Thursday, October 15, 2015

LẶNG LẼ BẾN XƯA




Tác giả: Nguyễn Thanh Bình

           Con ba ba đẻ trứng ủ trong cát, chỉ còn vài ngày nữa là nở. Lão lấy tay xoa nhẹ trên cát xem lại độ ẩm. Nhịp thở từ khoang ngực của lão đưa lên phía yết hầu cứ nhô lên hạ xuống như một quả Pít - tông đang đẩy yếu ớt. Chòm râu dưới cằm cũng nhấp nhổm không yên. Người ta bảo người có râu một chòm thì cuộc sống sẽ vất vả nhiều bề...Chả biết có phải thế không?


          Thấy độ ẩm của cát chưa đủ, lão với tay lấy cái bình tích tu một ngụm thật to rồi phun phì phì trên mặt cát. Sức yếu rồi hơi chỉ đủ phun ra hết phần nửa nước trong miệng, phần còn lại tràn ra, rớt xuống cằm, quyện vào bộ râu một chòm, trông như một ngòi bút lông, nước theo đó chảy thành vòi, ướt ngực áo của lão. Có lẽ chút nước rơi thừa ấy đã đánh thức con tim của lão rộn lên cái dòng chảy ba bốn mươi năm thời trai trẻ đã trôi qua.Cuộc đời lão chảy cùng với dòng sông thân thuộc. Nhưng oái oăm thay, sông càng chảy thì sông càng trẻ, chẳng bao giờ mất đi những điều tốt đẹp. Còn lão, cuộc đời càng chảy thì càng già nua và những gì tốt đẹp cứ vơi đi như hai hố mắt sâu trên khuôn mặt lão càng sâu hơn khi nhìn vào khoang cát vừa được phun nước. Khoang cát ấy là một phần tốt đẹp của lão mà cuộc đời chẳng nỡ cuốn trôi để lão có chút hơi sức chảy hết phần đời còn lại. Trong khoang cát ấy là gần chục sự sống đang sắp chào đời. Chẳng biết là bao cô bao cậu đây! Chậc! Nghĩ vậy thôi chứ thời buổi này, cô hay cậu lão cũng đều quý hết, miễn là khi nở ra, chúng đều khỏe mạnh, hay ăn rồi khắc chóng lớn. Ồ ... Nhớ cái ngày mẹ nó đẻ... Dào ơi! cái con mẹ nó ấy, cứ xục xạo, đào bới mấy ngày liền. Người ta bảo chửa con xo là khó đẻ lắm. Về điểm này con vật cũng chẳng khác con người là mấy. Thì cứ như mẹ cu Tý ngày xưa...
          Nghĩ đến đó mắt lão bỗng nhòa đi. Những giọt nước mắt chắt ra từ con tim côi cút của lão đấy. Hình ảnh người vợ năm xưa cứ như từ trong khoang cát hiện về. Bà ấy còn trẻ lắm, mơi hai mươi hai tuổi. Thế mà bà ấy đã bỏ lão mà đi để lão phải gánh chịu cảnh gà trống nuôi con.

         Ấy là vào năm 1950 khi cu Tý chưa đầy hai tuổi. Bà ấy bị sản mòn, không chữa được, rồi bà ấy chết. Lão tính chết theo luôn! Nhưng còn cu Tý, lão chết, ai nuôi nó nên người! Lão buộc chặt lòng mình để ấp ủ cu Tý trong căn nhà xiêu vẹo ven sông cùng với những tháng năm dài.
          Một đêm trời mưa to. Tạnh mưa, lão nghe tiếng động sột soạt sau nhà. Quái! chả nhẽ trộm lại rình mò đến nhà lão? Lão dỏng tai nghe ngóng. Tiếng động chìm dần trong đêm rồi mất hẳn. Sáng dậy, lão ra xem có động tĩnh gì xảy ra đêm qua. Ồ! Một con ba ba to bằng cái vung nồi tư bị sa xuống hố nhốt cua! Những con cua lão đi xiếc, đi chao bắt được, ăn một bữa không hết, lão đào một cái hố sâu, nhốt lại để giành. Chắc con ba ba đi tìm mồi, thấy có thức ăn mò xuống chén rồi nằm đấy, chịu không lên được. Cu Tý thấy bố bắt được con ba ba, thích lắm, nó bảo bố buộc giây vào cổ ba ba, giả làm con bò cho nó dắt đi chăn. Lão giải thích cho con hiểu rằng, tuy ba ba cũng là một loài bò... nhưng nó không phải là loài ăn cỏ. Vả lại, răng nó sắc lắm. Lỡ nó cắn phải tay chân thì chỉ khi có sấm trời nổi lên nó mới chịu nhả! Cu Tý nghe vậy sợ quá, đành chịu để bố làm thịt nấu cháo. Lão bảo con, ăn một bát cháo ba ba, bổ bằng ba thang thuốc đấy.
          Ăn thịt ba ba xong, lão mới biết là mình lầm. Khi bắt nốt những con cua ở dưới hố lên làm bữa, lão bỗng phát hiện bên dưới lớp cát ở đáy hố có đến gần chục quả trứng ba ba to bằng trứng chim Cuốc. Thì ra con ba ba đi tìm ổ đẻ chứ không phải nó đi tìm mồi ăn. Từ chuyện con ba ba đi tìm ổ đẻ, lão đã nảy ra một sinh kế khác người. Lão đào những cái hố ven bờ sông, so với mặt nước cao chừng hơn mét. Từ dưới mặt nước làm hai lối mòn từ hai phía đi lên và gặp nhau tại miệng hố. Ba ba từ dưới nước men theo lối mòn bò lên dễ dàng chui xuống hố vùng ổ đẻ trứng. Sáng ra đi xét, cứ việc nhặt lấy đem về. Hai bố con lão mải mê bẫy ba ba theo kiểu ấy suốt những mùa chúng đẻ. Nhưng hết mùa ba ba đẻ thì lại lâm vào cảnh khó khăn, túng bấn. Phải nghĩ cách gì đó để bắt chúng từ dưới nước chứ? Lão thả vào vại nước vài con ba ba to nhỏ khác nhau rồi rình xem chúng thở. Khi ba ba thở, luồng khí thải ở mũi chúng nổi lên mặt nước thành những dòng bong bóng nhỏ mà người trong nghề sông nước gọi là "tăm". Tăm nhỏ là của con bé. Tăm to là của con lớn. Quan trọng hơn là nhận ra tăm ba ba, tăm cá, và tăm đất... nó khác nhau ở chỗ nào để tìm con mình cần bắt. Nhưng làm cách nào để bắt nó. Lão nghĩ đến cái câu mà người đời truyền lại khi ba ba cắn thì phải chờ đến lúc có sấm trời mới gỡ được ra. Thế thì mất miếng thịt chứ chẳng chơi! Lão thử lấy tay khỏa vào vại nước. Lũ ba ba thấy động, rụt hết cả cổ cả đầu vào trong mai. Lão reo lên, có cách rồi! Thế chứ! Rồi hai bố con lão kiếm sống bằng nghề bắt ba ba từ đấy.
          Suốt một dải sông Châu quanh co uốn lượn, ôm ấp những xóm làng, bố con lão đều đã đặt chân tới. Nhìn những miệt đất ven bờ, hai bố con có thể biết chỗ ấy có mấy con, to nhỏ ra làm sao. Hì! "Nhất nghệ tinh" mà. Nhưng cũng có cái khó nữa là bắt chúng vào lúc nào. Thường là lúc chính ngọ, ánh nắng dọi thẳng xuống mặt nước, tăm ba ba hiện rõ nhất. Rồi những ngày oi nồng lặng sóng, mặt nước phẳng như gương là những ngày trời giúp cho bố con lão làm ăn phát đạt. Dân trong vùng đã thêu dệt nên huyền thoại về bố con lão. Nào là kiếp trước đời ông nội lão là dòng dõi con cháu Vua Thủy Tề nên giờ lão mới có con mắt nhìn thấu tận đáy sông. Nào là lão có thể ngụp lặn dưới nước cả ngày mà không cần ngoi lên để lấy hơi thở. Nhiều nơi người ta kháo nhau, bố con lão cắt ba ba bằng mo cau đem ra chợ bến sông bày bán. Khách hàng ưng ý con nào, mặc cả tiền nong xong xuôi, lão mới lặn xuống sông bắt lên con ba ba to đúng bằng mẫu hàng đã bán. Chuyện đến tai lão, lão chỉ cười thầm. Vài cái mẹo vặt để khêu gợi mời chào người mua thôi mà.

          Dòng sông Châu hiền lành như một người mẹ bao dung. Bố con lão hòa nhập cùng sông, tồn tại, sung sướng, khổ đau cùng với dòng sông ấy. Chao ơi! nếu như lão chẳng gặp thêm một người đàn bà thì đời lão chỉ có một nỗi đau...
          Ký ức lại đưa lão về với dòng sông từ những ngày trai trẻ.
          Năm ấy, cu Tý mới lên bốn lên năm gì đó. Sáng ra, lão dặn con ở nhà, không được theo bố. Bố chỉ đi một loáng rồi bố về. Chiều tối qua lão đã phát hiện tăm ba ba khá to ở một ngoẹo sông. Chỗ ấy nước sâu và có dòng chảy xoáy khi triều lên. Tăm ba ba bị nước xoáy làm lệch hướng phát hiện ra chỗ nằm của nó. Lão để giành sáng nay, triều lặng, chắc là bắt được ngay thôi.
          Khúc sông vắng lặng. Bên kia bờ, một con đò nan nhỏ đang chậm chạp bò trên mặt nước, kéo theo nó một sợi dây thừng khá căng nối với cái lưới ngoi, rê sát đáy sông. Người đàn bà kéo lưới tôm đấy. Chị ta mới đến với dòng sông này, còn từ đâu đến thì lão chịu. Thôi, mặc kệ nhà chị ta. Lão chỉ nghĩ vậy rồi chăm chú nhìn mặt nước. Gió bấc đầu mùa se lạnh làm mặt nước thỉnh thoảng lại run lên vài con sóng lăn tăn rồi tan nhanh, để lại mặt nước phẳng lỳ. Kia rồi! Mày có chạy đằng trời cũng không thể thoát đâu con ạ! Lão vung tay ném nửa hòn gạch đúng vào chỗ ba ba đang sủi. Sau độ mười giây, lão lao người xuống nước đúng đến chỗ hòn gạch vừa rơi thì đột nhiên lão khựng lại, chới với... Lão hiểu là mình đã bị chuột rút, chân tay cứng đờ, không sao cử động được nữa. Giời ơi! chả lẽ lão chết được ư? "Sinh vì nghệ, tử vì nghệ" Ông đồ nho độc miệng nào lại đặt ra câu này để nó nghiệm vào lão. Nhưng... lão không thể chết như thế này được. Còn thằng cu Tý thì lão phải sống. Ý nghĩ phải sống làm cho lão tỉnh táo. Thân thể lão đã chìm sát đáy sông. Để giữ được hơi, lão uống một ngụm nước nhỏ. Nếu trong vài phút nữa cơn chuột rút qua đi thì lão sẽ thoát. Nhưng nếu quá thì....  lão lại uống thêm, uống thêm lần thứ ba. Không xong rồi! Đầu lão bắt đầu tối dần. Một màu đen như hắc ín ập đến. Lão bất tỉnh!.
          Con đò nan sải đến như tên bắn, nhằm đúng chỗ những cái tăm lớn đang sủi lên, chị quăng lưới ngoi. Chờ cho lưới bám sát đáy sông, chị mới cầm dây kéo. Lưới rất nhẹ. Có lẽ trượt! Người chị run lên. Con đò nan cũng chòng chành chao đảo. Làm sao bây giờ. Sinh mạng người đàn ông đang nằm trong tay chị. Quên cả mình là phận đàn bà sức mọn, chị nhảy ào xuống nước ngụp lặn kiếm người bị nạn. Qườ quạng một lúc chị mới tóm được tóc người đàn ông rồi kéo tới sát mạn thuyền. Sức chị đã mệt, chị chẳng thể đẩy người đàn ông lên thuyền được. Chị nghĩ ngay đến cái lưới tôm hình ba trạc liền kéo người bị nạn vào nằm gọn trong lưới rồi cột chặt dây ngoi vào cọc chèo. Đoạn, chị nhảy lên thuyền, dùng hết sức lôi vào trong khoang. Việc đầu tiên là phải dằn hết nước từ trong bụng người bị nạn ra và làm động tác hô hấp nhân tạo, mất một lúc, tim người ấy đập nhè nhẹ!...Thật là may!
          Chị đốt lửa lên. Có hơi lửa thân thể người ấy đã dần dần ấm lại và nhịp thở đã đều đều. Chị lấy quần áo trong cái giỏ mây thay vội và lấy ra một bộ nữa. Chị ngần ngại... người ta chỉ mặc độc cái quần đùi ướt sũng,để người ta nằm như thế kia thì còn lâu mới tỉnh hẳn, mà thay quần áo cho người ta thì khổ quá!  Là đàn bà con gái chẳng phải họ hàng thân thích gì ngượng lắm. Nhưng mà để thế thì người ta chết à! Thôi thì, có ông giời làm chứng, chị phải làm phúc cho người. Gặp cảnh này, chả ai có thể làm khác được.
          Người đàn bà kéo lưới tôm thay quần áo cho lão. Chị lấy dầu bôi vào các huyệt rồi xoa bóp cho máu dễ lưu thông. Dần dần người ấy tỉnh lại, nhưng còn yếu lắm. Chị bắc lên bếp lửa một nồi cháo hành. Bị cảm lạnh, mà ăn cháo hành là mau lại sức. Cháo chín, chị quàng tay vực người ấy dậy.
          - Này... này! Ăn đi bát cháo nóng,  khỏe ngay đấy.
          Trong vòng tay một người đàn bà còn trẻ, lão tỉnh rất nhanh. Đã năm, sáu năm rồi, từ khi vợ lão chết, lúc ấy lão vẫn còn là một chàng trai ngót ba chục tuổi. Ở cái tuổi mà cảm giác giới tính còn nhạy bén thì mùi vị đàn bà trong vòng tay êm ái kia đã ùa vào thân thể lão còn nóng hơn cả bát cháo hành mà chị đang kề vào miệng lão.
          - Ăn đi nào, rồi để tôi đưa về nhà cho! Chị dỗ
          Cu Tý bao nhiêu tuổi thì bấy nhiêu năm lão mới lại được nghe những lời dỗ dành của đàn bà. Lão nghiệm ra rằng, đàn bà mà ngọt ngào thì người chết cũng sống lại! Lão ăn, loáng một cái đã hết một bát.
          - Ngồi được rồi chứ? Để tôi múc cho bát nữa.
          Lão gật đầu rồi đưa mắt nhìn chị ta múc cháo. Nhà chị này chỉ kém lão vài tuổi là cùng. Chị ta có mái tóc dầy và buông xõa, chảy cả xuống sạp thuyền. Đàn bà tóc dài quá khoeo cũng chẳng sung sướng gì, lão nghĩ vậy. Khi chị xoay người đưa bát cháo cho lão, bắt gặp ánh mắt lão đang nhìn chị, lão vội quay đi, cảm giác mình có lỗi. Ờ... mà cái người đàn bà kéo tôm này có đôi mắt mới lạ lùng chứ. Con ngươi thì sâu thẳm, ẩn trong tít tắp giữa cái tròng đen màu hạt nhãn, trông rất hiền nhưng bí ẩn thế nào ấy; mi mắt thì ươn ướt và thâm quầng chắc là qua nhiều đêm thao thức, lạnh lùng, cô quạnh. Đàn bà mà ướt mắt là đa tình lắm. Lão lại nghĩ thầm rồi tự trách mình ngay rằng, người ta đã cứu mình, đừng có nghĩ sàm sỡ rồi mà mang tiếng!
          Ăn hết bát cháo nóng nữa thì lão tỉnh hẳn. Lúc ấy  mới nhận ra là mình đang mặc quần áo đàn bà. Nghĩ đến đoạn chị thay quần áo cho lão lúc lão bất tỉnh nhân sự mà hoảng quá. Thế nghĩa là chị đã... nghĩa là đã mặc quần áo cho lão khi mình trần như nhộng. Khổ thân lão chưa? Lão vò đầu bứt tai xấu hổ, còn chị lại nghĩ, lão đang khổ sở vì bộ quần áo đàn bà quá chật so với cái thân hình vạm vỡ của lão. Chị nhìn lão ái ngại:
          - Mặc tạm một lúc thôi rồi rôi đưa về nhà mà thay. Nhà ở chỗ nào đấy?
*                 *
*
          Người đàn bà ấy đến với lão như thế đó. Hai người quen nhau rồi thành thân nhau. Lão hi vọng tình thân giữa hai kẻ khác giới sẽ được hòa nhập lại như đũa có đôi. Nhất định đến lúc đó lão sẽ nói ra điều ấy.
          Ngày ngày, bố con lão đi bắt ba ba. Có khi mấy ngày liền. Căn nhà xiêu vẹo được người đàn bà kéo tôm lên chăm nom quét dọn, trông đã ra vẻ một tổ ấm gia đình.
          Thằng cu Tý có lần hỏi bố:
          - Bà ấy tên gì hả bố? Mà sao bà ấy lại ở một mình? Bà ấy không sợ ma à? Bố ơi, bảo bà ấy lên nhà mình mà ở. Bố này, con này với bà ấy thế là nhà mình có ba người. Ăn cơm cũng vui, làm gì cũng vui bố nhỉ!
          Lão đã trả lời cu Tý rằng, bà ấy tên là Hà. Hà có nghĩa sông í con ạ. Cho nên bà ấy phải ở dưới sông! Khi nào có một ông tiên hiện ra, đưa đường chỉ lối cho bà ấy thì... nhà mình có ba người và có khi còn tới bốn, năm người nữa ấy chứ.
          Cu Tý lại thắc mắc:
          - Bà ấy biết lối sang nhà mình. Thế thì cần gì phải ông tiên dẫn lối hả bố?
          Lão bí! Nhưng rồi cũng tìm ra câu trả lời mà trẻ con chỉ còn biết hi vọng:
          - Đó là phép màu! Phép màu chỉ ứng nghiệm vào những ngày giờ mà trời phật đã định ra. Người trần mắt thịt như bố con mình làm sao mà biết được!
          Chiếc đò nan của người đàn bà kéo lưới tôm vẫn cần cù ngang dọc trên sông, nhưng dù tới khúc sông nào thì khi chiều đến, chị lại trở về cắm sào ở khúc sông này, phía bên kia bờ một khoảng cách khá xa từ bến nhà lão nhìn sang. Nhiều tối, nhìn ánh lửa le lói từ con đò, hắt xuống mặt nước một vệt dài, trông giống như một chiếc cầu bằng ánh lửa đèn nối tới bến nhà lão. Lão cứ thả hồn mình đi trên chiếc cầu ấy để đến với con đò và chỉ một loáng thôi, sóng nước lại đánh gãy cầu thành trăm nghìn mảnh, chìm vào lòng nước đen ngòm. Hồn lão lại trở về với cái bến quạnh hiu. Lão chép miệng thở dài. Chị ra là người ở đâu? Sao lại đến sống một mình ở khúc sông này? Rồi chồng con, gia đình, bố mẹ... Chị vẫn còn trẻ, nhìn dáng dấp còn mặn mà đáo để! Lão đã đôi lần gợi chuyện hỏi han để biết, nhưng chị ta chỉ tìm cách lảng tránh bằng một kiểu riêng mà lão không thể trách cứ. Chị bảo chị bị điếc, nói với người điếc thì phải nói thật to, mà nói thật to với một người đàn bà về cái chuyện tình cảm thì e ngại quá. Tính lão vốn nhút nhát và e dè trước phụ nữ. Lão sợ cả dư luận, làng xóm biết họ cười chết.
          Lão thao thức và nhiều đêm mất ngủ. Ở độ tuổi ba mươi mà mất ngủ là chuyện không bình thường. Cu Tý của lão còn thơ dại, nó cần được chăm sóc, dạy dỗ, âu yếm của một người đàn bà có thể thay thế được mẹ đẻ của nó. Lão nghĩ tới người đàn bà kéo lưới tôm, ân nhân cứu mạng của lão. Cu Tý đã có lần bảo bố rằng, mời bà ấy lên nhà mình mà ở. Như vậy là nó đã quý mến bà ấy, mà xem chừng nhà chị ta cũng quý mến thằng bé. Ngày nào chị ta cũng ghé thuyền vào bến nhà lão. Khi thì mua hộ mớ rau, con cá, khi thì biếu bát hến, mẻ tôm. Lại còn may cả quần áo cho nó nữa kia.
     Rồi cu Tý đi học, sự chăm chút của người đàn bà ấy càng bộc lộ rõ hơn. Đích thị chị ta cũng muốn làm mẹ thằng bé. Lão chả có chữ nghĩa gì nhiều để suy luận, nhưng linh tính của người đàn ông mách bảo rằng đã đến lúc gợi cho Cu Tý gọi chị ta bằng mẹ!
          Một lần lão lập mưu!
          Lão phải đi xa kiếm ăn vài ngày bèn nhờ người đàn bà ấy chăm nom cu Tý. Lão đã dặn trước cu Tý là trong những ngày bố vắng nhà, con cứ gọi bà ấy bằng mẹ nhá. Cu Tý thích lắm và còn hứa với bố rằng nó sẽ nài mẹ nuôi nó lên ở hẳn với bố con mình. Nhưng ý đồ của lão chỉ đạt được một nửa. Cu Tý kể lại khi nó gọi bà ấy là mẹ, bà ấy đã ôm chặt con vào lòng rồi vỗ về hôn hít nó nhiều nhiều, nước mắt làm ướt cả vai áo nó. Nó nài nỉ mẹ nuôi lên ở với bố con nó cho vui ...Mẹ nuôi của nó ngần ngừ mãi mới nói rằng  con ơi con sẽ là con của mẹ nhưng mẹ không thể ở cùng bố con được. Vì lẽ gì thì nó  không thể nào hiểu nổi.
          Chính lão cũng chẳng hiểu nổi, mà cuộc đời thì cứ chảy đi cùng với dòng sông có đôi bờ vẫn ngàn đời chẳng giáp mặt nhau.
          ... Ngày cu Tý đi bộ đội, lão có làm mâm cơm mời bà ấy lên gọi là để liên hoan tiễn chân thằng bé. Người đàn bà ấy chỉ ăn uống qua quýt rồi ứa nước mắt vừa dúi vào tay thằng con trai của lão một ít tiền và gói quà động viên để cu Tý lên đường được bằng an và lập nhiều chiến công. Lần đầu tiên lão nhìn thấy bà ấy khóc. Đàn bà khóc hay làm đàn ông mủi lòng, thế là lão cũng khóc ! lão khóc thầm trong lồng ngực.
          Cu Tý xung phong đi bộ đội mấy lần mới được chính quyền chấp nhận vì nó là con một. Lão đã ký vào đơn tình nguyện của con để nó được bằng chúng bằng bạn và ơn trời nếu nó lập được nhiều chiến công thì lão cũng được rạng mày rạng mặt. Nhưng sự đời thì lại ít chiều theo ý lão. Cu Tý đi bộ đội được gần hai năm thì lão nhận được giấy báo con trai lão đã hi sinh trong một trận đánh vào bến cảng Sài Gòn. Lão gục xuống như một cây chuối bị trận cuồng quật ngã. Người đàn bà kéo lưới tôm lên chăm sóc lão cả tuần lễ. Ai cũng bảo hai người sẽ ăn ở với nhau, nhưng chuyện ấy đã không hề xảy ra như người ta tưởng. Con đò nan vẫn neo đậu bên kia bến bờ nhà lão; vẫn bắc cây cầu bằng ánh lửa đèn cho lão thả hồn bước đi trên đó, để sóng lại đánh gãy cầu, hất lão vào trong phiêu diêu, vô định,...
          Lão mất ngủ thường xuyên. Sự mất ngủ của một người đàn ông góa vợ từ thời trai trẻ, giờ đang bước vào tuổi "hồi xuân" nó phức tạp lắm. Lão mới nghiệm ra rằng, không có đàn bà thì đàn ông chết quách đi cho rồi. Vậy đấy! Mà lão thì chưa thể chết vì còn có người đàn bà kéo lưới tôm, ân nhân của lão, bạn đời sông nước của lão. Lão chết cái nghĩa này ai trả? Và nếu lão chết thì người đàn bà kia lấy ai bầu bạn ở khúc sông này? Lão phải nghĩ cách gì để neo con thuyền kia về bến đậu nhà mình. Hiềm một nỗi khẩu khiếu của lão rất khó khăn khi diễn giải những điều lão từng ấp ủ. Nhiều điều ấp ủ cứ nung nấu trong lòng, làm cháy ruột, cháy gan lão. Cái sự cháy ấy cứ lớn dần rồi lan ra khắp cơ thể. Nóng quá! Lão không chịu được nữa. Lão nhào xuống sông mà bơi mà ngụp. Rồi trời xui đất khiến thế nào mà đôi tay của lão cứ sải dài về phía bên kia, nơi con đò của người đàn bà kéo lưới đang cắm sào ngủ bồng bềnh trên sông nước. Lão mon men tới con  đò, bám lấy mạn thuyền, đưa đẩy nó như một chiếc võng ru...
          Có tiếng lạch cạch trong khoang, một ngọn lửa lóe lên từ tay người đàn bà. Như một tên ăn trộm bị phát hiện, lão ngụp xuống, ẩn mình sát đáy thuyền. Luống cuống thế nào lão lại đụng đầu vào đáy làm con thuyền giật nảy lên! Một con sào nhọn hoắt lao xuống nước, xiên dọc, xỉa ngang vào sát gần đáy con thuyền. Lão hoảng quá vội nhào lên kêu khẽ:
          - Tôi đây, bà ơi! Đừng mà...
          Nhận ra tiếng lão, người đàn bà dừng tay sào, hỏi bằng cái giọng trách móc:
          - Đêm hôm khuya khoắt, ông sang đây làm gì?
          Lão chưa chuẩn bị trả lời câu hỏi như thế này nên ấp úng:
          - Là... là... nóng quá. Tôi đi tắm...
          Lão lại nghĩ tiếp rồi cũng tìm ra một câu trả lời đúng với lòng dạ của lão:
          - Tôi thương bà đơn chiếc. Tôi sang đây làm bạn cùng bà.
          - Thì tôi với ông chả là bạn với nhau mấy chục năm rồi còn gì!
          - Bà cứ để cho tôi lên thuyền nói rõ ngọn ngành, bà sẽ hiểu được lòng tôi!
          Giọng người đàn bà sắc lạnh như dao cắt vào tim lão:
          - Không được! Nếu ông lên thuyền tôi sẽ chết ngay lập tức.
          Người đàn bà vớ lấy con dao sáng loáng rồi tự kề vào cổ mình!
          Ngọn lửa trong trái tim đang hồi xuân của lão bỗng tắt lịm. Sông nước biến thành băng giá. Run rẩy, lạnh lẽo, thất vọng và tủi thân, lão uể oải rời xa con thuyền trở về với bến cô đơn nhà lão!
          Năm tháng trôi đi.Tuổi già đến càng nhanh. Lão chẳng còn sức để lặn lội với dòng sông. Làng xóm đã làm cho lão một căn nhà tình nghĩa trên mảnh đất ven sông đầy kỉ niệm ấy. Tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ neo đơn, cộng với thu nhập cây trái trên mảnh vườn cũng gọi là tạm đủ sống.
          Con đò của người đàn bà kéo lưới tôm không còn neo đậu ở bên kia bến bờ. Từ cái đêm... lão đi tắm để sang với bà tới nay đã là hơn bốn năm, bà lánh mặt lão. Dòng sông trống vắng. Con đò cô đơn kia đã neo đậu ở bến bờ nào?
          ... Rồi đến một ngày, con đò nan xuất hiện. Đầu tiên là một chấm nhỏ, lẫn vào màn sương mờ ảo phía sông xa rồi cái chấm nhỏ ấy lớn dần thành một con đò nan rệu dã, mốc thếch vì nắng mưa năm tháng phủ lên...Mà sao mái chèo khua rời rạc thế kia. Mài trèo thập thõm, trễ nải, có lúc không biết nó sẽ vào bên này hay bên kia sông...Mà có lẽ con đò đang nhằm hướng nhà lão thì phải. Đúng rồi con đò đích thị đang tìm về bến đậu nhà lão. Như có sự giao cảm, tim lão đập những nhịp thất thường. Lão dụi mắt...Lão không tin vào mắt mình nữa, Lão nhận ra hình dáng con đò với người cầm chèo năm xưa. Đúng là bà ấy trở lại. Lão chờ đợi, từ con đò mảnh mai kia bước lên là cái dáng hình người đàn bà đã làm bận rộn tâm trí lão mấy chục năm nay. Một phút im lặng! Rồi dăm bảy phút trôi qua.. chỉ có tiếng xào xạc của những con sóng vỗ vào mạn con đò nan mục. Sao thế nhỉ? Chả lẽ bà ấy... linh tính báo điềm chẳng lành. Lão bước vội xuống bến sông. Trời ơi! trong khoang đò lạnh lẽo là một thân hình tiều tụy, khô đét, nằm bất động sau một hồi gắng gượng tìm về bến cũ.
          - Bà Hà! Bà Hà ơi! - Bà làm sao thế này?
          Lão chẳng còn nhận thấy sự ngăn cách giữa lão và thân thể người đàn bà kia. Sự ngăn cách ấy bây giờ là tội lỗi!  Lão nâng bà ngồi dậy trong vòng tay. Người đàn bà mềm nhũn như một tàu lá héo. Đôi mắt bà cố mở thật to để nhìn lão. Giời ơi cái đôi mắt đa tình thì giờ đây đã nhạt nhòa một màu trắng đục. Từ cái màu trắng đục ấy, hai đốm sáng nhỏ xíu giống như ngọn đèn dầu vặn nhỏ hết mức, chợt léo, chợt mờ. Bao nhiêu năm rồi đây là lần đầu tiên lão được nhìn thật sát, thật rõ đôi mắt đầy bí ẩn của bà.
          - Bà Hà, bà có nhận ra tôi không?
          Lão hỏi trong niềm lo sợ! Lão sợ hai đốm lửa leo lét trong đôi mắt bà bỗng nhiên tắt lịm. Lão sẽ vĩnh viễn mất hết. Lão sẽ mang tội là người bạc nghĩa; phải tội để bà phải xa lánh lão trong cái đêm chẳng cưỡng nổi lòng mình. Bà đã nhận ra lão trong vòng tay run rẩy và những giọt nước mắt hiếm hoi được tích tụ lâu ngày giờ mới được chắt ra. Người bà co rúm lại. Sự sợ hãi tội lỗi hay sự ấm áp muộn màng đã làm cho bà toát cả mồ hôi. Lão nghĩ là bà đang lên cơn sốt. Lão ôm bà thật chặt  và nói rằng phải đưa bà đi cấp cứu ngay! Bà hiểu, nhưng kìa sao bà lắc đầu:
          - Muộn rồi ông ạ! Không cần nữa đâu.
          Lão kêu lên:
          - Nhưng là tại sao kia chứ?
          - Ông giời bắt tội tôi phải thế - bà nói trong hơi thở nhọc nhằn - tôi nhờ ông một việc. Ông vẫn nghe thấy tôi nói đấy chứ.
          - Có! Có mà! Tôi vẫn đang nghe bà nói.
          Bà quờ tay tìm một cái gì đó rồi chạm phải tay lão. Bà níu lấy xiết chặt, chỉ vài giây thôi và buông ra, thảng thốt, rã rời.
          - Ông làm ma cho tôi nhớ!
          - Đừng nói gở! Để tôi đưa và lên nhà rồi...
          - Đừng! ông hãy để tôi chết tại con đò này. Tôi chẳng có ai, vậy ông hãy vuốt mắt cho tôi, để tôi xuống suối vàng được mát mẻ thì tôi ơn ông lắm.
          - Giời ơi! Bà không thể chết được. Bà nghe đây, đã từ lâu tôi thương bà mà bà chẳng chịu hiểu cho. Giờ thì bà chẳng tránh tôi được nữa.
          Bà lại lắc đầu:
          - Muộn rồi ông ạ! Ông giúp tôi được chứ ?
          - Tôi sẽ giúp bà trăm lần, ngàn lần nhưng là để cho bà mau khỏe mà ở lại cùng tôi chứ không phải... giời ơi! Bà đừng có chết. Bà mà chết là tôi mang tội. Đã mấy mươi năm rồi tôi chịu ơn bà.        
          - Đừng nhắc đến chuyện cũ làm gì! Đây này - bà lần tay xuống lớp chiếu rút ra một cái bọc nhỏ - số tiền tôi dành dụm được, ông cầm lấy để làm ma và ba năm nữa sau khi tôi chết, ông vẫn nhớ đến tôi chứ?
          Đôi mắt lão nhòe nhoẹt. Lão gật gật cái đầu đau khổ. Lời bà trăn trối cho đến tận bây giờ, lão còn nhớ như in:
          - Ở trong cái bọc này còn có cái địa chỉ, quê quán... ông hãy giữ nó cẩn thận. Đến ngày cải táng phần mộ, ông hãy nhờ người đem nắm xương tàn của tôi theo địa chỉ đặt cạnh một ngôi mộ. Ngôi mộ ấy là của chồng tôi chết cách đây 40 năm 2 tháng 7 ngày có được không ông?
          Lời bà nhỏ dần, hai đốm lửa trong đôi mắt như ngọn đèn sắp tàn, nó chợt lóe lên rồi tắt ngấm.
*                 *
*
          Lũ con ba ba chui ra khỏi vỏ bằng một kiểu duy nhất là thò cái mũi ra trước, hít không khí tăng thêm sức mạnh phá nát phần vỏ trứng còn lại. Rất nhnah, chỉ trong vòng mười năm phút là chúng đã nở hết. Phát hiện ra chậu nước đặt bằng với mặt đất, chúng tranh nhau lao vào ngụp lội như cái lũ trẻ đùa nghịch dưới bến sông. Nhìn chúng thật vui mắt. Con gì lúc bé bỏng cũng bày ra được những trò hay đáo để.
          - Vài giờ nữa là tao thả chúng mày xuống cái ao kia tha hồ mà vùng vẫy.
          Lão nhìn xuống mảnh ao rộng chừng vài chục mét vuông, xung quanh đã xây tường bao kín. Mảnh ao này là do các ông bạn già trợ giúp, động viên lão lấy việc làm vui, để quên đi nỗi quạnh hiu của tuổi già và để trả được cái nghĩa, cái tình của người bạn sông nước với một lời trăng trối trước phút lâm chung.
---------------
          Có tiếng xe máy đỗ lại trước cổng. Một trung tá quân đội dắt xe vào nhà lão. Lão ngờ ngợ... rồi sửng sốt kêu lên:
          - Giời ơi! Con tôi! Cu Tý phải không?
          - Bố! Đúng là cu Tý của bố đấy ạ!
          Lão ôm chầm lấy chàng sĩ quan mà nhìn, mà xét, mà sờ, mà nắn, để tin chắc rằng đấy là giọt máu của lão, bằng xương, bằng thịt hẳn hoi chứ không phải âm hồn cu Tý hiện về. Lão nghĩ ngay đến vong linh của người đàn bà kéo lưới tôm. Chắc bà đã xuống đòi diêm vương cải tử hoàn sinh trả lại con trai cho lão! Lão run rẩy tới bên bàn thắp ba nén nhang bái vọng tất cả long thần thổ địa, tổ tiên nội ngoại, ông cô bà mãnh, vong linh mẹ đẻ, mẹ nuôi cu Tý đã mang về cho lão một đại phúc không gì quý giá cho bằng.
          Làng xóm kéo đến chật nhà chúc mừng bố con lão. Qua câu chuyện của Trung tá "Cu Tý", mọi người mới vỡ lẽ ra rằng, cái giấy báo tử năm xưa là chuyện giả. "Cu Tý" ngày ấy được Đảng và quân đội cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại một quân cảng của Mỹ ở nước ngoài. Nhiệm vụ hoàn thành, giờ mới được trở lại quê hương thăm gia đình, làng xóm.
          Bố con đoàn tụ. Mừng mừng tủi tủi, lão kể lại cái chết và lời trăn trối của mẹ nuôi "Cu Tý".
          Ngày giỗ đoạn cũng là ngày cải táng phần mộ của bà. Lần theo địa chỉ, con trai lão đã mang hài cốt của bà về nơi bà đã sinh ra, đặt bên cạnh ngôi mộ của chồng bà đã được quy tụ trong một nghĩa trang liệt sỹ. Công việc hoàn tất, những bí mật về thân phận người đàn bà kéo lưới tôm đã được Trung tá tình báo Ngô Sỹ - Tý kể lại cho bố nghe. Giờ thì lão hiểu, lão hiểu vì sao mà người đàn bà đó chối bỏ cái điều mà những người đàn bà khác ít khi chối bỏ.
          ... Trong cuốn sổ vàng ghi tên các anh hùng liệt sĩ có công với nước từ thời chống Pháp ở một xã vùng quê nhãn, Trung tá Ngô Sỹ - Tý tìm ở một trang thấy ghi:
           Phan Thị Hà - Sinh năm 1930
          Chức vụ: Tiểu đội trưởng nữ du kích     
          Công trạng: Lập thành tích xuất sắc trong trận tiêu diệt đồn Đ.S tháng 3 năm 1952.
          Mất tích sau khi hoàn thành nhiệm vụ
          Vì sao Phan Thị Hà mất tích? Đó là câu hỏi cần phải có thời gian khai thác qua nhiều nhân chứng. Những nhân chứng cùng thời với Phan Thị Hà chỉ còn lại vài người. Một người sống tại quê, một người đi xây dựng kinh tế mới tại Lai Châu, một người là cán bộ nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh và sư cụ chùa Lê đã chín mươi bảy tuổi.
          Người sống tại quê là nữ du kích đồng đội cũ của bà kể rằng: Phan Thị Hà là một cô gái đẹp và rất có duyên, nhiều chàng trai say đắm nhưng chị chỉ yêu một người đó là Đại đội trưởng bộ đội địa phương Lê Ký. Hai người tổ chức đám cưới, tuần trăng mật chỉ vẻn vẹn được ba ngày thì giặc Pháp kéo quân về lập tề xây bốt. Anh đi chiến đấu, chị vào du kích diệt ác phá tề. Một tối anh đi công tác, ghé qua nhà thăm chị. Có kẻ mật báo cho giặc. Giặc về vây làng, bắt cả hai người mang về đồn. Kẻ mật báo giặc về bắt vợ chồng chị là đứa đã từng say mê chị nhưng bị khước từ, nó theo giặc để tìm cách trả thù.
          Người ở vùng kinh tế Lai Châu là anh lính của Đồn Đ.S năm xưa cho hay Đồn Đ.S có một tên ác ôn khét tiếng đó là  Đồn trưởng Sạ. Sếp Sạ có hai điều dị thường: Điều thứ nhất giết người như cách người ta chọc tiết lợn, điều thứ hai mê gái đến cuồng loạn. Khi bắt được vợ chồng chị Hà về đồn, sếp bảo chị phải làm vợ nó thì nó sẽ thả chồng chị , nếu không nó sẽ thịt chồng chị, đánh tiết canh nhắm rượu trước mặt chị coi. Sếp không bao giờ dọa ai, hắn nói là làm, chẳng ghê tay, chẳng ân hận. Chị hình dung cảnh tượng tên ác ôn sẽ ra tay đối với chồng chị, chị không thể chịu nổi đành chấp nhận lấy sếp với nhiều mưu toan mà mấy tháng sau, người lính đó mới hiểu được. Chị đã vui vẻ chiều lòng sếp để được đi lại tự do kể cả ngoài phạm vi đồn đóng. Chị giác ngộ cách mạng cho một số binh lính để sẵn sàng làm nội ứng cho bộ đội đánh đồn. Một đêm cuối tháng, chị đã chiều chuộng cho sếp Sạ uống rượu mềm rồi lấy một đinh dài bảy phân đóng vào lỗ mũi sếp, sếp chẳng kịp kêu chẳng kịp giãy chết luôn. Chị hô hoán lên là sếp bị cảm rượu. Nhận được lệnh khởi sự từ người lính đã bắn ba phát súng ra báo hiệu tấn công đồn.
          Người cán bộ nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh là đồng đội của chồng chị ngày ấy kể, đơn vị bộ đội địa phương do Đại đội trưởng Lê Ký chỉ huy đã nắm được nhiều nguồn tin quan trọng do Phan Thị Hà báo ra. Lê Ký chờ đợi và khi ba phát súng từ trong đồn giặc vang lên, nội ứng mở cổng đồn, cả đại đội của anh tràn vào tấn công. Sếp Sạ  chết, như rắn mất đầu, lính trong đồn chống cự yếu ớt rồi quy hàng. Nhưng tên phản bội, kẻ tình địch đã bắn lén anh. Lê Ký ngã xuống. Cả đại đội của anh đã sả súng vào tên phản bội. Nó đã đền tội. Công việc thu dọn chiến trường rất khẩn trương nên phải chôn cất Lê Ký ngay trong đêm. Không nhìn thấy chị khóc, chỉ nghe tiếng chị thầm thì nói với người chết những điều gì đó... Sáng hôm sau, chị đã bỏ đi đâu chẳng ai hay biết nữa.
          Sư cụ chùa Lê còn nhớ rất rõ cô gái đã đến chùa xin quẻ cách đây hơn bốn mươi năm. Cô có một duyên phận thật đau lòng. Cô kể, một lần cô nhảy xuống sông tự tử để theo chồng nhưng lại có người vớt được. Lần cô treo cổ nhưng dây bị đứt cũng không chết được. Rồi cô đến chùa xin quẻ, xem trời phật phán định kiếp sống của cô. Quẻ phật dạy rằng: Cô còn phải sống thêm bốn mươi năm nữa mới được theo chồng. Trời phật chắc cũng thương cô, chẳng nỡ để cô chết trẻ. Biết đâu cuộc đời sẽ bù đắp lại những gì cô đã mất.
          Cuộc đời đã cố bù đắp cho bà nhưng bà lại chối bỏ hết. Chắc bà mặc cảm vì lòng chung thủy, vì thân phận đàn bà đã trao cho loài quỷ dữ dày vò, chẳng còn gì để hiến dâng, để tận hưởng. Giờ chỉ còn một nắm xương tàn nhưng sạch sẽ bụi trần ai, bà mới được trở về vòng tay của một mối tình nguyên thủy.

 Đăng ngày 22/03/2013

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan