Thursday, October 8, 2015

HƯƠNG TRẦM GIÓ - Tập 7


Tác giả: Xuân Đức

Tập 7

 1- NỘI- NHÀ HOÀNG- NGÀY 
Hoàng ngồi ở bàn phòng khách, tay cầm chiếc bi đông ngụy lên ngắm nghía, suy tư.
Ba Tài đứng khuất vào bên trong nhìn ra, nhíu mày phán đoán. 
Chị Tâm cầm chiếc ba lô cóc phơi ở bên ngoài vào lộn phải lại. 

HOÀNG
Ba lô giặt đã khô chưa em? 
TÂM 
Khô giòn. Nắng vùng này mà phơi suốt ngày làm gì chẳng khô. Nhưng bữa nay đi đâu người ta xách cái túi du lịch, vừa nhẹ vừa lịch sự. Đeo cái này trông nó... làm sao ấy. 
HOÀNG 
Làm sao là làm sao? 
TÂM

Con Phương nó bảo ba chẳng thể dứt được quá khứ khỏi vai mình.

HOÀNG

(Nhìn Tâm mỉm cười) Là con Phương bảo hay... chính mình muốn nói vậy?

TÂM

Em... em đâu có nói.

HOÀNG

Quá khứ có chuyện nên bỏ, nhưng nhiều chuyện thì không thể bỏ, không bao giờ bỏ được. Rất nhiều chuyện quá khứ lại chính là lẽ sống hôm nay đó (chuyển thái độ vui vẻ) Mà này, cái loại ba lô cóc này không phải lạc hậu đâu, nó là mốt hiện đại đó. Em không nhìn thấy đám du khách kêu bằng du lịch ba lô đó sao? Cái ba lô cóc của họ to gấp ba thế này này.

TÂM

Em biết rồi. Mà này, anh định mang cái bình tong ấy đi sao?

HOÀNG

Ờ thì cũng cần đựng nước uống chứ.

TÂM

Ôi chà, mua mấy bình nước khoáng bự nhét vào túi cóc là xong.

HOÀNG

Em lại vậy rồi. Nước khoáng vớ vẩn ấy sao bằng nước chè xanh. Tối nay, em hãm cho anh một ấm, để nguội cho khỏi thiu rồi cho vào bình tong này, uống cả ngày.

TÂM

(Lắc đầu thở dài) Thôi được rồi. Đưa đây em chùi rửa, súc kĩ cho sạch đã.

HOÀNG

Ừ, đúng đấy. (đưa bình tong)

TÂM

Nhưng... tại sao anh không dùng chiếc kia, lại đưa cái này đi?

HOÀNG

(Nhìn vợ, nói nhỏ hẳn lại) Đem theo cái này...biết đâu lại dò ra manh mối. Một công đôi việc mà em.

Câu nói của Hoàng khiến Ba Tài chú ý. Hắn nhíu mày suy nghĩ.

BA TÀI- TIẾNG NGOẠI

(Tiếng nội tâm) Tìm ra manh mối?Ông ấy đang quyết tìm ra người bắn gãy chân ông ta sao?

Phương và Đạt cùng dắt tay nhau vào.

PHƯƠNG

Ba! Khi nào thì ba đi Tây Nguyên?

HOÀNG

Sáng mai. (với Đạt) Thế nào Đạt, đã suy nghĩ kĩ về lời khuyên của hai bác chưa?

ĐẠT

Dạ...( Nhìn Phương)

PHƯƠNG

Ba, để con nói thay Đạt. Cậu ấy đã quyết tâm đăng kí thi đại học.

TÂM

Vậy hả? Vậy mới là đứa con có hiếu chứ.

HOÀNG

Đạt, bác rất mừng. Thế cháu định thi vào ngành gì?

ĐẠT

Phương rủ cháu cùng thì khối C, theo ngành sử. Nhưng cháu...

PHƯƠNG

Đạt lại thích Nông nghiệp ba ạ.

HOÀNG

Thông minh. Lựa chọn của cháu cực kì chính xác.

Đạt quay lại Phương, đập hai tay vào nhau, hô to: Ze!

Hoàng và Tâm nhìn nhau hài lòng. Phía trong Ba Tài cúi đầu quay mặt đi.

Phúc xuất hiện ở giữa sân. Áo quần xốc xệch, mắt thâm quầng. Phúc nhìn vào nhà, ngập ngừng.

Tâm nhìn ra, phát hiện thấy khách.

TÂM

Ủa, khách nào vậy ta? (đi ra) Dạ thưa anh. Anh hỏi ai?

PHÚC

Dạ tui hỏi... đây có phải nhà thầy giáo Hoàng?

TÂM

Dạ phải. Mời anh vô nhà.

Hoàng bước ra, thấy Phúc.

HOÀNG

Ai hỏi chi tôi vậy?

PHÚC

Anh là... (nhìn Hoàng không chớp mắt)

Hoàng cũng nhìn Phúc không chớp. Cả hai khuôn mặt cứ giãn dần ra. Hai ánh mắt cứ mở to hơn. Rồi cả hai cùng reo lên.

PHÚC

Đồng chí Hoàng! Anh Hoàng... không còn nhận ra em sao?

HOÀNG

Là Phúc! Phúc phải không?

PHÚC

(Nghẹn ngào) Phải, em là Phúc đây?

HOÀNG

Chu cha. Còn sống sao mày? Tao cứ tưởng...

PHÚC

Em cũng vậy... cũng cứ tưởng anh đã... Anh Hoàng ơi...

Cả hai ôm chầm lấy nhau, đấm đấm vào lưng nhau.

PHÚC

Đồng chí Hoàng ơi. Đã hai mươi lăm năm rồi còn gì.

HOÀNG

Ừ, hăm lăm năm..Ờ..mà sao lại hăm lăm..Nếu kể từ trận Thạch Khê năm 1973, bữa nay đã là hăm bảy năm rồi. Thời gian thật kinh khủng.

Ở trong thềm nhà, Tâm, Phương, Đạt nhìn nhau. Tài lại nhíu mày suy đoán.

•2-    NGOẠI/ NỘI- CỬA HÀNG NĂM BÉO- NGÀY

Ngoại: Cửa hàng đóng cửa. Bên ngoài treo tấm biển: Hết hàng, nghỉ bán.

Ông Vườn đi đến, nhìn bẳng hiệu, thở dài. Lưỡng lự một lúc, gõ cửa.

ÔNG VƯỜN

Cô Năm ơi...Cô Năm... (im lặng) Nè. Cô ra đây nghe tôi nói nè. Cô Năm... (đẩy đẩy vào cánh cửa)

Bất ngờ cánh cửa bị xô ra khiến ông Vườn suýt nữa ngã.

ÔNG VƯỜN

Cha mẹ ơi. Cô làm cái gì vậy. Định xô chết tôi há?

NĂM BÉO

Cho ông chết đi. Ông chết là tui mổ bò ăn mừng à.

ÔNG VƯỜN

Nè nè. Ở cái tuổi U 70, người ta kiêng nói chuyện xui xẻo đó nghe.

NĂM  BÉO

U 70... U 70... Ở cái U ấy rồi mà còn bày trò con nít. Ông chơi ác tôi như vậy còn chưa hả dạ sao, còn mò đến đây, định bày thêm trò gì nữa hả?

ÔNG VƯỜN

Cô Năm. Thiệt tình tôi đâu có ý chơi ác. Là tôi có ý tốt với cô mà.

NĂM BÉO

Tốt? Đem tôi tới để lão khùng ấy ăn thịt mà tốt sao?

ÔNG VƯỜN

Đừng nói vậy. Tôi đâu có ngờ anh ta lại lên cơn khùng vào đúng lúc đó. Thiệt tình...

NĂM BÉO

À, nghĩa là... nếu lão ta không lên cơn lúc đó thì ông sẽ lừa được tôi phải không?

ÔNG VƯỜN

Kìa, cô Năm...

NĂM BÉO

Mấy người thiệt độc ác (bỗng rơm rớm nước mắt) Mà sao mấy người lại độc ác như vậy với tui được chứ. Tui đâu có mắc tội với mấy người. Tôi tuy có tính hay bông đùa, có khi cũng làm cho mấy người không ưa. Chẳng qua, tôi buồn quá, hận đời quá nên cố làm bộ vậy cho khuấy khỏa để sống qua ngày thôi. Chẳng ai hiểu được tui hết. Đời tui đâu có vui vẻ gì. Gần năm mươi tuổi rồi. Lang bạt nam bắc cũng chán rồi. Tui cũng muốn có một tình yêu, một gia đình, một chốn nương tựa như bao người đàn bà khác. Tại sao các người lại đem cái mơ ước thật thà đó của tui ra mà đùa giỡn?

ÔNG VƯỜN

(Hét lên) Cô Năm! Cô nghe tôi nói đã, có được không? (im lặng) Nói trắng ra, ở cái xã này, không ai hiểu cô bằng tôi đâu. Người trong xã, nhất là các vị cán bộ, mấy người cao tuổi, họ rất khó chịu với cái bộ dạng của cô. Thậm chí có người còn ác khẩu gọi cô là...

NĂM BÉO

Con đĩ già đúng không?

ÔNG VƯỜN

(Thở dài) Tôi là cán bộ Mặt trận, tôi có trách nhiệm  tim hiểu hoàn cảnh từng người. Tôi biết được... cuộc đời cô mấy chục năm cũng vì bát cơm manh áo mà bươn chái dọc ngang, đôi lúc cũng phải tỏ ra ngang tàng, phá phách. Nhưng thật tình, cô Năm là một người thực thà, tốt bụng. Cũng có những khát khao hạnh phúc như bao người khác. Vì vậy tôi...

NĂM BÉO

Vì vậy ông Mặt trận mới đem tôi ném cho lão khùng để nó ăn thịt chứ gì?

ÔNG VƯỜN

(Quát lên) Đồng chí Phúc không phải lão khùng.

NĂM BÉO

(Quát trở lại) Không khùng mà là điên.

ÔNG VƯỜN

Tôi không cho phép cô nói đồng chí ấy như vậy, nhớ chưa? Nếu còn nói vậy nữa, tôi kêu dân quân tống cổ cô ra khỏi địa bàn này ngay.

Im lặng. Năm béo nhìn găm vào ông Vườn.

NĂM BÉO

Tui... nói sai sao? Cái đồng chí Phúc gì ấy không hề lên cơn khùng sao? Là tôi bịa đặt, vu khống sao?

ÔNG VƯỜN

(Nuốt khô trong cổ) Tôi... không nói là cô bịa đặt, vu khống. Đúng là đồng chí ấy... thỉnh thoảng có lên cơn... Nhưng cô Năm có biết vì sao không? Cô có biết nguyên nhân dẫn đến những cơn tâm thần đó là cái gì không?

NĂM BÉO

Không biết. Là sao vậy? Thất tình phải không?

ÔNG VƯỜN

Là vì một mảnh đạn phóng lựu của kẻ thù vẫn còn găm lại trong hộp sọ của của đồng chí ấy đó.

NĂM BÉO

Cha mẹ ơi. Thiệt vậy sao? Cái của nợ đó... là từ hồi chiến tranh hả?

ÔNG VƯỜN

Không phải của chiến tranh thì còn của ai nữa...

NĂM BÉO

Nhưng... cuộc chiến đã đi qua hai mươi lăm rồi mà. Tại sao cái mảnh đó nó cứ nằm hoài trong đầu vậy?

ÔNG VƯỜN

Cực vậy đó. Cũng như đất đai quê mình đây nè. Mới đầu tháng trước, bên xã Sơn Kim có tụi nhỏ đào phế liệu vấp phải đầu nổ, một đứa chết, một đứa cụt mất cả hai tay. Cuộc chiến đã đi qua mấy chục năm nhưng đất đai, con người quê mình đâu đã ra khỏi được cuộc chiến.

Im lặng một lúc.

NĂM BÉO

Không lẽ người và đất xứ mình cứ chịu cực hoài vậy sao, bác Vườn?

ÔNG VƯỜN

Không cam tâm. Không thể cam tâm chịu cực hoài vậy được. Thế nên dân mình phải chung tay với nhau, đồng cam cộng khổ với nhau để hàn gắn những nỗi đau, nỗi cực như thế. Cho nên cả cái vùng thâm sơn cùng cốc này đang vất vả từng ngày, từng tháng, từng năm để xây dựng cuộc sống mới. Phải xây dựng cho bằng được cuộc sống mới, no ấm hơn, hạnh phúc hơn, cô Năm hiểu không?

NĂM BÉO

(Thở dài) Liệu có được không?

ÔNG VƯỜN

Được không cái gì?

NĂM BÉO

Là cái cuộc sống mới mà bác nói đó. Với đất đai dày đặc bom đạn thế này, với những con người thương tích như vầy, liệu có làm được cái chuyện mà bác vừa nói không.

ÔNG VƯỜN

Nhất định phải được chứ. Chắc chắn làm được nếu dân mình biết thương nhau. Phải biết thương nhau, đùm bọc nhau, bù đắp cho nhau để chữa lành những thương tích, xoa dịu những cơn đau (thở dài) Tui tìm cô Năm, muốn cô đến với đồng chí Phúc... cũng chỉ vì ước muốn đó.

Cả hai người nhìn nhau, cùng im lặng.

NĂM BÉO

(Một lúc sau) Xin lỗi bác Mặt trận nghe.


•3-    NỘI- NHÀ HOÀNG- ĐÊM

Một mâm cơm dọn ra giữa chiếu. Tất cả ngồi vòng tròn.

HOÀNG

(Đưa chén rượu lên) Nào, chén rượu này là mừng cuộc hội ngộ thần kì của anh em mình. Cạn đi nào!

PHÚC

Tôi kính Tiểu đội trưởng, xin kính chị, mời các cháu. À, mà sao trong bài báo gì đó nói... anh chị chỉ có một cháu gái. Vậy còn...(đưa mắt về Ba Tài)

HOÀNG

À... đó là thằng cháu họ dưới quê lên chơi.

PHÚC

Vậy hả. Vậy thì mời chị, mời các cháu. Tôi xin cạn trước (uống một hơi). Thưa Tiểu đội trưởng, thưa chị. Nói thật lòng..tôi không nghĩ rằng còn có được cái ngày ngồi đây uống với anh Hoàng chén rượu này. Hôm đó, bên con suối Thạch Khê, chính mắt tôi nhìn thấy tiểu đội trưởng của mình ngã xuống. Tôi đã định lao tới để cứu ảnh... Nhưng cái mảnh phóng lựu khốn kiếp lại găm vào đầu tôi.

HOÀNG

Mình có biết. Mà cũng phải gần một tuần sau khi mình được cưa chân xong thì cô Lanh y sĩ trong trạm cứu thương mới kể cho mình biết là cái tổ trinh sát đã hy sinh. Nói thật, mình cũng đã nghĩ rằng cậu với đồng chí Hoạt đã hy sinh rồi...

PHÚC

Hoạt không hy sinh. Chính Hoạt đã đưa được tôi về tiểu đoàn, nếu không thì thằng Phúc này đã thành ma rồi.

HOÀNG

Kì lạ. Tất cả cứ như là một giấc mơ ấy. Nào, làm chén nữa cho nó tỉnh cơn mơ đi.

PHÚC

Rõ. Đây là sự thật chứ không phải mơ... đúng không chị? (uống cạn) Nhưng... đúng là một sự thật quá kì diệu. Này, tiểu đội trưởng. Rõ ràng tôi đã nhìn thấy anh  ngã vật ra, rồi lại nhìn thấy mấy tên lính ngụy đạp băng về phía anh. Không lẽ... chúng nó không nhìn thấy anh?

HOÀNG

Có. Hai tên đã bước tới đứng trước xác của mình.

PHÚC

Vậy sao? Sao mấy tên chó chết ấy không bắn, hoặc bắt anh?

HOÀNG

Tại vì lúc đó... mình coi như đã chết rồi mà.

PHÚC

Chết rồi? Thật kì diệu. Chết rồi lại sống trở lại. Có phép thần nào lại cứu được anh vậy?

HOÀNG

Chẳng có phép thần nào hết. Mà là tình người, tình đồng bào mới cứu được mình thôi.

PHÚC

Tình người, tình đồng bào... là sao?

Hoàng nhìn xa xăm ra ngoài trời. Qúa khứ lại hiện lên.

Hồi tưởng

[Những hình ảnh hồi tưởng ở tập 1 được nhắc lại nhưng ngắn hơn] Rừng chiến tranh. Khói lửa mịt mù. Hình ảnh Hoàng nằm bất tỉnh bên suối. Máu nhuộm sẫm đặc ở chân.

Hình ảnh mấy lính ngụy rẽ cây hiện ra lờ mờ, không rõ nét. Rồi Hoàng choàng dậy, vớ ngay khẩu súng bên cạnh. Tay anh đụng phải chiếc bi đông. Hoàng cố gượng để đưa chiếc bi đông lên nhìn.

Hết hồi tưởng

HOÀNG

(Tư lự) Chúng mình còn sống được đến hôm nay, còn làm được đôi ba việc có ích cho xã hội là một may mắn, một hạnh phúc không gì so sánh được. Biết bao nhiêu ân nghĩa với cuộc đời... không biết đến khi nào mới trả hết được...

PHÚC

Đúng vậy. Có ơn phải trả cho bằng được ơn. Có thù thì cũng phải báo cho bằng được thù. Đấy là lẽ công bằng mà.

HOÀNG

Kìa, Phúc. Đến bữa nay rồi mà còn nói chuyện thù oán nữa sao?

PHÚC

(Uống ực một hơi rượu) Không nói mà được sao. Chính vì không nói nên bọn trẻ nó không hiểu. Chúng nó bây giờ thấy cái gì cũng đơn giản. Yêu được là yêu, vui cười được là vui cười...Nó không biết rằng ba nó đã đau đớn thế nào, trả cái giá thế nào vì những kẻ đã cầm súng bắn vào ba, bắn vào đồng chí đồng đội của ba. Chúng nó định sống như vậy suốt đời bên cạnh nỗi đau của ba nó sao?

 Hoàng, Tâm và con gái đưa mắt cho nhau. Còn Tài thì cúi thấp mặt.

HOÀNG

Nè... hình như gia đình của Phúc đang có chuyện gì phải không?

Phúc nhìn Hoàng, mắt đỏ ngầu. Rồi bất ngờ bật khóc như trẻ thơ.

PHÚC

Tiểu đội trưởng! (ôm lấy Hoàng, nấc lên từng cơn. Hoàng vỗ vỗ vào bạn, mắt cũng ứa lệ)

Cắt-

4- NGOẠI: HUYỆN HƯƠNG KHÊ- NGÀY/ ĐÊM.

Ngoại: Khuê phóng xe máy chạy qua rất nhiều đoạn đường..

Khuê vào một ngồi nhà có vườn cây rậm, cô bước lên thềm, gọi:

KHUÊ:

Chú Ba ơi..Chú Ba..

Một người đàn bà bước ra.

NGƯỜI ĐÀN BA:

Ai kêu chi vậy?

KHUÊ:

Thím..Chú Ba có nhà không ạ?

NGƯỜI ĐÀN BÀ:

Ổng đi đánh cờ rồi..Cháu tìm ổng có chuyện chi không?

KHUÊ:

Thím ơi, ba cháu có qua đây chơi không ạ?

NGƯỜI ĐÀN BÀ:

À, có..Nhưng mà lâu rồi, tuần tước kia. Mấy hôm rồi không thấy anh ấy tới..

KHUÊ:

Vậy hả..Vậy thôi, cháu chào thím..( quay xe đi)

NGƯỜI ĐÀN BÀ:

Nè, mà có chuyện chi không?

KHUÊ:

Dạ không có chi..

Cắt- chuyển.

Khuê lại chạy xe đi trên con đường nhỏ...Qua một chỗ có ao nước thì gặp một ông già râu dài..

KHUÊ:

Cháu chào ông Tám..

ÔNG GIÀ:

Đi đâu mà coi bộ hớt hải vậy con?

KHUÊ:

Ông ơi, hôm qua tới nay, ông có thấy ba cháu tới chơi không?

ÔNG GIÀ:

Không. Tao cũng tính tới tìm chú Phúc uống rượu chơi đây..Vậy chú không có nhà sao?

KHUÊ:

Dạ..Thôi cháu chào ông..(Phóng xe đi ngay)

ÔNG GIÀ :

Nhìn theo) Ủa, con nhỏ làm sao vậy?

        5- NỘI. NHÀ HOÀNG- ĐÊM

Nội: Trên giường của Hoàng. Hai người cựu chiến binh nằm bên nhau..chân gác lên chân nhau, mắt mở nhìn lên trần nhà..Cửa phòng khép hờ..Họ đang kể về quá khứ, thỉnh thoảng lại rúc rích cười như trẻ thơ.

Cắt- chuyển.

Phòng bên, hai mẹ con Tâm nằm chung..Họ cũng thức..Tiếng nói chuyện đàn ông vang to ở phòng bên.

PHÚC:

OFF) Thằng Điệp....Anh có còn nhớ Điệp không?

HOÀNG:

( OFF) Điệp? Nhớ chứ..

Cắt- chuyển.

Chuyển qua phòng Hoàng và Phúc.  Đặc tả ánh mắt hai người chấp chới trong đêm.

HOÀNG:

Cái thằng Điệp nó ca bài chòi cứ như trên đài phát thanh ấy..Hay hết chê luôn..À..mà hình như quê nó đâu cũng ở trong chỗ của ông đó.

PHÚC:

Đúng vậy.Nó là dân thành phố Nhà Trang. Hết chiến tranh, Điệp xuất ngũ về vào đoàn nghệ thuật tỉnh, rồi lại được đi học đạo diễn bên Bun ga ri..Cách đây bốn, năm năm gì đó, cái đoàn của nó có lên diễn trên huyện tôi..Anh em tôi gặp nhau..

HOÀNG:

Có nhận ra nhau không?

PHÚC:

Tôi nhận ra nó trước, còn nó..nói mãi..cuối cùng cũng nhớ ra..

HOÀNG:

Cái thằng..Sao kì vậy?


PHÚC:

Thì nó vậy mà..Cũng chẳng nên trách nó...Ăn cơm tây nhiều..không có lợi cho mắt đâu..

HOÀNG:

Hồi trước, đụng tí là nhớ má, khóc, cả tiểu đội cứ phải dỗ như dỗ trẻ con..

Cả hai cười khúc khích như trẻ con.

Cắt- chuyển.

Ở một góc tồi ngoài hiên nhà, Ba Tài bó gối ngồi một mình, suy nghĩ..

Tiếng cười rúc rích của Hoàng và Phúc khiến hắn ngoảnh nhìn vào trong.

BA TÀI- TIẾNG NGOẠI.
Nội tâm)

Mình chưa tìm được cách thoát khỏi chú Hoàng...nay lại thêm một ông dữ tợn này nữa..làm cách nào chuồn êm được đây?

Cắt- chuyển.

Trở lại gường ngủ của Hoàng.

PHÚC:

À, còn Hùng điếc nữa..Anh Hoàng có nhớ Hùng điếc không?

HOÀNG:

Nhớ chứ. Cái thằng không biết chết sống là gì..Đạn cối nổ ngay sát nách vẫn cứ đứng, cứ ngơ ngáo nhìn quanh..Tao nhớ ông Thiều Chính trị viên, mỗi lần địch bắn cối hoặc có máy bay ném bom vô cứ, ổng lại hét ầm lên: Nè, coi chừng thằng Hùng điếc nghen, kéo hắn nằm xuống đi, không thì đạn cối nó cắt cụt đầu đó..

 Cả hai cùng cười. Phúc ngồi dậy

PHÚC:

Anh Hoàng thấy chiến tranh có kì lạ không. Cái thằng như vậy nhưng lại không hề vương một mảnh đạn, mảnh bom nào. Cho nên mới nói, bom đạn tránh người chứ người đâu có tránh được bom đạn..

HOÀNG:( cũng ngồi lên theo)

Đúng vậy. Hồi đó mình cứ nghĩ, sao người ta lại cho một đứa chậm như rùa vậy đi bộ đội, sớm muộn gì thằng Hùng cũng chết thôi..Vậy mà..

PHÚC:

Vậy mà sau này, hắn lại là đứa nhanh nhạy nhất so với anh em chúng ta.

HOÀNG:

Hùng điếc thì nhanh cái nỗi gì?

Phúc lặng lẽ bước ra phòng ngoài, bất ngờ hét to khiến cả nhà giật mình.

TIẾNG PHÚC:

( OFF) Ai? Đứng lại!..

Hoàng choàng dậy, chạy ra, bật công tắc điện..

Cả Tâm và Phương cũng đã ra..

Ba Tài đang run rẩy đứng nép vào bậc cửa..

HOÀNG:

Cháu?..Cháu đang làm gì vậy?

BA TÀI:

Dạ con..con ra vườn..

TÂM:

Ra vườn làm chi?

BA TÀI:

Dạ con..đi tiểu..

TÂM:

Cái thằng..Bác đã dặn, ban đêm thì cứ vào bên trong nhà vệ sinh kia mà..Thôi vô buồng ngủ đi..

BA TÀI:

Dạ..

Ba Tài liếc nhìn Phúc, len lén đi vô trong.

Tâm và Phương cũng quay lại phòng ngủ..

PHÚC:

Cái thằng nhỏ ấy..Nó là cháu anh thiệt hả?

HOÀNG:

Ừ..

Phúc khẽ nhíu mày..Nhưng rồi cho qua, cả hai ngồi vào bàn, rót ước uống.

Cắt- chuyển..

Bên trong phòng Tâm, Phương nói với mẹ:

PHƯƠNG:

Má..Con thấy..cái thằng Tài này..nó làm sao í..

TÂM:

Mày thì ...ai mày cũng bảo là làm sao í..Thôi, ngủ đi...

Cắt- chuyển.

Phúc vớ chai rượu còn lại trên bàn, rót một chén, nhấp một tí..

PHÚC:

Tôi đang kể dở chuyện thằng Hùng. Anh Hoàng biết không? Bữa nay Hùng đã thành Hùng đại gia..đứng hàng nhất nhì trong Sài gòn đó..

HOÀNG:

Vậy sao? Nó làm gì mà giàu vậy?

PHÚC:

Hồi đầu hắn chỉ làm mỗi chuyện chỉ trỏ..

HOÀNG:

Chỉ trỏ là làm cái gì?

PHÚC:

Anh Hoàng có vẻ ích tiếp xúc với giới làm ăn ha. Có một loại người lao vô làm giàu nhưng không hề có vốn liếng gì, chỉ được cái thính mũi, thính mắt, thấy món nào hời thì chỉ cho kẻ khác ăn, còn bản thân thì kiếm chút huê hồng..Nhất là lĩnh vực đất đai..Người ta hay gọi loại đó là Công ty Chi-tro- mếch..Nghĩa là chỉ trỏ và mách lẻo..

Hoàng cười khùng khục

PHÚC:

Thằng Hùng mất năm năm làm chi-tro-mếch để tích luỹ vốn, sau đó thì tự mình kinh doanh bất động sản..

HOÀNG:

Giỏi..giỏi..Không ngờ cái thằng vừa điếc vừa chậm như rùa ấy lại bỗng trở nên thính tai, thính mũi đến vậy ta.

PHÚC:

Vậy mới nói, thời thế tạo anh hùng mà..Cứ cù lần như anh em mình..chỉ tội nghiệp cho vợ con thôi..

Cả hai bỗng im lặng..Bất giác Hoàng nhìn vào buồng vợ..

      6- NỘI- NHÀ KHUÊ / NHÀ PHÓ CHỦ TỊCH ĐẨU - ĐÊM.

Khuê đang nói chuyện điện thoại, vẻ mặt khó chịu.

KHUÊ:

Báo cáo anh, em đã nghiên cứu rất kĩ mô hình trang trại của gia đình họ..Em cũng đưa ra thảo luận chung trong toàn phòng..Các đồng chí trong phòng đều thấy mô hình trang trại đó rất đáng được báo cáo để nhân dân toàn huyện nghiên cứu, học tập..

Cắt- chuyển.

Chuyển qua nhà riêng của Đẩu..Đẩu ngồi tựa lưng ra chiếc ghế Salon, tay cầm điện thoại..

ĐẨU:

Suy nghĩ vậy là đúng. Vấn đề ở chỗ làm khoa học thì phải khách quan..

TIẾNG KHUÊ:

( OFF) Đồng chí Phó Chủ tịch nói vậy là có ý gì?

ĐẨU:

 Tôi nghe nói, việc trồng cây bầu gió hay trầm gió gì đó..là thứ cây trồng chưa được Bộ Nông Nghiệp khuyến cáo..Bộ chưa đưa vào quy hoạch trồng trọt mà mình lại khuyến khích dân trồng thì có đúng chủ trương không?

Cắt- chuyển.

Chuyền về nhà Khuê:

KHUÊ:

Báo cáo anh...Chẳng phải Nghị quyết của Tỉnh ủy là cần nghiên cứu, đề xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất trống, đồi trọc của huyện sao? Đây chính là thái độ tiếp cận thực tế để đề xuất..Hơn nữa, trang trại của anh Thụ đâu chỉ có vườn bầu gió..Diện tích trồng bầu gió chỉ mới có vài héc ta, anh ấy cũng chỉ trồng thể nghiệm thôi. Mô hình trang trại của anh ấy là rất tổng hợp, vườn, ao, chuồng rồi cả rừng nữa..Rất hiệu quả..

Cắt- chuyển.

Chuyển qua máy Đẩu:

ĐẨU:

Thật vậy sao? Sao cậu Thái Phó Văn phòng lại bảo..cả một trang trại chỉ toàn cây gió..rất vớ vẩn..

Cắt- chuyển.

Chuyển qua máy Khuê:

KHUÊ:

Lại là anh ta..Khốn nạn..( Bỏ máy dằn mạnh xuống bàn)

Cắt- chuyển.

Chuyển qua máy Đẩu:

ĐẨU:

A lô! A lô! ( bên kia đã cúp) Cái gì vậy? ( Lắc đầu) Con gái lớn tuổi mà không có chồng là khó tính vậy đó..

7- NỘI: TRỞ LẠI NHÀ HOÀNG - TIẾP ĐÊM.

Bên giường của Tâm và Phương. Tâm nằm ngửa, Phương lật người ôm lấy mẹ.

PHƯƠNG:

Má ơi..

TÂM:

Hứ?

PHƯƠNG:

Cái chú...đồng đội của ba í..

TÂM:

Làm sao?

PHƯƠNG:

Con thấy..chú ấy..làm sao í..Khi thì rất dễ thương..Còn có vẻ ngây thơ nữa..Nhưng cũng có lúc dễ sợ quá má ơi. Hai con mắt của chú ấy..

TÂM:

Suỵt!..Đừng nói bậy. Chú Phúc đang bị bệnh đó..

PHƯƠNG:

Bệnh ha? Con có thấy chú bệnh gì đâu?

TÂM:

Bệnh của chiến tranh..Như ba con đó..

PHƯƠNG:

Tức là bị thương? Nhưng con đâu có thấy chú ấy bị thương tích gì đâu? Mà..bị thương như ba...nhưng ba đâu có..có kì như chú ấy..

TÂM:

Khẽ thở dài) Thương tích có nhiều loại..Có vết thương ở tay chân..có vết thương ở những chỗ sâu kín..Có thương tích khiến người ta mất đi một phẩn cơ thể..Nhưng cũng có vết thương..khiến con người mất đi sự bình thường của cuộc sống, như niềm vui, nỗi buồn..Sự mất mát ấy..tưởng là nhỏ nhưng thực ra nó ghê gớm lắm..

PHƯƠNG:

 ( Lật người ra, nhìn lên trần nhà. Một lúc sau) Chiến tranh thật kinh khủng, má ha.

Cắt - chuyển:

Trở lại giường của Hoàng

PHÚC:

Nè..

HOÀNG:

Gì?

PHÚC:

Lúc tối ăn cơm nghe chị nói...anh chuẩn bị đi Tây Nguyên hả?

HOÀNG:

Ừ..định là sáng mai đi..Nhưng không sao, có cậu ra chơi, mình sẽ lui lại mấy ngày..Cứ chơi với nhau cho khoái đã..

PHÚC:

Có chuyện chi trên Tây Nguyên mà anh phải trực tiếp đi vậy?

HOÀNG:

Có mấy việc luôn. Thứ nhất là hỏi tìm mộ một liệt sĩ..

PHÚC:

Liệt sĩ nào vậy? Của đơn vị mình à?

HOÀNG:

Không. Là chồng của một ân nhân cứu mạng mình...

PHÚC:

Vậy ha..

HOÀNG:

Việc thứ hai là tìm gặp cô Lanh..À..cậu có nhớ cô Lanh không?

PHÚC:

Cô Lanh? Là cô y sĩ rất đẹp gái ở Trạm phẫu thuật đúng không?

HOÀNG:

Chính xác.

PHÚC:

Ủa..Chẳng phải cô Lanh là gái thành phố..Tại sao bữa nay lại ở Tây Nguyên? Hay bữa nay bà ta cũng thành đại gia đầu tư Cà phê hay gì đó trên ấy..À, tôi hiểu rồi. Một cô gái thành phố xinh đẹp như vậy chắc chắn sẽ lấy một người chồng tầm cỡ..Bữa nay hẳn đã thành đại gia phu nhân, đúng không?

HOÀNG:

Cậu nhầm rồi..Mà chính mình mấy năm trước cũng nghĩ như cậu. Mãi gần đây, qua vài ba cựu chiến binh..mình mới biết..Cuộc đời cô Lanh cũng bất hạnh lắm..

PHÚC:

Bất hạnh? Sao lại như vậy được. Cô ấy đã cứu được biết bao nhân mạng, trong đó có tôi..Người ta nói, tích đức được đức, tích thiện phùng thiện, sao lại bất công như vậy?

HOÀNG:

Mình cũng thấy bất công cho Lanh..

PHÚC:

Nhưng tóm lại là thế nào?

HOÀNG:

Không biết chuyện gì đã xẩy ra, chỉ biết hiện giờ cô Lanh không có chồng con gì..Lại không sống dưới thành phố mà một mình lắn lóc trên đất cao nguyên..Cụ thể thế nào, lên đó tìm hiểu mới biết được.

PHÚC:

Có chuyện như vậy sao? Nhưng nói là Tây Nguyên..có biết cụ thể chỗ nào không?

HOÀNG:

Có đây..( lục túi đưa ra mảnh giấy) Anh em người ta ghi địa chỉ cụ thể cho mình đây này..

PHÚC:

( Ngồi bật dậy, xem kĩ địa chỉ, một lúc) Tôi sẽ đi với anh.

HOÀNG:

Không được. Sức khỏe cậu như vậy theo mình đâu có được..

PHÚC:

Tào lao..Anh tự cho là khỏe hơn tôi sao?

HOÀNG

Không phải vậy..Nhưng cậu bị thương ở đầu nguy hiểm hơn tớ..Hai nữa, cậu vừa vượt mấy trăm cây số từ trong ấy ra đây..Giờ nói đi nữa làm sao được..

PHÚC:

Thằng lính trước khi xuất trận đừng có nghĩ nhiều như vậy. Kinh nghiệm chiến tranh, thằng cha nào cứ nghĩ nhiều, tính toán quá nhiều thì thằng đó chỉ có quay đầu chạy trốn thôi. Mà này, hồi trước chính Tiểu đội trưởng dạy tôi câu đó mà, anh quên rồi sao. Tôi nhớ mãi cái câu anh nói thế này. Các cậu đừng quá lo xa. Bom ném không chắc đã trúng, ném trúng không chắc đã chết..Mà nếu chết..

HOÀNG:

Thì không chắc đã sống, đúng không?

PHÚC:

Vung tay) Đúng..Ủa, sao kì vậy ta?

Cả hai cùng cười rũ..Phòng bên hai mẹ con Tâm cũng cười..

      8NGOẠI/ NỘI: TRÊN ĐƯỜNG ĐẤT ĐỎ. / MỘT QUÁN CHÁO TRÊN TÂY NGUYÊN.- CHẬP TỐI.

Ngoại: Chập choạng tối. Trên một đoạn đường đất đỏ. Vài người dân đi ngược xuôi.

Một chiếc xe gắn máy cũ kĩ, tồi tàn chở ba người, không nón bảo hiểm, rú ga chạy ẩu khiến vài người dân hoảng sợ dẹp qua vệ đường..

Ba tên trên xe, tóc tai bờm xờm, vừa chạy xe vừa hát vang bài hát : Vòng tay cầu hôn ) ( Đây là ba thanh niên đã gặp ở ngoài rừng Thạch Khê)

Chú ý: Từ đây trở đi, bọn này hát nhiều lần bài hát Vòng tay cầu hôn, nhưng chỉ hát từng đoạn và  lời hát bị cải biên, xuyên tạc theo ý thích của chúng từng lúc khác nhau..

BÀI HÁT:
( Lời nhại)
 Ta yêu cao nguyên, cao nguyên đầy gió..
Nơi đây ra đi có ba chàng trai..
Một sớm ngồi hát với những cân trầm
Ta mang trên lưng mấy cục Kì Nam
Ta mang trên vai mấy gùi trầm hương...

Cả ba cùng cười ngặt ngẽo, xe càng rú ga mạnh hơn

Cắt - chuyển:

Nội: Toàn cảnh một ngôi nhà lợp tôn cũ nát nằm bên con lộ đất đỏ ở gần thị trấn của huyện thuộc Tây Nguyên. Nhà ở lút sâu bên trong, nhô ra ngoài sát đường là một quán cháo.

Trong quán cháo. Một phụ nữ đã luống tuổi nhưng thân thể vẫn rất cường tráng, khuôn mặt hơi đượm buồn nhưng còn rất xinh đẹp. Đó chính là Lanh. Chị đang lau chùi bát chén.

Một người đàn ông, dáng cao, mảnh khảnh, đeo kính cận đi xe máy đến, dừng trước quán, nhìn Lanh, im lặng hồi lâu. Đó là Bác sĩ Phùng.

LANH:

( Ngẩng lên) Ơ, bác sĩ Phùng..anh muốn ăn cháo phải không, em múc cho..Cháo hôm nay nhiều xương, hầm nục, ngon lắm đó..

PHÙNG:

Cảm ơn Lanh. Tôi ăn tối rồi..

LANH:

Ăn tối sớm vậy sao?

PHÙNG:

Sớm gì nữa..Gần 7 giờ rồi..Tôi đi trực mà..

LANH:

Hóa ra là bác sĩ lên trực..Ủa, nhưng lên Trung tâm y tế huyện..sao anh Phùng lại đi vòng qua đường này?

PHÙNG:

À..( lúng túng) Tôi..cũng có công chuyện nên vòng qua đây.. Mà thực ra..ý tôi cũng muốn hỏi thăm y sĩ Lanh..sức khỏe thế nào..

LANH:

Cảm ơn bác sĩ Phùng. Em vẫn ổn..

PHÙNG:

Vậy hả? Quán xá..bán buôn được không?

LANH:

Dạ..dạo này cũng ít khách..Tới mùa thu hoạch cà phê thì quán em mới làm ăn khá..Bữa nay, cũng chỉ mấy khách vãng lai, hoặc đám thanh niên rỗi rãi..

PHÙNG:

À này..Tôi nghe nói, ở quán này hay có mấy đứa bụi đời tới nhậu nhoẹt, đàng đúm..Lanh phải chú ý cẩn thận đó..

LANH:

Sao vậy? Bán cháo cho tụi nó...là phạm pháp sao?

PHÙNG:

Không phải vậy. Ý tôi là..Lanh phải chú ý..bảo vệ mình. Cái tụi oắt con đó hỗn hào lắm, nó chẳng biết nể sợ ai đâu.

LANH:

À..chuyện đó thì bác sĩ Phùng cứ yên chí..Cái đám đó...chẳng qua là chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ thôi.

PHÙNG:

Gớm..Lanh cứ làm như mình cũng là dân giang hồ chính hiệu không bằng..

LANH:

Lanh đâu nói mình là giang hồ..Nhưng nếu không đủ bản lĩnh, Lanh đâu dám một mình một quán trụ vững chốn này?

PHÙNG:

Không lẽ...cô cũng biết võ nghệ sao?

( Lanh cười tủm tỉm)

LANH:

Võ nghệ thì Lanh không rành, nhưng..cũng có vài ba ngón nghề..

PHÙNG:

Tròn mắt) Vài ba ngón nghề? Là gì vậy?

LANH:

Cái này..Bác sĩ chính quy hiện nay như anh Phùng chắc chắn về chuyên môn là bậc thầy bọn em rồi..Tuy nhiên có vài thứ...mà chỉ có đám quân y trong chiến tranh như tụi em mới học được, chứ các bác sĩ dân sự thì không ai dạy đâu..

PHÙNG:

Vậy sao? Ví dụ vài ngón thử coi..

LANH:

Anh Phùng muốn biệt thiệt hả?

PHÙNG:

Thiệt mà..

LANH:

Ví dụ như vầy nghen..( tiến ra sát Phùng) Ví dụ..em chỉ sờ sờ lên mặt anh Phùng..ấn nhẹ một cái là miệng anh méo luôn..Méo suốt đời hà. Để em làm thử cho anh coi nè..

PHÙNG:

Cuống lên , lui ra xa) Ấy đừng..đừng thử..Anh mà méo miệng suốt đời thì còn coi sao được nữa..Thôi, anh phải đi lên viện đây..

Lanh cười ngặt, Phùng lên xe, nổ máy, nhìn Lanh lắc đầu..

LANH:

Bác sĩ Phùng đi thiệt sao? Không ăn bát cháo mở hàng cho Lanh à?

PHÙNG:

Được rồi..Để tối khác, tôi sẽ ăn. Muộn giờ rồi, tôi phải lên bệnh đây..(rú máy chạy)

LANH:

Vẫn cười) Bác sĩ Phùng đi cẩn thận nghe, coi chừng đụng xe đó..

 Xe Phùng đã đi xa. Lanh cười chán, bỗng thấy buồn..cô khẽ thở dài.

9- NGOAI / NỘI: TIẾP TRÊN ĐƯỜNG / TẠI QUÁN CHÁO CỦA LANH.- TIẾP ĐÊM.

Chiếc xe máy chở ba tên bui đời vẫn lao đi trên đường. Bọn thanh niên vẫn đồng thanh hát vang..

Hai Cảnh sát đứng bên đường. Một cảnh sát thồi còi, đưa roi điện ra hiệu dừng..

Chiếc xe vẫn lao qua..Bọn trẻ vừa hát vừa vẫy tay chào cảnh sát..

Cảnh sát huýt còi liên tục...Anh cảnh sát bên cạnh khẽ lắc đầu ngao ngán..

Cắt- chuyển.

Lanh đang lom khom dọn mấy bát đĩa bên ngoài bàn thì chiếc xe máy lao đến phanh kẹt sát cạnh. Lanh giật bắn cả người..

LANH:

Chu cha..Đi đứng cái kiểu gì vậy?

Cả ba tên là: Sún, Phụ và Học cùng hú vang..

LANH:

( Lấy lại bình tĩnh) Nè..đám oắt con, muốn gì đây?

Tên cầm lái, có mái tóc quăn dài dáng nghệ sĩ, tên là Phụ, dang cả hai tay về phía Lanh hát như đang biểu diễn

PHỤ:

Hát) Tỏa sáng dịu dàng...một khúc tình ca đợi chờ..
Thương em, thương em nồi cháo em chờ anh..
Đêm đêm đêm đêm..Nồi cháo em gọi anh gọi anh..

Lanh chẳng nói chẳng rằng, quay lại cầm lên khúc xương to..vừa lúc tên Phụ há to mồm hát..

Ta yêu cao nguyên, cao nguyên đầy gió..

Lanh cắm luôn khúc xương vào mồm Phụ đang há to khiến hắn tắc luôn tiếng...

Hai đứa ngồi sau cùng nhảy xuống, giật miếng xương ra cho Phụ.

PHỤ:

Trời đất ơi, cái bà này, bà muốn ám sát tôi hả?

LANH:

Sao đây?..Chẳng phải chú em vừa hát..Đêm đêm..Bát cháo em chờ anh đó sao?

( hai đứa sau bịt miệng cười)

PHỤ:

Chúng mày cười cái gì..Suýt nữa đại ca chúng mày mất mạng rồi đó..Còn cười được sao?  (Quay lại Lanh, chống tay lên nạnh, trợn mắt) Nè..

LANH:

( Cũng chống tay vào nạnh, quắc mắt) Muốn gì?

PHỤ:

( Bất ngờ cười nịnh) Muốn...ăn cháo.

 Cả bọn cười òa..Lanh quay vào phía trong quầy múc cháo mặt lạnh tanh.

LANH:

Thích gì?..

SÚN:

Thích gì là sao, bà chị?

LANH:

Là tôi hỏi, thích cháo thịt thăn, hay đầu, óc tủy, hay xương ...

PHỤ:

Thịt thăn.

SÚN:

Cho em..óc tủy..

PHỤ:

Ăn gì cái thứ óc ấy mày, trông gớm chết đi được.

SÚN:

Chẳng phải lúc nào đại ca cũng mắng em ngu đó sao..Cho nên em phải tăng cường ăn óc..Ăn óc bổ óc mà..Đúng không bà chị?

LANH:

Chính xác..Còn cậu kia..

HỌC:

Chị cho em..xương có nhiều thịt hầm nục..

PHỤ:

Trời đất..Thịt thà ngon vậy không ăn..cứ thích gặm xương..

HỌC:

Thì em thích vậy mà..Chẳng phải đại ca nói đêm nay cho chúng mày thích gì được nấy sao?

PHỤ:

Được rồi..thích thì chiều. Cho mày hóc xương chết luôn.

LANH:

Nè...cậu là đại ca mà đi rủa đàn em vậy hả?

PHỤ:

Tôi rủa thì đã sao? Cái bà này đúng là lắm chuyện..

LANH:

( Đặt chiếc muổng xuống bàn nghe " cạch" một tiếng, tay cầm một khúc xương to lên, nhìn Phụ) Sao đây? Thích khúc xương này không?

PHỤ:

Ấy đừng..Tôi nói là không thích xương mà..

Hai đứa kia lại cười..Ba bát cháo múc ra..Lanh trực tiếp bê đến từng đứa

LANH:

Cháo đây..Xin mới các thượng đế ..

 Cả bọn lấm lét né người tránh Lanh rồi cúi đầu húp cháo..Có vẻ đói, bọn chúng ăn rất tục

Nhìn chúng ăn Lanh thấy tội nghiệp..Chị ngồi xuống cạnh tên Sún

LANH:

Đói lắm hả? Ăn từ từ thôi..Cẩn thận không thì hóc thật đó..

PHỤ:

( Chõ mồm qua nói) Cái gì? Ăn óc mà cũng hóc sao?

LANH:

Óc tai gì của chị...hễ ăn tục đều có thể bị hóc hết..

PHỤ:

Vậy hả? Vậy...cái ấy..ăn có hóc không?

LANH:

Cái ấy là cái gì vậy em?

PHỤ:

( Ỡm ờ) Thì là cái..ấy đó..

LANH:

Xán tới sát mặt Phụ, giả vờ lẳng lơ..) Có muốn thử không?

PHỤ:

Thiệt chơi..

LANH:

Thiệt..( ưỡn ngực ra sát mặt Phụ..)

Phụ nghếch mũi lên di sát vào ngực Lanh. Bất ngờ Lanh túm lấy mớ tóc dài của Phụ kéo ngửa ra phía sau..

PHỤ:

( Kêu lên) Ái..ái..đau quá..

Lanh lập tức cắm vào mồm hắn một khúc xương..Phụ cố ngắc đầu..Sụn và Học ngửa cổ cười..

Bất ngờ, Học sặc, hắn vội đè lấy cổ..khạc khạc..cuống cuồng..Cả bọn thất kinh..

SỤN:

Thằng Học hóc xương thiệt rồi..

PHỤ:

Chết cha mày chưa..Tao đã bảo rồi mà..Làm sao đây..

Học ú ớ..cố khạc..

LANH:

Hét to) Bình tĩnh. Giữ chặt cậu ấy, cố chờ chị một chút..

Lanh chạy vội vào trong cầm ra mấy rễ cây..Chị lấy sống dao dập dập lên bàn rồi cho vào bát, rót nước khuấy lấy nước.

LANH:

Nè, đè ngửa cậu ấy ra giúp chị, mau lên..

Phụ và Sún đè ngửa Học ra...Lanh đổ nước vào..Học nhăn mặt chực ọe..Lanh sờ tay lên vùng ngực của Học bất ngờ bấm mạnh một huyệt đạo. Học chồm người hộc ra một tiếng. Cả mảnh xương bắn ra..

LANH:

( Cầm mảnh xương lên, lắc đầu) Chu cha..Cả mảnh xương to như vầy mà cũng nuốt được. Khâm phục..

Ba tên bui đời nhìn nhau..

LANH:

Sao vậy? Tiếp tục ăn đi chớ..

( Bất ngờ cả ba quỳ sụp xuống vái lạy..)

LANH:

Chúng mày diễn cái tuồng gì vậy?

PHỤ:

Chị Hai..Chúng em đội ơn chị Hai..

HỌC:

Ơn cứu mạng của chị Hai, em xin ghi tạc suốt đời..

SÚN:

Từ nay bọn em xin làm tôi tớ cho chị Hai..

PHỤ:

Đúng..Từ này, bất cứ công chuyện gì của chị Hai là công chuyện tụi này..

CẢ BỌN ĐỒNG THANH:

Xin chị Hai sai khiến!

Lanh chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán...



Hết tập 7.

 Đăng ngày 03/09/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan