Thursday, October 15, 2015

LÁNG GIỀNG - Truyện

Tác giả: Trần Hữu Đạt

Nhà Hiền râu và chị Nẩm ở cạnh nhau, nên hễ cần gì là chị Nẩm lại chạy sang nó nhờ vả. Vợ chồng Hiền Cúc lại là người có tiếng là giàu có, nhưng phóng khoáng. Nên không riêng gì chị Nẩm, mà cả làng này mọi người vẫn thường qua lại nhà nó chơi.      


                        
Nhà chị Nẩm thuộc vào diện khó khăn nhất xóm. Chồng chết, một mẹ và hai con nuôi nhau bữa ăn bữa nhịn. Chị phải lận đận chạy, chợ, buôn thêm phế liệu, mới đủ đắp đỡ qua ngày. Tài sản của gia đình chị cũng chả có gì ngoài hai chiếc xe đạp cà tàng.
 Nhà thằng Hiền thì ngược lại, vườn trong, vườn ngoài, cộng thêm vài mẫu ruộng nhận khoán, năm nào cũng đạt sản lượng cao ra, nó còn có cả máy cày, máy phay để đi cày thuê, làm mướn khi nông vụ tới. Hết vụ, nó lại quay qua làm mộc, làm vườn... Vì thế trong nhà nó, khi nào cũng bộn tiền, bộn lúa, công việc tất bật.
Nó giàu là phải, vì bất cứ ai bán cái gì có giá là nó mua tất. Từ mảnh ruộng cằn cỗi, cho tới ao cá, mảnh vườn. Nói chung ai có nhu cầu cung, là nó lại chạy vạy mua tất. Người ta làm thì bể mánh. - Không có ăn. Nhưng khi đến tay nó thì mùa nào cũng thắng lợi.
Ví như cái ao của nhà ông Bẻo gần ngay bờ sông, thả cá thì có, mà không khi nào vớt lên, bán đủ số tiền cá giống và thức ăn. Không phải vì ông siêng ăn nhác mần chi. Mà do bọn kẻ chài ở gần đó. Chúng cứ chờ lúc ông đi khỏi là liền lẽn vào chích điện trộm. Thậm chí có khi chúng còn nhổ cả cọc cừ, dùng lưới vét sạch. Ba, bốn vụ liên tục, vụ nào cũng vậy, đến ngày ra tháo nước để bắt cá. Cha con háo hức bao nhiêu thì đến khi hồ cạn, đáy phơi ra. Tất cả nhảy xuống, mò mãi, mò mãi... chả thấy tăm hơi cá đâu.  Vợ chồng thì cứ phải nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt.
Bực mình, ông gọi Hiền râu sang "gả" quách. Ai cũng bảo:
- Cái thằng ngu. Không biết cái ao đó không cho ăn, nên lão Bẻo mới rao bán. Chả ai mua sao lại dính vào.
Thằng Hiền cười hì hì, thản nhiên chìa tiền ra cho ông Bẻo đếm đủ. Có lẽ là nó ít đi chơi, ít giao du, nên không biết là lão Bẻo đang lừa nó. Cũng có khi giàu, hay tính toán nhiều quá... mà đâm ra quẩn trí, hóa đần.
 Nhưng còn một lý do thứ hai nữa mà ai cũng muốn ưu tiên bán cho nó. Bởi nó ít khi trả giá, người bán nói mấy, là nó liền đưa mấy khôn nợ nần không dây dưa.
Nhận ao, bước đầu, Hiền cho vét lại tất cả và bắt cho hết cá. Đồng thời đắp lại bờ cho chắc chắn.
Tiếng là nạo vét lại ao cho có cái cớ, chứ còn gì dưới ấy mà vét. Bởi sau khi kẻ chài chích điện nhiều lần, còn con cá nhỏ nào là bố con ông Bẻo đã tận dụng sạch.
 Nhưng dù sao hắn cũng làm một mâm cỗ to để cúng thổ thần đất dai. Nhưng đó cũng là lý do để mời tất cả anh em, bạn bè đến ăn nhậu. Thành phần mời ngoài anh em họ hàng ra, còn có cả mấy thằng kẻ chài ở xóm bên.
Hiền lại bảo vợ chuẩn bị sẵn mười con cá to, nhốt trong cái lồng lưới, thả xuống ao, cho nó tự do quẩy đuôi bì bỏm, để lấy hên.
Ăn cỗ mà không phải mất một xu đã đành, lúc ra về, tay kẻ chài nào cũng được xách theo một con cá to bằng bắp vế. - Thật là sung sướng. Chả hổ danh tên đại gia của làng bên.
Thằng Hiền nhìn chị Nẩm cười bảo:
 - Hay là chị với mấy cháu đừng chạy đi buôn phế liệu nữa, mà sang làm thuê cho tui.
- Làm thuê cho chú? Mần răng đủ cho mấy mẹ con tui nuôi nhau?
- Tôi đảm bảo là sẽ trả ngày công chị bằng lương của công nhân xây dựng.
- Xì! Có mà... Bờm. Thôi! Khi mô cần, chú nói, tui làm thời vụ cho, còn rãnh rỗi, để tui đi sắt vụn kiếm vài đồng tiêu. - Nói rồi chị Nẩm vùng vằng ra về.
Khi về đến nhà, chị Nẩm lại phun mồm ra chửi:
- Mẹ cha nó chứ! Nó bảo tao là đồ làm thuê cuốc mướn cho nó hả? Mày khinh bà hả! Đồ đại địa chủ, đồ tiểu tư sản. Đồ giai cấp bóc lột...
Rất nhiều người nghe. Vợ chồng Cúc Hiền cũng nghe. Nhưng nó lại cười:
•-         Biết đâu, vì câu chửi đó, mà tui với bà làm ra ăn đặng thì sao?
 Thế là hòa cả làng. Người chửi cũng không thấy ấm ức nữa. Người bị chửi cũng thấy bình thường.
Ngày ngày, vợ con nó lại thêm một trọng trách nữa là chở cỏ, phân... ra cái ao gần bờ sông cho cá ăn. Có người hỏi:
•-         Không sợ "Cốc mò, Cò xơi!" hả?
Nó bảo:
- Thằng nào thiếu mà không xin, tự tiện vào, thì chết đừng có trách.
Mọi người vẫn chưa tin vào lời đe của nó lắm. Nó lại bảo tiếp:
 - Đói thì tao đã giúp rồi. Thèm cá thì tao đã dí vào tận mũi bố con nhà nó rồi. Còn gì nữa. Ưa thì cứ nhảy vào. Xin thề có trời đất! Tao không làm gãy được cẵng đứa nào bước qua khỏi hàng rào này, tao không làm người.
Ai cũng hiểu, thằng Hiền nói là có cái lý của nó.
Cuối năm đó, ao cá của nó không bị đánh bắt trộm nữa. Bởi cả bọn chuyên đánh trộm cá, đã được nó cho ăn no, uống say ngay bữa đầu tiên rồi. Có gì nữa mà léng phéng. Hơn nữa, anh em, bạn bè nó đông thế, đụng vào thì ngày chết không kịp ngáp.
 Vì thế mà ao cá của nó năm nay, không hề sơ suyễn. Ai cũng phục cách đối nhân xử thế của nó. Thực chất mà nói từ trước tới nay anh em nó có gây gổ dao to búa lớn với ai bao giờ đâu. Phần lớn là dùng lý tình để thuyết phục mà thôi.
Sáng nay, chị Nẩm lại vừa chạy, vừa chửi:
- Mẹ cha nó chứ! Đòi tiền lúc nào không đòi. Nhè trúng lúc cơm thua gạo kém mà xiết..
Bởi vậy, nên từ khi chị bước ra khỏi nhà và dong một mạch vào nhà Hiền râu, thì ai cũng biết. Chị Nẩm cứ thế chạy xòng xọc vào và thở hổn hển:
•-         Chú! Chú... chú thím sang coi... mua giúp tui chiếc xe.
          Hiền nhìn Cúc cười cười, nói:
          - Chị Nẩm bán xe máy kìa, em sang coi mua giúp chị ấy với.
-Trời ơi! Tui nói gà, chú nói cuốc. Xe máy mô mà tui bán. Ý tui là muốn bán chiếc xe đạp thằng cu đang đi đó. Còn tốt lắm.
Cả Hiền và Cúc cười ngặt nghẹo.
- Nhà cháu mua xe chị mần chi. Xe máy hai chiếc còn để nhện nó làm tổ đó mà. Hơn nữa bán xe đi, thì thằng cu lấy chi mà đi học.
- Thì bí, tui mới bán. Mẹ cha nó, đi học chi mà tốn tiền rứa không biết! - Chị Nẩm chửi rồi nói tiếp:
- Tui phải bán, để nộp tiền học phí cho con tui.
- Ơ ơ...! Nhà chị thuộc diện hộ nghèo mà. - Hiền ngạc nhiên hỏi.
- Nghèo là nghèo với Nhà nước, với toàn dân, chứ có nghèo với hội phụ huynh học sinh mô. Họ vẫn bắt tui nộp như thường.
- Hứ... thế hả? Vậy thì cần mấy tiền, tôi cho chị mượn tạm vậy. Tui không mua xe đạp đâu. Mua làm chi! - Hiền nói và nhìn Cúc với vẻ dứt khoát.
Chị Nẩm tỏ vẻ thất vọng, ngồi bệt xuống thăn thỉ:
 - Cô chú cho tôi mượn quá nhiều rồi, chưa trả xong. Mà tui có giúp chi được cô chú đâu. Nể quá. Ai đời có chi là chạy sang mượn liền. Tui thấy xấu hổ quá. Thôi thương tui, cô chú mua giúp cho tui chiếc xe, để tôi an tâm. Có năm trăm ngàn đồng thôi mà.
 Hiền cười:
- Thôi tui đồng ý mua, nhưng gửi lại ở nhà chị. Khi nào cần, chị hoặc thằng cu cứ lấy mà đi. Nhớ bảo quản cho tui. Nếu muốn chuộc lại, đem đúng số tiền này trả lại, là ô kê.
Vậy là chị Nẩm cầm năm trăm ngàn đồng le te chạy về, miệng lẩm nhẩm:
- Mẹ cha nó chớ! Chiếc xe đạp bán với giá năm trăm ngàn đồng, mà còn làm bộ chê ngược chê xuôi. Đúng là giai cấp bóc lột. Đồ tiểu tư sản...
Thằng cu nói:
- Trời đất, chiếc xe mẹ mua với giá sắt vụn, hết tám mươi ngàn đồng thôi. Con tận dụng đồ phế thải sửa lại, đi đã gần cả năm nay rồi. Nay bán với giá năm trăm ngàn đồng. Chú Hiền, cô Cúc mua xong, lại để ở nhà mình, cho xài vô tư. Còn rẻ nổi gì nữa mà kêu với la.
- Thế tao mới bán cho vợ chồng nó. Nếu nhà khác, thì còn khuya tao mới cho sờ tới. - Chị Nẩm nói. Rồi hỉ hả bước vào góc nhà, mở tủ cất tiền vào đó.
Được vài bữa, chị Nẩm lại chạy sang rủ rê:
- Nầy Cúc ơi! Dạo này tao kẹt quá. E... phải bán con chó Đốm thôi. Bán nó đi thì đứt ruột đứt gan. Nhưng để lại thì không có cho nó ăn. Nó là giống chó lai Becge, nên ăn khỏe lắm.
Cúc thật thà:
- Chị túng đến nỗi phải bán chó hả? Nó đang nuôi con mà. Con chó đó mà bán thì tiếc lắm. Hay chị nhường lại cho tui.
Hiền cũng đệm vào:
- Bữa mới bắt về, tôi đã nói với chị rồi, giống đó không nuôi nổi đâu. Nhưng chị lại nổi tự ái lên bảo là tui: "Coi - thường - giai - cấp - nông - dân. Đánh - giá - thấp- tầng - lớp - người - lao - động". (Hiền ngừng lại nhấn mạnh từng từ.) Nên tôi chỉ nói sơ sơ vậy,  nay chị đã thấu hiểu lời tôi nói chưa?
Chị Nẩm ngậm ngùi chua xót:
-Ừ... không bán thì lấy chi mà nuôi nó. Nhưng bán thì thương nó lắm. Con chó khôn đáo để. - Cô chú biết đó. Nhưng...(chị Nẩm ngập ngừng) nếu bán cho ai thì tiếc, chứ bán cho cô chú tui đâu có kèo nèo làm chi. Hai triệu được không?
Hiền nháy Cúc vào mở tủ, lấy tiền đưa cho chị Nẩm, rồi sang bắt chó về.
Cô định bụng lót cái ổ rơm thật cẩn thận, để bế cả mẹ lẫn con về, nhưng chị Nẩm đã xua tay nói:
- Thôi không cần mô. Đến bữa, cô gọi một tiếng là nó chạy về ăn liền mà.
- Vậy còn bốn con nhỏ của nó thì sao? - Cúc ngạc nhiên hỏi.
- Thì bán con chó mẹ, chứ có bán bầy con mô. Chó con là của tui chớ. Nhưng ai nỡ chia cắt tình mẹ con. Nên cô cứ cho nó chạy qua, chạy về chăm sóc bầy con nó cho đến ngày khôn lớn, rồi xích mẹ hẵn lại cũng không sao.
 Cúc về tới nhà, bò ra cười nghiêng ngã. Hiền cũng cười bảo:
- Tao đã bảo rồi, ngu thì chết. Thôi! Coi như vợ chồng mình thua mụ ta keo này. Đúng là thấp mưu thua trí bà già.
Thực tình mà nói, con chó Đốm là do chị ta đi mua sắt vụn nhặt được. Chứ chị có tiền đâu mà mua được con chó lai đẹp như thế. Chị dự định nuôi lớn, sẽ bán cho ai đó. Nhưng chưa kịp đặt giá, thì nó đã vội vàng "ăn cơm trước kẻng" - có chửa ra với con chó nhà ai đó. Vậy là chị đành để lại nuôi luôn. "Ai đời bán chó có chửa. Làm việc vô nhân đạo đó, có ngày mang họa chết"- Chị thở than. Rồi tình nguyện kể cho Hiền và Cúc nghe về lai lịch của con Đốm.
 Cả hai lại được một dịp cười đến vỡ bụng: "Nhà ai để sỏng con chó đẹp như vậy thì cũng tiếc. Chắc mai mốt họ đăng tin trên ti vi. Nhờ công An tìm giúp thôi!"
Tuy nói xa nói gần thế, nhưng chị Nẩm vẫn bỏ ngoài tai tất cả. Chị lẩm bẩm: "Chó ai, mặc kệ chó ai. Về tới nhà mình, là thành chó của mình rồi. Bố Công An cũng không dám đến đây bắt lại con chó chớ"- Chị Nẩm thở phì, nghĩ.
Nhà chị Nẩm vốn nghèo, lại bủn xỉn, con Đốm thì lại kén chủ, nên nó cứ thích sang nhà Hiền ăn ngủ suốt. Thành ra chó chị Nẩm, nhưng nhà Hiền đã chăm sóc nó từ bé, nên nó luôn coi những thành viên trong gia đình Hiền là bạn từ lâu rồi. Nay khôn lớn, sinh con đẻ cái, chị lại muốn bán nó cho Hiền, để đỡ miệng ăn trong gia đình quả là chí lý. Hơn nữa bán cho ai thì mất chó. Chứ bán cho vợ chồng Cúc Hiền thì vẫn còn đó. Cũng như có con gái lớn, mà lấy chồng nhà chung ngõ vậy.
Cúc nói:
-Thôi từ nay, nó là của mình rồi, cho ăn cũng không tiếc.- Cúc nói và tăng cường chế độ ăn cho nó - Con Đốm hiểu ý, nó mò sang ăn và ngủ lại nhà chủ mới nhiều hơn. Thỉnh thoảng lại phải chạy về, hoàn thành nghĩa vụ làm mẹ với bốn đứa con ấu thơ, rồi qua ngay. - Tuy nhiên đêm hôm, nó vẫn lãnh trách nhiệm canh nhà cho bà chủ cũ luôn.
Cúc cười:
•-         Mình có trách nhiệm cho ăn. Còn nó có trách nhiệm với nhà chị Nẩm.
Hiền giận dữ đáp:
•-         Để đó!
Nói rồi, bữa ăn nào nó cũng lấy cái soong đít đầy nhọ và cái kiềng ba chân vốn vứt chỏng chơ bấy lâu ở góc chuồng lợn, bắc lên, cho ăn tử tế. Quyết không cho nó ăn ra dĩa, ra đất như lúc ở nhà chị Nẩm.
Đúng rồi, nhà nó nấu toàn nồi ga, tiếc gì. Đem cái soong đen đít, bắc lên cái kiềng ba chân cũ, cho chó ăn thì có đáng giá là bao.
Cúc không hiểu ý lắm, nhưng vẫn làm theo quyết định của chồng. Lâu lâu cái soong bị tróc hết nhọ, thằng Hiền lại đun lại cho đen và để yên trên đó, cho nó ăn. Dần dần thằng Hiền lại để cái soong thức ăn vào cái chạn bát cũ và bắt nó thò cổ vào đó mà ăn...
Không biết nó rèn chó kiểu gì, mà mỗi lần ăn, nom con chó đến là khổ sở.
Cúc cũng chả thèm hỏi. Cứ làm theo ý chồng. Sau này, lâu lâu Hiền lại tặng cho nó một miếng thịt sống treo trên cao. Con chó nhảy lên đớp vẻ thành thạo là nó bảo: "Được rồi! Tốt nghiệp."
Suốt mấy ngày, Hiền bảo vợ: "Cho nó ăn in ít thôi. Khẩu phần thịt sống cắt hẵn."
Con chó Đốm không có thịt là không chịu nổi. Nhà Hiền lại cất thịt trong tủ lạnh. Thế là nhân lúc nhà chị Nẩm sơ suất, nó mò vào, thản nhiên ăn hết cả soong thịt đang liu riu trên bếp. Mẹ con chị Nẩm bực bội cầm gậy khua cho nó chạy mù trời. Chưa hết, có bữa thịt mua về, đang treo lơ lửng trên cao, nó nhảy lên táp bặp một cái và lôi xuống ăn luôn. Thế là mẹ con chị Nẩm liền thề là: "Từ nay, thấy con Đốm qua đây, là phải đánh kỳ chết mới thôi!"
Bị cấm vận, con Đóm cũng chả thèm quay lại thăm chủ cũ nữa. Nó lại nhận được phần ăn ngon như cũ.
Gia đình chị Nẩm ghét nó đến nổi, hễ thấy nó sang là không gạch đá, cũng que củi ném tới tấp và chửi rủa thậm tệ:
"Đồ phản phúc. Đồ cạn tào ráo máng. Cút!"
Nhưng tình nghĩa mẹ con nào có dễ dàng chia cắt. - Chị Nẩm đã bán ba con chó nhỏ mỗi con giá sáu trăm ngàn đồng rồi. Chỉ chừa lại một con chó cái duy nhất để nuôi làm giống. Dù sao cũng khúc ruột còn sót lại của mình. Ngày ngày, nó không sang được, thì đứng ở hàng rào ngóng qua, tru lên vài tiếng, vậy là đứa con nhỏ lăng quang chạy qua, nô đùa cùng mẹ.
Tất nhiên lúc nào cún con cũng nhận được một khúc xương hay cái gì đó mà người mẹ đã bóp miệng dành cho.
Bẵng đi một thời gian, không thấy chị Nẩm sang mượn tiền như trước nữa. Cúc và Hiền nghĩ:
"Chắc dạo này bà làm ăn vô mánh nên đỡ kẹt" Cả hai nhìn nhau thở phào hoan hỉ. - Mừng cho chị ấy.- Cúc nói.
Một buổi tối, chị Nẩm lại đường đột sang nhà với tư cách khác thường. Chị không khép nép đứng ở góc nhà như mọi bữa nữa, mà đàng hoàng ngồi tót vào cái ghế sa long đắt tiền bóng lộn. Con chó Đốm thấy chị thì nhanh chóng rút vào gầm giường gầm gừ, giương đôi mắt cảnh giác.
Hiền ngậm cái tăm ở mồm bước ra, cười cười. Anh tử tế rót nước ra ly và mời chị như một vị khách đặc biệt:
- Chắc hôm, nay có chi hệ trọng, chị mới sang đây? - Hiền rào đón.
- Đúng! Thú thực từ trước tới nay, tôi nợ cô chú cả vật  lẫn tinh thần quá nhiều. Nhưng hôm nay chú cho tui trả nợ chú về mặt tinh thần trước đã. - Nói rồi bà Nẩm rút trong túi ra một xếp toàn là tờ năm trăm ngàn xanh mướt.
Tất cả là tui nợ cô chú sáu triệu năm trăm ngàn đồng phải không?
Cúc lúi húi xem lại sổ và gật đầu tán thưởng:
•-         Đúng vậy. Nhưng chị chỉ cần trả sáu triệu là được.
Chị Nẩm hớt hãi.
- Không. Ăn cho, buôn so tui xin trả hết. Khi mô thiếu, mượn tiếp. Còn đây... còn đây... -Bà Nẩm ngắc ngứ:... là tiền công của con chó mẹ cho bầy con nó bú. - Vừa nói chị Nẩm vừa thập thò chìa ra một tờ năm trăm ngàn đồng.
Hiền cười, rồi sừng sộ:
- Ai đời làm rứa. Cất tiền đi, không tôi giận đó. - Bà Nẩm đỏ mặt, luống cuống cất tờ năm trăm ngàn đồng vào túi.
Khi chị Nẩm đã khuất bóng. Hiền nói khẽ với Cúc:
- Chắc là sắp có chuyện động trời rồi đây!
Cúc gạt phắt đi:
-Thì cả đời người ta lam lũ, nay cho chị ấy thể hiện một chút chớ. Anh thì lúc nào cũng nghi hoặc.
 Ba ngày sau thì thôn họp, người ta náo nức bàn nhau là: Cả thôn có ba suất nhà "đại đoàn kết". Hai suất kia thì chắc chắn rồi. Còn một suất cuối cùng, nên dành cho bà Nẩm hay là người khác.
Có người bảo:
 - Nếu dành cho bà Nẩm, liệu bà ấy có hoàn thành được nhà không? Vì đây là suất hổ trợ, chứ không phải cho không, gia đình phải tự túc thêm một nửa vốn nữa. Nếu bà ấy không làm được nhà, thì chúng ta lại phải chịu trách nhiệm về khoản tiền đó. Năm sau đố mà xin được suất nào nữa.
Hiền chợt hiểu ra vấn đề.
Anh nói:
- Chị Nẩm hồi đến giờ khổ rồi. Nếu trên hổ trợ thêm mười triệu đồng thì tui tin chắc là chị ấy sẽ làm được nhà. Bà con yên chí, tui xin hỗ trợ thêm cho chị ấy mấy xe cát sạn.
Tất cả im phăng phắc. Không ai cãi lại ý của Hiền. Bởi anh đã nói là làm, và ai cũng nể anh vì lẽ đó.
 Kết quả biểu quyết, tất cả mọi người đều đồng ý dành suất thứ 3 cho chị Nẩm.
 Một số nhà hảo tâm còn hứa tặng thêm cho chị một ít tiền, vật chất nữa, để chị hoàn thiện ngôi nhà như mơ ước.
Sau khi vào Ủy ban xã, ký biên lai nhận tiền xong, chị Nẩm hớn hở ra về. Chưa kịp thay áo quần.- Mà áo quần của chị, bộ nào dùng vào việc phòng hộ lao động chả được. Nên chị không cần thay, ra hè, cầm cái cuốc vào, lật chiếc giường cũ ọp ẹp lên,  hì hục đào một lúc, một cái hủ đầy vàng bày ra.
 Hôm sau, chị nhờ Cúc chở lên cửa hàng vàng bạc trên thị xã, bán hết, để lấy tiền chuẩn bị cho việc xây nhà mới.
 Sau ba tháng vật lộn với công trình. Một ngôi nhà khang trang bóng lộn nhất làng được hình thành. Không những thế, chị còn sắm thêm ti vi, xe máy đời mới bóng lộn để đặt vào ngôi nhà mới cho cân xứng.
 Bấy giờ mọi người mới bật ngữa. Thì ra từ trước đến giờ, chị giả nghèo, giả khổ để tận dụng lòng nhân ái của thiên hạ, chứ thực ra thu nhập của gia đình chị có kém gì ai đâu.
Con Cún lớn lên, phổng phao y như con Đốm. - Mẹ của nó.
Ngày ngày, nó vẫn sang lại gặp gỡ, đùa giỡn với con Đốm một cách vô tư.
 Nhà Hiền Cúc coi nó như là một thành viên của gia đình, nên nó cứ tự nhiên thoải mái như ở nhà. Khi đổ thức ăn ra cho con Đốm, không cần mời mọc, cũng chả phải khách sáo, nó liền chỏ mỏm vào cùng ăn. Thỉnh thoảng hai mẹ con lại cãi nhau, tranh nhau do một khúc xương, hoặc miếng phổi bò do Hiền tung lên. Tuy nhiên là phận con, nên bao giờ nó cũng được nhường phần hơn.
Một buổi chiều, chị Nẩm phải về sớm hơn bình thường, để sửa soạn làm một cái lễ cúng đất, đầy ý nghĩa.
 Với tâm ý là "Cầu cho tấn tài tấn lộc, phúc đáo trùng lai, năm tới làm ra ăn đặng."
 Đây là một việc mà từ trước tới nay, chị chưa hề làm. Nhưng kể từ ngày được Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện hỗ trợ cho tiền làm nhà, thì chị đâm ra chu tất về phần tâm linh hơn.
 Chị nghĩ: "Chắc là bởi tại ông bà tổ tiên, thánh thần quan tâm phù hộ, độ trì, giúp đỡ, cứu nạn, cứu khổ, Mình mới hưởng được một cái lộc to như thế."
 Trong khi mãi chạy ra, chạy vào để bưng bê lễ vật, chị chả kịp để ý gì. Nhưng khi chuẩn bị đưa hai tay lên đầu vái lạy, thì bỗng giật mình, nhác lại, chị dụi mắt nhìn kỹ, nhưng vẫn chả thấy con gà cúng đâu nữa.
Chị hoảng hốt ngó quanh. Lẽ nào mình lại đãng trí đên thế này chăng?
 Chị chạy vội vào bếp, lục tìm tất cả nồi, niêu song chảo, các ngóc nghách, chạn bếp... nhưng vẫn không thấy con gà cúng đâu. "Chắc là theo phản xạ cũ, mãi nghĩ nên mình đã đặt nhầm lên bàn thờ tổ tiên rồi." - Chị nghĩ.
 Nhưng dù đã trèo lên cái ghế ỷ để nhòm ngó cho kỹ, nhưng vẫn không thấy con gà cúng đâu.
" Nó biến đi đâu được nhỉ? Có khi nào là gà chưa cắt tiết, mà mình tưởng là đã thịt rồi không? Vớ vẫn! Không thể có!" Bởi cái sọt đựng lông còn sờ sờ ra đó đó kia mà.
Chắc là con Cún hay con Đốm, nhân lúc chị sơ hở, đã nhảy vào cắp mất rồi.
 Điên tiết, chị cầm gậy đi tìm thủ phạm. Vòng quanh nhà, chả thấy bóng hai con vật ấy đâu. Chị cầm gậy đi qua nhà Hiền. Thấy cả hai con đang châu đầu nhai lóc cóc cái gì đó. Đích thị là mẹ con nhà nó rồi. Con Đốm vốn đã bị đòn nhiều lần. nên thấy bóng chị là dương mắt đề phòng.  Khi chị vung gậy lên, toan vụt mạnh một cái, thì con Đốm đã nhanh chân lủi xuống dưới đống củi, chỏ mồm ra, tru lên ong ỏng.
 Riêng con Cún vì quá ham ăn, nó cứ nghĩ là bà chủ tăng cường thêm khẩu phần ăn cho nó, nên bị một đòn quá nặng. Nó "hự" lên một tiếng, rồi khụy xuống, sùi bọt mép ra trắng dã.
•-         Chao ôi! Răng chị đánh hắn chết rứa? - Cúc la lên thất thanh.
- Ai nhủ! Ai nhủ cắp gà cúng của tui về ăn. - Bà Nẩm lúng búng, giương gậy lên như chực bồi thêm vài đòn nữa cho chết hẵn. Nhưng Cúc đã kịp chạy tới ngăn lại.
- Gà cúng mô mà gà cúng. Tui nấu cháo, gỡ hết thịt, quăng xương cho hai mẹ con nó đấy chớ.
-Vậy hả! - Bà Nẩm giật mình, định thần nhìn kỹ lại. Thì ra là mấy miếng xương lợn thật.
Con Cún không chết, nhưng bị tàn tật, nó không dám bén mảng về nhà nữa.
 Vài ngày sau, thằng cu con trai chị trèo lên để quét dọn trên hiên. Nó bỗng thất thanh kêu lên:
"Trời ơi! mẹ ơi! Con mèo nhà ai, tha con gà cúng của mình lên đây, ăn vứt xương lại này."
Chị Nẩm hoảng hốt chạy ra, thằng cu vơ một nắm xương còn bám lằng nhằng thịt quăng xuống cho chị.
Sau khi tốt nghiệp xong lớp Mười hai, thằng con trai chị được gọi vào trường sỹ quan lục quân II.
Nó vui vẻ khoác ba lô lên đường và dặn:
 - Nay con đã khôn lớn, có Đảng, Nhà nước lo cho con rồi, mẹ ở nhà làm ít thôi để giữ gìn sức khỏe. Nhà mình có thiếu gì nữa đâu.
 Nghe lời con, chị Nẩm không bươn chải, lặn lội nắng mưa nữa, mà hôm nào thấy mệt là nghỉ ở nhà. Có dạo, chị không thích đi làm nữa mà sang hỏi việc bên nhà Hiền để làm thuê.
Có hôm trời mưa, ngồi ở nhà một mình, buồn. Chị chợt nhớ tới con Cún. Thế là chị liền vào bếp, xúc ra một bát cơm nguội, chan canh vào và gọi nó về ăn, để đùa giỡn với nó cho vui.
Nhưng cho dù chị có cố réo mãi, nó chả thèm để ý đến, cũng chả thèm ve vẫy đuôi nữa là đằng khác. Nó cứ đứng ở hiên nhà Hiền, nhìn qua mắt lơ đãng như thể gọi ai ấy.
Bực mình, chị chửi:
- Mẹ cha nó chứ! Chó mà cũng chê nghèo, nịnh giàu. Thôi tao gã quách mi đi, để kiếm vài đồng lẽ cho rồi.
Lần này, chị quyết không bán con Cún cho Hiền mà phải gọi một người khác đến bán cho được giá.
Hình như hai con chó cũng linh cảm được điều gì sắp xảy ra, nên chúng tỏ vẻ buồn.
Con Đốm nằm dài ngán ngẩm, mặc cho con Cún cứ xoắn xuýt chạy quanh, hôn hít, rồi cọ đầu vào bụng mẹ. Khi đổ cơm ra, chúng cũng không còn háo hức nhào vào tranh nhau nữa. Mà cứ đứng nhìn nhau, rồi nhìn tô cơm.- Tỏ ý là mẹ nhường con, con nhường mẹ vậy.  "Thôi ăn với nhau một miếng, rồi chia tay." - Cúc nói: "Sau bữa này bọn bay không bao giờ gặp nhau nữa đâu." Như hiểu được ý nghĩa của câu nói, hai con vật bỗng sụp xuống, rúc đầu vào nhau liếm láp.
Cúc nhìn kỹ, thấy mắt con nào cũng ươn ướt tựa chực khóc.
Cúc gọi to:
-Chị Nẩm ơi! Sang mà nhìn kìa. Nỡ nào lại bắt mẹ con chúng phải rời bỏ nhau thế! Họ trả giá bao nhiêu, tui trả bấy nhiêu. Để lại, tui nuôi cho nó có nghĩa có tình.
Bà Nẩm ngần ngừ, rồi quyết:
- Ừ... thì cô chú muốn trả mấy thì trả, tui không bon chen nữa.
Thế là từ hôm đó, con Cún lại được chuyển hộ khẩu sang ở mẹ nó.

***
Hiền được mời đi dự đại hội những nông dân trẻ làm ăn giỏi và cho đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở các tỉnh phía Bắc
Sau nhiều ngày, Hiền trở về với vẻ mặt hớn hở. Anh hăng say kể cho bà con thôn xóm nghe về sự hùng vĩ của núi non Tam Đảo. Sự uy nghi linh thiêng của đền Hùng Vương và cảm giác lâng lâng, khi ngồi trong ca bin cáp treo đến với chùa Tây Thiên, lướt trên rừng cổ thụ hàng ngàn năm...
Chị Nẩm hỏi:
-Vì sao mà chú đi được thế?
Hiền tĩnh bơ:
- Thì tiêu chuẩn trên cho đi, chứ như tôi với chị, biết khi nào mà bén mảng đến được những chổ ấy. May lắm là đến được lăng Bác Hồ ở Hà Nội.
Bà Nẩm vẫn chưa hết thắc mắc:
- Tiêu chuẩn chi?
- Tiêu chuẩn là hộ nông dân vượt khó, làm ăn giỏi. Ngoài tiêu chuẩn đó ra, thì còn tiêu chuẩn nào mà tôi được hưởng nữa...!
- Thật là bất công hết chổ nói. - Bà Nẩm thở dài, thốt ra lời bất mãn.
Hiền ngạc nhiên hỏi lại:
- Bất công chổ nào?
Chị Nẩm kiên trì giảng giải:
- Là chổ... những người như tui, thì không được ưu tiên ưu đãi đi. Chú có tiền, đi đâu chả tới, thì lại được mời không!
Hiền cười:
- Chị ơi! Đây là hình thức khuyến khích những người nông dân biết vượt khó, tự cứu mình, sau đó vươn lên làm giàu cho quê hương và cho xã hội ấy mà.
Bà Nẩm gân cổ lên cãi:
 -Thế tui không biết vươn lên vượt khó à? Tui không đem lại lợi nhuận cho xã hội à? Từ hai bàn tay trắng bây giờ có nhà, có xe, có ti vi, tủ lạnh đầy đủ... sao không bầu tui?
Hiền lặng im. Anh không còn biết giải thích làm sao nữa, chỉ khẽ bảo:
- Chắc nếu chị phấn đấu, thì năm tới sẽ đến lượt chị thôi.
Không hiểu câu nói có động viên, giải quyết được những thắc mắc trong lòng người phụ nữ ít chữ này hay không? Nhưng người ta thấy chị bỗng đứng xọc dậy, phủi đít, te te ra về mà chả thèm chào ai nửa tiếng.
Vài ngày sau, Hiền được Ủy ban xã mời lên để nhận thầu mảnh đất 30 héc ta ở gần bờ sông.
 Ai cũng bảo:
"Chờ thằng Hiền nhận, mình đến làm thuê cho nó, công vua ngày trời, sướng hơn. Bỏ vốn ra cả trăm triệu chắc chi có ăn. Lo lắng mệt."
Mảnh đất đó là bãi bồi ngập  mặn ven sông. Trồng lúa trồng ngô cây lương thực thì chắc chắn là thất bại. Chỉ có đào ao thả tôm sú mà thôi.
 Nhưng vốn để nuôi tôm đâu có dễ, nên họ mới những chủ nông trại có vốn như Hiền.
( Còn nữa)

 Đăng ngày 21/04/2013
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Lê Nguyên Hồng - 24/04/2013

Mìnhđã đọc rất kỹ câu chuyện trên của Trần Hữu Đạt. Một truyện ngắn rất hay, đã làm cho mình xúc động về tình người cao cả của Vợ chồng Hiền -Cúc.  Giữa cuộc đời đầy rẫy lừa lọc, trái ngang, giàu lên một chút là coi người như rơm rác, thì vẫn có những tấm lòng quá đôn hậu, quá đẹp. Cái bà Nẩm kia là một người vô học, ấu trĩ đến mức không hiểu được tình người, nghĩa làng xóm: "một miếng khi đói, một đọi khi no". Hãy miêu tả cho hết, nói cho hết cuộc sống của nông dân, buồn có, vui có, kẻ ăn cháo đá bát có, người nghĩa cử có. ừ, chuyện con chó cũng có nghĩa có tình, cũng biết cái thiện cái ác, thế mà chủ thật của nó lại không bằng con chó kia, ngộ nhận, đầu óc thủ cựu chỉ biết nói theo suy nghĩ của một thời sai lầm đã đi qua: "Con Dòng nằm đất,Chết vất lên giường". Đây là một trong những chuyện mang tầm của nông thôn Việt Nam thời hiện đại nhưng còn đan xen những chuyện cũ xưa. Chuyện này theo mình, nếu viết dài sẽ là một tiểu thuyết hoặc truyện vừa cứng cựa, Nếu NXB không chọn in là chuyện lạ. Hãy tin tưởng vào khả năng của mình như đã từng có những tập sách của Hữu Đạt đã được NXB chọn in bao cấp năm trước và gần đây. Nhận xét của mình bắt nguồn từ câu chuyện, không phải sự cảm nhận vì quen biết đâu. Truyện ngắn hay tiểu thuyết đều phản ánh cuộc sống con người ở nhiều góc độ khác nhau, không ai có thể thay cảm xúc của người viết được, cũng giống như không ai có thể áp đặt cách viết của mình cho người khác phải theo. Sáng tạo theo phong cách riêng, đừng lẫn vào bóng người khác nhé. Bởi vì,Văn học là có mọi người cùng thưởng thức, không thể nói chơi được đâu. Chúc Đạt thành công sớm trên con đường sáng tác văn học.
  Gửi bởi: Trần Bình - 25/04/2013

Với truyện này Đạt viết lên tay thấy rõ.
  Gửi bởi: Hữu Đạt - 25/04/2013

Rất cảm ơn anh Lê Nguyên Hồng đã có bình luận sâu sắc đên như vậy. Quả thật truyện thành công ngoài mong đợi. Thực sự khi viết một tác phẩm, tìm được người có nhận nhận sâu sắc, thấu đáo như vậy quả là hiếm. Người ta nói vẽ Rồng mà thiếu râu thì không thành rồng. Bởi vậy cảm xúc khi nhận được phản hồi từ phía những đọc giả tốt quả là rất quan trọng.  Mong sao nhận được nhiều ý kiến giá trị như vậy.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan