Thursday, October 15, 2015

.KHỔ THÂN RỒI NHỒNG ƠI

Tác giả: Lê Nguyên Hồng


         
Vua cha nói với Hoàng tử:
          -Làm Vua cũng giống như bị quản thúc vậy, không phải được tự do như thường dân đâu. Nhưng làm Vua là độc đoán chuyên quyền, dễ bị thần dân oán thán. Phải cảnh giác những nịnh thần quân sư quạt mo, mầm họa từ đó mà ra. Con phải lấy cái vui của muôn dân làm cái vui của mình. Không được áp đặt sự thích của mình bắt thiên hạ tuân theo. Như vậy mới là ông vua tốt, được trăm họ tin yêu, lưu danh sử sách...

      
    Sau khi vua cha băng hà, Hoàng tử kế ngôi. Nhớ lời cha dạy, Hoàng tử dành nhiều thời gian để vi hành, thâm nhập cuộc sống, tìm hiểu mọi chuyện vui buồn trong nhân gian. Ai cũng khen ngợi Vua con giống Vua cha, hiểu được hoàn cảnh của muôn dân, trị vì đất nước tránh được nhiều sai lầm.Vua con cũng rất thích nghe tiếng hót của các loài chim. Vì tiếng chim hót làm cho lòng thanh thản, tâm hồn say đắm với thiên nhiên thơ mộng. Lúc Vua cha còn sống, vườn thượng uyển có đủ các loại chim được quần thần đem về nuôi, tiếng hót của chúng cất lên như dàn hợp xướng muôn điệu của đất trời, nghe thật sảng khoái. Chim từ khắp nơi gọi nhau về làm tổ, tiếng hót của chúng làm bừng sáng cả một góc trời. Quần thần hay người dân đều được nhà vua cho đến thăm quan vườn thượng uyển. Vua bảo: Vườn thưởng uyển cũng từ mồ hôi, nước mắt của muôn dân mà có.Nhờ tiếng chim ấy mà giữa vua và dân không còn khoảng cách. Có những dân nghèo dâng tặng vua con chào mào hay con sáo, Vua đều nhận và ban thưởng. Vua tôi sao mà gần gủi, thân thiết!
 Vua qua đời,Hoàng hậu buồn, nhớ nên thường xuyên lui tới vườn thượng uyển để tìm lại hình bóng người chồng yêu dấu. Trước đây, Hoàng hậu rất thích ngắm nhà vua những khi tiếng chim cất lên, trông gương mặt nhà Vua rạng rỡ như một thiên thần. Hoàng hậu ngày một yếu, trở nên khó tính, thích yên tĩnh. Tiếng chim hót làm cho Người thấy đau đầu, mỏi mệt. Có người thân cận Hoàng hậu bảo thị vệ xua đuổi tất cả các loài chim đi, chỉ giữ lại mấy con khướu hót lảnh lót để làm vui tai Hoàng hậu. Thế là từ hôm đó, chim sẻ, chào mào, cà cưỡng, bò chao, chiền chiện, cu gáy, sáo sậu... biến khỏi vườn thượng uyển, chỉ còn độc quyền chim khướu. Hoàng hậu bảo rằng:
- Các loại chim đi hết rồi à, chỉ còn lại khướu thôi hả? Vậy thì nuôi thật nhiều khướu cũng được. Tiếng khướu cũng rất hay!
Lời của Hoàng hậu là ý chỉ tối thượng được ban ra. Hình như trong thâm tâm, Hoàng hậu vẫn nhớ tiếng các loài chim?
Vậy là chim khướu từ khắp nơi được  mang đến dâng lên Hoàng hậu. Ai đến vườn thượng uyển cũng nghe mãi giọng hót của khướu, trong lòng không thích nhưng không dám mở lời với Hoàng hậu.
Các loài chim bị đuổi khỏi vườn thượng uyển, kéo nhau đến tụ hội ở rừng rú ở xa, đồi rậm, nhập thành đàn, thành nhóm đông vui trên những bờ cây, cánh đồng và cứ vô tư với tiếng hót vốn có của mình vào ban mai ửng hồng và những chiều hoàng hôn tím biếc. Tiếng hót của chúng làm mọi vùng quê thêm rộn ràng, sôi động. Trong nhiều gia đình, từ thôn quê đến thị thành đã nuôi đủ các loại chim, mỗi sáng thức dậy nghe chúng hót thật vui tai, nhẹ nhõm trong lòng. Ở đâu có tiếng chim thánh thót, ở đó có sự sống bình yên, thanh thản.
Một hôm, có sứ thần ở nước lân cận biết Hoàng hậu thích nghe tiếng chim hót nên biếu một con Nhồng biết nói cả tiếng người và bắt chước tiếng hót các loài chim. Đây là giống chim quý mà nhiều người mơ ước. Thế là vị cận thần trông coi vườn thượng uyển vừa tập cho Nhồng nói tiếng người vừa tập cho Nhồng hót theo giọng của loài khướu để lấy lòng Hoàng hậu. Cứ mỗi lần đến vườn thượng uyển, Hoàng hậu được nghe tiếng Nhồng đã lập trình sẵn:
-Hoàng hậu nương nương trường thọ vô cực. Hoàng hậu đệ nhất phu nhân...
Sau lời chúc mừng Hoàng hậu là tiếng Nhồng đuổi các loài chim:
- Một lũ khốn kiếp! Cút đi cho khuất mắt ta!
Hoàng hậu bật cười. Còn tên cận thần thì khen Nhồng: " Giỏi Lắm!".  Sau lời khen ấy, Nhồng bắt đầu hót những tràng giọng khướu. Ai cũng ngỡ đó là tiếng khướu thật. Thế là loài khướu lên ngôi. Tại nhà các cận thần cũng loại bỏ các loại chim, chỉ sưu tầm khướu về nuôi để lấy lòng Hoàng hậu. Thú thực, giai đoạn này Hoàng hậu có đoái hoài gì đến tiếng chim nữa đâu. Giống chim khướu trở nên đắt không tưởng nổi.Từ đó, vườn thượng uyển chỉ có rặt một loài khướu làm chủ, không có loài chim nào chen vô lọt. Riêng Nhồng vì bắt chước giỏi nên cũng tồn tại với khướu. Các loài chim khác lùi xa chốn cung đình, trở về bạn với thiên nhiên gần gủi với cuộc sống tự do vốn có của chúng.
Sau khi Hoàng hậu qua đời, Vua con buồn vô hạn. Vua không còn thích thú đến vườn thượng uyển như ngày Vua cha còn sống. Thỉnh thoảng muốn thư giản, nhà Vua cùng đám tùy tùng đi săn bắn ở những vùng rừng núi xa xôi để tâm hồn thư thái. Ở những nơi đó, Vua được nghe tiếng muông thú, nhất là tiếng chim hót như bản nhạc đất trời rót vào tai, thoải mái vô cùng.
 Cứ mỗi ngày duyệt tấu chương hay sau những buổi thiết triều, trông nhà Vua rất mệt mỏi, căng thẳng. Cận thần rất thương. Có một cận thần rỉ tai  nhà Vua:
-Mời Bệ hạ đến vườn thượng uyển thưởng ngoạn cho vơi bớt mệt nhọc ...
Lúc này nhà Vua chợt nhớ rằng: ở đó có nhiều tiếng chim hót rất hay. Nghĩ đến vườn thượng uyển, lòng Vua phấn chấn, rạo rực ...
Vua cùng đám tùy tùng  dạo bước đến vườn thượng uyển. Một khu vườn rộng lớn đẹp như tranh. Hoa đua nở, khoe sắc muôn màu. Hai bên lối vào là hai hồ nước trong xanh, nhìn rõ từng viên đá cuội óng ánh muôn màu sắc tận đáy. Đàn cá cảnh đủ các loại hình thù tung tăng uốn lượn chào đón khách. Những cung nữ đẹp thướt tha như những nàng tiên đang chăm sóc hoa, tươi cười nghiêng mình chào mừng Bệ hạ. Khi nhà Vua đi ngang một cây vạn tuế, bỗng có một giọng nói cất lên the thé:
-Một lũ khốn kiếp, Cút đi cho khuất mắt ta!
Vua khựng lại. Kẻ nào to gan thế? Hình như tiếng một bà lão. Nhà Vua nhìn vào nơi có tiếng nói phát ra, không thấy bóng người. Tiếng nói lại cất lên:
-Hoàng hậu nương nương trường thọ vô cực. Hoàng hậu đệ nhất phu nhân!
A, tiếng một con chim lạ phát ra từ một chiếc lồng son treo khuất ở bên nhành cây Lộc vừng đầy những chuỗi hoa .Tiếp theo tiếng của chim lạ là tiếng hót râm ran của đàn khướu từ những chiếc lồng son bóng bẩy. Không có tiếng chim nào khác lẫn vào. Nhà Vua thấy lạ. Các loài chim đâu hết cả rồi?
Tên bảo vệ vườn thượng uyển run rẫy, quỳ lạy trước mặt Vua:
-Muôn tâu Thánh thượng. Đó là tiếng con chim Nhồng ạ. Đây là giống chim quý từ nước ngoài du nhập, nói được tiếng người...
Vừa lúc ấy,tiếng con Nhồng lại cất giọng to hơn. Hình như thấy đông người nên nó càng gân cổ lên gào để được khen như hồi nào:
-Một lũ khốn kiếp! Cút đi cho khuất mắt ta!
Thật tai hại. Tên coi vườn thượng uyển bẩm:
-Tâu Thánh thượng, đó là giọng con Nhồng đuổi các loài chim ra khỏi vườn thượng uyển đấy ạ.
 Vua hỏi:
-Ai dạy chim thế?
Cứ tưởng Vua thích tiếng nói của Nhồng, tên kia vồ vập như sợ người khác tranh phần:
-Dạ, muôn tâu, hạ thần dạy nó đấy ạ. Công phu lắm, thưa bệ hạ.
Hồi trước, mỗi khi Nhồng đuổi các loài chim ra khỏi vườn thượng uyển bằng những lời như thế, đám hạ thần vỗ tay khoái chí. Hoàng hậu bật cười khi nghe những lời phát ra từ miệng chim. Bây giờ Nhồng lặp lại đúng những lời ấy.
 Thái hậu mất rồi, làm gì còn trường thọ vô cực? Rõ láo toét. Thật hoang đường, vô nghĩa. Một lũ nịnh thần vô tích sự với những lời đường mật như vậy điệp đi điệp lại lấy lòng bề trên chán cả tai diễn ra hàng ngày khắp Hoàng cung. Tiếng con Nhồng làm cho nhà Vua suy nghĩ về nhân tình thế thái. Lời của Vua cha như còn văng vẳng: "Cái đám nịnh thần tham mưu quạt mo..."
 Gương mặt nhà Vua từ hồng hào chuyển sang tái. Vua nhìn tên cận thần đang quỳ mọp trước mặt, giọng rất nghiêm:
-Ngươi mới chỉ là người dạy chim. May mà ngươi không là thầy dạy trẻ. Nếu ngươi là thầy dạy trẻ thì sẽ truyền vào óc các thế hệ bao điều sáo mòn củ rích, lạc hậu do chính ngươi nghĩ ra mà không chịu sửa đổi. Thật tồi tệ. Bây giờ trẫm mới hiểu thêm trong dân gian còn bao chuyện nhiễu nhương do các hạ thần của Trẫm gây nên mà Trẫm không quán xuyến được! Thật tai hại!
Nói xong, Vua giận dữ quát:
-Bây đâu! Đưa hắn ra chém đầu trước Ngọ môn để làm gương cho những kẻ làm điều xằng bậy.
Khủng khiếp quá! Có một cận thần xin Vua miễn tội chết cho tên đó. Vua giải thích:
          -Hắn có thêm tội thứ hai mà các khanh không biết. Đó là tội đầu têu chia rẽ khối đoàn kết của loài chim, suy rộng ra thì mới thấy nguy hiểm vô cùng. Hắn mới là vị quan nhỏ mà bụng đã chứa đầy âm mưu xấu, Chỉ biết nịnh nọt, bản tính không lương thiện, không thể tha! Đúng không các vị quan to của trẫm?
          Lời nhà Vua nhẹ nhàng nhưng chẳng khác nào mũi kim chích vào đầu các vị quan đương triều. Cả đoàn tùy tùng giật mình hoảng hốt, quỳ rạp lạy:
          -Hoàng Thượng thánh minh!
Lệnh Vua tức khắc được thi hành. Lúc này bọn cận thần lo lắng cho số phận con Nhồng. Có tên nghĩ: con chim có tội tình chi? Do người dạy chứ nó biết quái gì? Chắc nhà vua không đếm xỉa đếnviệc này. Mà nhà Vua hình như cũng bỏ qua chuyện con Nhồng. Ai dè, Nhồng ta lại vô tư, dõng dạc khoe giọng:
          -Một lũ khồn kiếp! Cút đi cho khuất mắt ta!
          Ôi, khổ thân rồi Nhồng ơi. Cái miệng làm khổ cái thân! Bọn hạ thần mặt tái mét như tàu lá chuối. Nhà vua cau mày. Vài giây nặng nề trôi qua. Người lập tức hạ lệnh:
          -Bẻ cổ con Nhồng, đem ra bêu trước cổng vườn thượng uyển! Kiếm con khác về nuôi và dạy cho nó biết nói lời hay!
 Nhà Vua truyền khẩu dụ với bá quan:
 -Các người nghe đây! Hãy đưa các loại chim trở lại vườn thượng uyển như trước, cho chúng sinh sôi nảy nở như sống với thiên nhiên vậy. Mỗi loài chim có tiếng hót riêng, không có sự thay thế, bắt chước. Vườn chim của trẫm phải thật phong phú, đa dạng. Con người cũng như muông thú, đều là muôn dân của đất trời. Con người sống theo nhóm, muông thú sống theo loài, phân theo bầy đàn trong sự hòa bình, thân thiện, không phân biệt cao thấp mà dẫm đạp lên nhau, các ngươi hãy nhớ điều đó, nghe chưa...
          Đám hạ thần toát mồ hôi hột, dạ ran.
Nhà Vua quay bước về Hoàng cung, vẻ mặt trầm ngâm, tâm trạng buồn...
         

 Đăng ngày 04/04/2013
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Robowtancokhoai - 10/04/2013

OK! VI CI... VICI!  truyện của Lê Nguyên Hồng hay quá. Đúng là một bậc đại nhân. Tôi là người ở bên kia bán cầu đây. Hình như ngày trước tôi đã nhìn thấy các bạn qua hàng rào điện tử Mac na ma ra.
Nay nghe bạn bè giới thiệu, tôi qua trang xuanduc.vn.  Thấy truyện bạn Le nguyenhong.vn thấm thía quá. Rất muốn được gặp bạn trên đất Việt Nam. 30/4 này, hai ngài Xuân Đức.vn và Nguyên Hồng.vn có về Củ Tòng không?

  Gửi bởi: Lê Nguyên Hồng - 10/04/2013

Cảm ơn bạn đã ghé trang Nhà văn Xuân Đức và xem truyện của minh. Theo như bạn nói thì 30/4 bạn ghé về Củ Tòng? Địa chỉ này có lẽ ở đâu đó mà mình chưa nghe, vì mình cũng lớn lên trong chiến tranh và đi sơ tán thôi. (nếu nói lái theo như bọn mình hay nói với nhau thì cũng hiểu- nhưng có lẽ không đúng ý bạn). Nếu 30/4 bạn ghé đến di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương thì sẽ gặp nhau được. Mặc dù chưa quen biết nhưng rất vui vì bạn đã quan tâm, chia sẻ. Bạn có thể vào: Lenguyenhong.blogtiengviet.net sẽ gặp mình ở đó.Thân mến!
  Gửi bởi: Robowtancokhoa - 10/04/2013

Ô! xin lỗi! xin lỗi! Củ Tòng là một địa danh ở Vinh Lĩnh Mình viết nhầm Cưa tùng có đúng khong?
  Gửi bởi: LÊ NGUYÊN HỒNG - 11/04/2013

A! Đúng rồi. Cửa Tùng mà mình suy luận không ra. Ngày Trước, Vua Duy Tân đã gọi bãi tắm Cửa Tùng là Nữ Hoàng các bãi tắm ở miền Trung. Rất hân hạnh được đón bạn đến Cửa Tùng trong dịp 30/4 nhé. Chúc bạn khỏe. Thân mến!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan