Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 28 & 29


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM 


Chiếc ống nhòm đặt rất lâu ngỡ như đã dính chặt vào đôi mắt sâu hoắm của viên đại tá cố vấn Giôn - rít. Bên cạnh y là vị thiếu tướng người Việt - tư lệnh vùng chiến thuật Một - và sau lưng họ là sư trưởng sư Một, tỉnh trưởng Quảng Trị, Liên đoàn trưởng tái thiết nông thôn.
Tất cả im lặng nhìn chằm chặp vào tấm lưng ngài cố vấn đang nặng nề chuyển dịch theo chiều rê của chiếc ống nhòm ra bờ Bắc. Trời xám xịt mây. Trước mắt đoàn sĩ quan cao cấp này là cái màu xanh xâm xẩm, lổ đổ vết bầm của những vùng đồi lở loét và một vệt sáng bàng bạc sắc chì của dòng nước Bến Hải đang chuyển vào mùa mưa.
Có tiếng máy bay trinh sát rầm rì nặng nhọc và thỉnh thoảng và ba tiếng pháo đì đọp dội lại nghe bức bối như tiếng ho đêm của một thể xác suy tàn.
Thực ra Giôn-rít không nhìn thấy gì cả. Vĩnh Linh vẫn là con số không in tròn trước ống kính. Gần ba tháng nay, các nguồn tin tình báo quân sự đã liên tiếp gửi về cho tòa đại sứ ở Sài Gòn rất nhiều thông tin quan trọng đảm bảo cho một nhận định chiến lược, Bắc Việt đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn trong mùa không 1968.
Giôn - rít hơi khó chịu vì thứ nhận định theo kiểu "tử vi" ấy. Thì mùa khô nào mà Bắc Việt chả tấn công! Nhưng lớn đến mức nào? Hướng chính ở đâu? Câu hỏi nặng nề ấy rốt cuộc tòa đại sứ ở Sài Gòn lại trút lên lưng Giôn - rít. Viên sĩ quan già đã sắp đến tuổi nghỉ hưu ấy lại lọm khọm cõng câu hỏi rối mù ấy trên lưng mà mò ra tận cao điểm Dốc Miếu này. Chiếc ống nhòm vì thế mà không rời khỏi mắt y, và phía trước là hai con số không tròn trặn lượn lờ chụp lên những khoảng đồi bên kia sông Bến Hải.
Cái lưng vĩ đại của ngài cố vấn khẽ vặn vẹo và từ cuống họng ngài phát ra những tiếng gầm gừ nho nhỏ. Các sĩ quan Việt Nam cộng hòa ở phía sau đưa mắt cho nhau như thông báo một hiện tượng đặc biệt. Ấy là ngài cố vấn đang cáu.
Ngài cáu là phải. Chỉ nguyên cái thời tiết trái khoáy ở nơi này cũng đủ cho ngài phát điên lên chứ. Trong lúc các chiến trường chính đã sắp bước vào mùa khô thì nơi cửa ngõ tiền tiêu này lại đang chuyển vào giai đoạn mưa dầm, mưa dề, suốt ngày đêm nghe mưa mà não ruột.
Thật là chán nản. Mùa mưa vừa đi qua trên các chiến trường chính với bao nhiêu sự ướt át nặng nề. Người Mỹ đã đưa cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên đến nấc thang chưa từng thấy. Tướng Oét- mô - len đã huy động tới hơn một triệu hải quân. Những cuộc " tìm diêt" tiến hành ráo riết. Bom mém ra tận Hà Nột, Hải Phòng. Vậy mà ngay đến cửa ngõ này thôi, thị xã Đông Hà vẫn bị đánh tới bảy mươi trận trong vòng bảy mươi tư ngày. Khe Sanh đang bị vây chặt. Trong mười ngày, Việt cộng đã " thịt " trên hai ngàn chiến binh Mỹ. Rồi cuộc hành quân giải tỏa lớn được tổ chức quy mô và hoàn chỉnh ngay bên bờ Nam này dạo tháng năm cũng bị đập tan. Thêm hai ngàn lính Mỹ chết. Một mùa mưa thực ảm đạm.

Giờ thì các nơi đã sắp bước vào mùa khô, cái mùa mà chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ giật mình. Vậy mà ở đây, tất cả chỉ là những vòng tròn, những con số không lạnh lẽo?

Giôn- rít hơi cúi người xuống . Cái vòng tròn trước ống kính kéo gần lại, lượt về phía bên này sông Bến Hải, chầm chậm trườn lùi vào gần chân Dốc Miếu. Rồi cái con số không ấy dừng lại chụp ngay lên làng An Nha, nơi mà tỉnh trưởng Quảng Trị vừa báo cáo là một điển hình đặc biệt, một kinh nghiệm vàng ngọc của công tác bình định nông thôn. Ở đó đang có cái gì nhỉ? Tốt đẹp hay nguy hiểm? Hai con số không trước chiếc ống nhòm vẫn lạnh lẽo và hờ hững. Giôn- rít bỗng thấy nghi ngờ tất cả. Y giật mạnh chiếc ống nhòm rồi ngẩng phắt đầu dậy. Trời vẫn u ám màu chì, kìn kịt những đụn mây. Gió lạnh ùa tới, tóc Giôn- rít dựng ngược lên. Một câu chửi tục bằng tiếng Anh buột ra từ mồm vị sĩ quan cao cấp này vừa đủ cho các chiến hữu phoía sau vốn rất thạo tiếng đồng minh nghe và hiểu.

*

Rõ ràng ngài Giôn- rít chẳng thấy gì hơn ngoài những vòng tròn như miếng cái hố bom úp lên mảnh đất trước mặt. Sau lưng ngài, các sĩ quan cao cấp người Việt, kể cả Tá- vị đoàn trưởng bình định vừa được thăng chức Liên đoàn trưởng - càng chẳng thấy gì hơn. Trong lúc đó, ở ấp An Nha - cái điển hình tốt đẹp nhất của công tác bình định - đang có một cơn đau ghê ghớm. Cơn đau chuyển dạ của người con gái mang thai với vị Liên đoàn trưởng.

Tấm thân đẫy đà của Hoan giẫy dụa, vật vã trên chiệc giường đệm trắng.Chiếc giường ngỡ như quằn xuống. Hoan rít gầm gừ trong cổ, mồ hôi ướt đầm đìa lưng áo. Cơn đau nhói từ phía bên hông, đau tức ra phía dưới bụng. Rồi thì cả người chị tê mê trong một cảm giác rã rời mệt xỉu. Hoan nhắm nghiền mặt lại. BAo nhiêu khuôn mặt hiện lên, không rõ nét nhưng không hề nhầm lẫn. Mà quái lạ thay, khuôn mặt đầu tiên là đôi lông mày rậm đen với hai mắt hố sâu trũng của Tùng. Tùng! Tùng! Lạy anh, anh đừng đến gần, anh hãy đi đi! Mà lạy anh, hãy đến với em, hãy tha tội cho em, đến ngay với em một tý. Ôi, anh ấy đến, đến thiệt rồi. Nhưng không phải, đấy là một người dáng dong dỏng cao, đôi mắt đen thẫm. Đồng chí Lợi! Đồng chí đừng nhìn tôi thế! Dẫu sao tôi vẫn là đứa con gái yếu mềm. Sao đồng chí lại cười? Không phải Lợi cười! Cái khóe mắt đang cười kia là của Tá. Sao mình về chậm vậy? Tá không cười nữa, đô mắt bỗng nghiêm lại, lạnh lùng như một lưỡi dao. Đôi mắt ấy Hoan nhận ra từ ngày bụng chi to ra khiến cái vẽ đẹp hấp dẫn của một cô gái không còn nữa.

Hoan hốt hoảng vùng người định ngồi dậy. Có một bàn tay đặt nhẹ lên ngực chị, ấn xuống.

- Nghỉ đi một tý con. Phải giữ sức mới vượt cạn được...

Rõ ràng là giọng nói của mẹ. Hoan chợt thấy nghẹn ngào. Mẹ đã đến khi nào vậy? Ai nữa kia? Ra thế, toàn là những người hàng xóm mà hàng ngày vẫn đóng kín mít cửa mỗi lần Hoan đi qua. Bấy giờ tất ảc đều xúm xít quanh chị. Họ có ý như vui mình nữa. Có tiếng ai đó xì xào:

- Lớn tuổi mới đẻ con so, cực đó. Nhưng gắng đi em, nó sắp ra rồi.

Hoan hiểu tiếng " nó " đây là xhỉ đứa con sắp ra đời của chị. Bà con cũng thật lòng mong nó ra đời ư?

Cả mẹ nữa? Người mẹ mà suột chín tháng bụng mang dạ chửa, chị không hề được mẹ an ủi một câu, nay lại là người ngồi gần chị nhất. Cái quạt ni lông lất phất lùa từng hơi gió mát lên trán chị. Mẹ điềm tĩnh quá, mẹ đôn hậu vô chừng. Hoan bỗng oà lên khóc.

Cơn xúc động gây thành một cơn đau tưởng đứt ruột. Rồi bỗng Hoan thấy ù điếc cả hai tai. Có lẽ khúc ruột đức thực rồi. Chị ngở ngất đi, nhưng ngay lập tức chị biết mình đã sống. ấy là khi có tiếng khóc oa oa bật ra.

Nhưng rất kịp thời với tiếng khóc là tiếng xe Dép lao sầm đến và phanh rít ngay trước sân. Một bóng đàn ông lao sầm vào. Hai ba người nữa lao theo. Hoan không thể tin ngay được rằng giữa lúc này lại có tiếngTá thật:

- Cha mẹ ơi! Sao không đưa nhà tôi lên nhà thương, há? hí?

Tiếng xã trưởng lập cập:

- Dạ... thưa... con đâu có biết... có ai báo đâu mà biết...

Những tiếng chửi thô bạo, tiếng gót dày nện lộp cộp như đá lăn, tiếng đứa trẻ oe oe sợ hãi. Rồi rất nhiều bàn tay đàn ông xúm vào bế Hoan lên. Nhoáng một tý, tiếng xe Dép lại nổ rầm rầm. Chiếc xe lao vội ra đường chồm qua một rãnh nước. đứa trẻ khóc thé lên từng tiếng ngắn. Những người hàng xóm tốt bụng cúi đầu nín lặng. Tiếng xe đã xa hút ra ngoài cổng. Tiếng khóc của đứa trẻ cũng mất hút theo. Chỉ còn lại một tiếng khóc không biết bật ra từ bao - tiếng khóc của mẹ Xướng!

CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN

Đại đội trinh sát đã chiếm được địa bàn sớm hơn cơ bão số năm gần một tuần lễ. Vì thế tất cả công sự, các công trình sinh hoạt đều đã hoàn thành trước khi những cơn gió xoáy đè bẹp từng bờ tre, xé tan tành những ngọn lá chuối, bẽ gãy hàng loạt cây phi lao, và rồi sau đó mưa ồ ồ trút xuống gần ba ngày đêm liền không dứt. Những rãnh đấ, dấu tích của ruộng mạ và nương khoai của một làng cát phút chốc bị lấp phẳng lì. Cơn bão tan đồng thời mang theo tất cả những gì con người để lại trên mặt cát. Làng nhỏ trở nên hoang vu, phờ phạc như một thi thể ốm mới dậy. Lá phi lao điểm lâm thâm lẫn trong màu nâu thẫm của cát. Những rãnh nước mới bị xói mòn lằng ngoằng vô định hướng. Nhờ vậy mà cái làng vốn đã bị bỏ trống gần năm nay ở nơi giáp ranh, lại càng đìu hiu, lạnh lẽo. Và đại đội trinh sát cáng thêm yên tâm dấu quân trong các hầm cát, tuyệt nhiên không hề lộ ra một dấu hiệu gì khả dĩ cho những chiếc máy bay để ý.

Cuối cùng thì mặt trời cũng phải nhú lên phía biển để báo hiệu sự bất diệt của nắng. Và rất đồng thời với ánh nắng vàng đục ấy là đủ các loại tiếng động của máy bay trinh sát, khu trục, tiêm kích, trực thăng; các loại tàu tuần tiễu, tàu chở hàng... Thêm nữa là chiếc đạn cối gõ lục bục, chiếc xe vận tải rầm rì nối nhau phía quốc lộ Một. Thế mới biết âm thanh của con người lớn lao và xô bồ hơn nhiều so với âm thanh thiên nhiên. Và chỉ có sống chính giữa chốn mặt trận mới cảm nhận tiếng nói riêng của ngần ấy sự náo động.

Rõ ràng mặt trân bắc Quảng Trị đang rậm rịch, nung nấu một quyết chiến điểm mới. Điều ấy đại đội trưởng trinh sát Vĩnh Linh là một trong những người hiểu ra sớm nhất.

Đại đội chia làm ba mũi. Mũi của Hóa ém lên hướng tây, bám sát trục đường Một. Mũi của Lợi trụ ngay trong địa bàn làng cát, nơi được chọn làm " cứ" của đại đội. Mũi của Khang xuôi về hướng đông, lọt vào làng Lâm Xuân, có nhiệm vụ chặn đứng " cuống họng" không cho hàng từ cảng Cửa Việt đưa lên Khe Sanh. Mặc dầu tính đường chim bay thì đại hình mỗi mũi cách nhau chưa tới hai cây số, nhưng trong bối cảnh mà mỗi bước chân rời nhau ra có thể dẫn đến sự vĩnh biệt - thì cuộc chia tay giữa ba người cán bộ trẻ thất không sao cầm nổi lòng. Lợi ôm xiết Hóa hồi lâu rồi buông ra thụi vào anh chính trị viên một quả đấm. Hóa lại ôm Khang, hai tay vòng ra phía sau đập mãi mãi vào sống lưng anh đại đội phó. Cuối cùng đến luj7ợt Khang và Lợi. Hai người lặng đi nhìn nhau hồi lâu. Hình như cũng phút đó, cả hai đều nghĩ về quá khứ. Quá khứ với bao kỷ niệm vui buồn, baonhiêu mất mát phải đổi, bao lỗ lãi phải trả giá... quá khứ là một điều có thật với bất cứ ai, song khi nghĩ về nó, tuỳ nỗi lòng từng người mà đánh giá. Khang chủ động chìa tay ra. Lợi áp chặt tay mình vào. Hình như cũng có một giây lưỡng lự. Nhưng rồi ngay sau đó, không hiểu sức hút từ phía nào cả hai bộ ngực ập vào nhau như hai khối nam châm lớn.

Lặng đi rất lâu Khang nói nhỏ:

- Đừng nghĩ sai về mình Lợi nghe?

- Không, Lợi chưa khi nào nghĩ si về anh cả.

- Vậy thì tốt. Mình đi đây...

- Dạ, anh Khang nhớ bắt liên lạc thường xuyên...

*

Chiếc máy bau U-li-ti bò lên rất sớm. Nó bay thấp, lù lù như một chiếc máy dò mìn khổng lồ rà dọc theo con sông Cửa Việt, được một quãng xa lại trườn chầm chậm theo nét uốn lượn của dòng nước.

Bất cứ một phương tiện chiến tranh nào, dù hiện đại đến mấy đều mang theo nhược điểm riêng cảu nó. Ví như lối trinh sát thấp này đã mách bảo cho đối phương biết rằng sắp có cuộc vận chuyển lớn trên sông. Vì thế mà lồng ngực các chiến sĩ mai phục trên bờ bỗng chộn rộn hẳn lên. Khang nhìn trước, nhìn sau. Anh ngồi cách khẩu B40 chừng năm thước. Khoảng cách ấy - Khang nhẩm tính - thật khó khăn nếu kẻ địch phát hiện được hỏa lực. Khang sẽ rụt mũi súng AK của mình lại, trườn người về phía phải. Thêm trăm mét nữa, cũng chưa ồn lắm. Thêm hai mét nữa... Nhưng kìa, khẩu trung liênRBD đã lù lù ra cạnh đấy. Khỉ thật, sao mình lại bố trí hỏa lực theo kiểu này nhỉ! Thực ra lối bố trí ấy rất đúng với chiến thuật chính quy mà anh đã được đào tạo. Song, khi loay hoay tính toán về sự an toàn của riêng mình thì Khang bỗng nhận thấy lối bố trí này mang theo một nhược điểm quá lớn. Bởi vì lúc nào người chỉ huy cũng dính bết với hỏa lực. Anh lầm rầm tự trách mình và trách luôn cái sách vở bày ra kiểu chiến thuật ấy.

Nhưng anh là con người khá nhanh nhẹn trong sự đối phó với mọi tình cảnh. Khang bò lại phía trung đội trưởng Hiếu.

- Này, đồng chí vào ngay vị trí của tôi, nắm lấy hỏa lực. Tôi sẽ tiến lên phía trước chỉ huy chung!

- Rõ.

Tiếng động rầm rề lan tràn mặt sông. Một cái gì đó ngỡ như dòng nước sắp sôi, như thể cơn vần vũ của mây trước lúc đổ mưa rào; cái gì gần đấy với tiếng nổ lốp đốp của một đám cháy rừng làm cồn cào gan ruột. Dòng sông Cửa Việt chùng chình như chiếc cầu phao lớn khi có xe xích chạy qua. Chỉ có người lính mới thâu nhận hết cảm giác đó. Cảm giác khi kẻ thù đ ến gần.

Đúng là tàu địch đã đến gần. Những khối thép lớn nặng nề rẽ nước. Không gian như nén lại, như vỡ ra. Tàu chở hàng đi giữa, xuồng gắn máy lao hai bên. Hai chiếc L19 và "con trâu già" U-li-ti bay trên đầu. Thỉnh thoảng từng loạt đạn pháo từ trong Đông Hà bay vút qua, nổ ì ùm ở một nơi nào đó. tất cả như một sự thách thức liều lĩnh, lại như qua chu đáo đề phòng. Cây cỏ hai bên bờ dạt ra, khép nép.

Ục! Rào... uỳnh! B40 nổ. Khang bỗng thót bụng lại. Sao thằng Hiếu lại cho bắn sớm vậy trời! Để cho chúng nó đi qua gần hết đã, chỉ cần diệt một chiếc sau cùng là có thành tích rồi. Nhưng Khang chẳng còn thì giờ để quở trách nữa. Ục! Ục! Ầm... Ba phát B40 nổ tiếp theo. Đạn trung liên cũng bắn như xé vải. to chuyện rồi. Khang không thể nào cất nổi mình lên để nhìn xuống sông . Anh nằm như dán sát mặt đất. Nhưng chợt Khang thấy rợn ở sống lưng. Thì ra lưng mình phơi trần. Chết cha rồi! Khang bất dậy lao sầm lên phía bờ cây!

Nhưng muộn rồi! Chiếc U-ti-li đã trông thấy. Nó xối một tràng 20 ly chắn trước mặt. Khang đứng sững lại. Chiếc U-ti-li khép nhỏ vòng lượn. Khang đổ người xuống một gốc dứa dại. Nhưng gốc dứa quá thấp không thể che kín người Khang. Chiếc máy bay cứ khép vòng tròn trên đầu mỗi lúc mỗi xiết lại, , đạn 20 ly quét xuống cũng mỗi lúc một kín vòng. Khang gần như tắc thở.

Trời ơi! Lẽ nào xuộc đời lại kết thúc thế này chăng? Một giây thôi bao nhiêu ham muốn tuôn tràovề trong ý nghĩ Khang đồng thời với nổi thất vọng đến cực độ. Thì ra đánh ván bài ù với cái chết quả là quá dại. Khang đang tính chuyến này đi sẽ cắn răng lại, sấp ngữa một ván, được ăn cả ngã về không. Nhưng lòng anh bao giờ cũng cầu mong cái rủi không đến. Lẽ nào?...

Chiếc máy bay đã hạ xuống quá gần. Một hình người đỏ lự ngực đầy lông nhoài ra cửa máy bay nhìn xuống. Khang tê tái cả ruột gan. Nó sẽ bắt mình! Rồi sau đó ra sao?. Mình không đầu hàng thì cầm chắc cái chết. Mà đầu hàng thì tiếng xấu để đời. Hừ, đời! Đời là cái chó gì? Sao đời cứ bất công với riêng mình đến mức ấy? Đột nhiên Khang tâhý uất ức, uất đến nghẹn đắng cổ. Gió từ cánh quạt chiếc trực thăng bào ráp lưng Khang. Tay anh run lên. Anh muốn chửi to một tiếng, muốn xả súng bắn nát những nỗi khát khao. Thế là Khang xiết mạnh nấc cò, răng nghiến rít. Khẩu súng rung lên đột ngột. Người Khang cũng rung lên. Anh xả đạn mà không hiểu đang bắn vào cái gì. Anh bắn vào nỗi uất ức của chính mình thôi...

Nhưng chiếc U-ti-li trên đầu thì biết ngay là đường đạn kia đang xối như tát vào nó. Nó biết nhưng không thể tránh kịp, thằng Mỹ rú lên. Chiếc máy bay sững lại rồi đổ sầm ngay trước mặt Khang. Một tiếng nổ choáng óc. Lửa bốc đùng đùng. Cho đến tận phút ấy rồi, Khang vẫn không thể nhận ra, không kịp nghĩ được rằng mình đã lập một chiến công kỳ diệu.

*

Trong lúc đó Lợi vẫn nằm gác cằm vào bờ công sự hướng mặt về phía có tiếng súng nổ. Bên cạnh anh là cậu liên lạc trẻ mắt hơi hiếng, mới mười bảy tuổi rưỡi. Tiếng súng dưới phía đông đội lên mỗi lúc một chát chúa. Lợi cố phán đoàn tình hình qua tiếng súng. Nhưng ý nghĩ anh cứ bị ngắt quãng vì chốc chốc cậu liên lạc lại kêu lên:

- A, B41! ĐK! Súng thằng Phồn rồi! Quả nữa này... A, khói! Thủ trưởng ơi, khói to ghê!...

Đừng có ầm ĩ lên thế. Cậu chạy xuống đó hỏi anh Khang có cần chi viện gì không?

- Rõ! úi chà bọn ta nổ. Mà không phải, hình như pháo biển câu vào?

- Đã bảo không được nói to mà! Bám theo bờ dứa mà đi, khẩn trương lên!

Người chiến sĩ liên lạc chạy rồi, chẳng còn cái giọng léo nhéo bên cạnh nữa, tự nhiên Lợi thấy căng thẳng vô cùng. Anh nhổm người đứng dậy bò tới vị trí của trung đội trưởng trung đội ba. Anh dặn dò người cán bộ trung đội mới hơn một tuổi quân ấy cách xử lý nếu địch tung bộ binh đánh vỗ sườn xuống chỗ Khang. Trung đội trưởng Thiếc chăm chú nghe Lợi. Trước mặt Thiếc, Lợi như một cựu chiến binh từng trải vài ba chục năm trong quân ngũ. Thiếc quên mất rằng đại đội trưởng của anh cũng chưa tròn ba tuổi quân..

- Bọn địch ở Dốc Miếu là tụi quen cố thủ, không quen hành quân. Nếu chng1 có núng ra thì cũng từ sáng đến quá trưa thôi. Chiều tối là chúng phải tính đường rút về công sự. Quy luật cung là vậy. Tuy thế phải tính đến những trường hợp bất thường...

Lợi nói đến chữ " bất thường " là vì anh chợt nhớ lại trận càn bằng xe tăng ở đông đường số 6 dạo mùa hè năm 1976. Lúc ấy anh nới chỉ là một tiểu đội trưởng. Một kỷ niệm xót xa với cuộc rút chạy của cả trung đội, với cái chết đầy dằn vặt của người trung đội trưởng tận tụy, chân thành... Một kỷ niệm tạo nên những định kiến khó thay đổi về những con người... Lợi lại nghĩ ngay đến Khang. Lúc ấy Khang đang trực tiếp chỉ huy một trung đội đang chốt giữ phía cửa sông. Nơi đó súng vẫn nổ từ sáng tới giờ. Liệu anh ấy, bằng trận chiến đấu mới này có xoá đi được những ấn tượng sâu sắc trong đầu Lợi không? Thâm tâm Lợi vẫn mong như thế. . Vì vậy mà anh không muốn nhớ lại cái trận càn oài oăm dạo ấy. Anh không muốn nhớ một chính trị viên Khang dạo đó vì anh đang lo lắng đến sốt ruột cho một đại đội phó Khang giờ này phải bám trụ ở cửa sông. tiếng súng nơi ấy vẫn nổ dai dẳng...

Gần trưa, người liên lạc mới chạy về. Chưa kịp báo cáo với Lợi cậu ta đã la toáng lên:

- Đại thắng! Đại thắng! Bắn cháy bốn tàu, lính Mỹ chết vô khối. Còn tin này mới cực ký hú tim hồi hộp...

Lợi đứng dậy lông mày hơi nhíu lại:

- Qủy thật, cái mồm cứ là là...

Cậu liên lạc vội bẫm miệng lại thì thào:

- Nói thiết, cực kỳ hồi hộp thủ trưởng ạ! Thủ trưởng Khang suýt nữa bị U-ti-li tha đi...

- Làm sao? Nói gọn thôi.

- Vâng, thì nói gọn. Một chiếc U-ti-li phát hiện ra thủ trưởng Khang, nó quành vòng tròn, bắn 20 ly rồi hạ xuống. Một thằng Mỹ thò cổ ra cười hô hố. Chiếc trực thăng xuống thấp, rất thấp, với tay là túm được. Thế là thủ trưởng Khang với tay lên...

- Trời ơi, chuyện chi mà nhảm rứa?

- Chuyện thiệt mà. Thủ trưởng Khang với tay lên, tất nhiên là trong tay có súng. Thủ trưởng bóp một loạt. Chiếc máy bay đổ ào ngay xuống sát chân. Cả một đống chừ đang cháy. Sáu thằng Mỹ chết thui...

Lại thở phào như vừa bơi qua một quãng sông rộng. Trung đội trưởng thì tròn vo mắt như vừa ra khỏi một giấc chiêm bao. Mấy chiến sĩ hỏa lực ngồi gần đấy nhảy cẫng lên, hoa chân múa tay mà không dám reo thành tiếng.

Câu chuyện thủ trưởng Khang bắn rơi máy bay U-ti-li phút chốc lan khắp trung đội ba. NHững người nghe trước kể lại cho người sau không khỏi thêm chút "dấm, ớt " cho tăng phần ly kỳ, ú tim. Khi thì thằng Mỹ gọi đích danh thủ trưởng Khang, rồi thủ trưởng Khang vạch cả quần lên mà chĩa về phía thằng Mỹ... Rồi trực thăng thòng dây xuống, thủ trưởng Khang vờ bước lên thang, khẩu AK dấu vào nách áo bất ngờ nhả đạn...

Suốt ngày hôn đó Lợi bồn chồn đứng ngồi không yên y như đứa trẻ ngóng chờ mẹ đi chợ về. Nếu không vì nhiệm vụ và cương vị củ trì của mình anh đã nhảy bổ xuống chỗ Khang, ôm chầm lấy anh mà cắn vào tai, mà thụi vào ngực. Rồi hai đứa sẽ cúi đầu vào hầm cát kể lại cho nhau nghe cho đến hết đêm chiến công kỳ diệu ấy. Rồi Lợi sẽ áp mặt mình vào ngực bạn mà nói cái điều sâu xa nhất rằng " Tôi có lỗi với anh, đúng là tôi hay nặng lòng bởi quá khứ. Chị Phương nhận xét như vậy thiệt giỏi. Chị ấy quả là người thông minh..."

Suột ngày hôm đó Lợi vẫn không gặp Khang. Địch cũng không có một phản ứng nào đáng kể. Ngày thứ hai trôi qua với hai trận đánh ở cửa sông, bắn cháy thêm một tàu, bắn bị thương một chiếc khác. Trận ấy nghe nói chính Khang đã nằm sát bên khẩu B41 hạ lệnh nổ súng. Tin chiến thắng nhanh chóng lan khắp đại đội. Đặc biệt là gương chỉ huy xuất sắc của đại đội phó Vũ Nam Khang đã làm nức lòng mọi người. Một chỉ thị thi đua do chính trị viên Hóa phát động với nội dung: học tập gương chiến đấu của trung đội hai, thi đua diệt nhiều Mỹ, ngụy.

Hết ngày thứ hai địch cũng không có phản ứng gì rõ rệt. Lợi hơi lấy làm lạ. Đến sáng ngày thứ ba anh dẫn tiểu đội năm có cả B40, cả trung liên ra tận mép làng quan sát.

Trước mặt Lợi là trảng đất hoang kéo dài tận chân Dốc Miếu lốm đốm những vạt cỏ tranh xen lẫn cây bổi lúp xúp. Phía phải là một triền dốc đất cát pha. Cuối triền dốc ấy chừng hai cây số là làng An Nha. Cắt giữa chừng là con đường quốc lộ Một đâm thẳng lên Dốc Miếu. Nếu địch dùng bộ binh ra giải vây cho " cuống họng " Cửa Việt thì có ba khả năng sẽ xẩy ra. Hoặc dùng số quân chốt trên đồi 31 đồi 28 tràn trở vào, nếu chúng phán đoán lực lượng của ta ít. Hoặc kết hợp số quân đó với bọn Mỹ trên Quán Ngang và Dốc Miếu. Khả năng cuối cùng, nếu chúng phán đoán lực lượng ta lớn thì sẽ tung thêm quân Cồn Tiên về, quân Ái Tử ra, kết hợp đổ bội đường không và đường thủy tạo nên mũi úp sau lưng. Quy mô ấy là lớn coi như đã rung động toàn tuyến phòng thủ phía đông của cái gọi là hàng rào điện tử Mác- na- ma-ra. Trên thực tế quy mô ấy đã được chúng thực hiện một lần vào dạo tháng năm vừa qua và cũng đã gây nên một phản ứng toàn tuyến phòng thủ của Vĩnh Linh. Cả Vĩnh Linh lần đó đã xuất trận. Kỷ niệm về chiến dịch ấy có lẽ là huy hoàng nhất trong ký ức của Lợi.

Lợi căng đầu ra phán đoán tình hình. không gian vẫn vắng lặng. Gió đông bắc lùa từng cơn hun hút. Lợi linh cảm thấy kẻ thù đang âm ỉ chuẩn bị một cái gì đó lớn lắm. Có lớn hơn được trận càn hồi tháng năm không? hay chúng chỉ loay hoay tìm cách giải tỏa cho cảng Cửa Việt để cốt thông hàng lên Khe Sanh? Nếu vậy hóa ra thằng Mỹ kiệt sức rồi ư? Lợi nhẩm điểm lại tình hình thấy rằng mấy tháng gần đây lượng bom ném xuống Vĩnh Linh và bắc Quảng Trị có giảm xuống rõ rệt. Nhưng trong lúc ấy, diện oanh tạc lại kéo ra tận Hà Nội, Hải Phòng. Hay là thằng địch chủ trương giảm nhẹ hoạt động khu vực này, tập trung ngăn chặn từ xa?

- Kìa, có người...

Cậu tiểu đội trưởng nằm bên cạnh Lợi khẽ kêu lên. Lợi đảo mắt nhìn. Đúng là có người thật. Từ phía dưới làng An Nha một tốp chừng ba, bốn người đội nón trắng lên cao. Càng tới gần Lợi càng nhận rõ họ toàn phụ nữ, vai vác cuốc. Cách chỗ Lợi chừng một cây số thì tốp người dừng lại. Họ cuốc cuốc cái gì đó như là cuốc ruộng. Một lúc kha1 lâu, tốp người tự động tách ra, mỗi người cuốc về một phía. Lợi cố nán đợi. Gần trưa thì những người ấyđã cách nhau khá xa. Có thể là họ đi đắp bờ ruộng? Suốt cả vùng đất thấp ấy là ruộng. Từ ngày chiến sự nổ ra quanh Dốc Miếu, vùng ruộng ấy bị bỏ hoang nhiều. Chỉ còn lỗ đỗ đôi ba thửa cấy được. Có lẽ số người đó ở một xóm, rủ nhau cùng đi làm, ra đến nơi mỗi người tản về chỗ ruộng riêng của mình?

Qua đến ngày thứ tư tình hình vẫn không có gì đột xuất. Lòng kiên nhẫn của Lợi không thể kéo dài thêm được nữa. Số người dân ra làm ruộng vàng đông thêm. Chỉ có một điều lạ là không một chỗ nào có hai người cùng làm?

Lợi nói rõ ý d0ịnh của mình cho tiểu đội trưởng tiểu đội năm, dặn dó cách xử lý nếu có tình huống bất trắc xẩy ra rồi anh vẫy tay cho người liên lạc bám sát mình, bò thấp theo bờ ruộng tiến thẳng về phía một người dân đang cuốc gấn nhất.

Còn cách người dân âý chứng năm mươi mét bỗng Lợi bẹp người xuống khi người kia bất chợi ngẩng lên, lật vạt áo lau mồ hôi. Suýt nữa thì Lợi kêu to. Đúng là mẹ Xướng!

Mẹ Xướng! Mẹ ra đây làm gì nhỉ? Hồi trước mẹ có làm ruộng bao giờ đâu? À, hình như dạo mẹ bị bắt, thằng Tá về ở với Hoan nghe nói có vỡ hoang được mấy sào? Nhưng không lẽ mẹ lại kế thừa những tấm ruộng hiểm độc ấy. Mẹ đã bỏ nhà lên ở với người em họ kia mà? Hay đây là ruộng của bà em? Nhưng lẽ nào gia đình ấy lại nỡ bắt nột người già cả như thế này ra phát ruộng một mình?

Bao nhiêu câu hỏi chồng chéo trong đầu Lợi. Bao nhiêu sự nghi kỵ được đặt ra. Nhưng cao hơn hết là nổi nhớ da diết cuồn cuộn như những đợt síng trào lên chực xô dạt vào với mẹ. Người mẹ ấy phúc hậu biết bao, quả cảm biết bao, nhưng cũng bất hạnh và đơn chiếc biết dường nào! Thực ra thời gian anh sống gần mẹ Xướng quá ngắn, nhưng căn hầm bí mật ấy, chiếc dép to nhỏ hai chiều ấy đã đan chéo trong lòng anh như những mối thương cảm ràng trịt khôn cùng.

Đúng là mẹ Xường rồi! Người mẹ của cách mạng! Lợi nhổm người lên. Một ý nghĩ táo bạo. Hay là mẹ kiếm cớ ra đây để bắt liên lạc với cách mạng. Có thể lắm. Từ ngày đi tù về, đội chính trị đã để đứt mất dây nối với cơ sở mẹ. Hẳn mẹ buồn lắm. Kẻ địch đã dồn mẹ vào chân tường của sự cô đơn, cách mạng không thể bịt luôn niềm hy vọng của mẹ. Phải đến với mẹ: Rồi biết đâu từ đó anh lại nhận được những nguồn tin chính xác về sự chuẩn bị phản công của địch. Lợi nghĩ vậy nên cương quyết bò lên. Người liên lạc cũng vội vã trườn theo. Lòng Lợi reo lên như có gió lùa. Bởi anh tin rằng trên đời này chỉ có thể có những đứa con phản bội mẹ chứ không bao giờ lại có người mẹ bội bạc với con!

Mẹ Xướng chợt ngẩng đầu lên lần thứ hai, nhưng lần này mẹ không kịp lau mồ hôi mà trố mắt ra kinh ngạc đến hãi hùng khi từ đầu bờ kia bất ngờ vang tiếng gọi:

- Mẹ Xướng! Mẹ Xướng! Mẹ...

Lợi gọi đến tiếng thứ ba mà mẹ Xướng vẫn không nhúc nhích. Anh khom người đứng lên môi run run vì xúc động:

- Kìa... mẹ! Con đây mà... Lợi đây!...

Lợi đã đứng thẳng dậy. Từng cơn gió lạnh phả tràn vào khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của anh. Khuôn mặt ấy đang rạng rỡ một nụ cười háo hức. Nhưng đối lại, mặt mẹ Xướng cứ tái xám đi trong niềm kinh hãi. Môi mẹ run lập bập như đang chịu đựng một cơn rét buối xương. Rồi hai tay cũng run. Chiếc cuốc tuột khỏi tay mẹ lạc lõng rơi xuống bờ cỏ. Cuối cùng là hai chan mẹ run bắn lên và bắt đầu giật lùi từng bước.

- Con!... Anh!... Ông!...

- Mẹ ơi! Mẹ không nhận ra con ư? Con thay mặt cách mạng đén với mẹ đây...

Lợi cười gần như mếu! Mẹ Xướng càng bước lui nhanh hơn. Bất ngờ mẹ dẫm phải hòn đất, sỉa một chân xuống bờ, mẹ bổ vật qua một bên và lăn sầm xuống ruộng.

Lợi hét to:

- Mẹ!

Nhưng anh không kịp lao tới thì đột ngột từ thửa ruộng đầy cỏ năn trước mặt ngóc lên hai cái đầu. Rồi ba, rồi năm cái đầu khác chồm dậy. Nhanh như cắt Lợi bổ người xuống bờ đất. Xung quanh anh gần chục bóng lính lao tới đồng thời với tiếng la ó: " Bắt số... ống!..."

Một loạt AK quét chéo. Rồi cả hai băng đạn cùng khạc đạn. Lợi và người liên lạc của anh đã phản ứng nhanh hơn kẻ thù. Bọn lính nằm rạo xuống. Đạn AR15 xeo xéo vượt qua đầu Lợi. Lợi nhảy lùi một bước thì đụng phải người liên lạc. Anh hạ lệnh:

- Lợi dụng bờ ruộng, vừa đánh vừa rút. Cậu lăn qua bờ kia đi.

Năm tên lính lao lên. lơi quạt một loạt rồi lăn hai vòng qua trái, lại quạt một loạt nữa. Người liên lạc đã lui qua được bờ sau, chĩa AK lên phía trước kéo từng loạt dài. Bọn lính nằm bẹp đi. Lợi xoay người lao về phía sau. Ập được người xuống bờ, anh trườn đến gần người liên lạc.

- Bắn điểm xạ ngắn, tiết kiệm đạn. Rút thẳng theo trục đường Một!

- Sao thế?

- Giữ bí mật cho " cứ "

Hai người bắn hai loạt ngắn nữa rồi bám theo mép ruộng mà phóng. Bỗng anh nghe tiếng la hét. Lợi nằm nghiêng người lại quan sát. Thì ra tiểu đội trưởng tiểu đội năm đã xuất kích cứu anh. Hỏng to rồi! Lợi kêu khẽ lên đau đớn. Anh biết địch sẽ chuyển hướng tấn công vào tiểu đội năm, họ sẽ khó lòng trụ nổi. Nếu họ rút vào " cứ " sẽ bị lộ. Nhưng tình thế đã đến mức này rồi, không sao cản được.

Tình hình diễn ra đúng như anh dự đoán. Bọn thám báo đã chuyển hướng vào tiểu đoàn năm, chỉ để lại khoảng mười tên và một trung liên chặn phía Lợi. Lợi trườn đến sát người liên lạc:

- Đồng chí bò dọc theo trục đường Một tìm gặp cho bằng được trung đội của anh Hóa, điều động ngay mũi ấy lên chi viện cho tiểu đội năm.

Người liên lạc chồm lên. Một loạt AR15 xổ tới. Lợi văng mình qua trái, bắn. Nhưng đạn đã gần hết, anh bắn rất dè dặt. Có tiếng hô"bắt sống". Hình như bọn địch đã đoán biết được tình thế của đối phương nên quyết lao lên. Lợi vừa chạy, vừa bò. Cũng may vùng đất này ruộng đất manh mún nên lắm bờ, lắm bụi. Bọn thám báo đuổi riết. Lúc này cả hai bên đều không tham bắn. Tình thế diễn ra như một trò chơi trẻ con. Lợi thầm tính toán, nếu kéo dài độ nữa tiếng nữa thì chắc chắn địch sẽ túm được mình...

Nhưng Hóa đã đến kịp thời. Khi Lợi nhận ra Hóa thì cũng là lúc tốp thám báo đã lọt vào giữa tầm xạ giới của trung đội một. Hóa hạ lệnh nổ súng. Đạn AK toé lên xô ngã từng tên địch. Lợi quay vội hô to:

- Xung pho... ong!

Mười bốn tay súng trào lên. Đạn xỉa vào từng tấm lưng ràn ri đang cựa quậy. Bọn địch bị diệt gọn. Cũng lúc đó ở phía " cứ "của đại đội, tiếng súng bắn thẳng xen lẫn tiếng phóng lựu, B40 đì đụp dội lên mỗi lúc một gay gắt. Lợi nói nhỏ với Hóa:

- Mau lên anh, chi viện cho trung đội ba!

*

Nhưng khi trung đội một cơ động về phía " cứ " của đại đội thì bọn thám báo cũnh vừa rút khỏi đây khi bỏ lại tám xác chết ở bìa làng.Có một quãng thời gian im ắng đến rợn người. Lợi hấp tấp hội ý các trung đội trưởng:

- Nhất định địch sẽ dập pháo vào. Cho đội hình dâng lên một cây số áp sát Dốc Miếu. Nếu bộ binh địch kéo ra thì bám sát bờ ruộng mà tác chiến.

Lệnh anh được chấp hành ngay. Quả nhiên chưa đầy một giờ sau, hai chiếc L19 từ Đông Hà trườn ra quành rất thấp xuống làng cát. Một quả đạn khói nhú ngay cạnh hầm đại đội. Một cột khói trắng đục cuộn lên. Tức thì ba quả pháo 105 ly từ Đông Hà rót ra nổ bật tung bờ phi lao cuối làng. Loạt đạn này vừa như chặn hướng rút lui vừa như khẩu lệnh. Rồi ầm... ầm... oàng... hàng chục trái đạn cắt chéo qua đầu đội hình đại đội mà xán xuống cái làng cát vốn đã xác xơ vì bao nhiêu cơn bão. Pháo canbr Cửa Việt cũng rót lên. Cối trên Dốc Miếu thì thụp gõ xuống. Mảnh đạn bay vèo vèo tiện đứt nốt những cây phi lao nào chưa chịu bật rễ. Trận đạn pháo cứ thế kéo dài từng một tiếng thì ngớt. Lập tức phản lực F4H như chực sẵn đâu đó bổ ụp xuống. Bom lao từng chùm. Tội nghiệp cái làng cát nhỏ nhoi, chẩng có gì để cháy, chẩng có ngọn tre nào nữa mà nổ lốp bốp, chỉ có tiếng bom nghe đến đứt máu tai và màu khói tím đặc một vùng.

Đội hình của đại đội trinh sát vẫn nằm ngoài vòng oanh tạc. Trừ ba đồng chí bị thương trong trận buổi sáng còn thì chẳng ai sứt da chảy máu bởi cơn bão đan này, tuy vậy Lợi vẫn thấy xót xa. Cả một khu cực trú chân của đơn vị được chuẩn bị chu đáo như vậy mà phút chốc tan tành. Nếu ngày mai địch dùng bộ binh đánh ra, bộ đội sẽ ohải nằm phơi trên đất mà đánh. Chưa bói đến hiệu suất chiến đấu chiư riêng chuyện nấu cơm đun nước để ăn cũnh đã thấy nan giải rồi.

Hóa bò sát tới chỗ Lợi:

- Chiều rồi, có lẽ chúng nó chỉ bắn vậy chứ không dám dùng bộ binh đâu...

- Đừng chủ quan anh ạ. Cứ cho anh em dùng xẻng cá nhân triển khai công sự. Nếu hôm nay chúng không đánh thì phải chuẩn bị kỹ cho ngày mai.

Bộ đội được lệnh đào công sự. Cho đến lúc mặt trời sắp lặn thì các tiểu đội mới báo cáo hoàn thành. Máy bay phản lực im tiếng, hai chiếc L19 quành thêm vài vòng nữa rồi chừng lại rất mãn nguyện, chúng sóng đôi nha đủng đỉnh bay về Đông Hà.

Lợi đi một lượt qua vị trí các trung đội. Mặt anh sầm lại lẫn trong màu xám chì nhợt nhạt của hàng hôn mùa đông. Lơi dừng lại bên cạnh người quản lý đại đội.

- Anh cho đào hầm bếp đi, lợi dụng bờ ruộng mà khoét sâu vào, chú ý đừng để lửa lộ ra ngoài. cố gắng nấu cơm tối nay và vắt cơm cho cả ngày mai nữa.

*

Tối hôm đó Lợi cho nhắn Khang về họp Ban chỉ huy. Sau khi kiểm điểm lại tình hình chung, đánh giá thành tích rất lớn của đơn vị và đặc biệt biểu dương hoạt động của trung đội hai, Lơi đã tự phân tích sao lầm của mình và đề nghị Ban chỉ huy báo cáo ra tiểu đoàn và Bộ tư lệnh xin kỷ luật.

Hóa phát biểu:

- Với cương vị là chủ trì nhnung đồng chí Lợi hành động thiếu cân nhắc. Trong việc làm cụ thể này, tôi xin lưu ý thêm một điểm, đồng chí Lợi thỉnh thoảng vẫn còn nét tình cảm học sinh. Cái đó không có lợi cho tầm nhìn và bản lĩnh của người chỉ huy quân sự. Tuy vậy, việc hậu cứ ta bị đánh theo tôi là một việc tất yếu. Bởi vì " cứ " ở đây không như " cứ "trên rừng. " Cứ " thực ra là một phòng tuyến. Nấu hôn nay không nổ súng, thì ngày mai, ngày kia, hoặc một ngày nào đó cũng phải chạm mặt với giặc. Không lý bộ đội vào đây chỉ để ngồi im, trốn kỹ. Một địa bàn hoạt động độc lập lọt thỏm vào giữa rốn địch, lẽ đương nhiên sẽ bị tàn phá. Trước khi ta đi, chính Bộ tư lệnh cũng đã xác định như vậy...

Khang không phát biểu vội. Điếu thuốc trên môi anh sáng loé lên đến mức phải đưa vòm tay che lại. Cuối cùng anh giật mạnh đầu một cái và nói:

- Tôi hoàn toàn nhất trí. Có gì mà anh Lợi phải tự nhận khuyết điểm. Cái kiểu ấy cũng kiểu tư sản nốt. Không có khuyết điểm gì cả. Đánh giặc, dù là cương vị người lính hay người chỉ huy thì cũng có lúc thế này, lúc thế nọ. Hơn nữa, nhiệm vụ ta vào đợt này y như hồi tháng sáu năm ngoái, mục đích là khơi cho địch ra. Ta đã làm được việc đó. Thế là tốt.

Hóa đề nghị thêm:

- Việc phân tích ưu khuyết điểm thế là rõ rồi. Còn kỷ luật cán bộ thì thuộc thẩm quyền trên. bây giờ ta nên bàn phương án tác chiến sắp tới.

Khang lại gật đầu:

- Đồng ý.

Lợi im lặng một tí rồi nói chầm chậm.

- Phương án không có gì thay đổi. Ba mũi vẫn bố trí như cũ và sẵn sàng ứng cứu cho nhau.

Đến lúc này Khang mới tỏ vẽ ngạc nhiên thật sự:

- Thế trung đội ba ở đâu? Chẳng lẽ cứ nằm ngoài bờ ruộng này?

- Không. Đội hình trở về như cũ. Sau đợt bom pháo khủng khiếp vừa rồi,thằng địch chắc chắn ta đã chuyển vị trí. Nhưng ta không chuyển đâu cả. Ngay bây giờ " bên ta " trở vào làng, kiến thiết lại công sự. Nếu các anh không có ý kiến gì nữa thì tôi đề nghị giải tán.

Cuộc họp kết thúc. Hóa thay mặt Ban chỉ huy thảo một bức điện báo cáo tình hình và ý kiến tự phê bình của Lợi. Suốt đêm hôm đó Lợi không ngủ. Không phỉa vì gió rét mà bởi những nỗi niền ngổn ngang trong lòng. Lần đầu tiên trong đời anh phải sống trong sự chờ đợi một hình thức kỷ luật. Đối với anh, kỷ luật không phải là niềm kinh hãi. Cái đáng sợ nhất là trên còn tin anh nữa không? Vừa mới nhận trách nhiẹm chỉ huy đại đội, trận đầu đã tỏ ra không sáng suốt. Lợi giận mình rồi căm lấy người cơ sở? Tại sao bà ta lại phản bội mình? Tại sao một con người phúc hậu đến thế, trung thành đến thế mà khi quay mặt lại có thể nhẫn tâm đến thế? Cuộc đời trai trẻ của anh thế là đã hai lần rơi vào ổ phục kích của địch chỉ vì cả tin vào cơ sở. Cả hai lần đều diễn ra cùng một đối tượng: lần trước với con người, lần nàyvới bà mẹ! Lợi bỗng thấy ngao ngán. Ngỡ như niềm tin bị trọng thương. Lẽ nào chân lý đời thường đặt vào chiến tranh trở nên nghiệt ngã đến vậy? Lẽ nào trong chiến tranh con người đừng nên trao hết sự tin cậy cho người khác?

Càng nghĩ Lợi càng thấy rối rắm. Một tâm hồn trong sáng được nuôi dưỡng trên mảnh đất quá trong sáng, bước vào cuộc đối đầu lịch sử này bỗng phải trả những giá quá đắt, Lợi thấy choáng váng.

*
Vì choáng váng nên anh phạm thêm thiéu sót trong lối suy diễn của mình. Thực ra mẹ Xướng không hề phụ bạc lòng tin của anh. Ngay cả Hoan trước đây cũng vậy. Sông mẹ và Hoan chẩng thể nào lẫn tránh được trách nhiệm của mình. Suốt đêm đó mẹ lên cơn sốt hầm hập, lúc mê, lúc tỉnh. Lúc thì lầm rầm chửi rủa, lúc lại thút thít khóc. Chính mẹ cũng không thể ngờ cơ sự lại đến thế. Khi bị tên Xã trưởng gọi đi làm công cho nó, mẹ chỉ oán nó tàn ác, trẻ không tha, già không nể. Nhưng không đi thì sống cũng không yên. Mẹ đâu lường được nó đã biến mẹ thành con mồi, một loại mồi vừa bẫy kẻ khác vừa bẫy chính mình. Thằng Lợi bị hại, bộ đội bị đánh và chính mẹ cũng bị quy kết " đích thực là cơ sở của Việt Cộng". Bị quy kết không sợ, mà đù có tù đày hoặc có bắn chết cũng chẳng sợ, cái làm mẹ đau đớn nhất là bị cách mạng kết tội! Trước đây con Hoan phản bội mẹ đã thấy cực lắm rồi. Nay thì chính mẹ.

Rứa là hết! Mẹ chẳng còn lối nào cởi thoát nữa.

*

Đúng như dự đoán, mờ sáng hôm sau địch tổ chức một lực lượng tương đơi quy mô gồm ba tiểu đoàn Mỹ, Nguỵ hỗn hợp từ Quán Ngang và Dốc Miếu tràn xuống. Một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ tiến dọc theo sông Cửa Việt dưới sự yểm hộ cuỉa hàng chục tàu Vơ-dét, đến ngang đoạn trung đội hai thì ồ ạt đổ bộ lên bờ. Khang đã ra lệnh cho trung đội hai rút lui co cụm về gần khu vực trung đội ba. Việc đó đã thu hẹp thế cân kiềng của đại đội. Nhưng Lợi không có lý do gì trách Khang được vì cuộc chiến đấu quá chênh lệch lực lượng.

Suốt buổi sáng địch tổ chức 16 lần tấn công. Đội hình của đại đội đều bị đánh bật ra khỏi làng và bị chia cắt nhỏ. Các tiểu đội phải bám lấy từng bờ ruộng mà đánh nhau. Mũi của Hóa cũng bị áp lực nặng nề. Dần dần từng tổ cũng phải tràn lên bờ ruộng độc lập tác chiến. Pháo binh miền bắc mát hiệu lực chi viện vì đội hình ta, địch xen kẽ nhau. Đến buổi chiều hơn phần ba quân số đại đội thương vong. Tuy vậy tiếng súng vẫn cò cưa nhau quyết liệt.

Mặt trời khuất núi, địch vẫn không hề có biểu hiện rút lui. Lợi phán đoán ngay rằng chúng sẽ chốt giữ khu vực chiếm được. Anh kiên nhẫn đợi trời tối hẳn mới cho một số chiến sĩ bò đi các hướng thu quân về một điểm nagy cạnh quốc lộ Một. Gần chín giờ tối các nhóm mới đua hết thương binh, tử sĩ về chỗtập trung. Đội hình rải dọc theo mép đường nhựa. Con đường quốc lô đoạn này tuy đã bị bỏ vắng từ ngày Mỹ, Ngụy mất quyền kiểm soát bờ nam sông Bến Hải, nhưng nó quă trống trải và ngay trước mũi Dốc Miếu nên không thể dấu quân được. Ban chỉ huy đại đội nhất trí cho đơn vị bám nhau rút lui theo trục quốc lộ Một. Đến gần sông Bến Hải, chỗ đó có một vùng làng bị bỏ vắng, họ dừng lại. Bây giờ chỉ một bước nữa là qua sông, một sải bơi là chạm đất Vĩnh Linh hậu cứ bất khả xâm phạm.

Lợi hạ lệnh:

- Các trung đội cho triển khai chỗ ở. Đào hầm và ngụy trang cẩn thận!

Rồi quay lại phía Khang nói nhỏ:
- Đề nghị anh Khang tổ chức cho thương binh qua sông, đồng thời anh ra gặp tiểu đoàn và Bộ tư lệnh báo cáo lại cả thể tình hình. Tôi và anh Hóa ở đây sẽ tổ chức từng phần đội, lợi dụng cách đánh sở trường của trinh sát tập kích vào đội hình địch. Chúng tôi chờ chỉ thị mới

Khang nói một cách ý tứ:

- Có lẽ anh hoặc anh Hóa ra báo cáo nó đầy đủ hơn...

- Không, anh thay mặt Ban chỉ huy là được rồi. Tôi không thể rời anh em lúc này được. Anh Hóa cũng vậy. Nội ngày mai phải biên chế lại tiểu đội, bổ sung tổ trưởng Đảng, ban chấp hành chi đoàn... Anh cứ ra trước. Nếu Bộ tư lệnh thấy cần thì chúng tôi sẽ ra sau!

Khang không nói thêm gì, lặng lẽ chìa tay ra nắm tay Lợi và Hóa rất chặt, rồi anh lại lặng lẽ đi về nơi thương binh đang tập trung...

Nhưng tình hình kho6ng như nhiều người dự kiến. Khang ra Vĩnh Linh một ngày, tối hôm sau vào ngay. Chỉ thị của Bộ tư lệnh chỉ vỏn vẹn có một câu: Nhất trí phương án tổ chức tập kích ban đêm.

Ngay đêm hôm đó, hai mũi tập kích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và rút về an toàn. Gần sáng chính trị viên Hóa nhận được một bức điện của Chính ủy:

"Củng cố tinh thần bộ đội, lấy động viên làm chính. Chưa nên phê bình kiểm thảo gay gắt vội. Chú ý đoàn kết nội bộ. Chúc các đồng chí lập công."

                                                                       Ký tên: Trần Vũ


Đăng ngày 10/06/2010

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Chau - 10/06/2010

Cám ơn chú!
  Gửi bởi: Ngô Minh Hoàng - 10/06/2010

Tôi rất thích và đang tìm Tiểu thuyết Cửa gió của nhà văn Xuân Đức, xin cảm ơn nhà văn Xuân Đức đã đăng bài rất nhiều. Tuy nhiên, rất mong nhà văn đăng các chương tiếp theo nhanh hơn, thường xuyên hơn để tôi cập nhật-đọc liên tục không bị ngắt quảng. Rất cảm ơn. Chúc nhà văn Xuân Đức và gia đình luôn khoe mạnh, công việc luôn luôn tiến triển. Thân chào. Hoàng.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan