Wednesday, October 14, 2015

Ký ức Côn Đảo

Tác giả: Ký của : Lưu Quốc Hoà




Cha tôi, Lưu Quốc Ấn là Nhà hoạt động cách mạng lão thành, lớp Đảng viên CS đầu tiên của Đảng CS Đông Dương năm 1930, bị thực dân Pháp bắt giam tháng 4/1931 tại Bến Củi Nam Định

cùng một số Đảng viên CS. Tháng 4 năm 1932 sau một thời gian cầm tù ở Hoả Lò Hà Nội rồi chuyển tiếp vào khám Chí Hoà Sài Gòn sau đó lên tàu đày ra Côn Đảo và qua bốn năm lưu đày nơi địa ngục trần gian, đến tháng 6/1936 được trả tự do về đất liền sau thắng lợi của phong trào Mặt trận Bình dân Pháp. Là người cộng sản kiên trung mà sau này các vị nguyên thủ quốc gia như Bác Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ) và rất nhiều các vị thứ, bộ trưởng, các bạn tù chứng thực về khí tiết CS, được Lịch sử Đảng bộ Hà Nam (tập 1) ghi lại rất trân trọng

Năm tôi học lớp Ba, mỗi tối Người đem một cuốn vở có dòng kẻ nhờ tôi ghi hồi ký Côn Đảo, ghi để mà nhớ chứ cha tôi không ý định công bố bởi tôi biết trong lời kể rất trung thực ấy có cả những điều được coi là "thâm cung bí sử" về đồng chí mình. Thường thì những chi tiết ghi lại không ngày tháng, chỉ nhớ mùa. Sau một thời gian hoàn thành, cha tôi lấy hai đốt bương già cưa tạo cho hai đầu khít lại với nhau, cha tôi gọi đùa là "ống quyển". Đấy là cách bảo quản tài liệu tốt nhất, tránh nắng mưa lụt bão mà Người tự nghĩ ra
-----------
Trong trí não thơ bé, tôi chỉ biết vâng lời cha mà làm chứ chưa hiểu phần nội tâm sâu kín. Thường sau mỗi lần ghi chép cha vẫn thưởng cho tôi một vài cái kẹo bột hay chiếc bút chì có hai đầu xanh đỏ...Cái ống quyển Cha giao giờ là bảo bối của tôi.
Rồi lớn lên, tôi mê mẩn với "Bất khuất" của Nguyễn Đức Thuận và "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán...Côn Đảo trong tôi là lời kể của cha và những tác phẩm văn học.

Mong ước được ra Côn Đảo của tôi đã thành hiện thực khi tham gia đoàn sáng tác lần này vào Nhà sáng tác Bãi Sau TP Vũng Tàu.
Con tàu 09 của Huyện Đảo Côn Đảo với sức chứa 328 người đỗ tại cảng cá Vũng Tàu đón chúng tôi. Trời xám ngoét với những tảng mây mọng nước trút xuống làm nhập nhoà giữa biển và trời. Sóng khá to và gió nổi trên cấp 6 nên tàu khởi hành muộn hơn nửa giờ. Chúng tôi rời cảng khi thành phố biển vừa lên đèn.
 Tối ấy trên tàu, đoàn Hà Nam chỉ có 7 người. Chúng tôi ăn tối sau đó ca hát đến gần nửa đêm. Trong sóng gió mù khơi, những làn điệu Dân ca Hà Nam được tiếng đàn tì bà của Nhạc sỹ, Nghệ sĩ chèo Phạm Trọng Lực và tiếng sáo trúc của tôi tiếp sức lan toả khắp con tàu, nhiều người kéo đến hưởng ứng hát theo và cổ vũ. Chúng tôi đem tiếng hát dân ca Hà Nam vượt trên 2000 km vào Vũng Tàu rồi mang ra giữa biển Đông mà toả lan trên dặm dài 97 hải lý. Hà Nam xa mà gần lắm...
Mọi người thấm mệt và đi nằm. Tôi thì không sao cưỡng lại nổi mình, trèo lên boong khi mưa vừa tạnh để ngắm biển. Lúc này khuya lắm rồi, chợt nhớ nhà rút điện thoại gọi về nhưng không có sóng. Tôi bần thần nhìn chữ "không có dịch vụ" trên màn hình và biết mình đang giữa biển, cách rất xa đất liền. Một thoáng cô đơn giữa biển, tôi thấy mọi vật đều mỏng mảnh, nhỏ nhoi và bất an trước thiên nhiên hùng vĩ. Con tàu trong cảng nhìn như một toà nhà cao tầng thế mà trên biển nó chỉ như cái lá tre và ngoi ngóp, lầm lũi đi trong đêm. Mà không phải cái lá tre, con tàu như chú nhện nước lặc lè ôm bụng trứng, nhớn nhác bơi tìm chỗ đẻ. Nếu không có mấy tàu cùng đi phía xa xa lom dom ánh đèn, có lẽ không xác định đâu là trời, đâu là biển. Đêm nay biển động, những vì sao và ánh trăng thượng huyền trốn trong mây nên biển đen ngòm.
Một toán lính trẻ ào lên boong với tôi. Họ còn trẻ lắm, có lẽ không bằng con út tôi nhưng gọi tôi bằng anh rất tự nhiên, các em vừa qua huấn luyên tân binh ra giữ đảo thay thế đồng đội về đất liền. Chúng tôi quây lấy nhau, hai cây ghi ta, một cây sáo của tôi làm biển đêm ấm lại...Lính thời nay sướng thật, các em mang theo Lap tốp kết nối Dcom3G, mang theo sách vở tự học tiếng Anh và mang theo cả ước mơ giảng đường Đại học sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Đi cùng tôi  có Thượng uý Nguyễn Viết Cường 38 tuổi quê Ninh Bình vừa trả phép. Cường khoe là đã có vợ và hai con ngoài đảo, rồi lại có thêm 2 chàng nước da như đồng hun làm nghề chài lưới ngoài đảo, cô vợ rất trẻ và xinh đem theo đứa con gái nhỏ, làn da hồng mọng như búp bê...Chúng tôi hát và hát. Cuộc đời nhân hậu, tươi đẹp và đáng yêu thật. Tôi thấy những lo toan mưu sinh của mình thật tủn mủn, tôi thấy những cuộc cãi cọ, vạch mặt, đấu khẩu với mấy tên "Ma làng" ăn chặn của dân thật nhàm tẻ... Trần gian này bụi bặm và khổ ải quá, có đi mới biết mình là một loại phù sinh ở trọ chốn trần gian, chốn ấy, ngoài những người có trách nhiệm và lương tâm vẫn có nhiều kẻ lưu manh luôn nghĩ kế trốn tránh nghĩa vụ phải trả cho gầm trời mình đang cư ngụ.
Tảng sáng tàu cập bến Đầm vào đảo, tôi và  mấy chàng lính trẻ bịn dịn chia tay nhau . Trên đường lên boong bất ngờ tôi nhặt được chiêc ví, ngó qua thấy đầy giấy má tuỳ thân của một cán bộ Cứu hộ Sài Gòn. Tôi lộn lại hầm chỉ huy bật  bộ đàm, gọi người mất ví theo chứng minh thư đọc được, tên anh ta là Nguyễn Phi Hùng. Tôi không thể quên hình ảnh người được trả lại chiếc ví cảm động đến tột độ vì bao nhiêu thứ gấy má quan trọng vẫn còn. Cả nhà họ ào đến vây lấy tôi. Tôi chụp ảnh chung với họ và cùng vào khu trung tâm Côn Đảo...
Mỗi khu du lịch có một đặc sản nhưng không đâu lại có một đặc sản kì quái, cổ quái, gớm giếc như Côn Đảo, đó là đặc sản...nhà tù.
-----------
Nhắc đến Côn Đảo trong chúng ta ai cũng nghĩ đến nhà tù. Côn Đảo đã hình thành trong lòng cả dân tộc nỗi ám ảnh về địa ngục trần gian, về sự dã man vượt cả thời Trung cổ, sự phi nhân tính còn cao hơn mãnh thú. Còn nhớ ngày ngồi trên ghế nhà trường, có khi tôi không dám đọc hết một đoạn tả cảnh tra tấn tù nhân: lộn mề gà, rút móng tay, đóng đinh vào ngón tay, đi "tàu ngầm" hay "sưởi đèn", "tắm nắng"...Tôi cũng tự hỏi: Sao người với người có thể tàn ác với nhau đến thế. Loài vật tàn ác với nhau để sinh tồn, nó công khai, minh bạch nhưng cảnh dã man ở chốn Côn Đảo này nó nhuốm màu ...Mà cũng chẳng biết nó "nhuốm" màu gì khi những thủ đoạn tinh vi, lắt léo, tàn độc, bì ổi cứ diễn ra nhẩn nha như một khoái cảm của chúa ngục, cai ngục với tù nhân để cái chết diễn ra dần mòn, quằn quại, thảm thương...Yêu thương thay là con người và căm giận thay cũng là con người, hai thái cực thiện, ác đối nhau như nước và lửa
.------------
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là dinh thự Chúa đảo.

Với kiến trúc kiểu Pháp, dinh chúa đảo có hai mái và hiên tứ diện vẫn còn nguyên vẹn qua 53 đời Chúa Đảo tồn tại 113 năm ( 1862 - 1975). Nơi đây nhìn ra biển, đối diện Cầu Tàu 914, là nơi tù nhân nhận được "đón tiếp" bằng những đòn phủ đầu rất ...Côn Đảo để ai nhụt chí sẽ gục ngã ngay sau những đòn cân não. Đây cũng là nơi thiết kế ra 3 nghĩa địa: Bãi Sọ Người, Hàng Keo, Hàng Dương. Tại nghiã trang Hàng Dương có 3 khu với 1919 nấm mộ phơi phong gió cát nằm rải rác thì chỉ có 718 ngôi mộ là có tên còn tất cả là vô danh. Dưới nền cát bỏng đó là những bộ xương người chết vì đói khát, bệnh tật, đòn roi và bị hành quyết tại nghĩa địa Hàng Dương, phần lớn là chính trị phạm Cộng Sản. Có thể gọi Dinh chúa đảo hôm nay là một chứng tích có giá trị tố cáo tội ác, là thư viện lớn về Côn Đảo với hình ảnh tư liệu của Pháp, ta lưu giữ được ghi đầy đủ phiên hiệu tù, ngày, giờ hành hình tại pháp trường.
Mở đầu là nghĩa địa có tên khủng khiếp là Bãi Sọ Người nằm phía Nam đảo. Nơi đây vào năm đầu thành lập nhà tù (1862) đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của tù nhân nổi dậy đốt nhà tù và tự giải thoát nhưng không thành vì tù nhân không tìm ra phương tiện về đất liền. Chúa đảo người Pháp đã càn quét truy đuổi và bắn chết trên 100 người và bắt sống 20 người. Cuộc thảm sát ấy diễn ra 13 ngày với kết quả trên 100 thây người bị chặt đầu. Chúa ngục bắt 20 người còn sống đào một cái huyệt to và vùi tập thể tù nhân đã chết sau đó chôn sống luôn 20 người. Bãi Sọ Người là thế, cái nghĩa đầu tiên là thế
.Cạnh bãi Sọ người rùng rợn ấy mọc lên 2 chuồng bò khá to, một chuồng về phía Tây đã tốc mái vì trận bão năm 1997 còn trơ phần tường. Đây là nơi cai ngục bắt tù nuôi bò để phục vụ cho bộ máy cai trị trên đảo. Nước rửa chuồng và phân bò theo 2 cống ngầm dẫn đến hầm Phân Bò, hầm này có 2 ngăn mỗi ngăn khoảng 2 m2 âm xuống lòng đất 3 mét. Mãi đến ngày giải phóng miền Nam những người tù mới phát hiện ra đây là nơi vừa thủ tiêu, vừa tra tấn tù nhân. Chúng nhốt người xuống hầm với tư thế đứng và khi phát hiện ra còn cứu được 2 tù nhân đã gần tắt thở nhưng mang về đất liền không cứu nổi vì nửa người bị hoại tử.
Rồi cầu tàu 914, chiếc cầu tàu nhô ra biển khoảng 200m thế mà đã vùi xác 914 tù nhân khi vác đá về ném xuống biển xây cầu. Cây cầu vừa bằng đá, vừa bằng thây người nằm nhô ra biển thi gan cùng sóng gió, bão giông.
Tại Côn Đảo tôi còn được chứng kiến cầu Ma Thiên Lãnh. Nơi đây rừng thiêng nước độc chúng bắt tù xây 2 mố cầu qua suối. Mười lăm năm năm (1930- 1945) đã vùi xác 328 thây tù.
 Khu A nghĩa địa Hàng Dương có phần mộ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và cố Tổng bí thư Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong được tôn tạo trang nghiêm.
Khu B có mộ chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ bị dẫn ra đảo trước một ngày rồi xử bắn ở nghĩa trang Hàng Dương.
Trước khi ra pháp trường, tại dinh Chúa đảo, một Linh mục bắt chị quỳ xuống rửa tội, chị không chấp nhận mà nói rằng: "Chính người ra lệnh xử bắn tôi hôm nay có tội". Cả đảo hô khẩu hiệu và hát vang bài Tiến quân ca tiễn chị ra pháp trường. Chị đi giữa 2 hàng linh và thanh thản nhìn trời, hái hoa rừng gài lên tóc và hát. Trước khi sử bắn chị yêu cầu không bịt mắt vả không trói tay để tự do nhìn bầu trời tổ quốc lần cuối. Trươc hàng lính với 7 họng súng, người con gái 19 tuổi đời cất cao tiếng hát cho đến khi lệnh xử bắn được hô, chị thét vang khẩu hiệu đả đảo đế quốc. Bảy họng súng cùng nhả đạn nhưng đều trượt chỉ có 1 viên sạt qua bả vai. Tên chỉ huy trường bắn tiến lại kề súng vào mang tai bóp cò chị mới ngã xuống. Bia mộ chị bao lần bị cai ngục ra lệnh đập phá nhưng hôm trước đập, hôm sau lại mọc lên như phép mầu thần linh khiến kẻ thù khiếp sợ. Chính vợ chồng một chúa đảo thời Mỹ Nguỵ đã làm bia và đặt lén trong đêm.
 Rồi khám 6, rồi chuồng cọp tàn ác nhất hành tinh theo kiểu Mỹ....Tôi đứng lặng trước bao chứng tích đau thương mà nước mắt nhoè ống kính máy ảnh, máy quay...Hỏi nơi đâu trên trái đất này kinh hoàng đến thế...
113 NĂM ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN CÔN ĐẢO
Hơn một ngày đi thăm các nhà tù cũng chỉ là một chút nhỏ tư liệu mà tôi thu lượm được. Dưới tượng đài cao 22m lối vào Nghiã trang Hàng Dương chúng tôi đã thắp nhang và đặt vòng hoa, đây vừa là tượng đài, vừa là nấm mộ chung ghi công và tưởng nhớ những người đã vì nước mà gửi lại thân mình ngoài Côn Đảo.
Tôi không thể quên hình ảnh lúc 1 giờ sáng ngày 7/11, tôi cùng cả đoàn đến bên mộ chị Sáu dưới trăng nhờn nhợt đầu tháng. Tôi và bao nhiêu con người đứng bên mộ chị Sáu khấn bái. Tôi đã thay mặt mọi người hát ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của Nguyễn Đức Toàn trong tiếng đàn tỳ bà của một nghệ sỹ chèo. Một rừng người hát theo tôi và cả Nghĩa trang Hàng Dương bừng lên câu hát.
Lại một đêm trên biển về đất liền. Tôi gặp lại cả gia đình người đánh rơi chiếc ví. Họ quây lấy tôi như người thân. Khi tàu ra khỏi cảng gặp sóng lớn cứ nhồi lên nhồi xuống như phi ngựa, hỏi ra mới hay ông bố, anh Nguyễn Lương Bàn bút danh Hoàng Giang và chị Lưu Kiều Nụ đều là Nhà thơ của Vũng Tàu và chị Nụ cùng dòng họ Lưu gốc Hải Dương với tôi.
Đêm nay ngồi ghi lại cảm xúc chuyến đi mà lòng bồi hồi. Lên khỏi tàu mà cảm giác bồng bềnh trên sóng vẫn còn nôn nao khó tả. Chiều nay tôi điện cho vợ con ở Hà Nam thắp nhang kính báo với Cha Lưu Quốc Ấn của tôi rằng: Con trai bố, Lưu Quốc Hoà đã đặt chân đến Côn Đảo để chứng kiến những địa danh mà Cha đã kể trong cái ống quyển năm xưa. Xin Cha cho con bái vọng trước tiền nhân dưới trời Côn Đảo để soi lại mình, để thấy được cái giá  của dân tộc ta đã phải trả cho bốn chữ: Tự do - Độc lập.
------------
  Côn Đảo ngày 8 - Vũng Tàu ngày 9/11/2011



 Đăng ngày 16/11/2011

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan