Tuesday, October 13, 2015

La cà trên đất Mỹ


 

Xuanduc.vn: Mạnh Hà là ông bạn vong niên cùng sống với tôi nhiềù năm ở QK4. Hai anh em cùng tổ sáng tác với nhau. Nay ông đã 75 tuổi, đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Mạnh Hà không phải là người viết văn, hầu như chưa viết gì. Ông là nhà Biên đạo múa, được vinh danh Nghệ sĩ Ưu tú. Nhưng bất ngờ ông đi chơi " la cà" trên đất Mỹ mấy tháng liền, trở về lập tức có ngay một kí sự. Phải chăng vì " la cà" mà nghe nhiều, thấy nhiều, rồi thì những điều trông thấy mà.. không thể không viết ra.Xin giới thiệu với khách bạn xuanduc.vn để đọc cho vui.

  LA CÀ TRÊN ĐẤT MỸGhi chép của Nguyễn Mạnh Hà 
Không ai hỏi thì tôi cũng phải thưa ngay với bạn đọc rằng vì sao một sỹ quan quân đội, đã 75 tuổi như tôi lại có chuyến lang thang suốt hai tháng, hai mươi sáu ngày dọc ngang tới 14/50 bang của nước Mỹ, rồi lân la vào nhà Quốc hội, tò mò đi xem in tiền, cất công đến tận quận Cam và băng qua sa mạc tới thành phố Lát Vê-gát nổi tiếng ăn chơi, cờ bạc... chính là nhờ có mối thâm tình của bè bạn, cháu con người Việt Nam (VN) định cư ở Mỹ, nếu không thì dù có hàng chục ngàn USD cũng không dễ có được chuyến đi thú vị ấy. 

Lần đầu đi Mỹ 

Tôi có may mắn đã đi thăm một số nước như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, In-đô-nê-si-a... giờ lại được "la cà trên đất Mỹ", để ghi lại đôi điều cảm nhận về một siêu cường của thế giới, nước giàu mạnh, văn minh nhất thiên hạ và là kẻ thù của VN trong quá khứ.
Người ta nói đi Mỹ khó lắm, phải là người có quốc tịch Mỹ bảo lãnh, người đó phải có nhà cửa, cuộc sống ổn định, có tài khoản tại nhà băng và phải có biên lai nộp đầy đủ các loại thuế cho nhà nước. Khó khăn, phiền phức quá. May nhờ có người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh mới đi thăm Mỹ về  mách : Đi theo đường du lịch thì chẳng cần ai bảo lãnh cả. Mẫu đơn đã có sẵn trên mạng chỉ cần trả lời những câu hỏi trong đó rồi gửi qua mạng hẹn ngày phỏng vấn. Trước khi đi phỏng vấn phải nộp cho Lãnh sự quán Mỹ 131USD tiền lệ phí.
Tôi lo nhất là khâu phỏng vấn nhiều người không qua nổi khâu này. Họ hay hỏi những câu có vẻ vu vơ nhưng nếu anh trả lời không chính xác, tiền hậu bất nhất là không xong. Họ yêu cầu người đi phỏng vấn phải chứng minh được : Vì sao khi sang Mỹ anh không có ý định ở lại? Anh phải đưa ra những bằng chứng có sức thuyết phục viên chức lãnh sự quán Mỹ rằng : Đương đơn có các mối ràng buộc gia đình, xã hội, kinh tế và các mối quan hệ khác khiến họ phải rời khỏi Hoa Kỳ khi hết hạn lưu trú. Tôi đã chuẩn bị sẵn hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sổ lương, thẻ bảo hiểm y tế...
Đúng hẹn, tôi đến Lãnh sự quán Mỹ để được phỏng vấn. Khi nghe gọi đến tên mình, cũng hơi hồi hộp. Trước mặt tôi là một tấm kính đạn bắn không thủng. Phỏng vấn tôi là một thanh niên Mỹ trắng trẻo, đẹp trai, nói tiếng Việt khá sõi ngồi bên trong.
Anh ta hỏi tôi sang Mỹ ở nhà ai, quan hệ với chủ nhà thế nào, người ấy làm gì. Về bản thân tôi, anh ta chỉ hỏi nghỉ hưu từ bao giờ, trước khi nghỉ hưu làm gì. Tôi trả lời ngắn gọn những câu hỏi ấy rồi anh ta đưa cho tôi tờ giấy có màu xanh hẹn 14 giờ hôm sau đến nhận Visa.
Tôi thật sự ngỡ ngàng khi mọi chuyện diễn ra giản đơn, nhanh chóng đến thế. Từ lúc nộp đơn đến lúc nhận Visa chỉ mất vẻn vẹn 15 ngày và ngày 25/10/2008 tôi  lên đường đi Mỹ.
Sau 20 giờ bay vượt quãng đường hơn 20.000km và 3 giờ nghỉ để chuyển máy bay tại thủ đô Sơ-un, Hàn Quốc, 11h30' (giờ Mỹ) ngày 26/10/2008 tôi tới sân bay quốc tế Oa-sinh-tơn DC. Vì không biết tiếng Anh, lại không gặp người Việt nào trên chuyến bay để nhờ làm tờ khai nhập cảnh nên khi tôi đẩy va-li hành lý qua cửa Hải quan, họ bắt tôi mở va-li để kiểm tra từng thứ trong đó. Kiểm tra tôi là một người Mỹ da đen lực lưỡng, tóc quăn, mắt trắng, da bóng nhẫy. Va-li vừa mở thì mấy túi bột sắn bị bục tung ra trắng xoá, anh ta chỉ tay vào gói bột sắn, tôi đoán anh muốn hỏi cái gì, tôi trả lời bằng tiếng Việt "bột sắn" rồi nhúp luôn một cục cho vào miệng khiến anh ta cười, hai hàm răng trắng toát. Họ lại chỉ vào mấy buộc bánh cốm, tôi lại bóc luôn một cái cắn một miếng ăn ngon lành, khiến anh ta và mấy người Mỹ đứng cạnh cùng cười ồ lên, còn mấy quả cam thì anh ta không hỏi gì mà nhặt vứt luôn vào thùng rác. Có lẽ vì thấy tôi già, tóc bạc, lại có vẻ thật thà nên họ không hỏi gì thêm nữa rồi ra hiệu cho tôi đóng va-li lại và cho qua. Thật buồn cười, đi du lịch sang Mỹ mà một tiếng Anh bẻ đôi không biết, cứ phải làm hiệu như người câm.
Ra đón tôi tại sân bay là anh Nguyễn Trường Thu, chồng chị Nguyễn Kim Hòa mà tôi sẽ có dịp nói với bạn đọc sau. Bầu trời Oa-sinh-tơn nặng trĩu nước, mưa lâm thâm, nhưng xe cứ vun vút lao nhanh trên đường nhựa phẳng lì, đen nhánh. Hai bên đường là rừng cây đã vào thu đẹp như tranh trông rất lạ mắt bởi sắc màu muôn vẻ của nó, mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy,.
Buổi tối, cả gia đình anh chị Thu - Hòa cùng các con, các cháu quây quần, sum họp để mừng đón tôi từ VN sang, không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc tràn ngập trong bữa ăn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.

Một gia đình  VN trên đất Hoa Kỳ
Tôi sang được Mỹ, chính là nhờ có sự bảo trợ, giúp đỡ chí tình của gia đình anh chị Thu - Hòa, từ ăn, ở, đi lại trong một thời gian dài. Anh Thu trước là kỹ sư điện, Phó giám đốc Sở Điện lực Cần Thơ. Sau 30/4/1975, đi cải tạo rồi sang Mỹ năm 1978, hiện là kỹ sư Sở Xe điện ngầm  Oa-sinh-tơn DC. Chị Hòa, nguyên là giáo viên cấp III môn Anh văn thành phố Hồ Chí Minh, sang Mỹ năm 1990, hiện là viên chức Sở Xã hội quận Fe-fắc, Tiểu bang Vir-gi-ni-a. Tôi quen anh chị từ tháng 5/1975 đến nay được gần 34 năm,.
Đêm đầu tiên trên đất Mỹ lòng tôi cứ bâng khuâng như mơ, như tỉnh, nằm mãi không ngủ được.
4 giờ 30'  đã dậy, tắm xong nằm chờ sáng. Không gian thật yên tĩnh, chỉ có tiếng chim ríu rít trên cây. Tôi mở cửa ra sân tập thể dục và đi bộ ngắm cảnh. Mặt trời đã nhô cao sau những tán cây. Con đường nhỏ Paloma nơi tôi ở thật đẹp, đường nhựa đen bóng, hai bên là rừng với đủ sắc màu đỏ, vàng, tím sẫm. Mỗi nhà là một biệt thự cách nhau dăm chục mét, trước nhà có vườn hoa và thảm cỏ xanh mượt. Lúc đầu tôi cứ tưởng chỉ có vài nhà đẹp thế này, nhưng tôi đi mãi, đi mãi hàng cây số cũng vẫn thấy những biệt thự lấp ló sau những rặng cây như trong chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại gặp những chú sóc nhảy nhót trên cành, có lúc nó nhảy xuống vệ cỏ ven đường để tìm thức ăn. Tôi đưa tay ra, con sóc từ từ bò lại gần,  không thấy gì ăn nó lại chạy đi. Chúng rất dạn, không sợ người, vì ở Mỹ bắn chim, bắn thú sẽ bị phạt rất nặng, nên không ai dám ăn đặc sản như VN.
Sau một giờ đi bộ, tôi quay về đứng ngắm nhìn ngôi nhà tôi sẽ ở những ngày tới. Trông bên ngoài, nó không to lớn, đồ sộ như những nhà giàu có mới phất lên  VN, nhưng nó xinh xắn gọn gàng, xung quanh rộng rãi, thoáng đãng,  trong nhà trang thiết bị khá hiện đại để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, từ phòng khách, phòng xem tivi, phòng ngủ, nhà vệ sinh đến nhà bếp đều rất sạch sẽ. Bát, đĩa ăn xong đưa vào máy rửa rồi sấy khô, nơi rửa tay, rửa bát, nhà tắm...luôn luôn được lau sạch, không khi nào có nước đọng ẩm ướt.
Ngôi nhà có 5 tầng, 2 tầng ngầm, 3 tầng nổi. Cách đây 10 năm, khi mua ngôi nhà này trị giá 750.000USD, trả góp mỗi tháng 2.000USD, tính ra phải trả trong 30 năm mới hết. Ở Mỹ mua nhà, mua ô tô hầu hết đều trả góp, ít người có tiền trả liền một lúc như các đại gia VN !
Nhà 4 người có 4 chiếc ô tô. Ô tô ở Mỹ nhiều như xe máy, xe đạp ở VN. Ra khỏi nhà là lên ô tô, đi làm về ô tô để ngay ngoài sân, ngoài đường, không sợ mất cắp, cái kho đồ đạc của gia đình không có khoá mà chẳng sợ mất gì. Nói như thế không có nghĩa là nước Mỹ không có trộm cướp, nhất là ở những thành phố lớn, đông người như Niu Y-oóc, Chi-ca-gô, Lốt An-giơ-lét, Bốt-stơn, Đi-troi... trung bình cứ 3 phút mất 1 chiếc ô tô, tính ra mỗi ngày mất 480 chiếc, mỗi năm mất 175.000 chiếc. Có lẽ Mỹ là nước mất cắp ôtô nhiều nhất thế giới.
Trong nhà chị Hòa tất cả đồ dùng, trang trí nột thất từ tranh ảnh, bàn ghế, giường tủ đều đưa từ VN sang, rất nhiều tượng Phật và các loại bát đĩa, ấm chén, các lọ độc bình to nhỏ... đều là hàng gốm, sứ Bát Tràng. Các bữa ăn trong gia đình cũng đều nấu theo hương vị quê nhà, bữa ăn thường có rau xào hay luộc, cá chiên hay thịt chiên, có canh chua, rau sống, dưa cải, cà muối, dấm, ớt... tưởng như tôi đang sống ở nhà vậy.
Gia đình anh Thu cũng như các gia đình khác ở Mỹ đều phải làm việc cật lực vì cuộc sống. Anh Thu dậy lúc 4giờ 30' và 5 giờ đến công sở. Chị Hòa rời khỏi nhà lúc 6 giờ 30'. Cháu Ân làm ca đêm, ban ngày đi học. Cháu Bính đi học cả ngày. Gia đình chỉ gặp nhau đông đủ vào bữa ăn tối, ăn xong người nào lại về phòng ấy dành cho sinh hoạt cá nhân. Chị Hòa thường làm việc tới khuya mới đi ngủ. Ở Mỹ kiếm được đồng tiền đâu có dễ, phải vất vả lao động, phải đổ mồ hôi, có khi cả nước mắt mới có cuộc sống ổn định.
Gia đình anh chị Thu - Hòa tuy hơn 30 năm sống ở Mỹ, đã trở thành công dân Mỹ, nhưng tấm lòng luôn luôn hướng về đất nước, hướng về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cứ vài ba năm lại về thăm VN và lần nào về cũng đều ra thăm Hà Nội. Là người Sài Gòn nhưng anh chị rất yêu mến Hà Nội, nhất là cháu Bính tuy mới ra Hà Nội vài lần nhưng mê Hà Nội lắm. Anh chị có ý định năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ về VN để tham dự ngày lễ trọng đại này.
 Đi đưa cơm 
Sở Xã hội quận Fe-fắc, tiểu bang Vir-gi-ni-a, nơi chị Hòa làm việc có tổ chức một bộ phận "Tình nguyện viên" (TNV) gồm những người có tâm, có đức, có điều kiện để giúp đỡ những người già yếu, cô đơn hoặc tàn tật không nơi nương tựa, hàng ngày không thể đi chợ và tự nấu ăn được, thì những TNV này sẽ đem cơm đến tận nhà. Đã nhiều lần tôi theo chị Hòa đi đưa cơm cho họ.
Nhà hàng Hương Bình, trong siêu thị EDEN - một  trung tâm buôn bán của người VN tại ngoại vi Oa-sinh-tơn đã nhận thầu toàn bộ công việc này với Sở Xã hội quận. Hàng ngày, Hương Bình nấu cơm rồi cho từng xuất vào hộp xốp để những TNV đến nhận rồi đem đến cho các đối tượng theo danh sách đã đăng ký. Mỗi xuất cơm trị giá 7USD, người nhận cơm chỉ phải trả 1USD, còn 6USD thì Quỹ xã hội Quận tài trợ ngày hai bữa như thế. Tôi đã xem một xuất cơm thấy có rau, thịt, đậu rán và cơm đựng trong một cái hộp hai ngăn, còn canh đựng riêng một hộp.
Đội quân TNV này khá đông, mỗi người đi một khu vực. Hàng ngày mỗi TNV đưa cơm cho từ 10 đến 12 người, có khi đến 14, 15 người. Trung bình mỗi lần đưa cơm mất 2 tiếng đồng hồ đi ô tô. Tôi hỏi chị Hòa : Tiền xăng xe ai chịu? Chị Hòa cười : Mình chịu chứ ai! Tôi rất cảm phục những TNV "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Có những TNV rất trẻ, những đôi tình nhân đang ở độ yêu đương cũng tình nguyện làm việc này. Nhiều người khi nhận cơm đã nghẹn ngào nói lời cảm tạ. Chị Hòa hỏi họ: Các bác ăn có được không? Có hợp khẩu vị không? Hầu hết họ đều khen cơm nóng, thức ăn ngon và không cầu mong gì hơn nữa.
Ở Mỹ những người già yếu, cô đơn hoặc tàn tật không nơi nương tựa và những người nghèo thực sự không có nguồn thu nhập gì, thì mỗi tháng được Chính phủ trợ cấp cho 650USD, 1 phiếu mua lương thực, thực phẩm trị giá 100USD. Ngoài ra, ai cũng có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ai không có nhà được chính phủ cho thuê nhà với giá chỉ 100USD/tháng, trong khi giá bình thường là 1.000USD/tháng. Khi ốm đau cần đi viện thì gọi xe nhà thương đến đón, nếu đi tắc xi thì Nhà nước thanh toán tiền xe, viện phí hết bao nhiêu nhà nước chịu cả. Cách đây mấy năm mẹ chị Hòa phải vào bệnh viện mổ tim hết hơn 100.000USD nhưng Chính phủ trợ cấp hết, gia đình không phải trả đồng nào. Ở đây dịch vụ y tế vô cùng tốn kém, nếu không có bảo hiểm thì không thể chịu nổi. Chị nói vui: Ở Mỹ, người nghèo và người già là sướng nhất vì không phải lo lắng gì cho cuộc sống cả. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện nay cũng còn tới 37 triệu người nghèo và 45 triệu người không được bảo hiểm y tế.
 Người khuyết tật ở Mỹ
Theo thống kê cả nước Mỹ có 24 triệu người khuyết tật (NKT). Chính phủ trợ cấp cho mỗi người 800USD/tháng và tạo mọi điều kiện cho họ làm việc để có thêm thu nhập và hoà nhập với cộng đồng. Ở Mỹ, NKT khi đi xin việc trong đơn chỉ cần ghi : Họ tên, tuổi, giới tính và khả năng hoàn thành công việc, chứ không cần ghi trình độ văn hoá, dân tộc, giai cấp, màu da hoặc tình trạng sức khoẻ của bản thân. Cơ quan hay công ty khi xét tuyển nếu thấy người đó có đủ năng lực hoàn thành công việc được giao thì tiếp nhận, không được phân biệt đối xử. Các công ty thuê NKT làm việc sẽ được nhà nước giảm tiền đóng thuế nhằm khuyến khích họ sử dụng NKT vào những công việc thích hợp như tiếp thị, quảng cáo, dịch vụ điện thoại, đưa nhận hàng.v.v.. Hôm đến Sở xã hội quận Fe-fắc tôi thấy không ít người đi xe lăn đến làm việc, thậm chí có người đi ô tô đến làm việc mà lưng thì gù, người bé loắt choắt. Hỏi anh Thu tôi mới biết NKT ở Mỹ còn được phép lái xe ôtô. Các công ty xe hơi sẵn sàng cải tiến các bộ phận trong xe tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NKT khi lái xe vừa đảm bảo an toàn, vừa dễ điều khiển từ tay lái đến tay phanh... Tôi chợt nhớ vừa qua ta định khi đưa ra những tiêu chuẩn cho người lái xe trong đó quy định cả chiều cao, trọng lượng, thậm chí quy định cả ngực lép hay phồng mới được lái xe thì thật khôi hài.
Xã hội Mỹ rất quan tâm đến NKT, các công sở, siêu thị, nơi công cộng, ở đâu người ta cũng bố trí cho NKT nơi để xe riêng, gần cửa ra vào nhất, ngay các nhà vệ sinh ở sân bay, ga xe lửa hoặc những nơi công cộng thì NKT cũng có nhà vệ sinh riêng... Lên xe buýt, xe hoả hoặc máy bay NKT luôn luôn được quan tâm giúp đỡ. Hôm từ sân bay Oa-sinh-tơn DC về Hà Nội, vì sân bay quá lớn, đường đi từ nơi này đến nơi khác trong sân bay rất xa, ở tuổi tôi được quyền đề nghị được hỗ trợ bằng xe đẩy. Làm thủ tục bay xong họ đem ngay một chiếc xe đẩy đến mời tôi ngồi vào, rồi một người đẩy xe, một người kéo va li hành lý giúp tôi đến tận cửa máy bay và suốt chuyến bay tôi đều được các nhân viên hàng không giúp đỡ tận tình như thế.  
Đi chợ
Ở Mỹ, đàn ông đi chợ mua thức ăn là chuyện bình thường, thậm chí Bộ trưởng ngày chủ nhật vẫn đi chợ, điều này hơi hiếm ở ta. Thỉnh thoảng tôi lại theo anh Thu đi chợ mua thức ăn, vật dùng. Thực ra ở Mỹ tôi chẳng thấy có cái chợ nào như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm ở Hà Nội hay chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế. Toàn là những siêu thị rộng mênh mông như sân bóng đá, trong đó bán đủ mọi thứ. Siêu thị EDEN - một trung tâm buôn bán của người Việt vùng ngoại vi Oa-sinh-tơn thì không có thứ gì VN có mà ở đây không có, thượng vàng, hạ cám có hết, từ mắm tôm, mắm tép, măng khô, măng tươi, măng chua, rau mùi, rau húng, su hào, bắp cải... đến các loại bánh rán, bánh giò, bánh giầy, bánh chưng, bánh gai, bánh mật, bánh nếp, bánh tẻ, bánh xèo, bánh ú đến bánh tôm, bánh bột lọc, bánh phu thê... Các món ăn VN cũng phong phú hơn, muốn gì có nấy đủ các hương vị Bắc, Trung, Nam, nhưng giá cả nếu tính ra tiền VN thì chắc ít người dám ăn. Tôi và chị bạn vào ăn bữa trưa ở siêu thị EDEN, gọi một tô cơm, một bát canh chua nấu cá, một đĩa cá kho tộ, một đĩa rau cải xào mà hết 40USD, tính ra tiền VN là 680.000đ. Chị còn mua thêm hai khúc sắn luộc mỗi khúc dài khoảng một gang tay, to bằng cái chai nước khoáng nửa lít mà giá 2,5USD, bằng 42.000đ VN. Ở ta 42.000đ chắc phải mua được một yến.
Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển bậc nhất thế giới, giá cả hàng hoá luôn luôn bị điều tiết theo thị trường, mỗi địa phương, mỗi cửa hàng và mỗi ngày giá cả đều có thể thay đổi, thí dụ : Khi giá dầu thô của thế giới ở đỉnh cao 147USD/thùng thì giá xăng ở Mỹ là 4USD một ga-lông (1 ga-lông tương đương 4 lít), nhưng khi giá dầu thô tụt xuống còn 34,35USD/thùng thì giá xăng của Mỹ chỉ còn 40xu/lít. Giá xăng ở VN thường cao hơn giá xăng Mỹ từ 10 - 20%.
Vào các Siêu thị cái làm cho tôi thú vị nhất chính là thái độ bán hàng của người Mỹ họ luôn nhã nhặn, niềm nở, lịch sự với khách hàng. Người mua tha hồ lựa chọn, chọn chán không mua thì thôi, thậm chí mua hàng rồi đem về nhà thấy không vừa ý lại đem trả, hoặc đổi cái khác họ vẫn vui vẻ đổi lại hoặc trả lại tiền, không bao giờ nhăn nhó, khó chịu. Phong cách bán hàng này tôi đã thấy ở Huế, ở Đông Hà... còn các chợ khác... than ôi !
Các siêu thị ở Mỹ luôn luôn hạ giá, nhất là vào dịp cuối năm, những hàng hoá người tiêu dùng mua càng nhiều lại càng hạ giá, chứ không phải ngược lại như ở ta. Có nhiều mặt hàng giảm tới 50 - 60%. Người già từ 65 tuổi trở lên còn được giảm thêm 15% nữa. Tôi mua một cuốn an-bum giá đề 17USD, nhưng được giảm 60%, tôi là người già được giảm 15% nữa là 75%, cuối cùng tôi chỉ phải trả có 4,25USD. Thấy vậy, tôi mua thêm một con mèo gài áo để tặng cô cháu gái giá 10USD, nhưng được giảm 75% chỉ còn 2,5USD, thậm chí sau khi được giảm 75% rồi mà số tiền mua hàng còn trên 50USD thì người mua lại được bớt thêm 10USD nữa. Cho nên người tiêu dùng Mỹ luôn luôn chờ khi hàng hoá hạ giá mới mua. Chị Hòa mua một chiếc áo măng tô chỉ có 100USD nếu không giảm giá thì phải 500USD, cháu Bình mua một đôi giầy 30USD, trong khi giá chưa giảm là 180USD, đúng là bán rẻ như cho, nhất là trong lúc nền kinh tế Mỹ đang bị suy thoái và khủng hoảng tài chính trầm trọng, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên đến 6,7%, sức mua của người tiêu dùng Mỹ giảm rõ rệt, nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, vì vậy để thu hồi vốn cho nhanh chắc là hàng hoá Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa. Năm ngoái, tổng thống Mỹ G. Bu-sơ đã ký sắc lệnh chi 146 tỷ USD để hỗ trợ cho người dân Mỹ nhằm nâng cao sức mua của người tiêu dùng, người ít được 600USD, người nhiều được 1.200USD. Năm nay nghe nói ông Ô-ba-ma cũng có ý định làm như thế nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho dân trong cuộc khủng hoàng kinh tế toàn cầu này. 
Đường xá ở Mỹ
Tôi biết nước Mỹ có hệ thống đường xá hiện đại bậc nhất thế giới và có tổng chiều dài các xa lộ lớn nhất thế giới. Đặt chân lên đất Mỹ, ấn tượng đầu tiên của tôi khi ra khỏi sân bay quốc tế Oa-sinh-tơn DC là những con đường nhựa phẳng lì, đen nhánh với những vạch sơn trắng toát dưới mặt đường, chỗ hẹp nhất cũng 6 làn xe, chỗ rộng nhất là 12, 14 và 16 làn xe, dọc đường rất nhiều biển báo hướng dẫn đường đi cho lái xe. Trừ khi vào thành phố, còn ngoài xa lộ không bao giờ có đèn tín hiệu giao thông. Không có ngã ba, ngã tư mà toàn cầu vượt. Tốc độ xe trên xa lộ trung bình từ 70 đến 74 dặm Anh (112 đến 118km/giờ), nếu chạy quá quy định sẽ bị cảnh sát hỏi thăm ngay, nhưng nếu chạy chậm quá cũng bị cảnh sát nghi ngờ.
Anh Thu kể, có lần đi xa, muốn đi vừa phải để giữ sức nên chỉ chạy 80km/giờ. Cảnh sát đi sau thấy anh chạy xe như thế, họ theo dõi một quãng đường khá dài vẫn thấy thế, liền nháy đèn ra hiệu cho anh Thu dừng xe, rồi vượt lên hỏi:
- Sức khỏe ông có tốt không ? - Rất tốt - Ông có buồn ngủ không? - Không - Ông có cần một ly cà phê cho tỉnh táo không? - Không cần. - Vậy mời ông đi, chúc ông bình yên.
Cảnh sát Mỹ rất lịch sự, luôn quan tâm đến người chạy xe  trên đường và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết. Dân Mỹ rất sợ cảnh sát, nhưng cũng rất kính trọng cảnh sát vì họ rất nghiêm, không nhũng nhiễu, không gây phiền hà cho dân. Gần ba tháng ở Mỹ, đi khá nhiều nơi, nhưng tôi rất ít khi gặp cảnh sát trên đường phố, nhưng nếu anh vi phạm họ sẽ có mặt ngay tức khắc.
Nhằm đảm bảo an toàn cho lái xe, ở mép đường họ làm những gờ nhỏ liên tiếp để nếu lái xe buồn ngủ đi chệch ra mép đường thì xe sẽ rung lên rất mạnh làm lái xe tỉnh ngủ tránh tai nạn.
Người lái xe ô tô ở Mỹ rất tự giác tuân thủ luật giao thông, không dám uống rượu khi lái xe, nếu cảnh sát phát hiện người lái xe có mùi bia rượu sẽ phạt rất nặng, thậm chí trên xe ô tô cũng không được mang theo bia rượu.
Người Mỹ thích dùng ô tô tương đối to để chở được nhiều người, có khi cả gia đình cho đỡ tốn xăng. Ở Oa-sinh-tơn DC có hẳn những làn đường ưu tiên dành cho những xe chở từ 3 người trở lên được đi giữa đường trong giờ đi làm, hoặc giờ tan tầm không bị ùn tắc để vừa đỡ tốn xăng, vừa tiết kiệm thời gian. Vì vậy có nhiều người đi làm đứng ở đường chờ đi nhờ xe vào nội thành và người có xe sẵn sàng cho đi nhờ để được đi vào đường ưu tiên.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông ở Mỹ cũng vẫn kinh hoàng, trung bình hàng năm có khoảng 40.000 người chết và hàng chục ngàn người khác bị thương. 
Chiếc máy định vị toàn cầu
Hệ thống đường bộ ở Mỹ rất khoa học nhưng vô cùng phức tạp, nhiều chỗ như trận đồ bát quái, cho nên phần lớn lái xe phải dùng đến chiếc máy "định vị toàn cầu" mà tôi quen gọi là "máy chỉ đường", nếu không có nó lái xe sẽ rất dễ bị lạc.
Nó chỉ bằng một bàn tay nhỏ, nhưng trong đó chứa những dữ liệu về giao thông trên đường đi. Khi xe chuẩn bị chuyển bánh, người lái xe chỉ việc đưa dữ liệu vào máy như : số nhà, đường phố, hoặc địa điểm sẽ đến rồi ấn nút, màn hình của máy sẽ hiện lên sơ đồ đường đi, mũi tên chỉ đường, độ dài của đường, thời gian xe chạy và thời gian đến nơi. Khi xe sắp đến ngã ba, ngã tư máy sẽ báo trước và nói rõ đi thẳng, hay rẽ trái, rẽ phải. Nếu chẳng may đi lạc được thì lập tức máy nói ngay "sẽ điều chỉnh", và đưa lái xe ra đường khác để tới đích. Nếu có hai con đường cùng tới đích thì máy đưa ra hai phương án để lái xe lựa chọn : một đường ngắn, nhưng tốc đô xe phải đi chậm, một đường dài nhưng tốc độ xe đi nhanh hơn.
Những lúc xe đi vào phố, hay vào các khu chung cư có nhiều đường ngang, ngõ dọc nhưng máy đều chỉ rất chính xác. Có một lần anh Triệu Quốc Hân, một người bạn chí thân của tôi quê ở Hà Tây trước đây là Thiếu tá Hải quân Quân đội Sài Gòn cũ, đưa tôi đi thăm cháu nội ở bang Mi-chi-gân, cực bắc Hoa Kỳ, giáp giới Canada. Quãng đường từ Oa - sinh - tơn DC đi Michigân dài gần 1.200km, lại chưa đi lần nào, nên phải trông cậy vào chiếc máy chỉ đường. Xe vun vút lao nhanh với tốc độ 120km/giờ, khi còn cách nhà cháu tôi chừng 300km, máy báo 7 giờ 01 phút sẽ đến bơi. Trời hơi mưa, lại tối, nhưng anh Hân vẫn giữ nguyên tốc độ, đúng 7 giờ tôi tới nơi, chỉ sớm hơn 1 phút.
Xem in tiền đô la Mỹ
Chắc không nước nào trên thế giới lại cho dân và du khách nước ngoài vào xem in tiền như Mỹ, bởi in tiền thuộc bí mật quốc gia.
Nhà máy in tiền khá đồ sộ, nằm giữa trung tâm Thủ đô Oa-sinh-tơn DC. Vừa qua cửa là mọi người phải cởi áo khoác, cởi giầy, bỏ tất cả đồ dùng kim loại từ máy ảnh, điện thoại di động, chìa khoá xe... vào một cái khay rồi cho chạy qua máy kiểm tra, người cũng phải kiểm tra bằng máy cẩn thận y như lên máy bay. Sau đó, được mời ngồi nghe giới thiệu quá trình sản xuất ra một tờ USD như thế nào bằng hình ảnh. Các loại tiền trên thế giới và VN nếu mệnh giá khác nhau thì màu sắc, kích thước cũng khác nhau. Nhưng đồng USD thì hoàn toàn khác, mệnh giá khác nhau, nhưng tất cả màu sắc, kích cỡ đều giống nhau. Điều làm tôi thú vị là về quá trình làm ra nó, đồng USD ta nhìn thấy thường chỉ có từ 2 đến 3 màu, nhưng thực ra nó có đến 13 màu khác nhau mà mắt thường ta không nhìn thấy hết được. Giấy in USD là một loại giấy đặc biệt rồi được nén dưới áp lực 100kg/cm2 nên rất dai không dễ gì rách nát. Chúng tôi đi xem cái máy nén, rồi cái máy thử độ dai, độ bền của tờ tiền, có thể gấp đi, gấp lại tới 4.000 lần không rách, ngâm dưới nước lâu ngày không bị mục nát, phai màu. Đây là loại công nghệ in tiền vào loại tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là họ đã công khai chỉ rõ 6 điểm trong đồng USD không thế làm giả được. Tôi hỏi vì sao lại công bố cái bí mật này, họ nói : Vì chúng tôi tin rằng ngoài Mỹ ra không nơi nào có thể làm được đồng USD đúng như của chúng tôi. Họ tự tin đến thế là cùng.
Giới thiệu xong, họ đưa khách đi xem nơi in tiền. Khi chúng tôi đến họ đang in đồng 100USD. Nhà máy được tự động hoá hoàn toàn nên chỉ có khoảng chục người điều khiển. Mỗi ngày nhà máy này in 1,4 tỷ USD. Những đồng tiền cũ họ thu về cắt thành những sợi nhỏ để làm những sản phẩm khác hoặc cho vào túi bán cho khách đến tham quan làm kỷ niệm. Họ còn in những tờ tiền mệnh giá 1USD nhưng có 4 số 8 hoặc 3 số 7 ở đầu số xê-ri gọi là "con số hên", rồi ép plát-tích và gài vào thiệp chúc Tết có in hình các con vật tượng trưng cho từng năm như: chuột, trâu, hổ... để bán cho du khách với giá gấp 5 lần. Hoặc in tờ tiền có mệnh giá 2USD, phát hành năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của nước Mỹ (1776 - 1976) mà hiện nay không phát hành nữa gọi là "đồng tiền may mắn" để bán cho khách với giá gấp 4 lần.
Người Mỹ khá thực dụng, cái gì đem lại lợi nhuận là họ làm.
 Vệ sinh, môi trường
Không gian trong các thành phố lớn ở Mỹ khá trong lành, người Mỹ chịu khó trồng cây và chăm sóc cây chu đáo. Xung quanh vùng Thủ đô Oa-sinh-tơn là những quả đồi lúp xúp, với các loại cây rừng mà người trồng có chủ định để mùa Xuân ra hoa, mùa thu thay đổi màu sắc từ xanh sang vàng, sang đỏ hoặc màu mận chín trông rất đẹp mắt. Các nhà ở đều cách xa nhau, những nhà ở gần đường lớn hoặc xa lộ thì nhà nước xây tường cao hoặc trồng cây để ngăn cách tiếng ồn. Ở Mỹ nhà mặt đường rẻ hơn nhà xa đường, vì không ai buôn bán trên đường phố như ta, tất cả đều vào siêu thị, trừ một vài đường phố của người Tàu, họ có cửa hàng ngay tại nhà nhưng rất trật tự, không bày ra vỉa hè. Đường phố quá sạch sẽ, không có bụi bẩn, không ai vứt rác ra đường. Mỗi nhà có 2, 3 thùng đựng rác. Rác được phân loại ngay từ trong gia đình và quy định rõ từng ngày trong tuần xe đến lấy loại rác gì để từng nhà đem sẵn ra đường, rồi xe chở thẳng đến nhà máy xử lý ngay.
Người Mỹ rất quan tâm đến "đầu vào" và "đầu ra" của con người - Lương thực, thực phẩm, nước uống... vì có quan hệ đến sự sống nên được quan tâm tối đa, được kiểm dịch chặt chẽ. Thức ăn gia súc, gia cầm tuyệt đối không có hoá chất, không dùng thuốc tăng trọng, thuốc bảo quản, chỉ được bảo quản bằng đông lạnh. Trồng rau, quả không dùng phân chuồng, không dùng phân hoá học, không dùng chất kích thích để tăng năng suất, cho nên rất an toàn. Tôi vốn thích ăn rau sống nhưng ở nhà không dám ăn vì sợ hoá chất, sợ vi trùng, sang đây ăn thoải mái.
Các nước văn minh đều quan tâm đến "đầu ra" của con người, nước Mỹ cũng vậy. Người Mỹ ăn, ở rất sạch sẽ nhất là nơi đại, tiểu tiện. Trong gia đình nhà vệ sinh sạch sẽ là đương nhiên, nhưng ở những nơi công cộng, nhà vệ sinh cũng hết sức sạch sẽ, không bao giờ thấy mùi xú uế. Tôi đã có dịp vào tham quan lâu đài Ca-pi-tôn - Trụ sở Quốc hội Mỹ, các bảo tàng quốc gia, các siêu thị, các tiệm ăn... ở đâu các nhà vệ sinh cũng giống nhau về mức độ sạch sẽ và sự tự giác giữ gìn của người sử dụng.
Trên các xa lộ, cứ khoảng 2 giờ xe chạy lại có một trạm nghỉ để lái xe, hành khách ăn uống, mua hàng lưu niệm  hoặc chỉ để đi vệ sinh. Chị Hòa kể : Có một lần về thăm VN, khi qua Huế, một nữ du khách buồn đi đại tiện quá mà không có nơi nào để giải quyết, đành phải nghiến răng, chịu nhục đi ngay ra vệ đường, mặc cho trẻ em đứng nhìn, đi xong cô vô cùng xấu hổ rồi lấy giấy đậy lại. Chắc rằng cô ấy sẽ chẳng bao giờ dám đến VN du lịch nữa. Lại có một vị khách nước ngoài khi ra Hà Nội cứ thắc mắc : Không hiểu vì sao thỉnh thoảng lại có những người đàn ông đứng úp mặt vào tường???
Báo tiếng Việt "Phụ nữ mới" ra ngày 24/10/2008 của người VN ở Oa-sinh-tơn đăng 2 trang ảnh nói về vấn đề thiếu văn hoá của người VN khi đi vệ sinh nơi công cộng, trong đó có 3 người đang tè bậy, 2 người đang ị bậy và nhiều hành động thiếu văn hóa khác... Là người Hà Nội, tôi vô cùng xấu hổ khi người ta đưa tôi xem những tấm ảnh này. Được biết ngành Giao thông nước ta đang xây dựng những trạm nghỉ trên đường như thế. Thật mừng.

Đến thăm gia đình của cựu ... con dâu
Cháu Hồ Thị Dũng, con dâu tôi trước đây, sau cuộc hôn nhân với con trai tôi đổ vỡ, đã kết hôn với một người Mỹ tên là Jê-ri cũng đã từng đổ vỡ hôn nhân. Cháu mang theo hai con riêng - cháu nội tôi, sang Mỹ sinh sống với người chồng mới ở thành phố Lan-sinh, thủ phủ bang Mi-chi-gân, miền Bắc nước Mỹ, cách Oa-sinh-tơn hơn 1.000km. Hai vợ chồng đã mời tôi đến thăm gia đình và các cháu nội.
Ngôi nhà các cháu ở trông giống như nhà cấp 4 của ta, chỉ có 2 phòng ngủ, một phòng khách, nhưng tiện nghi đầy đủ. Hai vợ chồng đi làm mà có 3 chiếc ô tô. Hóa ra một chiếc dành cho cháu Lâm (cháu nội lớn của tôi) sắp đủ 18 tuổi có xe đi học đại học. Xe ô tô ở Mỹ không đắt như ta. Một chiếc ô tô đã qua sử dụng nhưng còn khá tốt giá chỉ khoảng 4.000 - 5.000USD, lại mua trả góp nên ai cũng có thể mua ô tô. Lương của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 6.000USD, trừ tiền ăn, tiền thuế, tiền trả góp mua nhà, mua ô tô, mua bảo hiểm, tiền đóng thuế thu nhập... mỗi tháng còn khoảng 2.000USD.
Tôi hỏi tình hình học tập của các cháu, Jê-ri kể cho tôi nghe : Cháu Mạnh Lâm, Mạnh Hải học rất giỏi. Vừa qua kiểm tra học kỳ Mạnh Lâm (lớp 11) thi 6 môn được 5 điểm A, 1 điểm B xếp loại giỏi; Mạnh Hải học (lớp 8) thi 6 môn được 6 điểm A xếp loại xuất sắc đứng đầu lớp. Cô giáo khen cháu Hải học giỏi hơn các bạn Mỹ, cô mong trong lớp có nhiều học sinh giỏi như Hải.
Ở Mỹ, học sinh phổ thông được miễn học phí hoàn toàn, sách vở và đồ dùng học tập nhà trường cung cấp, gia đình không phải đóng góp bất cứ khoản gì. Hằng ngày có xe buýt của trường đưa đón học sinh tận nhà. Các em đi học không phải mang sách vở, vì ở trường mỗi học sinh đều có một tủ riêng để sách vở và đồ dùng học tập. Nghĩ mà thương các cháu tôi ở nhà, hằng ngày phải lễ mễ mang một ba lô sách vở nặng trịch đến trường.
Ở Mỹ cũng có học thêm, dạy thêm như ta nhưng mục đích và phương pháp thì  khác hẳn. Học sinh kém môn nào thì giáo viên dạy thêm môn đó, dạy ngoài giờ ngay tại lớp sau giờ học chính thức, mỗi tuần dạy thêm một số buổi tuỳ theo học lực của các em và không lấy tiền bồi dưỡng của học sinh.
Chính phủ Mỹ luôn khuyến khích phát triển tài năng của học sinh, em nào học giỏi, muốn vượt lớp, vượt cấp, học trước tuổi đều được, ngược lại khi tự thấy học lực kém muốn học lại cũng được, miễn sao đảm bảo học thực chất, thi thực chất. Việc thi cử ở Mỹ không nặng nề, tốn kém như ta, thậm chí có trường đại học tuyển sinh tự do, ai có đủ năng lực, đủ tiền thì vào học, cái quan trọng là anh học như thế nào, học xong  rồi có xin được việc làm không? Học phí cấp Đại học ở Mỹ khá cao, vì hầu hết các trường đại học là tư nhân. Đại học Ha-vớt nổi tiếng thế giới cũng của tư nhân. Cho nên dân Mỹ tuy giàu nhưng việc cho con vào đại học không phải dễ.
Một trong những hình thức khuyến khích học sinh học giỏi là tặng học bổng. Cháu Hải ngoài việc năm nào cũng đứng đầu lớp, còn rất cố gắng tham gia hoạt động thể thao, thể dục của nhà trường, chiều nào cũng ở lại tập thêm bóng đá, bóng rổ. Nhờ học giỏi và thi đấu thể thao giỏi nên cháu được Hội đồng nhà trường  thưởng hai năm học bổng Đại học. Cháu nói với tôi sẽ cố gắng để lên cấp III sẽ được thưởng hai năm học bổng Đại học nữa, để sau này học 4 năm Đại học gia đình sẽ không phải đóng góp học phí nữa.
 Thành phố 10 cái nhất
Niu Y-oóc là thành phố nằm ở phía Đông nước Mỹ, bên bờ Đại Tây Dương. Sau mấy ngày anh Hân cùng tôi lang thang hết đi ô tô con, ô tô buýt, lại xuống xe điện ngầm, rồi lại lên đi bằng đôi chân vạn dặm để tham quan một trong những thành phố nổi tiếng bậc nhất ở Mỹ, với tôi thành phố này có 10 cái độc đáo nhát.
1. Đông dân nhất nước Mỹ, chỉ riêng 5 quận nội thành đã hơn 8 triệu người, còn nếu tính cả vùng ngoại vi thì lên tới trên 22 triệu, mật độ dân số ở đây không kém gì Tô-ki-ô của Nhật Bản.
2. Nhiều nhà chọc trời nhất, có toà nhà cao hơn 100 tầng, chúng tôi đã lên tầng 96 của toà nhà này để nhìn toàn cảnh Niu-y-oóc. Mỗi người phải mất 20USD tiền vé, tôi đã trên 65 tuổi nên được giảm 4USD. Những người tham quan đều phải xếp hàng kiểm tra như lên máy bay vậy. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà chọc trời lại có những khu phố khá bẩn thỉu (bẩn so với Mỹ), đó thường là những đường phố do người Tàu ở và bán hàng, họ cũng lấn chiếm vỉa hè, cũng tràn ra đường để bán hàng, nhất là rau, quả, thịt, cá... mùi tanh tưởi xông lên rất khó chịu, rồi những túi ni lông, giấy gói vứt đầy vỉa hè, lòng đường. Thì ra nước Mỹ nổi tiếng văn minh nhưng cũng có những góc khuất như thế đấy.
3. Nhiều ô tô nhất, dọc hai bên lề đường chỗ nào ô tô cũng đậu sát vào nhau, vào các cửa hàng, cửa hiệu, tiệm ăn vất vả nhất là tìm chỗ đậu xe. Có khi nơi đậu xe cách nơi mua hàng, hay ăn uống hàng cây số, lại có lúc không đậu xe được thì người vào mua hàng còn lái xe cho xe đi lòng vòng chờ khi nào mua hàng xong thì cho xe quay lại đón.
4. Nhiều người đi bộ nhất, đi ô tô không dễ tìm chỗ đậu, cho nên người dân cũng như du khách tìm phương sách đi bằng các phương tiện giao thông công cộng hay đi bộ là hay nhất, do đó lượng người đi bộ ở Niu Y-oóc rất đông.
5. Nhiều đèn tín hiệu giao thông nhất. Đường xá Niu Y-oóc vuông vức như bàn cờ, rất nhiều ngã tư, ngã năm, cho nên lắm đèn xanh, đèn đỏ. Có khi qua một con phố khoảng 500m mà bốn lần đèn xanh, đỏ. Con đường dọc bờ sông Niu Y-oóc cứ dăm bảy chục mét lại có đèn tín hiệu giao thông, trông từ xa cứ như đèn trang trí dọc đường. Đường ở thành phố này không hẹp, nhưng hai bên toàn nhà cao chót vót nên con đường trông cứ hun hút như cái ống hình vuông vậy.
6. Nhiều cầu qua sông, qua biển nhất. Niu Y-oóc nằm ngay bên bờ biển, có nhiều cửa sông, có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, cho nên cũng có nhiều cầu vượt sông, vượt biển, có những chiếc cầu rất dài, ban đêm điện sáng trưng giống như dải lụa vắt ngang sông tuyệt đẹp. Ngoài những chiếc cầu nổi, Niu Y-oóc còn có hai đường hầm chui qua sông, qua biển. Đi trong những đường hầm này cứ có cảm giác chui xuống lòng đất, rất thú vị,
7. Có nhiều đường xe điện ngầm nhất. Niu Y-oóc là thành phố có đường xe điện ngầm đầu tiên ở Mỹ, cũng là thành phố có tổng số chiều dài đường xe điện ngầm dài nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, đường xe điện ngầm ở đây cũng lạc hậu nhất nước Mỹ. Có những đoạn được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Khác với đường xe điện ngầm ở Oa-sinh-tơn DC rất hiện đại, lên xuống toàn bằng thang máy, thì ở Niu Y-oóc lên xuống toàn đi bộ mỏi nhừ chân. Bên cạnh sự lạc hậu về trang thiết bị thì những đoàn tàu cũng cũ kỹ, hoen rỉ, các nhà ga cũng xuyềnh xoàng, thiếu ánh sáng, thậm chí khi đứng chờ tàu tôi còn thấy cả mấy chú chuột tranh nhau ăn dưới đường ray, cạnh đó là những vỏ lon bia, nước ngọt mà người ta vứt xuống trông không đẹp mắt chút nào.
8. Ùn tắc giao thông nhất. Tôi có dịp đi nhiều nơi, nhiều tiểu bang nhưng có lẽ không ở đâu ùn tắc giao thông như Niu Y-oóc. Đi xe buýt mà chậm như rùa bò, đi ô tô con mà như đưa đám, có lúc vừa nhích lên được dăm mười mét lại gặp đèn đỏ chặn lại, vì vậy phần đông công nhân, viên chức đi làm hàng ngày đều đi bằng xe điện ngầm cho đỡ ùn tắc, nếu đi ô tô phải mất vài tiếng đồng hồ mới đến nơi làm việc. Người ta bảo : Ở Niu Y-oóc đi bộ hoặc đi xe đạp là nhanh nhất, (Mỹ lại không có xe đạp, xe máy).
9. Có trụ sở Liên hợp quốc, một tổ chức có quyền lực cao nhất thế giới. Toà nhà trụ sở như một bao diêm khổng lồ, dựng đứng, bên bờ sông Niu Y-oóc. Tổ chức này hiện có 185 thành viên. VN được bầu làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - một Hội đồng có quyền lực cao nhất trong các Hội đồng của Liên hợp quốc, có thể quyết định hòa bình hay chiến tranh, quyết định cấm vận bất cứ quốc gia nào vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc.
10. Bức tượng Nữ Thần tự do cao nhất, đẹp nhất, nổi tiếng nhất nước Mỹ, mà vất cứ ai đến thăm Hoa Kỳ cũng đều muốn chiêm ngưỡng. Tượng đúc bằng đồng nặng 225 tấn, cả tượng và đế cao 96 mét. Trên đầu có những tia sáng mặt trời, tay phải giương cao ngọn đuốc Tự do, tay trái cầm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Tượng được xây dựng năm 1886 do nước Pháp tặng nhân kỷ niệm 110 năm ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập (04/7/1776). Năm 1913, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã tới đây. Sau khi đứng ngắm nhìn bức tượng, Bác đã ghi vào sổ vàng : "Trên đầu tượng Thần Tự do toả ánh sáng tự do nhưng dưới chân tượng Thần Tự do là những kiếp người nô lệ. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng như người da trắng đây?". Kính thưa Bác, sau 95 năm Bác ghi những dòng này, nước Mỹ đã có một tổng thống da màu đầu tiên là ông B.Obama. Đây là một bước tiến khổng lồ, làm cho nước Mỹ lớn thêm một chút, khi sự phân biệt chủng tộc đã lùi vào quá khứ.
Tự động hoá, tự giác hoá và sự bình đẳng
Ở Mỹ, công nghệ tự động hoá được áp dụng khá rộng rãi trong sinh hoạt và giao dịch xã hội. Một lần đi theo chị Hòa đến nhà băng gửi tiền. Khi xe đến cạnh một cái cột, chị dừng xe, quay cửa kính xuống, thò tay ra lấy một cái ống nhựa hình tròn, rồi mở nắp bỏ vào đấy một cái séc 4.000USD, chờ cho cái ống chuyển vào trong nhà, khi nó trở ra, chị Hòa lại cầm cái ống đó và mở nắp lấy ra cái biên lai nhận tiền của nhà băng. Tất cả chỉ mất có vài phút, không phải xuống xe, chờ đợi. Việc áp dụng tự động hoá của các nhà băng khiến cho việc giao dịch giữa người gửi và người nhận không hề có liên hệ trực tiếp với nhau, tránh được sự phiền hà, mất nhiều thời gian, nhưng quan trọng hơn là tránh được những tiêu cực có thể xảy ra. Tự động hóa đã được ứng dụng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày từ việc mua hàng hóa ở các siêu thị đến việc giao dịch hành chính ở các công sở, khiến cho người dân yên tâm hơn, các viên chức nhà nước cũng công khai, minh bạch hơn.
Bên  cạnh sự tự động hóa là sự tự giác của người Mỹ trong các mối quan hệ xã hội. Mấy lần theo anh Thu đi siêu thị mua hàng, mua xong anh tự đến máy tính tiền và trả tiền, mua xăng cũng thế, tự động bơm xăng vào xe, tự tính tiền theo giá niêm yết rồi cho thẻ vào máy thanh toán rất nhanh chóng, chính xác. Đi xe từ trong đường nhỏ ra đường lớn, mặc dù không có đèn tín hiệu giao thông, nhưng lái xe vẫn tự giác dừng lại quan sát, khi nào thấy không có xe chạy qua mới cho xe ra đường lớn. Khi đậu xe ở đường cũng tự giác bỏ tiền vào hộp đặt trên vỉa hè ngay sát mép đường. Nếu xe đậu quá thời gian mà không bỏ thêm tiền, khi cảnh sát đi kiểm tra phát hiện sẽ dán ngay phiếu phạt lên kính xe, thế là chủ xe phải đem 50USD đến nhà băng nộp phạt, cảnh sát không cần gặp chủ xe, không cần lập biên bản.
Tự giác đã trở thành thói quen của người Mỹ, nhưng có được thói quen này cần phải có thời gian và không ít người đã phải trả giá. Tự giác phải đi đôi với hình phạt và chính hình phạt nghiêm khắc có tác dụng giáo dục rất hiệu quả tính tự giác của con người.
Ngày 12/12/2008, báo Mỹ đưa tin : "Ông Ô-ba-ma, tổng thống mới đắc cử của Mỹ muốn cho con mình chuyển đến nhà khách chính phủ (trong Nhà Trắng) ở sớm để tiện cho việc học hành đỡ vất vả, nhưng không được vì nhà khách đang có người ở rồi". Qua mẩu tin trên mới thấy quyền bình đẳng ở nước Mỹ được nghiêm chỉnh thực hiện như thế nào, đến tổng thống cũng không được đặc quyền, đặc lợi, con tổng thống cũng như con dân thường phải thuê khách sạn mà ở, chứ không thể chuyển người khác đi để cho con tổng thống ở được, vì hơn một tháng sau (20/01/2009) cả gia đình Tổng thống Ô-ba-ma mới được quyền ở trong Nhà trắng.
Hoa Kỳ là một Hợp chủng quốc với 65% người da trắng, 12% người da đen, 23% người da vàng, da đỏ, da nâu, nhưng họ sống với nhau rất bình đẳng. Tôi đến Sở Xã hội, quận Fe-fắc thấy những viên chức đến làm việc có đủ các màu da, có cả những người khuyết tật, nhưng thái độ của họ đối với nhau rất thân thiện, hòa đồng. Việc nước Mỹ bầu ông Ô-ba-ma, một người Mỹ da màu làm tổng thống là đỉnh cao của sự đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử, khiến thế giới phải nể phục.
Đến quận Cam 
Quận Cam thuộc thành phố Lốt An-giơ-lét, "thủ phủ" của người VN tại bang Ca-li-phoóc-ni-a, nơi có đông đồng bào VN định cư nhất ở Mỹ. Từ Oa-sinh-tơn phải mất 6 giờ bay, vượt quãng đường 4.800km. Ngay từ khi đặt chân tới Mỹ tôi đã có ý muốn đến đây để tận mắt thấy cuộc sống của đồng bào mình khi phải xa quê hương, xứ sở. Ngày 22-6-2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Mỹ đã có cuộc gặp với bà con Việt Kiều ở đây. Khách sạn Xanh Re-gít chật cứng người đến đón chào Chủ tịch. Bằng tấm lòng chân thành, Chủ tịch nói: "Chúng ta là người VN, dù quá khứ có thế nào đi nữa bây giờ hãy đoàn kết, yêu thương nhau bởi vì chúng ta cùng có chung một mẹ hiền VN. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng đất nước vững vàng và giàu mạnh". Buổi nói chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay và cả những giọt nước mắt.
Quận Cam trước đây chỉ là một vùng đất khô cằn, hoang vắng, thỉnh thoảng mới có một vài người trồng cam. (Có lẽ vì thế mà người ta gọi là Quận Cam). Nhưng từ sau tháng 4 năm 1975, một số đồng bào VN sang định cư tại đây, dần dần ngày càng đông người tới sinh cơ lập nghiệp, "mở mang bờ cõi" trở thành một vùng dân cư đông đúc với hàng trăm ngàn người, làm đủ các ngành, nghề từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ, buôn bán, nhiều khu phố mới được mọc lên, sầm uất, thu hút cả người Mỹ, người Mễ (Mê-xi-cô) đến làm ăn, sinh sống mà người Việt gọi họ là những "ngoại kiều". Các cửa hàng, cửa hiệu ở đây toàn viết biển hiệu bằng tiếng Việt như: Đặc sản Nam Bộ, Hủ tiếu Trường Sinh, Bánh Tôm Hồ Tây, Bánh Xèo Huế, Đệ nhất Cơm tấm, nhà hàng Hà Nội v.v.., vào các siêu thị, các tiệm ăn đều của người VN cả, các xe buýt chạy trên đường cũng nhiều người VN lái, ngay cả các trạm đợi xe buýt cũng làm theo kiểu dáng VN, Trung tâm thương mại Phúc - Lộc - Thọ lớn nhất ở đây cũng xây dựng theo phong cách VN.
Chiều hôm mới đến, chúng tôi vào ăn ở cửa hàng "Đệ nhất cơm Tấm", một bữa ăn thật ngon và rẻ, chỉ có 6,5 USD một xuất, nếu ở Oa-sinh-tơn giá phải gấp đôi mà không thể ngon bằng ở đây, thật xứng đáng là "Đệ nhất ...". Khí hậu ở đây giống hệt Hà Nội, nên mùa đông mà cây cối vẫn xanh tốt. Nhà dân hầu hết đều một tầng, phần vì đất rộng, phần vì lo động đất nên rất ít nhà hai, ba tầng. Chúng tôi ở trong một gia đình Việt kiều quê Nam Định di cư vào Nam năm 1954, mới sang Mỹ năm 1991, gia đình có một cây quít chĩu quả, chín vàng như quít  trồng ở Quảng Bá, Nhật Tân vậy.
Cả ngày dạo chơi trên phố Bôn-sa, một đường phố lớn mà hầu hết do người Việt kinh doanh buôn bán. Vào một tiệm cà phê, trong sân đỗ đầy xe con loại đắt tiền toàn là của người VN. Anh Thu nói nhỏ: Những loại xe xịn này nhiều người Mỹ mơ ước đấy. Nhưng không phải người Mỹ nào cũng thích người VN giàu có đâu. Đi dọc phố, chúng tôi thấy nhiều biểu tượng về đất nước được trang trọng dựng lên như: "Đoàn kết và phát triển", hoặc những khẩu hiệu chính trị mang đậm tinh thần dân tộc được viết trên những tấm băng rôn lớn "Hoàng Sa, Trường Sa là của VN". Dù sống nơi đất khách quê người nhưng đồng bào ta không bao giờ quên dân tộc, quên Tổ quốc.
Đi trên mảnh đất hoàn toàn xa lạ, những người tôi tiếp xúc chưa bao giờ quen, vậy mà sao thấy thân thiết, gần gũi như đi trên chính quê hương mình, gặp lại những người từng sống với nhau như bè bạn.
Trưa ấy chúng tôi vào tiệm ăn "Hà Nội Restaurant", là người Hà Nội, xa Hà Nội khá lâu, mấy hôm nay lại được sống với đồng bào mình ngay trên đất Mỹ vui quá. Khi bước vào tiệm, từ ông chủ đến nhân viên phục vụ đều nói tiếng Bắc, thái độ niềm nở, bài trí trong tiệm toàn phong cảnh Hà Nội từ Tháp Rùa, Chùa Một Cột, đến các bức tranh treo trên tường đều mang đậm chất văn hoá Thăng Long, tôi thật xúc động, nước mắt trào ra. Cháu Chính đi cùng hỏi: Bác làm sao vậy? Tôi nghẹn ngào không trả lời được, cháu bảo: Mới có vậy mà bác đã xúc động rồi,  nếu bác ở đây vào dịp Tết cổ truyền VN sắp tới, bác sẽ phải khóc nhiều". Tôi hiểu ra rằng đồng bào mình dù đi đâu, ở đâu vẫn hướng về quê hương, đất nước nơi chôn rau, cắt rốn của mình.
Buổi chiều đến thăm gia đình bác Từ, trước đây là thiếu tá cảnh sát của chính quyền Sài Gòn. Sau 8 năm đi học tập, cải tạo, năm 1990 bác đưa gia đình sang định cư tại Mỹ theo diện H.O, hiện nay hai bác sống bằng tiền Chính phủ Mỹ trợ cấp mỗi tháng 800USD/người. Tuy đã 72 tuổi nhưng dáng người vẫn chắc nịch, nhanh nhẹn và vui tính. Bác rất cởi mở khi tâm sự: "Tôi sang Mỹ chỉ vì tương lai của các cháu thôi ông ạ và mong các cháu sau này sẽ trở về góp phần xây dựng đất nước.
Cơm nước xong, bác lấy xe ô tô đưa tôi đi xem khu Đit-xnây-thao, một khu vui chơi, giải trí rất đẹp ở Lốt An-giơ-lét. Khi chia tay bác Từ thân mật hỏi tôi: ở bên nhà ông làm gì? Tôi trả lời làm giáo viên. Bác cười tế nhị rồi bắt tay tạm biệt. 
Thành phố giữa sa mạc 
Lát Vê-gát, thuộc miền Nam tiểu bang Nê-va-da, giáp với tiểu bang Ca-li-foóc-ni-a, là thành phố ăn chơi nổi tiếng, trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới. Nhưng Lát Vê-gát cũng nổi tiếng về sự lao động sáng tạo của con người làm nên những kỳ tích khi xây dựng nên thành phố này. Xung quanh Lát Vê-gát với bán kính hàng trăm cây số chỉ có sa mạc và sa mạc, con đường từ Lốt An-giơ-lét đến Lát Vê-gát dài 500km toàn đất cát khô cằn và đồi núi trọc, khí hậu rất khắc nghiệt, ban ngày nắng nóng, nhưng ban đêm lại lạnh dưới không độ, mỗi năm chỉ có mấy ngày mưa, nước dùng trong thành phố phải lấy từ một nhà máy thủy điện cách đó 300km. Vậy mà con người đã biến một vùng hoang mạc này thành một thành phố lộng lẫy, thơ mộng, đầy cây xanh, hồ nước với những kiểu dáng kiến trúc vô cùng phong phú, đa dạng và hiện đại.
Lát Vê-gát chỉ có 1,5 triệu dân, nhưng mỗi năm đón trên, dưới 50 triệu du khách. Hiện nay do tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu, lượng khách du lịch giảm đi 2/3 so với các năm trước, tuy nhiên mỗi ngày vẫn đón khoảng 50.000 người đến thăm. Sân bay Lát Vê-gát cứ 2 - 3 phút lại có một chuyến bay hạ cánh. Lát Vê-gát có hơn 100 khách sạn từ 3 đến 5 sao. Thế giới có 250 khách sạn sang trọng nhất, thì Lát Vê-gát chiếm tới 1/10, trong đó có khách sạn Palazo cao 50 tầng với 7.000 phòng là khách sạn lớn nhất, sang trọng nhất thế giới. Giá thuê phòng năm ngoái là 1.000USD/ngày đêm. Chúng tôi ở khách sạn này bây giờ với giá chỉ 400USD. Nhưng nhờ chị Hòa có người bạn là cổ đông của khách sạn nên giá thuê phòng được giảm 75% chỉ còn 100USD/ngày đêm.
Phòng chúng tôi ở khá rộng, có 2 tivi 29 in và  một tivi 19 in trong phòng tắm, có máy vi tính để làm việc, có điện thoại ngay trong nhà vệ sinh... Lần đầu tiên trong đời, tôi được ở khách sạn 5 sao sang trọng nhất thế giới.
Tầng một của khách sạn là một sòng bạc lớn rộng khoảng hơn một héc-ta, có thể vài ngàn người cùng chơi một lúc với đủ các loại bài Tây, bài Tàu, bài quân, bài lá và đánh bài bằng nhiều loại máy. Có loại chơi vài đồng, vài chục, đến vài trăm USD, nhưng cũng có loại một xu chơi cũng được, để thu hút mọi đối tượng bất kể người ít tiền hay nhiều tiền đều có thể vào sòng bạc và chơi đến đồng xu cuối cùng.
Tôi thử chơi hai lần, một lần được 29 USD và một lần được 5 USD, nếu đánh tiếp chắc chắn sẽ nhẵn túi, nên tôi ăn non không đánh nữa và qua hai lần chơi tôi đều thấy có hiện tượng lạ là khi chiếc kim quay đến sát con số 1.000 thì nó đều dừng lại, khiến tôi nghi ngờ có bàn tay can thiệp của chủ sòng bạc. Chúng tôi cũng chứng kiến một trường hợp có hai khách vào chơi, không hiểu bằng cách nào mà toàn thắng không bị thua ván nào, khiến  chủ sòng bạc phải cho người mời họ thôi không chơi nữa. Các cụ nhà ta bảo: "Cờ gian, bạc lận" cấm có sai.
Để thu hút khách vào sòng bạc, họ đã sáng tạo ra những hình thức quảng cáo vô cùng hấp dẫn. Họ xây dựng những khu khách sạn mang đặc trưng những quốc gia có nền văn hoá, văn minh nổi tiếng như khu khách sạn Ai Cập thì họ xây hẳn một Kim tự tháp đồ sộ và tượng sư tử mặt người rất lớn ở cổng. Khu khách sạn mang đặc trưng Pháp thì họ xây một Tháp Ép-Phen thật cao và một Khải Hoàn Môn thật đẹp. Khu khách sạn mang đặc trưng Thụy Sỹ thì họ đào hẳn một dòng sông trong khách sạn với những cầu bắc qua và những con thuyền chở du khách đi tham quan y như ở thành phố Vơ-ni-dơ thu nhỏ. Buổi tối, đứng ở tầng hai nhìn lên thấy cả một bầu trời trong xanh, cao lồng lộng, với những đám mây trắng lững thững bay, như đứng ngoài khoảng trống nhìn lên bầu trời chứ không phải đứng trong nhà. Anh Thu nói với tôi: Họ làm như vậy để khách vào sòng bạc không nhận biết được thời gian ngày hay đêm nữa, cứ việc chơi, rồi ăn, rồi lại chơi đến khi nào không còn một đồng xu dính túi thì thôi.
Những khu khách sạn dọc các con đường trong trung tâm thành phố, ngoài hình thức quảng cáo bằng ánh sáng đủ màu sắc, các hình tượng ly kỳ, độc đáo, họ còn nghĩ ra bao nhiêu hình thức quảng cáo khác để thu hút du khách như "Nước múa", "lửa múa", những màn trình diễn "tấn công hải tặc", rồi những  quảng cáo bằng màn ảnh cực lớn chạy dài vài trăm mét trên bầu trời giữa hai dãy phố ... Buổi tối đi dạo trên những con đường rực rỡ ánh sáng này, tôi có cảm giác như lạc vào một mê cung, một động tiên nơi trần thế. Dọc hai bên đường là sòng bạc, cả thành phố là một sòng bạc khổng lồ, du khách đến đây chỉ có ăn chơi và... đánh bạc.
Rời Lát Vê-gát, từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy xung quanh toàn sa mạc, băng tuyết phủ trắng xoá, nhưng trong thành phố lại là một rừng cây xanh tươi đầy sức sống do bàn tay con người sáng tạo nên. Người ta nói: Nếu đến Hoa Kỳ mà không đến Lát Vê-gát thì coi như chưa đến nước Mỹ.
 Tự do và tất yếu 
Thiên hạ nói nước Mỹ là "Thế giới Tự do", điều đó đúng một phần, nhưng phải nói thêm một vế nữa, đó là nước Mỹ "sống trong pháp luật". Mọi người dân Mỹ đều sống và làm việc theo pháp luật, mọi hành vi của con người đều được pháp luật điều chỉnh, không phải muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn: Người Mỹ được tự do nuôi gà, nuôi chó nhưng nếu ban đêm để cho gà gáy, chó sủa làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác là bị phạt. Trong nhà có người gây gổ, đánh chửi nhau làm mất trật tự xã hội là cảnh sát đến phạt ngay. Đi ăn nhậu ở nhà hàng không được nói to, hò hét làm ảnh hưởng đến người khác, không có chuyện nốc bia "hai, ba, dô..." như VN. Các phóng viên báo chí được tự do đưa tin, viết bài, từ Tổng thống đến các quan chức Nhà nước nếu vi phạm pháp luật, sa đọa về đạo đức là phóng viên có thể đưa lên mặt báo, không ai được phép ngăn cấm. Tháng 12/2008 Thống đốc bang I-Li-noi, Bờ-la-gô-giê-vích có ý định bán chiếc ghế Thượng nghị sỹ bị bỏ trống khi ông B. Obama thượng nghị sỹ bang này trúng cử Tổng thống, bị báo chí phát hiện, tố giác, cộng thêm một số bê bối khác thế là ông này bị bắt ngay sau đó đã bị bãi nhiệm. Thị trưởng Thành phố Niu Y-oóc bị báo chí tố cáo có quan hệ bất chính với một phụ nữ, vi phạm đạo đức, phải xin từ chức. Cựu Tổng thống Mỹ Ních-sơn phải mất chức vì nghe trộm điện thoại trong vụ Oa-tơ-ghết, Tổng thống Bin Clin-tơn phải ra điều trần trước Tối cao Pháp Viện trong vụ tình ái với một phụ nữ thực tập trong nhà trắng, may mà thoát nạn. Tuy nhiên nếu phóng viên viết bài, đưa tin sai sự thật, vu cáo hoặc xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác, làm lộ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, vi phạm pháp luật là sẽ bị ra tòa và ngồi tù ngay tức khắc. Nghĩa là anh có quyền tự do của anh nhưng phải tôn trọng quyền tự do của người khác, tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp  luật. Đúng như Ăng-ghen nói: "Tự do là tuân theo quy luật của tất yếu". Không có thứ tự do tuyệt đối.
Nước Mỹ đang phải trả giá cho sự "tự do tuyệt đối" của mình. Theo Bộ Tư pháp Mỹ ngày 25/9/2005 cho biết đã xảy ra 5.182.670 vụ bạo lực, tính ra cứ 47 công dân Mỹ thì có một người là nạn nhân. Theo số liệu của "Tổ chức ngăn chặn bạo lực" Mỹ, dân số nước Mỹ hiện nay là 300 triệu người mà có tới 192 triệu vũ khí cá nhân, do đó mỗi năm có gần 12.000 người Mỹ dùng súng giết người, 6 tháng đầu năm thủ đô Oa-sinh-tơn có 194 vụ giết người, thành phố Chi-ca-gô, bang I-Li-noi có 354 vụ, ngày 25-4-2005 một bé gái 14 tuổi đã bắn chết bố mình, ngày 25-12-2005 một người đàn ông sau khi bắn chết mẹ mình đã lái xe ô tô tới nhà một người khác bắn chết 3 người nữa rồi tự sát. Nhiều vụ dùng súng bắn bừa bãi vào học sinh, giết chết hàng chục em gây nỗi kinh hoàng trong các nhà trường ở Mỹ.
Viện nghiên cứu bạo lực gia đình Mỹ cho biết mỗi năm có 1.232 phụ nữ bị bạn tình giết. Năm 2005 có 94.635 phụ nữ bị hãm  hiếp. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết tính đến cuối năm 2005 số trẻ em vị thành niên bị tù đã lên tới hơn 100.000, trong đó có 93% trẻ em phạm tội phải lĩnh án tù chung thân, một điều rất ít thấy ở các nước khác.
Hiện nay nước Mỹ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trầm trọng nhất trong 80 năm qua, khiến cho hơn 10 triệu người thất nghiệp, số người nghèo ở Mỹ tăng lên tới gần 40 triệu người, tỷ lệ người nghèo ở Mỹ cao nhất trong các nước phát triển đến nỗi trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2009 Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nhận xét "Chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, chúng ta đang có một cuộc chiến tranh để chống lại một mạng lưới rộng lớn về thù hận và bạo lực. Nền kinh tế Mỹ đang bị suy yếu vì sự tham lam của một số người, nhà cửa bị mất, việc làm bị giảm, cơ sở dịch vụ chăm sóc y tế quá đắt đỏ, sự băng hoại về đạo đức và lòng tin trong dân chúng... Sự thể canh cánh bên lòng rằng sự suy thoái của nước Mỹ là không thể nào tránh khỏi, đưa đến sự việc là thế hệ kế tiếp phải cam chịu hạ thấp những kỳ vọng của mình..." và ông Ô-ba-ma kêu gọi: "Bắt đầu từ hôm nay chúng ta phải tự mình đứng lên, phủi bụi trên người và bắt đầu làm việc lại, để xây dựng lại nước Mỹ - nước Mỹ sẽ bước vào một giai đoạn mới ...".
 Tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ
Từ ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập năm 1776, đến nay đã trải qua 44 đời tổng thống, nhưng chỉ có hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau giữ chức vụ này. Tôi thật may đã có mặt trong ngày bầu cử tổng thống thứ 44 của nước Mỹ 4/11/2008, mà lần này lại có một ứng cử viên người da màu là ông Ba-rắc Ô-ba-ma với khẩu hiệu tranh cử là "Thay đổi",  bởi thế mọi người nô nức đi bầu, không khí thật sôi động và cũng thật bình đẳng, tự do, ai muốn bầu cho người nào thì bầu, không bị bó buộc, áp đặt. Ngay trong một gia đình cũng có thể chia thành hai phái, phái bầu cho ông Giôn Mac-kên đảng Cộng Hòa, phái bầu cho ông Ba-rắc Ô-ba-ma đảng Dân chủ. Dọc đường những khẩu hiệu vận động bầu cử cũng thật phong phú, trên các xe ô tô cũng dán tên các ứng cử viên, thậm chí trên áo mặc người ta cũng in hình Ô-ba-ma hoặc Mắc-kên. Tại nơi bầu cử người ta còn bày cả cà phê, bánh ngọt... cho cử tri thưởng thức trước khi vào phòng bỏ phiếu.
Nhưng có lẽ sôi động nhất, hồi hộp nhất là buổi tối khi theo dõi kiểm phiếu. Gia đình chị Hòa có 8 người thì 4 người bầu cho ông Mắc-kên, 4 người bầu cho ông Ô-ba-ma. Cho nên lúc ngồi xem kết quả, ai cũng hồi hộp, chờ đợi, mong cho người mình bầu sẽ chiến thắng như ở nhà xem bóng đá VN - Thái Lan vậy. 11 giờ đêm khi biết kết quả ông Ô-ba-ma trúng cử Tổng thống nhiều người Mỹ đã khóc vì sung sướng, khóc vì họ tin ông Ô-ba-ma sẽ là người sáng tạo lại nước Mỹ, sẽ giải cứu cho tâm hồn của một dân tộc đang bị khủng hoảng. Ô-ba-ma sẽ như một ngọn gió ban mai thổi vào nước Mỹ. Tại  Chi-ca-gô nơi gia đình ông Ô-ba-ma sinh sống, khi biết kết quả đã có 200.000 người mở tiệc ăn mừng ngay tại Quảng trường thành phố lúc 12 giờ đêm.
Vì thế, lễ nhậm chức của tổng thống Ô-ba-ma ngày 20/01/2009 cũng đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hôm ấy mặc dù trời lạnh âm 7 độ, nhưng đã có 2,5 triệu người đến dự, nhiều người phải đi đến quảng trường từ 3, 4 giờ sáng để giành chỗ đứng, phải đem theo đồ ăn, nước uống dùng cả ngày. Chính phủ Mỹ đã huy động 10.000 xe buýt, 1.000 toa tàu điện ngầm để chở người các nơi về quảng trường dự lễ. Từ chiều ngày 19/01/2009 người ta đã đóng cửa gần 100 con đường vào Thủ đô Oa-sinh-tơn, cách thành phố 6km mọi người đều phải xuống xe đi bộ. Chính phủ huy động 10.000 cảnh sát, 10.000 lực lượng phòng vệ quốc gia để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho buổi lễ trọng đại này. Ngoài ra, chính quyền thành phố đã cho làm 5.000 nhà vệ sinh di động. Các đài phát thanh, truyền hình đã tường thật tại chỗ buổi lễ nhậm chức này từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Trong lịch sử nước Mỹ, chưa bao giờ có một buổi lễ nhậm chức long trọng và đông người tham dự đến thế, một phần vì đây là lần đầu tiên có một người Mỹ gốc Phi được bầu làm Tổng thống, nhưng điều quan trọng hơn là người ta yêu mến, kính trọng và tin tưởng ông Ô-ba-ma sẽ là người làm thay đổi nước Mỹ, góp phần làm thay đổi thế giới.
Báo chí quốc tế đã bình luận : Việc lựa chọn ông Ô-ba-ma làm Tổng thống đã làm cho nước Mỹ lớn lên một lần nữa trước thế giới, nó làm tỉnh giấc nhiều người và nhiều dân tộc, nó đánh thức những giấc mơ, niềm hy vọng và đức tin của con người nói chung và người Mỹ nói riêng. Ô-ba-ma sẽ vượt qua chức phận của một Tổng thống thông thường để trở thành người dẫn đường cho nước Mỹ trong một thời đại mới.
*
*          *
Khép lại những trang ghi chép này, từ đáy lòng mình tôi xin chân thành cảm ơn anh chị Thu - Hà cùng các cháu, anh Nguyễn Quốc Hân, các con Jê-ri Dũng và hai cháu nội, đã dành cho tôi sự chăm sóc ân cần và những tình cảm sâu nặng, trìu mến trong những ngày tôi được sống ở Hoa Kỳ. Nếu không có những người thân yêu giúp đỡ, tài trợ thì không thể có chuyến đi dài ngày  "La cà trên đất Mỹ" đáng nhớ như thế. Tôi mong được có ngày gặp lại.
Hà Nội, 03/3/2009
Nguyễn Mạnh Hà

 Đăng ngày 09/04/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: BẠN ĐỌC - 09/04/2009

Bài viết rất hay. Có lẽ đây là bài hay nhất viết về nước Mỹ. Bài cho chúng ta rất nhiều thông tin. Ông Mạnh Hà không phải là nhà văn, cũng không phải nhà báo, nên không biết bịa đặt, hư cấu. Ông ấy thấy sao thì viết vậy. và vì thế bài viết rất hay vì có nhiều lượng thông tin mà tôi nghĩ, những nhà lãnh đạo, những người tâm huyết với nước nhà cần phải đọc bài này. Trông người mà ngẫm đến ta. Đọc mà đau đớn. Viết giỏi quá ông mạnh Hà ạ.
  Gửi bởi: Đặng kim Toàn - 11/04/2009

Đây là một bài viết trung thực nhất về "đời thường" của nước Mỹ mà tôi được đọc. Một điều tôi muốn "thêm" rằng, những tiện nghi sinh hoạt cho cuộc sống hằng ngày người giàu có gì thì người nghèo có nấy nếu có khác chăng chỉ khác về giá trị thí dụ vật dụng của người giàu loại đắc tiền của người nghèo loại rẻ tiền chẳng hạn. Đó là điều mà nhiều nước trên thế giới chưa làm được. Ước gì mai kia nhà của người nghèo nhất cũng giống như nhà bác LKP thì đó chính là hồng phúc của dân tộc. Cảm ơn tác giả và anh Xuân Đức.
  Gửi bởi: VŨ DUY - 12/04/2009

Tôi xin cám ơn nhà văn nhà báo Mạnh Hà (Tôi gọi ông là nhà văn, nhà báo vì ông viết hay hơn rất nhiều ông nhà văn nhà báo) đã cho bạn đọc biết rất nhiều thông tin quý. Cứ qua những thông tin trung thực này và xéttreen các tiêu chí của Chủ Nghĩa Xã hội thì rõ ràng nước Mỹ đang tiến lên Chủ nghĩa Xã Hội rồi, còn rất nhiều các quốc gia khác đang lùi dần về xã hội tư bản mông muội. Tôi rất hy vonhj ở đồng chí Obama, và các ngài cai quản các nước XHCN cũ cần đọc bài này để điều chỉnh quốc gia đừng đi trệch hướng. Chủ nghĩa Xã hội là đây chứ còn đâu.
  Gửi bởi: LÊ TIẾN HỢI - 12/04/2009

Hoan hô nghệ sĩ Mạnh Hà
Chỉ qua ba tháng "la cà" chu du
Vung tay "múa" xóa sương mù
Rỡ ràng nước Mỹ hiện như ban ngày
Ai từng đi đó đi đây
Thiên đường trên cõi đời này chẳng xa
Hoan hô nghệ sĩ Mạnh Hà
Mong anh "múa" tiếp ngày ba bốn bài
Làng văn đâu kém anh tài
Đọ bài mà sướng như ai cho vàng
Cảm  ơn quán trúc Lão Trang
Cho ta nháy chuột là sang Hoa Kỳ...

  Gửi bởi: Trạng Vĩnh Hoàng - 17/04/2009

"Tổng thống, hãy để cháu phỏng vấn ngài!"
16/04/2009 06:46 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Cả cô giáo và các ngôi sao bóng rổ đồng hương đều cho là Tổng thống Obama nên chấp nhận lời đề nghị phỏng vấn của Damon Weaver vì chàng "phóng viên 10 tuổi" này rất thông minh và lịch sự.

Đó là câu chuyện xảy ra cuối năm ngoái, trước khi ông Obama chính thức nhậm chức, đã khiến công dân mạng hết sức thích thú, trước hết vì lời đề nghị táo bạo này đến từ một học sinh tiểu học.
Tổng thống có thể thành "chiến hữu" của cháu
Tháng 12 năm ngoái, khi ông Obama đang chuẩn bị cho buổi lễ nhậm chức ngày 20/1/2009, cậu bé Damon Weaver đã gửi lên YouTube một đoạn video dài 4 phút mời Tổng thống mới đắc cử tham gia một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của trường mình.
Mở đầu đoạn video, cậu bé dõng dạc tự giới thiệu: "Xin chào Tổng thống đắc cử Obama, cháu là Damon Weaver và cháu sẽ phỏng vấn ngài". 

Đứng trước ngôi trường của mình, cậu bé nói tiếp: 
"Cháu học lớp 5 và cháu 10 tuổi. Cháu học ở trường tiểu học Kathryn E. Cunningham (KEC) vùng Canal Point, thuộc bang Florida, với những trang trại trồng mía rộng mênh mông và tình yêu dành cho môn bóng bầu dục".
Để Tổng thống yên tâm về nghiệp vụ báo chí của mình, Damon tự hào khoe: "Chắc ngài đã trông thấy cháu rồi, trên YouTube và CNN, khi cháu phỏng vấn "chiến hữu" của cháu - Phó Tổng thống đắc cử Joe Biden". 

Những thông tin trên mạng cho thấy ông Biden cao lớn trong bộ vét lịch lãm phải cúi xuống để trả lời trong khi Damon bé nhỏ tự tin giơ cao micro. Cậu bé trông rất gọn gàng và đĩnh đạc trong chiếc áo sơmi xanh và chiếc cà vạt đẹp không kém cà vạt của ông Biden. Sau cuộc phỏng vấn ấy, cậu bé tặng ông danh hiệu "chiến hữu" -
homeboy - mà cậu thường dành cho những người "anh em tâm đầu ý hợp".
Damon có phong thái tự tin và năng nổ như thể đã làm báo nhiều năm. Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên khi cậu có cả một êkíp "chuyên nghiệp" cùng làm việc - studio làm tin của trường tiểu học KEC. Đó là "nơi những điều kỳ diệu xảy ra!" - Damon trìu mến giới thiệu.

Studio bé nhưng có đủ trường quay, phòng dựng, trang thiết bị và đều do học sinh tự vận hành. Kênh truyền hình KEC TV phủ sóng tất cả 500 học sinh của trường.
Để thuyết phục ông Obama, Damon đem câu hỏi "Tại sao Tổng thống nên để cháu phỏng vấn ngài?" đi hỏi những người lớn mà cậu tin tưởng. Cô giáo môn tập đọc của Damon cho rằng ông Obama nên nhận lời phỏng vấn vì "em đại diện cho trường chúng ta cũng như cộng đồng của chúng ta. Em rất lịch sự và thông minh".
Damon còn tìm đến cả những nhân vật "có trọng lượng" để kêu gọi sự ủng hộ - các cầu thủ bóng rổ của đội Miami Heat. Lý do là ông Obama thích chơi bóng rổ, chứ không phải bowling - bằng chứng là đoạn video cho thấy Tổng thống đã cho quả bowling lăn thẳng... xuống rãnh. Không biết cậu bé đã "mò" ở đâu ra đoạn video thú vị đó.
Ngôi sao Dwyane Wade của đội Miami Heat khẳng định Tổng thống rất nên nhận lời Damon vì cậu bé "diễn thuyết tốt, ăn mặc đẹp (Damon lúc đó đang đóng bộ comple cà vạt rất chững chạc)" và cậu bé "cũng da màu như ông".
Shawn Marion, một ngôi sao khác của đội Miami Heat cũng tin rằng ông Obama sẽ nhận lời vì "ông ấy nổi tiếng, biết mọi thứ và là một người trung thực".
Cậu bé còn láu lỉnh đề nghị hai cầu thủ nổi tiếng tổ chức đấu bóng rổ "tay đôi" với Tổng thống và "giả vờ thua" để ông nhận lời cậu. Nhưng Dwyane lắc đầu: "Xin lỗi bé, anh không làm thế được. Anh sẽ không để Tổng thống đánh bại anh".

Và cậu bé tặng cầu thủ tấm ảnh cậu đang phỏng vấn ông Joe Biden với dòng chữ viết tay ngộ nghĩnh: 
"Tặng Dwyane, giờ anh cũng là chiến hữu của em. Bạn anh, Damon Weaver".
Cậu bé thông báo cho Tổng thống rằng cậu sẽ có mặt ở Washington trong suốt tuần lễ diễn ra lễ nhậm chức của ông và sẵn sàng phỏng vấn ông bất cứ lúc nào và ở đâu trong khoảng thời gian đó. Cậu "câu kéo" Tổng thống: "Ai cũng có thể trở thành chiến hữu của cháu như Joe Biden, chỉ cần ngài đồng ý trả lời phỏng vấn".
Kết thúc đoạn video, các bạn cùng lớp của cậu bé cùng hô vang"hãy để Damon phỏng vấn ngài!" nhằm gửi thông điệp này tới Tổng thống Obama.
Cuộc phỏng vấn với Phó Tổng thống Joe Biden

Damon nhỏ nhắn, có đôi mắt sáng, nụ cười tươi và ăn mặc rất lịch sự mỗi khi lên hình. Đôi lúc cậu bé cũng nói vấp và ngượng nghịu nhưng cậu không hề run khi đứng trước máy quay và cầm micro phỏng vấn những người cao lớn hơn mình rất nhiều. Phó Tổng thống Joe Biden đã tỏ ra rất thoải mái khi trả lời phỏng vấn dù ông luôn phải cúi xuống.
Cuộc phỏng vấn này diễn ra ở quận Palm Beach khi ông đến đây tranh cử. Damon cùng với êkíp quay phim đã triển khai máy móc sẵn sàng ở khu vực ông Biden sẽ phát biểu. Cậu bé tác nghiệp năng nổ không thua kém các nhà báo chuyên nghiệp khiến các đồng nghiệp lớn tuổi rất thích thú. Một phóng viên truyền hình tên Tim còn tận tình hướng dẫn cậu cách cầm micro và nói trước máy quay. Tim sau đó cũng trở thành chiến hữu của Damon.
Cậu bé "bắt" được ông Biden sau khi ông diễn thuyết xong và đề nghị ông giải thích cho các bạn cùng trường của cậu về công việc của Phó Tổng thống.

Ông Biden diễn giải đơn giản: 
"Phó Tổng thống giúp Tổng thống thẳng cử và giúp Tổng thống điều hành chính phủ. Phó Tổng thống phải làm việc chăm chỉ để giúp Tổng thống đưa ra những quyết định khó khăn như có nên tham gia chiến tranh không, có nên đầu tư thêm cho giáo dục để các em nhỏ đều có cơ hội học đại học không... Vì bác làm Thượng nghị sĩ cũng lâu rồi nên cũng biết chút ít, công việc của bác là nói với ông Obama "cái này anh sai rồi" hay "anh nghĩ sao về việc này"..."
Nhà báo nhỏ sẽ trở thành nhà báo lớn?
Có lẽ ông Obama quá bận rộn nên đã không nhận lời Damon, nhưng cậu bé vẫn có mặt trong ngày nhậm chức của ông trong bộ vest đen bóng bẩy.

Cậu đã gặp "Nữ hoàng talkshow" Oprah Winfrey và hỏi bà về công việc phỏng vấn và dẫn chương trình. Người dẫn chương trình nổi tiếng khuyên Damon hãy duy trì tình yêu đối với công việc, luôn tò mò về những người xung quanh để hiểu họ hơn.
Bà cũng tranh thủ giành lấy micro để phỏng vấn lại người đồng nghiệp nhỏ tuổi: "Cháu thích nhất điều gì ở buổi lễ nhậm chức sắp diễn ra?". 

Damon trả lời: 
"Điều cháu thích nhất là vị Tổng thống da màu đầu tiên sẽ tuyên thệ vào Nhà Trắng và cháu nghĩ điều đó thật tuyệt (cool!!!)".
Cậu bé đứng lọt thỏm giữa những người lớn sang trọng đang háo hức với buổi lễ lịch sử trọng đại, nhưng ngay lập tức đã khiến tất cả mọi người chú ý.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, bà hoàng truyền thông tặng cậu một "kinh nghiệm xương máu": 
"Cháu không bao giờ được để người khác giành mất micro nhé, phải luôn giữ chặt micro của mình".
Chắc chắn Damon còn phải học nhiều để trở thành một người phỏng vấn thực thụ. Nhưng cậu bé hoàn toàn có thể tự hào với danh sách những nhân vật nổi tiếng cậu đã phỏng vấn.

Ngoài Phó Tổng thống Joe Biden và Oprah Winfrey còn có Caroline Kenedy - con gái cố Tổng thống Mỹ Kenedy - khi cô tham gia chiến dịch tranh cử của ông Obama. Cả ngôi sao điện ảnh Samuel L. Jackson, nhà báo David Gregory của truyền hình NBC, nhà làm phim nổi tiếng Spike Lee, Thần tượng âm nhạc Mỹ 2007 Jordin Sparks... cũng đã trả lời phỏng vấn của Damon.

Cậu bé còn được lên truyền hình CNN, Fox News và MSNBC, được phỏng vấn và phỏng vấn lại những nhà báo gạo cội.
Với sự tự tin, mạnh dạn, năng động và yêu nghề hiếm có ở một cậu bé 10 tuổi, biết đâu trong tương lai, Damon sẽ trở thành một nhà báo tài năng và danh tiếng như chính những đồng nghiệp lớn mà cậu bé từng phỏng vấn.

Chẳng phải người dẫn chương trình nổi tiếng Larry King khi trò chuyện với Damon đã chia sẻ rằng ông muốn trở thành nhà báo, muốn lên sóng phát thanh khi chỉ mới 5 tuổi. Ông tin rằng nghề báo là nghề tuyệt vời và cậu bé Damon cũng sẽ "có một công việc giống như ông" một ngày nào đó.
* PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Các chính sách phương Tây có định kỳ là họ mở cửa Quốc hội cho trẻ vào xem. Ở Nhật cũng vậy, người ta hay dẫn con cái đến công sở giới thiệu đây là bàn làm việc của Tỉnh trưởng, Tỉnh phó. Ở nhiều nước, họ coi quyền lực là của công chứ không phải là cái "oai" của bà nào đâu.

Trên cổng vào lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc có chữ: "Thiên hạ của công." Ở Đức có chương trình cho con hiểu trách nhiệm của bố. Đôi khi người ta mở những buổi cho con đi lái tàu cùng với bố để con hiểu được công việc của bố hơn.
Còn ở Việt Nam thì quyền lực vẫn như là một thứ bí hiểm lắm. Ngay cả đối với người lớn, ít ai dám có nguyện vọng được gặp Tổng Bí Thư hay Thủ tướng để mạn đàm, huống chi là trẻ em. Bởi vì không ít chính khách nước ta không còn quen nghệ thuật thân thiện với dân chúng.

Hiếm thấy lãnh đạo các cấp thời nay gặp thường dân, như Cụ Hồ đã từng lặn lội những ngày Tết đến thăm bà gánh nước, hay những gia đình bần cùng ở Hà Nội. Nhiều cuộc viếng thăm của quan chức mình bây giờ đầy kế hoạch và tính toán. Cái thô mộc, cái đơn sơ nó không còn nữa.

Trống dong, cờ mở, còi hú trên, dưới, bảo vệ vòng trong vòng ngoài trong các cuộc này... làm cho dân chúng cảm thấy quan chức bây giờ là một giới xa cách đối với họ. Điều này không phải chỉ bây giờ mới có...

Khi tôi vào Đại Nội (Huế), thấy trước mặt đức vua ngồi lại có đỉnh đồng, tôi hỏi căn nguyên thì cô hướng dẫn viên ở đây bảo rằng để hương khói. Tôi lại hỏi vua còn sống sao lại hương khói. Cô này giải thích là để đốt cho hương khói bay lên khiến cho dân chúng, quần thần không được nhìn rõ nhà vua khi ngồi chầu mà chỉ được nhìn thấy quyền lực của nhà vua thông qua đám sương mù. Tôi sợ cái khái niệm ẩn dụ đấy nó vẫn còn.

(Theo bài 
"Nước Việt cần nhiều những Damon Weaver" - Thể thao & Văn hóa Đàn ông)


  Gửi bởi: Bình tân - 17/04/2009

giá mà nhận thức của các quan chức VN như bác đây thì thật mừng. Tư bản xấu xa lắm học nó là hỏng...
  Gửi bởi: Chaudh - 17/04/2009

Lão Trang yêu quý! Vậy là đã mấy tháng cháu về quê. Quả thật thời gian trôi nhanh như chuột chạy trên xà. Kể từ ngày anh Tễu bỏ sang Tàu theo gái bỗng nhiên cháu cũng thất tình, hay nói đúng hơn là mất niềm tin vào tình iêu nên về quê cày cuốc trồng cà cho khuây khoả. Thế nhưng mỗi độ cà ra hoa, nhìn màu tím phơn phớt thủy chung cháu lại thấy nao lòng. Giờ thì cháu hiểu ra rằng con người ta phải sống thực tế chứ đừng trên mây trên gió để người khác xúi dại lão ơi. Bằng chứng là khi còn hẹn hò, anh Tễu rủ cháu về quê trồng cà sinh sống nhưng cà đã ra hoa mấy độ mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghe tin sắp tới dự án Bô-xít triển khai cháu mừng quá vì lúc đó đất đỏ Ba-zan sẽ về định cư ở đồng bằng, thành phố Lão ơi. Thế nên sáng nay cháu khăn gói quả mướp ra TP mua hạt giống chè và càphê về để dành, đợi lúc đất đỏ ồ ạt tuôn về đây là cháu trúng to. Con người ta phải có tầm nhìn xa trông rộng đúng không Lão? Nếu trúng mùa 2 thứ đó cháu sẽ đưa Lão sang Mỹ chơi để xem bác Mạnh Hà nói có đúng không? Sở dĩ cháu không tin vì cháu nhớ đã lâu lắm rồi, từ cái ngày cháu còn chơi kiểu mô-đen có áo không quần, ba cháu đã nói rằng bọn tư bản đang giãy chết. Đến lúc anh chị cháu đi học cũng nói là tư bản đang giãy chết. Và đến khi cháu đi học thấy cũng nói vậy nhưng rồi sau đó vì chờ mãi không thấy ai đưa ma chúng nên cháu cũng quên luôn. Vậy nên thấy bác Hà kể là nó đang sống, mà thậm chí là sống khỏe nên cháu không tin. Giãy chết lâu lắm rồi mà chưa chết thì quả là kì quặc. Bọn này sống dai hơn cả phim VN ta, trước khi chết còn nhỏm dậy ca cải lương mấy bài nữa mới nằm im là cháu đã thấy khiếp lắm rồi. Hi, hi...
Lão Trang có khỏe không? Sáng nay ghé qua quán cháu không thấy Lão đâu. Tần ngần định đi nhưng rồi lại thấy không đành lòng nên cháu đành trở lại. Cái bài treo cổ của Lão thế mà làm bao kẻ lo ngay ngáy, mất ăn mất ngủ Lão Trang hè? Nếu gặp Tễu đâu thì nhờ Lão treo cổ hắn hộ cháu luôn.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan