Sunday, October 18, 2015

Hai mươi năm ấy biết bao nhọc nhằn

Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn: Hôm qua, Tạp chí Cửa Việt kỉ niệm 20 năm thành lập. ( Đúng ra là đã 21 năm, vì không có kinh phí nên tổ chức muộn) Mình được mời dự với tư cách là một trong 2 Tổng biên tập đầu tiên. Đây là bài phát biểu của mình trong lễ kỉ niệm đấy. Sở dĩ có đến 2 TBT đầu tiên là vì tờ CV hôm nay được hình thành từ 2 tạp chí trước đó. TC CV do HPNT làm TBT và TC Văn Hóa Quảng Trị do mình làm TBT


Thời buổi bây giờ làm văn là công việc vô cùng nhọc nhằn. Nhưng làm báo văn lại còn nhọc nhằn gấp bội. Sự nhọc nhằn của nghề văn đến từ hai phía. Phía người làm nghề và cả phía người đón nhận.

Người đón nhận- tức là xã hội nói chung và độc giả văn học nói riêng- đang ở trong giai đoạn phân tâm dữ dội. Sự phân tâm của đọc giả thể hiện rất rõ nét ở hai khía cạnh, đó là môi trường sống và môi trường hưởng thụ tinh thần. Môi trường sống là sự đua chen khốc liệt, dữ dằn của cuộc mưu sinh và khát vọng đua chen trên tất thảy mọi mặt của đời sống. Còn môi trường hưởng thụ tinh thần là sự bùng nổ khủng khiếp của các phương tiện truyền thông và đi cùng nó là mênh mông, xao xác, nhiều lúc còn là sự bát nháo nữa các dịch vụ, hình thức giải trí. Tất cả môi trường đó hoàn toàn không phải là môi trường dành cho văn hóa đọc nói chung, và sự đọc văn nói riêng. Xã hội hiện thời, với ba phần tư số người ( mà có thể còn cao hơn nhiểu lần tỉ lệ ấy), cái sự đọc nói chung là một công việc nhọc nhằn, đọc văn lại càng khốn khổ như một sự tra tấn. Và với cái số đông ấy, văn chương, thơ phú là món hàng trên cả mức xa xỉ cho dù có thể trên các diễn đàn công khai, cái số đông ấy vẫn luôn cao giọng rằng đây là những sản phẩm trí tuệ, rất cao quý, rất hữu ích, rất này nọ, vân vân..

Cái thời nó thế, không thể trách được.

Còn với người làm nghề văn? Sự nhọc nhằn trước hết nằm ở bản chất công việc. Viết văn là loại lao động đặc biệt, lao động sáng tạo và luôn luôn phải đổi mới. Thời buổi nào thì sự sáng tạo và đổi mới cũng là sự nhọc nhằn. Tuy nhiên, ở thời này, khi môi trường sống và hưởng thụ của đọc giả phân tâm như đã nói trên thì chân giá trị của sự sáng tạo quá khó khăn để có được sự thẩm định chính xác và càng khó gấp bội lần việc đồng cảm của xã hội với sự sáng tạo của người làm văn. Sự nhọc nhằn còn ở nội hàm của sự sáng tạo, đấy là nhân vật- trung tâm của các giá trị sáng tạo- và tư tưởng tác phẩm, cái thông điệp để giao hòa với cộng đồng. Có cảm giác, các gương mặt người thời buổi này đang rất tranh tối tranh sáng, quá khó để khẳng định. Ngay cả báo chí là loại ghi chép, phản ánh chuyện thật đơn thuần thôi mà vẫn phải chịu bao điều tiếng nữa là. Còn nhớ nhiều nhân vật được coi là gương mặt Người đương thời, vừa tung lên sóng tháng trước được khán giả vô cùng ngưỡng vọng thì vài tháng sau lại nghe nói cái nhân vật lừng danh đó đã vào tù. Lại còn chuyện, nhân vật Lượm gì đó trên chương trìnhNgười xây tổ ấm đã làm cho bao nhiêu khán giả rơi nước mắt và móc túi lấy tiền quyên góp để rồi vài tuần sau lại té ngửa ra là chuyện bịa trăm phần trăm...Báo chí mà khó như vậy huống hồ là văn. Ngợi ca cái gì, gửi gắm vào đâu, chân lí chỗ nào..Chưa bao giờ người viết chân chính lại phải trở trăn, khổ tâm đến vậy..

Cái nhọc nhằn của người viết còn ở chỗ, sản phẩm làm ra cứ phải cho không, biếu không. Một bài kí, truyện ngắn phải đổi bao mồ hôi khó nhọc để tìm hiểu thực tế, bao đêm trằn trọc, trở trăn để ưu tư, và ít nhất cũng gần một tuần lễ còm người gõ máy..Nếu may mắn có tờ báo đăng cho, như Tạp chí Cửa Việt chẳng hạn, tác giả sẽ được trả công chừng 300 đến 400 ngàn đông. Nếu Văn nghệ Quân đội thì nhuận bút là 500. Còn vinh dự được Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn đăng thì chỉ có...200 ngàn đồng. ( Tôi xin kể thêm chuyện này, tôi viết một cuốn tiểu thuyết mất hai năm, chưa cần tính đến bao nhiêu nhọc nhằn của những năm tháng dấn thân trong chiến tranh và đời sống lam lũ để có tư liệu, nhưng Nhà xuất bản Hội nhà văn khi in xong chỉ trả cho tôi đúng 30 cuốn sách). Nếu tính gía bán trừ 40% chiết khấu như bán cho mọi đọc giả, thì nhuận bút cuốn tiểu thuyết gần 500 trang của tôi khoảng 1,2 triệu. May mà tôi tự viết trên máy, nếu không thì số tiền nhuận bút kia không đủ trả tiền thuê đánh máy. Thử hỏi có sự lao động nào được trả giá một cách phi lí như vậy không?

*

Trở lên tôi mãi nói về cái nhọc nhằn của nghề văn. Nói sa đà một chút như vậy để quay lại với cái câu đã khai quát lúc đầu. Nếu nghề văn nhọc nhằn một thì nghề làm báo văn còn nhọc nhằn gấp mười lần. Hay nói theo cách dân gian, cái khổ của tờ báo văn đến từ ba bề bốn bên.

Ba bề là bề nào ? Là bề đầu vào, bề đầu ra và bề chính bản thân tờ báo. Đầu vào là các tác giả, các cộng tác viên. Khi nghề văn nhọc nhằn và bạc bẽo thế thì mấy ai còn thiết lấy công việc viết văn làm nghề, lại càng không thể lấy việc viết để đăng trên báo văn làm kế sinh nhai. Bởi vậy, những tờ báo văn ngày càng heo hút cộng tác viên, hoặc nếu còn thì cũng không còn mấy loại cây bút có đẳng cấp. Đầu ra chính là đọc giả. Độc giả khi chẳng còn mấy người thiết tha với văn chương thì in báo ra biết đẩy cho ai. Lượng phát hành ngày một teo tóp. Công tác phát hành trở nên quá cực nhọc, thậm chí có thể nói là tủi phận nữa. Cái khó của hai bề ấy tạo nên sự lạnh lẽo của bề thứ ba, chính là sự lạnh lẽo của tờ báo. Những người có chí, có tài, có điều kiện phát triển thì không ai muốn về công tác ở cái chùa hoang ấy. Khi không có được những người viết, người biên tập đẳng cấp thì sự khó nhọc của tờ báo cảng trở nên nặng nề hơn.

Còn bốn bên ? Là bên nghề nghiệp, bên xã hội, bên trên và bên dưới. Tờ báo không tạo nên được thương hiệu, không có dấu ấn văn chương thì bạn văn cả nước không tín nhiệm, không ai muốn cộng tác. Tờ báo không có được độ nóng thời cuộc, nghĩa là không đáp ứng được những đòi hỏi tức thì, sôi động của đời sống thì xã hội sẽ lạnh nhạt. Điều này những tờ báo xã hội họ có uy tín áp đảo, ví dụ như báo Lao động, báo Tuổi trẻ hay báo ngành Công an. Báo văn không thể làm được như thế. Bên trên là phía những nhà lãnh đạo, quản lí, ở đó yêu cầu an toàn, đúng mực được đặt lên tiên quyết. Bên dưới chính là áp lực của các cộng tác viên. Họ muốn tung hoành cây bút, phóng khoáng tư tưởng và luôn tìm tòi sáng tạo trong thể hiện nghệ thuật. Nếu vì muốn giữ cái an toàn mà tòa soạn từ chối họ thì coi như lãnh đủ những cơn thịnh nộ từ phía những người vốn dĩ không biết nể nang ai trên đời..

Đấy là chưa nói đến vị thế của một tờ báo văn địa phương tỉnh lẻ. Làm báo văn ở cấp Trung ương cũng phải cam chịu cái khổ ba bên bốn bề như tôi vừa nói, tuy nhiên dẫu sao cái gường rộng thì sự chèn cũng dễ thở hơn. Báo văn cấp Trung ương có trên 80 triệu dân cả nước là đối tượng. Báo văn ở Quảng Trị có chưa tới tám mươi vạn dân. Ấy vậy mà Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN ngày xưa xêng xang là thế, dư ăn, dư mặc lại còn bao cho cả Văn phòng Hội. Bữa nay nghe nói có nhiều tháng tòa soạn phải rơi vào cảnh sóng mòn. Tạp chí Sân Khấu của Hội NSSK VN có lượng đọc giả cả nước, lại có trên trăm đoàn nghệ thuật chuyên ngghiệp toàn quốc hậu thuẫn phía sau. Thế nhưng tờ Tạp chí Sân Khấu tuyệt nhiên không bán được 1 cuốn, chỉ in ra biếu không, cho không..

*

Trong buổi lễ kỉ niệm rất ý nghĩa này mà tôi nói những chuyện như trên để làm gì ? Là để nói thế này, với tất cả sự nhọc nhằn như đã nói, với tất cả những yếm thế của một tờ báo văn ở địa phương tỉnh lẻ như đã kể, mà tờ Tạp chí Cửa Việt yêu quý của chúng ta đã tồn taị được tròn 20 năm, tồn tại trong muôn vàn nhọc nhằn, đôi khi còn gặp bạo bệnh nữa, nhưng vẫn tồn tại, mà là sự tồn tại tương đối khỏe mạnh, vững vàng, chững chạc, không thật cường tráng như mong muốn nhưng cũng không đến nỗi oặt ẻo là cả một sự đáng ngạc nhiên và tự hào. Không oặt ẻo ở chỗ nào?. Nước ta có 63 tỉnh thành, hơn ba phần tư trong số đó là những địa phương to lớn hơn ta gấp đôi gấp ba cả về diện tích, dân số và cả nguồn lực đầu tư. Cả 63 tỉnh thành đều có tờ tạp chí văn nghệ địa phương bởi đây là nhu cầu khách quan, nếu không có tờ báo này thì làm sao gây dựng được đội ngũ văn học nghệ thuật địa phương. Tuy nhiên, trong số 63 tờ báo văn địa phương ấy thì có lẽ có đến quá nửa là những tờ báo oặt ẻo. Ở đó, tờ báo văn không hề có được một tòa soạn độc lập mà là sự kiêm nhiệm ở văn phòng Hội. Tạp chí văn nghệ không có trụ sở riêng, ban biên tập riêng, đương nhiên không thể có cơ sở vật vật chất cho một cơ quan tòa soạn riêng. Vấn đề không phải chỉ ở chuyện cơ sở vật chất mà ở chỗ, ở những nơi như thế, tờ tạp chí chỉ xuất bản hai tháng một số ( thậm chí có nơi ba tháng một số), dung lượng mỏng mảnh, nội dung nhạt nhòa như một tập san nội bộ. Và hệ quả tất yếu là, bạn văn và bạn đọc cả nước hầu như rất ít biết đến tờ báo ấy. Tôi xin nhắc lại là những địa phương như thế chiếm tỉ lệ khoảng già một nửa địa phương cả nước và trong số đó, nhiều tỉnh thành to lớn và giàu có gấp nhiều lần Quảng Trị chúng ta.

Thưa các đồng chí và các bạn ! Hôm nay, trong buổi kỉ niệm rất có ý nghĩa này, tôi biết tâm trạng có nhiều đại biểu chưa bằng lòng vì thấy tờ tạp chí văn nghệ của mình chưa thật sôi động, chưa thật hay. Có cộng tác viên, hay Hội viên của Hội cảm thấy tờ diễn đàn của mình chưa thật nổi đình nổi đám, chất lượng có khi trồi khi trụt. Và có thể có đại biểu lại băn khoăn rằng, vì sao giữa thời buổi kinh tế thị trường này mà vẫn phải bao cấp một tờ báo, tại sao Cửa Việt không thể tự thu tự chi, thậm chí không trở nên giàu có, xum xuê như những tờ báo xã hội ở các đô thị lớn. Suy nghĩ và mong mỏi ấy nếu có, theo tôi là những suy nghĩ thiện tâm và chính đáng. Nhưng tôi cũng xin nói thật là những mong mỏi ấy sẽ chẳng bao giờ thực hiện được bởi thân phận nghề văn và số phận một tờ báo văn vốn là như vậy. Lại có thể có người nghĩ, nếu khó khăn và hẩm hiu vậy, tại sao không bỏ đi, đèo bồng làm gì ? Kể ra nói vậy cũng có lí. Thời kinh tế thị trường này, người ta thường thấy cái gì thuận lợi thì lao vào, thấy trắc trở thì bỏ của chạy lấy người. Nhưng nghề văn và tờ báo văn lại không phải là sự kiếm sống. Một cuốn tiểu thuyết viết trong hai năm chỉ được nhận nhuận bút là 30 cuốn sách, nhưng tôi vẫn phải cắn răng tiếp tục viết. Một tờ tạp chí văn nghệ địa phương, kể cả ở những tỉnh không có được tòa soạn riêng và chỉ ra 2 tháng một số thì vẫn phải cắn răng mà làm, không thể bỏ được. Vì sao ? Vì làm kinh tế thì có thể bỏ của chạy lấy người. Nhưng làm văn hay làm báo văn, bỏ của rồi, người chạy đi đâu. Văn nghệ sĩ Quảng Trị chẳng thể chạy đi đâu, cứ phải trằn lưng, dấn thân với đất này, vẫn phải viết, viết đêm viết ngày về con ngườu và đất đai này. Mà viết ra thì phải có diễn đàn để công bố. Nếu chỉ chen nhau ở tờ báo Văn nghệ Hội nhà văn thì tôi cũng xin nói thật, trong số hàng trăm Hội viên sáng tác ở Quảng Trị, may mắn lắm có khoảng năm đến bảy người có cơ may..Lại còn thế này nữa, mỗi tháng, mở tờ tạp chí Cửa Việt, ta sẽ bắt gặp khá nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong cả nước từ cấp Quốc gia đến các địa phương tỉnh bạn. Điều ấy có ý nghĩa gì ? Chí ít là thế này. Tờ tạp chí của Quảng Trị đã và đang có mặt hàng ngày, hàng tháng trên bàn đọc của những nhà văn, những cộng tác viên ấy. Họ đọc bài của họ thì đương nhiên cũng đọc cả những sáng tác của văn nghệ sĩ Quảng Trị. Nghĩa là, văn hóa Quảng Trị, văn học Quảng Trị, sự hình thành và phát triển sự nghiệp văn hóa trên mảnh đất heo hút này từng ngày vẫn được bạn bè cả nước theo giõi. Chỉ riêng việc ấy thôi, chúng ta cũng thấy được sự tồn tại của tờ báo văn này cần thiết và có ý nghĩa thế nào.

Đông Hà ngày 12/12/2011



Đăng ngày 10/01/2012

 Gửi bởi: Đình Chiến - 10/01/2012

"Một cuốn tiểu thuyết viết trong hai năm chỉ được nhận nhuận bút là 30 cuốn sách."(X.Đức)
Em thật không ngờ chất xám của nhà văn Việt nam giá lại "bèo" đến như vậy ! Thật là một sự xỉ nhục và coi thường những người cầm bút quá.! Không có các bác,làm sao chúng em hiểu thế nào là chiến tranh,là đau khổ ,là mất mát,là tự do và hòa bình ??? Nhất là những nhà văn đã từng cầm súng ,vào sinh ra tử,đối mặt với cái chết như các bác,những người đã viết nên những câu chuyện bằng máu,mồ hôi và nước mắt của chính mình và đồng đội mà thu nhập không bằng một ca sĩ trẻ ( người chỉ biết chiến tranh qua sách báo )đứng trên sân khấu hát 1 bài duy nhất...!

Bỗng dưng muốn khóc quá !!!

 Gửi bởi: Xuân Minh - 13/01/2012

Thời này mà các nhà văn có tên tuổi vẫn chịu cảnh" Sống Mòn " như thời của Cụ Nam Cao thật là không thể chấp nhận được.!Có lẽ tiền dành hết cho các ca sĩ thì phải.Mời các bạn đọc báo Hà nội mới "ồn lai"ngày 13/01/2012 sẽ thấy:
Giải thưởng Bài hát của năm có giá trị hơn 1 tỷ đồng 
13/01/2012 15:42

(HNMO)- BTC chương trình Bài hát yêu thích vừa công bố các giải thưởng chính sẽ trao cho chương trình. Theo đó, sẽ gồm 1 giải thưởng Bài hát của năm, - 12 giải thưởng Bài hát yêu thích tháng - 62 giải thưởng dành cho khán giả tham gia nhắn tin bình chọn qua SMS. Tổng giá trị giải thưởng 2 tỷ đồng.
 

 
Nếu có bài hát trở thành "Bài hát của năm" trong chương trình Bài hát yêu thích, các nghệ sĩ sẽ được nhận phần thưởng trị giá hơn 1 tỷ đồng

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan