Thursday, October 8, 2015

Không thấy ai trở về




Tác giả: Trần Hoài


Bút ký
(Gửi Trần Thanh Hà, tác giả truyện ngắn "Nơi ấy ngày xưa là rừng")                                   
 Dạo này thường  hay mất ngủ, có nhiều đêm thức trắng, tôi không biết vì sao. Gần sáng nghe tiếng gà gáy, tôi thở dài nhẹ nhõm: thế là sắp qua rồi một đêm! Cũng đã thử dùng Sê-đu-xen nhưng trong tủ thuốc toàn những viên đã quá hạn dùng, không hiệu quả. Chỉ thiêm thiếp được một lúc rồi thức trắng vẫn hoàn thức trắng. Mua thuốc mới tôi lại sợ, lỡ mình nghiện mất rồi thì làm sao được? Thành ra người cứ gầy rộc đi hốc hác. Bạn bè nói vậy...

 Tôi đọc truyện "Nơi ấy ngày xưa là rừng" của Trần Thanh Hà, thấy cái Thời gian sao nghiệt ngã, và lặng lẽ âm thầm. Nó như sợi chỉ vô hình xuyên suốt, lại có khi nó quẩn quanh, vây bủa, giăng giăng... bởi vì thường là nó dài hơn hoặc ngắn hơn người ta tưởng. Tôi thấy mình bước đi trên sợi chỉ ấy mà không điểm tựa, hay là đang bay? Rồi có khi trên sợi chỉ vô hình ấy tôi lại gặp những dấu chân mình vừa quen vừa lạ. Tôi sợ phải dẫm lên những dấu chân của chính mình nên cứ tránh, cứ tránh... Thế là lạc hoài, lạc mãi trong cái không - thời gian huyền hoặc và im ắng ấy. Có khi lạc đến bên cây đa thật to ở Rú Lịnh, tôi thành thằng cuội nói dối; lạc đến cây chò chỉ ngoài Cồn Cỏ, tôi trở thành người gác biển; lạc đến bến sông, tôi thành ông lái đò chở khách ngày ngày...
Rồi cũng có khi tôi chẳng biết mình là ai nữa, thấy mình vô hình như thời gian ma mị và trong suốt...
Những vĩ Sê - đu - xen đã quá hạn nằm lăn lóc trên giường. Từng viên... từng viên... xếp hàng ngay ngắn như đội ngũ chỉnh tề. Tôi thấy có nhiều người dùng Seduxen không phải vì mất ngủ mà để quên đi một điều gì đó, hoặc là chạy trốn một điều gì đó. Như thế thì còn gì là người chân chính. Bởi người chân chính thì không được hèn nhát. Những thế kỷ trước nhất là thời trung cổ đàn ông dũng cảm và bạo liệt, trái tim là sắt thép...
Thế kỷ XX này nhiều tiền bạc và máy móc, chiến tranh chỉ diễn ra trên những bàn nút bấm, những người lính ít khi được nhìn thẳng vào mắt kẻ thù, thế nên trái tim họ đã mềm đi, như lá mùng tơi, và rách tơi tả?...
Ở Rú Lịnh tôi thấy có một giậu mồng tơi! Cái giậu mồng tơi này hình như của ai đó trồng từ thời chiến tranh còn sót lại bên một cây gỗ đã già. Hết chiến tranh người ta ra khỏi rừng để sống với biển, với mặt trời, riêng cái giậu mồng tơi thì ở lại. Canh lá mùng tơi nghe nói rất ngon, ăn vào là ngủ rất say. Lá mùng tơi nguyên lành. Tôi hái một chiếc nhấm nháp, thấy cái vị đất đỏ ba zan thơm nồng quyến rũ, lại thấy cái vị thời gian mằn mặn trên môi. Thời gian là con qủy dữ cắn nát những tuổi xanh, và nó tàn phá lòng ta không kém gì đạn bom tàn phá những cánh rừng. Nó khuynh đảo không gian sống, vì Anh-stanh đã nói thời gian trôi chảy khác nhau trong những hệ quy chiếu khác nhau. Nó đục khoét và làm vỡ niềm tin...
Và bởi vì thế nên và Thoan trong "Nơi ấy ngày xưa là rừng" sau năm chục năm kỳ vọng ngày mình được giải thoát đến khi ông chồng độc ác cay nghiệt đã chết, bà đã có tự do, lại không biết làm gì, cứ ngồi trên bậc cửa để thỏa mãn nỗi trống trải của chính mình. Bà ngồi đếm lại những nỗi đau và những niềm kiêu hãnh bà đã trải, trong đời?...
Bà Thoan quay trở về nơi ấy ngày xưa là rừng, từng khuất lấp, giam cầm tình yêu và mơ ước của bà thuở cô Mơ, o Thoan, ả Thoan... Một chuyến đò thôi, bà không dám bước lên, như bước lên một sợi chỉ thời gian khác, cho dù nó vô hình, xuyên suốt, giăng giăng.
Thời gian cũng giống như rừng, ngút ngàn, sâu thẳm. Và từ trong cõi Rừng - Thời gian bí ẩn mông lung đó, tôi thấy có giậu mùng tơi. Không phải cái giậu mùng tơi của Nguyễn Bính đâu. Cái giậu mùng tơi của ai đó trồng từ thuở chiến tranh, giờ gốc nó rất to, xù xì, già cỗi. Thế mà lá vẫn cứ non xanh, nguyên lành...
Một khu rừng nữa có rất nhiều cây cối sum suê. Khu rừng ta đang sống. Bà Thoan là cái cây xấu hổ, hoa hồng nhạt và gai rất sắc. Tôi nghe chị Trần Thanh Hà kể rằng ngày xưa bà rất đẹp, sau này có chồng con rồi cũng thế. Bà ấy lại dám vượt qua, nhưng không được số phận bằng những niềm kiêu hãnh chân chính, thơ ngây, tốt bụng của mình. Và hãy nhìn cây xấu hổ mà xem, cho dù bị rũ xuống héo tàn nhưng đài hoa vẫn ngẩng cao. Cái màu hoa hồng nhạt ấy cứ tỏa sáng trong chiều mà không gì khỏa lấp được.
Dạo này tôi thấy mình ít buồn, ít vui. Có khi bâng quơ lại muốn làm một điều dại dột nào đấy, để được khổ đau hoặc là hạnh phúc. Thế mà không dám...
Tôi ra ngồi trên bãi biển, thấy chi chít những dấu chân người. Những dấu chân to, những dấu chân nhỏ quay ra bắc, quay vào nam, hướng lên rừng, xuống biển. Những dấu chân cứ chồng lên nhau xoắn xuýt và hy vọng. Không thấy ai trở về... những dấu chân cứ ám ảnh tôi bằng vẻ trần trụi, hiền lành của chúnh. Có lẽ vì thế mà mất ngủ chăng? Biết vậy mẹ tôi bữa nào cũng nấu canh mùng tơi với hoa thiên lý, bảo tôi đừng hút thuốc nữa... Thế mà tôi không nghe, cái gạt tàn ngày nào cũng đầy ăm ắp. Thà là như thế còn hơn là làm một điều dại dột nào khác...
Bà Thoan qua sông rồi chị Trần Thanh Hà à. Chính ông lái đò ngày xưa ấy chở bà qua sông. Hôm đó biển động, sóng rất to còn dòng sông cuồn cuộn chảy. Tôi thấy chuyến đò ấy chỉ mình bà là hành khách duy nhất. Không như tôi, bà ấy dám dẫm lên những dấu chân mình đã in hình trên cát ngày xưa, như để tìm lại những gì chưa mất.
Tôi hỏi bà khi mang giúp cái tay nải nặng từ trên bờ dốc rất cao xuống bến đò:
- Bác có phải là bác Thoan không?
- Tui tên Mơ, chú là... - bà run run trả lời.
- Sao hôm trước cháu thấy bác sắp qua sông rồi quay lại?
- Tui quên đứa con, chú à... Đứa con tui bỏ trong ni nì...
Bà chỉ vào cái tay nải trên vai tôi. Trong đôi mắt mờ đục của bà, tôi thấy có rất nhiều nước mắt...
Tôi đứng nhìn theo dáng lưng còng của bà nhạt dần trên đồi cát làng Cát Sơn. Bà như đang đi trên sợi chỉ thời gian vô hình mà nhiều bất trắc.
Bởi nơi ấy ngày xưa là rừng giờ đây vẫn là rừng, dẫu không còn nguyên sinh, con người ta bao giờ cũng ra đi từ nơi đó, mà ít khi thấy ai trở về...
Cửa Tùng 20.6.1998
 T.H


 Đăng ngày 20/08/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan