Friday, October 9, 2015

Lính đảo hát tình ca trên đảo




Tác giả: Trần Đăng Khoa

Xuanduc.vn : Để bày tỏ thái độ của mình đối với vận mệnh Tổ Quốc và cũng là cách hưởng ứng thư ngỏ của Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tôi post bài thơ này của Trần Đăng Khoa lên trang. Mặc dầu bài thơ của Khoa rất nhiều người đã đọc và thuộc, nhưng xin hãy đọc lại một lần nữa, không phải vì thơ mà vì tình yêu Tổ Quốc của thế hệ trẻ Việt Nam.

Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa 
Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn 
Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau. 
Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt óc đấy mà
Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh
Hóa ra là sư cụ hát tình ca 
Những giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời 
Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ
Và tay mình nắm lấy tay mình 
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào
Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được
Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước 
Nào hát lên cho mây nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai 
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này 
Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển người đâu lên đông thế
Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu...




 Đăng ngày 09/12/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hữu Nhàn - 09/12/2008

Đọc lại bài thơ Trần Đăng Khoa vẫn thấy rất hay. Vừa hài hước, tếu táo, vừa cảm động, xót xa, lại vừa kiêu hãnh. Bài thơ có đến mấy chiều tình cảm. Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này, là một cách xác định chủ quyền. Tôi biết Trần Đăng Khoa còn có một cuốn tiểu thuyết mi ni, viết về Trường Sa cũng rất hay. Tiểu thuyết gộp nhiểu mẩu chuyện lại, đọc cũng rất hài hước và sâu sắc, ấn tượng. Cả truyện chỉ dài bằng hai chương tiểu thuyết "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ. Nếu được, đề nghị nhà văn Xuân Đức đưa lên mạng, cũng coi như một cốt mốc chủ quyền cắm cho Trường Sa.
  Gửi bởi: Lá cỏ - 10/12/2008

 TẶNG NGƯỜI LÍNH ĐẢO
Những đá trọc đầu bên những người đầu trọc
Nơi Trường Sa xa tít phía chân trời
Dù cách biển vẫn non sông gấm vóc
Vẫn đầy ắp tình người giữa sóng gió trùng khơi.
Vang vọng đâu đây bài tình ca trên biển
Yêu làm sao chất lãng mạn kiêu hùng
Người lính đảo bỗng trở thành quí hiếm
 Mái tóc đi rồi lính mãi trẻ trung thôi.
Những người lính rời đất liền ra biển
Âm thầm hi sinh đứng mũi chịu sào
Gìn giữ đất nơi tuyến đầu tổ quốc
Đất có chủ quyền , đất phất phới cờ sao
Nghe lính đảo kể về đời lính đảo
Bỗng thấy mình nhỏ bé trước cuộc đời
Thấy có lỗi mỗi lần hoang phí nước
Nhớ lính trọc đầu, nghe vị mặn trên môi!
10.12.08
Lá cỏ

  Gửi bởi: Ngân Huyền - 10/12/2008

May quá bài thơ này cháu được nghe rất lâu rồi, trong một lần nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc trong một chương trình trên ti vi, cháu thích luôn và kiếm mãi mà không được, hôm nay lại được đọc ở đây thật thú vị. Mỗi người Việt Nam chúng ta đều biết:Trường Sa là của đất nước ta, chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để dành được, không thể để mất vào tay kẻ khác.
  Gửi bởi: chaudonghuong - 10/12/2008

...Những chàng trai hồn nhiên yêu tất cả
Ôm hết gian nguy, sóng gió vào lòng.
Đọc bài thơ cay cay nơi khóe mắt
Thương làm sao "sư cụ hát tình ca"
Từng tấc đất của Ông Bà để lại
Mãi mãi ngàn năm không thể xóa nhoà...

  Gửi bởi: DuongMinhLong - 10/12/2008

Thơ bác TĐK "ăn" lâu thật. Hà Nội, Sài Gòn và rất nhiều tỉnh thành khác không còn ai đọc thơ TĐK nữa (sao lại thế hả anh? Chán thế.)
Anh Xuân Đức ơi, có phải cứ cuối tuần ở Trúc Sơn Trang lại tổ chức đọc thơ viết về Trường Sa của Nhà Thơ TĐK không anh ? TĐk bận làm ở Đài TNVN thế mà tuần nào cũng đi đi về về Trúc Sơn Trang thì vừa cảm phục anh Xuân Đức về công tác tổ chức và Nhà Thơ TĐK thì vất vả quá !
Chúc anh Xuân Đức và Nhà Thơ TĐK vui khỏe để đọc thơ ở Trúc Sơn Trang ! (lúc nào các anh nghỉ giải lao thì alo em gửi ít ảnh chụp các anh ở bên liên Xô nhé !)

  Gửi bởi: Xuân Đức - 10/12/2008

Chào Dương Minh Long ! Lâu ngày quá, sao bỗng dưng hôm nay xuất hiện thế. Mới hôm qua thấy chú VCH post chùm ảnh của Long, lại chạnh nhớ ngày theo sư phụ chụp ảnh ở Mát..He he..Hóa ra bưa nay chú cũng máu mê với mạng nhỉ ?

  Gửi bởi: ChiHai - 11/12/2008

Chụp ảnh thì đẹp nhưng nói thì dở. Nếu đó là một câu nói đùa thì không có duyên, nếu đó là một câu nói thật lại càng vô duyên hơn nữa. Học chụp đẹp là giỏi nhưng phải học ăn học nói nữa đấy!
  Gửi bởi: Nguyễn Hồng Thúy - 11/12/2008

Tôi rất ngạc nhiên trước câu nói của ông Dương Minh Long. Có thể ông Long không đọc thơ ông Trần Đăng Khoa, nhưng không nên vì thế mà cho rằng, bạn đọc bây giờ không còn ai đọc thơ TĐK nữa. Thơ ông TĐK in rất nhiều ở đủ các thể loại, gần đây nhất là tập tuyển tập của ông in ở Nhà xuất bản Lao Động, trước đó mấy nhà xuất bản nữa in. Nếu không ai đọc thì người ta in sách ông K làm gì? Tôi là người bán sách, nên tôi rất biết. Đúng thơ bây giờ rất khó bán, nhưng thơ ông Khoa vẫn rất đông người đọc. Đấy vẫn là người được đọc nhiều nhất hiện nay.
  Gửi bởi: Đặng Quốc Phong - 12/12/2008

Sao lại bảo không ai đọc ông Khoa. Tôi đang đọc ông ta đây này.  Mà sách do con tôi mua cho tôi. Vẫn hay lắm.Không đọc ông ấy thì còn biết đọc ai  đây? ông Long chăng ? Chán phèo phèo phèo... hú !
  Gửi bởi: Vũ Đỗ Tân - 13/12/2008

Do ông Nhàn nhắc mà tôi đọc lại cái tiểu thuyết mini của ông Khoa tên là Đảo chìm, sách đã cũ nát mà đọc vẫn thích. Tôi thấy nó chả kém gì cái Ông già biển cả của Heminhuê. Chỉ tại ta quá sùng ngoại thôi. Không phải cái nào ta cũng thua kém Tây. Xin TST đăng cái Đảo chìm của ông Khoa cho bạn đọc của TST cùng xem
Rất hay đấy.

  Gửi bởi: Nguyễn Văn Nhiễm - 15/12/2008

Ai lại đi trách cái ông Long. Ảnh thì không biết ông ấy biết đến đâu, còn văn học thì ông ấy... cũng tù mù thôi. Tôi đoán đến cụ Nguyễn Du ông ấy cũng nghĩ là nhà nhiếp ảnh, chắc thế.  Cho qua cái ông này đi, khỏi phải bàn.
Cái hay của TST là các trí tuệ gặp nhau, nhiều tác phẩm hay đã có mặt, nhiều ý kiến rất sắc sảo về nhiều vấn đề văn học của ta hiện nay, rất dân chủ mà rất có trách nhiệm
Đáng quí lắm thay !

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan