Thursday, October 15, 2015

HAI CON CHÓ - truyện ngắn


Tác giả: Trần Hữu Đạt


         

          Biết là sếp mê chó bẹc lắm, nên anh lái xe quyết tâm tìm và dặn cho sếp được một giống chó như ý. Thấy hay hay, anh cũng bắt luôn một con về để nuôi.





Con chó của sếp lớn nhanh, phổng phao và rất tinh khôn. Ai trông thấy cũng lấy làm thích lắm. Ngày ngày, vợ và con gái sếp thường lấy xà bông tắm gội cho nó, rồi ôm vào lòng âu yếm, nựng như nựng trẻ con.


 Mỗi lần sếp đi đâu về là nó lại nhào ra ngõ, ngoáy đuôi tíu tít và đứng dựng lên bằng hai chân sau, bắt tay với sếp.
Ai đến nhà thấy con Nâu - Tên con chó – diễn trò, cũng tấm tắc khen lấy khen để.
 Sếp và vợ con thấy thế lấy làm hãnh diện lắm. Chả là thiên hạ đã có câu: “Chó khôn đẹp mặt chủ nhà” mà.
Mặc dù được sinh ra cùng một mẹ, một ngày sinh tháng đẻ, nhưng con chó Ních bên nhà anh lái xe thì không được chiều chuộng sung sướng và chăm sóc chu đáo như nó. Tuy thế nó vẫn luôn bằng lòng với hoàn cảnh  mà chủ nhà đã dành cho cho nó.- “Chó không chê chủ nghèo” mà.
Ngày ngày con Ních chỉ được ăn những thức ăn thừa của chủ nhà. - Sau mỗi bữa ăn.
 Giả sử muốn… thì phải tự tìm đường mà đi giải quyết nỗi buồn riêng. Chứ không có ai đứng ra phục vụ nó cả. Ngược lại nó phải phục vụ gia chủ một cách nhiệt tình, chu đáo. Nếu có ai đến, thì phải sủa lên, để báo cho gia chủ biết là có người lạ đang vào nhà. Nhưng nếu sủa dai, thì lập tức bị một đá vào mông, làm cho đau đớn kêu lên ẳng ẳng...
Hoàn cảnh con Nâu thì ngược lại, nó luôn luôn có một khẩu phần hẵn hoi và ăn cùng một lần với gia chủ. Thậm chí đôi khi còn được ăn trước nữa. Bởi gia chủ đang bận tiếp khách, nhưng nó đã thấy đói.
Hàng ngày con Nâu được tắm gội sạch sẽ bằng xà bông và xịt nước hoa của Pháp thơm lừng. Hễ muốn đi cầu, đi tiểu là nó chỉ cần tru lên vài tiếng “Ư ử” là liền có kẻ dẫn đi.
Không những sếp, người nhà sếp, mà nhân viên trong cơ quan, bạn bè của con sếp… đều rất hiểu và quý nó. Ai đến nhà, đều nhớ mang cho nó một món quà như thỏi xúc xích, chả giò, đôi khi là cả cái đùi gà… rồi yêu cầu được bắt tay với nó. Hứng lên các cô bé tuổi tin còn xếp hàng để được ghi hình với nó.
Có lẽ nó hiểu vị trí của mình, nên càng ngày càng tỏ ra đài các. Nó đi đứng uyển chuyển, ngó trước ngó sau cẩn trọng và đường bệ lắm.
Nhưng trớ trêu thay sống trong cảnh ấy, nó bị mất dần bản năng làm chó. Nó chả cần sủa mỗi khi có người lạ đến nhà. Bởi đã có cái chuông cổng reo lên giúp rồi.
Một ngày nọ nó ra đứng ở cổng, ngẩn ngơ như đón chờ ai tới.  Người giúp việc thì mãi loay hoay với cái ổ khóa bị kẹt. Bỗng hai tên cẩu tặc lao tới. Con Nâu chỉ kịp “Ặc” lên một tiếng đớn đau, rồi bị kéo lên xe chở đi mất hút.
Sếp thương tiếc đến nỗi phải bỏ dở buổi làm việc ngày hôm đó. Cơ quan, bạn bè nghe tin con Nâu bị gặp nạn, vội đua nhau đến chia buồn.
Không những bạn bè sếp mà bạn bè của con sếp, bạn vợ sếp… cũng thay nhau đến, hoặc điện thoại hỏi thăm. Một bầu không khí trầm lặng, buồn thảm bao trùm lên căn nhà. - Y như là đang có đám ma vậy.
Vài nhân viên nam xông xáo hơn, cưỡi xe máy, tầm tả hết mọi hang cùng ngõ hẻm… hy vọng tìm ra tý dấu vết của con Nâu. Nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Bực mình, sếp lết dậy, gắng húp hết bát cháo bồ câu, từ tay một nhân viên nữ mới bưng tới. Rồi lên xe, đóng rầm cửa, nói một câu gọn lỏn:
-Ra ngay quận, gặp giám đốc công an.
Thế là nhờ có ý kiến của sếp, công an quận liền chỉ thị cho công an phường. Người ta mở ngay một chiến dịch truy quét tận hang ổ của những hung thủ chuyên bắt chó trên địa bàn. Xóm làng yên ổn hẵn một thời gian dài. Nạn bắt chó không còn thấy xuất hiện nữa.
 Nhưng không vì thế mà trong lòng sếp nguôi ngoai nỗi sầu, nỗi nhớ con Nâu.
Mỗi lần đến nhà anh lái xe, thấy con Ních là sếp lại thấy nhớ con Nâu hơn bao giờ hết.
Một lần nọ, sếp ngập ngừng nói với anh tài:
 - Nhìn con chó mày, mà tao cảm giác như con Nâu nhà tao đã trở về vậy.
 Biết là sếp đang buồn và nhớ chó. Anh lái xe liền bàn với vợ là dắt con Ních sang xích ở bên nhà sếp. - Với hy vọng rằng sếp sẽ vui và con Ních sẽ đổi đời.
Nhưng con Ních sang đó thì nó lại buồn vì nhớ chủ cũ. Nó cũng chả biết bắt tay và làm trò gì cả.
 Bất cứ ai tới, nó vội lồng lên sủa oang oang, tỏ vẻ hưng dữ… làm cho người ta hết cả hồn vía.
Lâu lâu nó lại phịa ra trên tiền sảnh nhà sếp một đống to tổ bố, làm cho hôi hám tanh rình... ô uế hết cả nhà.
Đôi lần bà giúp việc và con gái sếp cố đưa nó đi tắm, nhưng nó lại giật xích chạy biến mất.
Có hôm con bé đưa cơm ra, đáng ra con Ních phải vẫy đuôi cảm ơn, thì nó lại gầm gừ, hau háu mắt như muốn ăn tươi nuốt sống lấy chủ nhân.
Con bé quát:
- Đồ hôi như cú, mà làm cao. Chả biết thân, biết phận tý nào cả.
Nó gầm gừ, ra dáng thủ thế, sẵn sàng ăn thua với con bé.
- Ngu! Đúng là ngu như chó. Vào chỗ phú quý mà không biết hưởng thụ. Thì chỉ là đồ ngu. - Sếp thét lên và loay hoay bấm máy điện thoại:
- Bảo vệ đó hả? Các anh cử ngay hai người đến nhà tôi gấp. Lúc đi, nhớ chuẩn bị thêm, riềng, sả, giấm, mẻ nghe!
Nói rồi, sếp vẫn đến cơ quan làm việc như thường lệ. Nhưng chiều tối thì tất cả anh em, bạn bè sếp, bạn bè vợ, bạn bè con sếp… lại đến nhà. - Hoan hỉ vui như trẩy hội.
Đang ăn, bỗng sực nhớ tới công lao bấy lâu của vợ con người lái xe. Sếp vội bảo người giúp việc:
 - Xuống bếp, xem còn cái gì gói gửi về cho họ. Chà công lao họ nuôi nấng, chăm bẩm bấy lâu mà. Chó nào chả giống chó nào.
 Người giúp việc xuống bếp, vét mãi mới đủ một đĩa xương. Bà cẩn thận gói lại và dúi vào tay anh tài xế trung thành.
Khi nhìn đĩa thịt cầy đang ngùn ngụt bốc khói để ở trên bàn, vợ, con anh tài khẽ rùng mình một cái, rồi cúi xuống sụt sùi.
 Con bé ngước lên, chỉ vào làn sương nước mờ mờ, phảng phất trong gió nói: “Hình như…là hồn của con Ních về, đang vẫy đuôi rối rít, vì gặp lại chúng ta đó, bố mẹ ạ!”
                                                                  Ngày 08-08 - 2014
                                                                       Trần Hữu Đạt
                                                  

 Đăng ngày 04/01/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan