Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 40 & 41


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BỐN MƯƠI 

Chính uỷ Trần Vũ được lệnh ra Hà Nội dự một cuộc họp hội nghị cán bộ cao cấp đứng đầu các sư đoàn chủ lực, các bộ chỉ huy quân sự địa phương. Hôm ra đi cán bộ trong tư lệnh Vĩnh Linh đến tiễn đưa anh suốt buổi chiều. Trần Vũ cảm động không sao nói được. Niềm vui trước tình hình biến chuyển quan trọng của xu thế cxách mạng cộng với sự hồi hộp sắp được gặp lại vợ con khiến anh luống cuống, bần thần. Anh không biết chuẩn bị những thứ gì. Mọi quà cáp của bạn bè đều được cậu công cụ đóng vào thùng gỗ khuân ra xe. Trần Vũ chỉ loay hoay một cuốn nhật ký. Anh lật tới, lật lui. Anh mường tượng cái phút gặp Chức, anh sẽ trao cho vợ cuốn sổ chi chít chữ ấy và nói: Tất cả trong đó, em xem đi! Rồi mặc cho vợ và con gái bù đầu vào cuốn sổ, anh sẽ thả người xuống giường lim dim mắt tận hưởng một khoảnh khắc thanh bình. ừ, hình như suốt mấy năm nay, anh chỉ thèm có giây phút đó. ước muốn sao mà đơn giản vậy, mà cũng phập phồng, khắc khoải biết bao...Nhưng cái giây phút ấy đã không đến.
Trần Vũ ra đến Hà Nội thì được biết vợ đã đi biểu diễn cho bộ đội phòng không - không quân từ hai tuần nay rồi. Đứa con trai theo trường sơ tán tận Hoà Bình. Cô con gái gửi tạm về quê ngoại tận dưới Hải Dương. Căn phòng anh khép cửa, một ổ khoá to treo nặng chịch và dửng dưng. Trần Vũ đứng lặng hồi lâu trước thềm nhà. Người lái xe và cậu công vụ thì rươm rướm nước mắt. Thời giờ ở Hà Nội quá ít không thể đánh xe đi đến chỗ các con được. Trần Vũ quyết định trở về trạm 66.

Cuộc hội nghị tiến hành trong bốn ngày từ thứ tư đến thứ bảy. Trong những ngày ấy, người lái xe và cậu công vụ đã "trộm phép thủ trưởng" phóng xe về Hải Dương tìm cô con gái nhỏ chở về. Cháu Loan Minh trông thấy bố hét toáng lên và nhào đến. Trần Vũ sững sờ. Anh khóc. Làm sao mà giải thích được những giọt nước mắt lúc này. Trong sự hội ngộ có chút nào đó của sự chia ly, hay nhìn khuôn mặt con, thấy hiện lên dáng vóc của vợ?...

- Bố ơi!... Sao bố lại khóc?

Trần Vũ cười:

- ừ, bố hư đấy.

- Bố đi chiến trường mà cũng hư à?

Trần Vũ lại cười. Khó giải thích cho Loan Minh hiểu được. Cháu mới chín tuổi. Nhưng ngay cả anh, mái tóc đã lâm râm bạc, đâu có thể tự giải thích cho mình. Người ta thường nói, chiến trường rèn luyện cho con người cứng rắn hơn lên. Cái đó hoàn toàn đúng. Nhưng Trần Vũ còn nhận thấy những điều khác nữa, chiến trường cũng tạo cho con tim nhạy cảm hơn nhiều. Sự nhạy cảm không hề đồng nghĩa với sự hèn yếu. Trần Vũ ôm con lên tay, ghì sát vào ngực. Chính lúc này anh muốn tựa nương tim mình vào trái tim cứng cỏi của trẻ thơ.

Được tin anh về Hà Nội, mấy buổi tối nhiều cán bộ của Hội nghệ sĩ sân khấu đã đến thăm. Họ chúc mừng những chiến công của Vĩnh Linh, họ an ủi anh về việc không gặp Chức. Cuối cùng người ta mời anh đến nói chuyện với tất cả các cán bộ, nghệ sĩ tại trụ sở của Hội vào sáng chủ nhật. Trần Vũ nhận lời: Một buổi nói chuyện thật hào hứng. Anh nhớ đâu kể đấy. Từ đứa bé sinh dưới hầm chữ A, đến đôi mắt người bố sáng rực dưới đôi lông mày bạc... Từ cậu trinh sát vừa thích đánh giặc vừa thích ngẫm nghĩ, đến chuyện cô Phương, cô Tuất đánh máy bay bằng trận địa giả rất tài và ngâm thơ chẳng kém gì nghệ sĩ chuyên nghiệp... Cả một gian phòng chật người. Tất cả chăm chú nghe và chăm chú ngắm. Trần Vũ không hề để ý đến thái đội người nghe. Anh không quan niệm đây là cuộc họp báo, mà bằng câu chuyện của mình, anh đang ôn lại ngần ấu tháng năm đã qua, anh muốn truyền gửi đến nhân dân thủ đô nỗi niềm và tấm lòng của nhân dân đất tuyến.

- Những hiểu biết củqa tôi không chắc đã đáp ứng được mong muốn của các anh, các chị. Bởi vì tôi không biết được nghề của các anh, các chị thích quan tâm đến những điều gì. Nhưng tôi nghĩ, cái mảnh đất mà tôi đang nhắc đến đây chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng vô cùng phong phú đối với nghệ sĩ. Tôi tin như vậy. Trước khi ra đây, chính tay tôi phải ký giấy cho một đồng chí xuất ngũ, vì lý do không đủ sức khoẻ phục vụ trong quân đội. Đồng chí ấy bị thương nặng, một vết thương rất vinh quang. Đồng chí ấy chính là cô Phương mà tôi kể lúc nãy đấy.

Trần Vũ ngưng lại, lặng đi hồi lâu. Giọng anh trầm hẳn xuống.

- Thế nhưng bây giờ đồng chí ấy sẽ phải trở về nhà, lặng lẽ làm một người dân bình thường như trăm ngàn chú bác cô dì khác. Tôi làm thủ trưởng quân chính, việc giải quyết xuất ngũ là chuyện bình thường. Thế mà lần nào tôi cũng ngồi lặng đi trước những tấm giấy giới thiệu, cứ như mình đang làm một việc gì đó có lỗi. Lần này cũng vậy. Tôi không cầm được lòng. Có lẽ các anh, các chị cho tôi là người đa cảm, không cứng rắn. Cái đó thì chưa biết thế nào mà khẳng định. Song ở trên mảnh đất đó, chúng tôi thường có chung một tâm trạng thế này: Không bao giờ rời nhau, cả người sống lẫn người chết, sẽ ở lại với nhau trọn đời. Thật thế, chúng tôi không ai nghĩ mình chỉ ở đấy vài năm, chỉ phục vụ chiến trường một thời hạn nào đó... Không, chúng tôi tự ràng buộc vào nhau bằng một thứ duyên nợ hơn bất kỳ thứ duyên nợ nào. Đấy là sự vì nhau, sống cho nhau, cùng sinh tử cho một khát vọng chung của đất nước. Nếu các anh các chị thử hỏi tóm tắt một câu, Vĩnh Linh là gì, thì cái điều vừa rồi là câu trả lời tâm huyết nhất.

Buổi nói chuyện kết thúc gần mười một giờ trưa. Nhưng nhiều người vẫn xúm lấy anh, thao thao hỏi.

- Xin đồng chí cho biết, từ Hà Nội vào đến đấy có phương tiện giao thông gì không?

- Này, ở trong ấy bận rộn như thế, văn nghệ sĩ bọn tôi vào có tiện không?

- Chính uỷ ơi, những điển hình mà anh vừa mới kể, liệu bọn tôi vào có gặp được không? Cụ Chẩn có còn không? O Phương hay o gì đó có còn ở Vĩnh Linh không? Cái đội văn công ấy vẫn tiếp tục hoạt động chứ?

Trần Vũ xoay người đủ bốn phía để trả lời. Anh không nề hà, không mệt mỏi, thậm chí anh còn muốn nói nhiều nữa, nói mãi về những người đã khắc đậm dấu ấn trong tâm khảm anh.

Nhưng trưa quá rồi, mọi người đành phải giải tán. Ban thường trực hội tiễn anh ra xe. Họ bắt tay nhau ở cổng. Trần Vũ ra đến xe thì thấy một người đang đứng đấy. Hình như anh ta cũng có mặt trong số đại biểu đến nghe nói chuyện. Một con người gầy, môi hơi thâm nhưng rất nét. Mái tóc cong lượn làn sóng.

- Đồng chí chính uỷ...

Anh ta lên tiếng trước. Giọng nói nằng nặng pha bắc, pha trung. Dáng vẻ của người ấy hình như có điều gì đang lưỡng lự:

- Tôi muốn hỏi thêm đồng chí vài phút... Không hiểu như thế có xâm phạm quá nhiều thì giờ của đồng chí không?

Trần Vũ vui vẻ:

- Không sao, không sao...

Người khách chìa gói thuốc lá mời Trần Vũ. Chính uỷ xua tay từ chối. Họ đứng nép vào bóng xà cừ bên đường. Người khách châm thuốc một mình, giọng nhỏ nhẹ:

- Câu chuyện của anh hôm nay làm tôi cảm động quá. Anh không hình dung được tôi cảm động thế nào đâu. Biết bao nhiêu điều muốn hỏi thêm anh mà không biết bắt đầu như thế nào... à, cái cô Phương ấy mà, quả thật là một người con gái quả cảm anh nhỉ? Cô ấy yêu ai chưa anh?

- Chưa đâu.

Chính uỷ trả lời một cách thoải mái và thầm nghĩ: Đúng là các tay nghệ sĩ, bắt đầu hư cấu nhân vật đấy!

- Chẳng lẽ ngần ấy năm mà Phương không tìm thấy một người yêu ư? Cô ấy có buồn không anh?

- Cái đó... tôi làm sao biết hết được. ở trong đó không thể không có nỗi buồn. Chỉ có điều nhưng không hề bi quan tuyệt vọng.

- Tôi hiểu, tôi hiểu - Người khách gật đầu - Chà... thế này thì mất thời giờ của đồng chí quá...

Trần Vũ ngắt lời:

- Nếu anh muốn viết một cái gì đó về con người trong ấy, tốt nhất là vào với chúng tôi.

- Đúng thế, đúng thế... Tôi rất muốn vào, mặc dù tôi không có ý viết vở đâu. Tôi chỉ là một đạo diễn... Chà, biết khi nào vào được nhỉ?

- Hay anh có thể thu xếp đi luôn với tôi. Tôi có ô tô mà.

- Tôi rất muốn thế... Nhưng... nhà tôi dạo này yếu quá... Cô ấy bị khớp mà.

Trần Vũ thất vọng:

- ờ, thế thì gay. Đành dịp khác vậy.

- Vâng, dịp khác vậy. Thế nào tôi cũng vào. Thôi để đồng chí về kẻo muộn. Nếu gặp cô Phương nhờ đồng chí...

- Sao? Anh có quen trước à?

- Vâng... Người khách lưỡng lự một tí rồi lắc đầu - Mà thôi, tốt nhất anh đừng nói gì cả.

Trần Vũ ngờ ngợ câu chuyện còn có gì đó sâu kín, anh gợi ý:

- Anh có nhắn gì cứ nói.

- Không ạ. Chẳng có gì đâu...

- Hay tôi có thể chuyển lời hỏi thăm của anh... nếu như biết tên anh là gì?

Người khách ngước nhìn Trần Vũ một lúc rồi nói giọng ngập ngừng:

- Tôi là Đường, anh ạ. Nhưng mà... có lẽ Phương chẳng nhớ tôi đâu. Thật thế. ở trong ấy chắc chẳng ai nhớ tôi cả.

- Thế ra anh đã có một thời ở trong ấy?

Người khách bỗng thở dài

- Đúng vậy. Có một thời... hình như lâu lắm rồi thì phải...

*

Chia tay với người khách ở hội nghệ sĩ sân khấu, chẳng hiểu sao Trần Vũ cứ thấy băn khoăn mãi. Nếu như anh đã có một thời ở với đất ấy thì dễ gì quên ngay được. Cho dù những năm tháng anh sống chẳng có gì gắn bó lắm, thì bản thân cuộc sống bình thường của những con người xung quanh lẽ nào không đọng lại ít nhiều trong ký ức của anh. Đất ấy bây giờ đâu có còn là đất riêng của người Vĩnh Linh nữa. Như anh chẳng hạn, như Kim Hà đấy thôi, không lý cho đến giờ vẫn còn coi cái nơi gửi gắm máu xương kia lại là đất khách. Không, riêng anh không bao giờ nghĩ vậy. Có ai nghĩ vậy không? Bất giác Trần Vũ nhớ đến Kim Hà...

Chiều chủ nhật đấy, buổi chiều cuối cùng ở Hà Nội, anh tìm được nhà Kim Hà. Ngôi nhà ở một góc đường của một ngả tư trên phố Bà Triệu. Trước hiên nhà có giàn thiên lý rợp kín lá. Trần Vũ bước vào và ngạc nhiên khi thấy người chiến sĩ của mình tay đang bê một bát thạch cao pha loãng, người hơi chồm tới. Trước mặt cô là một bức tượng, không phải, một hình người nhẵn bóng. Nhìn kỹ, anh nhận ra đó là một "ma-đơ-canh" của tiệm may nào đó. Anh đã từng bắt gặp các hình người này đứng trơ trơ trong các tủ kính, khoác trên người những bộ vét tông, hoặc những mốt áo tân thời nhất. Những hình người làm chức năng đồ vật. Nó có đủ mặt mũi chân tay, thậm chí còn bóng loáng đẹp đẽ nữa. Song không ai ngắm nó. Người ta chỉ coi nó là cái vật độn để ngắm mẫu áo quần. Trần Vũ đứng yên lặng lẽ nhìn. Kim Hà không hay biết gì, vẫn lom khom xoa thạch cao lên gò má, bắp tay của tượng. Còn cái hình người kia thì vươn cao cổ, mở to mắt nhưng chẳng hề nhìn lại Kim Hà, cũng không trông thấy khách, và cũng chẳng phải ngắm ra đường phố để có thể nhận thấy những xáo động, bộn bề của thủ đô đang ồn ả lướt qua.

Hoá ra Kim Hà cũng có năng khiếu hội hoạ! Đôi tay trắng thạch cao đang tì nhẹ lên mặt tượng, tâm trí cô tập trung cao độ vào từng nét lượn của cả cơ thể trước mặt. Lẽ nào một tâm hồn dạo dạt cảm xúc ấy lại trút hết vào cho cái vỏ hình người trơ trơ vô hồn kia?

Hình như không đủ kiên nhẫn để ngắm nhìn lâu được nữa, Trần Vũ lên tiếng:

- Chào hoạ sĩ!

Kim Hà quay nhanh lại. Bát thạch chao trên tay. Miệng cô mở tròn ra kêu không thành tiếng:

- Chú!...

Trần Vũ chủ động ngồi xuống tấm phản kê ngay tường nhà. Kim Hà luống cuống dọn dẹp. Mặt cô ửng đỏ, không hiểu vì quá xúc động hay có chút gì đó ngượng ngùng.

- Bố đâu? Các em của cháu đâu?

- Thưa chú... Bố cháu gầy yếu quá, không làm kịp, người ta đang đòi... cháu phải giúp...

Trần Vũ hiểu ý Kim Hà đang cố thanh minh về mình, anh cười:

- Cháu giúp được bố thế là quý. Mà cháu cũng có tài đấy.

Mặt Kim Hà đỏ bừng. Trần Vũ chuyển nhanh sang chuyện khác.

- Cháu đã gặp các thủ trưởng của đoàn chưa?

- Dạ... rồi ạ.

- ý các đồng chí ấy thế nào?

Kim Hà cúi đầu nín lặng. Biết nói làm sao cho chính uỷ thông cảm hết tâm sự của mình. Gần trọn một mùa hè nghỉ ngơi trên đất thủ đô, Kim Hà ngỡ như mình bị bỏ rơi, quên lãng. Điều ấy chính uỷ có thể tin được không? Cô đã gặp lại bộ phận ở nhà của đoàn, gặp hầu hết bạn bè trong Hà Nội, được ở với bố, được chăm sóc các em. Tất cả những gì cô từng mong muốn, nhớ nhung khi còn ở trong mặt trận thì mấy tháng qua đã được thoả mãn. Thế mà sao lòng vẫn thấy trống vắng. Hình như có một cái gì đó thiếu hụt ghê gớm, có thể coi như một sự tổn thất khó mà đền bù nổi. Nhiệm vụ chính uỷ giao cho cô ra lần này, kết hợp với nghỉ ngơi, điều trị sốt rét là phải gặp và xin ý kiến của Tổng cục. Việc đó cô có làm, Thủ trưởng đoàn cũng đã có đề nghị. Song hình như điều ấy không phải là nguyện vọng của cô lại gắn bó với cái nơi mà cô đã sống một quãng ngắn thời gian đầy nghiêng ngả vật lộn. Nơi ấy cô từng khát đến cháy cổ, từng mềm đi trong yêu say, từng giận đến chua chát. Thiếu nó hình như cô thấy hao hụt mất cái phần thật nhất của cuộc đời.

- Sao? Các anh ấy có đề nghị gì không?

- Dạ... Các thủ trưởng bảo... xin phép trong ấy để chuyển ra...

- ồ, tốt lắm.

- Sao lại tốt lắm ạ?

ừ, sao nhỉ? Chínhh Trần Vũ cũng không xác định được câu nói của mình. Còn Kim Hà thì thấy uất ức. Đôi mắt cô chớp chớp. Rồi một giọt nước mắt lăn ra.

- Cháu... cháu quá nhiều khuyết điểm phải không?

- Không. Cháu có thành tích. Cháu không hề có khuyết điểm...

Kim Hà cười nhẹ:

- Chú nói không thật... chú không thật...

- Chẳng lẽ chú nói dối ư? Không. Cần gì tôi phải nói dối nhỉ - Chính uỷ đổi cách xưng hô - Đồng chí là một chiến sĩ gái, chưa rèn luyện được nhiều, sức khoẻ lại yếu. Thế mà đồng chí đã bám trụ được ở đó. Điều ấy có ai ép buộc đâu. Không, đồng chí có thể trở về Hà Nội từ hai năm trước kia. Vậy mà đồng chí đã ở lại, đã làm việc hết mình, yêu cũng hết mình...

- Nhưng mà... một tình yêu không đứng đắn...

- Ai kết luận vậy? Tự đồng chí ư? Thế nào là một tình yêu đứng đắn nhỉ? Ơ... từ cái hôm chú cháu mình tranh luận về tình yêu ấy, chú cứ nghĩ mãi... Quả đáng tội, con người ta có lẽ khó mà sống một cách hết mình nếu không có những trò rối rắm ấy.

Kim Hà ngước lên nhìn chính uỷ. Cô bỗng thấy tự tin hơn:

- Nhưng dẫu sao cháu cũng không trọn vẹn chú ạ... Giá như chú biết được...

- Chú có biết, có biết... Nhưng mà, có lẽ nên nhận thức nó như là... gì nhỉ? Có thể như trận đánh không thành công vậy. Điều đó đáng tiếc thật, song không phải là không có ích cho người ta đâu.

Trần Vũ ngừng lại. Có lẽ từ trước tới giờ trong công tác chính trị của mình chưa bao giờ anh có một kết luận như vậy. Điều đó có hoàn toàn đúng không, thực ra trong suy nghĩ của anh chưa được rạch ròi lắm. Song, cuộc sống chiến tranh đã mang đến cho anh một nhận thức quan trọng, rằng bom bao giờ cũng có hai tác dụng ngược chiều nhau, vùi con người xuống và đồng thời cũng bật con người dậy. Tội lỗi cũng thế. nếu không thì làm sao có lịch sử?

Câu chuyện xem ra thoải mái hơn. Kim Hà trình bày cụ thể ý kiến của đoàn:

- ý kiến thủ trưởng bảo cháu xin chuyển ra ngoài này. Nhưng tình cảm của cháu không được dứt khoát lắm. Cháu định cuối tháng này sẽ vào... hỏi ý kiến chú.

- ý kiến của chú là cháu nên trở về Hà Nội. Trước hết vì sức khoẻ của cháu không đủ để bám trụ lâu trong đó. Hai nữa, hoàn cảnh gia đình rất cần có cháu ở gần. Và cuối cùng cháu là một diễn viên trẻ có tài năng. Cháu vào chiến trường như thế là tốt rồi, có vốn sống rồi đó. Bây giờ cháu phải phát huy cái vốn sống đó trong môi trường thuận lợi nhất. Đấy cũng là cống hiến. Đừng tự dấn thân vào những cái lạc lõng. Cháu có hiểu chú nói không? Lạc lõng không phải là ở Hà Nội hay Vĩnh Linh. Không có mặt đất nào, cương vị nào trên đất nước lúc này lại lạc lõng cả. Nhưng công việc cụ thể thì có... có đấy...

Kim Hà nhìn chằm chằm vào chính uỷ. Còn anh lại ngước lên bức tượng hình người đang mỉm cười vô tư trước mắt. Kim Hà chợt hiểu. Cô nói run run:

- Cháu... cháu muốn giúp đỡ bố!...

- Đúng. Không phải muốn mà cần phải giúp đỡ bố. Muốn giúp thì phải làm ra đồng tiền. Nhất định thế rồi... Không có tiền thì lấy gì mua rau, mua gạo. Thế đấy, cái khó theo chú là chỗ đấy. Trong cuộc sống có một ranh giới rất mỏng manh, trong đạo đức, lý tưởng cũng vậy. Cả tình yêu nữa. Chú triết lý huyên thuyên thế, cháu có thấy ổn không? Thí dụ, đã gọi là tình yêu, làm sao không có sự dâng hiến. Nhưng giữa cái đó với sự dễ dàng, dại dột chẳng cách xa nhau là bao. Ranh giới hẹp lắm. Hẹp nhưng rất sâu, sâu thăm thẳm, sâu đến mức có thể dìm chết cả một cuộc đời.

Trần Vũ nói xong, đứng dậy. Trời đã chiều. Thế là kết thúc ngày chủ nhật, kết thúc một đợt trở về thăm Hà Nội

*

Về đến Vĩnh Linh, Trần Vũ cho gọi ngay trưởng ban tuyên huấn lên. Anh hỏi:

- Cô Phương vẫn ở dưới đó đấy chứ?

- Báo cáo chính uỷ, mấy hôm nay trở trời, vết thương cô ấy lại đau. Tôi cho đi nằm quân y rồi.

Trần Vũ ngừng một lúc rồi hỏi khẽ:

- Cô ấy biết quyết định xuất ngũ chưa?

- Báo cáo, rồi ạ.

- Có phản ứng gì không?

Trưởng ban tuyên huấn gãi gãi đầu:

- Dạ... Chẳng thấy phản ứng gì cả ạ. Nhưng mà... cô ấy mở tròn mắt ra. Tôi cứ tưởng cô ấy quát tôi kia đấy. Nhưng rồi cô ta lại chẳng nói chi cả. ừ , không hề nói một tiếng thủ trưởng ạ. Thế có lạ không chứ...

- Thôi được rồi - Trần Vũ ngắt lời - Mai tôi sẽ xuống thăm Phương.

Đêm ấy Trần Vũ phải báo cáo lại tinh thần Hội nghị bàn và triển khai. Cuộc họp kéo dài đến gà gáy đầu mới kết thúc. Trần Vũ về hầm và không tài nào chợp mắt được nữa. Lờ mờ sáng anh đã dậy rửa mặt rồi đi bộ dọc theo trục đường hào xuống quân y viện tìm Phương.

Vừa thoáng thấy bóng Trần Vũ, Phương đã chồm dậy, reo to:

- Chính uỷ!

Trần Vũ mỉm cười ngồi xuống bên cạnh:

- Sao, vẫn tập hát đấy chứ? Vết thương có đỡ đau không?

- Dạ, cũng kha khá rồi. Cháu định ít hôm nữa xin về. ở đây chán muốn chết được.

- Tầm bậy. Cứ phải điều trị cho khoẻ đã. Này... cho cháu mấy quả hồng.

Phương xoè tay đón những quả hồng đỏ hựng, miệng lắp bắp:

- Thủ trưởng mới ở Hà Nội vào à?

- ừ . Có người hỏi thăm cháu đấy.

- Gớm. Ai người ta thèm hỏi cháu. Nhất là dân Hà Nội...

Trần Vũ cười nheo mắt:

- Có thật không? Một người con trai hẳn hoi, lại là đạo diễn nữa cơ đấy...

- à...

Phương thoáng buồn, mặt xịu hẳn xuống. Trần Vũ nhận ra ngay cử chỉ ấy, anh thầm đoán chắc trước đây hai người có gì đó không vui trong quan hệ. Anh định lái sang chuyện khác. Không ngờ Phương lại hỏi:

- Chính uỷ gặp anh Đường phải không?

- ừ .

Phương bỗng thở dài:

- Hồi trước cháu và anh ấy yêu nhau đấy chú ạ.

Trần Vũ xích lại gần hơn, hỏi khẽ:

- Vì sao không thành?

- Tại cháu... bướng quá mà. Cái tính cháu nó vậy, không khéo ế suốt đời.

Trần Vũ cười lớn. Anh mừng vì thấy câu chuyện chẳng có gì nặng nề cả. Nhưng Phương hình như vẫn không dứt khỏi mạch suy nghĩ.

- Chị ấy chắc là một người tốt lắm phải không chú?

- Cháu hỏi về vợ anh Đường ấy à? Chú không rõ lắm.

- Rứa mà anh ấy chả ghi cho cháu mấy chữ...

- Gặp ngay ở Hà Nội mà, anh ta làm sao viết thư kịp. Nhưng rõ ràng anh ấy rất nhớ cháu. Chú có thể cam đoan như vậy...

Phương không nói gì thêm. Cô cúi xuống dùng chiếc dao nhỏ gọt vỏ hồng. Cử chỉ chậm chạp. Một lát bỗng cô đột ngột chuyển hướng câu chuyện.

- Bao giờ cháu phải chính thức xuất ngũ hả chú?

- Cháu cứ nghỉ ngơi, điều trị cho thật khoẻ đã. Chú định thế này này... Hình như bên ty bưu điện có một đợt tuyển sinh thi vào trường trung cấp báo vụ... Phương vội vã lắc đầu:

- Cháu không đi đâu hết. Đừng bắt cháu đi đâu cả.

- Cháu cần phải có một nghề gì đó...

- Không mà. Cháu nói dứt khoát là dứt khoát đó. Một là ở bộ đội, hai là về nhà.

- Nhưng... Gia đình cháu ở Tân Kỳ cả...

Phương nói không cần suy nghĩ:

- Cháu sẽ về ở với con Tuất. Chúng cháu là bạn của nhau từ bé. Sao? Chú không tin à? Cháu biết chú lo cho cháu. Nhưng không sao đâu. Cháu nghĩ, giả sử cháu không được đi bộ đội thì chừ vẫn như tất cả những người dân bình thường khác thôi. Cháu sẽ lấy chồng đẻ con, có thể đẻ đến ba bốn đứa cũng nên. Cũng chẳng vì rứa mà thấp giá trị đi phải không chú?

Trần Vũ cười miễn cưỡng:

- ừ , tất nhiên là vậy... Nhưng mà này... Chú hỏi thật nhé, cháu đã xác định dứt khoát chuyện tình yêu chưa?

Phương hơi ngớ ra, lúng túng:

- Có ai... mà xác định...?

- Có.

- Không...

- Như thế là chưa thật lòng. Hay cháu nghĩ chú không đáng tin cậy?

Phương mím chặt hai vành môi lại. Rồi đột ngột cô nhìn thẳng vào Trần Vũ:

- Chính uỷ!... Đừng nhắc chuyện ấy nữa. Từ nay...

- Từ nay làm sao?...

Phương bỗng nghẹn lại:

- Từ nay... tôi về... về rồi... có ai nghĩ... nghĩ đến tôi nữa đâu... Tôi về, thế là... hết. Chẳng còn gì nữa...

Tiếng khóc bật ra làm nghẹn tắc lời nói. Trần Vũ không làm sao hiểu được nữa. Cô ấy vừa mới xác định quyết tâm một cách thanh thản, nhẹ nhàng, cứ ngờ như trong lòng hoàn toàn không có gì băn khoăn nữa cả. Thế mà tiếng khóc đã bật ra như một mối tủi thân, một lời oán trách. Anh định tìm một câu an ủi thật hiệu lực nhưng chưa kịp nghĩ ra thì Phương đã đưa tay quệt sạch nước mắt. Mặc cô tự nhiên nghiêm trang hẳn lại:

- Thủ trưởng ạ, nói cho thật công bằng, thì tôi chưa hề được một người con trai nào yêu cả. Chỉ có tôi yêu họ thôi. Thiệt mà. Tôi yêu các anh con trai ấy, yêu đến dại dột. Thủ trưởng có thể giải thích cho tôi được không? Tôi không đến nỗi xấu, đúng không nào? Tôi cũng chẳng rồ dại gì. Vậy, tại răng không có ai yêu tôi cả? Tại răng thủ trưởng hè?

Trần Vũ bị dồn vào thế hoàn toàn bật lợi. Anh khục khịt cười trừ. Phương thở ra một tiếng rõ to rồi tự kết luận.

- Con trai họ tự cho mình cái quyền được yêu mà không cần phải yêu lại. Bất công thật. Nhưng có lẽ cũng không sao. Mời thủ trưởng ăn hồng đi! Ngọt ơi là ngọt...

Chương bốn mươi mốt

Cuộc vây ép Khe Sanh của chủ lực ta ngày càng dày đặc và quyết liệt. Sự chống trả của Mỹ cũng đến bước ngông cuồng nhất. Từ mờ sớm, từng đàn máy bay khu trục căn đuôi nhau lao lên vùng rừng xanh thẳm ấy. Báy bay B52 rạch ngang rạch dọc bầu trời Quảng Trị. Phản lực nhào liệng loạn xạ. Khói bom mờ mịt một góc trời. Trong cái không gian hỗn độn ấy, nếu tinh mắt vẫn nhận ra những cuộc rút chạy đã bắt đầu thực hiện.
Đầu tiên là những vị cố vấn Mỹ, những sĩ quan cao cấp Việt Nam cộng hoà. Họ rút bằng trực thăng. Những chiếc trực thăng liều mạng vọt đứng lên trong vòng kiểm toả của hoả lực phòng không rồi lao sầm ra khỏi thung lũng. Nếu thoát được, chúng sẽ bay thục mạng dọc đường Chín mà về Đông Hà. Những cuộc rút lén như vậy thoạt đầu còn lẻ tẻ, càng về sau càng nhiều lên.
Sau trực thăng là những mũi đột kích mở vòng vây của một số đơn vị mạnh. Hàng nghìn quả pháo cùng dập vào một toạ độ nhỏ. Xe tăng mở đường. Xe tải GMC chở bộ binh lao lên. Những cuộc rút chạy theo kiều ấy thường xảy ra lúc gần sáng để cố tạo thế bất ngờ. Phần lớn đều bị thiệt hại rất nặng. Tuy vậy không phải không có một số thoát khỏi vòng vây. Thế là trên đường Chín, bắt đầu nhìn thấy những toán lính mặt mày phờ phạc, râu ria tua tủa và áo quần tả tơi như xác mướp. Những người lính đạp tắt rừng mà đi, không đội ngũ, không chỉ huy, không lương thực. Đó là tai hoạ lớn nhất cho những ấp gần trục đường. Ban ngày cũng như ban đêm, lính biệt động, lính dù, lính bảo an thay nhau cướp bóc. Súng bắn vào dân bán quán nếu họ đòi tiền. Súng bắn vào một người già nếu người ấy buột miệng can ngăn. Súng bắn xả vào "biệt chính quân" hoặc "dân vệ ấp" nếu lực lượng này có ý cản ngăn những "người hùng" từ tiền đồn chống cộng triệt thoái về xuôi.

Để tạo điều kiện cho lực lượng Khe Sanh rút chạy. Bộ chỉ huy quân sự ở Sài Gìn quyết định gia tăng lực lượng, mở những cuộc ném bom huỷ diệt nhằm đẩy lùi chủ lực của ta ra xa trục đường Chín, đồng thời đổ bộ quân chiếm một số cao điểm phía Cam Lộ để bảo vệ phía trục đường và ngăn chặn sự tan rã đội ngũ của lính Nguỵ. Chưa bao giờ bầu trời mặt trận đường Chín lại ồn ã, ngột ngạt như những ngày này. Hầu như không còn một khoảng rừng nào nguyên vẹn trong cái sắc xanh vĩnh cửu của tạo hoá. Đồi đất nham nhở, cây lá ngổn ngang. Những lối mòn giao liên, nhiều chỗ bị mất hẳn dấu vết. Có khoảng rừng bom phạt bằng như đốt rẫy. Khói đùn lên cuồn cuộc khắp mọi nơi. Đứng dưới Gio Linh nhìn lên hoặc ngoài Vĩnh Linh trông vào cứ tưởng như toàn bộ rừng Hướng Hoá - Cam Lộ đã bốc cháy. Bầu trời suốt ngày ngầu ngầu sắc gạch nung.

Về phía ta, Bộ tổng tư lệnh ra lệnh cho các bộ tư lệnh quân khu bốn, Bộ tư lệnh mặt trận B5, bộ tư lệnh phòng không - không quân, bộ tư lệnh thiết giáp, bộ tư lệnh đoàn vận tải Quang Trung, phối hợp hành động cương quyết tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Khe Sanh - đập tan âm mưu "triệt thoái an toàn" của Mỹ - Nguỵ, giải phóng Khe Sanh - đường Chín.

Bộ đội chủ lực tràn vào Vĩnh Linh, vượt sông áp ra đường Chín, bộ đội tên lửa cương quyết bẻ gãy các phi đội B52. Xe tăng lần đầu tiên xuất trận, đảm nhiệm những mũi chủ công đánh tan các cụm địch lớn.

Các binh đoàn hành quân không kể đêm kể ngày. Những trận đánh giành nhau từng ngọn đồi nhỏ diễn ra khốc liệt. Bom Mỹ ném như vãi trấu. Pháo của ta cấp tập như giã gạo. Thép chọi thép. Đất Quảng Trị ngỡ như sôi lên, nhão ra trong sức nóng của lửa.

*

Trong trạng thái hoảng loạn ấy, địch tung hai tiểu đoàn đánh vào An Nha. Pháo lớn bắt đầu bắn cấp tập từ năm giờ sáng. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho đại đội hai, đại đội bốn trợ chiến cơ động chiếm ngay khu đồi phía tây của ấp để phối hợp với đại đội trinh sát. "Xê" một vẫn chốt đường 76. "Xê" ba thọc thẳng vào ấp vừa chi viện cho đại đội trinh sát chặn địch, vừa tổ chức cho nhân dân rút lui ra khỏi khu vực trọng điểm. Bộ tư lệnh Vĩnh Linhđã ra lệnh cho pháo mặt đất bắn dữ dội vào hai cứ điểm Dốc Miếu, Cồn Tiên để kiểm chế hoả lực của địch. Trận càn diễn ra trong một tương quan cân bằng. Địch đông gấp đôi nhưng hành quân vội vàng. Phương án tấn công lúng túng; ta ít nhưng đã chuẩn bị rất kỹ cả quyết tâm lẫn kế hoạch. Cuộc chiến đấu chính thức bắt đầu tư tám giờ hai mươi phút sáng đến khoảng bốn giờ chiều. Địch thiệt hại gần hai trăm lính; ta hi sinh tám, bị thương mười bảy người. ấp An Nha bị triệt phá nặng nề. Hai phần ba số nhà đổ sập. Lửa cháy phầm phập. Những đồi tranh trọc trụi, toang hoác hố bom, hố pháo. Cây ngô đồng sau vườn nhà mẹ Xướng gãy gục cả một cành lớn. Chuồng heo bị một quả pháo lật tung toé. Khung cảnh ngổn ngang, tan tác như vừa có một trận bão lớn tràn qua.

Địch không đủ bình tĩnh để dằng dai với ta một cái ấp nhỏ xíu. Lợi dụng lúc nhá nhem tối, trực thăng Mỹ bốc quân bất ngờ đổ bộ chiếm Cồn Mả Đỏ. Tám giờ tối, đại đội trinh sát được lệnh tập kích. Lợi dẫn quân vừa dò đường, vừa đánh. Trận đánh không thành công vì chưa kịp chuẩn bị gì. Tuy vậy, kẻ địch cũng thấy khó mà yên ổn được trong ngày hôm sau nên tờ mờ sáng, máy bay lên thẳng đã bốc quân khỏi Cồn Mả Đỏ đổ xuống phía tây nam đường Chín cách cây số 10 chừng 2 km.

Sáu giờ chiều, ban chỉ huy đại đội trinh sát nhận được lệnh lên tiểu đoàn họp. Khi Lợi đến vị trí tiểu đoàn thì thấy các cán bộ đại đội khác đã đủ mặt. Điều làm anh ngạc nhiên nhất là ở một căn hầm lộ thiên lớn, có lẽ là một hầm pháo được cải tạo thêm, năm khuất sau một rặng cây rậm rạp, người ta đã căng lên một tấm phông xanh và đính lên đấy một lá cờ nửa xanh nửa đỏ. Không hiểu có chuyện gì hệ trọng? Lợi định hỏi mấy cán bộ "xê" bốn trợ chiến thì bỗng nhìn thấy chính uỷ. Ông đi rất nhanh ra phía hầm lộ thiên. Theo sau chính uỷ, có cả trưởng ban tuyên huấn, trợ lý câu lạc bộ, và toàn bộ ban chỉ huy tiểu đoàn.

Lệnh tập hợp. Tất cả ngồi gọn xuống hầm. Chính uỷ nói chuyện ngay không cần giới thiệu:

- Tôi vào đây cùng với một số cán bộ trên cơ quan để công bố với các đồng chí một quyết định quan trọng của Quân khu uỷ bộ tư lệnh quân khu, đồng ý cho tiểu đoàn 47 mang tên tiểu đoàn Lê Hồng Phong.

Im lặng đột ngột. Thực ra quyết định này không phải hoàn toàn bất ngờ đối với các cán bộ cũng như chiến sĩ trong tiểu đoàn. Nguyện vọng này từ lâu đã giục giã đơn vị lập công. Nguyện vọng đó cũng đã được Đảng uỷ tiểu đoàn, các hội nghị cán bộ quân khu thảo luận và đề đạt. Song, giữa những ngày này, quyết định ý nghĩa của cấp trên có một ý nghĩa thật kỳ lạ, như một ngọn gió thổi lộng vào cánh buồm đã căng lên đúng hướng. Tất cả người nghe ngước lên nhìn chính uỷ. Ông đang nói về sự nghiệp của người cộng sản Lê Hồng Phong. Ông nhắc lại chiến công của tiểu đoàn. Rồi Trần Vũ kết luận:

- Đồng chí Lê Hồng Phong là lớp cách mạng tiền bối đã giành lại cho chúng ta một mảnh đất, tuy chưa giàu có nhưng đầy hy vọng, đã tạo ra một thế hệ mới như chúng ta, có đủ vóc dáng, năng lực và tình cảm để đượng đầu với những trọng trách to lớn của lịch sử. Đất này đã sinh ra Lê Hồng Phong, đất này cũng sinh ra tiểu đoàn 47. Hai thời gian và không gian khác nhau, song những đứa con ấy có chung một dòng máu - dòng máu của con người - thà chịu chết chứ không chịu làm nô lệ. Lẽ ra, nếu có điều kiện thì các đồng chí phải học tập thêm về thân thế, sự nghiệp của Lê Hồng Phong, học tập truyền thống cách mạng của Đảng bộ Vĩnh Linh, nhưng bây giờ nhiệm vụ đang cần kíp, các đồng chí phải xuất kích ngay. Tôi chỉ muốn tất cả chúng ta ghi nhớ điều này, chúng ta mang tên người cộng sản Lê Hồng Phong và phải luôn tỏ ra xứng đáng với tên gọi ấy. Nghĩa là phải xứng đáng với chính dòng máu của mình. Từ đây, trên lá cờ quyết thắng của các đồng chí sẽ có thêm ba chữ Lê Hồng Phong. Trên vai các đồng chí nặng thêm sứ mạng - sứ mạng của sự nghiệp những người cộng sản.

Bây giờ tôi xin nói rõ tình hình để các đồng chí có thể nắm được một cách tổng quát. Trên bàn hội nghị, ta chỉ có một lập trường. Mỹ đã gây ra cuộc ném bom huỷ diệt ở miền Bắc thì trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc làm vô nhân đạo vào trái với công lý đó. Bất kỳ một ý kiến nào của Hoa Kỳ cũng sẽ được ta bàn bạc đến nếu điều kiện tiên quyết ấy Mỹ chấp nhận. Không thể có một chân lý công bằng nếu như bom đạn Mỹ vẫn cứ dội xuống đầu dân tộc ta. Đơn giản thế đấy, nhưng khốc liệt vô cùng. Xưa nay, mọi công lý giản đơn nhất đều phải trả bằng những giá đắt nhất. Ai thắng, ai thua lúc này cũng căn cứ vào điều kiện tiên quyết đó. Có thể coi đó là cột mốc đầu tiên cho công cuộc chống Mỹ này. Vì vậy, nhiệm vụ của các đồng chí lúc này cũng nhằm vào cái đích thứ nhất ấy. Đánh làm sao cho tiếng bom không còn rơi xuống đầu bố mẹ mình trên miền Bắc nữa. Bằng giá nào cũng đạt cho được quyết tâm ấy. Địch đang bối rối toàn diện. Phòng tuyến Mắc-na-ma-ra bị băm nát. Mỹ muốn hành quân nữa cũng không được, muốn rút lui cũng không xong. Tuy vậy, về phía ta, khó khăn cũng không ít. Có thể nói, khó khăn chưa từng thấy các đồng chí ạ. Sau cuộc tổng tiến công hồi đầu năm, lực lượng chủ lực bị tổn thất lớn, các cơ sở chính trị do thiếu kinh nghiệm nên bộc lộ lực lượng và cũng bị thiệt hại nặng. Địch dùng lối ném bom hạn chế nên cùng đường tiếp viện vào nam gặp nhiều khó khăn. Nhiều chiến trường bị đói. Đói cơm và đói cả vũ khí đạn dược. Như vậy, so với các thời khác, chiến trường chúng ta tuy rất ác liệt nhưng cũng thuật lợi rất nhiều. Ta tựa lưng vào một hậu phương vững chắc. Ta không thiếu gạo cũng không thiếu súng. Vì vậy tap hải san sẻ nỗi khó khăn của bạn, phải làm hết sức mình kìm chân kẻ địch lại. Đừng để cho bọn Mỹ có lấy một giây phút yên ổn. Đánh râm ran, đánh rỉ rã, đánh không cho địch nghỉ ngơi. Đấy là mệnh lệnh. Đấy cũng là lời kêu gọi. Chúc các đồng chí lập công nhiều hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu người chiến sĩ cộng sản Lê Hồng Phong quang vinh.

*

Cuộc họp giải tán. Trần Vũ gọi riêng Lợi ở lại.

- Này, mìnhy có nhiều tin tức giành riêng cho bạn đấy.

Trần Vũ mỉm cười nắm tay Lợi kéo về chiếc hầm ban chỉ huy tiểu đoàn. Hai người ngồi bệt xuống tấm vải bạt Mỹ rải trong lòng hầm..

- Trước hết, chị Thảo đã về Vĩnh Linh thăm bố...

Lợi reo lên:

- Rứa à? Còn các cháu đâu?

- Các cháu gửi lai cho bà con ngoài đó. Chị ấy vào ít hôm rồi đưa bố cùng ra.

- Sao lại thế ạ?

- Chuyện đó xem ra có vẻ rắc rối. Mình chưa hỏi kỹ. Hôm mình xuống Vĩnh Hoà để làm việc với xã đội, bất ngờ gặp bố. Có cả chị Thảo nữa. Trước mặt mình bố không nói gì. Nhưng sau khi ông cụ đi xin chè xanh về để mời khách thì chị Thảo có tâm sự. ý chị muốn nhờ mình vận động ông cụ trở ra. Chỉ vì cụ vào mà chị ấy phải lặn lội vào theo. Mình có thử thăm dò, vì sao ông cụ lại bỏ vào Vĩnh Linh thì chị Thảo khóc. Chị nói, lỗi ở chị. Do chị nông nổi... Mình chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra...

Trần Vũ ngừng lại. Câu chuyện làm Lợi ngẫm nghĩ. Chợt anh ngẩng nhanh nhìn chính uỷ:

- Cháu nhờ chú việc này nghe. Chú làm sao gặp bố cháu. Báo tin giùm là anh Quyền vẫn còn sống, đang ở trong nhà tù...

- Sao? Cậu nghe ai nói?

- Mạ Xướng... Mạ chị Hoan đó...

- à... Nhưng chị Hoan hiện tại thế nào rồi?

Giọng Lợi bé hẳn lại:

- Thằng Tá nó bắn rồi... Đấy là phút cuối cùng của trận đánh...

Cả hai im lặng rất lâu. Ngoài trời đã tối hẳn. Một lát sau, Lợi rầm rì kể cho Trần Vũ nghe diễn biến của trận đánh. Trong giọng anh có một cái gì như là sự nuối tiếc. Anh kết luận.

- Tôi thấy đau lắm, thủ trưởng ạ. Chị Hoan có nhiều tội lỗi. Nhưng dù sao đó cũng là một con người đáng thương...

Trần Vũ hiểu ngay những gì đang xáo động trong tâm hồn người cán bộ trẻ. Anh nói chậm rãi:

- Câu chuyện bi thương thật. Nó bi thương không phải chỉ vì thêm một người nữa phải chết do chiến tranh. Cái chết thật ra không đến nỗi đáng sợ lắm. ở đây mình thấy có điều này, trong rất nhiều việc chúng ta làm được thì kèm theo đó không có những điều tiếc rẻ. Trước đây chống Pháp chín năm, giải phóng được miền Bắc là một điều quá lớn lao đối với sức lực cách mạng. Ta vui vì thành quả ấy bao nhiêu thì đau lòng xót xa bấy nhiêu khi thấy miền Nam rơi từ tay thằng Pháp qua tay thằng Mỹ. Vào cuộc chiến đấu này, chưa bao giờ dân tộc mình lại bước lên một đỉnh cao đến vậy trên trường Quốc tế. Nhưng thực ra miền Bắc mình lại đổ nát hết rồi còn gì. Chẳng còn có một nhà máy nào nguyên vẹn cả. Thế đấy, gần bốn năm tấn công quyết liệt vào cái phòng tuyến thép này, cho đến giờ ta chỉ giải phóng được mỗi một ấp. Chà, cái ấp nhỏ bé như một bàn tay. Thế mà cũng không trọn vẹn. Chúng ta không kịp cứu lấy những nạn nhân như chị Hoan. Đó là một sự bất lực. Bi thương cũng chính ở chỗ đấy Nhưng cậu thử tưởng tượng xem, nếu như tất cả chỉ loay hoay vì chuyện đó thì làm sao có đủ sức rung chuyển toàn bộ gông xiềng của giặc Mỹ trên đất nước mình? Thử nghĩ xem, cả miền nam có được bao nhiêu số phận như chị Hoan? Làm thằng lính cách mạng, quan trọng nhất là cái đích Lợi ạ. Nó giống như người thấy thuốc đỡ đẻ vậy. Cái đích mà mẹ tròn con vuông chứ không phải đi cấp cứu giảm đau...

Lợi yên lặng lắng nghe. Tính anh vẫn thế, thích ngẫm nghĩ hơn là phát biểu. Trần Vũ ngừng một tí rồi nói tiếp:

- Tất nhiên những gì bây giờ chưa làm được sau này sẽ làm. Thời gian sẽ hàn gắn cho dân tộc ta. Mình tin như thế.

Đến đây Lợi mới hỏi dè dặt:

- Những cái đã qua thì còn làm lại thế nào được ạ?

- Không phải làm lại mà là tiếp tục. Cốt nhất là phải ghi nhớ lại. Đó cũng là một trách nhiệm của chúng ta đấy.

Trần Vũ bỗng nhiên đổi giọng:

- Này, cháu là một học sinh giỏi văn, chú nghĩ cháu có thể viết một cái gì đó được đấy...

Lợi cười miễn cưỡng:

- Cháu thì viết được gì... Hơn nữa, cứ đì đùng suốt ngày thế này thì...

- Hay cháu về đội tuyên văn đi! ở đó cháu sẽ làm cái "chân" sáng tác. Có phải trước đây cháu xin một thời gian suy nghĩ, nhớ không? Theo chú, thời gian đã đủ rồi đấy. Cháu quyết định đi.

ý kiến thật bất ngờ. Lợi nhìn thẳng vào chính uỷ và cảm thấy rằng đây là nội dung chính của việc ông ấy gọi mình ở lại. Giọng anh mất tự chủ

- Chẳng lẽ quá trình chiến đấu của cháu lại kết thúc như vậy sao?

- Sao gọi là kết thúc? Mấy lại đồng chí muốn kết thúc như thế nào kia? Muốn được tuyên dương anh hùng à? Cái đấy cũng có thể được. Nhưng danh hiệu anh hùng cũng không phải là sự kết thúc. Hơn nữa, không lẽ tất cả những ai đã tham gia chiến đấu đều được phong anh hùng, và chỉ những anh hùng mới có sự kết thúc tốt đẹp?

- Nhưng dù sao - Lợi vẫn ngập ngừng - tôi cũng muốn trọn vẹn...

- ồ, chỉ sợ đồng chí thiếu quyết tâm thôi, chứ trọn vẹn là điều rất cần thiết đấy. Công việc cách mạng chỗ nào cũng đầy những khó khăn, thử thách. Làm sao đừng để xảy ra hiện tượng lúc này thì kiên định, lúc khác lại lung lay; vị trí này, thời điểm nay thì anh hùng, vị trí khác, thời điểm khác lại tỏ ra hèn yếu. Đấy là trọn vẹn.

- Nhưng...

- Để mình nói hết đã. Cậu biết tin cô Phương xuất ngũ chưa? Chưa hả? Nếu ở một góc độ nào đó có thể gọi là một sự kết thúc. Nhưng thực ra chưa đâu. Bởi vì những ngày tới Phương sẽ sống thế nào? Cô ấy xác định sẽ về sống với cô Tuất. Hai người bạn thân từ trước. Nhưng cô ta chưa hề biết tin này. Tuất sắp được phong anh hùng. Việc đó có thể dẫn tới một sự mất thăng bằng mới cho Phương chứ? Cô Phương đi bộ đội, đã vào chiến trường. Bao nhiêu gian khổ phải đổi. Tuất thì ở nhà. Cũng gian khổ lắm, nhưng dù sao vẫn ở nhà. Bây giờ kết cục thế nào? Một bên sẽ được cả nước biết đến. Còn Phương thì số người biết đến ít thôi. Nhưng trong số đó có một người hiểu rất kỹ Phương, suốt đời mang ơn cô gái ấy. Đấy là cậu Khang. Nếu như chiến công của Tuất là trận đọ lửa trên đồi 74 với máy bay Mỹ, và chiến công ấy đã đưa Tuất lên vị trí anh hùng, thì Phương, chiến công là một phát đạn, chỉ một phát thôi, tiếng nổ bật ra, trong một cơn đau đớn, dằn vặt ghê gớm. Với phát đạn ấy Phương đã cứu được một con người, một cuộc đời. Phương sẽ ở lại trong lòng người ấy cho đến khi anh ta vĩnh biệt thế giới này. Đấy chính là sự trọn vẹn. Đấy công việc trong chiến tranh nó phức tạp thế đấy, và sự kết thúc thật muôn hình muôn vẻ cậu ạ.

Trần Vũ ngừng lời. Lợi cúi đầu im lặng. Một vài loạt pháo nổ gần nhưng không làm cho hai người để ý. Một lúc khá lâu, Lợi hỏi nhỏ:

- Chị Phương có buồn không thủ trưởng?

- Có. Cô ấy không buồn vì chuyện giải ngũ mà vì chuyện khác. Cô ấy đặt cho tôi một câu hỏi thế này, tại sao không có anh con trai nào yêu có ấy?

Lợi bật cười. Anh tưởng chính uỷ trêu mình nên mặt đỏ rần rần. Nhưng Trần Vũ có vẻ như không quan tâm đến.

- Cái đó thì bất công thật đấy. Lỗi ở đâu? Tôi cho là ở trong ý thức của một vài anh con trai thời này thường quan tâm đến một cái gì đấy oanh liệt, thật to tát kia, họ coi thường những cái bình dị. Họ ít chịu ghi nhận và cảm xúc trước những tâm hồn mộc mạc. Chỉ có điều, chẳng có cớ gì trách họ được. Cái tốt nhất là ghi nhớ lại những chuyện này, truyền gửi tới mọi người để cho thế hệ sau phân xử, bình luận. Thế thôi.

Tiếng pháo nổ mỗi lúc một dày hơn. Trần Vũ vội ngừng câu chuyện, nhiều người ra cửa hầm quan sát. Một lúc anh nghe Lợi thì thầm phía sau:

- Thưa chú... Rứa bao giờ cháu phải về?...

- Về đâu?

- Về làm cái "chân" sáng tác ấy?

- à... nếu cậu thông suốt tư tưởng thì có thể lên đường bất kỳ lúc nào. Ngay đêm nay càng tốt. ở ngoài đấy anh em đang mong đấy...

Lợi không nói gì thêm. Tiếng pháo ngừng. Có một lúc không gian câm bặt mọi âm thanh.

*

Nhưng Lợi không kịp thực hiện nhiệm vụ trở về Vĩnh Linh.

Trong quãng không gian vắng ngắt, bỗng xuất hiện cái âm thanh rầm rì như tiếng cối xay lúa. B52 rồi! Tiếng bom xé gió ào ào như có cơn lũ rừng tràn xuống. Phút chốc mặt đất rung bần bật. Chớp lửa chằng chịt xé nát màn đêm.

Những người ngồi trong hầm ngã dúi vào nhau. Loạt bom vừa ngừng, lại thêm hai người nữa chạy xuống. Đấy là tiểu đoàn trưởng và cậu công vụ của Trần Vũ. Họ chưa kịp hỏi nhau thì đã nghe tiếng rào rào giống một cánh rừng khổng lồ trút lá. Tiếng nổ chập vào tiếng nổ. Dây điện thoại đứt. Sự liên lạc với nhau không thực hiện được. Con người có cảm giác đang bị xô dạt vào những hòn cù lao chơ vơ trong một cơn bão dữ dội.

Ba loạt bom chấm dứt. Rồi ba loạt nữa...

Đột ngột có ai đó reo to lên. Những người trong hầm đều nhào hết ra ngoài. Trên nền trời đen kịt bỗng xuất hiện hai vệt sáng như hai ngọn nến ngoằn ngoèo. Tên lửa! Trời ơi, tên lửa! Tất cả nín thở! Hai vệt sáng lao đi mỗi lúc một xa. Tiếng động cơ máy bay rối rít. Một quả đạn nổ. Điểm nổ quá xa khó lòng đoán biết hậu quả. Nhưng những người xem vẫn thấy hả hê. Thế là tên lửa đã vượt sâu qua bên này phòng tuyến.

Chiến sĩ cơ yếu lao đến như một cơn gió:

- Báo cáo chính uỷ, có điện của bộ tư lệnh.

Trần Vũ chụp lấy một mảnh giấy nhào trở vào hầm. ánh đèn pin loé lên. Bức điện viết:

"Gửi anh Vũ!

Địch ở Khe Sanh đã vỡ. Cho D47 xuất kích. Anh cần trở về ngay Bộ tư lệnh.

                                                                               Ký tên: Thường"


Trần Vũ kêu to lên:

- Thằng Mỹ chạy rồi!... Các cậu ơi!... Nó chạy rồi...

Tiểu đoàn trưởng níu lấy tay anh, dặc mạnh:

- Bọn tôi phải làm gì đây, thủ trưởng?

- Xuất kích. Chiếm ngay đường Chín! Cần phải...

Câu nói của Trần Vũ bị ngắt lại vì tiếng động cơ B52. Lần này hình như nhiều phi đội hơn. Tiếng động dày và thô bạo. Tất cả nín lặng, chờ. "Chằng, chằng, chằng..." Bom trút dày như mưa rào. Rõ ràng kẻ địch đang cố san bằng con đường tháo chạy. Trong bóng tối, mấy con mắt quay lại nhìn nhau như cố tìm chung một câu trả lời: Tình thế này có xuất kích được không?

Gần nửa đêm, bom B52 mới chấm dứt. Không gian bỗng vắng lặng một cách lạ lùng. Trần Vũ đặt nhẹ tay mình lên vai tiểu đoàn trưởng:

- Đi đi! Chúc tiểu đoàn xứng đáng với danh hiệu Lê Hồng Phong.

- Chúc anh trở ra an toàn.

Tiểu đoàn trưởng bắt tay chính uỷ rồi quay người chạy. Đến lúc này Lợi mới lên tiếng:

- Thủ trưởng! Tôi không thể...

Trần Vũ ngắt lời:

- Còn không thể, có thể gì nữa. Nhiều việc mình muốn làm thì kẻ địch lại không cho làm. Thôi gác chuyện viết lách ấy lại. Đi đi!

Lợi sung sướng muốn reo lên. Nhưng anh kìm lại được.

- Sau trận này tôi sẽ về hẳn đội tuyên văn. Xin hứa với thủ trưởng như vậy.

- Hãy hứa việc trước mắt đi đã. Bám cho bằng được đường Chín, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch!

- Rõ ạ!

Tiểu đoàn ầm ầm bật ra khỏi khu đồi tràm, nhằm phía đường Chín lao tới như những trận gió xoáy.


Đăng ngày 07/07/2010


Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan