Tuesday, October 13, 2015

Một kiểu trời đày- truyện ngắn


Tác giả: Lưu Quôc Hòa



Lâu lắm Thành An mới qua thăm Thiên Khuê bạn viết đồng trang lứa trong hội Văn học tỉnh Nam. Có hai thứ cản trở cho việc gặp gỡ của họ đó là An mải làm ăn buôn bán còn Khuê rỗi việc nhưng tứ thời chẳng có đồng xu nào dính túi mà đi chơi, xe máy không có mà xe đạp không chuông không phanh chưa bao giờ đạt tiêu chuẩn cho thằng người cưỡi lên để vi hành dăm cây số .

Nhà Khuê vắng ngắt.Căn nhà cấp 4 hiền lành ẩn dưới tán cây xấu già ,dàn mướp lúc liủ quả, mấy bụi ngô đồng đang đỏ ối chùm hoa, con chó đen 4 mắt có móng huyền đề riu riu ngủ gật dưới bụi hoa giấy, thấy khách lạ vào vểnh tai rồi ẩm ử quay vào nhà. Không gian thoáng  đãng và hiền lành đáng yêu, nó cũng đáng yêu như người chủ, một hàn sĩ văn chương tỉnh lẻ nhiều kỳ vọng nhưng lực bất tòng tâm với tay vượn chân cò .
Thành An cứ đứng giữa sân hưởng cái dư vị thanh bình chốn nhà quê. .An ra bể ọăn vòi nước rửa mặt rồi nghê nga dạo trong vườn, quài tay với mấy chùm sấu non nhai rau ráu rồi nhăn mặt khoái trá. Chẳng rõ giờ này thi sỹ đang tìm cảm hứng ở đâu mà nhà cửa thông thống thế này. Tò mò, An vào nhà thì ôi thôi, thi sỹ đang nghênh mặt trên cái bàn gỗ sung có 3 cái chân gỗ và một chân bằng gạch xỉ. An dặng hắn to làm Khuê giật mình. Cậu ta giơ một cánh tay lên trời bí hiểm như chiêm tinh đạo sỹ đang hành nghề tác nghiêp.
-  Lặng yên nào! đang về ...
An cười khâng khấc:
- Của khỉ ạ! Cái gì đang về .
Khuê lắp bắp :                                                                                                                    :
- Cảm súc! Cảm súc nó đang về mày thấy không, nó đang vo ve bay lượn! đấy, nó đang đậu vào ngòi bút, tao nhả ra cho mày xem ngay bõy giờ .
Rồi thi sĩ cúi gập người trên trang bản thảo, rom rom cái mông đít bọ ngựa nghiêm cẩn hạ câu thơ :
Em ngoại tình, có nghĩa là em đi ngủ với giai
Anh phải thét lên ngôn từ trần trụi .
Mày thấy chưa An!Tao đang tự rút ruột, đang thoát xác, đang nhập đồng để lam thơ! Mày đó bao giờ xả thân cho văn chương và thi ca như thế chưa .
Thành An cười vãi nước mắt lăn kềnh ra cái phản gỗ, cơn cười bất khả kháng ấy nó làm anh quặn thắt ruột gan. Cười đâu phải là vui, có khi người ta cười vì không khóc lên được. An nâng vạt áo lau mặt vỗ vai Khuê :
- Thôi nào! Tao đến hôm nay không phải để nghe thơ của mày, nói chuyện khác đi cho vui mà có cái gì lai rai một tý chứ! Ừ Mày nhúm bếp,  để tao vù ra chợ...Khuê thẫn thờ đến tội nghiệp :
-Củi đóm quái đâu ra mà nhóm, tao có mỗi cái bếp ga du lịch đã hết ga từ mấy hôm rồi, toàn ăn mỳ tôm sống uống rượu khan nhắm với nỗi buồn. Từ ngày Thy Ngọc bỏ tao, tao không có khái niệm về bữa cơm, ăn là cái quái gì, cứ sống là được, chúng mày ăn cho lắm vào để bụng nó phưỡn ra như cái dó mẹ rồi cao áp huyết, rồi đái đường, rồi gút git lôi thôi ...Nghệ sỹ là phải thanh tao cổ ngẳng vai gầy, tóc dài gối hạc chứ ai lại cắt tóc kiểu lục lâm thảo khấu như mày! Khốn nạn, mày lắm tiền thế sao tao chẳng thấy mày ăn mặc cho nó ra hồn người, ra cái thằng nghệ sỹ của nhân loại! Trông mày lúc nào cũng nhôm nhoam .cái xe cái cộ như nhặt từ đống sắt vụn...
 An xua tay cắt cái bản cáo trạng Khuê đang đọc tràng giang đại hải....
Khuê là thế, Anh chàng thi sỹ tỉnh lẻ cò bợ, chân tay nổi chằng chịt gân xanh, dâu tóc nhễ nhại, um xùm, tham viết và ngại tắm rửa, đang viết cơn ngứa kinh niên kéo đến gãi sồn sột cẳng chân cẳng tay lằn những đường gét bị nạo vét bất thường như một kiểu áo kẻ trên da. Giá ông trời đừng tai ác khoác lên anh ta một gia  đình, chắc Khuê đỡ khổ, đằng này Khuê lại có cả một gia đình đầy đủ ý nghĩa với một cô vợ công chức trong một cơ quan tỉnh và một chức danh có cũng được mà không cũng chẳng sao, đã thế nàng lại xinh đẹp, lại hay phấn son ngắm vuốt, lại thích ăn quà vặt và thích đi du lịch.Thích đền nọ miếu kia. Ai bảo cái đống mối linh thiêng, nàng cũng tin và lập tức bò ra mà lễ bái. Cái thú ấy hại tiền lắm. Tưởng như thế là tai hoạ, quá khập khiễng với gia cảnh đang bần bách, nhưng nàng còn đoảng tính, cái bệnh này nhiễm vào đàn bà con gái thì khổ lắm lắm, tai hại lắm lắm. Cái gì cũng nhờ vào máy, vào điện, vào xe ...Mấy đứa con gửi bên ngoại, học hành ông bà lo. Hai vợ chồng lại trở thành son rỗi, mỗi người có cái riêng để mà đam mê, việc chăn gối cũng lỏng ra, thưa đi rồi gần như lịm tắt khi giữa nhân quần vào tuổi này đang vẫy vùng gào thét .
Nói thế chẳng hoá ra vơ đũa cả nắm. Điều ấy chỉ có ở Khuê chứ Thy Ngọc vợ chàng còn xuân  lắm, Mắt nàng còn xanh và có lửa cháy lung linh. Má nàng đỏ và càng hây đỏ khi có mỹ phẩm thời thượng can thiệp hàng ngày. Mỗi sáng đi làm nàng đứng trước gương oăn ẹo cái eo cái mông, sửa đi sửa lại cặp vú nây nả, rừng rực vốn hay cãi lại cái nịt ngực màu lòng tôm... Nói chung Thy Ngọc rực rỡ và nồng nàn, cái nồng nàn làm bắt mắt, trêu ngươi những trang mày dâu phong tình, mơ đãng .Khuê chẳng để ý hay có thể chẳng cần để ý cái sự rườm rà quá đáng của Thy Ngọc.  Thằng đàn ông lúc nào cũng săm soi vợ là loại tiểu nhân, nàng cứ đẹp đi cho thiên hạ ngất ngây, nghiêng ngả. Thi sỹ là người tạo ra cái đẹp, cái phong tình, sao lại khạc nhổ vào cái đẹp của chính vợ mình kia chứ ...Khuê thấy hãnh diện với đời là có cả vợ đẹp lại có cả nàng thơ linh huyền lúc nào cũng nằm trong vòng tay sở hữu ...cứ để đấy mà lặng ngắm như ánh trăng sao không bao giờ lụi tắt trên ngân hà, việc gì mà cứ hành hiệu nhau cho khổ ...
* * *
Trên công trường khai thác đá, An đang treo mình trên chiếc cẩu tự hành đời mới để hoàn thành nốt công việc lắp đặt hệ thống báo quá tải tự động. Một chiếc xe  sang trọng xịch  đỗ. Trong xe bước ra  là một cô gái thanh tú dáng vẻ trí thức đeo kính đổi maù thời thượng. Cô lấy khăn lau kính và ngước lên dàn cẩu có ý ngóng đợi. Khoảng mươi phút, chừng như sốt ruột cô nghển cổ gọi với kên :
  - Dạ! Cho cháu hỏi đấy có phải là Nhà văn Thành An không ạ . 
Chẳng cần ngoái lại . Người ở trên nói vọng xuống :
- Đúng đấy, nhưng chỉ đúng một nửa thôi, ai cần gì chờ tôi một lát nhá! Sắp xong rồi mà .
Tụt xuống đất An lau qua bàn tay lem nhem dầu mỡ tiến lại phía cô gái hóm hỉnh :
- Xin lỗi! Tôi đang được người mẫu thời trang cho chiêm ngưỡng nhan sắc hay có việc gì?
       Cô gái đỏ bừng mặt, có lẽ cô đang cảm động vì lời khen khéo của An .
- Dạ! Thưa bác nhà văn! Đồng chí Bí Thư Thành Uỷ muốn gặp bác có chút việc, mong bác nhận lời mời và thu xếp đi ngay cho ạ .
An nheo mắt cười cười :
- Làm quen một chút đã nào! Thế năm nay cháu bao nhiêu tuổi và tên là gì .
- Dạ cháu tên là Linh Huyền, cháu 33 tuổi, làm việc ở Văn phòng cơ quan
- Tên đẹp! Người đẹp, trời cho cô nhiều thứ quá đấy! Nhưng mà này! Cháu hơn vợ bác một tuổi đấy ...
Cứ nhấm nhẳn như thế, cô gái nọ như bị xa vào những câu đùa hóm rất ma mãnh của An nên khó trả lời. Nhớ tới công việc cô hối thúc :
-Dạ! Bác đi ngay dùm cháu kẻo lỡ việc cơ quan :
An lại tiếp tục cái trò đùa dai ;
- Quan cần nhưng dân đang mệt! Gọi một câu "bác" nữa là sinh đột quỵ ngay bây giờ cho mà xem .
Cái dân văn chương là chúa hay đùa hóm. Hóm nhưng mà thích. Cô gái cũng không vừa :
- Quả lời đồn thiên hạ chẳng sai! Nói chuyện với Văn nghệ sỹ như tìm đường lên trời! Thôi được ...Anh vậy ..Nào xin mời anh nhà văn Thành An lên xe .
- Xin lỗi! Ta cần hiệu đính lại chức danh! Tôi tên khai sinh là Phạm Thành An 42 tuổi là thợ điện công nghiệp chứ không phải là nhà văn. Tôi không muốn đánh bóng mình bằng cái chức danh mạo nhận. Tôi chỉ là một tác giả hết sức bình thường ...Khổ thế, đất nước mình sao mà lắm người tự nhận mình là nhà văn, là văn sỹ,  thực ra chúng ta nhiều nhà "Sỹ" hơn nhà "Văn" .
An chẳng còn đủ thời gian mà thay quần áo cho chỉnh tề. Chàng lôi nguyên cái tấm thân kềnh càng gần một tạ cùng bộ bảo hộ còn chua lòm mồ hôi, quấn quanh mình là dây bảo hiểm với kìm cộng lực leo lên xe, cái xe du lịch lún xuống, dùng rình như con đò dưới nước. Hai cái mẫu người ngồi cạnh nhau mới khập khiễng làm sao, nếu ai nhìn thoáng qua chắc chắn nghĩ rằng cái ông hộ pháp nhom nhem kia chắc được quý tiểu thư  sang trọng tóm về để sửa điện nhà mình, có ai nghĩ đấy là một tay nhà văn phong tình và đanh đá, chua ngoa vắt nóc với những thiên truyện cười ra nước mắt .
Thành phố sắp ấn hành một đầu sách nói về lịch sử  văn hoá. Đồng chí Bí thư đang loay hoay với lời giới thiệu tác phẩm nên nhờ An tư vấn,  đã mấy lần ông nhờ An làm việc này, lần nào cũng "ngon" cả, ông mê và ông tin vào cái bộ nhớ siêu đẳng của anh chàng viết văn ngổ ngáo nhưng cẩn trọng này. Quanh ông có đội ngũ giúp việc lúc nào cũng hãnh diện với bằng đỏ bằng xanh, đầu chải gôm và dầy da bóng nhưng khả năng viết một câu văn bắt mắt người đọc chưa bao giờ để ông hài lòng, Mấy "Tiến sỹ giấy"  vo ve lượn quanh ông chỉ giỏi ăn lẩu và nịnh đầm, tán gái và a dua, chính vì vậy mới có buổi đón đưa vừa công lại vừa tư...Bí thư Tỉnh Uỷ coi An như một bạn đồng niên, hiểu tính khí, sở thích của An nên những lần gặp gỡ đều tự nhiên và chóng vánh .
Thành An đã vào cái tuổi "tứ thập bất hoặc". Anh chàng nửa quê nửa tỉnh, nửa hiện đại, nửa cổ sơ rất khó nắm bắt này là cây bút tỉnh Nam.  Hai vợ chồng đều ở quê ra tỉnh, chị vợ mau mắn và thảo lảo có một quầy thuốc đông y gia truyền. Hai vợ chồng với hai đứa con ngoan ngoãn mạnh khoẻ sống đầm ấm, giản dị như bao hàng xóm lân bang. An yêu văn chương từ nhỏ, cái nghiệp ấy nó đến với anh lúc đậm, lúc nhạt, anh lăn lộn mưu sinh lăn lộn viết lách. Quả thật, vợ anh là người không am hiểu gì lắm về văn chương và thi ca nhưng vì yêu chồng nên cũng chiều theo ý thích, sở nguyện của chồng. Cũng chẳng có gì mà phải trách An, công việc văn chương là thú đam mê lành mạnh, khi các người đàn ông khác đi đánh cầu lông  chơi cờ hay đi nhậu nhẹt bia bọt thì ông chồng mình vùi đầu trên trang viết, viết được cái gì hay thì hớn hở, lúc tắc tỵ thì khổ sở vò đầu bứt tóc. Chẳng mấy khi thấy An dùng thời gian rỗi vào những thú vui vô bổ. Một anh chồng coi mưu sinh và gia sự là điều tối thượng thì còn ai trách cứ vào đâu được .
Thực tình ở cõi người trong nhân gian chẳng ai giống ai, khó có thể lấy giá trị này áp đặt thay giá trị kia, có khi cái tốt của anh lại là sự đố kỵ của người khác, An cũng bị những quy luật đời thường chi phối, khối người cho anh là lập dị là gàn rở, thời buổi này ai còn đọc văn  đọc thơ. Kẻ cao đã có iteenet người thường đã có ty vi, ở đó nhan nhản thú vui tha hồ xem, tha hồ cười rồi...tha hồ quên, có chăng sách bán chạy nhất thời nay là sách giải đáp và hướng đạo tình dục, hướng đạo chiêm tinh bói toán, nhà thơ ăn khách nhất là thơ bói đề, thơ quẻ thẻ bán 2 ngàn một lá ở cổng chùa ...Thôi đi các nhà thơ nhà văn đáng thương.Trên mặt đất đầy bia lon và rượu ngoại, đầy mông và vú được bảo hiểm trong đồ lót Thái, ê hề đặc sản và thuốc kích dục thì ai còn nhấm nhá cái "con cò bay lả bay la" của các người ...Viết văn làm gì nhọc sác .
  Mặt hồ còn nổi phong ba huống chi cuộc sống vợ chồng, cũng có lần vợ chồng An to tiếng cãi cọ nhau vì cái hoạ văn chương, lắm kẻ chạm nọc đến hẳn quầy thuốc của vợ An mà đe doạ
- Tôi nói vào mặt nhà chị! Vợ phải biết bảo chồng! Cái thằng chồng nhà chị là nó ác lắm, đểu lắm, sỏ lá ba que lắm, cái gì nó cũng chõ mõm vào, nó ví chồng tôi là là con chó ngồi trên bàn lộc, nó bảo em gái tôi kỳ này được thăng chức là nhờ cái "đít" chứ không phải nhờ cái "đầu", cứ tưởng nó hiền lành củ mỷ nhưng nó là đứa sở khanh. Bảo nó chừa đi không có ngày mang vạ ...
Mà sao đời cũng lắm kẻ khôn quá hoá rồ! Cứ nhất định, cứ cả quyết là mình thành con lợn, là con chó, cứ vơ cái tật xấu xa qua những trang văn của Thành An đã mô tả rồi hậm hực, rồi đe loi. Các cụ tiền nhân kể cũng thâm thuý thật , cái thành ngữ "có tật giật mình" có lẽ đúng ở mọi thời .
Một hôm vợ An đi ăn cưới về lăn ra giường giãy lên đành đạch bảo An :
- Em nghĩ mà xấu hổ, em ngồi mâm bên này, mấy con mẹ phấn son ngồi mâm bên nói với nhau đủ cho em nghe thấy  :
- Lặng mà ăn nhá! Mau đi rồi về! Có đứa nó đang soi vào đũng quần đấy! Nó soi rồi về nhà rỉ tai thằng chồng viết thành truyện đưa lên bêu rướu! Mẹ bố cái lũ ma gà, liệu hồn có ngày các bà mày xẻo lưỡi cho chó nó ăn ...Nó chửi cả em nữa đấy! Em có tội gì mà vạ lây với văn chương của anh, vứt cha nó bút đi cho rảnh nợ để em mua cho anh mấy cái lồng chim hay mấy chậu cảnh mà chơi ...
           An lồng lên như hổ bị thương :
- Kệ cha nhà chúng nó, cái lũ ấy như cái máy chế biến phân chứ có gì phải ngại! Em biết không! Một dân tộc  mà phỉ báng văn chương là một dân tộc sắp diệt vong. Một con người chỉ bái lạy đồng tiền là con người sắp thành thú vật. Một người cầm bút chỉ lả lướt trăng hoa, lời phời ca tụng là kẻ đạo chích. Anh không nằm trong số đó.Tác phẩm của anh viết bằng trách nhiệm công dân trước thực tế đời sống để tôn vinh cái thiện, lên án cái ác ...Thế thôi,  anh không thể nào quay quắt với chính mình .
Bực với đời mà nói vậy thôi chứ vợ An tin chồng lắm, cái căn cốt thiện lương lúc nào cũng thường trực ở người trai phong trần bụi bặm, không ồn ào khua triêng gióng trống, không đánh bóng mạ kền tên tuổi, không ảo vọng tự huyễn. An sống để viết và viết để sống như một thứ cây mọc ở đất cằn nhưng vẫn cho đời trái ngọt .
*
 Leo lên  xe máy một lúc, An quay về mang theo một chiếc bếp ga du lịch và một tá hộp ga đã nạp đầy.  Mấy thùng mỳ tôm, cháo gói. An ngồi thẫn thờ giữa nhà buồn rầu bảo Khuê :
- Lúc này tao mới thấy cần một bàn tay đàn bà. Tao với mày chỉ quen ngồi ăn sẵn chứ việc bếp núc biết quái gì, có mua về cũng trợn trạo sống xít sao thành được món ăn.Tao đặt một nồi lẩu tý nữa họ đem vào!Thế mày định sống kiểu này đến bao giờ, lôi thôi, nhem nhuốc, dị mọ quá, cái tiêu chí nhỏ nhất của thằng người là mái ấm gia đình và miếng cơm ấm nước không ra sao thì viết lách cái quái gì ...
 Khuê lặc lọi cái chân ống đót đứng lên, hất mái tóc tổ quạ nghệ sỹ, ra sức hùng biện :
-  Mày mất cái chất Văn nghệ sỹ rồi! Hỏng to rồi! Nghệ sỹ là gác lại áo cơm và chi chi cái tủn mủm để sáng tạo. Nghệ sỹ phải tan vào văn chương để thăng hoa súc cảm. Phải quên những thứ phàm tục để mang cái ánh sáng trí tuệ mở mắt cho bao kẻ u mê, phải như người nhập đồng, như kể thoát sác mỗi khi cầm bút, nói chung phải như ma ám ấy ...
Thành An xua tay, cái bất đồng phì ra như nồi hơi quá áp xuất :
- Con trăm lạy, ngàn lạy bố trẻ! Nói như bố có nghĩa nhà văn là một thứ  gì đấy huyền bí, siêu phàm mà thượng đế đã đặc ân ban cho trái đất ?
-  Đúng một trăm linh chín phần trăm! không phải nghi ngờ  .
 An bực dọc :
 - Đúng! Đúng cái con khỉ! Tao nghĩ hoàn toàn khác mày. Nhà văn trước hết phải là người bình thường nhất trong những người bình thường, có tâm hồn nhạy cảm , có tần số rung động mẫn cảm và một số yếu tố nữa. Những thằng khuỳnh thường viết rất rở, mày xem trong làng viết chúng ta cứ anh nào mặc áo nhiều túi, giắt lắm bút đỏ bút xanh, bắt trước mốt ăn mặc của các danh kiệt thế giới có tác phẩm nào ra hồn, thơ thì rặt một giọng tán gái, văn thì viết rối rắm nhì nhằng như sơ mướp không hiểu để cho ai đọc, chỉ được cái vỏ còn ruột sượng ngấm sượng ngầm .
- Mày vơ cả tao vào đấy à thằng bạn sỏ lá kia! Mày có im đi không tao tống vào miệng bây giờ  .
An cười khành khạch ma quái :
 - Lại chạm nọc rồi chứ gì! Lặng tao kể cho mà nghe cái sự đời : gần nhà tao có một thằng học đại học chuyên tu theo kiểu "nước đổ lá khoai, mỗi bận mươi hôm buổi đi buổi bỏ" thế mà lại là người gác cổng cho văn hoá một vùng. Một thằng mù tịt, điếc đặc văn chương đi chỉ bảo, thống trị thằng làm văn chương. Cái gì nó cũng phê, cũng gạch, cũng xoá. Cứ như không làm được cái việc gạch xoá ấy đời nó nản lắm. Một hôm ra vẻ ta đây có trình độ chuyên môn về văn học, nó viết một chuyên luận về văn hoá để khoa trương, nó nhờ tao xem rồi góp ý. Xem song tao bảo "nếu bài này phát tán có lẽ trước hết phải giải tán Hội Văn học thành phố và chí ít cánh văn chương sẽ khối kẻ đi tù"...Nó căm tao ra mặt. Nó bảo văn nó viết ra đấy mới là tác phẩm văn chương đích thực, bên dưới nó thích lắm.Tao sỏ ngọt :Nếu đã thích thì cả bên trên và bên dưới cùng thích mới đã! Thì ra nó viết văn như thằng thủ dâm. Khổ thế đấy, nhà văn bây giờ là hay thủ dâm với văn chương, đọc một viết mười lúc nào cũng cho mình là chúa thiên hạ, cái kiểu thủ dâm ấy không bao giờ có sự hoài thai tác phẩm .
Khuê nhăn mặt rồi khịt khịt mũi :
-Tao công nhận là mày có lắm tác phẩm ăn khách, mày có nhiều đóng góp cho văn chương, năm nào mày cũng có đầu sách khá vạm vỡ nhưng đấy chưa thể khẳng định ý kiến của mày là duy nhất đúng, tao không thích cái giọng văn quàng quạc như mấy con mẹ nhà quê mất trộm gà, văn mày đọc nó không thanh tao, nó tục tằn, cái lối tả đàn bà con gái của mày nó dung tục, đĩ thoã, lúc nào cũng ngửi thấy tinh khí phì phào ...tao hỏi thật, mày bận kiếm ăn như thế thì mày viết văn lúc nào .
Nồi lẩu đã sôi đều, họ vừa ăn uống vừa tranh biện nhau, có vài chén rượu lại làm họ thêm hăng hái :
- Tao nhớ một lần ...An thủng thỉnh ...Tao cũng hỏi ông thày văn tao câu ấy ông bảo "viết văn còn hơn mê gái"...ông ta vừa phá bom nổ chậm, vừa lái xe vẫn sáng tác, cứ rảnh tay là lao vào viết sầm xập.Tác phẩm của ông đọc thú lắm, nó là cảm súc, là tiếng nói vọng ra từ bom đạn, đọc lên nghe tươi rói hiện thực đời sống.Tao ăn lộc ông ấy về khoản viết, càng lăn lộn với cuộc sống viết càng thoát, nó không tắc tỵ như thằng ngồi một chỗ. Mày còn nhớ triết lý của ông Nam Cao không, nếu quên vạch cái tai cối lon ra mà nghe này: Trước khi đặt cái hôn lên miệng hoa của người yêu thì trước hết phải nghĩ đến đổ cơm vào đấy, điều này không được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những gì qúa thơ... Tao viết bất kể lúc nào tao thích, trên bàn viết lúc nào cũng có 2 cái điện thoại để sẵn sàng đòi nợ người và để người đòi nợ. Vừa làm vừa viết, vừa viết vừa làm, áo cơm gia sự đi trước dẫn văn theo sau. Viết văn để đói nghèo ly tán thì viết làm quái gì. Mày xem, văn sĩ  thời nào cũng là kẻ nghèo khó, kể cả các vị tiếng nổi như cồn thì văn chương cũng chẳng đủ nuôi thân, ông nào cũng kiếm việc làm thêm, kể cả những nghề cực nhọc, lao động văn chương là thứ lao động khổ hạnh nhưng giá trị lại luôn bị nâng lên đặt xuống. Người làm văn chương lại gan yếu ruột mềm, chân cò tay nhện lại đa mang lắm thứ nợ nần với nhân gian.Cái gì cũng thích tý tủm. Lại hay làm phật ý ông này bà nọ. Là bông hoa tô điểm cho cuộc đời nhưng cũng bị gió mưa dập vùi không thương tiếc mỗi khi trời đất ấm lạnh thất thường...Gò lưng, toét mắt mấy năm viết sách, lụi cụi chạy giấy phép, vay chạy tiền nong để in ấn rồi nhận nhuận bút bằng sách đem về toàn cho với tặng, đến chỗ nào xin sỏ phát hành thì người ta coi ngang kẻ đi hành khất. Khổ thân nhất là những anh chẳng hiểu mình là ai, cứ tưởng văn chương làm được điều gì to tát để thay đổi xã hội trong khi hiện trạng đời sống đương đại họ coi văn chương là loại kháng sinh rất nhẹ, chẳng có giá trị chữa bệnh, đấy là chưa kể một số ông văn nghệ sỹ lại bị lôi kéo, bị cường quyền và vật chất sỏ mũi biến thành kẻ a dua, a tòng...Thế mà chúng ta chẳng thằng nào bỏ nghề mới lạ! Đấy là cái nghiệp trời đầy...Cuộc sống đã dạy khôn tao nhiều, nó nhắc tao trang văn không được che lấp cái hiện thực gia đình anh đang có, đánh mất gia đình đồng nghĩa với đánh mất văn chương...Còn mày chê văn của tao cũng được nhưng tao nghĩ nghề văn cũng như nghề ca hát, mỗi người cần có một giọng riêng để dẫu bịt tai nhắm mắt độc giả vẫn nhận ra mình...Đấy là ý thích của riêng tao .
Khuê tư lự  :
- Tao vẫn coi văn chương và thi ca là siêu phàm và bí hiểm, ta phải khác đời một chút mới gánh được cái sứ mạng cao siêu đó .
- Đấy cũng là một quan niệm, nhưng theo tao văn chương, thi ca nó không phải là cái gì bí hiểm lắm đâu, đừng thần thánh hoá nó. Gái già quá quá lứa cứ hay õng ẹo làm dáng cho đắt chồng. Trừ các bậc vĩ nhân xả thân cho văn chương để nhân loại đúc tượng tôn vinh, cái thứ tao với mày mọt đời cũng chỉ là tác giả chứ không thành nhà văn và nhà thơ đâu, phải nghiêm túc nhìn vào cái sự thực đó, đừng huyễn hoặc. Văn chương cánh cửa không rộng mở để ai cũng có thể lọt vào, con đường văn chương không dễ cho ai cũng có thể tung tăng bước, văn thơ không phải nồi thắng cố ở phiên chợ tình, ai xà vào xì sụp cũng được. Cứ viết đi kết cục ra sao đã có công chúng độc giả phán quyết. Nhiều kẻ lúc nào cũng kêu là đang thai ngén mài chỉ mãi mãi "ngén" chứ không có "thai". Buồn lắm mày ạ, hôm nọ tao đọc chuyện ngắn cuối cùng trước khi Nguyễn Khải mất, ông than rằng cứ tưởng về già nhàn rỗi tha hồ viết, tha hồ sáng tạo văn chương nhưng có ngờ đâu chữ nghĩa nó chê, nó trốn sạch, nó bỏ mình, nó chết trước khi mình còn đang sống. Tầm như  Nguyễn Khải mà còn thế huống hồ bèo bọt như mình ...Lúc này không viết cho ra hồn về già ta còn tồi hơn như thế rất nhiều
Lâu lắm hai bạn văn mới có dịp ngồi bên nhau để nói chuyện văn, chuyện đời. Ngoài vườn nắng đang đứng bóng, họ ôm nhau trong cơn say và thấy thương yêu nhau quá đỗi. Trong cơn say họ thấy có lúc là kẻ hạnh phúc nhất ở cõi đời, có lúc lại thấy là kẻ gàn rở đã tự dấn thân vào cái chốn trời đầy. Cái chiếu văn đã chọn họ hay chính họ đã chọn cái chiếu văn ...

Nhà Sáng tác Tam Đảo tháng 8 năm 2008  
                                                                           




 Đăng ngày 29/01/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan