Tuesday, October 6, 2015

Mảnh đất Cam Lộ và những trang viết của tôi

    Bút kí -  Xuân Đức


Nhà Phật nói: mọi sự trên đời đều ở một chữ "duyên". Bây giờ nhìn lại đôi khi chính tôi cũng không ngờ mảnh đất nhỏ nhoi bên bờ sông Hiếu ấy lại khắc đậm dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của mình đến vậy.

        Những bạn đọc quan tâm đến sáng tác của tôi, nhìn vào các tác phẩm chủ yếu ( hai tiểu thuyết quan trọng nhất là Cửa gió - Bến đò xưa lặng lẽ và một loạt các kịch bản sân khấu, điện ảnh) thường có hai luồng nhận định. Một là, cái nhà ông này giỏi bịa, ông ta chỉ là lính cậu ( tức là lính văn nghệ đâu có biết gì đánh đấm), hai là ngược lại, cho rằng tôi là anh lính chiến hàng chục năm cầm súng đánh giặc trên đất Cam Lộ, nếu không thì làm sao có thể có được vốn sống sâu sắc về đất ấy đến như vậy ? Đặc biệt là  những tên làng, tên đất như Ba Thung, Quật Xá, An Hưng, Tân Định, Phước Tuyền... những bến lội sông Hiếu, xóm nhỏ Quai mọ v..v..chắc chắn tôi phải ăn dầm nằm dề bao nhiêu năm mới có thể có ấn tượng sâu sắc đến như thế. Thực ra, đất Cam lộ chỉ gắn bó với tôi vẻn vẹn chừng bốn tháng, một quãng thời gian quá ngắn ngủi so với hơn 40 năm công tác, cũng như 24 năm 9 tháng khoác áo lính lăn lộn trên nhiều miền đất khác nhau mà cũng vô vàn khốc liệt như ở tuyến lửa Vĩnh Linh- Quân khu bốn.. Có phải đó chính là cái duyên như Phật nói ?
        Tôi là một trong những thằng lính có mặt đầu tiên khi Tiểu đoàn 47- bộ đội địa phương Vĩnh Linh thành lập ngày 26 tháng 5 năm 1965. Đầu năm 1966 đơn vị được lệnh lên đường vào chiến trường. Lúc đó tôi chỉ là cậu học trò mới rời ghế nhà trường, đầu óc còn rất mơ mộng. Có hai thứ mà tôi khao khát muốn biết. Một là hai tiếng chiến trường, hai là cái tên: Trường sơn ! Tôi thèm muốn được đắm mình vào hai không gian đó để xem nó thế nào, có giống như những gì mà thơ ca lúc bấy giờ đang ca tụng. Chúng tôi làm lễ xuất quân tại một bãi đất cát Vĩnh Tú lúc 4 giờ chiều, sau đó bắt đầu hành quân, đi ròng rã một đêm đến mờ sáng thì gặp một con suối nhỏ. Vừa bước chân lội qua, ai đó reo lên: Sông Bến Hải đây !Tôi đờ người ra vì kinh ngạc.
        Là con em Vĩnh Linh, chúng tôi còn lạ gì con sông Hiền Lương- Bến Hải. Từ nhà tôi cho dù đi bộ chậm rãi nhất thì cũng chỉ nửa buổi là đến cầu Hiền Lương. Hằng ngày chúng tôi vẫn đi gặt lúa hay chân bò ở sát bờ sông. Nay thì hành quân đi chiến trường, âm thầm suốt cả một đêm trong sự mỏi nhừ thân xác và cháy bỏng nỗi mong chờ được tới chiến trường thì..mới đến được sông Hiền Lương ? Tôi ngồi bệt xuống bên kia suối mà thấy ngao ngán. Cái mỏi mệt càng thêm ê chề. Về sau chúng tôi được hiểu rằng, vì lí do giữ bí mật, đơn vị phải hành quân ngược lên phía tây rồi mới quặt xuống. Đoạn suối mà chúng tôi vượt qua thuộc thượng nguồn sông Bến Hải, gọi là Bến Tắt, nay là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
        Từ bên kia con suối Bến Tắt chúng tôi được hành quân ban ngày, đi theo những con đường mòn nhỏ xuyên qua lùm bụi rậm rịt, lau lách dày đặc rồi những tán cấy rừng già tối um. Chúng tôi đã cảm nhận được không gian Trường Sơn. Hoá ra, Trường Sơn không phải là những vệt núi xa mờ huyền ảo mà hằng ngày đứng trên đất Vĩnh Linh nhìn lên phía tây hun hút, Trường Sơn ở ngay sát nách quê tôi, ngay bên kia thượng nguồn sông tuyến. Bây giờ đi lại vùng đất ấy chợt thấy rất buồn cười. Tất cả chỉ còn đồi trọc, người ta trồng mới lên những vùng cao su bạt ngàn. Nhiều lần tôi đã thốt lên : Thế này mà ngày ấy gọi là Trường Sơn ư ?
         Đúng là lúc đó chỗ này là Trường Sơn, Trường Sơn chính hiệu. Tiểu đoàn 47 đóng hậu cứ giữa vùng rừng già Trường Sơn ấy. Vị trí ẩn mình của tiểu đoàn là vùng giáp giới giữa đất Gio Linh và Cam lộ. Từ hậu cứ theo hướng tây-nam chỉ đi vài chục phút là đến vùng đồi An Thái, Ba Thung, vượt qua khỏi đó là vào thôn Kim Đâu, Kim Bình rồi bắt đầu xắn cao quần lội qua sông Hiếu. Bên kia là Quật Xá,Tân Định, An Hưng, Phước Tuyền, quận Cam lộ. Đôi khi chúng tôi còn vượt đường Chín qua đèo Cùa để lên Cam Chính, Cam Nghĩa, có khi dấu quân trên núi Đá bạc để lộn trở về đánh bốt Cây số 10 trên đường Chín. Còn từ hậu cứ xuôi theo hướng đông -nam là đất Gio Linh, qua khe Me, khe Mướp là leo lên vùng đồi đất đỏ Cồn Tiên rồi chọc thẳng về Long Sơn, Hảo Sơn hay Dốc Miếu, Cồn mả đỏ..Còn nếu gặp bất trắc thì từ hậu cứ, chúng tôi có thể quay lui hướng bắc là gặp bến Hói cụ hay Bến tắt, vượt qua là về bờ bắc, đất Vĩnh Linh. Quả thật là một thế đứng chân công thủ hữu tiện. Tất nhiên đó là suy xét của tôi bây giờ, chứ ngày đó tôi chỉ là thằng lính trơn, bảo ở đâu thì biết đó, chẳng suy nghĩ gì hết. Ngày đó Chính trị viên tiểu đoàn cho chúng tôi một câu khẩu hiệu như là thần chú phải nhập tâm : Cắm sâu, cắm lâu, cắm chắc ; nhổ nhanh, nhổ mạnh, nhổ đều. Như thế đủ hiểu cái thế đứng chân phải làm sao để "nhổ nhanh" được.
         Năm 1966 Trung ương chủ trương mở mặt trận bắc Quảng Trị, mục tiêu là kéo kẻ địch ra đường Chín để tạo điều kiện cho các mặt trận trong nam tổng tiến công. Tiểu đoàn địa phương chúng tôi chính là đơn vị đầu tiên vào " chọc tức" bọn Mỹ Nguỵ để chúng bung ra, khoảng nửa năm 1966 thì các binh đoàn chủ lực mới tràn vào và mặt trận bắc Quảng Trị mới thật sự bùng nổ. Đây là những năm tháng bi hùng nhất của chiến trường Quảng Trị. Với nhiệm vụ đó, thời gian đầu đơn vị được chia nhỏ thành nhiều tổ phối hợp với cán bộ địa phương thọc sâu xuống từng ấp, thôn gây dựng cơ sở, trừng trị ác ôn, phát động nhân dân khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng. Quật Xá chính là ấp mà tôi vào ra nhiều nhất. Cũng chính những ngày tháng đó, tôi đã được quen biết và cùng hoạt động với nhiều cán bộ cốt cán của Huyện uỷ Cam lộ, có người thì vài ba tháng, có người chỉ một hai lần cùng đi vào cơ sở, nhưng tất cả đều đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm đến hàng chục năm sau cũng không thể lẫn nhoà. Đó là anh Đen, anh Kha, chị Sáng ..và đặc biệt nhất là anh Biên, anh Kỳ..
         Anh Biên- một con người thô tháp, xương xẩu, hai vành môi to, đôi mắt cũng to và rất sáng. Nhìn anh có vẻ hơi "dữ tướng", nhưng thực ra lại rất sởi lởi. Tôi được gần anh chỉ trong khoảng một tháng, cùng vào ra ấp Quật Xá khoảng năm , bảy lần gì đó, nhưng ấn tượng vầ con người này đối với tôi là rất mãnh liệt.Hồi đó Biên nổi tiếng nhất vùng này, bọn địch ở Cam Lộ đã treo giải thưởng hàng trăm cây vàng cho ai hạ sát được anh. Nhìn cách thức anh vào ấp, truy bắt bọn ác ôn hay lính nghĩa quân, cách anh tiếp xúc với cơ sở, đối với tôi lúc đó, Biên như là một nhân vật của Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử. Thế mà bất ngờ sau đó, tôi nghe tin anh bị bắt và bàng hoàng hơn là..Biên đã chiêu hồi. Lúc đó người thay Biên để dắt dẫn chúng tôi vào ấp là anh Kì. Suốt thời gian đó, anh Kỳ không hề kể thêm cho tôi biết gì về anh Biên cả. Cuối năm 1967, lúc đó tôi đã ra bắc và tham gia đội Tuyên truyền văn hóa Vĩnh Linh đi ra biểu diễn Đại hội mừng công Quân Khu 4 tại Tân Kỳ, bất ngờ gặp đoàn cán bộ huyện Cam Lộ, trong đó có anh Đen. Tôi tranh thủ hỏi tin tức về anh Biên. Nhưng có vẻ các anh ấy cũng không hào hứng gì, chỉ nói sơ sơ là chính các anh cũng không hiểu được chuyện gì đã xẩy ra, rằng Biên đã được thả về ở tại làng, lại còn cưới thêm một người vợ khác..( ngoài người vợ đang ở Vĩnh Linh )..Thú thực, ngay cả lúc ấy, tôi vẫn cứ thấy ngờ ngợ về câu chuyện chiêu hồi của Biên, tuy nhiên tôi chẳng có căn cứ gì cả. Mười lăm năm sau, tôi có gặp lại một người trước đây cực kì gần gũi với anh Biên nay đang giữ một trọng trách quan trọng của thị xã, tôi hỏi anh Biên còn sống không, thực chất câu chuyện chiêu hồi dạo trước thế nào..Điều kỳ lạ là nhân vật đó đã lại lãng tránh câu hỏi của tôi, thậm chí còn tỏ ra ngơ ngác như không thể nhớ nổi Biên là ai !..Thêm 20 năm nữa, khi tôi đã là một cán bộ của tỉnh Quảng Trị, trong một lần vui vẻ "ôn cố tri tân" tôi lại gợi chuyên cái vị cán bộ đó về anh Biên, bày tỏ mong muốn tìm lại được anh, thì..thật kỳ là, vị ta lại thêm lần nữa đánh trống lãng. Mối nghi ngờ trong tôi càng tăng. Tôi càng quyết tâm hơn trong việc tìm ra địa chỉ con người này. Cuối cùng tôi đã tìm được. Và chỉ một buổi sáng hàn huyên tâm sự, tất cả sự nghi ngại bốn chục năm nay đã được sáng tỏ. Sau đó tôi đã quay trở lại Quật Xá , tìm gặp vài cơ sở cũ để xác nhận những điều anh Biên kể. Bây giờ tất cả đã già, chẳng ai phải lo sợ chuyện gì nữa, vì thế họ đã xác nhận sự thật. Tôi bàng hoàng trước những chuyện tày đình về một số phận bị vùi lấp dưới bao nhiêu tầng bụi bậm. Một số phận mà sự oan ức cứ như là định mệnh của đời anh. Đấy chính là nhân vật Đọt trong tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ.
*                                                          
Những năm tháng " bén duyên" với Cam Lộ, tôi tuyệt nhiên không có chút ý thức gì về chuyện sau này sẽ thành người sáng tác. Tôi không xét đoán, nhận định hay suy ngẫm gì hết. Như một đưa trẻ lần đầu tiên ra khỏi xóm nhỏ làng mình, lạc vào một thế giới vô cùng xa lạ, sống những ngày quá đặc biệt nên đã hằn lại trong trí nhớ của tôi tất cả những gì mà tôi chạm mặt. Tất cả đều quá sức tưởng tượng của tôi. Ví như cái làng Kim Đâu, Kim Bình bên này sông Hiếu, một mảnh làng rất đẹp nhưng không có dân. Lần đầu đi qua là ban đêm, chúng tôi không thể nhìn bao quát được làng, chỉ được cán bộ địa phương cho biết, dân đã bị lùa qua bên kia sông ( phía Quật Xá) bỏ lại nhà cửa làng mạc, trống hoang.Các bạn có thể hình dung một mảnh làng nào đó bỏ hoang, không người nhưng cũng không còn nhà cửa hoặc là đã xơ xác tàn lụi..Có lẽ như thế lại là bình thường. Đằng này, làng vẫn rất sầm uất, nhà cửa i nguyên, cây vườn tươi tốt, nhưng lại im bặt tiếng người..Tôi cứ bần thần mãi rồi chợt nhớ tới câu thơ Đường mà Nguyễn Du từng vận dụng trong Kiều : Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông..
         
Chúng tôi hành quân theo một con đường mòn nhỏ đi tắt qua một mảnh vườn cam. Cây cam thấp, quả chĩu cành buông xuống đập cả vào chân chúng tôi. Kỉ luật dân vận là không được đụng vào cái kim sợi chỉ của dân, nói cụ thể là dù cam vướng vào chân nhưng tuyệt đối không được hái. Khi đi vào ấp thì không có vấn đề gì xẩy ra, nhưng đến lúc quay về cứ, đi qua khỏi vườn một đoạn bỗng có lệnh dừng lại. Chúng tôi chưa hiểu chuyện gì xẩy ra thì thấy trung đội trưởng đi ngược hàng quân ghé mũi hít hít vào từng mồm chiến sĩ.( Bạn đã từng bị ai đó hít hít vào mồm lần nào chưa ? Tất nhiên là trừ chuyện yêu đương ) Thì ra ai đó đã hái trộm một quả và bóc ăn nên mùi thơm bốc ra và bị phát hiện...Những chuyện như thế đối với đứa học trò như tôi là không sao tưởng tượng nổi.
         Muốn đột nhập vào ấp Quật Xá phải vượt qua sông Hiếu ở một bến lội. Đoạn sông chỗ này nông, người cao trung bình như tôi khi lội chỉ cần xắn ống quần lên cao hết cỡ là nước không thể chạm tới. Tuy nhiên đáy sông lại toàn là đá cuội, rất trơn, rất dễ trượt chân. Nếu để trượt chân, nghiêng người một cái thì ống quần sẽ nhúng nước. Và đó là một tai hoạ. Ngày đó trong quân trang chúng tôi mặc, có loại áo quần bằng vải Liên Xô viện trợ, nó cực dày. Khi không bị ướt thì vẫn mềm mại bình thường, nhưng nhúng vào nước nó cứng như mo cau, có thể dựng đứng cả chiếc quần tựa vào gốc cây được. Đang hành quân mà gặp mưa, hoặc lội sông bị ướt, vải cứng lại cà xát vào háng hoặc đùi gây loét da ngay. Nhưng tai hại hơn là khi đi vào trong ấp, mặc dù mệnh lệnh là tuyệt đối không được phát ra tiếng động, nhưng hai ống quần vẫn cà vào nhau loạc xoạc. Đêm càng vắng, người càng nín thở thì tiếng loạc xoạc càng to. Những lúc như thể chỉ còn biết trào nước mắt.
        Bờ bên kia bến lội có một gốc duối tàu ( có người gọi là dưới tàu), thân già sù sì, tán lá rậm rịt. Đêm nào vượt sông qua đến đó, chúng tôi cũng nép mình vào gốc duối quan sát vài ba phút, thấy không có động tĩnh gì thì mới đột nhập vào ấp. Không biết đã bao nhiêu đêm như thế, gốc duối già nơi bến lội ấy đã trở thành cái mốc cắm sâu vào ký ức tôi, theo tôi đi cùng nam cuối bắc. Ngay ngày đầu mới giải phóng Quảng Trị- năm 1973- khi được trở lại Đông Hà, tôi đã mượn một chiếc xe đạp gò lưng đạp ngược đường Chín hơn 15 cây số tìm về Quật Xá, chạy vội ra bến lội để được nhìn lại gốc duối ngày nào. May quá, nó vẫn âm thầm đứng đó như cố tình chờ tôi. Và cho đến tận hôm nay, rất nhiều lần tôi trở lại, cây duối vẫn còn, tuy đã quá già nhưng cành lá hẵng còn sum suê. Tôi mong đừng ai chặt phá đi, cho dù nó cũng chẳng có ích lợi gì lắm cho sự phát triển kinh tế hiện nay. Thì nó cũng như tôi thôi, không còn có ích gì nhiều nữa, nhưng là chứng nhân của một thời đấy.
        Ký ức về những mảnh làng ở Cam lộ đối với tôi hầu hết là không gian đêm. ( Mặc dầu tôi cũng đã mấy lần đột nhập vào Quật Xá ban ngày dưới sự chỉ huy của anh Biên để bắt ác ôn, tuy nhiên những lần như thế căng thẳng quá, vào thì lao như tên bắn, rồi lại quáng quàng chạy ra, thành thử chẳng có chút cảm xúc nào. Còn có một lần tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Kỳ bí mật nằm trên đồi An Thái cả ngày để theo giõi tình hình chuyển quân của địch phía bên kia đường Chín, thì xa quá, cũng chẳng nhìn rõ làng mạc ở bên kia sông. Chỉ đến đêm mới đột nhập vào ấp thì thật tuyệt vời, nhưng chuyện đó tý nữa mới kể ).
        Cả đại đội âm thầm hành quân đi qua một trãng rộng nằm lọt thõm giữa những bìa rừng. Tôi không biết đây là đâu, chỉ biết nơi này là một trọng điểm của đạn cối địch từ cao điểm Cồn Tiên rót xuống. Đại đội vừa đi, vừa chạy gần 4 giờ đồng hồ, chân mỏi dừ, mắt ríu lại vì buồn ngủ. Bỗng người đi trước khẽ quay lại truyền lệnh : Ngồi nghỉ 10 phút ! Chỉ chờ có thế, tôi quay nhanh ra người phía sau truyền nối mệnh lệnh rồi ngồi phịch xuống cỏ. Cơn buồn ngủ ập xuống liền. Có người không kịp ngồi cho thẳng người đã cất tiếng ngáy như kéo gỗ. Hành quân đêm ở chiến trường là thế. Việc vừa đi vừa ngủ không phải chuyện hiếm. Bất ngờ từ cuối hàng quân, đại đội phó lụi cụi chạy lên, dáng đầy hốt hoảng. Ông cứ cúi xuống xô vào vai từng người, răng nghiến lại : Ai cho ngồi nghỉ ở đây há ? Lính vừa ngái ngủ vừa trả lời : Báo cáo đại phó, phía trước truyền xuống thế. - Trước nào ? Ông lại xô tiếp vào vài chiến sĩ ngồi trên- Điên hết rồi, đây là cái túi pháo, muốn chết hay sao ? Ai truyền lênh ? - Dạ..phía trên kia ạ. Chúng tôi chỉ biết vậy nên cũng chỉ trả lời vậy. Trả lời xong là lại ngáy liền. Người đại đội phố vẫn lồng lộn chạy tiếp lên phía trên hàng quân, xô vào từng chiến sĩ và hỏi đi hỏi lại mỗi câu ấy. Đương nhiên chiến sĩ cũng chỉ trả lời mỗi câu ấy. Nhưng đến cậu Xinh, một chiến sĩ nuôi quân đang ngồi gục xuống giữa hai chồng soong nồi lổn nhổn thì ông đại đội phó lại nhận được câu trả lời khác - Dạ..họ ngồi cả đám đó, thủ trưởng không thấy à ?
          Đại đội phó cố dướn mắt nhìn vào bóng tối trước mặt :- Đâu ? Ai ngồi đâu ?
          Xinh quờ tay ra phía trước :- Đó..đó..đầy bãi ra đó..Đại đội phó lò dò tiến lên phía trước..Rồi bất ngờ ông kêu trời : Cha mẹ ơi, Xinh ơi là Xinh, mi mở to mắt ra mà nhìn này..Người ngồi đây hả ? Trời ơi, chừ thì đứt mất đội hình rồi, biết hành quân đi hướng nào ! Rồi ông quát to : Dậy, chạy nhanh, chết cả nút bây giờ ! Tất cả chúng tôi bật dậy, quáng quàng chạy. Thì ra, trước mặt không hề có ai ngồi cả mà chỉ đầy bãi những cây bai bái ( một loại cây dại lúp xúp thấp hơn đầu gối người ). Cậu Xinh vì quá mệt và buồn ngủ ríu mắt lại nên nhìn thấy thế tưởng bộ đội đã ngồi nghỉ, hắn tự động phát ra mệnh lênh. Cú đó may mà đơn vị không ai bị thương vong vì pháo, nếu không, cậu anh nuôi tội nghiệp ấy đã lãnh đủ.
         Trở lại chuyện cái ngày tôi và anh Kỳ được giao nhiệm vụ nằm trên đồi An Thái theo giõi tình hình chuyển quân của địch bên đường Chín. Suốt cả một ngày nằm trên đồi, ăn thì đã có cơm vắt, khát thì có bi đông nước mang theo. Nhưng riêng tôi có một nhu cầu rất đau khổ là thèm thuốc. Tôi nghiện thuốc lá từ ngày còn nhỏ ở nhà. Vào chiến trường, thuốc hút của bọn tôi chủ yếu là thuốc quấn cả lá do xin được từ các đoàn dân công từ ngoài Vĩnh Linh vào. Thỉnh thoảng vào ấp, bà con cơ sở có cho vài gói về làm quà cho cả đơn vị. Chiều đó, tôi thèm thuốc quá, người cứ bứt rứt không yên. Anh Kỳ nhìn tôi đoán được cái khổ sở đó. Khi mặt trời sắp khuất núi, chúng tôi chuẩn bị về cứ, thì bất ngờ Kỳ nói : Anh thèm thuốc lắm phải không ? Tôi như sáng mắt ra, hỏi : có cách gì không ? Có- anh Kỳ gật đầu nhanh- Chừ anh theo tôi về thăm mệ tôi, tôi sẽ xin thuốc cho. Tôi hơi ngớ ra : Mệ ở đâu ?Anh chỉ tay về phía ấp Ba Thung : Chỗ đó, ở thôn giữa..gia đình tôi thuộc diện đặc biệt chú ý nên chúng nó bắt ở thôn giữa. Đã lâu rồi tôi chưa về thăm mệ, đêm nay ta vào đi. Thú thực lúc ấy tôi cũng hơi ngại, nhưng phần thì quá thèm thuốc, phần cũng thấy thương anh Kỳ nên gật đầu luôn. Thế là chúng tôi quyết định vào ấp.
         Đấy là một đêm tuyệt vời. Trăng mờ đục, nhưng đất làng pha cát bạc nên khung cảnh làng hiện lên rất rõ. Gió nam lại thổi rất to. Tiếng mo cau cà vào thân cau loạc xoạc, tiếng kẽo kẹt phát ra từ những khóm tre, tiếng gió hú qua các mái tôn nghe ro ro như sáo thổi..Mới đầu hôm mà ấp vắng ngát, im lìm. Anh Kỳ dẫn tôi chui qua hàng rào để vào làng bằng lối đi từ phía sau. Nhà Mệ của anh ở gần chính giữa xóm. Anh bảo tôi gác ở ngoài ngõ, anh chui vào nhà. Tôi ép mình ngồi câm lặng, đảo mắt thư thả nhìn bao quát khắp làng. Chưa bao giờ tôi thấy làng quê Cam Lộ lại đẹp như thế, cái đẹp mơ màng trong tĩnh mạc. Vào giờ đó, hầu như tôi quên mất đây là ấp chiến lược, bốn phía có thể là địch và súng có thể nổ xé đêm bất cứ lúc nào. Ở trong nhà vẫn im lìm không hề phát ra tiếng động, tuy nhiên tôi vẫn có thể hình dung ra bà mệ đang sung sướng thế nào khi được ôm lấy cháu. Gần một giờ sau, anh Kỳ ra, vai khoác chiếc gùi căng. Tôi biết chắc trong đó thế nào cũng có thuốc lá. Anh Ký bảo : hay ta ra bằng cổng chính đi ! Tôi vội nói, không, cứ ra đường cũ, đừng mạo hiểm. Anh gật đầu. Chúng tôi lại theo đường vào để trở ra. Hôm sau mới biết , đó là một quyết định sáng suốt.
         Về đến cứ, trước khi chia tay, anh Kỳ cho tôi 5 gói Ro-bi. Tôi định sáng mai sẽ chia cho anh em trong tiểu đội. Câu chuyện tôi lẻn vào ấp, cứ tưởng chỉ hai chúng tôi biết. Không ngờ sau hai hôm, bất ngờ tôi bị Tiểu đoàn trưởng gọi lên. Ông quát phủ đầu : Đêm hôm trước cậu vào ấp làm gì ? Tôi ngớ ra chưa biết thanh minh thế nào thì ông bồi tiếp cho một trận nhừ tử, nào là nguyên tắc hoạt động, cơ sở thuộc tuyến nào phải do tuyến đó tiếp cận, nào là muốn vào ấp phải được lệnh chỉ huy, nào là mình là lính quân đội chỉ phối thuộc với địa phương chứ không phải hoàn toàn theo sự chỉ huy của họ .v..v.. Tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng dạ. Sau đó tìm gặp anh Kỳ, hỏi vì sao chỉ huy tôi biết. Anh mới kể, thì ra, khi chúng tôi vào ấp, bọn lính Nghiã quân đã phát hiện. Nhưng chúng nó nhát gan, không dám hành động, bèn kéo nhau ra cổng mai phục, đợi chúng tôi trở ra sẽ nổ súng. Nhưng chúng tôi đã không ra đường cổng chính. Sáng hôm sau, chúng nó vào bắt mệ lên nhà Hội đồng, dọa nạt, kể vanh vách rằng đêm qua thằng Kỳ cùng một tên giải phóng nữa vào, thằng Kỳ vào trong nhà, tên giải phóng ngồi canh ngoài cổng v..v..Đêm sau nữa, tổ công tác của huyện vào bắt liên lạc với mệ, mệ đã kể lại cho họ nghe. Thế là tổ đó về thắc mắc với huyện ủy là anh Kỳ đã tùy tiện đi vào bắt liên lạc trái tuyến. Anh Kỳ cũng bị phê bình như tôi...
Sau gần 40 năm, khi cùng làm việc với nhau ở tỉnh, có lần tôi đã nhắc lại kỉ niệm này với anh Kỳ. Nhưng có vẻ anh không nhớ. Anh Kỳ là một nhân vật nổi tiếng của vùng đất ấy suôt cả thòi kì đánh Mý, chắc chắn trong anh ngổn ngang bao nhiêu là kí ức hào hùng.Con người ta, ký ức cũng như tiền của, tư trang vật dụng, hoặc là ảnh chụp lưu niệm, nếu nhiều quá đôi khi nó nhòa đi, không sao nhớ hết. Nhưng với riêng tôi, những kí ức như thế là của hiếm, cũng như những mảnh làng Cam Lộ, dù chỉ gắn bó với tôi mấy tháng thôi, nhưng mãi mãi lấp lánh trong tâm thức tôi như những mảnh trăng, cứ vằng vặc suốt cuộc đời và trong từng trang viết. 
Trại viết Cam lộ tháng 8/2008


Đăng ngày 05/08/2008

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn Sinh - 05/08/2008

Một but ký chân thực,văn mà không pha trộn nên có sức cảm nhiều !
  Gửi bởi: Xuân Đức - 05/08/2008

Cảm ơn bạn MS đã đọc sớm. He he..lo mà nạp bài Cam Lộ đi, không thì không xuôi đâu đó.
  Gửi bởi: Trần Bình - 06/08/2008

Bài ký của bác làm gợi lại trong người đọc những nổi niềm và hiểu thêm một phần các trang viết của bác (từ cái bến đò xưa lặng lẽ). Bác viếc liền mạch và rất hay, có cảm giác như đang ngồi nghe bác kể chuyện vậy thôi, bao giờ cũng rỏ ràng, khúc chiếc , nó cuốn lôi người nghe, người đọc .Cám ơn những hồi ức của bác nhà văn.
  Gửi bởi: Trần Tuấn - Huế - 06/08/2008

Tình cờ tôi vào trang Xuân Đức thấy có một ý kiến ai đó (mà tôi hơi ngờ ngợ của chính chủ nhân) đánh giá rằng: Trong số những nhà văn của Quảng Trị nếu xếp hạng thì đứng đầu là Chế Lan Viên, kế là Xuân Đức, rồi đến Hoàng Phủ Ngọc Tường (vì HPNT chỉ có Ký - mà Ký của HPNT hay hơn Nguyễn Tuân - Độc chiêu là chỗ này vì Nguyễn Tuân cũng chỉ có "đặc sản" Ký mà thôi).
Vòng vo một chút, trong Di cảo CLV đã viết: "Sau này bạn đọc thơ tôi xin nhớ.... Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết mất rồi". Vậy thì hiển nhiên phải là Xuân Đức mới đến Chế Lan Viên rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường (viết hay hơn Nguyễn Tuân); do đó - theo toán học - ta rút ra hệ quả ĐỂ RỒI CÓ THỂ SĂP XẾP THỨ TỰ NHƯ SAU: XUÂN ĐỨC - CHẾ LAN VIÊN - NGUYỄN TUÂN.
Từ nhà văn Quảng Trị suy ra cả nước; có phải vậy không anh Xuân Đức? Hãy dũng cảm trả lời đi.

  Gửi bởi: Xuân Đức - 06/08/2008

Gửi bạn Trần Tuấn- huế : Tôi khá bất ngờ trước câu hỏi của bạn. Tôi phải dò tim mất hơn 5 phút mới ra lại được lời nhắn mà bạn đã trích ra. Quả có một lời như vậy,( ở trang bài viết : Thư chào bạn văn trên mạng) nhưng tại sao bạn lại nghĩ ra chuyện của chính tôi phải mạo danh tôi ? Trên trang đó có cuộc trao đổi giữa một người kí tên là bạn văn với tôi. Phần tôi, tôi đã kí rõ tên. Còn lời bình của khách, chỉ trừ những lời không phù hợp với tôn chỉ của trang web này, nghĩa là có ý khiêu khích, hoặc thiếu văn hóa tôi mới không đưa, còn lại là tôi đưa lên hết. Tôi cũng không thể biết được người viết là ai nếu họ dùng bí danh. Không những bất ngờ với việc bạn cho rằng tôi mạo danh người khác, đến cái logic bạn vòng vo để kết luận là xếp tôi trên người này, người nọ, rôi lại la to lên rằng, ông Xuân Đức  hãy dũng cảm thừa nhận ! !.Tôi thật sự buồn cười khi bỗng dưng lại được động viên phải dũng cảm ?
Bạn khách nào đã viết lời nhắn đó và kí tên là Khách vãng lai mà đọc được lời này, xin lên tiếng giúp tôi nhé !

  Gửi bởi: Khách Vãng Lai - 06/08/2008

Tôi là khách vãng lai đây. Đừng vu oan cho ông Xuân Đức. Ông Đức cần gì phải tự điểm tô dở hơi như thế. Tôi hiện ở Nôvôixibiếc - Liên Xô cũ. Tôi sang Liên Xô học từ năm 1964. Tôi là bạn của Vũ Thư Hiên, anh Hiên học xong về nước, rồi lâm nạn, đi tù 9 năm không án. Lâu nay, tôi cũng ít liên lạc với VTH vì anh ấy ở Pháp, nên đứt liên lạc. Tôi ở lại Nga từ đó đến nay. Thời tôi học, bị coi là thời xét lại nên một loạt về nước nửa chừng, chưa tốt nghiệp, trong đó có Bằng Việt. Ông Bằng Việt học dở năm thứ 4 về, chưa kịp tốt nghiệp trường Luật. Ông Việt chưa có bằng Đại học đâu. Còn tôi vì yêu một cô gái Nga, sau này là vợ tôi nên tôi ở lại luôn. Dù có người trong nước nói tôi phản bội tổ quốc. Anh Nguyễn Lân Tuất, nhạc sĩ công huân nổi tiếng Nga, con Giáo sư Nguyễn Lân, anh ruột Nguyễn Lân Dũng cũng bị hiểu lầm như vậy. Lại có người nói tôi lên tướng, được Nga đưa về làm chuyên gia quân sự. Thực ra cũng lại sai. Tôi đi bằng con đường quân sự, nhưng học xong dự bị, tôi chuyển sang ngành văn, mãi đến năm 1992, tôi mới bảo vệ luận án Tiến sĩ về ngành Văn Học. Tôi là ai ư? Là khách vãng lai. Vì có nói tên, chắc chỉ Vũ Thư Hiên biết thôi, nhưng anh Hiên ở nhà lại coi là phản động. Thế nên có nói tên thật cũng chẳng ích gì. Chỉ cần nhớ tôi là người có tuổi tên thật, không phải ông XĐ giả danh để tự tô vẽ cho mình. Sao trong giới văn chương ở nhà, người ta lại có những ý nghĩ ác độc như thế. Khổ cho Xuân Đức. Nếu ông muốn sang Nga ở, tôi sẵn sàng bảo lãnh cho ông.
  Gửi bởi: Xuân Đức - 07/08/2008

Chào ông khách vãng lai. Cảm ơn bác đã trả lời giúp tôi, và lại còn mời tôi qua đó nữa. Tôi cũng đã có ở bên đó một thời gian ngắn ( Trường Gorki) nên yêu nước Nga lắm. Bây giờ cũng muốn qua chơi lại mà không có điều kiện. Qua chơi vài hôm thì còn cố gắng chứ theo bác mà ở lại thì tôi chịu thôi. Sắp theo tiên tổ rồi, còn chi mà phải lặn lội nữa. Mấy lại tôi có khổ gì đâu. Cái vị khách kí tên là Trần Tuấn đó mới khổ. Có lẽ bác không biêt, chứ tôi với tất cả anh em ở QT đều biết rõ vị ấy là ai, cho dù vị ta ẩn núp dướ gần chục cái tên giả. Nguyên chuyện đó cũng đủ cho thấy vị khổ sở biết chừng nào rồi. Thương hại lắm bác ạ. Nếu bác có lòng thì bảo lãnh giúp vị ta nhé .
Chúc bác thật vui, thật khỏe và hạnh phúc.

  Gửi bởi: Vũ Văn Trình - 07/08/2008

Tôi rất cảm động đọc ý kiến Khách Vãng Lai. Nếu đúng như mấy lời giới thiệu này thì tôi biết bác này. Hình như bác ấy là Lê Vĩnh Quốc, một người rất nổi tiếng trong trí thức Nga, cũng như Nguyễn Lân Tuất, một nhạc sĩ người Nga gốc Việt cũng rất nổi tiếng. Tôi đã gặp và uống rượu với bác Quốc. Trong bữa rượu đó có bác Tuất, bác Quốc và cả Tôn Thất Triêm và Trần Đăng Khoa, hồi Khoa còn học ở Liên Xô. Tôi không có dịp gặp Xuân Đức, dù lúc đó anh Đức cũng đang ở Matxcova, nhưng anh Đúc lúc đó không nổi tiếng như sau này. Lúc đó người ta chỉ biết Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Chu Lai và Lê Lựu. Trường Dầu Mátcova của tôi cũng đón các bác ấy đến đọc thơ và nói chuyện thơ. Nếu là anh Quốc thì rất may được thông tin của anh. Em hiện vẫn đang ở Nga. Nhà 407 nhà 11/16 phố Xavẽtkôi bunvar. Rất mong gặp anh, nếu anh qua M thì ghé em nhé. 
  Gửi bởi: Khách Vãng Lai - 07/08/2008

Tôi khiếp cái ông Trần Tuấn này lắm, có khi bắt tay tôi, ông ấy lại báo công an là tôi truyền vi rus cải tổ về phá hoại đất nước thì sao. Tôi ngoài 70 rồi. Nếu ông không muốn qua Nga thì tôi về Trúc Sơn Trang với ông nhá. Chúc ông viết hay. Ngày mai tôi qua Mỹ dự hội thảo bàn về văn học trong thời đại công nghệ toàn cầu. Nghe nói trong hội thảo này cũng có một số nhà văn người Việt
  Gửi bởi: Xuân Đức - 07/08/2008

Bác Khách Vãng lai ơi, thật kì lạ, trưa nay ( giờ Việt), tôi đang nằm nghỉ trưa thì có điện thoại, đó là một bạn ở Hà nội gọi vào trao đổi vài công việc. Nhân đó tôi hỏi bạn ấy có biết một người đang ở Nga có vài thông tin cá nhân như thé..như thế..Bạn ấy kêu lên là đúng là Ông Vĩnh Quốc rồi. Nếu đúng thì đấy là một nhân vật nổi tiếng lắm đấy. Tôi vội vàng mở máy định nhắn là có đúng như thế không để dễ dàng hầu chuyện. Không ngờ mở ra lại gặp ngay lời nhắn của bạn Vũ văn Trình ( tôi cũng không biết nốt). Nhưng tôi tin là đúng bác Quốc rồi. Không ngờ 2 bác ở bên đó mà cũng có vào trang của tôi. Cảm ơn các anh nhiều. Thế mà lúc sáng cái ông Tuấn huế ấy sau khi đã đọc lời nhắn của bác vẫn nhắn lại : vòng vo mãi cuối cùng vẫn là : người không mang họ- ý nói là vẫn là tôi mạo danh. ( tôi đã xóa lời nhắn đó vì thấy rõ thái độ khiêu khích cá nhân và hết thuốc chữa ). Thôi, chúc bác qua Mỹ vui vẻ, khi về nhớ nhắn lại cho tôi nhé.
  Gửi bởi: Trần Tuấn - Huế - 07/08/2008

Với một thái độ chân thực tôi mới vào trang này, không ngờ Xuân Đức lại có một sự sắp đặt đến lạ lùng. Xin lối, tôi chẳng quam tâm đến Lê Vĩnh Quốc nào cả, chỉ nói là nói với Xuân Đức - Một nhà văn ở QT thôi; còn rằng - thì - là dẫn ra một lô lốc Vũ Thư Hiên v.v... và v.v... để làm gì? Hay là tưởng như không ai biết con người coi "Ngày là Đêm" ấy (VTH).
Tôi không gửi lời nhắn cho Vũ Thư Hiên - nhưng không lạ con người này (Chỉ một chi tiết viết về TCS ông ta đã nói bậy - dù rằng khen - mà như ai nhỉ, đã nói "... bằng mười hại nhau"). Chỉ tiếc cho anh Xuân Đức thôi.
Mong là anh đưa lời nhắn này lên.

  Gửi bởi: Khách Vãng Lai - 08/08/2008

Anh Đức quý mến! Chỉ ít giờ nữa tôi ra phi trường, nên cũng muốn nói với anh mấy lời, vì trong lòng cũng có chút áy náy, vì chỉ có mấy lời chân thành của tôi mà có người lại nghi ngờ anh sắp đặt để tự tô vẽ cho mình. Tôi hay vào các trang Web Việt Nam để tìm kiếm các thông tin trong nước, tôi hay đọc trang của anh, Trần Nhương, Nguyễn Khác Phục, Phong Điệp và cả Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập nữa. Tôi chẳng bàn đến ông Trần Tuấn làm gì, và tôi nghĩ, anh cũng chẳng nên mất nhiều thì giờ về anh ta. Tôi nghĩ đây là người trong giới các anh, trí cao mà tài mọn, nên cứ lụi hụi, khi người khác có thành tựu và được yêu mến. Thói đố kỵ là tính xấu nhất của con người. Ông ta định dùng Vũ Thư Hiên để làm trò mèo với anh đấy. Nhưng anh đã "giã từ vũ khí rồi", thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc rồi thì có gì mà phải băn khoăn. Hiện nay, giới lãnh đạo trong nước từ địa phương đến trung ương đều rất thông thoáng, họ cũng là trí thức cả, nên có những cách ứng xử rất khôn ngoan. Anh chả nên bận tâm làm gì. Những người như thế, chẳng bao giờ được yên ổn.
  Gửi bởi: Xuân Đức - 08/08/2008

Cảm ơn anh Quốc ( chắc chắn là anh rồi ). Anh cứ yên tâm đi Mỹ. Nhưng lúc nào về, anh nhớ nhắn cho tôi ngay nhé. Trần Đăng Khoa rất muốn liên lạc với anh, nó bảo nhớ anh lắm đấy.
  Gửi bởi: Nguyễn Quốc Việt( HS lớp 8) - 30/11/2009

Chào bác Xuân Đức! Cháu là một HS lớp 8 ở Đông Hà. Cháu ở trường được cô giáo kể về bác là một nhà văn cống hiến nhiều cho quê hương này...Cháu rất hâm mộ bác. Mong bác mạnh khỏe và cống hiến nhiều hơn cho Quảng Trị phát triển bác nhé!!!
  Gửi bởi: Bác Đức - 01/12/2009

Cảm ơn cháu Quốc Việt. Chúc cháu học thật giỏi.
  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 01/05/2012

Ở đâu cũng có anh hùng
Ở đâu cũng có thằng khùng, thằng điên...

  Gửi bởi: Một người con Cam Lộ - 07/04/2015

Những trang viết của bác rất hay, lối viết của bác là lối viết mà cháu rất muốn học hỏi. Cảm ơn bác rất nhiều. Chúc bác luôn dồi dào sức khỏe.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan