Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 34 & 35


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BA MƯƠI TƯ 

Tàu vào đến ga Vinh thì trời vừa sáng hẳn. Đây là ga cuối cùng của con đường vào Nam . Đầu tàu trút một hồi còi dài như trút bao nỗi nặng nhọc của một đêm hành trình rồi dừng bánh. Hành khách lục đục xuống ga. Những khuôn mặt xọm đi vì mất ngủ . Những cặp chân bước luống cuống bởi tê cứng. Dăm ba tốp lính trẻ vừa nhảy xuống đã tụm nhau trên đường ga đốt thuốc. Những công nhân bốc vác hì hục chạy về phía cuối đoàn tàu. Cửa nhà ga mở, dòng người vội vã nối nhau tuôn ra đường rải nhựa. Họ chạy bộ, leo lên xe ngựa, gọi xích lô hối hả về bến xe.Không có xe khách đi Vĩnh Linh. Thuấn thất vọng đứng thừ người ra giữa bến đảo mắt nhìn bốn phía. Hành khách đi nội tỉnh đang khẩn trương tỏa ra tìm các luồng xe. Tiếng gọi nhau í ới.

- Xe Nam Đàn đỗ chỗ nào bác ơi?

- “Con Cuông” đâu? Xe nào đi Con Cuông?

- Tằm ơi! Tàm! Lại đây con. Xe đi Quỳ Hợp ờ đằng này mà...

- Ai đi Tân Kỳ lên xe mau! Có ai đi Tân Kỳ nữa không?

Thuấn quay phắt về chỗ vừa có tiếng gọi. Một chiếc xe tải có mui và bắc ghế gỗ ở thùng để chở khách đi Tân Kỳ. Hơn chục người leo lên thùng xe. Còn rộng chỗ lắm. Có nên đi không? Tân Kỳ!... Thuấn chưa hề biết chỗ đó. Nhưng cô đã nghe bao nhiêu người nhắc đến cái tên ấy. Đấy là Vĩnh Linh thứ hai, Vĩnh Linh của những người sơ tán. Mạ của Thuấn cũng ở đó. Lên thăm mạ thì còn gì thích bằng. Nhưng dù sao đó vẫn không phải là Vĩnh Linh, không phải là nỗi xáo động, dằn vặt và giục giã Thuấn lao đi trong cuộc phiêu diêu này.

- Có ai đi Tân Kỳ nữa không? Thôi, đóng bộ thùng xe lại!

Xe nổ máy. Hai chân Thuấn như không còn tự chủ được nữa. Tân Kỳ? Đấy là đâu nhỉ? Có lên được đến nơi không? Có tìm ra nhà không? Nghe nói nơi ấy chỉ toàn rừng, bạt ngàn rừng và núi đá. Dễ sợ thật. Lỡ mà lạc thì có lẽ hết đời. Nhưng mà chờ không có xe đi Vĩnh Linh làm sao đây? Bơ vơ giữa cái thành phố Vinh này nguy hiểm quá. Mà liệu mình đi bộ dọc đường khu bốn vào thấu trong kia càng mạo hiểm hơn. Vĩnh Linh? Chao ôi biết khi nào mới nhìn lại được. Nhưng mà, nhìn lại cái gì kia chứ? Bố chết rồi, mạ lên Tân Kỳ, bà con chung quanh e cũng đi hết. Vào đó may ra có thể gặp được một người... Nhưng mà người ấy thì gặp làn chi nữa. Tất cả đều thành quá khứ rồi...

Chiếc xe tải đóng thùng, rú ga. Xe chồm lên phía trước. Thuấn bất ngờ hét to:

- Chờ với! Chờ V...ới?...

Người lái xe thò đầu ra cửa, tỏ vẻ bực bõ:

- Đi đâu?

- Tân Kỳ.

- Sao nãy giờ đứng đực ra đấy hả?

- Dạ... cháu đang nghĩ là... có nên đi hay không?

- Hừ, có giấy tờ gì không?

- Dạ... có ạ.

Thuấn vội vàng chìa tấm chứng minh thư. Người lái xe vừa cầm lên đã reo to:

- Vĩnh Linh hả? ái chà, con gái Vĩnh Linh đây! Lên xe nhanh lên, em.

*

Cứ bình tĩnh một chút, đừng vì bất cứ nỗi niềm gì chi phối thì mới thấy rõ ràng rằng, nơi rừng núi bạt ngàn này là gốc gác, xứ sở của mùa xuân.

Dòng sông Con mỏng mảnh như một vệt khói chảy lờ đờ, thư thả qua bao nhiêu lèn đá, thung lũng. Mặt nước bị phủ một màng sương như tráng bạc. Hai bên bờ sông là hoa. Hoa đào hồng phớt, hoa giấy trắng nõn, hoa mưng buông từng chuỗi dài như chuỗi ngọc trên tóc các nàng công chúa ngày xưa. Và vô số các loài hoa ít người biết tên, chưa ai gọi đến, lấp ló e thẹn suốt dọc hai bờ, tràn lên sườn núi. Có tiếng nước reo mà không nhìn rõ suối, réo rắt, úp mở như tiếng trêu chọc, tỏ tình của các chàng trai. Lại tiếng chim nữa, thôi thì đủ thứ chim, quen nhiều mà lạ cũng lắm. Tất cả như đua nhau hát, đua nhau khoe sắc làm duyên. Mùa xuân, mùa cởi mở của đất trời, mùa tình tự của muôn loài, vạn vật. Cũng còn có đôi ba lá vàng rơi lác đác. Nhưng trước sức sống rôm rả và nhiệt thành của mùa xuân, những vệt vàng rơi rớt kia đã tự biến mình thành những nét trang sức làm cho thiên nhiên thêm phần lộng lẫy. Con người ta cũng vậy. Một chút buồn không đủ sức đè bẹp niềm khao khát của tuổi thanh niên, trái lại đôi khi nhờ nó mà niềm vui thêm đậm đà, chan chứa. Thử tưởng tượng xem, thiên nhiên cũng như con người mà không có chút vấn vương, ưu tư kia thì đơn điệu biết mấy, uổng phí đền ngần nào...

Xe đỗ, khách xuống thị trấn Lạt. Theo lời chỉ dẫn của vài người trên xe, Thuấn xuống xe đi theo đường đất ngược chiều sông Con. Được chừng một cây số, không còn thấy nhà cửa gì nữa. Con đường cứ nhỏ dần chọc thẳng lên những bìa rừng ngun ngút sương đục. Thuấn đang băn khoăn thì chợt thấy trước mặt một tốp chừng chục người đi lại. Hình như họ mang quang gánh. Họ đi đâu hè? Liệu trong số ấy có ai biết được chỗ đồng bào Vĩnh Linh ở không?

Còn cách vài trăm mét nữa,Thuấn nhận rõ họ toàn là phụ nữ. Người ta đang nói với nhau chuyện gì có vẻ vui lắm. Thuấn cố chạy mau đến. Bỗng cô đứng sững lại . Cái gì thế kia? Phải rồi, trên miệng mỗi người đều ngậm một điếu thuốc lá phầm phập nhả khói. Vĩnh Linh rồi ! Vĩnh Linh rồi ! Thuấn reo to lên rồi chạy ù tới. Thuấn ôm vắt lấy chị đi đầu, cả hai bổng oà lên khóc. Không cần hỏi tên, hỏi tuổi, không biết người ở xã nào, chỉ cần nhận ra nhau là người Vinh Linh thế là không kìm nổi lòng thương nhớ. Tất cả tốp phụ nữ xúm lại túm tay, vén tóc Thuấn. Sau phút nghẹn ngào người ta tranh nhau hỏi. Đặc biệt khi biết Thuấn ở Nam Ha về họ càng xoán xuýt hơn bởi vì hình như trong số này ai cũng có con ra học ngoài đó. Chuyện cứ thế mà tràn ra, kéo dài. Người ta thi nhau kể. Bao nhiêu là chuyện . Những chuyện ai cũng biết, ai cũng đã trải qua như nhau và có lẽ cũng đã kể không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng hễ có một duyên cớ nào đó là họ lại tuôn ra . Người này bổ sung cho người kia, người kia gật gù chen thêm vào lời người nọ. Mỗi cõi lòng là một cơn mây tích nước, chỉ chờ dịp xối ào thành những trận mưa .

Cho đến khi nhận thấy mặt trời quá xế, một chị trong số họ mới đột ngột kêu to lên:

- Chết cha rồi, đi thôi bà con ơi ! Xuống kịp lấy gạo không thì người ta đóng kho mất.

Bây giờ Thuấn mới sực nhớ đến việc của mình.

- Mấy chị ơi! Vĩnh Hiền ở chỗ nào? Đi đằng nào?

- Cứ thẳng rứa. Qua khỏi đò Làng Rào thì gặp hai lèn đá.Quẹo qua trái mà lên. Gặp đâu hỏi đó. Chẳng mấy bước nữa đâu, tối ắt đến...

Nói xong tốp người kéo nhau đi, đi như chạy. Thuấn nhìn theo mỉm cười. Họ mới ra đây gần một năm mà học được cách nói của đồng bào miền núi rồi .Chẳng mấy bước nữa mà lại đi đến tối; Nhưng dầu sau Thuấn cũng không còn sợ nữa. Lòng cô ấm hẳn lên .Quay mặt nhìn theo con đường lên ngược, còn hun hút lắm, song hầu như đâu đó quanh đây vẫn có người Vĩnh Linh. Mùi thuốc lá khen khét, nằng nặc bên bụi cây làm nôn nao lòng Thuấn. Cô bước đi băm băm .Tối ắt đến. Tối nay chắc được ngủ với mạ rồi !

*

Thuấn úp mặt vào ngực mạ mà ngủ. Cô ngủ say sưa, mê mệt như một sự thả mình sau bao nhiêu gắng gổ sức lực. Còn bà Hào thì thao thức . Bà khóc chán lại cười. Cười rồi lại nói. Bà kể chuyện huyên thuyên, dông dài. Kể mà biết chắc Thuấn đã ngủ. Bà kể cho chính bà nghe, kể như ngâm nga một đoạn vè của bản trường thi phiêu dạt.

Đến khoảng nửa đêm thì Thuấn thức dậy. Lúc ấy bà Hào lại vừa mới chợp được mắt. Thuấn lật người , mở tròn hai mắt nhìn nghiêng qua đống lửa nhóm giữa nhà. Từng cây củi đỏ rực khói đùn ra phía cửa. Bên ngoài trời tối mịt. Tiếng gió lùa qua rừng xao xác, thầm thì . Đêm của rừng ngàn gợi cái gì đó sâu thẳm và bí hiểm của cõi vô thức con người. Những gì bấy lâu Thuấn cố tình dồn nén, dấu kín nay bỗng được khua động. Mạ đã kể cho cô nghe chuyện Lợi đã trở về tìm Thuấn. Càng nghe Thuấn càng thấy thương. Thương cho anh và thương cả cho mình. Chưa bao giờ cô muốn gặp anh như lúc này. Có thể anh sẽ mắng, sẽ trách, sẽ nói những lời cay độc. Thuấn sẽ chịu đựng hết, cốt sao được nhìn thấy anh...

Cô lật người lại, lay vai mạ:

- Mạ ơi !..Ngủ rồi hả mạ?

Bà Hào ú ớ

- Hứ?

- Nhà bác ấy ở gần đây không ?

- Bác nào?

- Xì....

Bà Hào cố mở mắt ra và cố hiểu. Dĩ nhiên rồi bà cũng hiểu ra. Dù sao thì người mẹ vẫn là người hiểu con nhanh hơn ai hết.

- Con định lên đó à?

- Dạ.

- Để làm chi rứa?

Thuấn buông tay, ngớ ra. Sao mạ lại hỏi vậy? “Để làm chi rứa?”. Có nghĩa mọi việc đã kết thúc rồi ư? Mà có lẽ đúng thật. Nếu thế thì mọi cố gắng chịu đựng của Thuấn để làm gì?

Thuấn lặng đi rất lâu. lòng nghèn nghẹn nỗi tủi cực. Còn bà Hào thì lại bắt đầu kể. Bà kể lại những chuyện lúc chiều. Tính bà chẳng khác gì trước đây. Tất cả gan ruột đều phơi bày ra trong những lời dông dài kể lể. Tuy vậy Thuấn không hề thấy sốt ruột hoặc bực mình. Cô lắng nghe và ngẫm nghĩ. Mới có hai năm mà Thuấn thấy mình già đi nhiều, già trong sự đằm thắm và chín chắn.

Bà Hào kể xong buông một lời kết luận:

- Rứa nên... ý mạ thì con đừng nên qua lại bên đó nữa. Qua đó thì làm bác ấy thêm buồn...

- Không. Bác ấy chẳng sợ buồn đâu. Bao nhiêu chiuyện đau lòng ghê gớm mà bác ấy còn chịu được nữa là... Hơn nữa con sẽ cố làm cho bác ấy vui.

- Răng? Nghĩa là mi lại thề thốt?...

Thuấn bật cười. Tiếng cười nổ nhẹ như một tàn lửa bỏng cháy đôi môi cô.

- Mạ nghĩ kỳ thiệt. Con có gì nữa đâu mà thề với thốt. Con đến với bác ấy như một hàng xóm tốt bụng thôi...

Bà Hào không nói gì. Thực tình đến chỗ này thì bà không thể hiểu nổi con trẻ nữa.

Ý định Của Thuấn thật rõ ràng, dứt khoát. Nhưng đến sáng hôm sau lúc tìm được nhà ông Chẩn thì mọi dự tính của cô bỗng nhiên đảo lộn. Ông Chẩn thấy Thuấn mừng quá kêu to lên. Ông túm tay Thuấn kéo vào nhà. Ông chạy xuống bếp bê lên nồi sắn vừa mới luộc. Ông ấn vai Thuấn ngồi xuống chõng mở vung nồi sắn. Một luồn hơi trắng bạc như râu ông bốc lên ngùn ngụt. Tất cả mọi việc ấy bỗng gợi cho Thuấn một kỷ niệm xa vời, kỷ niệm về bữa cơm đầu tiên Thuấn so đũa mời ông Chẩn... Hai nguời lại nói chuyện. Y như lần trước, cxâu chuyện vẫn luân quanh về mộ ngườ đang ở xa. Hình như chẳng có gì thay đổi trong ý thức người bố. Không hề có chút vương vấn gì về những biến động vừa qua. Có vẽ với một người từng trải như ông, những sống gió như vậy là quá bình thường không cần bận tâm lắm.

- Rứa nó không biên thơ cho con à? Cha cha cái thằng. Thì đến bác đây cũng có thơ từ gì đâu...

- Dạ... anh ấy không biết địa chỉ của cháu. Mấy lại, có lẽ ở chiến trường thì giờ quá hiếm hoi...

Ông Chẩn gật đầu mạnh:

- Con nói phải. Hơn nữa bác cũng đã dặn rồi. Tuyệt đối không có thư từ chi cho bác hết.

Thuấn có phần ngạc nhiên:

- Sao bác lại dặn rứa?

- Thì đó... chết với cái chuyện thư từ đó...

Nói đến đó ông Chẩn bỗng ngừng bặt. Câu chuyện vô tình đã kéo ông về cái vực ngăn cách mà từ lúc gặp Thuấn đến giờ ông cố tình lãng tránh. Nhưng chính cái phút ngừng bặt của ông đã giúp cho Thuấn hiểu. Thì ra không phải ông vô tâm mà chính là cố ý tránh. Ông tránh cho ai? Sức nghĩ của Thuấn làm sao lường nổi tấm lòng bao dung cao cả đến dường ấy.

- Bác ạ... Cháu... cháu biết mình có lỗi...

- Hì hì... Ông Chẩn cười. Chòm râu ông rung lên, môi run run như khóc - Nói rứa thì bác cũng có lỗi. Đừng nghĩ vậy con ạ. Tội là tội của thằng Mỹ. Nó muốn, bắt mình xa nhau. Chừ Đảng nói đánh Mỹ, theo bác cũng có nhiều cách đánh. Thằng Lợi đi cầm súng là một cách. Còn bác cháu mình dám vứt hết mọi hiểu lầm, ăn ở có trước có sau với nhau thì cũng là một cách đánh. Bác nói rứakhông biết cháu có nghe lọt không?

Thuấn bỗng nghẹn ngào:

- Dạ... có...

- Ừ... ừ - Ông Chẩn lại cười. Lần này ông cười thực sự. Tiếng cười vang nhỏ nhỏ nhưng sảng khoái.

Vừa lúc ấy có một phụ nữ quăng phịch đôi sọt xuống giữa sân và lao vào như một luồng gió. Chị ôm lấy Thuấn hỏi vội vã:

- O ở đâu? Ở Vĩnh Linh ra phải không?

Thuấn lúng túng:

- Dạ em... ờ Nam Hà về...

- Làm chi ngoài Nam Hà?

- Dạ em dạy học sinh K8.

- À...

Chị bỗng buông tay đứng thừ người. Ông Chẩn nói vội:

- Mạ con Cần không nhớ con Thuấn à?

Chị Thảo khẽ gật đầu rồi thở dài. Chị chưa già mà đã có tính hay quên. Nhưng riêng điều này thì chị không bao giờ quên được. Lẽ ra con Cần của chị cũng đã đi K8. Nếu chị không mềm lòng, yếu vía thì con của chị đâu đến nỗi phải thất lạc, bơ vơ.

*

Thảo hỏi han một lúc rồi chạy xuống bếp. Hai bác cháu ông Chẩn vẫn rù rì nói chuyện. Nồi sắn luộc cứ thế nơi dần. Thảo nhóm bếp, vo gạo. Chị ngồi lỳ bên bếp lửa, lòng nôn nao nhớ con.

Sau khi ra đây nửa năm thì nhận được tin con Cần. Đấy là lá thư ngắn viết trên một mặt giấy không có phong bì của một anh bộ đội gửi cho ông phó chủ tịch huyện ra thăm tình hình ăn ở của nhân dân sơ tán. Lá thư đã vực Thảo đứng dậy sau nửa năm trời tưởng như gục ngã. Qua thư Thảo biết con mình vẫn an toàn và trở lại Vĩnh Linh ở với một đơn vị bộ đội. Đến khi ông phó chủ tịch huyện ra về, chị gửi ông toàn bộ gói áo quần con Cần kèm theo lá thư cảm tạ các anh bộ đội. Từ đó, một tháng vài lần chị vẫn nhận được thư. Thư của con Cần mà không phải do con Cần viết. Nó làm chi đã viết được thư. Nó chỉ viết được mấy chữ cuối cùng “hôn ông, hôn mạ, hôn út Hầm” rồi ký tên Cần to bằng hạt bắp. Thế nhưng cũng đủ cho chọ khóc ròng rã hàng giờ. Khóc vì thương và khóc vì vui.

Đúng là Thảo vui hơn. Người chị khoẻ ra, hồng hào hơn. Người ta bảo khí hậu vùng rừng núi thích hợp với phụ nữ. Nếu có đúng thì chỉ một phần. Thảo tự hiểu mình. Lòng chị đã bình tĩnh lại. Bao nhiêu bước gian truân đã trôi qua rồi. Chị như cái cây đã vượt hết thời sâu bệnh, vượng sức vươn lên. Lòng chị vẫn nôn nao nhớ con, nhưng không còn là nỗi nhớ mỏi mòn, thất vọng mà là sự khao khát, chờ buổi sum vầy.

Nồi cơm cạn. Thảo vần cơm rồi xách rổ ra vườn hái rau. Lá cải nõn nà. Màu rau hòa lẫn trong sắc xuân ngợp mắt của cây lá. Chim rừng ríu ran hót. ở trong nhà ông Chẩn và Thuấn nói gì đó rồi cười ran lên. Tự nhiên Thảo cũng mỉm cười một mình. Âm thanh của mùa xuân đã lây lan qua chịA6


CHƯƠNG BA MƯƠI LĂM

Tối tối ông Chẩn thường được các cố trong bản gần đấy mời vào uống rượu. Chị Thảo và cu Hầm ở nhà với nhau. Thu dọn nhà cửa xong hai mẹ con đi ngủ sớm. Thời gian đầu chị Thảo rất ít ngủ. Mỗi lần thức giấc chị lại nghẹn ngào vì nhớ con Cần. Từ khi nhận được tin con, lại quen dần với cảnh sống mới, chị thôi không khóc nữa. ở miền núi đêm dài hơn ngày. Giấc ngủ cũng mê man hơn. Cu Hầm nay đã lên ba chẳng hay khóc nhè ban đêm nữa. Vì thế, đêm đối với chị cũng đỡ nặng nhọc, trăn trở hơn.

Đêm nay, cũng như những đêm khác, ông Chẩn lại vào bản. Cu Hầm khoanh tròn người trong tấm chăn chiên, chị Thảo cũng lên giường nằm. Nhưng lại quá, sao không ngủ?

Đêm yên tĩnh đến lạ lùng. Cứ ngỡ như cả vũ trụ này đều đã thiếp đi, chỉ còn duy nhất có sương là thức. Sương buông mình trượt tren các mặt lá lốp đốp, giòn tan như cành khô gãy. Sương rơi đều đặn, mải miết và vô tận nhưng bất kỳ lúc nào cũng như nghe thốt lên những tiếng ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Sương như đoàn du khách ở một thế giới xa vời nào đó lạc đến, vừa háo hức, ríu rít, vừa e lệ sẽ sàng. Sương là ân huệ tràn trề của một đấng cứu mạng dấu mặt chỉ chờ đêm đến mới vung tay rải khắp thế gian, vồi vội mà khe khẽ.

Chị Thảo nằm nghe sương rơi giống như nhiều đêm trước đây nằm đếm tiếng sóng biển. Chị đã đi qua bốn năm chiến tranh, đi một mình với hai đứa con dại. Gần như là một linh tính của cuộc đời, những đêm khó ngủ như thế này thường mang lại cho chị bao nhiêu điều bất ngờ, sửng sốt. Chị thấp thỏm, chờ trông một cái gì đó, hình như nó đang đến, rón rén rục roạc ngoài hàng hiên, sau hè nhà, hoặc lấp ló ở trong các lối mòn giữa rừng rậm...

Điều ấy đến thiệt. Có những sự bất ngờ tới mức mặc dù người ta vẫn hằng khắc khoải đón nó mà vẫn không sao tin nổi. Nhưng rõ ràng điều đó đã đến. Tiếng gọi cửa vang lên. Giọng hai người cất lên cùng một lúc.

- Chị ơi!...

- Mạ ơi!...

Chị Thảo chồm người dậy, bàng hoàng. Có thể mình mê? Chị đè tay lên ngực và tự nhủ như vậy. Nhưng chị đã ngủ đâu mà mê. Thử nghe lại xem. Sương vẫn buông lạc rạc mỗi lúc một dày. Chị Thảo khẽ thở dài rồi nằm xuống.

- Chị Thảo ơi!...

- Mạ ơi!...

Đúng rồi! Người chị run lên. Hai tay lờ quờ tìm hộp diêm. Mồm chị cừng lại không sao thưa nổi. Vệt lửa diêm bùng cháy lóa mờ mắt chị. Không nhìn thấy chi hết. Chỉ nghe thấy tiếng mở cửa loạc xoạc, rồi như có luồng gió mạnh ập vào vắt chặt lấy người chị.

- Mạ ơi! Mạ... hu... hu...

Chị Thảo đứng chết lặng giữa nhà. Ngọn đèn dầu bị chao trên tay phầm phập tỏa sáng. Bây giờ thì chị không run rẫy nữa. Chị cũng không khóc. Chị đứng im nghe tiếng khóc của con, tiếngkhóc giòn tan, thỏa thuê như trăm ngàn hạt sương tha hồ phủ xuống. Chị đứng vậy như mặt đất ngấm hết thảy xót mặn của hờn tủi, buồn vui.

Con Cần khóc một hồi no nê rồi bỗng quệt cả mặt lên tay áo mạ, ngoẻn miệng cười:

- Mạ ơi!... Bác Tùng...

Bây giờ chị Thảo mới sực nhớ, hay đúng hơn chị mới kịp hồi tỉnh để nhận ra người đàn ông mặc áo quân phục bốn túi đang đứng nép ở cửa.

- Mạ ơi!... Bác Tùng nuôi con...

Chị Thảo gật gật đầu như một kẻ bị thôi miên:

- Ngàn lần đội ơn bác... Mời bác vào trong nhà...

Chị nói mà chẳng hiểu mình nói gì. Khuôn mặt người đàn ông sao quen quá. Chị cố nghĩ. Nhưng thử hỏi những lúc như thế này chị còn nghĩ làm sao được nữa.

- Thưa bác, tôi có lỗi với cháu nên đã làm cho bác phải vất vả. Nếu cháu Cần mà không có phúc gặp được bác thì không biết sẽ đến nông nỗi nào... Dạ, thiệt suốt đời tạc dạ ơn bác...

Tùng cười. Anh cũng chẳng biết nói gì hơn là cười. Nhìn phút gặp gỡ của hai mẹ con chị Thảo anh tự thấy thỏa thuê như đã làm tròn một nhiệm vụ nặng nề trong chiến đấu. Cái nghĩ của anh thật giản dị. Và vì thế mà anh chỉ biết cười, nụ cười xoạc rộng hào phóng giữa hai gò má nhô cao và hai hố mắt sâu trũng. Đêm nay nữa là tám đêm liền thức trắng. Anh đã vượt qua đoạn đường “ném bom hạn chế” của giặc Mỹ để ra đây. Và năm nay nữa cũng là tám năm anh cố vượt một chặng đường xa cách ly biệt để tìm về với những ước hẹn ban đầu. Gò má anh vốn đã cao lại càng cao thêm. Hai hố mắt vốn đã sâu, ngày càng thêm sâu trũng. Năm nay anh đã ba mươi sáu tuổi tròn.

*

Chỗ Tùng họp cách nhà chị Thảo khoảng hai cây số. Đấy là trường quân chính Quân khu. Cuộc họp này được triệu tập gồm tất cả các cán bộ từ cấp tiểu đoàn trưởng đến trung đoàn trưởng pháo cao xạ trên toàn quân khu, mục đích để rút kinh nghiệm bắn máy bay tầm thấp và tầm trung bình của Mỹ trong màn đầu của chiến dịch “ném bom hạn chế”.

Cũng cần điểm qua một chút về cái gọi là “ném bom hạn chế” của Giôn Xơn. Theo một số nhà bình luận quân sự có tiếng sành sỏi ở Phương Tây thì đây là một bước “xuống thang tương đối, leo thang tuyệt đối” của không lực Hoa Kỳ. Bởi nếu nhìn vào tọa độ ném bom, rõ ràng người Mỹ đã rút xuống trong phạm vi ba vĩ độ. Nhưng trên đoạn đường ngắn ngủi ấy - từ chiếc cầu Bùng mảnh mai vắt qua vĩ tuyến 20 vào đến cầu Hiến Lương găn quăn như vỏ đỗ trên vĩ tuyến 17 - toàn bộ lực lượng bom đạn trước đây đánh xuống trên toàn miền Bắc nay được dồn lại, thậm chí còn có phần gia tăng hơn nữa, để trút vào đó. Theo hẵng thông tấn AFP, lượng bom và rốt két đã tăng lên một lần rưỡi so với cùng thời gian này năm ngoái. Có lẽ sau gần bốn năm nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ phía đông nam châu Á này, người Mỹ thông thái mới chợt nhận ra rằng lãnh thổ Việt Nam dài như một cái phế quản, và cần phải dồn toàn bộ nền kỷ nghệ tiên tiến Hoa Kỳ vào một khúc eo nhất mới mong chặt đứt được.

Hội nghị làm việc khẩn trương trong bốn ngày liền. Suốt bốn ngày Tùng không sao dứt ra để đến thăm mẹ con Thảo được. Đến chiều thứ bảy, hội nghị bế mạc sớm. Tùng vừa ra khỏi hội trường đã thấy Thảo và Cần đứng chờ.

- Chị!

Tùng kêu to lên rồi đi nhanh lại. Con Cần chạy ào đến. Tùng bế thốc nó lên ôm ngang người.

- Mấy hôm nay bận quá không sao đến chỗ chị được...

Thảo nói khẽ:

- Chiều nào mạ con tui cũng đến đây, nhưng mấy anh bận họp dữ quá...

- Thế à?... Này, mạ có làm thịt gà cho ăn không, Cần?

Con Cần cười khanh khách:

- Có. Cả phần bắc nữa.

- Đâu? Răng không mang cho bác?

- Hứ! Bác phẩi đến nhà cơ.

Chị Thảo mỉm cười. Tùng cũng cười. Anh thả bé Caz62n xuống đất rồi nắm tay nó đi ra hướng đường cái. Cả ba lững thững tiến về có vườn cau cao vút.

Họ dừng lại ở một phiến đá to như con trâu mộng đang nép mình trên sườn đất thoai thoải. Những thân cau lao thẳng lên trời, lơ thơ tàu lá. Hoa cau xòe như những bàn tay lấn tấm sương bụi. Mặt trời chưa khuất núi. Những vệt nắng quẹt chéo lên lá cau hừng dậy cái sắc màu đầy khao khát. Sắc màu cuối xuân.

- Hội nghị xong chưa anh Tùng?

- Dạ rồi.

Thảo quay lại, mắt khẽ chớp:

- Rứa khi mô anh về?

- Dạ đáng lý phải về ngay chị ạ. Nhưng trên bổ sung đợt tân binh của Nghệ An, tôi phải đợi nhận luôn. Có lẽ dăm ngày nữa...

Con Cần túm chặt lấy tay Tùng lay mạnh:

- Bác Tùng về, cháu cũng về?...

Tùng quay lại, nghiêm mặt:

- Không được. Cần phải ở lại với mạ. Cần bỏ mạ một mình à?

Con Cần không nói được gì, mặt xịu hẳn. Chị Thảo mỉm cười, hơi cúi xuống:

- Con Cần quen hơi bác rồi đó...

Tùng sởi lởi:

- Quen quá đi chứ. Gần một năm chứ ít ỏi chi. Chị có thấy nó lớn lên tý nào không?

- Lớn hung. Mà có vẻ già dặn nữa...

- Ấy, cái đấy là dở đó. Ở với bộ đội suốt ngày la hét, họp hành, cháu chẳng có lấy một đứa bạn trẻ nào để chơi. Đêm đêm các chú sinh hoạt, cháu cứ ngồi bên cạnh lắng nghe, thành thử giờ trong đầu toàn là những từ ngữ quan trọng và căng thẳng. Buồn cười lắm chị ạ. Hôm chiatay đơn vị để ra đây, cháu nói thế này: Chúc các chú ở lại sức khỏe dồi dào, lập công quan điểm và đạo đức tác phong...

Chị Thảo phá lên cười. Tùng cũng cười sằng sặc. Con Cần không hiểu sao mọi người lại cười nó, mặt nó đỏ dừ lên, mồm phụng phịu rồi vùng chạy ra phía vườn cau. Chị Thảo cất tiếng gọi những Cần không thèm quay lại. Nó vừa đi vừa nhặt những hòn đá ném bừa vào những con chim. Tùng nhìn theo lắc đầu:

- Chị xem đó, tính khí giống con trai chưa?

- Ừ... Mà cũng biết cả tự ái nữa. Có khi nào nó làm anh bực mình không?

- Không. Được cái là cháu rất ngoan chị ạ. Cả tiểu đoàn bộ ai cũng thương nó. Nhất là anh em liên lạc...

Thế là Tùng lại kể về những ngày Cần ở đơn vị. Những ngày đó đối với anh có một vị trí hết sức trọng đại. Nó đã choán một phần ký ức quan trọng trong cuộc đời, làm nghêng lệch tâm tính của mộg người đàn ông đã luống tuổi xưa nay vẫn quen sống độc thân. Có những chuyện hôm đầu tiên đến thăm gia đình anh đã kể, nhưng giờ anh vẫn nói lại, nói say sưa như tự nói về mình. Còn chị Thảo thì lắng nghe, nghe không biết chán, vừa nghe chị vừa cầu mong câu chuyện đừng hết vội. Thỉnh thoảng chị lại chen vài câu nhận xét, tán đồng, khẳng định về đứa con của mình. Hai người cứ rầm rì kể về Cần mà quên mất rằng Cần đã đi khuất vườn cau, vòng trở lại phía sau phiến đá lúc nào không biết.

- Ê... tươi lên nào!

Cả hai giật mình quay lại. Con Cần đang đứng khom người đưa hai tay lên trước mặt như một thợ ảnh. Mốm nó méo lại:

- Cười lên chứ! Hai ba, cười lên nào!

Chị Thảo bật lên cười:

- Con ranh, học đâu cái trò ấy rứa?

Tùng gật đầu giải thích:

- Có lần có một chú nhà báo về đơn vị... Lại gặp lúc anh tham mưu trưởng quê Hà Tĩnh cưới cô dân quân Vĩnh Long...

Con Cần kêu to lên:

- Ấy, đừng nói chuyện tươi lên nào... Con bấm mày đây nè.

Chị Thảo lúng túng quay lại nhìn Tùng như phân bua. Tùng vờ nhìn quay hướng khác.

Câu chuyện xem ra không thể tiếp tục được nữa. Trời xâm xẩm tối. Tùng đứng lên trước:

- Thôi chị đưa cháu về kẻo lạnh. Lúc nào nhận tân binh xong, trước khi về Vĩnh Linh thế nào tôi cũng đến chàu bác, chào chị và chia tay cháu...

Thảo đáp lí nhí trong cổ:

- Anh đừng sai hứa nghe?

Con Cần cũng nheo mắt lại, mặc cả:

- Ngày nào bác đến?

- Ờ... độ dăm hôm nữa...

- Bác nhớ đến đấy. Nếu không cháo kỷ luật đó.

- Rõ.

*

**



Độ dăm hôm nữa... Tùng đã nói như vậy mà cẹm con Thảo cũng đinh ninh như vậy. Năm hôm sao mà dài. Chị Thảo đếm trong bụng, còn con Cần thì cứ bô bô:

- Hôm ni nữa là ba ngày rồi, phải không mạ? Còn hai hôm nữa bác Tùng đến mạ hè?

- Ừ...

- Hôm sau mạ có đi với bác Tùng ra cái nương cau ấy nữa không?

- Xì, nói huyên thuyên rứa con, nương cau nương trầu nào?

Cần nhăn mặt:

- Mạ quên rồi. Nương cau hôm con chụp ảnh cho mạ với bác Tùng đó.

Chị Thảo chỉ muốn lao đến bịt mồm con lại. Nhưng không kịp nữa. Chị liếc mắt về phía cuối hồi nhà. ở đó ông Chẩn vẫn ngồi trên chõng, mắt khép lại, chòm râu rung rinh. Ông có vẻ như không để tâm đến câu chuyện của hai mẹ con. Câu chuyện ấy đã lặp đi lặp lại hai hôm nay rồi. Mỡi lần con Cần toang toác nói về bác Tùng, Thảo lại giật thót cả người nhìn ông Chẩn. Nhưng ông không nói gì. Mấy hôm nay tự nhiên ông ít nói. Ông cũng bỏ cái lệ vào bản uống rượu. Tối đến ông lặng lẽ ngồi trên chõng trầm ngâm một mình. Thảo bỗng thấy chột dạ.

Thực ra Thảo chẳng có lý do gì mà ái ngại cả. Việc anh Tùng là ân nhân của gia đình hiển nhiên rõ ràng như ban ngày ai mà không thừa nhận. Chính ông Chẩn hôm đầu từ trong bản chạy về cũng mếu máo túm lấy anh mà nói: “Quý hóa quá chừng, bố con tui suốt đời đội ơn anh. Anh ở đây với cháu vài hôm, khoan đi đã...” Thế đấy. Mà Tùng cũng không hề ở lại lấy một hôm. Từ đó tới nay anh chưa có dịp ghé thăm gia đình. Thảo cũng không nói gì nhiều. Thế mà sao chị cứ ngài ngại? Có cái gì vương vướng trong lòng? Mo65t sự mặc cảm chăng? Không. Xưa nay bố chồng chị là người đại lượng, có bao giờ suy nghĩ nhỏ nhen ích kỷ đâu. Thậm chí đã có đôi ba lần ông nói thẳng với Thảo là hãy can đảm đi thêm bước nữa. Mỗi lần ông nói chuyện ấy, Thảo lại nghẹn ngào. Tấm lòng ông, Thảo hiểu lắm, mà lòng chị thế nào chắc ông cũng chứng giám cho rồi.

Hình như mấy hôm nay ông hay để mắt đến chị? Hoặc có thể cũng chỉ là cái nhìn bình thường như bao lần trước nhưng tự hiên Thảo thấy khác lạ đi? Có thể lắm. Bởi trước hết, Thảo đã hay tự xem xét lại mình và cũng hay liếc nhìn, phán đoán ý nghĩ của bố.

Thảo tự soi xét lại mình, rồi chị bỗng nhận ra một cách hốt hoảng rằng, chị còn trẻ quá!

Chao, làm sao mà lại đi hốt hoảng trước sự trẻ trung của mình? Thảo tự hỏi mình mà không tự trả lời nổi. Hình như sức trẻ trung trỗi dậy, đang muốn lật nghiêng, lật ngửa cuộc sống của chị, xô đẩy chị đi, tới một bến bờ thực mạo hiểm. Chị không muốn thế. Song sức trẻ lại là một điều có thật y như mùa xuân vậy. Thảo tự ngắm mình trong gương.Dạo này khuôn mặt chị có đầy ra. Con gái xứ biển vốn có cái vóc dàng đầy đặn. Chiến tranh với bao nhiêu nỗi trầm luân khổ ải do nó đưa lại đã đào sâu vào hố mắt và gò má chị. Nhưng từ ngày trở ra với núi rừng, hình như tất cả đã được bù đắp trở lại. Không những thế da chị còn trắng ra. Một màu da sáng sủa, hồng hào. Hai bàn tay cũng mềm hơn trước. Tóc thôi không rụng nữa. Đám phụ nữa gần đây hay trêu chọc: “Gớm, trông bà Thảo y như con gái mười tám đôi mươi vậy!” Thảo nguýt dài. Làm gì mà có sự trẻ trung đến vậy. Dẫu sao chị cũng là người mẹ hai con. Nhưng rồi cũng có khi chị tư kêu lên một mình, làm gì mà già đến mức người ta phải gọi “bà” thế? Thực tình năm nay chị mới bước gần tới tuổi ba mươi...

Sáng hôm nay Thảo lên nương. Nương sắn cách nhà gần một giờ đi bộ. Đấy là một khu cánh tác của hợp tác xã nằm bên bờ con suối đổ về sông Làng Rào. Sắn đã lên hơn gang tay. Người ta bắt đầu dẫy cỏ. Nhờ có đi theo bố chồng ra sơ tán mà Thảo quen dần với công việc nương rẫy. Chị định bụng sau nàt hết chiến tranh, chị sẽ ở luôn trên đất đỏ.

Lúc mặt trời vượt lên khỏi lèn đá trước mặt thì bỗng nhiên ông Chẩn hối hả leo từ dưới chân đồi lên. Nhìn thấy bố Thảo thả cuốc chạy xuống:

- Có chuyện chi rứa ông?

Ông Chẩn ngừng lại thở, đưa ống tay áo lên quệt mồ hôi.

- Bác Tùng đến chào...

- Trời ơi, bác ấy hẹn ngày mai cơ mà?

- Việc đột xuất, quân... quân sự mà lại...

Thảo bỗng luýnh quýnh tay chân.

- Rứa chừ bác ấy đâu rồi, ông ?

- Ông bảo bác gắng đợi ở nhà, ông lên tìm con...

Thảo chẳng kịp nói thêm gì nữa, ù té chạy. Chị đạp băng qua đồi sắn, vượt tắt đám rừng mới đốt rồi lao xuống đường mòn. Chị vừa chạy vừa thở. Nắng đã gay gắt. Hơi núi đá phả ra ngây ngây. Mồ hôi đầm đìa tóc, thấm tràn áo. Thảo vẫn chạy băng băng. Về đến đầu bản chị không dám chạy theo đường trục mà đạp tắt qua nhà trẻ, rẽ xuống nương bắp của đội hai rồi vượt bừa qua đất trồng đậu lao thẳng về nhà. Nhưng đến giữa sân thì Thảo đứng sững lại. Con Cần ngồi khóc hu hu ở thềm. Không cần hỏi Thảo cũng đoán biết cơ sự. Chị quay phắt lại chạy băm băm theo con đường về trường quân chính. Con Cần chồm lên gọi theo. Mặc kệ . Chị vẫn chạy. Tiếng khóc của con Cần dội tới chị không thèm để ý. Bởi vì, không ai có thể ngờ rằng, người mẹ hai con ấy cũng đang ấm ức. Nỗi ấm ức dâng đầy chẹn ngang họng chị. Thảo cố ném xuống. Nhưng đến khi nhìn thấy bóng chiếc ba lô con cóc đang lụi cụi đi phía trước thì Thảo không nén đươc nữa. Chị oà lên. May thay, đường rừng ban trưa vắng vẻ, tiếng khóc của chị chỉ đủ cho chị tự nghe một mình.

Tùng có phần sửng sốt khi bất giác quay lại và nhận ra Thảo đang chạy đứt hơi vì mình. Anh còn kinh ngạc hơn vì khoé mắt chị ngập nước. Chị chạy xộc đến, miệng làm ra vẻ như cười :

- Đi chi mà gấp rứa, bác Tùng ?

- Có điện của Bộ tư lệnh, chị a. Nó đánh trong mình gắt quá. Tình hình đang rất khẩn trương...

Hình như Tùng còn giải thích lằng nhằng gì đó nữa, nhưng Thảo không nghe thâý . Hai tai chị ù đặc. Gò má nóng bừng bừng. Hơi thở trào ra vội vã.

Tùng nhìn chị ái ngại :

- Chị chạy làm chi cho mệt. Tôi đã nhắn lại với bác...

Thảo chẳng nói được câu gì. Tiếng thở của chị mỗi lúc một gấp hơn. Thấy vậy Tùng đề nghị :

- Ngồi nghỉ tý đã. Rồi sau đó chị quay về, đừng tiễn nữa mà mệt...

Đoạn đường này cây cằn lúp xúp. Nắng trưa xối gần đứng đầu. Họ phải rẽ vào một lối nhỏ, đi bộ chục bước chân nữa mới tìm thấy một gốc cây to. Cả hai ngồi xuống. Bây giờ Thảo mới tìm được một câu hỏi han thích hợp:

- Bác về chỗ nào thì nhận tân binh ?

- Dưới thị trấn Lạt.

- Rứa thì....tôi theo xuống đó được.

Tùng nhăn mặt :

- Ồ, xa lắm đó, chị a.

- Bọn tôi xuống đó luôn

Tùng lắc đầu :

- Lúc nãy cháu Cần cũng đòi theo rõ tội..

Thảo thở dài :

- Lúc tôi chạy về thấy nó đang khóc. Đêm nay tha hồ mà nghe nó hạch tội.

Cả hai bỗng cùng im lặng. Có thể họ đang nghĩ đến bé Cần, cái Cần ngẫu nhiên bắc quan hệ của hai người. Mãi một lúc lâuThảo mới gắng sức hỏi khe khẽ :

- Bác Tùng ...xây dựng gia đình ở đâu ?

Tùng thật thà :

- Chưa có gì chị ạ. Lính “phòng không”mà...

- Không sợ muộn à ?

Tùng cười lục khục trong cổ :

- Sợ cũng chả làm sao khác được. Nước nhà cứ cách chia hoài...

- Ơ ...việc nước, việc nhà cứ phải trọn cả hai chứ bác ?

- Biết vậy chị ạ, nhưng riêng tôi có cái khác.Việc nước chưa ổn thì việc nhà không thể xong.

Thảo ngẩng dậy nhìn Tùng dò hỏi :

- Răng vậy anh.

- Trước khi ra Bắc tôi có hẹn ước với một người...Tội nghiệp, chín năm rồi. Mà nào có xa xôi ghê gớm gì cho cam. Đằng này chỉ mấy bước chân là tới...

Đôi gò má của Thảo đang đỏ rực dần dần xám lại. Giọng chị nghe khác đi.

- Làng nào bên nớ , bác ?

- Bên An Nha

- Úi. Bên An Nha? Chị tên chi rứa ?

- Dạ tên là Hoan, chắc chị chẳng thể nào biết được đâu...

Thảo quay vụt trở lại. Hoan ? Lẽ nào lại thế !Trời đất ơi bây giờ thì Thoả đã nhớ ra. Người thương binh năm nào đã khién chị băng đồi, vượt trảng đi tìm trạm xá...Chị nhớ lại tất cả.Câu chuyện ma Lợi kể cho chị bỗng hiện lên rành rọt. Hoan đã phản bội rồi, Đã lấy chồng rồi, có nên nói cho anh biết không?

Nhìn thấy sắc mặt Thảo biến đổi đột ngột, Tùng hỏi vội:

- Sao vậy chị?

Thảo nói lấp lửng:

- Biển cũng có khi dông, khi yên, gió có khi ngừng khi thổi. Anh cứ chờ người ta hoài như vậy lỡ ra...

- Không - Tùng cướp lời - Chỉ trừ trường hợp Hoan hi sinh. Và nếu cô ấy hi sinh thì tôi cũng coi như mình đã trọn một lần xây dựng.

- Rứa anh không nghĩ đến chuyện chị ấy có thể... mỏi lòng ?

- Không bao giờ chị ạ. Tôi hiểu Hoan, tôi tin Hoan lắm... Tôi đã sống hết lòng vì Hoan. Khi người ta đã hết lòng vì nhau thì làm sao lại có thể...

Tùng ngừng lại . Hình như anh cũng cảm thấy trong sự triết lý của mình có cái gì đó không được thấu đáo lắm. Còn Thảo cũng thôi không hỏi nữa. Một chút cay đắng vưà ứa dậy trong lòng chị. Chị cũng đã đợi chờ, đã son sắc bốn năm rồi. Ai dám bảo chị không hết lòng vì chồng, ai dám nói chị không chung thuỷ ? Chính chị cũng tự dặn lòng suốt đời ở vậy thờ chồng nuôi bố . Chị muốn phủ lên tim mình một tấm khăn điều thiêng liêng, cao cả, muốn che đậy tất cả nguồn hạnh phúc xa xưa, cất giữ nó như một di sản vô giá trong đời . Nhưng sao trái tim cứ ngột ngạt, nó muốn quẫy dậy, muốn dỡ tấm nhiễu điều ấy ra.Trái tim muốn được đập hồ hởi theo đúng chức phận của tim, muốn được thổn thức, rạo rực và khắc khoải. Chưa bao giờ chị tự thấy tim mình khoẻ mạnh mà cũng bất trị như lúc này.

Im lặng khá lâu. Bầt ngờ Tùng hỏi một câu đầy linh cảm :

- Tại sao chị Thảo lại hỏi tôi chuyện đó ?

- Chuyện chi anh ?

- Chuyện đợi chờ ấy mà-- Tùng dừng lại, giọng nhỏ xuống-- Tôi cứ tưởng không ai hiểu phụ nữ bằng chính giới phụ nữ. Hơn nữa đời riêng của chị cũng gần gần giống Hoan, tuy rằng hoàn cảnh hai người có sự khác biệt. Tôi nói giống ở chỗ là dám chờ đợi và biết thuỷ chung. Rứa tôi hỏi thiệt chị Thảo nghe, có khi nào chị thấy mỏi lòng không ?

Trời ngỡ như tắt gió. Nắng xuyên qua kẻ lá khoan thẳng xuống đầu Thảo. Câu hỏi của Tùng như một luận tội. Thảo cúi gằm mặt xuống. Còn Tùng thì chờ đợi. Sự chờ đợi ngột ngạt như người lính cao xạ nhìn thấy chùm bom lừng lững trôi thẳng xuống trận địa của mình . Mọi kết cục sẽ được định đoạt sau những tiếng nổ.

Nhưng chiến tranh đã tạo cho họ một đức tính kiên cường không hề biết né tránh tiếng nổ. Huống chi Thảo, con người như khối đá san hô, mọi phũ phàng bảo tố đã lướt qua đầu, mọi xót mặn của đời đã ngấm chai da thịt. Đã thế thì làm sao chị còn biết nói dối. Tội gì phải nói dối.

Thảo ngửng dậy nhìn Tùng :

- Có anh ạ. Tôi lớn tuổi hơn cô Hoan. Tôi sống trong một xã hội ấm cúng và đầy thương yêu đùm bọc hơn Hoan. Tuy hạnh phúc riêng có bị tan nát nhưng cuộc sống không gì thế mà trơ trọi, ngả nghiêng. Thế mà...tôi cũng thấy chao đảo. Nhà tôi hi sinh đã bốn năm . Nếu gọi là thờ chồng theo đúng lẽ xưa thì tôi cũng đã tròn bổn phận. Bây giờ tôi thấy khó mà sống nổi một mình...

Giọng Thảo run lên, run như một lời thú tội. Còn Tùng thì vẫn im lặng. Anh như người thuỷ thủ mặc kệ phong ba, điềm tĩnh thả dây đo lòng bể. Bây giờ thì anh đã có thể kết luận :

- Tôi không có ý trách chị. Thậm chí, theo tôi anh ấy đã hi sinh rồi chị có quyền đi bước nữa.Chẳng có gì phải hổ thẹn đâu. Nhưng Hoan thì khác. Tôi vẫn chờ đợi cô ấy. Tôi đang chiến đấu vì hạnh phúc của chúng tôi. Hoan không thể như chị được. Chị bước đi là một sự giải phóng. Còn Hoan ...nếu cũng vậy là một sự phản bội. Mà trên đời này còn có tội ác nào lớn hơn tội phản bội hả chị !

Tùng nói xongđứng dậy. Hình như anh cũng muốn kết luận lòng mình. Bởi không phải anh không cảm thấy rằng mấy hôm nay có những luồng gió mới quạt đến làm xốn xao tình cảm anh. Sau mấy lần nói chuyện với Thảo, Tùng đã tự thấy phân vân trong người. Nhưng tính kiên định của một người lính đã giúp anh chiến thắng. Và việc ra đi vội vàng này theo anh cũng là một cơ hội . Không ngờ Thảo lại đuổi theo. Nhìn thấy chị hớt hải chạy giữa trưa nắng tự nhiên lòng anh mềm lại. Anh cũng có một trái tim và trái tim ấy cũng giống bao con tim khác, không thể nào chỉ có biết chỉ có lạnh lùng, thờ ơ. Anh biết rõ Thảo muốn nói gì. Anh rất sợ phải nghe những lời ấy. Vì thế mà anh nhắc đến Hoan, nhắc rất nhiều, nhắc như một người đi đêm sợ ma phải kêu to lên để trấn tĩnh.

Bây giờ lòng anh đã hoàn toàn yên tĩnh trở lại. Anh nhìn Thảo , nhẹ nhàng nhưng cương quyết :

- Chị Thảo nên quay về kẻo mệt. Đừng đi tiếp nữa.

Thảo khẽ chớp chớp mắt :

- Anh không ưng tôi đi tiếp ư ?

Tùng khẽ thở dài :

- Đừng nghĩ vậy chị ạ. Tôi muốn chị đi, đi cho thanh thản...có điều, không phải đi với tôi...

*

Đã đến nước ấy thì Thải phải quay về. Nắng trưa như găm từng bước chân của chị. Con đường trở lại là con đường ngược dốc. Chị định liều bước thả xuôi không ngờ phải trở lại. Chị vượt hết một đoạn dốc cao thì mệt quá phải đứng thở. Chị ngước lên nhìn trời. Rừng im gió. Mặt trời gần như thẳng đỉnh đầu. Thảo chợt hiểu. Thế là sắp hết mùa xuân.

Thảo về đến nhà thì trời xế bóng. Ông Chẩn ngồi một mình ở bậc thềm. Ông nhìn chị hỏi dè dặt:

- Có gặp không con?

- Dạ... có.

Ông không nói thêm gì nữa. Thảo vào nhà ngồi bệt xuống chõng. Nhưng rồi chị nhổm lên đi vội ra phía sau tìm chiếc cuốc. Chị không dám ngồi lâu, không dám tỏ ra mệt mỏi. Thảo vác cuốc lên vai xăm xăm bước lên nương sắn. Ông Chẩn định gọi nhưng lại thôi. Ông hiểu tâm trạng chị. Còn Thảo thì cố đi nhanh và đinh ninh rằng ông đang nhìn theo tấm lưng đẫm mồ hôi của mình. Tự nhiên chị bỗng thấy sợ. Thật là lạ. Hàng chục năm nay chưa bao giờ chị thấy sợ đôi mắt của ông. Với chị, ông Chẩn là nơi nương tựa, là niềm kính trọng, là eo vịnh kín đáo âm thầm cho chị nương nhờ trước mỗi trận bão dập, sóng xô. Răng chừ lại thấy ngại? Sự mặc cảm ấy bắt đầu từ khi Tùng xuất hiện ở căn nhà này. Ông Chẩn cũng hiều ra điều đó. Một cái gì lạnh lẽo, vô hình xen vào tổ ấm của bố con ông...

Một ngày trôi qua, rồi một ngày nữa... Hai bố con ông Chẩn vẫn lặng lẽ ý tứ không ai nhắc đến Tùng. Nhưng bé Cần thì không hay biết gì tâm trạng người lớn. Suốt ngày nó réo:

- Bác Tùng hôm ni vô đến nơi chưa mạ?

- Mạ không biết.

- Rứa bác không gửi thư cho mạ à?

- Hừ, đã vô tới đâu mà thư với từ...

- Rứa răng mạ lại nói không biết đã vô tới chưa?

Thảo cáu kỉnh gắt con rồi liếc mắt qua bố. Ông Chẩn ngồi rung đùi. Con Cần chạy đến vắt người lên đùi ông.

- Ông ơi bác Tùng nói là cháu học thiệt giỏi thì hè này bác lại cho vào...

- Vào đâu?

- Vào ở với bác ấy. Cả mạ nữa. Bác ấy sẽ nuôi hết... Ông Chẩn cười, Thảo cũng ngượng ngập cười theo. Con Cần thích chí nhảy như con choi choi đến chỗ mạ:

- Mạ ưng hung rồi. Để con nói với bác Tùng đưa ô tô ra đón hí! Bác ấy có rất nhiều ô tô...

- Thôi đừng nói lung tung nữa. Cho con đi chơi đó.

- Không, con không thích đi chơi.

- Rứa con thích chi?

Con Cần nghẹo đầu nũng nịu:

- Con thích ăn ổi.

- Ổi còn xanh lắm.

- Xanh con cũng thích...

Thảo đưa mắt về phía ông:

- Con đến xin ông.

Con Cần nhào đến liền:

- Ông ơi, cho cháu quả ổi xanh nghe.

- Ừ.

Con Cần chạy ù ra vườn. ở đó có hai cây ổi. Loại ổi đặc biệt, quả to hơn nắm tay. Ông Chẩn phải đi xa gần một buổi mới xin về được cây giống đã cao quá đầu người. Hôm gánh hai cây ổi về, Thảo khuyên ông:

- Ăn đời ở kiếp chi mà lập vườn hả ông?

Ông Chẩn cười:

- Trồng cây cho đời con ạ.

Mới một năm ổ đã ra lứa quả đầu. Rứa mới biết giống cây mau hóa mà chất đất cũng thật đặc biệt. Mảnh vườn có thêm cây ăn quả tự dưng gắn bó người ta như đã từng sống nhiều năm nhiều tháng. Ông Chẩn thấy vui hơn. Đời ông quen vậy rồi. Qua năm này nữa ông đã “sáu tám”. Ông thường ví tuổi của mình là tuổi của vườn tược lưu niên. Một quả thơm càng chín càng dễ rụng. Mấy hôm nay nhìn con dâu, ông có linh cảm tới điều ấy. Lại thêm đứa cháu thơ ngây cứ vô tình rung gốc, vít cành. Cái vườn nhà ấm êm bỗng xao xác gió.

*

Một chiều Thuấn lại tới thăm ông Chẩn. Nhìn thấy Thuấn ông vui hẳn lên:

- Bữa ni con có dạy học nữa không?

- Dạ, bên trường huyện cũng định bố trí cho cháu dạy... Nhưng cháu đang định xin vào...

Ông Chẩn nhướn mắt lên nhìn Thuấn:

- Răng? Cháu định vô trong ta à?

- Dạ.

- Trong nớ bữa ni làm chi có trường?

Thuấn cúi đầu xuống giọng ngập ngừng:

- Dạ... nếu vô đó... cháu sẽ không dạy học nữa.

- Ơ, không dạy học thì làm việc chi?

- Thiếu chi việc, bác. Cháu nghe nói bữa ni trong đó nhiều việc mà quá hiếm người. Thêm được ai quý người ấy. Trong lúc đó sức vóc như cháu mà ở đây thấy nó lạc lõng quá. Thưa thiệt với bác, cháu sợ sự lạc lõng lắm rồi. Đêm quá dài mà ngủ không nổi. ở cái nơi nhàn rồi đâm ra nghĩ ngợi nhiều. Mà nghĩ nhiều thì thấy ngày tháng cứ dài lê thê...

Ông Chẩn lắng nghe, gật gật đầu ngẫm nghĩ. Một lúc bỗng ông ngẩng nhanh dậy nhìn Thuấn:

- Cháu vô cho bác theo với.

Thuấn kêu lên:

- Úi, bác đi răng nổi. Đường sá xa xôi, xe cộ không có, lại bom lại đạn nữa...

- Thì bác cứ theo cháu. Cháu đi được là bác đi được.

- Nhưng mà răng bác lại vô?

Ông Chẩn bỗng ngập ngừng:

- Ở đây, bác cũng khó ngủ.

Thuấn nói thành thực:

- Bác ở đây còn có chị Thảo giúp đỡ. Vào trong đó một mình...

Ông Chẩn khoát tay cương quyết:

- Bác sống một mình quen rồi. Để cho con Thảo nó thoải mái một chút. Mình già rồi hay nghĩ lẩn thẩn nhiều khi làm cho con cháu nó cứ bị ràng buộc, khó khăn...

Tuấn buột miệng:

- Hay chị Thảo có điều chi không phải với bác?

- Đừng nghĩ như rứa mà tội cho nó. Con dâu nhưng nó đối với bác còn hơn con đẻ. Nó càng quý mình thì mình càng phải biết nghĩ chứ cháu. Nó đã khổ vì người khuất quá sức rồi, lẽ nào lại bắt nó đèo bồng thêm người sống nữa... Cháu còn trẻ chưa hiểu hết nỗi đời đâu. Đợt ni bác về Vĩnh Linh, nếu trời cho nhìn thấy hòa bình, độc lập thì bác sẽ về bên Cát Sơn. Đất Vĩnh Hòa đối với bác vậy là trọn tình, đạt lý rồi. Bác cũng chẳng còn chi ở đó mà dùng dằng nữa...

Nói đến đó tự dưng nước mắt ông lăn ra. Thuấn ngồi lặng nhìn ông. Đúng là cô còn trẻ quá, hiểu àm sao thấu hết mọi nỗi đời.

Đăng ngày 23/06/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan