. Trẻ con bò sát tới sân khấu, gác cằm lên nền đất mà ngó ngửa lên người diễn. Các thầy giáo tay đeo băng đỏ, tay cầm gậy múa tít như người luyện võ, nhưng chẳng dẹp nổi ai. Rồi bất ngờ máy bay ập tới, kẻng báo động đạp huyên náo. Khán giả la hét xô nhau chạy ào qua sân khấu, giẫm bẹp cả phông màn. Hội diễn mặc dù được chuẩn bị khá chu đáo vẫn phải giải tán một cách vội vàng và bối rối...

... Vở kịch "Mùa xuân" đã đến đoạn cao trào. Anh bạn vờ nhận mình là y tá tới đón người sốt rét đang lúng túng trước những câu hỏi vặn của cô dân công, nói liều: "À... mát rồi, mát lạnh đi. Chắc chỉ còn khoảng mười độ...".

Lính xem bò ra cười. Cô gái đóng vai "Dân công" khẽ nguýt một cái rồi cái miệng đưa như hát: "Tôi phiền là phiền cái anh y tá này này...".

Lại cười. Khán giả đám lưng nhau thùm thụp. Tiếng cười át cả tiếng diễn viên.

Vở kịch kết thúc giữa tiếng cười hễ hả. Diễn viền ùa xuống bắt tay bộ đội. Chiến sĩ được lệnh giải tán, họ vây vòng trong, vòng ngoài bô bô tán chuyện. Lợi buộc lại ni-lông, tách khỏi vòng người quanh ra phía sau tò mò nhòm ngắm. Cái đội xung kích này đi diễn giản dị thiệt. Tất cả có hai xe. Ba chiếc mi-cơ-rô, một âm-li , một tấm phông mỏng. Đã có lần Lợi ước ao trở thành diễn viên chuyên nghiệp, nhưng khi tiếp xúc với một vài đoàn đồ đạc cồng kềnh, lại thêm con bồng, con bế, tay xách nách mang, anh lại thấy chán ngay. Nếu làm văn công mà cứ kiểu ni, đi đó đi đây thì cũng hay hay.

Lợi thuận chân vòng ra sau chiếc xe tải, Có mấy diễn viên đang tẩy trang. Mùi phấn son phảng phất khêu gợi. Một khuôn mặt chợt ngẩng lên. Lợi dừng vội lại, anh đã nhận ra diễn viện đóng vai "cô dân quân". O trẻ đến rứa à? Cứ nghĩ ít ra cũng trên hai mươi, hai mốt! "Thiệt khó mà đoán nổi con người ta sau những lớp son phấn". Lợi nghĩ thầm như vậy rồi quay vội đi. Nhưng một tiếng chào rất nhẹ đã níu chân anh lại.

- Chào anh!

Lợi lúng túng:

- Vâng ... Chào đồng chí...

- Bao giờ các anh lên đường ạ?

Có lẽ đây là lần đầu tiên Lợi được nghe một giọng nói Hà Nội tiêu chuẩn. Những âm thanh tròn trịa mát rượi như hát.

- Dạ... Cũng chưa rõ. Nhưng có lẽ là đi ngay...

Giọng nói Hà Nội ấy bỗng hạ xuống, nghe có vẽ xa xôi:

- Không biết bọn em có được vào trong đó không? Gặp nhau thì thích nhỉ?

Lợi bật cười. Sự hẹn hò đau mà dễ dàng đến vậy! Nhưng thôi, đừng mếch lòng khách quý. Anh cười dễ dãi:

- Biết đâu đó, gặp cũng nên!

- Vâng, biết đâu!

*

Dù có bí mật đến mấy thì cuối cùng cái tin bộ đội sắp lên đường cũng lan nhanh khắp xóm. Người biết muộn nhất là Thuấn. Đã mấy lần định cho lớp nghĩ, chạy về coi thử, nhưng ngại người ta cười nên Thuấn cứ nấn ná. Nấn ná cho tơi khi bỗng dưng thấy người nôn nao bồn chồn như có lửa đốt trong bụng, Thuấn mới đỏ bừng mặt nói với các em:

- Hôm ni cô mệt... Các em nghĩ sớm, nghe!

Bọn trẻ ngoan ngoãn "dạ" ran rồi túm áo nhau chui vô những tấm ni-lông bùng nhùng chạy ra ngõ. Thuấn ngồi lại một mình, chờ cho bọn trẻ khuất hết ra phía sau lùm chuối, cô mới lật đật đứng dậy, lách ra cửa hè, chui hàng rào nhảy qua bên kia đường hào, cắm đầu bước hấp tấp. Đến gần ngõ rẽ vô nhà Lợi , chân Thuấn ríu lại. Có nên vô không hè? Vô biết nói chi? Mắc cỡ quá! Thăm à, chưa có cớ. Chia tay ư? Thì đã nói chi với nhau đâu. Đúng là cả hai chưa hề nói một câu nào về "chuyện ấy", nhưng rõ ràng đã cảm thấy một ngọ gió lạ nào đó ráp vô lòng. Tim Thuấn đập bề bộn. Trong nhà im phăng phắc. Có lẽ họ đang họp? úi, rứa thì xấu hổ lắm, đừng vô!

Thuấn dừng lại khá lâu, ngón tay đưa lên miệng cắn cắn... Nhưng mà không vô thì lỡ ra không gặp, biết khi nào mới gặp. Răng anh không tới em một chút? Con trai đi lại dễ dàng hơn. Răng anh trịch thượng rứa, ích kỷ rứa? Hay là anh không yêu em! Người Thuấn như ru lên khi tiếng "yêu" vô hình đâu đó vẳng tới. Cô không răng tự chủ được nữa, chân bước lập cập như người say.

Vô đến giữa sân Thuấn dừng sững lại. Nhà vắng tênh, Thuấn hẫng hờ cả người, đầu bỗng ngây ngây như sốt. Cô nhào vội qua nhà bên. Vẫn không một bóng bộ đội. Qua nhà nữa, chỉ có hai đứa trẻ đẩy những chiếc đòn giữa đất chơi trò "lái ô-tô". Thuấn hỏi líu ríu:

- Mấy chú... bộ đội... đâu cháu?

- I dồi... i hết dồi...

Đi rồi! Đi thật rồi ư? Thuấn ù té chạy. Đạp qua bờ lồ ô, dọc theo con đường đất đỏ, Thuấn chạy như một hòn bi lăn trên bàn trượt dài vô tận. Họ có qua đường khe đá không? Có lẽ không! ờ, tiểu đoàn đóng xóm Bợc, e phải qua Trạng Dài? Thuấn cắm đầu chạy ngược lên, rẽ qua trái, đạp tắt đồi tràm, để nguyên hai ống quần lượt thượt mà lội qua mấy choi ruộng. Ngục Thuấn dội từng hơi thở gấp.

Trạng Dài đây rồi. Thuấn đảo mắt ngó phác một lượt rồi nhắm hướng những bờ phi lao mà chạy. Gió lạnh phả xót mặt, gió cưa buốt hai vành tai. Lại mưa nữa. Mưa mịn như bụi cám rắc trắng mái tóc Thuấn, bám nặng trên đôi mi dày, mờ nhòe cả mắt. Mắc kệ chân Thuấn chạy luýnh quýnh như muốn dính bết lại với nhau. Người cô mấy lần chao về trước, chực ngã.

Kia rồi! Thôi rồi...

Thuấn vịn tay vô gốc phi lao, hơi thở trào lên dồn dập pha lẫn chút dỗi hờn. Thấp thoáng bên kia đồi phi lao, những lá cờ nữa xanh nữa đỏ đang bay da diết trong màn mưa trắng bạc. Những lá cờ nối nhau chuyển động về hướng tây. Các anh ấy đi rồi! Biết khi nào gặp lại? Nhớ chung tiếng hát những đêm liên hoan, nhớ riêng nụ cười khẽ khàng của con người dáng cao dong dỏng... Thuấn cắn nhẹ vành môi, hình như nước mắt cô có lăn xuống, mằn mặn một nỗi niềm không ai biết tới! Những lá cờ vẫn nối nhau chuyển động lúc tỏ lúc mờ sau mấy rặng phi lao. Thuấn úp mặt lên cánh tay, ngực rung từng chặp. Rồi cô ngẩng dậy, chân bước hờ hững nhưng vội vàng, mắt dán theo những tấm áo mưa màu sẫm đang nối nhau chuyển động phía cuối đồi.

"Anh ấy không hề nói cho mình biết một câu. Rõ ràng anh không nghĩ đến em. Trong hàng quân dằng dặc ấy, cái dáng cao dong dõng của anh, cái khuôn mặt hơi dài và đôi mắt xanh thẫm của anh ở chỗ nào? trong hàng chục lá cờ bay da diết kia, có cây tre trọc trọi ở vườn nhà em đó, anh còn nhó? Không, anh quên rồi! Người con trai như thể ngọn cờ, gặp gió là tung bay. Chút riêng tư có hơn chi làn mưa bụi, lúc ướt lúc khô, ngấm làm rang thấu các lòng anh được..."

Thuấn căm đầu đi mỗi lúc một mau hơn. Rồi bất ngờ cô dừng vội lại. Đi theo làm chi? Liệu mình co theo nổi vô trong ấy? Gặp gỡ, chia tay chỉ làm "anh ấy" thêm bận lòng. Mà cũng đừng trách nữa. Các anh ấy ra đi, máu xương còn không tiếc, ai lại bịn rịn vì những cớ không đâu. Những người làm cha, làm mẹ đứt ruột sinh ra con mà cũng không kịp tiễn, huống chi mình, quen mặt giữa đường, quen tên giữa buổi. Thôi quay về! Lạnh lâu không khéo lại cảm, ngày mai bỏ lớp, tội các em.

Thuấn về đến nhà thì trời cũng vừa sập tối. Thấy con gái quần áo ướt sũng, mặt tái nhợt vì rét, bà Hào vội chạy tới hỏi xoắn xuýt:

- Răng chừ mới về, con? Đi đâu mà ướt hết rứa? Rồi lại ốm cho coi, khổ?

Thuấn im lặng đi vô buồng thay áo. Đằng đầu hồi nhà, ông Tớn ngồi co ro, đôi tay gầy guộc rung rung bưng bát cơm và lập bập. Đôi vành tay mỏng như giấy của ông luôn giỏng cao như hai cánh ra-đa trực chiến.

Thuấn ngồi xuống mâm cơm nhưng không răng nuốt nổi. Một cảm giác trống trải, chếnh choáng trong lòng. Bà Hào băn khoăn ngó con:

- Ốm thiệt rồi hả con? Xông đi!...

- Không, con không ốm đâu.

thuấn đặt đũa đứng dậy. Bà Hào lắc đầu thở dài. Cũng chẳng còn thì giờ để săn hỏi con, bà dọn vội bát đũa xuống chậu, quờ chiếc khăn trùm lên đầu rồi lật đật chạy đi.

Ông Tớn chồm lên hỏi đuổi theo:

- Đi đâu? Mưa gió ni... đi đâu?

Bà Hào đáp vọng lại:

- Tui đi họp chấp hành phụ nữ.

- Dà... Chấp hành với chấp tỏi, tau biết thừa rồi!...

Cái giọng nheo nhéo của ông còn đay nghiến thêm một hồi nữa rồi mới chịu im. Thuấn chán ngán ngồi xuống bàn úp mặt lên cuốn sách dạy hát. Trong đầu vang lên những âm điệu lạ lùng, âm điệu khởi đầu của một tình yêu xa cách.

Bất ngờ một bóng người khom lưng bước vô thềm. Thuấn ngẩng choàng dậy. Răng lại thế này, mơ nữa ư? Trong tấm áo mưa bó tròn màu sẫm mặt hơi gầy của Lợi hiện ra, môi anh nở một nụ cười quen thuộc. Mi mắt Thuấn nhắp liền mấy cái. Đúng rồi, anh thiệt rồi! Cô hỏi trong hơi thở:

- Các anh đi rồi kia mà?

- Răng biết?

Răng biết? Thuấn chỉ trực trào nước mắt. thuấn muốn nói tất cả, nói cho hả cái ấm ức, hờn dỗi từ chiều tới chừ. Có phải ai cũng vô tâm như anh đâu! Cái phút nghe tin các anh lên đường, cái lúc đúng sững sờ trước căn nhà bỏ trống, cái lúac chạy tưởng chừng đứt hơi về xóm Bợc, rồi cái lúc... cái lúc lẽo đẽo đi theo hàng quân, ướt dầm ướt dề trong mưa, anh đâu có thèm biết!... Thuấn nấc lên rồi khóc òa.

- Ơ hay, răng lại khóc?

Lợi lúng túng ngó ngược, ngó xuôi. Nhà vắng lặng. Ông Tớn đã lỏn xuống hầm từ lúc nào. thuấn vẫn khóc, dôi vai tròn rung rung. Lợi tần ngần ngồi xuống, tay loay hoay xách ấm tráng chén rồi đặt nguyên lên bàn. thuấn ngẩng dậy, chùi tay áo qua mắt.

- Để út... lấy nước...

Thuấn xách ấm chạy ù xuống bếp rồi ngồi lặng khá lâu trong đó. Lợi đứng lên, hay tay đút túi quần, bước đi lang thang trong căn nhà trống vắng, mồm khe khẽ huýt sáo vẫn vơ. Một lúc sau Thuấn lên, mặt đã ráo nước, nhưng đôi má vẫn còn đỏ dừ.

- út thấy mấy anh tập họp đi rồi?

Lợi xoay người lại, đầu hơi nghiêng:

- Đi tìm à?

Thuấn nguýt nhẹ.

- Ai tìm!

lợi mỉm cười ngồi xuống, gương mặt trở lại nghiêm túc:

- Bọn anh chỉ đi làm lễ, nhận cờ xuất kích, xong đâu đó lại trở về chỗ đóng quân - giọng anh nhỏ lại gần như thì thầm - Có người thấy em chạy đi trong mưa, nói với anh...

Thuấn tròn đôi mắt, má đỏ gay:

- Ai?

- Biết vậy thôi.

Im lặng. Tiếng côn trùng rỉ rắc chen trong tiếng mưa. Cả hai cùng lắng nghe. Còn có tiếng chi nữa đập sóng đôi thìn thịch, vội vàng, đâu đó...

- Rứa lúc nào mấy anh mới đi thiệt?

Lợi chần chừ một tý rồi đáp bằng giọng xa xôi:

- Chẳng nói trước được. Biêt đâu chốc nữa...

- Đi xa hè?...

- Tất nhiên.

- Có gặp lại nữa không?

- Tùy.

Bốn con mắt gặp nhau rồi dừng lại.

- Tùy là răng?

- Tùy ở nhau. Chờ thì gặp.

Bốn con mắt vẫn ngó nhau. Lợi cố hết sức mình hỏi câu gần như quyết định:

- Thuấn có chờ được không?

Đôi mi dày khẽ nép xuống. Tiếng đáp nấp trong tiếng thở:

- Được.

Màu sáng của ngọn đèn bỗng mờ đi. Một làn hương đâu đó phả tới ngột ngạt. Hương mít mật ư? Không phải mùa. Hương bưởi gội đầu? Không đúng. Hương nhựa cây ứa lên lộc non của những ngày đầu xuân? nhưng mà vươn xa lắm. lợi bàng hoàng như bước giữa khoảng chân không. Anh đã đến gần, đến rất gần và sửng sốt nhận ra: Hương của một làn môi! Lần đầu tiên anh nhận ra, khác tất cả hương vị của đời. Lần đầu tiên anh say, chơi vơi, choáng ngợp.

*

Những bước chân nặng nề nhưng chắc nịch, âm thầm nối nhau đi trong mưa. Ba lô to bè, ni-lông trùm kính, tiếng thở hì hục dồn theo nhịp chân.

Một phần máu thịt của Vĩnh Linh đã ra đi!

Đại đội trinh sát dẫn đầu, đại đội một tiếp theo. tiểu đoàn bộ đi giữa. Nối sau là "xê" bốn trợ chiến. Đi cuối cùng là đại đội hai và ba. Những khuôn mặt căng ra trong mưa, những ánh mắt nhìn xoáy vào đêm tối, không nghe một tiếng thì thào, đội hình hàng một dài như con rắn luồn qua các lũy tre, trườn lên đồi trọc thọc chéo hướng tây rồi vòng lại...

Vẫn không ai nói gì mặc dầu không một thôn xóm nào đội hình đi qua mà không có ánh mắt từ trong hàng quân xiên qua bờ cây đen sẫm, tìm gặp những ánh đèn le lói hắt ra từ các liếp cửa, miệng hầm. Bởi vì không có một thôn xóm nào trên đất Vĩnh Linh lại không gửi vào hàng quân đang đi đêm ni những đứa con yêu dấu. Những đứa con trai trẻ nhât, khỏe mạnh nhất, những phần nhớ thương dành dụm nhất.

Một phần máu thịt của Vĩnh Linh đã ra đi!

Tiếng máy bay AD6 rầm rì trên đầu. Pháo sáng chờn vờn trong màn mưa trắng đục. Thôn xóm vẫn đỏ đèn. Có cảm giác như cả Vĩnh Linh đêm ni không ngủ. Có lý thôi, bởi những bước chân đang rầm rập chuyển động. Những khúc đường quen thuộc có tới hàng ngàn lần đi qua, những choi ruộng, bờ mương thân thương tới mức ít khi để mắt đến, đêm ni bỗng bổi hổi, ngỡ ngàng dưới những bàn chân. Ngày mai họ không đi đoạn đường này nữa. bao giờ trở lại, khó mà hẹn trước thời gian. Cho dù mai đây, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, đường mở thêm trăm lối, khách lại qua dập dìu thì trong ký ức những người ra đi đêm ni khó mà quên nổi những gập ghềnh đá cuội, lổn nhổn dấu chân trâu và ngoằn ngoèo những vòng cua quanh miệng hố bom, hố đạn trên một khúc đường gầy. Bởi vì họ đã mang theo nó mà đi. Ba lô, trang bị đã nặng, lại thêm ký ức, kỷ niệm, tình xóm nghĩa làng, tình yêu ban đầu tràn trề sóng sánh, không một ai trong đoàn quân lại không chất đầy vào nỗi nhớ.

Một phần máu thịt của Vĩnh Linh đã ra đi!

Đập La Ngà đây rồi! Nước xối qua cống mở ào ào, mãnh liệt. Một vài bước chân hơi dừng lại, chắc là những anh trước đay ở đội thủy lợi La Ngà. họ nhìn xoáy vào khoảng đêm dõi theo tiếng nước. Nhưng làm răng thấy được con mương dài hun hút chảy về khu đông. Về đến Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn mương rẽ ba rẽ bốn. Nước tràn mênh mang ngấm tẩm từng chân mạ. Đứng ở trên nguồn này, ở cái nơi bắt đầu cho niềm hạnh phúc ấy, làm răng mà thấy hết được.

Tiểu đoàn vẫn đi âm thầm trong nhịp điệu mãnh liệt như cống nước La Ngà. Ai mà đoán được ngày mai họ sẽ về đâu. Một chiến trường Bắc Quảng Trị, một mặt trận bên kia sông, một miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng, đang chờ! Đoàn quân ào ào sôi lên những khát vộng. Khát vọng của thượng nguồn muốn được đến ngay với từng nỗi héo hắt ngóng chờ bên ấy.

Một phần máu thịt của Vĩnh Linh đã ra đi.

Khẩu lệnh từ đầu hàng quân truyền xuống:

- Chuẩn bị vượt sông!

Như một làn gió, khẩu lệnh phả về sau:

- Chuẩn bị vượt sông!

- Chuẩn bị vượt sông!

Đoàn quân nôn nao chôn rộn, không phải vì chướng ngại cản trở trước mặt, mà vì hai tiếng "vượt sông".

Tiếng gà xa xa ran ran gáy. Phía đông màn đêm đã loãng, một chớn sáng gợn lên, ấy là viền ranh giới của hai khoảng thời gian đêm và ngày. Trước mặt hàng quân cũng là viền ranh giới của không gian, ranh giới của hai chế độ.

Tiếng gà gáy giục giã. Hàng quân chùng lại rồi căng ra, chân lội rào rào, nước xiết lùa qua bối rối. Khi đại đội cuối cùng qua hết bờ bên kia thì trời cũng sáng hẳn. không thể đi thêm được nữa. Các đơn vị được lệnh tản ra, nép vào bờ lau, gốc mưng, lùm cây mà nghỉ. Chiến sĩ ngồi bệt xuống đát tựa lưng ra ba lô, ngửa mặt ngó trời. Mưa vẫn giăng xao xuyến, bụi nước mịt mờ.

Lợi đúng như chôn chân dưới gốc mưng ngó đau đáu cái dòng nước vừa lội qua. Trời oi! Sông Bến Hải đó? Chỗ ni chỉ độ dăm mười bước chân, nước không quá đầu gối mà hơn mười năm rồi biền biệt ngăn cách. Sông Bến Hải đây, cả nước đau vì nó. Từng dòng thơ trong trang sách giáo khoa hẳn như những vết sẹo vào nỗi nhớ của Lợi. Bao nhiêu bài hát, bài vọng cổ, bài Nam Bình, Nam Ai, bao nhiêu vở ca kịch da diết gọi tên nó. Một dòng sông, không, đúng hơn là một con suối, mà không, chính xác hơn là một ngưỡng cửa... Nó đây, Lợi vừa bước qua...

Chính trị viên Lịch chạy lom khom tới từng vị trí của chiến sĩ. Anh chỉ gật đầu hoặc lắc lắc ra hiệu chứ không hề hé răng. Một người hay nói hay cười như anh mà từ phút nhận cờ ra đi đến chừ, gần như câm lặng. Anh chạy đến đứng sát bên Lợi, hai tay choàng lên vai người tiểu đội trưởng, giọng anh thì thào, nghèn nghẹn:

- Mi ơi! Nhà tau đó rồi tề, thấy không?

Lợi rướn mắt ngó theo tay người chính trị viên. không thể nhận ra được chi trong màu mưa trắng đục. Nhưng không nỡ để thủ trưởng thất vọng, Lợi gật đầu:

- Dạ... thấy.

- Ừ, mạ tau chắc già lắm rồi! Liệu mạ tau có biết tau sắp về không? Biết không mi hè?

Lợi ngước mắt ngó chính trị viên không nói. Tội nghiệp con người đã ngoài bốn mươi rồi mà bỗng dưng hóa trẻ con. Mạ anh làm răng biết được. Quân đi bí mật như rứa, vượt sông bí mật như ri! Tình báo Mỹ cũng chịu. Tình báo thế giới cũng tịt. Ai có thể ngờ được rằng ngay sáng hôm ni, tiểu đoàn đã dàn dài trên bờ Nam sông Bến Hải. Rồi đêm ni tất cả sẽ tràn vô các ấp, các làng... May ra chỉ có những người bên bờ Bắc hiểu được. Đúng! Những người cha, người mẹ ở Vĩnh Linh hiểu được. Họ hiểu từ khi dắt tay những đứa con lên nơi tập trung nhập ngũ. Họ hiểu từ phút tiểu đoàn làm lễ xuất quân. họ rất hiểu.

Một phần máu thịt của Vĩnh Linh đã đến bên này sông.

Đăng ngày 25/03/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: IAN HÙNG S - 26/03/2010

THƯA CHÚ XUÂN ĐỨC ! ĐỌC CỬA GIÓ CHÁU THẤY NHƯ ĐƯỢC GẶP LẠI HÌNH ẢNH CỦA NHỮNG NGƯỜI CHA NGƯỜI CHÚ NGƯỜI O CỦA MÌNH THỜI KHÓI LỬA CHIẾN TRANH VÀ CẢ CHÚ Ở TRONG ĐÓ NỬA (KHÔNG HAY LÚC VIẾT CỬA GIÓ CHÚ BAO NHIÊU TUỔI NHỈ ?  MÀ CHUYÊN HAY ĐÊN THẾ..!)
        XIN ĐƯỢC CÁM ƠN VÀ TẶNG CHÚ MÂY VÂN THƠ !
QUÊ HƯƠNG MỘT THUỞ _ BÂY GIỜ
CON SÔNG VẪN CHẢY XANH BỜ HIỀN LƯƠNG
MẶN NỒNG SÁNG NHỚ CHIỀU THƯƠNG
XUÂN NÀY LÀ ĐỨC QUÊ HƯƠNG VĨNH ..MIỀNG .!

  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 17/07/2012

Kính chào khổ chủ Xuân Đức!
 Em đọc Cửa gió được 6 chương rồi bận rộn ngưng vài tháng qua, nay vừa đọc hết 2 chương 7,8...
Đọc Cửa gió khiến em như được sống lại không khí thời chiến ở xứ Nghệ, nhất là việc thanh niên nô nức nhập ngũ, vào chỗ trên bom dưới đạn mà không thoáng chút âu lo sợ hãi, thậm chí vui như tết- thật là một thời huyền thoại- một huyền thoại yêu nước tuyệt đối- một thời ra ngõ gặp anh hùng...
Và rưng rưng...
Một phần máu thịt của Vĩnh Linh đã ra đi!...
Thương quá Vĩnh Linh một thời Cửa gió- Bom đạn trên đất, dưới biển, mạng người mới mong manh, mỏng mảnh, nghiệt ngã,  xa xót làm sao...
Bút lực của Xuân Đức ở Cửa gió không đằm, mạnh, sắc, cuồn cuộn bằng Bến đò xưa lặng lẽ nhưng vẫn là một Xuân Đức với câu chữ tinh tế, sâu sắc, chân chất, sống động, nóng hổi vừa thổi vừa ăn như là ăn... bún rêu cua khi đọc văn Xuân Đức hihihi...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan