Thursday, October 8, 2015

Mỗi tuần chép một bài thơ yêu thích- Thơ Thâm Tâm



Tác giả: Thâm Tâm


Xuanduc.vn Trong lịch sử văn học Việt Nam, có những thi phẩm đi xuyên qua thế kỉ,sống mãi cùng năm tháng. Ngày hôm nay, trong không gian cuộc sống mới, với cách cảm thụ hơi thở cuộc đời mới, nhịp điệu mới, nhưng đọc lại những câu thơ trong Tống biệt hành tôi vẫn thấy ám ảnh. Cái tiếng sóng nước xa xăm và mơ hồ ấy, hai tiếng Ly khách nghe hun hút chất hiệp sỹ một thời ấy, chén rượu hâm nóng nâng ngang mày lữ khách ấy,và cả cái không gian biệt li nhuốm màu giang hồ ấy vẫn neo đậu mãi vào kí ức tôi..
Tống biệt hành 
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ? 
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
Ly khách ! Ly khách ! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại !
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cùng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót 
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay... 
Người đi ? Ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say... 
Mây thu đầu núi giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô dộng, tiếng hồn câm

 Đăng ngày 22/08/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Alpha - 22/08/2008

Nhân anh post bài Tống biệt hành, xin gửi tới anh bài viết của bạn tôi, anh Châu Minh Hùng, về bài thơ trên. Anh xem, nếu đăng được thì anh post cho bạn bè gần xa đọc tham khảo nhé!
Kính! Hoàng Hiệp.
Vẻ đẹp đích thực của cái TÔI trong TỐNG BIỆT HÀNH                                                  
Chaâu Minh Huøng
Lặng lẽ và sang trọng, Thâm Tâm xuất hiện trong phong trào Thơ Mới như  cái cầu nối, vừa kế thừa, vừa đoạn tuyệt với cả một nền thi ca cổ điển. Bài thơ bất hủ của ông, Tống biệt hành, không phải như  Hoài Thanh nói, “làm sống lại không khí riêng của nhiều bài thơ cổ”, mà chỉ mượn chiếc áo của thi ca cổ để bao bọc cho nội dung trữ tình của cái tôi hiện đại giữa buổi giao thời.
Mặc dù Thâm Tâm dành một phần của bài thơ gán cho Ly khách khẩu khí chinh phu một thời: “Chí nhớn chưa về bàn tay không…”, nhưng cái hình ảnh ấy thật mỉa mai như  tái diễn một vở tuồng trên sân khấu cuộc đời. Tôi cứ nghĩ, đó chỉ là lời nhại của Thâm Tâm trong phút ngẫu hứng thử ném Ly khách sang giới tuyến bên kia của thời trung cổ để tái hiện cái chí cao siêu đến đoạn tình của người xưa: “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Nếu đặt trong cuộc sống hiện đại, cái khẩu khí này chẳng khác nào lời giận dỗi của một đứa trẻ bỏ nhà đi hoang.
Sự thật, những gì cổ kính của Tống biệt hành chỉ là cái vỏ bọc của nền văn chương điển phạm đã đi qua. Thể thơ, đề tài, hình ảnh, hình tượng và ngôn ngữ thơ đều chỉ là sự vay mượn cái đã có để khơi sâu vào cái chưa có. Không khó lắm khi nhận ra sự đối lập triệt để  giữa cổ điển và hiện đại trong mấy câu thơ hay nhất của bài thơ:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Dòng sông, bóng chiều đã từng được dàn dựng như một bức tranh chung cho mọi cuộc phân ly trong bút pháp lấy cảnh ngụ tình cổ điển, ở đây đã được Thâm Tâm phủ định một cách dứt khoát để tạo ra một bối cảnh mới cho cuộc phân ly của con người hiện đại. Không đưa qua sông, dòng sông biến mất, không gian trở thành vô định. Bóng chiều không sắc màu, thời gian cũng trở nên vô nghĩa. Dù nhà thơ cố gắng xua tan mối hoài nghi: “Đưa người, ta chỉ đưa người ấy”, cái con người mang lý tưởng “đầu đội trời chân đạp đất” một thời, nhưng ám ảnh về một cái tôi bé nhỏ giữa cõi hư vô vaãn hiện diện. Nó hiện diện qua hình ảnh mẹ già với sự sống ngắn ngủi, qua hai chị như sen cuối mùa tàn tạ,  qua em nhỏ ngây thơ bé bỏng để rồi kết tinh lại thành những thân phận mong manh: “chiếc lá bay”, “hạt bụi”, “hơi rượu say”. Ly khách buồn với nỗi buồn thăm thẳm từ“chiều hôm trước”, đến “sáng hôm nay” vì cảm nhận sâu sắc cái kiếp người bé nhỏ mong manh ấy. Hơn nữa bản thân Ly khách hôm nay ra đi đã biết về đâu. Con đường tự do của cái tôi cá nhân trong buổi giao thời chưa định hình một cách rõ nét, tất cả đều mịt mờ, hư ảo. Rốt cuộc Ly khách cũng chỉ là “chiếc lá bay”, “hạt bụi”, “hơi rượu say” bé nhỏ và mong manh trên hành trình phiêu lưu ấy.
Vẻ đẹp của Tống biệt hành không nằm trong ảo tưởng về một con người mang vóc dáng khổng lồ giữa đất trời chật hẹp mà nằm ở chiều sâu vô hạn trong tâm hồn của cái tôi bé nhỏ giữa cõi hư vô. Trong khi tạo ra khoảng không cho cõi hư vô, những gì thuộc về ngoại cảnh đã được nhà thơ chuyển hoá thành tâm cảnh. Trái tim chứa đựng cả một dòng sông với mênh mang con sóng và ánh mắt mơ màng mang cả chân trời hoàng hôn với sắc vàng ly biệt. Cái tôi bé nhỏ nhưng tâm hồn như  chứa đựng tất cả mọi chiều kích lớn lao của đất trời, thâu nhận mọi vẻ đẹp của nhân gian. Ly khách sẽ ra đi không phải với tư thế “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà đi với cả một tâm hồn lớn, trái tim và ánh mắt nhạy cảm của mình như hướng tất cả vào tình người, vào nỗi đau nhân thế.
Tống biệt hành, một cuộc chia ly thường tình nhưng chứa đựng trong nó cả một vũ trụ biệt ly. Không còn dè dặt nép mình vào thiên nhiên, Thâm Tâm tạo ra một cái tôi độc lập với tất cả vẻ đẹp lớn lao của tâm hồn.  Thâm Tâm viết bài thơ này như đi trên chiếc cầu chênh vênh giữa hai nền văn hoá cũ và mới, cuối cùng tạo ra một bứt phá ngoạn mục để tiến đến điểm hẹn của thi ca hiện đại. Tống biệt hành cổ nhưng mới hơn tất cả những bài thơ mới hiện thời.

  Gửi bởi: Người không quen - 23/08/2008

Anh XĐ ơi ! câu: "sao đày hoàng hôn trong mắt trong ?". Có lẽ có sự nhầm, tác giả sử dụng từ "đầy" chứ không phải "đày" , bởi khổ thơ đầu này là đắt nhất bài thơ và từ "đầy" lại quan trong nhất, nó liên quan câu thơ trên "bóng chiều không thắm không vàng vọt". Thời điểm chia tay nhau là buổi chiều, một buổi chiều không u ám, buổi chiều đẹp nhưng trong đôi mắt "trong" của "ly khách" lại "đầy" hoàng hôn, một nổi buồn thăm thẳm....không tả nổi.
  Gửi bởi: Xuân Đức - 23/08/2008

Cảm ơn bạn người không quen đã phát hiện ra một lỗi rất quan trọng, suýt nữa làm hỏng mất cả câu thơ của TT. Do tôi gõ máy nhầm chứ không phải hiểu nhầm, lại thêm mắt mũi kèm nhèm nữa nên trông gà hõa Quốc đấy. Thành thật xin lỗi bạn đọc.
  Gửi bởi: li - 13/05/2012

Nhà văn Xuân Đức đã giới thiệu bài thơ "Tống biệt hành" mà tôi yêu thích. Được biết nhà thơ Thâm Tâm sinh năm 1917 và mất năm 1950, ở tuổi 33, tức nhà thơ đã giã từ cuộc đời ở lứa tuổi còn rất trẻ của 1 đời người...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan