Tuesday, October 13, 2015

LỜI NGUYỀN TỘI LỖI - Truyện ngắn




Tác giả: Lưu Quốc Hoà


     Lão Vược là người cao tuổi nhất làng Đường. Người cao niên thường hay bị lớp bụi thời gian phủ mờ ký ức đã qua. Lão lại khác. Lão nhớ rành rọt những  chi tiết cóp nhặt từ ngày còn để chỏm, diễn ra ở làng Đường. Cái làng trồng toàn mía và ngô. Trẻ con người lớn lúc nào cũng không để chân tay nghỉ ngơi bằng nghề đan đó tôm kiếm sống. Con sông Châu Giang chảy qua làng là dải bao xanh có vô vàn những mảnh đời lênh đênh chài lưới tụ bạ ở các lùm cây ven bờ. Đấy là dân vạn chài đời nọ nối đời kia quần tụ nơi khúc sông, sống nhờ tôm cá và khi chết cũng không kèn trống, ban đêm lẳng lặng ghé thuyền chôn trộm người quá cố để tránh sự nhiễu sách, vòi vĩnh của chức dịch trên bờ...Lan man lão kể khi tôi gợi chuyện. Cái chuyện "đời xửa đời xưa"...
      Lão Vược nghiêng chai rót đầy oà  chén tôi, chén lão. Chai rượu tôi mang theo để dẫn dụ lão kể chuyện đã vơi quá nửa mà vẫn không vào được đề. Trong gió sớm dòng Châu, Ánh mắt đã ngả màu cùi nhãn xa xăm và đượm buồn, lão nhìn vời vợi về thượng nguồn, nét mặt già nua với những đốm tàn nhang, những vệt bã chè to như đồng xu, như vết khắc thời gian tạc lên cây cổ thụ đã đã qua nhiều trận cuồng phong trời đất và hôm nay trụ lại giữa cao xanh . 
                   *
     Ngày xửa ngày xưa...
Con sông vẫn chảy như thế này và mặt trời cũng mọc như hôm nay...Lão đủng đỉnh đắm vào hồi ức ... Làng Đường còn thưa người lắm. Cả làng có chưa đầy hai chục nóc nhà tranh. Đàn ông búi tó củ hành và vận khố hoặc mặc quần "la toạ". Quanh năm ngày tháng, sợi dây lõi bằng gai lúc nào cũng để nươm dưới rốn. Khi mặc quần người ta xỏ chân vào và lẳn vài nhát nên lúc nào cái quần cũng loã toã ống thấp ống cao. Đàn bà mặc váy quai cồng  màn tà lồng, đâu kiểu cách xanh đỏ như các cô các cậu bây giờ. Ăn lấy chắc, mặc lấy bền, cứ kín cái thịt và tiện lợi lúc làm đồng hay đi bắt cua bắt cá là được . Làng có một dúm đàn ông , đàn bà, ai sống được năm chục tuổi là thọ lắm rồi. Cứ  ngoài 40 tuổi là lo sắm cỗ hậu sự bằng gỗc gạo gỗ sung để chuẩn bị chui vào theo ông bà ông vải. Đấy là nỗi lo to nhất của một kiếp làm người theo cái vòng luân hồi, ai cũng phải một lần qua cầu sinh tử.
          Trẻ con trong làng hiếm lắm. Đẻ thì sòn sòn đấy mà có nuôi được đâu. Trẻ mỏ chết cứ như đùa. Người ta quy tất cả là do ma tà nó ám chứ có Bác Sỹ đốc tơ như bây giờ đâu. Muốn chơi chắt chơi chuyền phải chạy từ đầu xóm sang cuối xóm tìm bạn...Lan man lão Vược kể với tôi về Làng Đường dị mọ, mông muội ngày xưa.
          Câu chuyện tôi muốn tọc mạch hôm nay không phải là sự tích điền dã mà là về chuyện người, cái chuyện tình duyên đôi lứa giữa làng Đường và làng Lạc Hoà,  cách nhau chưa vượt tầm một câu gọi đò không cần cả hơi cho lắm...Chẳng rõ đến bao nhiêu thế kỷ nay giữa hai làng chưa có mối tình nào nên đôi nên lứa, bao nhiêu nước mắt, bao kẻ bỏ làng vì yêu. Có đến mươi vụ quyên sinh vào dòng nước Châu giang vì lỡ lời thề ước, có đôi lứa cùng buộc chân tay lao xuống sông để vẹn lời thề non hẹn biển...Tất cả không ai dám vượt vòng cương toả lễ giáo mà căn nguyên là có một lời thề nguyền vô lối từ tổ tiên cụ kỵ để lại đến ngày nay.
  Lão Vược là một nạn nhân của lời nguyền ấy. Lão năm nay 93 tuổi mà vẫn cô đơn. Lão sống bằng nghề đan đó tôm trong một ngôi nhà tạm bợ bên dòng Châu trong mát. Dòng sông thơ mộng ấy không cứu nổi tình yêu của lão với cô gái làng có cái tên là Then đẹp người đẹp nết. Cụ Then Làng Đường đã qua đời đến mươi giỗ rồi...Có bất nhẫn quá không khi tôi gợi lại nỗi đau mà  cuộc đời hai cụ phải câm nín. Một người đã yên phận dưới mồ và một người vẫn tồn tại chốn nhân gian. Giữa đất làng Đường nhộn nhịp thời mở cửa.
Dễ đến mấy buổi, tôi cứ vòng vo lượn lờ bên  lề chuyện tình thâm cung bí sử của các cụ...Sau một đêm trằn trọc. Tôi thấy mình còn thiếu một cái gì đó, rất mơ hồ. Đúng rồi! Thử xem, những oan hồn thiêng lắm. Tôi chưa đến thắp hương cụ Then ...và tôi đã đến mộ cụ khấn vái...Trong chiều tà hoàng hôn sắp tắt. Nén  nhang tôi thắp bên mộ cụ Then vấn vít khói bay, vẽ lên thinh không nhiều dấu hỏi. Tôi khấn cụ hãy phù hộ cho tôi được nói về những điều đã đi qua và vẫn còn tồn tại ở hai làng, để thành bi kịch không đáng có, một nghịch lý, nghịch cảnh, nghịch luân thường đạo lý vẫn vô hình tồn tại, táp vào đời sống con người. Sự hù doạ vô lối và vô nhân đạo của nó đã đập bể bao nhiêu tình yêu thơ mộng.
          Chín nén nhang ngún khói và  đến nửa chừng thì bùng lửa. Có phải lời khấn của tôi đã linh nghiệm. Bó đuốc nhang nhảy nhót cháy. Tàn rơi xuống đống vàng mã bén lửa. Người ta bảo đó là điềm "hoá" của người âm, người trần đã giao hoà ứng nghiệm. Tôi gai người. Làn gió sông thốc lên và con sóng lóc bóc xô bờ. Tôi đi dọc triền sông và tìm về ngôi nhà, ở đấy có lão Vược ngồi như pho tượng, chuốt từng sợi nan tre trong ánh sáng ma quái của ngọn điện giờ cao điểm...Nhìn tôi, lão như choàng tỉnh như sau một giấc mơ dài. Lẳng lặng đứng lên khêu to ngọn đèn hạt đỗ lom dom cháy trên ban thờ. Thắp thêm tuần nhang, lâm râm điều gì đó tôi nghe không rõ. Chiếc đĩa con mốc thếch có một chiếc khăn bao xanh. Lão ngần ngừ bảo tôi: "Hôm nay giỗ bà Then! Nhanh thế...Đã 11 lần giỗ rồi! Chú ở chơi uống rượu, có mỗi một thân đàn ông, đàn ang, tôi chẳng bới vẽ cỗ bàn, tôi đặt con mẹ Lãm hàng phở một con gà luộc. một đĩa xôi tịnh để cúng bà ấy.Tí nữa nó đem vào".
         Lại thêm một điều linh ứng. Tôi có mặt trong nhà lão đúng ngày giỗ bà Then. Nhìn lên ban thờ, không thấy bức di ảnh nào, mà cũng đúng thôi. Có chăng nữa ông cũng không có quyền đặt bà trên ban thờ. Ông bà yêu nhau suốt cả cuộc đời mà không thể chung mái nhà dưới gầm trời oan nghiệt. Ông đặt ảnh bà trong tim suốt những tháng năm dài đằng đẵng. Bà cũng vậy. Tôi tin tình yêu ấy. Cả hai người sẽ tìm lại nếu con người có kiếp thứ hai.
          Chai rượu vơi dần. Trong túp lều ven sông đêm nay, tôi và lão Vược là đôi bạn vong niên. Rượu vào làm người ta hay nói thật lòng mình. Câu chuyện bị chôn sâu, nén chặt, được hơi men pha loãng và tràn ra theo lời kể của một người già sống non một thế kỷ...
          *
Tôi quen bà ấy trong vụ cấy chiêm thuê cho nhà Cự Liển. Nhà lão ta sau này bị quy oan là địa chủ và bị xử bắn. Tội cho lão chứ lão ta cũng khổ như chúng tôi, mà có khi còn khổ hơn ấy. Lão cũng cổ cày vai bừa và đầu tắt mặt tối  vì  ruộng cả ao liền đời bố để lại.
          Bà Then là thợ cấy và tôi là thợ cầy thợ bừa. Cái thứ ruộng đất pha cát cứ phải bừa đến đâu cấy đến đó, để qua đêm hôm sau cát lắng là không thể cắm mạ được. Trong tốp thợ cấy ấy có một cô thôn nữ làng Lạc Hoà mắt sắc dao cau. Cô ít nói và hay liếc xéo sang tốp thợ cầy có ba lực điền và ba con trâu dái đang bì bọp, uồm ào kép ruộng.
Tốp thợ cấy có bà Đĩ Căn giỏi hát ví. Giữa buổi, bà ỏn thót, véo von vắt miệng ghẹo đám thợ cầy:
             Ở đây đất đỏ mây vàng/ Em đi cấy mướn gặp chàng cầy thuê / Thương nhau ta rủ nhau về / Cấy mướn là vợ cầy thuê là chồng.
          Bị hai lão đùn đẩy, tôi nóng tai cũng chõ sang đấu khẩu: Lấy anh em biết ăn gì/ Lộc sắn thì chát lộc si thì già / Lấy anh không cửa không nhà / Không cha không mẹ em đà cậy ai...
           Cứ thế nhí nhóp câu mốt câu hai quẳng sang nhau. Đến giờ giải lao cùng ăn cơm bên gốc đa giữa đồng. Cô Then đăm đắm nhìn tôi. Tôi không cha, không mẹ, cha mẹ tôi chết dịch đậu mùa từ ngày tôi còn chưa đầy một tuổi nên thua chúng, thua bạn. Có lẽ câu hát đối vô tình động lòng  thương của cô gái làng Lạc Hoà. Tôi biết cô là con ông Cả Nhẫn làm nghề chở đò dọc cho những tay buôn mía về lò mật Vĩnh Trụ - Cầu Không...Nói thì nó dài lắm và không biết nói thế nào cho anh hiểu, chỉ biết rằng tốp thợ cấy thợ cầy hết mùa làm mướn ai cũng thương nhau. Cái tình thương thầm lặng không biết tỏ thế nào, chỉ thấy xa là nhớ nhau lắm, mong được đi làm thuê với nhau lắm. Nhiều buổi tôi cứ ngao ngẩn vào ra trông về phía làng Lạc Hoà, ở luỹ tre bên ấy có Then của tôi đang đeo chiếc giỏ mõm bò ra đồng Quan mò ốc...
Hình như ông trời sắp đặt cho chúng tôi được ngỏ lòng với nhau...Chiều ấy, ong ong , tai tái màu chì. Những đám mây mọng nước   đen kịt phía đông. Những ánh chớp như trẻ con quăng thừng  nhảy dây, thỉnh thoảng vắt lên nhoang nhoáng. Một trận giông to, ngày ấy người ta gọi là "rồng hút nước"quét ào ào qua cánh đồng Quan. Then của tôi đang mải mê mò ốc nên chạy không kịp. Cô ấy bám vào con ngòi và cúi mặt để tránh cơn lốc kinh hoàng đang xiết trên đầu. Quần áo tơi tả và cơn lốc tung lên vật xuống  không biết bao lần. Đứng ở rặng tre đầu làng tôi nhìn thấy tất cả. Tôi lao về phía cơn lốc "rồng hút nước'' đang cuốn nhiều người ra vệ sông. Mấy làng nháo nhác tiếng kêu thét. Người ta mang nồi đồng, nong nia, váy đụp ra mà gõ, mà huơ lên xua đuổi cơn cuồng phong đang tàn hại trần gian. Quên cái sợ. Tôi lao ra đồng khi cơn giông quái ác đổi hướng. Tôi nhặt được Then và bế thốc về phía cây đa. Cô ấy không còn mảnh vải che thân, ngất lịm trên tay tôi. Tôi bứt tóc ngôi và hú hồn khản giọng...Trận "rồng cuốn" ấy, làng tôi mất hai đứa chăn trâu ngoài đồng và làng Lạc Hoà bị cuốn đi mấy ngôi nhà tranh và mấy  người bị văng xuống sông Châu chết đuối...Tôi và cô Then phải lòng nhau từ đấy. Chúng tôi đi đi về về bên nhau mỗi buổi làm đồng mà không sợ lời dèm pha của dân hai làng. Tối tối chúng tôi xuống đò và thay cha chở mía về Cầu Không  - Vĩnh Trụ ...Nửa năm đi qua, chúng tôi định thành gia thất thì trưởng họ cô ấy gọi cả hai bố con  bảo rằng: "Nếu ông Cả cho chúng lấy nhau thì hãy sắm lễ mà xin ra khỏi họ, khỏi làng. Xưa nay trai gái 2 làng có ai dám thành hôn đâu. Lấy nhau là Thành Hoàng 2 làng vật chết tươi. Cố mà lấy, sinh con sẽ quái thai hay bán thân bất toại. Đôi ấy sẽ lụn bại diệt vong".
       Lão ngừng chuyện và tợp thêm ngụm rượu. Mấy vết chàm mốc trên gương mặt chân chim hình như cũng động cựa  ...Hình như lão khóc hay sao ấy?... Tôi chưa nhìn thấy người đàn ông gần trăm tuổi nào khóc nên chẳng rõ có đúng không. Chỉ thấy lời kể lão ngèn ngẹn, ngập ngừng và lặng lẽ quay đi chỗ khác...
Tôi gợi chuyện khi lão vừa  nhấp thêm chén rượu và vân vê nhét vào nõ điếu mồi thuốc lào.
Lời nguyền gì mà kinh thế.? Thù nhau gì mà hãi thế hở cụ? Đến ta với Pháp, với Mỹ còn chung sống hoà bình được thì chuyện làng nọ làng kia trong xã là chuyện nhỏ...
Anh ở nơi xa về đây nên anh không biết đấy thôi! Không phải thù nhau mà do quá yêu nhau mới nên chuyện. Nó diễn ra lâu lắm rồi. Tôi không biết mà bố tôi cũng không biết, chỉ đời này  kể lại cho đời sau. Mỗi đời lại thêm mắm thêm muối cho nó hệ trọng ly kỳ mà doạ nhau, mà làm khổ, làm hại nhau.
Lão Vược lại uống rượu tỳ tỳ. Hình như có âm hồn bà Then xui giục, nên đêm nay lão uống để cởi lòng mình với ông khách mới quen làm nghề chữ nghĩa... 
*
Ngày xửa ngày xưa hai làng chỉ cách nhau một bãi ngô. Trâu bò gà lợn đến ngày động dục vẫn lạc sang làng nhau và được đem trả lại. Bên Lạc Hoà trồng mía và bên Làng Đường trồng ngô và đan đó tôm. Hai làng có hai ông tiên chỉ. Làng Đường này là cụ Cử Mền và bên Lạc Hoà cụ Tú Trúc...Chả rõ năm ấy vào đời nào, hai làng vừa qua dịch đậu mùa nên chết vãn cả. Lúc đầu còn hờ khóc được. về sau chết nhiều quá, cứ tắt thở xong là bó chiếu đem chôn. Người ta vẫn không biết đây là bệnh gì, chỉ quy là "ôn vật"Ai còn sống, vẫn đi đưa đám cho đúng  "nghĩa tử là nghĩa tận" và biết rằng thể nào mai kia người khác lại đi chôn mình. Già nửa làng chết và đem vùi ở bãi Mây ngoài Đồng Mía. Ai may mắn thoát chết nhờ vài thứ lá lảu cụ Lang Lùn thì sau này mặt giỗ tổ ong. Hai làng đi chôn nhau và thương lẫn nhau.
          Qua đợt dịch là gần đến Hội việc làng 12 tháng 6 hàng năm. Hai cụ tiên chỉ thấy còn một nhúm người, bàn nhau tổ chức Tế chung...Hai làng ngả lợn cúng thần linh để cầu tai qua nạn khỏi. Bữa cỗ giữa đình ấy hai cụ tiên chỉ hai làng gọi là ăn giao hảo và kết nghĩa anh em. Hai làng coi nhau như ruột thịt cùng cha mẹ đẻ ra nên không được kết hôn với nhau. Ai trái lời nguyền là loạn luân và Thành Hoàng hai làng vật chết. Điều ấy được ghi trong Hương Ước hai làng.,,Khổ lắm anh ạ! Cái lời nguyền ấy làm tôi và bà ấy không lấy được nhau. Chúng tôi chẳng thiết sống nữa nên sinh ra liều. Một hôm chúng tôi rủ nhau buộc chân buộc tay nhau đến trước tam quan bên dòng Châu giang để cùng tự vẫn. Ngôi chùa vắng ngắt, vắng tê. Đã qua Tết nhưng trời còn rét. Chúng tôi thắp nhang khấn Thành Hoàng trước khi lao xuống dòng nước. Chẳng biết làm sao. Khi nén nhang vừa cháy. Cô ấy ôm chầm lấy tôi và nức nở: "Anh ơi em sợ lắm! Em không muốn chết đâu! Thôi không được làm vợ anh thì cho anh cái trinh, cái tiết của em".  Cô ấy cả quyết lôi tôi vào bụi ngâu trước cửa chùa. Ghì chặt lấy tôi và lột quần áo cả hai người...Chúng tôi bên nhau như thế suốt đêm và cho nhau tất cả. Gần sáng hôm ấy, cô lại lay tôi: " Cứ nữa đi anh! Nếu Thành Hoàng có thiêng thì vật chết luôn hai đứa, còn nếu sống thì Thành Hoàng thua ta. Đã thua thì ta không sợ Thành Hoàng. Chả tội gì mà chết. Mà có chết thì chết trên bờ để đem chôn Bãi Mây chứ chết dưới sông thuồng luồng nó gặm mất xác".
         Chúng tôi không chết đêm ấy là do chúng tôi liều. Ở đời đôi khi liều lên lại được việc anh ạ! Tôi xung phong đi cướp chính quyền Cách Mạng Tháng Tám, rồi vào bộ đội, rồi Nam tiến và bị giặc bắt làm tù binh, đầy ra Côn Đảo. Bà Then vẫn chờ tôi. Mãi sau này Xã có giấy báo tử tôi, bà mới lấy chồng. Chồng bà Là ông Vọng cũng là bộ đội miền nam ra tập kết. Ông bà ấy chỉ đẻ được một cậu con trai. Ông Vọng cũng mất sáu bảy năm rồi. Thằng Vinh con ông bà coi cả ba chúng tôi là bố mẹ...Nó ở bên Đức bên Tây gì ấy. Nó mời tôi sang đấy với nó nhưng tôi không chịu. Sang Tây làm gì. Tôi cứ ở đây khi nào chết về chôn cạnh ông bà Vọng. Tôi không còn họ hàng, máu mủ nhưng cánh thôn, cánh xã nó quý lắm! Tôi đã di chúc cho thằng Phác trưởng thôn rồi. Chết xin làng xóm cho ở gần bà Then ông Vọng...Cái nhà, cái vườn này nhờ thôn bán đi cho dự án dự iếc gì ấy. Được bao nhiêu, cho tất nhà mẫu giáo".
Hôm sau tôi gặp Phác. Nghề làm báo cho tôi cái tính hay cọ sát và tò mò. Tôi nhờ Phác dẫn lên uỷ ban và xin cho xem sổ lưu trữ  đăng ký kết hôn sau bao đời chủ tịch xã. Anh cán bộ Tư pháp tiếp tôi và đưa sổ đăng ký kết hôn. Quyển sổ dày cộp và nặng trình trịch ấy. Không có một đôi lứa nào của hai làng ký tên để thành vợ thành chồng. Đấy là chuyện có thật mười mươi giữa thanh thiên bạch nhật của thế kỷ 21...Thế mới biết những lề luật bất thành văn ở miền quê này đã tác oai tác phúc lâu bền đến vậy. Nếu Thành Hoàng có thật trên đời thì Ngài cũng lầm lẫn  thật tai hại: Ăn nằm, trao thân gửi xác cho nhau thì vô tội nhưng song hành với nhau trong cuộc đời là có tội...Ngài Thiện hay Ác, Ngài vô lý hay có lý? ...Hai làng vẫn tuần rằm lụp cụp khấn Ngài cơ mà, sao ngài chẳng động tâm.
Hai làng vẫn bên nhau. Hương ước hai làng hôm nay không còn điều khoản "cấm kết hôn" nhưng chưa ai dám phạm vào lời nguyền vu vơ vô lối. Cả cán bộ Đảng viên cũng chưa ai dám xé rào, tiên phong làm cuộc cách mạng về tập tục.
        Ngôi chùa, nơi ông Vọng bà Then đến ngày xưa vừa tôn tạo lại. Bên bờ Châu Giang lộng gió. Những đôi trai gái vẫn nặng lòng yêu nhau. Họ không có tội. Con người sinh ra là yêu nhau và tồn tại giống nòi vậy chẳng cớ chi họ sợ Thành Hoàng. Họ vẫn thầm vụng trao gửi cho nhau tình yêu trước cửa chùa. Cái hồn nhiên đáng yêu của họ vẫn là mối lo ngại vu vơ của bậc sinh thành.
Ông Vọng nhẹ nhàng nâng tấm khăn bao xanh. Kỷ vật tình yêu mà ông đãcất giữ lâu ngày, đặt vào chiếc hòm gỗ sung mốc thếch. Tôi dặn Phác : Bao giờ ông về  với tổ tiên, lúc khâm liệm nhớ gói theo ông     
          Vườn ngâu trước cửa chùa tưới nước sông Châu, xanh mỡ màng và đang vươn tán. Tôi vào lễ chùa. Bao nhiêu trai thanh gái lịch của hai làng cũng vào theo...Họ thắp hương vái Thành Hoàng và chỉ một lát sau tiếng cười của họ đã cất lên sau vườn ngâu...
                              Viết tại Hà Nam những ngày tháng Tám năm 2009
Bản gửi riêng cho xuanduc.vn

 Đăng ngày 28/08/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan