Thursday, October 8, 2015

Mỗi tuần một bài thơ yêu thích- thơ Trần Đăng Khoa





Tác giả: Trần Đăng Khoa


Xuanduc.vn : Với Trần Đăng Khoa, có lẽ tôi không cần giới thiệu gì nhiều về thơ văn của anh, chỉ xin nói một ý này. Thật là lạ, cả Thơ và Văn xuôi của Khoa như một khối thủy tinh hình lục lăng, mỗi mặt phản quang một Trần Đăng Khoa khác nhau để có thể đồng cảm với mỗi tâm thức, một nỗi niềm khác nhau của thế sự. Chân quê ấm áp, tếu táo hóm hỉnh, kĩ lưỡng sâu sắc, thế rồi bỗng nhiên lại thâm trầm chiêm nghiệm trong nỗi buồn thăm thẳm...     
  Sắp đến rằm tháng 7- tôi chép bài thơ này của Khoa như là cách nói thay bao nỗi ưu tư của mình.

Ở nghĩa trang Văn Điển
                       Nhớ Diệu Hương 
Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may. 

Ôi thiên nhiên, cảm ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng... 

Những nắm đất lặng thinh như trăm ngàn nắm đất
Ai hay đâu đây là những con người
Với bời bời nỗi niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi... 

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu
Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng
Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu... 

Cháu bé nào đây, vài tháng tuổi
Rợn mình nghe tiếng gió khóc u oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này thôi thế đã qua... 

Cụ già từ nơi đâu không rõ
Lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi
Rồi vấp ngã trước một tia nắng quái
Con cháu, anh em là sỏi đá quê người...

Và em gái xinh tươi, hiền dịu
Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì ?
Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi.. 

Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả thế giới này cũng không sao bù nổi.. 

Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa
Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ
Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hóa người xưa.. 

Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ
Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi
Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ
Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời.. 

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga... 

Mặt trời lặn rồi, mặt trời còn mọc lại
Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi
Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá
Con ngưòi ơi ! Hãy thương lấy Con Người..

( Đây là bản mới nhất do đích thân nhà thơ TĐK chữa sau khi đã nhận được các lời comment của bạn đọc. Quả thật trang Web tôi cũng đã làm được một việc hay )



 Đăng ngày 08/08/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn sinh - 08/08/2008

Lão Trang ơi ! MS đang ngồi trên máy Phan văn Quang để commen cho anh đây ! Máy rất tốt.
  Gửi bởi: Người yêu thơ - 08/08/2008

Bài thơ rất xúc động. Cám ơn nhà văn Xuân Đức đã nhờ TĐK nói giúp cho rất nhiều người về cõi đời dâu bể. Tại sao con người lại có thể làm những điều ác với nhau. Hãy đứng trước những hàng bia, ta sẽ thấy lòng ta thanh sạch hơn
  Gửi bởi: Vũ Nguyên - 08/08/2008

Ai trong số kiếp chúng ta
Cũng lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân
Tài sao thi sĩ họ Trần
Đêm vần lão Chộp, ngày vần Nghĩa trang...

  Gửi bởi: Tố Uyên - 08/08/2008

Bác Đức ơi! Cháu là bạn của Diệu Hương, người được anh TĐK tặng bài thơ này. Bạn cháu đã mất vì tai nạn giao thông, khi đang học ở trường Đại học ngoại ngữ, chuẩn bị đi Nga. Cháu đã thuộc bài thơ này ngay từ khi nó mới ra đời kia. Theo trí nhớ của cháu, thì trong văn bản của nhà thơ, trong bản chép tặng bác Khái Vinh, bố Diệu Hương, còn có một đoạn viết về cái chết của một ông già, mộ số 1176, bên cạnh mộ Diệu Hương ở nghiã trang Văn Điển, ngôi mộ không có tên, chỉ có dòng chữ viết nghuệch ngoạc trên tấm ván cắm trên mộ: "Cụ già khoảng 75 tuổi chết kẹp tàu hỏa". Đoạn đó thế này: "Cụ già quê quán đâu không rõ/ Cụ lặn lội tìm ai về thành phố xa xôi/ Rồi gục ngã trước một làn nắng quái/ Con cháu anh em là sỏi đá quê người"
  Gửi bởi: Vũ Thị Phúc - 08/08/2008

Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn có trên chục bài thơ viết về nghĩa địa. Đề nghị nhà văn Xuân Đức đưa lên mạng cho bạn đọc được thưởng thức. Chùm thơ nghĩa địa TĐK viết từ khi còn ở bên Nga. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến có một bài thơ tặng Trần Đăng Khoa mà dân học ở Nga chúng tôi ai cũng thuộc: "Cơm vua lộc nước từ thơ bé/ Danh tiếng đông tây nức tiếng đồn/ Mấy năm thơ viết toàn mồ mả/ Tro giấy u u tiếng gọi hồn". Kinh
  Gửi bởi: Thanh Thùy - 08/08/2008

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...
 Thấm thía thật. Mới ngày nào anh Hùng chồng tôi còn quây quần bên vợ con, mà bây giờ đã âm dương đôi ngả. Nhò anh Xuân Đức chuyển đến TĐK lời chia sẻ của một bạn đọc rất quý trọng anh ấy. Ừ, rồi ai cũng phải ra đi, sống với nhau dẫu mấy chục năm mà vẫn như cuộc gặp gỡ giữa sân ga, để rồi mỗi người lại đi mỗi ngả. Con người ơi, hãy thương lấy con người

  Gửi bởi: Xuân Đức - 08/08/2008

Cháu Tố Uyên thân ! Thật cảm động khi nghe cháu kể về bài thơ TĐK tặng bạn cháu. Có lẽ lúc mới viết, Khoa đã viết như cháu nói, còn sau này khi bình tĩnh lại, nhà thơ sẽ chữa lại cho thật cô động. Là chú đoán thế thôi, chắc thế nào anh Khoa cũng sẽ giải thích. Chúc cháu vui nhé .
  Gửi bởi: Xuân Đức - 08/08/2008

Chào hai bạn Vũ thị Phúc và Thanh Thùy ! Tôi thật sự cảm động trước tình cảm 2 bạn dành cho nhà thơ và bài thơ. Tôi sẽ nhắn lại với Trần Đăng Khoa về ý kiến của các bạn. Xin chia sẻ cảm xúc của 2 bạn. Thật ra tôi chép bài này vì cũng có chung những suy tư như các bạn thôi. Chúc cho tất cả mọi người thanh thản trong cõi sống tạm này.
  Gửi bởi: Bạn thơ - 08/08/2008

Thật là lạ, cả Thơ và Văn xuôi của Khoa như một khối thủy tinh hình lục lăng, mỗi mặt phản quang một Trần Đăng Khoa khác nhau để có thể đồng cảm với mỗi tâm thức, một nỗi niềm khác nhau của thế sự. Chân quê ấm áp, tếu táo hóm hỉnh, kĩ lưỡng sâu sắc, thế rồi bỗng nhiên lại thâm trầm chiêm nghiệm trong nỗi buồn thăm thẳm...Nhà văn Xuân Đức nhận xét về TĐK rất đúng. Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng không nói ra được một cách rõ ràng rành mạch như anh
  Gửi bởi: Bạn của Diệu Hương - 08/08/2008

Huỳnh Diệu Hương ơi! Bài thơ anh K khóc em, giờ lại được đăng trên trang báo của bác Xuân Đức đây này. Bao nhiêu năm rồi, mình vẫn bàng hoàng không thể nghĩ là Hương đã chết. Hôm tiễn đưa Hương đi, Trà Mi tháo chiếc nhẫn vàng đeo ở tay ném vào ô cửa quan tài, bố Vinh đã khóc ngăn lại: "Bác lạy con. Con thương Hương thì đừng làm thế, kẻo rồi có kẻ nó đào mộ Hương lên vì cái nhẫn của con đấy". Bây giờ bố Vinh cũng đã thành "người xưa" rồi. Bài thơ vẫn còn đây. Mình thương Hương vô cùng, Hương có hiểu không?
  Gửi bởi: Bạn thơ - Câu lạc bộ thơ VN - 08/08/2008

Bài thơ rất sâu sắc. Mặt trời là cõi dương. Vầng trăng thuộc cõi âm. Dưới vầng trăng, mọi con người đều bình đẳng như nhau. Và chỉ đến khi chết, con người mới được bình đẳng. Nhà thơ TĐK mong muốn thế, nhưng thực ra, ở Việt Nam, đến cả khi chết vẫn không có được sự bình đẳng. Người vào nghĩa trang Mai Dịch, người ở Văn Điển. Ngay trong Văn Điển cũng còn chia khu A, khu B. Thế nên tôii đề nghị nhà thơ Trần Đăng Khoa chữa một câu thơ cho đúng với sự thật:
Ôi thiên nhiên, cảm ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Nhưng vẫn còn khác nhau ở cái cọc xi măng...
 

  Gửi bởi: Người không quen - 08/08/2008

Có lẽ đây là bài thơ hay nhất trong đời thơ TĐK, phải thế không ông Xuân Đức?
  Gửi bởi: TB - 08/08/2008

Mỗi tuần bác chép một bài thơ yêu thích và đó toàn là những bài thơ rất hay . Chuyên mục này cần được duy trì và nếu có thể bác nới thêm một hai bài nữa. Bác đang làm cái công việc là kéo bạn đọc đến với thơ đích thực đấy.
  Gửi bởi: Vũ Khanh Trường - 09/08/2008

Tôi có đọc ở đâu đó có một nhà phê bình cho rằng, bài thơ Nghĩa trang này là hai mảng ghép lại, một mảng Khoa lảo đảo nghệ sĩ, còn một mảng Khoa bước uỳnh uỳnh theo kiểu cán bộ. Vì thế bài thơ tưởng một mà hóa hai. Một là thơ thế sự. Hai là thơ diễn đàn. Và vì thế, bài thơ chỉ nên dừng lại ở hai đoạn đầu. Và nếu dừng lại ở tám câu đầu thì bài thơ rất hay. Nghe rất rành mạch, có vẻ như phát hiện. Nhưng vì không có văn bản để đối chiếu. Nay mới có văn bản toàn bài. Tôi công nhân hai đoạn đầu khá hay. Nhưng nếu dừng lại ở đấy thì bài thơ vu vơ và chông chênh, nhạt, thiếu sự sâu sắc, cảm thông và chia sẻ. Thế bài thơ đi phải như thế. Tất nhiên, về mặt bút pháp, bài thơ không mới. Lối viết cổ điển. Nhưng sự chiêm nghiệm thì cần nghi nhận. Đến bài tnày, thơ chú Khoa đã thực sự trưởng thành
  Gửi bởi: Phụng Sồ - 09/08/2008

Bài thơ này hay đấy. Nhưng K có bài đặc sắc hơn, đúng chất Khoa hơn, đó là bài "Sư cụ hát tình ca trên đảo". Bài ấy vừa kiêu hãnh, vừa ngậm ngùi thân phận, lại rất hài hước. Hình như hài hước mới đúng là giọng của Khoa. Bài đó thích hơn bài này nhiều
  Gửi bởi: Trần Đăng Khoa - 09/08/2008

Tôi thực sự cảm động khi các quý vị quan tâm đến bài thơ của tôi. Đúng là văn bản đầu còn thêm một đoạn viết về cái chết tha hương của một cụ già. Nhưng sau tôi cắt đi, đúng như nhà văn XĐ nói, thơ cần cô đọng, tôi cũng đã liệt kêi:Và cụ, và ông, và cô và bác...rồi mà, nên không cần dẫn thêm cụ già nứa. Tôi chỉ điểm hai trường hợp cụ thể: Đó làcháu bé vài tháng tuổi và em gái đang yêu, là những người trẻ, rất trẻ mà lại hóa người xưa thì đau xót lắm. Đoạn kết, kính nhờ nhà văn Xuân Đức chỉnh lại cho hai câu cuối cùng: "Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá:/ - Con người ơi! Hãy thương lấy con người!". Như thế chuẩn hơn. Vì bia đá nói ta thương lấy những con người thì chả nghĩa lý gì. Chỉ Con người thương yêu con người thì hành tinh này mới được yên ổn. Trái đất sẽ không còn chiến tranh, không còn khủng bố và bạo hành, chỉ có con người mới mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhau và cũng lại chính con người đã biến cuộc sống tươi đẹp trên cõi đời vô cùng ngắn ngủi này thành địa ngục trần gian. Rất cám ơn các quý vị. Cầu chúc các quý vị hạnh phúc, bình an trong cõi đời đày rủi ro, bất trắc. TĐK
  Gửi bởi: Xuân Đức - 09/08/2008

Chào chung mọi người. Cảm ơn bạn bè đã vào quán chơi đông đúc, vì vậy chủ quán không chào riêng từng người được. Tôi đã chữa lại câu thơ áp chót theo ý tác giả rồi đó. Bác Khang Trường ơi, sao tự dưng vắng bặt hàng tháng thế ? Cả bác Phụng Sồ nữa ? Rồi anh bạn Đông Ngàn nữa, đi đâu rồi. Tôi cứ tưởng các bác thất lạc ở đâu, định nhắn lên đài TH mục tìm người lạc đấy. Có đau ốm gì thì cũng báo cho chủ quán tôi biết với nhé. Tự nhiên vắng tiếng nhớ nhau quá.
Bác Phụng Sồ ạ, có thể bác nói đúng. Thực ra tôi cũng chẳng biết bài nào là bài hay nhất của Khoa. Mà tôi cũng không lấy tiêu chí chọn bài hay nhất, vì như vậy lại phải đánh gia nọ kia, phiền lắm. Tôi chọn theo ý thích cá nhân thôi. Sắp rằm tháng bảy, tự nhiên nghĩ nhiều đến người âm, thế là chọn bài này..Chúc bác và mợi người vui vẻ với người dương nhé.

  Gửi bởi: Thân Thơ - 09/08/2008


Nghĩa địa buồn
chẳng bao giờ có nghĩa địa vui
Nỗi nhân thế, bao người  tụ nhau về đây yên nghỉ
Những nấm mồ có từ hàng thế kỷ
Và những nấm mồ chưa kịp nhú cỏ non

Đã đi qua cuộc đời, mỗi người, mỗi nỗi truân chuyên
Hạnh phúc, khổ đau… giàu nghèo… ham muốn
Người đi qua cuộc đời gần trăm năm trần thế
Người có vài chục năm, người ... ít hơn, ngắn hơn

Đứng trước nghĩa địa. Buồn
Mới thấy mọi thứ đều vô nghĩa
Để làm gì hám danh, hám lợi, bon chen
Để làm gì mưu mô, thù hận
Để làm gì những bao rong ruổi...

Trên những tấm bia chỉ ghi tên tuổi
Năm sinh, và năm lìa đời.

  Gửi bởi: cuchoa - 09/08/2008

Nơi ấy biết bao người đã một thời
Sống với  niềm vui, nỗi buồn,cay đắng
Tôi đọc được dòng bia:
Cụ ông Phạm Tiến Duật hưởng dương 68
Thấy lòng xót xa
Có phải đây là nhà thơ của Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây nổi tiếng năm xưa?
Phải rồi. Nhờ tấm ảnh
Thắp cho anh nén nhang
Giữa trời thu se lạnh
Làn khói chơi vơi.
Đã qua rồi ư một kiếp người
Tột đỉnh vinh quang, tận cùng trăn trở
Chung nhau vuông cỏ xanh, bó cúc vàng
Anh cũng như tất cả
Bỏ qua thói đời hờn ghen, lo toan, trăn trở
Thanh thản mỉm cười.


  Gửi bởi: Bạn đời - 09/08/2008

THƠ ĐỀ TRÊN BIA MỘ
             Tặng Trần Đăng Khoa
Chẳng ai là có thể
Sống mãi ở trên đời
Ngày hôm nay của bạn
Là ngày mai  của tôi...

  Gửi bởi: VKT - 10/08/2008

Tôi về Hà Nội mấy hôm chơi với con cái thành ra phải xa anh mấy hôm. Tôi ở Hà Nội cứ như lạc rừng. Các quán Net rất nhiều, nhưng mình vào quán chát cùng với lũ cháu chanh cốm, cứ như một lão già mất nết. Bữa nay về mới vào thăm anh được. Bài thơ Khoa cảm động quá. Mừng cho K và buồn cho mình. Mình đã sắp đến cõi rồi. Ông bạn tôi ở Cục Quân khí, đang đánh cờ ở nhà bạn mà rồi gục luôn xuống bàn cờ rồi ra đi mãi mãi. Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc/ Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hóa người xưa...
  Gửi bởi: Xuân Đức - 10/08/2008

Chào anh VKT. Tôi nghe TH đưa tin vùng trên mình mưa lũ dữ quá, không biết chỗ anh có sao không ? Khoa nó vẫn nhắc anh đấy, nó bảo trang w này toàn là những người tử tế và có trình  độ cao nên chuyện trò rất ấm áp. Tôi cũng sắp vào " mùa vụ" rồi nên sẽ phải xao nhãng mạng một thời gian. Chúc anh khỏe, vui, lạc quan mà sống với con cháu. 
  Gửi bởi: VKT - 10/08/2008

Cám ơn nhà văn đã quan tâm đến bà con trên này. Qua báo chí, truyền hình, anh biết rồi. Có nhà cuốn sạch chẳng còn gì. Tôi dân ngụ cư, cứ tưởng bay sạch hồ cá nhưng may giời thương. Người hại thì chả là cái gì, cùng lắm cũng chỉ như mình bị ghẻ ruồi mà không gãi được. Còn giời hại thì không thoát được. Anh cũng từng bị người hại đấy mà nào có sao đâu, lại còn được thương thêm. Có cha gì còm cho anh ấy nhỉ. "Giời thương quỷ sẽ hành", tôi thuộc cả bài đó, đọc trong câu lạc bộ hưu trí. Mọi người khoái lắm, lại bảo đấy là thơ tôi. Tôi nói thế nào họ cũng không tin, lại còn bầu tôi làm chủ tich CLB. Chỗ tôi nhiều người đọc anh lắm. Sắp tói nếu anh bạn gì cũng đừng bỏ trang báo này nhé, dừng phụ lòng độc giả, trong đó có mấy thàng khọm già này 
  Gửi bởi: Phụng Sồ - 10/08/2008

Gửi bác bạn đời! Bài thơ bác đề tăng TĐK rất hay. Tôi nghĩ bác cũng là tay thơ chuyên nghiệp chứ không biết chừng. Trong TST tôi thấy có nhiều tay chuyên nghiệp lắm, cả nghề thơ, nghề văn, cả thằng Thiện, thằng Ac. Tôi thực sự chỉ là kẻ ngoại đạo, chỉ là người mê văn chương, đặc biệt là sách Tàu cổ, Tàu hiện đại, thằng Tầu thì không thể đùa được. Vừa rồi xem Truyền hình cái lễ Khai mạc OLIMPIC Bắc Kinh, chói lóa đến thế thì đến bố thằng Mỹ cũng phải chịu. Bài thơ bác đề tặng K hay lắm, chuyên nghiệp lắm, nhưng hai câu kết : "Ngày hôm nay của bạn / Là ngày mai của tôi". Thế ra thằng K là cái bia mộ à?. Yêu nhau thế bằng nghìn lần phụ nhau. Tôi gọi thàng K vì tôi còn hơn tuổi bố vợ nó. Cha Tùng còn phải gọi tôi bằng anh. Bố vợ thằng K ngày xưa còn là lính của tôi đấy. Cứ nói bác Phụng Sồ là Tùng nó biết ngay. Cái tên này do cha chính ủy tiểu đoàn đặt cho tôi, rồi anh em gọi theo. 
  Gửi bởi: VKT - 11/08/2008

Anh Đức ạ. Bữa rày về HN, tôi cũng đã tìm được số Tel của thằng K, định bụng nhờ thằng cháu (ở tập đoàn Bảo Việt) đưa đến thăm nó, nhưng rồi lại thôi, vì chắc nó cũng chẳng biết mình là thằng nào. Ở HN, gặp mấy thằng bạn cũ, chúng nói rất nhiều về thế giới tâm linh. Hóa ra chết không đáng sợ, ông bạn già ạ. Có cha còn bảo, mỗi người sống có khi còn có hai ba người chết vẫn đi theo che chở và bảo vệ. Không khéo hay có thế thật. Tự dưng thấy sốt ruột, chẳng hiểu vì sao. Thế là về. Về hôm trước, hôm sau lũ quét. Đường tắc. Tàu hỏa còn bị lật. Kinh hoàng. Anh có tin có thế giới bên kia không? Đọc bài trên trang báo của anh nói về đoàn quay phim MC sợ quá. Có đúng như báo viết không? Anh cũng nên đua nhung bài viết như thế, không phải để câu khách, anh không thiếu khách thăm, cái chính là đưa những thông tin về những điều ta chưa biết, mà những thông tin ấy, báo giấy thường không đưa. Mà sao lại thế? Giới chức năng nhiều khi rất buồn cười. Họ cúng khấn, lễ chùa, xin thẻ nhiều nhất mà lại ra sức chống mê tín. Cứ nói một đằng, làm một nẻo. Điều ấy lại làm giảm lòng tin của dân với giới quản lý. Không hay
  Gửi bởi: LMC - 11/08/2008

Kính gửi thủ trưởng Phụng Sồ! Em là Căn, Lê Mạnh Căn. Em hay vào trang Xuân Đức, nhưng thường chỉ đọc để biết, chứ không giám tham gia. Em có đọc nhiều bài của Phụng Sồ, nhưng lại nghĩ đấy là cái tên ba lăng nhăng mấy thằng mê Tam Quốc lấy làm mặt nạ chơi trò đều, nhưng hóa ra lại  là biệt danh thật của Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 339. Có đúng là thủ trưởng Bùi Huy Liễn không? Em đã từng nhiều lần cắt tóc cho thủ trưởng. Thằng Toàn từng làm liên lạc cho thủ trưởng lại bảo thủ trưởng chết rồi, chết ở trận Bù Đốp. Nếu đúng là thủ trưởng Liễn thì phải cảm ơn ông Xuân Đức vì Trúc Sơn Trang là cái doanh trại "Như không hề có cuộc chia ly". Xin đa tạ
  Gửi bởi: Xuân Đức - 11/08/2008

Thân gửi anh VKT! Mấy hôm nay theo giõi Truyền hình liên tục, thấy lũ ngập, người chết, sốt ruột quá trời. Tôi là người MTmà, còn lạ chi cái cảnh ấy nữa, chỉ loáng cái là mất sạch sành sanh. Anh đọc bài thơ " Điệp khúc MT" của tôi thì thấy. Còn bàn đến chuyện tâm linh thì ở cái đất này có đến 1001 chuyện, không phải chuyện nghe mà là chuyện mình trực tiếp làm. Anh biết tôi là người trực tiếp chỉ đạo và xử lý vấn đề tôn tạo Di tích Thành cổ cũng như chủ trì các buổi lễ lạc ở Nghia trang mà. Nói lại thì ớn lắm. Thế mà khi tôi viết vở kịch " Cõi thiêng" cho đoàn quân đội ( đã có truyền hình trực tiếp rồi đó), thủ trưởng TC bắt đoàn phải chưaz lại cái đầu đề là : Bản hùng ca linh thiêng cho nó khỏi mê tín. Nghĩ mà buồn cho giới lãnh đạo quân sự chúng ta. Đánh giặc thì giỏi rồi, nhưng cứng quá. Đừng trách anh em làm gì.

  Gửi bởi: Phụng Sồ - 11/08/2008

Nhanh như điện thật. Ngày xưa viết một bức thư phải mất hàng tuần liền mới nhận được. Bây giờ chỉ có một vài giờ, lại thư ngỏ không địa chỉ, thế mà rồi tìm được nhau. Đúng tớ là Liễn đây. Chữ ký là con số 136 viết tháu. Thằng Toàn nó bảo, trên đời này chẳng có ai có chữ ký như bố. Tao cũng tưởng nó chết rồi kia. Nhưng thôi, chúng bay cứ gọi tao là Phụng Sồ. 22tháng 12 năm nay về Quảng Trị nhé, viếng thành cổ, thăm nghĩa trang rồi thăm TST với ông bạn XĐ luôn nhé. Mừng là anh em gặp nhau. Hẹn gặp mặt. PS
  Gửi bởi: Phụng Sồ - 11/08/2008

Nói rồi, gửi cho ongbạn già rồi, lại quên không hỏi Căn, cái vết thương ở đùi bây giờ thế nào mày? Có hôm ânh qua Tĩnh Gia định ghé thăm em mà rồi lại không thực hiện được, vì đi với cả đoàn CCB. Anh vẫn an hận vì làm em bị thương, mà rất vớ vẩn, lau súng thế chó nào lại cươp cò, suyt nư may toi mạng. Mày chết thì có lẽ tao cũng không sống nổi. Đi khắp chiến trường không so lại dính đạn cả đồng đôi, mà may, nếu bay veo cái cần tăng dân số của mày thì anh cũg đến chết mất. Thôi thế là may rồi. May nhat la biet tin nhau. PS
  Gửi bởi: Xuân Đức - 11/08/2008

Ôi, thật tuyệt vời. Cảm động đến không cầm được nước mắt. Này, ông PS ơi, nói ra thì phải giữ lời đấy nhé. 22/12 này tôi sẽ chờ các chiến hữu.
  Gửi bởi: Phụng Sồ - 11/08/2008

Xuân Đức ơi, chả giấu gì ông, tôi có 125 triệu, chơi chứng khoán, máy tháng đầu lên đến trên 5 tỷ, bây giờ tụt dốc gần về mo. Nhưng tôi vẫn tài trợ cho cuộc gặp mặt đồng đội tại Trúc Sơn Trang. Ông đi với chúng tôi nhé. Tôi có bồ ở Sài Lang Thành, tôi sẽ gọi mụ về. Vợ tôi không bao giờ biết mạng nên tôi vô cùng sung sướng. Vợ thông minh quấ rất nguy hiểm ông ạ. Mụ Phú trông ảnh đẹp vầ thông minh, nhưng ông rất có tài mỵ dân nên chắc êm ấm thôi. Với vợ là dân chủ giả vờ. Đấy là kinh nghiệm quan trọng. mà trò này, ông là đại sư phụ của tôi. Bái.
  Gửi bởi: Xuân Đức - 11/08/2008

Ái chà chà..bữa ni mới rõ mặt anh hào ! Hèn chi đồng đội lấy tên Bàng Thống đặt cho. Với vợ tôi có chủ trương khác ông, cứ là thật thà, khiêm tốn mấy cũng không vừa. Mời các chiến hữu vào TST đi, nghĩ gì đến chuyện tài trợ. Ngày xưa chân đất ta còn đi được cùng trời cuối đất huống hồ bây giờ. TĐK cũng có ý rủ ông đi đấy. Vào đây, tôi sẽ hướng đạo cho bằng 10 các hướng dẫn viên du lịch. Nên về hương khói cho các liệt sĩ một lần ông ạ. 
  Gửi bởi: Con Kòi - 11/08/2008

Ông Đức ơi. Trưa nay đi ăn cơm nhà hàng, có mấy mụ bàn bên tán chuyện TĐK. Họ không bàn chuyện văn thơ đâu mà có chuyện này hay lắm, họ nói là TĐK không biết “làm việc” he…he…Mấy đứa cùng cơ quan quay sang hỏi con. Đúng không? Con bảo: để ta nhờ ông Đức gọi ông K đến mỗi đứa cho ông thử cái coi răng. Chúng nó ok cả loạt và còn đòi “truyền hình trực tiếp” nữa ông Đức ạ. Ôi cha mẹ ơi!

  Gửi bởi: Cậu - 11/08/2008

Ồ, Khoa may mắn thật. Sao chả thấy ai đỏi thử cậu nhỉ ?
  Gửi bởi: Con Kòi - 11/08/2008

Cậu hãy đợi đấy, bắn không nên coi chừng phải đền đạn, mà súng ống dạo ni răng? để con PR cho nha, đừng làm mất uy con đấy.
  Gửi bởi: Phụng Sồ - 11/08/2008

22/12 này về Trúc Sơn Trang. Tôi sẽ gọi thêm đồng đội nữa. Sẽ là cuộc gặp gỡ tưng bừng. Ông Đức chuẩn bị con lợn một tạ nhé. Tui chi. Con Kòi là đứa nào mà quái quỷ thế?. Chắc thanh niên xung phong Hà Tĩnh. Nghịch thế này là thông minh và duyên lắm. Nhưng bố hỏi thật mày nhé, hiện mày đã 7 vía hay vẫn còn 9 vía? Vô TST đi, tao gọi thằng K đến cho thử luôn. Chết bà.
  Gửi bởi: Nguyễn Văn Thọ - 12/08/2008

Năm nào Trần Đăng Khoa yới Đức, có đi với anh, nhìn, nghe công chúng đón nhận nhà thơ T Đ K, mới thấy người ta, những kẻ xa quê, một bộ phận công chúng yêu Khoa thế nào. Sau chuyến đi ấy, tôi nhận ra, ai thuộc về nhân dân sẽ bất tử. Còn ai khệnh khạng văn chương viết "Thơ Tôi không dành cho các bạn" kẻ đó sẽ chết sớm.
Ngày nay làm thơ đã khó. lại truyền bá thơ còn khó hơn. Khó thế nào, ai cũng biết rồi, không nói nữa. Cũng là cái ấn tượng  Khoa thủa thần đồng quá mạnh nên người ta cứ hòai vọng một thơ Khoa không lớn, không già vàchín sang mầu khác hươngvà vị khác....Vì vậy thương cho cậu Khoa hôm nay mang thân xác một gã béo lùn, trán lơ mơ tóc sắp hói tới cụt nhẵn...mà nhiều người cứ muiốn Khoa  đi mò cua bắt ốc trở lại.
Nhiều bài thơ của Khoa thay đổi, tự cách cái mạng anh, thóat khỏi  thơ ngây thủa nào. Và, óai oăm thay, dù có hay, vẫn ko nhiều người biết tới hoặc biết tớimà không nhận ra thơ Khoa vẫn đáng đọc và đáng nhớ.

Bài thơ trên của Khoa lần đầu tôi nghe chính Khoa đọc bên Đức đã thấy đó là bài thơ hay, khôngh chỉ chiêm nghiệm từng trai, mà thơ đã sang một lãnh địa mới cúa trầm mặc giác ngộ. Sau này đôi khi tôi đọc lại bài thơ này mà thấy lòng tôi bớt cô quạnh trong những ngày xa xứ.
Tôi quan niệm thơ hay văn chương nói chung cứ làm, lay động tâm hồn bạn đọc thì dù hình thức ra sao vẫn là đáng quý trân trọng và kết luận là hay. Còn cứ tìm tòi hình thức sao cho là lạ, ngồ ngộ mà trơ lì trước nó thì vứt. Ấy là tôi nhại câu người xưa: Nói tới mà không tới là vứt! Thi ca là vẻ đẹp trong muôn ngàn cái đẹp của con người tạo nên. Cái đẹp là cái làm ta xúc động. Bài thơ này "đẹp".
Cám ơn bác X Đức cho è bạn đọic lại bài thơ này của Lão cóc cụ TĐ Khoa.


  Gửi bởi: Con Kòi - 12/08/2008

Úi chà chà…Bác Phụng Sồ vô cùng kính yêu ơi! Tự bác hứa đấy nha. Không phải Kòi ép bác đâu nha. Con biết bác là thủ trưởng của bố vợ ông TĐK, đừng vì thế mà rút lại lời là chết bố đấy. “Quân tử nhất ngôn”, có ông Đức làm chứng nha, con vặn ngược đồng hồ chờ đến 22/12 rồi bố ạ. Híc…híc…

  Gửi bởi: Trần Đăng Khoa - 12/08/2008

Bài thơ này đã đăng báo và xuất bản cách đây 20 năm rồi. Đến nay nhà văn Xuân Đức mới lé mắt đến và lại được bạn đọc quan tâm. Sự quan tâm rất lạ kỳ như có sự sắp đặt của Thượng đế. Nhiều bạn điện cho tôi, đề nghị khôi phục lại đoạn thơ tôi đã quên mà lại được lưu giữ trong trí nhớ của bạn Tố Uyên. Chính bạn Tố Uyên cũng lưu ý tôi đoạn thơ này. Tôi đã phải dừng tuyển tập thơ ở Nhà Xuất bản Lao Động để chữa lại cho hoàn chỉnh. Để bổ sung đoạn thơ có sửa lại tôi cũng đã cắt một đoạn thơ chung chung mà dễ dãi. Bài thơ đến hôm nay mới chính thức hoàn thành. Xin đa tạ bạn Tố Uyên. Vô cùng cám ơn các thành viên của TST đã cùng tôi hoàn thiện bài thơ này. Cũng xin cám ơn ông chủ quán Xuân Đức. Xin đa tạ các quý vị. TĐK
  Gửi bởi: Phụng Sồ - 12/08/2008

Mấy hôm nay uống rượu bí tỉ. Con Kòi nó làm tôi tỉnh cả người. Ông Đức phóng ảnh nó lên xem nó có Kòi không? Nhưng bố hỏi con rơi rụng còn 7 vía hay vẫn đầy đặn 9 vía?
  Gửi bởi: Nguyễn Hữu Tĩnh - 12/08/2008

Không ngờ giữa nghĩa địa mà có cuộc hội ngộ của bao nhiêu anh tài. Phải nói ông quản trang Xuân Đức là một lão Phù thùy rất cao tay. Vui và cảm động quá.
  Gửi bởi: Bạn Thơ - 12/08/2008

Bài sửa lại của nhà rhơ TĐK hay hơn rất nhiều so với bản đầu. Chúc mừng TĐK
  Gửi bởi: chaudonghuong - 13/08/2008

Gửi tặng anh Khoa:
Anh hào họp mặt ở nghĩa trang
Mãi vui quên hết mọi lo toan
Khen cho chú Cuội tài thật đấy
Dụ được bao người ra nghĩa trang.

  Gửi bởi: chaudonghuong - 13/08/2008

Phải mất 2 hôm cháu mới đọc hết bài trên mạng đấy. Bài thơ này của TĐK cháu thuộc đã lâu rồi và rất thích. Nói chung thích anh Khoa cả lúc tếu táo lẫn lúc thâm trầm. Gần đây cũng có tiếng ong vo ve rằng sau này TĐK kiêu ngạo và khệnh khạng. Đúng sai không rõ nhưng cháu nghĩ một người tài (mà có tâm) như anh ấy thì kiêu ngạo một tí, khệnh khạng một tí... cũng xứng đáng thôi. Có những bài của TĐK đọc xong cứ bị ám ảnh vài hôm mới hết :Tếu táo rất vui nhưng vẫn ăm ắp tình, buồn thì buồn thăm thẳm...Kiêu vậy xứng đáng gấp ngàn lần có những kẻ làm thơ tầm cỡ con...ếch thôi nhưng lên báo phát biểu nhăng nhít rằng: Không dám làm thơ vì nay thơ không ai đọc, công chúng quay lưng lại với thơ... Cháu nói nhỏ chú nghe, thơ viết theo kiểu " trăng đầu tháng như chu kì kinh nguyệt..." thì không những quay lưng mà chạy mất dép chú hè? he, he...
  Gửi bởi: Xuân Đức - 13/08/2008

Ha..ha...Cháu ơi, bây giờ chú chỉ có thể ha ha thôi. Cháu dịch xem đọc mấy lời của cháu, nhất là cái câu gọi là thơ mà cháu trích dẫn, chú cười hay khóc ?
  Gửi bởi: chaudonghuong - 13/08/2008

Chú là nhà văn, nhà thơ chưa "thoáng", chưa chịu "đổi mới" (như người nào nhắn hôm trước ấy mà) nên cháu đoán khi đọc câu thơ trên chú không thể thốt nên lời Hu, hu...hay Hic, hic... được mà chỉ có thể diễn đạt cảm xúc bằng hành động như: xắn quần, rút dép cầm tay và maratông...chạy không quay đầu lại. He, he...
  Gửi bởi: Chú - 13/08/2008

Cháu lại không chính xác rồi. Nếu còn xắn quần, rút dép được tức là còn bình tĩnh đấy. Đằng này vứt dép, đạp quần mà chạy kia. Ha ha..
Còn vì sao không hu he thì hôm trước chú đã nhắn đó thôi. Chú muốn lắm, nhưng nghị quyết rồi.. Ôi, lại nghị quyết !

  Gửi bởi: trần hanh - 03/12/2009

Thần đồng mất lửa
  Gửi bởi: Trịnh Tuyên - 05/09/2010

Thi sỹ họ Trần có nhiều bài thơ viết về nghĩa địa . Xin tặng thi sỹ và các bạn một bài của tôi không phải nghĩa địa mà cũng là nghĩa địa:
Những ngôi nhà không cửa
Những ngôi nhà hình khối
Đặt cạnh nhau
Không có cửa
Ai đã vào rồi
Chẳng bao giờ ra nữa...
Suốt dặm dài Trường Sơn
Liên miên những ngôi nhà không cửa
Ngày lại ngày
Những linh hồn bên trong thắp lửa
Khói cay mắt trời
Rớt giọt mưa sa...
                      9/2010

  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 04/05/2011

Đây là bài thơ rất sâu sắc, nhất là với những ai đã từng đến nghĩa trang Văn Điển, đến khu A, khu B...
Năm nhà thơ Xuân Diệu mất, tôi có đi ra nghĩa trang Văn Điển và sau đó có được đọc bài thơ này TĐK viết tặng Xuân Diệu với khổ mở đầu tôi còn nhớ mãi:
Người nổi tiếng và người không nổi tiếng,
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này,
Cũng dài rộng như nhau vuông cỏ biếc,
Cũng ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may...
Bây giờ thấy TĐK lại tặng bài này cho người khác tôi buồn quá!

  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 05/05/2011

Xin chân thành cảm ơn Nhà văn đã cho đăng ý kiến trao đổi của tôi đã viết hôm qua.
Tôi sinh ra ở Tuyên Quang, hiện đang sinh sống ở Tuyên Quang và đã có lần trực tiếp được nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện về thơ ở Thư viện tỉnh. Nhớ mãi. Khi ông mất, tôi đang học ở Hà Nội, có được dự tang lễ Ông ở đường Trần Hưng Đạo và đi theo Ông ra tận nghĩa trang Văn Điển.Hôm đó, trời xanh trong, nắng rất đẹp.Nghe chuyện của những người dự tang lễ, có rất nhiều người có ý kiến Ông phải được an táng ở nghĩa trang Mai Dịch nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi đọc bài thơ TĐK viết tặng Xuân Diệu đăng báo ngay sau hôm tang lễ, tôi thấy tình cảm và nỗi lòng mình và của rất nhiều người trong đó.
Tôi là bạn đọc,không biết làm thơ và không hiểu về thơ lắm nhưng theo tôi TĐK tham quá! Bài thơ này, Anh chỉ nên chỉ lấy 3 khổ thôi thì bài thơ sẽ rất hay và sâu sắc hơn:
  nghĩa trang Văn Điển
                                         Tặng Xuân Diệu
Người nổi tiếng và Người không nổi tiếng,
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này,
Cũng dài, rộng như nhau vuông cỏ biếc,
Cũng ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may.

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu,
Những so le, Người kéo lại cho bằng,
Ít nhất cũng là khi nằm xuống,
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng.

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ,
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa,
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác,
Thì vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...

  









  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 08/05/2011

Qua nhứng bài viết ở " TRúc Sơn Trang", Nhữ  Khánh thấy TĐK rất gần gũi với XD. Chỉ có tầm vóc của XD mới giúp cho " Ở nghĩa trang Văn Điển" sống mãi trong lòng bạn đọc cả nước. Sự thêm thắt, mở rộng của TĐK đã làm hỏng bài thơ này mất rồi!
Những suy nghĩ của NK về bài thơ " Ở nghĩa trang Văn Điển" không biết TĐK có đọc không?
Rất mong " Trúc Sơn Trang" chuyển giúp" Lời bàn" của bạn đọc Tuyên Quang đến Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Xin cảm ơn Nhà văn trước!

  Gửi bởi: dã tràng - 09/05/2011

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu,
Bao so le, Người kéo lại cho bằng,
Ít nhất cũng là người thích dài, người thích ngắn
Ngắn hay dài đều tuyệt thế giai nhân...

  Gửi bởi: Khánh Ly - 11/05/2011

Gửi đến dã tràng:
Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu,
Những so le, người kéo lại cho bằng,
Ai chả có lúc dài,lúc ngắn!
Ngắn hay dài đều tuyệt thế giai nhân...

  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 11/05/2011

Gửi Trúc Sơn Trang:
Trong " bản mới nhất do TĐK sửa", so với bài thơ tôi nhớ, trong khổ đầu, TĐK đã tự bỏ đi một từ " Cũng" của hai câu mà NK cho là hay nhất:
Người nổi tiếng và Người không nổi tiếng,
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này,
Đều (Cũng) dài, rộng như nhau vuông cỏ biếc,
Đều (Cũng) ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may...
Từ thay đổi đã làm câu thơ kém hẳn!
Dã tràng cũng " To gan" bỏ của TĐK từ " Những" thành
Bao" trong "lời bàn" hôm 9/5/2011 :
Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu,
Bao (Những) so le, người kéo lại cho bằng...
Những thay đổi này là sự mất mát to lớn đối với " Ở nghĩa trang Văn Điển".
Nhớ câu nói của người xưa: Sai một li, đi một dặm!
N.K Thấy: Sửa một li, đi hai dặm!

  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 11/05/2011

Gửi Trúc Sơn Trang:
Trong " bản mới nhất do TĐK sửa", so với bài thơ tôi nhớ, trong khổ đầu, TĐK đã tự bỏ đi một từ " Cũng" của hai câu mà NK cho là hay nhất:
Người nổi tiếng và Người không nổi tiếng,
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này,
Đều (Cũng) dài, rộng như nhau vuông cỏ biếc,
Đều (Cũng) ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may...
Từ thay đổi đã làm câu thơ kém hẳn!
Dã tràng cũng " To gan" bỏ của TĐK từ " Những" thành
Bao" trong "lời bàn" hôm 9/5/2011 :
Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu,
Bao (Những) so le, người kéo lại cho bằng...
Những thay đổi này là sự mất mát to lớn đối với " Ở nghĩa trang Văn Điển".
Nhớ câu nói của người xưa: Sai một li, đi một dặm!
N.K Thấy: Sửa một li, đi hai dặm!

  Gửi bởi: dã tràng - 12/05/2011

He,he...Dã Tràng này già rồi, lẩm cẩm nên cứ nhớ nhớ quên quên, âm âm u u thành ra viết sai linh tinh như rứa chứ nào đâu dám sửa thơ của bác Khoa. Với dã tràng này thì bác Khoa là duy nhất, là mặt trời, là mặt đất, là vầng trăng, là...là đếm không xuể. Cool

  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 19/05/2011

Gửi Dã Tràng:
I/
Ngắn hay dài đều tuyệt thế giai nhân" !
Đây chắc chắn sẽ là những chữ mà NK sẽ nhớ rất lâu; lâu không kém "Ở nghĩa trang Văn Điển".
Xin cám ơn Dã Tràng đã cho NK những chữ này! cho hẳn nhé!
II/
Âm âm,
U u,
Nhớ nhớ,
Quên quên,
Là đếm không xuể!
Mặt trời,
Mặt đất,
Vầng trăng,
Là sai linh tinh rứa...!

  Gửi bởi: Khánh Ly - 19/05/2011

Gửi tặng Dã Tràng:
Đúng hay sai đều tuyệt thế giai nhân!

  Gửi bởi: Dã Tràng - 20/05/2011

III/ Sau khi phân tích bài thơ và liên hệ với thực tế chúng ta đi đến kết luận:
Ta đều thích bác Khoa
Cả lúc dài lẫn ngắn
Ngắn dài đều làm cho
Bạn đọc rất sung sướng.

Bác Khoa là thần tượng
Kiêm luôn cả thần đồng
Xuất phát từ thần nông
Lắm tài như thần thánh.

Từ nghĩa Trang Văn Điển
Mọi người càng hiểu thêm
Ngắn dài chi cũng nên
Giữ gìn và sử dụng.
Foot in mouth

  Gửi bởi: Khánh Ly - 23/05/2011

IV. Tóm lại:
Bác Khoa,
Có lúc dài,
Có lúc ngắn,
Dù Bác có thế nào,
Cũng làm bạn đọc sung sướng!

Vì thế cho nên:
Bác là thần tượng,
Bác là thần đồng,
Bác là thần nông,
Bác là thần thánh!

Cũng vì thế cho nên:
Dù Bác Khoa có dài hay ngắn,
Thì với rất rất nhiều người,
Vẫn là tuyệt thế giai nhân,
Đều phải cẩn thận giữ gìn
Và sử dụng...!

  Gửi bởi: Nhữ Khánh - Tuyên Quang - 23/05/2011

V. Tổng hợp kết luận và tóm lại
Thơ của Trần Đăng khoa,
Có lúc dài,
lúc ngắn,
Tuy nhiên,
Dù ngắn hay dài,
Bạn đọc đều thích,
Và rất sung sướng.

Vì thế cho nên,
Ai cũng yêu,
Ai cũng thương,
Ai cũng coi,
Bác là thần tượng,
Bác là thần nông,
Bác là thần đồng,
Bác là thần thánh!

Cũng vì thế cho nên:
Thơ của Khoa,
Phải giữ gìn
cẩn thận,

Sử dụng
Cẩn thận
Cho đến khi
Ra nghĩa trang Văn Điển!


  Gửi bởi: Giã gạo - 24/05/2011

V/ Hội thảo ở nghĩa trang Văn Điển đã kết thúc tốt đẹp lúc 10g15p ngày 24/05/2011 với 99,9999 % ( vì tay đưa lên biểu quyết cũng có cái dài cái ngắn). Xin chân thành cảm ơn sâu sắc bác Khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Xin nhiệt liệt biểu dương bác Nhữ Khánh từ Tuyên Quang xa xôi đã có mặt kịp thời và có những đóng góp to lớn, sâu sắc, rất dài và rất xa cho hội thảo. Xin nghiêng mình trước thiên nhiên hùng vĩ và nhân hậu đã kéo mọi so le lại cho bằng. Xin đa tạ tinh thần yêu bác Khoa tuyết đối (cả lúc dài lúc ngắn) của Dã Tràng và lòng chung thủy vô bờ bến của...nó.
Xin cảm ơn các bác còn lại đã im lặng lắng nghe. Kính xin lỗi bác Đức vì hội thảo hơi dài làm tốn nhiều đất bác. Xin cảm ơn tất tần tật.
Xin hết!

  Gửi bởi: Giã Gạo - 24/05/2011

Í quên! Xin hoan hô tinh thần hóm hỉnh và hài hước khi phát biểunhưng đậm đà tính thuyết phục cao của bác Khánh Ly.
  Gửi bởi: Khánh ly - 25/05/2011

Gửi Giã Gạo!
Cảm ơn Quan Bác đã có sơ kết, tổng kết.
Xin góp ý phần này: Bác đã sai trong phần trình bầy ý kiến tổng kết. Đã có I,II,III,IV, V rồi, sao Bác lại V nữa!
He he!

  Gửi bởi: Khánh Ly - 25/05/2011

I' quên:
Ban tổ chức hội thảo sao lại quên mời cơm các đại biểu nhỉ?. Đại biểu đi xa hàng ngàn cây số cơ mà!
Các hội thảo sau, BTC cần rút kinh nghiệm!

  Gửi bởi: Nhữ khánh - Tuyên Quang - 25/05/2011

Gửi bác Giã gạo:
Theo tôi, bố cục của báo cáo tổng kết nên như sau:
I/. Ai chả có lúc dài, lúc ngắn.
II/. Đúng hay sai đều tuyệt thế giai nhân.
III/. Kết luận.
IV/. Tóm lại.
V/. Tổng hợp kết luận (III) và tóm lại (IV).
VI/. Xin hết!.

  Gửi bởi: Dã Gạo - 26/05/2011


Lâu nay ngỡ bạn Khánh Ly
Ca sỹ hải ngoại chạy về Việt Nam
Hóa ra bạn ở Tuyên Quang
Trèo đèo đến với nghĩa trang Văn Điền (Văn Điển)
Tiếc thay hội thảo không tiền
Bác Khoa chỉ có gió hiền, trăng thanh
Bướm vàng, giun, dế...linh tinh
Lấy chi đãi bạn nhiệt tình yêu thơ
Dã Tràng xe cát trên bờ
Ra xa (sợ) tàu lạ húc cho toi đời
Thế nên chỉ có...lòng thôi
Sắn khoai cầm cự qua ngày bão giông
Nhữ Khánh tít tận Tuyên Quang
Đói nghèo chắc cũng đã mang bao đời
(Thanh Hóa gần với Hà Nồi (Nội)
Khổ, nghèo còn cả vạn người đấy kia...)
Mời cơm cũng lắm hiểm nguy
Gặp tàu Dìn Ký mong chi trở về
Thức ăn độc tố mọi bề
thuốc sâu ướp với cá trê huy hoàng
Càng nghĩ càng thấy gian nan
Thôi thì đành phải đói lòng bình thơ.

Nghĩa trang chiều vắng cơn mưa
Khói hương bảng lảng, đung đưa nắng vàng
Nhọc nhằn một kiếp trần gian.



  Gửi bởi: Khánh Ly - 26/05/2011

Gửi Dã Gạo:
Khánh Ly ở Tuyên Quang,
Không phải ở hải ngoại,
Nhưng Tuyên Quang bây giờ,
Chẳng kém gì bên ấy.

Khánh Ly nhớ Xuân Diệu,
Khánh Ly yêu Đăng khoa,
Bất chợt gặp " Văn Điển"
Ký ức như vỡ òa!.

Dã Gạo ở Quảng Trị,
Khánh Ly ở Tuyên Quang,
Ta cùng yêu người ấy,
Chắc tình ta mãi còn...






  Gửi bởi: Khánh Ly - Nhữ Khánh - 27/05/2011

Gửi Trúc Sơn Trang: Cho Khánh ly sửa bài gửi trước ( Nếu có đăng):
Khánh Ly (và Nhữ Khánh) ở Tuyên Quang,
Không phải ở hải ngoại,
Nhưng Tuyên Quang bây giờ,
Chẳng khác gì bên ấy.

Khánh Ly nhớ Xuân Diệu,
Nhữ Khánh thương Đăng Khoa,
Bất chợt gặp Văn Điển,
Ký ức như vỡ òa.

Dã Gạo ở Quảng Trị,
Khánh Ly (và Nhữ Khánh) ở Tuyên Quang,
Ta cùng thương Người ấy,
Chắc tình ta mãi còn...Chấp nhận

  Gửi bởi: Núi Đôi - 30/05/2011

Gửi Khánh Ly

Chuyện kể rằng:
Người ấy ở Tuyên Quang,
Qua Radio,
Bất chợt nghe câu hò Quảng Trị,
Tức tốc khăn gói lên đường,
Trực chỉ: hướng - Bình Trị Thiên khói lửa,
Đích đến: Trúc Sơn Trang.

Chuyện kể rằng:
Khi lên đường, Người ấy rất hoang mang,
Bởi mới thoáng qua tên Khánh Ly đã có Chảng tưởng bở,
Tưởng Y là Nàng, má phấn, môi son,
Xinh,
Tươi,
Thơm,
Ngon,
Suốt ngày hát ca líu lô bên hải ngoại.

Chuyện kể rằng:
Văn Điển,
Đất đã chật,
Người đã đông,
Quản trang quản không nổi,
Sợ,
Nên tính bài sơ kết, tổng kết kiểu buồn,
Để khách chuồn!.

Vì thế cho nên:
Khi khách đòi cơm hội nghị,
Bác Khoa than: Hội thảo không tiền lấy chi đãi khách!
Khi kêu riết lại bầy ra:
Gió, trăng, bướm vàng, giun, dế... linh tinh!
Giã Tràng hùng hổ bồi thêm:
Ta đang nhậu trên bờ,
Ra khơi- tàu sẽ húc,
Đi lộng- lại như Tàu Dìn Ký, toi đời.
Than ôi...

Chuyện kể rằng:
Chớm hè,
Gió Lào bỏng rát,
Đêm mênh mông thành cổ,
Giữa bốn bề lặng lẽ,
Người ấy thở dài: Ở hay về!?
Lăn tăn: Nếu nấn ná thêm,
Giã Gạo lại cho đi Văn Điển...

Khi Người ấy đã đi rồi, Giã Tràng mới vớt vát:
Núi vẫn đôi mà Anh mất Em...

  Gửi bởi: Thêm - 30/05/2011

Xin sửa câu cuối:
Chuyện kể rằng:
Khi Người ấy đi rồi,
Dã Tràng thảng thốt:
Núi vẫn đôi mà Anh mất em!.

  Gửi bởi: Pắc Ban - 30/05/2011

Mình ké thêm khổ giữa:
Chuyện kể rằng:
Ở Văn Điển,
Đất đã chật,
Người đã đông,
Quản trang quản không nổi,
Nên bầy trò,
Sơ kết, tổng kết kiểu buồn,
Để khách chuồn.

Vì thế cho nên:
Khi khách đòi cơm hội nghị:
Bác Khoa than: Hội thảo không tiền lấy chi đãi khách,
lại bầy ra trăng, gió, bướm vàng, giun, dế... linh tinh.
Dã Tràng hùng hổ bồi thêm:
Ta đang nhậu trên bờ,
Ra khơi - tàu lạ húc,
Đi lộng - lại như tàu Dìn Ký,
Toi đời.
Khách ôm đầu, thét lớn:
Ta đã phải vượt xa ngàn dặm,
Đến Trúc Sơn Trang,
Dẫu thân này chôn vùi biển cả,
Như Bin - La - Đen,
Ta cũng cam lòng...
Than ôi!.

  Gửi bởi: Nếm - 30/05/2011

...
Chuyện kể rằng:
Khi Người ấy đi rồi,
Dã Tràng mếu máo:
Núi vẫn đôi mà Anh mất Em!

  Gửi bởi: Khánh Ly - 30/05/2011

Qua Trúc Sơn Trang xin gửi Núi Đôi một ít thơ của Nhà thơ Vũ Cao (trích và có dịch):

Ít năm về trước, em mười bẩy,
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng,
Bên ấy, bên này hai cánh lúa,
Bữa thì anh tới, bữa em sang.

Lối ta đi, giữa hai sườn núi,
Đôi ngọn, nên làng gọi núi đôi,
Em nói đùa anh: Sao khéo thế,
Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.
......
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi,
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen,
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói,
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

  Gửi bởi: Tán - 30/05/2011

Nếu đúng như những gì thư Dã Gạo gửi Khánh Ly, khổ giữa của bài phải thế này mới thật là "chuẩn":
...
Dã Gạo hùng hổ "bồi" thêm:
Ta chỉ nhậu trên bờ,
Ra khơi - tàu lạ húc,
Đi lộng - lại như tàu Dìn Ký
Toi đời!
Thực khách ôm đầu, thét lớn:
Ta đã phải vượt trùng xa ngàn dặm,
Đến Trúc Sơn Trang,
Nay:
Dẫu thân này dẫu chôn vùi biển cả,
Như Bin la đen,
Ta cũng cam lòng.
Than ôi!...
Ta phục ta quá...)

  Gửi bởi: Bàn - 30/05/2011

Khổ đầu cũng được nhưng nên thêm một tí:

Chuyện kể rằng,
Người ấy ở Tuyên Quang,
Qua Radio VOV,
Bất chợt nghe câu hò Quảng Trị,
Tức tốc, khăn gói lên đường,
Trực chỉ - hướng: Bình Trị Thiên khói lửa,
Đích đến: Trúc Sơn Trang...

  Gửi bởi: Bàn Thêm - 30/05/2011

Mình đang rất thích thú bàn luận của các bác xung quanh bài thơ  Ở nghĩa trang Văn Điển.
Ở Bài Phú "Chuyện kể rằng...", của Núi Đôi, Phần III có ChữSợ là hay; Pắc Ban sửa thành Nên bầy trò cũng được.
Theo tôi nên lấy cả hai cho khổ "Phú" này:
....
Chuyện kể rằng:

Ở Văn Điển,
Đất đã quá chật,
Người đã quá đông,
Quản trang quản không nổi,
Sợ,
Nên bầy trò,
Sơ kết, tổng kết,
Kiểu buồn,
Để khách chuồn...




  Gửi bởi: Lại Tán - 31/05/2011

Ở Bài Phú, tôi không thấy ai nói gì đến đoạn này nhưng tôi cho rằng đây là đoạn Phú nhất và thích nhất:

Chuyện kể rằng:
Khi lên đường,
Người ấy rất hoang mang.
Bởi mới thoáng qua tên Khánh Ly,
Đã có Chảng tưởng bở.
Tưởng Y là Nàng,
Má phấn, môi son,
Xinh,
Tươi,
Thơm,
Ngon,
Suốt ngày hát ca líu lô bên hải ngoại.


  Gửi bởi: Núi Đôi - 31/05/2011

Bác Nếm sửa cho câu cuối là rất tuyệt, chữ mếu máo rất đúng với thần thái của Văn Điển và tâm trạng của bác Dã Tràng trong lúc tuyệt vọng; xin cảm ơn bác và đoạn cuối:

Chuyện kể rằng:
Khi Người ấy đi rồi,
Dã Tràng mếu máo:
Núi vẫn đôi mà Anh mất Em!


  Gửi bởi: Bàn - 31/05/2011

Bác Tán chữa câu này không ngon: " Dẫu thân này dẫu chôn vùi biển cả". Đã Dẫu rồi lại còn dẫu là thế nào?!
Phải như thế này mới xinh:

" Nay:
Dù gió lào có thui ta cháy khét,
Dẫu thân này  chôn vùi biển cả,
Như Bin la đen,
Ta cũng cam lòng".


  Gửi bởi: Khánh Ly - 31/05/2011

Sơ không sơ được,
Tổng không tổng được,
Kết không kết được,
Đất cạn.
Dã Tràng kệ,
Dã Gạo kệ,
Trúc Sơn Trang cũng kệ...

  Gửi bởi: Kiến - 31/05/2011

Kiến nghị: Ta nên nhờ chú Tễu!.
  Gửi bởi: Khách Vãng Lai - 01/06/2011

Xưng danh: Tôi không phải là chú Tễu nào đó, chỉ là khách vãng lai của Trúc Sơn Trang; thấy các bác bàn về Thơ cũng hăng, bàn về Phú cũng sôi nổi nên muốn bàn ké.
Về bài Thơ Ở nghĩa trang Văn Điển, bác Dã Tràng đã có sơ kết, tổng kết. Dù đúng hay sai, dài hay ngắn tôi cũng đồng ý đây là Tuyệt thế giai nhân!
Về bài Phú Gửi Khánh Ly, theo tôi đây là phần phụ, không đáng kể gì;không cần phải sơ kết, tổng kết. Theo tôi chỉ cần chép lại gần đúng các ý kiến thảo luận là bạn đọc đủ sướng rồi:

Eo ơi, Trúc Sơn Trang!
Phú (em kế của Thơ).

Chuyện kể rằng:
Người ấy ở Tuyên Quang
Qua Radio (VOV)
Bất chợt nghe câu hò Quảng Trị,
Tức tốc khăn gói lên đường
Trực chỉ- hướng: Bình Trị Thiên khói lửa
Đích đến: Trúc Sơn Trang.


Chuyện kể rằng:
Khi lên đường
Người ấy rất hoang mang
Bởi mới thoáng qua tên Khánh Ly
Đã có Chàng tưởng bở,
Tưởng Y là Nàng
Má phấn,
Môi son,
Xinh,
Tươi,
Thơm,
Ngon,
Suốt ngày hát ca líu lô bên hải ngoại.
Chuyện kể rằng:
Nghe phong phanh

Văn Điển,
Đất đã rất chật,
Người đã rất đông,
Quản trang quản không nổi,
Sợ
Nên dở trò
Sơ kết, tổng kết
Kiểu buồn
Để khách chuồn!.
Vì thế cho nên:
Khi khách đòi cơm hội nghị,
Bác Khoa than:
Hội thảo không tiền lấy chi đãi khách!
Khi kêu riết lại bầy ra:
Gió, trăng, bướm vàng, giun, dế... linh tinh!
Giã Tràng hùng hổ bồi thêm:
Ta chỉ nhậu trên bờ,
Ra khơi- tàu lạ húc,
Đi lộng- lại như Dìn Ký,
Toi đời!

Khách ôm đầu kêu trời:
Ta đã từ Tuyên Quang vượt trùng xa ngàn dặm,
Đến Trúc Sơn Trang,
Nay,

Dù Gió Lào có đốt ta cháy thành than,
Dẫu thân này có chôn vùi biển cả,
Như Bin La Đen
Ta cũng sẵn lòng.
Than ôi...
Chuyện kể rằng:
Đêm miên man thành cổ,
Giữa bốn bề lặng lẽ,
Không Dã Gạo,
Không Dã Tràng,
Không Trúc Sơn Trang
Người ấy thở dài: Ở hay về!?
Lăn tăn: Nếu nấn ná thêm,
Người ta lại cho đi Văn Điển!
Chuyện kể rằng:
Khi Người ấy đã đi rồi
Giã Tràng mếu máo:
Núi vẫn đôi mà anh mất em...
(Thêm: Có bác nào chưa nhất trí cao thì xin mời cứ chiến đấu tiếp...)./.



  Gửi bởi: Tán - 02/06/2011

Từ vớt vát,
Thảng thốt,
đến mếu máo...
Ai nói gì thì nói nhưng trong bài Phú tôi vẫn thích nhất chữmếu máo mà các bác đã ra công góp sức đẽo gọt. Hai chữ này đã làm cho đoạn kết ngon hẳn. Tôi chắc bác Dã Tràng sẽ phải mời các bác nhậu tẹt ga!.

  Gửi bởi: Bình - 02/06/2011

Việc "nảy Ý - sinh Tình", rồi qua lại, giận hờn, chia ly... của 2 bác Dã Tràng và Khánh Ly cũng cảm động đấy.
Vụ này làm cho tôi chợt liên tưởng đến việc đuổi bắt con bướm vàng của bác Thần Nông thời thơ ấu:
Con bướm vàng,
Con bướm vàng,
Bay nhẹ nhàng,
Trên bờ cỏ.
Em thích quá,
Em đuổi theo,
Con bướm vàng,
Nó vỗ cánh,
vút lên cao,
Em nhìn theo,
Con bướm vàng,
Con bướm vàng...

  Gửi bởi: Luận - 02/06/2011

Lúc  Tràng,
Lúc Giã Tràng;
Lúc  Gạo,
Lúc Giã Gạo;
Không chính danh nhưng cứ giã...!

  Gửi bởi: Ngẫm - 02/06/2011

Tôi cứ suy nghĩ mãi: Tại sao Khánh Ly lại nghe hò Quảng Trị qua VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) của TĐK nhỉ?. Sao mục âm nhạc của Trúc Sơn Trang lại không có hò Quảng Trị. Dã Tràng toi là phải rồi.
Nói nhỏ: Dã Tràng nên cảnh giác với TĐK kẻo lại "Cốc mò, Cò xơi"!.

  Gửi bởi: A Mao - 04/06/2011

Tôi thì thấy:
Phần Thơ rất hay,
Phần Phú rất lạ,
Phần đọc thì thích,
Phần khách thì đông,
Phần bác Xuân Đức thì: Tủm tỉm cười...

  Gửi bởi: Khách xa - 06/06/2011

Nếu Phú đúng là em kế của Thơ thì nhất định tên của anh ta phải là " Ở Trúc Sơn Trang". Thế mới là anh em chứ.
Tên tuổi là việc hệ trọng, là việc đại sự quốc gia, mong các bác minh xét!.

  Gửi bởi: A.Mao - 06/06/2011

Qua đọc mục này tôi thấy:
Về phần Thơ rất hay,
Về phần Phú rất lạ,
Về phần đọc thì thích,
Về phần khách thì đông,
Về phần chủ thì tủm tỉm cười!...

  Gửi bởi: Giã Gạo - 06/06/2011

thôi đừng quanh quẩn nghĩa trang
Rồi ai cũng phải xếp hàng ra đây
Hội thảo coi bộ đã dài
Ta cùng nhau chuyển đề tài nên chăng?

  Gửi bởi: A. Mao - 11/06/2011

Hội thảo đã dài,
Ý kiến đã đủ,
Chủ nhà đã cười ...tủm tỉm.
Khách xa, khách gần,
Cũng cười tỉm tỉm
Và nhất trí cao
Với ý kiến của Giã gạo.
Vẫn không quên: Cảm ơn bác Xuân Đức,
Và không quên Trúc Sơn Trang...

  Gửi bởi: chử kim tuyến - 09/11/2013

cháu là 1 sinh viên kinh tế, theo học khối A nhưng trước giờ vẫn thích học văn, thích được nghe giảng, nghe bình về văn thơ.
lần đầu tiên cháu được nghe bài thơ này của chú là do một thầy giáo dạy kinh tế đọc và bình, thực sự là rất xúc động. thoạt đầu là vì hoàn cảnh ra đời của bài thơ, rồi bài thơ gợi lại trong cháu những xúc cảm về một người thân đã "đi xa" lâu ngày...cũng là lần đầu tiên mới nghe bài thơ 1 lần mà cháu đã khóc, khóc cả những lần sau đó đọc lại.
cảm ơn chú đã viết ra những áng thơ để tuổi trẻ chúng cháu có thể nhìn lại bản thân mình, để chúng cháu biết nghĩ và ngẫm được nhiều hơn....
chúc chú luôn mạnh khỏe và thành công ạ!!!

  Gửi bởi: kvl - 03/08/2014

dien dan nay ma co them anh cua thanh vien thi hay hon
  Gửi bởi: ĐTQG - 19/11/2014

bài thơ hay cảm động miêu tả về cảnh ở nghĩa địa VÂN ĐIỂN cảm ơn  nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA đã viết bài thơ này và cảm ơn nhà văn XUÂN ĐỨC nữa LaughingSmile

  Gửi bởi: Phương Thảo - 20/12/2014

Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
......
Mặt trời lặn rồi, mặt trời còn mọc lại
Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi...
Cháu cảm ơn bác Xuân Đức và bác Trần Đăng Khoa đã cho cháu một cái nhìn mới hơn về con người, số phận và cuộc đời. Lần đầu tiên cháu đọc được bài thơ này là hồi cháu lớp 12, bài này được đăng trên tạp chí Văn học và tuổi trẻ với tiêu đề là:"Ở nghĩa trang thành phố". Cháu đã bật khóc ngay từ những khổ đầu của bài. Bài thơ không chỉ là những hình ảnh ghi lại hiện thực cuộc sống mà nó còn là sự bao dung của thiên nhiên, nhiều hình ảnh mang tính ma quái khi những con người phải nằm lại nơi đây. Bao quanh họ là những không gian lạnh lẽo, không một bóng người. Nhưng ở đây, tất cả mọi người đều được bình đẳng với nhau "Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc. Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may. Ôi thiên nhiên, cảm ơn người nhân hậu. Những so le, người kéo lại cho bằng ... "

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan