Thursday, October 15, 2015

HÒN GAI TRONG TÔI


Tác giả: Vũ Thị Sự

  Xuanduc.vn: Rất xin lỗi cô giáo Quảng Ninh- Võ thị Sự, vì bản thư mail của Sự lấp chìm vào hàng mấy chục lá thư khác mà dạo này tôi lại đang rất bận vì viết dài nên rất ít mở hộp thư..Sáng này định xóa bớt nhưng thư rác thì bắt gặp những lời thăm hỏi và bài viết của bạn. Thật cảm động vì những tâm sự chân tình của một đọc giả chưa quen biết. Quảng Ninh tôi cũng có bạn thân là Nhà thơ Trần Nhuận Minh..Uông Bí vốn cũng có bạn rất chí cốt nay đã về bên kia Thế giới là nhà thơ Yên Đức..Nhất định có ngày tôi đến Yên tử ghé chơi thăm cô giáo Sự.  Chúc bạn mọi chuyện vui vẻ tốt lành. 
   
 Tháng 5 năm1972, tôi vừa tròn 12 tuổi, một mình đi sơ tán  về Bình Dương- Đông Triều. Một ngày cuối tháng 5, biết tin thị xã Hòn Gai bị máy bay Mỹ ném bom hủy diệt, tôi quyết định trốn vì cả đại gia đình tôi vẫn còn ở nơi đó. Lúc qua khỏi phà Bãi Cháy, tôi đã được hướng dẫn đi lối Vựng Đâng nhưng tôi vẫn đi con đường quen thuộc qua phố. Vừa qua Bách hóa, đến ngã ba đầu phố, tôi sững lại. Trước mắt tôi là mênh mông gạch, ngói vỡ vụn, không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Tôi dò dẫm lần từng bước, mùi xú uế nồng nặc làm tôi choáng váng. Đầu khu Ba Tầng một hố bom sâu hoắm nằm chềnh ềnh giữa ngã ba. Cửa hàng kem- bây giờ là đống gạch, vữa, ngói nát nhừ . Thấy mấy cô chú tự vệ đang xúm xít một chỗ, tôi len vào xem. Chẳng ai để ý đến tôi, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn vào nơi hai chú tự vệ đang vừa xúc, vừa gạy gạch vữa. Khi một mảng gạch được bê ra, một vạt áo... rồi một đống ruột lòi ra, mùi hôi thối nồng nặc xộc lên. Tôi vùng bỏ chạy, đến tựa lưng vào gốc xà cừ tả tơi, rã rượi , mắt nhắm nghiền. khi mở mắt, ngước nhìn lên, vật đầu tiên đập vào mắt tôi là một cánh tay đen sì, sưng phồng, lủng lẳng trên cành cây xà cừ, ngay trên đầu. Sợ quá, tôi hét lên và không biết gì nữa.
   Biết tôi trốn nơi sơ tán  về trong lúc tình hình rất căng thẳng. Bác Tùng Trạm xá trưởng ( Trạm xá mỏ Hà Lầm , nơi mẹ tôi công tác )  phê bình và yêu cầu mẹ phải đưa tôi về nơi sơ tán ngay. Thời chiến, xe khách chạy buổi tối. Mẹ xếp hàng mua vé, tôi ngồi ngoài bờ kè, sát mép nước ( chỗ sau xây nhà bán vé xuống phà, phía bên Bãi Cháy). Hôm ấy, một ngày đầu tháng 6 năm 1972, trời vừa nhá nhem tối, bỗng, tiếng còi báo động rú liên hồi. Loa phóng thanh mở hết cỡ, lặp đi lặp lại: " A lô, a lô! Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ chia làm nhiều tốp, từ phía Đông Nam, đang tiến thẳng về phía  thị xã Hòn Gai. Đề nghị đồng bào khẩn trương  xuống hầm trú ẩn. A lô! A lô!" Tiếng loa chưa dứt, tôi cũng chưa kịp tìm chỗ trú ẩn thì đã nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ liên hồi đinh tai nhức óc, hết đợt này đến đợt khác. Mặt đất rung chuyển dữ dội. Không khí quánh lại, khét lẹt. " Nó đánh Tuyển Than rồi! Quân khốn nạn!" " Bắn chết hết chúng nó đi! Bắn! Bắn mạnh vào! Chúng giết hết cả nhà tôi rồi!" Người đàn ông  nằm ngay cạnh mẹ con tôi không ngừng la hét, chửi rủa. Mẹ tôi nằm đè lên trên, dùng thân mình che chở cho tôi. Bỗng nhiên, tôi thấy người nhẹ bẫng, mở choàng mắt vùng dậy, tôi thấy mẹ  và rất nhiều người đang vỗ tay reo hò cổ vũ, có người còn vừa nhảy, vừa la hét như phát cuồng. Mẹ tôi ra hiệu  cho tôi nhìn lên trời, bên phía Hòn Gai. Một cảnh tượng hào hùng, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời tôi được chứng kiến. Cả bầu trời sáng rực lên vì đạn pháo, pháo sáng. Pháo từ khắp nơi, bên Bãi Cháy, Cột 3, Cột 5... nhất là ở quả đồi ngay trước mặt (sau quả đồi này được mang tên anh hùng Đặng Bá Hát), những luồng sáng hình cầu vồng cứ tới tấp, tới tấp, vun vút, vun vút lao lên trời bủa vây mấy cái máy bay Mỹ.
    -Bắn! Bắn mạnh vào! Bắn chết hết chúng nó đi!
    -Hoan hô! Hoan hô! Cháy đi! Cháy đi!
    Cả bến xe hôm ấy, khi thấy pháo cao xạ, súng 12 ly 7 của bộ đội, tự vệ, dân phòng, từ các quả đồi bao quanh thị xã bắn trả quyết liệt làm máy bay Mỹ không dám lao xuống cắt bom nữa, tất cả mọi người đứng cả dậy, ra khỏi hầm trú ẩn, vỗ tay, reo hò, cổ vũ nồng nhiệt. Bị hỏa lực mặt đất bủa vây tứ phía, mấy tốp máy bay Mỹ vọt lên cao, chúng quần thêm một vòng rồi cút thẳng.
    Đã tròn bốn mươi năm, tháng 5 năm 2012, nhân dự lễ hội du lịch Hạ Long. Lễ đón nhận vịnh Hạ Long được công nhận là kì quan thiên nhiên thế giới. Tôi lại có dịp đứng ở đúng cái nơi mà tôi đã tận mắt chứng kiến trận chiến hào hùng năm xưa, lòng tôi bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào. Trước mắt tôi, một thành phố trẻ trung, sầm uất, hiện đại, tràn trề sức sống, ăm ắp tình người, hiện ra trên đống tro tàn đổ nát năm xưa. Năm 1994 Thị xã Hòn Gai được nâng cấp và mang một cái tên mới: Thành Phố Hạ Long. Thành phố đứng bên bờ vịnh Hạ Long- một kì quan thiên nhiên thế giới,  niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Khách du lịch khắp năm châu, khắp nơi trên đất Việt, đến với Hạ Long ngày một tăng. Sau khi thăm vịnh, họ không thể bỏ qua khu mua sắm đồ mỹ nghệ, trang sức, hải sản... ở chợ Hạ Long 1 và chắc hẳn cũng rất ít người trong số họ biết rằng: Chính tại nơi đây, bốn mươi năm trước, ngày 10.5.1972 máy bay Mỹ đã điên cuồng ném bom hủy diệt Thị xã. Sau trận bom ấy, cả một vùng rộng lớn, không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Đất ở đó, đến tận bây giờ, vẫn còn rải rác đâu đó, một phần xương thịt của những người dân thường vô tội. Cũng chính ở mảnh đất này, trên những quả đồi bao quanh thành phố kia, xưa đã từng là những trận địa pháo cao xạ của bộ đội phòng không, của tự vệ các nhà máy Cơ Khí, Tuyển Than...,của dân phòng phố Dốc Học, Lán Bè, Long Tiên... Trong số họ, không ít người trẻ mãi không già. Nơi họ nằm, hướng ra vịnh Hạ Long xanh mênh mông, rì rào, bất tử. Đồng đội của họ, những người dân, những đứa trẻ mà họ đã hy sinh xương máu để bảo vệ đã cùng với bao nam thanh nữ tú, từ mọi miền tổ quốc đổ về đây, bên bờ vịnh Hạ Long huyền thoại này, xây lên một thành phố đẹp như trong mơ. Hòn Gai trong tôi, xưa- gian khổ, oanh liệt, hào hùng quá. Hạ Long , nay-sầm uất, hiện đại, thơ mộng, quyến rũ đến khôn cùng.
                                            Uông Bí tháng 8 năm 2012.               

                                                       
                                                                                          

 Đăng ngày 14/12/2012
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Vũ Thị Sự - 18/12/2012

Chân thành cảm ơn nhà văn Xuân Đức!
Cảm ơn nhà văn đã cho một độc giả mến mộ nhà văn như em một cơ hội được bày tỏ lòng quý kính với nhà văn và Trúc Sơn Trang. Cảm ơn vì nhà văn đã cho đăng tải bài viết mộc mạc của em. Xin kính chúc nhà văn cùng toàn thể gia đình, bạn bè và những người ái mộ Trúc Sơn Trang vui khỏe, hạnh phúc! Trân trọng kính mời! Trân trọng đón tiếp anh Xuân Đức cùng gia đình, bè bạn tới thăm Yên Tử, thăm gia đình Vũ Thị Sự!


  Gửi bởi: Lê Nguyên Hồng - 01/01/2013

Đọc bài viết, tôi liên tưởng đến cảnh chiến tranh khốc liệt ở Mảnh đất Vĩnh Linh. Thì ra chiến tranh hủy diệt của giặc Mỹ ở đâu cũng mất mát đau thương như nhau. Tôi cũng đã chứng kiến những cảnh chết chóc của dân lành bị bom, pháo địch tàn sát trước khi sơ tán ra Thái Bình (học sinh K8). Hồi ức về chiến tranh cứ ám ảnh, không phai mờ trong tâm trí những ai đã sống trong giai đoạn lịch sử bi hùng ấy. nếu không nói ra thì những khoảnh khắc ấy chìm lấp theo năm tháng. Đó là tư liệu thực tế về cuộc chiến tranh có sức lay động lòng người hôm nay.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan