Thursday, October 8, 2015

Người không quen ở nhà mình


Tác giả: Trần Đăng Khoa

Có ai lại không quen ở nhà mình không nhỉ ? Có đấy.
Đó chính là ông bạn vong niên của tôi. Ông làm giám đốc sở văn hoá, một cán bộ cựu trào của tỉnh lỵ này. Các cán bộ, nhân viên ở đây, kể cả những người bây giờ là cấp trên của ông cũng đều là lớp đàn em ông, do ông dìu dắt, đào tạo. Cũng vì thế nên mãi đến tuổi 65, ông mới nhận giấy báo nghỉ. Rồi nhùng nhằng thêm đến mấy năm nữa, ông mới chính thức cầm sổ hưu.

Hôm chia tay, cơ quan cũng đã làm một bữa tiệc đưa tiễn với bao lời ca tụng tốt đẹp. Nhưng rồi sáng hôm sau, người ta vẫn thấy cựu giám đốc cắp cặp đến cơ quan như thường lệ. Gặp ai ông cũng bắt tay:
- Trời, mình nhớ các cậu quá. Nhớ quá!
Có người không nén nổi nỗi bùi ngùi. Không ngờ thủ trưởng tình cảm quá. Vậy mà trước đây sao mình không nhận ra. Có lúc mình còn nghĩ oan cho thủ trưởng. Thực tình, thủ trưởng đâu có quan liêu, đâu có vô trách nhiệm với cấp dưới.
Thế rồi, ngày nào, thủ trưởng cũng "nhớ anh em". Sáng sáng, cứ tám giờ kém mười là ông đã có mặt ở công sở. Trước đây, khi còn đương chức, ông thường xuyên đến muộn. Bây giờ, ông lại đến rất đúng giờ. Anh giám đốc mới chẳng nỡ cắt điện thoại, vẫn để nguyên cái ghế cũ, căn phòng cũ cho ông. Đến cơ quan, ông khua điện đi các nơi, nói đủ mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Mà chẳng chuyện nào ăn nhập với chuyện nào. Thỉnh thoảng, ông lại mời khách ở các tỉnh khác đến. ấy là những người mà trước đây, ông từng giữ mối quan hệ thân thiết. Cứ vài ba ngày, anh giám đốc mới lại cùng ông đưa khách ra nhà hàng sang trọng. Còn khách sơ sơ thì cũng thuốc lá, bánh kẹo, cà-phê. Có khi cả ngày, cơ quan chỉ trằn mình ra tiếp khách cho cựu giám đốc. Khi không còn khách khứa nữa thì ông ngồi bù khú với anh em, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của từng người. Ông phát hiện ra trong cơ quan có bao điều bất hợp lý. Mà bất hợp lý từ rất lâu rồi. Cô văn thư, bảo mật gia đình khó khăn quá. Anh bảo vệ gắn bó với cơ quan bao nhiêu năm vẫn chưa được phân nhà. Cậu cán bộ bảo tàng lương thấp quá. Mà sao mãi chưa tăng lương. Như thế thì làm sao nó có thể sống nổi, có thể yên tâm giữ gìn di sản văn hoá nước nhà.
Thế là rối mù lên. Anh giám đốc mới không thể một lúc giải quyết được tất cả mọi điều ông đề nghị. Bởi đó toàn là những việc lớn, những việc cấp bách. Còn cán bộ cấp dưới thì xôn xao bàn tán. Có người cảm động đến ứa nước mắt. Có người nghi ngờ:
- Ôi dào, sao hồi còn quyền chức, ông ấy chẳng làm? Bây giờ về vườn rồi, ông ấy mới sốt sắng quan tâm đến anh em?
- Thì hồi đó, thủ trưởng bận trăm công ngàn việc...
- Tôi cũng nghĩ là thủ trưởng bận. Chứ người như vậy là tốt lắm đấy. Nếu thủ trưởng không bận thì mình đã chẳng đến nỗi khốn khổ thế này...
Bao điều bất ổn mà nhắc mãi giám đốc mới vẫn chưa giải quyết, cựu giám đốc lại trút nỗi bực dọc sang tôi:
- Cán bộ bây giờ gay quá, cậu ạ! Tri thức thì có. Nhưng quan điểm lập trường là chưa thể tin cậy được. Nhất là tính quần chúng, sự đi sâu đi sát quần chúng của cán bộ là có vấn đề. Mình thấy gay lắm...
Tôi cười:
- Vâng, cán bộ thì thời nào mà chả có vấn đề. Cứ làm việc đến hết mình thì rồi sẽ lại có khiếm khuyết. Nhưng dù có khiếm khuyết gì thì cũng là chuyện của họ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Còn bác nghỉ rồi. Bác không nên can thiệp quá sâu. Việc gì bác cũng can thiệp, làm cho tất cả cứ rối lên. Anh em đương nhiệm lại khó làm việc...
- Tại sao lại khó làm việc? - Cựu giám đốc quắc mắt lên. - Tôi giúp họ phát hiện những điều bất ổn. Cả đời tôi gắn với cơ quan. Bây giờ còn chút sức lực nào, tôi cống hiến nốt cho trọn vẹn. Tôi vào Đảng là thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cơ mà. Còn lâu mới đến giọt máu cuối cùng của tôi nhá! Tại sao chú lại cứ nhìn tôi như một anh gây rối.
- Bác không phải người gây rối. Nhưng nhiều điều rắc rối lại bắt đầu từ bác. Bởi bác nghỉ rồi mà...
- Tất nhiên là tôi nghỉ rồi, nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm. - Cựu giám đốc bùi ngùi: - Mà nói thật với chú, tôi vẫn không quen ở nhà mình. Cả một đời gắn với cơ quan. Cơ quan đã thành nhà tôi. Còn căn nhà thực của tôi chỉ là cái quán trọ. Tôi không sao quen được, chú ạ! Tôi lại phải đến cơ quan. Mà ở cơ quan thì lại thấy toàn những điều ngang tai trái mắt. Thế là mình lại phải nhắc. Mà nhắc mãi vẫn không chuyển. Nhiều lúc mình phát nản, lại nghĩ rất tiêu cực: Thôi thì thây kệ đời!..
Nói vậy, nhưng rồi ngày hôm sau, vào lúc tám giờ kém mười, người ta vẫn thấy ông cựu giám đốc xách chiếc cặp đen đến cơ quan. Ông đặt chiếc cặp lên bàn, rồi lại ngồi vào chiếc ghế giám đốc cũ...


Đăng ngày 08/12/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Ngân Huyền - 08/12/2008

Đúng là 1 mẫu ngườì của thời đại. Bài viết thâm thúy sâu sắc quá.
  Gửi bởi: Lê Mậu Cường - 08/12/2008

Đây là một chíp người phổ biến trong công chức nhà nước. Khi làm việc thì rất quan liêu. Đến lúc nghỉ rồi thì lại gây rối. Thực chất là một kiểu gây rối. Tôi thấy không ít những ông cán bộ đã nghỉ hưu rồi mà rồi cứ đi thăm hết nơi này nơi khác rồi chỉ đạo cơ sở. Rất khổ. Vì không biết phải làm theo ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng nào. Thủ trưởng đương chức hay thủ trưởng "cố vấn". Cha Khoa này xem ra khôn ranh mà thâm thật

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan