Thursday, October 8, 2015

NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH- ( 3 cảnh cuối: 7 - 8 & 9 )

Tác giả: Xuân Đức

Cảnh 7

                     Trên phông chuyển hình ảnh qua cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975..Những trận đánh lớn, những đoàn xe tăng hùng dũng tiến vào mặt trận..

                     Cảnh sân khấu: Thành phố Đà Nẵng. Tiếng reo hò vang dậy: Giải phóng Đà Nẵng rồi! Thành phố Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng!..


                    Nhiều người dân cầm cờ Mặt trận chạy đi đón bộ đội. Cảnh tượng diễn ra náo nhiệt, cảm động.

                    Họa sĩ Lê Duy, vai đeo máy ảnh, tay khệ nệ ôm giá vẽ, tìm những góc nhìn đẹp. Anh chụp ảnh, sau đó lại phóng bút kí họa..

                     Trung tướng Lê Trọng Tấn, đầu đội mũ tai bèo đi tới.

LÊ TRỌNG TẤN: Này…đồng chí là phóng viên à? Người của cơ quan nào đấy?

LÊ DUY:     ( Cứ chăm chú vẽ) Không phải phóng viên. Tôi là lính mặt trận. Còn đằng ấy..quân của đơn vị nào đấy? ( nhìn lên) Ồ..ông cũng đã lớn tuổi..chắc là thủ trưởng đúng không?

LÊ TRỌNG TẤN: Đúng. Mình là thủ trưởng. Còn cậu, lính mặt trận…sao lại chụp ảnh, vẽ vời như là phóng viên hay họa sĩ thế?

LÊ DUY:    Thì tôi là họa sĩ mà lại. Còn bác, bác làm thủ trưởng đơn vị nào? Chắc cũng phải đến Trung đoàn hay Sư đoàn?

LÊ TRỌNG TẤN: Ông trông tôi có dáng cỡ ấy hả?

LÊ DUY:    Đúng. Bác rất có dáng chỉ huy. Khuôn mặt, ánh mắt…Rất có tính cách. Được rồi, để tôi kí họa xong bức tranh này, nếu còn thời gian tôi sẽ kí họa ngay chân dung cho bác.

LÊ TRỌNG TẤN: Cậu vẽ gì đấy..( Nhìn vào tranh Ô, đẹp..rất có không khí. Nếu không phải là chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu giữa Đà Nẵng trong những ngày này thì không thể có được những nét vẽ sống động như thế.

LÊ DUY:     ( Ngạc nhiên nhìn Lê Trọng Tấn) Ông này cũng biết xem tranh đấy nhỉ..Này…nếu tôi đoán không nhầm, hẳn hồi trẻ bác cũng đam mê hội họa như tôi, đúng không?

LÊ TRỌNG TẤN: Không, cậu nhầm đấy. Hồi trẻ mình chỉ đam mê đá bóng.

LÊ DUY:     Đá bóng? ( Lẩm bẩm) Lại mê đá bóng? Thật vớ vẩn..

LÊ TRỌNG TẤN: Này..cậu vừa nói gì..Đá bóng mà là vớ vẩn hả?

LÊ DUY:   À không..Xin lỗi..Nhưng mà..Ai lại mê cái trò mấy chục con người cứ giành nhau một trái bóng..Thật khốn khổ..

LÊ TRỌNG TẤN: Cậu này đúng là..chỉ biết mỗi chuyện vẽ..Nhưng mà thừa nhận, tài năng hội họa của cậu xuất sắc đấy. Này, cậu có thể tặng bức tranh cho tôi làm kỉ niệm được không?

LÊ DUY:    Tặng cho ông? Xin lỗi bác..việc này thì em..không thể tự quyết được.

LÊ TRỌNG TẤN: Sao không tự quyết được. Cậu là tác giả mà..

LÊ DUY:      Nhưng đây là nhiệm vụ mà phòng tuyên huấn Quân đoàn giao. Tôi bắt buộc phải hoàn thành.

LÊ TRỌNG TẤN: Thì ra, đồng chí là người của Cục chính trị Quân đoàn?

LÊ DUY:    Chính xác. Tôi là trợ lí ở phòng tuyên huấn. Quân đoàn giao cho tôi phải ghi chép cho được hình ảnh ngày đầu giải phóng Đà Nẵng để về đặt trong Phòng truyền thống Quân đoàn.

LÊ TRỌNG TẤN: Ra thế. Đúng là một nhiệm vụ rất quan trọng.

LÊ DUY:     Nói thật, làm anh văn nghệ sĩ mà được một người am hiểu nghệ thuật khen ngợi, động viên như bác đây, tôi xúc động lắm. Nếu không phải là nhiệm vụ cấp trên giao, tôi sẽ tặng ngay bức kí họa này cho bác..Được rồi..tôi hứa, nếu còn ở chung mặt trận Quảng Đà này, nhất định tôi sẽ tặng ông một bức tranh khác.

LÊ TRỌNG TẤN: ( Bắt tay Duy Cảm ơn..Tôi sẽ chờ tác phẩm mới của họa sĩ..

LÊ DUY:     Chợt nhìn ra) Thôi chết, Thủ trưởng Cục chính trị của tôi đến rồi..( chạy ra phía Chủ nhiệm CCT, chào) Báo cáo Thủ trưởng, bức kí họa giải phóng Đà Nẵng sắp hoàn thành..

CHỦ NHIỆM CCT: Thế hả, có đẹp không?

LÊ DUY:     Báo cáo, đã có khán giả đầu tiên khen ngợi rồi ạ.

CHỦ NHIỆM CCT: Khán giả đầu tiên là ai thế? ( nhìn tới, bất ngờ đứng nghiêm) Báo cáo đồng chí Trung tướng Tư lệnh..Tôi, đại tá..

LÊ TRỌNG TẤN: Thôi, đang giữa mặt trận mà..đừng xưng hô toáng lên thế.

LÊ DUY:     Hỏi nhỏ Chủ Nhiệm) Thủ trưởng..Đây là…

CHỦ NHIỆM CCT: Không biết hả? Đây là thủ trưởng Lê Trọng Tấn, tư lệnh Mặt trận Quảng Đà..

LÊ DUY:     sững ra) Thôi chết tôi rồi..

CHỦ NHIỆM: Này..có phải nãy giờ cậu đã có gì đó khinh suất với Tư lệnh không?

LÊ TRỌNG TẤN: Không có chuyện gì đâu. Nãy giờ hai chúng tôi nói chuyện hội họa rất tâm đắc. Cậu này được lắm..Nhưng mà.. riêng chuyện bình phẩm bóng đá thì chán..cậu ta chẳng hiểu quái gì hết..

CHỦ NHIỆM CCT: Thế thì Duy mắc trọng tội rồi. Đồng chí nên biết, thủ trưởng Lê Trọng Tấn từ thời trẻ đã là một tiền vệ xuất sắc đấy..

LÊ DUY:     Tiền vệ là thế nào hả thủ trưởng?( Cả hai thủ trưởng bật cười)

LÊ TRỌNG TẤN: Tiền vệ..nói dễ hiểu là người chỉ huy tuyến giữa..Cũng như công việc của tớ bây giờ đây này. Nhận lệnh từ Tổng hành Dinh Hà Nội, đứng ở giữa, chỉ huy các chiến sĩ phía trước như cậu tấn công quét sạch mọi phòng tuyến của kẻ thù. Hiểu chưa?..Nếu không có những biến động lịch sử như đã xẩy ra, có thể nay tớ đã là một huấn luyện viên một đội bóng nào đó. Tiếc thật.

LÊ DUY:    ( Rụt rè) Thủ trưởng..Em xin lỗi..Lúc nãy, em không biết thủ trưởng..Bây giờ, em xin được kính tặng thủ trưởng bức kí họa này..

LÊ TRỌNG TẤN: Sao thế? Biết tớ là thủ trưởng thì cậu có thể bỏ qua nhiệm vụ của đơn vị giao sao?

CHỦ NHIỆM CCT: Có chuyện gì thế?

LÊ TRỌNG TẤN: Lúc nãy, nhìn thấy bức kí họa rất chân thực, tớ có ý xin làm kỉ niệm. Nhưng cậu ta nói đây là nhiệm vụ mà Cục chính trị Quân đoàn giao để treo ở phòng truyền thống nên không thể cho được..

CHỦ NHIỆM CCT: ( nhăn nhó) Cái cậu Duy này cũng thật là…

LÊ DUY:     Báo cáo thủ trưởng, nhiệm vụ Quân đoàn giao nhất định em sẽ hoàn thành. Em sẽ vẽ bức khác ngay lập tức ạ.

LÊ TRỌNG TẤN: Vậy thì tớ sẽ xin cậu bức tranh sắp vẽ..Còn bức này là nhiệm vụ. Đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh từng dạy tôi, với người chiến sĩ quân đội không có gì thiêng liêng, cao cả hơn là việc chấp hành nhiệm vụ.

LÊ DUY:    Đại tướng Tổng tư lệnh..Đúng rồi..Đời em cũng rất vinh dự được Đại tướng chúc hoàn thành nhiệm vụ trước lúc lên đường. Đó là một kỉ niệm thiêng liêng không bao giờ quên được.

CHỦ NHIỆM CCT: Cậu nói thật đấy hả? Đại tướng chúc riêng cậu sao?

LÊ DUY:  Báo cáo, đúng thế ạ. Đại tướng còn chào em trước nữa..

CHỦ NHIỆM CCT: Ôi giời ơi..

LÊ DUY:    Đấy là hôm bác Văn xuống thăm Trung đoàn..Hôm đó còn có bạn gái của em nữa..(Lặng ngắn) Báo cáo hai thủ trưởng, năm 72 khi đơn vị vào chốt thành cổ..nhìn thấy đồng đội hy sinh nhiều quá..nhưng ai cũng quyết tâm, ai cũng lạc quan tin vào chiến thắng, em đã kí họa một bức tranh với ý tưởng nụ cười chiến sĩ cổ thành..Sau đó, em nhờ một người bạn thương binh chuyển ra Hà Nội cho bạn gái của em để nhờ cô ấy chuyển đến kính tặng bác Văn..Đúng là văn nghệ sĩ bọn em hơi bị lãng mạn, cô gái ấy làm sao mà đến được nhà bác Văn giữa những ngày cuộc chiến còn đang khốc liệt như thế, đúng không các thủ trưởng?

LÊ TRỌNG TẤN: ( Bất ngờ reo lên) Không! Không lãng mạn đâu..Đúng là bức kí họa đó rồi..

LÊ DUY:     Thủ trưởng cũng nhìn thấy sao? Mà thủ trưởng thấy ở đâu ạ?

LÊ TRỌNG TẤN: Ở nhà anh Văn. Ngay hôm mình được Bộ Chính trị bổ nhiệm là Tư lệnh cánh quân phía đông này, mình đã được anh Văn gọi đến..Mình nhìn thấy bức kí họa chiến sĩ thành cổ treo bên tường. Mình có hỏi, anh Văn nói bằng một sự xúc động thâm trầm, của một chiến sĩ Thành cổ gửi tặng đấy..Cậu ấy có tài, còn rất trẻ..không biết hiện giờ ra sao..

LÊ DUY:   ( Xúc động) Bác Văn..Cháu không ngờ bác vẫn nhớ cháu, thương yêu cháu đến mức ấy..

LÊ TRỌNG TẤN: Mình không thể nào quên được ngày hôm ấy, bời vì đó lần đầu tiên mình bị anh Cả to tiếng quát.

CHỦ NHIỆM CCT: Thật thế sao? Tôi nghe nói đồngchí Đại tướng Tổng tư lệnh là người rất điềm tính, chưa bao giờ to tiếng với cấp dưới mà….

LÊ TRỌNG TẤN:Đúng thế. Mình theo anh Văn từ chống Pháp đến nay chưa từng thấy anh ấy to tiếng đối với cấp dưới. Nhưng hôm đó rất đặc biệt. Lúc mình nhận nhiệm vụ chỉ huy cánh quân phía đông này cũng là lúc Tổng thống Thiệu kêu gọi tử thủ Đà Nẵng. Ai cũng nghĩ khả năng giải phóng Đà Nắng sẽ rất khó khăn, nhưng Đại tướng lại cho rằng, có khả năng địch sẽ náo loạn bỏ chạy khỏi Đà Nẵng..Anh Văn bảo mình lên kế hoạch đánh Đà Nẵng nhanh nhất có thể, mình thưa với anh là nhanh nhất cũng 5 ngày..Anh nói, 5 ngày thì chúng sẽ rút chạy hết rồi, còn gì mà đánh. Tôi cho đồng chí 3 ngày. Mình kêu lên, thưa Đại tướng, 3 ngày thì không thể. Đại tướng cũng kêu to, anh là Tư lệnh nên tôi mới để anh ra lệnh, nếu không tôi sẽ trực tiếp ra lệnh..:Lúc đó mình chỉ còn biết ngắc ngứ..Báo cáo, tôi xin chấp hành nhiệm vụ..Bây giờ, với thực tế diễn ra mới thấy anh Văn đúng là một vị Tổng tư lệnh thiên tài..Mình còn lâu mới hiểu thấu được tư duy chiến lược của anh ấy..

CHỦ NHIỆM CCT: Đúng. Quân đội ta thật may mắn và hạnh phúc khi có được một người Tổng chỉ huy như vậy. Tôi nghe kể, hồi đánh Điện Biên, chính Đại tướng là người không nhất trí đánh nhanh thắng nhanh..Nhưng hôm nay, chính Đại tướng lại là người kí mệnh lệnh: thần tốc thần tốc hơn nữa..

LÊ TRỌNG TẤN: Đúng thế..Đồng chí Bí thư thứ nhất cũng điện trực tiếp cho chiến trường, nói, Cách mạng hiện nay một ngày bằng 20 năm..Công tác chính lúc này là làm sao để tất cả các cánh quân quán triệt được tinh thần thần tốc ấy..( chợt nghĩ ra)Đúng rồi..Này, họa sĩ. Tôi giao cho đồng chí một nhiệm vụ..Không cần vẽ tranh tặng tôi nữa. À, không phải không cần mà là để sau.. Đồng chí hãy tư duy hay xúc cảm gì đó..để truyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng bằng một bức tranh cổ động..Đúng, tranh cổ động thật hoành tráng toát lên cho được tinh thần và khí thế của mệnh lệnh Đại tướng.

LÊ DUY:     Mệnh lệnh thế nào ạ?

LÊ TRỌNG TẤN: ( lấy ra mảnh giấy từ xắc-cốt) Đây..

LÊ DUY:     Đọc to) Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa..Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. ( Âm nhạc trào lên)

CHỦ NHIỆM CCT: Thế nào, họa sĩ..đồng chí có xúc động không?

LÊ DUY:  Có..em không thể nói được cảm xúc lúc này..nó rạo rực vô cùng..phấn chấn vô cùng..

CHỦ NHIỆM CCT: Thế thì vẽ đi..Thần tốc lên..

LÊ DUY:     Nhưng mà…thủ trưởng để em bình tĩnh lại đã..Em chưa thể..

CHỦ NHIỆM CCT: Cái cậu này..đã nói là thần tốc còn để em bình tĩnh cái gì nữa..

LÊ TRỌNG TẤN: Đồng chí Chủ nhiệm chính trị đừng giục như thế. Sáng tạo tác phẩm văn nghệ rất cần một sự tĩnh tâm…Không thể hô xung phong là được đâu.

LÊ DUY:    Báo cáo thủ trưởng, lời của Đại tướng không khác gì lời hịch của non sông..Tôi vô cùng xúc động..nên có phần bối rối..Thật sự tôi không biết bắt đầu từ đâu..

LÊ TRỌNG TẤN: Theo mình, cậu nên bắt đầu bằng chính niềm kiêu hãnh của bản thân.

LÊ DUY:     Niềm kiêu hãnh của bản thân?

LÊ TRONG TẤN: Đúng thế. Bản thân các bạn là thế hệ thanh niên mang tên Hồ Chí Minh..Chúng ta đang thần tốc tiến quân từ con đường cũng mang tên Hồ Chí Minh..Bộ Chính Trị vừa cho ý kiến nhất trí với đề xuất của Trung ương Cục Miền Nam đặt tên chiến dịch cuối cùng này là chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng ta sẽ thần tốc tiến vào giải phóng thành phố cũng sẽ được mang tên Người Hồ Chí Minh để kết thúc 30 năm chiến tranh, thu giang sơn về một mối..Bắc Nam đoàn tụ một nhà, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu..

LÊ DUY: ( Lẩm nhẩm) Thế hệ Hồ Chí Minh..con đường Hồ Chí Minh..Chiến dịch Hồ Chí Minh..Đích đến thành phố Hồ Chí Minh..Rồi, tôi đã tìm thấy tứ rồi..Cảm ơn các thủ trưởng!

CHỦ NHIỆM CCT: Hay lắm..Vậy thì vẽ đi..Thần tốc thần tốc hơn nữa. Táo bạo táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng MiềnNam, quyết chiến và toàn thắng!

                     ( Âm nhạc trào lên giục giã. Bài hát Tiến về Sài Gòn náo nức, sôi sục..Ánh sáng sân khấu tối lại. Trên phông hiện lên cảnh những đoàn quân hành tiến đánh vào các hướng giải phóng Sài gòn..Lửa đạn ngút trời. Nhiều chiến sĩ ngã xuống..)

                    -Đèn sáng trong màn lửa khói. Sân khấu diễn ra cảnh chiến đấu. Lê Duy tay cầm máy ảnh cùng lao lên, chiếm vị trí thuận lợi để ghi hình. Bất ngờ anh trúng đạn vào mặt..Hai tay Duy ôm lấy mắt. Nhiều chiến sĩ chạy đến đỡ anh.

CHIẾN SĨ 1:Họa sĩ! Họa sĩ bị thương rồi các đồng chí ơi..( Mấy chiến sĩ lao đến..)

LÊ DUY:    Mặc kệ tôi..Các đồng chí hãy xông lên..Thần tốc..thần tốc hơn nữa..Chúng ta đã đến Sài Gòn rồi..

CHỦ NHIỆM CCT: Lê Duy! Lê Duy..

CHIẾN SĨ 1: Báo cáo thủ trưởng, đồng chí ấy bị thương vào mắt, rất nguy hiểm..

CHỦ NHIỆM CCT: Trời ơi..Một họa sĩ tài năng như thế mà bị thương vào mắt thì làm sao còn có thể vẽ được nữa..Đồng chí Duy..Đồng chí có nhìn thấy tôi không? Mình là Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn đây mà..

LÊ DUY:    Thủ trưởng..Em không nhìn thấy thủ trưởng..Nhưng em vẫn nhìn thấy màu..Màu đỏ..màu xanh..

CHIẾN SĨ 1:Là màu của lá cờ chúng ta đấy..Rất nhiều cờ Duy ạ..

LÊ DUY:    Thế còn thành phố..Thành phố mang tên Bác Hồ có màu gì?..

CHỦ NHIỆM CHÍNH TRỊ: Màu vàng..Rất nhiều hoa mai và cờ đỏ sao vàng..

LÊ DUY:    Cảm ơn thủ trưởng..Em sẽ nhớ màu vàng..

CHỦ NHIỆM CHÍNH TRỊ: Các đồng chí đưa ngay Duy về trạm cứu thương nhanh lên. Hãy truyền đạt mệnh lệnh của tôi, bằng mọi giá phải cứu được đôi mắt của Họa sĩ..

CHIẾN SĨ:   Rõ!..( định đưa đi)

LÊ DUY:    Không..Hãy cho tôi nhìn thấy thành phố Hồ Chí Minh..Thế hệ Hồ Chí Minh..Chiến dịch Hồ Chí Minh..Thành phố Hồ Chí Minh..Lệ Giang ơi..giờ này em đang ở đâu..Em có nghe tiếng hò reo đang vang dội nơi này không? Bác Hồ ơi…Đại tướng ơi..Chúng cháu đã đến đích rồi..

                     ( Ánh sáng chụm lại nơi hình ảnh Lê Duy và các đồng đội..Bài hát Mùa xuân trên thành phố HCM vang lên xao xuyến lòng người)



Đèn tắt.





Cảnh 8

                     ( Hành lang của phòng chữa mắt bệnh viện 108. Lê Duy với tấm băng bịt mắt, ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Trước mắt anh là một bức tượng đang nặn dở chưa rõ tạo hình gì..Mồ hội lấm tấm trên trán. Lê Duy tỏ ra thiếu tự tin, luôn cáu kỉnh..Có lúc anh bực mình đập cả nắm đất lên mặt tượng..)

LÊ DUY:     Vô dụng..mình đúng là vô dụng..

                     ( Bác sĩ dẫn Lệ Giang vào đúng lúc Lê Duy đang cáu. Lệ Giang đứng lặng nhìn Duy, đau đớn nghẹn ngào..Bác sĩ bước tới..)

BÁC SĨ:       Này, lại cáu rồi..Tôi đã bảo, muốn chữa khỏi mắt trước hết tinh thần phải rất lạc quan..Cậu mà cứ cáu gắt kiểu này thì rất dễ xung huyết lên giác mạc, không chừng đôi mắt sẽ hỏng hoàn tàn đấy.

LÊ DUY:     Thì còn hy vọng gì nữa mà bác sĩ bảo không hỏng hoàn toàn..

BÁC SĨ:      Sao lại không còn hy vọng..Không hy vọng thì bệnh viện giữ cậu lại làm gì? Mà nếu thực sự y học không thể chữa được cho mắt cậu sáng trở lại thì ít ra chúng tôi cũng chữa cho cậu hết đau đớn..

LÊ DUY:     Hết đau đớn..Nhưng tôi là một họa sĩ..Tôi cần đôi mắt, tôi  cần nhìn thấy ánh sáng và màu sắc chứ tôi đâu có sợ đau đớn?

BÁC SĨ:       Cậu Duy..Tôi được biết đồng chí là một dũng sĩ đánh Mỹ..Một dũng sĩ tức là người có ý chí chiến đấu phi thường. Chúng tôi đang điều trị không phải cho một bệnh nhân bình thương mà cho một con người có ý chí phi thường. Duy hãy tin ở chúng tôi như từng tin vào những đồng đội trong chiến đấu, hãy tin vào kết quả điều trị như tin vào thắng lợi của những trận đánh sắp diễn ra..Được không Duy?

                     ( Duy im lặng..cúi đầu nấc từng tiếng. Lệ Giang chạy đến ôm lấy Duy)

LỆ GIANG: ( Nấc lên) Anh Duy..

LÊ DUY:      Bật dậy) Ai?..

LỆ GIANG:  Anh không nhận ra em sao? Lệ Giang của anh đây?

LÊ DUY:    (Hốt hoảng) Trời ơi..Giang..( ôm lấy..Bác sĩ vội tránh đi) Sao em lại biết anh ở đây? Ai đã nói với em thế?

LỆ GIANG: Trời nói. Tại sao anh lại dấu em, tại sao anh không nhắn cho em biết..Sao anh ác thế? Anh có biết anh em nhớ anh, chờ tin anh đến mức nào không?..

LÊ DUY:    Thì thầm)Người nào lại báo tin cho Giang..Sao họ lại nhẫn tâm thế..

LỆ GIANG: Nhẫn tâm? Người ta quan tâm đến anh, quan tâm đến tình yêu của chúng mình mà anh lại nói họ nhẫn tâm ư?

LÊ DUY:     Đừng..Giang ơi, anh muốn xin em một điều..em đừng nhớ anh nữa..Đừng thương anh nữa, được không?

LỆ GIANG: Anh nói gì lạ thế..Tại sao anh lại có thể nói với em những lời như thế, anh Duy?..( Ôm lấy Duy nấc lên) Anh có biết được bao nhiêu năm nay, em mong anh..em chờ anh khắc khoải đến mức nào không..Bức kí họa ngày ấy anh tặng, em vẫn giữ bên mình kể cả những ngày đi sơ tán. Đêm nào em cũng mơ thấy anh về, ngồi bên em..Hai chúng mình nhìn nhau..Em để cho đôi mắt anh ngắm mắt em rất lâu..rất lâu..vì ngày trước em đã không để cho anh được nhìn em như vậy. Em nợ anh đôi mắt..

LÊ DUY:    Em nợ anh đôi mắt? Nhưng anh bây giờ thế này thì còn ngắm nhìn em được nữa sao?..

LỆ GIANG: ( To tiếng) Anh thế này là thế nào? Anh không còn là Lê Duy của em ngày trước nữa sao?

LÊ DUY:     Đúng thế. Anh không còn là Lê Duy ngày nào..Anh..bây giờ đã là một người tàn phế..

LỆ GIANG: Không. Với em, anh vẫn là Lê Duy của em ngày trước, nếu có khác thì chính là khác cái điều mà chú bác sĩ vừa nói đấy..Anh đã không còn ý chí và sự lạc quan của người thanh niên dám gác bút nghiên, rời giảng đường đại học,cầm súng ra chiến trường, dám đối mặt với sự sống và cái chết.

LÊ DUY:     ( Cười chua chát) Em đừng vịn vào lời mấy ông bác sĩ ấy..Họ làm thầy thuốc đương nhiên phải nói như vậy với người bệnh. Đối với anh cái ý chí cần có lúc này là dám đối diện sự thật…cái sự thật kinh khủng và phũ phàng đã đến với cuộc đời anh.

                     ( Bất ngờ có tiếng Đại tướng từ bên ngoài)

TIẾNG ĐẠI TƯỚNG: Sự thật như thế nào?

LÊ DUY:     Sững ra) Ai thế?

                     ( Đại tướng bước vào. Ông đội mũ cát-bi che khuất mái tóc đã bạc)

LỆ GIANG:  Ôi, bác Văn!..

LÊ DUY:      Trời ơi..Đại tướng?..Đại tướng đến đây sao?

ĐẠI TƯỚNG: ( Bước tới chụp hai tay vai Duy) Ừ..mình đến thăm Duy đây.

LÊ DUY:    Bác ơi..( ôm lấy Đại tướng khóc. Đại tướng xoa tay lên lưng Duy an ủi. Một lúc)

ĐẠI TƯỚNG: (Một lúc) Thôi nào..có người yêu đứng cạnh mà không sợ bị chê cười hả? Là người lính, cả cuộc đời đối diện với cái chết, có gì phải buồn rầu vì thương tật.

LÊ DUY:   Đứng thẳng dậy) Không, thưa Đại tướng, cháu không hề sợ chết. Cháu chỉ buồn là từ nay có thể không thể cầm cọ được nữa..Nếu cháu không vẽ được..thì cuộc sống sẽ ra sao?

ĐẠI TƯỚNG: Ai nói cháu không vẽ được?

LÊ DUY:     Nhưng đôi mắt cháu..

ĐẠI TƯỚNG:Bác biết. Với một họa sĩ ánh sáng và màu sắc là quyết định. Nhưng cháu có biết người nhạc sĩ sáng tác âm nhạc thì cần nhất là gì không?

LÊ DUY:     Thưa bác..là đôi tai, là âm thanh cuộc sống ạ.

ĐẠI TƯỚNG:Đúng thế. Nhưng Bec-thô-ven là một nhạc sĩ thiên tài bậc nhất thế giới lại bị bệnh về tai. Một trong những giao hưởng hay nhất của ông được viết khi đôi tai hoàn toàn không còn nghe được gì nữa. Khi nào cháu khỏi bệnh đến nhà tôi chơi, tôi sẽ đàn cho Duy nghe bản nhạc đó.

LÊ DUY:     Thật thế sao?..

ĐẠI TƯỚNG: ( Ấn nhẹ Duy ngồi xuống ghế) Ngồi xuống nào..(Lệ Giang vội chạy vào trong lấy thêm ra chiếc ghế)

LỆ GIANG: Mời bác ngồi ạ..

ĐẠI TƯỚNG: Cảm ơn cháu..( ngồi xuống cạnh Duy) Dĩ nhiên không ai muốn mình bị tàn tật. Càng không ai muốn phải chết.Nhưng vì độc lập- tự do của dân tộc chúng ta đã phải mất hàng triệu sinh mạng nhân dân và chiến sĩ. Thêm hàng vạn con người khác phải bị mất đi những phần quan trọng nhất của cơ thể. Nếu tất cả những người đó đều cho rằng mình sẽ không còn giá trị gì nữa thì đất nước này sẽ ra sao? Bác Hồ đã dạy, tàn nhưng không được phế…Muốn vậy, mỗi người phải tự tìm thấy cho được sức sống mới trong bản thân mình.

LÊ DUY:    ( Thì thầm) Sức sống mới?..Nhưng..cái sức sống ấy nó ở đâu hả bác?

ĐẠI TƯỚNG: Ở ngay trong bản thân mỗi người. ( dừng ngắn) Đồng chí Duy có nhớ lời tôi nói hôm tiễn chân sư đoàn vào mặt trận Quảng Trị không? Tôi nói, thế hệ các đồng chí hôm nay khác với lớp cha anh ngày chống Pháp chính là tuyệt đại bộ phận chiến sĩ chống Mỹ đều được học hành tử tế.

LÊ DUY:     Cháu nhớ..nhớ rất kĩ ạ..

ĐẠI TƯỚNG:Tôi muốn nói thêm với Duy điều này. Được học tức là phải biết tư duy mới hơn về cuộc sống và lẽ sống. Duy đã học Đại học chắc cũng có nghiên cứu về triết học cổ đại Hy Lạp. Một trong những tư tưởng triết học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại là con người phải tự nhận thức bản thân. Họ cho rằng con mắt thường của chúng ta chỉ có thể thấy được ánh sáng ngoài đời..Nhưng ánh sáng ngoài đời thì rất rối rắm..đôi khi lại không chân thực nữa. Con người phải biết sử dụng ánh sáng nội tại để nhận biết cuộc đời và thế giới..

LỆ GIANG: Ánh sáng nội tại là thế nào hả bác?

ĐẠI TƯỚNG: Theo Sô- crat một triết gia thuộc hàng vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại đã nói, đại ý : Anh Sáng Nội Tại chính là luân lý Đạo Đức và tinh thần sáng suốt. Ánh sáng nội tại luôn rực rỡ như ánh mặt trời,tỏa sáng khắp nơi. Không có thứ ánh sáng nào từ bên ngoài có thể lấn át được…Bác muốn nói thêm với hai cháu, ánh sáng nội tại chính là từ trái tim, và tâm hồn của mỗi chúng ta. Ánh sáng đó sẽ giúp ta đủ tự tin, đủ sáng suốt để nhận thấy mọi giá trị thật giả của sự vật cho dù chúng có thay màu đổi sắc đến đâu..

LÊ DUY:     ( Xúc động) Bác Văn..cháu cảm ơn bác..Nếu ngày hôm nay không có bác đến thăm thì…Mà làm sao bác lại biết cháu đang điều trị ở đây?

LỆ GIANG: Anh Duy..Người nhắn tin cho em biết anh đang điều trị ở đây chính là đồng chí bảo vệ chỗ nhà bác Văn đấy..

LÊ DUY:     Trời ơi..Bác Văn..Bác bận trăm công ngàn việc như thế mà vẫn nhớ đến cháu...Lại còn chăm sóc, vun vén cho tình cảm của bọn cháu nữa..Cháu làm sao báo đáp được công ơn của bác đây.

ĐẠI TƯỚNG: Trước đây bác chọn nghề dạy học cũng vì muốn truyền đạt cho thế hệ sau những gì tốt đẹp nhất của lịch sử dân tộc. Rồi bác lại theo Đảng, theo Bác Hồ đi làm cách mạng cũng chỉ vì muốn cho muôn đời con em mình được hưởng tự do, hạnh phúc..Nếu không vì hạnh phúc của thế hệ trẻ các cháu thì bác đi đánh giặc mấy chục năm nay để làm gì? Nếu các cháu muốn đền đáp công ơn cha ông thì tốt nhất hãy trân trọng cuộc sống và hạnh phúc của chính bản thân mình..Nhớ chưa?

                    ( Cả Giang và Duy đều sà vào vòng tay Đại tướng và cùng thốt lên)

CẢ HAI:     Đại tướng!..Chúng cháu nguyện sẽ xứng đáng với sự thương yêu của bác.

                      ( Xúc động dâng tràn. Âm nhạc ngân lên tha thiết.)



Đèn tắt.





Cảnh 8

                     Không gian bất ngờ tĩnh lặng. Sân khấu sáng từ từ..Cảnh nhà riêng của Đại tướng. Ở vị trí trang trọng là bức tượng Bác Hồ ngồi đọc báo. Phía tường có chiếc đàn Piano. Bản concerto quen thuộc vang lên êm ái. Đại tướng đang ngồi thiền, mắt khẽ khép lại. Bây giờ khán giả mới có điều kiện nhìn rõ mái tóc Đại tướng đã bạc trắng, phủ dài.

                    (Hình ảnh hai người vợ thương yêu hiện lên từ tâm tưởng của Đại tướng)

NTQ Thái:  Giáp ơi..Nghe nói những lá thư Thái gửi cho Giáp từ ngày đó đến nay Giáp vẫn giữ…Mà sao anh lại cứ nặng lòng mãi thế?

Tiếng nói trong tâm tưởng Đại tướng: Tôi nặng lòng với em cũng chính là nặng lòng với những tháng năm đầu được theo Bác Hồ làm cách mạng. Năm tháng ấy đẹp biết bao. Mà nếu không có những thắng năm ấy..cuộc đời chúng ta có lẽ đã rẽ theo một hướng khác..

Đ B Hà:       Nếu chúng ta không biết thương yêu trân trọng quá khứ vẻ vang đó thì rồi tương lại liệu có còn trân trọng chúng ta không?

NTQ Thái:  Cảm ơn Hà..Mấy chục năm ròng rã, Hà đã thay chị tiếp sức cho anh ấy đi trọn vẹn quãng đường nặng nhọc..Mấy chục năm ấy biết bao nhiêu tình.

Đ B Hà:       Chăm lo cho anh ấy không chỉ là tình nghĩa vợ chồng mà còn là một nhiệm vụ của cách mạng. Hà chỉ ân hận một điều là đôi lúc vì rất nhiều lí do mà Hà vẫn không lo được trọn vẹn cho anh. Anh ấy vẫn phải chịu đựng nhiều vất vả thiếu thốn..( Ứa nước mắt) Đáng ra..anh ấy phải được thanh thản hơn.

Tiếng nội tâm của Đại tướng: Hà đừng nói vậy. Nghĩa tình của Hà mấy chục năm nay cũng như tình yêu mà Thái đã dành cho tôi ngày xưa là vô cùng to lớn..Tôi mang ơn cả hai người. Nhớ lời Bác Hồ từng nói với tôi cái đêm tôi đón Bác từ bên kia biên giới trở về. Bác nói: chúng mình làm cách mạng là dĩ công vi thượng..Dĩ công vi thượng..Cho nên giờ đây tôi thấy thanh thản vô cùng. Cuộc sống đời thường không có gì khiến chúng ta phải nao núng cả. Bởi vì ngoài công tác cách mạng, chỉ huy bộ đội đánh giặc, chúng mình vẫn còn có thể dạy học, dịch sách để sống kia mà..Không có khó khăn nào làm nhụt chí chúng ta..Phải không?

Đ B Hà:       Anh nói rất đúng. Không có gì có thể làm nhụt chí chúng ta.

NTQ Thái:  Không có gì có thể làm cho tình thương yêu của chúng ta phai nhạt..

CẢ HAI:      Cảm ơn cách mạng. Cảm ơn cuộc đời..( Cả hai khuất đi)

                    - Chiến sĩ bào vệ bước vào, nhìn thấy Đại tướng ngồi thiền vội dừng lại, định quay ra.

ĐẠI TƯỚNG:Có chuyện gì không đồng chí?

CHIẾN SĨ BV: Thưa Đại tướng..có anh Lê Duy và cô Lệ Giang muốn vào thăm Đại tướng.

ĐẠI TƯỚNG: ( Mở choàng mắt, nói vội) Mời vào.

CHIẾN SĨ BV:Rõ! ( quay ra..một lúc Lệ Giang dắt Lê Duy- tay vẫn ôm giá vẽ- vào)

ĐẠI TƯỚNG:Ồ..Lê Duy..Về nước khi nào? Mắt có khá hơn không?

LÊ DUY:   Thưa bác, nhờ sự quan tâm của bác, cháu đã được các bác sĩ Hàn Quốc mổ mắt..Cháu vừa về nước sáng nay và muốn được đến thăm sức khỏe bác, được nói lời cảm ơn bác..

ĐẠI TƯỚNG: Gì mà vội thế..Ờ, thực ra mình cũng rất mong tin cậu..Vấn đề mình muốn biết là hiện tại mắt Duy thế nào rồi? Có thể nhìn được tốt không?

LÊ DUY:    Thưa bác..sau khi mổ..mắt cháu đã có thể nhìn thấy gần..Như thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi..

ĐẠI TƯỚNG:Nói vậy..có nghĩa là y học cũng chỉ có giới hạn..( bỗng trầm giọng) Mà suy cho cùng, cái gì cũng có giới hạn của nó, kể cả sự sống con người.. (Cười nhẹ, rồi ấn vai Duy ngồi xuống ghế) Thôi, ngồi xuống đây..Cả Lệ Giang nữa, ngồi uống nước đi cháu..

LÊ DUY:     ( Ngồi xuống lại đứng lên ngay) Thưa bác..chiều nay cháu đến thăm bác và cũng xin được vẽ chân dung bác..

ĐẠI TƯỚNG: (Vội xua tay) Thôi thôi..mắt chưa khỏi hẳn, cậu chưa cần vẽ vời gì vội..Hơn nữa, bức kí họa của cậu ngày còn chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị gửi ra tặng mình vẫn còn cất giữ mà..

                       ( Chiến sĩ bảo vệ vào)

CHIẾN SĨ BẢO VỆ: Báo cáo thủ trưởng, có một chú Cựu chiến binh nói là từ Lệ Thủy, Quảng Bình ra xin được thăm Đại tướng..

ĐẠI TƯỚNG: Từ Lệ Thủy ra..( hơi lúng túng nhìn Duy)

LÊ DUY:     Thưa bác..Bác cứ tiếp khách hoặc làm công việc của bác, cháu không làm mất thì giờ của bác đâu ạ.

ĐẠI TƯỚNG:Nhưng như vậy Duy làm sao vẽ được?

LÊ DUY:    Thưa bác..Cháu sẽ không nhìn chân dung bác bằng mắt..Cháu xin được vẽ bác bằng ánh sáng nội tại như lời bác đã dạy cháu hồi đầu năm.

ĐẠI TƯỚNG:Ánh sáng nội tại?..Được..Cháu cứ thử đi..( với chiến sĩ bảo vệ) Nào, đồng chí mời đồng hương của tôi vào.

CHIẾN SĨ BẢO VỆ: Rõ.( Quay ra)

                     (Lệ Giang kéo chiếc ghế cho Lê Duy ngồi vào một góc xa. Lê Duy tự lấy ra một chiếc khăn voan đỏ ra hiệu cho Lệ Giang bịt mắt mình lại. Đại tướng theo giõi và tỏ ra ngạc nhiên)

LÊ DUY:     Xin phép bác cho cháu thực hiện nhiệm vụ..

ĐẠI TƯỚNG: Nhiệm vụ nào, có ai giao nhiệm vụ cho cháu đâu..

LÊ DUY:    Là trái tim cháu ạ..Nhiệm vụ từ trái tim chiến sĩ đối với người cha, người anh cả của mình..

                     ( Một cựu chiến binh đã đứng tuổi, với bộ trang phục quân đội đã bạc màu, tay xách túi quà nặng bước vào đứng chào theo quân lệnh)

CHẤT:        Báo cáo Đại tướng..Tôi đại úy Trần Chất, cựu chiến binh xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình..Cháu được giao nhiệm vụ mang quà quê hương xã nhà ra thăm sức khỏe Đại tướng. Hết!

ĐẠI TƯỚNG: ( Bắt tay thân thiết) Cảm ơn..Cảm ơn các đồng chí Cựu chiến binh và bà con quê nhà..Nào, ngồi xuống..uống nước, rồi kể chuyện quê mình cho tôi nghe..

CHẤT:        Thưa Đại tướng, cho phép cháu được hoàn thành nhiệm vụ đã..( mở túi vải, đặt lên bàn rất nhiều cam).

ĐẠI TƯỚNG:Gì thế? Cam hả?

CHẤT:        Vâng ạ. Báo cáo Đại tướng, đây là Cam ở vườn kinh tế của Cựu chiến binh xã..Báo cáo Đại tướng, năm ngoài Quảng Bình vừa lụt vừa bão to, thiệt hại quá nặng nề..Nhưng rồi trong họa lại có phúc. Năm nay đồng ruộng, vườn tược phù sa nhiều nên cây trái rất tốt. Đây chính thành quả của đất đai sau một mùa lũ lụt.

ĐẠI TƯỚNG: ( Rơm rớm nước mắt) Miền trung mình..đúng là còn gian khổ quá..( Ánh mắt lại vui lên) Nhưng đồng chí nói rất đúng..Trong  họa có phúc..Hồi trước Bác Hồ vẫn thường hay nhắc một châm ngôn trong chuyện dân gian Trung Quốc, họa: phúc chi sở ẩn, phúc: họa chi sở phục..Nghĩa là trong họa có cái phúc ẩn, trong phúc có cái họa đang phục..Tôi rất mong bà con đồng chí quê hương Quảng Bình hãy biến mọi cái họa thành ra thuận lợi, cũng như Đảng ta nói, biến mọi nguy cơ thách thức thành cơ hội phát triển..

CHẤT:         ( Đứng dậy) Báo cáo Đại tướng, cháu đã hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ cháu xin phép Đại tướng quay ra ga cho kịp chuyến tàu về lại Quảng Bình ạ.

ĐẠI TƯỚNG:Không được, sao lại vội thế. Đồng chí phải ở lại, ăn cơm với tôi, rồi còn kể chuyện quê hương cho tôi nghe nữa chứ..

CHẤT:         Báo cáo bác..Nhiệm vụ của cháu là chuyển quà quê hương đến tận tay của bác..

ĐẠI TƯỚNG: Ra thăm đồng hương mà cũng là nhiệm vụ sao?

CHẤT:        Vậng ạ. Ngày trong quân ngũ, các thủ trưởng vẫn nhắc chúng cháu lời dặn của Tổng Tư lệnh, người chiến sĩ không có niềm vui hạnh phúc nào hơn là hoàn thành mọi nhiệm vụ trên giao. Không có gì thanh thản, bình yên hơn là được cấp trên đánh giá đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày hôm nay sẽ là một ngày vui và thanh thản của cháu ạ.

ĐẠI TƯỚNG:( Cảm động) Tôi cũng vậy..( Chợt nhớ ra) Nhưng mà này…cháu Giang..bây giờ đến lượt nhiệm vụ của cháu..

LỆ GIANG: Thưa bác, cháu sẵn sàng ạ.

ĐẠI TƯỚNG: Cháu lấy chiếc đĩa trong kia bày cam ra, lấy cây dao nhỏ chỗ kia cắt ra để mọi người cùng được hưởng vị ngọt ngào của quê hương Quảng Bình chúng ta.

LỆ GIANG: Cháu xin chấp hành mệnh lệnh ạ..( cười rất vui và mang túi cam đi)

LÊ DUY:     Thưa bác..Cháu cũng đã hoàn thành nhiệm vụ ạ..

                     ( Duy kẹp bức tranh vào tấm gỗ trân trọng dâng lên Đại tướng. Đại tướng và Chất cùng xúm vào xem)

ĐẠI TƯỚNG: Đẹp quá..Đã có nhiều họa sĩ vẽ chân dung tôi, kể quả họa sĩ nổi tiếng nước ngoài nữa. Nhưng với tôi, đây là bức chân dung đẹp nhất..Cảm ơn Lê Duy..( Ngước lên nhìn bức tượng Bác Hồ) Tôi sẽ đặt bức tranh này dưới chân tượng Bác Hồ..Cả cuộc đời tôi nguyện đi theo chân Bác…

                     ( Đại tướng trân trọng đặt bức chân xuống dưới chân tượng Bác Hồ..Rồi ông đứng lặng nhìn Bác)

                     (Trên phông lớn phục hiện lại cảnh lễ phong hàm Đại tướng. Võ Nguyên Giáp còn rất trẻ, đứng nghiêm. Bác Hồ cầm trong tay tờ quyết định..)

HỒ CHÍ MINH: Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân..tôi..( Bỗng Bác dừng lại, lấy khăn chấm nước mắt..Một lúc) Nhân danh Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…

                     ( Một không khí trang nghiêm  và xúc động. Đại tướng nhận tờ quyết định, nén cảm xúc)

ĐẠI TƯỚNG: Hôm nay tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc được nhận trọng trách này. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, với Quốc hội và nhân dân cả nước…Tôi cũng bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả đồng bào và chiến sĩ đã hi sinh xương máu vì cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc..Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm tròn nhiệm vụ,  góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất tổ quốc..

                     ( Hình ảnh trên phông mất đi..một màu hồng rực rỡ rồi sau đó chuyển qua màu xanh êm dịu. Đại tướng vẫn đứng nghiêm trước tượng Bác)

Lời nội tâm của Đại tướng:Thưa Bác! Nhiệm vụ Bác giao tôi đã hoàn thành..Cũng như người cựu chiến binh kia..giờ này lòng tôi rất thanh thản..

                    ( Vừa lúc Lệ Giang mang đĩa cam ra..Mỗi người cầm lên một múi cam. Đại tướng cầm múi cam )

ĐẠI TƯỚNG: Mời mọi người ăn cam..Cam của Quảng Bình quê tôi đấy. Cháu Giang..Cháu từng hứa sẽ hát cho bác nghe bài hát Quảng Bình quê ta ơi..

LỆ GIANG:  Dạ, cháu nhớ ạ.

ĐẠI TƯỚNG:Vậy cháu hát đi, bác đệm đàn cho. Cung fa trưởng đúng không?

                     ( Nói rồi Đại tướng quay nhanh ngồi vào đàn dạo khúc dạo đầu bài hát. Lệ Giang cất tiếng hát tha thiết..Trên phông hiện lên hình ảnh quê hương Quảng Binh vô vàn yêu thương..Tay Đại tướng dừng lại..)

Lời nói nội tâm của Đại tướng: Thưa đồng bào..Nhiệm vụ đồng bào giao phó tôi đã hoàn thành. Cả cuộc đời tôi không có một ham muốn gì ngoài việc được làm tròn nhiệm vụ của một đứa con dân Việt. Nếu được sống thêm ngày nào tôi nguyện sẽ phấn đấu hết sức mình phục vụ cho Đảng, cho đất nước và cho nhân dân..

                    ( Bất ngờ trên phông hiện lên cảnh lễ tang đưa tiễn Đại tướng..Những hình ảnh tư liệu vô cùng xúc động diễn ra nối tiếp nhau trong bài hát: Người về đất mẹ..)

Lời Đại tướng vọng vang: Chào đồng bào, đồng chí,..tôi đi!

                     ( Trên sân khấu, hình ảnh Đại tướng ngồi im bên chiếc đàn Piano như một pho tượng.)



MÀN.



Trúc Sơn Trang Đông Hà –

                                                      Cửa Việt Quảng Trị, tháng 3/2014.

              


 Đăng ngày 17/08/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan