Saturday, October 17, 2015

Nhà thơ Việt Phương và những cảm nhận về anh Sáu Dân

Tác giả: Nhà thơ Việt Phương

(Tuần Việt Nam) -  "Anh Sáu Dân biết tắm mình trong dân, đó là tắm mình trong suối nguồn trong sạch, tươi trẻ và sáng suốt. Sống trong dân là sống trong thực tế cuộc sống. Thường xuyên như vậy. Lúc gặp khó khăn, nguy hiểm càng như vậy" - Đó là một trong mấy điều cảm nhận của Nhà thơ Việt Phương về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhiều người đã nói, đã viết về anh Sáu Dân, mỗi người có cảm nhận riêng, và cảm nhận của mọi người hoặc hầu hết mọi người đã gặp gỡ nhau, thống nhất với nhau.
Tôi xin viết ra đây mấy điều cảm nhận của riêng mình về anh Sáu Dân.

Dân và thực tế cuộc sống
(Ảnh do gia đình Cố TT Võ Văn Kiệt cung cấp)

Nhiều người sống gần dân, thân dân, yên dân, trọng dân, hầu dân.


Anh Sáu Dân cũng như vậy. Nét riêng của anh Sáu Dân là: sống cùng dân, với từng người, với mọi tầng lớp, với cả dân tộc, trong đó anh Sáu Dân đặc biệt chú trọng 5 lớp người như sau:
- Những người nghèo khổ, thiệt thòi, đau thương nhất.
- Những người đứng đầu sóng, ngọn gió, trong chiến tranh là người lính và người chỉ huy ngoài mặt trận, trong hoà bình là người lao động và doanh nhân ở những trọng điểm.
- Những người giàu sáng kiến và thành tựu, làm giàu, làm mạnh, làm đẹp cho đất nước.
- Những người trí thức giàu tâm huyết và tài năng, truyền bá kiến thức, kỹ năng và làm ra kiến thức, kỹ năng.
- Những người tưởng chừng khó đi cùng dân tộc, nhưng thực tế lại rất gắn bó, trung thành và hết lòng dâng hiến.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công trình thủy điện A Vương và thăm địa điểm xây dựng nhà máy thủy điện Yaly
(Ảnh: Gia đình cung cấp)
Anh Sáu Dân biết tắm mình trong dân, đó là tắm mình trong suối nguồn trong sạch, tươi trẻ và sáng suốt. Sống trong dân là sống trong thực tế cuộc sống. Thường xuyên như vậy. Lúc gặp khó khăn, nguy hiểm càng như vậy.

Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, mỗi lần gặp thách thức, phải tìm giải pháp cho vấn đề nan giải, là anh Sáu Dân đến ngay nơi thách thức ấy, vấn đề ấy đang diễn ra nghiêm trọng nhất, cấp bách nhất. Đến đấy, gặp gỡ dân, giáp mặt với thực tế cuộc sống.
Năng khiếu của anh Sáu Dân là: biết lắng nghe dânhọc dânphát hiện và tiếp thu sáng kiến của dân, từ nhìn nhận vấn đề, chủ trương xử lý, biện pháp thiết thực, cách làm cụ thể. Anh Sáu Dân không dừng ở chủ trương chung, đại thể, mà là con người của biện pháp và cách làm. Chính đó là một cội nguồn của tư duy: Vươn lên, xốc tới, tạo bứt phá.
Nhờ vậy mà trong đánh giặc cũng như trong đổi mới và phát triển đất nước, dần dần anh Sáu Dân tích luỹ được kiến thức và kinh nghiệm, trau dồi được trí tuệ và rèn luyện được bản lĩnh của một người lãnh đạo.
Khi đã là một thành viên của cơ quan lãnh đạo cả nước, khi đã nhận trách nhiệm đứng đầu Chính phủ, phải có tầm nhìn và bản lĩnh quốc tế, anh Sáu Dân tiếp tục tự rèn luyện qua từng trải bao sự kiện, xử lý bao tình huống, đương đầu bao thử thách, khắc phục bao trở ngại, vượt qua bao khúc quanh, tiến hành bao công việc.
Anh Sáu Dân có suy ngẫm qua đọc tài liệu, sách báo, tin tức, song chủ yếu vẫn là lắng nghe dân, lắng nghe con người. Điều mới là ở cương vị đứng đầu Chính phủ, anh Sáu Dân có nhiều dịp gặp gỡ những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực là người Việt Nam và người nước ngoài, gặp gỡ những người đứng đầu Chính phủ nhiều nước, từ những hội nghị quốc tế lớn đến những cuộc tiếp xúc cá nhân với từng người.
Anh Sáu Dân đã biết lắng nghe, học hỏi, thu hoạch, cả về những điều hay đáng học và về những điều dở, đáng trách.

Lý luận và khoa học, công nghệ
Anh Sáu Dân không ham thích lý luận, không có năng khiếu lý luận, càng không sính lý luận, nhưng không coi thường lý luận. Vấn đề lý luận là gì? Lý luận uyên bác hàn lâm thì xa lạ, khó vào anh Sáu Dân, đặc biệt đối với cái gọi là "lý luận" mà kinh viện, giáo điều thì anh Sáu Dân rất dị ứng. Lý luận mà anh Sáu Dân quan tâm và chịu lắng nghe là lý luận định hướng thiết thực về đời sống của dân, về công việc của Nhà nước.
Có thể nói rằng anh Sáu Dân có một cách tiếp cận Dân và Thực tế cuộc sống đối với lý luận.
Về khoa học và công nghệ, anh Sáu Dân, qua trải nghiệm trong công việc mà hiểu rằng, cách mạng khoa học công nghệ của loài người đang tiến triển nhanh chóng và sâu rộng, trong khi ở nước ta, khoa học và công nghệ đã yếu kém lại chưa được sử dụng bao nhiêu.
Anh Sáu Dân ngày càng coi trọng và lắng nghe các chuyên gia, ngày càng biết chọn và biết dùng khoa học và công nghệ.

Hai nét phong cách của người lãnh đạo 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt điều hành một phiên họp thường kỳ của Chính phủ
(Ảnh: Gia đình cung cấp)

■ Anh Sáu Dân là người biết hàng ngày dành cho mình đủ thời gian riêng để suy ngẫm mọi điều, cân nhắc phương án hành động, hình thành chủ kiến, lựa chọn cách làm, chuẩn bị chiến đấu. Đó là thời gian không đồng sự, không chuyên gia, không tham mưu, không thư ký, không bạn bè, không công việc, không hội nghị, không công văn, không điện thoại, không thư từ, không nghe phát thanh, không xem truyền hình. Chỉ có mình với mình thôi. Người nào không có hoặc thiếu thời gian riêng của bản thân, thì khó có chủ kiến có giá trị.


Là người làm việc hết mình, anh Sáu Dân cũng là người biết nghỉ ngơi thoả thích, biết tận hưởng những sự giải trí lành mạnh và bổ ích, biết say mê những môn thể dục, thể thao hợp lứa tuổi.

■ Anh Sáu Dân là người luôn tìm cái mới, làm cái mới, mạnh dạn mới, đồng thời là người rất kỷ luật.
Trong Đảng và trong Nhà nước, khi ý kiến của mình không được chấp nhận hoặc thuộc thiểu số, thì anh Sáu Dân phục tùng đa số một cách nghiêm chỉnh. Và tìm cách, tìm dịp để theo đúng kỷ luật của tổ chức, cùng nhau bàn luận nữa, thuyết phục nhau nữa.
Người lãnh đạo đầy cá tính mạnh mẽ và quyết đoán ấy rất biết nhẫn nhịn.

Hai nét tính cách của con người
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho các cháu uống vacxin phòng bệnh ở Đà Nẵng
(Ảnh gia đình cung cấp)


■ Anh Sáu Dân là một người lịch thiệp và lịch lãm, cởi mở và chân thành, hoà đồng thân mật, phong nhã hào hoa từ dáng vẻ, cử chỉ, lời nói đến cách giao tiếp. Đó là chất hào hoa rất văn hoá của con người tự làm ra mình trong cuộc sống, trở thành người trí thức xứng với danh hiệu ấy, hào hoa phong nhã một cách tự nhiệm, không cố ý tỏ vẻ. 
■ Anh Sáu Dân giàu kinh nghiệm sống, giàu kinh nghiệm người. Và anh Sáu Dân là một người cả tin, dễ trao sự tin cậy của mình.
Người từng trải ấy vẫn có sự ngây thơ. Đó là một nét dễ thương của con người và một nhược điểm của người lãnh đạo. 
* * 
Trong nhân cách của nhiều người, nhân vật xã hội, nhà chính khách và con người trong đời sống hàng ngày tách biệt nhau, không nhất định trái ngược nhưng không giống nhau, con người của chức, quyền thì trang trọng, thậm chí có khi đường bệ, con người đời thường tự nhiên và thật hơn. Ở anh Sáu Dân không như vậy, nhân cách luôn luôn nhất quán, nhà chính khách vẫn giản dị đời thường và con người đời thường vẫn toát lên bản lĩnh của nhà chính khách.Tuy nhiên, có một tình tiết cần nêu rõ: Khi anh Sáu Dân nói vo, thì hay hơn nhiều so với khi anh đọc một bài viết sẵn, dẫu anh đã có giọng đọc khá truyền cảm. Anh em thân thiết thường nói với anh rằng:
Anh đọc thì là Võ Văn Kiệt, mà anh nói thì là Sáu Dân. Tất cả những trường hợp không cần sự trang trọng của nghi lễ, anh cứ chuẩn bị kỹ trước, nhưng anh nói chứ đừng đọc.Tôi nhớ lại một vài khoảnh khắc Sáu Dân mà tôi có may mắn được tham dự hay chứng kiến.
Lần ấy, anh Sáu Dân vừa nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước chưa được bao lâu, một buổi sáng trong căn nhà bên bờ Hồ Tây, anh nghe Viện quản lý kinh tế Trung ương trình bày quan điểm làm kế hoạch không phải là công việc trên kiến trúc thượng tầng của cơ quan nhà nước qua các hội nghị của quan chức và công chức, tại các bàn giấy với giấy bút và thước tính (khi đó ở nước ta chưa sử dụng rộng rãi máy tính điện tử) để lập cân đối, định chỉ tiêu, vạch biện pháp, chia nguồn lực, mà là công việc ở cơ sở hạ tầng, cùng với các hộ gia đình, các tổ sản xuất, các loại doanh nghiệp.
Anh Sáu Dân không quan tâm đến mức bỏ qua những khái niệm lý luận "kiến trúc thượng tầng", "cơ sở hạ tầng", mà chỉ nói : "Làm kế hoạch đúng là việc làm của dân và cùng với dân trong thực tế đời sống".
Rồi anh hồ hởi kể anh được mắt thấy tai nghe những điều đáng mừng vui khi hàng mấy tháng qua anh dành hầu hết thời gian đến tận nơi tìm hiểu từng địa phương và nhiều đơn vị cơ sở ở miền Bắc và miền Trung, là những nơi anh chưa quen thuộc như Nam Bộ.
Tôi được chứng kiến nhiều lần anh Sáu Dân đến báo cáo với Tổng bí thư Lê Duẩn, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những bậc đàn anh về cả tuổi đời, tuổi cách mạng, kiến thức và kinh nghiệm, mà anh kính phục và quý trọng.
Những cuộc gặp như thế, từ thái độ, cử chỉ, giọng nói đến nội dung trình bày của người báo cáo và các ý kiến trao đổi giúp soi tỏ nhân cách của từng người. Anh Sáu Dân không bao giờ có sự lựa chiều đón ý, lấy lòng cấp trên, mà luôn luôn chân thành, thẳng thắn, có chủ kiến của mình và tôn trọng quyết định của cấp trên.
Anh Lê Duẩn đặc biệt ghi nhận cống hiến của anh Sáu Dân trong kháng chiến chống Mỹ ở khu 9 và ở Sài Gòn. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh Lê Duẩn thường nói với mấy người giúp việc thân thiết của mình, trong đó có người đang viết những dòng này: "Sáu Dân dám nghĩ, dám làm, có sáng kiến và nói thật, đáng tin cậy".
Anh Phạm Văn Đồng vốn kiệm lời, chỉ đến những năm cuối thế kỷ 20 mới nói nhiều hơn những điều tâm tình và suy ngẫm, đã hai lần nói với người đang viết những dòng này, khi đó là người giúp việc thân thiết của mình đã mấy chục năm: "Trong các Thủ tướng của nước ta, Bác Hồ đã kiêm chức Thủ tướng 10 năm đầu của chế độ mới, không ai so sánh cùng Bác được. Còn lại 5 người Thủ tướng cho đến nay, là tôi, anh Phạm Hùng, anh Đỗ Mười, anh Võ Văn Kiệt và anh Phan Văn Khải, thì anh Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều nhất cho dân tộc, cho đất nước". Đó là lời của người đã làm Thủ tướng nước ta trong 32 năm, từ năm 1955 đến năm 1987.
Nhiều lần anh Sáu Dân nhắc lại đầy hứng khởi câu chuyện các vị nhân sỹ, trí thức từ Sài Gòn ra chiến khu thời chống Mỹ, lần đầu tiên được mục kích cuộc họp ở R của các cán bộ kháng chiến, rất lạ lùng và thích thú khi thấy cuộc tranh luận sôi nổi đến ồn ào, gay gắt, có lúc như cãi lộn, vậy mà vừa tan họp mọi người lại quây quần quanh mấy chén trà, thân thiết chan hoà, vui nhộn và đầm ấm. Anh Sáu Dân thường nói thêm một câu: Đó là phẩm chất thương yêu nhau của những người cùng chí hướng vì dân, vì nước.
 
Nụ cười Võ Văn Kiệt (Ảnh: Tư liệu)

Hàng chục năm cuối đời, anh Sáu Dân có những câu hỏi dằn vặt tự anh không giải đáp được, và anh luôn luôn hỏi những người mà anh nghĩ có thể trả lời, nhưng anh chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng: Đại hội IV của Đảng năm 1976 quyết định đổi tên Đảng và đổi tên nước, là do những nguyên nhân nào, lẽ phải ra sao, và hiện nay cần nhìn nhận lẽ phải ấy thế nào?

Bi kịch của những trí thức yêu nước như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, triết gia Trần Đức Thảo, nhà toán học Lê Văn Thiêm, và nhiều người khác nữa, vì sao lại xảy ra và kéo dài đến thế? Nghĩ trước đây để làm bây giờ, cần bảo vệ và tạo điều kiện phát huy tâm huyết và tài năng của trí thức yêu nước thế nào, không để còn những bi kịch như vậy?


Nhiều lần anh Sáu Dân say sưa nói về những điểm sáng, những việc làm hay và đẹp của dân ta trên mọi miền đất nước: Cô chủ trang trại tuổi ba mươi tạo ba nghìn công ăn việc làm cho bà con lập nghiệp trên vùng quê từng xơ xác tiêu điều; chàng doanh nhân tuổi ba mươi từ tay trắng dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam nổi danh châu Á và thế giới; người cán bộ chống bọn phá rừng đụng độ với trùng trùng ngành, cấp, bị khai trừ khỏi Đảng, cuối cùng chiến thắng sau nhiều năm cay đắng đọa đầy; cô gái khuyết tật khổ luyện bon trên xe lăn đem huy chương vàng điền kinh quốc tế về cho mình, cho gia đình và cho đất nước; người thương binh sau hoà bình lặn lội góc suối ven rừng tìm đưa xương cốt đồng đội về cho mẹ yếu cha già; bà ve chai tần tảo sớm khuya gom góp nước mắt mồ hôi cưu mang nuôi dạy hàng chục cháu mồ côi cơ nhỡ...
Kia, rất gần chúng ta, anh Sáu Dân với nụ cười rạng rỡ sẵn sàng đón nhận, với bàn tay cởi mở hoà đồng, với bao khát vọng vừa sâu lắng vừa sôi nổi, với dáng người hào hoa nghệ sỹ, đang đi đến và sắp nắm lấy bàn tay chúng ta.
Nguồn Vietnamnet

 Đăng ngày 29/05/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Chanh - 29/05/2009

Càng ngày càng ít đi những người như anh Sáu. Giờ chỉ thấy toàn anh Hai ai tâu gì cũng gật miễn sao có phần trăm. Nay không ít vị quan thực khẩu hiệu: Hứa, hứa nữa và...hứa mãi!
  Gửi bởi: Phạm Viết Đào - 01/06/2009

Mời nhà văn Xuân Đức ghé thăm blog của Phạm Viết Đào; địa chỉ: Vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv
  Gửi bởi: Xuân Đức - 01/06/2009

Thân nhắn Pham viết Đào. Mình vừa vào quán Đào xong. Bài vở cũng quyết liệt đấy. Nhưng không biết comment vào chỗ nao? Chúc trang blog sum suê.
  Gửi bởi: Hồng Mận - 01/06/2009

Bây giờ Mận mới hỏi Đào
Vườn hồng đã có lối vào hay chưa?
Thấy Đào lặng ngắm bóng trưa
Mấy phen định nhảy rào thưa lẻn vào
Sợ tơ hồng chẳng kịp trao
Gặp ông Bộ trưởng thăm Đào thì nguy
Rừng xanh, suối biếc thầm thì
Đào ơi chớ để Mận đi đường vòng...
(Lão Trang biết tỏng tòng tong)
He,he...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan