Saturday, October 17, 2015

Lễ hội Cách mạng với việc giáo giục truyền thống cho thế hệ trẻ - góc nhìn từ Quảng Trị.- ( Kì 1)

Tác giả: Xuân Đức

 
Xuanduc.vn: Ngày hôm nay ở Hà Nội, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 của BCT về việc thực hiện văn minh trong việc cưới, tang và Lễ hội. Cuối năm ngoái, bộ phận chuẩn bị nội dung cho hội nghị này có yêu cầu tôi viết một phần về việc tổ chức các lễ hội mới- Lễ hội cách mạng. Không biết phần tham gia của tôi đã được đưa vào kỉ yếu hội nghị như thế nào, có được bộ phận biên tập sửa chữa gì nhiều không. Tôi cứ post nguyên văn bài viết của mình để ai có sự quan tâm đến vấn đề này đọc cho vui.Bài viết hơi dài nên xin được đăng làm hai kì. 
Kì 1
Quảng Trị, một mảnh đất nhỏ nằm gần chính giữa trung điểm của Tổ quốc mà một nhà văn đã ví là điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu giang sơn Việt Nam.
Quảng trị không có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế nhưng lại là vùng đất giao thoa của các luồng văn hóa đông tây- nam bắc nên trầm tích trong nó một gia tài văn hóa không nhỏ.
Quảng trị là đất phên dậu, là chốn giáp ranh của những cuộc chiến khốc liệt và dai dẳng nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị trở thành nơi chia cắt, thành giới tuyến quân sự và nơi đụng đầu trực tiếp của hai thế lực Cách mạng và phản Cách mạng điển hình của lịch sử nhân loại. Vì thế mảnh đất này đã trở thành tro bụi của sự hủy diệt, thành nghĩa địa chung của hàng vạn người con cả dân tộc cũng như nhiều con người bên kia chiến tuyến.
Với một đặc điểm lịch sử như vậy, Quảng Trị trở thành vùng đất chịu sự biến động lớn nhất, li tán và xáo trộn nhất. Điều đó cắt nghĩa vì sao, một vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hóa như Quảng Trị mà hôm nay rất nhiều di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể đều bị phai nhạt, vụn vỡ, thậm chí nhiều di sản chỉ còn lại trong ký ức.
Có lẽ gia tài văn hóa đồ sộ nhất, nóng hổi nhất khả dĩ đưa tầm vóc văn hóa Quảng Trị ngang tầm với những vùng đất khác trong nước cũng như trên thế giới đó chính là di sản văn hóa Chiến tranh và Cách mạng.
Trong nhiều năm qua, mặc dầu phải vật lộn với công cuộc tái thiết lại quê hương từ tro bụi chiến tranh với bao gánh nặng của di chứng hậu chiến, nhưng Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị vẫn coi việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản đó như là một động lực để tạo ra sức mạnh vật chất cho công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương.
Trong tất cả những thành tựu về xây dựng đời sống tinh thần cho nhân dân thì việc xây dựng và tổ chức có hiệu quả các lễ hội mới- Lễ hội Cách mạng là một cố gắng lớn rất đáng ghi nhận. Và thực tế cho thấy, các lễ hội Cách mạng được tổ chức thành công không chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân mà còn góp phần giáo dục truyền thống một cách rất có hiệu quả đối với cộng dồng, nhất là thế hệ trẻ, đã tạo nên một sức mạnh mới cho sự phát triển, gắn kết truyền thống anh hùng trong quá khứ với khát vọng đổi mới hôm nay, vừa hun đúc tình yêu quê hương mãnh liệt cho con em Quảng Trị, vừa tạo thêm cơ hội để đồng bào, đồng chí trên cả nước tiếp tục hướng về Quảng Trị, tiếp sức cho Quảng Trị vươn lên tiến kịp bạn bè.
Có thể nói, xây dựng và tổ chức các lễ hội Cách mạng là một mũi đột phá trong nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa và cũng là cách đột phá để tạo nên tiềm năng mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế của Quảng Trị.
Bằng thực tiễn hoạt động, chúng tôi xin tự rút ra một số kinh nghiệm và bài học trước hết cho chính bản thân mình sau  hầu mong bạn bè có thể tham khảo, bổ cứu. I )Tổ chức lễ hội, một cách thức vật thể hóa những giá trị phi vật thể.
Cũng phải mất một thời gian kể từ khi những khái niệm và phạm trù Văn hóa được hiểu một cách thấu đáo cả bề rộng lẫn chiều sâu thì chúng ta mới có thể nhận thức được điều căn bản này: trên một Di sản Văn hóa nếu không có những giá trị phi vật thể thì sẽ chẳng có giá trị vật thể. Và như thế cũng chẳng còn có gì để gọi là Di sản văn hóa. Lý thuyết có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế đã từng xẩy ra sự hiểu và làm không đúng hoặc không đầy đủ. Lấy một vài ví dụ trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, nhất là sau khi có nghị quyết TW 5- khóa 8, Đảng và nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp này nên đã bố trí nguồn ngân sách tuy chưa thật nhiều nhưng cũng đã tạo nên những "cú hích" mạnh mẽ để toàn xã hội có sự quan tâm hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản văn hóa. Hầu như địa phương nào cũng có được một số dự án nằm trong chương trình mục tiêu này. Quảng Trị là một địa phương có nhiều di tích Lịch sử cách mạng được quan tâm đầu tư và trên thực tế đã triển khai tương đối có hiệu quả.Tuy nhiên không phải nơi nào cũng làm tốt. Cái đáng trách nhất là ở một số địa phương chỉ chăm chăm chạy làm sao để có dự án đầu tư. Lãnh đạo thì coi đó là nguồn bổ sung chỉ số tăng trương JDP. Dân thì coi đây là dịp để " khoe" dòng họ mình, thôn xã mình. Còn cơ quan đầu tư, các Chủ đầu tư hay các Ban quản lý dự án thì..có nhiều "chùm khế ngọt" để hái ! Nói đến chuyện..khế ngọt, đã từng có chuyện  chính các địa phương có di tích nhưng không bảo vệ được dự án mà phải nhờ chính các Công ty xây dựng ( tức là bên B) đi bảo vệ giúp mới thành công. Lý do vì sao chắc nhiều người đã rõ.
Với quan niệm và cách làm như thế rất dễ dẫn tới mấy hậu quả sau. Một là công trình tôn tạo di tích không tuân thủ đúng khoa học bảo tồn Di sản làm méo mó sai lệch di tích dẫn đến làm giảm và có khi mất hẳn giá trị vốn có của di tích. Hai là, sau khi hoàn thành dự án thì chẳng còn ai quan tâm đến nữa. Di tích với tiền tỉ tôn tạo lại trở về hoang phế. Quá trình lấn chiếm, xâm hại hoặc sử dụng sai mục đích lại tiếp tục diễn ra. Ngay cả những di tích được đầu tư bằng nguồn vốn do dân tự nguyện đóng góp cũng vẫn xẩy ra tình cảnh như vậy. Điển hình là những bia đài ghi dấu những nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên, những địa chỉ từng có các hoạt động quan trọng của các cấp lãnh đạo địa phương trong giai đoạn khởi nghĩa hoặc trong quá trình chỉ đạo kháng chiến..Ở Quảng Trị, hầu như huyện nào, xã nào cũng đòi phải có được một điểm di tích thuộc dạng đó được đầu tư xây dựng. Nếu không, nhân dân nơi đó cảm thấy mình không được tôn trọng bằng địa phương khác. Nguyện vọng thì chính đáng, vấn đề là vì sao những di tích như vậy sau khi tốn nhiều trăm triệu đồng xây dựng xong thì chẳng còn ai nhớ đến nó nữa? Nhiều bia đài đặt ở những vị trí heo hút đã bị cỏ lấp dày kín, không còn cả lối ra vào.
Thực tế trong nhiều năm qua các di tích văn hóa thuộc nhóm tâm linh tính ngưỡng thường được bảo vệ có phần tốt hơn, phát huy hiệu quả cao hơn các loại di tích khác. ( Nói là có phần tốt hơn các loại hình khác chứ thực ra vẫn còn nhiều sai phạm, nhiều sự biến dạng méo mó hoặc bị lợi dụng). Rõ ràng ở loại hình di tích đó, phần giá trị phi vật thể của di tích đã được đề cao. Khi giá trị tinh thần của di tích trở thành tâm thức của cộng đồng dân cư nơi di tích tọa lạc thì người dân sẽ tự cảm thấy quý giá hơn, tôn trọng hơn cái vỏ vật chất của nó như là ngôi đền, ngôi chùa, pho tượng, thậm chí cả cái khuôn viên có cây đa, giếng nước v..v..Còn các loại hình di tích khác, nhất là di tích lịch sử, kháng chiến rất dễ rơi vào tình trạng hoang phế, có nơi chỉ còn lại địa chỉ. Bởi vì chúng ta chưa làm được cái việc chuyển tải những giá trị tinh thần thiêng liêng của di tích đến với nhân dân. Nói nôm na là cái vỏ vật chất của di tích đó chưa trở nênthiêng đối với người dân.
 Ở xã Gio An huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị là nơi ghi dấu rất nhiều chiến tích bi thương và hào hùng của quân dân ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ một ca khúc nổi tiếng thời kì chống Mỹ :tiếng trống trận từ Gio An vọng tới..Hoặc bài hát  Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục..
Ngay đầu làng có một cây đa. Trong một trận chiến đấu với bọn Mỹ, một chiến sĩ của Trung đoàn 27 đã bị giặc bắt. Vì căm tức trước sự thất bại ê chề trong các cuộc giao tranh nên lính Mỹ đã trói người chiến sĩ vào gốc đa , tập trung dân lại để chứng kiến cuộc hành hình lính Việt Cộng. Bọn Mỹ đã xối đạn vào người anh. Không thể biết được là có bao nhiêu viên đã găm vào thi thể người chiến sĩ. Khi kẻ thù rút đi, nhân dân gỡ thi thể anh ra, rất nhiều da thịt anh đã găm sâu vào thân cây. Người dân Gio An vừa khóc vừa cạy từng chút thịt nát trên thân cây ra để khâm liệm. Thế rồi ngay từ trong những ngày còn chiến tranh và mãi tới tận bây giờ, hằng năm đến ngày anh hy sinh, cả làng cùng đồng loạt cúng giỗ. Và thế là Người chiến sĩ quân Giải phóng đã trở thành Thành hoàng của làng. Đấy thật sự là một vị Thành hoàng hi hữu. Cây đa ấy đã không thể tồn tại được trong bom đạn hủy diệt. Cái hố đất còn lại trở thành nơi hương khói. Cách đây mấy năm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người thủ trưởng cũ của Trung đoàn đã mang từ Hà Nội vào một gốc đa để trồng lại trên chỗ đất cũ. Tất cả nhân dân Gio An đều chung tay chăm sóc cây đa. Đến nay nó đã sum xuê gần bằng cây đa ngày trước. Năm ngoái, chiến sĩ Trung đoàn 27 cũ đã cùng nhau đóng góp tiền với ý muốn xây dựng tại Gio An một bia đài tưởng niệm liệt sĩ. Sau nhiều lần bàn bạc, các cựu chiến binh đó đã cùng với xã nhất trí xây một Đình làng và đưa liệt sĩ vào thờ trong đình. Cựu chiến sĩ trung đoàn 27 Lê Bá Dương bày tỏ suy nghĩ: Chỉ có thể đưa liệt sĩ vào trong đình làng thì hương hồn họ lúc nào cũng được ấm áp và di tích lúc nào cũng không bị xao nhãng.
Câu chuyện về di tích cây đa với vị Thành hoàng là chiến sĩ Cách mạng và chuyện xây Đình làng thờ Liệt sĩ ở Gio An gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ sâu sắc trong việc làm thế nào để phát huy các giá trị của lịch sử trong cuộc sống hôm nay. Cốt lõi ở chỗ cần khơi dậy đầy đủ, chuyển tải cho hết những giá trị phi vật thể của những cái xác vật thể của di tích thì di tích mới là một cơ thể sống, tự sống và sẽ nhận được sự chăm nom hết lòng của những con người sống. Việc tạo ra những lễ hội Cách mạng ngay trên các di tích ấy chính là cách làm tốt nhất để gọi cái phần hồn ấy sống dậy. Nói một cách khác, hoạt động lễ hội là cách làm cho cái phần phi vật chất hiện hình lên, giúp cộng đồng hôm nay đặc biệt là thế hệ trẻ, thế hệ không được chứng kiến những sự tích ấy xẩy ra có thể đọc được những giá trị sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất đang ẩn sâu trong các di tích lịch sử và cách mạng. 
II ) Xây dựng một lễ hội mới cần đặt nó trongkhông gian văn hóa mớiNhìn một cách tổng quan thì trong nhiều năm qua nhiều địa phương đã tổ chức được một số lễ hội mới thành công, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ cũng như nhân dân nói chung những giá trị cao đẹp của cuộc sống, đặc biệt là những lễ hội về Chiến tranh và Cách mạng. Nhưng không phải nơi nào cũng đạt được yêu cầu, lễ hội nào cũng tạo ra được sự ảnh hưởng sâu sắc.
Nguyên nhân của sự chưa thành công của một số địa phương, một vài lễ hội do nhiều yếu tố. Có nguyên nhân kịch bản lễ hội chưa hay, tổ chức hoạt động chưa thật độc đáo..Nhưng có lẽ cái cần phải bàn nhất là các lễ hội ấy đã được "đẻ" ra một cách tùy hứng, sống đơn độc chứ không gắn bó gì với một không gian văn hóa.
Một lễ kỉ niệm ngày giải phóng địa phương, ngày thành lập hay tái lập một tỉnh, một huyện chẳng hạn dù đã được tổ chức rất cầu kì, hoành tráng, huy động rất nhiều nhân tài vật lực cho những đoàn diễu hành, xe hoa, mét tin rầm rộ..nhưng điều đọng lại trong tâm thức nhân dân thì rất khiêm tốn.Tôi không nói những cuộc như vậy không có tác dụng. Nó có tác dụng nhưng là tác dụng của một hoạt động chính trị chứ không phải là một hoạt động văn hóa. Nghiã là nó giúp cho khối óc nhiều hơn là con tim. Những cuộc như vậy vẫn cần làm nhưng có lẽ nên làm vừa phải, tiết kiệm và giản dị hơn. Khi nào thấy thật sự cần thì làm, không thật cần thì thôi, nó không thể trở nên hoạt động định kì của cộng đồng, không thể trở thành lễ hội  được.
Một thuộc tính căn bản của loại hình lễ hội ( để phân biệt với các hoạt động đông người khác nhưng không phải là lễ hội) đấy là tính tự nguyện của người hành hương lễ hội. Nghĩa là, người đến với lễ hội phải là người đi theo nhu cầu tự thân chứ không phải do sự phân công, tập họp lực lượng do cơ quan tổ chức lễ ấn định. Một cuộc mét tin lớn không phải là lễ hội là vì vậy. Lễ hội chùa Hương chẳng hạn, người tổ chức chỉ phải lo làm sao để đảm bảo cho khách hành hương được thỏa mãn tốt nhất nhu cầu viếng chùa và hành lễ của họ chứ không phải lo việc có được bao nhiêu người đến. Lễ hội Đền Hùng trong ngày Quốc giỗ cũng vậy. Vì lẽ đó muốn xây dựng một lễ hội mới, điều cần đầu tiên là phải xem xét tính khách quan của không gian có đủ sức tạo nên một không gian văn hóa không ? Không gian văn hóa ấy bao gồm: Điều kiện lịch sử của địa diểm tổ chức lễ hội có thật sự có giá trị phi vật thể không, đời sống tinh thần của người dân vùng đó có chịu ảnh hưởng bởi những giá trị ấy không? Họ có nhu cầu hướng về những giá trị ấy không, và trong đời sống thường nhật, những giá trị tinh thần đó đã có phần nào tác động đến suy nghĩ và tình cảm của cộng đồng không ? Nếu tất cả các câu hỏi trên được trả lời bằng không hoặc có rất ít thì dù cố gắng đến mấy, tài ba đến mấy cũng không thể tổ chức thành công một lễ hội mới. ( Có thể tổ chức được một cuộc rất to tát nhưng không thể duy trì thành một hoạt động lễ hội định kì có tính tự nguyện của cộng đồng)
Quảng Trị là một mảnh đất rất đặc biệt của Tổ Quốc Việt Nam. Đây là nơi chứng kiến và chịu đựng nỗi đau chia cắt cực kì phi lí của dân tộc ròng rã suốt 21 năm trường. Chính vì vậy, vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải lại là biểu tượng cao nhất, day dứt nhất của khát vọng thống nhất đất nước, đoàn tụ dân tộc.
Quảng Trị là nơi đụng đầu trực tiếp của hai thế lực chói ngời nhất và đen tối nhất, dã man nhất và nhân đạo nhất, hai sức mạnh vật chất hùng mạnh nhất của cuộc đối đầu nhân loại. Vì vậy đây vừa là mảnh đất bị hủy diệt nhất, tàn khốc nhất vừa là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng.
Quảng Trị là nơi hội tụ nhân tâm, hội tụ sức mạnh của cả dân tộc Và vì vậy nơi đây là nơi xương máu của đồng bào đồng chí cả nước gửi lại nhiều nhất. Hôm nay nơi đây đã trở thành chốn yên nghỉ lớn nhất của hàng vạn người con khắp mọi miền quê đất nước. Quảng Trị hiện có 72 Nghĩa trang với gần 7 vạn liệt sĩ an nghỉ và có thể có gần bằng số như thế những hài cốt còn im lặng đâu đó trong đất đai.
Trong thời đại hội nhập hôm nay, Quảng Trị còn được biết đến với con đường xuyên Á ngắn nhất, bằng phẳng và thuận lợi nhất rất có điều kiện  cho giao lưu và phát triển kinh tế của trục hành lang Đông Tây.
Như vậy, địa lịch sử và địa kinh tế đã bộc lộ rõ những yếu tố của những không gian văn hóa. Quảng Trị tự xác định 2 không gian văn hóa rất đặc trưng: Không gian tưởng niệm và không gian giao lưu cửa ngõ.
Tôi xin được nói kĩ và tập trung hơn về không gian văn hóa tưởng niệm.
Về Văn hóa vật thể, Quảng trị có một hệ thống di tích lịch sử Cách mạng đồ sộ và dày đặc. Con số kiểm kê và xếp hạng Di tích đã xác định : Toàn tỉnh có 366 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh trong đó di tích thuộc loại hình Chiến tranh Cách mạng là 309. Đấy là chưa tính đến khoảng 20 đi tích lịch sử khác vừa được kiểm kê chuẩn bị cho việc đăng kí xếp hạng. Trong số hơn 300 di tích lịch sử Cách mạng ấy, có những di tích được xếp hạng đặc biệt của Quốc gia mà tên tuổi nó mỗi lần nhắc đến đã làm lay động hàng triệu trái tim nhân dân ta cũng như bạn bè có lương tri trên thế giới. Đó là Sông Bến Hải- cầu Hiền Lương, là đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại , là 2 Nghĩa trang Quốc gia khổng lồ: Nghĩa trang LS Trường Sơn và Nghĩa trang Đường Chín, mỗi nghĩa trang đang yên nghỉ trên một vạn liệt sĩ. Đó là Thành Cổ Quảng Trị với sự tích 81 ngày đêm quyết tử của quân dân ta. Đó là làng hầm địa đạo Vịnh Mốc một huyền tích về sự sống bất diệt của Vĩnh Linh lũy thép anh hùng...
Trường tồn với những địa danh di tích đặc biệt đó là sự tích,điển tích rồi chuyển dần lên cấp độ huyền thoại về cuộc sống chiến đấu của nhân dân chiến sĩ cả nước đã một thời trộn máu viết nên trang sử bi hùng trên mảnh đất này. Đó chính là tinh thần bất tử của di tích , là giá trị phi vật thể vô giá của hệ thống văn hóa vật thể.
Thật không ngoa ngôn chút nào khi rất nhiều học giả, các nhà bảo tàng học, các cựu chiến binh đã gọi cả Quảng Trị là một bảo tàng sống. Và vì lẽ ấy, có thể nói không gian văn hóa Quảng Trị nổi bật nhất chính là không gian của một bảo tàng lịch sử Chiến tranh và Cách mạng.
Với một địa lịch sử và địa văn hóa như vậy, mảnh đất Quảng Trị đã trở thành đất hành hương của rất nhiều dòng người. Trước hết đó là hàng ngàn hàng vạn Cựu chiến binh tìm về với chiến trường xưa, tìm về với những người đồng đội đang yên nghỉ ở những Nghĩa trang hoặc đang ẩn chìm đâu đó trong lòng đất. Đó là những người thân của liệt sĩ, là bố mẹ, họ hàng hoặc con cháu và đồng đội cũ đi tìm hài cốt thân nhân. Là những đoàn khách từ cấp cao nhất đến đồng bào khắp mọi miền đất nước, khắp các tỉnh thành về dâng hương dâng hoa thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đó còn là bạn bè quốc tế đến để được tận mắt ngưỡng vọng một dân tộc anh hùng dám quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đó còn là những cựu chiến binh Mỹ đến để sám hối tội ác, tìm lại những kí ức đau buồn và thấm thía những bài học lịch sử.
Đấy là mới nhấn mạnh đến yếu tố khách hành hương từ xa đến chư chưa kể đến hàng mấy chục vạn nhân dân Quảng Trị từ tỉnh đến huyện, xã; từ các cấp lãnh đạo đến các đoàn thể,tôn giáo.. các cộng đồng dân cư, các cháu học sinh ở các trường học.. đã hàng chục năm nay coi việc đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc mồ mả liệt sĩ là một phần trong cuộc sống thường nhật của mình. Hầu như bất luận ngày lễ, ngày tết, ngày truyền thống của địa phương, đơn vị nào thì nội dung hành lễ trước hêt là lên các nghĩa trang dâng hương cho liệt sĩ.
       Rồi những cuộc gặp mặt, dâng lễ vật lên các đài tưởng niệm ở Nghĩa trang liệt sĩ hay Thành cổ QT do những đoàn khách tự tổ chức như cựu sinh viên Hà Nội, Cựu chiến binh, các doanh nghiệp trong nước, hay những cuộc cầu siêu của các tổ chức Phật giáo, tất cả đã tạo nên không gian thiêngcho mảnh đất này. Vấn đề ở đây không phải chuyện có mê tín hay không mê tín, mà là không gian thiêng liêng nơi này đã giúp cho con người trấn tĩnh lại, tự suy ngẫm được nhiều hơn về giá trị cuộc sống. Xin đơn cử một ví dụ.Trong cuốn sổ lưu niệm tại di tích Thành cổ Quảng Trị có một trang ghi lại cảm xúc của một người bị nhiễm HIV. Anh ấy bị nhiễm căn bệnh thế kỉ nhưng không dám bộc lộ với ai vì rất ngại những sự kì thị của xã hội. Anh đã lặn lội từ ngoài bắc vào đất này thắp hương để bộc bạch với liệt sĩ rồi sau đó ghi lại trong sổ lưu niệm. Đó chính là cách người ấy đã giải tỏa được những ẩn ức trong lòng. Chắc chắn những ngày tháng còn lại anh ta sẽ thanh thản hơn.
Như vậy rõ ràng tự bản thân lịch sử đã để lại cho Quảng Trị một không gian tâm linh, một không gian văn hóa tưởng niệm. Trên bối cảnh của không gian thiêng ấy, căn cứ các điều kiện cần và đủ của từng không gian cụ thể, Quảng Trị đã xây dựng khá thành công ba lễ hội Cách mạng tiêu biểu.
- Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn và tưởng niệm Thành cổ- Gọi chung là Đêm Thành Cổ.( được tổ chức lớn 5 năm một lần vào năm tròn và năm chẵn ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, giải phóng Thành Cổ QT-1/5/1972)
- Lễ Tri ân tháng bảy và  hành hương về 2 nghĩa trang Quốc gia.( tổ chức 3 năm một lần trên tất cả các Nghiã trang của tỉnh, đại lễ sẽ được tổ chức tại 2 Nghĩa trang Quôc gia là NT Trường Sơn và Đường Chín vào ngày 27/7)
•-   Ngày hội Thống nhất non sông tại di tích Đôi bờ Hiền Lương.( Tổ chức lớn 5 năm một lần vào ngày 30/4 năm chẵn và tròn ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam- Thống nhất đất nước.)
III ) Hoạt động của các lễ hội Cách mạng đóng góp vào việc giáo dục truyền thống đối với nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.Xin được kể lại câu chuyện thả hoa trên sông Thạch Hãn của một Cựu chiến binh dẫn đến sự hình thành lễ hội Thả hoa trên sông và tưởng niệm Thành Cổ.
Người Cựu chiến binh ấy là Lê Bá Dương, một chiến sĩ của Trung đoàn 27, từng là dũng sĩ diệt Mỹ vang danh một thời. Khi cuộc chiến kết thúc, người Quảng Trị từ những nơi sơ tán  trở về với gia tài là đôi quang gánh trên vai, làng xóm quê hương ngổn ngang tro tàn sắt vụn, cuộc mưu sinh vất vả, vật lộn với đói nghèo trên miền quê Quảng Trị khiến người ta không còn đủ thời gian tâm trí để theo giõi xem những con người từng gắn bó với những chiến công hiển hách của đường Chín, Khe Sanh, Thành Cổ...như Lê Mã Lương, Bùi Ngọc Đủ, Lê Bá Dương... hiện ai còn, ai mất và nay đang sống thế nào. Các điểm di tích lịch sử nổi tiếng cũng đang trở thành hoang phế. Vì thật sự lúc đó chính quyền cũng như người dân vừa không có lực, lại cũng không đủ tĩnh tâm để nghĩ xem có thể làm được gì cho các điểm di tích trên. Tôi nhớ mãi đến năm 1990, ngành Văn Hóa Thông tin Quảng Trị mới xin được khoảng 10 triệu đồng tiền ủng hộ của mấy đơn vị Quân Đội để cắm 10 bia biển ở các di tích trọng điểm. Riêng Thành Cổ Quảng Trị, Bộ Văn Hóa cũng chỉ mới cho 20 triệu để rà phá bom mìn, tìm kiếm sơ bộ hài cốt, phạt đốt cỏ và trồng lên đó một ít dừa. ( Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc đó có viết một bài kí khá hay về Thành Cổ với tựa đề Cỏ lau để bày tỏ sự xót xa trước một chứng tích nổi tiếng đang ngập tràn cỏ). Thời gian đã biến Thành cổ thành Thành cỏ. Quyết tâm lúc đó của chúng tôi chỉ ngang mức: biến thành cỏ thành thành cây.Giữa những năm tháng đó, không ai để ý tới một hiện tượng này. Hằng năm đến những ngày lễ trọng tại Quảng Trị,( đặc biệt là ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7) có một Cựu chiến binh người nhỏ con, khuôn mặt gầy gò cứ lặng lẽ đến Thành Cổ, lặng lẽ mua gần hết hoa ở chợ và hái thêm hoa dại bên bờ sông Thạch Hãn rồi kết thành bè thả xuống sông. Rồi anh ta ngồi im lặng trên bờ Thạch Hãn âm thầm khóc một mình. Người trên bờ ít ai để ý tới anh. Những chiếc đò dưới sông xuôi ngược tất bật cho kịp phiên chợ cũng không để tâm đến anh. Có lẽ chính những lúc như thế câu thơ này đã vang lên trong anh, da diết và khắc khoải :
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹDưới sông còn đó bạn tôi nằmCó tuổi hai mươi thành sóng nướcVỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.Người Cựu chiến binh đó chính là dũng sĩ Lê Bá Dương.
Thế rồi dần dần người dân Thành Cổ cũng phát hiện ra. Những Cựu chiến binh, nhiều cháu thanh niên học sinh Thị xã khi được biết tình cảm và tâm nguyện của Lê Bá Dương cũng đã bắt đầu tự nguyện làm theo. Nhân dân, nhất là phật tử còn thả thêm đèn lồng xuống sông..Rồi báo chí, truyền hình lên tiếng. Cuối cùng Sở Văn hóa thông tin vào cuộc, quyết tâm đưa nghĩa cử của Lê Bá Dương và nhân dân Thành cổ trở thành một hoạt động lễ hội Cách mạng để tưởng niệm những người con của đất nước đã ngã xuống trên đất này.
Khi việc thả hoa, đèn trên sông đã trở thành một nội dung của hoạt động lễ hội thì không riêng gì ở sông Thạch Hãn mà gần như trên tất cả các con sông của Quảng Trị, nhất là sông bên Hải, sông Đông Hà..ngưòi ta bắt đầu thả hoa vào các ngày lễ tết. Nhiều đoàn khách hành hương về cõi thiêng này, ngoài việc viếng thắp hương các Nghĩa trang đều có hành động thả hoa trên các sông. Người ta làm việc đó tuyệt nhiên không vì phong trào, không đua đòi hình thức. Người ta làm nghĩa cử này trong niềm xúc động sâu xa và với những tâm nguyện thành kính cầu chúc cho anh linh liệt sĩ được siêu thoát.
Trong cuộc sống xô bồ của thời hiện đại này, có được những khoảng khắc tĩnh tâm để thả lòng về với cội nguồn như vậy thật quý giá biết bao !
Tôi laị nhớ một chuyện " cười ra nước mắt" thế này. Cách đây khoảng 15 năm, bà Nguyễn Thị Bình lúc đó là Phó Chủ tich nước vào thăm Quảng Trị. Tôi và đồng chí Giám đốc sở Giáo dục đào tạo của tỉnh đã tháp tùng bà vào thăm di tích Thành Cổ, nhân đó thăm trường Dân tộc nội trú tại Thị xã. Trong cuộc đón tiếp rất vui vẻ và thân tình của nhà trường và các em học sinh, bà Phó Chủ tịch nước hỏi một em ( học lớp 10) : Cháu có biết ngày hôm nay là ngày nào không ? Em học sinh nhanh nhẩu : Thưa bà, là 30 tháng tư ạ. Đúng rồi, 30 tháng tư là ngày gì, em biết không ? Dạ..là ngày..giải phóng Điện Biên ạ..Mọi người cười ồ lên. Bà Phó Chủ tịch nước cũng cười. Còn tôi và ông bạn Giám đốc sở Giáo dục thì ngượng chín mặt không biết nên chui vào đâu.
Bác Hồ đã nói : Dân ta phải biết sử ta. Nhiều năm qua báo chí đã không ít lần nêu lên nhiều chuyện " khóc hỗ ngươi, cười ra nước mắt" của nhiều bài thi sử của học sinh. Công luận cũng đã phản ánh cách dạy sử và học sử quá tắc trách và hời hợt trong nhà trường. Đã có một số địa phương đưa ra vài sáng kiến tuyên truyền lịch sử theo nhiều cách được coi là sáng tạo. Nhưng xem ra cũng chưa thể gọi là hiệu quả.
Chưa nói đến những trang sử xa xưa của dân tộc, ngay cả đến những chiến tích nóng hổi từ hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại vừa mới xẩy ra, máu xương của dân tộc còn đang bổi hổi đó mà không phải ai cũng hiểu, cũng nhớ. Những cố gắng của báo chí, của các cuộc hội thảo, của những trang hồi kí, những bài giảng chính trị trong các nhà trường đã góp một phần đáng kể vào việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử. Nhưng cái việc đọc và học nó chỉ thu nhỏ trong một số đối tượng, thậm chí nhiều đối tượng được học, có đọc nhưng lại không chuyên tâm hứng thú gì về câu chuyện lịch sử. Bởi đọc và học là hoạt động của ý chí và ý thức. Mà ý chí, ý thức hiện thời đang nghiêng hẳn về khoa học và kinh tế. Vậy thì con đường nào ngắn nhất, có hiệu quả nhất để tiếp cận và hằn sâu trong trí não lớp người đương thời , nhất là lực lượng trẻ? Đấy chính là hoạt động Văn hóa, mà nói cụ thể hơn là các hình thức truyền cảm trong các lễ hội văn hóa. Hoạt đông lễ hội tích hợp được nhiều yếu tố diễn đạt tương ứng nhiều nhu cầu sở thích của công chúng. Đấy là tâm linh, xúc cảm, nhận thức, và có cả nhu cầu giải trí. Đương nhiên nó cũng không thể làm thay tất cả các hình thức giáo dục khác. Tuy nhiên, khi đã có sự tác động trực giác tại lễ hội, con người sẽ có sự khởi động tốt hơn cho quá trình tiếp thu sự giáo dục lâu dài. Từ tình cảm nó thức tỉnh ý thức, người ta sẽ có thể tự tìm đọc và học kĩ hơn về những gì đã được khởi động hoặc sẽ có ý thức hơn khi được nghe đề cập đến những vấn đề đó trong một môi trường khác, hình thức khác.
Tôi xin dẫn chứng một trường hợp. Nói đến hoàn cảnh chia cắt đất nước theo hiệp đinh Giơ-ne-vơ, nỗi đau quặn xé của đồng bào 2 miền Nam-Bắc cũng như cuộc đấu tranh quyết liệt đòi Tổng tuyển cử của dân tộc Việt Nam và dã tâm của đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai trong việc hủy diệt bờ bắc Vĩnh Linh, lập vành đai trắng ở bờ nam Gio Linh..v..v..thì đã có rất nhiều tài liệu lịch sử, tài liệu tuyên truyền được phổ biến. Nhưng càng về sau, những lớp trẻ lớn lên sau chiến tranh ngay cả trên địa bàn giới tuyến cũng hiểu rất lờ mờ. Những cuộc tọa đàm truyền thống vẫn được tổ chức nhưng thường thì truyền thống của ai người ấy dự. Lớp trẻ rất ít khi có mặt ở những cuộc như thế.
Khi tổ chức lễ hội Ngày hội thống nhất non sông lần thứ nhất tại di tích Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, ngoài những nội dung hội cần phải khắc đậm các hoạt động tái hiện lịch sử cũng như ngợi ca, tôn vinh chiến công của nhân dân cả nước, phải tạo đựoc sự rung động tình cảm của dân tộc về khát vọng  đoàn tụ dân tộc, thống nhất đất nước, thì trong phần lễ, chúng tôi đã viết một áng văn tế Liệt sĩ đôi bờ sông Bến Hải . Áng văn này ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của công chúng dự ngày hội ( tức bày tỏ lòng thành của người sống hôm nay đối với những vong linh đã khuất) thì đây là một bài văn sử truyền cảm tới hàng vạn người dân đang có mặt tại lễ hội kể về những năm tháng đau thương mà oanh liệt với bao máu xương, khát vọng và những chiến công chói ngời của quân dân hai bờ Nam-Bắc..Hàng vạn người đã khóc khi nghe trực tiếp bài văn tế. Sau đó chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu của nhân dân, các cụ, các cựu chiến binh và của rất nhiều các em học sinh xin bài văn ấy. Tôi nghĩ rằng, sau này, khi ngồi bình tâm đọc lại bài văn tế đó các em chắc chắn sẽ hiểu sâu hơn lịch sử của những năm tháng đã qua ở vùng đất đặc biệt Bến Hải Hiền Lương cũng như của cả đất nước Việt Nam. Và nếu các bạn đó được dự một giờ học lịch sử liên quan đến giai đoạn đó, hay dự một cuộc tọa đàm truyền thống, chắc chắn sẽ nghe với niềm xúc cảm sâu hơn, hiểu biết kĩ càng hơn.
Thời gian ngày một lùi xa. Những câu chuyện của một thời máu lửa không phải lúc nào kể ra cũng khiến lớp người đương thời hiểu được, hoặc có cố hiểu thì cũng khó mà xúc động sâu sắc được. Cũng như thời nay mà kể chuyện tem phiếu, chuyện mất sổ gạo của thời bao cấp, con cháu chúng ta nghe thì vẫn nghe vậy thôi, họ không có gì xót xa lắm như ta tưởng.
Từ những chuyện thật lịch sử, theo thời gian dần dần trở thành điển tích. Từ điển tích trở thành huyền thoại. Mà khi hiện thực đã thành huyền thoại, nếu ta chỉ dùng phương pháp giáo dục lí trí thì rất khó chiếm được lòng tin của người nghe. Huyền thoại là một giá trị phi vất thể của di sản văn hóa. Cách truyền đạt có hiệu quả nhất giá trị đó chính là con đường  truyền dẫn của hoạt động văn hóa. Các loại hình sáng tạo Văn học Nghệ thuật, các hình thức lễ hội chính là cách truyền dẫn ấy.


 Đăng ngày 06/05/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan